Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Uống Lộn Thuốc Tiên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9371 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Uống Lộn Thuốc Tiên
Bình Nguyên Lộc

Phần VII

Chiều lại, mới có bốn giờ, trời còn nắng chang chang mà họ đã đến rước ông Hóa rồi.

Bọn đi ngoại quốc về, cho dẫu là đã cao niên, cũng thích gặp riêng bạn hữu để khoe những kỳ công của họ, y như đám trai trẻ vậy.

Chiều nay ông Hóa định đưa vợ đi hóng mát một vòng xa lộ vì thấy Huyền Trân chịu nắng gió, nên ông đã từ chối. Nhưng họ lại nhạo báng ông, bảo là ông mê người vợ trẻ, bỏ rơi anh em lần lần, thành thử ông miễn cưỡng phải đi để nghe họ láo khoét về những chuyện phiêu lưu của họ.

Trước khi xuống thang lầu, ông không quên ghé qua buồng vợ để nhắc:

-     Coi kìa, sao giờ nầy mà em chưa trang điểm ? Phải đi nhớ, ở nhà hoài, tù túng sẽ sanh bịnh bây giờ.

Huyền Trân uể oải đứng lên để chải lại mái tóc.

Rồi nàng để mặt trần, không son phấn gì cả nhưng mặc chiếc áo mới vào, rồi cũng xuống dưới nhà mười lăm phút sau ông.

Thấy ông Hóa đi xe của người khác. Minh đoán biết ngay rằng Huyền Trân chiều nay sẽ đi. Nhưng chưa rõ là đi đâu.

Chàng ngồi đứng không yên, cứ lấy nùi giẻ lau xe mãi, công việc mà chàng cho là hạ nhơn phẩm của chàng. Công việc nầy do một nguyên động lực dễ cảm động thúc đẩy. Đó là món quà của kẻ không có gì hết mà muốn tặng người mình yêu quí những gì tốt đẹp ở đời.

Huyền Trân bắt gặp Minh đang làm việc đó, mà làm một cách khác thường như thợ véc ni ở các hiệu đồ gỗ đánh bóng tủ bàn. Có mỗi một diện tích một tấc tây mà chàng bỏ ra đến gần mười phút đồng hồ để chùi chớ không phải cho nùi giẻ lướt sơ qua một lượt như tài xế thường đã làm.

Huyền Trân làm thinh, đứng sau lưng Minh mà rình chàng một hồi lâu mới lên tiếng hỏi:

-     Gần xong chưa Minh ?

Chàng công tử đội lốt tài xế, hay tài xế đội lốt công tử nầy giựt nẩy mình, ngưng tay làm việc, đứng thẳng lên và nói:

-     Thưa bà đã xong.

Đoạn hắn vội vàng mở nắp thùng xe ném mạnh nùi giẻ vào đó rồi tức tốc mở cửa xe liền.

Khi đi ngang qua cổng, Huyền Trân nói:

-     Đi dạo mát nhưng nên tránh vườn cao su hôm nọ.

-     Thưa bà hôm nay thứ bảy, trong Phú Thọ có cuộc đua, xe chạy ngang qua trường đua khó khăn lắm, và một lát sau đó, sau cuộc đua, thiên hạ sẽ đi ngang qua vườn cao su dập dìu để về những vùng xa, như vậy dầu ta có muốn cũng không thể vào đó.

-     Vậy à ?

Huyền Trân chỉ nói có hai tiếng ngắn, ý nghĩa không có gì đáng kể mà trong giọng nói của nàng chứa đựng không biết bao nhiêu là thất vọng.

Thì ra nàng dặn đừng vào đó, thành thật mà ra lịnh như vậy, theo lý trí. Nhưng tiềm thức nàng lại âm thầm muốn vào đó. Lời căn dặn ấy là lời nhắc nhở trá hình, không phải của một Huyền Trân giả dối, mà là của một tiềm thức gạt gẫm.

Minh chạy lên đường Trần Hưng Đạo vào hướng Chợ Lớn, đến chợ Hòa Bình, chàng quẹo vào khu chợ đó khiến Huyền Trân tự hỏi sao chàng lại tìm một nơi náo nhiệt, trong khi còn bao nhiêu chỗ yên tịnh trong đô thành.

Nhưng Minh lại ra khỏi khu chợ, đến đường mé kinh Tàu hủ, quẹo trái rồi ngừng lại.

Bấy giờ Huyền Trân mới hiểu. Bờ kinh ở đây thật cao, nhờ thế mà không ẩm ướt. Bờ lại đứng sững nên không thấy bãi bùn dơ lòi ra. Thảm cỏ xanh ở đây rất tươi tốt và tương đối khá sạch. Đường vắng hoe, không có xe qua lại mà người đi bộ, nhứt là trẻ con chơi giỡn trên vỉa hè cũng không. Gió từ bên kia rạch thổi qua, mát lạ và con đò ngang, vào buổi chiều chỉ lưa thưa vài người khách, đỗ bến ở đằng kia không làm huyên náo cảnh nầy mà lại còn điểm thêm cho nó một nét thơ rất dễ mến.

Nhưng Huyền Trân nhìn qua phía trái thấy một dãy nhà lầu đồ sộ giẫy nẩy đòi đi nơi khác.

-     Ta đi thôi, ở đây có người.

-     Họ không bao giờ quấy rầy ai hết. Phần đông người ở trên ấy là người Trung Hoa giàu có.

-     Nhưng cũng khó chịu lắm.

Minh bắt buộc phải mở máy cho xe chạy tới. Đến một nơi kia, bờ sông không cao bằng đằng bến chợ Hòa Bình, nhưng bãi cỏ rộng hơn, lại có trồng liễu rất đẹp.

Ở đây cũng vắng vẻ mà bên trái là dinh thự gì không rõ, sâu rộng minh mông, người trong dinh cơ ấy có nhìn ra cũng không phân biệt được gì ngoài nầy.

Thấy Huyền Trân không phản đối. Minh xuống xe, mở thùng hành lý ngoài sau, lôi ra một tấm bố rồi đem trải lên bãi cỏ.

Xong, chàng bước lại xe, mở cửa và nói :

-     Mời bà xuống ngồi chơi cho mát.

Huyền Trân lẳng lặng đi trên cỏ mấy bước rồi bỏ giày, vào giữa tấm bố mà ngồi.

Minh có ghế xếp nhỏ mà chàng mở ra, đặt cạnh tấm bố ấy để làm chỗ ngồi riêng cho chàng, mặc dầu tấm bố rộng mười người ngồi không hết chỗ.

-     Dinh thự gì ở sau lưng ta đó ?

-     Dạ đó là nhà thương Chợ Quán.

Huyền Trân ngạc nhiên:

-     Vậy hả ? Nơi chứa người điên ?

-     Vâng. Nhưng chỉ là chỗ tạm cho những con bịnh nhẹ thôi. Các con bịnh nặng được đưa lên Biên Hòa.

-     Huyền Trân có một người anh họ, ghen tương sao đó không rõ, và mất trí hơn mười năm rồi mà chữa không khỏi. Nhưng sao anh ấy cứ được ở mãi trong nầy. Huyền Trân nghe nói như vậy chớ chưa có dịp đi thăm anh ấy lần nào.

-     Có lẽ đó là ân huệ mà nhà thương ban cho một vài gia đình vì sự tiện lợi riêng của các gia đình ấy.

-     Té ra sau ta là dinh cơ buồn.

-     Vâng, buồn lắm. Người điên bị quên mất, cho cả đến những kẻ thân yêu của họ cũng quên họ.

-     Buồn quá ! Người anh họ của Huyền Trân cũng thế.

-     Và người chết còn mau bị họ quên hơn. Vì vậy mà ta không nên chết.

-     Chuyện chết đã xa lắm rồi, Minh đừng nhắc tới nữa.

-     Minh mừng lắm mà nghe bà cho biết sự thay đổi đó. Bà cứ nhìn bên kia rạch xem. Đời đẹp lắm và thiên hạ ai cũng bươn chải để sống.

-     Ừ, đời đẹp lắm. Bên kia rạch có gì Minh ?

-     Làng mạc, nhưng thuộc địa phận đô thành, Quận Tám, và được thị trấn hóa lần lần. Nhưng Minh cũng không rõ chi tiết cho lắm.

Gió chiều lộng thổi và bao nhiêu lá liễu đều trôi theo hướng gió, nằm ngang trở ngọn vào phía nhà thương.

-     Đời đẹp lắm, nhưng sao họ lại trồng liễu cho buồn, tức là cho bớt đẹp.

-     Buồn cũng đẹp chớ.

-     Nhưng đó là cái đẹp ủ rũ. Họ trồng liễu phải chăng để tượng trưng cho thế giới buồn trong nhà thương ?

-     Không, thế giới ấy không buồn. Minh đã có nhiều dịp thăm bà con trong đó. Buồn là ta buồn đã mất họ, chớ còn họ thì vui lắm.

-     Thật à ?

-     Thật như vậy. Ở trại nhà giàu, các con bịnh nằm riêng phòng, khó biết họ vui hay buồn,  chớ ở trại bố thí, họ ở chung, thấy rõ là trong một trăm con bịnh, chỉ có một là buồn thôi.

-     Họ ở chung ? Không đánh nhau sao ?

-     Không. Đó là những con bịnh hiền. Ai lên cơn làm dữ là được an trí riêng một nơi.

-     Họ vui lắm à ?

-     Dạ, họ trò chuyện với nhau cả ngày. Buồn cười lắm là mỗi người nói một vấn đề, kẻ bàn về thể thao, kẻ nói về quốc sự, kẻ tính chuyện làm ăn, họ lắng tai nghe nhau để rồi nói chuyện khác, chuyện đang ám ảnh họ, và rốt cuộc cười với nhau, có vẻ tâm đầu ý hiệp lắm.

Huyền. Trân bật cười. Minh giải thích thêm:

-     Chẳng hạn Minh đang nói chuyện về nhà thương điên, bà chăm chú nghe để rồi bàn về âm nhạc, lắm khi bà tán thành những gì Minh nói, nhưng tán thành cho rằng nước mắm Phú Quốc ngon lắm.

Cả hai cười ngả nghiêng ngả ngửa với nhau. Đây là lần đầu tiên mà Huyền Trân cười vui thật sự từ ngày về nhà chồng, chớ không phải cười xã giao những lúc tiếp khách hay những lúc đi với chồng thăm viếng bạn làm ăn của chồng.

Niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, bị đè nén trong âu sầu, nay mới có dịp tái hiện, đúng theo luật tạo hóa. Huyền Trận bất giác nghe mình là thiếu nữ của một năm trước, tuy đã thôi học nhưng vẫn còn sống tiếp đời sống nữ sinh ở nhà.

Người con trai bên cạnh nàng vốn là một kẻ nghèo khó cần cù làm lụng nên bỏ quên cái vui tuổi trẻ của hắn và nay cũng thình lình tìm lại được tánh cách tự nhiên của thanh niên.

Những kẻ như thế thường cực đoan, vui nhiều quá sau một thời gian ủ rũ, vui bù lại cho những ngày âu sầu dài trước đây.

Họ tìm lại được tuổi thật của họ và có ảo tưởng rằng họ là bạn học với nhau.

Minh móc từ túi quần tây ra một gói kẹo. Chàng chuẩn bị món quà ấy mỗi hôm, từ cái ngày mà chàng quen thân được với Huyền Trân, nhưng mỗi đêm chàng đều phải cố ăn kẹo một mình cho kỳ hết kẻo để nó qua ngày sau sẽ chảy nước.

Hôm nay, gói kẹo nầy được diễm phúc hai người hưởng.

Chàng xuống khỏi ghế xếp, ngồi chung tấm bố với Huyền Trân, đẩy gói kẹo về phía nàng và nói:

-     Huyền Trân ăn kẹo cho đỡ buồn miệng.

Có những lúc hiếm hoi Minh dám gọi bà chủ của chàng bằng cái tên hiệu ấy. Đó là những lúc mà chàng quên mình, quên thực tại như khi cật vấn kẻ quyên sinh hụt hôm nọ, những lúc mà chàng nghe không khí giữa hai người trở nên thân mật như bây giờ.

Lối xưng hô ấy, tự nhiên mà chàng dùng lúc đầu, dùng rồi giựt mình sợ hãi, nhưng Huyền Trân không phản đối và sau đó lại nhận chàng là một người bạn nên cứ thỉnh thoảng chàng lại dùng.

Huyền Trân nhận quà một cách vui lòng nhưng lấy một viên và đẩy trả cả gói về phía Minh, đẩy trả mà không nói gì, nghĩa là chỉ mời Minh cùng ăn với nàng thôi. Nàng cũng chẳng nói cám ơn món quà đó.

-     Minh đã sẵn sàng để thi chưa ? - Huyền Trân hỏi.

-     Khá sẵn sàng. Nhưng là thí sinh tự do, Minh sẽ không được hưởng ân huệ gì cả, nên sợ rớt lắm.

-     Thí sinh chính thức được ân huệ gì ?

-     Chẳng hạn vào vấn đáp, thường một số các giám khảo họ có thành kiến với những thí sinh không phải là học sinh trường nhà nước.

-     Nhưng cũng có giám khảo không thành kiến chớ ?

-     Cũng có.

-     Vậy cứ lạc quan đi. Đậu xong, Minh lên đại học hay không ?

-     Sợ không đủ cơm tiền.

-     Minh cứ đi. Ở Đại học, trừ y Khoa, còn thì nơi nào mỗi ngày cũng chỉ học có mấy tiếng đồng hồ thôi, tiếp tục làm việc được với sự thỏa thuận của các chủ nhơn. Nói thế chớ Minh muốn đi y khoa cũng được nếu trốn công việc nhà thương như một số sinh viên kia.

-     Để xem.

-     Minh phải quyết định trước chớ, kẻo bị mùa thi làm bận trí không còn biết đâu mà tính. Huyền Trân thích thấy Minh lên mà không muốn Minh đi mất, chỉ có đại học mới dung hòa hai điểm đó: lên mà vẫn ở lại nhà nầy.

Minh thấy rõ là tình cảm của Huyền Trân đối với chàng mới có mấy ngày đã đổi khác hẳn. Hôm nọ nàng khuyên chàng nên tùng quân. Nay thì nàng nói chuyện lâu dài về một cuộc sống của chàng ở Sài Gòn.

Phải, Huyền Trân đã thấy khác rồi. Hôm nọ nàng sợ Minh bồng bột quá rồi làm liều, nên nghĩ rằng đời sống dưới bóng cờ thay đổi được tâm trạng của chàng, vì người con trai lãng mạn nào cũng bớt lãng mạn sau một thời gian sống gian lao ngoài trời.

Nhưng rồi Minh đã biết lẽ phải, biết phận chàng, biết lùi lại vị trí của chàng, không hề dám vô lễ hay dám thân mật những lúc không phải thời, khiến cho nàng hết sợ hắn liều mạng.

Tình bạn mà nàng ban cho chàng khi khuyến dụ chàng tùng quân, chỉ là để an ủi một kẻ mà nàng toan đày đi xa, cho y đỡ tủi thân.

Nhưng tình bạn ấy, rồi sau đó, chính nàng lại nghe cần.

Thường thì những cô gái lấy chồng, tìm thấy nơi chồng họ một người tình và một người bạn nữa. Các anh chồng ấy phải kiêm cả ba vai tuồng mới là các anh chồng đầy đủ. Nhưng không sao mà Huyền Trân gặp người bạn mong ước nơi ông Hóa được.

Nàng có thể không cần cái vai trò thứ nhì là vai người tình nhân, nhưng rất cần vai thứ ba là người bạn.

Những người sống bình thường không cần tình bạn bao nhiêu chớ ai mà được lắm hạnh phúc, hoặc thiếu hạnh phúc, rất nghe thèm san sẻ cho người thân tín niềm vui hoặc nỗi sầu của mình.

-     Huyền Trân thích Minh vào phân khoa nào ?

-     Tùy thiên bẩm của Minh chớ. Nếu không trái ngược với năng khiếu của Minh thì Minh học luật là tốt.

-     Sao lại tốt ?

-     Vì là một người thư ký riêng mà giỏi luật thì quý báu lắm. Huyền Trân thấy ở các nước văn minh, nhà giàu họ mướn thư ký riêng thì thường mướn người trong giới luật học, chồng Huyền Trân chắc cũng nghĩ thế và ông ấy chắc sẽ dễ dãi thì giờ làm việc để Minh học thêm.

-     Như vậy Huyền Trân bảo muốn thấy Minh lên là lên ở đâu ? Học đại học rồi vẫn cứ làm thư ký riêng mãi hay sào ?

-     Chớ Minh muốn ra khỏi biệt thự “Hoa Lê” lắm hay sao ?

-     Không, còn trái lại nữa.

-     Như vậy tiếp tục làm thư ký riêng là phải, còn muốn gì hơn.

-     Minh không biết nói sao cho đúng cái ý kiến của Minh, vừa muốn ra khỏi biệt thự Hoa Lê lại vừa muốn ở đó mãi cho đến trọn kiếp. Nhưng cũng không phải thế, thật là khó nói. Nghĩa là Minh muốn ra khỏi đó với AI chớ không muốn ra một mình, bằng không được như vậy thì ở mãi nơi đó là hơn.

-     AI đó, không thể nào ra được mà Minh mơ hão. AI đó có ra thì chỉ để đi một chuyến viễn du không bao giờ về nữa. Mà Minh đã ngăn trở chuyến đi thật xa ấy.

-     Huyền Trân ơi, Huyền Trân có nhơn sinh quan của Á đông ta xưa, hay của Tây phương ngày nay ?

-     Huyền Trân không hiểu câu hỏi của Minh. Cứ nói đích xác đi.

-     Minh muốn hỏi Huyền Trân có thấy rằng đàn bà nên vẹn tiết với chồng hay không ?

-     Sao lại không. Mà Tây phương cũng y như ta.

-     Minh nói cũng chưa rõ lắm. Huyền Trân... à, đàn bà Tây phương họ ly dị với chồng họ nếu họ không yêu chồng họ để làm một cuộc hôn nhơn khác, còn Á đông ta, trong nhờ đục chịu, chỉ một lần may rủi thôi. Huyền Trân thấy ta đúng hay Tây phương đúng.

-     Tây phương họ theo chủ nghĩa cá nhơn mà Minh đã nói đến hôm nọ. Nhưng khó lòng mà Huyền Trân nói được rằng ai đúng ai sai, vì trường hợp của Huyền Trân đặc biệt quá, khác hẳn trường hợp của mọi người.

Huyền Trân, như Minh đã biết, có ký bằng tinh thần một giao ước với chồng của Huyền Trân: Huyền Trân không chịu hy sinh quá mức như người đàn bà Đông phương, nhưng Huyền Trân không thể bội ước.

Quyên sinh cũng là một lối bội ước đó, nhưng ít tội lỗi hơn, và chồng tưởng Huyền Trân chết vì tai nạn. Nhưng bội ước bằng một cuộc ly dị thì...

Nói tới đây, nàng vụt cười giòn lên thình lình rồi nhìn Minh mà ranh mãnh nói:

-     Đừng có tuyệt vọng rồi đòi giết ổng như hôm nọ đó nhé ! Minh đặt vấn đề và Huyền Trân cứu xét vấn đề, chỉ có thế thôi, một vấn đề suông, theo lý thuyết chớ Huyền Trân không có yêu ai mà nghiên cứu lối thoát, để kết hôn lại với người đó.

Một lần nữa, Minh chớ hiểu lầm, Huyền Trân mặc nhận mối tình của Minh đối với Huyền Trân, không có nghĩa là Huyền Trân yêu Minh đâu nhé.

-     Vâng, tôi biết thưa bà, phận tôi nhỏ nhoi thấp kém...

-     Minh trẻ con lắm đấy nhé ! Sao lại nói lẫy ! Phận thấp à ? Chớ Minh không được Huyền Trân nhận là bạn à ? Nếu Huyền Trân phân chia giai cấp, Minh đã chẳng được ngồi đây mà chuyện trò với Huyền Trân.

Minh hối hận nhưng vẫn tủi thân. Chàng muốn khóc lắm, nhưng không dám vì biết Huyền Trân sợ kẻ si tình quá hay làm liều. Chàng can đảm thì mới mong Huyền Trân để tình trạng nầy tiếp tục kéo dài.

Chàng bỏ hẳn lối xưng hô “tôi” hờn dỗi vừa rồi và nói:

-     Minh xin lỗi Huyền Trân.

-     Ừ, có thế chớ.

-     Nhưng buồn quá Huyền Trân ơi.

-     Ông thầy đời dạy người ta yêu sự sống, lại nói giọng của kẻ sắp tự tử ?

Bị Huyền Trân chế giễu, Minh cũng chợt thấy mình lố bịch nên bật cười.

-     Có phải như vậy là tốt đẹp hay không. Minh ngoan như vậy, mai Huyền Trân sẽ tặng một món quà.

-     Quà gì ?

-     Còn giữ bí mật.

-     Minh cũng tặng lại Huyền Trân một quà mọn.

-     Cũng, giữ bí mật chớ ?

-     Cố nhiên. Đó là một lối trả thù.

-     Mai Huyền Trân có việc đi Chợ Lớn sẽ mua quà cho Minh trong ấy.

-     Vậy à ? Lạ quá, Minh cũng định mua quà cho Huyền Trân ở trong ấy.

-     Không có gì mà lạ. Chợ Lớn là trung tâm phát hành hàng nhập cảng. Thì ra, ta muốn giữ bí mật, vẫn để bật mí phần nào. It ra ta cũng được biết quà ấy là hàng ngoại quốc.

-     Đúng như vậy.

-     Nhưng thôi; tốt hơn là ta không nên biết nhiều thêm. Có bất ngờ mới thú vị.

Họ càng thân với nhau hơn bao giờ hết. Hôm trước chỉ vì biết bí mật của nhau thôi, chàng biết nàng mưu toan trốn đời còn nàng thì bắt được quả tang chàng yêu trộm mình. Họ thân nhau trong tình trạng tùng đảng với nhau. Sự thân thiện đó không vững bằng hôm nay mà sự cảm thông giữa một đôi bạn trẻ giúp cho tình bạn hứa càn hôm nọ hóa ra sự thật.

Thành phố đã lên đèn, Huyền Trân uể oải đứng lên. Hôm nay nàng về mà cứ tiếc buổi chiều chóng tàn nầy chớ không về vì sợ hãi như hôm nọ ở trong sở cao su.

Mấy cây liễu trồng ở bờ sông sao nàng lại thấy nó vui trong bóng tím của chiều tà, đáng lý ra nó phải gợi lên hình ảnh tang tóc mới phải.

Huyền Trân cứ muốn trái đất đứng lại đừng quay nữa và thời gian ngừng hẳn nơi giây phút nầy, ngừng mãi mãi như vậy.

Nàng biết mình không thể đi sâu vào một chuyến phiêu lưu tình cảm nào cả, nên ham hưởng những phút vui không tiền khoáng hậu trong đời nàng.

Ngày mai, biết sẽ được như thế nầy nữa hay không ? Nếu Minh dại dột bước thêm một bước nữa, nàng sẽ sợ hãi mà chỉnh chàng rồi rút luôn trong nhà, không đi ra phố nữa thì sẽ không còn một chút xíu thú vị trong đời nàng.

Gã si tình, tuy hiện giờ ngoan ngoãn vâng lời mỗi lần nàng bật đèn đỏ chận đường hắn. Nhưng ai biết đâu ? Tình bạn càng trưởng thành càng có thể củng cố tình yêu nơi hắn và hắn có thể sẽ liều mạng thì hỏng cả và thật là uổng.

*

*       *

Huyền Trân bảo xe ngừng lại tửu lầu Ngọc Lan Đình. Đối diện với tửu lầu đó, có một hàng gọt ngà voi khá quan trọng.

Nàng băng qua đường và Minh theo nàng bén gót. Té ra Huyền Trân đặt một món nữ trang kiểu Á đông, bằng ngà voi để tặng bà thầy dạy nhạc nàng.

Đặt tiền cọc xong, Huyền Trân rủ:

-     Đi mua quà Minh nhé ?

-     Cố nhiên.

-     Nhưng phải đi bộ, vì đường Đồng Khánh một chiều.

-     Ừ, ta đi bộ vậy, Minh thèm đi bộ lắm.

-     Sao lại thèm đi bộ ? - Huyền Trân ngạc nhiên hỏi.

-     Thuở nhỏ, mà ngay mấy năm trước dây cũng vậy, Minh nghèo lắm, tiền đâu mà đi xe buýt, nên cuốc bộ quanh năm. Minh thèm đi bộ để nhớ lại thuở ấy.

-     Ừ, Huyền Trân cũng thèm đi bộ, nhưng không ý thức như Minh, giờ Minh nói Huyền Trân mới nhớ ra. Huyền Trân cũng ưa nhớ những năm đi học lắm, tuy nhà có xe, Huyền Trân cũng đi bộ thôi, để được đi với chị em, chúng nó tự ái lớn lắm, không thèm cọp xe của Huyền Trân.

Họ đã băng qua đại lộ Tổng Đốc Phương rồi và đi trên vỉa hè Đồng Khánh.

Minh dừng bước lại thình lình trước một hiệu ba da của người Tàu rồi mời:

-     Huyền Trân uống nước sâm nhé ?

Trên thềm hiệu ba da, có xây lột cái quầy bằng xi măng lót gạch men trắng; trên quầy đặt một cái thùng bằng đồng hình trống chầu. Hông thùng có gắn vòi nước chảy và trước vòi, rỉ ra từng giọt một thứ nước đen như thuốc Bắc lợt.

Nước sâm ấy nhỏ xuống những cái ly nhỏ để trên mặt quầy, lên hơi nghi ngút, khách đứng ngay trên vỉa hè để giải khát.

Huyền Trân sợ hãi, nhìn quanh quất để xem có ai thấy nàng hay chăng. Thấy quanh đó toàn là người Tàu xa lạ, nàng vui vẻ bước lại sát quầy, cầm lên một ly nước, y như Minh.

Nàng hớp thử một hớp rồi cười nói:

-     Đăng đắng, ngòn ngọt.

-     Ừ, và chắc bổ lắm.

-     Mấy trăm đồng một ly ?

-     Huyền Trân có đùa hay không. Chỉ một tì thôi.

-     Không đùa, nhưng tì là gì ?

-     Là một đồng bạc.

Bà mệnh phụ phu nhân nầy cười giòn lên rồi nói:

-     Không đùa thật đó, nhưng sâm gì mà rẻ như vầy ?

-     Sâm giả mà.

-     Sao Minh lại ngỡ là bổ ?

-     Không bổ nhiều, cũng bổ ít chớ không lẽ như nước đá đường hay sao.

Uống từng hớp vì nước nóng, nhưng Huyền Trân cạn ly rất lẹ, và uống xong lại lấy thêm một ly nữa.

-     Tụi mình như học trò nghèo, phải không Minh ?

-     Chớ lại không phải à ? Không là học trò nghèo lại giải khát bằng thứ nước một đồng bạc một ly.

-     Huyền Trân nhớ mấy năm trước, lần nào dừng chân lại dọc đường để uống nước mía với tụi nó, Huyền Trân cũng nghe ngon vô cùng, ngon hơn uống nước cam đóng hộp để tủ lạnh ở nhà nữa.

-     Vậy à ?

-     Ăn bánh mì thịt với tụi nó ngoài đường cũng ngon lắm.

-     Thật như vậy à ?

-     Có lẽ ngon vì tình bạn. Minh không biết chớ con nhà giàu buồn lắm, lại dốt thành phố lắm, có đi với tụi nó mới hưởng được những thú vị khám phá các gương mặt của thành phố mà mình chưa biết.

Minh trả tiền nước, và Huyền Trân nghe một thú vị trong cái chỗ được bạn bao món giải khát cho. Nhà giàu họ thèm nhiều món lạ lắm, chẳng hạn như cái thèm được bạn đãi những món quà nhỏ mọn như vầy.

Nhưng thích thú của Huyền Trân có lẽ bắt nguồn ở những nơi sâu xa, bí ẩn hơn, có lẽ đó là cái thú của con gái ưa được con trai che chở.

Đi qua khỏi mấy hiệu tiệm, Minh lại dừng bước nữa để ghé lại một ngôi hàng của một á xẩm già bày trên vỉa hè, sát thềm một hiệu giày đàn bà người Tàu.

Chàng ngồi xuống, ngồi chồm hổm để chọn những chiếc bàn chải đánh răng, trông xấu xí hết sức, Huyền Trân cũng ngồi xuống cạnh bạn và nói:

-     Thứ bàn chải nầy xấu quá và bẩn quá mất vệ sinh lắm, Minh đừng có hà tiện mà hại sức khoẻ.

Minh cười mà rằng:

-     Huyền Trân không biết sự thật và ở Sài gòn nầy cũng ít ai có mà biết sự thật về cái vụ bàn chải đánh răng vệ sinh.

Đây là ngôi hàng độc nhứt trong nước Việt Nam còn sót lại, và đây là thứ bàn chải làm bằng tay, cán bằng xương bò, còn lông thì bằng lông đuôi heo, do thợ thủ công làm, và người thợ nầy là người thợ cuối cùng của thế kỷ hai mươi, chồng của bà xẩm nầy, vài năm nữa chú chệc nầy chết thì nguy cho Minh lắm đó nhé.

-     Minh hoài cổ giữ như vậy à ?

-     Không phải. Minh băn khoăn về mặt vệ sinh. Huyền Trân nên biết rằng bàn chải đánh răng chứa rất nhiều vi trùng ở miệng ta sang qua nó. Nếu mỗi ngày không trụng bàn chải bằng nước sôi thì bàn chải là những ổ vi trùng. Mà bàn chải ni lông lại không chịu được nước sôi. Chỉ có loại nầy, loại độc nhứt vô nhị, không hư hỏng khi được đun sôi một trăm độ thôi.

-     Minh nói đúng lắm Vậy để Huyền Trân chọn cho Minh và cho cả Huyền Trân nữa.

Một lần nữa, Huyền Trân nghe thú vị vô cùng mà làm cái công việc nầy. Nàng có cảm giác. rằng mình là một cô nội trợ của một gia đình khiêm tốn, đi mua sắm với chồng những món hàng xấu, cho vừa với quỹ gia đình eo hẹp của họ.

Nhưng cảm giác nầy chỉ thoảng qua thôi, chính cái ảo ảnh học trò mà trong đó họ đang sống từ lúc cả hai cùng uống nước sâm, mới đưa Huyền Trân về giai đoạn ngây thơ mấy năm về trước của đời nàng.

Người mạng phụ phu nhơn, một phút trước khi uống nước sâm, còn sợ người quen chê cười nhà giàu mà hà tiện, nhưng một phút sau đó, nàng bất kể gặp người quen, vì nàng đã bị nhị hóa nhơn cách, hoàn toàn sống dưới cái lốt nữ sinh, cùng đi học với một người bạn đồng lớp.

Ảo tưởng nội trợ làm cho cô nữ sinh già đi, nhưng may quá đôi bạn học trò chọn bàn chải xong thì chú ý ngay đến một món đồ chơi cũng do bà xẩm già nầy bán. Đó là những con cóc bằng đất sét, chỉ bán có một đồng một con, nhưng nó lại biết nhảy như đồ chơi máy móc tối tân.

Đôi bạn sắp cóc bên gạch vỉa hè, chọc đầu que tre có quấn cao su để tháo chốt bộ máy thô sơ trong ruột cóc, rồi cả hai nhìn chúng nó nhảy rồi cười ngả cười nghiêng với nhau.

Mỗi người lại mua một con cóc như vậy, Minh nói:

-     Về nhà ngồi buồn, Minh sẽ cho cóc nhảy trên bàn để nhớ lại buổi nầy...

-     Ừ, Huyền Trân cũng cho cóc nhảy trên bàn để nhớ lại buổi nầy.

-     Và Minh sẽ nhớ đến Huyền Trân.

-     Ờ, Huyền Trân cũng có cảm giác như là Minh đang ngồi bên cạnh Huyền Trân.

Họ lại đi qua mấy hiệu tiệm nữa và đến ngã ba Đồng Khánh với một con phố hẹp bằng bàn tay xoè giống hệt những con đường ở các thành phố bên Tàu mà họ thấy trong sách.

Nước Trung Hoa được thu hẹp và nhốt lại nơi đây, với những hàng ngọc thạch, những hàng hồng đơn, hàng son sáp cổ, hàng yên chi, hàng trái táo, xí muội ô mai, và nhứt là hàng cá Tàu đông đúc khác.

Đôi bạn học trò tạt vào đó để xem cá, họ say sưa nhìn những cái bồn pha lê, trong đó cá đủ màu sắc, đủ hình thù lượn quanh những cây thủy thảo không tên, những  hòn giả sơn tí hon.

Hàng cá nầy bày ra gần năm mươi bồn, thành thử họ tốn cả giờ mà xem chưa mãn nhãn. Minh xem lại đồng hồ tay rồi hoảng hốt la lên:

-     Ý chết ! Đã mười giờ hơn rồi.

Huyền Trân cười nói:

-     Làm gì mà rối lên như vậy ? Đã trót trốn học thì bề nào cũng phải trốn luôn cho hết buổi, chớ không lẽ về lớp nửa chừng.

Minh cũng cười:

-     Nhưng cũng nên xem thứ khác chớ.

-     Ừ, thì xem thứ khác, Huyền Trân muốn đi như thế nầy hoài.

Bỗng một chiếc tắc xi chạy qua xuýt xớt Huyền Trân, khiến Minh sợ hãi, nắm tay nàng để kéo nàng vào trong.

Đường nầy hẹp như một ngõ cụt, người ta lại đi nghinh ngang giữa phố, còn tắc xi thì vẫn chạy với tác phong thường ở ngoài các phố rộng rãi.

Bị kéo thình lình và nghe thiên hạ la lên vì ai cũng ngỡ tai nạn xảy ra, Huyền Trân cũng hết cả hồn vía.

Bị kéo đột ngột và mạnh quá, Huyền Trân ngã vào người Minh. Xe chạy qua đã lâu, tai nạn không xảy ra nhưng cả hai đều chưa gom lại đủ những hồn những vía đã chạy trốn của họ, nên họ vẫn còn đứng trong dáng điệu lúc kinh sợ.

Tim họ vẫn còn đập, nhưng phải chăng nó đập vì một nguyên nhơn khác, vì một chấn động tâm thần do nội tâm của họ gây ra, chớ không phải do chiếc xe chạy ẩu.

Lâu lắm, cả hai đều lắng nghe cảm giác kỳ lạ mà cả hai đều mới cảm thấy lần đầu trong đời họ, người nam trinh Minh như thế thì đã đành rồi, mà cho cả đến thiếu phụ đã lấy chồng hơn một lục cá nguyệt rồi cũng thế.

-     Huyền Trân đừng sợ nữa, có Minh đây.

-     Huyền Trân sợ quá Minh à.

Sợ, nhưng nàng lại dang ra. Hai câu đối thoại trên đây khiến nàng chợt tỉnh và ý thức về tính cách không ổn của sự thân mật giữa hai người mà nàng đã để lâu quá để nó kéo dài khỏi cơn sợ hãi đến hai ba phút đồng hồ, Huyền Trân mắc cỡ hết sức, không phải xấu hổ với người chung quanh vì khách qua đường có thể ngỡ họ là vợ chồng với nhau, nhưng mắc cỡ với Minh và với chính nàng.

Huyền Trân bước thật lẹ để trở ra vỉa hè đại lộ Đồng Khánh, làm như đi mau là thoát khỏi sự bẽ bàng được.

Minh vẫn còn nắm cánh tay của nàng, cùng chạy theo nàng, làm như cơn nguy cứ còn mãi và chàng phải bảo vệ Huyền Trân mãi.

Huyền Trân không vùng vẫy để hất tay Minh ra mà nói rấ khẽ, trong hơi thở hổn hển, giọng van nài:

-     Minh buông Huyền Trân ra.

-     Ừ, nhưng Huyền Trân phải cẩn thận.

Họ đi trên vỉa hè đại lộ, nhưng ngược lại quãng đường đã qua, tức là đi trở về hướng bót cảnh sát Quận Năm.

Đi ngược vài mươi bước, Minh la hoảng lên:

-     Ô hay, sao ta lại về ? Chưa mua quà kia mà !

Huyền Trân vẫn còn thở hổn hển mỉm cười nói:

-     Ta điên rồi, đi mà không biết đi đâu.

Rồi đôi bạn trở gót để đi tìm hiệu ba da to đằng kia.

-     Huyền Trân chưa đỡ sợ sao ? - Minh hỏi.

-     Huyền Trân sợ lắm !

-     Đã hết rồi !

-     Chưa chắc !

Minh ngạc nhiên hỏi:

-     Sao lại chưa chắc ?

-     Huyền Trân không phải sợ tai nạn xe hơi.

Bỗng Minh chợt hiểu. Chàng dừng bước lại thình lình và thừ người: Huyền Trân đã xác nhận rằng sự đụng chạm giữa hai người đã làm cho nàng kinh hoảng. Nàng đã bị xúc động. Và hơn thế sự xúc động ấy “chưa chắc đã hết”.

Bây giờ, chính chàng lại bối rối. Nỗi mừng rỡ làm cho tim chàng càng đập dữ hơn khi nãy nữa. Chàng phát run lên và gần phát điên lên.

Khi nãy Huyền Trân mắc ngắm tủ kiếng của các hiệu tiệm nên không hay bạn đã dừng bước. Nàng cứ tiếp tục đi tới, giây lâu day lại thì không thấy Minh, nàng dáo dác nhìn quanh quất để tìm bạn.

Thấy Minh còn đứng đằng sau rất xa, nàng mỉm cười hỏi:

-     Mỏi chân à ?

Minh chỉ thấy nàng nhép môi thôi chớ không nghe được nàng nói gì, vội chạy tới.

-   Nhìn cô xẩm nào mà chết sững như vậy, anh học trò trốn học ? Huyền Trân cười hỏi khi chàng tới nơi.

Minh lại càng bối rối hơn. Chàng ấp úng những gì không nghe được và thở rất dữ.

-     Sao lại sợ trễ muộn như thế ? Tai nạn đã qua khỏi lâu rồi.

-     Như Huyền Trân, Minh không có sợ tai nạn.

-     Chớ sợ gì ?

-     Không sợ gì cả, Minh mừng.

-     Mừng nỗi gì ?

-     Không biết.

-     Huyền Trân sẽ cho Minh biết một nỗi mừng khác. Đây vào đây.

Minh nối gót theo nàng và cả hai bước vào một hiệu ba da rộng ba căn nhà.

Hiệu bán toàn xa xí phẩm ngoại quốc, món nào trông thấy cũng bắt thèm. Huyền Trân nói:

-     Minh cứ ngắm bậy gì đó, đừng xem Huyền Trân mua quà gì. Phải bất ngờ mới hay.

-     Nhưng Minh cũng định mua gì ở đây.

-     Vậy à ? Hai linh hồn ta gặp nhau.

-     Không. Đây là hai linh hồn bé gặp nhau. Minh cứ muốn bé bỏng trước mắt Huyền Trân và muốn Huyền Trân bé bỏng trước mắt Minh.

Cuộc đối thoại đã đến chỗ nguy hiểm nên Huyền Trân đánh trống lảng:

-     Vậy Minh chọn quà cho Huyền Trân đi.

Hai người tách riêng ra, không ai rình ai cả. Huyền Trân chọn rất lẹ một chiếc cà vạt vì hiệu buôn chưng bày ra cả, dễ so sánh lắm vì nhờ khiếu thẩm mỹ của Huyền Trân vững.

Trả tiền xong, nàng quên mất là phải để cho Minh bí mật làm việc, đưa mắt tìm bạn thì ngạc nhiên hết sức mà thấy người con trai nầy cầm một món đồ nhiều màu mà bẻ gãy đi.

Ngỡ hắn tức giận cái gì và tánh nóng nảy của con trai khó dằn, hắn làm xằng thì kỳ cục với hiệu buôn ngoại quốc nầy, Huyền Trân vội chạy lại chụp lấy tay Minh rồi dịu dàng nói:

-     Minh đừng có nóng mà không tốt. Giận ai ?

Minh cười hề hề:

-     Không có giận ai hết. Nếu có, chỉ giận Huyền Trân rình Minh thôi, nhưng không sao, đã xong rồi.

Huyền Trân xem lại thì món đồ bị bẻ gãy là một ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo cất trong một khu vườn Nhật bổn, tất cả toàn bằng tre, đẹp vô cùng.

Một tay Minh cầm những mảnh nhà, mảnh vườn bể, một tay chàng nắm chặt cái gì không rõ. Vật ấy không để ló ra ngoài một cái góc cái rìa nào hết.

-     Xong cái gì ? Huyền Trân hỏi.

-     Đã lấy quà xong ở trong nắm tay nầy. Đố Huyền Trân đoán được cái gì.

-     Huyền Trân cũng đố Minh đoán được cái gì trong hộp nầy.

-     Cả hai đều bí hết thì huề vậy.

Minh nói rồi xòe bàn tay ra và Huyền Trân kinh ngạc hết sức mà thấy đó là một cây thánh giá nhỏ bằng chiếc đũa, với chúa Giê Su bị đóng đinh, tất cả cũng toàn bằng tre.

Mặc dầu nàng ở bên lương, Huyền Trân cũng thưởng thức vẻ đẹp của giáo phẩm nầy, chắc chắn là do một bàn tay nghệ sĩ tạc ra.

-     Nếu thợ họ làm ông Phật thì tuyệt nhưng không có Phật thì... Vả Huyền Trân chỉ thưởng thức hay không nét mỹ thuật của món nầy.

-     Đúng như vậy. Khéo lắm ! Huyền Trân sẽ đưa cho hiệu kim hoàn gắn dây chuyền vào để Huyền Trân đeo nơi cổ. Nhưng sao lại phải triệt hạ miếng vườn và nhà thờ ?

-     Ấy Minh không muốn làm lộ rõ giá trị của món nầy nên định tách rời nó ra khỏi toàn thể. Nhưng keo Nhựt bổn tốt quá, nó gắn chặt thế nào mà Minh gỡ cây thánh giá ra không được, phải hủy hết mấy thứ khác.

-     Thôi trả tiền đi chớ.

Minh nhìn người bán hàng và hỏi:

-     Trả tiền cây thánh giá nầy. Còn mấy món đã gãy thì thôi nhé.

Họ cười xòa với nhau rồi ra khỏi hiệu. Lần nầy họ ngược đường đi để về chỗ đậu xe mà không ai hoảng hốt cả vì họ thấy là đã đến lúc phải trở về nhà vì đã hơn mười một giờ rồi.

Minh giựt lấy chiếc hộp mà Huyền Trân cầm nơi tay, mở dây cột, mở giấy gói thì thích chí vô cùng khi nắp hộp được giở ra. Màu sắc chiếc cà vạt thật đúng ý của chàng, tươi trẻ mà không lòe loẹt.

Cả hai đều vừa vui dạ hết sức sau khi nhận quà của nhau, nhưng kỳ lạ thay, đi bên cạnh nhau mà họ không nói gì với nhau cả.

Cả hai đều buồn vì ảo ảnh đời sống học trò đã tiêu tan đi mất trước cái ý nghĩ một lát nữa đây, họ sẽ hiện nguyên hình là một mạng phụ phu nhân và một công nhân.

Họ vừa xem xong một vở phim chiếu lại đoạn đời niên thiếu của họ, vui thú không biết bao nhiêu. Khi màn bạc tối sầm và bên ngoài khu khán giả bừng sáng lên, họ phải sống đời sống thật của họ, ngán ngẩm.

Trước sau có mấy phút đồng hồ, mà cả hai đều nghe mình già thình lình như Từ Thức về trần.

Họ ngậm ngùi thương tiếc hai đứa bé, không, hai gã thiếu niên, thiếu nữ ngây thơ, mới thấy đó bỗng vừa mất đó.

Mãi cho đến lúc sắp sửa băng qua đại lộ Tổng đốc Phương, Minh mới chợt tỉnh nói:

-     Chiều nay mình đi dạo mát một vòng Huyền Trân nhé !

-     Thôi Minh à !

-     Sao lạ vậy ? Minh tưởng sau một buổi chung sống nầy, ta phải gần gũi nhau hơn chứ.

-     Huyền Trân sợ lắm Minh à.

Thái độ Huyền Trân đã chuyển biến đến cái chỗ không còn cho là anh con trai nầy yêu trẻ con, yêu điên dại như hôm nọ nữa. Nàng đã thú nhận rằng lòng nàng không dửng dưng nữa được rồi đó.

Chỉ có giây phút nầy, câu nói khi sáng của Huyền Trân mới nghe thấm thía: CHƯA CHẮC ĐÃ HẾT, HUYỀN TRÂN SỢ LẮM.

Phải, chưa chắc đã hết, Minh cũng nghĩ như vậy. Hết làm sao được khi mà chàng “dám” hơn trước nhiều, nhờ lời tự thú ngầm của Huyền Trân là nàng không thờ ơ được nữa.

Mối tình vô vọng và điên dại của chàng không vô vọng nữa rồi. Con phố chạy trước tửu lầu Ngọc Lan Đình cũng hẹp như bàn tay xòe. Không biết thật tình sợ tai nạn cho bạn hay vì hậu ý không hay nào khác mà Minh lại nắm cánh tay của Huyền Trân y như khi xem cá, để đưa nàng từ bên nây lề phố qua bên kia là nơi xe đậu.

Cả hai đều lên xe, nhưng Minh không mở máy. Chàng nói:

-     Huyền Trân ơi, từ đây về Sài Gòn chỉ tốn có mười mấy phút thôi Huyền Trân à ! Rồi sau đó thì hết.

-     Ừ, rồi sau đó thì hết !

Huyền Trân thẫn thờ và lặp lại lời bạn như một tiếng vang. Nhưng rồi nàng nói:

-     Mà Huyền Trân mong cho nó hết, mong cho hôm nay chỉ là giấc mơ thôi, một cơn ác mộng thôi.

-     Không, đây là một giấc mơ kỳ thú Huyền Trân à.

Đáng lý gì xe phải quẹo trước tửu lầu Thoại Quỳnh Lâm để về Sài Gòn, Minh lại chạy luôn vào hướng nhà thờ Cha Tam.

Tiềm thức chàng đã điều khiển cuộc đi lạc đó, nó có nghĩa là đi luôn, không về nữa.

Chạy được một đỗi rất xa, Minh mới chợt tỉnh và trở hướng. Nhưng quay xe xong chàng đậu lại dựa dường, dưới bóng một cây dái ngựa.

-     Đã trưa rồi, về thôi ?

Huyền Trân sợ hắn còn nói lôi thôi gì nên ra lịnh như vậy, với giọng chị cả hách dịch của nàng. Bấy giờ Minh mới chịu đi suông sẻ.

Đây là hai Từ Thức về trần. Vĩnh biệt đời học trò nhé ! Chưa chắc đi dạo phố lần sau mà họ sẽ có được ảo tưởng vừa qua. Trong hai tiếng đồng hồ họ đã hoàn toàn sống dưới lốt học trò, nghe họ trẻ dại và yêu đời ghê lắm.

Và trên đường về, họ già trở lại lần lần cho đến khi xe vào cổng nhà thì họ trở về hẳn với đời người lớn thật của họ, đời người lớn mà họ phải sống sớm quá trong khi cả hai đều còn ở tuổi học trò.

Ông Hóa đang tiễn bạn ra cửa, một người bạn làm ăn, đồng lứa với ông.

Ông bạn ấy cúi chào Huyền Trân:

-     Ma đàm, mạnh giỏi ?

Minh ngừng xe lại trước mặt khách cho Huyền Trân xuống rồi chạy luôn vào ga ra.

-     A, ông Thịnh, bà Thịnh vẫn mạnh chớ ?

Huyền Trân sống với người già, bị lây phong thái già của chồng và của bạn chồng, nên mới có hai mươi, nàng đã ra vẻ một mạng phụ phu nhơn già giặn rồi.

-     Cám ơn Ma đàm. Nhà tôi nó nhắc Ma đàm luôn.

-     Để rồi có rảnh, chúng tôi sẽ đến thăm bà Thịnh.

Người miền Nam ta lớp già, không bao giờ chịu gọi người nhỏ tuổi hơn họ bằng Bà, hoặc bằng Ông, bằng Anh, bằng Chị.

Lớp trẻ tuổi thì lại thích được gọi như vậy và những thiếu phụ còn trẻ mích lòng khi bị kêu. bằng Ma đàm vì họ nghe họ như là những me tây trước lối xưng hô ba rọi đó.

Vì thế mà Huyền Trân chào khách một cách lợt lạt rồi bỏ đi vào nhà.

Khi ông Hóa lên lầu, ông bắt gặp vợ còn mặc nguyên chiếc áo dài đi phố, ngồi chồm hổm trên gạch mà nhìn con cóc bằng đất đang nhảy.

Đó là ông ngỡ như thế thôi, chớ thật ra Huyền Trân không có nhìn cóc. Nàng nhìn xa lắm, nhìn buổi phiếm du trong Chợ Lớn khi sáng.

Ông Hóa cười ha hả trước sự trẻ con của vợ, nhưng rồi ông giựt mình nín lặng, sợ vợ ông đoán biết rằng ông chế giễu tánh trẻ con của nàng rồi giận ông chăng.

Ông khen:

-     Hay lắm. Ai mà khéo nghĩ ra món đồ chơi nầy. Để “tôi”, mua cho “Ma đàm” một con búp bê biết cười, biết nhắm mắt, mở mắt, còn hay hơn nữa.

Ông Hóa vẫn không thôi chế giễu cô bé đã lấy chồng rồi mà còn chơi dại như em nhỏ. Ông dùng đại danh từ Ma đàm của khách khi nãy với mục đích chế giễu ấy để làm lộ ra sự tương phản giữa cái già giặn và cái trẻ con nơi vợ ông.

Huyền Trân hiểu được tất cả những ý nghĩ thầm kín của chồng. Nàng không bị mích lòng mà trái lại còn thích chí. Chồng nàng chế giễu nàng trẻ con, làm cho mặc cảm già của nàng mất đi, và ảo tưởng học trò của buổi sáng lại lởn vởn trở về.

Thế nên trong bữa cơm trưa hôm đó nàng vui vẻ được, và hơn thế, nàng không xẽn lẽn trước mặt chồng, không xấu hổ cái xấu hổ của một người đàn bà lương thiện đã lạc vài bước trên đường phiêu lưu.

<< Phần VI | Phần VIII >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 925

Return to top