Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Uống Lộn Thuốc Tiên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9373 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Uống Lộn Thuốc Tiên
Bình Nguyên Lộc

Phần VI

Minh không cãi được sự thật.

Một chiếc xe nhà binh chạy ngang qua đó. Xe chở đầy nhóc quân nhân, có lẽ là binh nhì, vì họ có tác phong của binh nhì bất kỳ nước nào. Họ vui tính, và hay trêu. Họ hò hét những gì không rõ, nhưng cả hai người đều lượm được vài tiếng rơi rớt đó đây: - xứng đôi - mùi - sao không vào sâu trong sở ?

Mãi cho đến bây giờ, Huyền Trân chưa hề nghĩ gì cả về người con trai bên cạnh nàng. Trên xe hoa mấy tháng trước, quả cái ý uống lộn thuốc tiên có lởn vởn qua trí óc nàng thật đó, nhưng rồi nàng quên mất ý ấy luôn.

Chiều hôm nay những yêu ngôn pha trò của mấy anh binh nhì bỗng thình lình gieo mầm nghĩ quấy vào tâm trí nàng.

Xứng đôi ! Huyền Trân chợt ý thức về niên kỷ và phong độ của Minh. Quả Minh xứng đôi với nàng thật. Họ cùng lứa nhau. Minh có tướng sinh viên, tuy không bảnh trai nhứt, nhì nhưng người ngoài trông vào phải cho ngay rằng chàng đồng giai cấp với nàng.

Mùi ? Khi mới lên xe, nàng không biết Minh sẽ đưa nàng đi đâu. Tới nơi, thấy cảnh hoang vắng, nàng không sợ sệt vì tín nhiệm Minh, nhưng cũng không ham vì nàng không tìm cảnh tịnh nầy làm gì hết.

Sở dĩ nàng không phản đối vì tự biết mình trong sạch lòng và biết Minh đủ lễ. Nàng cũng không sợ ai bắt gặp rồi ngộ nhận vì hàng mười lăm phút mới có một chiếc xe chạy ngang qua đây mà phần lớn là xe nhà binh.

Tiếng “mùi” nầy làm cho nàng giựt mình chợt thấy ngay rằng Minh và nàng có vẻ là một đôi nhơn tình trốn vào nơi hẻo lánh nầy để nhỏ to tâm sự.

Sao không vào sâu trong sở ? Tự nhiên Huyền Trân xấu hổ đỏ cả mặt. Nàng  không dám nghĩ xa về những gì mà câu sau rốt nầy gợi ra.

Huyền Trân tin rằng những ý gì lướt qua trí nàng, hẳn cũng lướt qua trí của Minh và chắc chắn rằng hai người đang nghĩ y như nhau trong giây phút nầy. Có một sự cảm thông giữa hai người mà sự cảm thông đó do những điều kiện khách quan gây ra, chớ không phải do trao đổi cảm nghĩ của họ.

Chỉ bây giờ, Huyền Trân mới muốn rời khỏi chỗ nầy. Nàng sợ hãi những ý quấy vừa hình thành trong trí nàng. Nhưng ý nầy mới chỉ là bào thai thôi, không nên để nó phát triển ra, trưởng thành mà không tốt.

-     Thôi về đi Minh !

Mặt trời đốt đỏ đầu rặng cao su ở hướng Tây và một ngọn gió mát nhè nhẹ thổi qua. Tiếng sáo nhà ai mọc thảng lên, cao vút, rồi như bị gió đàn ngọn, hạ lần xuống chìm lần trong giọng trầm buồn.

-     Minh chưa muốn về. Nếu Huyền Trân cho phép, Minh ở lại vài mươi phút nữa.

Không hiểu do tánh yếu đuối, hay do lòng tốt muốn ban ân cho kẻ giúp việc mình, hay chính cái phần sâu kín của lòng Huyền Trân xui khiến mà nàng làm thinh, mặc nhận lời cầu xin ấy.

Hai người ngồi đó mà làm thinh như vậy không biết trong bao lâu.

-     Huyền Trân ơi !

-     Gì đó Minh ?

-     Minh van lạy Huyền Trân đừng có thử chết nữa nhé.

-     Sự chết sống của Huyền Trân nào có dính líu đến Minh đâu.

-     Đành rằng Minh không có quyền xen vào chuyện riêng của Huyền Trân, nhứt là chuyện lòng, nhưng không hiểu sao Minh cứ muốn thấy Huyền Trân sống. Ngăn một người quyên sinh là chuyện mà bất kỳ ai cũng làm, đối với bất kỳ ai. Nhưng Minh không phủi tay được sau sự can thiệp đó như một người đối với một người thường, làm xong phận sự rồi thôi.

Minh tha thiết muốn cho Huyền Trân sống mãi...

-     … Để mãi mãi buồn đau ?

-     Không, rồi Huyền Trân sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời chớ.

-     Huyền Trân không thích di tu, không thích xả thân vào làm nữ y tá trong một trại cùi chẳng hạn vì Huyền Trân chỉ là một người thường thôi, một người thường không có được một tâm hồn cao cả, một người thường ham hưởng cuộc đời.

-     Té ra là Huyền Trân quyết tái diễn cái trò ấy trở lại ?

-     Biết đâu !

-     Trời ơi ! Sao lại dại dột như vậy ! Huyền Trân phải sống.

Minh đưa tay lên nắm chặt tay lái để đổ trút vào đó tất cả phẫn uất của chàng đối với kẻ vô tình nào không rõ.

-     Huyền Trân phải sống ! Mà nếu có ai làm cho đời Huyền Trân đen tối đến đỗi Huyền Trân phải hủy mình thì Minh nguyện sẽ giết người đó.

Minh càng nắm chặt tay lái hơn và ngồi thẳng mình, chàng bậm môi, cắn răng, mắt đổ lửa.

-     Minh ! - Huyền Trân kinh sợ hết sức, kêu người con trai bên cạnh cho hắn tỉnh lại.

Minh giậm chân lên sàn xe và nói trong nộ khí:

-     Ông Hóa phải chết ! Minh sẽ giết chết ông Hóa.

-     Minh ? Có nín đi hay không ? Sao lại điên rồ đến thế ? Minh có máu sát nhơn trong huyết quản hay sao chớ ?

Cơn giận của Minh đã hạ xuống sau khi lên tới tột đỉnh. Mồ hôi chàng nhỏ giọt và trông chàng mệt mỏi lả đi.

Thở hổn hển chàng nói:

-     Xin lỗi Huyền Trân ? Minh thật là đứa khốn nạn !

Rồi chàng ôm mặt khóc nức nở.

Riêng Huyền Trân, nàng chưa hết kinh sợ. Đàn bà trầm tĩnh hơn đàn ông, nhờ thể chất riêng của họ. Một cơn giận cuồng bạo như vũ bão của phái mạnh không làm cho họ nao núng chút nào. Nhưng người thiếu phụ nầy sợ hãi là sợ cho cái ý giết người mà trong một lúc lên cơn điên, hắn vừa thốt ra.

Có lẽ ý đó chỉ mới nảy ra đây thôi, trong trí của hắn. Nhưng mầm đã gieo, hắn sẽ nhơi lại mãi một tình cảnh khó tiêu đối với hắn và sẽ mân mê cái ý đó, nuôi dưỡng cho nó trưởng thành và nó sẽ là một con ác quỷ không ai đủ sức ngăn nó gieo họa nữa cả.

Nếu nàng mách với chồng cái ý tầm phào của anh thư ký kỳ khôi nầy thì có thể xảy ra hai chuyện như sau:

Một là ông Hóa sẽ cười ầm nhà và nhạo báng người thư ký nhút nhát của ông mà ông biết không đủ can đảm cắt cổ một con gà. Như thế, Minh sẽ bị chọc tức, bị khiêu khích và phản ứng của kẻ bị khiêu khích thật là khó lường.

Chuyện thứ nhì là ông Hóa sẽ nổi giận đùng đùng kêu lính bắt Minh, hay đuổi cổ hắn ra khỏi nhà. Chồng nàng sẽ được an ninh mãi mãi vì Minh không phải là một tay kiếm khách tài ba để có thể nhảy tường vào nhà mà thích khách ông Hóa.

Viễn ảnh Minh bị xô ra vỉa hè, thất nghiệp, đói khổ, làm cho nàng thương xót hắn quá.

Nhưng tất cả những thứ ấy không phải là nguyên do chánh của im lặng mà nàng quyết giữ đối với vụ nầy.

Nếu tiết lộ lời hăm dọa trẻ con của Minh ra, ông Hóa sẽ điều tra và biết hết sự thật. Không, không thể để cho chồng nàng hay rằng có một lần nàng đã toan tự tử. Không thể để chồng nàng hay rằng nàng đã được Minh an ủi.

Bấy giờ Minh úp mặt lên hai cánh tay đang khoanh tròn theo vòng tay lái.

Hắn còn thổn thức và Huyền Trân gọi:

-     Minh, nghe cái nầy !

Minh ngồi thẳng dậy rồi dựa ngửa ra sau uể oải như vừa qua một cơn sốt rét.

-     Minh có thể bỏ cái ý xằng mà Minh vừa nghĩ ra đó hay không ?

-     Xin Huyền Trân biết cho rằng sở dĩ Minh điên thế chỉ vì Huyền Trân thôi, và vì Huyền Trân, Minh sẽ không bao giờ điên như thế nữa hết.

Huyền Trân không còn lầm lẫn về tình cảm của người con trai nầy với nàng chiều nay, nhứt là sau câu nói đó: chàng đã yêu.

Không có người đàn bà nào mà không hãnh diện trước tình yêu của một người đàn ông đối với họ, cho dẫu là họ đoan trang đến đâu đi nữa.

Riêng Huyền Trân, hãnh diện ấy, sự vuốt ve êm dịu vào tự ái của nàng ấy, bị những lo sợ làm vẩn đục đi.

Nàng lo sợ người con trai yêu bồng bột vì thiếu kinh nghiệm nầy có thể đâm khùng rồi làm xằng. Hắn thề sẽ vì nàng mà không điên nữa, nhưng làm sao tin được nơi lời thề của một kẻ nhiều máu nóng và tình cảm sôi nổi như một chảo dầu.

Nhưng nàng sợ nhứt là sợ chính lòng nàng. Đáng lý ra nàng phải cương quyết ra lịnh cho Minh đánh xe về ngay từ lúc nãy kìa, nhưng mãi đến bây giờ, nắng đã tắt hẳn rồi mà hai người vẫn cứ còn ngồi ở đây.

Đáng lý ra nàng phải giận, phải ghét kẻ điên rồi nhưng nàng chỉ thương xót hắn thôi, thương xót mối tình không hy vọng của hắn.

Không hy vọng ? Ừ, bởi vì tình yêu phải đi hai chiều, có qua có lại, chớ hắn yêu đơn phương, hắn sẽ không đi tới đâu cả.

Chiều tím lần lần. Bây giờ, thấy cảnh hoang vắng quá, Huyền Trân sợ hãi, cương quyết nói:

-     Thôi đi về

Minh cho xe gie ra đường rồi chạy lên hướng Lăng Cha Cả.

-     Còn đi đâu nữa  đây !

-     Dạ, về nhà, nhưng chạy cho hết vòng.

Đôi bạn thanh niên nam nữ đã biến mất, một bà chủ và một người làm công trở về lần lần.

Cả hai đều ý thức lần lần rằng họ đã điên. Minh đã điên mà nói liều, còn Huyền Trân cũng đã  điên mà không phản đối dữ.

Nhưng dầu sao, họ cũng nghe thân hơn. Minh không tâm sự, nhưng biết rằng Huyền Trân đã thấu rõ lòng chàng rồi. Còn Huyền Trân thì thấy rằng người con trai nầy là người độc nhứt trên đời biết được bí mật của tâm tư nàng. Nếu hắn sẽ không là người bạn để nàng ký gởi điều gì, hắn cũng đã là một nhơn chứng của tâm trạng nàng.

Để xua đuổi không khí hắc ám, Huyền Trân hỏi:

-     Minh vẫn học hành chớ ?

-     Dạ, Minh vẫn học.

-     Tự học có khó lắm chăng ?

-     Lên tới đệ nhứt niên, đệ nhị cấp thì không khó bằng những năm trước.

-     Đậu toàn phần rồi, Minh định làm gì ?

-     Minh cũng chưa biết.

-     Nhưng vẫn còn hiếu học nữa chớ ?

-     Dạ còn. Ngày trước có tham vọng học mãi, học hết đại học mới thôi. Nhưng giờ sao Minh lại nghe muốn sống… đời sống người lớn.

Đã đến chỗ nguy hiểm của câu chuyện rồi đây. Hắn đã yêu chớ không có gì lạ cả. Hỏi lôi thôi, hắn sẽ bộc lộ tình yêu điên dại của hắn ra thì rầy. Thế nên Huyền Trân lái câu chuyện sang một nẻo thực tế:

-     Còn vấn đề quân dịch ?

-     Lúc Minh đậu tú tài một thì khóa sĩ quan trừ bị đã mở từ lâu. Khóa tới chưa mở, thành ra không có lịnh gọi.

Giờ, Minh đã xin hoãn để học thi nốt. Đậu rồi có lẽ mới thi hành quân dịch.

-     Như thế, đừng nghĩ tới cuộc sống người lớn thì hơn, đợi giải ngũ rồi hẵng hay.

-     Theo lý trí thì như vậy, nhưng...

-     Ở đời chỉ nên cho tình cảm ló mặt ra ít ít thôi.

-     Bà mong cho Minh đi lính lắm à ?

-     Ừ, bởi vì đời sống quân nhơn sẽ thay đổi Minh, thay đổi tốt.

-     Chớ bây giờ Minh xấu lắm hay sao ?

-     Tùy theo lối hiểu. Minh vẫn cứ tốt. Nhưng Minh có nhiều ý nghĩ hắc ám. Sống ngoài trời, sống cần lao, nhọc mệt thể chất sẽ giúp trí não sáng sủa ra.

-     Nhưng mà năm năm dưới bóng cờ...

-     Sẽ biến Minh thành người lớn.

-     Giờ Minh là con nít sao ?

-     Không dám nghĩ như vậy. Nhưng phải nói rõ rằng tình cảm của Minh cuồng bạo quá. Trên đời có bao nhiêu người yêu đàn bà có chồng, nhưng họ không hề nghĩ đến cái ý giết những ông chồng đó.

Minh sợ điếng người. Tình cảm câm lặng của chàng thình lình bị người thiếu phụ “người lớn” nầy trắng trợn vạch ra, chàng không thể chối đã yêu nàng, mà mặc nhận tức là thú tội.

Huyền Trân sẽ làm gì chàng. Sẽ mách ông Hóa chăng ? Chàng thiếu ý thức chớ nội sự hốt hoảng ấy đã chứng tỏ rằng chàng chỉ là một đứa con nít thôi. Yêu trộm một người đàn bà có chồng, nào có tội lỗi gì đâu. Người ấy mà lỡ có biết cũng chẳng làm gì chàng được, nếu nàng không hãnh điện.

Còn mách với chồng ? Bộ Huyền Trân tầm khùng hay sao mà tiết lộ chuyện kín của đời nàng cho chồng nàng ngộ nhận mà sanh rắc rối.

-     Khi người ta ở trong cơ ngũ mấy năm, Huyền Trân tiếp, người ta sẽ thấy không biết bao nhiêu là chuyện đại sự, rồi người ta xem những bài toán tình cảm nho nhỏ của dân sự là những trò hề, không đáng chết vì một người đàn bà, cũng không cần phải giết một tình địch nữa.

-     Nhưng có nhiều  quân nhơn vẫn...

-     Đó là những kẻ bịnh hoạn tâm thần hiếm hoi mà đời sống dưới bóng cờ không chữa trị được, nhưng không đáng kể bao nhiêu.

-     Huyền Trân ơi, té ra Minh nên quên Huyền Trân ?

Đã trót bị lật tẩy, Minh đâm bạo không cần giấu giếm tình cảm của chàng nữa. Hơn thế câu hỏi của chàng là một lời xác nhận, một thú tội cụ thể.

-     Ừ, Minh quên Huyền Trân thì tốt cho Minh và cho cả Huyền Trân nữa.

-     Nhưng chính Huyền Trân đã muốn chết vì không được sống đời sống tình cảm của một người con gái. Minh là con trai, thì có khác gì Huyền Trân.

-     Hai trường hợp khác nhau xa lắm. Đời con trai của Minh có mất đâu, cho dẫu Minh mất Huyền Trân.

-     Nhưng mối tình của Minh không bao giờ mất.

-     Càng quý. Minh giữ nó, đến muôn ngàn cũng không hại gì, nhưng chỉ yêu suông vậy thôi và như thế mối tình ấy luôn luôn tươi trẻ , thú biết bao !

-     Huyền Trân nói theo điệu người ngoài cuộc, bình thản được như bà mụ khuyên người đau đẻ chớ có hoảng sợ, vì chính bà ta không đau.

-     Minh cũng đã chẳng khuyên Huyền Trân đừng chết vì thái độ ông … mụ đó là gì ?

Hai tiếng “ông mụ” làm cho cả hai đều bật cười. Không khí đã hết bi đát rồi, mặc dầu xe đã chạy tới một khúc đường hoang. Đó là đường Hồng Bàng, tức là cái đuôi của đường Hồng Thập Tự, sắp gát lên cầu Thị Nghè.

Nhưng anh con trai lãng mạn nầy lại không thích hết bi thảm. Chàng nói:

-     Buồn quá Huyền Trân ơi ! Giờ tuy Huyền Trân không có tình cảm nào đối với Minh, nhưng năm năm sau, Huyền Trân sẽ còn xa Minh hơn bây giờ.

-     Không xa hơn đâu. Ở trong lính Minh cứ gởi thơ về và Huyền Trân sẽ trả lời.

-     Nhưng chuyện đó còn lâu. Hiện giờ...

-     Hiện giờ, dầu sao, ta cũng đã là bạn nhau rồi thì có kém gì về sau đâu.

-     Được như vậy hở Huyền Trân ? Huyền Trân nhận Minh là bạn của Huyền Trân phải không ?

-     Nhưng Minh phải bằng lòng với ân huệ đó mà đừng lộn xộn gì nữa cả. Nếu không...

Minh vội hứa:

-     Xin đội ơn Huyền Trân ngàn ngày. Không, Minh không dám lộn xộn gì...

-     Được như vậy thì tốt lắm. Lát nữa về nhà cố mà quên nhưng xúc cảm chiều hôm nay nhé !

-     Xin hứa !

-     Hứa không chưa đủ. Phải cố gắng. Phải đừng sợ. Không ai biết gì đâu mà sợ. Chính sợ, rồi bối rối, rồi sượng sùng, ngượng nghịu, người ta mới đoán biết.

-     Xin nghe lời Huyền Trân.

-     Nghe lời không chưa đủ. Phải suy luận như vậy, phải tạc trong đầu rằng không ai biết gì cả, có thế mới tự nhiên được.

-     Vâng, nếu ông Hóa hỏi đi chơi có gì lạ thì nói sao ?

-     Thì cứ bịa ra một tai nạn dọc đường nào của ai đó chớ đừng nói không có gì. Nói không có gì tức là nói láo mà khi nói láo là bị xúc động và bối rối ngay.

Bây giờ Minh mới chợt thấy là mình còn con nít và xem Huyền Trân là một người già giặn đáng chị cả của chàng. Huyền Trân làm bà Hóa có phong độ bà Hóa lắm.

Quả nhiên, khi họ về tới nhà, ông Hóa hỏi câu đó. Ông ta đứng sẵn ngoài sân mà đợi vợ, có lẽ thấy xe đi lâu quá nên đâm lo. Đèn đường đã sáng hơn nửa tiếng đồng hồ rồi.

-     Huyền Trân đi dạo mát có vui không ?

-     Khá vui.

-     Có gì lạ hay không ?

Có lẽ ông chỉ hỏi bậy cho có chuyện vậy thôi,chớ chẳng có ngờ vực gì. Huyền trân bị hỏi mà chính Minh đánh trống ngực như là chính bị tra vấn.

Nếu chàng bị hỏi câu đó trước, chắc chàng đã hoảng sợ chạy trốn luôn trọn đời, hay nhận tội ngay.

Huyền Trân bình tĩnh kể:

-     Có con đầm chơi giày chuối nước trên sông Bến Nghé, thế nào mà rủi ro đứt dây giữa sông nên nó chìm lỉm, ai cũng ngỡ nó chết luôn.

-     Ghê quá ! Nó không biết lội à ?

-     Biết chớ sao không. Nhưng chân nó dính vô hai mảnh gỗ dài nên không lội được.

-     Mai chắc có báo đăng.

Huyền Trân nghe điều đó hơi hoảng. Cũng may là câu chuyện của nàng không kết cuộc bi thảm.

-     Chắc không, vì giây lát sau, nó trồi lên được, nhờ hai tấm gỗ dài sút ra khỏi chân nó.

-     Thật là trò chơi nguy hiểm.

Ông Hóa đinh ninh rằng vợ hứng mát ở bến Bạch Đằng và sở dĩ về trễ là vì cái trò chết đuối hụt của một người đầm.

Minh vội cho xe vào ga ra ngay để tránh mặt ông già hay hỏi lôi thôi. Lúc ngồi lại ăn cơm, chàng vẫn còn run sợ.

Từ ngày vào giúp việc ở đây đến nay, Minh đã dành dụm được bảy chục ngàn, gởi cả ở quỹ tiết kiệm đô thành. Chàng không ăn tiêu gì cả, mà ông Hóa rất hậu, đài thọ luôn cả đến những khoản chi phí lặt vặt của chàng nữa như là tiền túi, tiền xi nê, đến xà bông tắm gội ông cũng mua cho, nên bao nhiêu lương của chàng không sứt mẻ đồng nào.

Nếu bị ông chủ đuổi cổ đi, chàng cũng có thể sống khiêm tốn đến ba năm để đợi học hành đến nơi đến chốn và tìm chỗ làm.

Chàng không sợ mất chỗ, cũng chẳng hối hận đã phản chủ, nhưng chàng biết mình đã phạm tội nên sợ vì sự phạm tội ấy.

Đêm nay có hai người ngạc nhiên.

Người thứ nhứt là ông Hóa.

Giữa bữa ăn, ông nhìn vợ mà rằng:

-     Hôm nay, trông em cứ như là đẹp hơn bao giờ cả.

Đây là bữa ăn ngon nhứt của ông từ năm năm nay. Ban đầu ông không hiểu sao mà ông lại vui dạ đến thế và ăn bao nhiêu cũng chưa nghe no.

Nhưng ông chợt tìm được duyên  do của phấn khởi nơi ông: hôm nay Huyền Trân trò chuyện và trò chuyện nhiều.

Nói cho đúng ra, không phải là nàng cứ ngậm câm mà ăn trong các bữa cơm gia đình. Nhưng tới giờ, nàng chỉ trả lời những câu hỏi của ông thôi, trả lời vui vẻ, dịu dàng, không có vẻ miễn cưỡng chút nào, nhưng không làm ông thỏa mãn trọn vẹn được.

Đêm nay, chính nàng đã dẫn đầu câu chuyện.

Trước hết, nàng than phiền thị trường Sài Gòn thiếu lọ đẹp đẻ cắm hoa.

Ông Hóa ngạc nhiên:

-     Hình như có chớ.

-     Vâng, thì có. Lọ thủy tinh Saint Gobain cũng được nhập cảng, nhưng có mấy hình dáng cũ, không hề thay đổi. Nhưng em muốn nói lọ đất kia.

-     Lọ đất ta có làm mà !

-     Đúng như vậy, công nghệ ta vẫn có làm, mà làm cũng khá đẹp nhưng lại cũng chỉ cho ra có, mấy kiểu rồi thôi.

-     Em nghĩ thế nào về lọ sứ cổ ?

-     Loại lọ ấy có cái đẹp riêng của nó, đẹp về nét vẽ, về màu mực, nhưng hình dáng thì một trăm cái như một, chán chết. Em thấy ở một hiệu buôn đồ cổ trên đường Tự Do có một lọ đời nhà Thanh, hình vuông, tức là lạ đó, nhưng nó bán mắc quá.

-     Bao nhiêu ?

-     Nó đòi năm ngàn.

-     Được em sẽ có chiếc lọ đó ngày mai nầy.

Năm ngàn chớ hai chục ngàn, ông Hóa cũng dám mua, để làm vui vợ phần nào, và chính là để ăn mừng ngày vui lớn của ông đêm nay.

Ông nghĩ rằng nếu mua, và mua được những ngày vui như vậy ông sẽ mua mỗi hôm, mua cho đến ngày sạt nghiệp, ông cũng không tiếc của. Một ngày năm ngàn bạc, mỗi tháng một trăm năm mươi ngàn, mỗi năm chừng hơn một triệu rưỡi, ông có thể mua suốt hai mươi năm trường mới trở lại hai bàn tay trắng. Mà hưởng hai mươi năm hạnh phúc để rồi đi ăn mày, cũng đáng hy sinh lắm chớ.

Ngặt ông chỉ có thể ăn mừng sau đó thôi, sau khi sự việc xảy ra chớ không thể còm măng trước được. Hạnh phúc không mắc giá như người ta tưởng. Nó chỉ đến mà không hao tốn gì, hoặc nó không đến, chớ không thể mua.

Ngạc nhiên trước sự thay đổi của vợ đêm nay, ông Hóa nhìn người bạn đời của ông và thành thật nói ra những gì ông đã thấy, chớ không phải để nịnh đầm đâu:

-     Hôm nay, trông em cứ như là đẹp hơn bao giờ cả.

Quả có thế.

Khi người ta vui vẻ trong lòng, người ta đẹp hơn lên, nhứt là đàn bà. Những niềm vui vì căn nguyên thường như là vui vì thành công trong công việc làm ăn, vui vì sự gặp một may mắn, lộ ra nhiều, trông thấy ngay, nhưng không ảnh hưởng lớn lao đến dung mạo cho bằng niềm vui vì yêu, yêu hẳn rồi, hay chỉ thoáng xúc động mơ màng thôi.

Tình yêu không dám nhận và không dám thú, càng bị đè nén, càng len xa vào cơ thể và ảnh hưởng sâu sắc lên dung nhan của kẻ đã bị xúc động.

Huyền Trân sợ hãi và ngượng nên bối rối lên. Ông Hóa ngỡ bối rối ấy là sự vui thích được khen ngợi nên không ngờ vực điều gì khác.

Huyền Trân sợ hãi ? Vâng, nàng sợ hãi. Nhưng nàng không sợ chồng đâu. Nàng đã làm gì nên tội ?

Nàng sợ hãi chính lòng nàng đó. Là gái có học, Huyền Trân biết được rằng tinh thần có ảnh hưởng tới vật chất và ngược lại.

Nàng vui lên, đẹp hơn, nhưng biểu dương vật chất nầy là kết quả dĩ nhiên của những biến đổi hóa chất trong cơ thể nàng do kích thích tố thúc đẩy. Mà kích thích tố sở dĩ tăng gia hoạt động như vậy vì nàng đã bị một chấn động tâm lý.

Huyền Trân sợ hãi chính lòng nàng. Lòng nàng đáng lý phải bình thản trước tình cảm không phải chỗ của người con trai kia, nếu không nổi giận lên. Nhưng mà nàng đã xúc động khi họ ra khỏi vườn cao su trên đường Nguyễn Văn Thoại.

Xúc động ấy đã len lén, đã thầm lặng lẩn khuất vào tiềm thức nàng và chưa chi nó đã thay hình biến dạng để xuất đầu lộ diện ra rồi.

Ông Hóa nhìn vợ và nghe yêu đời hết sức. Ông chỉ còn thiếu món nầy thôi, thiếu sự vui tươi nơi người nội tướng của ông. Có được món ấy thêm vào tài sản khổng lồ của ông, đời ông mới lên hương thật sự.

-     Không khí ở ngoài chắc hợp với em lắm. Cứ so vẻ buồn thảm của em hồi chiều nầy, khi ta gặp nhau ở lưng chừng cầu thang, với những nét vui tươi trên mặt em bây giờ thì biết ngay em cần ngay ánh sáng và không khí.

Vậy từ rày, chiều chiều em nên đi ra ngoài.

Huyền Trân giựt mình đánh thót một cái, tự hỏi chồng nàng thành thật mà nói điều đó hay ông ta đã đánh hơi được cái gì, nên nói gay hoặc đưa ra một trái ba lông dò dẫm.

Nếu ông Hóa biết được rằng khi trưa vợ ông toan tự tử thì ông kinh ngạc trước sự biến đổi nầy không biết tới đâu mà nói. Nhưng ông đã không biết sự việc ấy thì ông ngỡ nắng gió là tác giả của cuộc tô hồng lên vợ ông là tự nhiên, và ông thành thật mà khuyên vợ như vậy.

Kẻ ngạc nhiên thứ nhì trong đêm nay là gã si tình.

Lần đầu tiên từ khi cô Minh biến thành bà Hóa, chàng không nghe bản nhạc độc chiêu “Cái chết của công chúa Ỷ-Sơ”, nữa.

Đêm nào, sau bữa cơm tối một lát, cả khu phố nầy cũng đều sợ hãi mà lắng đợi điệu nhạc tang chế ấy.

Họ chịu khó. Nhưng vừa quen được với sự khó chịu đó thì đêm nay họ mắc phải một khó chịu khác là sự vắng tiếng im hơi nơi biệt thự “Hoa Lê”.

(Cái tên biệt thự nầy chỉ là tên chủ nhà Lê Văn Hóa, đảo lộn và bớt dấu sắc thôi, chớ không có ý chỉ bông hoa nào cả).

Họ có cảm giác rờn rợn rằng người đàn bà chơi đàn đã chết ngay hôm nay, và bản nhạc nàng đàn từ bao lâu nay là sự báo hiệu của linh cảm của nàng.

Điệu nhạc đã ám ảnh họ một cách kinh khủng từ ngày chủ nhơn biệt thự “Hoa Lê” tục huyền, như là văng vẳng từ cõi âm ty vang lên. Họ lắng tai nghe lời trối trăn, lời than vãn của kẻ vắn số, vẳng đưa trong gió.

Minh thì nghĩ khác. Chàng biết chắc đã có một biến cố lớn trong nội tâm của Huyền Trân.

Nàng Ỷ-Sơ không muốn chết nữa rồi ! Có lẽ nàng chưa vui sống được, chưa tìm thấy rõ rệt một lẽ sống cho đời nàng, nhưng đằng chân trời đen tối, đã hé lên một tia ý nghĩa nào, còn mơ hồ lắm, nhưng tò mò và hy vọng, nàng dừng bước lại đợi xem sao chớ không vội nhảy vào vực thẳm sau lưng nàng nữa.

Đêm ấy ông Hóa đã ấp yêu một người đàn bà chớ không phải một chiếc gối như từ bao lâu nay, một người đàn bà có sự sống, có linh hồn chịu tham gia bằng tinh thần vào thân mật của phòng trung, một người đàn bà chịu biết có nàng, có ông bên cạnh, chớ không phải một cái xác không hồn vứt ra đó để bố thí cho ông cái thân thể mà nàng kể như không có nữa.

Kẻ hưởng lợi trước tiên trong cuộc biến chuyển của lòng Huyền Trân là chồng nàng. Chỉ hơi tủi là biến chuyển ấy không phải vì ông. Nhưng ông không dè thì hạnh phúc của ông vẫn trọn vẹn.

Đêm nay nhiều ý nghĩa hắc ám lởn vởn nơi trí của gã si tình.

Chàng ghen, ghen ghê lắm. Nàng Ỷ-Sơ đã hết muốn chết và có thể đang vui sống trên tay người khác.

Đó là quyền hưởng thụ của người khác nếu không có những gì liên tiếp xảy ra ngày hôm nay. Nhưng cái ấy là ý chí hủy mình của Huyền Trân nó gián tiếp truất quyền của kẻ hưởng thụ. Những cái ấy là tình cảm của chàng mà nàng khám phá được nhưng không phản đối, không bắt tội.

Sự khoan hồng của người đàn bà có chồng nầy giúp cho tình yêu của chàng dám chường mặt ra... với chàng. Ừ, tình yêu ấy không dám tỏ với người ta, chớ cũng chẳng còn lấp ló đối với chàng như trước nữa.

Chàng đã dám nhận với mình rằng mình yêu.

Và đã yêu chàng ghen.  

Một khi ghen, chàng thấy ngay người chồng là tình địch.

Thấy như vậy dĩ nhiên là chàng nghĩ việc hạ tình địch của chàng.

Nhưng chàng kém người tình địch nầy về đủ mọi mặt: khôn ngoan, thạo đời, giàu có và có thể cả đến sức mạnh nữa.

Kẻ kém cỏi luôn luôn sử dụng ám khí.

Minh thử tưởng tượng ra một lối ám sát tuyệt xảo như Huyền Trân đã toan thực hiện để giết chính nàng khi trưa nầy, một lối giết người thế nào mà cuộc điều tra khoa học nhứt, cũng sẽ kết luận đó là tai nạn.

Ông Hóa không hề rớ tới đồ điện. Ấy, anh con trai nầy chắc không giàu sáng kiến, nên nghĩ ngay đến ám khí điện mà Huyền Trân đã dùng rồi. Không thể giết ông ta bằng điện được.

Ông ta cũng không thể chơi thể thao vì dụng cụ thể dục trong nhà dôi khi cũng sát nhân lắm.

Chỉ còn chiếc xe. Nhưng ông Hóa chỉ lái trong thành phố thôi. Trước đây thỉnh thoảng ông dạo mát mấy vòng trên xa lộ, và tự lái lấy. Ít lúc sau nầy không hiểu vì lẽ gì mà ông bỏ thói quen ấy đi. Nếu còn như cũ, chàng sẽ tháo ốc bánh xe, tháo sơ sơ đủ còn vững cho ông chạy tới Biên Hòa. Chuyến về thì ông không thoát khỏi được. Trên xa lộ, hiến binh không cho chạy chậm. Ông ta lại nóng tính, ông ta sẽ mở hết máy thì một khi bánh sút ra, chỉ có trời mà cứu.

Kẻ sát nhơn tập sự tính chuyện động trời mà không hoảng sợ vì tìm chưa ra kế hạ sát tình địch. Nếu mưu sâu đã nghĩ ra được, hắn đã run bây bẩy lên rồi, vì hắn chỉ là một người lương thiện thôi, hơn thế một anh học trò bấm ra sữa, chưa thấy chuyện dữ lần nào. Thù hận của hắn mới xem ngỡ ghê gớm lắm, chớ thật ra cạn xợt.

Chỉ có một điều đáng ngại là hồi chiều, trong một cơn giận, hắn đòi giết ông Hóa trước mặt Huyền Trân. Giờ, không giận bao nhiêu, hắn vẫn nghĩ đến chuyện giết chóc, mà lại sắp đặt trước, tìm cách che giấu.

Hai ý định ở hai lần, giống y như nhau nhưng trong lần đầu, hắn muốn giết dưới cơn xúc động, trong lần sau, hắn âm mưu một cách bình tĩnh.

Lần đầu, hắn không có gì nguy hiểm cả.

Lần sau hắn là kẻ đáng sợ rồi.

Đêm nay, người ngủ được sớm nhứt là ông Hóa. Ông vui mừng lắm và định thức trò chuyện với vợ suốt đêm. Nhưng ông đã thỏa mãn, mà kẻ nào được thỏa mãn, nghe khỏe khoắn trong người lắm và nghe buồn ngủ ghê hồn.

Vì thế ông đành về phòng ông và ngủ yên như kẻ trên lương tâm không bị gì đè nặng hết.

Kẻ thắng trận là ông Hóa vậy, ông không đánh nhau với ai, chỉ bị người ta âm mưu đánh lén thôi. Ông không hay, không tự vệ, mà vẫn thắng.

Người đồng lõa với kẻ gây hấn không hối hận lắm. Nàng đồng lõa bằng im lặng, không tố cáo thủ phạm thôi. Hơn thế, nàng đã khiển trách thủ phạm. Nhờ vậy mà lương tâm nàng khá bình yên. Nàng chỉ hơi sợ lòng nàng thôi, nhưng tự tin, nàng còn bình tĩnh được. Nỗi sợ nầy được bù lại bằng sự vuốt ve dịu nhẹ tự ái khi bắt chợt tình cảm cuồng nhiệt của Minh đối với nàng. Tuy nhiên mơn trớn tình cảm ấy chưa làm cho nàng xao xuyến lắm.

Tóm lại đêm nay là đêm yên ổn nhứt của nàng, vui nhè nhẹ không làm nàng thao thức, mà nỗi buồn chán cũng không bắt nàng trằn trọc thâu đêm.

Huyền Trân cũng ngủ được ngon lành.

Duy chỉ có gã si tình thì mở mắt thao láo suốt mấy canh trường. Hắn cũng là kẻ thắng trận. Đêm nay không có ai bại trận cả, Hắn thắng trận vì tình yêu của hắn bị lột mặt nạ mà hắn không bị trừng phạt. Tình yêu ấy được mặc nhận nếu nó cứ đi một chiều như thế mãi.

Huyền Trân dường như nói: “Minh cứ mà yêu trộm đi, Huyền Trân không mích lòng sự trèo đèo của Minh đâu, trái lại còn thấy nó hay hay. Nhưng đừng có lộn xộn hơn thế nữa đa nghen ! Liệu hồn ! Hễ mà đòi cái nầy cái kia thì chết nghe chưa !

Như thế là đại thắng rồi chớ còn gì. Trong một mách banh tròn: giữa hai hội, một hội tỉnh nhỏ và hội tuyển toàn quốc, hội tỉnh nhỏ thủ huề được là thắng rồi chứ gì ?

Một tiểu bang nhỏ cả gan xâm lấn một đại quốc, tuy không chiếm được tấc đất nào cả, nhưng không bị phản công tơi bời là thắng rồi chứ gì ?

Mối tình cho phép đi một chiều của hắn, mối tình không gặp tiếng vang của hắn, tuy không gặp cái lợi cụ thể nào nhưng cũng nung phấn khởi của hắn lên. Hắn yêu nhiều hơn bao giờ cả.

Không tự mãn với một mối tình một chiều, có qua mà không có lại ấy, hắn toan tính nát trí để thắng thêm.

Thành ra mừng thắng trận và lo thắng để đại thắng nữa, ngăn hắn chợp mắt.

Tuy nói thế chớ tuổi hai mươi là tuổi ham ăn ham ngủ, thành ra rốt cuộc rồi hắn cũng ngủ được, ngủ say mèm cho đến trưa trờ trưa trật mới dậy, dậy vào lúc vợ chồng ông Hoá mới ăn sáng xong, ông sắp làm việc.

Hắn bỏ bữa ăn sáng để khỏi vào bàn giấy trễ giờ.

Sáng hôm nay, Huyền Trân ăn điểm tâm xong, ra luôn ngoài vườn để săn sóc hoa cỏ và cây cảnh.

Minh biết thói quen của nàng nên chắc chắn là nàng không đi đâu cả, ít ra cũng suốt buổi sáng.

Ông Hóa cũng không đi đâu hết.

Hôm qua sôi nổi bao nhiêu thì hôm nay trầm lặng bấy nhiêu.

Tờ nhựt báo vô hình của một quan sát viên bí mật không có tin nào giựt gân cả để mà đăng. Tất cả mọi công dân trong biệt thự “Hoa Lê” nầy sống đời sống phẳng lì buồn tẻ của mỗi ngày, không yêu, không ghen, không mưu sát.

Chiều lại Huyền Trân cũng chả đi đâu hết.

Thấy vợ cứ ngồi nghe nhạc mãi đến năm giờ hơn, ông Hóa nói:

-     Em nên đi một vòng.

-     Em không có hứng.

-     Đây là cuộc dạo mát vì vệ sinh chớ không vì thích thú riêng, thì có hứng hay không, em cũng nên đi.

Huyền Trân không đáp lời chồng, chỉ làm như để cả tâm trí vào điệu nhạc từ chiếc máy hát nổi vọng ra.

Sự thật thì nàng thèm đi lắm ! Hai mươi tuổi, có xe riêng, có ai chịu nằm nhà hay chăng ?

Nhưng người thiếu phụ không muốn phạm tội. Nàng quyết chịu số phận, hay chết một cách kín đáo, âm thầm, chớ tự nguyện không để hận cho ai bằng một cuộc phiêu lưu tình cảm nào cả.

Nàng tự tin, nhưng chỉ tự tin có chừng có mực thôi và biết rằng dốc đèo rất nguy hiểm, lỡ chân tuột là tuột luôn, khó mong dừng bước được. 

Hai mươi tuổi, nàng đói tình yêu như sân cát khát nước giữa tháng giêng.

Hai mươi tuổi không phải là tuổi mà lý trí con người toàn thắng đâu, cho dẫu lý trí ấy vững chãi bao nhiêu đi nữa.

Đó là cái tuổi giống hệt như một sợi dây đờn căng thẳng mà một hơi gió thoảng qua cũng rung chuyển nó được và nó sẽ đáp lời kêu gọi của gió để cùng hoà điệu du dương.

Minh không phải là chàng hoàng tử đẹp trai của những giấc mơ trinh nữ của nàng, nhưng hắn không kém cỏi lắm, lại là người con trai độc nhứt gần gũi nàng.

Ông Hóa không dám làm phật ý vợ cho dẫu là để khuyên điều tốt. Vì thế mà ông không nài nỉ thêm.

Hôm sau, Huyền Trân đi thử áo nhưng nàng không lên xe, chiếc xe đã được Minh mở cửa sẵn và đứng nơi cửa mà đợi nàng.

Nàng đi luôn ra đường rồi bắt một chiếc tắc xi.

Lúc bấy giờ ông Hóa đang đứng nơi cửa sổ buồng khách. Ông tỳ tay lên bệ cửa sổ, nhìn vườn hoa nhỏ xíu bên cạnh thảm cỏ xanh minh mông mà Huyền Trân đã khéo léo cho sửa sang lại theo khiếu thẩm mỹ của nàng.

Ông kinh ngạc mà thấy sự bất thường trong phương tiện xê dịch của vợ ông.

Hôm nào có cần xe để đi đâu ông đều báo trước cho vợ biết, xem nàng có cần chiếc xe độc nhứt ấy hay không, để hai vợ chồng cùng cứu xét coi công việc của ai cấp bách hơn, rồi nhường nhau phương tiện có sẵn ấy.

Đó là một ước lệ bất di, bất dịch giữa họ, mà hôm nay thì ông không đi đâu cả.

Độ một tiếng đồng hồ sau, về tới nhà, đi ngang qua chỗ chồng ngồi làm việc, nàng có cảm giác rằng ông Hóa nhìn nàng trừng trừng.

Khó chịu quá, nàng day lại thình lình thì thấy quả đúng là ông ta đang quan sát nàng, hơn thế đang dò xét, thám cứu nàng.

Hơi ngạc nhiên, Huyền Trân đi thẳng lên lầu, trí băn khoăn lắm. Hôm nay nàng không xấu hơn, cũng chẳng đẹp hơn. Nàng cũng chỉ trang điểm và ăn mặc đủ lễ thôi, không bỏ bê sự vén khéo, cũng chẳng làm đỏm làm dáng gì, thì cớ sao...

Nếu thái độ của ông Hóa mà như vậy, trong đêm rồi, chắc nàng sợ hãi lắm và ngượng lắm với chồng. Đành rằng ông Hóa không thể nào biết được nàng đã nói gì với Minh và người con trai ấy đã nói gì với nàng trong sở cao su, nhưng vì có tịch, nàng đã mất tự nhiên, mất bình tĩnh.

Nhưng một đêm yên lành đã qua thì lý do xét nét của chồng nàng ắt hẳn bắt nguồn ở nơi khác rồi. Mà từ sáng đến giờ không có chuyện gì lạ xảy ra cả.

Để quên những băn khoăn khó chịu ấy, Huyền Trân lấy tập vở bìa cứng ra để viết.

Nàng viết nhựt ký, một thiên nhựt ký bay bướm, nhiều lời mà nàng ghi cả cảm nghĩ và sự việc từ ngày được chồng đi hỏi đến nay.

Nàng biết ông Hóa không ưa tiểu thuyết nên nàng ngụy trang tập vở ấy như là một bản thảo tiểu thuyết mà nàng viết giải buồn.

Trang đầu của tập nhậy ký đề là:

YÊU ĐỜI

Tiểu thuyết xã hội tình cảm của Huyền Trân.

Và những trang kế đó, nàng tả lăng nhăng những nhân vật mơ hồ, triết lý lôi thôi rất buồn ngủ.

Một hôm, ông Hóa có lật tập ấy ra xem, ông mỉm cười khen vợ biết giải trí lành mạnh, ông cố đọc thử một trang, nhưng thấy rõ là ông mệt lắm.

Ông xếp tập lại, khen hay một tiếng rồi thôi.

Huyền Trân biết chắc rằng chồng nàng không bao giờ có can đảm đọc tiếp nữa, nên bắt đầu thiên nhựt ký sau tám trang tiểu thuyết trá hình.

Thiên nhựt ký đã quá dài rồi, và đã tới hôm nàng quyết định quyên sinh.

28-2 DƯƠNG LỊCH 196...Tháng hai dương lịch bị thâu ngắn. Đời mình cũng bị thâu ngắn.

Trời ơi, đời đẹp quá và mình ham sống quá. Cái chết càng ghê rợn bao nhiêu khi mà kẻ sắp hủy đời mình muốn bám níu vào cuộc đời có nắng sáng, có chim hát trên cây !

Ông Hóa ơi, ông là người tốt, nhưng tôi lại không thể yêu ông thì biết sao ! Tại lòng tôi vậy chớ tôi có muốn vậy đâu, không phải lỗi ở tôi đâu ông nhé !

Nhưng lỗi tôi là đây : tôi đã hủy mình, vì không được sống đời sống mà tôi mơ ước. Hủy mình tức là bội ước với ông rồi.

Tuy nhiên ông sẽ không căm giận tôi đâu vì tin rằng ông không đọc tập nầy. Ông giữ nó làm kỷ niệm và có lẽ hai mươi năm sau, do một tình cờ nào đó, ông mới thấy được những dòng nầy. Chừng ấy, chính ông cũng đã gần xuống mồ rồi thì tình cảm của con người chắc cũng đã nguội lạnh.

28-2 (NỬA ĐÊM). Ghê quá ! Mình đã thoát khỏi tay tử thần. Trong mấy mươi giây đầu mình giận Minh lắm. Nhưng càng về sau mình càng sợ chết và chẳng những hết giận hắn, lại còn mang ơn hắn nữa.

Mình bỡ ngỡ, lạc hướng khi xe đâm đầu vào con đường đá đỏ xuyên sở cao su đường Nguyễn Văn Thoại. Mình lại phát sợ lên. Ở đây hoang vắng quá, la hét kêu cứu một tiếng đồng hồ dễ thường chưa có người nghe.

Nhưng người con trai đã cứu mình, đã hách dịch ra lịnh cho mình hành động theo ý hắn, bỗng trở lại nhút nhát như cũ, một anh học trò ngoan ngoãn dễ thương, và mình tự tôn trở lại, nghe rằng mình là kẻ cả đối với hắn.

Lần đầu tiên trong đời mình, mình đến một nơi quạnh quẽ như thế nầy với một người con trai.

Tuy không phải là một nơi thơ mộng lắm, đúng theo những nơi trong giấc mơ nữ sinh của mình, nhưng cái không khí của một buổi chiều dạo mát với một người bạn trai đầu, quả có.

Mình nghe làm sao ấy ! Trong giây phút nỗi bâng khuâng vô căn cứ của mấy năm về trước bỗng sống lại thình lình. Rồi thì niềm phấn khởi của kẻ mới khám phá ra cuộc đời làm cho lòng mình rộn ràng vui.

Không, mình không có tình ý gì bất chính cả khi được biết rõ lòng của Minh. Nhưng mình không khỏi nghe như mặt trời vừa mọc lên trong tim mình. Lạ quá.

Chồng mình khen mình đẹp ! Có đáng sợ chưa ? Té ra phấn khởi ban chiều vang dội sâu xa và mau lẹ đến thế a ?

2-3-196... Hôm nay mình đi phố bằng tắc-xi để lánh hắn, như đã lánh chiều hôm qua khi mình không đi dạo theo lời chồng mình khuyên.

Sao ông ấy lại xét nét mình lúc mình về ?

Viết tới đây, Huyền Trân thình lình tìm ra sự thật và sự khám phá nầy làm cho nàng giựt nẩy mình.

Nàng đã tự bảo thầm rằng từ sáng đến giờ không có chuyện gì lạ xảy ra cả.

Nhưng có chuyện lạ. Đó là nàng đi tắc-xi trong một gia đình sang trọng giàu có, vô cớ mà một người hôn phối không xử dụng xe nhà để xê dịch thì người hôn phối kia hẳn phải sanh nghi.

Đi xe nhà, cho dẫu là tự ta lái lấy, nghĩa là không có người tài xế làm nhơn chứng cũng dễ bị ló đuôi, vì chiếc xe đậu ở đâu là có thể bị người ta trông thấy ở đó.

Huyền Trân bỗng hiểu thái độ kỳ lạ của chồng khi sáng và sợ hãi lắm. Cũng may là nàng kịp nhận thấy phải lúc điều đó, nếu không, nàng sẽ tiếp tục đi tắc-xi và không biết sẽ rắc rối đến thế nào với sự buồn bực, nghi kỵ, sự rình mò, theo dõi của chồng nàng.

Nhưng khổ ơi ! Bây giờ không thể bỗng dưng lại đòi mượn tài xế khác. Ông Hóa sẽ lại nghi rằng Minh đã thất lễ với nàng, hoặc đã ló mòi gì thì oan cho chàng biết bao nhiêu !

Trong bữa trưa hôm ấy, Huyền Trân cố bình tĩnh trước soi bói của chồng nàng, và có vui vẻ nữa. Nàng nói:

-     Anh phải sắm hai chiếc xe mới tiện. Khi sáng em nhường xe cho anh, đi tắc-xi nó chạy ẩu làm em sợ mất mật.

-     Sao lại nhường xe cho anh ? Anh có nói rằng hôm nay anh cần xe đâu.

Làm bộ ngạc nhiên nàng cãi :

-     Hình như đêm rồi anh bảo sáng nay anh đi ra ngân hàng.

-     Chắc em nghe lầm rồi.

Ông Hóa như được ai đỡ được cục đá nặng trên ngực ông, khiến ông nghe sung sướng lạ kỳ. Thì ra Huyền Trân chỉ hiểu lầm nên mới dùng tắc-xi để đi đó đi đây,chớ không có gì lạ cả.

Ông tự thưởng cho mình một cốc rượu mạnh nhỏ rồi hứng chí, ông nói:

-     Sắm một chục chiếc xe cho em cũng còn là ít quá ! Nhưng sắm xe lớn, em ngồi phía sau em thấy là quan liêu, là bệ vệ, là già đi. Còn sắm xe nhỏ mà để tài xế lái thì không được. Chí như em tự lái lấy cho nó đẹp thì … à… cái đó anh không dám.

Huyền Trân không ham lái xe, nên không cãi lại quan điểm của chồng. Nàng chỉ giở câu chuyện xe ra để giải thích chuyện xê dịch bất thường của nàng khi sáng một cách khéo léo thôi.

Trong lúc sắp sửa nghỉ trưa, Huyền Trân gỡ mảnh giấy ghi mấy lời căn dặn về cái bó bin băng nhựa.

Làm công việc ấy xong, nàng như bắt chợt nàng. Tiềm thức đã xui nàng hành động như vậy mà nàng không hay biết. Làm xong, nàng mới thấy là nàng không thích chết nữa, mà trái lại còn quyết xóa dấu vết của cuộc toan chết đi.

Băng nhựa ấy, cho phát thanh ra, sẽ không nói gì cả với người nghe. Đó là những lời lẽ thường. Chỉ có mảnh giấy ấy mới thảm kịch hóa được những gì chứa đựng bên trong.

Huyền Trân đặt một chục dĩa nhạc vui tươi vào máy hát âm thanh nổi, vặn nhỏ lại rồi đi nằm.

Nàng đã nghe nhạc buồn từ lâu rồi, nhưng kín đáo nghe một mình. Sự thay đổi ngày hôm nay cũng chỉ có nàng là nhơn chứng thôi.

Huyền Trân hôm nay không tiếp tục Huyền Trân hôm trước, nhưng bên ngoài không ai biết cả, người ta chỉ thấy một thiếu phụ rất trẻ, càng ngày càng đẹp hơn lên khi nàng từ cô trinh nữ biến thành đàn bà, hơi già giặn sớm một chút, đoan trang, nết hạnh, nét buồn triền miên trên gương mặt đã vắng bóng và được thay thế bằng một nét vui tươi nghiêm trang, chỉ có thế thôi.

Chính nàng cũng không thấy được rõ ràng biến cố trong lòng nàng. Tuy nàng chưa tìm ra ý nghĩa của cuộc đời thật đó, nhưng đã hết chán nản, đã hết nghe trống vắng như trong những ngày qua.

Chiếc áo mà Huyền Trân đưa cho hiệu may là chiếc áo mà hàng lụa và màu sắc vừa ý nàng  nhứt. Chẳng nàng không biết ngày nào thuận tiện để thi hành ý định quyên sinh, nên cứ tiếp tục sống và trong những công việc lặt vặt của đời sống một người đàn bà, lẽ dĩ nhiên là có việc nay áo mới.

Chợt xế hôm đó cả nhà đều đi vắng nên nàng quyết định tự tử thình lình. Con kỳ đà Minh đã cản trở nàng và trong cơn xúc động, nàng đã nhớ đến chiếc áo nên đi thử sáng hôm qua bằng tắc-xi.

Sáng hôm nay nàng đi lấy áo. Nhưng ra tới xe, nghĩ sao không biết, nàng nói với Minh đang đứng chờ để đóng cửa xe:

-     Hay thôi, Huyền Trân không thích đi nữa. Minh chịu khó đến hiệu Nghê Thường đường Nguyễn An Ninh lấy giùm cái áo. Đây, giấy đây.

Sau buổi chiều mà chàng mở toang lòng chàng ra mà không bị khiển trách, cố nhiên là Minh thèm gặp lại Huyền Trân trong cảnh tay đôi.

Không, chàng không có gì để nói với nàng cả, trừ cái tiếng yêu, chàng chưa dám nói, nhưng nàng đã nghe rồi mà chàng cứ muốn gặp.

Hôm qua Huyền Trân đi tắc-xi đã làm chàng cụt hứng. Rồi hôm nay nàng lại giao công việc cho chàng rồi nằm nhà khiến chàng tiu nghỉu.

Chàng đưa tay ra nhận mảnh giấy biên nhận của hiệu may, rồi lại đưa tay ra nhận tiền và rầu lòng, chàng lên xe một mình trong khi Huyền Trân trở lên lầu và thay đồ mát trở lại.

Ngồi tựa cửa sổ, người thiếu phụ được chồng cho tự do đi đứng và giao thiệp nầy bỗng thấy mình bị bỏ tù, và chính nàng đã bỏ tù nàng.

Muốn đi phố, nàng lại sợ phải đi với người con trai mà nàng cần tránh. Đi tắc-xi thì sợ chồng nàng nghi ngờ. Mà đòi mượn tài xế khác thì sợ người thanh niên mắc hàm oan.

Thật là oái oăm, cửa mở rộng mà không ra khỏi nhà được, cái mới tức !

Huyền Trân cứ loay hoay mãi với cái ý cửa đóng, cửa mở, cái ý đi được, không đi được và xe trở về, nàng cũng không hay.

Khi chị Lầu bợ gói áo lên tới nơi, nàng mới giựt mình, trở về thực tại. Nàng nói:

-     Cám ơn, để trên giường đó cho tôi.

Người đàn bà nào cũng nóng lòng thử áo mới may cả. Huyền Trân không phải là siêu nhân nên cũng sốt ruột như họ trong những lần khác. Riêng lần nầy, nàng bận đuổi theo một ý nghĩ mập mờ, lẩn lút mà chị Lầu đã làm cho nó hoảng sợ trốn luôn.

Huyền Trân lại phải phăng lần trở lại từ đầu dây mối nhợ, để đi theo cái sợi chỉ tư tưởng mong manh nửa chừng. À, cái cửa đóng, cái cửa mở, đi được, đi không được. Đi được hay không là do ở ý chí mình cả chớ không phải do cửa mở hay đóng.

Chồng nàng mà có đóng cửa nhốt nàng lại, tới chừng nàng muốn đi, vẫn cứ đi được như thường. Giờ ông ấy mở cửa, nàng lại bị bỏ tù.

À, còn đi ra mà có hại hay không, cũng chỉ do nàng thôi chớ bốn bức tường nầy không đủ bảo vệ nàng đâu. Cho cả bốn bức tường thành kiên cố kia mà không ngăn được những nàng công chúa thoát khỏi nanh vuốt của các tay ác bá thay.

Đó là chuyện những nàng công chúa bị giam cầm để tránh những chàng hiệp sĩ bên ngoài. Phương chi ở đây, chàng hiệp sĩ lại ở ngay trong thành.

Không, nàng không thể trốn tránh Minh được. Vả lại tội gì phải trốn để tự nhốt mình ? Tất cả đều do lòng nàng, đóng cửa chỉ vô ích thôi.

Huyền Trân mở gói áo ra rồi cởi áo bi da ma để mặc thử áo mới.

Nàng đang ngắm mình trước gương thì điện thoại nội thự reo lên:

-     Huyền Trân à ?

-     Chi đó anh ?

-     Chiều nay em có muốn anh đưa đi đâu hay không ?

-     Cám ơn, không.

-     Anh đi uống rượu với mấy người bạn mới đi ngoại quốc về chắc sẽ ăn cơm trễ lắm. À, em nhớ đi dạo mát.

-     Để xem.

-     Còn xem gì nữa ? Anh đi xe của mấy anh ấy, để xe nhà cho em đó. Thôi nhé !

Huyền Trân đứng sững sờ, nhìn vào tấm gương Saint Gobain rất sâu cạnh, không một chút bợn, như kim cương thuần chất, nhưng không thấy bóng nàng trong đó mà chỉ thấy một vườn cao su sầm uất, tối om.

<< Phần V | Phần VII >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 919

Return to top