401, ba con số viết nguệch ngoạc trên bức tường xám, là tên một cái ngõ nhỏ ở phía Nam thành phố. Ngõ nhỏ sâu hút và nhầy nhụa bùn lưu cữu. Ngoặt vào ngõ, gặp ngay một cái quán bún ốc, một quầy hàng sửa chữa xe đạp. Tiếp đó là một dẫy buồng nhỏ như chuồng chim. Ngoẹo tay phải, thấy một căn nhà rộng; ấy là nhà vợ chồng người buôn bán sắt vụn, gia đình này mới nổi cơ đồ và có lẽ tưởng rằng họ được như thế là nhờ thánh thần phụ trợ
nên cứ hai ba ngày lại chuông mõ cốc cốc chôông chôông cúng bái liên hồi. Rẽ lần nữa là đến cái nhà gác hai tầng nho nhỏ mới xây của gia đình ông Nhuần xích lô. Căn nhà gác ấy cùng với các kiến trúc phụ của nó, nhà bếp, nhà ngang, hố xí, chuồng thỏ, chuồng gà..., chắn hai phía của một cái sân đất lẫn than đen sì. Còn một phía là một căn nhà bán mái dài thượt, chia từng buồng nhỏ, chủ nhân thay đổi luôn. Ba Trọng ở căn buồng kiệt cùng. Căn buồng này xưa chỉ có Trọng ở. Năm 1967, máy bay Mỹ ném bom phá huỷ căn nhà trên phố, bà Trọng mất, cả gia đình mới dọn về đây. ở đây, giờ chỉ còn ba Trọng. Mẹ Trọng chết trong một trận bom giặc dội xuống thành phố năm 1972.
Cái ngõ nhỏ, thiếu vệ sinh và có phần tồi tàn. Nhưng bước vào ngõ, Trọng lại thấy bừng lên bao cảm giác thân yêu. Anh như thoát ra khỏi những ám ảnh ghê sợ của cái chết, bệnh tật, bão lụt buổi sáng và cái ấn tượng đẹp mang từ thư viện về bỗng như được nhân lên, tràn ngập lòng anh.
Cái ngõ có linh hồn riêng, tiếng nói riêng. Nơi đây, Trọng sống thời niên thiếu. Nơi đây có kỷ niệm. Nơi đây lưu giữ một phần đời anh. Nơi đây, có cha anh; nơi đây, anh nâng niu một mối tình non trẻ.
Đứng lại trước căn buồng cha, Trọng thở ra nhè nhẹ. Căn buồng toả ra sự yên tĩnh, thái hoà. Trước nó, khéo thu xếp trong không gian chật hẹp, một cây giao mười tuổi cao vọt lên, nghiêng mình duyên dáng, xoè những cành lá xanh cứng như khắc vào mặt mái ngói đổ nghiêng. Chen nhau bên bờ tường ngoài căn buồng là những chậu, bồn, lọ lá xanh lấm tấm các sắc hoa rười rượi.
Căn buồng nhỏ diện tích chưa đầy mười mét vuông. Từ ngoài nắng nhìn vào thấy lờ mờ bóng hình cái giường con, cái tủ nhỏ, bộ bàn trà, kệ sách. Và trên cao, gần sát mái, một cái bàn thờ nhỏ lúc nào cũng nghi ngút khói hương, ở đó có một điểm sáng lung linh: tấm ảnh mẹ Trọng, một khuôn mặt phụ nữ đứng tuổi, hơi nghiêng về bên trái, hai con mắt sáng tươi dưới vành khăn nhung, cái cổ cao trắng mịn, đôi gò má đầy, toả ra vẻ đoan trang, một vẻ đẹp cổ điển, chỉ thấy ở những người phụ nữ thành phố thời xưa, trong những gia đình trọng nền nếp, gia phong.
- Trọng đấy ư, con?
Ông giáo Cần đang lúi húi xếp dọn đống sách ngổn ngang ở giữa nhà, thấy bóng Trọng, ngửng lên, mừng rỡ và âu yếm.
- Ba xếp sách ạ? Để con xếp đỡ ba.
- Xong rồi. Có mấy quyển sách quý, bọn mối nó cứ nhăm nhăm. Mưa bão mấy hôm nay, lơ đi một cái là... Kìa, nó đắp đường lên, sắp tới mái nhà rồi.
Ông giáo Cần đứng dậy. Trọng nhìn lên. Gờ tường ngoằn ngoèo một vệt đất nâu mới bị cạo, đường nổi đi kiếm ăn của mối, còn nham nhở dấu tích.
- Mấy cuốn sách quý, có khi phải đem tặng lại thư viện để họ giữ mới an toàn cũng nên - Ông giáo thoát một hơi thở nhẹ – Vào nhà đi con. Dạo này con vẫn ở khúc đê Nguyên Lộc à?
- Vâng, ba để con súc ấm.
Trọng cầm ấm trà, ra vại nước, quay trở vào. Anh chợt nhớ tới người đeo kính cận tặng sách thư viện và trân trọng nhìn cha. Ông Cần mở cái hộp sắt, cầm cái thìa nhỏ, xúc chè. Đúng năm thìa, không rơi ra ngoài một cánh và chưa dội nước, chè đã toả một mùi thơm thanh tao, cổ kính. “Ba vẫn như xưa”. Trọng thầm nghĩ. Thốt nhiên, anh muốn khóc. Cha anh, vẫn khuôn mặt đôn hậu, mái tóc muối tiêu từng trải, hai con mắt nheo nheo ân cần, cái mũi cao, một gương mặt thiện lương, thông thái, thâm trầm, nhưng sao hôm nay trông cha xao xác thế nào! Cha anh, một giáo sư dạy tiếng Pháp nổi tiếng, một tâm hồn đa cảm, một tấm lòng hiền từ. Sao từ cha lúc này toát ra nỗi buồn thương, ảo não? Hay là Trọng nhác trông thấy bàn tay gầy khô run run xúc chè của ba? Chẳng lẽ từ ngày mẹ mất, tiếp đó là việc nằng nặc xin về hưu trước tuổi, ba đang sống những ngày bất đắc chí, buồn nản, úa tàn trong cô đơn?
- Ôi giời! Ngày thì nóng, đêm thì nhà Năm Sắt cốc cốc chôông chôông ê a cúng bái, mất cả ngủ.
Ngoài cửa có tiếng nói oang oang, tiếng ngáp của một người đàn ông. Trọng nhìn ra. Người nọ đang cúi xuống trụt dép, rồi bước vào, thân hình to ngang, che lấp cả khuôn cửa.
- Anh Cần, anh có khách, hả?
Ông Cần đang đặt siêu nước lên bếp dầu, quay lại:
- Anh Hảo, anh vào chơi. Cháu Trọng đấy mà. Nó mới chuyển về cơ quan chống bão lụt tỉnh được hơn năm nay.
- À! Cậu Trọng đấy hả? Nghe ông cụ nói về cậu nhiều rồi, giờ mới gặp.
- Chào bác ạ! – Trọng chào người đàn ông.
Người đàn ông tên Hảo tráng kiện, tuổi ngoài năm mươi, mặt căng đỏ, mũi to, mày rậm, môi dầy, cổ ụ. Có cái gì đó như là sự chểnh mảng, khinh bạc và tầm thường trên những đường nét của khuôn mặt. Và, giống như một nghịch cảnh, trên bộ ngực nở hết sức trần tục của đàn ông, ngoài cái may ô xanh nước biển, lõng thõng một sợi dây chuyền mỏng manh treo cái thập ác nổi hình Đức Chúa Giê-su chịu nạn.
- Đến ốm mất – Người đàn ông há miệng ngáp. Cái thằng Lùng con nhà ông Nhuần nó ti tỉ khóc cả đêm. Sáng nay mở mắt đã thấy trẻ con kéo nhau ra ngõ trêu người điên.
- Cái anh chàng tóc xoã ấy à? - Ông Cần hỏi.
- Cái thằng cha cứ hát “
Hết ngày dài lại đến đêm thâu” ấy. Nghe đâu anh ta trước là giáo viên dạy ở mạn ngược... Ôi, giời, rồi cả cái xã hội này sẽ khùng dại hết cả cho mà xem – Người đàn ông lại ngáp – Tôi vừa ra phố, công an đang xúm đông xúm đỏ trên đường trước cửa hiệu Quảng An, cái hiệu thuốc xưa tôi vẫn hay vẽ quảng cáo cho nó ấy. Quái quỷ! Có thằng cha điên nào nó viết lung tung cả ra đường. Mà viết bằng sơn vàng hẳn hoi. Chữ lại đẹp như chữ hoạ sĩ bọn tôi chứ.
- Nó viết cái gì thế?
Ông Cần nhắc siêu nước sôi, rót vào ấm, hỏi theo phép lịch sự. Mặn mà gì những chuyện ấy. Nhưng ông hoạ sĩ lại hăng hái hẳn lên:
- Kinh khủng! Nó viết thế này.
Stop! Đói! Chỉ đớp toàn không khí! Đàn bà. Giống bạc tình! Tốn tinh khí lắm! Ôi, tha phương. Đi. Đi! Chân trời mới.
Đưa mắt nhìn cha, Trọng thấy cha thoáng rùng mình, cái rùng mình nghi ngại, ngượng ngùng. Rõ ràng là cha anh không đồng điệu với ông bạn hoạ sĩ này. Cha anh mực thước, cao nhã, dù có khúc mắc vẫn nghiêm túc, cẩn trọng. Ông hoạ sĩ này buông tuồng, tềnh tàng, nhắc lại những lời bẩn thỉu một cách thích thú, bợm bãi nữa là khác.
Ông hoạ sĩ không hay biết sự đánh giá âm thầm của Trọng. Được đà, ông bắt đầu huyên thuyên. Ông kể, ông vừa đi ăn ở hiệu Cop d’or, ông dùng tên cũ từ thời Tây, một suất hai mươi đồng. Ông nói: thể xác ta là con ngựa cho tâm hồn ta cưỡi, ta phải biết săn sóc nó. Ông nói, mỗi người là nguyên thủ của một quốc gia có hàng tỉ tế bào, vậy phải tự coi trọng mình. Ông hào hứng với những chuyện tiếu lâm tục tĩu, chửi đời. Và khi thấy ông Cần đáp lại bằng một vẻ thờ ơ, thì ông đập cả bàn tay lên mặt bàn, nói như sừng sộ:
- Ấy thế! Anh bảo chủ nghĩa xã hội ưu việt. Vậy anh cứ quan sát ngay cái ngõ Cát xăng tê oong
(*) này xem. Ai thắng? Chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội? Lão Năm bán sắt vụn cách vài ngày lại mổ một con gà, rồi cốc cốc, chôông chôông. Vợ chồng nhà Nhuần xích lô xây nhà. Còn anh? Nhà đại trí thức ở thành phố này, anh xo xúi trong cái góc kiệt cùng, tối tăm này.
Ông Cần nâng chén trà, lim dim mắt. Trà toả hương vào hồn ông. Ông thanh cao, coi khinh mọi ham muốn, dẫu nghèo nàn, chua xót. Ông không muốn dây vào các cuộc tranh luận hay nhàn đàm gần như bất tận, hay cù nhẩy vô bổ, và rất khó nói với ông bạn láng giềng này.
Trọng thì đã thấy mất thiện cảm với ông Hảo ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên. Ông ta dung tục, có nét giống ông Tiễu và Hưng, nhưng trơ tráo, cay độc, ác ý hơn nhiều. Đứng dậy, chuyển ra ngồi ở giường cha, Trọng lặng lẽ giở một cuốn sách giáo khoa tiếng Pháp. Nhưng, ông hoạ sĩ đã quay lại với Trọng, có lẽ vì ông thấy sự lạnh nhạt của ông Cần.
- Cháu Trọng nhỉ, nghe nói nước nôi năm nay gay lắm phải không? Giờ mà thằng Tầu nó cho bài học thứ hai nữa, rồi vỡ đê một phát nữa thì... ôi thôi...
Trọng bật lên một phản ứng nhất thời, giọng hơi gắt:
- Vỡ thế nào được, bác!
- Không vỡ được! - Ông hoạ sĩ lắc đầu – Tôi không tin. Tôi bị lừa nhiều rồi.
- Dân mình không đến nỗi hèn kém đâu, bác ạ.
- Ôi! Dân mình! - Ông hoạ sĩ bật cười – Dân mình là dân ba lăng nhăng, lêu lổng, chẳng có kỷ cương, niêm luật gì hết. Dân mình như cái thơ lục bát ấy, bắt vào đâu cũng được, kết ở đâu cũng xong. Như cái thằng Bờm
có cái quạt mo ấy. Gì cũng lắc, cũng ngại. Hòn sôi, cái lợi tí teo trước mắt, thì gật. Dân mình văn hoá lộn xộn như cái địa chất nước mình ấy. Văn minh mình không có đỉnh cao, như là kiến trúc...
- Thế thì bác nhầm! – Trọng ngắt lời ông hoạ sĩ, mặt rân rân đỏ vì cảm giác bị xúc phạm – Bác quên là dân mình có hàng ngàn cây số đê, một công trình vĩ đại, hiếm có. Mà bác... sao lại dám nói về địa chất nước ta như thế. Nhưng mà - Trọng ngắc ngứ, mặt gầy càng ứ đỏ – Nhưng mà lúc này đây, ai mà làm suy yếu niềm tin vào đất nước, dân tộc, chế độ, theo cháu, kẻ đó là người có tội.
- Đất nước và chế độ là hai vấn đề chứ!
- Theo cháu, lúc này, biện chứng của cuộc sống cho phép ta coi hai vấn đề nhập vào làm một!
Ông Cần đặt chén nước, ngẩng lên, lo lắng. Sao Trọng lại đối đáp gay gắt bốp chát thế! Ông Hảo dù sao cũng là bậc cha chú... Vả lại, chấp làm gì cái thảm hại của anh trí thức còm. Ông định lên tiếng dàn hoà. Nhưng, ông hoạ sĩ đã cười ồ ồ. Ông chẳng giận Trọng.
- Tất nhiên, nếu là bọn phản động thì chẳng còn đứa nào ở lại đây cả. Ba mươi sáu chước chước chuồn là hơn. Nó đi cả rồi, cháu Trọng ạ.
- Cháu thấy, đã là con người thì không thể sống bôi bác, tuỳ tiện. Đã là con người thì ít nhất cũng phải có cái gì để tôn thờ chứ.
- Nhưng mà có những lúc ta bất lực với chính ta chứ! - Ông hoạ sĩ cười ngạo mạn – Ta muốn tin mà thực tế không cho tin, thế mới đau chứ! Cháu còn trẻ, cháu chưa từng trải, chưa nếm đủ chua cay, đắng chát, chưa hiểu đời đâu. Bây giờ, ở trên bàn thờ chỉ có đồng tiền thôi, Trọng à.
- Bác vơ đũa cả nắm thế sao được!
Lần này thì Trọng nói như gắt và ông Cần trong cái giật mình lo sợ, bỗng ngẩng đầu ngước lên cái bàn thờ bà vợ ông, như muốn tìm ở đó sự cân bằng lại. Không để ý đến thái độ của cha, Trọng xăm xăm bước lại trước mặt ông hoạ sĩ, hơi cúi xuống, giọng rung lên, u uất và nhiệt thành:
- Vâng, cháu còn ít tuổi hơn bác. Nhưng, bác đừng nghĩ rằng cháu ít hiểu đời. Còn nhiều cái xấu lắm. Con người còn tầm thường lắm. Nó đang phá hoại nhiều cái đẹp. Nhưng đó không phải là toàn cảnh hôm nay. Còn nhiều cái cao cả, đẹp đẽ vẫn tồn tại và phát triển. Còn nhiều giá trị thiêng liêng không được phép bôi bẩn. Còn nhiều cái phải tôn thờ. Bác chỉ thấy đời bằng trực giác mà lại là một trực giác ốm o, phiến diện, sai lầm.
- Hà hà... cháu phát ngôn ở vị trí con người lý tưởng - Ông hoạ sĩ nhếch mép mai mỉa – Chúng ta hãy đối diện với con người phổ thông, con người trần thế, tục luỵ, dưới mọi hình thức, tiềm thức, con người bản năng vị kỉ hơn vị tha, tham sinh uý tử, né tránh cực khổ!
- Cháu không đồng ý. Con người thế tục đâu có phải như vậy! đó chỉ là những kẻ tầm thường. Còn con người bình thường ấy à, là con người không tham lam, không ích kỉ, biết sống vì cộng đồng dân tộc. Con người ấy khi thấy đê yếu, nước to, biết ném một hòn đất vào đê để củng cố đê, thấy đê vỡ thì dám nhẩy xuống dùng thân mình hàn khẩu đê. Con người ấy không vô trách nhiệm, bỏ chạy.
- Ha ha... cháu thật là có tài tranh biện, ứng đối.
Ông hoạ sĩ cười nhạt, lắc lắc cái cổ lủng lẳng cây thập tự. Ông đã gặp một đối thủ sắc sảo, lợi hại.
- Bác xơi nước, bác Hảo. Chà, mỗi người một chỗ đứng, khó có thể nhất trí với nhau lắm - Ông Cần nâng tách chè, vừa muốn dàn hoà để cắt đứt cuộc tranh luận vừa muốn ngấm ngầm bộc lộ thái độ, đồng tình của mình với con. Ông quay sang Trọng, nhìn con, trân trọng – Trọng à, ba nghe nói năm nay bão sớm, có thể nước to, phải không con?
Trọng chưa kịp đáp thì ngoài sân đã có tiếng một người đàn ông rao khàn khàn:
- Các hộ trong ngõ cho người ra nộp
hòn đất chống lụt nhé.
Ông hoạ sĩ đứng dậy vươn vai.
- Có ngay đây - Ông cười khoả lấp – Nghĩa vụ một người bình thường đấy. Trọng nhỉ? Bác Cần có
hòn đất nộp chưa?
- A! Cậu Trọng đã về đấy à?
Ngoài cửa buồng, ông Hảo chưa kịp bước ra, đã thấp thoáng bóng một người đàn ông thấp lùn, đầu húi ngắn, răng đen nhờ. Chính là người vừa giục nộp
hòn đất chống lụt. Ông này ngoái cổ vào căn buồng, cất tiếng hỏi Trọng.
Ông Cần đỡ lời con:
- Cháu nó mới về. Bác vào xơi nước, bác Nhuần.
- Thôi, bác để khi khác. Ban nãy tôi vừa gặp cậu ấy ở thư viện. Gớm, cái nhà anh gì đeo kính trắng, quý hoá quá, cậu Trọng nhỉ. Tặng thư viện cả một lô sách ngoại, bác Cần ạ. Thôi, tôi vội đi đây. Năm nay có thể nước to lắm đấy, bác ạ.
Ngoài ngõ có tiếng chân chạy rình rịch. Rồi toang toang tiếng ông Nhuần: “ Mẹ tiên sư mày nhé. Lấy cái gì của nó thì bỏ ra!” Trọng vác
hòn đất chống lụt của gia đình, một khối đất sét hình chữ nhật nén, to cao bằng cái ghế đẩu ra sân. ở góc sân một thằng bé trạc mười ba tuổi ngồi thu lu đang khóc ti tỉ. Bị xích chân vào cái xích lô hỏng, nó ngước lên nhìn Trọng rồi lại cúi gầm mặt xuống. Trọng biết, nó tên là Lùng, con ông Nhuần, em trai Loan. Hoá ra vừa rồi, ông Nhuần chửi nó.
Nhấc
hòn đất lên vai, Trọng đi ra ngõ. Trời như sắp nổi giông gió, oi ngột quá.
*
Đứa con, tác phẩm của người cha. Trong tầm mắt hàng ngày của cha, nó là một bức tranh quen thuộc, thường tình. Nhưng một hôm nào do bỗng nhiên có một nguồn sáng mới chiếu rọi vào nó, và thế là ta bỗng ngỡ ngàng như lần đầu được nhìn thấy nó. Đối tượng quan sát để suy tưởng, đánh giá vốn thân quen đã trở nên mới lạ. Nó không còn là một thực thể ổn định nữa trong ta. Nó vừa là nó, lại vừa không phải là nó. Trong nó có cái đã mất đi, lại có cái vừa nẩy sinh, nó đang ở trong sự phát triển đột biến, hoàn thiện.
Ông giáo Cần chỉ có một con trai duy nhất là Trọng. Có phong cách một nhà giáo dục, ông yêu quý con và thường xuyên chăm chú theo dõi mỗi bước đi của con. Thuở con còn thơ ấu, ông sung sướng thấy nó là hình ảnh hoà đồng của ông và vợ ông, nó ngoan ngoãn, chăm chỉ, hiền lành. Đó là những ngày vui vẻ nhất của cái gia đình thuần hậu gồm ba cá thể hoà hợp với nhau về mọi phương diện này. Trọng vào học cấp ba, thấy con đánh vật một cách kiên trì với những môn học hóc búa và có thiên hướng ngả hẳn sang các môn khoa học chính xác, ông giáo nhận ra: con ông đã trở nên một chú thiếu niên gan góc, có ý chí. Tốt nghiệp phổ thông mười bảy tuổi. Trọng xin thi vào ngành thuỷ lợi. Cậu trình bày nguyện vọng đó với cha: “ Ba à, ông Ăng-ghen có nói: Các dân tộc phương đông, trong lịch sử, thường làm được hai việc lớn, chống ngoại xâm và làm thuỷ lợi. Con muốn đi vào một ngành gắn liền với lịch sử và dân tộc, ba ạ”. ẩn sau những lời lẽ khô khan ấy là một tâm hồn phong phú, một bản ngã mạnh mẽ, một khuynh hướng đạo đức có tính thẩm mỹ. Lần đầu tiên, ông giáo bị bất ngờ. Hồi hộp, ông dõi theo sự trưởng thành của con. Mừng và lo, chen lấn trong lòng người cha. Trọng trở thành một thanh niên trí thức, sau một quá trình tích luỹ kiến thức và biến đổi con người: Sự hiền lành bớt dần, thái độ tự tin tự khẳng định tăng lên, nhiều khi thái quá, tới mức quyết liệt, với một đời sống ngày càng thu lại trong nội tâm.
Tốt nghiệp đại học xuất sắc, Trọng về công tác ở một tỉnh nhỏ miền núi. Điều lo ngại của ông giáo thành sự thật. Chàng kỹ sư trẻ va vấp liên tiếp. Thư về cho cha, Trọng thành thật kể lại những thất bại trong công tác của anh, anh đau đớn thú nhận, nhưng luôn cho rằng mình trong sáng, đúng đắn, được đồng nghiệp yêu mến, tin cậy, chỉ có điều luôn luôn là đối tượng để các thói tệ tầm thường ghen ghét, vây bủa và vùi dập. Sau sáu năm trời công tác ở tỉnh nọ, Trọng được chuyển về thành phố và vì đã học bộ môn chỉnh trị dòng sông ở Học viện Thuỷ lợi, anh được điều về cơ quan chống bão lụt của tỉnh, chuyên trách công tác bảo vệ đê điều. Ông giáo tưởng Trọng đã biết rút kinh nghiệm thì trái lại, Trọng càng trở nên mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định mình. ít nói hơn, nhưng cứng rắn hơn, hoàn toàn đối lập với thói dung tục xấu xa, bằng sự kiêu ngạo về mình một cách ngấm ngầm. Kẻ nào có ý thức về cái đẹp, kẻ đó mới có ý chí sống đẹp. Ông giáo Cần nghĩ vậy, nhưng vẫn lo cho sự non nớt của con. Cho đến lúc Trọng can thiệp vào công việc của ông thì ông mới hoàn toàn bất ngờ, con ông không còn là một chàng trai non nớt, bồng bột. Ông xin về hưu trước tuổi vì những vướng mắc trong quan hệ ở trường đại học. Trọng kiên quyết phản đối cha và cho rằng cha đã thối chí, đầu hàng: cha đã lạc đường, bởi dẫu khó khăn thế nào, con người cũng vẫn có thể sống cao đẹp, đàng hoàng được. Ông chưa chấp nhận ý kiến của Trọng, nhưng nhận ra Trọng ngời ngời ánh sáng trí tuệ, tuy có vẻ như khô cằn đi và có nguy cơ trở thành một tín đồ của chủ nghĩa duy lý.
Tranh luận bộc lộ cá tính con người. Ông giáo Cần hiểu điều đó và hôm nay, qua cuộc tranh luận ngắn ngủi vừa rồi của Trọng với ông Hảo, ông giáo bỗng cảm thấy, bây giờ ông mới là thật hiểu hết con. Hôm nay, Trọng hiện ra dưới những toạ độ khác nhau, thật lạ lùng với ông. Giống ông, Trọng cao thượng, là một cái cực đối lập với cái xấu, sự vong bản, thói ích kỷ. Nhưng cường độ của ý chí ở Trọng mãnh liệt hơn. Trọng hướng tới sự trong sáng tột cùng. Và khác ông, ông duy cảm bao nhiêu thì Trọng duy lý bấy nhiêu. Duy lý, nhưng Trọng vẫn là một gã trai nồng nhiệt nội tâm, chân thật với chính mình. Trong tư duy lập luận, có cái gì đó chưa thật triệt để thoả đáng, nhưng đó là sự bốc cháy của một ngọn lửa thiêng và phản ánh một tính cách đã tự ý thức, giàu tính tự chủ, vì đã đứng chân trên nền tảng triết học, nắm được khoa học cụ thể và có thực tiễn cuộc đời.
*
Ông hoạ sĩ Hảo đã đi. Trọng vác hòn đất chống lụt nộp khối phố vừa trở về. Dừng lại ở trước cửa buồng, trong ánh sáng ngược chiều, ông Cần nhìn rõ Trọng hơn bao giờ hết. Trọng, con trai ông, vẫn cái dáng thanh mạnh của con trai thành phố, nhưng đã pha trộn thêm nhiều nét vẻ lớn khôn, dãi dầu và từng trải. Vai rộng ra. Mái tóc đen cứng xoã trước trán, hai con mắt dài sáng tươi, thoáng vẻ khắc khổ. Khuôn mặt trái xoan hiện lên những đường nét năng động, khôn lớn và nghiêm nghị, tuy có vẻ như là gầy gùa xanh xao.
- Trọng à - Ông Cần nhìn con, thoáng ái ngại – Dạo này con có vẻ yếu hơn trước. Hay là trong công việc con có điều gì mắc míu?
Đang ngắm chậu hoa quỳnh ở cạnh cửa, Trọng quay lại, đưa tay lên sờ má, nhìn cha, khẽ lắc đầu.
- Không, không có chuyện gì đâu ạ. Nhưng, sao ba lại hỏi con thế, hả ba?
- Ba thấy...
- Ba đừng lo cho con.
- Là bởi vì..., cuộc tranh luận vừa rồi của con với ông Hảo. Ba có cảm giác...
Trọng nhìn cha. Thốt nhiên, hai cánh mũi anh cay ê đi. Cha anh hiểu anh. Cha anh hiểu từng trạng thái hơi thở của anh. Cha anh không phải chỉ là thầy dạy tựng nét chữ, là bách khoa toàn thư, là từ điển sống tiếng Pháp của anh. Cha anh là niềm vui trong sạch, là tình thương thắm thiết, là nỗi an ủi dịu dàng của anh.
- Ba ơi! – Trọng cúi xuống, giọng bỗng run rẩy khác thường – Anh Nam, ba còn nhớ không, anh Nam dạo mới chuyển về đây đến nhờ ba dạy tiếng Pháp ấy. Anh ấy bị ung thư gan.
- Sao?
- Anh Nam trưởng phòng của con bị ung thư, bị mắc bạo bệnh thật rồi, ba ơi!
Gần như buột tay để rơi cái chén trên bàn, ông Cần ngẩng lên, lật bật kinh hoàng:
- Ung thư! Anh Nam bị ung thư à?
Ngồi lặng như hoá đá trong căn buồng im phắc, một lúc sau ông giáo mới đứng dậy, đi tới cái giá sách, đưa hai bàn tay lập cập lần sờ:
- Ung thư! Căn bệnh nguy hiểm! Nhưng mà Trọng à, nếu mà phát hiện kịp thời thì chưa hết hy vọng. Có một cuốn sách của một giáo sư Liên Xô dịch ra tiếng Pháp nói về bệnh này. Người ta vẫn gọi là căn bệnh quá khứ lấn át hiện tại. Hừ... Ung thư... Để ba tìm cuốn sách.
- Ba ạ, hồi công tác ở miền núi con nghe nói có một thứ thuốc lá của đồng bào thiểu số chữa được bệnh này.
- Ba không tin lắm về tác dụng của đông y với căn bệnh hiểm ác này. Còn mang nhiều tính may rủi lắm. Đây, cuốn sách đây.
- Anh Nam đi bệnh viện, con buồn đau quá, ba ạ.
Môi lật bập, mặt Trọng nhợt bệch như tờ giấy. Ông Cần cầm cuốn sách quay lại.
- Khổ thế đấy! Những người tốt thường không gặp may. Anh Nam, ba nhớ anh ấy rồi, một con người mạnh mẽ, có bản lĩnh. Có lần, anh ấy hỏi ba ý nghĩa câu thành ngữ Pháp: Xin ngài đừng đi quá cái mũi giầy của ngài.
- Ba ơi, con thương anh ấy quá. Anh ấy cần phải sống, ba ạ. Sức làm việc của anh ấy kỳ diệu lắm. Anh ấy đang làm dở mấy công trình. Anh ấy đang giúp con nghiên cứu đề tài tìm diệt tổ mối trong thân đê. Anh ấy là một nhân cách tuyệt vời. Bạn bè của anh ấy yêu quý anh ấy, kính trọng anh ấy lắm, ba ơi.
Đột ngột ngừng lời, Trọng đăm đắm nhìn những ngón tay của ông Cần đang lật từng trang sách, giọng càng u uất:
- Ba ạ, lúc tranh luận với ông Hảo, con không giữ được bình tĩnh. Nhưng, không thể khác được, ba ạ. Con nói từ lòng con. Quan điểm của ông ấy sai và bất cận nhân tình.
- Ba hiểu. Ông ấy khác quan niệm với ba. Nhưng, có điều là... ờ mà hồi trước ông ta cũng chưa đến nỗi thế đâu.
- Ông ấy công tác ở đâu, hở ba?
- Ông ấy không làm việc cố định ở một nơi nào. Tốt nghiệp Cao đẳng mỹ thuật thời Pháp. ở lại thành phố địch tạm chiếm. Vẽ quảng cáo. Lấy vợ nhà giầu. Năm 1954, vợ bỏ đi Nam, nghe đâu vừa rồi lại chạy sang Pháp. Từ đó, ông ấy làm đủ các nghề: vẽ truyền thần, chụp ảnh, tiêm thuốc thuê, chạy hàng... Hồi này thành phố có phong trào đi guốc cao; ông ấy lại đẽo guốc. Mà Trọng ạ, con có vẻ mệt mỏi lắm rồi đấy. Nghe giọng nói của con, ba biết. Con nên nghỉ ngơi ít hôm đi. Ba có hai vé xem phim người ta mời đây, tối nay con đi nhé.
Trọng im lặng, quay ra cửa với những bồn hoa, chậu cảnh của cha và như sực nhớ tới Loan. Lúc ấy, hình như Loan đã về. Bên nhà ông Nhuần có một giọng con gái rất thanh trong.
*
Tan buổi phim thứ hai, thành phố đã vắng lặng dần.
Tiếng guốc dép của người đi xem về chia nhỏ vào các ngõ hẻm rồi tắt hẳn. Tránh một chiếc xe phun nước. Trọng và Loan nhảy lên một khúc vỉa hè và thong thả rẽ vào một con phố nhỏ.
Không khí phảng phất mùi hoa sấu thơm sâu. Men nắng ngày hè đã dịu. Hàng cây bằng lăng cằn khô suốt mùa lạnh, giờ bung nở những chùm hoa màu tím biếc trên các vòm lá xanh thẫm. Đêm lắng dần và thành phố với một cuộc sống ồn ã, phồn tạp đang tan thành các mảnh nhỏ, biến vào vô tăm tích.
Rũ ra khỏi những ấn tượng nặng nề của một ngày dài dặc, Trọng tươi trẻ hẳn lại. Lại giống như hồi anh mới chuyển về thành phố, được cử xuống các tuyến đê xung yếu, một chiều thứ bảy, cuốc bộ hai chục cây số trở về, tới thành phố đêm đã khuya, hai chân rã rời mà hồn sung sướng lâng lâng: anh đã được hít thở bầu không khí cùng với cô gái mà anh yêu quý. Anh tưởng như đang sống lại những ngày cuối cùng của cuộc đời sinh viên, lúc ấy việc học hành đã xong và mối tình thơ trẻ của anh vừa tròn đầy. Nhớ cái đêm thi xong môn cuối cùng, anh và Loan đi dong phố sau khi cùng các bạn đi ăn bún chả, ăn kem và bơi thuyền suốt cả một buổi chiều. Ôi, những phút giây trong trẻo, vô tư lự, hạnh phúc là một trạng thái cảm hứng trữ tình dâng chan! Bây giờ đây, nhớ lại. Trọng bỗng có cảm giác những ngày ấy đẹp quá, những ngày ấy vừa bình dị, vừa lóng lánh sắc màu huyền ảo và đã xa lắc rồi!
Ngày ấy, Trọng mới vào tuổi thiếu niên và Loan còn là một cô bé nhút nhát, ngoan ngoãn hay đến sâu kim cho bà Trọng và khi ba, mẹ Trọng dọn về đây ở thì cô bé hoàn toàn quấn quýt với gia đình Trọng. Loan, đoá hoa xinh tươi nhất trong đám con gái nhà ông Nhuần xích lô. Mẹ Trọng quý cô bé như con gái.
Trọng quý cô bé như quý một đứa em. Cả cái gia đình toàn người lớn của Trọng săn sóc cô bé và coi đó như một nguồn vui tinh thần, không mảy may vụ lợi của mình. Cô bé cũng chẳng phụ sự quan tâm của mọi người. Cái gia đình xích lô đông đúc lúc nào cũng như quá tải vì những cụm cọ trì chiết nhau về cuộc mưu sinh có đâu thì giờ và hứng thú chăm sóc con cái. Được hưởng sự săn sóc ân cần của gia đình Trọng, càng lớn cô bé càng khéo léo, nết na. Bà giáo dạy cô khâu vá, thêu thùa. Ông giáo viết chì cho cô tô chữ và đã có lúc dạy cô bập bẹ mấy từ tiếng Pháp. Còn Trọng đe nẹt cô bé khi cô bé đi học vỡ lòng về hai bàn tay dính đầy mực tím, những lúc trời đổ mưa cô bé đua theo lũ trẻ trong ngõ chạy ra đường phố tắm mưa và lội nước ở các cống rãnh trong ngõ. Thời gian qua đi. Trọng thực sự chú ý đến cô bé khi cô bé vào tuổi thiếu nhi và phát hiện ra tấm lòng hết sức trong trắng của cô. ấy là một buổi Trọng từ trường học về, anh thấy cô bé ngồi khóc thút thít ở góc nhà. “ Sao thế, Loan?” Anh hốt hoảng bước tới và nhận ra cô bé vừa đọc xong cái đoạn nói về cô bé Cô-dét khốn khổ trong cuốn truyện dài của Vích-to Huy-gô. Anh còn bắt gặp giọt nước mắt của cô bé
một lần nữa khi cô bé đọc cuốn Giên E-rơ, một cuốn sách anh chọn cho cô đọc.
“ Loan à, thương xót cho những số phận rủi ro là đúng. Nhưng, tình cảm chưa đủ đâu. Phải có ý chí nữa em à!” Anh khuyên cô bé. Và anh chứng kiến sự nghe lời của cô. Cô bé học hành ở các lớp trên vất vả dần. Cô lên lớp 6, Trọng vào năm thứ nhất đại học và hết sức tự nhiên, Trọng trở thành thầy dạy học của cô. Vượt qua kỳ thi hết cấp 2, trầy trật cô mới vào được lớp 8; cô đã lớn, sức học đuối hẳn, tâm tính đã bắt đầu khang khác. Cô gọi môn vật lý là một mụ già khó tính, địa lý là một anh chàng xấu trai, khập khiễng, văn là một cụ già lẩm cẩm. Và chểnh mảng dần việc học hành. Anh bực với cô, ấn bút vào tay cô, bắt cô phải ngồi học. Cô dỗi, khóc và bỏ đi. Anh đi tìm cô. Cô đứng ngay ở đầu phố. ấy là một đêm thu. Hai người đi cạnh nhau. Chẳng nói một lời. Anh nhận ra cô đã là một thiếu nữ, đúng lúc cô bỗng nhiên kéo tay anh chạy. Anh chạy theo cô. Tới bóng tối vòng tường vi của một di tích cổ ở phố Yết Kiêu, anh níu tay cô, kéo cô đứng lại. Anh gắt khe khẽ: “ Sao thế, Loan?” Cô quay lại. Lúc ấy, trăng một vầng tròn vàng thắm vừa nhô lên khỏi đầu vòm cong của căn gác cổ. Anh thấy mặt cô nhợt nhạt, sợ hãi. “ Loan, sao lại thế?”. “ Em... sợ ông giáo Phúc – Hoà.” Cô thì thào. “ Ông giáo Phúc – Hoà nào?” “ Ông ấy dạy em hồi em học vỡ lòng. Hôm nào em viết sai, ông lấy thước kẻ đánh vào tay em. Em vừa chạy qua ngõ nhà ông ấy.” Anh thở, lồng ngực lạnh rợi. Anh thấy cô run rẩy. Nỗi khiếp đảm những ngày thơ ấu còn ám ảnh cô. Quầng mắt cô xanh thẫm. “Đừng sợ, em”. Anh nói, an ủi cô. Nhưng chính lúc ấy, cô nắm tay anh. Người anh nóng ran lên, chòng chành. Anh chỉ thấy mắt cô vời vợi và tiếng cô rời rạc, nhưng thiết tha vô cùng. Phút giây kỳ diệu ấy dường như ngừng đọng mãi.
Anh đi với cô trong ánh trăng, đi miên man phố này sang phố khác; gặp chỗ vắng người lại nắm tay nhau. Anh thấy cái cặp tóc sáng và đuôi tóc ngắn của cô quệt vào cánh tay anh. Hạnh phúc, anh gặp điều ấy bất ngờ, nhưng thật lắng đọng. Cô bé khơi dậy tình yêu trong trắng của anh, khơi cả nguồn thi hứng dạt dào của anh:
Em nhớ không
Đêm ấy thật giống trong truyện cổ.
Một đêm thu đẹp đẽ thần tiên.
Chúng mình đi vai sát kề bên.
Anh tìm thấy hình ảnh
Chìm nơi em
Trong đáy mắt, không phải giữa vòm trời.
Lấp lánh giữa muôn sao sáng ngời.
Từ hôm ấy cuộc sống của anh là thơ. Cái ngõ nhỏ như lối vào cung điện. Về sau, anh biết cô bé thổ lộ tình yêu với anh một cách hết sức chân thực và khẩn thiết vì bố mẹ cô định bắt cô thôi học, rồi gả cô cho một người ở làng; cô mới mười sáu tuổi. Chuyện ấy không xẩy ra, phần vì bà giáo
khuyên can vợ chồng ông Nhuần; phần nữa, cô được tình yêu cổ vũ, vượt qua được những môn học khó khăn của lớp tám. Nhưng vào lớp chín thì cô bỏ học luôn, hay đàn đúm cùng bạn bè, dong chơi nay chùa chiền này, mai đền miếu nọ. Và cuối cùng thì chán nản hoàn toàn. Anh đang bận làm đồ án tốt nghiệp mà vẫn phải giành không ít thời gian để bảo ban giải thích, động viên và dõi theo cô. Cô nghe anh, tuy miễn cưỡng. Ngày tốt nghiệp, anh lên tầu đi nhận công tác ở một tỉnh miền núi, cô ra tiễn anh. Cô bế đứa em út, mặt dụi vào tóc nó, hai con mắt đỏ hoe: “ Anh đi mạnh khoẻ... cố xin về dưới này sớm, anh.” Cô nghẹn ngào. Anh cười gượng gạo. “ ờ, anh sẽ về. Nhưng Loan phải hứa với anh: tiếp tục học lớp chín, không được bói bài tây, xem tử vi và chơi với bọn đã bỏ học.” “ Vâng, em hứa.”
Anh đem tiếng nói rất ngoan của cô đi. Bóng hình cô mỗi lúc một trở nên huyền ảo và những kỷ niệm cũ qua năm tháng càng hấp dẫn anh. Sau cùng thì anh đã trở về thành phố một phần cũng vì tình yêu của anh với cô, một tình yêu đã có chiều dày thời gian. Và bây giờ, lúc này đây, anh đang đi với cô.
Giờ thì hình như họ đi với nhau, nhưng không còn có cái cảm giác sung sướng của buổi đêm mùa thu nọ. Cả hai đều đã lớn khôn và Trọng cảm thấy hình như Loan sớm già dặn hơn anh. Cô cao lên. Vẻ đẹp thiếu nữ đã ổn định, rất dễ nhớ. Mái tóc dài mượt, rẽ ngôi giữa, thả xuống đôi vai, ôm một gương mặt đẹp bí ẩn như mặt Đức mẹ. Cái áo vạt quả bầu, in hoa cúc to căng ních gò ngực cao và cái quần bò may rất khít, lộ rõ vẻ đẹp khoẻ mạnh, đầy nữ tính, một vẻ đẹp ham muốn hướng tới được bộc lộ.
Sau những năm tháng xa nhau, cả hai đều đã khác xưa.
*
Em nhớ không
Đêm ấy thật giống trong truyện cổ.
Một đêm thu đẹp đẽ thần tiên
Chúng mình đi vai sát kề bên...
Tựu trung, trong sâu thẳm của muôn vàn sự kiện đã lướt qua, với cuộc sống bị trà sát và tưởng như đã cằn cỗi vì thời gian, vẫn thầm thì những xúc động chân thành của cái buổi đầu tiên ấy. Trọng vẫn nhớ những câu thơ anh đã làm, dựa theo một bài thơ Nga, tặng Loan.
Họ đi chậm. Tới đầu một đường phố ngắn, anh bỗng níu tay cô, đứng lại.
- Gì thế, anh? – Cô quay lại nhìn anh, mắt lành lạnh.
- Loan có nhớ cái phố này không?
- Nhớ cái gì nhỉ?
Anh cười, khe khẽ:
- Hôm ấy, Loan kéo tay anh chạy... Bây giờ, em còn sợ ông giáo Phúc - Hoà không?
Cô rút tay ra khỏi tay anh, cười một tiếng cụt lủn:
- Anh nhớ dai ghê nhỉ! Lão ấy chết ngoẻo rồi. Chết vì ô tô chẹt. Đáng kiếp! ác lắm vào!
Buông sõng tay, Trọng đứng lại, người rơn rởn, sững sờ nhìn cô. Cái giọng chua ngoa và bạc ác ấy là của ai vậy? Anh nhớ lại: hình như đi với cô, từ lúc bước vào rạp xem phim, anh đã thấy gờn gợn lên cái cảm giác khó chịu. Lúc đó, anh tự bảo mình, đừng ghen bóng, vì quả là anh có cảm giác bực bội thật khi thấy cô quen thuộc quá nhiều và rất nhiều gã trai toàn loại đầu bù tóc rối, ăn mặc đủ kiểu lố lăng, đùa giỡn ỡm ờ và trêu ghẹo cô rất thô bỉ.
“ Có nên trở lại cái bóng hàng tường vi và mái gác cổ?” Anh nghĩ, và thấy người bỗng dưng như rã ra, mỏi mệt đến từng khớp xương.
- Ta về thôi, Loan.
Hai người bước xuống đường. Nhưng ngay lúc ấy một tiếng còi xe máy bất thình lình và rõ ràng là cố ý thét lên thật to, ở ngay sát họ:
- Pe!
Loan giật bắn mình, quay người, nhảy phắt lên hè. Luống cuống Trọng lỡ đà tụt chân xuống lòng rãnh. Sượt qua trước mặt Trọng như một vệt gió là một chiếc Hon-đa đỏ. Anh loạng choạng. Và khi chiếc xe máy mới chỉ cách anh mươi bước chân, bước lên mặt đường, Trọng đã thấy Loan đứng ở trước anh, đang như định đuổi theo chiếc xe và rít lên the thé:
- Tiên sư bố chúng mày nhé, hai thằng khốn nạn!
Hai gã con trai ngồi trên chiếc xe máy quay lại, một gã giơ tay đặt lên môi và ném cái hôn về phía sau, cười khặc khặc.
Trọng kêu, choáng váng:
- Loan! Đừng nói thế, Loan!
- Tiên sư bố nhà nó chứ. Xuýt nữa đứt mất đôi guốc của người ta.
- Loan!
Không để ý đến tiếng kêu tắc nghẹn của Trọng, Loan nhấc chiếc guốc lên xem, rồi vứt bịch xuống đường, phủi tay, cau có:
- Hôm nay tiểu hạn hay sao mà đen thế!
- Tiểu hạn là thế nào, Loan?
- Còn tiểu hạn nào nữa. Cái lão thầy tử vi nó nói thế. Đúng là con bích đen sì vào buổi tối.
Mặt Loan cong cớn và nặng chịch. Trọng đờ đẫn như vô hồn.
- Anh thì cứ như ở trên mây, trên gió ấy.
- Anh không muốn Loan nói những lời như lúc nãy.
- Hừ, đến là khó chịu. Chiều về thì ông bô, bà bô ca liên tịch. Tẩm không chịu được. Họp, thì con mụ sếp cửa hàng giở trò hâm ra. Cái thằng Lùng trời đánh lại mổ mất cái ví mới cứng.
Trọng gằm mặt xuống mặt đường. Họ đi bên nhau, qua những góc phố vắng: ở những bóng tối, gốc cây và bờ tường có những cặp tình nhân ngồi tình tự và ôm ấp vuốt ve nhau. Đêm rì rầm lâng lâng men tình say. Họ cũng là một cặp trai gái đã yêu nhau. Nhưng, cả hai hình như đã già cả rồi. Cảm hứng đã tan biến, đôi chân Trọng nặng như đeo đá.
- Ơ kìa, khốn nạn đến thế là cùng!
Cùng với tiếng kêu của Loan, bầu trời đêm bỗng nhiên lúc ấy như vừa vỡ ra thành ngàn mảnh. Mặt đường ran lên tiếng hạt mưa đập tới tấp. Mưa to thật rồi. Hai người vội chạy lên một hàng hiên. Đó là mái hiên của một khách sạn lớn. Người trú mưa cùng xe đạp, xe máy lủng củng, lộn xộn một đống đen ngòm. Họ luồn lách và tìm được một góc vắng.
Mưa theo gió hắt vào hiên. Nép vào cạnh Trọng, Loan vòng cánh tay ôm một bên tay anh. Giây lát, Trọng ngây ngây vì một hơi ấm lan toả mỗi lúc một nồng nàn. Qua làn chớp sáng, anh nhìn thấy hàng mi Loan cong nhướng lên, và một hạt mưa đậu ở đuôi con mắt cô. Cặp mắt ấy in hệt cặp mắt Loan lúc khóc thương Cô-dét và Giên E-rơ. Bỗng nhiên những bức bối như được cơn mưa giải toả, lòng anh lại từ từ dâng lên một nỗi vui ngọt ngào. Vẫn là Loan những ngày đã xa. Loan vẫn trong trẻo, vẫn tươi đẹp. Bụi bậm vô tình bám vào Loan rồi sẽ lặng lẽ buột ra, bay đi. Anh vẫn yêu Loan và tình yêu của anh giờ đây lại mạnh mẽ hơn vì nó mang thêm ý nghĩa là chất đề kháng cho cô, giữ gìn cho cô.
Nhưng, đáng lẽ phải nói điều gì đó êm ái, vui vẻ, thì Trọng lại gần như buột miệng:
- Loan à, em bảo bố đừng mắng chửi, đánh đập thằng Lùng nữa.
- Sao, anh bảo sao?
Trọng chưng hửng. Những sợi mi mắt của Loan cứng như mi giả động đậy, động đậy. Chúng như gai nhọn, giương lên. Anh lúng túng:
- A, sáng nay, lúc ấy, anh nói chuyện với ông Hảo...
- Ông ấy hâm tỉ độ.
- Ừ! – Trọng thoát một hơi thở. Anh tưởng như vừa tìm thấy điểm tương đồng với Loan. Nhưng, cô đã quay phắt lại:
- Nhưng, ông ấy còn hơn ba anh nhiều. Ông ấy làm được ối tiền. Vẽ truyền thần, mỗi bức phải ba chục. Ông ấy vẽ tranh Thánh vớ mới bẫm. Ông ấy còn lắm nghề bí mật hái ra tiền. Riêng đẽo guốc, mỗi tháng phải tiền nghìn. Hôm qua, ông ấy hỏi em: Cô Loan có cần tiền không, tôi cho vay, không lấy lãi. Ba anh ... tưởng thế nào, hoá ra về hưu, ngồi nhà chơi hoa. Đụt quá!
Trọng thấy hẫng một nhịp tim cùng lúc anh nhận ra một dòng nước từ mái hiên vừa dòng dòng rót xuống vai mình. Nhìn lên, anh thấy dòng nước lóng lánh sáng và bên trái anh vừa loé sáng một ánh đèn xe.
- A, thơm thịt nhỉ!
- Ăn nói cho nghiêm nhé.
- Chua không kìa!
- Hay là muốn ăn mấy cái sa-pô!
Trọng quay lại. Loan đang xỉa xói hai gã con trai vừa đẩy xe máy tới. Đèn xe loá vàng. Trông lờ mờ như chiếc Hon - đa đỏ lúc nãy. Gã cao lớn, có hàng ria con kiến, cầm tay lái, cúi xuống tắt công tắc đèn, ngẩng lên nhìn Loan rồi cười, gật gật:
- Khá lắm! Năm điểm! Có bằng lòng đi chơi với anh không?
- Đồ du côn!
- Gì mà nặng lời thế, em xinh đẹp?
- Thôi, hê đi cho nhẹ đũng.
- Gì mà kiêu thế. Anh là khách hàng thường xuyên của em đây mà.
- Đồ đểu! Đồ mất dậy!
Gã nọ cười nhệch, nháy mắt:
- Ăn nói nghiêm chỉnh đấy. Em bán hàng ở Cửa hàng bách hoá số 15. Anh thường xuyên đến đó mua hàng. Không đúng à?
Bấm tay Loan, Trọng run cả người. Nhưng anh bất lực, không sao cản ngăn được cô nữa. Hai gã trai bỏ xe máy, xán đến cạnh cô. Họ xin lỗi nhau rồi thoáng cái đã hoà hợp với nhau, và tiếp đó ran ran hàng hiên đẫm ướt những tiếng cười khoái trá đồng cảm, những câu nói chủng chẳng ỡm ờ, vừa kiểu cách rởm vừa thô lậu, kèm thêm những tiếng lóng và những tiếng đệm tục tĩu.
Mưa ngớt.
Trọng và Loan bước xuống đường về nhà. Giờ mới thật là sự im lặng của Trọng. Tới đầu phố cả hai dừng lại vì đường phố ứ nước mưa. Loay hoay một lúc họ mới tìm được vệt hè chưa ngập. Tới đầu phố, Trọng muốn nói một câu, cả buổi xem phim và đi chơi phố, anh chưa nói được những điều dự định với cô, giữa anh và cô là một khoảng cách quá rộng; giờ, anh chỉ muốn cho cô biết: anh lại sắp ra đi; anh cần phải xuống khúc đê xung yếu ở Nguyên Lộc để tiếp tục công việc.
Nhưng, anh không kịp nói. Một tiếng sét đã nổ váng trên vòm trời đen sầm của thành phố: mùa mưa lũ với bao gian nan, vất vả, âu lo mà anh dự cảm thấy đã bóp nghẹt tim anh.