1
Năm thứ 26 triều Quang Tự đời Thanh, tức năm 1900. Một buổi sáng mùa thu sương mù dày đặc, quân Đức được viên tri huyện Cao Mật Lý Quế Phong dẫn đường, bao vây thôn Sa Oa tận cùng phía tây nam. Hôm ấy mẹ anh vừa tròn sáu tháng tuổi, chưa biết đi nhưng đã biết bò, tên cúng cơm là Toàn Nhi.
Ông ngoại anh Lỗ Ngũ, có biệt hiệu là Lỗ Quậy, tinh thông võ nghệ, đi lại nhanh nhẹn như thanh niên. Ông dậy rất sớm, luyện dăm đường quyền cước trong mảnh sân còn đẫm sương đêm, rồi quảy đôi thùng sắt tây, của hiếm lúc bấy giờ, đi lấy nước ăn ở giếng nước ngọt phía nam thôn. Móc sắt trên đầu đòn gánh cọ vào quai thùng, phát ra những tiếng lanh canh vui tai. Trên đường đã có nhiều người đi lại, người thì nhặt phân chó, người guồng nước tưới rau cải, cũng có những người quảy thùng gỗ, đội lọ đi lấy nước ăn. Từ lò luyện võ của Đỗ Giải Nguyên vang lên những tiếng hự hự của từng cặp đối công. Đỗ Giải Nguyên là cử nhân võ, cao to trắng trẻo, nhưng bà vợ thì lại đen nhẻm, rỗ chằng rỗ chịt. Đồn rằng, sau khi trúng tuyển, ông từng có ý định bỏ vợ, nhưng một đêm ông mơ thấy một con chim đại bàng lông đốm phủ một bên cánh lên người ông. Tỉnh dậy, ông thấy cánh tay của bà vợ mặt rỗ vắt trên ngực mình. Đỗ Giải Nguyên hiểu ra đó là lời mách của thần linh. Vợ mình tuy mặt mũi xấu xí nhưng đó là phượng hoàng đầu thai vào bà, vậy là ông thôi ý nghĩ bỏ vợ. Đỗ Giải Nguyên võ nghệ siêu quần, có thể gánh hai thùng nước đầy đứng trên mông ngựa phi như bay mà không sánh ra ngoài một giọt. Đến điểm dừng, ông vẫn gánh nguyên hai thùng nước mà nhảy xuống không một tiếng động, thân thế còn nhẹ hơn cục bông, mặt không đỏi sắc, tim không đập mạnh, hai thùng nước vẫn đầy nguyên, không mất một giọt, khiến những tên vô lại định khiêu khích ông bỏ chạy tán loạn.
Ông ngoại đến bên giếng liền ngửi thấy một mùi thơm ngát từ dưới giếng bốc lên. Cái giếng này thông với biển Đông trời cạn đến mấy cũng không hết nước, thường có cá lớn xuất hiện, được gọi là cá thần. Có nhiều truyền thuyết về giếng này, nước giếng ngọt lạ lùng. Cả thôn đều dùng nước ở giếng này và bảo vệ giống như bảo vệ con ngươi của mắt. Ông ngoại nhìn xuống giếng, thấy một bông sen trắng to bằng miệng bát, những cánh hoa trong suốt như bằng mã não, chính giữa là nhụy đỏ như lửa. Ông ngoại vô cùng ngạc nhiên, vội rút lui, sợ làm kinh động bông hoa kỳ lạ. Ông quảy đôi thùng không đi về bắt gặp Đỗ Lê, người ở của nhà Đỗ Giải Nguyên. Đỗ Lê vẫn còn ngái ngủ, ngáp dài hỏi:
- Ông Ngũ Quậy, ông dậy sớm thế!
Ông ngoại ngăn Đỗ Lê:
- Người anh em, đừng đến chỗ giếng nước nữa!
Đỗ Lê hỏi: - Sao vậy?
Ông ngoại nói:
- Trong giếng có một bông sen trắng!
Đỗ Lê nói:
- Sen trắng chứ sen đỏ thì tôi cũng phải lấy nước đem về. Bây giờ về tay không, ông chủ đâu có chịu!
Đỗ Lê gánh đôi thùng gỗ nặng, chệnh choạng đi tới giếng nước.
Ông ngoại chạy dón đầu anh ta, bảo:
- Có hoa sen trắng thật mà!
- Ngũ Quậy, mới bảnh mắt mà đã bị ma ám rồi hả?
- Chính mắt tôi trông thấy mà lại, to bằng miệng bát ấy!
Đỗ Lê đi tới bên giếng cúi xuống nhìn, rồi quay lại bảo ông ngoại:
- Có mẹ anh trong giếng thì có!...
Nói chưa dứt, anh ta đã ngã gục bên thành giếng. Ông ngoại nghe thấy một tiếng súng trầm đục, máu vọt ra từ ngực Đỗ Lê. Một tốp lính Đức đội mũ chóp bằng, người cao, hai chân dài và mảnh, từ phía cầu treo chạy tới dẫn đầu là một người Trung Quốc đuôi sam quấn quanh cổ, tay cầm khẩu súng lục.
Giặc Đức!
Người Đức xây dụng đường Sắt Giao-tế đã phá hoại phong thủy vùng đông bắc Cao Mật. Vì chuyện này mà Thượng Quan Đẩu và Tư Mã Răng-to đánh chúng một trận bằng phân và nước tiểu, kết thúc bằng sự thất bại thảm hại của dân đông bắc Cao Mật. Ông ngoại và mọi người không bao giờ quên tiếng thét thê thảm của Thượng Quan Đẩu khi ông phải đi chân trần trên lưỡi cày nung đỏ và cái mùi thịt người cháy khét lẹt khiến người ta buồn nôn. Qua thất bại, mọi người hiểu ra rằng, người Đức không phải tượng gỗ chân một gióng không có xương bánh chè? Cũng không phải là thứ người sạch sẽ đến nỗi trông thấy cút đái là nôn mửa cho đến chết. Dân Cao Mật căm thù người Đức. Một công trình sư đường sắt bóp vú chị Vu Bảo trên chợ Sa Oa, bị quần chúng căm phẫn đánh chết tươi! Họ biết rằng người Đức sẽ không bỏ qua chuyện này? Trong trận đánh bằng phân và nước tiểu, hội dáo dài của thôn Sa Oa cũng từng chi viện. Ông ngoại là ngũ trưởng đội dáo dài. Đỗ Giải Nguyên là đội trưởng. Họ luyện tập quân sự, đúc súng đúc pháo, xây tường vây, đào chiến hào, sẵn sàng đợi địch. Qua mấy tháng không thấy động tĩnh, mọi người dần dần lơ là. Nhưng giờ đây họ sốt ruột chờ đợi nhưng lại sợ chuyện đó xảy ra. Quân Đức trèo qua tường vây, mở toang cổng, thả cầu trèo rồi ồ ạt xông vào. Đỗ Lê không tin dưới giếng có bông sen trắng, là người đầu tiên bị chúng bắn chết. Sau đó, dân Sa Oa bị giết chết tổng cộng là 494 người.
Ông Ngũ Quậy ngẩng đầu lên liền trông thấy lính Đức cao lênh khênh xông tới, súng khai hậu trong tay chúng nổ chát chúa, đạn bay chíu chíu. Khói tỏa dày đặc, bóng lính Đức khi ẩn khi hiện, không rõ chúng có bao nhiêu thằng. Ông ngoại gào lên thật to, báo động cho dân làng. Tiếng súng của bọn Đức cũng coi như báo động rồi. Ông ngoại tiếc đôi thùng tôn hoa đổi bằng bốn đấu lúa mạch, nên vẫn gánh trên vai mà chạy. Thùng lắc dữ dội, phát ra tiếng kêu loảng xoảng. Bọn Đức bắn đuổi theo, chiếc thùng bị thủng một lỗ. Trên đường, mọi người chạy nháo nhác. Ông Trần Mù tay cầm cây gậy dò đường, lọt ngay vào giữa đám lính Đức, hỏi to:
- Bọn giặc ở đâu? Bọn giặc đến đâu rồi?
Bọn Đức kề súng vào sau gáy ông bóp cò. Ông ngã gục, nửa đầu bay đi đâu mất.
Dân chúng đóng cửa lại, gói ghém đồ đạc. Đội trưởng đội dáo dài Đỗ Giải Nguyên không kịp triệu tập các đội viên, chỉ gom được hơn chục gia đình và người làm thuê, chống cửa thật chắc bằng những đoạn gỗ táo. Bà vợ mặt rỗ của ông cũng tỏ ra năng nổ. Bà cởi trần, cặp vú mướp lủng lẳng, tay cầm quả chùy sắt, chạy lên chạy xuống cùng chồng. Ông ngoại chạy về nhà, chốt cửa chặt. Bà ngoại bế Toàn Nhi ngồi trên giường người run bắn. Bà ngoại họ Diêu, là thiếu phụ đẹp nhất thôn Sa Oa. Đôi bàn chân nhỏ nhọn như cánh điều, quá lắm cũng chỉ dài ba tấc.
Đỗ Giải Nguyên từng nói với Ngũ Quậy:
- Ta đường đường là một cử nhân võ mà lấy phải người vợ mặt rỗ chân to. Còn chú mày chẳng ra hồn người, vậy mà đêm đêm nằm cạnh một thiếu phụ yêu kiều, bàn chân dài ba tấc!
Bà Diêu vú to mông nẩy, vì bàn chân nhỏ đi lại khó khăn, suốt ngày ở trong nhà không ra nắng, da mặt trắng như trứng gà bóc. Giờ đây bà sợ đến nỗi mặt vàng ệch.
- Bố con Toàn này... - Bà lo lắng hỏi - Làm thế nào bây giờ?
Ông Ngũ Quậy quệt nhọ ở đít nồi xoa khắp mặt bà Diêu. Nhà nông ăn ở đơn giản, không nấp vào đâu được. Ông Lỗ Ngũ Quậy là một trang hảo hán. Ông thắt lưng to bản, tu một hơi hết bình ruọu để cho hăng lên, rồi vớ ngọn dáo có ngù đỏ chạy ra sân, phục sau cánh cổng lớn. Ông Đỗ Giải Nguyên trèo lên nóc bằng của kho thóc bằng chiếc thang gỗ. Sau lưng ông, hai ngươi làm thuê ì ạch kéo khẩu pháo tự tạo lên theo, thở hồng hộc. Ông trông thấy trên đường khói súng chưa tan hết, dân chúng nháo nhác như dê vỡ đàn. Một đội lính Đức hàng ngũ vuông vức, đứng lên quì xuống nhịp nhàng nổ súng, dân chúng ngã gục từng đợt, có người chết ngay không kịp giẫy có người lại vừa khóc vừa lăn lộn trong vũng máu. Ông trông thấy trên tường vây khói súng đã tan hết, từng xó xỉnh đều có lính Đức thân thể cao to, còn có những kỵ binh của Mãn Thanh mà trước ngực và sau lưng áo đều có chữa Dũng. Phía cửa nam, một tốp lính Đức đang xúm xít vây quanh hai khẩu pháo đen bóng do hai con lừa kéo, lộc cộc qua cầu treo. Thôn Sa Oa đã bị bao vây. Hai người làm công kéo khẩu pháo lên, rồi chạy xuống lấy hồ lô đựng thuốc súng. Trên nóc kho thóc, sương đã tan hết, nắng vàng rực rỡ. Bà vợ mặt rỗ cũng trèo lên nóc kho quan sát tình hình.
- Bình Giai - Bà gọi tên tự của chồng, nói - hôm nay e rằng dữ nhiều lành ít.
Đỗ Giải Nguyên nhìn vợ một thoáng, nói:
- Bà đưa bọn trẻ xuống hầm đi. Hôm nay đánh cũng chết mà không đánh cũng chết? Thư gửi Hoàng thượng tôi để dưới chiếu đầu giường, sau khi tôi chết, bà đi phủ Thanh Châu gặp Mộ Dung đại nhân để Ngài tâu lên!
Bà vợ rỗ cười:
- Bình Giai, ông mê rồi?
Một tràng đạn của lính Đức giết chết một phụ nữ bồng con ngay ở bậc lên xuống ngoài cổng nhà ông. Trong sân chó sủa dữ dội.
- Nạp đạn? - Đỗ Giải Nguyên quát. Hai người làm công đổ thuốc vào nòng pháo, dùng cây thông nòng lèn chặt, rồi nạp những viên sát tròn to bằng củ lạc.
- Thưa ông, đổ thuốc dày mấy phân? Anh làm công hỏi.
Đỗ Giải Nguyên nói:
- Đổ nhiều vào, không vỡ nòng là được!
Đỗ Giải Nguyên đích thân chỉnh pháo, nhám thẳng vào đám quân Đức thấp thoáng trong sương mù. Ông đón nén hương đang cháy từ tay bà vợ, thổi cho đỏ lên rồi châm ngòi. Một tia khói trắng phụt ra từ lỗ nhĩ. Khẩu pháo đúc bằng gang im lặng, im lặng, oai vệ như con thú dữ, rồi đột nhiên nó rùng mình một cái, lưỡi lửa phụt ra đầu nòng, quét rụng một mảng quân Đức. Chúng kêu la ầm ĩ. Khói trắng lởn vởn quanh nòng pháo.
- Nạp đạn - Đỗ Giải Nguyên lại ra lệnh. Sương mù trên đường đã bị pháo đánh tan, bọn lính Đức hoảng loạn, chạy vào nấp trong ngõ, trên đường chỉ còn mấy cái xác và mấy tên bị thương ôm mặt gào khóc, máu rỉ ra từ các kẽ ngón tay. Những người làm công vội vã nạp đạn. Những tên Đức còn tỉnh táo nã súng lên nóc nhà kho. Một viên đạn sượt qua tai Đỗ Giải Nguyên, ông cảm thấy vành tai nóng như chém lửa, sờ lên tay đầy máu. Ông vội nằm xuống. Anh làm công bị thương ở bụng dùng tay chặn khúc ruột cứ muốn lòi ra ngoài, mặt trắng nhợt, anh vừa khóc vừa nói:
- Ông ơi, nhà con năm đời độc đinh, con chết thì họ Tôn nhà con tuyệt tự mất!
Đỗ Giải Nguyên nói:
- Xéo, đừng nói nhà anh tuyệt tự, mà hôm nay cả cái thôn Sa Oa này đều tuyệt tự?
Ông dằn giọng nói:
- Nạp đạn!
Vợ ông nói:
- Bình Giai, xuống đi ông?
Ông kéo hồ lô thuốc dính đầy máu, nói:
- Cho chúng một phát nữa là hòa vốn!
Bà vợ nói:
- Chúng chết một loạt rồi, hòa vốn rồi! Bà rướn người lên để kéo ông nên bị một phát đạn vào cổ, người giật lên một cái rồi gục xuống, máu miệng chảy ra. Hỏng rồi, phượng hoàng bị bắn chết rồi, ông nghĩ. Khuôn mặt rỗ của bà vợ giật giật, đôi mắt lá dăm lóe lên một tia sáng lạnh. Đỗ Giải Nguyên dốc toàn bộ thuốc súng vào nòng pháo. Ông nằm thẳng để tránh đạn vì cái gờ mái nhà quá thấp, dùng cây thông nòng lèn chặt thuốc. Một anh làm công khác đưa cho ông hồ lô đụng đạn. Ông trút đạn vào nòng kêu lạo xạo, lại lèn chặt. Anh làm công đã lắp xong ngòi dẫn, đưa nén hương cho ông, nói:
- Thưa ông, ông điểm hỏa đi!
- Oàng!
Chùm đạn nã thẳng vào bức tường chắn phía trước, tiếng rào rào như có luồng gió thổi qua. Bọn Đức nấp trong ngõ hẻm, không tên nào bị thương, nhưng bị uy lực của khẩu pháo tự tạo làm chúng kinh hồn táng đỏm. Bức tường bị bắn nát một vùng rộng bằng cái thớt cối xay bột, đạn găm rất sâu trong tường. Phát dạn này mà bắn trúng người thì chắc chắn là không còn một mảnh. Đỗ Giải Nguyên loạng choạng đứng dậy, một loạt đạn hất ông xuống phía dưới nhà kho. Lúc này, hai khẩu pháo của quân Đức cũng nhằm vào ngôi nhà của Đỗ Giải Nguyên liên tiếp nhả đạn. Pháo của bọn Đức bắn đạn có cát tút đồng, tiếng nổ đanh, sắc, ù cả tai. Đạn rơi trên nóc nhà nổ ùng oàng, gạch ngói bay tứ tung, khói dựng lên từng cột.
Bọn Đức đã phá được cổng nhà ông Ngũ Quậy. Trước tiên, chúng bắn bừa vào trong mấy phát, không động tĩnh. Ông Ngũ Quậy nấp sau cánh cổng, im lặng chờ đợi. Một tên Đức cầm khẩu khai hậu đã lắp lê, ló đầu vào trong như con gà trống. ống quần của nó rất chật, hai đầu gối lồi lên như hai chiếc màn thầu. Vạt áo trước, hai hàng cúc đồng sáng loáng. Ông Ngũ Quậy vẫn ngồi yên. Tên lính Đức ngoảnh lại vẫy bọn lính, cặp mắt xanh, cái mũi đỏ và mái tóc bạch kim ló ra dưới vành mũ, hiện rõ mồn một dưới mắt ông. Tên lính Đức cũng đã trông thấy người nấp sau cánh cổng, đen nhẻm như cây tháp bằng sắt. Hắn định giương súng lên nhưng đã muộn. Ngũ Quậy nhảy vọt ra, người chưa tới nhưng mũi dáo nhọn hoắt đã đâm ngập bụng tên lính. Nửa người trên của tên lính đè lên cán dáo. Khi Ngũ Quậy rút mũi dáo ra, ông cảm thấy một luồng gió lạnh từ phía sau xuyên thẳng vào lưng. Hai tay tê dại, ông buông ngọn dáo, khó nhọc quay người lại thì hai tên lính Đức đã chĩa súng vào ngực ông. Ông giang tay định xông tới thì từ nơi sâu thăm trong đầu vang lên một tiếng bốp như có cái gì đó bị gãy mắt tối sầm và mơ hồ cảm thấy một chất dính như hồ chảy xuống mặt. Ông gục xuống.
Bọn Đức vừa bắn vừa xông vào trong nhà, nhìn thấy người đàn bà trắng trẻo đã treo cổ tự vẫn dưới xà nhà, hai bàn chân nhọn chỉ có ngón cái là có móng sáng bóng, khiến chúng hết sức kinh ngạc.
Ngày hôm sau, cô và dượng Vu Bàn Vả nghe tin chạy tới, cứu được mẹ trong chum bột. Người mẹ bột bám đầy chỉ còn thoi thóp. Bà cô móc bột trong miệng mẹ ra, phát vào mông hồi lâu mẹ mới bật khóc, tiếng khóc khản đặc.
2
Khi Lỗ Toàn Nhi lên năm tuổi, thì bà cô lấy các thứ như nẹp tre, dùi đục bằng gỗ, những dải vải thô dài ra, bảo:
- Toàn Nhi, cháu đã lên năm, đến lúc phải bó chân rồi!
Toàn Nhi:
- Sao lại phải bó chân hả cô?
Bà cô:
- Đàn bà không bó chân không lấy được chồng?
Toàn Nhi:
- Sao lại phải lấy chồng hả cô?
Bà cô:
- không đi lấy chồng thì chẳng lẽ ta nuôi cháu suốt đời à?
Chú dượng Vu Bàn Vả, một con bạc đôn hậu, ra ngoài là người đàn ông gang thép nhưng khi về nhà thì lại là một con mèo ngoan ngoãn. Ông đang ngồi nướng cá diệp liễu ở bếp. Hai bàn tay to như bàn vả của ông trông có vẻ thô kệch nhưng thực tế rất nhanh nhẹn. Những con cá chảy mỡ xèo xèo trên ngọn lửa, mùi thơm điếc mũi. Cô bé rất có cảm tình với ông chú dượng, vì khi bà cô đi làm đồng, ông dượng lười nhác này ăn vụng tất cả các thứ, lúc thì dùng muôi sắt xào trúng gà, khi thì xẻo thịt ướp đem nướng. Mỗi khi ăn vụng, ông thường chia cho cô bé một ít với điều kiện không được mách bà cô.
Ông Vu Bàn Vả dùng móng tay cạo sạch vẩy cá, rồi vẫn dùng móng tay tước từng tí thịt đưa lên đầu lưỡi, chép miệng ngon lành sau khi tợp một ngụm rượu. Ông nói:
- Toàn Nhi, cô cháu nói đứng đấy. Phụ nữ không bó chân thì sẽ thành chân bàn cuốc, không ai thèm lấy?
Bà cô nói:
- Cháu thấy chưa, dượng cháu cũng nói như vậy?
Vu Bàn Vả:
- Cháu có biết vì sao dượng lấy cô cháu không?
Toàn Nhi:
- Vì cô cháu tốt mà!
Vu Bàn Vả:
- Không hẳn, vì cô cháu có bàn chân nhỏ! Toàn Nhi nhìn hai bàn chân nhỏ thó của bà cô rồi nhìn lại hai bàn chân tự nhiên của mình, hỏi:
- Chân cháu rồi cũng như thế này à?
Bà cô nói:
- Cái đó còn phải xem cháu có nghe lời hay không đã. Nếu nghe lời chúng còn nhỏ hơn.
Mỗi khi kể lại lịch sử cái chân bó, giọng mẹ có vẻ như tố khổ, lại có vẻ như khoe khoang về mình. Tính cách cứng rắn cùng bàn tay khéo léo của bà cô nổi tiếng khắp vùng Cao Mật. Ai cũng biết gia đình Vu Bàn Vả do phụ nữ làm chủ: Ông chú dượng chỉ biết đánh bạc, múa thương, bắn chim, ngoài ra không làm gì cả. Năm mươi mẫu ruộng tốt, hai con la, toàn bộ công việc đồng áng, nội trợ, đều do bà cô đảm đang. Bà chưa cao đến mét rưỡi, nặng chưa đến bốn mươi cân, cơ thể chỉ có vậy mà năng lượng sản ra thì cực lớn. Thật kỳ lạ! Một bà cô như vậy mà thề rằng sẽ bồi dưỡng cháu gái thành một thục nữ thì trong việc bó chân sẽ không cẩu thả chút nào! Bà dùng nẹp tre cố định chân mẹ lại, khiến mẹ gào lên như lợn bị chọc tiết, phải kẹp chặt vì tạo hình cho bàn chân nhỏ là rất quan trọng. Sau đó quấn thật chặt hết lớp này đến lớp khác những đoạn vải đã tẩm nước muối phơi khô, rồi lấy dùi gỗ vỗ một lượt. Mẹ kể rằng, buốt đến tận óc, van xin:
- Cô nới cho cháu một tí?
Bà trợn mắt, nói:
- Xiết chặt là thương yêu cháu, nới lỏng ra là làm hại cháu, khi nào cháu có đôi gót sen vàng, cháu sẽ cảm ơn cô?
Mẹ nói:
- Cô ơi, cháu không lấy chồng nữa, có được không?
- Bậy nào, không ai lấy chồng thì thế giới này tuyệt diệt à!
Chú dượng động lòng thương, nói xen vào:
- Nhẹ tay một tí, nhẹ tay một tí nào!...
Bà vớ cái chổi ném ông, quát:
- Xéo ngay, đồ lười chảy thây? Ông chú dượng thuận tay quơ xâu tiền trên chiếu, chạy mất.
Ông chú dượng nghiện cờ bạc, phiên chợ nào cũng nghe thấy tiếng hò sấp ba ngửa bốn của ông. Bàn tay ông xanh lè những gỉ đồng. Khi xảy ra đánh lộn thì trời ông cũng hạ xuống đất. Ông đã từng đấm rụng hai chiếc răng cửa của thằng Chổi Sắt? Chổi Sắt là ai? Là tên thổ phỉ nổi tiếng nhất ở vùng Cao Mật. Hắn nhổ hai chiếc răng ra, cười:
- Khỏe đấy, làm ăn với chúng tớ đi!
Chú dượng Vu Bàn Vả nói:
- Để tôi về hỏi vợ đã!
Những người trên chợ Đại Lan thường chứng kiến một cảnh tức cười như sau: Bà Vu bó chân, người nhỏ thó kéo tai ông chồng hộ pháp lôi về nhà, điệu bộ như một bà tướng, ai cũng cười nôn ruột, kháo nhau: Đúng là mát nước thối đá, vỏ quít dày có móng tay nhọn!
Mới đó mà đã sang thời Dân Quốc, Toàn Nhi đã mười sáu tuổi xinh tươi rực rỡ, báu vật loại một vùng Cao Mật. Muốn ngắm chân nhỏ, xuống ngó đầm sen. Nhà của bà cô nằm ngay bên bờ đầm sen. Ông chú dượng nửa văn nửa võ cho treo cái biển trước cổng, đề ba chữ: Liên hương trai, ông cũng tự hào vì đôi bàn chân nhỏ của Toàn Nhi và coi cô cháu gái dung nhan kiều diễm này là một báu vật sáng giá. Con Toàn nhà tôi nhất định phải gả cho một trạng nguyên? Mọi người bảo:
- Ông Bàn Vả ơi nhà Thanh mất rồi, làm gì còn trạng nguyên nữa.
Ông chú dượng nói:
- Vậy phải gả cho một đốc quân, không lấy được đốc quân thì cũng phải huyện trưởng.
Mùa hè năm 1917, huyện trưởng mới của vùng Cao Mật Ngưu Đằng Tiêu vừa chân ướt chân ráo đến nhậm chức đã triển khai bốn việc lớn: một là cấm thuốc phiện, hai là cấm cờ bạc, ba là tiễu phỉ, bốn là bỏ bó chân. Cấm thuốc phiện thì cắt đứt nguồn lợi, thành ra bên ngoài thì cấm nhưng bên trong không cấm? Cờ bạc cấm không nổi, đành mặc kệ ra sao thì ra! Tiễu phỉ tiễu không nổi thôi đành bỏ đấy! Chỉ còn bỏ bó chân thì chẳng có gì quan ngại. Huyện trưởng Ngưu đích thân xuống các xã tuyên truyền vận động, thanh thế rầm rộ. Vào một ngày tạnh ráo hiếm thấy của tháng Bảy, một chiếc ô tô mui trần về thành phố Đại Lan. Thuộc cấp của huyện trưởng cho gọi trưởng trấn tới, trưởng trấn cho gọi trưởng phường, trưởng phường cho gọi trưởng cụm, trưởng cụm thông báo cho dân chúng đến sân phơi thóc, già trẻ lớn bé đều phải có mặt, ai không đến phải phạt một đấu lương thực. Trong khi đợi mọi người đến đông đủ, huyện trưởng Ngưu ngồi ngắm hoa sen trong đầm. Hoa đỏ hoa trắng đan xen mùi hương sực nức. Huyện trưởng Ngưu trông thấy chiếc biển gỗ trên cổng nhà bà cô, nói:
- Không ngờ nơi quê mùa này lại thanh tao như vậy!
Trưởng trấn xun xoe lấy lòng huyện trưởng nói:
- Thưa huyện trưởng, trong nhà này có gót sen vàng.
Ngưu huyện trưởng nói:
- Thích nốt ruồi là tật của người đời, hương sen vốn là mùi của chân bó!
Mọi người lục tục đến đủ, tất cả tập trung ở sân phơi để nghe huyện trưởng hiểu dụ. Mẹ kể, Ngưu huyện trưởng mặc bộ Trung Sặm màu đen, đội mũ màu cà phê, để ria mép đen nhánh, đeo kính gọng vàng, dây đồng hồ lủng lăng bên ngoài miệng túi, tay cầm can, giọng khàn khàn như vịt đực. Ông ta nói năng trôi chảy, mép sùi bọt trắng, cũng không hiểu ông ta nói những gì.
Mẹ cảm thấy hơi sợ, túm chặt vạt áo bà cô. Từ khi bó chân, mẹ không ra khỏi cổng, không đan võng thì lại thêu hoa. Lần đầu tiên trong dời, mẹ trông thấy nhiều người đến thế, hơn nữa đều là người lạ. Mẹ cảm thấy người nào cũng nhìn bàn chân của mẹ. Mẹ kể, hôm ấy mẹ mặc chiếc áo sa tanh màu xanh lá mạ, cổ tay và gấu áo đều viền dăng ten hình chữ vạn chạy đuổi. Gấu áo chấm đầu gối, chiếc đuôi sam to nặng, chấm thắt lưng. Quần lụa hồng chấm gót, gấu quần cũng viền đăng ten. Chân đi giày cao gót, thêu hoa, thấp thoáng trong ống quần chùng Đứng một mình thì không vững, mẹ phải vịn vai bà cô.
Trong khi huấn thị, ông huyện trưởng nhắc đến Liên hương trai. Ông ta nói:
- Đây là tàn dư độc hại của phong kiến, là một thứ bệnh hoạn trong cuộc sống.
Mọi con mắt đều đổ dồn vào chân mẹ, khiến mẹ không dám ngửng đầu lên. Tiếp đó, huyện trưởng đích thân đọc cáo thị, toàn văn như sau:
Giải phóng bàn chân phụ nữ
Thông tư, cáo thị đã ban.
Chính phủ nhiều lần nghiêm lệnh,
Hiến pháp đã ghi thành văn.
Ba tháng phải giải quyết gọn,
Pháp luật phải thật nghiêm minh!
Nay nghe, phố phường thôn xóm,
Dân chúng cùng các hào thân
Chần chừ không ai thực hiện
Coi lệnh có cũng như không!
Lần nữa, Chính phủ ra lệnh
Lập tức giải phóng đôi chân!
Trên năm mươi tuổi tạm hoãn,
Dưới năm mươi tuổi phải tuân!
30 tháng 6 hạn chót,
Phái viên đồng loạt ra quân.
Kiếm tra một lần mỗi tháng,
Ai phạm sẽ bị phạt tiền!
Lần đầu phạt hai trăm tệ,
Tái phạm còn phạt nặng hơn!
Vợ phạm thì chồng nộp phạt,
Con phạm thì phạt cha, anh
Cáo thị lần này nói rõ,
Ngu dân không được hiểu lầm.
Niêm yết những nơi đông đúc,
Người người quán triệt mà làm!
Giải thích cho đến từng hộ,
Thôn xóm ba ngày một lần.
Mục tiêu giải phóng nhất loạt,
Quốc dân khoẻ mạnh cương cường!
Nếu vẫn lơ là như trước,
Phạt tiền, tội quyết không dung!
Đọc xong, ông lệnh cho sáu nữ thanh niên mà ông đem theo, nhảy múa với những đôi chân không bó. Họ ríu rít xuống xe. Quả nhiên, chân họ cực kỳ nhanh nhẹn, thân thể cường tráng. Các tùy tùng của huyện trưởng gào to:
- Bà con hãy mở to mắt ra mà xem!
Mọi người chăm chú nhìn sáu cô gái. Các cô để tóc ngắn, áo sơ mi cổ lật màu xanh lam, quần trắng dài chấm gối, để hở hai bắp chân trắng nõn, tất ngắn màu trắng, giày thể thao cũng màu trắng.
Bầu không khí mới mẻ, một luồng gió tươi mát tràn đầy lồng ngực dân chúng vùng đông bắc Cao Mật. Các cô gái xếp hàng, cúi chào mọi người rồi ngước mắt lên trời mà hát rằng: Chúng tôi không bó chân, chúng tôi không bó chân, da thịt trên người cha mẹ sinh. Họ giơ cao chân để khoe với mọi người bàn chân dài. Thoải mái vô cùng ta chạy nhảy, không như chân bó khổ trăm đường! Họ lại vừa nhảy vừa hát Phong kiến coi ta như đồ chơi, đã hại biết bao người Giải phóng đôi chân, ta giải phóng, quăng đi vải bó, đi lên tiên. Các cô gái lui vào bên trong. Một bác sĩ khoa xương bê ra mô hình một cái chân bị bó, chỉ cho mọi người thấy chỗ nào xương chân bị gãy, chỗ nào xương chân biến dạng. Cuối cùng, ông huyện trưởng nảy ra một ý, lệnh cho người có gót sen vàng được coi là đẹp nhất vùng Cao Mật lên trình diện, để mọi người thấy rõ đôi bàn chân ấy khó coi đến múc nào.
Mẹ tái mặt, nấp sau lưng bà cô. Ông trưởng trấn nói:
- Đây là mệnh lệnh của huyện trưởng, không ai được cưỡng lại! Mẹ ôm chặt eo lưng bà cô, nói:
- Cô ơi, cô cứu cháu! Cháu không lên đâu!
Bà cô nói:
- Cháu cứ lên cho người ta xem? Chỉ sợ người ta không biết đó là hàng đẹp, không sợ hàng mình không đẹp!
Cô không tin rằng đôi bàn chân do cô tạo nên lại xấu hơn chân của sáu con lừa đó.
Bà cô dắt mẹ ra phía trước rồi lánh sang một bên. Mẹ một bước đi ba lần nhún nhảy như cành liễu trước gió. Trong con mắt những người thủ cựu vùng Cao Mật, như thế mới là người đẹp? Họ tròn mắt ra nhìn, chỉ tiếc nỗi không thể nhìn xuyên quần xiên áo để ngắm trộm toàn bộ dung nhan người đẹp. ánh mắt của huyện trưởng như con thiêu thân, chui tụt trong ống quần Toàn Nhi, miệng há hốc ngẩn ra hồi lâu rồi lớn tiếng nói: - Hãy trông đây, người đẹp như thế này, vì cái chân bó, mà trở thành một quái vật vai không thể gánh, chân không thể giơ lên! Bà cô không sợ gì cả, gạt lời huyện trưởng:
- Thiên kim tiểu thư chỉ để nuôi làm cảnh, công việc nặng nhọc đã có đầy tớ.
Huyện trưởng vằn mắt nhìn bà cô, hỏi:
- Bà là mẹ của cô ấy hả?
Bà cô nói:
- Là mẹ thì sao?
Huyên trưởng nói:
- Chân cô ấy là kiệt tác của bà phải không
Bà cô:
- Nếu đúng như vậy thì đã sao?
Huyện trưởng nói:
- Bắt trói mụ già độc ác này lại cho ta! Ngày nào con gái mụ chưa tháo vải bó chân thì vẫn cứ giam mụ lại!
- Để xem các ngươi dám bắt người không - Vu Bàn Vả gầm lên như sét đánh giữa trưa, vung hai quả đấm nhảy ra đứng chắn trước mặt vợ.
Huyện trưởng nói:
- Anh là ai?
Vu Bàn Vả ngang nước trả lời:
- Tao là bố mày!
Huyện trưởng cả giận, quát:
- Bắt lấy nó!
Mấy tên sai nha rụt rè tiến lên. Chỉ một cái gạt, ông Vu Bàn Vảđã hất chúng sang một bên.
Dân chúng bàn tán xôn xao. Có người lượm đất cục ném sáu cô gái.
Dân Cao Mật vốn tính hung hãn, điều này có thể Ngưu huyện trưởng đã nghe nói. Ông ta nói:
- Hôm nay bản huyện có việc quan trọng, nên tạm tha cho nhà ngươi! Bỏ bó chân là nghiêm lệnh của nhà nước, kẻ nào vi phạm tất bị trừng phạt!
Huyện trưởng chui vào ca bin, quát to:
- Cho xe chạy!
Lái xe chạy vòng lên đầu xe, cắm ma-ni-ven vào lỗ rồi giật mạnh.
Các cô gái chân to và bọn tùy tùng vội vã trèo lên thùng xe.
Xe phành phạch nổ máy. Tài xế trèo lên ca bin, quay đầu xe. Chiếc xe chạy đi, kéo theo một đám bụi mù. Một bé trai vỗ tay:
- Ông Bàn Vả can đảm ghê, ông đuổi Huyện trưởng chạy té re.
Đêm hôm ấy, bà Lã - vợ của ông thợ rèn Thượng Quan Phúc Lộc tìm bà mối Viên, biệt hiệu Viên Lắm Điều, tặng bà ta một súc nhỏ vải trắng, nhờ bà ta đánh tiếng hỏi Toàn Nhi cho con trai độc nhất của bà.
Bà Viên đập quạt lá đánh bốp một cái vào đùi mình, nói với bà cô:
- Bà chị, nếu nhà Mãn Thanh không đổ, thì có chọc dùi vào mông, em cũng không dám bước qua ngưỡng cửa nhà chị! Nhưng bây giờ là Trung Hoa Dân Quốc, con gái bó chân không được chuộng nữa! Các công tử con nhà đại gia đều tiếp thu tư tưởng mới, mặc com lê, hút thuốc thơm, kết thân với những cô đầm chân to, chạy nhảy nói cười thoải mái, ôm ấp nhau mà hôn mà hít. Cô cháu gái của bà chị như phượng hoàng lỡ bước thua xa đàn gà, nhưng nhà Thượng Quan không vì thế mà chê, bà chị ơi, vậy là phúc đức cho nhà mình! Cậu Phúc Hỉ mặt mũi dễ coi, tính nết hòa nhã. Nhà có một con lừa, một con la, lại có một lò rèn, tuy không giàu nứt đố đổ vách, cũng không phải thiếu ăn thiếu mặc? Cô Toàn Nhi mà vào nhà ấy thì cũng chẳng có gì ân hận?
Bà cô nói:
- Tôi dạy dỗ nó để trở thành một nương nương, lại đem gả cho con trai ông thợ rèn?!
Viên Lắm Điều nói:
- Bà chị không nghe người ta kể sao? Chính cung nương nương của vua Tuyên Thống là dân đánh giày ở Cáp Nhĩ Tân đấy. Con người ta nay thế này mai thế khác chứ!
Bà cô nói:
- Chị bảo nhà Thượng Quan trực tiếp nói chuyện với tôi!
Sáng hôm sau, từ kẽ liếp nhìn ra, mẹ trông thấy bà Lã, mẹ chồng tương lai cao to lùng lững. Mẹ còn trông thấy cô mình và bà Lã đỏ mặt tía tai về chuyện đồ dẫn cưới nhiều ít. Bà cô nói:
- Bà cứ về bàn bạc cho kỹ, hoặc là một con la, hoặc là hai mẫu ruộng, tôi nuôi nó mười bảy năm, không thể trắng tay.
Bà Lã nói:
- Cũng được, coi như nhà tôi chịu thiệt, con la đen nộp cho nhà bà. Còn của hồi môn của nó là chiếc xe cút kít.
Hai người đập tay vào nhau, coi như đã thỏa thuận. Bà cô gọi to:
- Con Toàn đâu, ra chào mẹ chồng đi!
3
Lỗ Toàn Nhi và Thượng Quan Thọ Hỉ lấy nhau đã ba năm mà vẫn chưa có con. Mẹ chồng cô chửi mèo mắng chó:
- Chỉ biết ăn mà không biết đẻ nuôi cái đồ vô tích sự ấy làm gì!
Bà Lã ném mẩu sắt nung đỏ vào giữa đám gà mái. Một con tưởng ăn được, thò cổ mổ, mỏ bốc khói. Lỗ Toàn Nhi đang đập vỡ những khúc xương còn dính thịt, những mảnh vụn bắn lên người, trắng có, đỏ có. Bà Lã vốn keo kiệt, không mua thịt mà chỉ mua vài cân xương chưa lọc sạch, đập vụn rồi nhét vào làm nhân bánh bao, chào mừng ngày khao liềm hái, ngày mồng tám tháng Tư âm lịch. Đại mạch đã chín, tiểu mạch đã đỏ đuôi nông dân chuẩn bị liềm hái ngựa nghẽo, chuẩn bị thu hoạch.
Mùa xuân năm ấy mưa thuận gió hòa, lúa mạch rất tốt. Lò rèn nhà Thượng Quan làm ăn khấm khá, nông dân từng đoàn từng lũ đến mua liềm hái mới, đem liềm cũ đến cắt trấu hoặc cạp thép. Bễ lò đặt giữa sân, phía trên che bằng vải dầu. Lửa rừng rực trong lò, mùi than hoa thơm thơm, ngọn lửa đỏ hồng dưới nắng. Thượng Quan Phúc Lộc giữ kìm. Thượng Quan Thọ Lộc kéo bễ. Thượng Quan Lã thị mặc chiếc áo cộc đen cài khuy giữa, lưng thắt tạp để bằng vải bạt thủng lấm tấm do tàn lửa văng ra từ gỉ sắt, đầu quấn chiếc khăn rách, giữ búa tạ. Mồ hôi trên mặt chảy từng vệt trộn lẫn với bụi than. Nếu như không có cặp vú bằng hai cái vò trước ngực thì không ai nhận ra bà là phụ nữ. Tiếng búa chan chát từ sáng đến đêm. Đã thành lệ, nhà thợ rèn cơm ngày hai bữa. Lỗ Toàn Nhi phụ trách cơm nước, cho gia súc ăn, chăn lợn. Cô cũng bận tối mắt tối mũi, vậy mà vẫn bị mẹ chồng chì chiết. Bà vừa quai búa vừa giám sát con dâu, miệng cằn nhằn không lúc nào ngơi, chửi con dâu chán lại chửi con trai, chửi con trai chán lại chửi chồng. Cả nhà đã quen với những câu chửi của bà. Bà thật sự là người chủ của gia đình, và cũng thật trên tài về kỹ thuật rèn. Lỗ Toàn Nhi vừa hận vừa sợ mẹ chồng, nhưng không thể không bái phục mẹ chồng.
Lúc trời chiều, xem Thượng Quan Lã thị rèn sắt là tiết mục không bao giờ nhàm của người trong thôn. Trước và sau mùa gặt, cổng nhà Thượng Quan lúc nào cũng rộng mở. Chiều chiều, người ta đến lấy liềm hái, lấy rồi nhưng không vội về. Ráng chiều như lửa, hoa hòe nở đầy cây trắng như tuyết. Lửa trong lò màu vàng kim, thép đủ nhiệt độ, sáng trắng. Thượng Quan Phúc Lộc dùng kìm lôi thỏi sắt đặt lên đe, tay kia cầm búa nhỏ khệnh khạng đập những nhát chỉ chỗ. Thượng Quan Lã thị trông thấy sắt đã nung chín, lập tức như người vừa đã cơn nghiện, tinh thần phấn chấn, mặt đỏ bừng, mắt sáng rục, nhổ bãi nước bọt vào lòng bàn tay, vung búa tạ nện từng nhát lên thỏi sắt đo, tiếng búa trầm đục như nện vào miếng cao su sơ chế. Tinh tang, bụp, tinh tang, bụp! Người bà nhổm lên cúi xuống, khí tráng sơn hà, cuộc đọ sức giữa con người và sắt thép, cuộc thi tài giữa đàn ông và đàn bà, thỏi sắt biến dạng dần sau những nhát búa. Khi bà quai búa, mọi cặp mắt đều đổ dồn vào ngực bà, cặp vú nhảy tung tung không lúc nào dừng. Thằng cha có tên là Thầy Dùi bật cười một mình. Bà Lã hỏi:
- Thảy Dùi, ngươi cười gì thế!
Thầy Dùi nói:
- Ngày mai cháu đem hai cái lục lạc đến cho bác.
Bà Lã hỏi:
- Cho ta lục lạc để làm gì?
Thầy Dùi nói:
- Để treo dưới vú của bác, như vậy chúng sẽ rung lên mỗi khi bác quai búa!
Bà Lã nói:
- Thế thì có gì đáng cười? Cái thằng vắt mũi chưa sạch kia, ngày mai mà mày không đem hai cái lục lạc đến đây, ta sẽ lột da mày ra!
Rèn cho đến lúc trăng non mọc, sao nhấp nháy đầy trời, rồi đóng con dấu của nhà Thượng Quan lên thân liềm. Đó là nhãn hiệu, là tiêu chí của sự tín nhiệm, nếu liềm hái bị mẻ, bị quắn hoặc gãy thì cứ đem đến sửa không lấy tiền hoặc đổi cái khác. Hàng nhà Thượng Quan làm ra đều đóng dấu riêng. Liềm hái của nhà Thượng Quan trông có vẻ cục mịch, sống dao thô, nhưng những chỗ cần làm kỹ thì không bao giờ qua loa chiếu lệ. Lưỡi hái từ chỗ rộng hai ngón tay trở đi, ánh thép xanh biếc, cắt cả buổi sáng không cùn, nước thép như vậy mới tốt. Nước thép không tốt thì chỉ mài vài nhát đã quằn, lởm chởm như răng của, cắt những nhát đầu thì sắc, nhưng chẳng mấy chốc đã nhụt, trơ ra. Liềm hái nhà Thượng Quan rất khó mài, phải kiên nhẫn, ngậm một ngụm nước trong miệng rồi ngậm một cọng rơm, kẹp lưỡi hái giữa hai bàn chân rồi áp đá mài mà mài chầm chậm, vừa mài vừa phun nước lên lưỡi hái qua cọng rơm. Lưỡi hái nhà Thượng Quan sau khi mài trông hơi tù như cạnh lá he, thoạt đầu thì chưa sắc, nhưng càng cắt càng thấy tuyệt diệu. Do vậy mà hàng nhà Thượng Quan nổi tiếng gần xa. Lúa tốt thì nhà Thượng Quan cũng tiền nhiều. Đương nhiên kiếm được đồng tiền không phải dễ dàng, suốt ngày đánh bạn với lửa, đổ mồ hôi, sôi nước mắt? Cặp vú bà mẹ chồng quăng lên quật xuống như thép dẻo. Về nước tôi của bà thì không thể không nhắc đến. Hình dáng có đẹp đến mấy, nhưng nước tôi không tốt thì cũng là đồ bỏ đi. Công việc này phải dựa vào kinh nghiệm nhờ vào cảm giác. Bà Lã nói rằng, nhúng thép vào nước tôi phát ra tiếng xèo xèo, khó mà nói đó là tiếng của sắt hay của nước. Cái mùi tanh tanh ngòn ngọt khiến người ta mê mẩn. Đang buồn mà rèn xong một quả liền cảm thấy sung sướng trong mỏi mệt, mỏi mệt trong sung sướng. Hơi nước màu hồng cuồn cuộn bay lên, che khuất khuôn mặt bà thợ rèn. Cha con ông thợ rèn cứ đứng ngây ra mà nhìn người nữ thống soái của mình.
Cuộc sống của nhà Thượng Quan là cuộc sống của phụ nữ, không sai chút nào. Cuộc sống của Vu Bàn Vả cũng là cuộc sống của phụ nữ, điều này ai cũng rõ. Nhưng Thượng Quan Lã thị và Vu Lỗ thị lại là hai người đàn bà khác nhau hoàn toàn, một người thì cao to lừng lũng, sức mạnh tràn trề, người kia gầy gò nhỏ thó, chân tay nhanh nhẹn. Thượng Quan Lã thị giọng ồm ồm như chiếc chuông đại trong nhà thờ. Bà Vu thì nhát gừng, như dao sắc thái củ cải. Lửa trong lò thiếu gió vật vờ như những mảnh lụa vàng, ngọn lửa lay động chùm khói đen khét lẹt Thượng Quan Thọ Hỉ ngáp dài, mũi nhỏ mắt nhỏ đầu nhỏ, bàn tay nhỏ cánh tay nhỏ, khó có thể tin anh ta lại do bà Lã đẻ ra. Giống không tốt thì đất đai màu mỡ đến mấy cũng chẳng ích gì. Ngửi mùi nước và mùi sắt, bà thợ rèn liền biết được nước thép. Bà kẹp lưỡi hái giơ lên mũi ngồi rồi quẳng sang một bên, bảo:
- Ăn cơm thôi!
Lỗ Toàn Nhi chạy nháo từ nhà ra sân, từ sân vào nhà, y hệt binh sĩ khi nhận lệnh chủ tướng. Bữa tối được dọn dưới gốc cây lê, trên cành treo chiếc đèn bão sáng rực, dụ dỗ rất nhiều thiêu thân bay tới. Trên bàn bày bánh bao nhân xương băm trộn củ cải, canh đậu xanh, những cây hành rửa sạch và một bát tương ớt. Không hiểu mẹ chồng có bằng lòng hay không? Nhiều món quá, mẹ chồng sợ lãng phí, mặt dài ra tỏ vẻ không bàng lòng! Cơm canh đạm bạc quá, mẹ chồng không thấy ngon, mặt dài ra không bằng lòng! Thời buổi này làm dâu quả không dễ. Làm dâu bà Lã - người đàn bà thép - lại càng không dễ? Sân nhà thợ rèn suốt ngày choang choang, giờ đây có vẻ im ắng đặc biệt. Bà Lã ngồi chính giữa, chồng và con trai chia nhau ngồi hai bên. Toàn Nhi không dám ngồi, đứng đợi mẹ chồng sai bảo.
- Cho lừa ăn chưa?
- Cho ăn rồi ạ!
- Đóng cửa chuồng gà chưa?
- Đóng rồi ạ!
Bà Lã lầu bầu điều gì đó, húp một ngụm canh to tướng. Thượng Quan Thọ Hỉ cắn một miếng xương băm, than thở:
- Người ta thì bánh bao nhân thịt, nhà mình thì nhân xương, chẳng khác con chó?
Bà Lã dằn mạnh đôi đũa xuống bàn, chửi:
- Mày còn kén cá chọn canh kia à?
Thọ Hỉ nói:
- Trong nhà kho còn bao nhiêu là lúa mạch, trong hòm còn bao nhiêu là tiền, để làm gì?
Phúc Lộc nói:
- Con nó nói đúng đấy, nên khao chúng tôi một bữa
Bà Lã nói: - Thóc đấy, tiền đấy chẳng để cho các người thì để cho ai? Tôi có đem theo chúng xuống mồ được đâu?
Lỗ Toàn Nhi im lặng cúi đầu, không dám thở mạnh. Bà đã giận dữ đứng lên đi vào nhà, quát với ra:
- Ngày mai mua quẩy, thịt quay, rán trứng, giết gà! Không sống nữa, sống mà làm gì? Nhà Thượng Quan tiền oan nghiệp chướng làm sao cưới phải quả mít đực, tuyệt tự đến nơi rồi! Còn vun vén làm gì? Ăn sạch đi, cho hết một thể!
Lỗ Toàn Nhi bưng mặt khóc.
Bà mẹ chồng chửi càng to:
- Lại còn khóc hả? Cô là cái thứ gì? Ba năm rồi, đực thì không dám mong, cái thì cũng không nốt! Ngày mai trở về nhà bà cô đi, nhà Thượng Quan không thể vì cô mà tuyệt tự!
Đêm ấy Lỗ Toàn Nhi khóc đến sáng. Thượng Quan Thọ Hỉ quấy rầy cô. Cô không thích cũng đành chịu, vừa khóc vừa nói:
- Tôi chẳng trục trặc chỗ nào cả, hay là anh có chuyện?
Thọ Hỉ cưỡi lên người Toàn Nhi, xoắn đầu vú cô, chửi:
- Gà mái không đẻ được trứng, lại quay ra trách gà trống rồi?