Từ giữa giờ đầu, các vương hầu và các quan văn võ đã đốt đuốc đến tề tựu ở cửa hoàng thành. Hai đô Long Dực, Hổ Dực dàn rộng ra vừa để giữ trật tự vừa để tăng phần long trọng cho ngày lễ thề trong đền Đồng Cổ. Tất cả vương hầu và các quan văn võ đều mặc triều phục. Lính cận vệ cũng mặc áo chiến may bằng gấm thật đẹp. Những lá cờ đại đã được cắm sẵn trên mặt thành, những lá phướn mang quân hiệu từng đô bay phần phật trong bóng đêm. Bấy nhiêu con người đứng im lặng chăm chú. Họ đã tắm gội sạch sẽ bằng nước nấu với rễ hương bài và ăn chay ba ngày nay để tỏ lòng thành và ý niệm thanh khiết. Bây giờ họ chờ hai vua ngự ra ngoài cung để phò lên đền Đồng Cổ cử hành lễ thề. Đức ông Nhân Túc vương Trần Toàn đã dẫn đức ông Chiêu Minh vương Thái sư Trần Quang Khải và đức ông Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn vào cung để rước hai vua xuất cung. Lần thề năm nay sẽ do đức ông Hưng Đạo vương làm Điển nghi Kiểm chính tức là chức vụ chủ tế. Nhân Túc vương Trần Toàn không ngờ việc chọn chủ tế lại dễ dàng đến thế. Mấy hôm trước, Nhân Túc vương có việc phải vào cung Thánh Từ tâu việc. Khi vào đến nơi, Trần Toàn thấy cả hai đức ông Chiêu Minh và Hưng Đạo đang ngồi hầu vua. Trần Toàn tâu việc xong, Thượng hoàng phán:
- Được, việc đó cứ thế mà làm. Còn văn thề thì chú đưa ngay cho chủ tế đi.
Nhân Túc vương Trần Toàn cuống lên chỉ biết vâng dạ vì đức ông Nhân Túc không biết ai được chọn làm chủ tế cả. Bỗng thấy đức ông Chiêu Minh như hiểu chuyện và muốn gỡ bí cho Nhân Túc vương, cười bảo:
- Đức ông chủ tế Hưng Đạo muốn xem trước văn thề để khi tuyên đọc cho dõng dạc đó chú Nhân Túc ạ.
Trần Toàn sướng muốn múa tay trong bị. Ông không ngờ cách chọn của Chiêu Văn vương lại đúng cách như thế. Giá mình biết thế này thì mình tâu trước có khi Thượng hoàng và cả hai đức ông Chiêu Minh và Hưng Đạo cũng phải phục mình là công minh.
Ánh đuốc và lửa của hàng trăm cây đèn lồng soi rõ cánh cửa hoàng thành cực kì trang nghiêm. Lính tứ sương chịu trách nhiệm giữ trật tự dọc con đường ven hồ Dâm Đàm đã chia từng ngũ cưỡi ngựa mở đường bởi vì nhân dân kinh thành đã tề tựu rất đông chờ xem đám rước vua. Họ chờ từ ngoài xa, mặc dầu lệnh cấm rất nghiêm ngặt nhưng họ vẫn bàn tán xôn xao. Mặc cho những ngọn roi đe nẹt, mặc cho những tiếng quát mắng cáu giận, mặc cho những giáp binh nai nịt gọn ghẽ khí giới sáng loè, đám dân đầu đen chỉ im được một tí rồi lại hỏi nhau, cãi nhau, bàn tán râm ran về lễ thề. Hình như họ biết rằng trong ngày lễ thề sẽ không bắt bớ trừng trị ai cả, nói tóm lại là không dám làm mất lòng dân trong ngày thiêng liêng đó.
Rõ ràng thệ hội là một lễ long trọng của vương hầu và các quan văn võ. Bách tính lê dân nhìn vào đó có thể hiểu phần nào cái lễ nghĩa kỉ cương biểu hiện ở các đồ nghi trượng sơn son vẽ phượng hào nhoáng che giữa hai chi trưởng và chi thứ của họ Trần. Đám dân đen lo lắng hai chi đánh lộn nhau như cuối triều Lý gây thành hoạ loạn cho trăm họ bàn dân thiên hạ. Họ cố rình xem để đoán, qua nét mặt của các đức ông hai chi, mối đại thống họ Trần nó ra sao để còn liệu mà chôn giấu của nả, đem con cái đi ẩn náu ở chốn sơn thôn.
Hai vua chưa ra khỏi cung, hai đức ông Chiêu Minh và Hưng Đạo cũng không có mặt trong đám vương hầu và văn võ bá quan nhưng bách tính lê dân vẫn nhận ra chưa có sự hể hả thực sự giữa hai chi Tức Mạc và Vạn Kiếp.
Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai trưởng của Trần Quốc Tuấn, là người sẽ thay Trần Quốc Tuấn làm trưởng họ Trần sau này. Quốc Nghiễn là người giữ trách nhiệm Đông Xướng trong lễ thề hôm nay, đứng riêng ra một mé bên dưới một chiếc biển sơn son thếp vàng hai chữ Khâm sai viết chân phương. Vẻ mặt Quốc Nghiễn trang trọng nhưng đôi mắt Quốc Nghiễn luôn kín đáo liếc về cửa hoàng thành và liếc luôn cả viên Tây Xướng đứng đối diện. Viên Tây Xướng là Tả Thiên vương Trần Đức Việp, em ruột và kế cận ngay sau vua Nhân Tông. Đức Việp chính là người sẽ cầm đầu chi thứ tiếp theo Trần Quang Khải. Tả Thiên vương cũng không lơi con mắt tò mò ngắm lại Quốc Nghiễn. Nhưng cả hai người từ nhỏ chưa hề có va chạm gì với nhau, hơn thế nữa họ đã từng đôi lần dự những cuộc săn, những dạ hội cùng với nhau một cách thích thú.
Hai con trai khác của Trần Quốc Tuấn là Hưng Trí vương Trần Quốc Hiệu và Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uất cùng mấy gia tướng đứng phòng hờ phía sau lưng anh cả. Hình như mấy người này vẫn lo lắng một sự giở mặt có thể xảy ra phía chi thứ. Nhưng thực ra thì không phải thế, Quốc Hiếu, Quốc Uất đã lâu chưa lên kinh. Họ như những người thôn phu bình thường choáng mắt trước cảnh đông đúc lộng lẫy và kinh ngạc rằng tại sao người ta lại có thể ung dung chịu được cung cách sống phiền toái ấy.
Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng vốn là người ba phải. Đức ông Chiêu Đạo là em kế cận cùng mẹ của Thượng hoàng Thánh Tông và đức ông Chiêu Minh. Đức ông rõ là người cũng quyền uy của chi thứ nhưng Chiêu Đạo mặt mũi hể hả đứng chung với đám vương hầu thuộc chi út Long Hưng. Đám này chuyện trò vui vẻ thoải mái nhất. Rõ ràng thệ hội này ngoài tính chất trang nghiêm trọng thể còn là cuộc vui hội hè thực sự với họ. Và họ náo nức bàn tán về cuộc rượu đêm nay trong điện Tập Hiền.
Hai tốp riêng rẽ nhất là tốp Chiêu Quốc - Chiêu Văn và tốp Hưng Nhượng - Chương Hiến.
Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, con trai út của Trần Quốc Tuấn và Chương Hiến hầu Trần Kiện, con trai của Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang vốn là hai người cùng tuổi, học cùng khoá trong Quốc Tử Giám, học vấn uyên bác nức tiếng cả trong kinh ngoài trấn. Tước hầu của Trần Kiện là hầu thượng vị, được mặc áo tía hệt như các vương. Người ta thường cho rằng hai người là bạn chi lan chi huệ với nhau. Họ đều là những bậc túc nho thâm thuý, gần đây nghe đâu lại cùng nhau nghiền ngẫm lẽ huyền diệu của Đạo Đức kinh và Đại Tạng kinh nữa. Ngay đến bậc lão học thông quán cổ kim là Hưng Ninh vương Trần Tung khi nhắc tới họ cũng không dám coi thường. Họ đứng cạnh nhau như một cặp bài trùng nhưng thực ra khi nhìn kĩ, họ vẫn khác nhau lắm. Hai vẻ mặt cùng bình lặng của triết gia nhưng đôi mắt Trần Quốc Tảng lim dim buông thả, còn Trần Kiện có một nụ cười mơ hồ giễu cợt.
Đứng đối diện với tốp ấy là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc và Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, anh em cùng mẹ cùng cha. Chiêu Quốc vương có một dáng người và một vẻ mặt tuyệt đẹp. Mái đầu có một góc nghiêng kiêu sa khinh thị, một nụ cười nửa miệng dường như gạt bỏ tất cả các thứ lễ nghi đang bày ra và sẽ diễn ra hôm nay. Da mặt Chiêu Quốc vương trắng xanh càng làm cho đôi mắt có quầng thâm sâu thăm thẳm. Tay phải Chiêu Quốc vương cầm một lá quạt trầm xinh nhỏ, tay trái lơ đãng đếm những hạt ngọc nạm trên chuôi cây kiếm ngắn đeo bên sườn trái. Chiêu Quốc vương nói không động môi:
- Kìa, nhìn mà xem đám khỉ tu tiên.
Chiêu Văn vương ngơ ngác nhìn để tìm cái đám “khỉ tu tiên” mà anh mình nói tới. Thốt nhiên đức ông Chiêu Văn cảm thấy xưa nay mình vẫn chưa nghiền ngẫm đầy đủ về các mối quan hệ trong dòng họ cũng như chưa tìm hiểu đến nơi đến chốn về vị trí của mình trong mối quan hệ rối rắm ấy. Xưa nay đức ông quen sống hồn nhiên, quen đằm mình vào những hoạt động sôi nổi trước mắt theo một thiên hướng công bằng đầy thiện chí của tuổi trẻ. Trong cuộc đời sôi nổi ấy, đức ông Chiêu Văn thu nhận một cách vô tình những tác động tự nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau. Ông phục sự trí lự dày dạn của Hưng Đạo vương, ông chiêm ngưỡng sự uyên bác thâm trầm của Hưng Ninh vương, ông thích thú cái duyên dáng lịch sự của Chiêu Quốc vương, ông công nhận cách làm việc quả đoán sát phạt của Chiêu Minh vương, ông quý cái ham suy tư tìm hiểu lí lẽ huyền diệu đất trời của Hưng Nhượng vương... Hầu như với tất cả những người ông gặp gỡ trong việc nước cũng như trong giao tiếp bình thường, Chiêu Văn vương đều lọc ra được những điều đáng lưu giữ.
Trong số những người gần gụi ông, Chiêu Văn vương xưa nay vẫn thân thiết nhất với Chiêu Quốc vương. Đó cũng là lẽ tự nhiên vì cùng mẹ, tuổi tác cũng không chênh nhau bao nhiêu. Chiêu Quốc vương lại là người thật tài giỏi, kể từ sở học đến tạp kĩ đức ông Chiêu Quốc có một sức hấp dẫn hết sức kì lạ với những người chung quanh. Tuy thế câu nói khinh thị về cái “đám khỉ tu tiên” hôm nay không được Chiêu Văn vương tán thưởng. Đức ông Chiêu Văn chỉ gượng cười. Đức ông định nói với anh rằng Trần Quốc Tảng và Trần Kiện là hàng cháu, tranh chấp làm gì với bọn họ nhưng rồi lại thôi vì sợ mếch lòng Chiêu Quốc vương.
Đầu canh năm, đài đồng hồ nước thỉnh ba hồi khánh. Thế rồi tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên. Cửa hoàng thành mở toang. Quan Trấn điện Phạm Ngũ Lão dẫn quân Thánh Dực ra khỏi hoàng thành bằng hai cửa nách. Các đồ nghi trượng được dàn ra trên bãi rộng trước cửa hoàng thành. Một viên Nội giám Trung quan đứng trên vòm cổng hoa cái loa bầu thét:
- Thánh giá xuất cung.
Nghe hiệu xướng vua ra khỏi cung, vương hầu và các quan cùng lạy rạp xuống đất. Một đám tàn vàng tán tía xúm xít che hai cỗ kiệu nối nhau ra cửa thành. Kiệu đi trước rước đương kim hoàng đế Nhân Tông, kiệu thứ hai rước vua cha Thượng hoàng Thánh Tông. Kế sau hai cái kiệu, người ta thấy Nhân Túc vương Trần Toàn, cái mũi càng sần đỏ hơn bao giờ hết; rồi đến Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đi bộ ra từ hai cửa tả, hữu. Theo sau các đức ông phò giá là toán dũng thủ áo gấm kén chọn trong các vệ thân quân. Viên tướng chỉ huy toán dũng thủ này là Trung phẩm Phụng ngự Điện tiền tướng quân Hoàng Mãnh hiên ngang trong bộ áo chiến bằng vóc đại hồng mới tinh khôi.
Thế rồi chiêng trống và đồ nghi trượng dàn bày lên trước. Những lá cờ thêu mặt trời, mặt trăng, thêu rồng mây, cờ năm màu, may bằng lụa và vải bay phần phật trong gió sớm. Cả một đô Hổ Dực cầm côn sơn đỏ đi đầu vút roi để mở đường. Tất cả vương hầu và các quan văn quan võ nối nhau thành hàng dài đi bộ theo hai cỗ kiệu vàng rước vua.
Bây giờ trời đã rạng. Nhân dân kinh thành đã dậy và bày hương án ở hai bên vệ đường để tỏ lòng tôn kính nhà vua và cũng xem rõ mặt rồng bởi vì dù họ là dân kinh thành nhưng hai vua xuất cung vẫn là dịp hiếm hoi, có khi chỉ một đôi lần trong một năm. Sau đoàn vương hầu đến các phi tần và nữ quan hai cung. Chung quanh những người đàn bà yếm áo lượt là này là nội giám mặc áo tía trơn. Kế sau đoàn nữ quan là đoàn các đạo sĩ cung Cảnh Linh mặc áo chéo vạt bằng lụa huyền nền mờ hoa bóng tay cầm phất trần bằng lông đuôi ngựa trắng. Ông đạo thống đã già lắm, vẻ mặt bí hiểm, tay cầm sợi xích thau treo lủng lẳng một cái lư trầm toả khói mù mịt. Kề sau đoàn đạo sĩ là đoàn các tăng ni chùa Chân Phúc mặc áo cà sa lụa nâu, lụa vàng, tay cầm những chuỗi hạt bồ đề vừa đi vừa đếm hạt và niệm Phật hiệu. Vị tăng thống cầm cây thiền trượng, đầu trượng rủ xuống nhiều dải lụa màu rực rỡ.
Sau đám tăng đạo mới đến các quan văn quan võ từ tòng tứ phẩm trở xuống. Dẫn đầu đoàn các quan là viên Đại An Phủ sứ kinh thành và quan Học sĩ Lê Văn Hưu hiện giữ việc phó quan trong phủ Tể tướng Thái sư của Chiêu Minh vương.
Khi các quan đã đi qua, các gia tướng, thư nhi, gia nô và quân tuỳ thân của các vương hầu mới chụm lại thành cái đuôi dài lê thê của đám rước. Chủ xích mích với nhau một thì tớ gầm ghè với nhau mười. Gia nô của các vương phủ chi Tức Mạc mặc đẹp hơn, ăn nói hoạt bát hơn bọn ở Vạn Kiếp về. Những gia tướng Vạn Kiếp thì vũ dũng hơn, họ cao lớn, hơi cục mịch đôi chút, quần áo kém phần xát xóng và một đôi người có cái dáng giang hồ ngang ngửa. Họ nín nhịn trước những lời châm chọc khá nanh nọc:
- Chắc cái áo này ông anh may phòng nhớn?
- Tại sao chú em cứ ru rú mãi ở rừng Yên Tử? Chú em sợ lên kinh không có ăn à?
Có lời khiêu khích rõ rệt hơn:
- Này mấy chú em, có nhớ trận đòn năm Mão không?
Trận đòn năm Mão cách đây đã trên mười năm. Lần ấy vua Thánh Tông chưa nhường ngôi cho con. Nhân một dịp mừng chiến thắng quân phiến loạn ở vùng núi phía tây, triều đình làm lễ hiến phù dâng tù binh ở nhà Thái Miếu. Buổi tối vua ban tiệc khao thưởng tướng sĩ tòng chinh. Tiệc đến khuya mới tan, các vương hầu về phủ đệ, chẳng biết nguyên cớ làm sao nhiều đám đánh lộn đã xảy ra ở nhiều nơi trong kinh thành. Quân tứ sương phải đánh trống ngũ liên, huy động mấy đô, mấy vệ ra phường phố giữ trật tự. Không bắt được một hung thủ nào, lính tứ sương chỉ thấy nằm ngả ngốn những gia nô, gia tướng tuỳ thân của các đức ông chi Vạn Kiếp. Người kinh thành đoán những kẻ hành hung là những dũng thủ của các đức ông chi Tức Mạc nhưng đoán thì đoán thế thôi chứ nào ai dám hé răng.
Trận đòn năm Mão là một nghi án nhưng chẳng ai nghi cả. Ai cũng hiểu hung thủ là loại người gì cũng như ai cũng hiểu trận gọt gáy năm Ngọ (sau trận năm Mão đúng ba năm) là do ai gây ra vào dịp các đức ông chi Tức Mạc đi vãn cảnh chùa Yên Tử sau khi chùa chính ở núi này trùng tu xong. Trận gọt gáy năm Ngọ cũng không tìm ra hung thủ, chỉ mấy người bị đánh nằm ngổn ngang ở sườn núi bờ khe mà toàn là tướng, lính tuỳ thân của các đức ông chi Tức Mạc. Anh nào cũng bị đòn đau, tóc bị gọt một mảng nơi gáy và bôi vôi vào. Nghe nói gọt gáy bôi vôi là hình phạt thường chỉ dùng với loại đàn bà lẳng lơ quá mức lừa chồng đi ngoại tình, nó đã xót mà mấy tháng sau tóc mọc lại cũng lởm chởm khó coi.
Trong cái đuôi lê thê của đám rước, người ta nhận ra vóc dáng cao lớn của hai gia tướng thân cận của Trần Quốc Tuấn là Yết Kiêu và Dã Tượng. Phía người của chi Tức Mạc cũng có một dũng thủ to lớn cầm đầu. Anh ta mang một cái biệt hiệu là Đô Trâu, nghe đâu xưa kia đã từng giải chiếu cạp điều xơi liền mười một giải cạn của hội vật hàng năm của vùng hai bờ sông Đà. Con người thô lỗ hung dữ ấy mà lại có cái lưỡi rất sắc. Những câu châm chọc đau nhất của anh ta và thường nhằm vào Yết Kiêu. Điều đó có một nguyên nhân xa xưa mà Đô Trâu không bao giờ thổ lộ. Đó là giải cạn lần cuối của Đô Trâu. Năm ấy theo phong tục vùng sông Đà, hội vật mùa xuân mở ngay sau ngày tết Nguyên đán. Khi ấy Chiêu Quốc vương đang làm trấn thủ lộ Đà Giang. Các bô lão trong vùng mời đức ông làm chúa hội vật. Bộ hạ của đức ông Chiêu Quốc có một đô vật tài nghệ rất cao mà tầm vóc cũng thật dềnh dàng. Hắn ta chính là Đô Trâu, cái biệt hiệu thực xứng đáng với vóc người nhưng thực ra không đúng với tính nết của y. Con trâu vốn là bạn nhà nông, đã hay làm lại chỉ ăn cỏ, hiền dịu và có nghĩa còn Đô Trâu tính độc ác, vô học và nham hiểm. Hắn lại được Chiêu Quốc vương hết sức nuông chiều nên thả sức lộng hành trong lộ, áp bức dân lành, ăn của đút, chiếm đoạt tài sản của những người thân cô thế cô, dân sự ta oán mà không ai dám nói. Bởi vì Đô Trâu là công cụ của Chiêu Quốc vương dùng để chế ngự hào kiệt trong vùng. Hễ ai không chịu theo Chiêu Quốc vương là Đô Trâu được lệnh dùng độc thủ hạ sát ngay trong các sới vật mở hai mùa xuân thu ở lộ Đà Giang hoặc bằng cách gây sự lúc thời bình. Các huyện quan không dám hé răng, thậm chí trong những lá sớ dâng về triều đình cũng không một dòng đả động đến những cuộc sát hại đê nhục ấy nữa. Hàng năm cứ đến mùa hội vật là Đô Trâu lại giải chiếu cạp điều trước sới, y vào vuốt lên giải nhất nói với các cụ bô lão: “Thưa, các cụ cho con xin cái giải nhất”. Thế rồi y ngồi xếp chân chữ ngũ trên chiếc chiếu cạp điều chờ tan giải lĩnh cạn giải nhất. Lần ấy, Hưng Đạo vương đi tuần thú theo lệnh của triều đình vùng thượng lộ sông Đà. Chiêu Quốc vương mời ông cùng ngồi cầm trịch. Có một thiếu niên to lớn nằng nặc đòi được đấu với Đô Trâu. Sự kiện quái dị ấy làm cho các bô lão kinh ngạc phải xin ý kiến của hai đức ông. Hưng Đạo vương sau khi suy nghĩ thấy cậu bé tuy tuổi chưa phải đã lớn nhưng cốt cách người đã chẳng kém chi Đô Trâu. Ông thấy sự quả quyết của cậu bé thật đáng tin cậy nên đã bằng lòng cho cậu tranh giải nhất với gã đô vật hung ác.
Trận đấu diễn ra rất quyết liệt. Cậu bé có lối vật rất riết róng làm cho Đô Trâu mất cả tự tin và bình tĩnh. Sau mười một nhịp, Đô Trâu bị cậu bé vật ngửa tênh hênh tấm lưng bằng một đòn cao, chính là đòn sở trường của Đô Trâu. Thế mới cay cho hắn. Cậu bé nẫng cái giải nhất năm ấy chính là Yết Kiêu. Sau trận thắng Đô Trâu, Yết Kiêu được đức ông Hưng Đạo vương thu nhận làm gia tướng trong đội quân gia đồng hương Vạn Kiếp.
Bây giờ oan gia lại gặp nhau sau hơn mười năm cách biệt, Đô Trâu gây sự với Yết Kiêu cũng chẳng có gì là lạ. Gia nô hai chi cũng ùa vào khích bác nhau. Con người ta nhẫn nhục cũng có hạn. Đã thấy những cặp mắt vằn đỏ lên và những hơi thở dài rất mạnh. May thay chính vào lúc đó, hình như đấng chí tôn nhớ ra cái nết hết lòng vì chủ chính là cái hay và cũng là cái dở của quân gia nô tôi tớ nên đã sai một tướng trấn điện dẫn thân binh quay trở lại để coi sóc trật tự.
Đám rước lên đến đền Đồng Cổ không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Ngôi đền này ở bờ tây bắc hồ Dâm Đàm có kiểu cách tuy nhỏ nhưng trang nghiêm. Đền Đồng Cổ làm đã trên hai kỉ. Mỗi kỉ là sáu mươi năm. Xưa kia ông vua khai sáng ra triều Lý đem quân đi tiễu phạt phương nam. Đến châu Ái, Lý Thái Tổ nghỉ quân tại núi Khả Lại. Khả Lại là một chòm núi ba ngọn châu vào nhau như ba vì sao. Dưới chân núi có một ngôi đền cổ xây dựng từ thời nào không rõ. Trên chính điện thờ một cỗ trống đồng rất to. Lý Thái Tổ dâng hương xem trống. Cỗ trống nặng chừng một trăm cân, rộng hai thước một tấc, cao một thước năm tấc. Chính giữa mặt trống là một cái rốn tròn chung quanh có chín vòng hoa văn dường như văn tự khoa đẩu cổ xưa. Đêm hôm ấy, Lý Thái Tổ ngủ lại trong đền. Không hiểu vì ban ngày quá chăm chú về việc quân hay vì một lẽ huyền bí gì mà người ta chưa hiểu thấu, hoặc giả vua biết bụng quân còn tin ở chuyện quỷ thần, mà sáng hôm sau nhà vua kể lại một giấc mộng trải qua trong đêm. Mộng rằng nhà vua thấy một ông tướng nhà trời giáp trụ uy nghi, râu tóc dài rậm. Viên tướng tự xưng là thần trống đã sinh thành từ thuở vua Hùng vương dựng nước Văn Lang. Nay nghe nói nhà vua đi mở nước ở phương nam, thần tướng xin theo để có một tay âm phù linh diệu. Khi tỉnh giấc, Lý Thái Tổ lại dâng hương một lần nữa, khấn to cho các tướng đứng chung quanh nghe thấy rằng lần này ra quân thắng lớn như lời thần giáng, thì khi ban sư, hồi triều nhà vua sẽ cho lập đền thờ ở kinh thành và cho rước trống về đó.
Lần xuất quân ấy, Lý Thái Tổ lập nên công lớn. Nhà vua giữ lời, sai lập ngôi đền ở Thăng Long, rước trống về thờ ở đó. Đến đời Lý Thái Tông, thần lại báo mộng cho nhà vua biết có ba hoàng tử sắp làm loạn. Vì thế sau khi dẹp xong loạn, Lý Thái Tông đặt lệ hàng năm tôn thất và các quan văn võ phải lên đền Đồng Cổ uống máu ăn thề. Lời thề truyền mãi rằng: “Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu, ai bất trung bất hiếu quỷ thần tru diệt”.
Năm nào cũng thề bồi, triều nào cũng có kẻ phản loạn nhất là nhằm những triều vua hoang dâm xa xỉ, rồi nhà Lý vẫn mất ngôi báu về tay họ Trần nhưng chính triều Trần lại đưa lễ thề thành một thệ hội cực kì long trọng. Thần linh chưa hề thấy hiển hiện cho ai trông thấy dung nhan nhưng có lẽ đã phân thân ra thành muôn ngàn mảnh nhỏ chui rúc ẩn náu tận đáy lòng sâu thẳm của mỗi con người làm cho những kẻ có mối khát vọng bất chính, dù chỉ một thoáng mơ hồ, cũng cảm thấy rợn lòng tưởng như sắp bị một sức mạnh huyền bí nào đó ở thế giới bên kia trừng trị.
Thệ hội năm nay do đức ông Hưng Đạo đứng chức quan Điển nghi Kiểm chính. Hưng Đạo vương dẫn đầu các vương hầu đi sau kiệu hai vua. Ông thoáng nghĩ đến cái buổi hương Vạn Kiếp tiếp chiếu chỉ nhà vua triệu ông về kinh hồi đầu năm nay. Người tuyên chiếu là quan Học sĩ Đinh Củng Viên. Chiếu không chỉ rõ lí do vua triệu nhưng quan học sĩ sau khi mọi nghi lễ tiếp chiếu đã xong, trong lúc ngồi uống trà giải khát với ông đã chuyển giao cho ông một thư tay của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Thư này thì rõ ràng minh bạch, Trần Quang Khải nói rằng việc nước đang lúc bộn bề, thậm chí chiến chinh có thể tính tới rồi. Họ Trần phải bồi đắp lập tức mối đại thống để đảm đương việc nước. Muốn làm được việc này thì Hưng Đạo vương, người cầm đầu chi trưởng và Chiêu Minh vương, người cầm đầu chi thứ phải gắn với nhau chặt chẽ. Chiêu Minh vương mời đức ông về kinh ngay. Thư không nói gì về việc bảo đảm an toàn cho các đức ông chi Vạn Kiếp khi họ về kinh, cũng không hề có một lời bảo đảm về cách đối xử của triều đình với chi Vạn Kiếp nhưng lại có một câu viết thêm ở cuối thư: “Khi vương huynh về kinh xin đến thẳng nhà đệ”. Trần Quốc Tuấn đã trầm lặng nghĩ. Về kinh đến thẳng nhà Trần Quang Khải, an toàn của ông có thể là rất mỏng manh nếu như lá thư che giấu một mưu độc, ngược lại sẽ rất vững vàng khi việc bảo vệ cho ông sẽ rất chu đáo ngay từ đầu vì do đích thân Trần Quang Khải tự trông nom việc đó. Trần Quốc Tuấn nghĩ về Trần Quang Khải. Đó là một con người cương nghị, quả đoán, sát phạt, một tính cách anh hùng. Nếu là một người anh em thì thật ruột thịt, nếu là một người bạn thì là một tri kỉ, nếu là một kẻ thù cũng vinh dự cho người đối đầu. Trần Quốc Tuấn về Thăng Long, và đúng như lời dặn trong thư Trần Quang Khải, ông đến ngay phủ đệ Chiêu Minh. Ở đây, ông được tiếp đãi rất thân tình. Chiêu Minh vương và phó quan của ông là Học sĩ Lê Văn Hưu đã bàn bạc với Hưng Đạo vương tại một gian nhà kín đáo tận hậu thất. Việc xuất hiện của đức ông Hưng Đạo công khai trước nhân dân toàn kinh thành được ấn định vào ngày hội thề. Hưng Đạo vương có hỏi đức ông Chiêu Minh: “Còn ý của Thượng hoàng thế nào?” Chiêu Minh vương đã thẳng thắn trả lời: “Thượng hoàng đã cho em toàn quyền”. Câu nói đó có nghĩa là Trần Quang Khải chủ động trong việc giao quyền hay không cho Trần Quốc Tuấn và ông đã trao.
Hôm nay dẫn đầu trăm quan, Trần Quốc Tuấn lại nghĩ về Trần Quang Khải và thấy kính phục con người ấy. Trần Quang Khải đã suy nghĩ thế nào mà trao lại quyền cho ông. Đức ông Chiêu Minh so với ông không chút gì thua sút về tài năng, nếu ông thâm trầm hơn trí lự hơn thì Chiêu Minh vương cứng rắn, quả đoán và nhanh nhạy hơn. Nhưng nếu Chiêu Minh vương cầm quyền thì việc điều động các đức ông chi Vạn Kiếp khó khăn hơn ông. Còn nếu ông cầm quyền thì cả họ Trần dễ nghe theo ông tộc trưởng miễn là Chiêu Minh vương nêu gương trước. Trần Quang Khải đã nói thẳng với ông rằng: “Cái khó là mấy em tôi. Nếu họ trung chính biết theo hai anh em mình thì đó là đại phúc cho họ”. Trần Quốc Tuấn công nhận điều đó và nói thêm: “Chúng ta đã có một sự gắn bó mới khác trước. Chúng ta biết nhưng những người khác chưa biết. Họ sẽ hiểu thế nào khi thấy anh em ta đi bên nhau trong các buổi triều hội và tế lễ? Phải cần bao lâu thì họ mới hiểu đúng ý của chúng ta?” Trần Quang Khải trầm ngâm rồi đáp: “Điều đáng lưu tâm là thái độ của các cháu ở Vạn Kiếp và các em tôi. Các người khác thì anh em ta cứ dùng phép nước mà ràng buộc. Nếu sai đâu cứ việc nắn cho thẳng. Em hi vọng rằng việc của chúng ta làm sẽ được tất cả những ai trung chính tuân theo.”
Trần Quang Khải mới bốn mươi tuổi. Người ta thường có câu: “Con người ta ba mươi tuổi mới kể là đứng, bốn mươi tuổi mới hiểu mọi việc ở đời, còn năm mươi tuổi sẽ biết được mọi diễn biến lắt léo của thế sự”. Trần Quang Khải vẫn giữ được tính cương của một tướng trẻ nhưng ông đã có trí lự của bậc tướng già. Bàn chuyện với Chiêu Minh vương, Trần Quốc Tuấn cảm thấy nếu cầm quân, Chiêu Minh vương cũng không kém gì ông. Nhưng ông phục đức ông hoàng Ba ở đức hi sinh hỉ xả vì việc công và khi đã có ý định rồi thì không có cái gì trong thế gian này có thể làm con người ấy thay đổi ý định...
Hưng Đạo vương trang nghiêm dẫn các quan văn võ vào đền. Ngôi đền tuy rộng rãi nhưng không chứa nổi bấy nhiêu con người. Chỉ các vương hầu áo tía và các nữ quan được vào trong chính điện, còn tất cả nêm chặt ngoài sân ngoài vườn. Lính tứ sương được lệnh Hưng Đạo vương đóng chặt cửa lớn. Bên ngoài đền lính canh đang vất vả để dẹp đám dân kinh thành đang kéo đến mỗi lúc một đông thêm.
Hưng Đạo vương đứng vào chiếu chủ tế trải trước án thờ. Ông xướng to: “Ban bài”. Đó là hiệu lệnh cho tất cả mọi người đứng vào chỗ của mình chờ làm lễ. Không khí nặng nề trang trọng đến tức thở. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật liếc Chiêu Quốc vương và thấy bộ mặt thường ngày xanh lạnh của anh mình bây giờ hồng au lên. Quả nhiên Chiêu Quốc vương đang xúc động mạnh. Khi viên Thông tán Đông xướng Trần Quốc Nghiễn hô to: “Quỵ”. Thì Trần Ích Tắc như sụm xuống.
Trước ban thờ thần trống đã bày một cái thống da lươn rất lớn. Những người hầu việc lễ bưng mấy vò rượu đổ đầy cái thống. Các quan chấp sự sai lính dắt vào ba con sinh: một con nghé tơ, một con ngựa trắng còn non. Lính chọc tiết ba con sinh cho huyết chảy vào thống rượu.
Dâng hương. Mùi trầm huyền bí ngào ngạt trong đền. Người ta nghe tiếng quan Điển Nghi dõng dạc đọc to lời thệ thư. Tiếng hô “xin thề” bay cả ra ngoài đền. Dân kinh thành đứng ở ngoài cũng đồng thanh thề góp. Hưng Đạo vương uống chén rượu thề trước hết mọi người. Chiêu Minh vương uống chén rượu thứ hai. Sau đó các vương hầu và các quan đại thần văn võ lần lượt nhận chén rượu từ tay viên quan chấp sự. Họ uống chậm, người thì mặt nhợt ra, người thì đỏ mặt lên.
Thông tán Tây xướng Trần Đức Việp hô to: “Cúc cung bái”. Tất cả cùng lạy xuống, thành kính và lòng tràn trề niềm tin.
Thế là thệ hội đã xong. Trần Quốc Tuấn sai viên Đại An phủ sứ kinh thành kiểm tên các vương hầu và các quan xem có ai thiếu mặt không. Đến lúc này Chiêu Văn vương mới thấy nhẹ người đi. Trần Nhật Duật tò mò nhìn mọi người. Hoài Thượng hầu Trần Văn Lộng đang dán mắt vào mấy con sinh nằm ngổn ngang trên mặt đất. Hoàng Mãnh làm nhiệm vụ kiểm tên mọi người một cách gay gắt đứng như một viên tướng mới tiến tước. Ông thấy Chiêu Minh vương Trần Quang Khải đứng sừng sững như chưa quen vị thế thụ động chờ lệnh. Đại Tông Chính Nhân Túc vương Trần Toàn vẫn áy náy cao độ, cái mũi càng sần đỏ lên, đôi mắt hết nhìn đức ông Chiêu Minh lại chuyển sang đức ông Hưng Đạo.
Trần Nhật Duật nuốt nước bọt một cách khó khăn. Thế là thệ hội đã xong, hai chi Tức Mạc và Vạn Kiếp đã gần thêm lại. Đến lúc này, Chiêu Văn vương mới hiểu, trong tiềm thức của ông, sự phân biệt giữa hai chi không phải là không có dù nó chỉ là một cỏn con mang sẵn trong huyết quản.
Điện tiền Tướng quân Hoàng Mãnh là một trong mười viên quan được chọn để chăm nom cho việc rượu tối mùng bốn tháng tư diễn ra đúng thông lệ.
Tiệc rượu này đặt ra từ thời Trung Vũ vương Trần Thủ Độ còn sống, Hiển hoàng Trần Liễu còn sống, Tiên hoàng đế Trần Cảnh còn sống, Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung còn sống, Thiên Cực công chúa chính là vợ của ông vua cuối cùng của nhà Lý - Lý Huệ Tông, và bà đã lấy người chồng sau là Trần Thủ Độ. Tên cá của bà là Ngừ, cái thứ cá lẳn mình, xanh biếc. Có nghĩa là lúc đó còn sống những người có hai nửa cuộc đời, ở một nửa trước họ hãy còn hàn vi, sống bằng nghề chài cá và buôn bán hải sản bằng thuyền biển, họ chưa bị lễ giáo của vị thế chức tước nhà sang ràng buộc; sang nửa đời sau, họ trở thành những người đứng đầu triều đình, nhất cử nhất động đều bị trăm quan, trăm họ nhìn vào, một lời họ nói ra cũng làm hàng trăm người có vị thế cao trong xã hội tìm hiểu suy nghĩ đắn đo xem có những ẩn ý gì. Phú quý cực phẩm nhưng thế là nửa đời sau của họ bị hàng trăm mối ràng buộc. Lúc đó ngôi báu nhà Trần đã vững vàng, trăm họ no đủ, việc nước ung dung cho nên người ta nảy ra ý muốn bày đặt thú chơi. Đã có những người không biết nén dục vọng đâm ra phạm lỗi. Năm Bính Thân, nước lên to ngoài sông Cơ Xá. Nước lũ tràn vào hồ Dâm Đàm, nước tràn cả vào nội cung. Hiển hoàng Trần Liễu lúc đó coi quản công việc cung Thánh Từ, một buổi đi thuyền vào cung chầu vua cha. Thuyền bơi qua cung Lệ Thiên. Cung này dùng để giam giữ các phi tần cũ của triều Lý. Trần Liễu nhìn thấy một bà cung phi còn xinh đẹp liền tạt ngay thuyền vào. Thế là việc lăng nhăng chẳng ra làm sao xảy ra làm cho hoàng tộc cũng đâm ngượng với trăm quan trăm họ. Hiển hoàng là anh ruột vua Trần Thái Tông, người tôn quý đến tội gì cũng còn tha huống nữa một tật trai gái cỏn con. Vì thế Trần Liễu chỉ bị sửa một chữ trong tước vị từ Hiển hoàng xuống còn Hiển vương. Cung Lệ Thiên thì bị đổi tên thành cung Thưởng Xuân để ghi nhớ một việc thông thường của đạo trời đất về mùa sinh nở của muôn loài.
Như cái bong bóng rượu cứ bị ép mãi thế tất phải phì ra. Thái sư Trần Thủ Độ phải tìm kiếm nhiều phương thuốc cứu chữa. Một trong các phương thuốc ấy là bày tiệc rượu đeo mặt nạ mo nang. Về tiệc rượu này, triều đình cho phép các vương hầu đều được dự không phân biệt thế thứ chi ngành, không phân biệt văn võ chức tước. Quần áo ai muốn dùng màu gì thì dùng trừ màu vàng tôn quý dành riêng xưa nay cho vua. Để không còn ai nhận ra ai, tất cả mọi người đều phải đeo một cái mặt nạ vẽ trên một cái mo nang. Các công chúa, quận chúa, tiểu thư, công nương có chồng rồi hoặc đã có đính hôn cũng được phép dự tiệc. Tiệc có một ông cầm trịch. Thường thường người ta chọn người hiền nhất, hiền đến mức ngu vào chức đó. Cho đến bây giờ, các vương hầu còn cười cợt nhắc đến ông cầm trịch đêm tiệc đầu tiên mở năm Tân Hợi (1251). Đó là quan Trạng nguyên Ngự sử Trần Chu Phổ. Bậc túc nho này đang muốn đem lề thói lễ nghĩa đạo Nho vào trong sinh hoạt của triều đình, ông ta vốn là người chăm chắm bắt chước các bậc tiên sư, tiên thánh của đạo Nho cho nên ông ta đi không dám đi nhanh, ăn không dám ăn nhiều, miếng thịt thái có vuông mới dám đụng đũa, thấy vàng thấy con gái đẹp thì ông ta nhắm mắt lại... thành thử triều đình vừa bực mình vừa nghịch ngợm chọn luôn ông ta làm việc cầm trịch. Người ta giao cho Trần Chu Phổ một cái dùi đục để gõ ra lệnh trong tiệc rượu. Người ta biến luôn chức cầm trịch thành một chú Tễu giống như một chú Tễu ngô nghê ỡm ờ trong trò múa rối nước thường diễn ngày xuân ở phủ Long Hưng.
Tiệc rượu mặt nạ mo nang thường diễn ra thâu đêm. Người ta chỉ ăn uống đến đầu giờ Tuất còn từ giờ Hợi trở đi thì hết chỗ nói: hát hổng, cợt ghẹo, châm chọc, lả lơi, ngả ngốn. Nhưng tiệc rượu mặt nạ mo nang cũng không chỉ để nô đùa phỉ chí, người ta còn hát những điệu dân ca tình tứ nhất, duyên dáng nhất, đưa người ta từ cung đình về với làng quê đẹp hiền hoà bình dị, người ta còn ngâm những bài thơ tài tử nhất có những thần cú làm vào những lúc nửa tỉnh nửa say, người ta còn múa những điệu vũ đẹp nhất của dân tộc Việt và các dân tộc láng giềng. Cũng chính nhờ những lời ca, vần thơ, điệu vũ mà người dự tiệc đoán ra sau cái mặt nạ quỷ sứ kia là người nào: Một vị múa điệu Hời, múa giỏi lắm, vậy thì chỉ có Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang mới có thân thủ điêu luyện như thế được. Một bà giọng tuy già dặn nhưng hát một làn điệu dân ca vùng biển lời rất đanh đá chua ngoa và lẳng lơ mà lại như tiếc như thương gió muối trăng sông bềnh bồng sóng nước, thế là cả tiệc nhận ngay ra bà chúa Ngừ tức công chúa Thiên Cực Trần Thị Dung. Một ông ngồi lọt thỏm giữa một đám các bà bị họ đẩy ra ngâm thơ, ông ta ngâm một bài thơ thiên nhiên bằng một giọng ề à như sư ông đọc kệ. Cả tiệc bụm miệng lại không ai dám cười vì nhà thơ ề à như sư này chính là Trần Thái Tông, đạo hiệu Phổ Minh thiền sư. Một ông khác lúc bị đẩy ra thì nổi cáu không chịu ra mà lại cáu kiểu hách dịch, thôi đúng là Thái sư Trần Thủ Độ, người đặt lệ cho tiệc rượu mo nang rồi lại quên lệ ngay tại tiệc.
Trong bữa tiệc đầu tiên, khi không khí đã ra chiều lơi lả người ta hát nhiều khúc huê tình và người ta đẩy bậc túc nho - chú Tễu - Trần Chu Phổ ra bắt phải hát một bài. Trần Chu Phổ phải cầm dùi đục ra giữa tiệc. Vốn là người chăm chắm luân lí lễ nghĩa, một câu hát cũng không hề có ý định học, Trần Chu Phổ đành giang tay ra, ê a: “Ngự sử hát thế thôi! Ngự sử hát thế thôi!”
Ông sử gia Lê Văn Hưu chộp ngay chi tiết ấy chép luôn vào chính sử. Thái sư Trần Thủ Độ nghĩ đến thể chế vội cấm Lê Văn Hưu chép thêm những tình tiết khác. Thế nhưng nhờ có những biện pháp triều đình chọn bấy giờ như tiệc rượu mo nang, cái chất ngang tàng của những người phóng khoáng ngang dọc sông hồ mới tràn trề trong hoàng cung vàng lụa và người ta mới còn giữ được cái thèm thuồng biển cả non cao, thèm thuồng cái thú một gươm một ngựa ra đi chỉ một nụ cười tạ từ những người ở lại.
Buổi chiều Hoàng Mãnh được lệnh đem cái dùi đục để trong cái hộp gỗ sơn son thếp vàng đến cho Nhân Túc vương Trần Toàn là ông cầm trịch năm nay. Hoàng Mãnh yên trí rằng Trần Toàn sẽ đờ người ra khi nhìn thấy cái dùi đục. Ông ta giữ một chức vụ xưa nay lấy sự long trọng làm lẽ tồn tại. Thế mà bây giờ lại bắt ông ta cầm cái dùi đục thì còn ra thể thống nào nữa! Thế nhưng, thật không ngờ, Trần Toàn lại hết sức khoái chí khi biết mình sẽ là người cầm trịch giương ra cái dùi đục hiệu lệnh đêm nay. Ông ta mừng muốn rú lên:
- Thế mới là vận đỏ như son! Thế mới là ơn vua tri ngộ! Thế mới thật là trên dưới hiểu lòng nhau. Thế cơ chứ lại!
Trần Toàn sướng quá. Trưa hôm nay, trên đường rước hai vua từ đền Đồng Cổ về nội cung, Trần Quang Khải đã đến gần ông và kính cẩn nói với ông:
- Thưa chú, thệ hội được thế này thật là nhờ tay chú.
Trần Toàn lúc ấy sướng không nói được ra tiếng, cái mũi đỏ bóng lên. Ông ta cảm thấy rõ ràng quyền uy của mình to lên, giá trị con người của Đại Tông Chính nâng lên. Lời khen của Thái sư Thượng tướng Chiêu Minh vương chắc chắn sẽ dẫn đến cho ông tước lộc mới. Bây giờ thì sự ấy diễn ra nhỡn tiền ở cái dùi đục kia! Mối đại thống họ Đông A đã đem ra thề bồi trước thánh thần sáng hôm nay, đêm nay họ Đông A lại hội họp vui chơi một bữa thoả thuê, bãi hết mọi ranh giới, rũ hết mọi hận thù giận hờn trong một bữa tiệc mà cái tiệc rượu dạ đài ấy lại cũng chính tay ông giương ra cái dùi đục của đức ông cầm trịch.
Hà, thế thì quyền uy của chi trưởng, quyền uy của chi thứ từ đây cũng phải cậy đến tay ta, ta, Đại Tông Chính họ Đông A.
Té ra Nhân Túc vương Trần Toàn không chỉ là người xuề xoà ham ăn thích uống. Ông ta cũng là bậc trí lự biết giấu tâm tư sau một bộ mặt chè rượu, tự mãn, tầm thường.
- Này đây, vừa là thưởng vừa là để mừng tướng quân tiến tước.
Trần Toàn cầm luôn một gói trên án đưa cho Hoàng Mãnh. Đó là một cái mật gấu người ta vừa biếu Trần Toàn hôm qua. Đối với Nhân Túc vương, cái mật gấu chẳng hữu ích bao lăm nhưng với Hoàng Mãnh, dũng thủ vô địch kinh thành thì nó lại vô giá. Anh ta chẳng có tháng nào là không trẹo khớp, bong gân, sưng tay, toác chân.
- Xin đa tạ đức ông.
Trần Toàn cười hề hề. Ông giơ lên trước mặt Hoàng Mãnh một cái mặt nạ mo nang.
- Tướng quân ngắm xem. Có phải là Bụt cũng không nín cười được phải không?
Trên cái mặt nạ mo nang vẽ một cái mặt Phỗng chột bằng những nét vôi trắng rất tài hoa, rất nghịch ngợm. Hoàng Mãnh phì cười. Anh hỏi Trần Toàn:
- Bẩm đức ông sao mặt nạ lại chỉ được vẽ trên mo nang?
- Lệ mà! Đó là lệ mà! Lệnh bà Thiên Cực công chúa đã đặt ra cái lệ này từ ngày xưa. Đã là lệ thì nó phải thế chứ sao.
Hoàng Mãnh cáo từ xin lui.
- Bẩm đức ông, đây là tín bài để vào dự tiệc của đức ông. Xin đức ông nhận cho để tiểu tướng còn đi làm nốt việc vua.
Hoàng Mãnh đưa cho Trần Toàn một cái tín bài bằng gỗ son méo như một cái vỏ trai.
Rời phủ Tông Chính, Hoàng Mãnh lên ngựa đến phủ Chiêu Quốc. Anh gặp ở đấy một cuộc tụ hội của những vì sao: Chiêu Quốc vương, tác giả của tập thơ Củng cực lạc ngâm mà lời lời đẹp như gấm thêu, ca ngợi lòng sùng kính ngưỡng mộ của bề dưới hướng đầu lên đấng cửu trùng; đức ông Văn Nghĩa thượng vị hầu Trần Tú Hoãn, đức ông Văn Nghĩa là con của vua Thái Tông (?) nhưng vì mẹ chỉ là một cung nữ tầm thường nên con không được phong vương. Văn Nghĩa hầu chỉ là hàng cháu của Chiêu Quốc vương nhưng hai người thân thiết gắn bó với nhau một cách quái lạ lắm, nhất là về mặt văn thơ. Nếu thơ Chiêu Quốc là âm thanh dịu ngọt thì thơ Văn Nghĩa là tiếng vang của âm thanh ấy. Rồi Chương Hiến hầu áo tía Trần Kiện nổi tiếng cả nước về học thức uyên bác, văn chương đanh thép, đọc lên âm hưởng như cồng. Rồi mạc khách của Trần Kiện là Lê Trắc tên tự là Cảnh Cao. Ông này hồi nhỏ nổi tiếng là một thần đồng đã từng được vua Trần Thái Tông đem vào nuôi ở trong cung cho ăn học theo những bậc túc nho kén chọn từ Quốc Học viện. Người Thăng Long truyền tụng đến là lắm giai thoại về Lê Trắc nhưng giai thoại nào cũng không bì được chuyện dòng dõi nhà ông ta do chính miệng ông ta hễ có dịp là kể ra: “Lê Trắc này tên chữ là Cảnh Cao, người ngoại quốc thường gọi là An Nam Lê Trắc. Tài Trắc thì tuy mọn nhưng mắt đã liếc qua bách gia chư tử ấy là vì Trắc vốn dòng dõi Nguyễn Phu tiên sinh, quan Thứ sử Giao Châu thời cái nước An Nam này còn “được” thuộc về nhà Đông Tấn bên Tàu. Trắc thường nghĩ lập thân tối hạ thị văn chương cho nên chỉ làm thơ chơi vài bài vào cái lúc cơm no rượu ngà ngà. Còn thì Trắc chỉ mong được đi đây đi đó, nay làm một vần tức cảnh xứ trúc, mai lại thay một vần khác về đất thông. Thơ văn hào mại phải dành cho phong hoa tuyết nguyệt nói làm chi đến chuyện đời. Cái nhà ông Đỗ Phủ thì thật gàn, thơ châu ngọc đâu có nên dành cho quân nghèo đói lính tráng, có phải không chư hiền hữu?”
Đó là lời của một kẻ tự nhận là cao đạo!
Ngay cách Lê Trắc chọn chủ cũng cao đạo! Chủ của Lê Trắc chính là Chương Hiến hầu Trần Kiện, nhân vật mà cả nước có nói đến dòng dõi ông ta cũng chỉ dám rỉ tai nhau. Trần Kiện là con Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang. Ông này như ta đã biết, bề ngoài là con Trần Thái Tông nhưng thực ra là con của An Sinh vương Trần Liễu. Thế là, về dòng giống, Trần Kiện hệt như con nòng nọc đối với con cóc và con cá trê vậy. Ấy thế mà đức ông Trần Kiện còn là chồng của công chúa Quỳnh Huy, cô gái yêu của Thái sư Chiêu Minh vương nữa. Làm mạc khách của Trần Kiện có nghĩa là người của cả chi trưởng lẫn chi thứ họ Trần, kể cả máu chính hiệu lẫn máu pha.
Rồi đến Tô Nghĩa Đông, con người lục thao tam lược đã từng tung hoành ngang dọc trong chiếu rượu bàn trà, tinh thông nho, y, lí, số, tướng pháp, phong thuỷ để mồ để mả, thơ mã thượng cũng hay, thơ thiên nhiên thì được phái thơ sơn thuỷ nhà Tống bên Tàu coi là khuôn vàng thước ngọc.
Lúc Hoàng Mãnh được đưa vào chính đường phủ Chiêu Quốc, Tô Nghĩa Đông đang xem số tử vi cho Trần Ích Tắc. Ông ta tán:
- Bẩm đức ông, lá số này kì cách. Xuất nhập Tướng mà các hung tinh đắc địa cả, chúng hội với Lưỡng Tướng càng phù trợ đắc lực thêm. Bẩm hung tinh đắc địa số phát như lôi, có nghĩa là như sấm nổi ạ. Bẩm đức ông, như thế là anh hùng cái thế danh trấn biên cương ạ. Ngay lá số của Tống triều Thái Tổ cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Trần Ích Tắc là người cũng ham cũng tin tử vi, nhâm độn và cũng học các môn này nhiều năm. Ông không lạ gì điều Tô Nghĩa Đông vừa nói nhưng nghe lời khen thì bao giờ chẳng thích, nhất là người khen thuộc loại tiếng tăm cả hai nước ta, Tàu như Tô Nghĩa Đông mà câu khen lại thốt lên trong quầng sáng lấp lánh của một vì sao nhan sắc nghiêng nước đổ thành, tài hoa diệu ảo: công chúa An Tư.
An Tư là em ruột Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn. Đó là một cô gái vừa mười sáu tuổi, vẫn còn cái ngây thơ của con trẻ nhưng đôi mắt đã lúng liếng dõi tìm vui thú và hạnh phúc. Thượng hoàng Thánh Tông yêu thương Vũ Đạo hầu nên đã nhận An Tư làm con nuôi từ năm quận thượng chúa mới lên năm tuổi. Công chúa An Tư trở thành cô gái được cưng chiều nhất hoàng cung. Kinh kì nức tiếng ngón đàn bầu của nàng công chúa út. Người ta kể là ngón đàn ấy đã từng làm cho mặt sắt của sứ Tàu Sài Thung phải ngây ra chỉ bằng một bản dạ khúc Canh Lậu Trường. Kinh kì còn nức tiếng nước pháo song tiên của kì thủ An Tư, nước pháo đã từng buộc kì hầu hai nước là Tăng Uyên Tử phải chật vật mới giữ được hoà...
Trần Ích Tắc nghi ngờ bảo Tô Nghĩa Đông:
- Tiên sinh nói chơi đấy chứ? Xưa nay nhân định thắng thiên là lẽ thường. Phải trau dồi phúc cho đầy nhờ ở đức. Có phải tiên sinh muốn khuyên ta thế không?
Trần Ích Tắc nhìn sang Hoàng Mãnh:
- Chào quan Điện tiền! Chà, thế là từ nay tướng quân lại là người xét biển Nhập nội của ta mỗi bận ta tiến cung đấy nhé.
- Bẩm đức ông, tiểu tướng phải tuân theo phép nước luật vua đó thôi.
Trần Ích Tắc hỏi Hoàng Mãnh:
- Lại thẻ tín bài hả?
Chiêu Quốc vương cười nhận thẻ tín bài. Hoàng Mãnh tiện thể cũng đưa thẻ cho Trần Kiện và Trần Tú Hoãn. Hoàng Mãnh cũng đưa cả thẻ của vương phi Chiêu Quốc và các bà phu nhân của hai hầu tước Chương Hiến, Văn Nghĩa. Tô Nghĩa Đông và Lê Trắc tò mò nhìn Hoàng Mãnh. Cặp mắt của họ soi mói, khinh thị và chen cả ánh lửa thoáng loé lên của khát vọng. Tô Nghĩa Đông hỏi:
- Có phải tướng quân sắp đi ở rể nhà Mai Sơn hầu?
- Đúng đó! Nhưng thưa quan nhân chưa đúng tất cả. Chúng tôi đã làm lễ vấn danh. Đến mùng chín, sau lễ Vu Lan Bồn tắm Phật một ngày thì tôi ngược châu Mai nhưng không phải là đi ở rể.
Lê Trắc mỉm cười:
- Vậy là tướng quân lên núi tìm các bậc cao sĩ ở ẩn?
Biết Lê Trắc nói xỏ trên núi chỉ có khỉ ở chứ làm gì có cao sĩ, Hoàng Mãnh cũng mỉm cười, mắt quỷ lại sáng lên:
- Thưa không ạ! Bậc đại ẩn thường ở thành thị. Quan gia sai tôi lên châu Mai để giúp họ luyện một đội quân sơn cước. Vả chăng - Hoàng Mãnh liếc xéo Lê Trắc - cao sĩ xưa nay còn hiếm hơn lá mùa thu. Ta có tìm thì cũng chỉ thấy nhan nhản bọn đạo nho và lũ thư si la liếm tìm chủ mà thôi.
Thư si là những kẻ mê mẩn sách chỉ tầm chương trích cú, tách biệt với cuộc đời, còn đạo nho là lũ nhà nho ăn cắp văn! Hoàng Mãnh vốn là người xông xáo quen đốp chát và còn trẻ nên rất hiếu thắng. Câu ví kín đáo của anh về Lê Trắc và Tô Nghĩa Đông với bọn đạo nho và thư si làm cho hai gã căm ra mặt. Nhưng căm thì căm chứ với dũng thủ vô địch kinh thành thì cũng chẳng dám nổi hung, hai gã đang tím ruột tìm câu đối đáp thì công chúa An Tư xen vào:
- Này ông Điện tiền, còn thẻ của tôi đâu?
Hoàng Mãnh lại mỉm cười kính cẩn:
- Bẩm lệnh bà, phủ Tông Chính lập danh sách không có tên lệnh bà. Tiểu tướng chỉ theo lệnh trên đưa thẻ đến tận tay những người có tên.
An Tư mắt cháy lên nhưng không có cớ để vặc Hoàng Mãnh. Cô gái đang tuổi bước vào đời, thèm khát những nơi đông đúc hội hè chen vai thích cánh, nhất là tiệc rượu này đã được người ta nhắc nhở đến hàng mấy tháng nay. An Tư còn được nghe kể lại bà chúa Ngừ đã chẳng thèm đếm xỉa đến miệng tiếng thế gian, cứ mỗi mùa hội xuân, lệnh bà thường nại cớ lễ Phật dâng hương để đi lộ Bắc Giang xem các hội làng: hội vật, hội thả chim, hội bơi chải, hội hát xướng... Còn lần bà mặc giả gái quê cùng mấy người tuỳ tùng dự hội làng Xuân Dương rước nõ nường vẫn là giai thoại đầu trò về người đàn bà đã từng làm hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông rồi sau làm vợ của Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ. Hàng năm cứ mùa xuân đến, Xuân Dương mở hội. Các cụ trong dân làm một cái nõ bằng lõi dứa dại để nguyên cả xơ úa xồm xoàm và một cái nường bằng mo nang cài cỏ rối lờm xờm. Người ta để nõ, nường lên kiệu chõng tám rồi cả làng rước linh đình qua xóm này, thôn khác. Trong khi đó gái làng kéo từng đám đi xô bè đám trai tứ chiếng về xem hội kì cho những người đó ngã xuống ao. Sau đó thì những cô gái Xuân Dương lại vớt trai tứ chiếng lên đưa về nhà ném một mớ quần áo khô cho thay, đãi cơm rượu tử tế, trải chiếu buông mùng cho ngủ tốt. Thiên Cực công chúa đã dự cả những hội dân dã như thế đó. Và cũng vì thế bà đặt lệ mặt nạ nhất thiết phải vẽ lên mo nang.
An Tư thích thú nghĩ đến một câu nói của người đàn bà tài đảm, nghịch ngợm và đanh đá ấy. Câu ấy thế này:
- Xét cho cùng, thế gian này còn mãi muôn đời cũng là nhờ có mấy cái đó, mà hễ có là phải có đủ đôi.
Nghe đâu ngay chính Trung Vũ đại vương cũng phải chẹp miệng rồi im. An Tư thường nghĩ Trung Vũ đại vương sợ vợ nhưng thật ra không phải thế. Khi Trần Thị Dung còn là con gái mà nhà họ Trần chỉ là hào trưởng một phương thì kinh thành có loạn, thái tử Sảm nhà Lý tránh loạn về vùng biển, nương náu ở nhà họ Trần. Họ Trần lập mưu buôn vua, đem cô gái xinh đẹp nhất họ gả cho thái tử Sảm. Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ lúc đó đã thầm yêu trộm thương nhau rồi cho nên việc Trần Thị Dung bị các cụ cha chú tộc họ ép gả cho Thái tử Sảm là một sự kiện to lớn gây trong lòng người đàn bà xinh đẹp tài năng ấy một vết thương mãi mãi không lành. Thái tử Sảm lên ngôi vua thành Lý Huệ Tông, ông vua cuối cùng triều Lý. Đất nước lúc bấy giờ tao loạn, giặc giã nổi lên tứ tung mà tôn thất nhà Lý chỉ mải ăn chơi dâm dật xa xỉ. Trần Thị Dung trở thành bà hoàng hậu, quốc mẫu của cả nước. Chính bà là một tay quan trọng trong việc chuyển ngôi vua từ họ Lý sang tay họ Trần. Đến khi họ Trần lấy xong ngai vàng rồi, Lý Huệ Tông bị an trí rồi tự tử ở chùa Chân Phúc thì Trần Thị Dung bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa và về làm vợ Trần Thủ Độ. Việc giáng chức này thực sự là một giải thoát cho người đàn bà ấy. Hiểu hết mọi ngóc ngách sâu kín nhất của kỉ cương, lễ giáo, người đàn bà ấy cười cợt tất cả mọi thứ kể từ danh vọng, tài năng, cương thường, đạo lí thậm chí đến cả tình nghĩa nữa và bà chỉ coi trọng có một nết, đó là sự thành thật với chính mình...
Bà chúa Ngừ mà còn dự cả hội nõ nường thì ta, công chúa An Tư sẽ bằng mọi cách lọt được vào cái tiệc rượu mặt nạ kì quái này. Mắt An Tư tối sầm lại và nàng công chúa trẻ trung mới chỉ hiểu cuộc đời là một trò chơi, là vui thú đã nhìn Hoàng Mãnh chằm chằm mà hỏi:
- Không có tín bài thì ta cũng dự, nhà anh có tin lời ta không?
Hoàng Mãnh chỉ mỉm cười, một nụ cười làm cho đối phương ngang ngửa và tức bực:
- Bẩm lệnh bà, tiểu tướng sẽ là người chỉ huy việc xét tín bài ở cửa cung.
Hoàng Mãnh kính cẩn vái chào mọi người và xin lui.
Chiêu Văn vương lên ngựa. Đoàn lính tuỳ thân do Triệu Trung chỉ huy cũng lên ngựa. Đoàn người ngựa đi nước kiệu nhỏ giữa các phố phường đã lên đèn sau một ngày hội náo động. Đoàn người ngựa nhằm hướng vương phủ Hưng Đạo mà đi. Trần Nhật Duật đến rủ Trần Quốc Tuấn cùng đi dự tiệc.
Hưng Đạo vương đón Trần Nhật Duật ở chính đường vương phủ nhưng ông nói:
- Bây giờ mới đầu canh một, còn sớm quá, anh em ta vào trong này uống chút trà thơm đã.
Trần Quốc Tuấn đưa em qua hậu đường đến một khu vườn rậm rạp um tùm. Trong vườn này, Hưng Đạo vương đã cho xây cất gác Ngoạn Hoa. Tên này do con trai thứ ba của ông là Trần Quốc Tảng đặt mà thực ra ông không thích một cái tên cầu kì lịch sự đến thế. Ông chỉ muốn một chỗ ngồi tĩnh mịch, cô đơn một chút, có vài cây hoa thơm của đồng quê đất Việt như lan tiêu, móng rồng, ngâu, sói... Gác này xinh nhỏ, trang trí bằng vài bức tranh cổ vẽ lối thuỷ mặc và một bức trướng lụa mỡ gà. Trên một cái kỉ gỗ trắc có bày một chậu tùng cỗi, thế cành rất xương kính. Trần Nhật Duật ngắm bức trướng và nhẩm đọc. Té ra là bài Trà ca của Lư Đồng chép theo kiểu chữ thảo. Trần Quốc Tuấn tủm tỉm cười:
- Chữ của ông Thám hoa Đặng Ma La đấy. Ta thích chữ của ông ta. Cách viết không bay bướm cầu kì, kiểu cách, nó đường bệ mà vẫn bình dị. Em xem, bài thơ có nhiều chữ trà mà không chữ nào ông ta viết giống chữ nào. Nghe nói Đặng Ma La chép bài thơ này vào một lúc rượu ngà ngà say. Về sau ông ta đã thử chép lại vài lần khác nhưng không lần nào đạt được vẻ đẹp của bức trướng này.
Trần Nhật Duật cũng thích bức trướng này lắm nhưng ông đang ở tuổi sôi động của con người, ông chưa hợp với những gì trầm lắng và sâu đọng. Ông thích những cuộc phi ngựa cuồng loạn, thích leo lên những đỉnh núi chon von, thích đi thuyền trên biển buổi gió cả để ngắm trăng, thích gió ngàn thổi như bão, thích những trận đánh phết dậy lên tiếng hò tiếng hét dữ dội.... Không hợp với ông nhưng những gì trầm lắng và sâu đọng thường buộc ông phải chiêm ngưỡng. Tỉ như lần ông đi chơi Yên Tử rẽ vào thăm Hưng Đạo vương ở Vạn Kiếp. Hưng Đạo vương đã dẫn ông đi xem những cái cọn nước để lấy nước tưới ruộng mà Trần Quốc Tuấn đã cho làm và dạy dân cùng làm ở hết cả vùng ruộng trong thái ấp và trong hương. Đó cũng chính là mối quan hệ giữa Hưng Đạo vương và Trần Nhật Duật. Hai người cách xa nhau cả thế hệ, khác nhau về những biến cố trong cuộc đời. Chiêu Văn vương thường nghĩ đến Trần Quốc Tuấn với một thái độ kính trọng và một chút xa xôi. Về những chiếc cọn nước, ông rất thích, rất muốn làm nhưng ông không kiếm ra thời giờ để thực hiện chúng trong thái ấp của ông. Thực ra thì giờ thì ông không thiếu nhưng những thú vui và những công việc thích hợp với ông đã choán hết mất rồi. Chiêu Văn vương rất kính trọng Trần Quốc Tuấn, ông cho rằng đó là một con người mà cảnh gia biến đã hun đúc nên một bản lĩnh tuyệt vời. Trần Nhật Duật đã được nghe kể lại năm Hiển hoàng Trần Liễu nổi quân chống lại Trần Thủ Độ khi bị ép nhường vợ cho em là Trần Cảnh thì Trần Quốc Tuấn còn để chỏm. Một người nhũ mẫu đã bế Trần Quốc Tuấn về trốn ở quê mình. Mối đe doạ bị bắt, bị hành hạ đã tạo cho Trần Quốc Tuấn một đức tính cứng cỏi, bướng bỉnh, ít nói. Về sau hai anh em hoà nhau nhưng Trần Liễu không nguôi căm hận. Trần Liễu đã dụng công kén thầy văn thầy võ thật giỏi để dạy con trai, những mong mượn tay con trả mối nhục cho mình. Trần Quốc Tuấn dần dần lớn lên, nổi tiếng là một bậc nam tử văn võ toàn tài. Được nuôi dạy trong không khí thù hận nhưng mỗi bước trưởng thành lại nảy nở ở Trần Quốc Tuấn những đòi hỏi mới ở thế hệ trẻ. Ông thuộc thế hệ họ Trần đã thôi mang tên một loài cá, thế hệ đầu của họ Trần nắm đại quyền. Ông mơ ước được xông ra đời, góp sức với đời chứ không thích ru rú ở ẩn trong một xó trang trại với nỗi dày vò của một mối thù từ đời trước. Ông mơ ước đem tài năng mình ra làm việc nước, muốn đảm đương những chức vụ khó, muốn đem hoài bão của mình thi thố cho sự yên vui của trăm họ. Tuy thế mối hận xưa vẫn tác động trong lòng người trai trẻ ấy. Lúc còn trẻ, Trần Quốc Tuấn đã mấy lần va vấp với người của chi thứ. Sự biến to lớn nhất chính là cuộc hôn nhân của ông.
Vào một ngày đi dâng hương, vãn cảnh chùa Phật Tích năm xưa, Trần Quốc Tuấn có dịp gần gụi công chúa Thiên Thành. Như một lằn sét, cuộc hạnh ngộ đó dẫn đến mối tình thầm kín giữa đôi trai tài gái đẹp ấy. Nhưng khốn thay vua Thái Tông lại muốn gả công chúa Thiên Thành cho Trung Thành vương. Hôn lễ đã định rồi. Cô dâu đã bị rước đến vương phủ Trung Thành. Trần Quốc Tuấn hận lắm, đã tìm cách vào vương phủ Trung Thành để gặp người yêu dấu mà than vãn. Mẹ nuôi của Trần Quốc Tuấn là công chúa Thuỵ Bà biết nhưng giả vờ hoảng sợ đã nửa đêm đến đập cửa cung tâu với vua Thái Tông và xin vua Thái Tông ra tay cứu Trần Quốc Tuấn, kẻo người nhà Trung Thành vương mà bắt quả tang thì họ cứ phép nước giết luôn.
Đã liên can đến việc bôi một vết xấu vào cuộc đời của anh, Trần Thái Tông không muốn mang thêm tiếng xấu khác về việc của cháu. Nhà vua vội vã dẫn lính ngự lâm đến vương phủ Trung Thành. Bấy giờ đã khuya lắm nhưng yến tiệc vẫn diễn ra linh đình trong vương phủ. Thấy vua đến, cha con Trung Thành vương vội ra đón. Nhưng nhà vua không nói không rằng, cứ dẫn lính ngự lâm xộc thẳng vào khu nhà hậu, tìm đến buồng cô dâu và thấy Trần Quốc Tuấn ngồi trong đó. Trần Thái Tông vội hộ tống Trần Quốc Tuấn ra khỏi vương phủ Trung Thành. Vua cũng đem luôn công chúa Thiên Thành về cung. Sự phán xử của nhà vua ngày hôm sau làm cho hoàng tộc và triều thần phải sửng sốt, Trần Quốc Tuấn chẳng những vô can mà còn được lấy công chúa Thiên Thành làm vợ. Để bù cho chuyện vợ hụt của Trung Thành vương, vua đền cho ông ta hai nghìn khoảnh ruộng.
Chính cuộc hôn nhân này làm cho Trần Quốc Tuấn càng trưởng thành, càng băn khoăn. Trong cuộc tình địch xưa, Trần Thái Tông chỉ là người tình cờ thành tòng phạm còn trong cuộc tình địch này, Trần Quốc Tuấn là nạn nhân nhưng cũng là chính phạm rõ ràng. Sự so sánh đó làm cho Trần Quốc Tuấn phải nghĩ rằng oán cừu nên cởi không nên buộc.
Trần Nhật Duật lúc này lại không nghĩ về cuộc tình duyên trên khía cạnh đó. Trần Nhật Duật kính phục cách xử sự quyết liệt của Trần Quốc Tuấn. Giá như Trần Nhật Duật biết quyết liệt như Trần Quốc Tuấn, cứ thẳng thắn xử sự như lòng mình muốn thì chắc chắn cô gái làng biển kia đã về với ông, đem theo hạnh phúc và sự bình lặng đến với ông.
Ngược lại Trần Quốc Tuấn cũng rất mến Trần Nhật Duật. Nếu như có người vô tư nhất trong cả hai chi trưởng, chi thứ của họ Trần thì người ấy phải là Trần Nhật Duật. Cái đó thật đáng quý. Trần Quốc Tuấn nhìn nhận ở sự vô tư của Trần Nhật Duật một nết hay mà ông đã thiếu khi còn trẻ. Ngoài ra hai người còn yêu quý nhau về tài năng nữa. Mỗi bận lên kinh, Trần Quốc Tuấn thường đến phủ đệ Chiêu Văn thăm em. Khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi săn bắn, khi bình văn, Trần Quốc Tuấn thầm mong truyền cho Trần Nhật Duật mọi sở đắc sở trường của ông. Năm trước Trần Nhật Duật có dịp đi với Trần Quốc Tuấn tuần thú lộ Lạng Giang, Trần Quốc Tuấn khéo léo giả như hỏi các bô lão địa phương về việc mùa màng, về đời sống của trăm họ trong vùng, cốt để cho em nghe những cái mà theo ông Trần Nhật Duật hiểu biết còn nông cạn và hời hợt. Trần Quốc Tuấn còn dắt cả Trần Nhật Duật đi thăm đồng, tự ông còn lội cả xuống ruộng vạch gié lúa tìm sâu, sục tay xuống bùn làm cỏ để cho Trần Nhật Duật xem. Ông còn đố Trần Nhật Duật phân biệt các giống lúa, nói về từng cái hay cái dở của chúng. Rồi ông bảo em: “Làm tướng phải biết thật rộng, cầm quyền nước càng phải biết rộng nữa. Biết đến mức nào thật không chừng. Có thế trăm họ mới được nhờ. Có thế mới thật là tay anh hùng đem lại miếng cơm manh áo cho dân nước.” Trần Nhật Duật ngu gì mà không nhận ra tấm lòng của Trần Quốc Tuấn với việc công và với chính ông nữa.
Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật ngắm mấy bức tranh rồi ngắm chậu tùng. Trần Quốc Tuấn sai gia nô pha trà mời Trần Nhật Duật. Ông cười bảo em:
- Hôm nay ta đến thăm Triệu Trung.
Sáng hôm nay ông và viên gia tướng Nguyễn Địa Lô mặc thường phục lên cửa ô Yên Hoa thăm Triệu Trung. Căn nhà khách Triệu Trung tiếp đón ông trang trí rất sơ sài. Vách hậu có bày ban thờ Văn Thiên Tường, viên tể tướng Tống trào đã tuẫn tiết khi nhà Tống mất. Bên mảng tường mé tả còn treo một bức trướng có chép bài Chính khí ca của con người trung nghĩa đó. Trần Quốc Tuấn vốn có lòng nhớ tiếc Văn Thiên Tường và rất thích mấy vần thơ nghĩa liệt của Văn:
Người ta tự cổ ai không chết.
Lưu lại lòng son trong sử xanh.
Nước Việt đang ở lúc mà tôi con cũng đành phải tính đếm đến lúc cần thì biết chết sao cho ra con người trung nghĩa nên câu thơ đó tác động rất mạnh đến Trần Quốc Tuấn. Ông đã hỏi Triệu Trung về phép đánh những thành trì có phòng thủ kĩ với hệ thống hầm hào, bẫy đá, luỹ dày thả chông. Ông muốn Triệu Trung đến Giảng Võ đường nói cho các tướng cùng tường. Sau đó ông hỏi ý Triệu Trung rằng ông muốn thu nhận Triệu Trung làm môn khách trong mạc phủ của ông. Triệu Trung rất cảm động vì được coi trọng nhưng từ chối với lí do đã được Trần Nhật Duật thu nhận trước rồi. Triệu Trung cho gọi các con ra lạy chào Trần Quốc Tuấn và sau đó xin ông một bài châm chép quạt. Trần Quốc Tuấn ngẫm nghĩ rồi chép hai câu thơ của Văn Thiên Tường vào lá quạt cho Triệu Trung...
- Hôm nay ta đến thăm Triệu Trung. Viên hổ tướng này đã về làm môn khách của em. Tinh mắt và trọng hiền đó em.
Lời khen đó của Trần Quốc Tuấn làm cho Trần Nhật Duật sung sướng.
- Thưa anh, Triệu Trung về làm giáo luyện thay cho Hoàng Mãnh mới tiến triều.
- Ta biết. Hoàng Mãnh hợp với em hơn nhưng Triệu Trung là một tướng thao lược, đã từng phải đánh những trận lớn quân đông. Nếu chiến tranh xảy ra quân Thát Đát kéo sang, chúng sẽ có cả quân có kĩ thuật đánh thành của người Hán, lại có cả quân kị tiến lui cực nhanh, lúc đó kinh nghiệm của Triệu Trung rất đáng quý. Em có con mắt xét người rất tinh. Ta không lấy làm lạ khi Triệu Trung đã thành người của phủ Chiêu Văn.
Rồi ông trầm ngâm giờ lâu trước khi tiếp:
- Từ bao đời nay, phương Bắc luôn luôn là mối đe doạ xâm lăng với nước Việt ta. Bọn vua chúa cầm quyền đã nếm bao trận thua đau rồi mà chúng vẫn giữ nguyên mộng xâm lược. Chả là đất nước ta sản vật nhiều như chất núi, trâu, lợn, gạo, cá cho đến ngọc trai, sừng tê, trầm hương, chí đến cỏ hoa làm thuốc quý... cái gì cũng sẵn. Kẻ tham thì giữa chợ chỉ nhìn thấy vàng chứ có thấy ai đâu. Hễ là người Việt không được một giây khắc quên điều đó. Chúng ta là người cầm quyền chính coi sóc sự an nguy của tôi con nước Việt, sự tồn nguy của nước nhà, lại càng phải đinh ninh khắc cốt ghi xương rằng bọn vua chúa “thiên triều” lúc nào cũng thèm rỏ rãi cái nước Việt bốn mùa cây cối xanh um, một năm ba mùa lúa chín này. Ai hễ chỉ quên lơi một chút là đã có tội với đất nước chứ không kể đến những kẻ ngu dại tin theo chúng nữa. Thế đó.
Trần Nhật Duật im lặng nghe lời dạy bảo đó. Thốt nhiên ông chợt nhớ đến gã Đạt Lỗ Hoa Xích đã là người thân thiết và tặng ngựa quý cho Chiêu Quốc vương. Một ý nghĩ chợt đến chưa thành hình hẳn đã bị ông đuổi bay ra khỏi tâm trí: “Nếu như anh ông, Chiêu Quốc vương phạm phải...”
Trần Quốc Tuấn không hay kéo dài những giây khắc quá nặng nề, ông chợt đổi nét mặt, cười hỏi Chiêu Văn vương:
- Đêm nay em đeo mặt nạ gì?
Chiêu Văn vương giở cái mặt nạ sẽ mang theo ra cho Trần Quốc Tuấn xem. Trên cái mo nang ấy vẽ một cái mặt trai trẻ rất đẹp. Trần Quốc Tuấn bật cười:
- Thế này thì người ta biết ngay chủ nhân của nó là ai.
Trần Nhật Duật ngẩn mặt ra. Trần Quốc Tuấn nhìn chằm chằm vào em nói tiếp:
- Em đeo mặt nạ để giấu mặt mà lại vẽ mặt chính mình lên nó. Phải làm thế này này.
Trần Quốc Tuấn cầm ngọn bút trên án và bằng mấy nét chính xác vẽ lên mặt nạ mấy nếp nhăn trên trán và hai vết má hóp.
- Phải như thế! - Trần Quốc Tuấn nhìn đăm đăm Trần Nhật Duật và hỏi nhỏ: - Em có điều chi mà mấy hôm nay vẻ mặt thảng thốt lắm?
Chiêu Văn vương gượng cười. Trần Quốc Tuấn cầm lấy tay em:
- Chắc vẫn cái chuyện năm nọ!
Trần Nhật Duật mặt đanh lại, cúi đầu xuống. Trần Quốc Tuấn muốn khuyên em một lời nhưng ông biết nói gì bây giờ. Khuyên em làm như mình hồi trẻ thì ngày nay tuổi tác ông phản đối cách đó, còn khuyên em cam chịu thì điều đó ngược hẳn với bản tính của ông. Trần Quốc Tuấn chép miệng than:
- Chả trách người đời vừa muốn lánh vào cửa thiền cho thoát nợ lại vừa báng bổ nguyền rủa mệnh trời.
Trần Nhật Duật ngửng mặt lên, một vẻ quả quyết đầy phẫn nộ thoáng loé lên trong đôi mắt rất đẹp của ông hoàng trẻ.
- Tất cả sẽ êm đẹp hết. Bây giờ anh em ta đi thôi. Cây gì thế này anh trưởng? Lá tùng nhưng cành cội không hẳn là tùng.
- Nó là loại tùng rừng Yên Tử. Không hiếm ở vùng núi phía đông nhưng thế nhân chỉ quen chuộng những cái gì từ phương xa tới.
Sau một lát lưỡng lự, Trần Quốc Tuấn tiếp:
- Chậu tùng này là quà tặng của Trung Thành vương.
Trần Nhật Duật vội ngửng nhìn Trần Quốc Tuấn. Chỉ thấy trên gương mặt lão tướng quắc thước ấy một vẻ bình dị lặng lẽ trong sáng như đồng quê lúc hoàng hôn thu.
Trước khi lên ngựa, Trần Quốc Tuấn chợt níu cương ngựa của Chiêu Văn vương. Vị tướng già nheo mắt lại trước khi nói:
- Người đời thường hay luận về anh hùng nhưng đã mấy ai nghĩ đến tới chỗ tinh tuý của đức tính ấy. “Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng”. Ta đã quá nửa đời người mới biết lưu ý đến lẽ đó. Hiểu được mình là Đẹp, thắng được mình là Hùng. Châm ngôn cổ đơn giản mà thâm thuý thật.
Châm ngôn ấy, Trần Nhật Duật đã được nghe giảng từ nhỏ, nhưng quả thật phải đến đêm nay, thốt ra từ cửa miệng một người chìm nổi như Trần Quốc Tuấn, ý nghĩa của nó mới đột nhiên lấp lánh. Trần Nhật Duật không biết rằng Trần Quốc Tuấn khi nói ra câu châm ngôn này là vị tướng già đang nghĩ tới Trần Quang Khải với tất cả niềm ưu ái và biết ơn, biết ơn vì ông, biết ơn vì trăm họ và đất nước.
Thăng Long đã vào đêm. Các lâu đài soi bóng xuống những mặt nước hồ đen lạnh. Tiếng mõ vào canh từ các điếm phường binh gọi đáp lại nhau. Xa xa, mấy ánh đèn lồng, ánh đuốc chon von trên vòm cổng cung thành. Có ai đang ru con đâu đó dưới một mái nhà kín đáo:
Ạ ời! Ngủ đi con...
Một đời được mấy anh hùng?
Một nước được mấy đức ông trị vì?
Ạ ơi! Hãy ngủ đi con.
Sinh thành gặp buổi loạn li.
Vàng thau thử lửa sá chi bại thành.
Một là kim sách đề danh.
Hai là bia miệng, sử xanh lưu truyền.
Ạ ơi! Ạ ời!
Tiếng ru êm dịu, ấm áp thấm vào lòng người, thấm vào cả những ngóc ngách sâu nhất cùng nhất của lòng người.
An Tư bỏ cơm chiều. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời nàng công chúa út này ước muốn mà không toại nguyện. An Tư ước muốn được dự đêm tiệc mặt nạ nhưng công chúa đã lần lượt bị những người thân nhất từ chối không nhường thẻ cho. Trần Tú Hoãn bảo em gái:
- Em đến chỗ ấy sao tiện.
Trần Ích Tắc thì chỉ cười:
- Đấy là nơi dành cho những người đã trải việc đời.
Thượng hoàng Thánh Tông nghiêm khắc với cô con gái:
- Phép nước đã đặt rồi. Con là con gái chưa chồng, ta cấm con bén mảng đến chỗ đó.
An Tư về cung riêng, hậm hực, bỏ cơm, gắt gỏng thị nữ. Công chúa thấy tất cả những thú vui, những đồ quý giá... vẫn ham thích xưa nay trở nên vô nghĩa, vô giá trị: những bộ xiêm bằng vóc bằng lụa dệt cầu kì, may cầu kì, những đôi hài xinh xắn, những chiếc quạt trầm, quạt đồi mồi chạm trổ tinh xảo, những chiếc quạt Hới ghép mỗi nan hai mặt cật chuốt láng bóng, lá vẽ hoa điểu, lá đề một bài thơ và chữ của danh sĩ hai nước ta và Tàu, những hộp đựng chất thơm quý giá, những hộp đựng các loại phấn thoa mặt, những chiếc gương đồng thau hình tròn hình bầu dục, những chiếc hộp gỗ trắc lót nỉ đựng đồ trang sức, bức tranh mực nước vẽ cuộc gặp gỡ giữa chàng họ Chử với nàng Tiên Dung, cho chí cây đàn độc huyền chế bằng gỗ hoàng đàn đã từng thức đêm với An Tư nhiều phen... Tất cả những cái đó, chỉ mới hôm qua thôi, còn được nàng công chúa út coi là rất quý báu, rất thân thiết.
An Tư ngồi đứng không yên. Trời đã tối rồi. Các loại đình liệu, các loại đèn cầy, đèn lồng, đèn đĩa, các cây hoàng lạp, bạch lạp trong cung đã thắp sáng. Những viên nội giám và cung nữ cầm đèn lồng đi tuần sát vườn ngự, ao ngự. Những tay đàn trong ban nhã nhạc nội cung đã kéo nhau đi qua vườn nhài để đến điện Đại Minh. Những nội giám làm việc ở bếp ngự cũng đã đội những cái mâm gỗ sơn son trên bày những đĩa bát đồ nấu sơn hào hải vị, tấp nập theo gót các nhạc công. Nhìn cảnh ấy lòng An Tư càng bồn chồn nghĩ mãi, An Tư thấy chỉ một cách có thể toại ý...
An Tư gọi một thị nữ theo hầu rồi cả hai người ra khỏi cung riêng. An Tư đến cung Quan Triều. Nàng công chúa út nghĩ rằng Thánh Tông vốn nghiêm khắc và quả quyết, một khi người đã nói là người không đổi ý. Còn Trần Ích Tắc và Trần Tú Hoãn thì chính họ cũng chỉ có một thẻ tín bài là phần của họ. Cho nên nếu có ai đưa An Tư vào tiệc thì người đó chỉ có thể là Nhân Tông hoàng đế. Vua Nhân Tông vốn chiều cô em út mà nếu nhà vua có cho em cái thẻ đi nữa thì Nhân Tông vẫn đến dự tiệc được. Chiếc thẻ ấy nó nằm kia, trên án sách của nhà vua trong cung Quan Triều.
Chẳng may, An Tư đến cung Quan Triều nhưng không được gặp nhà vua. Hoàng đế Nhân Tông chiều nào cũng giữ lệ quần ngựa tập bắn cung ở trường bắn của lính tứ sương. Chiều nay, nhà vua cũng không bỏ lệ và bây giờ nhà vua vẫn chưa về cung. Thư phòng cung Quan Triều im lặng như tờ tuy đám thị nữ đội đèn vẫn đứng thị lập ở các chân cột. An Tư bồn chồn ngồi đợi anh. Nhưng nàng ngồi không yên, lại đứng lên... Thế rồi thình lình, trong quầng sáng của cây đèn long trúc An Tư nhìn thấy bộ mặt ngạo mạn đang cười chế giễu mình. Bộ mặt ấy có một quai râu đen lánh, đẹp một cách đáng ghét, mắt sáng như mắt quỷ, hàm răng to bóng trắng bong như răng một gã lục lâm chọc trời hoặc một gã hải tặc quấy biển. “Thưa lệnh bà, tiểu tướng là người chỉ huy việc xét thẻ tín bài ở cửa cung!”. Chiếc tín bài sơn son méo theo hình cái vỏ trai nằm kia, trên án sách nhà vua! An Tư mắt long lanh, mặt đỏ bừng lên, đôi chân nhũn ra nhưng bàn tay thì quả quyết. An Tư chộp lấy cái tín bài, hai tay ôm nó khư khư trước ngực. Nàng công chúa út nhìn trước nhìn sau. Nàng công chúa út không thấy ai cả. Những thị nữ đội đèn vẫn đứng như tượng đá. Xưa nay những thị nữ đội đèn có ai kể đến sự hiện diện của họ đâu. Cả những đốm sáng trên đĩa đèn hình như cũng không lay động. An Tư muốn bỏ chiếc tín bài xuống án. Đôi tay An Tư đột nhiên run bần bật nhưng một giọng nói mơ hồ thoảng đâu bên tai: “Tiểu tướng chỉ theo lệnh trên đưa thẻ tận tay những người có tên.” Cái cười ngạo mạn phô hàm răng của hải tặc. Cái cười, phải rồi, chính cái cười đó xúi giục An Tư như một sức mạnh thần linh run rủi. Nàng công chúa út ôm luôn cái thẻ tín bài ra khỏi cung Quan Triều, mặc kệ nét mặt hoảng hốt của những thị nữ đội đèn.
An Tư đi được một lát thì các nội giám phò đương kim hoàng đế từ nhà Dục Đường về đến cung Quan Triều. Đức vua đã tắm gội ở Dục Đường sau buổi quần ngựa bắn cung. Bây giờ chỉ còn việc thay áo đi dự tiệc.
Đã sang giữa canh một. Tiếng nhạc nhã từ điện Đại Minh, nơi sẽ diễn ra đêm tiệc, văng vẳng đưa lại cung bực lả lơi của bản Đạp Thanh. Chắc khách khứa đến đã khá đông rồi. Nhân Tông ra lệnh cho các nội giám ra khỏi cung Quan Triều, trừ Thượng phẩm Phụng ngự Trịnh Mác. Đó là viên tướng sẽ phò đương kim hoàng đế đến dự tiệc. Đó cũng là người duy nhất được biết hoàng đế đến vui đêm hội này đằng sau chiếc mặt nạ nào? Nhân Tông lấy chiếc mặt nạ ra, nó đây. Chính tay nhà vua tài hoa đã vẽ lên một chiếc mo nang bình thường cái mặt nghịch ngợm của Liêu Thủ Tâm, thằng hề liến thoắng, sủng thần của vua Lê Ngoạ Triều. Cái mũi hếch lên, đôi mắt nheo lại trong một cái cười châm chọc, và hai cái ria lệch lạc, hai cái ria đã từng mua vui cho cả một triều đình và cũng làm cho lắm bậc quan to hống hách phải bầm gan tím ruột. Nhân Tông đeo chiếc mặt nạ lên. Không khí chúa tôi giữa nhà vua và Trịnh Mác lập tức bay biến ngay. Trịnh Mác phì cười và nhà vua cũng phì cười. Nhân Tông bắt Trịnh Mác cầm hai cái gương giơ chéo cho mình xem. Soi chán rồi, nhà vua lột mặt nạ ra bắt Trịnh Mác phải đeo lên cho nhà vua coi... Ơ hay, sự vui đùa làm cho con người ta trẻ trung sung sướng thế này mà làm sao người đời cứ đặt ra rồi bám khư khư lấy mọi thứ lễ nghi phiền toái bó buộc người ta, làm cho người ta già đi, xấu đi?
Lúc ra đi, Trần Nhân Tông tìm không thấy thẻ bài của mình. Nhà vua tìm rồi Trịnh Mác cũng tìm đều không thấy. Thư phòng riêng trong cung Quan Triều đâu phải là nơi dễ vào? Thượng phẩm Phụng ngự Trịnh Mác chợt nhìn thấy ánh mắt sợ hãi của một thị nữ đội đèn. Trịnh Mác bước lại gần trợn mắt giật giọng:
- Bỏ đèn xuống... ta hỏi.
Người thị nữ sợ hãi líu lưỡi lại nhưng những lời đứt nối mau chóng làm cho Trịnh Mác và Nhân Tông hiểu ai là người đã vào thư phòng cung Quan Triều và lấy đi cái thẻ hình vỏ trai sơn son.
Lúc ấy đang là lúc Nhân Tông vui vẻ nên nhà vua trẻ muốn cười to lên. Nhân Tông bảo Trịnh Mác:
- Thôi! Tha cho nó! Nó có dính dáng gì đến đâu.
Nhân Tông đeo cái mặt nạ mo nang và ra khỏi cung Quan Triều. Trịnh Mác theo sau...
Đêm nay, Điện tiền tướng quân Nguyên soái Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng chỉ huy việc canh phòng và tuần sát. Các chức Điện tiền Tướng quân chia nhau mỗi người trấn một cửa cung. Hoàng Mãnh coi cửa nách bên phải quen gọi là cửa Vân Hội. Viên tướng trẻ đeo kiếm quý, mặc áo chiến màu đại hồng. Dưới ánh sáng của những chiếc đèn lồng lợp lụa trong suốt, Hoàng Mãnh đẹp lắm, một vẻ đẹp vũ dũng và nghịch ngợm. Hoàng Mãnh xét thẻ bài của những người dự tiệc. Anh tò mò cố nhìn để đoán xem những người đưa thẻ cho anh là ai nhưng rồi cũng chịu. Những chiếc mặt nạ mo nang vẽ đủ kiểu mặt, kiểu người làm Hoàng Mãnh hoa cả mắt. Này đây, một ông già hom hem, này đây mặt của một cô thôn nữ vùng đồi Lim, này đây một vẻ mặt của người đẹp Chiêm Thành, này đây bộ mặt đen của một nhà sư Tây Vực... Rồi có cả mặt của những người nổi tiếng đã qua đời, mặt ma, mặt quỷ, mặt thánh, mặt thần... Hoàng Mãnh chỉ nhận ra Nhân Túc vương Trần Toàn với bộ mặt của một ông Phỗng chột. Vả chăng, Trần Toàn cầm lăm lăm trong tay cái dùi đục nổi tiếng thì ai mà chẳng nhận ra được.
Các đức ông, các lệnh bà đeo mặt nạ mo nang lũ lượt đến cửa Vân Hội... Họ cười nói, họ trao tín bài cho quan Điện tiền trấn cửa. Trong điện Đại Minh và các dãy hành lang, giải vũ vây quanh đã đông lắm rồi. Mấy cái sân rộng lát gạch son có cắm sẵn những chiếc lọng để nếu đông người quá thì chơi bời cả ngoài sân...
Một người mặc áo lụa xanh, dáng dong dỏng cao đeo một cái mặt nạ mo nang đi tới cửa Vân Hội. Hoàng Mãnh đã quen cái mặt hề này rồi. Các phường trò ở kinh kì thường diễn tích cổ về cái bác Liêu Thủ Tâm đã từng mua vui cho cả một triều đình. Mãnh cười và chìa tay đòi thẻ nhưng người áo xanh lại ghé đầu sát vào Mãnh và thầm thào:
- Ta đây! Ta đây! Đừng có mà làm mọi người để ý.
Mãnh sửng sốt. Sau lưng người áo xanh là Thượng phẩm Phụng ngự Trịnh Mác cũng nhăn răng nhìn Mãnh mà cười. Người áo xanh ghé đầu hé cái mo nang cho Mãnh nhìn thoáng được một phần ba mặt và lại nói khẽ:
- Ta vào nhé.
Hoàng Mãnh lưỡng lự định thi lễ nhưng người áo xanh ngăn lại và đi qua cửa. Hoàng Mãnh nhìn theo mãi cái người mang bộ mặt Liêu Thủ Tâm. Anh tò mò muốn xem bậc đế vương đùa nghịch như thế nào nhưng chỉ được một lát, bóng người áo xanh kia đã trà trộn vào đám đông và trong đám đông cũng có nhiều người mặc áo xanh, cái màu xanh lẫn lộn của các viên quan cấp thấp.
Cuối canh hai đã có người đánh rơi chén, bát xuống nền gạch. Tiếng gốm vỡ, tiếng nhạc tấu huyên thuyên và tiếng cười nói trong tiệc ồn ào náo nhiệt như chợ cầu Đông vào lúc đầy người. Có tiếng Nhân Túc vương Trần Toàn lè nhè cầm trịch cho tất cả phải uống ba bát rượu thông luôn:
- Một! - Có tiếng dùi đục nện đánh chát một tiếng.
- Hai! - Lại một tiếng dùi đục nữa.
- Ba này! - Tiếng dùi đục thứ ba.
Đó là hiệu lệnh từ lúc này ăn uống là phụ, vả chăng sau ba bát rượu thì cái cột trong điện Đại Minh cũng say rồi, mọi người tuỳ ý nghĩ trò giở ra mà vui chung. Mấy người lính đô Củng Thần theo lệnh đã có từ trước, vào tắt bớt đèn đóm cho nó tranh tối tranh sáng. ánh sáng giảm đi nhưng tiếng nói cười ồn ào hơn và thỉnh thoảng có giọng nữ cười rú lên như người bị cù nách.
Từ cửa Vân Hội đến điện Đại Minh chỉ cách một cái sân không rộng lắm. Hoàng Mãnh thấy hội đêm diễn ra lúc huyên náo, lúc lặng đi. Chính cái lúc lặng đi ấy kích thích trí tò mò của viên tướng trẻ.
Mãi đến gần nửa đêm mới thấy Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng đến dự tiệc. Hưng Nhượng vương cầm trong tay cái mo nang vẽ bộ mặt “dở khóc dở cười”. Ông hoàng trẻ cũng đã say khướt rồi. Tối nay ở phủ đệ Hưng Đạo, Hưng Nhượng vương uống rượu với một người bạn quen trong chốn giang hồ. Người này suốt năm đi lang thang khắp nơi, hành tung bí mật. Có thể là dòng dõi cựu thần nhà Lý. Nhưng không hề bao giờ anh ta tỏ ý oán ghét nhà Trần mà cũng không bao giờ tỏ ý luyến tiếc nhà Lý. Nhưng anh ta không chịu ra làm việc công. Anh ta khi thì ở đỗ lại một ngôi chùa vắng vẻ, vẽ cho xong một bộ tranh phong cảnh cho người tri kỉ, khi thì theo đám dân chài ra khơi đánh cá. Người ta không hề biết quê quán tung tích của anh ta mà chỉ biết tên anh ta xưng ra là Đỗ Vỹ. Trần Quốc Tảng đã kết bạn với Đỗ Vỹ ở bãi biển Vân Đồn. Vốn cũng là người quen rong chơi lang bạt kì hồ, Trần Quốc Tảng rất quý Đỗ Vỹ. Qua vài năm tình bạn càng thắt chặt thêm. Mỗi lần gặp bạn, Trần Quốc Tảng lại nhận ra ở người bạn tri kỉ những khả năng tiềm tàng vô cùng to lớn. Đỗ Vỹ là một người uyên bác thấu hiểu tình đời. Đỗ Vỹ yêu thiên nhiên say sưa, yêu từ màu sắc, âm thanh, yêu từ vẻ đường bệ đến thói thất thường của thiên nhiên. Đỗ Vỹ chơi đàn rất hay, vẽ tranh rất giỏi mà võ nghệ cũng xuất chúng. Điều đó cũng dễ hiểu bởi vì một du khách quanh năm nơi đất khách quê người thì phải đủ tài giữ mình bằng một thứ vũ khí có khi chỉ là một cái quạt. Anh cũng có một cái tính kì quái là không bao giờ chịu lân la đến những nhà công hầu, không chịu đẩy mức giao tiếp với những người quyền quý khỏi mức quen biết thông thường. Trần Quốc Tảng là một người bạn trong công hầu biệt lệ của Đỗ Vỹ.
Hôm nay Đỗ Vỹ về kinh xem hội thề. Trần Quốc Tảng bắt gặp bạn ở ven hồ Lục Thuỷ bèn chèo kéo Đỗ Vỹ đến vương phủ chơi. Buổi chiều, Trần Quốc Tảng mở tiệc tay đôi uống với bạn. Đến đầu canh ba, Đỗ Vỹ nhắc Trần Quốc Tảng và giục bạn đi dự hội. Trần Quốc Tảng không muốn đi, cứ ở nhà tiếp bạn nhưng Đỗ Vỹ tạ từ nói rằng mình phải lên đường ngay để sáng mai còn kịp dự cuộc săn đuổi với phường săn bên rừng dâu da kề bên con sông Thiên Đức. Vốn hiểu tính nhau, Trần Quốc Tảng không nài ép. Nhưng trước khi từ giã, Trần Quốc Tảng trao cho Đỗ Vỹ một vật - đó là một nửa mảnh phù Hưng Đạo:
- Cha em cần tìm được một người để trao một việc lớn. Cha em giao cho em toàn quyền chọn và em thấy chỉ có anh là đáp ứng đủ mọi điều kiện cha em yêu cầu.
Đỗ Vỹ cười:
- Ta cần đến lúc nào? Và ở đâu?
- Khoảng tháng sau ở Vạn Kiếp, vì cha em không muốn cho ai biết việc này.
Tiễn Đỗ Vỹ xong thì Trần Quốc Tảng cũng đi dự tiệc để trốn tránh cái lẻ loi sau chén rượu biệt li.
Đưa thẻ bài cho Hoàng Mãnh rồi Trần Quốc Tảng mới đeo cái mo nang lên mặt chuệnh choạng bước vào điện Đại Minh. Trần Quốc Tảng không thích không khí những bữa tiệc như thế này. Ông hoàng trẻ thường tìm thấy thú vui trong những cuộc gặp gỡ giữa đôi ba người tri kỉ tri âm. Chàng không thích sự ồn ào, càng không thích sự ồn ào diễn ra rồ dại trong một đêm để rồi cả năm sau đó bị ràng buộc bởi trăm điều rối rắm của triều nghi, lễ giáo, đạo lí, của phép vua, lệ làng.
Tiệc rượu mo nang lúc ấy đang lắng xuống, chắc là vừa qua một đợt quá đỗi náo nhiệt. Những người dự tiệc cười hét mệt quá đang phải ngồi dựa vào cột mà hổn hển. Loáng thoáng đã thấy những người kéo chệch cái mặt nạ ra cho dễ thở đôi chút.
Tuy vậy, vừa thấy một người đến muộn đeo mặt nạ “dở khóc dở cười” bước vào chân cao chân thấp, mọi người lại ồn lên. Một bà dáng trẻ trung, cổ tay tròn vo, da tay ngăm ngăm đen sấn đến, kéo anh “dở khóc dở cười” ra trước đám đông, ép anh ta khai ra xem vừa vui thú ở đâu mà bây giờ mới đến. “Dở khóc dở cười” cũng biết tôn trọng lề thói của tiệc. Anh ta nói rằng mình vừa phải tiếp ông Phật say ở chợ cầu Đông. Bà kia cất tiếng cười giòn tan. Bà ta đeo mặt nạ vẽ một cô gái đẹp kiêu kì, đuôi mắt có chấm một cái nốt ruồi “thương phu trích lệ”. Bà “thương phu trích lệ” cười ré lên, hỏi rằng Phật say và anh “dở khóc dở cười” đã nói chuyện gì thì kể ra cho mọi người nghe.
- Chúng tôi bàn đến cái sự huyền bí của thuật nhập định phái Phật Tây Vực.
“Dở khóc dở cười” thuật lại luôn một chuyện nhập định của phái Thiền Tông Tây Vực. Ai luyện được thuật này thì có thể ngủ như người đã chết trong một tháng trời và cũng có thể nhịn ăn trong hàng chục hôm. Thế là người ta dồn “dở khóc dở cười” xem anh ta đã nhập định được chưa? Anh ta đáp là được rồi. Cả tiệc đua nhau ép “dở khóc dở cười” thi thố tài năng cho mọi người được xem. “Dở khóc dở cười” đáp:
- Nếu muốn xem tôi trổ tài thì cũng được thôi nhưng phải có hai người ra phụ cho tôi.
Tất cả mọi người bằng lòng điều kiện của anh ta. “Dở khóc dở cười” len ngay vào đám đông để chọn người. Đôi mắt anh ta, từ hai cái lỗ nhỏ khoét trên cái mo nang chợt loé lên một ánh nghịch ngợm. “Dở khóc dở cười” đi đến đâu, người ta thôi nói cười đến đấy. Người ta vẫn ghê ghê sợ sợ những thuật huyễn hoặc của các thiền sư Tây Vực. Những lời đồn đại về họ kể từ thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi đều dần dần đi quá sự thực chính là nguyên nhân dẫn đến sự sợ hãi ấy. “Dở khóc dở cười” chộp lấy cái cổ tay nần nẫn của “thương phu trích lệ” giơ lên:
- Bà này là một nhé.
“Thương phu trích lệ” rú lên một tiếng, muốn giật tay ra để chạy nhưng giật sao cho nổi. Gân sức của “dở khóc dở cười” vốn đã có công phu luyện tập nhiều năm rồi.
- Đứng yên nào! Có gì mà phải giãy giụa thế? - “Dở khóc dở cười” chộp cổ tay một người mặc áo xanh đeo mặt nạ Liêu Thủ Tâm: - Hai nhé!
Đám đông reo hò khoan khoái vì thoát nợ. “Dở khóc dở cười” dắt hai người phụ trò ra trước tiệc và giảng giải trò vui của mình. Anh ta nói là sẽ hoá phép cho rượu trong cái nậm sẽ biến hết rồi rượu sẽ hiện ra trong cái bát không mà bà “thương phu trích lệ” sẽ cầm trong tay giơ cao lên khỏi đầu để cho ai cũng nhìn thấy. Anh ta sẽ làm cho thịt lợn quay hiện ra trong một cái phễu giắt ở cạp quần “Liêu Thủ Tâm”. Sau đó “dở khóc dở cười” giắt vòi phễu vào cạp quần Liêu Thủ Tâm. Còn “thương phu trích lệ” thì được anh ta giao cho một cái bát không và bắt bà ta giơ cái bát lên cao.
“Dở khóc dở cười” bảo bà “thương phu trích lệ”:
- Nghiêng cái bát xem trong đó có cái gì không nào?
“Thương phu trích lệ” nghiêng cái bát, cái bát không đựng cái gì hết.
- Lật úp hẳn cái bát xuống chứ!
Cái bát được lật úp hẳn xuống. Đúng là cái bát không.
- Giơ cao cái bát lên!... Nghe xem có tiếng rượu chảy vào bát không...? Có nghe tiếng róc rách chưa?
Những người chung quanh cũng lắng nghe... Hình như có tiếng róc rách thật. Đúng thật, có tiếng róc rách nhỏ thôi nhưng đúng là tiếng của chất lỏng đang chảy thật...
Thình lình có người kêu oái lên làm cho ai nấy giật mình. Người ta ngơ ngác tìm xem ai kêu? Và người ta thấy “Liêu Thủ Tâm” đang nhảy cẫng lên rũ quần phành phạch. Té ra lúc mọi người đang mải nhìn cái bát trong tay “thương phu trích lệ” thì “dở khóc dở cười” nghiêng cái nậm lên lén rót rượu vào cái phễu giắt ở cạp quần của “Liêu Thủ Tâm” làm cho con người đã từng lừng tiếng hơn ba kỉ trước phải nhảy cẫng lên vì buồn nhột ướt dính nhem nhép...
Cả tiệc rũ ra mà cười nghiêng ngả...
Chính vào lúc đó người ta thấy Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng đứng ở đầu giải vũ nhìn vào. Đằng sau lưng Bảo Nghĩa hầu là một tì tướng thông hiệu mặc bộ áo chiến lấm láp bụi đường trường. Trần Bình Trọng bước lên một bước nhìn nghiêng nhìn nghé vào đám đông trong điện Đại Minh như muốn tìm người nào đó.
Có bốn người từ trong tiệc rẽ đám đông đi về phía Bảo Nghĩa hầu. Một người mang mặt nạ vẽ bộ mặt trầm ngâm của một nhà sư thuộc phái Phật Tâm Tông, một người nữa thì mo nang vẽ mặt Lang Liêu, ông thần bánh chưng bánh dầy; mặt nạ của người thứ ba là bộ mặt thái sư hoá hổ Lê Văn Thịnh, quan to triều Lý; người thứ tư là Liêu Thủ Tâm, Chắc rằng Bảo Nghĩa hầu biết bốn người này là ai. Chỉ thấy ông kính cẩn tránh đường để họ mau chóng ra khỏi điện Đại Minh bằng cửa Vân Hội, người đeo mặt nạ thiền sư Phật Tâm Tông sực nhớ điều gì đó bèn gọi Bảo Nghĩa hầu lại gần ghé tai nói nhỏ một câu. Bảo Nghĩa hầu lập tức quay trở lại điện Đại Minh, tìm ông “Phỗng” chột và cũng ghé tai ra lệnh.
Chỉ thấy Phỗng chột ngẩn người ra, rồi thình lình như người tỉnh ngủ và tỉnh rượu, ông ta nhanh nhẹn giơ cao dùi đục ra lệnh cho tất cả mọi người:
- Ba bát rượu liền! Rồi các đức ông, các lệnh bà còn cái trò gì thì xin cứ giở ra cho mãn canh mãn võ. Nào... Một này!
Bốn người kia ra khỏi điện Đại Minh thì cũng lột mặt nạ mo nang ra. Chính là Thượng hoàng Thánh Tông. Thượng tướng quân Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trưởng họ Trần và đương kim hoàng đế Nhân Tông. Viên tì tướng thông hiệu sụp lạy xuống ngay thềm cửa Vân Hội và tâu:
- Tâu bệ hạ, thần ở Vân Đồn về mang tin cấp báo. Tướng giặc Toa Đô đã từ đảo Quỳnh Châu đem binh thuyền ra biển. Quân thuyền mộ trong đám dân binh ven biển lưỡng Quảng. Chúng lên đường tính đến lúc này đã được năm ngày rưỡi.
Thế là giặc đã xuất quân!
Chúng tiến đánh đâu? Chúng mượn gió đông thuận đường đánh vào lộ Hải Đông chăng? Hay chúng đánh chiếm Chiêm Thành?
Thượng hoàng Thánh Tông đăm chiêu:
- Về cung Thánh Từ rồi ta sẽ bàn!
Bây giờ hai vua và các đức ông đã bỏ mo nang rồi, lính túc vệ cẩm y vội hùng dũng theo hầu, phò hai vua về cung Thánh Từ.
Viên tướng Điện tiền Hoàng Mãnh nhìn theo họ, lòng bồn chồn. Không khí chiến chinh đột nhiên xâm chiếm tâm trí người đeo kiếm.