Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Trên sông truyền hịch

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 16547 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Trên sông truyền hịch
Hà Ân

Chương 1
Trần Quốc Tuấn sực tỉnh dậy từ cuối canh tư. Ông nằm yên lặng trong khung cảnh thân thiết quen thuộc.
Ngoài kia, trời còn tối. Gió từ rừng Yên Tử thổi về tràn ngập hương xuân. Trong căn phòng, mùi trầm đốt đêm trước vẫn còn thoang thoảng gợi lên một phong vị tết sắp tàn. Trần Quốc Tuấn từ từ ngồi dậy. Vị tướng già nghiêng đầu lắng nghe. Gà chưa gọi sáng, nhưng côn trùng đã thôi rền rĩ từ lâu. Xa xa, dòng Lục Đầu đưa vẳng lại tiếng nước thủ thỉ mùa sông cạn. Không gian thanh bình làm cho Trần Quốc Tuấn bất giác thấy khoan khoái hẳn người. Ông kéo tấm chăn trùm hờ lên ngực và rung đùi ngâm khe khẽ:
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, một nhành Mai
(Thơ của nhà sư Mãn Giác đời Lý, viết bằng chữ Hán. Ở đây tác giả dùng bản dịch của Ngô Tất Tố để các em hiểu được. Một số câu thơ văn trong tập này cũng dùng các bản dịch với tinh thần như vậy.)
Trần Quốc Tuấn ngâm lại hai câu thơ cuối. Ông đặt cả tình cảm của mình vào từng tiếng thơ buông chậm rãi... Trần Quốc Tuấn mỉm cười, vươn vai. Ông bước xuống sập, với tay lấy chiếc áo cừu trắng, khoác hờ lên vai và lại gần cửa số đẩy tung hai cánh ra. Vị tướng già say sưa ngắm đêm xuân Vạn Kiếp thăm thẳm, trong khi ông triền miên nhớ lại ba ngày tết dọc đường vừa qua.
Từ nhỏ đến giờ, đã năm mươi tư lần tết đến với Trần Quốc Tuấn. Tết đến với ông ở Phụng Kiền trong thành Thăng Long, tết đến với ông ở trang trại An Sinh, ở thái ấp Vạn Kiếp. Những cái tết đến với ông giàu sang nhàn nhã của đời sống một vị thân vương quyền bá bậc nhất đất nước. Nhưng ba ngày qua, Trần Quốc Tuấn không đón xuân trong khung cảnh quen thuộc từ tấm bé của mình. Đêm trừ tịch, vị tướng già rời kinh thành về Vạn Kiếp. Ông ăn tết dọc đường. Mặc dù đoàn quân hộ vệ của ông đông hàng trăm người, mặc dù voi ngựa trẩy nườm nượp làm huyên náo cảnh quê, Trần Quốc Tuấn vẫn nhận ra nhiều điều mới lạ về cảnh tết và đời sống của trăm họ ở các làng xóm ven đường cái quan từ Thăng Long về Vạn Kiếp qua lộ Khoái, lộ Hồng. Những điều mới nhận thấy ấy đã khiến ông ngẫm nghĩ thâu đêm.
Trần Quốc Tuấn đẩy cửa phòng, bước xuống sân. Vị tướng già khoan khoái hít một hơi dài, hai mắt lim dim. Ông nhận thấy một cảm giác là lạ chuyển dần dà trong cơ thể, và nhựa sống như lan ra tới chân lông, kẽ tóc. Ông vươn mạnh vai, gỡ chiếc áo cừu vắt lên bụi hoa mộc và bước thẳng ra giữa sân, xuống tấn dạo một bài quyền. Đó là bài quyền múa mỗi sáng đã thành nếp từ lâu. Trong bóng đêm đang tàn, Trần Quốc Tuấn say sưa với từng thế võ. Ông múa liền hai bài và đột nhiên, bằng tất cả niềm tự hào của một võ tướng tài ba, Trần Quốc Tuấn dạo sang bài võ cha truyền con nối của hương Vạn Kiếp. Chưa bao giờ Trần Quốc Tuấn dạo quyền say sưa đến như thế này. Ông sung sướng thấy mình vẫn bền bỉ và đường quyền đi rất chính xác, bay bướm... Múa hết bài quyền, Trần Quốc Tuấn thu tay về. Ông chống nẹ, đứng ngửa mặt ngắm ngôi sao Mai sáng lấp lánh. Sao thế nhỉ? Chẳng lẽ ông đã già mà sức khoẻ vẫn tăng lên ngược với lẽ tự nhiên của trời đất! Không! Chắc chắn rằng không phải thế.
Trần Quốc Tuấn khẽ lắc đầu mỉm cười. Có lẽ ông sảng khoái vì lòng ông đã gỡ được những nỗi mắc míu sâu kín nhất! Ông nhớ lại buổi đi Bình Than dự cuộc triều hội của vương hầu. Ngày ấy đến giờ thấm thoắt đã hai năm.
Khi chân bước ra khỏi cổng thái ấp Vạn Kiếp ông thấy bâng khuâng vô hạn. Ông nghĩ nhiều về mối bất hoà giữa ông với người em con chú con bác là Trần Quang Khải. Trần Quang Khải lúc bấy giờ vừa giữ chức Thái sư vừa giữ chức Thượng tướng quân, nắm cả quyền tướng văn tướng võ trong triều, coi sóc mọi việc nước, việc quân. Còn ông thì đã lui về thái ấp từ lâu, ngày xem hoa, săn bắn, đêm đọc sách, ngâm thơ. Hình như ông và Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là hai vị tướng tài không thể cùng đứng ngang hàng. Có thể nói cả nước biết có mối bất hoà ấy, nhưng khi gặp nhau những ngày hội thề đầu năm ở đền Đồng Cổ phía bắc kinh thành, hai người đều tỏ vẻ vồn vã vui mừng. Thật ra, thiên hạ ít người hiểu đến nguồn gốc sâu xa của mối bất hoà ấy. Người ta đồ chừng hai ông gờm nhau về tài cầm quân hoặc so bì chức tước hơn kém. Có người cho rằng hai ông chỉ ganh nhau tiếng hiếu khách mà thôi. Lần ấy, rời hương Vạn Kiếp đi Bình Than, Trần Quốc Tuấn nghĩ rằng mình cũng sẽ phải trở về ngay thái ấp. Ông cho rằng Quan gia sẽ tin lời Trần Quang Khải, Thượng hoàng cũng sẽ tin lời Trần Quang Khải bởi vì Chiêu Minh vương là em ruột Thượng hoàng.
Cuộc họp vương hầu diễn ra khá sôi nổi. Thượng hoàng đem việc lớn của xã tắc ra hỏi. Thế giặc Nguyên rất lớn, vua Nguyên Hốt Tất Liệt đã sai sứ sang ép triều đình ta, một là dâng biểu xin hàng, hai là nếu muốn chống cự thì “sửa sang binh mã” đi. Ý giặc đe là hàng thì hàng ngay; bằng không, chúng phát quân sang làm cỏ nước Việt! Thượng hoàng phán hỏi các vương hầu: thế giặc mạnh như vậy, thì nên đánh hay nên hàng. Thế giặc ai cũng biết là mạnh. Chúng đã đánh bại bao nhiêu nước: Liêu, Kim, Tây Hạ, Nam Tống, Hồi Hột, ấn Độ... Vó ngựa cuồng loạn của chúng đã giày xéo bình nguyên Hoàng Hà, Dương Tử, giẫm nát tuyết Nga La Tư, cày lên cát ven biển Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ... Lần này sứ giặc đến nước Việt ta làm cho những người Việt yêu nước vừa căm thù vừa lo lắng. Các vương hầu đều bày tỏ ý riêng của mình. Một số người bàn rằng thế ta yếu, đành nộp biểu xưng thần, như vậy may ra mới cứu được tông miếu xã tắc khỏi bị giày đạp, trăm họ mới khỏi điêu linh. Ý kiến nộp biểu xưng thần này thực ra là ý xin hàng. Thượng hoàng và Quan gia im lặng, nhíu mày. Một số người khác nêu kế sách trá hàng. Thế giặc mạnh như vậy, âu là tạm xin dâng sổ bạ tịch quân dân, định ngày nộp cống, chờ dịp khác lấy lại nước.
Thượng hoàng và Quan gia vẫn im lặng, nhưng nhiều vương hầu khác đã khảng khái xin cho đánh. Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải cũng xin đánh. Hai người cùng bàn đánh, tuy cách đánh như thế nào thì khác nhau đôi chút. Sau đó là những buổi tâm tình thâu đêm giữa hai anh em trên một con thuyền thả lơ lửng giữa sông Lục Đầu. Đến bây giờ thì giữa hai người không còn chút nghi kỵ nào nữa và kế đánh của hai người được hầu hết các vương hầu họ Trần coi là xác đáng rồi cùng tin theo.
Ngay trong hội nghị Bình Than, Thượng tướng quân Trần Quang Khải tâu vua xin nhường quyền Tiết chế chư quân cho Trần Quốc Tuấn. Tan hội Bình Than, Trần Quốc Tuấn phò vua về thẳng kinh thành Thăng Long. Quan gia làm lễ bái tướng trong điện Thiên An, trao ấn, kiếm nguyên soái cho ông. Công việc sắp đặt tướng tá và luyện quân sẵn sàng chống giặc khá bận rộn. Công việc đã lưu vị tướng già ở lại kinh thành luôn hai mươi sáu tháng và cho đến hôm kia, đêm mồng ba tết, ông mới về Vạn Kiếp.
Trần Quốc Tuấn về phòng ngủ. Ông khêu to đĩa đèn trên án sách và quầng ánh sáng lung linh đó quyn luôn sự suy nghĩ của ông vào những việc ngổn ngang trăm mối bên lòng... Ra quân dẹp giặc, chỉ một lần truyền hịch! Câu nói này của Tôn Tử thường được các danh tướng xưa nay ghi nhớ.
Đến một lúc cần thiết nào đó, ông sẽ viết hịch, một bản hịch truyền đi làm nức lòng tướng sĩ. Nhưng để truyền hịch, xuất quân thì kế đánh giữ phải lập xong rồi. Binh pháp có câu: “Quân chiến thắng xuất đi như nước đổ từ cao nghìn nhẫn xuống”. Trần Quốc Tuấn đã ngẫm nghĩ nhiều về câu nói đó. Cái quan trọng là có được một thế nước cao. Trong cuộc chiến tranh chống giặc lần này, cái gì là gốc rễ của cái thế cao nghìn nhẫn ấy? Tướng quân Trần Khánh Dư nói: quân mạnh tướng giỏi thì thắng. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải quả quyết rằng ý chí trăm họ là gốc của xã tắc, nhưng Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc lại nói: trăm họ là giông bão có thể nhận chìm thuyền giặc, nhưng cũng có thể thổi tan vườn tược mùa màng. Trần Quốc Tuấn suy nghĩ về những ý đó. Ông trở về với câu nói nổi tiếng của Tôn Tử. Nhưng làm thế nào để tích tụ được thế nước cao hàng nghìn nhẫn ấy?
Trần Quốc Tuấn bất chợt ngồi thẳng người lên. Ông hiểu vì sao sáng nay lòng ông sảng khoái. Ba ngày tết dọc đường đã giúp ông hiểu về ý chí trăm họ. Quy tụ được ý chí trăm họ về một mối phải chăng là công việc ông phải làm để tạo cho Tổ quốc thế thắng cao nghìn nhẫn ấy? ... Có tiếng chân người ngoài hiên. (21 22 Như Tổng tư lệnh hiện nay. Danh tướng cổ của Trung Quốc. Nhẫn là đơn vị đo lường cổ, khoảng 4 mét). Trần Quốc Tuấn ngẩng lên và nhận ra người mới đến là Trương Hán Siêu, một thư nhi trẻ giữ việc sao chép giấy tờ trong thái ấp và cũng là người coi sóc phòng đọc sách của Trần Quốc Tuấn.
Trương Hán Siêu bưng một khay trà đặt lên án. Anh quạt một hỏa lò than đun nước sôi hầu trà vị tướng già. Bữa trà sớm này trước đây vẫn do người bộc già chăm sóc. Từ ba năm nay, khi vị tướng già thu nhận anh học trò nghèo Trương Hán Siêu vào làm khách trong thái ấp, việc hầu trà giao hẳn cho anh. Lò than nổ lép bép và hơi nóng toả ấm căn phòng ngủ của Trần Quốc Tuấn. Vì tướng già vui vẻ ngắm Trương Hán Siêu chuyên trà. Ông rất thích cách chế nước điềm đạm của người chép sách trẻ này.
-Năm sớm, cháu xin chúc Quốc công sức khỏe như gió đông và sống lâu trăm tuổi.
Trương Hán Siêu trình khay trà lên án. Vị tướng già mỉm cười đôn hậu, chỉ chiếc ghế kê bên án:
-Cháu ngồi xuống đây! Thế mà thấm thoắt đã hai năm ta xa phòng đọc sách đấy nhỉ.
Trương Hán Siêu kính cẩn khẽ dạ. Trần Quốc Tuấn nhấp chén trà. Mùi thơm của thứ trà núi đá Yên Tử đượm ngây ngất trong sống mũi vị tướng già.
-Thưa Quốc công, cháu đã sao những điều về hình đất, sông núi, mùa lũ, con nước của từng lộ. Mỗi điều, cháu chép vào một thẻ tre. Tất cả gồm bốn ngàn sáu trăm mười bốn thẻ.
-Tốt lắm. Cháu đã làm được một việc tốt cho quân đội. Ta sẽ đọc ngay trong tuần trăng này.
Trần Quốc Tuấn ngắm người chép sách trẻ qua làn khói trà thơm. Một vầng trán cao trên cặp mắt đen lánh, biểu lộ một niềm tin, một ý chí cứng rắn và bướng bỉnh. Vị tướng già rất thích cách làm việc của Trương Hán Siêu. Anh ta làm việc kỹ lưỡng, tỉ mỉ với tất cả niềm tôn trọng phẩm giá con người của mình. Làm việc với lòng tự trọng như vậy thật khó có thể để xảy ra những sơ sót dù nhỏ nhất.
-Ngoài ra, trong khi đọc các sách để tìm hình thể sông núi, cháu thấy điều gì hay, cháu cũng ghi lại. Hiện cũng được mấy chục thẻ chép những điều liên quan đến phép dùng binh giữ nước trong một đất nước không có thành cao, hào sâu.
Ngồi thẳng người lên, Trần Quốc Tuấn sửng sốt hỏi người chép sách trẻ tuổi:
-Thế nào?
-Thưa Quốc công, có lẽ người xưa muốn nói về việc cố kết lòng dân.
- Cố kết lòng dân à?
Trần Quốc Tuấn nhíu mày suy nghĩ. Không ngờ điều Trương Hán Siêu nói cũng là điều ông đang quan tâm.
-Có người đã nói với ta về sức mạnh của một đạo quân cha con. Còn ta thì đang suy nghĩ về một thế cuộc rộng lớn hơn.
-Thưa Quốc công...
-Cháu cứ nói đi!
-Thưa Quốc công, trăm họ là gốc rễ của đất nước.
Trần Quốc Tuấn nheo mắt suy nghĩ. Lấy trăm họ làm binh, cổ vũ cả nước đấu sức lại mà đánh, đó chính là kế rễ sâu gốc chắc. Trần Quốc Tuấn nói nhỏ như nói với chính mình:
-Sức dân là sức mạnh của khí thiêng sông núi! Phải dùng sức mạnh ấy để giữ nước.
Trong căn phòng im lặng, những lá rèm lụa không một chút lay động. Hương xuân thoang thoảng mùi hoa lan và mùi hoa trầm quý. Trần Quốc Tuấn lại tiếp:
-Nhưng việc ấy thật cần đến sự cố gắng hết sức của nhiều người. À, cháu này, sáng hôm qua, khi trẩy qua lộ Hồng, ta có gặp một người cũng tình cờ như năm nọ ta gặp cháu vậy. Thật là một tay hào kiệt.
Trần Quốc Tuấn mủm mỉm cười, nhớ lại cuộc gặp gỡ sáng mồng ba tết và ông kể lại cho Trương Hán Siêu... Đoàn quân hộ tống ông đang đi trên đường cái quan thì nghẽn lối. Ngay giữa đường cái, một chàng tuổi trẻ đang mải mê đan sọt mặc dù tiếng loa thét dẹp đường cứ dậy lên. Những người lính đi đầu bực tức chọc đốc giáo vào đùi anh ta, rồi họ xoay xoay ngọn giáo chí vào bắp vế. Nhưng người đan sọt vẫn điềm nhiên, lơ đãng lần từng nan tre.
-Có thể người ấy thật sự đang mải mê với niềm riêng nhưng cũng có thể đây là một cách xin ra mắt buộc ta phải chú ý đến.
Trần Quốc Tuấn chúm chím cười.
-Quả thật là ta phải chú ý đến người ấy. Ta cho gọi anh ta đến bên kiệu. Cháu ạ, anh ta quả là một người có trí lớn và có tài năng. Chính anh ta đã nói về sức mạnh của những đội quân cha con đấy!
-Thưa Quốc công, cháu nghe quân sĩ nói rằng Quốc công mới thu nhận một người tên là Phạm Ngũ Lão. Vậy có phải là người này không?
-Phải! Ta đã cho người đưa Ngũ Lão về phủ Hưng Đạo ở kinh thành. Ta sẽ tiến cử Phạm Ngũ Lão vào triều.
Trần Quốc Tuấn trầm ngâm giây lát.
-Ta có hỏi Ngũ Lão về người tài và kẻ sĩ trong thiên hạ. Những điều Ngũ Lão nói đã khiến cho lòng ta sáng hôm nay lúc sảng khoái, lúc ưu tư.
Trần Quốc Tuấn từ từ đứng lên. Bên ngoài, từ xóm núi xa xa vẳng lại tiếng gà đầu tiên. Rồi như có hiệu lệnh, hương Vạn Kiếp sực thức giấc. Gà trong thái ấp và ngoài hương thi nhau gáy ran lên. Chó sủa. Trâu nghé ọ. Người ta gọi nhau trở dậy, và tiếng chuông sớm của ngôi chùa xa điểm ngân nga trên thinh không vời vợi...
-Thưa Quốc công, trời đã sáng.
- Ừ, canh năm rồi.
Trần Quốc Tuấn chợt lắng nghe. Có tiếng ồn ào kéo dài không dứt chen lẫn tiếng gỗ va lục cục.
- Gì thế nhỉ?
-Thưa Quốc công, đội quân đánh trên sông đi dự hội võ mùa xuân ở bãi Bình Than.
Trần Quốc Tuấn bằng lòng. Thế là tinh thần thượng võ của dân hương rất cao. Cứ mỗi năm hai lần, vào mùa xuân và mùa thu, đạo quân gia nô hương Vạn Kiếp mở hội võ. Vừa là một cuộc thao diễn vừa để kén người giỏi võ, những hội mùa Vạn Kiếp bao giờ cũng được gia nô mong đợi bồn chồn. Trần Quốc Tuấn đã từ Thăng Long truyền lệnh về cho quân sĩ Vạn Kiếp mở hội xuân này vào dịp ông về thái ấp để chọn tướng cầm cờ tiết chế, nên binh sĩ càng náo nức. Ngay Trần Quốc Tuấn cũng rất muốn biết tướng sĩ của mình đã tinh luyện đến mức nào....
Tiếng động bên ngoài chuyển sang thậm thịch. Tiếng chân voi. Đó là đội voi ra đồng nội! Sau hết là tiếng vó ngựa nện lóc cóc xuống mặt đường. Và trong không khí thanh bình, một điệu dân ca chợt vút lên nhẹ nhõm, chơi vơi...
Trần Quốc Tuấn cài khuy áo cừu. Ông nghĩ thầm: quân đã trẩy Bình Than. Ta cũng phải đến dự cho sĩ tốt nức lòng. Nhưng cũng đúng vào lúc đó. Trương Hán Siêu trình lên Trần Quốc Tuấn một chiếc hộp trầm nhỏ. Hán Siêu đã theo đúng lệnh cũ từ lâu của Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn ngắm cái hộp giờ lâu và hỏi nhỏ:
-Cháu có biết hộp này đựng gì không?
-Thưa Quốc công, cháu chưa được lệnh mở xem.
Trần Quốc Tuấn mở nắp hộp trầm lấy ra một cái gói nhỏ bằng lụa đỏ. Trần Quốc Tuấn trầm hẳn giọng:
-Đây là một kỷ vật kèm theo lời trăng trối của cha ta.
Vị tướng già bưng gói lụa lên, hai mắt ông mở to, trang trọng. Vuông lụa bọc một mảnh gỗ sơn son có ba chữ thiếp vàng nhưng chỉ còn vế chữ bên phải.
-Cha ta đã chẻ thẻ phù làm hai mảnh. Mảnh này giao cho ta giữ. Còn mảnh kia đã về tay một người tin cẩn nào đấy của cha ta. Khi hấp hối, cha ta đã cầm tay ta dặn rằng người ấy đã được ký thác những lời tâm huyết cho ta.
Đạo quân riêng của Trần Quốc Tuấn bao gồm những người hầu hạ trong nhà và trong hương Vạn Kiếp. Trương Hán Siêu ngắm nửa phù còn lại. Những nửa chữ còn lại vẫn đủ để đoán ra ba chữ Phụng Kiền vương, hiệu vương của Trần Liễu, người cha đẻ của Trần Quốc Tuấn. Vị tướng già nói tiếp:
-Ta mến cháu như con đẻ, nên ta mới ra lệnh cho cháu mỗi khi ta đi đâu về cũng phải bưng chiếc hộp này để nhắc ta nhớ đến lời cha ta lúc lâm chung.
Trần Quốc Tuấn bước thong thả trong căn phòng ngủ rộng. Ông lơ đãng ngắm bức tranh Liễu-Mã treo trên vách và đắm mình vào những năm tháng đã trôi qua...
-Ngày xưa, cha ta có hiềm khích rất sâu với vua Thái Tông. Vua Thái Tông là chú ruột ta. Ta là phận con cháu, đâu dám xét đến việc sai đúng của cha chú. Ta chỉ nhớ lời trăng trối của cha ta,
Trần Quốc Tuấn quắc mắt nhìn Trương Hán Siêu:
-Cháu là người đọc sách, chắc hiểu được sự khác nhau giữa lời trăng trối và loạn mệnh, những lời mê sảng lúc hấp hối. Cha ta dặn phải trả hờn cho người! Vậy thì lời dặn này là lời trăng trối hay là một loạn mệnh?...
Trần Quốc Tuấn gói mảnh phù cất vào hộp, trao hộp cho Trương Hán Siêu:
-Cất đi! Từ nay không phải trình hộp này cho ta nữa!
Trương Hán Siêu đắn đo hồi lâu:
-Thưa Quốc công, nửa mảnh phù này có dính líu gì đến mối bất hoà giữa Quốc công và Thượng tướng quân Chiêu Minh vương?
- Ấy thế đấy. Người ta thường cho rằng anh em ta bất hòa vì chuyện riêng tây, nhưng kỳ thực vì chúng ta là những người trọng yếu của hai ngành trưởng và thứ trong cùng một họ Trần.
Trương Hán Siêu lo lắng, nhưng Trần Quốc Tuấn mỉm cười, dịu dàng nói:
-Đừng ngại. Đó chỉ là chuyện riêng tây của một dòng họ. Ba ngày tết vừa qua, ta được dịp xem xét dân tình và ta đã nghĩ về việc cố hết lòng dân, cổ vũ người hiền trong thiên hạ ra giúp nước phá giặc. Đó là một việc càng nghĩ càng thấy sâu rộng khó khăn.
Trần Quốc Tuấn lại ra góc phòng, cầm lấy cây gậy trúc xương cá đầu bịt sắt nhọn. Vị tướng già đứng nhìn người chép sách trẻ tuổi và hóm hỉnh nheo mắt:
-Cháu sẽ thu xếp khăn gói lên đường trong tuần trăng này. Đừng ngạc nhiên gì cả. Ta chỉ mong điều tốt lành cho cháu. Cháu sẽ cầm một phong thư ta gửi cho Phạm Ngũ Lão ở kinh thành. Mọi điều ta đã viết cả trong thư.
Nói xong, Trần Quốc Tuấn vẫy Trương Hán Siêu cũng ra khỏi phòng. Bên ngoài, trời đã sáng rõ. Khu vườn hoa, nay kém phần lộng lẫy, nhưng thay vào những luống cúc, luống mẫu đơn rực rỡ là những bụi cây thuốc đang độ xanh tốt. Những gốc đẳng sâm, Sinh địa, những bụi ngải cứu và dây cam thảo trồng la liệt khắp vườn. Khu trồng thuốc chạy ngược mãi ra ngoài hàng rào vườn, lan lên cả quả đồi kề sát địa giới thái ấp. Đây là một số thuốc dành để trị bệnh cho quân sĩ trong hương. Trần Quốc Tuấn vạch lá, xem gốc.
-Những giống thuốc tốt nhỉ?
-Thưa Quốc công, chính ông cụ lái đò bến Bình Than cho cháu giống.
-Có phải cái ông cụ đã dạy bài thiết lĩnh cho đám quân chèo thuyền của Yết Kiêu không?
-Chính phải đấy ạ. Cụ Uẩn còn dạy dân binh hương nhà đánh đòn trường và bắn nỏ liên châu nữa ạ.
Trần Quốc Tuấn đi giữa những luống thuốc bắt đầu đến giấc hái. Ông nghĩ đến các cụ già trên sáu mươi tuổi được triều đình liệt vào bậc long lão. Các bậc long lão ấy tưởng như chỉ còn chờ lúc về đất, thế mà đến khi có việc to lớn mới thấy giá trị những lời nói của các cụ đã hàng chục năm trời ngồi nghiền ngẫm việc đời chìm nổi.
Mặt trời đã lên cao khỏi ngọn núi Yên Tử. Trong chốc lát, cả một vùng đồi núi, sông nước bao la như được dát vàng. Những thửa ruộng chiêm xanh ngắt bò lan tới chân phía tây của rặng núi nổi tiếng trồng toàn thông mật bây giờ vẫn một màu xanh đen sẫm. Lác đác trên cánh đồng là những chấm cò trắng và đó đây, dân các làng lân cận đang mải mê trong công việc đồng áng.
Trần Quốc Tuấn đi chầm chậm trong khung cảnh hùng vĩ quen thuộc. Những kỷ niệm thời trẻ trở về chen trộn, hư ảo trong lòng vị tướng già. Dân hương Vạn Kiếp đã đi Bình Than dự hội võ mùa xuân. Những người gia nô ở lại làm một số việc trong thái ấp vái rạp xuống khi Trần Quốc Tuấn đi qua. Vị tướng già ôn tồn hỏi han gia nô về con cái, về thức ăn đồ mặc. Ông quở yêu một bác mặt đỏ phừng phừng sau vài chén rượu sáng. Khu thái ấp rộng, vắng người càng có vẻ mênh mông hơn. cảnh vắng vẻ tĩnh mịch này càng dễ gợi lên trong lòng Trần Quốc Tuấn những mảnh đời thân thiết đã qua rồi. Những luống hoa quý, căn phòng đọc sách sáng mát và yên ắng, những buổi chiều ngát hương lúa mới trên sân đập lúa ngày mùa và những đêm trắng dằn vặt với lời trăng trối của Phụng Kiền vương. Hương Vạn Kiếp, nơi ông đã sống bao năm tháng an nhàn xa kinh thành, xa quyền thế, xa cuộc đời bận rộn. Ông đã ở đây, như một nhà hiền triết, đọc sách, học binh thư và nghiền ngẫm sâu xa về chữ trung chữ hiếu.
- Này cháu! Cháu đã đọc binh pháp Tôn Tử chưa?
Trương Hán Siêu yên lặng, ngơ ngác. Trần Quốc Tuấn ngoảnh lại và nhận thấy anh ta đang bị lôi cuốn trong sự suy nghĩ mung lung.
-Cháu có nghe thấy ta hỏi không?
-Quốc công hỏi về binh pháp Tôn Tử.
-Thế cháu nghĩ sao?
Trương Hán Siêu lúng túng:
-Cháu đang nghĩ đến bộ Vạn Kiếp bí truyền và cháu nghĩ... về cháu.
Đến lượt vị tướng già kinh ngạc. Mấy năm nuôi dạy Trương Hán Siêu, ông vẫn quý mến người trai trẻ có tầm suy nghĩ rộng lớn, nhưng cho đến bây giờ ông vẫn khám phá thêm được những khía cạnh mới, sâu sắc trong tâm hồn anh ta.
-Cháu nghĩ về công việc sau này của cháu à?
Với tất cả niềm tin yêu, Trương Hán Siêu đáp:
-Cháu nghĩ kẻ sĩ ở đời phải cố gắng viết được những trang sách tâm huyết cho con cháu mai sau.
Trần Quốc Tuấn lặng lẽ suy nghĩ và đột nhiên mắt ông sáng long lanh:
-Ta đã viết xong bộ binh thư Vạn Kiếp bí truyền thì ta chúc cháu sau này cũng làm nên những bộ sách của mình. Chính mấy ngày ròng, ta đã nghĩ về người hiền và kẻ sĩ trong thiên hạ đấy.
Trần Quốc Tuấn đột nhiên vui vẻ đi rất nhanh qua cổng rào chông của thái ấp. Và thình lình, khi gần tới bến thuyền, ông ngoảnh lại, và đôi mắt của vị tướng già ánh lên hóm hỉnh:
-Này, những lời nói của Tôn Tử có khi cũng dở cháu ạ: “Nếu dùng kế của tôi, tôi ở lại. Còn nếu không dùng kế của tôi, tôi bỏ đi”. Thế là chỉ nghĩ đến mình! Đất nước này do tổ tông để lại, con cháu phải đấu sức lại mà phá giặc chứ bỏ đấy mà đi đâu.
Trần Quốc Tuấn cười to lên trước sự ngơ ngác của Trương Hán Siêu. Hai người đến bến thuyền. Ở đấy, một đô quân đánh sông đã chờ sẵn để hộ vệ vị tướng già đi dự hội võ Bình Than chọn tướng cầm cờ tiết chế.

<< Chương 11 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 590

Return to top