Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> MƯA MÙA HẠ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 29366 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

MƯA MÙA HẠ
Ma Văn Kháng

Chương 14

Cuối cùng thì mùa hạ cũng đã lặng lẽ đi qua. Sương thu sớm chiều thoa một lớp kem mát dịu lên phố xá và mặt người. Đã qua rồi những ngày mưa rả rích tối trời, và con người dường như đã thoát khỏi nỗi lo âu phấp phỏng thường xuyên về những cơn tai hoạ ngập lụt có thể ập đến bất cứ lúc nào.
 Ngõ 401 khô ráo. Một hôm, vợ chồng ông bà Nhuần và lũ con đông đúc đã bày tỏ năng lực xoay xoả, tổ chức lao động và thu vén của mình. Họ đã đi xin và chuyên chở từ đâu về gần hai chục tấm bê tông lát mặt hầm từ hồi chống chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ và trong chốc lát đã biến cái ngõ lầy lội thành một đường băng sân bay phẳng lỳ. Một công đôi việc, ông Nhuần vừa thực hiện nhiệm vụ tổ trưởng dân phố, làm cho quang nhà sạch ngõ, vừa dọn lối cho đám cưới con gái đầu lòng của ông.
 Mùa thu, cốm xanh theo đòn gánh cong hai đầu vào thành phố, mùa trai gái kết đôi. Mùa thu ấy, cái ngõ nhỏ tưng bừng vì cái lễ ăn hỏi của nhà Thưởng. Mở đầu bằng một đoàn hơn chục cô trinh nữ áo dài tứ thân, quần lĩnh tía, thắt lưng bao hồng đào, xanh thiên lý, tóc bỏ đuôi gà, như tố nữ, như văn công, đầu đội tráp quả sơn đỏ đầy ắp đồ dẫn cưới, Thôi thì đủ hết của ngon vật lạ, kỳ thú, đặc sắc. Cùng với sơn hào hải vị, hoa quả trầu cau



cổ lệ, đám này còn mang theo cả những sản phẩm hiện đại của công nghiệp Âu, Mỹ, như khăn áo ni-lông, thuốc lá Sa-mít và nước hoa Pháp, tơ lụa Nhật.
 Cuối thu, pháo đám cưới nổ ran các buổi chiều sương ủ. Giao duyên, con mối chọn kỳ sấm chớp, con người đợi khi se lạnh. Đám cưới người cũng ồn ào phong cách vũ hội, nhưng rước nhau bằng ôtô chạy xăng. Cao điểm, có ngày thành phố ba trăm đám. Ba trăm đám ít ra là ba trăm xe ôtô.
 Thành ra, một hôm, ông Nhuần mặt đỏ bừng bừng, từ phố về, rẽ vào nhà ông thợ vẽ, thở hồng hộc, than rằng:
 - Bác Hảo! Chết! Chết! Thiên hạ đua nhau cưới xin. Nhờ vả tay trong mãi mới thuê được một chiếc Hải Âu. Nhưng mà phòng cưới thì chịu. Kín hết cả rồi. Phiền bác hoạ sĩ giúp hộ một tay vậy.
 Ông thợ vẽ dạo này rỗi, chỉ chơi nhởn, cười cợt nhả:
 - Bác tội gì mà vất vả ngược xuôi thế! Lấy nhau thì con gái bác và thằng rể phải tự lo liệu chứ. Chúng sướng chứ mình sướng à?
 Ông xích lô gãi gãi gáy, thật thà:
 - Thôi thì... đời người chỉ có một lần, sợ các cháu có điều gì sơ xuất. Cháu Loan thì vốn đoảng, dăm ngày lại mất ví, mất tiền một lần. Còn anh cháu, tiếng thế cũng có lo được gì đâu. ấy, mọi việc không có mẹ cháu thì tôi cũng đến chịu.
 Ông thợ vẽ gật đầu nhận lời. Và ông bắt đầu trổ tài.
 Dưới sự chỉ đạo thiết kế mỹ thuật của ông, công việc bắt đầu. Lũ trẻ con được chị Loan thuê tiền quét xong cái sân thì bàn ghế được khiêng ra. Tất cả đều là mượn mõ của hàng xóm. Cao, thấp, khấp khểnh, nhưng ghép lại, kê, độn, vá víu, xếp thành ba hàng dọc rồi phủ ni-lông hoa lên, trông cũng tươm. Che rợp tất cả là một tấm dù trắng. Phông vải căng bốn phía. Phía nào cũng dán hai chữ T. L kiểu cổ, như đôi rắn quấn nhau. Cạnh đôi chim câu chắp cánh là vô số các hình trang trí do ông thợ vẽ trổ bằng giấy trăng kim, xanh, đỏ: chim, cò, nốt nhạc, thiếu nữ khiêu vũ, cầu thủ dẫn bóng, thuyền buồm lướt sóng, trăng tròn, sao nhiều cánh...
 Trưa hôm sau thì cái sân bẩn thỉu biến thành một toà cung điện. Đến hai giờ chiều nó hoá thành một cái phòng hoà nhạc. Hai cái loa thùng kê ở hai góc, nối với cái A-kai V18, liên tục phát ra luồng sóng nhạc xình chát to hết cỡ, thu hút hết tất cả trẻ con ở trong vùng quanh bán kính nửa cây số.
 Bà Nhuần đứng duyệt sự bài trí, tấm tắc khen tài nghệ ông thợ vẽ. Nhưng bà đề nghị phải thêm cả nhạc sống nữa và bà lại vật nài ông Hảo vốn quen thuộc với nghệ sĩ lo việc mời đón họ hộ. Thế là ông thợ vẽ lại phải tất tả ra đi.
 Bữa cơm chiều, có một tốp sáu, bẩy anh lỉnh kỉnh những đàn, trống, kèn sáo, đến ngồi khít một mâm. Các nghệ sĩ ăn, uống như rồng cuốn. Toàn loại choai choai để ria mép, tóc kín gáy, áo ca rô, quần loe, một câu nói văng một tiếng đệm tục tĩu. Ông Hảo ghé tai bà Nhuần giới thiệu: “Toàn những tay cứng cựa cả đấy”.



 Trời tối, cái ngõ mới thật náo nhiệt. Chiếc Hải Âu dán chữ Hỷ đỏ, to như chấn song cửa sổ trên kính trước đỗ xịch, đổ ra một đám hơn ba chục người bên nhà trai. Cái ngõ hoá chật vì người, vì chen lấn, xô đẩy. Tiếng pháo nổ át tiếng người reo vui trầm trồ, réo gọi nhau ầm ĩ, cùng tiếng đàn nhạc sống tấu lên mừng đón. Trong cái ồn ào huyên náo quá mức, dẫn đầu đoàn đón dâu gồm sáu bà, bà nào cũng to béo mỡ màng như xưa kia vốn ngồi ở phản thịt bán ở chợ, là một bà cụ tóc bạc như cước, chống gậy trúc, lẫm chẫm bước. Theo sau các bà là chú rể và bạn chú. Tiếp nữa là lộn xộn đàn ông, đàn bà. Vào tới sân nhà cô dâu, cảnh càng hỗn độn. Bạn bà Nhuần từ trong nhà tuôn ra. Toàn các bà bạn quý trong cánh buôn từ mấy chục năm nay. Rồi chẳng còn phân biệt được ai thuộc nhà trai, ai nhà gái. Cũng chẳng hiểu đâu là chú rể. Vì mấy chục gã, gã nào cũng khoe bộ cánh lạ mắt, đắt tiền, mặt đều nhâng nháo, cũng tóc xù, trán thấp tè, vừa tinh ranh vừa đần độn như nhau. Phía các cô cũng vậy. Cô nào cũng dong dỏng, áo dài tà thẳng, mặt phấn, mắt quầng, môi son, nước hoa sực nức. May mà tục lệ văn minh khôn ngoan đã biết đánh dấu chú rể bằng một bông hoa hồng bạch cài ở ve aó vét và cô dâu được ấn định bằng bộ khăn áo trắng muốt, mỏng tang, với cái kiểu mũ “hoàng hậu” thời cổ trên phủ voan mỏng. Cô dâu Loan nổi hẳn lên trong đám các cô gái. Môi đỏ thẫm hình trái tim, hai má dày, mắt cô lóng lánh, vừa e thẹn vừa sung sướng. Tấm khăn voan tết hoa trên đỉnh đầu, ở đó gài một viên kim cương thật. Cô hãnh diện vì viên kim cương đó và sự huyền diệu cũng từ đó toả ra. Khi Thưởng tiến đến trao cho cô bó hoa lay-ơn trắng, đỡ tay cô, cặp vào tay mình, quay lại, hai làn chớp máy ảnh loé lên, bọn choai choai hét: “ Hôn nhau đi”, cô tưởng như đang xem một đám cưới trong phim châu Âu.
 Tuy vậy, không khí đã giảm thiểu vẻ lịch sự, văn hoá. ấy là sự hoạt động sôi nổi quá mức của ba chục mâm rượu. Nhạc sống, nhạc loa thả sức rống. Hơn trăm con người bốc men thả sức ha hả, toang toang như chốn không người. Tiếp đó, tới lúc thấy một chớp đèn chụp, một người nào đó bỗng kêu to: “ Chụp ảnh cả hai họ đi chứ!”, mọi người mới ngừng lời như sực nhớ nghển lên, nhao nhác. Họ tìm ông Nhuần. Ông Nhuần đâu? Vừa nãy ông còn đi ra đi vào, trịnh trọng và cảm động lắm kia mà. Vừa nãy ông còn tiếp rượu mấy cụ dân phố kia mà. Ông Nhuần đâu?
 “ Ới ba hồn chín vía ông Nhuần ở đâu thì về nhá á á”. Bất chấp tất cả tính chất nghi lễ trọng thể của cuộc vui, bà Nhuần nhẩy ngay lên bờ hè gào, cất tiếng the thé gọi chồng. Bà gào gọi tới lần thứ ba thì may quá, ông Hảo phát hiện ra ông đang đẩy cái xích lô từ ngõ vào. Hoá ra đang cuộc vui thì ông có khách gọi. Khách là một người đàn bà sắp trở dạ đẻ. Chẳng lẽ chối từ? Xưa nay ông vốn hay giúp người trong những cảnh ngộ như vầy kia mà. Lập tức, ông bị đẩy đến trước đám người hai họ đang đứng chờ sẵn ở trước cửa nhà. Ông Hảo đạo diễn xếp ông đứng cạnh cô Loan, đối xứng với bên kia, bà cụ tám mươi tuổi lưng còng đứng cạnh chú rể Thưởng, “Chụp nhé! Cười tươi lên nào! Lấy cả người nhé. Một, hai... ba!”. Anh phó nháy thét, bấm máy tách tách liền hai phát. Nhưng bỗng anh thả máy, tung hai tay lên


trời, cười khặc khặc. Hỏng rồi! Phí cả hai pô ảnh đã mất công dàn dựng. Ông Nhuần! Cái nhà ông khỉ gió này đang chụp thì đưa tay lên dụi mắt. Tai hại hơn nữa, ông lại đang đánh cái quần lao động còn xắn lên tới tận đầu gối, trong khi nửa người trên khoác cái áo vét ka ki vàng. “Mệt quá! bã cả người!- Ông Nhuần cười bẽn lẽn, rồi nhìn quanh và há hốc mồm: Ơ, thiếu thằng Lùng, nó đi đâu ấy nhẩy!”. Từ lúc ấy, tay ôm hoa mà cô Loan xịu mặt. Đám cưới lộ ra những nét quê mùa, kệch cỡm làm ê cả mặt cô!

*

 

 Ba ngày liền, cái ngõ chộn rộn huyên náo. Và người quanh ngõ đó không sao ngủ nghê, nghỉ ngơi được suốt ba ngày đêm. Vì ăn uống liên miên, vì nhạc sống, nhạc loa ầm ĩ. Vì sự hỗn tạp của bầu không khí vui cuồng, say loạn. Chưa ở đâu người ta phô phang lố lăng sự xa phí, thói học đòi trưởng già, cũng như hiếm thấy ở đâu lồ lộ tính chất con buôn, nỗi khát muốn ngoi lên những đỉnh cao của vật chất thuần tuý, như ở đám cưới này.
 Giữ phép xã giao lịch sự, ông giáo Cần có đem quà đến mừng ngày vui của cặp vợ chồng trẻ; không thoái thác được, ông cũng đành ngồi lại dự bữa cơm gia đình thân mật với đôi vợ chồng ông Nhuần vào buổi chiều hôm lễ cưới. Sau đó, suốt ba ngày, ông ở trong nhà, đóng cửa, như trốn ẩn, xa lánh khỏi sự phồn tạp, rầm rĩ của cuộc vui.
 Xẩm tối ngày thứ tư, ông giáo mới ra khỏi nhà. Ông thèm một khoảng trời trong mát. Bấy giờ “Ban tổ chức” đang thu dọn bàn ghế, phông màn. Bà Nhuần đang ngồi ăn với mấy bà bạn hàng, toàn là bà dòng dòng mà phây phây béo tốt, các bà này vừa từ các chuyến buôn xa, lên Bắc vào Nam về chậm. Quanh mấy cái bàn ngồn ngộn đồ mừng bọc giấy đỏ là mấy đứa trẻ. Và ông Hảo, con người thủ lợi trong cái đám vui này, chỉ đống đồ mừng, khất khưởng cái đầu, lè nhè giọng rượu bảo ông Nhuần: “Tôi với ông bà cũng cưới đi để kiếm ít đồ mừng của thiên hạ! Há há! Tội đếch gì!” khiến bà Nhuần bật cười khanh khách rồi xổ ra xoe xoé một tràng đay đả, tục tĩu. Vui thì phải tục! ấy thế!
 Ông giáo Cần len lén đi men theo rìa sân và bước ra đường phố, không gây nên sự chú ý cho một ai cả.
 Hơi thu tê mát. Những vòm cây lớn đã bớt sắc xanh đậm của mùa hạ, loáng thoáng khói sương chiều. Mùa hạ thành phố đẹp chói chang; còn bây giờ, phố phường đẹp trầm lắng, hoà hợp với tâm cảm ông giáo lúc này bỗng man mác những hoài niệm xa xôi.
 Bước thong thả trên vỉa hè, ông giáo nhận ra vẻ quen thuộc của từng gốc cây, từng viên đá lát. Nhưng đi được một lát, ông mới thấy lòng mình không được yên ả như ông tưởng. Lâu rồi không đi dạo phố, vả có đi thì mắt cũng không nhìn, tai cũng không nghe; giờ ông bỗng thấy phố phường xa lạ quá với mình; tưởng như nó đang ở thời kỳ thịnh vượng của công cuộc thương mại và hưởng lạc.



 Sao mà lắm cửa hàng buôn bán thế! Tạp hoá. Vải vóc. Giải khát. Ăn uống. Sửa chữa. Nhiều nhất là các quán trà, tiệm cà phê, hàng ăn, cái nào cũng nho nhỏ, nho nhỏ thôi. Sao mà lắm những cái nho nhỏ đến thế!
 Không hiểu biết kỹ khoa kinh tế – chính trị học, không hiểu rõ tất cả sự độc đáo của thời kỳ quá độ, ông cảm thấy mình lạc lõng. Lạc lõng như cái đám cưới trong ngõ nhà mình. Xưa ông cứ tưởng những cái rởm đời, lối sống bon chen của một thời đã qua, nay một khi xuất hiện lại thì ít ra nó cũng phải khép nép trước những nền nếp văn hoá chính thống chứ. Hoá ra không. Không! Tất cả, kể cả sự bội bạc, thói thờ phụng đồng tiền, sự bợm bãi, càn rỡ của con người, nào đâu có mất đi, chúng vẫn tồn tại, nhơn nhơn diễu võ giương vây, như thể chúng đích thực là chủ nhân của cuộc sống này vậy.
 Thấy mình cô đơn, ông giáo Cần muốn được giãi bầy, được an ủi. Ông đi tìm bạn.

*

      
 Đứng rụt rè ở bên cái cửa có tấm biển gỗ xanh kẻ dòng chữ sơn vàng: “ở đây mua bán sách, báo cũ”, ông giáo Cần chưa kịp hỏi thì đã thấy khuôn mặt lưỡi cày của ông Tiễu ló ra. Định nhổ nước bọt, thấy ông giáo, ông Tiễu liền ngậm miệng, rồi thình lình reo to:
 - Ô! Bông-giua mông vây ca-ma-rát! Chào ông bạn già! Vào chơi, anh Cần.
 Nhưng chỉ reo đúng từng ấy tiếng mừng rỡ, ông Tiễu đã đằng sau... quay, bước sầm sập vào nhà trong, mặt hầm hầm và tuôn ra một tràng sừng sộ.
 - Đ. mẹ! Thách ông à? Có thách thật không? Ông cần cái thứ vật chất ấy của mày à! Ông dí đít vào cái tư tưởng thối tha của mẹ con nhà mày, hiểu chưa!
 Đứng trơ trơ giữa căn buồng ngoài lỏng chỏng mấy cái ghế bành kiểu cổ đang khảm trai dở, sặc mùi sơn ta, ông Cần không hiểu vì lý do gì mà ông lính ONS bạn ông lại nổi cơn thịnh nộ như thế. Trong nhà có tiếng đàn bà tru tréo, rồi “choang”, tiếng đập một cái vật rỗng bằng kim khí. Sau đó, ông bạn của ông bước ra, tay xách cái điếu, sau lưng là một cái mặt đàn bà lở sơn, to phệnh, mưng đỏ, méo mó. Cái mặt lở sơn ngoác một tiếng kêu chua loét:
 - Ông cứ đập đi, có giỏi thì ông cứ phá hết cả đi!
 - Tao phá là để mẹ con mày mở mắt ra, hiểu chưa! Đừng có tối mắt vì tiền, hiểu chưa?
 Ông Tiễu dằn từng tiếng. Rồi ông đứng giữa nhà, nâng cái điếu, xoè diêm. Khói thuốc thở ra đặc quánh. Ông cúi xuống khậm khặc ho, tay xua xua.
 - Ngồi chơi uống nước, anh Cần. - Ông Tiễu chỉ bộ bàn trà, ngồi xuống cùng ông giáo, cái đầu thưa tóc vẫn lắc lắc quầy quậy – Hỏng! Hỏng bét hết rồi! Tôi cũng định đến anh chơi đây. Tôi buồn, tôi bực không để đâu cho hết, anh Cần ạ.
 Ông giáo cúi mặt, không dám nhìn mặt bạn. Bạn ông đâu có phải con người hay buồn. Trái lại! Con người này khí chất hoạt náo, hay quá khích, thích bông phèng và bạo miệng. Giọng của ông không phải giọng buồn, nhưng mà chuyện ông kể tiếp thì nghe thấy buồn thật.
 - Anh Cần ơi! - Ông Tiễu kể- Anh có biết tôi vừa đập cái gì đấy không? Cái nồi áp suất! Hừ, mẹ nó chứ, trị giá một nghìn đồng tôi cũng đập. Phải đập! Đó là thuốc Pê-ni-xi-lin tống vào mồm mẹ con nhà nó đấy, anh ạ. Nhưng mà những con vi trùng này nó nhờn thuốc rồi. Hỏng hết rồi, anh ơi!
 Hai con mắt trợn ngược, tròn xoe như mắt cá, ông Tiễu tiếp:
 - Anh có biết không? Tôi về hưu tháng bảy vừa rồi. Cực chẳng đã, chúng nó đành phải cho tôi lên lương chuyên viên hai. Thôi cũng được! Về, tôi mở cái cửa hàng thu mua giấy cũ, ý định là muốn ngăn chặn cái bọn ăn cắp giấy má, tài liệu cơ quan mang đi bán. Nếu vớ được, mình giữ lại. Thôi thì về hưu cũng có việc mà làm cho nó đỡ buồn. Nhưng bây giờ về rồi tôi mới biết. Thì ra kinh khủng quá anh ạ.
 Ông Tiễu rùng mình:
 - Kinh khủng quá! Thì ra nay có thời giờ quan sát mới thấy mình đang chìm ngập giữa cái bể tiểu tư sản, xung quanh toàn là tư tưởng thị dân, vụ lợi, sẵn sàng quỳ gối làm nô lệ trước đồng tiền. Kinh khủng quá! Chính chúng nó ăn cắp con mèo tam thể của tôi làm pa-tê! Đau quá! Chúng nó lại còn lôi kéo con dâu tôi, phó tiến sĩ chất dẻo, bán kỹ thuật cho nó. Chúng tha hoá gia đình tôi. Ruỗng nát hết cả rồi, anh Cần ơi.
 Trong nhà lại có tiếng đàn bà gào. Dậm chân xuống đất, quát một câu thật tục tĩu, rồi ngồi xuống, ông Tiễu lắc đầu chán nản:
 - Đấy, anh xem. Nọc độc tư bản nó ngấm vào nhà tôi rồi. Con mụ nhà tôi nó làm cái nghề này đây- Ông Tiễu đá chân vào cái ghế bành nằm nghiêng dưới đất lỗ chỗ vết đục, chưa khảm trai- Năm nghìn đồng một bộ. Được tiền lắm chứ. Khách đến đặt đông không kịp làm. Được tiền, được khách, nhưng đánh mất lý tưởng, anh ơi!
 Ông Cần chưa kịp hiểu thì ông bạn đã vỗ mạnh lên mặt bàn, như sừng sộ:
 - Mất lý tưởng quá đi chứ, anh. Tôi nói để anh thấy cái đau của lòng tôi. Khách của tôi là ai? Là cái thằng mới giàu phất lên, là bọn phe phẩy ăn chơi phè phỡn, chính hiệu tư sản là chúng. Bọn nó đến mua. Một câu nói, nó chửi đất nước, dân tộc mình một câu. Bọn này chỉ đáng cho vào nhà tù, hoặc cho đi hót cứt. Nhưng, cự lại nó thì mất khách. Im, mặc nó nói thì được tiền. Thế là im! Ngày qua, cứ thế mà nhiễm độc dần vào lục phủ ngũ tạng. Giờ, cả cái con dâu oe con, cái con lở sơn kia kìa, nó cũng chửi mình giỏi lắm rồi, anh ạ. Tôi không chịu được. Cơm rau muống còn hơn cơm thịt cá mà chịu thế. Tôi đuổi thẳng cánh khách của chúng ra khỏi nhà. A-lê cút! Thế là chúng đòi lấy cái nồi áp suất của tôi cho bọn hàng phở thuê ninh xương để lấy mỗi ngày nửa cân thịt bò. Khốn nạn đến thế là cùng! Lối sống tôn sùng đồng tiền là thế đấy, tâm lý tiểu thị dân đểu giả, vị kỷ, không cần biết đến đạo lý là thế đấy, anh Cần ơi...
 Câu chuyện mới bi hài làm sao! Hoá ra cái con người tưởng là hời hợt, nông nổi này cũng có những đau buồn, ấm ức, cay cú. Hoá ra con người bấy lâu xem ra có vẻ vô tâm, ít tư duy xét đoán này cũng không chịu nổi một khi là nạn nhân của lối sống vụ lợi, vị đồng tiền. Hoá ra ông vẫn giữ cho mình những khoảng riêng thiêng liêng để suốt đời tôn thờ.
 Thực lòng, ông Cần thấy mình được an ủi khi nghe ông Tiễu bộc lộ nỗi lòng. Gạt bỏ những phần quá khích, cường điệu, chưa thoả đáng, khiến câu chuyện mang mùi vị hài hước đi, ông bạn ông thật là con người đáng trân trọng!
 Nhưng, đến chơi nhà bạn, gặp lúc gia đình người ta có chuyện lục đục, nán lại quá lâu, là bất nhã. Nghĩ vậy nên ông Cần liền kéo chân, đứng dậy.
 Nhưng vừa lúc ấy, ngoài cửa bỗng lấp ló bóng khách đến mua giấy cũ. Ông Tiễu rời bạn để đóng vai ông chủ cửa hàng. Rồi lát sau, ông quay vào thì không khí trong nhà đã khác hẳn. Chuyện cũ đã qua. Ông Tiễu ấn vai ông giáo ngồi xuống, và cả hai dường như bây giờ mới gặp nhau, chưa hề đôi hồi với nhau được chút nào.
 - Anh có khoẻ không, anh Cần?
 - Cũng nhì nhằng.
 - Thằng Trọng hồi này ra sao rồi?
 - Từ hồi tháng chín tôi chưa gặp cháu. Có lẽ cháu nó vẫn ở dưới Nguyên Lộc.
 Vỗ bộp miệng ống điếu, ông Tiễu trợn trừng:
 - Ấy chết, anh không biết chuyện gì à?
 - Chuyện gì?
 - Thằng Trọng đánh nhau với thằng Hưng. Nó bị đình chỉ công tác từ hồi tháng mười.
 - Trời!
 Vung cái điếu, ông Tiễu hùng hổ:
 - Tôi tán thành! Thằng Hưng Gia-ve ấy, phải đánh! Cái thằng đểu hết chỗ nói. Lật mặt như lật bàn tay. Ngu như bò. Làm cái gì hỏng cái đó. Chỉ giỏi mánh khoé thủ đoạn. Còn thằng Trọng... bây giờ phải cứu nó.- Bỏ tọt cái điếu vào lòng chiếc giỏ mây, ông Tiễu đứng dậy- Ta phải cứu thằng Trọng, anh Cần. Anh đi với tôi. Hừ, lúc này nhận chân ra cái gì cũng thậm khó!
 Đứng lên như một cử động vô thức, ông giáo chưa biết phải làm gì thì ông Tiễu đã kéo tay ông, lôi đi.
 - Đi! Tôi và anh đến nhà tay trưởng ban. Tay này có tý quan liêu, nhưng cũng biết nghe lẽ phải, nhất là sau cái chết của cậu Nam. Đi! Đối với cái xấu xa khốn nạn phải đấu, phải đập như tôi đập cái nồi áp suất ấy!
 Sương thu toả mờ mịt đường phố. ánh điện chìm nghỉm, xa thẳm. Chân bước mà không có đích, ông giáo đã mất thế quân bình từ sau cái chết của Nam và đám cưới của con gái ông Nhuần, giờ rơi vào trạng thái mê hoảng, hoang mang cực điểm. Nên lúc này đang đi, ông chợt co tay, giữ ông Tiễu lại. Chỗ ấy là vỉa hè của một cửa hàng giải khát tư nhân. Nhạc từ hai cái loa thùng the thé bật ra cả ngoài đường. óc ông Cần nhức buốt lên. Những cái lố lăng đang ngự trị thế gian. Thuỷ Tinh chiếm được Mỵ Nương. Căn bệnh ung thư giết người, quá khứ đắc thắng hiện tại. Lối sống vô đạo lý thấm nhiễm tận gia đình ông bạn. Trọng, con giai ông, nạn nhân khốn khổ của những mưu đồ độc ác... Dồn về ông tất cả những cảm quan ghê rợn mà ông đã tích tụ gần như ngẫu nhiên trong những ngày qua. Ông vốn yếu bóng vía, hãi hùng kinh sợ ngay những hình sắc quái dị sai lệch do chính ông thu nhận, tạo nên. Ông như con đê mong manh trước con nước dữ.
- Thôi, anh Tiễu. Cám ơn anh- Ông Cần ôm gáy, chỗ ấy sao nhức quá, giọng ông như một vệt trượt trong vòng u tối, chuệnh choạng - Tôi không quen... Tôi không làm thế được... Thôi, anh để tôi về.

<< Chương 13 | Chương 15 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 928

Return to top