Đoàn thuyền hộ tống Trần Quốc Tuấn từ sông Thiên Đức rẽ qua sông Cơ Xá lúc trời sắp bình minh. Trần Quốc Tuấn đứng trên mui thuyền say sưa ngắm cảnh trời nước mênh mang. cảnh trí và không khí buổi sớm mai trong lành gợi cảm xúc lâng lâng trong tâm hồn vị tướng già. Hôm nay là một ngày đẹp trời đầu tháng chạp năm Giáp Thân (đầu tháng 1-1285). Trần Quốc Tuấn mặc áo đại trào về Thăng Long chầu vua. Cụ Uẩn lo lắng về tuổi cao của Trần Quốc Tuấn nên đã nài ông phải khoác thêm chiếc áo cừu ngự hàn trước khi xuống bến Mai Hiên. Đáng như mọi lần, cụ Uẩn sẽ là người giữ lái thuyền tướng. Nhưng cụ Uẩn đã được dân hương và thái ấp Vạn Kiếp đồng thanh cử làm người thay mặt lên kinh thành hầu chỉ Quan gia. Để chuyến đi có thêm ý nghĩa, Quốc công Tiết chế đã sai gia nô đội Yết Kiêu đem mười chiếc thuyền to có lầu, đưa cụ Uẩn và những bô lão các làng bên bờ Lục Đầu về Thăng Long. Những chiếc thuyền ấy đang giương buồm thênh thang mé trước mặt vị tướng già và ông có thể nhận ra trong số bô lão đứng ngắm cảnh, bóng dáng rụt rè của cụ Uẩn. Chân trời phía đông rạng hồng rồi chuyển dần sang đỏ tươi. Thăng Long vụt hiện ra lộng lẫy với vô vàn cờ xí cắm la liệt. Trên dòng sông bao la, hàng ngàn thuyền từ các miền xa lạ cũng đang xuôi về bến lớn kinh thành. Đây là loại thuyền mũi vươn cao của của lộ quá Hóa, hai bên mạn cặp những cây luồng to làm phao. Đây là loại thuyền thoi mình dài như con cá sấu , nhưng những cặp bơi chèo xòe ra hai bên nom như chân rết. Đây là loại thuyền biển Hải Đông, vỏ tròn trái dưa, bềnh bồng lướt như không chạm nước... Đó là những con thuyền từ nhiều lộ, đưa bô lão và các vương hầu về Thăng Long dự yến vua ban. Bình minh trên sông thật khoáng đãng.
Cây cỏ hai bờ một màu xanh non, và những con cò trắng tinh khôi sợ hãi bay tít trên cao tránh tiếng hò nhặt khoan của thủy thủ. Dô ơ hò... Khoan ới hò khoan Dô ơ hò... Tiếng hò bát ngát trên sông chen tiếng ốc của thủy thủ lộ Hải Đông trầm như tiếng gió. Càng về gần Thăng Long, cảnh sông càng thêm nhộn nhịp. Những con thuyền châu mũi về bến Đông. Trần Quốc Tuấn đăm đăm nhìn Thăng Long yêu dấu. Kinh thành hôm nay như bừng Lệnh (tiếng dùng riêng của vua). tươi lên. Đội trống đồng của quân Tứ sương đang đánh điệu mừng. Tiếng trống bùng binh, bùng binh, đôi lúc lại điểm một tiếng thùng mà âm vang loang mãi đi rất xa trên mặt sông. Này kia, đỉnh tháp Báo Thiên xa lắc và mé ngoài là cửa Giang Khẩu rộng thênh thang. Này kia là nóc vọng lâu của cửa Đông, bên trên bay phấp phới lá cờ đại bái chỉ dùng những khi có lễ lớn hoặc lúc xuất quân. Còn đây là những nóc nhà cao thấp của phố phường nơi ông đã từng rong chơi những ngày tuổi trẻ...
Trần Quốc Tuấn chợt thấy yêu Thăng Long biết bao nhiêu. Thăng Long là một kinh thành chứng kiến biết bao vinh quang của dân tộc. Thăng Long là một kinh thành lưu giữ quá nửa tâm hồn của ông. Trần Quốc Tuấn nhớ tới những trại trồng hoa với những cô gái quê chất phác. Những cô gái có đôi tay kỳ diệu một nắng hai sương vun xới cho những bông cúc vàng đại đóa lộng lẫy. Ông nhớ tới những đêm thả thuyền trên hồ Tây, nghe các cô phường làm giấy vừa hát vừa giã dó canh khuya. Tiếng chày khuya cần cù nhắc nhở trai làng hãy đọc sách cho tới sáng. Ông nhớ tới những ngày rằm tháng giêng ngào ngạt khói hương cửa Phật. Những cụ bà, những người mẹ đi lễ chùa xin lộc cầu phúc cho con cháu và đó cũng là những ngày ông hay cưỡi ngựa dạo chơi xem cỏ non mới mọc. Ông nhớ cả những phố phường đông đúc, người bán, kẻ mua, nhớ tiếng ồn ào, tiếng gọi, tiếng cãi nhau, nhớ cả những khi rượu say chuếnh choáng từ Hoàng Mai lần về vương phủ.
Những ngày tươi trẻ ấy qua đi đã lâu nhưng vẫn in đậm trong tâm hồn ông khiến cho ông lưu luyến, say mê cái kinh thành mà mỗi bước đi người ta lại tìm ra một điều chi mới lạ. Nhưng lần này về Thăng Long, Trần Quốc Tuấn còn thấy lòng mình hồi hộp, một cảm giác ông chưa hề có. Sáng hôm nay, theo lệnh của Thượng hoàng Thánh Tông, Quan gia sẽ cho bày đại yến ở điện Diên Hồng. Quan gia đã làm theo sớ tâu của ông! Sáng hôm nay, bô lão cả nước sẽ về đây. Mỗi làng cử một vị cao tuổi nhất, đức sâu dày nhất. Mỗi bô lão sẽ thay mặt cho cả làng tâu lên Quan gia ý muốn của trăm họ. Rằng Đánh hay Hàng! Khi nghe tin địch đã lên đường, việc hòa hay chiến trở thành bức thiết buộc ai nấy phải suy nghĩ. Ngay những người vô tâm nhất cũng phải nói ra ý định của mình. Nhiều cuộc tranh cãi đã xảy ra giữa những người thân thiết với nhau nhất. Ông chợt nhớ tới cuộc tranh luận nảy lửa giữa cung Quan Triều trước mặt Quan gia. Một bên là ông. Một bên là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Đó là một cuộc tranh luận làm cho ông tức giận đến run cả chân tay. Cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề lập kế, một vấn đề quan trọng nhất để giữ nước. Trần Quốc Tuấn đã phân rõ chỗ mạnh chỗ yếu của quân ta và quân Nguyên rồi ông thẳng thắn tâu rằng giặc mạnh hơn ta, thiện chiến hơn ta. Nhưng ông nói thêm: nhân dân cả nước sẽ cùng với quân đội kết thành một tòa thành kiên cố cao như núi, dài như sông, mạnh mẽ như lũ lớn mùa thu cuốn phăng quân tướng giặc ra biển. Chiêu Quốc vương tò mò nhìn ông chăm chú và hỏi:
-Như vậy có phải Quốc công cho rằng những người thôn dã ngu độn vô học sẽ là lực lượng chính để chống giặc?
Trần Quốc Tuấn đã trả lời:
-Chính phải! Tôi đã thấy họ tập trận rất giỏi, như những người lính thiện chiến nhất.
Chiêu Quốc vương cười lớn:
-Cũng có thể như thế, nhưng đấy là tập trận. Tôi xin nhắc Quốc công rằng trăm người trăm dạ, biết đâu mà giao phó giang sơn xã tắc cho cái lũ cùng đinh ấy được. Họ ăn còn chẳng nên đọi, nói còn chẳng nên lời, thành với trì gì lũ ấy. Tôi không tin họ dám chống giặc.
Trần Quốc Tuấn nổi giận bừng bừng. Chỗ mạnh của ông là tâm hồn và trí óc. Còn chỗ yếu của ông chính là ở cái miệng. Ông chỉ có thể bàn bạc ngay thẳng chứ không biết nói bóng gió hoặc dùng lời lẽ quanh co trong cuộc tranh cãi. Có lẽ vì thế, nhà vua đã ngơ ngác nhìn cả hai người. Trần Quốc Tuấn hiểu ngay bụng nhà vua nghiêng ngả. Ông quả quyết tâu vua cho triệu bô lão về kinh như lời tâu của ông trong tờ sớ đã gửi lên kinh hồi tháng tám. Ông nói:
-Thần đoán chắc trăm họ quyết đánh. Nếu sai thần xin chịu tội chết!
Chiêu Quốc vương cười nói như không:
-Việc gì mà Quốc công phải nổi giận. Tôi xin cuộc với Quốc công một bữa rượu.
Nghe nói vậy, Trần Quốc Tuấn càng giận. Ông nghiêm sắc mặt, im lặng, cặp môi mỏng kiên nghị run lên bần bật. ...Thuyền dồn cửa bến, sóng dềnh lên chao đảo những con thuyền. Trần Quốc Tuấn bừng tỉnh nhìn chung quanh. Các thuyền khác đang dẹp lối để dành cho thuyền của ông cập bến trước. Ông quát to:
-Truyền cho các thuyền quân dạt ra để các bô lão lên bộ trước.
Ông tì tay lên cây gậy trúc xương cá, say sưa nhìn những con thuyền chở các cụ đi qua trước mặt mình. Có tiếng xôn xao hỏi nhau:
-Ai đấy? Ai đấy?
- Quốc công Hưng Đạo vương chứ còn ai!
Các cụ bô lão chắp tay vái ông:
-Chúc Quốc công tay linh, mắt sáng.
-Chúc Quốc công tuổi thọ như biển Đông.
-Chúc Quốc công mạnh như con beo con cọp.
Trần Quốc Tuấn tủm tỉm cười đáp lễ. Nghe cụ già chúc ông mạnh như con beo con cọp, Trần Quốc Tuấn biết ngay ông cụ là dân miền rừng. Người miền rừng vốn thật thà như thế. Các cụ bô lão vẫn lần lượt đi qua trước mặt Trần Quốc Tuấn. Cụ nào cũng mặc áo mới. Ông nhìn thấy Cụ Uẩn súng sính, ngượng nghịu trong tấm áo the hoa chữ thọ nhuộm thâm. Tấm áo này do dân hương Vạn Kiếp cử người sành sỏi về tận làng La Khê kén the tốt may cho cụ Uẩn. Trần Quốc Tuấn gọi to sang thuyền ông cụ:
-Cụ ơi! Nhớ lời ủy thác của dân Vạn Kiếp nhá!
Tất cả mọi người trong thuyền cụ Uẩn ồn lên:
-Quốc công cứ yên trí. Chúng tôi cứ xin Quan gia gọn một tiếng là “Đánh”.
Trần Quốc Tuấn nhìn thấy Yết Kiêu giữ lái con thuyền ấy. Anh de chân chèo để gió thổi bay tung vạt áo chiến, và toét miệng cười... Thuyền các bô lão lần lượt cập bến Đông. Trần Quốc Tuấn nhìn lên thấy đích thân Thượng tướng quân Trần Quang Khải chỉ huy các quan kinh thành ra đón các cụ. Chiêu Minh vương đứng dưới cái nghi môn vóc đỏ, chắp tay chào các cụ. Các quan chia nhau mời các bô lão lên võng. Mỗi cụ ngồi riêng một võng, bên trên che hai chiếc lọng xanh. Phường Hòe Nhai đông kín người. Dân kinh thành chưa hề thấy cuộc đón rước nào vừa bình dị vừa long trọng như vậy. Không thấy có lính Tứ sương cầm binh khí giữ trật tự nhưng lại thấy Chiêu Minh vương đón khách. Dân Thăng Long ồn ào hỏi nhau:
-Sao ông cụ kia ăn mặc lạ thế nhỉ?
- À! Người Tày lộ Tuyên Hóa mà lị.
-Cụ bô kia dễ đến tám mươi tuổi ấy chứ?
-Tám mươi. Tám mươi thì có làm em út ông cụ.
Trần Quốc Tuấn bật cười. Ông cụ già thật, đi lẩy bẩy không vững mặc dù đã có hai người trai tráng xốc hai bên nách, dìu đến bên võng. Trần Quốc Tuấn nghe tiếng ai hỏi rất giống tiếng cụ Uẩn:
-Cụ Nhiệu đó?
- Ầu! Lão đây! Ai hỏi lão đấy?
-Cháu đấy ạ. Sao cụ chẳng cho đàn em nó đi thay có được không? Đường sá xa xôi thế này, lại gió máy nắng nôi...
- À, thằng cả Bình Than hả? Trăm ngàn năm mới có hội này. Chết sống tao cũng đi thay mặt cho hương Chí Linh một phen.
Trần Quốc Tuấn thấy ấm dần người mặc dù gió bấc vẫn ù ù thổi trên sông. Trên bờ, Chiêu Minh vương đã ra lệnh cho trạo nhi võng các bô lão vào Hoàng thành. Ông cẩn thận buộc anh em phải buông màn kỹ lưỡng cho kín đáo gió máy. Khi thuyền Trần Quốc Tuấn vào bến, đoàn các bô lão đã đi xa. Trần Quốc Tuấn lên bộ. Ông lập tức ra lệnh cho tất cả số quân về hôm nay phải chỉnh bị hàng ngũ. Các chiến thuyền đỗ theo từng quân, mũi quay ra sông, sẵn sàng rời bến. Thủy thủ không được rời thuyền và ai đứng vào chỗ nấy. Ông ra lệnh cho các đội quân bộ và quân cưỡi ngựa xếp thành từng khối vuông vức hai bên đường hòe. Đội nào cũng phải cắm cao ngọn phướn của mình lên mé trước. Các tướng của từng đội đứng ngay bên tả cây phướn và phải xem xét lại cách nai nịt của binh lính và của chính mình. Sau đó ông ra lệnh cho Dã Tượng lên đài cờ, cắm ngọn cờ tiết chế cho thực thẳng.
Lúc ấy mặt trời lên. Nắng chiếu vào thế trận uy nghi, lập lòe ánh binh khí. Quân sĩ không một ai cử động, chỉ thỉnh thoảng có tiếng ngựa chiến nện vó hục hặc. Nhìn một lượt thật chậm và thật kỹ lưỡng, Trần Quốc Tuấn hài lòng. Quân sĩ các lộ khỏe mạnh. Binh khí sắc bén và quần áo đủ ấm. Có những chiến sĩ như thế này, một người tướng giỏi có thể đánh thắng một kẻ địch hung hãn tưởng như vô địch. Trần Quốc Tuấn ra lệnh đánh một hồi chiêng, cho quân sĩ nghỉ tại chỗ. Nguyễn Địa Lô dắt con ngựa tía mật đến cho ông, nhưng Trần Quốc Tuấn không lên yên. Ông đưa cây gậy xương cá cho Dã Tượng và đi bộ về cửa Việt Thành, theo sau là Nguyễn Địa Lô với con tía mật.
* * *
Trên chiếc sân chầu rất rộng mé trước điện Thiên An, các bô lão đang tụm năm tụm ba hỏi han nhau về tin tức các bộ. Trần Quốc Tuấn sung sướng thấy Quan gia và triều đình đãi khách rất trọng vọng. Từ cửa Việt Thành đến thềm điện Thiên An, các cụ bô lão muốn đi đâu thì đi, muốn xem gì thì xem. Quan gia chưa ra triều. Lính giáp sĩ để nguyên gươm trong vỏ, đứng khoanh tay tít tận đằng xa và họ chỉ được lệnh canh giữ ba cửa lớn thông vào hậu cung. Trần Quốc Tuấn gặp Thượng tướng quân Chiêu Minh vương. Hai người cũng đi vào cung Quan Triều để tâu Quan gia rằng bô lão cả nước đã đến đông đủ. Vị tướng già còn nhìn thấy cụ Uẩn súng sính trong chiếc áo the hoa chữ thọ đang trò chuyện với mấy bô nữa bên bờ hồ Dưỡng Ngư. Cụ Uẩn cũng nhìn thấy Trần Quốc Tuấn. Cụ bảo với mấy ông bạn già mới quen:
-Các cụ ạ, các cụ ở tận vùng núi xa nên chưa được biết đến đức nhân của Quốc công tôi.
Một ông cụ mặc áo chàm thêu chỉ bạc cãi lại ngay:
-Sao chúng tôi chẳng biết. Cụ đừng nói hàm hồ. Cả nước ai chẳng biết đức ông yêu lính như con. Cụ Uẩn không phật ý.
Ông cụ chỉ cười:
-Cụ biết nhưng không biết kỹ đâu.
Hai ông già cứ cãi nhau về biết với không biết kỹ mãi. Mấy bô lão kia phải can rất khéo mới kéo được hai cụ đi xem nhênh nhang các chỗ. Các cụ bô lão đều là những người ở xa kinh thành. Phần lớn các cụ lên kinh lần này là lần đầu và hầu hết bây giờ mới được vào Hoàng thành. Cụ Uẩn may mắn là một người lính già thời Nguyên Phong đã từng ở trong quân cấm vệ. Ông cụ dẫn các bạn mới đi từ điện Thiên An sang điện Tập Hiền, qua cầu Ngoạn Thiềm để vòng trở lại bên bờ hồ Dưỡng Ngư. Cụ nói:
-Quan gia thiết triều ở trong điện Thiên An. Chỉ các vương giữ việc quân việc nước to lớn mới được lên điện. Còn các quan văn, võ thì chỉ chia ban đứng dưới sân này.
-Thế còn điện Tập Hiền?
-Điện ấy là chỗ Quan gia đọc sách và hỏi nghĩa kinh sử các ông thái học sinh. Đằng sau điện Tập Hiền có gác Bí Thư chứa hàng vạn quyển sách. Cứ nguyên phủi bụi cho sách cũng phải mấy người.
-Hàng vạn quyển thì ai mà đọc hết được nhỉ? Tôi cả đời chưa đọc hết một quyển. Mà đọc trang nào cũng lỗ mỗ, khối chữ không biết.
Các cụ hỏi nhau nhiều chuyện đại loại như vậy về cung điện rồi rủ nhau xem kèo chạm, cột sơn son... Đến đâu cũng trầm trồ khen ngợi. Nhưng các cụ thích nhất cái hồ Dưỡng Ngư. Vào mọi buổi sáng cữ này, nội giám vẫn rắc bỏng cho cá ăn. Cá đã quen lệ, chúng lên cả mặt nước, phe phẩy đuôi, ăn lập lờ chậm chạp. Một cụ bảo:
-Gớm, cái giống cá đâu mà quý thế. Giếc đâu mà giếc dài đến hơn gang tay!
Cụ Uẩn nói ngay:
- Ấy cái giống giếc này đem từ lộ Đà Giang về đấy. Giống nó đẻ kìn kìn, mau ăn mau lớn. Ngày xưa, tôi còn ở Hoàng thành, cứ mỗi năm lại đánh cá một lần dâng Quan gia. Lần nào Quan gia cũng chia cho quân Tứ sương mỗi đô vài thúng.
Một cụ thích thú:
-Thế thì tốn rượu nhể! Giá quê mình cũng có nhể!
Nhưng một cụ khác hoài nghi:
-Chẳng biết nó có nhiều thịt không chứ như cái giống ngão to bề ngang mà mỏng mình như giấy thì chán chết. Ta lại xem đi!
Mấy cụ kéo nhau xuống tận bậc lên xuống để xem cho rõ hơn. Bầy cá dạn người không lặn xuống nước. Trái lại, chúng ve vẩy đuôi, bơi quây quanh thềm bậc, miệng hớp hớp ngay mặt nước, con nào con nấy béo phây phây. Mấy cụ đùn đẩy nhau để xem. Thình lình một cụ trượt rêu trơn lẽng người hẩy ngay cụ Uẩn ngã đánh tùm một cái xuống hồ. Các cụ hốt hoảng xúm nhau lại, kéo ông cụ ngã dưới nước lên bờ. Thôi thì quần áo, râu tóc ướt lướt thướt hết cả. Chòm râu bết nước tóp lại, chiếc khăn tam giang tụt xuống cổ lòng thòng một đầu, nước rỏ tong tong...
Đúng lúc ấy, chuông vàng đánh chín hồi báo hiệu nhà vua ra điện! Trong cung, tiếng chuông dõng dạc điểm tới hồi thứ chín. Sau đó, đô Hổ dực dàn quân từ hậu cung ra tới cửa lớn điện Thiên An. Vua Nhân Tông ngự dưới một đám lọng vàng lộng lẫy. Viên tướng trấn điện hôm nay là Phạm Ngũ Lão. Những người lính cấm vệ theo lệnh của Phạm Ngũ Lão chia nhau đứng cách những khoảng rất đều dưới thềm điện. Đằng sau Nhân Tông là các vương hầu giữ những chức vụ quan trọng nhất trong triều, những người ban được biển Nhập nội hàng ngày vào chầu vua trong cung Quan Triều. Dẫn đầu các vương hầu là Thượng tướng quân Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, người đang cầm quyền tể tướng đầu triều. Rồi đến Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, trấn thủ lộ Đà Giang, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, trấn thủ lộ quá Hóa, Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng, chỉ huy quân Thánh dực...
Trần Quốc Tuấn hân hoan nhìn quang cảnh mấy trăm bô lão đang làm lễ chúc thọ nhà vua theo lệnh xướng của viên nội giám. Hôm nay các cụ sẽ chứng minh ông nghĩ đúng hay sai. Vua Nhân Tông hơi ngoảnh đầu như muốn hỏi Trần Quang Khải một điều gì rồi lại thôi. Nhà vua không ngự trên ngai vàng như thường lệ mà xuống thềm, ra sân đến tận chỗ các bô lão đang quỳ lạy. Nhân Tông phán truyền miễn lạy cho các cụ và sai cấm vệ ban đôn cho các bô lão ngồi. Nhân Tông hỏi một cụ mặc áo nhuộm vỏ sú ngồi ngay đầu thềm:
- Ông cụ ở lộ nào về thế?
-Bẩm Quan gia, tôi ở lộ Hải Đông.
Trần Quang Khải khẽ nhắc ông cụ:
-Cụ phải nói là tâu Quan gia nhé.
Nhưng ông cụ cảm động quá nên nghe không thấu. Khi Nhân Tông hỏi ông cụ đã bao nhiêu tuổi, ông già Hải Đông đáp rằng:
- Thưa tôi cũng quên biến mất. Nhưng chắc ít nhất cũng trên chín mươi ạ.
Nhân Tông tủm tỉm cười. Nhà vua vẫn còn giữ tính hồn nhiên của một ông hoàng trẻ. Vừa qua, trong cung Quan Triều, Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn đã tâu bày cách hỏi han bô lão nhưng khi ra điện Thiên An, Nhân Tông quên tất cả.
Nhà vua rất cảm động trước cảnh mấy trăm ông cụ râu tóc bạc phơ phơ, thay mặt cho nhân dân cả nước. Mỗi cụ là một tiêu biểu cho đạo đức và tài năng của một hương. Tất cả các cụ tượng trưng cho lòng dân cả nước. Nhân Tông ân cần hỏi thăm sức khỏe từng cụ, hỏi tên hỏi tuổi, hỏi tình hình mùa màng làm ăn của dân hương. Các cụ đâm bạo dạn dần lên, họ kể cho nhà vua nghe nhiều điều về thóc lúa, trâu cày mà Nhân Tông chưa hề biết. Trong không khí bớt dần trang trọng, Nhân Tông thăm hỏi lần lượt các cụ có mặt. Đến một chỗ có sáu cụ ngồi xúm xụm vào nhau, Nhân Tông dừng chân lại hỏi han. Nhưng nhà vua bỗng nhận thấy mấy ông cụ này trả lời rất lúng túng và họ cố tình ngồi lấp một bô lão ở mé sau. Nhân Tông bước hẳn lại gần, ngó qua vai các cụ rồi kinh ngạc thốt lên:
-Cụ làm sao thế này?
Mấy ông cụ kia đành ngồi né ra để lộ cụ Uẩn trong tấm áo the La Khê ướt lướt thướt. Một cụ đã phải tháo chiếc thắt lưng bao cho cụ Uẩn lau râu, lau tóc, nhưng ông già Bình Than vốn thấp nhỏ, rụt rè, bây giờ nom càng giống con cò gù ngâm nước. Trần Quốc Tuấn vội đỡ lời cụ Uẩn:
-Tâu Quan gia, đây là cụ thay mặt cho hương Vạn Kiếp. Thời Nguyên Phong cụ đã từng cầm giáo đứng trong quân.
Nhân Tông vốn rất quý trọng những chiến sĩ già đã chiến đấu thời Nguyên Phong, khi mà nhà vua vừa mới oe oe khóc chào đời. Vì vậy, vị vua trẻ hỏi săn đón:
-Cụ làm sao mà bị ướt hết quần áo râu tóc thế?
Cụ Uẩn đành rụt rè kể lại chuyện xem cá và nhỡ chân té xuống ao. Cụ nói:
-Tâu Quan gia, chúng tôi thích giống cá đó quá. Giá mà miền nào cũng có giống đem gây trong các đầm ao thì chả mấy chốc mâm cơm nhà nào cũng ngon.
Vừa lúc đó, gió bấc thổi từ hồ Dưỡng Ngư vào mấy cơn liền làm cho cụ Uẩn run lên cầm cập.
-Chết nỗi! Ta thật sơ xuất.-Nhân Tông phán tiếp:
-Thị vệ đâu! Một nội giám thị vệ vội quỳ xuống nghe chỉ.
Nhân Tông sai vào hậu cung lấy áo ấm cho cụ Uẩn thay. Chỉ một lát sau, viên nội giám đã đem ra đưa cụ Uẩn một chiếc áo vóc tía may kép và một chiếc khăn nhiễu nhuộm màu tam giang.
Sau đó, Nhân Tông truyền các quan đưa các bô lão sang điện Diên Hồng. Bữa nay, điện Diên Hồng được trang trí rất khéo. Điện không có những hàng cột thếp vàng lộng lẫy và những bức tường chạm đổi bằng gỗ trầm như Thiên An Điện cũng không có những bậc thềm rộng mà người lên hoặc xuống thềm cảm thấy thăm thẳm triền miên. Diên Hồng là một ngôi điện rộng làm từ cuối triều trước, có một vẻ đẹp trầm mặc, hùng vĩ với lớp mái vảy cá chót cong và hàng cột chò chỉ trơn, màu đã xuống với tuổi gần một thế kỷ. Nền điện trải toàn chiếu cạp điều sát vào nhau và nhà vua đã sai bày tiệc yến lên đó để thết đãi các bô lão. Trong lúc Nhân Tông và Trần Quang Khải mời các cụ vào điện, Trần Quốc Tuấn chợt nhớ ra một điều. Ông đi ra cửa Việt Thành với ý định sai Nguyễn Địa Lô về vương phủ Hưng Đạo tìm Trương Hán Siêu đến cho ông. Nhưng may mắn thay Trương Hán Siêu đã chờ ông ở cửa Việt Thành và người chép sách trẻ nhận thấy Trần Quốc Tuấn đang hứng khởi cao độ. Vị tướng già ra lệnh bằng giọng gấp gáp:
-Cháu cầm lấy cái này về ngay vương phủ họp thư nhi bên ta và bên phủ Chiêu Minh sao cho ta làm năm nghìn bản.
Hẹn lúc mặt trời lặn chiều nay phải đem tới bến Đông. Trần Quốc Tuấn trao cho Trương Hán Siêu một cuộn giấy. Ông mở to cặp mắt sáng, đẹp dữ dội và bảo:
-Bản hịch của ta đấy! Thôi đi đi!
Khi Trần Quốc Tuấn quay trở về gần tới điện Diên Hồng thì tiếng hô “Đánh! Đánh!” đã vang ầm Hoàng thành. Ông bước lên thềm điện, thấy Nhân Tông đứng giữa, các bô lão đang ngoảnh cả mặt về phía nhà vua. Một số cụ ngồi mé xa nhấp nhổm quỳ gối lên và những cụ ở tận cùng thì đứng thẳng dậy để nghe và nhìn cho rõ hơn.
-Đây rồi, Quốc công Tiết chế đây rồi. Quốc công hãy nói để bô lão biết về sức ta và sức địch đi.
Trần Quốc Tuấn từ từ bước vào, đường bệ trong bộ áo chiến đại trào và chòm râu lốm đốm bạc rủ dài xuống mảnh đồng hộ tâm sáng bóng đeo trước ngực. Một cụ nói to:
-Xin Quốc công cho đánh!
Toàn điện Diên Hồng lại rung lên: “Đánh! Đánh!”. Vị tướng già bốc sáng cặp mắt, sung sướng trong không khí tin tưởng, anh hùng. Ông nói:
-Xin các cụ nhớ cho rằng kẻ địch của chúng ta thiện chiến vô cùng...
Nhưng cụ Uẩn đã ngắt lời ông một cách rất bất ngờ:
-Chúng ta đã từng chọi giáo với lũ giặc ấy rồi.
Trần Quốc Tuấn suýt bật cười khi nhìn thấy cụ Uẩn súng sính trong tấm áo vóc tía mới tinh khôi. Ông nói:
-Đúng, chúng thiện chiến, ta cũng thiện chiến. Nhưng quân giặc đã mạnh lại rất đông. Chiến trường xảy ra trên nước ta, sao tránh khỏi những tổn thất cho trăm họ được...
Các bô lão ùa lên:
-Mất nước là mất hết. Xin Quốc công cho đánh.
Họ quay tất cả về phía vua Nhân Tông và hò la:
-Xin Quan gia cho đánh!
-Hương Tức Mặc chúng tôi xin đánh!
-Hương Tam Đái chúng tôi thà chết không hàng!
ông cụ già đã gọi cụ Uẩn bằng “thằng cả Bình Than” lẩy bẩy đứng dậy. Hai bô khác, râu tóc bạc như bông, xốc ông cụ đứng cho vững. Ông cụ nói thều thào:
-Thưa Quan gia, thưa Quốc công, tôi đã ngót trăm tuổi rồi, chết sống chẳng kể chi, nhưng tất cả đinh tráng hương Chí Linh tôi cũng như cả nước thề thà chết chứ không hàng. Xin đánh!
- Sát Thát! Sát Thát! - Toàn điện Diên Hồng lại rung lên hai tiếng Sát Thát. Những lá rèm lụa đỏ lay động và lính cấm vệ đứng canh bên ngoài cũng thét vang:
-Xin Quan gia cho đánh! Sát Thát! Sát Thát!
Nhân Tông thoáng lấp lánh cặp mắt, nhà vua sai nội giám rót rượu vào chén của các cụ, rót sao cho đầy bồng mắt thỏ. Nhà vua phán:
-Mời các cụ hãy uống đi! Ta mời các cụ. Các cụ để ta suy nghĩ giây lát rồi sẽ trả lời sau.
Nhưng cụ Nhiệu lại đứng dậy, nói:
-Quan gia chưa truyền chỉ, chúng tôi chưa an tâm. Quan gia chưa cho đánh, chúng tôi không đành lòng nhắp một giọt rượu.
Nhân Tông nhìn Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng..., nhìn các tướng đang im lặng mở to mắt trước quang cảnh và không khí trang nghiêm, chờ đợi tiếng nói tiêu biểu cho cả nước. Nhà vua khẽ nhắm mắt lại. Cả lịch sử oai hùng hàng nghìn năm của dân tộc trở về thét vang trong tâm hồn Nhân Tông. Trưng Trắc thét: “Đánh”. Triệu Trinh Nương thét: “Đánh”. Lý Bí và Triệu Quang Phục thét: “Đánh”. Ngô Quyền rồi Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt... biết bao nhiêu anh hùng thuở trước vụt hiện ra lẫm liệt nghiêm nghị trước mặt Nhân Tông và vị nào cũng thét: “Đánh”. Nhân Tông mở to cặp mắt. Điện Diên Hồng im phăng phắc trong sự chờ đợi căng thẳng. Nhân Tông nói rất chậm nhưng rành rẽ:
-Vậy thì... các bô lão hãy nghe chỉ ta. Các bô lão hãy uống với ta một chén rượu thề vua tôi đồng lòng, cả nước đấu sức. Ta truyền: “Đánh!”.
Điện Diên Hồng rung lên trong tiếng thét như sét nổ: “Đánh! Đánh! Đánh!”. Các bô lão uống cạn chén rượu. Có cụ khóc lên rưng rức:
-Quan gia cho đánh rồi! Quan gia cho đánh rồi!
Chiếu rượu nghiêng ngả. Màn lụa rung rinh. Trần Quốc Tuấn thấy mắt mình nhòa đi, lòng ông rung động niềm biết ơn vô biên với trăm họ. “Chúng chí thành thành”, ý chí trăm họ là tòa thành vững chắc bảo đảm cho chiến thắng hoàn toàn, giữ vững non sông xã tắc. Chân lý ấy chói ngời, đinh ninh trong lòng vị tướng thiên tài. Cảm ơn các bô lão! Bản kế hoạch phá giặc của ông xây đắp từ hai năm nay, giờ đây biểu lộ sự chính xác tuyệt vời. Cảm ơn các bô lão và cảm ơn tất cả những ai đã giúp ông nhận thấy sức mạnh vô địch này! Việc quyết đánh đã định xong chỉ trong một khắc làm đảo lộn dự định công việc hôm nay của Trần Quốc Tuấn. Vị tướng già lại rời điện Diên Hồng ra cửa Việt Thành một lần nữa. Ông gọi Nguyễn Địa Lô đến và ra lệnh:
-Về ngay vương phủ trao mệnh lệnh ta cho Trương Hán Siêu, hẹn chính ngọ phải có đủ năm nghìn bản hịch ở bến Đông. Lấy ngựa ta mà đi rồi quay ngay lại đây đón ta.
Trần Quốc Tuấn nhìn theo bóng Nguyễn Địa Lô và con ngựa tía mật lao đi trong một cơn lốc bụi mù...