Tôi gặp bác lần đầu tiên khi bác từ Sài Gòn dọn nhà ra Đà Nẵng, đến khu phố tôi ở. Bác trai là lính. Còn bác ở nhà nội trợ, chăm chút cho ba cậu con trai có độ tuổi sàn sàn với ba chị em gái chúng tôi.
Tôi còn nhớ rõ sáng hôm ấy, khi thấy một con bé năm tuổi là tôi, đứng thập thò ngoài cửa, tò mò ghé mặt vào căn nhà đang ngổn ngang bàn ghế, giường tủ, bác mỉm cười, vẫy tay : “Vào đây chơi đi cưng”. Yên tâm vì cái giọng rặt Nam bộ nghe rất hiền của bác, tôi rón rén bước qua khung cửa. Bác xoa đầu, nhẹ nhàng hỏi chuyện và cho tôi mấy cây kẹo. Tôi sung sướng chạy về nhà khoe vì chuyện được mấy cây kẹo thì ít, mà vì được làm quen với một người hàng xóm mới thì nhiều. Biết tôi học ngang lớp với Nhân, đứa con trai đầu của bác, bác bảo tôi ôm tập qua nhà để bác kèm học với con bác cho có bạn. Cũng từ hôm đó, tôi gần như là một thành viên của gia đình bác. Hai bác trở thành bạn thân của ba má tôi, ba đứa con trai của bác trở thành bạn thân của ba chị em gái chúng tôi. Trong cuộc chơi nào, mỗi lần thấy chúng tôi phụng phịu là bác lại giở giọng đe nẹt bầy con : “Má nói không đứa nào được ăn hiếp em đó nghen”. Những lúc như vậy, tôi lại nghếch mặt, chun mũi, cười hả hê khi thấy ba cậu quý tử của bác tiu nghỉu như mèo cụt đuôi.
Nhờ bác kềm cặp, những phép tính đầu tiên của tôi luôn được điểm 9, điểm 10. Duy chỉ có mỗi môn tập viết tôi luôn bị điểm kém vì chữ xấu. Bác cứ kiên nhẫn rèn cho tôi mãi, đến một hôm, giở vở ra xem, thấy tôi được điểm 7 khi viết chữ E hoa, bác hôn lấy hôn để lên má tôi. Bác cầm vở chạy qua khoe với ba má tôi và xin phép cho tôi được đi xem phim vào chủ nhật để thưởng cho sự tiến bộ “vượt bậc” của tôi.
Bác rất nhạy cảm. Hôm được tin em gái của chị giúp việc nhà tôi vừa mới mất, chị phải về lo tang cho em, bác nghẹn ngào, nước mắt giàn giụa trên mặt. Những ngày sau đó, bác lại tất tả giúp má tôi chuyện chợ búa, cơm nước vì má tôi vừa phải đi dạy vừa phải lo cho con nhỏ.
Những ngày mùa đông dài lê thê bởi những cơn mưa tầm tả, tôi ngồi bó gối trên giường nghe bác kể chuyện 24 tấm gương hiếu thảo của người xưa: chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ, chuyện về những cô cậu bé trong tác phẩm “Tâm hồn cao thượng”… Những câu chuyện đó cứ dần dần thấm sâu vào tâm khảm của tôi kể từ đó, tôi cứ ao ước rằng tôi sẽ là người tốt như những nhân vật trong câu chuyện của bác.
Thời chiến tranh, cũng như những gia đình lính khác, gia đình bác rồi cũng phiêu dạt khắp nơi. Một thời gian bặt tin bác. Sau đó, tôi nghe nói bác làm rẫy ở Phan Thiết. Tôi ước ao được gặp lại bác. Rồi ao ước cũng được thoả lòng. Sau đó, bác viết thư về cho tôi rằng : “…Bác định bụng khi gặp con sẽ ôm hôn con như ngày xưa, nhưng bác hơi ngỡ ngàng vì thấy con lớn quá…” Có lẽ bác mong tôi cứ mãi mãi như ngày xưa, nhỏ bé như hình ảnh con bé mà có lần bác chân thấp chân cao ôm nó chạy đi cấp cứu khi ba má nó vắng nhà.
Thuở nhỏ, trong trí óc non nớt của tôi, bác là một người hiểu biết, học cao. Bây giờ khôn lớn, qua lời má tôi kể lại, bác chỉ mới học đến lớp 5. Tuổi thơ của bác là cả một quãng dài cơ cực. Mồ côi mẹ, ở với dì ghẻ, bị hành hạ, hằng ngày phải hốt phân heo đến độ bây giờ, mười ngón tay của bác cứ bị co quắp. Nghe má tôi kể mà lòng tôi rưng rưng. Bác thương tôi vì lẽ gì ? Vì bác không có con gái, hay vì tuổi thơ của bác quá ảm đạm ? Với những điều tốt đẹp mà mọi người nói về bác, trong đó có những lời đầy ắp trìu mến thương yêu của mẹ chồng và con dâu dành cho bác, bác Năm của tôi có phải là một người cao thượng. Đối với tôi, bác Năm quá đỗi bình dị. Nhưng những gì bác để lại trong lòng tôi đã ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của tôi sau này. Để trở thành một người tốt, tôi chưa dám mơ đến điều đó, song để không phải là một con người xấu, thì tôi tin, tôi đã đạt được. Chính là nhờ từ những hạt giống nhân ái mà bác Năm đã gieo trong tâm hồn của tôi thuở còn bé bỏng.