Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Người Thăng Long

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24624 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Thăng Long
Hà Ân

Chương 3

Hai chiếc lọng vàng che chon von trên chiếc biển “Nhập nội”. Liền ngay sau chiếc biển là Chiêu Văn vương và toán dũng thủ hộ vệ cưỡi những con ngựa lực lưỡng. Một người lính cưỡi ngựa cầm loa đi trước đoàn người một quãng. Chốc chốc, anh ta lại hoa chiếc loa lên thét:
- Bớ hàng xứ phố phường dẹp ra lấy đường để đức ông tiến cung. Bớ hàng xứ phố phường...
Vài người lính khác cưỡi ngựa cầm roi song sơn đỏ thật dài vụt veo veo để doạ những người dân phố phường chậm chân. Đường từ phủ Chiêu Văn tiến cung phải qua sông Tô Lịch. Đây chính là khu phố đông đúc sầm uất nhất kinh thành. Hoàng Mãnh rất thích những cuộc diễu ngựa qua những phố đông người như thế này. Anh chọn con đường qua sông Tô bằng cầu Ngoạn Thiềm. Những con ngựa đóng yên cương nạm vàng bạc cực kì lịch sự phi nước kiệu nhỏ. Tiếng vó ngựa gõ mặt đường đều đặn, băm ròn chen với tiếng hàm thiếc, tiếng những quả nhạc đồng, tiếng vỏ kiếm đập vào hia. Đàn ngựa bị gò đi kiệu nhỏ, hậm hực, thỉnh thoảng một con lại hục hặc hí gằn trong sống mũi.
Đoàn người ngựa rước Chiêu Văn vương đi qua những phường phố đông đúc. Các cổng phường ban ngày được mở thông nhưng ở mỗi cổng đều có vài người phường binh tuyển phong cắp tay thước đứng xét hỏi những kẻ lạ mặt lai vãng. Các cửa hàng đang lúc đông đúc người mua bán. Tiếng chào mời khách hàng lanh lảnh nổi lên trên mớ âm thanh trầm náo của kinh thành.
Thỉnh thoảng lại gặp một quán hàng ăn uống trước cửa treo một lá phướn nhỏ hoặc một cờ bài gỗ chạm mấy chữ tên cửa hiệu: nào Thu Phong tửu quán, nào Bạch Vân tửu điếm, nào Tùng Trúc phạn điếm, những cái tên cửa hàng đặt rất hay, dịch nôm ra nghe thật quyến rũ khách qua đường. Ta thử nghe chơi: quán rượu Gió Thu, hàng rượu Mây Trắng, hàng ăn Thông Trúc... Kèm những lá phướn tên hiệu thường có những mảnh cót nhỏ dựng bên cạnh cửa ra vào, trên lá cót viết nguệch ngoạc bằng vôi trắng những món đặc biệt của cửa hàng, nào mắm rươi lộ Hồng, nào cá chiên sông Cơ Xá nướng chả, nào lươn Thiên Mạc om nghệ, nào gà thiến làng Hồ quay ròn bì, nào rượu cau, nào rượu đậu, nào rượu cốt kẻ Mơ, nào rượu cúc Tức Mạc. Nhưng thú vị nhất vẫn là một vài quán đơn sơ, biển đề tên hiệu bằng chữ nôm: quán rượu vườn Tỏi, quán rượu cụ Hai Còm, quán cô Tư yếm thắm... Có khi không có cả biển tên quán mà chỉ có một vài chữ nói các đặc sản của quán: rượu cốt đậu phụ nướng, rượu cúc chả cá, rượu cau gà đồng và ở một quán lại chỉ có hai chữ: thịt cầy. Hình như chủ ngôi quán này hiểu bụng dạ dân say là đã có thịt cầy thì phải có rượu, thứ rượu quê sủi tăm nổi tiếng đến nỗi các triều vua phương bắc cứ buộc trong lễ cống hàng năm phải có chục vò.
Hoàng Mãnh rất thích những chuyến đi diễu như thế này qua những quán hàng quen thuộc. Không phải anh ta huênh hoang chuộng những vẻ bề ngoài mà chính vì khi có những đám rước diễu như thế, cảnh phố tự nhiên náo nhiệt hẳn lên, vẻ mặt những người đi xem thì vừa thích thú tò mò vừa vui vẻ sống động. Hàng quán hai bên tự dưng như náo nhiệt hơn lên. Nhưng hôm nay Hoàng Mãnh xốn xang nhất khi đoàn người ngựa qua cổng phường Cổ Vũ đến cái phố bán gương, mài gương. Những chiếc gương đồng xinh nhỏ, sáng đẹp, cái hình tròn, cái hình chữ nhật, có những chiếc gương lồng trong khung gỗ quý đánh bóng, có những đôi gương mang một tên thi vị: gương uyên ương. Hoàng Mãnh muốn mua một đôi gương uyên ương để gửi lên châu Mai làm quà tặng của kinh thành...
Thình lình dòng suy tưởng của Hoàng Mãnh bị cắt ngang. Từ phía ngã ba đường, người lính thét loa đang tế ngựa về. Anh ta hấp tấp thưa với Chiêu Văn vương:
- Bẩm đức ông đường nghẽn.
- Nghẽn sao?
- Bẩm đức ông, nghẽn vì đám rước ngài đại thần Đạt Lỗ Hoa Xích đi qua.
Trần Nhật Duật tức giận nghiến răng không thốt một tiếng nào. Đàn ngựa đang cuồng chân nay bị kìm đứng hẳn, xoay sang hục hặc lẫn nhau. Con ngựa trắng của Chiêu Văn vương huých ức vào bả vai con ngựa của Hoàng Mãnh rồi nhe răng cắn luôn một miếng. Con ngựa của Hoàng Mãnh gầm lên xoay ngang rún mông chực đá. Những con ngựa khác hoảng sợ vội quay vòng tại chỗ. Một con ngựa rồi hai con quệt mình, quệt mông vào những chiếc cọc tre chống dại cửa che nắng của mấy ngôi cửa hàng mặt đường làm bật cọc đi, mấy tấm dại rơi lạch phạch xuống đất. Tiếng sành vỡ, tiếng bát vỡ, tiếng người phường phố kêu la, rủa sả náo loạn lên làm cho Chiêu Văn vương vừa ngượng vừa bực mình. Ông thúc ngựa phi về phía ngã ba đường. Con đường Chiêu Văn vương đang đi dẫn đến một con đường khác lớn hơn cắt ngang. Con đường lớn này từ cửa Nam Hoàng thành qua cầu Ngoạn Thiềm dọc theo phường Cổ Vũ dẫn thẳng tới quán sứ Đạt Lỗ Hoa Xích. Trên con đường ấy, một đám rước rất đông đang diễu dềnh dàng cả bề mặt con đường và kéo dài lê thê. Đi đầu đám rước là mười thằng dũng thủ Thát Đát mặc áo giáp da, đội mũ có tua đen viền lông cáo nâu. Những thằng dũng thủ Thát Đát cầm giáo sắt chín dóng chĩa chua chủa như lông nhím lù lù dàn hàng ngang đi dẹp đường. Hai bên đường, nhà phường phố đóng cửa rầm rập, tiếng đàn bà gọi con, gọi em í ới, tiếng trẻ con sợ khóc rú lên.
Sau những thằng lính Thát Đát mở đường đến những dân phu người Việt cầm những lá cờ năm màu. Sau hàng cờ ngũ hành, một đám tàn vàng lọng tía xúm xít che cái biển “Phụng chỉ khâm sai”. Ngay cạnh cái biển khâm sai, một thằng dũng thủ Thát Đát thật lực lưỡng giương cao cây cờ tiết cán bằng đồng đen, ngọn kết chín cái tua bằng lông đuôi ngựa. Hai bên ngọn cờ tiết lại có hai thằng dũng thủ khác cầm hai ngọn phủ, việt. Ngọn cờ tiết và hai lưỡi búa này tiêu biểu cho quyền uy và sức mạnh của triều đình nhà Nguyên chế áp nước Đại Việt bằng viên giám sát quan Đạt Lỗ Hoa Xích. Sau hàng cờ búa, một đội trăm thằng dũng thủ vác giáo ngắn, khoác khiên đồng vàng. Loại vũ khí bọc đồng nặng nề này ngày xưa quân Thát Đát không ưa dùng. Chúng chỉ được du nhập vào quân đội Thát Đát từ sau cuộc Tây chinh mấy chục vạn dặm của thần tướng Xu Bu Tai. Bách đội giáo khiên hộ tống gã Đạt Lỗ Hoa Xích ngồi trên kiệu bát cống không mui, mâm kiệu có tựa lưng và bành đỡ tay. Gã to béo, mặt tròn xoe, màu đỏ nom như cái lệnh đồng điếu. Gã ngồi xếp chân bằng tròn, tay phải vân vê chót râu thưa hung hung nâu.
Đám rước vẫn dềnh dàng đi rất chậm. Buyan Têmua sáng nay vào cung diện kiến với vua ta. Bây giờ hắn từ hoàng cung về quán sứ. Đám rước gã thì đến ai ở đất nước này cũng phải nhường đường.
Ngoài những tên lính Thát Đát hộ tống Buyan Têmua ra, triều đình ta còn phải phái một đô lính Củng Thần để dẹp đường và để ngăn cản binh dân ta xô xát với lính Thát Đát. Những người lính Củng Thần mặc võ phục gấm, cầm thương đi hai bên đám rước. Họ chia nhau chặn các đầu ngõ đâm ngang ra con đường lớn. Viên tì tướng chỉ huy đô Củng Thần chạm trán với Trần Nhật Duật ở ngã ba đường. Anh đỏ mặt vì thẹn nhưng vẫn cứ kiên quyết ngả ngang ngọn giáo chặn ngang trước ức con ngựa của Trần Nhật Duật. Nhưng chính đức ông Chiêu Văn còn vừa tức vừa ngượng ngùng hơn anh ta.
Đi sau kiệu bát cống của Buyan Têmua có một dàn nhạc Hồi Hột hơn chục thằng nhạc công. Những thằng này phồng mang trợn mép thổi những chiếc kèn vòi loe theo nhịp của một đôi trống tay. Điệu quân hành của chúng tấu lên man rợ, đinh tai nhức óc. Khép hậu đám rước lại có một trăm dũng thủ người Hán nữa - bọn này không mang khiên, chỉ đeo kiếm ngắn và khoác cung đơn.
Trái với lệ thường, đám rước diễu qua rồi nhưng không thấy trẻ con phường phố ùa theo xem. Phố xá lặng ngắt, con đường nom rộng và trống trải một cách hoang vắng. Người hàng phố chỉ thập thò sau những cánh cửa khép hờ.
Trần Nhật Duật mặt mày tái đi. Ông vẫy đoàn tuỳ tùng ruổi mau ngựa qua con đường lớn còn cửa đóng người thưa. Ông muốn đi mau cho khuất mắt dân hàng phố dường như đang từ sau những khe cửa nhìn như xoáy vào lưng ông...
Theo lệ định trước, Trần Nhật Duật là thân vương được vào triều yết anh ruột Thượng hoàng Thánh Tông ở tận Nội cung Thánh Từ. Nhưng chỉ một người được theo hầu Chiêu Văn vương, đó là Hoàng Mãnh và anh ta cũng phải cởi kiếm để lại hành lang vũ khí của lính tứ sương.
Thượng hoàng đang bàn việc với quan Hàn lâm phụng chỉ Nhập nội Hành khiển Đinh Củng Viên. Trần Nhật Duật sụp lạy. Thánh Tông đỡ em dậy, ôn tồn cho phép ngồi. Trần Nhật Duật nhận thấy vẻ mặt của anh ruột nhuốm màu tư lự. Ông đoán sắc mặt ấy có dính líu đến việc Buyan Têmua vào cung yết kiến. Quả như vậy. Thượng hoàng vỗ tay xuống long án nói một cách bực tức:
- Thằng Đạt Lỗ Hoa Xích vừa đến đây xong.
- Thưa hoàng huynh, em đã biết. Em bị nghẽn đường vì đám rước của nó cứ dềnh dàng trên đường lớn. Chắc nó vẫn đòi cái điều mà mấy năm nay chúng vẫn cố ép buộc ta phải làm theo chúng.
Trần Nhật Duật muốn nói đến điều mà Nguyên chúa muốn vua nước Đại Việt phải theo: Đó là chính quốc vương Đại Việt phải sang chầu vua nhà Nguyên rồi sau đó vua nhà Nguyên sẽ giữ vua Đại Việt ở lại để làm con tin. Như vậy triều đình Đại Việt chỉ còn cách cung đốn bằng đủ mọi điều đòi hỏi của nhà Nguyên. Đòi cống vàng bạc châu báu thì có vàng bạc châu báu. Đòi cống trầm hương sừng tê thì có trầm hương sừng tê, đòi mĩ nữ có mĩ nữ, đòi quân lính dân phu có quân lính dân phu, đòi binh lương thuyền ngựa có binh lương thuyền ngựa...
- Không. Lần này nó lại mềm mỏng lắm. Nó khuyên bảo ta nên rút cánh quân đi tuần phương nam về, đấy là nó nói tránh không gọi đích cái cánh quân phương nam ấy là viện binh của ta cho Chiêm Thành. Nó còn ỡm ờ nói rằng nó cũng không tâu lên Nguyên chúa rằng có một cánh quân Đại Việt hiện đang tuần phòng xuống vùng biển phương nam.
- Thưa hoàng huynh, thế là nó đã biết có cánh quân ấy.
- Tất nhiên. Hai vạn quân chứ có phải cái kiến đâu mà giữ kín mãi được. Có điều nó biết sớm thế này cho nên ta lo lắng...
- Thưa, hoàng huynh lo lắng có gian tế?
- Phải. Nhưng ta lo lắng vì kẻ gian có thể vào loại trọng thần vì thằng Buyan Têmua nói đúng cả ngày quân ta đến kinh đô Chiêm Thành. Nó còn nói rất khinh thường ta rằng không nên làm mệt quân vô ích. Nguyên chúa không đem quân tiễu phạt Chiêm Thành đâu mà lần này chỉ sai một đoàn sứ giả đến phủ dụ vua Chiêm mà thôi.
- Thưa hoàng huynh, thế là thằng Buyan Têmua nói dối khéo đấy.
- Không. Nó nói thật đấy. Đoàn hộ tống sứ giả nhà Nguyên chỉ gồm một nghìn quân và hơn hai trăm thuỷ thủ. Cánh quân của Toa Đô chưa lên đường.
- Nhưng nó ngọng gì mà không đưa quân vào sau này.
- Ấy thế. Cho nên ta đoán là chúng muốn ta rút quân tiếp viện về và khi quân ta vừa rút xong là chúng mở cuộc tấn công bất ngờ vào Chiêm Thành. Đến khi ta biết thì muốn cứu Chiêm Thành cũng không kịp nữa.
- Mưu chúng tuy sâu hiểm nhưng giấu sao được ta.
Thánh Tông bỗng dằn từng tiếng:
- Chúng ta không nên quên rằng kẻ bày mưu này phải là đứa hiểu ta rất kĩ.
Thượng hoàng phất tay làm hiệu. Đinh Củng Viên mở ra một bản tấu trải rộng trên long án. Thượng hoàng chỉ vào bản tấu:
- Tấu của quan trấn thủ đạo Vân Đồn và chỉ huy thuỷ đạo biển Đông. Giặc đang luyện quân thuỷ ở đảo Quỳnh Châu và ở bán đảo Lôi Châu. Tập quân thuỷ để đánh ở chiến trường nào? Đánh Chiêm hay đánh ta. Lại thêm dạo này khách phương bắc, bọn lái buôn Hồi Hột, lái buôn Trảo Oa đến cảng Vân Đồn cũng nhiều. Đây chính là cửa ngõ cho quân gian tế thông tin cho nhau. Ông học sĩ nghĩ sao?
Đinh Củng Viên kính cẩn:
- Tâu bệ hạ, đề phòng gian tế thì tự bịt nguồn là thượng sách.
Thánh Tông nghiêng mái đầu ngẫm nghĩ. Thượng hoàng hé môi định nói câu gì rồi lại thôi. Rõ ràng lời tâu của Đinh Củng Viên cuốn hút suy tư của Thượng hoàng. Thánh Tông giơ tay ra hiệu cho Đinh Củng Viên lui ra. Quan Học sĩ sụp lạy Thượng hoàng, quay sang vái dài Trần Nhật Duật rồi khom lưng đi giật lùi ra cửa cung. Trong hoàng cung rộng lớn rực rỡ vàng son chỉ còn lại hai anh em. Hoàng Mãnh cũng đã theo chân ông Học sĩ lui ra cung ngoài. Không khí gia đình thân thiết đầm ấm trở về. Hai anh em Thánh Tông chênh nhau mười lăm tuổi nhưng tiêu biểu cho hai thế hệ người họ Trần. Thánh Tông sinh ra và lớn lên khi triều Trần mới lập. Khắp nước cựu thần nhà Lý chui lủi trong chốn đồng nội, núi rừng, họ chưa chịu khuất phục triều đình mới. Nhất là những bậc sĩ nhân, sĩ đức lại càng chê người triều Trần thô lỗ, thất học, kém lịch thiệp, kém duyên dáng lịch sự. Ngay cả những người nông phu cũng không phải tuyệt đại đa số đã tin tưởng ở triều đình mới mặc dù chỉ tính công lao mang lại cho đất nước sự yên ổn làm ăn, nhà nào cũng no đủ đã là một triều đại xứng đáng với sự tin cậy của mọi người rồi. Ấy thế mà khi Thánh Tông mới sinh ra, cứ vài năm, đôi ba tháng lại có một vùng nổi dậy dựng cờ phục Lý. Năm Thượng hoàng còn chưa lên ngôi vua, vẫn còn là thái tử Hoảng, giặc Thát Đát từ hướng nước Đại Lý tiến quân sang nước ta. Lần đầu tiên, dân Việt biết thế nào là sức công phá hung dữ của kị binh Thát Đát. Giặc tràn đi như nước vỡ bờ, kinh thành Thăng Long thất thủ, thái tử Hoảng theo vua cha rút về phía nam. Tuổi trẻ của Thái tử được tôi luyện nước thép đầu tiên năm ấy. Ăn uống thất thường, hàng ngày di chuyển hàng trăm dặm bằng ngựa, bằng thuyền, bằng sức đôi chân của chính mình, đêm đến ngủ dưới một mái lều trận đơn sơ, có khi ngay cái mái lều đơn sơ ấy cũng không có nữa. Rồi tiếng thét chiến trường, lửa giặc đốt xóm làng, lửa ta đốt trại binh giặc, những cuộc truy đuổi mấy ngày không cần ăn và lễ hiến phù (1) sôi nổi, trang trọng ở nhà Thái miếu, nơi tôn nghiêm, thờ cúng tổ tông. Có thể nói Thánh Tông lớn lên khi họ Trần còn đang vất vả để gìn giữ ngai vàng, vừa phải lo phòng giặc ngoài vừa phải chống thù trong.
Còn Chiêu Văn vương, ông hoàng trẻ lớn lên trong một đất nước đã yên ấm, trăm họ no đủ. Mà nói trăm họ no đủ là đúng như mong ước của cổ nhân: “Dân lấy ăn làm trọng, vua lấy dân làm trọng”. Trăm họ đã no ấm nên hoàng tộc đã giữ vững được ngai vàng. Ngôi báu đã vững nghĩa là họ Trần đã đứng trên thế mạnh. Đang thế mạnh làm việc gì dù khó cũng xong. Chỉ nói một lời cả nước theo răm rắp nhưng giàu sang như một cái bả ma quái đã bắt đầu mê hoặc con người. Tiệc nhỏ, yến lớn, gấm vóc ngọc ngà đã quyến rũ ngay chính một số người xưa nay quen quấn một chiếc chăn ngựa ngủ dưới một vòm trời lạnh làm màn.
Cho nên cần kiệm và làm việc nghiêm ngặt là đức tính của Thánh Tông. Trần Nhật Duật không có những đức tính đó, ông còn nông nổi, lịch sự và đài các hơn nhưng ông thông minh, làm việc quả đoán và tự tin, gặp khó khăn đến mấy cũng dày đạp lên mà vượt qua.
Sự hiểu biết cuộc đời và tình người cũng như sở học và kiến văn của hai người cũng khác nhau và chênh lệch nhiều, ấy thế mà trong mấy anh em ruột, Thánh Tông quý mến và hợp tính nhất với Trần Nhật Duật. Hình như Thượng hoàng nhận thấy Chiêu Văn vương có những đức tính mà mình không có hoặc nếu có cũng chỉ ít thôi, cái ít ấy lại là cái cũ thời trai trẻ mà bây giờ quá ư mờ nhạt hay không còn nữa. Năm mười tám tuổi Thánh Tông được tiên đế Thái Tông truyền cho ngôi báu. Vừa ngồi trên ngai vàng, Thánh Tông đã phải giải quyết một việc tày đình: đó là việc xét thưởng phạt các vương hầu và văn võ bá quan sau trận chiến thắng quân Thát Đát của Ngột Lương Hợp Thai. Có những lệnh khen, Thánh Tông biết rằng chưa thoả đáng nhưng hãy chỉ nên ban thưởng như vậy. Có những lệnh xử phạt có thể nặng hoặc nhẹ nhưng vẫn cần thiết phải làm ở mức đó. Chỉ một việc thưởng phạt này đã đủ làm cho Thánh Tông già người đi nhưng đồng thời cũng làm cho tính tình trầm tĩnh và kín đáo. Có thể nói khác đi là nhà vua sớm già dặn trước tuổi. Sau đó là mười mấy năm trường lo lắng sắp xếp việc nước việc dân, lo cho mùa màng bội thu để trăm họ no đủ, quân lính có lương ăn phòng khi phải dụng binh, lo cho việc học việc thi đều đặn để tuyển lựa nhân tài, lo sửa sang việc vũ bị để sẵn sàng yên thù ngoài giặc trong lo cho anh em hoà mục để họ hàng đại thống... trăm thứ việc to nhỏ đổ dồn vào một người mà mỗi lời phán truyền có thể làm cho lửa tắt đi hay đỏ vui trong bếp mỗi căn nhà. Cho nên Thánh Tông ưa nhất sự trẻ trung hồn nhiên của Trần Nhật Duật. Mà Chiêu Văn vương thì phục nhất sự sâu xa trầm tĩnh của Thượng hoàng. Có những việc quốc gia đại sự, sau khi nghiền ngẫm kĩ lưỡng rồi nhưng Thánh Tông vẫn hay hỏi lại Chiêu Văn vương. Thượng hoàng muốn kiểm tra lại xem có một cách nhìn nhận nào khác mình không, có một cách hành động nào khác cách mình dự định không? Đã nhiều lần Chiêu Văn vương xét đoán sự việc mà bàn những giải pháp kì lạ làm cho Thánh Tông phải sững sờ nhưng về sau cách xét đoán của Chiêu Văn vương tỏ ra nhanh nhạy vô cùng và cách hành động của ông hoàng trẻ mạnh gọn, mau mắn đưa đến những hiệu quả rõ rệt, đỡ tốn sức, đỡ tốn của. Cách suy xét và hành động của ông hoàng trẻ rõ ràng không bị những thiên kiến của quá vãng cản trở như Thượng hoàng.
Thượng hoàng quý em nhất sau việc Chiêu Văn vương dẹp yên vùng sông Đà hai năm trước đây. Lộ Đà Giang vốn đất rộng sông hùng, núi non rừng rú cực kì hiểm trở. Các tù trưởng vùng sơn cước này có nhiều bậc hào kiệt chẳng chịu khuất phục ai, trai tráng sông Đà lại là những người vũ dũng, tinh thần thượng võ rất cao. Năm ấy, tù trưởng châu Mai là Trịnh Giốc Mật đã cùng một số tù trưởng khác họp quân sơn cước để chống lại triều đình. Họ kéo cờ “Thế thiên hành đạo”, cử quan, đặt tướng, đem quân đóng giữ tất cả các chỗ hiểm yếu. Triều đình hết sức lo lắng vì cuộc nổi dậy này lại nhằm vào lúc triều Nguyên đang bành trướng thế lực, chúng đang âm mưu qua nước ta tiến xuống vùng biển phía nam. Chúng đang liên tiếp đòi quân lương, đồ cống, chúng đang đòi nộp sổ bạ tịch của quân dân, chúng đang đòi quân trưởng nước ta và một số nước phía nam phải sang làm con tin bên triều Nguyên. Như thế chính là lúc ta đang cần sự cả nước đấu sức lại. Khi cuộc nổi dậy của Trinh Giốc Mật bùng ra, Thượng hoàng phát quân, sai Chiêu Văn vương làm tướng đi tiễu phạt. Kế sách đã bàn kĩ ở Nội cung nhưng khi xuất quân, Thượng hoàng vẫn nhủ em: “Lúc này phải hết sức tránh dụng binh. Em lưu ý cho ta điều đó”.
Chiêu Văn vương dẫn quân lên đến vùng giáp giới thì hạ trại đóng lại. Ông viết một lá thư cho một tì tướng cầm vào quân doanh của Trịnh Giốc Mật. Lá thư ông viết rất tha thiết. Ông nói về nạn nước đang bị đe doạ xâm lăng nghiêm trọng, giặc đang tập trung quân ở ngoài biển, như vậy ở trong nước từ bậc hào kiệt đến kẻ thất phu đều phải nghĩ đến bổn phận của mình đối với giang sơn xã tắc. Giặc mạnh là quốc nạn, trăm họ phải đấu sức lại mới mong giữ gìn được đất nước tổ tông để lại, ai xưng hùng xưng bá một phương là mưu lợi riêng, làm yếu quân, làm yếu nước là có tội với tổ tông, với đất nước và trăm họ. Đất nước và trăm họ sẽ không cho họ làm thế. Nhưng đối với con em thân thuộc, ruột thịt thì trước là răn dạy bằng lời, cùng bất đắc dĩ mới phải dùng đến roi vọt, có nghĩa là động binh tiễu phạt. Ông khuyên Trinh Giốc Mật dẹp quân.
Cách viết thư thẳng thắn ấy hẳn đã làm Trịnh Giốc Mật phải suy nghĩ. Trịnh cũng là một con người nghĩa khí. Khi đã nhận ra điều gì, Trịnh có gan làm theo. Trịnh sai sứ giả ra diện kiến Chiêu Văn vương mang theo một lá thư lời lẽ cũng tâm huyết. Trịnh nhận rằng mình chưa nghĩ hết lẽ, chưa xét đến mặt quốc nạn ngoài biên và bằng lòng dẹp quân nếu như đức ông cùng bày tỏ tâm thành bằng cách tay không vào quân doanh ăn thề với Trịnh trước sự chứng kiến của ba quân. Chiêu Văn vương bằng lòng, cho sứ giả của Trịnh về trước hẹn ngày ông sẽ vào ăn thề.
Sứ giả của Trịnh Giốc Mật đi rồi, quân tướng tả hữu của Chiêu Văn vương mới ồn lên, nhiều người can ông đừng vào quân doanh của Trịnh hoặc chỉ nên cử một tướng thay mặt cho đức ông mà thôi. Họ lo lắng vì đi hội ăn thề như thế thì lành ít dữ nhiều. Nếu Trịnh giở mặt hoặc Trịnh không giữ nổi quân tướng của y giở mặt thì sao?
Trần Nhật Duật ngẫm nghĩ rồi giảng giải cho các tướng:
- Người sơn cước coi lễ ăn thề rất trọng. Mỗi lần thề họ đều đem nhau đến trước bàn thờ tổ tông cho nên họ Trịnh mới phải mời ta vào. Hơn nữa lần này thề chung cho cả vùng Đà Giang cần phải có sự chứng kiến của các bậc cao tuổi. Còn như ta đề phòng thì họ cũng đề phòng, đó là lẽ tự nhiên. Mà ta tính rằng chính chúng ta ở thế thuận chiều gió, chỉ chúng ta có giở mặt mới có lợi. Vậy thì muốn tỏ ra thực bụng, ta phải vào. Trịnh Giốc Mật là bậc hào kiệt lộ Đà Giang, quân sơn cước vùng sông Đà đều là những dũng thủ có khí phách. Họ có thể cũng muốn thề với những người tương xứng.
Ấy thế mà Hoàng Mãnh vẫn hỏi gặng:
- Nhưng nếu họ cứ giở mặt thì sao?
- Nếu vậy chỉ là điều không may cho riêng ta, còn triều đình sẽ cử một vị vương khác lên làm tướng!
...
Trịnh Giốc Mật sai quân đón Chiêu Văn vương từ cổng trại ngoài. Chiêu Văn vương mặc áo xuyến hoa, tay cầm một cái quạt nan ngà phất lụa bạch. Theo hầu Chiêu Văn vương có bốn người đeo kiếm ngắn. Ngoài ra Hoàng Mãnh còn dẫn theo mười người lính đội những quả sơn đựng tặng phẩm như cau, rượu, lụa, chè.
Quân Đà Giang vừa trông thấy đoàn người tiến về phía trại của họ là họ đã hò hét náo động. Một viên tướng rất trẻ dẫn một toán dũng thủ vác mác sáng loáng xông ra vây Chiêu Văn vương và đoàn tuỳ tùng. Chiêu Văn vương thản nhiên, đường bệ chỉ quạt bảo viên tướng trẻ sông Đà:
- Đưa ta vào chỗ chúa trại!
Câu nói đầy quyền uy và tự tin của Trần Nhật Duật làm cho viên tướng trẻ sững sờ. Hai mắt anh ta mở tròn xoe nhìn trừng trừng con người phong nhã, bình lặng và đường hoàng đi lại giữa đám quân sĩ giáo mác hung dữ. Chiêu Văn vương cũng nhìn viên tướng trẻ. Anh ta trẻ quá, hầu như vừa tới tuổi dậy thì nhưng vóc dáng thật là cao lớn vũ dũng. Đôi mắt trong to của anh ta mau chóng chuyển từ hung dữ sang kính phục. Anh ta hầu như mất tự chủ, ngọn mác vẫn chĩa nhăm nhăm bên sườn Trần Nhật Duật nhưng sau câu nói của ông, anh ta bất giác bước giật lùi, mở đường và cũng là dẫn đường cho Chiêu Văn vương; ông hoàng trẻ cứ bình thản tiến bước.
Chỗ ở của chúa trại Trịnh Giốc Mật giống như ngôi nhà làng của bộ lạc Hươu trong lúc chiến tranh với bộ lạc Cò vào thời các vua Hùng dựng nước. Chỉ thấy chông chà, giáo mác, chỉ thấy người đông nghìn nghịt đi đi lại lại vướng cả vào nhau. Ngoài sân, ngoài vườn, bếp núc bắc khắp nơi, khói bốc lên nghi ngút, chỗ này thui trâu, chỗ kia làm lợn.
Trịnh Giốc Mật ngồi xếp bằng tròn trên chiếc chiếu giải giữa căn nhà sàn rộng thênh thang như sân đánh phết. Bên phải tù trưởng là bàn thờ tổ tiên, sau lưng ông là các cụ già cao tuổi. Trần Nhật Duật bước lên nhà sàn bằng chiếc thang gỗ ngắn. Ông đứng giữa cửa nhìn chằm chằm vào Trịnh Giốc Mật. Sau lưng Trần Nhật Duật, những dũng thủ Đà Giang vẫn chĩa mác vào ông, Trần Nhật Duật cười nói bằng tiếng Man Lão:
- Ta đã đến!
Tù trưởng Trinh Giốc Mật phải đứng bật lên, dẫn các bô lão ra đón Chiêu Văn vương. Ngay hôm ấy một buổi lễ ăn thề trang nghiêm đã diễn ra. Một bên Trịnh Giốc Mật, một số tù trưởng khác, các bô lão và con trai Trịnh; một bên, Chiêu Văn vương và các tướng tuỳ tùng, tất cả cùng trích máu bắp tay cho nhỏ vào một bình rượu lớn. Hai bên cùng đọc lời thề đời đời hoà hiếu, coi nhau như anh em ruột thịt. Mỗi người uống một hớp rượu có giọt máu của mọi người trong đó. Trịnh Giốc Mật hơn Trần Nhật Duật ngót hai mươi tuổi, làm anh. Nhưng đôi anh em kết nghĩa ấy, ở một mặt nào đó lại là một đôi bạn quên tuổi, tin cậy nhau, kính phục nhau. Con trai Trịnh Giốc Mật quý ông chú nuôi vô cùng, coi ông chú nuôi như ông thần ông thánh, mặt trời mặt trăng của anh ta. Anh ta chính là viên tướng trẻ đã chĩa giáo vào Trần Nhật Duật khi ông vào chỗ đóng quân của Trịnh Giốc Mật, anh ta chính là Trịnh Mác, Thượng phẩm Phụng ngự chuyên coi các ao cá trong hoàng cung.
Chuyện ăn thề năm xưa của Trịnh Giốc Mật và Trần Nhật Duật mấy hôm nay ám ảnh tâm trí của Thượng hoàng Thánh Tông. Bởi vì chỉ còn vài hôm nữa đã đến hội thề long trọng của toàn thể hoàng tộc và văn võ trăm quan ở đền Đồng Cổ.
Thánh Tông sau một lúc tư lự, đột nhiên bảo:
- Ta muốn hỏi em một điều này. Em nghe rồi có thể vài hôm nữa hãy trả lời ta.
Thượng hoàng ngước nhìn ra ngoài hiên như lơ đãng hỏi tiếp:
- Giả sử nếu ta phải động binh lớn thì quyền Tiết chế thống lĩnh tất cả quân đội trong cả nước nên giao vào tay ai?
Đó là một câu hỏi mà muốn trả lời được phải tính đếm đến tất cả mọi lực lượng trong nước. Bởi vì người cầm quyền Tiết chế phải là người được cả người dân đồng bằng cũng như dân sơn cước tin phục và nhất là phải được tất cả các vương hầu của ba chi trong họ Trần tin phục. Ba chi đó là: Chi trưởng gồm các vương hầu vùng Đông Bắc đất nước quen gọi là chi Vạn Kiếp thuộc dòng dõi của đức ông Trần Liễu. Chi thứ là chi Tức Mạc, hiện đang nắm giữ quyền chính và ngai vàng, chính là chi có Trần Nhật Duật, thuộc dòng dõi của tiên đế Trần Cảnh, em ruột của đức ông Trần Liễu. Chi út là chi hiện nay vẫn còn ở lại phần lớn ở đất quê Long Hưng, Thiên Trường. Chi này thực sự cũng có nhiều người làm quan làm tướng trong triều, nói một cách khác cũng chỉ là phụ thuộc vào chi thứ mà thôi.
Thượng hoàng giơ tay ngăn không cho Trần Nhật Duật trả lời ngay.
- Em đừng trả lời vội. Em cứ nghĩ cho kĩ vài ngày nữa hãy trả lời ta. Nhưng điều ta vừa hỏi em thì em hãy giữ riêng cho em mà thôi. Thế nhé. Bây giờ là lúc càng phải nghĩ đến những mối dây liên hệ máu mủ ruột thịt, phải nhớ tới những tình nghĩa đá vàng.
Cũng gần như do một sợi dây vô hình, kì diệu dẫn dắt, Trần Nhật Duật cũng đang băn khoăn đến một nghĩa anh em:
- Tâu hoàng huynh, em cũng đang định tâu bày một việc có liên quan đến người anh em kết nghĩa của em ở Đà Giang.
- Em cứ nói.
Lại đến lượt Trần Nhật Duật tư lự:
- Thưa anh, chiến chinh có thể xảy ra. Trên khắp nước phải có đủ những đội quân thiện chiến. Lộ Đà Giang là một nơi phên giậu phía Tây Bắc. Trên ấy, các nghĩa sĩ lộ Đà Giang sẽ là những người lính can đảm nhưng hiện nay họ không có tướng giỏi luyện tập cho họ. Xin hoàng huynh hạ chỉ cho Trịnh Mác trở về châu Mai để cầm đầu cánh quân ấy.
Thánh Tông ngần ngừ. Thượng hoàng chú ý tới Mác và biết anh ta có tài cho nên rất quý anh ta. Thượng hoàng không muốn xa anh ta, nhưng còn một lẽ nữa tuy mơ hồ nhưng cũng có ma lực rất lớn: Trịnh Mác còn ở kinh kì ngày nào thì lộ Đà Giang chắc chắn yên tĩnh ngày ấy. Anh ta chính là con tin mà Trịnh Giốc Mật đã gửi triều đình để triều đình yên tâm. Xin cho Trịnh Mác về châu Mai phải chăng chỉ là một ý xốc nổi của tuổi trẻ? Hay đây là một cách dùng người bằng tâm phục. Quả thật không gì bằng những người đã thực bụng theo. Chuốc được những con người như thế phải bằng đức nhân rộng như trời biển. Cổ nhân có câu: “Ràng buộc người bằng đức còn chặt chẽ hơn bất kì thứ gông cùm, tù ngục nào”.
- Thưa anh, Trịnh Mác đã được đào luyện hai năm nay ở Giảng Vũ đường. Đó là một tướng trẻ tuy chưa thao lược nhưng hào khí lắm.
- Nhưng mà ta muốn mối giao tình giữa hai miền Đà Giang và kinh sư thắm thiết hơn nữa. Có thể...
Trần Nhật Duật tươi nét mặt:
- Em định tâu với hoàng huynh hai việc nữa nhưng còn đang phân vân. Muôn tâu, toàn là việc vui mừng ạ.
- Em nói đi.
- Hiện nay Thượng phẩm Phụng ngự Trịnh Mác là cháu nuôi của em. Nó đã đến tuổi lấy vợ. Em định tâu hoàng huynh đứng ra xin cô quận chúa út nhà Nhân Thành hầu cho nó.
- A, quận thượng chúa Bích Vân. Còn việc nữa?
- Thưa anh, việc nữa là việc vui mừng của người em đồng nhũ của em.
- Của Hoàng Mãnh, dũng thủ vô địch kinh thành à?
- Bẩm vâng, Mai Sơn hầu Trịnh Giốc Mật có hai người con gái. Nàng cả đã gả cho công tử con chúa trại Thu Vật. Còn nàng hai chưa có nơi nào ưng ý. Mối lái thì nhiều đám đấy.
- Thật là hai đám đẹp đôi. Em còn hỏi gì ta nữa cơ chứ?
- Thưa anh em e nhà Nhân Thành hầu chê Trịnh Mác chưa môn đăng hộ đối, còn đám kia thì Hoàng Mãnh chưa có danh vị gì cả.
Thượng hoàng Thánh Tông ngẫm nghĩ. Về việc Hoàng Mãnh chưa có danh vị gì thì cũng dễ xử thôi. Bây giờ Hoàng Mãnh đang là đệ nhất dũng thủ kinh thành cũng xứng đáng với một chức Điện tiền tướng quân. Chỉ duy đám nhà Nhân Thành hầu cần làm cẩn thận hơn. Phó tướng quân Nhân Thành hầu thất lộc đã lâu rồi, để lại hai người con trai. Người cả là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Thái Tông khi chưa nhường ngôi lui về làm Thượng hoàng đã nhận Nhân Huệ vương làm con nuôi. Do là Thiên tử nghĩa nam nên Nhân Huệ vương được phong chức Phiêu Kỵ Đại tướng quân. Nhưng về sau Nhân Huệ vương phạm lỗi đã bị Thánh Tông sai đánh trượng rồi cách tuột quan chức đuổi về làm dân. Người em của Trần Khánh Dư vì thế cũng bị thất sủng theo. Hoài Thượng hầu Trần Văn Lộng cũng là người có tài kiêm văn võ nhưng không được dùng cho xứng với tài đó. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư thì về Chi Linh, ở trong đất phong cũ của Nhân Thành hầu. Nghe nói anh ta đóng cửa thái ấp, không giao du với giới vương hầu quý tộc, mà chỉ mở lò hầm than buôn bán với các lái buôn chuyến về vùng gốm Bát Tràng, Thổ Hà hoặc về vùng đảo nơi có nghề sấy hải sản quý như bào ngư, hải sâm. Hoài Thượng hầu ở lại kinh thành cũng tránh chỗ đông người, trừ những buổi triều hội lớn buộc ai nấy phải có mặt.
- Thôi được. Bây giờ vương đệ cho Hoàng Mãnh tiến triều. Ta sẽ phong cho y chức Điện tiền tướng quân, cho y coi quản một vệ Cẩm y Thánh Dực. Khi hôn lễ cử hành, y thành con rể Trịnh hầu, ta sẽ cho Hoàng Mãnh được tiến tước Minh tự. Tốt nhất là sai y lấy chức Điện tiền tướng quân lên Đà Giang cùng với Trịnh Mác luyện quân Man Lão sơn cước. Tại sao ta cứ bắt họ để con tin mà chính ta lại không gửi con tin cho các chúa trại... Tại sao... tại sao trong việc cởi bỏ oan khiên, hờn giận ta cứ đòi cả đôi bên cùng làm một lúc? Mà bên nào ở thế ngọn thác phải động thủ trước có phải không em?
Đột nhiên Thánh Tông cả cười nói tiếp:
- Còn việc vui mừng nhà Nhân Thành hầu thì em nói thuận tiện hơn ta. Mồng bốn này hội thề đền Đồng Cổ. Thề xong, em mời Hoài Thượng hầu về vương phủ chơi, em ướm thử trước đi. Nếu hai việc này tốt đẹp cả thì lộ Đà Giang vững như bàn thạch. Hoài Thượng hầu nếu có ý ngần ngại chê Trịnh Mác là người sơn cước thì ta sẽ phong cho y tước bá trước khi y được tập tước hầu châu Mai. Hôn lễ Trịnh Mác sẽ do ta làm chủ hôn.
- Được như vậy thì thật là vui mừng cho bọn trẻ.
Quan học sĩ coi quản việc từ hàn cung Thánh Từ là Đinh Củng Viên được gọi vào giao cho thảo chế ban phong. Ông học sĩ thấy hai anh em Thượng hoàng vui mừng hớn hở. Ông cũng mừng thay cho Hoàng Mãnh và Trịnh Mác là hai chàng trai mà ông yêu về tính, trọng về tài.
Trên đường về vương phủ, Chiêu Văn vương rẽ vào thăm Nhân Túc vương Trần Toàn, người đứng đầu phủ Tông Chính chuyên coi sóc mọi việc của hoàng tộc. Trần Toàn so về thế thứ là hàng chú của Trần Nhật Duật. Ông ta thuộc chi út, vẫn sinh sống bằng nghề làm ruộng và đánh cá ở phủ Long Hưng. Khi tiên đế Trần Cảnh tức Trần Thái Tông lập phủ Tông Chính, Trần Toàn được chọn làm Phán thủ Đại tông chính, và được tiến phong vương. Thiên hạ thường nghĩ ông ta được vua chọn vào chức vụ trọng yếu này vì đức độ và tuổi tác, thực ra không phải thế mà nó có những uẩn khúc không ai nói ra. Chi Vạn Kiếp chi trưởng họ Trần và chi thứ Tức Mạc hiện đang giữ ngôi vua vốn có hiềm khích với nhau kể từ đời hai anh em Trần Liễu, Trần Cảnh là hai người mở đầu hai chi đó. Phủ Tông Chính coi sóc việc hoàng tộc phải lo cho cả họ đại thống, anh em hoà mục, cho nên chọn người chi trưởng hay người của chi thứ làm Đại Tông chính đều không tiện bằng dùng người của chi út Long Hưng.
Năm nay Nhân Túc vương Trần Toàn đã trên sáu mươi tuổi, được cả họ trọng vọng về sự hiền lành. Công việc phủ Tông Chính không bận rộn và phiền toái như việc cai trị dân nhưng lại rất long trọng. Phủ Tông Chính chăm lo ngày kị các bậc tiên đế tiên hậu, ngày sinh nhật của Thượng hoàng và đương kim hoàng đế, ngày sinh nhật của hoàng thái tử, việc dựng vợ gả chồng cho các vương hầu, công chúa, quận chúa, công tử, công tôn, việc chọn mĩ tự để phong tước cho các tôn thất đến tuổi được tập ấm... Tất cả những công việc ấy đã có lề thói, khuôn phép đặt sẵn của họ mạc, phủ Tông Chính chỉ đứng ra đảm đương việc thi hành. Công việc nhàn nhã nhưng trọng thể xứng với một vị tản quan đã già và thích hội hè, đình đám, chè rượu như Trần Toàn. Nhưng công việc đó đòi hỏi mọi nghi thức phải thật đúng với tôn ti trật tự, thành thử lúc nào cũng thấy Nhân Túc vương đăm chiêu dường như ông ta đang đau khổ dằn vặt, lo lắng vì công việc. Kì thực vẻ mặt ấy quả là thích hợp với một ông Đại Tông chính chuyên việc hoà giải các chi trong họ và chia thưởng, tiến tước cho cả họ, thành thử Nhân Túc vương tình cờ luyện được bộ mặt đó là cứ khư khư giữ lấy nó.
Nhưng lần này đến thăm Nhân Túc vương, Trần Nhật Duật thấy ông Đại Tông chính cuống thật sự. Vừa nghe thấy gia tướng xướng tính danh Chiêu Văn vương đến thăm, Trần Toàn đã mừng quớ lên. Ông ta không kịp xỏ dép cứ xéo lấm ra đón tận thềm chính đường. Nhân Túc vương xưa nay vẫn coi Chiêu Văn vương là người hết sức thông minh, hành động lại quả đoán, việc gì đến tay cũng làm băng băng mà Nhân Túc vương lại sẽ phải thi hành một lệnh vua nan giải.
- Trời ơi! Vương điệt, ta đang ao ước gặp vương điệt thì may sao cháu lại tới.
- Lạy chú! Cháu mới ở Đà Giang về hôm qua. Hôm nay cháu tiến cung mừng thọ Thượng hoàng xong là rẽ vào để vấn an chú.
Vừa nói, Trần Nhật Duật vừa ngắm ông chú. Nhân Túc vương lên kinh đã ngót mười năm nay nhưng ông vẫn còn hầu như nguyên vẹn cốt cách mộc mạc thôn dã của một ông già phú ông thú quê. Ông mặc áo vóc tía đã chững chạc nhưng mấy nếp khăn là quấn không khéo và ngắm cho kĩ thì ông vẫn “người đi đằng người, áo đi đằng áo”. Nhân Túc vương vồn vã:
- Chú vẫn mạnh, vẫn rượu. Nhờ trời ăn ngon ngủ kĩ.
Ông mời Trần Nhật Duật vào chính đường, quát gia nô pha trà, quát thị nữ bày bánh trái, quát người quạt mát, quát kẻ đốt trầm om sòm. Hình như ông nghĩ có quát tháo om sòm như thế mới ra phong cách nhà quyền quý. Trong khi đó các viên lệnh thư gia, xá nhân thuộc quan của phủ Tông Chính cũng hớn hở như Nhân Túc vương. Những người này phần lớn đều nhiều hơn Chiêu Văn vương gần hai chục tuổi, có người còn gấp đôi tuổi ông. Nhưng họ kì vọng ở ông một kiến giải hồn nhiên nhờ vậy mà trở thành đúng cách. Với dòng họ Trần, thuộc quan phủ Tông Chính đều là tôn thất thuộc những chi, những nhánh rất xa phần lớn rơi rớt từ những nàng hầu, thứ thiếp, con hoang, nhưng ở trong cái phủ Tông Chính này quan chức ít được kể đến, trái lại thế thứ, tuổi tác là những cái luôn luôn được nại ra để sắp xếp trên dưới và để chia phần lộc nước vua ban vào những dịp có việc vui mừng ân tứ. Họ nhớ kĩ những tiểu tiết đến một mức độ vô lí:
- Bẩm đức ông, tước Minh Tự Trần Hữu Pháp thuộc chi út, thế thứ bảy, tính từ đức cố tổ. Đức cố tổ đến lập nghiệp ở hương Tức Mặc, lấy ba vợ. Bà thứ ba đẻ hai con trai. Người con trai thứ hai thiên sang lập nghiệp ở cái gò bãi nổi cuối làng Tức Mặc lập thành chi út. Bẩm chi này không phấn phát nhưng các ngày kị, ngày huý giữ rất đủ lễ, nói về nghề nghiệp nhà thì con cháu chi này vẫn giữ được nghề đánh cá.
- Bẩm đức ông, Tước liệt hầu Trần Đức sở dĩ đầu hói là thừa hưởng vẻ người của ngoại tổ Tô Trung Tự. Cho nên dịp ân tứ này không nên ban trâm cài tóc mà nên ban mũ phốc đầu.
- Bẩm đức ông, ngày mười sáu tháng ba này là kị nhật của bà nhũ mẫu đã có công bú mớm cho đức Thái Tổ. Họ của bà bị phạt tự, hết con trai. Thượng hoàng thương tình cho thờ phụ bà ở bên ngoài cửa tả của Chiêu lăng. Xin cho lập một cái miếu riêng cho bà để khỏi phải thờ chung trong miếu thờ thổ địa.
- Bẩm đức ông, đức Thái Tổ ta khi còn hàn vi có đi lại với một bà ở thôn Bà Liệt, sinh được đức ông Hoài Đức vương. Theo lễ thì con đã được phong thì mẹ phải được tặng. Xin làm sớ tâu phong cho bà làm thứ phi, và lấy tên huyện quê quán của bà làm hiệu. Bẩm thế là Tây Chân thái phi. Bẩm bài vị để thờ xin lập dưới chân bài vị của Thái hoàng thái hậu Hiển Từ.
Và cứ như thế, thuộc quan phủ Tông Chính cứ bẩm báo luôn mồm nhắc Nhân Túc về thế thứ, về chi ngành, về dòng dõi, sở đắc, sở trường, hình dáng, tính nết cho chí những chi tiết lắt léo nhất trong đời tư của tất cả tôn thất họ Trần để Trần Toàn khu xử sao cho ơn mưa móc đã mưa thì mưa cho khắp, cho hợp lễ, cho đủ tình.
Ấy thế mà cái việc nan giải lần này của Nhân Túc vương thì bọn thuộc quan cũng bó tay không biết nên làm thế nào. Họ càng hiểu kĩ mọi tình tiết mắc mớ trong dòng giống bao nhiêu thì họ càng tắc tị bấy nhiêu. Mấy hôm trước đây, đương kim hoàng đế Nhân Tông cho gọi Nhân Túc vương vào cung và phán:
- Lần này, lễ thề ở đền Đồng Cổ có cả các đức ông ở chi Vạn Kiếp cũng về dự. Hoàng thái thúc cử người làm chủ tế đọc thệ thư hôm đó.
Chỉ có một lời phán truyền ngắn ngủi như vậy mà phủ Tông Chính mất ngay không khí nhung lụa êm đềm đài các và chỉ còn trơ trỏng một thứ quyền rơm vạ đá.
Bởi vì cả họ Trần đều biết mối thù giữa chi trưởng và chi thứ. Mối thù này có từ thuở họ Trần mới khai lập vương nghiệp. Bấy giờ Thái Tổ Trần Thừa và Trung Vũ vương Trần Thủ Độ đang làm quan tể dưới triều vua Lý Huệ Tông. Lý Huệ Tông không có con trai, sau lấy thêm bà Trần Thị Dung cũng chỉ sinh được hai người con gái. Nàng công chúa cả là Thuận Thiên, nàng công chúa út là Chiêu Thánh. Trần Thủ Độ bày mưu cho hai con trai của Trần Thừa vào hầu trong cung. Người anh là Trần Liễu lấy nàng Thuận Thiên làm vợ. Người em là Trần Cảnh lấy nàng Chiêu Thánh mặc dù cả hai lúc đó mới lên tám tuổi. Sau đó Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái thứ hai. Vua con gái xưng vương hiệu là Lý Chiêu Hoàng và lẽ tất nhiên vua vợ nhường ngôi cho chồng. Cướp ngọt ngôi vua về cho họ Trần rồi, Trần Thủ Độ lập mẹo chôn sống tất cả tôn thất nhà Lý, và bày trăm phương nghìn kế để giữ ngai vàng. Khi ấy lòng người tao loạn, trăm họ chán ghét nhà Lý không giữ được kỉ cương trật tự trong nước để ai nấy yên ổn làm ăn. Nay họ Trần lên làm cho nước an dân no nhưng không phải vì thế mà người ta nhận chân giá trị công lao của họ Trần ngay. Lúc đó kẻ sĩ đọc sách cố tình lảng tránh việc giúp triều đình mới. Tôn thất nhà Lý chốn quê Đông Ngàn thì bỏ lên rừng núi, ẩn thân cũng có, mộ quân trả thù cũng có. Lo lắng vì vua Trần Cảnh còn ít tuổi quá, Trần Thủ Độ tôn Trần Thừa làm Thượng hoàng nhiếp chính việc nước. Nhưng chẳng may Thượng hoàng Trần Thừa lâm bệnh băng hà. Việc nước ngổn ngang, vua Trần Thái Tông lại chưa có con trai, mà nói cho đúng thì bấy nhiêu tuổi sao mà có con được. Trần Thủ Độ cực chẳng đã phải thi hành một độc kế: Nhân biết bà Thuận Thiên, vợ của Trần Liễu đang có mang, Trần Thủ Độ bắt Trần Liễu phải nhường vợ cho Trần Cảnh để mong bà Thuận Thiên sinh lấy một hoàng tử phòng hờ trước một sự bất trắc xảy ra. Còn đứa con ấy vẫn chỉ là giọt máu của họ Trần, “lọt sàng xuống nia đi đâu mà thiệt.”
Việc bị ép nhường vợ làm cho Trần Liễu uất hận bèn đem thủ hạ nổi loạn. Về sau cô thế, Trần Liễu phải đầu hàng và Trần Thủ Độ cho cắt đất An Sinh, An Bang, An Phụ cho Trần Liễu lập làm thái ấp nhưng kì thực là giam lỏng Trần Liễu ở đó. Chẳng có thế mà hiệu của Trần Liễu từ Phụng Càn vương lại đổi là An Sinh vương. An Sinh vương là vị vương sống yên. An Sinh vương ở đất phong lập ra chi Vạn Kiếp mà nay người con cầm đầu chi Vạn Kiếp chính là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Đứa con có mang sẵn của bà Thuận Thiên bây giờ chính là Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang. Thái Tông Trần Cảnh không truyền ngôi cho Quốc Khang vì biết rằng không phải con mình. Thái Tông chờ bà Thuận Thiên đẻ đứa con sau mới lập làm Thái tử và truyền ngôi cho. Vị vua nối ngôi ấy nay là Thượng hoàng Thánh Tông, anh em cùng mẹ khác cha với Trần Quốc Tuấn và cũng là anh em con chú con bác với nhau.
Chi Vạn Kiếp ít khi về kinh, trừ khi có chỉ vua triệu. Những năm trước đây, hội thề đền Đồng Cổ là hội thề của triều thần, cung Quan Triều của đương kim hoàng đế cử chủ tế. Lễ thề của triều thần thì quan tướng quốc làm chủ tế là phải. Vì thế trong nhiều năm nay vẫn do Thượng tướng quân Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải đọc thệ thư trong hội thề. Nhưng năm nay, đột nhiên Thượng hoàng Thánh Tông triệu cả các đức ông chi Vạn Kiếp về kinh bàn việc nước. Lần này hội thề không chỉ là hội thề của triều thần mà là hội thề của toàn bộ tôn thất, cung Quan Triều không đủ quyền cử chủ tế, đương kim hoàng đế Nhân Tông giao việc đó cho Đại Tông chính Nhân Túc vương Trần Toàn. Lệnh chỉ nay chẳng khác một tảng đá gieo vào đàn cá đang tung tăng nhởn nhơ kiếm ăn trong bể cảnh. Phủ Tông chính lo cuồng lên.
Ai không biết tính kiên nghị sắt đá của đức ông Chiêu Minh? Đức ông Chiêu Minh xưa nay giữ quyền chính rất chặt chẽ không để lọt một mảy may vào tay chi trưởng.
Mà ai không biết lời trăng trối của đức ông An Sinh cho con trai: “Ta kén người tài dạy con thành người văn võ song toàn là để con đòi cho được ngai vàng thì ta mới yên lòng nhắm mắt nơi chín suối”. Đức ông Hưng Đạo là người thâm trầm, lúc nào cũng cười nói như không nhưng ở đáy lòng kia ai là người dò được mớ suy tư mấy chục năm dằn vặt nó ra thế nào?
Thế mà cả hai đức ông Hưng Đạo, Chiêu Minh đều đủ quyền uy để giữa triều đình chỉ mặt bất kì ai, hặc tội, trị tội.
...
Nhân Túc vương Trần Toàn rất mừng vì sự có mặt của Chiêu Văn vương. Cả phủ Tông Chính cũng mừng như ông Đại Tông Chính. Phải nói là cả phủ Tông Chính kì vọng ở đức ông Chiêu Văn một ngõ thoát. Họ cũng ham nghe chuyện Trần Nhật Duật kể, chuyện săn bắn, chuyện văn chương, chuyện cầm quân tiễu phạt ở những nơi biên viễn... Những chuyện ấy từ cửa miệng của Trần Nhật Duật kể ra thật thú vị và vô cùng cuốn hút con người. Ngay cả những chuyện tưởng như bình thường khó làm cho người nghe thích thú như chuyện chăn tằm trồng dâu, chuyện trồng thuốc, trồng ngô, trồng khoai, trồng sắn mà Trần Nhật Duật kể lại cũng làm cho người ta thấy cả cái mát của gió đồng nội, thấy cả cái ngọt thơm của bát chè nấu bằng bột ngô nếp non nấu với đường cát hoa mai. Bởi vậy trong lúc Nhân Túc vương muốn đem cái việc nan giải ra hỏi thì bọn thuộc quan cứ quen cái thói thân mật họ mạc ra, vừa thân thiết vừa kính cẩn mà gợi chuyện, hóng chuyện Trần Nhật Duật. Nhân Túc vương phát cáu. Ông ta cắt ngang:
- Bây giờ các ngươi muốn đi đâu thì đi, để ta bàn chút việc riêng với đức ông Chiêu Văn.
Trần Nhật Duật mỉm cười ngắm cái mũi giống như quả quýt hôi của ông chú họ thích và cần rượu hơn cần cơm tẻ. Ông không tin rằng ông già này có việc gì phải lưu tâm ngoài những lạc thú thông thường nhất ở ngoài đời. Nhân Túc vương gấp gay cặp mắt nghĩ cách gợi làm sao cho câu hỏi chính xác nhưng vẫn kín đáo.
- Ờ!... Vương điệt này, năm nay hội thề long trọng lắm đấy!
- Thưa chú, mười mấy năm nay mới có một ngày họ ta về kinh đông đủ thế đấy.
- Cũng chỉ thiếu đôi ba người đang có đại tang phải ở nhà cư tang và đôi ba người ốm nặng. Cả họ đi thề,... cháu có thấy lễ thề khác với mọi năm không?
- Thưa chú mọi năm chỉ có văn võ bá quan, còn năm nay thêm các vị ở Vạn Kiếp về.
Nhân Túc vương kéo dài giọng:
- Đấ... ấy. Quan gia giao cho chú cử đức ông chủ tế mà chú khó nghĩ quá.
- Thưa chú làm sao mà chú khó nghĩ ạ?
Trần Toàn lúng túng đâm liều:
- Thế cháu bảo nên cử ai?
Trần Nhật Duật trong lòng sửng sốt. Trong một ngày có hai người hỏi ông hai điều vừa giống nhau vừa khác nhau. Giống là việc cử người, khác là cử chức vụ. Nhưng rõ ràng cả hai câu hỏi chỉ nhằm vào việc cân nhắc giữa hai đức ông Chiêu Minh và Hưng Đạo.
- Thưa chú chắc chú muốn cân nhắc xem nên chọn ai giữa đức ông hoàng Ba và đức ông trưởng họ?
- Đúng đấy. Không biết ta nên cử đức ông Chiêu Minh hay đức ông Hưng Đạo? Cháu bảo thế nào?
- Thưa chú việc này Quan gia đã giao cho phủ Tông Chính, cháu không dám dự bàn. Cháu vừa ít tuổi vừa là phận con cháu.
- Nhưng chú nghĩ khác. Cháu là người đã tình đã thân lại thạo xử thế. Chú hỏi thật cháu nếu cháu chọn thì cháu chọn ai?
- Mọi năm thì cháu cử anh hoàng Ba còn năm nay cháu cử đức ông Hưng Đạo.
Nhân Túc vương hỏi gặng:
- Như thế ổn chưa?... Chú sợ chưa ổn!
- Hay là...
Nhân Túc vương hỏi cướp lời:
- Hay là sao cơ?
- Hay là chú hỏi thẳng anh hoàng Ba hay đức ông Hưng Đạo xem sao.
Trần Toàn thuỗn mặt ra. Quả thật lần này sự hồn nhiên của Trần Nhật Duật không giúp được gì cho Trần Toàn. Chỉ nghĩ đến tính kiêu hãnh của Chiêu Minh vương, Trần Toàn đã lạnh gáy. Còn nhớ việc tiếp thằng Sài Thung sang sứ lần thứ nhất, vua Nhân Tông và Chiêu Minh vương đang đem quân tuần thú phương nam, Thượng hoàng phải cho triệu Trần Quốc Tuấn về kinh đối phó với thằng Sài Thung. Thượng hoàng đã định phong chức Đại Tư đồ cho Hưng Đạo vương để danh chính ngôn thuận có vị thế chức tước tiếp sứ. Hưng Đạo vương biết tính Chiêu Minh vương, đã từ chối nói rằng ông xin nhận việc tiếp sứ còn phong chức thì hãy hoãn lại chờ Quan gia và Thái sư về sẽ hay. Việc tiếp sứ làm rất hoàn hảo, thế mà khi Quan gia và Chiêu Minh vương về kinh, việc phong tước bị dẹp đi không kèn không trống.
Bây giờ đem việc cử chủ tế ra hỏi thẳng đức ông Chiêu Minh, có khi đức ông cho là hỏi móc hỏi máy hoặc là nịnh thối rồi đức ông hặc tội cho. Rồi thì nghĩ cho kĩ được hặc tội ngay còn là khá chứ đức ông cứ im ỉm trong bụng thì chửa biết mắc vạ tày đình vào thân lúc nào? Trần Toàn ngẩn mặt ra khi Chiêu Văn vương vái chào xin lui:
- Việc tế tự, chú cứ phép công chú làm. Lễ thề của cả họ, ông trưởng họ làm chủ tế là đúng nhất.
Nhân Túc vương giữ chặt hai tay cháu hỏi cố thêm:
- Cháu chắc không bận gì chứ? Cháu không bận gì thì cháu tạt vào phủ Chiêu Minh hỏi hộ cháu hoàng Ba cho chú một câu thì hay quá?
Trần Nhật Duật cười, hứa sẽ làm theo lời ông chú. Trên đường về, Chiêu Văn vương rẽ vào phủ đệ Chiêu Minh thật nhưng gia nô thưa với đức ông rằng Chiêu Minh vương đi săn bên rừng Sặt đã hai ngày nay chưa về. Chiêu Văn vương hỏi anh mình đi săn với ai thì người gia nô thưa một câu làm cho đức ông hoàng Sáu phải sửng sốt rồi mau chóng chuyển sang trầm tư:
- Thưa đức ông, vương gia con đi săn với đức ông Hưng Đạo.
.........
Chú thích:
(1) Lễ giải tù binh vào đền thờ các vua trước để tấu cáo chiến thắng.
 

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 771

Return to top