Trần Quốc Tuấn ngửa mặt nhìn lên trời, cặp mắt tinh anh khẽ nheo lại. Trời đã sang giữa thu mà nắng còn như chàm lửa. Rặng núi Yên Tử càng sẫm màu thêm, khí núi hừng hực mờ mịt rừng tùng. Vị tướng già thúc mạnh gót. Con ngựa chiến màu tía mật tung vó, rầm rập dẫn đầu đội hộ vệ phi ngược lên đỉnh núi Thuốc. Ngay sau lưng Trần Quốc Tuấn, Dã Tượng trên mình con ngựa ô lĩnh giương cao ngọn cờ tiết chế mười hai tua bay tung lên trong gió tây khô nóng. Còn đội hộ vệ tản rộng ra bao tròn bốn bề sườn núi Thuốc.
Từ trên đỉnh cao, Trần Quốc Tuấn nhìn những cánh quân đang tiến về các vị trí đã định trước trong cuộc tập trận giả hôm nay, cuộc tập kết thúc hai tháng luyện quân nhằm đúng rằm tháng tám. Nắng vẵn như chàm lửa. Vó ngựa giẫm trên những ngọn cỏ khô cháy, cào tung lên thứ đất rời rạc như bột đá. Trần Quốc Tuấn xắn cao hai ống tay áo chiến, ông cởi chiếc khuy cổ cho đỡ nghẹt thở và lấy mu bàn tay quệt mồ hôi trên mí mắt. Ông thấy thương binh lính vô hạn, nhưng ông không thể làm khác đi được. Quân gia nô Vạn Kiếp sau một tháng tập bày trận trên bãi sông Cơ Xá ở Thăng Long, đã trẩy về Vạn Kiếp và lập tức họ được lệnh bước ngay vào một đợt khổ luyện mới giữa buổi cuối hạ sang thu. Nhớ buổi tập thứ nhất, đứng trước ba quân, Trần Quốc Tuấn đã lớn tiếng răn dạy:
-Các ngươi đã nguyện theo ta xông pha lam chướng phá giặc cứu nước. Các ngươi đã được tận mắt nhìn thấy sứ giặc hung hăng giữa chốn kinh kỳ, đem miệng lưỡi diều hâu cú vọ mà nhục mạ cả đến ta và Thượng tướng quân Chiêu Minh vương. Này! Bảo cho các ngươi biết! Cầm giáo giết giặc không phải chuyện dễ dàng một buổi. Phải khổ luyện cho thành xương đồng da sắt. Nắng lửa, nước băng, mưa sa, bão táp, ta và các ngươi đều sẽ trải qua. Những lúc giặc kia thở lè lưỡi trong gió tây hầm hập ghê người, chính là lúc ta sẽ cùng các ngươi xốc tới dìm chúng xuống tận đáy những dòng sông đất Việt. Này! Bảo cho các ngươi biết! Phải tập để giương bay cung cứng, sức khỏe bạt non, khí thế nuốt trâu; tập cả lúc sương sa, mưa thảm, gió sầu, nắng mờ khí núi; tập cho dày dạn mọi bề, dư sức phá giặc. Này! Bảo cho các ngươi biết! Giặc dữ không phải lũ tầm thường. Vó ngựa cuồng loạn của chúng đã từng quần khắp thiên hạ; từ Liêu, Kim, Tống, Hồi Hột, ấn Độ... cho đến những nước xa lạ mãi tận trời Tây. Vó ngựa của chúng đã từng quần trụi cỏ thảo nguyên, quần nát đồng ruộng, đã từng băng qua sa mạc, đã từng vượt những sông dài. Này! Bảo cho các ngươi biết! Tập làm sao, đánh làm sao đừng để hổ thẹn đến tổ tông đã mất bao xương máu, nước mắt, mồ hôi lập ra nước Việt, đừng để hổ thẹn đến ta, bậc nguyên nhung tiết chế trăm quân!
Lời răn dạy của Trần Quốc Tuấn đã khích lệ các chiến sĩ Vạn Kiếp và bốn đội quân gia nô của bốn con trai vị tướng già. Họ lăn xả vào cuộc tập luyện ngày đêm suốt hai tháng trời ròng rã với ý chí quyết đánh bại bọn giặc khát máu thiện chiến. Họ tập say sưa với niềm tự hào của những dũng sĩ Vạn Kiếp. Họ quyết không chịu thua kém những người anh em trong các đạo quân khác. Họ biết giờ đây, quân gia nô hương Quắc, hương Tức Mặc..., dân binh các lộ Hồng, lộ Khoái, lộ Lẽng Giang... cấm quân Long dực, Hổ dực, Thần sách, Thánh dực... cũng đang khổ luyện như họ. Và ngoài khơi Vân Đồn, lính trạo nhi cùng đội thuyền biển đang thi gan với sóng to gió lớn, tập luyện những cách đánh mới lạ nhất. Chiến sĩ Vạn Kiếp quyết kết thúc thật tốt đợt khổ luyện này.
Hôm nay, buổi tập cuối cùng của đợt khổ luyện và cũng là ngày hội võ mùa thu. Đã sắp đến lúc ra quân, hội võ không đáp ứng được những khó khăn trong cuộc chiến đấu một mất một còn sắp tới nữa. Vì vậy có trận tập lớp này. Những cánh quân đã bày xong thế trận trên cả một triền sông Lục Đầu thành hai cánh cung mở rộng. Một cánh là đội quân thủy với hàng trăm thuyền chiến, buồm no gió, la liệt trên mặt nước loang loáng ánh lửa mặt trời. Một cánh dựng cờ, phướn kéo dài mấy chục dặm từ chân núi Thuốc qua đồng nội tới vạt rừng xanh mé đông. Trần Quốc Tuấn ra lệnh đốt ụ lửa làm hiệu lệnh mở đầu cuộc trận giả. Những người lính trong đội hộ vệ cầm bùi nhùi giúi vào một đống củi và cỏ khô đã sắp sẵn. Lửa bén, bốc cao ngọn. Chờ một lát cho lửa cháy to, họ rắc từng nắm phân dơi vào đống củi. Lập tức khói trở thành đen đặc và bốc thẳng ngọn.
Trần Quốc Tuấn rướn mình trên ngựa, nhìn ra xa nơi theo giả định sẽ là trận địa xuất phát của “quân giặc”. Trần Quốc Tuấn bật cười khi nhớ đến các đội quân được lệnh phải đóng giả làm giặc. Họ không dám trái tướng lệnh, cũng không dám ca cẩm nên lời. Nhưng cứ nhìn mặt họ cũng đủ hiểu nỗi ấm ức trong lòng họ. Để cho trận giả đánh thực găng, Trần Quốc Tuấn đã giao quyền chỉ huy đội quân Nguyên giả cho Nguyễn Địa Lô. Nhưng ông biết việc cầm một đạo quân lớn vượt khỏi tài năng của viên tướng gia nô chuyên đánh ngựa. Giá như ở đây có Phạm Ngũ Lão! Một trận giao binh mà một bên là Phạm Ngũ Lão chỉ huy, một bên do Trần Quốc Tảng làm tướng, thì dù cho là một trận giả đi nữa, cũng vẫn là một trận đánh nảy lửa. Nhưng Phạm Ngũ Lão bây giờ đang ở kinh thành. Phạm Ngũ Lão đã được cử giữ chức Điện súy, chỉ huy toàn bộ quân cấm vệ canh giữ Hoàng thành. Trần Quốc Tuấn ngẫm nghĩ và cho rằng việc cử tướng này thật chính xác. Phạm Ngũ Lão quả là một viên tướng chính trực, công minh, một lòng vì phép nước. Phạm Ngũ Lão lại còn là một tướng yêu thương binh lính dưới quyền, chăm từng miếng cơm manh áo, nhưng cũng chăm lo cả việc giữ phép nước, luật quân trong binh lính. Chắc rằng người tướng trẻ này không để uổng công lao tiến cử của ông.
Trần Quốc Tuấn mỉm cười. Việc dâng biểu tiến cử Phạm Ngũ Lão thoạt đầu làm cho các gia tướng Vạn Kiếp kinh ngạc, nhưng rồi họ hiểu dần ra. Ngay anh em binh lính cũng thấy rõ đức công minh nghiêm chính của Ngũ Lão. Họ đã đồng tình với việc Ngũ Lão dẹp đám đánh nhau ở chợ Cầu Đông. Và giữa hai đội lính trên sông và đội đánh voi, việc ganh đua thi tài đã chấm dứt. Mặt khác, mệnh lệnh cử tướng giữ cờ tiết chế của Trần Quốc Tuấn đã đáp trúng nguyện vọng sâu kín nhất của họ. Sáng hôm nay, trước lúc ra lệnh cho các đạo quân xuất phát, Trần Quốc Tuấn đã công bố, từ nay khi ông đi trên bộ, Dã Tượng sẽ làm tướng giữ cờ, còn khi ông đáp thuyền chiến, ngọn cờ đó sẽ trao cho Yết Kiêu. Quân lính reo hò vô cùng mừng rỡ khi ông vừa dứt lời.
Trần Quốc Tuấn chợt thấy con ngựa chiến bồn chồn đòi cương. Ông ngẩng lên và thoáng nghe thấy tiếng ồn ào mỗi lúc mỗi to mé sau lưng. Ông ngoảnh nhìn. Từ chân núi ông Sư, một đoàn người mang vũ khí rầm rộ tiến đến phía núi Thuốc. Càng đến gần, càng thấy rõ đấy là dân chúng các làng Vạn Kiếp, Phao Sơn, Trần Xá... Quần áo không phải là quần áo chiến nhưng xắn gọn gàng, binh khí cũng không đồng loạt, đủ từ câu liêm, tay thước, đòn càn, đòn sóc, đặc biệt là có hàng trăm người cầm bơi chèo và những cây tre đực vỏ còn xanh nguyên. Trần Quốc Tuấn chau mày. Ông ngẫm nghĩ không hiểu dân làng kéo đến đây làm gì. Từ đám đông, một ông già cầm tay thước leo lên núi Thuốc. Đó là cụ Uẩn. Ông cụ cắp tay thước, vái Trần Quốc Tuấn:
-Bẩm Quốc công, anh em dân binh trong hương đến xin cho được tập trận.
-Tập trận à?-nét mặt Trần Quốc Tuấn đột nhiên tươi tỉnh, ánh mắt lóe sáng một vẻ kỳ lạ.
-Ta chưa hề nghĩ đến điều đó đấy. Những ý nghĩ chen trộn nhau dồn qua rất nhanh trong tâm trí Trần Quốc Tuấn. Ông nghĩ về lực lượng dân binh cả nước. Đội dân binh hương Vạn Kiếp lớn lên trong óc Trần Quốc Tuấn thành ức triệu những người dân Việt cầm vũ khí bảo vệ Tổ quốc trên mọi nơi mọi chốn. Dân binh châu Hoan, châu Diễn, dân binh lộ quá Hóa, lộ Tam Đái, dân binh vùng núi, dân binh vùng biển, mỗi nơi có một sắc thái riêng, một cách đánh sở trường. Trần Quốc Tuấn đã từng biết tài bắn trăm phát trúng cả trăm của những tay nỏ cứng vùng núi phía bắc. Ông cũng từng xem các chiến sĩ miền tây múa những cây đao mũi cong, lưỡi mỏng sắc như nước. Ông reo thầm trong lòng: “Giặc Thát! Giặc Thát! Chúng mày sẽ phải chọi với hàng triệu tay cung, hàng triệu tay giáo, chúng mày phải chọi với cả dân tộc ta. Giặc Thát! Giặc Thát! Chúng mày chắc chắn sẽ đại bại”.
Ông bảo cụ Uẩn:
-Các ngươi muốn tập trận hả? Hay lắm!
Trần Quốc Tuấn nheo mắt cười thích thú. Ông chỉ cho cụ Uẩn xem thế trận gọng kìm bày trên triền Lục Đầu và nói:
-Như thế đấy. Bây giờ các người cứ việc tiến quân, hãy tìm mọi cách mà giúp quân ta diệt giặc.
-Bẩm Quốc công, chúng tôi đánh như thế nào ạ?
-Ta làm sao biết được?-Trần Quốc Tuấn nói như reo cười.
-Trí óc ta làm sao bằng sự thông minh của trăm họ được. Các ngươi hãy tìm mọi cách triệt lương, cắt đường, đánh lẻ đánh úp... bất kỳ cách nào diệt được giặc cũng tốt. Thôi đi đi. Ta chẳng những bằng lòng cho dân binh cùng tập trận mà ta còn cám ơn các ngươi.
Sau đó, Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho binh lính trao thêm vũ khí cho đội dân binh hương Vạn Kiếp. Ông thích thú nhìn cụ Uẩn dẫn đội quân đi lẫn một cách khéo léo vào cánh rừng tùng bắt nối ngay từ chân núi Thuốc. Trận đánh diễn ra sau đó một khắc. Từ chân trời xa, trên những triền đồi mọc đầy ạim, mua, những chấm đen xuất hiện và dần dần to thêm lên. Đó là những người lính cưỡi ngựa trong đội quân của Nguyễn Địa Lô đóng giả làm quân Nguyên. Họ theo đúng chiến thuật của giặc tản rộng ra thành một hình rẻ quạt mà mũi nhọn hướng về phía trước.
Trần Quốc Tuấn chú ý xem xét, ông nhận thấy đội cưỡi ngựa đóng giả giặc thiếu xông xáo. Vị tướng già lập tức ra lệnh bắn luôn ba phát pháo làm hiệu. Theo như ước lệ từ trước, ba phát pháo bắn liên tiếp lên không tức là mệnh lệnh tập phải như thật. Quả nhiên, đội cưỡi ngựa lập tức trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt. Để phân biệt với quân ta, Nguyễn Địa Lô đã cho binh lính dưới quyền lấy bông lau cài lên đầu giả làm cái đuôi cáo thường cắm trên mũ quân giặc. Những bông lau phơn phớt tím càng rõ dần khi đội lính cưỡi ngựa vượt qua bãi cỏ trước thế trận hình gọng kìm của quân Việt. Thình lình, con ngựa đi đầu chuyển hướng. Trần Quốc Tuấn chợt long lanh cặp mắt. Ông hiểu ngay sự thông minh của Nguyễn Địa Lô. Người chỉ huy đội lính giả làm giặc đã tránh hai gọng kìm và vòng hẳn ra mé sau đánh tập hậu vào cánh quân đóng trên bộ. Đó là một cách chuyển hướng vừa nhanh vừa khôn khéo có khả năng làm cho đối phương xoay xở đối phó không kịp. Trần Quốc Tuấn thích thú cho ngựa phi hẳn lên một mỏm núi cao hơn nữa để quan sát.
Việc Nguyễn Địa Lô cho quân chuyển hướng rõ ràng đã làm cho trận tập trở nên gay go và gần với sự thật hơn rất nhiều. Nguyễn Địa Lô đã vòng hẳn sang mé sau đội quân Việt đóng trên bộ. Nhưng để tiến sát với tầm tên bắn có hiệu lực, đội quân mũ cắm bông lau phải vượt qua một dải rừng tùng nhỏ có một con suối sâu chảy vắt qua. Phải thực thà mà nhận rằng nghệ thuật cưỡi ngựa của binh lính Vạn Kiếp đã đến mức điêu luyện. Đội hình rẻ quạt của họ không tản mát khi bắt đầu vượt rừng tùng. Nhưng một điều kỳ lạ gì đây đã xảy ra trong vòm lá xanh ngắt ấy. Đội quân bông lau lúc vượt ra khỏi dải rừng tùng chỉ có già nửa và đội hình trở nên lộn xộn. Tuy thế họ vẫn lướt dài ra mé sau lưng quân Việt và bắt đầu ngả rạp người trên lưng ngựa. Tên đôi bên bắt đầu bắn rào rào. Đó là những mũi tên đã bẻ đầu và bọc giẻ tẩm nhựa cây rừng. Mũi tên nào trúng đâu, không gây nên thương tích nhưng vẫn dính chặt vào đó làm bằng chứng.
Trần Quốc Tuấn chăm chú nhìn trận đánh diễn ra. Ông thấy ngay sở trường đánh trên sông của quân ta không thi thố được mà tài đánh ngựa của “địch” rõ ràng đang phát huy ưu thế. Đúng như lời Triệu Trung đã có lần thưa với ông một lính cưỡi ngựa của giặc Thát có thể mở rộng hoạt động tới mấy tầm tên bắn nhờ ở sức ngựa và góc bắn xòe lớn. Ông tự nhủ: “Đó là một điều phải dặn dò kỹ lưỡng các tướng sau này”. Nhưng bất chợt Trần Quốc Tuấn nhận ra trong đạo quân “giặc” không thấy có Nguyễn Địa Lô. Không biết viên tướng cưỡi ngựa này đi đâu nhỉ? Câu hỏi ấy thật không giải đáp nổi! Sau đó một sự kiện ngoài dự kiến diễn biến trận giả xảy ra lôi cuốn luôn sự quan sát hào hứng của Trần Quốc Tuấn. Đó là sự xuất hiện của đám dân binh. Họ từ trong rừng tùng xông ra mỗi người vung lên một bó đuốc thông cháy hừng hực và khói bốc mù mịt. Họ xông tạt ngang vào đội hình quân “giặc”, gây sự hỗn loạn sợ hãi cho đám ngựa. Những con ngựa chiến mất cả hung hăng và nước phi đều đặn. Chúng sợ hãi vùng chạy, cổ ngoặt sang một bên. Những người cưỡi ngựa không tài nào điều khiển được chúng. Nhanh như chớp, nắm chắc thời cơ xung sát, toán quân Việt dưới quyền chỉ huy của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng xông lên đánh giáp lá cà. Đội dân binh cũng ào ào kéo tới tiếp tay họ. Đến lúc này, Trần Quốc Tuấn mới thấy giá trị của những cây tre đực. Những người dân binh hương Vạn Kiếp nấp kín sau các bụi bờ, tì gốc tre vào háng, giúi ngọn tre vào bụng ngựa “giặc”. Họ chỉ bẩy lên một cái là con ngựa lộn đi kéo theo cả người cưỡi.
Cách đánh bằng tre đực như thế, dân vùng Bạch Đằng-Lục Đầu quen gọi là đòn trường, một ngón đòn lợi hại, chuyên trị quân cưỡi ngựa ở những nơi địa thế hiểm hóc. Trần Quốc Tuấn thấy mình bồn chồn hào hứng. Con ngựa ông cưỡi cũng gõ móng muốn xông xuống núi. Trần Quốc Tuấn đã nghĩ ra vì sao toán cưỡi ngựa của Nguyễn Địa Lô chỉ vượt qua rừng tùng được một nửa. Những người dân binh Vạn Kiếp kia chắc đã sử dụng khá khéo léo sở trường của họ trong khu rừng cây rậm rạp ấy và mưu đánh lửa tiếp theo quả là đáng chú ý. Nước và lửa, nước và lửa, hai tiếng ấy cứ quấn quýt lấy nhau trong tâm lý Trần Quốc Tuấn tới khi trận đánh kết thúc. Đội quân “giặc” bị đánh tơi tả. Chỉ một số ít chạy thoát về chân núi Thuốc. Nếu là một trận đánh thật, Trần Quốc Tuấn đã sai Dã Tượng đem vài đô xuống trói gọn đám tàn binh đó dễ như trở bàn tay. Nhưng Trần Quốc Tuấn thấy tập luyện như vậy đã đủ rồi.
Trời về chiều, nắng xiên khoai càng oi bức. Trần Quốc Tuấn ra lệnh đốt ụ lửa thứ hai báo hiệu cuộc tập trận đã xong. Khoảng một khắc sau, những cánh quân cả ta lẫn “giặc” cùng kéo về địa điểm tụ họp quá định từ trước. Đó là cái bãi cỏ rất rộng ngay dưới chân núi Thuốc. Trong số người về sau cùng có Nguyễn Địa Lô và một đội dân binh Vạn Kiếp. Nguyễn Địa Lô chân đi hơi tập tễnh. Đúng như Trần Quốc Tuấn đoán, viên tướng đội đánh ngựa đã bị dân binh Vạn Kiếp bắt gọn bằng cách chằng dây chẹn ngựa trong đám rừng tùng. Điều đó thật bất ngờ với Nguyễn Địa Lô, nhưng lại làm cho Trần Quốc Tuấn kinh ngạc, thích thú. Khi quân lính đã tề tựu đông đủ, những người bị xây xát đã được dịt thuốc, những người bong gân đã được nắn bóp.
Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho tất cả cởi hết quần áo xuống sông tắm. Đó là một thói quen đã trở thành kỷ luật trong đội đánh ngựa Vạn Kiếp. Tắm sạch sẽ để không bị lở ghẻ mông đùi mới có khả năng linh hoạt trên lưng ngựa. Tắm sạch sẽ mới khỏe quân, tiến thoái mới nhanh nhẹn. Thói quen đó chẳng những đã trở thành kỷ luật trong quân đội thuộc hương Vạn Kiếp, mà còn đang trở thành thói quen trong tất cả các đạo quân Việt. Trần Quốc Tuấn cũng xuống sông tắm. Mấy vạn người lực lưỡng da rám đỏ, mình chàm rồng theo phong tục từ thời tổ Hùng vương, ra sức vùng vẫy đùa bỡn vang dậy một khúc sông rộng mênh mông. Họ bơi không bằng Yết Kiêu nhưng cách bơi của họ quả là cách bơi của những người quanh năm sống trên sông nước.
Mấy hôm nay lũ lên to. Mặt sông ngầu phù sa và lều bều nổi đầy thiều biêu. Những quả thiều biêu tròn rắn như quả trứng vịt được binh lính Vạn Kiếp dùng làm phi đạn ném nhau. Trần Quốc Tuấn không ngăn cấm việc đó. Ông cho rằng làm như thế binh lính sẽ khỏe tay hơn. Và ông mỉm cười khi thấy Yết Kiêu dẫn mấy nghìn anh em bơi đứng vượt qua khúc sông rộng nhất. Bấy giờ trời đã về chiều. Cò trắng đã tha thẩn về tổ. Rặng Yên Tử đã chuyển sang màu tím ngắt. Chuông chùa Kiếp Bạc thỉnh hồi mộ đang ngân nga trong thinh không, và những người lính hỏa đầu đã gánh rượu, thịt ra bãi cỏ chân núi Thuốc để bày tiệc khao quân ngay trên đó.
* * *
Bóng đêm vừa buông xuống, tiết trời mát lạnh đi rất nhanh và một vầng trăng ngà to bằng cái mâm đã bềnh bồng trên biển mây Yên Tử. Trăng sáng quá đến nỗi Trần Quốc Tuấn thấy không cần ra lệnh cho đốt đuốc nữa. Thế là bữa tiệc khao quân bắt đầu tưng bừng trong màu xanh mát dịu của ánh trăng. Vừa nâng chén rượu lên môi, Trần Quốc Tuấn chợt nhớ tới bữa rượu tết Đoan Ngọ và Trương Hán Siêu. Ông cảm thấy bâng khuâng. Bây giờ vua Nhân Tông đã theo lời tâu của ông, cho người chép sách trẻ vào học trong Quốc học viện. Mừng cho anh ta. Mong cho anh ta học chóng thành tài để ra giúp nước. Trần Quốc Tuấn không ngồi trong mâm rượu bày riêng cho ông trên một tảng đã lớn phẳng phiu như mặt sập. Ông cứ tay đũa tay chén đi len lách giữa các mâm rượu. Binh lính chúc thọ ông. Trần Quốc Tuấn thấy chuếnh choáng mặc dù từ xưa đến nay có uống đến bao nhiêu chăng nữa, vị tướng già cũng chưa hề say. Ông chúc lại binh sĩ:
-Chúc các ngươi mắt tinh tay cứng, lòng dạ sắt son.
Theo ông, binh lính các đội không ngồi riêng rẽ nữa. Thoạt đầu là một người lính đội voi chạy tót sang mâm lính cưỡi ngựa; một người lính cưỡi ngựa thấy thế vác chén qua mâm lính đánh trên sông. Rồi sau một khoảnh khắc lộn xộn trên bãi cỏ rộng, các mâm rượu đã lẫn lộn người của các đội. Rượu được vài tuần, đã chuếnh choáng. Ở một phía bãi cỏ, tiếng hò la nài nỉ bỗng nổi lên. Anh em phía ấy đang giục cụ Uẩn kể chuyện đánh giặc xưa. Trần Quốc Tuấn cầm chén đến nơi. Ông sai rót rượu đầy chén của ông và của cụ Uẩn. Ông ngước mắt nhìn chăm chú rồi bảo ông già Bình Than:
-Hãy uống cạn chén này đi, người lính già thời Nguyên Phong! Hãy kể chuyện chinh chiến xưa kia cho đàn con cháu nức lòng, nâng cao sĩ khí sẵn sàng phá giặc.
Cụ Uẩn chưa say, với ông già này thì uống gấp ba thế nữa cũng chưa say, nhưng ông cụ cảm động thực sự. Ông cụ bối rối uống cạn chén và bồi hồi kể lại trận đánh giải phóng kinh thành hai mươi sáu năm về trước. Trần Quốc Tuấn bảo ông cụ:
-Đừng nhìn vào ta. Hãy quay ra kể cho sĩ tốt đang ngồi kia kìa. Khi nhìn những người học trò yêu của mình.
Cụ Uẩn bạo dạn dần lên.
- Quân ta đuổi giặc chạy dài lên mặt quá Hóa. Chỗ nào cũng có người mình chẹn bắt chúng. Tù binh nhiều quá, lo ăn cho chúng cũng nhược người. Đứa chưa bị bắt chạy không kịp thở. Đã không kịp thở còn nghĩ gì được đến chuyện cướp bóc nấu ăn. Mỗi khi mệt quá, chúng dựa lưng vào gốc cây nghỉ vội một tí. Nhưng chỉ một tiếng nói to, dù là tiếng đàn bà, trẻ nít, tàn binh giặc lại quàng chân lên cổ mà chạy tiếp. Những vùng chúng chạy qua không bị mất mát gì hết đến nỗi dân ta bỡn chúng cái tên là “giặc Phật”.
Anh em hỏi nhao nhao:
-Giặc tan rồi, cụ được thưởng gì hở cụ?
-Lão được thưởng một thanh gươm. Kia nó kia.
Ông cụ chỉ thanh gươm Yết Kiêu đang đeo bên sườn. Cụ đã cho viên tướng gia nô thanh gươm đó từ mười năm nay, ngay sau khi biết chuyện Yết Kiêu chiếm giải nhất trong hội vật mùa đông trên lộ Đà Giang. Ông cụ lại gần Yết Kiêu bảo tháo gươm. Cụ cầm thanh gươm, rút ra nửa lưỡi. Dưới ánh trăng, nước thép gươm xanh lạnh. ánh phản chiếu loang loáng trên mặt vị tướng già. Trần Quốc Tuấn hỏi cụ Uẩn:
-Vậy bây giờ cụ lấy gì ra trận?
-Bẩm Quốc công, quân ta quen đánh một bộ là khiên-kiếm, giáo dài, cung tên. Dân binh cũng có một bộ binh khí riêng. Trên bãi rộng, chúng tôi đánh bằng bơi chèo, trong đường hẻm đánh bằng đòn trường, giáp lá cà đánh bằng đòn sóc hai mũi nhọn. Bẩm Quốc công, cứ như cái đòn trường, tôi bẩy một cái kẻ địch phải bật lên tới ngọn tre. Bẩy vào háng ấy ạ.
Binh lính cười ồ cả lên. Họ ngoảnh sang chòng mấy anh lính cưỡi ngựa hồi chiều đã được nếm đòn trường trong vạt rừng tùng. Đó đây bật lên đôi lời gắt gỏng cáu dỗi.
-Thế cũng là bộ binh khí ba thứ hả?-Trần Quốc Tuấn hỏi.
-Dạ còn thiết lĩnh, câu liêm, xích thuyền nữa ạ. Cái tang xích thuyền hễ mà vung ra vừa mềm như con trăn vừa rắn như côn sắt. Bẩm Quốc công, đánh xích sắt mà khéo có thể thủng ván thuyền như chơi.
Trần Quốc Tuấn thích lắm. Ông sai lấy một lưỡi rìu chiến bằng đồng rất đẹp, lưỡi rìu cổ có dễ đã trên nghìn tuổi.
-Này đây! Ta thưởng cho người lính già thời Nguyên Phong.
Sĩ tốt náo nức trước việc thưởng rìu chiến trên tiệc rượu khao quân. Sĩ tốt cảm thấy vinh dự vì họ thường coi cụ Uẩn là thầy dạy võ của mình. Họ vây lấy ông cụ, đua nhau mời rượu và chúc mừng cụ Uẩn:
- Mời thầy uống với con một bát.
-Chúc thầy tuổi càng cao sức càng mạnh.
-Chúc thầy ra trận với chúng con lần này lập nên công lớn.
Nhưng cụ Uẩn khẽ gạt đám trò yêu ra. Cụ nâng bát rượu trên hai tay, tiến đến trước mặt Trần Quốc Tuấn. Cụ đăm đăm ngắm Trần Quốc Tuấn. Đôi mắt sáng rất thông minh, miệng cười tươi đôn hậu vẫn là những điều dễ nhận ra trên gương mặt quắc thước của Trần Quốc Tuấn; nhưng cụ Uẩn ghi nhận mấy nếp nhăn mới trên vầng trán và đuôi mắt vị tướng già. Đó là dấu vết những ngày đêm làm việc mê mải, việc quân, việc nước bộn bề... Cụ Uẩn chỉ ngắm trong một thoáng nhưng tràn trề xúc động.
-Bẩm Quốc công, đất nước và trăm họ tin ở ngọn cờ tiết chế của Quốc công. Xin mời Quốc công cạn chén cho nức lòng sĩ tốt.
Trần Quốc Tuấn đỡ lấy bát rượu, bồi hồi nhìn quân sĩ đang chăm chú, im lặng. Bây giờ, ông đã hiểu sâu sắc ngọn cờ của ông chính là của trăm họ và đất nước. Ông đã vì trăm họ và đất nước mà luyện quân thì sĩ tốt cũng lại vì trăm họ và đất nước mà theo ông. Và như thế sĩ tốt sẽ vùng vẫy như cá trong sông dài biển lớn của trăm họ. Trần Quốc Tuấn uống bát rượu rất chậm. Trăng càng lên cao càng sáng xanh. Không gian tràn ngập thứ ánh sáng mát dịu ấy và chen vào đó là một chút hương tùng ngây ngất hơn men rượu...