Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> MƯA MÙA HẠ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 29369 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

MƯA MÙA HẠ
Ma Văn Kháng

Chương 22

Chầm chậm chiều buông. Người trên đê đã về nghỉ. Máy dừng ít phút để hai người thợ ăn cơm. Trọng xuống sông rửa tay, quay lên đê, bỗng nhận ra khung cảnh anh đang sống tự dưng yên tĩnh lạ lùng. Dưới vòm trời trải rộng những tình cảm êm ả và an toàn, con đê uốn khúc như một nét vẽ phóng khoáng, mềm mại. Phía tây, từ vệt mây màu cá vàng còn xót lại lúc cuối ngày, chút ánh sáng hung đỏ đang hắt xuống mặt sông lấp lánh một sắc nhị âm vang. Hoàng hôn không gây cảm giác lụi tàn, lại giống như khoảng khắc kết tinh tất cả tinh tuý, linh hồn một ngày dài sôi động. Vòng theo chân đê nước đã lấn tới, ba con thuyền đinh, cao vút các cột buồm, đang lừng lững ngược dòng. Những người kéo thuyền mình trần cháy trụi, khoác vòng dây thừng trên vai đang cúi gập gối, ngả mình về phía trước, nỗ lực và thầm lặng; bóng họ nhuộm đỏ, nổi hình nổi khối trên mặt đê như trong một bức sơn mài. Sự sống mạnh mẽ vang động âm thầm cả trong tiếng sóng đập vào bờ đê, vỡ vụn ra, rời rạc tan vào không gian đang rơi dần vào tĩnh lặng. Trên cao, vòm trời bất động đang rót xuống nỗi bâng khuâng ngọt ngào, cùng những niềm vui mơ hồ, lòng người bỗng như chơi vơi trong hiện tại với những kỷ niệm không bóng hình trong ký ức và những ảnh hình ngày mới đang thấp thoáng hiện hình trong dự cảm.
Đứng lại dưới chân đê trong bóng chiều chạng vạng, nghe thấy một hơi gió lướt trên đầu, ngẩng lên, thấy một cánh cò đang lạng đi trong gió, Trọng bỗng trào nước mắt. Sẽ chẳng bao giờ anh gặp lại tâm hồn mình chiều nay, lúc những tư tưởng bao la hoà hợp với những tình cảm thân mật, êm đềm, nỗi luyến nhớ và niềm hy vọng, trong giây phút hướng về bên trong, tìm thấy ở mình sự kết hợp kỳ diệu hiện thực với lý tưởng.
Trọng khóc. Anh đang đặt chân tới cái điểm tận cùng của mong muốn và bất ngờ. Xưa, anh nghĩ cá tính của anh bảo đảm cho anh, nay anh hiểu cuộc sống cho anh sự tin cậy, vững vàng. Dẫu có thế nào và chính vì tính đa tạp của nó mà cuộc đời sẽ là vĩnh viễn đẹp. Anh là một khía cạnh của cái đẹp, anh nhận được sự thông đạt của cuộc sống, hơn nữa anh còn là phiên bản của cuộc sống, chính cuộc sống dữ dội và những con người đã trải qua cuộc sống ấy đã đem lại cho anh niềm vui sống khoẻ khoắn, mạnh mẽ. Từ nay niềm tin, khuynh hướng, tình yêu của anh cũng như sức làm việc của anh sẽ bền vững, sâu sắc hơn, vì nó thực sự có máu thịt của cuộc đời. Và cuộc chiến đấu để bảo vệ con đê trong mùa mưa lũ của anh không chỉ đơn thuần là một thao tác nghề nghiệp, nó đã trở thành một biểu tượng của những tư tưởng gần gụi và lớn lao của chính anh.
Ngồi xuống chân đê, Trọng nức lên trong âm thầm vì chợt nhớ tới cha. “ Ba ơi! Điều con viết cho ba: phải gắn mình với một cơ cấu chuyển động, giờ đây con mới thật thấu hiểu. Con đã hiểu ra cái nguyên uỷ tạo nên sức mạnh của con. Ba ơi, chúng ta có quyền sống đẹp và chúng ta có những điều kiện để đảm bảo cho sự phát triển nhân cách của chúng ta. Bấy lâu nay con chưa thấu hiểu điều đó cũng còn là bởi con chưa có được sự hài hoà giữa điều con hiểu và điều con thực hành. Bây giờ, con cảm thấy sự hoàn thiện mình đang bắt đầu và con mong ba thứ lỗi cho con, con hết lòng mong muốn ba, từ cái nền tốt đẹp đã có, dấn lên một bước cao hơn, ở đúng cái tầm của một con người giữa cuộc đời mới đang hình thành trong muôn vàn gian khó này!”
*

 

Hai anh thợ đã ăn cơm xong. Trọng cúi xuống cỗ máy:
- Để tôi phát động thử. Rồi tôi sẽ đảm nhiệm phần việc vữa cho các anh. Ta làm thông đêm nhé.
- Chỉ sợ sức ông trí thức còm thôi!
Hai anh thợ máy cười.
Pành pành... Máy nổ vang động. Tiếng nó dội lên cao. Vòm trời mờ mờ chấm lửa. Trời đêm cao bổng, thanh tao và trang nhã lạ lùng.
Quả là chưa bao giờ Trọng thấy một đêm đẹp trời như thế. Những xóm làng ở bên trong đê thiêm thiếp sau hàng tre nhoè nét. Vẳng lại tiếng đất lở nơi bờ sông. Nghe trong mơ hồ một tiếng ru nho nhỏ đâu đó. Yên tĩnh như một mãnh lực huyền bí nhuần thấm và toả ra từ mỗi sự vật quanh anh.
Chỉ có tiếng máy nổ trong đêm. Cái ý tưởng mình là những kẻ duy nhất có mặt trên cõi đời thanh lặng này kích thích ba anh con trai và chiếc máy. Quá nửa đêm họ đã phụt vữa diệt được chín cái tổ mối trên khúc đê dài năm trăm mét.
Nhưng, trời chỉ chiều họ đến thế thôi. Sao tắt đột ngột. Ba người bỗng thấy xung quanh mình đen ngòm. Họ sờ soạng như đột ngột bị rơi xuống một cái vực thẳm. Và lát sau, một cơn mưa lớn đã đổ rào rào xuống đầu họ.
Hai anh thợ vội lái máy về lán kho. Ngã lên ngã xuống mấy lần, người ướt đẫm, lạnh run, Trọng mới tới cái điếm canh; bước vào, anh thấy khoan khoái vì nhận ra trong điếm có đống lửa cháy toả ra hơi lửa ấm toả nồng nàn.
- Anh Trọng! Cởi áo vắt hết nước đi, nhanh không bị cảm lạnh.
Đón anh là một tiếng nói phụ nữ hậu tình, vồn vã.
- Cô Thuận.
Trọng kêu khe khẽ, bỡ ngỡ nhìn cô chủ tịch vừa đứng dậy. Với mái tóc ướt thả dài, rẽ ngôi giữa, trông cô khang khác những lần gặp trước. Cô thanh nhã hơn và tươi trẻ hơn.
- Đêm nay em trực đêm, lúc chiều đài báo tối có mưa to. Em và cụ Ruân vừa đi xem lại các đoạn xung yếu xong, cụ Ruân rẽ vào làng.
Trọng nghiêng mặt. áo cô chủ tịch ẩm hơi mưa. Cái khuy trên cùng buột mở. Khuôn ngực cô gọn ghẽ, nổi lên những đường nét thanh nữ rộn rực hương thầm. Anh cởi áo vắt nước, mặc vào, sực nhớ, lôi ở túi quần sau một xấp giấy gấp tư dầy cộm.
- Tài liệu của anh à?
- Tổng kết về tổ mối...
- Anh hơ ở đây cho nó chóng khô này.
Cô chủ tịch xoay cái nồi gang nhỏ trên đống than củi. Cái vung kênh, bay ra mùi cơm nếp chín nục thơm lừng.
- Anh Trọng này, tại sao các anh trí thức ở thành phố, anh nào cũng gầy gầy là.
“ Cô ta thấy bộ xương sườn của mình”. Trọng nghĩ, cười khe khẽ.
- Gầy là một tiêu chí của nhà nho xưa đó.
- Anh nói vui nhỉ.
- Muốn thành tuấn mã phải chịu gầy gò, cô Thuận ạ.
- Em cứ nghĩ là vì công việc của các anh... phải lao tâm khổ tứ vất vả.
- Như cô Thuận làm chủ tịch một xã lo nghĩ vất vả hơn bọn tôi nhiều chứ.
- Có gì đâu!- Cô chủ tịch lắc đầu, mủm mỉm- Việc ở thôn xã bao giờ mà chẳng thế. Sống, làm việc, muốn công việc được kết quả thì tất là phải va chạm, phải đấu tranh. Đấu tranh tiếng thế cũng khó mà cũng dễ. Chỉ cần lòng mình trong sáng như tấm gương soi thôi, anh ạ.
Ngọn lửa dướn cao. Bên kia lửa, cô chủ tịch vơ mái tóc, vuốt ra sau, ngửa cổ, lắc lắc mái đầu. Cử chỉ của thời con gái trong trẻo hồn nhiên ấy của cô khiến Trọng thấy cô tươi trẻ, nhẹ nhõm hơn anh vẫn hình dung. Quả là anh mới chỉ hình dung ra cô hơn là nhìn thấy cô. Như là cái đêm anh ngồi dưới tổ mối nghe được cuộc đối thoại của cô với ông chủ tịch huyện. Anh thấy cô nồng nhiệt, trong sáng, ngay thẳng. Cái tính cách ấy giờ anh nhận ra nó hợp với dáng vóc, khuôn mặt, cử chỉ cô, mang vẻ trẻ trung, mới mẻ vô cùng. Cô đẹp, đẹp một cách mặn mà, chân thật. Và kỳ lạ, rất thật đấy mà vẫn rất khó nắm bắt. Có lẽ vì sự uyển chuyển, sinh động và vẻ thanh thản của khuôn mặt tròn, hai con mắt đằm thắm cùng vệt mày mảnh mai.
“ Con người kia không ít khó khăn hơn ta đâu”. Trọng chợt nghĩ và rơi vào trạng thái mơ màng, thấy mình như một kẻ đang đi giật lùi, lùi mãi, lùi mãi ra xa bóng hình người phụ nữ ở ngay trước mặt anh đang ngày càng trở nên thân thiết với anh.
- Anh Trọng ăn cơm nếp nhé! Em nấu cho các anh đấy.
Thuận nâng một bát cơm nếp trên tay, âu yếm nhìn Trọng. Vừa lúc ấy có tiếng gọi cô ở ngoài cửa điếm canh. Cả hai vội đứng dậy. Ông cụ Ruân loạt xoạt áo bạt bước vào:
- Huyện vừa cho giao thông xuống truyền đạt lệnh- Ông cụ thở hổn hển, tiếng nọ lấp tiếng kia- Bão lần này to lắm! To lắm!

 

*


Mưa ngớt. Nhưng, phía thượng nguồn vẫn mù mịt sương mây. Nước sông đã dâng tới lưng đê. Nhìn về phía đông, thấy những đám mây xám trắng dựng thành hình những quả núi khổng lồ. Trên đống cát mới hong khô lớp mặt, đàn sẻ cả trăm con từ đâu xà xuống rũ lông đập cánh tắm cát. Để ý quan sát sẽ thấy kêu lích rích liên hồi. Và ở trong mái điếm canh, lũ nhện đang vội vã rút ngắn đường tơ, củng cố mạng lưới mới giăng.
Dấu hiệu cơn bão lớn đã xuất hiện.
Điều đó đã là hoàn toàn chính xác! Trận mưa đêm qua thực sự chỉ là kẻ đi tiền trạm của cơn bão lớn, cơn bão số 10 mang tên Nan-cy đang hình thành mạnh lên từ một vùng áp thấp, có sức gió ở gần vùng trung tâm tới cấp 11, 12.
Trước điếm, ông cụ Ruân dựng ngược hai cái vồ. Lệnh báo động số hai đã phát, loa kêu ra rả. Người Nguyên Lộc gần như lên hết mặt đê, quay cuồng với công việc sửa soạn. Đội trưởng Ngoạn hối hả thúc quân củng cố cái kè đá mới xây, lại gào thét về việc thiếu đá hộc dự phòng. Khốn nạn thế! Cái lão thủ cống, làm thế nào mà lão lại thoát khỏi búa rìu trừng phạt! Chẳng có lẽ bọn người xấu xa lại cứ nhơn nhơn tồn tại, hơn nữa lại còn thịnh đạt! Kẻ xấu thịnh đạt! Thật là nhục! Nhục quá! Xưa nay ông ít để ý tới bọn này, ông chỉ biết công việc. Rồi đây, sau trận này, ông tự nhủ ông sẽ phải khôn ngoan hơn.
Chiều ấy, cơn bão lớn vượt qua đảo Hải Nam vào Vịnh- Bắc Bộ. Đêm hôm sau mưa bắt đầu trút nước trên tất cả các lưu vực sông Đà, sông Lô, sông Thao. Mưa rả rích đêm ngày. Mưa tối tăm mặt mũi. Trận này chưa qua trận khác đã tới, ráo riết, hung tợn hơn. Mưa thối đất thối cát.
Mưa thốc tháo, triền miên.
Mưa như dốc chĩnh nghiêng vò nước. Mưa như vỡ bể nước nơi thượng nguồn. Tưởng như biển có bao nhiêu nước, trời hút lên, đổ xuống đất liền hết.
Các con số mức nước leo thang vùn vụt. Báo động vọt lên cấp ba. Tám ngày liền, cả một vùng lưu vực mấy con sông rộng 280.000 ki-lô-mét vuông đầm đìa nước đọng. Hàng chục tỷ mét khối nước tuôn xuống các dòng chảy. Các con sông hình thành ngọn lũ. Và tấm thảm kịch đã ở nhãn tiền: Ngọn lũ của các con sông khớp nhau, dồn tụ về con sông Hồng, đi qua Nguyên Lộc.
Ông cụ Ruân đi kiểm tra mai đê về, ướt dầm dề, ngồi bên đống lửa trong điếm, run rẩy, như mê hoảng:
- Kinh quá! Cái trận lụt năm 1915, nước phá đê, khoét một cái hố sâu, to gấp năm sáu lần cái hố bom hồi Mỹ nó thả. Dân phu cả tổng đổ không biết cơ man nào là đá mà cứ như muối bỏ bể. Về sau, bên ngoài đóng hai hàng cọc, mặt ngoài ốp phên để cản nước... Nhưng đang hàn khẩu thì một đợt lũ nữa lại ập đến, phá tung hết!
Có ai nghe ông cụ nói đâu! Ông cụ nói một mình!



Đội trưởng Ngoạn chốc chốc lại gào trong ống nói về ba nghìn tấn đá. Khốn khổ! Đường dây điện thoại nối với huyện lại đã bị mưa bão phá hỏng. Tức giận, ném cái ống nói xuống bàn, ông vùng ra ngoài điếm canh.
Mưa tầm tã. Hàng trăm bóng người mờ mờ đang chuyển động trên mặt đê. Người thủ kho ở đâu chạy đến, cuống cuồng giật tay đội trưởng:
- Đồng chí Ngoạn! Hình như có tiếng nước chảy trong thân đê. Chân kè không khéo bị sụt mất!
- Làm cái gì mà cuống lên thế- Đội trưởng gắt- Việc của ông là đá hộc còn bao nhiêu thì cho hết lên mặt đê đi. Cả bao tải, rọ sắt, tre, gỗ, phên nứa. Cho hết lên!
- Báo cáo, tôi đã hoàn thành mọi việc!
- Thế thì ông lại chỉ huy việc đắp con trạch cho tôi.
- Tuân lệnh!
- Này ông, bây giờ mới thấy rõ hơn: không lo diệt trừ bọn xấu thì chẳng làm nên cơm cháo gì sốt.
- Thì thiên thời, địa lợi và nhân phải hoà nữa, thủ trưởng.
Người thủ kho chạy được một quãng bỗng dừng lại, nhìn xuống mặt nước sông đã mấp mé mặt đê, vung nắm đấm: “ Tiên sư lũ thuỷ quái chúng mày nhé!”
Đội thanh niên xung kích đang hì hục khiêng vác đất đắp thêm bờ con trạch. Nước trong đê đã dìm nghỉm không còn sót một mô đất nào ở gần chân đê. Họ phải lội tới ngực, đào mò. Trên mặt đê, tiếng đội trưởng bạt đi trong luồng gió lớn ào ạt:
- Đánh dấu, cắm biển ngay chỗ bị sụt lở! Chữa ngay khi còn hư hỏng nhỏ. Kẻ nào cản trở, ú ớ bắt ngay cho tôi! Các đồng chí bộ đội! Lên đây, lên đây!
Trọng đang ở trong lán kho với hai anh thợ máy. Máy đang sửa chữa nhỏ. Sốt ruột, Trọng chạy ra ngoài đê.
Kinh hoàng quá, nước lênh láng, trắng lạng xung quanh anh. Ngoài xa, đường nhựa đã ngập lút, nhô lên mui ba bốn cái ô tô đang chết đứng trong nước. Hai trung đoàn bộ đội được điều động cấp tốc tới, lội bì bõm qua đồng, lên tới đê, theo sự chỉ huy của đội trưởng Ngoạn đang bốc đá ốp vào chân đê, chỗ bị dòng nước xói thẳng vào. Xếp được mười phút hết đá, họ nhảy xuống nước, lặn bốc đất lên.
Khúc đê bây giờ chỉ còn là một nét đỏ nhờ, mỏng mảnh bên mênh mông sóng nước. Như thác đổ, nước sông đỏ lừ, hoăm hoẳm những xoáy nước hình phễu kêu oằng oặc, sùng sục, đánh nước vào thân đê. Con đê như một sợi dây căng hết độ, rung rung. Trời! Con đê, biên giới của sự sống, cái chết. Trong kia, đồng ruộng, nhà cửa, xóm thôn, đường xá, cầu cống, nhà máy. Trong kia, cuộc sống đang xây dựng trong gian nan, gắng gỏi. Chưa bao giờ Trọng thấy sợ hãi đến thế!
- Các đồng chí xung kích, nhanh chân lên tí nữa! Một bóng phụ nữ vai vác thỏi đất vượt qua Trọng, giục giã- Mấy đồng chí lên phía trên hỗ trợ cụ Ruân sử lý vòi phun. Nhanh lên!



Mưa quất ê mặt. Hai anh thợ đã cho máy ra mặt đê, bắt nó làm việc ngay trong mưa gío. Trọng quay trở lại. Có một đám đông xúm xít ở gần chiếc máy. Trọng chạy tới. Thì ra nhiều người đang vây quanh một chiếc com-măng-ca bùn nước bê bết. Làm sao nó lên được tới đây? Nhẩy xuống đầu tiên là một người dong dỏng đeo kính trắng. Người đó kêu to:
- Trọng!
Trọng nhận ra người nọ. Người nọ xô đến Trọng:
- Phương pháp của bọn mình thử ở Cấm Sơn phát hiện tổ mối khá chính xác, nhưng thôi, việc đó để sau. Mình đã về với phòng các cậu. Bây giờ, phải làm gì?
Mặt Trọng ê ê. Tiếng người nọ lẫn trong tiếng máy nổ, tiếng mưa rơi lộp độp, tiếng chân người chạy lép nhép. “ Chậm mất rồi”. Trọng thoáng một ý nghĩ, tay nắm tay người đeo kính cận.
- Đồng chí chủ tịch huyện. Đá hộc ba nghìn tấn đâu? Đâu?
Đội trưởng Ngoạn từ đâu chạy đến, gạt Trọng, sấn tới sát đầu ô tô. Chủ tịch huyện vừa nhảy xuống đất cùng với một người nữa tùm hum trong cái áo mưa bạt. Quần xắn tới bẹn, áo mưa cộc, mũ cối ròng ròng nước rìa vành, hai con mắt chủ tịch huyện trũng sâu, ông đã lặn lội cả tuần nay trên các tuyến đê. Ông lừ mắt về phía sau. Người đứng sau ông chột mắt, môi tớn, răng thưa nhe nhe, lập cập:
- Báo cáo anh... Tôi đã trình bày với anh rồi ạ. Giá quy định là năm đồng một tấn! Nhưng, công ty đá họ đòi những ba mươi nhăm đồng. Họ lại còn đòi phải cho họ hai con lợn ba tạ.
- Nhưng mà, tôi đã bảo ông thế nào? Khốn nạn đến thế là cùng! Một bài học cay đắng nhớ đời cho tôi đấy. Chủ tịch huyện dằn, đau xót.
- Đá hộc đâu, ông Long?- Đội trưởng Ngoạn tiến đến sát mặt người chột mắt quát lớn liên tiếp:- Đá hộc đâu? Đá hộc đâu? Chỉ biết yên thân phì da thôi, hả? Sống chết của dân thì mặc bay, hả? Đi, ông đi với tôi! Không có đá thì đem thân xuống đây mà lấp.
Chủ tịch huyện kéo tay đội trưởng:
- Anh Ngoạn. Vấn đề rõ rồi. Tôi đã kỷ luật cách chức ông ta. Giờ, tổ chức lại, chống đỡ tại chỗ. Tôi đã cho người lên tỉnh. Nội nhật hôm nay sẽ có đá về. Tôi ra lệnh tất cả lực lượng, phương tiện yêu cầu lên hết mặt đê!
- Chậm rồi, anh ơi!
Vùng ra khỏi tay chủ tịch huyện, đội trưởng gào cay đắng. Chậm rồi! Trọng bủn rủn. Đội trưởng Ngoạn sao có ý nghĩ giống anh thế. Và sự thật đã đúng như anh nghĩ: ở khúc đê trên, bỗng nổi lên những tiếng kêu cứu thất thanh:
- Sụt kè đá rồi, các đồng chí ơi!
- Không khéo nước tràn qua mặt đê rồi, trời ơi! Đội trưởng Ngoạn quay ngoắt lại, vụt lên. Trọng chạy theo. Người đang dồn lại chỗ kè đá, cạnh cái cống mới sửa. Nước chỉ còn cách mặt đê chưa đầy gang tay. Sóng đánh tung bụi nước lên mặt đê.
- Điều một trung đoàn bộ đội lên đây!- Chủ tịch huyện hét khàn khàn. Trên vai ông, một cái rọ đá.



Đất, đá ném tùm tùm xuống chân kè sụt. Sóng lui ra lại lấn vào. Mặt đê rậm rịch. Nước vẫn lên. Cơn ghen của Thuỷ Tinh đang độ nồng. Trọng vác một cây tre cùng với anh đeo kính trắng ném xuống bờ đê để đóng cọc thì nghe thấy tiếng anh thủ kho gọi giật. “ Sao lại có điện thoại lúc này? Đường dây nối được rồi à? Hay thông báo về tình hình lũ”. Trọng vừa nghĩ vừa chạy về điếm.
Trước cửa điếm, ông cụ Ruân đang đứng trong một cái ô đen với một anh trai trẻ, trông quen quen.
- Thôi thôi, anh nhà báo. Hỏi chuyện, xin để lúc khác- Ông cụ Ruân vuốt mặt- Lúc này là lúc, không khéo là tổ kiến hổng đục toang đê vỡ, sai một ly đi một vạn dặm đấy, anh ạ. Anh để sau nhé. Cả cái chuyện lão độc Long kia nữa. Anh phải cho nó một bài vạch mặt.
Người thủ kho chen tới:
- Anh nhà báo này, tôi chỉ là phó thường dân thôi. Tôi có hai ý kiến thế này. Một là yêu cầu phải có ngay một bộ luật đê điều, phải có cả mục xử trảm kẻ vô trách nhiệm. Hai là ở đây người đáng ca ngợi thì nhiều. Nhưng tôi đề nghị anh viết về Trọng, cái công trình của anh ấy.
- Anh Trọng đâu? Tôi hứa với anh ấy từ vụ lũ trước mà bây giờ mới đến được. Anh Trọng đâu?
Trọng bước vào trong điếm canh. Thôi anh nhà báo. Sau trận này hãy hay. Anh nhấc ống nói. Trời! Hoá ra ông Chánh. Ông Chánh ân cần hỏi thăm sức khoẻ của anh, lại còn xin lỗi anh về một sơ xuất nào đó và kể lể dài dòng tên những hàng căng tin, những là quần đùi, bát đĩa, lốp xe đạp, cả cỗ bài tu-lơ-khơ anh được phân phối đợt này. Con người tốt bụng này suốt đời không đúng lúc!
- Vâng, cám ơn bác. Anh Tấn đã có mặt ở đây rồi- Trọng nói nhanh- Còn bây giờ đang gay go lắm. Cái chết gần kề rồi, nguy hiểm lắm rồi, vâng, có thể chết lắm, bác ạ.
Buông máy, Trọng vùng ra mặt đê. Không hiểu tại sao anh lại nói đến cái chết nhỉ? Nhưng anh quên ngay ý nghĩ ấy. Nơi kè sụt đã được gia cố. Chủ tịch huyện đang điều khiển bộ đội đắp dài thêm con trạch. Có một đám đông con trai tụ lại ở gần cỗ máy phun vữa. Nữ chủ tịch Thuần kêu: “Các đồng chí thanh niên, không nên như thế!”. Đám đông cứ quẩn lại hò reo ầm ĩ. Ai đó gào: “ Lôi kẻ bao che nó ra đây!” Lát sau, từ đám người tọt ra một đống áo mưa lùng thùng. Ông Long thủ cống bị trói giật cánh khuỷu, mặt bê bết bùn nhão vừa bị dúi xuống đất, đang loạng choạng đứng dậy.
“ Trừng phạt lão ấy bây giờ làm gì nữa. Chậm rồi!”. Trọng nghĩ, nhức nhối và chạy về đoạn cuối khúc đê, ở đó cái máy phụt vữa vẫn đang gắng sức nổ trong mưa.
- Anh Trọng ơi! Cái chỗ đất kia làm sao nó cứ lùng bùng như thư thế nhỉ?
Nghe tiếng anh thợ trẻ bỗng nhiên kêu trong tiếng máy nổ ầm ầm, Trọng bước lên và hốt hoảng nhận ra khoảng đất ngay dưới chân anh vừa xuất hiện một khoang rỗng thật lớn. Nguy hiểm quá, anh đã nhận ra, đây là


một cái tổ mối lớn, rất lớn, đã được đánh dấu, nhưng chưa kịp xử lý. Vâng! Đó chính là cái tổ mối đông hai trăm triệu con của mối Nữ Chúa mà ta đã nói tới ở chương trên trong cuốn truyện này.
Kinh hoàng, Trọng thét lạc tiếng:
- Gọi đội xung kích lại đây! Lại đây các đồng chí ơi!

 

*

 

Khi mấy chục con người ướt đầm đìa nghe tiếng anh kỹ sư gọi, chạy tới, đứng vây quanh khoảng đất lùng nhùng nọ thì nước sông theo mấy đường dẫn đã tràn vào gần đầy cái tổ mối ấy rồi. Các đường mối lấy nước vào tổ, thoạt đầu, chỉ nhỏ bằng cái đũa, giờ đây theo quy tắc thuỷ phá thổ, đã mở rộng dần. Cái sẩy nẩy cái ung. Chẳng mấy lúc nước đã ngập các đường ngầm, vườn nấm, hoàng cung và dâng dần lên. Khẩn cấp, Nữ mối chúa đã được lũ mối thợ khiêng lên đỉnh tổ. Và không khí trong tổ bị nước chiếm chỗ, dồn lên, ép đặc sệt vào khoảng hẹp còn lại của vòm hang.
Trọng kêu:
- Sẵn sàng đất dự trữ! Làm rãnh nước lọc, làm ngay máng dẫn nước ở mái đê trong đồng. Cho tôi cái thuốn!
Rồi như mê sảng, anh nhảy vào giữa khoảng đất phía trên vòm tổ mối, thọc cái thuốn xuống. Tấn và người thủ kho, mỗi người một cái thuốn nữa, nhảy tới cạnh anh. Phải mở đường cho không khí bị dồn ép thoát ra. Nếu không, tức khí, tổ mối sẽ nổ đánh ục và trời ơi, lúc ấy thảm hoạ sẽ khôn lường, vì thân đê sẽ bị vỡ ngay lập tức.
Cái thuốn của Trọng xuyên xuống lòng đất. Sao nó nặng thế! Mũi thuốn bí rì rì. Anh cảm thấy rất rõ là mình đã dồn hết trọng lượng thân thể và huy động toàn bộ sức mạnh dự trữ từ một nơi nào đó tưởng như là vô biên, vô tận, mà sao mũi thuốn vẫn không chịu đi. Anh ngẩng lên, rũ đầu. Mưa xối vào mặt anh. Nước chảy ròng ròng hai bên má anh. Anh tưởng là mình khóc. Anh đã chậm bước rồi. Và thế là cái điều tồi tệ nhất đã ở ngay nhãn tiền! Đau đớn quá! Những cái đê hèn, xấu xa, đã cản trở công việc của anh. Cay đắng quá! Nhưng, trong vở bi kịch này, anh không chỉ là một nhân vật bị sai khiến, có số phận hẩm hiu. Anh tự không cho phép mình trắng án.
Bỏ cái thuốn, Trọng gào như điên dại:
- Cuốc đâu? Vào đây. Thêm người nữa. Cuốc đi! nhanh lên!
Một biện pháp tối nguy hiểm. Nhưng còn có cách nào hơn? Tình thế đã ở bên bờ tuyệt vọng. Trọng gầm mặt xuống cuốc, bên cạnh anh là những bóng người hối hả. Tiếng lưỡi cuốc bổ vào đất nghe nặng như tiếng đào huyệt mộ dưới lòng đất. Bỗng, đất như vừa mở tung tở, bùng bục dưới chân anh. Trọng rùng rùng người. Có tiếng đội trưởng Ngoạn thét: “ Bình tĩnh!”. Trọng thấy mình nghiêng ngả như sắp ngã. Điều lo sợ nhất của anh, nỗi ân hận sẽ ám ảnh anh cho đến cả khi anh nhắm mắt xuôi tay, đã là thật sự rồi ư? Một cơn gió cuộn nước sông, tung sóng, toé nước vào mặt anh và mọi người. “ Lẽ ra...” anh nghĩ mập mờ. Và không kịp nữa rồi, anh thấy mình tụt hẫng một bên chân. Tim anh như bị vỡ ra. Không khí bị dồn ép quá mức đã phá vỡ mặt đê. Điều khủng khiếp nhất đã xẩy ra. Một tiếng nổ đánh ục, nghe thật gọn và giản dị. Rồi nước sông giống như con quái vật, cướp ngay thời cơ, trào qua nơi đất đê vừa vỡ, tràn vào, vòng một con xoáy, cuốn lấy Trọng trong cánh tay bạch tuộc nhớt lạnh của nó, kéo anh ra ngoài sông.
Trọng cưỡng lại, chồm lên:
- Dù có chết cũng không được để vỡ đê!
Đội trưởng Ngoạn nhảy ùm xuống hố nước, hét:
- Đất đá vét hết về đây. Đắp con trạch! Giữ bằng được! Khốn nạn quá! Sao lại không có đá hộc! Nhanh lên!
Tiếng thét của đội trưởng tưng tức không thật. Trọng thấy mặt tối sầm. Cuộc sống nghiệt ngã quá. Loáng qua óc anh tất cả những gì gần cận và những điều chẳng như ý. Vô cùng lộn xộn, gương mặt Loan hiện lên bên gương mặt cô chủ tịch Thuận, như một đối trọng để so chiếu. Và cứ thế, cái ảo giác trừu tượng về hợp lực, lý tưởng và hiện thực lại hiện ra mang một hình sắc rất khó tả. “ Điều chủ yếu là mình đã về được đúng vị trí. Chỉ tiếc, nếu có được một tình yêu sống chết bên nhau... Sao mình thấy đói thế nhỉ? à, bát cơm nếp Thuận đưa chưa kịp ăn. Bản tổng kết để trên cái vung nồi. Lá đơn xin vào Đảng vẫn ở trong túi áo ngực đây. Ướt mất rồi. Sẽ viết lại. Chắc chắn sau sự kiện này mình sẽ sống sâu sắc hơn, mình sẽ xứng đáng hơn.” Ai đó vừa thả xuống trước anh một cây tre. Anh với cây tre, mệt lả, anh cố vắt người qua cây tre, lưng hướng ra phía dòng sông. Anh cảm thấy lưng mình đau ê ẩm. Cả bốn mươi tám tỷ khối nước đang đập vào anh. Anh chống lại chúng, chống lại thói bạo ngược của chúng. Nhưng hình như dòng nước đã bị ngăn chặn lại. Hung bạo phải bị đẩy lùi, mọi người phải đồng tâm, lịch sử và con người sẽ đi đến hoàn thiện. Anh nghĩ mê man.
- Anh Trọng, anh giữ tay em cho chắc nhé.
Có tiếng phụ nữ rất quen thân bên tai anh. Anh cố mở mắt. Gần chục người đã nhảy xuống, như anh, dùng thân mình để hàn khẩu chỗ đê vỡ. Cạnh anh là một khuôn mặt dài dại, nhưng rất quen. Ai thế?
- Trọng, lên bờ đi, Trọng!
Người nọ gọi, như lay tỉnh anh. Anh nhận ra người đó bằng tiếng nói. Và hiểu: anh ấy mất cái kính trắng nên trông lạ hẳn đi.
- Anh Trọng!
Một bàn tay phụ nữ nắm lấy cánh tay anh, anh hiểu đó là bàn tay Thuận. Anh thấy chị gần anh chứ không xa anh như anh cảm thấy ở cái đêm mưa trong điếm canh. Ngọn lửa trong điếm canh đêm ấy ấm áp quá. Một con sóng vượt qua đầu mọi người. Anh buột tay khỏi bàn tay người phụ nữ. Mệt quá! Anh cố nhoài tay để nắm lấy tay chị. Cố lên, cái chết ở ngay sau lưng đây thôi. Anh nghĩ. Nhưng, hình như là chậm trễ rồi. Sao suốt đời anh cứ chậm trễ như vậy là thế nào nhỉ?

<< Chương 21 | Chương 23 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 925

Return to top