Thoát Hoan rời Đại Đô được hai ngày thì ở nước Đại Việt cuộc triều hội các vương hầu họ Đông A diễn ra tưng bừng trên bãi Bình Than, cái bãi cát mênh mông được gọi là hòn châu có sáu rồng chầu. Sáng tinh mơ hôm ấy, các vương hầu từ chỗ đóng quân ở các bến thuyền có quy định trước, đáp thuyền nhẹ về Bình Than. Chung quanh bãi, những đội quân thuỷ tuần sát bằng những chiếc chải sơn then trường mình như đàn cá trong thần thoại. Ở mũi thuyền, những người cầm trống gõ nhịp cho trạo nhi từng tiếng tong tong. Những lá cờ đại, những lá phướn các màu cắm la liệt, một khu nhà rạp rất lớn cất trên một khu đất cao nhất bãi. Trước khu nhà, một lá cờ to bằng bốn chiếc chiếu màu đỏ trên đính chữ Trần bằng nhung đen. Chữ này do chính tay Trần Nhật Duật viết trên giấy rồi thư nhi theo hình cắt chữ trên nhung. Nét chữ của Trần Nhật Duật nom thật xương kính, trộn cũng không lẫn. Giáp binh túc vệ Thượng đô đeo kiếm tuần sát quanh khu nhà rạp, còn quân gia đồng hương Vạn Kiếp dưới quyền chỉ huy của hai gia tướng Yết Kiêu và Dã Tượng đứng thị lập ở ngoài rìa. Người ta còn thấy những người lính gia đồng ở thái ấp cũ An Sinh cũng có mặt dưới sự chỉ huy của Nguyễn Địa Lô.
Lúc chuông chùa Phả Lại thỉnh hồi chiêu, Chiêu Minh vương và Hưng Đạo vương phò hai vua xuống thuyền ở bến Vạn Kiếp. Con thuyền Long Phụng nhổ sào chậm mất một khắc vì một chiếc thuyền đinh lướt qua bến theo lõng nước chảy xiết gần bờ. Thượng hoàng sửng sốt vì sự táo tợn của chủ thuyền. Người chú mục nhìn những người ngồi trên đầu thuyền đinh và kinh ngạc nhận ra vẻ mặt của một người thân. Người phán nhỏ với đức ông Chiêu Minh:
- Kìa! Đúng là cái thằng hỗn láo ấy nó ngồi kia!
Đức ông Hưng Đạo lại nghe tiếng và cũng nhận ra cái người cầm lái cái thuyền hỗn hào dám chẹn trước mặt thuyền Long Phụng của vua. Trần Quốc Tuấn nói ngay:
- Nhân Huệ vương rồi. - Và Hưng Đạo vương tâu vua: - Tâu bệ hạ, xin cho triệu ngay Nhân Huệ vương đến Bình Than. Việc chống giặc chắc chắn phải cậy tới quân thuỷ mà người thạo thuỷ chiến không ai hơn nổi Nhân Huệ vương.
Thượng hoàng rất đẹp lòng nói:
- Để Quan gia xuống chỉ triệu cho thuận phép nước.
Trần Nhân Tông vâng lời cha bèn sai ngay các quan cận thần đem thuyền nhẹ đuổi theo chiếc thuyền đinh.
Khi đoàn thuyền vua đến Bình Than, vị vương chủ hội là Chiêu Văn vương đã dàn quân hổ bôn đứng nghênh đón từ bến thuyền.
Tiếng tung hô vạn tuế vang dội cả một vùng sông nước mênh mang. Trống đồng đánh điệu mừng. Quân Long Dực, Hổ Dực giơ khiên đao múa bài đại hạ. Các vương hầu hôm nay không mang võ khí nhưng đều mặc áo chiến nên họ không lạy mà chỉ vái hai vua theo lệ quân ngũ.
Thánh Tông bước vào nhà rạp. Trần Nhật Duật đã khéo bài trí bên trong nhà rạp như bạch hổ đường của tướng võ. Trên vách tường hậu bằng tre đực ken dày treo những lá mộc của các tướng thao lược nhất của triều Trần. Đây là chiếc mộc bằng gỗ bọc da trâu sơn xanh tròn to như cái nong, trên vẽ bảy vì sao theo nhóm tinh tú. Đó là tướng huy của đức ông Chiêu Minh. Đây là chiếc mộc khác sơn màu cỏ áy trên vẽ mặt trời mặt trăng hai màu chu sa và nguyệt bạch. Đó là tướng huy của đức ông Tĩnh Quốc. Đức ông Tĩnh Quốc vốn là người giỏi binh pháp của phái Âm Dương. Người ta còn nhận trên những lá mộc khác tướng huy của các đức ông Hưng Đạo, Chiêu Quốc, Tá Thiên... trong đó lá mộc của đức ông Chiêu Văn vẽ tướng huy chòm sao Thiên Đồng.
Nền nhà rạp trải sàm sạp một thứ chiếu cói thô vẽ hoa đỏ. Những chiếc kỉ nhỏ bày thành hai hàng liền nhau trên để sẵn giấy mực nghiên bút. Đầu nhà rạp, xoay lưng vào vách treo mộc là hai chiếc kỉ chạm rồng sơn son. Trên kỉ bày sẵn hai chiếc ống bằng gỗ. Hai chiếc ống này đựng thẻ phù và tín bài. Khi hai đức vua đã cho phép các tướng ngồi thì quan tướng vương tá là Trần Nhật Duật đem phù và bài cắm vào ống.
Tất cả đã ngồi yên. Quan tướng giữ việc điển nghi là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng tâu vua rằng kẻ lạ mặt trên thuyền đinh đã bị bắt giải về Bình Than rồi. Nhân Tông sai dẫn người đó vào. Người ấy chính là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Một Nhân Huệ vương gân guốc, ánh mắt bướng bỉnh giễu cợt trong một bộ quần áo ngắn may bằng vải thô nhuộm chàm. Trần Khánh Dư lại còn khoác một cái nón mê, màu lá nón đã mốc. Các vương hầu muốn cười mà không dám, vì ai nấy đã từng biết tính nóng nảy và hay gây gổ của Nhân Huệ vương ngay từ khi ông còn giữ chức Phiêu kị đại tướng quân ở kinh thành.
Nhân Huệ vương đường hoàng đến trước mặt hai vua bỏ nón xuống rồi mới làm lễ triều bái. Sau đó ông ngoảnh sang hai bên vái chào các vương hầu. Thượng hoàng cười bảo Trần Khánh Dư:
- Ta không ngờ một trang nam tử lẫm liệt mà bây giờ đến nỗi này!
Trần Khánh Dư kiêu hãnh:
- Thưa vua anh, áo em cộc nhưng thân này vẫn cứng cáp hữu dụng như xưa.
Thượng hoàng phán bảo Trần Khánh Dư rằng bây giờ là lúc đem cái thân hữu dụng ấy ra mà giúp nước. Thượng hoàng cho phép Trần Khánh Dư ngồi cuối hàng vương trên hàng hầu.
Cuộc triều hội vừa mới bắt đầu đã sôi sục ngay. Không ai là không muốn bộc bạch lòng mình khi Thượng hoàng hỏi về thế nước. Thượng hoàng hỏi ba câu:
Một là chúa Trung Quốc nhà Đại Nguyên muốn gì? Quân Nguyên đã vào Chiêm Thành, triều Nguyên dụ ta cấp lương và cho mượn đường bộ để đem quân vào Chiêm Thành.
Hai là ta nên đối phó thế nào?
Ba là phải làm gì ngay bây giờ?
Cả ba câu hỏi này thực ra hai vua đã bàn bạc kĩ với các đức ông Tĩnh Quốc, Chiêu Minh và Hưng Đạo.
Về câu hỏi thứ nhất, có người phân vân rằng nếu giặc muốn đánh ta thì chúng sẽ tiến quân vào bờ cõi chứ còn mượn đường làm gì cho thêm phiền phức thế. Thế là cuộc triều hội sôi sùng sục lên ngay. Thượng hoàng cho phép các vương hầu lần lượt nói. Ai nấy đều cho rằng giặc dù muốn đánh ta nhưng cũng phải có cớ. Nhưng mượn đường mà là cớ thì không ai giảng giải cho rõ được.
Đến lượt đức ông Hưng Đạo. Trần Quốc Tuấn nói:
- Giặc có mưu hiểm ác đánh ta. Hiện nay Hốt Tất Liệt gồm cả tính chất hung hãn thiện chiến của người Thát Đát du mục lẫn cả cái thâm hiểm sâu xa có mưu toan của các vua chúa Hán. Hắn không còn như ông nội hắn xưa kia, mỗi khi đánh chiếm một nước nào là cướp hết của cải, giết hết người dân mà hắn sẽ chia quận huyện để cai trị, lột da lột thịt trăm họ đời này qua đời khác. Lòng tham của Hốt Tất Liệt không đáy, nhưng hiện nay, ngoảnh về phía bắc, Hốt Tất Liệt vướng đất của dòng trưởng Lều Vàng. Ngoảnh về phía tây và tây nam, Hốt Tất Liệt cũng vướng đất của ngành thứ hai và ngành thứ ba, mặt đông là biển rồi. Chỉ còn phía nam. Chỉ còn các nước ở vùng biển phương nam giàu có này mới thực sự làm cho Hốt Tất Liệt thèm thuồng. Nhưng ngặt vì trước đây, sau khi bị thua ta một trận to thời Nguyên Phong, Hốt Tất Liệt đã phải cam đoan với ta là không đem quân sang xâm phạm bờ cõi nước ta và để ta giữ nguyên triều nghi, phong tục riêng. Giặc muốn xuống phương nam nhưng nước ta như cái then đóng cửa đường đi của chúng. Vậy theo ý thần, giặc muốn có cớ ta cưỡng lệnh, để chúng chính danh tiến quân vào bờ cõi nước ta. Vả chăng muốn tiến quân không thể khinh thường mà cứ đánh bừa đi được. Những người thân tín mà ta cho sang nước chúng báo tin về rằng việc sắm sửa quân mã lương thuyền của chúng chưa đủ dùng cho một cuộc viễn chinh với một nước như nước ta đã từng đánh chúng đại bại. Như ý thần tính toán, giặc sẽ xuất quân khoảng một hai năm tới.
Thật rõ ràng và chính xác. Mọi người đều bằng lòng. Ngay Chiêu Quốc vương đến lượt tâu vua, cũng phải nhận rằng ý kiến của đức ông Hưng Đạo thật sâu sắc.
Ấy thế mà đến câu hỏi thứ hai của Thượng hoàng vẫn cứ có hai cách kiến giải khác nhau:
- Mưu mẹo của giặc hiểm độc như vậy, lọ là phải bàn gì nữa. Cứ việc phát quân phòng thủ biên giới. Nếu chúng trưng lương, đóng thuyền thì tiến đánh đốt thuyền đốt lương cho mất hậu hoạ. Ý kiến này của các đức ông Tá Thiên, Chiêu Quốc...
- Mềm dẻo giữ mối bang giao. Giặc phải sắm sửa binh lương, tướng tá. Ta cũng phải sắm sửa binh lương tướng tá. Thảng hoặc nước chúng có nội loạn mà cuộc binh đao không phải xảy ra thì đó là phúc lớn cho trăm họ và xã tắc nước Đại Việt. Kiến giải này của các đức ông Chiêu Minh, Chiêu Văn, Nhân Huệ...
Kiến giải này làm đẹp lòng yên dạ hai vua. Nhân Tông cho ngừng cuộc triều hội ban ngự tửu cho các vương hầu. Nhân lúc này, vị vua trẻ đến gần Nhân Huệ vương. Nhân Tông cởi chiếc áo bào vàng ra, bên trong nhà vua mặc chiếc áo gấm tía hoa bạc thêu cầm kiếm. Nhân Tông ban chiếc áo tía cho Nhân Huệ vương. Vua phán bảo Trần Khánh Dư.
- Dân ta có câu “đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại”, chú Nhân Huệ nên nhớ câu đó.
Đến lúc này thì Nhân Huệ vương rơm rớm nước mắt. Chắc rằng từ nãy đã có người thuật lại lúc Trần Khánh Dư lướt thuyền qua bến Vạn Kiếp thì đã có chuyện gì xảy ra trên thuyền vua nên Nhân Huệ vương sau khi tạ ơn vua đã vái đức ông Hưng Đạo hai vái.
Thượng hoàng sai bày bánh trái và hoa quả để các vương hầu ăn cho thêm phấn chấn. Không khí trong nhà rạp thân thiết hẳn lên. Nghĩa chúa tôi lui bước nhường chỗ cho tình máu mủ thiết tha. Đức ông Chiêu Minh bưng một bát rượu lớn đến mời đức ông Hưng Đạo:
- Anh là bậc tôn trưởng, xin mời uống trước cho cả họ mừng.
Trần Quốc Tuấn đỡ lấy bát rượu từ tay Trần Quang Khải. Hai người nhìn nhau đăm đăm. Hai hôm vừa qua, các đức ông Chiêu Minh và Hưng Đạo đã gặp nhau tay đôi. Những gì họ nói với nhau trong cuộc gặp gỡ đó không được kể lại, có lẽ các nhà chép sử rồi cũng chịu không tìm ra được chuyện thực. Nhưng chỉ biết đêm trước đây, hai đức ông rủ nhau đi thuyền ngắm cảnh sông. Họ đi chơi hay bàn việc nước, việc họ hàng? Hay họ luận bàn về anh hùng hoặc tình người? Không một ai đoán biết được. Bằng vào nét mặt bình lặng của hai người, ai nấy cho rằng hai đức ông không còn sự xung đột về lí trí và tình cảm nữa.
Riêng Trần Nhật Duật nhận xét thì vẻ bâng khuâng đã mất trên vầng trán của đức ông Hưng Đạo và thay vào đấy là mấy nếp nhăn hằn sâu thêm, dấu hiệu của những đêm suy tính căng thẳng.
Trần Quốc Tuấn nâng bát rượu lên, ngập ngừng một lát, xúc động bồi hồi. Đôi mắt vị tướng già bỗng nhoà mờ. Trần Quốc Tuấn nói, giọng lạc hẳn đi:
- Tôi con nước Việt kì vọng ở họ Đông A. Gánh nặng non sông xã tắc nặng trĩu trên vai chúng ta. Tôi mời các chú các bác uống bát rượu nguyền cả họ hoà vui đại thống. Nào, cả các cháu các con cũng uống với chúng ta đi.
Đột nhiên một sự im lặng trang trọng làm mọi người nghẹn ngào, xúc động. Những bát rượu uống không ồn ào có sức thề nguyền thôi thúc lắm!
Uống xong bát rượu, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư trợn mắt quật cái bát vỡ tan trên mặt đất. Nhân Huệ vương nói như quát:
- Xin thề một lòng một dạ tận trung báo quốc. Xin thề thà chết không làm tổn hại đến mối đại thống họ Đông A.
Thế là tiếng thề cùng cất lên. Các vương hầu quật bát thề độc, đòi quỷ thần chứng giám lòng mình. Thượng hoàng nghiêm khắc nói:
- Vậy thì bây giờ các khanh cho nghe cao kiến phá giặc.
Các vương hầu bàn tiếp kế giữ kế đánh. Đột nhiên có tiếng xôn xao bên ngoài. Đức ông quan tướng điển nghi Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng phụng mệnh vua ra xem có chuyện gì đã xảy ra bên ngoài nhà rạp.
Hưng Nhượng vương ra bến thuyền thấy lính túc vệ đang cố đuổi mấy chiếc thuyền nhỏ đậu ở bến. Đứng trên thuyền, ngoài đám gia đồng chân sào, còn có vài thiếu niên mặc áo vóc tía xúng xính.
Một thiến niên đã nhảy được lên bờ, hai tay đẩy chiếc giáo túc vệ ngáng đường mình.
- Dẹp ra! Tội vạ đâu đã có ta chịu! Ta đã bảo ngươi dẹp ra ngay!
Hưng Nhượng vương lại gần đám xô xát. Viên tiểu tướng giữ bến thuyền thấy Hưng Nhượng vương thì mừng quá reo to:
- Nào! Đức ông quan tướng điển nghi đã ra. Xem hầu gia còn nạt mắng anh em chúng tôi nữa không nào?
- Ta đã bảo các ngươi cứ dẹp ra mà! Nào ta có nộ nạt gì ai đâu.
Hưng Nhượng vương nhận ra người vừa nói là Hoài Văn thượng vị hầu áo tía Trần Quốc Toản. Hoài Văn hầu là cháu nội của Hoài Đức vương Trần Bà Liệt. So về thế thứ, Quốc Toản còn là anh họ của Hưng Nhượng vương. Viên tiểu tướng túc vệ thưa với Hưng Nhượng vương:
- Bẩm đức ông, tiểu hầu gia nhất định đòi vào, không cho bề dưới chúng tôi làm tròn phép nước.
Hoài Văn hầu lừ mắt:
- Phép nước mà ngươi không giữ tròn thì chính ta cũng trị ngươi đến nơi đến chốn.
Hưng Nhượng vương cười gạt đi:
- Được rồi! - Ông nói với viên tiểu tướng:- Ta cho phép ngươi thu giáo lại. - Ông ngoảnh sang Hoài Văn hầu: - Thưa hầu huynh, vậy thì thế nào là làm tròn phép nước?
Hoài Văn hầu cũng hay đến vương phủ Hưng Đạo chơi nên giữa hai người cũng có mối giao tình thân mật, nhưng hôm nay Hoài Văn hầu đang cơn bực tức và Hưng Nhượng vương đang làm việc quân nên Hoài Văn không dám suồng sã:
- Thưa đức ông, viên tướng này làm việc quân khá lắm.
Trần Quốc Toản ngoảnh ngay sang viên tiểu tướng:
- Đây ta thưởng cho ngươi. - Trần Quốc Toản đưa ngay cho viên tiểu tướng cái quạt nhài vàng trong tay rồi lại quay sang Hưng Nhượng vương - Nhưng tôi cũng hiểu phép nước. Các vương hầu được Quan gia triệu về đại hội, tôi chẳng ra gì cũng là hầu tước thượng vị áo tía. Hầu tước thường còn được dự huống là tôi, sao lại ngăn đường tôi? Mà anh Hoài Nhân kia (Trần Quốc Toản chỉ vào một chú bé áo tía trạc mười ba tuổi) lại tập tước vương cơ mà.
Hưng Nhượng vương ôn tồn nhưng nghiêm nghị:
- Vậy hai thế huynh có mang bài chỉ Quan gia triệu không?
Hưng Nhượng vương thấy mặt hai người ngẩn ra. Đại hội này chỉ triệu các vương hầu từ mười bảy tuổi trở lên.
- Không có bài chỉ hả? Vậy thì hai anh vui lòng ra khỏi đất cấm để cho quân tướng bề dưới làm tròn việc quân.
Trần Quốc Toản xoay ra nài nỉ Trần Quốc Tảng. Thiếu niên hầu tước kể lể rằng khi biết tin có đại hội thì chậm quá rồi, hai vua đã ngự giá sang đông cho nên cậu không tiến triều để xin vua cho bài chỉ vào dự đại hội được. Từ Thăng Long về đây hai cậu đã thay ngựa ba lần. Đến bến Đại Than, hai cậu phải đổi một chiếc lược vàng mới có được chiếc thuyền câu bé teo kia để đáp sang Bình Than. Bây giờ thì chết sống hai cậu cũng phải được bệ kiến Quan gia để thỉnh mệnh. Trần Quốc Toản tán:
- Cho chúng tôi vào nhé!
- Không được.
- Cứ cho chúng tôi vào, tội vạ đâu chúng tôi chịu mà.
Trần Quốc Tảng chỉ cái biển cấm:
- Các anh mà vượt qua cái biển này thì cả tôi cũng rơi đầu.
Hoài Văn hầu tức đỏ mặt nhưng cũng biết phép đành đứng thộn mặt ra. Hưng Nhượng vương ngoảnh ra hỏi một thiếu niên áo đỏ còn ngồi trên chiếc thuyền câu:
- Còn anh tên là gì, tước gì để tôi thỉnh mệnh Quan gia luôn thể cho.
Thiếu niên ngồi trên thuyền đẹp trai vô cùng. Anh ta có đôi mắt đen láng và cái miệng cười thì rất nghịch ngợm. Hai con mắt đen láng ấy thoáng loé lên hóm hỉnh. Anh ta đáp:
- Tôi là Phi Liêm hầu.
Trần Quốc Tảng gật đầu, quay về nhà rạp. Bỗng thấy Hưng Nhượng vương chân bước ngập ngừng. Hưng Nhượng vương ngần ngừ muốn quay lại rồi lại thôi. Phi Liêm! Mĩ tự này hơi lạ lùng. Phi Liêm là tên một vì sao trên trời, theo khoa chiêm tinh, coi về sự bay bướm và óng ả của các mớ tóc. Phi Liêm! Kể ra thì vẻ đẹp của thiếu niên ngồi thuyền cũng xứng với mĩ tự đó.
Nhưng các thiếu niên không được vua cho vào dự đại hội. Nhà vua sai Trần Quốc Tảng mang ra ban cho mỗi người một trái cam và dụ họ trở về bến Đại Than đợi mệnh.
Trần Quốc Toản uất người lên. Những người lính túc vệ đứng canh vừa thương vừa buồn cười mà không dám cười sợ ông hầu tước trẻ con này nổi giận đổ quạu. Cậu bé hầu tước trợn mắt muốn nạt muốn quát nhưng ở đây thì cậu nạt, cậu quát ai cho được. Quả cam trong tay Trần Quốc Toản bị bóp nát ra còn trơ bã và hai giọt nước mắt từ từ lăn trên má cậu.
Trong lúc Trần Quốc Toản nhìn quanh tìm Phi Liêm hầu để gọi anh ta vào diện kiến đức ông Chiêu Văn nhưng không thấy anh ta đâu cả. Nhìn mãi ra xa, Trần Quốc Tảng nhìn thấy chiếc thuyền chở Phi Liêm hầu đang sắp sửa vào bãi Đại Than, chỗ cái bến dành cho những thuyền quá giang.
Không một ai biết Phi Liêm hầu là ai, trừ một người theo hầu mặc áo chiến quân túc vệ hoàng thành. Đức ông Chiêu Văn khi biết lập tức truy tìm tông tích anh ta. Mãi sau này, theo lệnh của Trần Nhật Duật, quan Đại Doãn kinh sư tra soát mãi mới tìm ra tung tích Phi Liêm hầu: Đó là công chúa An Tư mặc giả trai, nàng cũng là người mang mặt nạ “thương phu trích lệ” vào dự tiệc rượu mặt nạ mo nang mấy hôm trước. Thái hậu phải bênh che mãi, cô công chúa út mới khỏi bị trị tội.
Sau hai ngày bàn sôi nổi về kế đánh giữ, chiều hôm nay hai vua và tất cả các vương hầu về thái ấp Vạn Kiếp. Ở đây, từ trước vẫn thiết lập nhà thờ tổ mặc dù ở kinh sư vẫn làm nhà thái miếu trong hoàng thành. Nhà thờ ở đây là nhà thờ tổ do chi trưởng đèn hương phụng thờ. Thánh Tông sai quan điển nghi sửa lễ để hai vua và các vương hầu tế cáo tổ tông. Đúng giờ Ngọ quan điển nghi dâng hương. Tông trưởng Trần Quốc Tuấn mở cửa hậu cung, mở tấm màn lụa đỏ phủ bài vị, thần chủ nội ngoại tông tộc họ Đông A.
Nhân Tông làm chủ tế, dẫn nội ngoại tôn tử tế tổ một tuần. Mục đích tế lễ này để cáo ngoại với tổ tông về mối đại thống họ Đông A ngày một thêm bền chặt. Lễ tế càng thêm long trọng lúc cha con Thánh Tông, Nhân Tông và hai đức ông Chiêu Minh và Hưng Đạo múa khiên thờ.
Khiên của Thánh Tông vẽ rồng mây long vân khánh hội. Khiên của Nhân Tông vẽ con thuồng luồng uống nước. Khiên của đức ông Chiêu Minh vẽ chòm sao Bắc Đẩu. Khiên của đức ông Hưng Đạo vẽ thanh long vờn bạch hổ. Quân sĩ dàn mấy hàng bên ngoài, khí giới sáng loà. Trong nhà thờ, các vương hầu chia hai ban đứng nghiêm chỉnh. Chính giữa nhà thờ, chầu vào cửa giữa nội cung trải những chiếc chiếu dệt bằng cói thô. Hai vua và hai đức ông khoác khiên, cầm kiếm tuốt trần múa một bài khiên kiếm. Dàn trống đồng của quân Thánh Dực nổi một điệu quân trầm hùng.
Trần Nhật Duật đứng đầu vương hầu ban tả. Một cảm xúc mãnh liệt làm đức ông hoàng Sáu thấy nóng ran cả người. Họ Đông A quả là một dòng họ thượng võ. Cáo với tổ tông rằng con cháu không buông lơi vũ khí, con cháu không quên tráng chí của tổ tông truyền lại chính là ý thành kính của hai vua.
Trần Nhật Duật nhớ lại hai ngày sôi nổi vừa qua. Biết bao ý sâu lời hàm súc đã được tâu bày. Ý chí quyết thắng, ý chí quyết giữ từng tấc đất của giang sơn đã biểu lộ rõ rệt. Bây giờ đây, đứng chầu hai vua múa khiên thờ, Trần Nhật Duật chợt hiểu rằng nhờ khí thiêng sông núi mà mối đại thống họ Đông A mới xoá được những oán cừu truyền kiếp. Này kia, trên hai tấm da hổ trải hàng dưới, các đức ông Chiêu Minh và Hưng Đạo đang song song xoay khiên. Những cây kiếm sáng múa chậm chậm từng đường kiếm bí truyền của phái võ Tức Mạc. Vẻ mặt nghiêm khắc của Trần Quốc Tuấn, vẻ mặt cương cường của Trần Quang Khải bây giờ trở nên thân thiết với Chiêu Văn vương.
Chiều hôm ấy, thái ấp Vạn Kiếp mở tiệc lớn. Nửa đêm tiệc tan, hai vua và quân tuỳ giá lên thuyền về kinh ngay trong đêm. Các vương hầu cũng chia nhiều đường thuỷ bộ khác nhau rời Vạn Kiếp. Họ được lệnh về Thăng Long bằng mọi cách sao cho kín đáo.
Nửa tháng sau, triều đình cử lại một số chức trọng yếu:
- Đức ông Chiêu Minh tiến phong đại vương và giữ chức Thái sư đầu triều.
- Đức ông Hưng Đạo tiến chức Tiết chế coi quản chư quân thuỷ, bộ, tượng, mã.
- Đức ông Chiêu Quốc thôi giữ chức trấn thủ lộ Tam Đái, chuyển trấn thủ lộ Đà Giang. Nhưng thực ra triều đình giao cho Chiêu Quốc vương luyện một đội quân tinh nhuệ để khi có chinh chiến xảy ra, giặc lấn ta mặt này thì Chiêu Quốc vương sẽ tiến quân đánh vòng ngay sang đất địch. Thế xung sát sẽ diễn ra và cuộc tiến quân của địch sẽ bị đập một truỳ nặng.
- Đức ông Nhân Huệ được phục tước vương, được tiến chức Phó đô tướng quân coi quản quân thuỷ, các bến thuyền, xưởng đóng thuyền chiến, xưởng bện thừng, xưởng dệt vải buồm. Nhân Huệ vương sẽ đóng ở Vân Đồn và chịu trách nhiệm kiểm tra thuyền buôn biển của lái buôn ngoại quốc.
- Đức ông Hoài Thượng hầu Trần Văn Lộng tiến chức trấn thủ lộ Tam Đái.
- Đức ông Chiêu Văn thôi giữ chức trấn thủ lộ Đà Giang. Trần Nhật Duật được tiến chức trấn thủ lộ Quy Hoá. Lộ này là một khu vực quan trọng nhằm án ngữ con đường tây bắc mà giặc có thể tiến quân sang. Đồng thời Chiêu Văn vương cũng được tiến chức Phó đô tướng quân coi quản phần việc phòng kẻ gian tế và việc phân phó do thám của ta sang dò tìm tin tức về giặc. Chính Trần Quốc Tuấn đã tâu vua trao chức này cho Chiêu Văn vương vì đức ông Chiêu Văn là một người trí lự và rất thông minh, quen biết rộng rãi nhiều người ngoại quốc. Ông cũng nói được nhiều thứ tiếng nước ngoài.
Bên cạnh những việc thuyên chuyển chức tước, triều đình còn ban ra trăm họ nhiều lệ mới:
- Bãi một nửa thuế ruộng, thuế bãi dâu.
- Bãi hẳn thuế hoá vật của các phường lò rèn và đồ da.
- Tuyển người giỏi sông nước vào các đoàn đội trạo nhi và cử Tá Thiên vương Trần Đức Việp ra ven biển lập thêm sáu sở đóng thuyền.
- Thu đồ đồng và đồ sắt thừa trong dân.
...
Tất nhiên những việc ấy trước sau cũng lọt đến tai mắt của gã Đạt Lỗ Hoa Xích Buyan Têmua. Buyan Têmua đã mấy lần tiến triều diện kiến với vua ta để lục vấn nhưng lần nào vua ta cũng từ chối khéo. Nhà vua mở tiệc lớn đãi Buyan Têmua và tặng ngọc châu biển Đông cho gã. Nhà vua còn tặng Buyan Têmua cả những tảng trầm hương to đến mức ngay những bậc phú gia địch quốc của Trung Quốc cũng chưa bao giờ trông thấy.
Cô gái Phi Liêm hầu không giả trai nữa. Cô lại trở về với cuộc sống quen thuộc với cô. Cô đàn cho các tì nữ nghe, rồi để cho họ trang điểm, để cho họ đeo vàng ngọc lên tai, lên cổ, để cho họ dâng hầu chén trà thơm.
Rồi cô lại dẫn họ đi xem vườn hồng sau nội cung. Và tất cả ô, a như trên đời chỉ có cuộc sống nhiều kì thú như thế này thôi.
Tết năm ấy, vua Nhân Tông trao ấn nguyên soái cho Trần Quốc Tuấn. Thế là Trần Quốc Tuấn phải tạm biệt thái ấp Vạn Kiếp trù phú có những chiếc cọn nước dẫn thuỷ nhập điền, có vườn cúc ẩn sĩ, có dãy nhà sách bằng trúc vàng lợp lá thông nhã thú, có căn phòng riêng sáng mát và yên ắng để về Thăng Long làm việc trong hoàng cung.
Còn Trần Nhật Duật thì nay đây mai đó, lúc ở lộ Quy Hoá, lúc ở cửa Vân Đồn. Đức ông Hưng Đạo trở thành người nắm giữ tất cả mối rường trong quân đội, còn đức ông Chiêu Văn thì trở thành con người có hành tung kì bí nhất kinh thành Thăng Long và nhất cả nước nữa.