Thật là một hiện tượng khí hậu dị thường, hiếm có: Cuối mùa đông năm ấy, sấm đã nổ ầm ì kéo dây chuyền ở chân trời. Mồng năm tết, đột ngột đổ mưa rào. Mùa xuân đi qua vội vàng, chỉ để lại một chút ấn tượng về vài ba ngày mưa phùn ướt loáng mặt đường phố. Cuối tháng giêng đã có những ngày oi bức như thời tiết mùa hạ lúc sắp có cơn giông. Sự cân bằng năng lượng bình thường trong khí quyển bị rối loạn ngẫu nhiên trùng hợp với sự mất quân bình trong đời sống sinh hoạt thành phố và là bà mẹ đẻ ra các tin đồn thất thiệt cùng các câu sấm truyền quái dị. Quả là sau cái tết ta ấy, giá cả mọi nhu yếu phẩm đều vọt tăng. Thực phẩm khan hiếm và sự thất bát vụ mùa năm ngoái đến tháng ngày này mới hiện hình thành hình ma bóng quỷ thực sự đe doạ con người.
“ Năm nay sấm sớm, điềm no đấy, các bác ạ”. Một hôm ông Nhuần vừa buột miệng thế liền bị bà Nhuần phủi ngay: “ Có mà no! Ông trời ông ấy còn hành hạ dân ta, các bác ạ”. Rồi bà đọc to một lô một lốc các câu văn vần truyền miệng ngô nghê bà mang từ các cuộc lễ lạy ở các đền chùa về. Những câu sấm ấy nói rằng: Còn là đói, còn là khổ. Thật cũng chẳng biết thế nào. Lúa chiêm năm nay quả là nghe sấm sớm có phất cờ lên thật. Nhưng thế nào mà cuối tháng tư bão lại rập rình ở ngoài biển đông rồi.
Rồi một hôm, vào khoảng hai giờ chiều, thành phố đang sáng trắng ánh nắng hè chói gắt, bỗng râm mát một cách rất đột ngột. Khi mọi người nhận ra sự biến đổi kỳ lạ ấy, ngẩng lên nhìn thì thành phố đã nhuộm một màu vàng hoàng hôn, màu vàng của nghệ thối. Mặt người biến sắc hết, ai cũng như đang mắc bệnh gan hoặc ung thư máu: da bủng beo và mắt nhợt bệch, mất hết cả thần sắc như mắt người đã chết. Trời đầy mây, thứ mây bị lò lửa hun, đo đỏ, xam xám đứng như đá mọc, quái gở lạ lùng. Tưởng như dồn về, đọng lại ở đây tất cả uất khí tồn đọng bấy lâu nay của vũ trụ.
Đã ngoan ngoãn tiếp nhận yêu cầu của bà vợ gốc đạo ở bên trời Tây, trở về dưới sự chở che an bằng của Đức Chúa Ba Ngôi, ngày ngày vui vẻ vào ra ngõ 401, ông Hảo tay cắp cuốn Kinh Thánh dầy hơn một ngón tay, xuất bản ở Hồng Kông bà vợ mới gửi về tặng, lúc ấy đi đến trước nhà ông Cần, toang toang:
- Bác Cần làm gì đấy? Bác ra mà xem này. - Cảnh sắc cứ như ngày tận thế trong Kinh Thánh ấy, bác ạ.
Ông Cần vừa nhận được thư của Trọng, đang đọc dở; dừng lại, ông bật quạt điện, rót nước mời ông bạn hàng xóm vào nhà:
- Bác Hảo, vào chơi! Cháu nó có viết trong thư gửi cho tôi là mấy năm nay có xu thế biến động khí hậu trên toàn cầu. Trưa nay đài báo có vùng áp thấp mới xuất hiện ở biển Đông mà.
- Điềm này là điềm gở đây. Không nghe ông giáo nói, ông thợ vẽ nhìn ra cửa xuýt xoa: Cứ như một bức tranh vẽ bằng máu! Cái vận, cái hạn đến với dân mình rồi đây. Bác có nghe nói thằng Tầu lại sắp rục rịch choảng ta không! Chà, mấy hôm nay tin đồn dữ lắm.
- Chẳng riêng ở ta có khí hậu bất thường đâu. Ông Cần nói chậm rãi. Mấy năm gần đây châu Âu mất mùa hè thường lệ. Khu vực Địa Trung Hải có những đợt rét chưa từng thấy. Còn các nước Đông Nam á thì bão lụt liên tục.
Ông thợ vẽ lắc lắc cái đầu hoa râm mới nhuộm đen:
- Thì thế! Nhưng bác có công nhận rằng giữa thiên nhiên và con người... có một mối liên hệ rất bí ẩn không?
Tránh cái nhìn dò xét của ông hàng xóm, ông giáo Cần quay mặt đi. Ông đã từng tin vào bói toán, đã đi xem tử vi, tướng số. Nhưng đó chỉ là phút lạc đường chốc lát. Còn tựu trung ông vẫn là người có cốt cách riêng. Ông lại vừa nhận được thư Trọng, Trọng đã ra khỏi cảnh bí bức, dẫu chưa thanh thoả nhưng dã trở về với công việc; Trọng là hàn thử biểu của ông.
Chiếc quạt máy đang vu vu quay bỗng chậm dần rồi dừng hẳn. Ông thợ vẽ vỗ bộp vào mặt bàn, vừa bực dọc, vừa đắc chí một cách độc địa:
- Lại cắt điện rồi! Tôi đoán có sai đâu.
- Chắc là sợ mưa bão đổ cây, đứt đường dây, nguy hiểm.
- Thật là hết chịu nổi! Nhưng mà có thế mới là hợp quy luật!
- Anh uống nước đi, anh Hảo- Ông giáo chép miệng- Kể ra khoa học họ giải thích mình nghe cũng được. Mặt trời biến động, con người đốt phá rừng xanh, đốt cháy nguyên liệu làm vẩn đục bầu khí quyển, phá vỡ cấu trúc tầng i-ông. Rồi lại núi lửa nổ, tung vào khí quyển hàng tỷ tấn bụi khói làm yếu sức bức xạ của mặt trời... Từng ấy yếu tố đủ để gây biến động...
- Hừ, khoa học!- Ông thợ vẽ nhấc chén nước, uống đánh ực- Khoa học cũng là anh nói dựa. Bác có biết không, khoa học nói y hệt Kinh Thánh. Năm 2000 trái đất nóng lên
không phẩy bốn độ xê. Như vậy một phần băng ở hai địa cực sẽ tan, nước đại dương sẽ tràn lấn mênh mông. Nghĩa là... đó sẽ là ngày tận thế!
- Đó chỉ là giả thiết thôi! Ông giáo đáp, khó chịu. Con người này xa cách ông từ cội gốc và mỗi ngày lại thêm xa cách ông. Giờ, ông ta lại nhập cục khoa học vào với Kinh Thánh.
Quay mặt nhìn ra sân, ông giáo Cần tìm cách lảng chuyện:
- Chiều tối nay chắc bão mới về. Kìa, trời đất thế này mà ông Nhuần vẫn say sưa đánh giấc trên cái xích lô. Là người vô tư như vậy kể cũng có cái sướng.
- Tận thế chứ súng kề bên tai lão ấy cũng mặc. Vừa chửi vợ chồng con Loan một trận đấy. Chửi nhau rồi lại cười với nhau ngay được. Đời vô duyên, vô lý hết chỗ nói!
- Tôi nghĩ, ông ta cũng là người lao động hiền lành. Hồi này hình như ông ta đã làm hợp đồng cho Quốc doanh Phát hành sách Thành phố.
- Thì thế nên mụ vợ mới bảo lão ấy ngu. Chửi nhau luôn xoành xoạch. Hôm qua thì vì... nghe đâu thằng Thưởng đòi lại cái nhẫn nó đã biếu mụ Nhuần. Hôm nay thì chuyện cái Loan thôi việc.
- Sao, cô ấy thôi việc ở cửa hàng à?
- Thật ra là nó bị sa thải. Nghe đâu có dính líu vào việc tuồn hàng ra ngoài, cho bọn
phe. Tuần lễ này con bé ôm cái bụng chùm chũm ở nhà rồi, định tậu cái máy khâu của tôi, để sinh nhai.
Ông thợ vẽ cười, đầy vẻ khinh ngạo. Khuôn mặt ông phì phị, hai con mắt lún sâu, đo đỏ như có hơi rượu, ánh lên tia ranh mãnh và dâm đãng.
- Đời... tởm hết chỗ nói, anh Cần ạ- Ghé mặt sát vào ông giáo, giọng ông thợ vẽ tụt xuống một nấc, thầm thì và bí ẩn- Anh có biết thằng Thưởng nó là cái gì không? Bợm cỡ bự.
Phe có hạng. Trùm sò cờ bạc, buôn lậu ma tuý, đứng đầu băng đảng trộm cắp đấy! Nhưng nó chỉ là thằng đầu đường xó chợ ở cái chợ giời An Nam này thôi. Vừa rồi, thật kinh khủng. Hôm ấy, tôi đang ngồi trong nhà vẽ chơi, bỗng nghe thấy một tiếng kêu “ối” và tiếng con Loan la thất thanh. Tôi chạy ra. Thì ra thằng Thưởng đang băm thịt bỗng dưng thế quái nào mà đốt đầu ngón tay chỏ bên phải bị đứt phăng. Chà! Có phải là nó vô ý đâu. Anh có biết vì sao không? Ngón tay ấy hỏng thì còn bóp cò súng làm sao được, làm sao mà trúng tuyển nghĩa vụ quân sự được! ấy thế! Hôm rồi, tôi với cái Loan đi xem phim, tôi truy mãi nó đành phải nói thật. Nó còn bảo, xã người ta đang truy tìm thằng Thưởng. Nó chê thằng này keo bẩn. Nghĩa là cô nàng ngán anh chàng rồi. Khì khì... Thằng này rồi chết! Khổ, chỉ thương con bé Loan.
Ông thợ vẽ rụt đầu lại, chép miệng và lát sau giọng ông bỗng hổn hển xúc động, trong khi hai con mắt phong tình nhoáng lên, ươn ướt một sắc đỏ thèm khát không che giấu:
- Tôi cam đoan với anh là thằng Thưởng thế nào cũng bỏ con Loan. Nhất định là nó bỏ. Thật ra, Loan là một con bé rất đáng thương. Nó không như thằng Thưởng đâu. Tính nó cũng khá. Mà sắc nó thì hay lắm chứ. Ôi, nó đã là mô-đen cho tôi vẽ rồi đấy. Trời, Co nó đặc sắc lắm. Tôi cam đoan thấy nó trần truồng thì đến ông Thánh cũng đổ. Chà, thú thật với anh, một lần nó khoả thân cho tôi vẽ, tôi đã không chịu nổi. Thế là tôi đè ngửa nó ra. Hoá ra, nó cũng là một ngọn lửa. Còn lần khác, tôi không sao còn sức mà cầm cọ được. Cứ như xích bị tuột ấy anh ạ.
Ông Cần rởn hết cả người. Con người này đã sa đoạ đến mức ấy, lại không có được một chút ý tứ lịch sự. Hắn coi ông cùng một giuộc với hắn ư? Sao hắn lại có thể nổi cơn cuồng hứng thô bỉ như thế ở đây, ngay trước mặt ông?
Không! Ông không phải loại người mất gốc. Ông có bản ngã, ông nghiêm túc và khoan hoà, mực thước. Lao lung chỉ là phút chốc, cũng như Trọng, dẫu có thế nào cũng không thể làm đổi thay được cái bản nhiên đã nằm sâu đâm rễ ở trong ông. Ông chỉ có nhược điểm là hay nghiêng ngả, chòng chành. Ông có nền tảng nhưng ông chưa hoà hợp nổi với cuộc sống mới. Nhưng cũng có gì là đáng trách: Nghe tin con gặp điều không may, có lòng cha nào mà chẳng đau đớn hãi hùng. Ông tưởng ông sẽ gục ốm sau cái đêm đến nhà ông Tiễu ấy. Nhưng, kỳ lạ thay, hình như mọi trạng thái tinh thần bao giờ cũng chừa lại một điểm chót để cho con người thử nghiệm lại mình. Ông giáo Cần đã thử nghiệm lại bản thân bằng buổi dạy bọc người nước ngoài ngay hôm sau đó. Hai người đàm thoại quanh chủ đề quê hương và ông giáo giảng cho ông học trò nghe câu chuyện “ Những vì sao” của nhà văn Đô-dê trong đó có ý anh chăn cừu yêu quê hương đồng quê bình dị, đến mức không bao giờ anh đổi nó lấy bất cứ một cái gì, dù cái đó là lâu đài vương giả.
Ông lại ra khỏi cơn khủng hoảng bằng sức đề kháng mạnh mẽ từ tiềm tàng của chính ông. Và do đó, ông tin rằng Trọng, con trai ông, chắc chắn còn vững vàng hơn thế. Trọng là tuổi trẻ của xã hội mới, Trọng cao quý đẹp đẽ, với ông, không ai có thể bì được.
- Cái gì ầm ầm thế nhỉ?
Ra khỏi cơn khoái lạc âm ỉ, ông thợ vẽ đột ngột nhìn ra cửa, hỏi.
- Có lẽ bà con chạy bão.
Ông thợ vẽ lắng tai:
- Không phải. Thằng Lùng con ông Nhuần chửi con Loan. Đến là loạn. Anh Cần này, cái thằng nhóc ấy nó bỏ nhà đi từ ngày thằng Thưởng đến gửi rể, thỉnh thoảng lại mò về gây gổ với con Loan.
- Nó làm ở đâu nhỉ?
- ở xí nghiệp xây dựng nhà cửa thành phố.
- Tôi nghiệm ra... trẻ con nó có cái nhạy cảm, cái tài xét đoán riêng của nó. Hồi nó còn ở nhà, bị hành hạ, thế mà tôi thấy nó còn chơi cá cảnh, thái độ rất đường hoàng.
- Cùng một giuộc như nhau cả thôi. Khá nhất nhà ấy chỉ được cái Loan!- Ông thợ vẽ phán rồi cười rất lẳng lơ-
Tiếc thay hạt gạo tám xoan...
Lại sắp phải nghe một câu bình hết sức trần tục và dơ dáy đây. Mặt ông giáo rân rân đỏ. Nhưng, ngay lúc ấy, ngoài sân có tiếng rít của bà Nhuần: “ Sắp giông gió rồi, quân ăn tàn phá hoại nhà này, chúng bay chết đường chết chợ cả rồi hay sao mà không ra rút quần áo vào, hở!”.
Ông giáo Cần thở phào, định đứng dậy. Nhưng ông thợ vẽ đã quài tay, kéo ông:
- Anh Cần này... hôm nọ tay chuyên gia nó nói gì với anh đấy?
Ông giáo quay lại. Mặt ông thợ vẽ phì phị, phảng phất vẻ mu muội, nhưng hai con mắt thì như hai vết dao chém, sắc sảo, dò hỏi, đầy bí ẩn.
- Nói gì đâu!
- Có lúc tôi thấy nó thì thì thầm thầm mà anh thì cứ như ông Trương Phi.
- à, ông ta kể về đời sống của nước ông ta. ở nước ông ta ngôn ngữ cũng đi mượn, thậm chí cả vua cũng nhập từ nước ngoài vào. ở đó, theo ông ta, cái gì có lợi thì cái đó là đạo lý. Ông ta bảo đó là thắng lợi của chủ nghĩa thực dụng. Tôi bảo: Thế thì anh làm sao thấy hết được cái hay cái đẹp trong những áng văn tuyệt tác của Đô-dê được. Anh là người châu Âu mà anh không gần Đô-dê, Sa-tô-bri-ăng, Huy-gô bằng tôi, một người Việt đâu- Ông giáo cắn môi- Anh Hảo ạ, hoá ra là sự tầm thường thì ngõ ngách nào trên thế giới cũng có, chứ không phải chỉ ở ngõ 401 ta đây.
- Hì hì... - Ông thợ vẽ bật cười- Tôi sợ là chúng ta còn Khổng Tử quá.
- Sao lại Khổng Tử? Đó là văn hoá, là văn hiến dân tộc chứ!
- Tôi nghĩ, họ là chuyên gia đi khắp thế giới, họ đã qua các nền văn minh, họ thừa hiểu nên chọn cách sống nào, anh Cần ạ.
Gương mặt thuần lương của ông giáo chợt đờ ra. Ông đưa cái nhìn lặng lẽ khắp gian buồng nghèo nàn của mình rồi quay trở lại, nhìn thẳng vào mặt ông thợ vẽ:
- Anh Hảo này. Chuyên gia gì cái con người ấy. Nó đích thị là mẹ mìn, là quỷ Mê-phit-xtô đấy, anh Hảo ạ.
- Bác nói sao?
- Hừ, dần dần nó mới lộ mặt. Thì ra nó thóc mách ở đâu mà biết hết về tôi. Nó biết cả việc tôi phản đối phương pháp audio-visuelle ở trường đại học. Nó biết tôi bị tay trưởng khoa trù ép thế nào. Nó biết hết nỗi đau buồn, uất ức của tôi.
- Chuyện của anh là chuyện thời đại đấy anh Cần ạ.
Ông thợ vẽ mỉm cười. Cái cười mỉm ấy làm ông giáo dựng tóc gáy. Con người này bí ẩn quá lắm.
- Thời đại quá đi chứ, anh- Ông thợ vẽ dằn mạnh, nhưng tiếng vẫn không to hơn. Và đã thoát ra khỏi cái con người trác táng hưởng lạc khi nãy, lúc này, thật là rành rẽ, thật là tỏ tường- Chung quy, trong những ngày vừa qua, sự giằng co trong anh tụ lại ở điểm này: chất xám của anh sử dụng vào đâu bây giờ? Có đúng không nào, anh Cần?
Ông giáo lại rùng mình. Con người kia ghê gớm thật. Ông ta đã thâu tóm được tất cả sự rối rắm của tâm trạng ông vào một câu. Và lúc này hai con mắt ông ta cứ như xói vào ông, muốn sai khiến ông:
- Thế đấy. Đúng là vấn đề chất xám. Chất xám của anh, xã hội không dùng. Mà thật ra xã hội cũng không có cơ sở để dùng. Một xã hội mà như vậy là bế tắc rồi!
- Anh nói thế nào?- Ông giáo mở khuy cổ áo, ngắc ngứ.
- Tôi nói về chất xám của anh.
- Không đúng! Chất xám không phải là của riêng tôi.
- Anh cứng nhắc, cực đoan quá!
- Không! Đó không phải là vấn đề chữ nghĩa. Đó là điểm xuất phát. Ông giáo nuốt nước bọt. Và mặt ông bỗng đỏ cháy lên vì nhìn thấy cái cười nhếch khinh thị, mai mỉa của ông thợ vẽ. Xưa, ông nghĩ con người này chỉ là phường giá áo túi cơm tầm thường, giờ thì ông hiểu con người này còn tồi tàn hơn thế nữa. Ông thấy mình bị xúc phạm. Và ông cảm thấy đã đủ gân sức để có thể phanh phui mọi điều ẩn mật và đã đến lúc chẳng nên loanh quanh làm gì nữa.
- Chắc là anh chỉ muốn đi đến vấn đề: Nên đi hay nên ở lại đất nước này chứ gì?
Giọng ông giáo nhiễm vẻ giễu cợt chưa từng có. Ông thợ vẽ lắc đầu:
- Không, ta không nên thô thiển hoá một vấn đề thuộc nhận thức luận và phương pháp luận như thế.
- Thôi, anh ạ- Ông giáo cười gằn- Luẩn quẩn một lúc thì cái tay mẹ mìn ấy bảo tôi thế này: Thưa giáo sư,
Đờ-manh (1) thì tôi không dám hứa,
chứ nếu giáo sư gật đầu thì
Lăng-đờ-manh (2) sẽ có vé cho giáo sư đi Pa-ri ngay! Khốn nạn!
Ông giáo nghẹn hơi. Ông nuốt khan, cổ họng ông đắng ngắt. Nhưng thấy khuôn mặt ông thợ vẽ nhơn nhơn một ánh cười châm biếm, mặt ông lại ứ máu tức giận, giọng ông lập tức lại như ngọn lửa bốc cao:
- Mà nó ngu! Nó không hiểu gì cả. Dẫu có sai một trăm lần thì cái xã hội ta đổ máu xây dựng cũng một vạn lần hơn chủ nghĩa tư bản của nó. Nó càng tỏ ra là ngu khi nó định dùng vật chất để lung lạc tôi. Tôi đã sống ở Pa-ri, tôi còn lạ gì thế nào là đời sống, là thực chất của chủ nghĩa tư bản. Vâng, tôi công nhận xã hội ta còn nhiều cái xấu. Lãnh đạo kinh tế kém, làm ăn hỏng, tham ô, quan liêu nặng, những cái đó gây bực bội thật. Nhưng đó là nỗi bực bội với người thân, chứ không phải là cái căm tức với kẻ thù. Anh bảo tôi cứng nhắc, cực đoan- Ông giáo cười nhạt- Tất nhiên sự cứng nhắc, bảo thủ, cũ kỹ thì nên phê. Những tôn thờ những giá trị thiêng liêng mà bị chê là cứng nhắc, cực đoan thì tôi xin nhận! Khốn nạn! Tôi giảng cho nó nghe văn Đô-dê mà nó không hiểu gì cả. Đất nước này là xương máu của ông bà, tổ tiên tôi, là hương hồn vợ tôi, là tất cả đời tôi, đời con tôi. Có sai thì sửa. Khó khăn thì khắc phục. Những tệ hại thì phải xoá bỏ. Đất nước này đã có Thuỷ Tinh thì ắt phải có Sơn Tinh!
Ông giáo ngừng lại, xúc động làm ông mỏi mệt. Ông thợ vẽ thở phào một hơi. Ông hiểu rằng những lời ông giáo vừa nói là nhằm vào chính ông, ông đang là địch thủ của ông giáo. Và bây giờ ông vui lòng công khai đứng ở cái vị trí đối lập với ông giáo. Ông cười trơ trẽn:
- Nghe anh nói, tôi có cảm giác như hôm nào cách đây một năm đang nghe cậu Trọng phê phán tôi. Hà hà... Nhưng đây là tranh luận, bác cho phép tôi nói thế này: Chúng ta thường hay có thói tật chỉ công nhận có mỗi một chuẩn mực giá trị.
- Cái đó thì rõ rồi. Anh thuộc một ý thức hệ khác thì anh theo một chuẩn mực giá trị khác.
- Hà hà, nhưng đây là đời.
- Anh định nói, đời thì phổ biến và uyển chuyển chứ gì- Ông giáo lắc đầu- Anh y hệt thằng mẹ mìn nước ngoài ấy, nói anh tha lỗi. Nó cũng nói y như anh: Chính trị là của giới lãnh đạo. Còn chúng ta là con người. Mà là con người thì phải mở rộng mình ra hết cỡ để thu nhận tất cả. Nó bảo tôi: Chuyện Sơn Tinh- Thuỷ Tinh giáo sư dậy tôi rất hay. Nhưng cũng là chuyện lũ lụt, trong Kinh Thánh có chuyện
Con tầu Nô-ê cũng rất hay. Rồi nó kể cho tôi nghe chuyện đó. Anh đã đọc chuyện đó chưa? à, cuốn Kinh Thánh anh cầm có đấy. Anh đọc đi. Anh thích cái gì anh đừng bắt ép tôi thích cái đó. Huyền thoại Sơn Tinh- Thuỷ Tinh tôi yêu, vì trong đó có máu thịt, tâm hồn, tiếng đập trái tim tôi, dân tộc tôi. Ông giáo nhắc lại ý của Trọng trong thư gửi ông. Tôi bảo hắn thế. Đó là đời, là tâm hồn, nhưng cũng là ý thức, là chính trị. Chứ không phải là chuyện tôi thích ăn mặn, anh thích mặc áo màu, chị thích đi guốc cao gót đâu. Cuối cùng, tôi nói: “ Thôi, ông học trò của
tôi, lớp học của chúng ta kết thúc ở đây. Tôi khuyên ông từ nay đừng đi học nữa. Ông làm gì còn có được cái hạnh phúc của tuổi học trò: kính trọng và tin cậy hoàn toàn ở thầy!”.
Ông thợ vẽ hiểu rằng ông giáo Cần đã nói thẳng với ông: anh về đi, từ nay đừng nói chuyện với tôi nữa.
Ông hơi kinh ngạc, xưa nay trong quan hệ đối xử, chưa bao giờ ông giáo lại dứt khoát, rạch ròi như vậy.
Vừa lúc ấy, gió vượt qua mái nhà; ù ù quẩn lộng cái sân nhỏ. Ông Nhuần choàng dậy, đập chân trên sàn xích lô: “ Bão về rồi các ông các bà ơi!”. Ông thợ vẽ cắp cuốn Kinh Thánh đứng dậy, chép miệng:
- Dà, lại mưa! Lại bão! Khéo lại dột như rá từ trên dột xuống, đến là nhếch nhác! Không thể mê được!
Ông Cần đi ra ngoài hiên, xê dịch mấy bồn hoa, chậu cảnh ra khỏi giọt hiên, không thèm đáp lại câu nói xỏ xiên của ông thợ vẽ.
Bão ập tới ngay.
Cánh cửa mấy nhà gác cao đập thoàng thoàng hoang vắng. Trên trời như có hàng ngàn con tàu lửa chạy; gió giật đùng đùng. Sấm nổ vang. Tia sét xé rách từng mảng trời đen kịt. Nghe thấy tiếng cây đổ. Rồi tiếng người la hoảng, vụn ra trong mưa.
Mưa như thời hồng hoang nguyên thuỷ mưa về.
Mưa như từ cổ tích huyền thoại mưa ra.
Ông thợ vẽ đặt cuốn Kinh Thánh lên giường, quay ra bật thử công tắc điện thì thấy bà Nhuần đang đứng co ro ở hiên, hai ống quần xắn cao quá đầu gối. Người đàn bà trông như hồi xuân này ra cất quần áo, không kịp chạy về nhà, đứng trú mưa ở đây, trông thấy ông thợ vẽ đỏm dáng, liền cười toe toét:
- Bác Hảo ơi, nghe nói là Tầu nó xây một cái hồ tên là Đại Hải to lắm. Nó định sẽ phá hồ cho nước tràn vào hết nước ta, lúc ấy thành phố ta sẽ ngập tới bẩy mét nước. Ta đang ngoi ngóp thì mười vạn quân Tàu đi một vạn chiếc thuyền từ đảo Hải Nam vào. Nó chỉ còn có việc bắt ta rồi tùng xẻo. Phải không, bác?
Ông thợ vẽ cười mơ màng: “ Cái giọng ả này nghe sao mà ngây dại quá thể thế không biết!”
- Bà nghe ai nói thế?- Ông thợ vẽ nghé đầu ra cửa.
- Là nghe thằng Thưởng nó nói vậy. Chết thôi! Mưa bão thế này, gạo lại kém lắm đấy.
- Bà ơi, Chúa có dạy: Chớ lo cho ngày mai, ngày mai sẽ lo cho ngày mai.
Ngoài sân, ông Nhuần lùng thùng áo mưa bạt đang quay đầu chiếc xích lô ra phía ngõ:
- Chỉ nghe láo, nói láo!- Ông xích lô quát vợ, rồi quay về phía nhà mình- Lùng ơi, xem chỗ nào dột thì che đậy lại. Tao ra kho sách xem nếu bị úng thì còn phải di chuyển đây. Chết thôi, mưa gì mà khiếp thế này!
Ông thợ vẽ nhìn người đàn bà, nhìn giọt hiên, rồi bỗng quay vào nhà:
- Thôi chết, dột! Dột đúng quyển Kinh Thánh. ái dà, trúng cái trang kể chuyện Con tàu chạy lụt Nô-ê. Chỗ ấy dột đấy. Vào trong này mà trú, bà Nhuần!
- Chết thôi. Mưa thế này liệu có lụt được không, bác?- Người đàn bà bước vào phòng, đưa mắt nhìn quanh- Ô kìa, bao nhiêu đồ đạc bác dọn đi đâu hết rồi? Còn mỗi cái máy khâu thôi à? Ơ, bác đọc cái gì thế, bác Hảo?
Ông thợ vẽ nâng cuốn Kinh Thánh trên tay, mặt ngây ngây:
- À à... lụt thì rất có thể là lụt. Nhưng ta có cách chứ. Nào lui vào trong này... tôi đọc cho nghe câu chuyện Tây này rất hay... Hà hà... Trời mưa kinh quá. Chết thôi, áo quần ướt cả rồi đây này. Lui vào đây, cởi ra đi không cảm chết. Kìa, nhanh lên, đóng cửa vào không hắt!
Nói đoạn, dịch sát lại, môi chờm vào vành tai, rồi choàng tay qua khuôn ngực nóng hổi của người đàn bà đang run rẩy bật hàng khuy áo ngực trong bóng tối âm âm của căn buồng đã kín cửa.
CON TÀU CHẠY LỤT NO-Ê
Cựu ước – Sáng thế ký
Đức Giê-hô-va phán cùng Nô-ê rằng:
- Bảy ngày nữa ta sẽ mưa xuống mặt đất trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm. Ta sẽ tuyệt diệt khỏi mặt đất các loài ta đã dựng.
Nhằm năm 600 đời Nô-ê, tháng 2, ngày 17, tránh ngày đó, các nguồn của vực lớn nổ ra và các đập trên trời mở xuống, mưa sa trên mặt đất trọn bốn mươi ngày, bốn mươi đêm.
Thế gian lúc bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa trời và đầy sự gian ác.
Đức Chúa Trời bèn phán cùng Nô-ê, hậu duệ dòng dõi của A-đam, tổ tiên loài người, rằng:
- Người hãy đóng chiếc tàu bằng gỗ cây Gô-phe, đóng có từng phòng, rồi nhét hai bề trong và bề ngoài. Bề dài tàu 300 thước, bề ngang 50 thước, bề cao 30 thước. Trên tàu ngươi hãy làm một cái cửa sổ bề cao một thước và chừa một cửa bên hông. Người hãy làm một tầng dưới, một tầng giữa, một tầng trên. Còn ta đây, ta sẽ dẫn nước lụt khắp trên mặt đất, đặng tuyệt giệt các xác thịt có sinh khí ở dưới trời, hết thảy các vật trên mặt đất đều sẽ chết hết.
Nhưng, ta sẽ lập giao ước cùng ngươi rồi ngươi và vợ con ngươi và các dân của ngươi đều hãy vào tàu. Về các loại sinh vật, ngươi hãy dẫn xuống tàu mỗi loại một cặp, có đực có cái, có trống có mái, hầu cho ở cùng ngươi, đặng giữ trọn sự sống. Lại, ngươi hãy lấy các thứ đồ ăn mang theo, đặng để dành làm lương thực cho ngươi và các loài đó.
Nô-ê làm các điều này y như lời Đức Chúa Trời. Nô-ê vào tàu cùng vợ, các con trai, các dân mình, loài vật thanh sạch, loài chim, loài côn trùng trên mặt đất, từng cặp, đực và cái, trống và mái, đều đến cùng Nô-ê mà vào tàu cùng, y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn người.
Nước lụt phủ mặt đất bốn mươi ngày, nước dâng thêm, nâng bổng tàu lên khỏi mặt đất. Nước càng dâng cao, lên bội phần trên mặt đất, hết thảy các ngọn núi cao dưới trời đều bị ngập. Nước càng dâng lên bội phần cao hơn, các sinh vật đều chết ngập, nào chim, nào súc vật, nào thú rừng, côn trùng và mọi người. Các vật có sanh khí trong lỗ mũi, các vật ở trên mặt đất đều chết hết. Mọi loài trên mặt đất đều bị huỷ diệt.
Chỉ còn Nô-ê và các loài ở với người trong tàu thôi.
Đức Chúa Trời bèn khiến một trận gió thổi ngang qua trên mặt đất thì nước dừng lại.
Các nguồn của vực lớn và các đập trên trời lập tức ngưng lại, mưa trên trời không sa xuống nữa.
Nước giựt khỏi mặt đất, lần lần vừa hạ vừa giựt, trong 150 ngày nước mới bớt xuống.
Đến tháng 7, ngày 17, chiếc tàu táp trên núi A-ra-rát. Nước cứ lần lần hạ cho đến tháng 10, ngày 1 tháng đó, mấy đỉnh núi mới ló ra.
Được 40 ngày, Nô-ê mở cửa sổ mình đã làm trên tàu, thả một con quạ ra, quạ liệng đi liệng lại cho đến khi nước giựt khô mặt đất.
Người cũng thả một con bồ câu ra, đặng xem thử nước đã hạ bớt trên mặt đất chưa. Nhưng bồ câu chẳng tìm được nơi nào đáp chân xuống, bèn bay trở về con tàu cùng người.
Nô-ê giơ tay bắt lấy bồ câu, đem vào tàu lại với mình. Đoạn người đợi bảy ngày nữa lại thả bồ câu ra khỏi tàu. Đến tận chiều chim bồ câu về cùng người và nầy, trong mỏ tha một lá ô-lưu tươi; Nô-ê hiểu rằng nước đã giảm bớt trên mặt đất.
Nhằm năm 601 của đời Nô-ê, ngày 1 tháng1, nước đã giựt, bày mặt đất khô, Nô-ê bèn giở mui tàu mà nhìn, nầy; mặt đất đã se, đến tháng 12 ngày 27, đất đã khô!
Nô-ê cùng vợ, các con, các dân, các sinh vật ra khỏi tàu.