Bốn năm trước tôi biết đến em, hồi em học ở cấp II, từ năm lớp 6. Tôi đã có những dự định làm được việc gì đó cho em. Nhưng thời gian thì vẫn cứ trôi, còn tôi phạm phải tội vô tình.
Nguyễn Trường Thành hiện là học sinh lớp 10 A1 của trường trung học Nguyễn Hữu Cảnh, Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Bị liệt năm lên hai, đôi chân Trường Thành dần teo lại, mọi sự di chuyển phải lết. Điều an ủi của gia đình khi em lớn lên theo học ở trường làng là liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, lại rất hiếu học.
Dạo năm 1993 khi trường cấp II xã Long Điền B giải thể, hoàn cảnh nghèo, cha mẹ em không đủ điều kiện cho ra trường thị trấn để học, đến mười cây số. Trong khi đường quê đi lại hết sức khó khăn, nhất là gặp ngày mưa đường trơn, lầy lội. Gia đình bốn nhân khẩu với hai công rưỡi đất ruộng, cha Thành phải đắp đổi thêm bằng nghề sạt bình. Lo ăn đã khó, huống nữa lo học. Đôi chân Trường Thành mang tật, ai sẽ đưa đi học hàng buổi. Quá cường điệu không khi tôi gọi Trần Hoà Hậu là vị cứu tinh. Em đến không đem theo hào quang chói loà mà xuất phát từ tình bạn hữu, một tấm lòng đầy nhân ái. Bốn năm liên tục cõng bạn đi học. Đưa được bạn lên yên xe đạp đã khó, gặp những chiếc cầu cao miệt kênh rạch này, người bạn nhỏ 12 tuổi ấy gò lưng vì không muốn Trường Thành xuống xe lết qua cầu. Đến trường, gởi xe xong, Hoà Hậu đến bên bạn khom lưng thật sát đất cho tay Trường Thành vòng qua cổ để Hậu cõng vào lớp học. Công việc Hậu làm cẩn mẫn chẳng cần lời khen tặng. Một lần nhà báo tỉnh muốn viết bài về Hậu, em né tránh chẳng muốn tỏ bày. Đến khi bài và ảnh đăng báo em còn chưa đọc đến.
Tôi còn nhớ lần nhà trường tổ chức buổi đố em, tôi phụ trách điều khiển chương trình. Đến lượt Thành tôi định cho qua, bởi không muốn thấy cảnh em phải lết lên bục nhận câu hỏi. Tôi đã sai, vì bản thân Trường Thành không muốn điều đó. Chẳng ai khác hơn vẫn Trần Hoà Hậu cõng bạn từ phía dưới lên giữa hàng trăm ánh mắt bạn bè đầy thán phục, trân trọng. Tôi biết, ban đầu còn có bạn trêu ghẹo, bây giờ thì hình ảnh Hậu cõng Trường Thành như bài học về tâm hồn cao thượng thật đáng kính phục.
Kể cho tôi nghe, Thành rơm rớm nước mắt. Năm 94, 95, 96 đều có lũ, con đường quê nhiều chỗ bị ngập rất khó đi. Vừa dắt xe, Hậu còn phải cõng Thành. Những ngày mưa gió lạnh lẽo vô cùng, hai bạn không áo mưa, mắt đường nước lũ dâng tràn, bấm từng ngón chân xuống đất để không bị trượt ngã. Lưng áo sũng nước mưa của Hậu, còn thấm đẫm những giọt nước mắt ấm nóng của Trường Thành, là khi Thành bảo bạn : “Hãy để mình xuống, mình sẽ lết qua được”. Hoà Hậu vẫn một mực : “Cứ ôm cổ mình thật chặt đi!”.
Thi tốt nghiệp trung học cơ sở vừa qua, hai bạn Trường Thành và Hoà Hậu đều đỗ với kết quả cao. Đây thực sự là món quà quý mà hai em đã dành tặng ba mẹ, thầy cô và bạn bè. Nhưng vào lớp 10 chỉ có mỗi Trường Thành. Biết điều này, tôi về Trà Thôn, xã Long Điền B tìm Trần Hoà Hậu, mẹ em không kìm nổi xúc động giải bày : “Sống ở vùng sâu, vì quá nghèo, Hậu phải thôi học để phụ tiếp gia đình trong công việc ruộng rẫy”. Gặp Hậu tôi ngõ lời muốn viết bài về tâm hồn cao thượng của em và sử dụng tấm ảnh mà tôi chụp cảnh em cõng Trường Thành đi học hồi năm lớp 7. Yên lặng một lúc, Hậu nói : “Chuyện ấy cũng bình thường thôi mà”. Vâng, trong cuộc đời làm thầy của mình, hình ảnh em cho “bình thường” ấy lại chính là dấu ấn khó phai mờ trong tâm tưởng tôi, một nghĩa cử mà tôi còn phải học ở em rất nhiều.