Ở trường tôi, hằng tháng các môn chính yếu như văn, toán, lý, hoá, tiếng Anh, học sinh phải làm bài kiểm tra bằng hình thức tập trung. Nghĩa là một phòng 25 thí sinh, xếp tên theo thứ tự ABC, đánh số ký danh thay đổi từng buổi, giấy thi ghi mật mã và cắt phách. Hoàn toàn như một đợt kiểm tra mỗi học kỳ hay một kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh toàn quốc.
Tháng nào cũng gác thi và thi, ôn tập và chấm trả bài đúng thời hạn. Thật vất vả và căng thẳng. Nhưng rõ ràng học sinh có tỏ ra cố gắng, siêng năng học tập, vì phải luôn ở trong tình trạng làm bài một mình, bằng chính sức học của mình. Hỏi bài của bạn, trao đổi bài làm hay giấu lén chép tài liệu đều bị lập biên bản, hạ một bậc hạnh kiểm, bài làm bị điểm 0, bất kể bài làm đúng, sai, dài, ngắn.
Đồng thời, để tập cho học sinh có tác phong nghiêm túc, mỗi lần vào phòng kiểm tra các em phải xuất trình phiếu báo danh có dán hình, đóng dấu, ký tên. Lỡ quên, phải về nhà lấy. Xa gần cũng mặc. Bằng mọi cách phải có tờ giấy đó thì mới được vào dự kiểm tra. Nếu không coi như vắng mặt, lãnh số 0 vào cột điểm.
Nhưng quên thì vẫn cứ quên.
Mỗi đợt kiểm tra, tính trung bình cứ năm phòng thì một phòng có một, hai học trò rụt rè đứng ngoài cửa mếu máo : “Thưa … em lỡ quên”. Mặc kệ. Phải nghiêm chỉnh chấp hành qui định. Thầy cô lúc ấy sao mà “ác”. Hầu như các thầy cô giáo trong trường đều có dịp trải qua tình cảnh ấy. Rồi cũng đến lượt tôi.
Hôm đó, khi đang cùng các đồng nghiệp lần lượt toả đi các phòng để làm nhiệm vụ giám thị, một người nói nhỏ với tôi : “Cho em gửi số ký danh… Dạ, học sinh lớp em. Giờ này nó mới nói là quên ở nhà. Khóc sướt mướt. Nếu chỉ có một mình nó, xin chị cho qua dùm em”. “Còn ban giám hiệu?” - “Rồi, em đã hỏi thầy hiệu phó, ổng nói được”. Tôi gật đầu, bỗng ước sao phòng tôi gác có đến hai đứa quên.
Các thủ tục gọi tên trình giấy, phá giấy làm bài, phát đề diễn ra suôn sẻ. Cô bé ấy lẳng lặng vào chỗ. Tất cả học sinh cắm cúi làm bài trong không khí yên lặng đặc biệt của phòng thi. Chỉ có tôi là không yên tâm. Chắc chắn, các em cùng lớp cô bé kia đều biết chuyện tôi đã không nghiêm túc xử lý theo qui định bấy lâu nay. Cả phòng này sẽ biết. Rồi chúng sẽ đồn đại từ lớp này qua lớp khác. Tôi sẽ vừa mất uy tín với học trò, vừa bị ban giám hiệu khiển trách.
Ánh mắt nghiêm nghị của tôi canh chừng học sinh làm bài cũng nghiêm khắc như tôi đang tự vấn lòng mình. Tại sao tôi không kiên quyết từ chối ngay khi nghe nhờ vả? Vì tôi sợ mất lòng đồng nghiệp. Ở đời, bánh ít đi, bánh qui lại. Rồi sẽ có lúc học trò lớp tôi bị quên. Nếu gặp, thì cô ấy cũng sẽ bỏ qua. Tôi suy nghĩ như thế nên đã nhận lời. Chỉ còn một thắc mắc : ban giám hiệu là nơi đề ra chủ trương, biện pháp ấy, tại sao lại đồng ý du di cho trường hợp này ?
Vừa lúc ấy thầy hiệu phó đi kiểm tra đến phòng tôi gác, tôi hỏi. Ông lắc đầu ngạc nhiên : “Không. Cô ấy không hỏi.”
Tôi như trút được gánh nặng khi nghe câu trả lời ấy. Mặc dù đề bài đã phát được năm phút, tôi nhất quyết buộc em nữ sinh kia về lấy phiếu báo danh, theo đúng nguyên tắc.
Những tưởng xử sự như vậy thì lương tâm được yên ổn, nào ngờ tôi càng bị nó cắn rứt, dằn vặt nhiều hơn, từ nhiều phía. Đầu tiên hình ảnh em học sinh đó sững sờ buông viết, hấp tấp lao ra cửa. Lúc trở lại, vữa lễ phép đưa tờ phiếu báo danh bằng hai tay, em vừa khóc nửc nở từng hồi như bị oan ức. Em nghĩ, người lớn sao lại có thể nuốt lời hứa trong chớp mắt như thế. Mặc kệ, tôi động viên còn nhiều thời gian làm bài, em vẫn khóc thêm một hồi lâu nữa. Và khi nộp bài, em nhờ bạn. Em sợ hay không muốn nhìn tôi? Kế đó là cô bạn đồng nghiệp kia. Thấy học trò của mình ra khỏi phòng, cô đi theo. Rồi cô kể : “Em ấy ở ngoài quê vào, nhà bà con ở tận quận 4, thầy hiệu phó phải đưa tiền, bảo em đi xe ôm cho kịp”. Giọng cô nhỏ nhẹ nhưng tôi nghe như trách móc.
Tôi đã làm đúng? Hay sai ?
Lúc đó là khoảng giữa năm học. Về sau, thỉnh thoảng tôi gặp em ở thư viện. Tôi thấy mắt em nhìn tôi như học trò nhìn các bà giáo nổi tiếng nghiêm khắc. Tôi lại chẳng yên lòng.
Một hôm, tôi quyết định nói chuyện với em. Cố lấy giọng doạ nạt để đùa cợt, tôi hỏi :
-Trả tiền thầy hiệu phó chưa?
Lập tức em cười như đã chờ câu hỏi ấy lâu lắm :
-Dạ, nộp bài xong em trả tiền.
-Đi xe ôm tốn hết bao nhiêu ?
-Dạ, không tốn tiền cô ơi.
-Chà. Có ông xe ôm nào tốt quá hả? Chắc tại thấy em khóc, người ta tội nghiệp chở làm phước?
Em bẽn lẽn :
-Dạ không phải. Có anh kia, ảnh chở dùm.
-Em ở quê, sao gan quá vậy? Em có quen anh đó không?
-Dạ, đâu có quen. Chạy ra cổng, quýnh quá, thấy ảnh đang ngồi trên xe, em kêu đại.
-Em tưởng xe ôm?
-Thưa cô, không. Em thấy đeo phù hiệu trường mình. Lớp 11A mấy em quên rồi. Hình như tên là Trọng. Người đen đen, thấp thấp, mặt có nhiều mụn.
Tôi có biết em Trọng. Năm ngoái tôi dạy lớp em. Giờ chơi, tôi tìm Trọng hỏi đúng không. Em gãi đầu cố nhớ : - Bạn đó học lớp 10A3, còn tên gì em quên mất. Bữa đó thi xong, đang uống trà đá trước cổng trường, em thấy nó nắm một nắm tiền, nhìn ngược nhìn xuôi mà khóc sướt như bị đòn. Tội lắm. Em mới kêu nó chỉ nhà, em chở.
-Em dám qua bên quận 4?
-Ban ngày mà cô. Em mặc áo học trò, họ đâu thèm để ý.
-Sau chuyện đó, chắc hai em gặp nhau thường thường ?
-Dạ, đâu có gì mà gặp tiếp nữa. Em nghĩ, chắc nó quên một lần là sợ tới già. Hết dám tái phạm.
Cô giáo kể tới đó thì kết thúc chuyện bằng một nụ cười hoan hỉ. Cô kết luận : Không ngờ học sinh của mình trong sáng, trung thực, nghĩa hiệp quá chừng. Một đứa thì hết sức tin tưởng học sinh trường mình nên nhờ vả. Một đứa thì tự nguyện giúp đỡ vì thấy tội nghiệp.
Riêng cô, khi biết tới đầu đuôi câu chuyện cũng bớt băn khoăn về việc cô đã chấp hành nghiêm túc luật lệ, nhưng tôi cứ muốn kể cho nhiều người nghe nữa. Chuyện về những con người tốt đẹp ở chốn học đường. Môi trường bình thường thầm lặng nhưng nghiêm túc và trong sáng ấy đã tạo nên những con người có tình cảm, suy nghĩ, hành động…dễ thương như thế.