7
Họ vào trường học điệu tôi ra.
Phố xá đông nghịt, rõ ràng là đang đợi tôi. Hai dân quân tóc bám đầy đất lập tức tiến đến trói tôi lại. Sợi thừng rất dài, quấn quanh người tôi hơn chục vòng mà vẫn còn thừa một đoạn dài. Anh dân quân đeo súng cầm đầu thừng dắt tôi như dắt súc vật. Anh dân quân đi sau dùng đầu nòng súng trường đẩy đít tôi. Người trên đường trợn tròn mắt nhìn tôi, người nào người ấy lấm lem như những con chuột vừa chui ra khỏi hang. Từ đầu phố bên kia, một đám người vừa lôi vừa đẩy, thoáng nhìn tôi đã nhận ra mẹ, chị Cả, Tư Mã Lương, Sa Tảo Hoa bị trói thành một dây. Ngọc Nữ và Thắng Lợi không bị trói, chúng nhảy xổ vào ôm lấy mẹ, nhưng mỗi lần như vậy đều bị một nữ dân quân lực lưỡng gạt bắn ra. Đến cổng nhà Phúc Sinh Đường, nay là trụ sở chính quyền khu, tôi nhập vào đoàn của mẹ. Mẹ, chị Cả và bọn trẻ nhìn tôi, tôi cũng nhìn lại. Tôi cảm thấy không có gì để nói, những người thân của tôi chắc chắn cũng có ý nghĩ như tôi.
Chúng tôi bị dân quân áp giải hết sân nọ vào sân kia cho đến sân cuối cùng. Họ giam chúng tôi trong một gian buồng phía nam. Cửa sổ mở ra phía nam đã bị hỏng, khung gãy đằng khung, giấy rách đằng giấy. Chúng tôi trông thấy Tư Mã Đình ngồi co ro ở xó nhà, mặt mũi tái xanh tái xám, răng cửa bị đánh gãy. Ông ta buồn rầu nhìn chúng tôi. Bên ngoài cửa sổ là một cái sân nữa rồi đến tường vây đã bị phá một đoạn, như cố ý làm thành cái cổng xép. Bên ngoài cổng có mấy dân quân đi đi lại lại, gió nam thổi tung vạt áo của họ. Trên chòi gác đông nam và tây nam vang lên tiếng lên đạn rôm rốp.
Đêm ấy, cán bộ khu treo bốn chiếc đèn khí trong buồng chúng tôi, kê một chiếc bàn, sáu chiếc ghế tựa, còn bày la liệt nào là roi da, gậy, roi mây, xích sắt, dây thừng, thùng nước, chổi, còn khênh đến một chiếc bàn mổ lợn bằng ván ghép dây đầy máu, một con dao bầu để chọc tiết, vài con dao lá đề để cạo lông, móc sắt treo thịt, thùng hứng tiết. Họ định biến cái buồng thành lò mổ.
Công an Dương cùng một số dân quân bước vào trong buồng. Cái chân bằng nhựa của anh ta kêu rin rít. Hai má bánh đúc của anh ta xệ xuống, kẽ nách phè ra những mỡ là mỡ khiến hai cánh tay suốt đời cành ra hai bên. Anh ta ngồi ở ghế giữa sau bàn, chậm rãi chuẩn bị cho công việc thẩm vấn. Anh ta móc khẩu súng lục đeo trên mông, lên đạn rồi đặt lên bàn; đặt chiếc loa bằng sắt tây bên cạnh khẩu súng lục; móc túi thuốc sợi và tẩu đặt bên cạnh chiếc loa; cuối cùng, anh ta tháo cái chân bàng nhựa cùng với bít tất đặt lên góc bàn. Cái chân cụt, dưới ánh sáng của những cây đèn khí, đỏ hỏn trông dễ sợ. ở mỏm cụt của chân giả có những sợi dây da, còn từ bắp chân trơ xuống thì là một khoảng trống, từ cổ chân trở xuống là một đoạn bít tất và chiếc giày da rách. Cái chân giả dựng trên bàn như một vệ sĩ trung thành của công an Dương.
Những cán bộ khác của khu chia nhau ngồi hai bên công an Dương, nghiêm trang lấy giấy bút ra, chuẩn bị ghi chép. Các dân quân dựng súng vào tường, xắn tay áo cầm lấy roi gậy, sắp thành hai hàng như sai nha trên công đường.
Lỗ Thắng Lợi ôm chân mẹ mà khóc. Chính nó tự đâm đấu vào lưới Chị Tám Ngọc Nữ úa nước mắt nhưng miệng thì lại nở một nụ cười mê hồn. Dù trong hoàn cảnh khó khăn đến mấy, chị vẫn cứ đẹp, đầy sức hấp dẫn. Tôi rất hối hận về chuyện hồi nhỏ tôi giành vú mẹ cho riêng mình. Nét mặt mẹ vô cảm, nhìn không chớp ngọn đèn khí sáng chói.
Công an Dương nhồi một tẩu thuốc, cầm que diêm đấu trăng quẹt vào chỗ ráp trên mặt bàn, xoẹt, đầu que diêm bùng cháy, anh ta dẩu môi bập bập cho thuốc bén lửa rồi vút que diêm, dùng ngón tay cái dập tắt ngọn lửa trên tẩu, rít liền mấy hơi, hai luồng khói trắng tuôn ra từ hai lỗ mũi. Anh ta gõ tẩu vào chân ghế cho tàn thuốc rơi ra, đặt túi thuốc và tẩu lên bàn, cầm loa đặt lên miệng chĩa về phía lỗ hổng của bức tường, làm như bên ngoài có rất nhiều quần chúng, cần nói chuyện với họ. Với giọng ồm ồm, anh ta hỏi:
- Thượng Quan Lỗ thị, Thượng Quan Lai Đệ, Thượng Quan Kim Đồng, Tư Mã Lương, Sa Tảo Hoa, các người có biết vì sao bị bắt không?
Chúng tôi đưa mắt nhìn mẹ, mẹ nhìn cây đèn khí. Mặt mẹ sưng bủng trong suốt. Môi mẹ mấp máy nhưng không nói gì, chỉ lắc đầu.
Công an Dương nói:
- Lắc đầu thì không thể nói rõ điều gì! Căn cứ vào những lời cáo giác của quần chúng, căn cứ vào kết quả điều tra, chúng tôi đã có hàng lô chứng cứ. Gia đình Thượng Quan do Lỗ thị cầm đầu, trong nhiều năm đã che giấu Tư Mã Khố, tên đầu sỏ phản cách mạng ở vùng Cao Mật, tên hung thủ tội ác chồng chất, kẻ thù của nhân dân? Hơn nữa, trong đêm vừa qua, một thành viên trong gia đình Thượng Quan đã phá hoại phòng triển lãm giáo dục giai cấp, viết hàng loạt khẩu hiệu phản động trên bảng đen trong nhà thờ. Căn cứ vào những tội trạng đó, chúng tôi hoàn toàn có thể đem cả nhà ra hành quyết, nhưng xem xét từ góc dộ chính sách, chúng tôi dành cho các người cơ hội cuối cùng, các người hãy khai báo nơi ẩn nấp của tên thổ phỉ Tư Mã Khố, để hắn rơi vào lưới pháp luật càng sớm càng tốt. Hai là các người hãy khai báo tội viết khẩu hiệu phản động, phá hoại triển lãm giáo dục giai cấp. Dù chúng tôi đã biết là ai viết, nhưng chỉ cần thành khẩn là chúng tôi có thể khoan hồng. Các người rõ chưa?
Chúng tôi vẫn im lặng.
Công an Dương vớ lấy súng, gõ họng súng cộc cộc trên mặt bàn, miệng vẫn không rời chiếc loa, miệng loa vẫn chĩa ra ngoài lỗ hổng trên tường, gầm lên:
- Thượng Quan Lỗ thị, người rõ chưa?
Mẹ bình tĩnh nói:
- Oan cho chúng tôi
Chúng tôi đồng thanh kêu lên:
- Oan quá!
Công an Dương nói:
- Oan hả? Chúng tôi không để cho một người tốt bị oan cũng không để một kẻ xấu lọt lưới. Treo tất cả chúng nó lên!
Chúng tôi giãy giụa, gào khóc nhưng chỉ kéo dài được đôi chút thời gian, cuối cùng vẫn bị trói giật cánh khuỷu treo lủng lẳng dưới xà nhà bằng gỗ thông, mẹ bị treo ngoài cùng, đầu xà phía nam, rồi đến chị Lai Đệ, rồi đến Tư Mã Lương, rồi đến tôi, và sau tôi là Sa Tảo Hoa.
Những tên dân quân chuyên nghiệp này đều rất thiện nghệ trong việc đánh trói người. Chúng đã treo sẵn năm chiếc ròng rọc trên xà, do vậy khi kéo chúng tôi lên không khó khăn gì. Tôi cảm thấy cổ tay còn có thể chịu nổi, nhưng ở hai bả vai thì đau xói lên óc. Tất cả chúng tôi đều gục đầu trước ngực, cổ tự nhiên vươn dài ra, hai chân duỗi thẳng, các ngón chân buông xuôi, thẳng góc với mặt đất. Không chống được, tôi bật lên tiếng kêu, nhưng Tư Mã Lương thì không. Chị Lai Đệ rên rỉ, Sa Tảo Hoa không động tĩnh gì. Cơ thể to béo của mẹ khiến sợi dây thừng căng như dây đàn. Mẹ là người đầu tiên mồ hôi đầm đìa, mái tóc rối bù của mẹ bốc hơi trắng xóa. Lỗ Thắng Lợi và Thượng Quan Ngọc Nữ ôm chân mẹ mà lắc. Bọn dân quân xách cổ Ngọc Nữ và Thắng Lợi như xách hai con gà quẳng ra, hai cô cháu lăn xả vào, lại bị quẳng ra. Một dân quân hỏi:
- Anh Dương, có nên treo chúng lên không?
Công an Dương kiên quyết không cho, nói:
- Không được, chúng ta phải chấp hành chính sách!
Lỗ Thắng Lợi vô ý làm tuột một chiếc giày của mẹ. Mồ hôi cuối cùng đọng trên đầu ngón chân, rớt tong tỏng trên mặt đất.
- Các người có nói không? - Công an Dương hỏi - chỉ cần khai ra là được tha ngay lập tức!
Mẹ cố ngửng đầu lên, vừa thở vừa nói:
- Thả bọn trẻ ra... tôi chịu trách nhiệm tất!
Công an Dương nói to với bên ngoài:
- Đánh, đánh đau vào!
Bọn dân quân vung roi vung gậy, hò hét đánh cầm chừng. Tôi la toáng lên, mẹ và chị Lai Đệ cũng kêu, Sa Tảo Hoa vẫn im lặng, có lẽ nó đã ngất. Công an Dương và các cán bộ khu đập bàn quát tháo ra oai. Mấy người dân quân khiêng Tư Mã Đình đặt lên chiếc bàn mổ lợn, đánh vào mông ông ta bằng chiếc que sắt mỗi cái đánh là một tiếng rú đau đớn.
- Thằng Hai, thằng khốn mau về chịu tội đi! Các ông không được đánh tôi, tôi đã từng lập công?...
Bọn dân quân lặng lẽ vung que sắt làm như sẽ đánh nát mông. Một cán bộ khu giơ roi vụt vào cái túi bằng da trâu, một dân quân dùng roi mây quật bôm bốp vào cái bao tải. Bốp bốp bịch bịch, quát tháo hầm hè, hư hư thực thực rối tung cả căn buồng, roi gậy bay loang loáng dưới ánh đèn. Thời gian khoảng một tiết học, bọn dân quân cởi dây thừng buộc ở khung cửa sổ, mẹ rơi bịch xuống đất, mềm nhũn. Bọn dân quân lại cởi một nút khác, chị Lại Đệ rơi xuống. Chúng tôi lần lượt được thả xuống. Bọn dân quân xách đến một thùng nước, dùng gáo múc nước hắt vào mặt chúng tôi. Chúng tôi tỉnh lại, nhưng tất cả các khớp xương đều mất hết cảm giác.
Công an Dương lớn tiếng quát:
- Đêm nay mới cho các người một trận phủ đầu. hãy suy nghĩ kỹ, khai ra thì xóa bỏ tội cũ, lập tức thả về nhà, không khai thì, hãy đợi đấy!
Công an Dương đi chân giả vào, giắt túi thuốc và súng lục vào thắt lưng, dặn dò đám dân quân phải canh giữ cẩn thận, rồi cùng các cán bộ khu khệnh khạng đi ra. Đám dân quân đóng cửa lại, ngồi vào một xó, ôm súng hút thuốc. Chúng tôi ngồi tựa vào mẹ, thút thít khóc. Mẹ giơ bàn tay sưng vù sờ nắn từng đứa. Tư Mã Đình rên rỉ đau đón.
Một dân quân nói:
- Khai ra thôi! Công an Dương mà tra khảo thì gỗ đá cũng phải khai! Các người đầu đen mắt thịt chịu được hôm nay, làm sao chịu nổi ngày mai?
Một dân quân khác nói:
- Tư Mã Khố nếu là hảo hán thì ra đầu thú là xong! Bây giờ còn ẩn nấp được, đến mùa đông thì nấp vào đâu?
Một dân quân bảo mẹ:
- Con rể bà đúng là một con hổ dữ. Cuối tháng trước một trung đội công an huyện bao vây hắn ở hồ Bạch Mã lại để hắn xổng mất. Hắn nã một tràng giết bảy người, trung đội trưởng bị gãy đùi?
Hình như đám dân quân mách ngầm chúng tôi điều gì đó nhưng cụ thể là điều gì thì không rõ. Nhưng chúng tôi có tin về Tư Mã Khố. Từ khi gặp nhau ở lò gạch cũ, anh biến mất như đá chìm đáy biển. Chúng tôi mong anh bỏ đi thật xa, không ngờ anh vẫn luẩn quẩn vùng này, gây cho chúng tôi biết bao phiền phức. Hồ Bạch Mã ở phía nam đồn Hai Huyện, cách Đại Lan không đầy hai mươi dặm, là nơi phình ra lớn nhất của con sông Mục, nước sông tràn vào chỗ trũng trở thành hồ. Trong hồ lau lách bạt ngàn, vịt trời đông vô kể.
8
Sáng hôm sau, chị Phán Đệ từ huyện đi ngựa về. Chị tức điên lên, định tìm cán bộ khu để làm cho ra nhẽ. Nhưng khi bước ra khỏi phòng trưởng khu, cơn giận của chị biến mất. Chị theo trưởng khu vào thăm chúng tôi. Chúng tôi xa nhau đã nửa năm, không hiểu chị làm chức gì trên huyện. So với cách đây nửa năm, chị có gầy đi. Những vết ố của sữa trên ngực áo chứng tỏ chị đang trong thời kỳ cho con bú. Chúng tôi lạnh nhạt nhìn chị. Mẹ hỏi:
- Phán Đệ, vậy mẹ có tội gì?
Chị Phán Đệ nhìn một thoáng ông trưởng khu khi ấy đang nhìn ra ngoài cửa sổ với thái độ dửng dưng, nước mắt ứa ra, chị nói:
- Mẹ, cố chịu đựng vậy... Hãy tin vào Chính phủ... Chính phủ không bao giờ để người tốt bị oan!...
Chính vào lúc chị Phán Đệ đang khuyên giải chúng tôi thì tại hồ Bạch Mã, trong khu nhà mỏ rợp bóng tùng xanh của Hàn lâm họ Đinh, Thôi Phượng Tiên, một phụ nữ góa chồng đội bát nhang Hồ ly, cầm viên đá quạ gõ cách cách vào tấm bia công đức của nhà Hàn lâm. Tiếng gõ nhọn và sắc hòa với tiếng mổ công cốc của chim gõ kiến. Một con chim rẻ quạt xòe đuôi bay lượn trong lùm cây. Thôi Phượng Tiên gõ một hồi rồi ngồi đợi. Chị thoa một lớp phấn mỏng, quần áo gọn gàng sạch sẽ, tay khoác chiếc làn trên phủ chiếc khăn hoa, trông như cô dâu về thăm nhà mẹ đẻ. Tư Mã Khố từ sau tấm bia chui ra.
Thôi Phượng Tiên giật mình, nói:
- Đồ quỉ, sợ chết khiếp đi được!
Tư Mã Khố nói:
- Sợ gì, hồ ly tinh mà lại sợ quỉ
Thôi Phượng Tiên thở dài:
- Nông nỗi này mà anh còn đùa cợt! - Nông nỗi này là thế nào?
- Tốt quá đi chứ, chưa bao giờ tốt như lúc này! - Tư Mã Khố nói - Bọn khốn kiếp định bắt sống tôi? Ha ha, có mà nằm mơ!
Anh ta vỗ vỗ khẩu trung liên, rồi khẩu tiểu liên báng gập có máy ngắm do Đức chế tạo, rồi vỗ khẩu Braoninh đeo bên sườn, nói:
- Mẹ vợ tôi khuyên tôi nên đi thật xa, đừng bao giờ trở lại vùng Cao Mật. Sao tôi lại phải đi thật xa? Đây là nhà của tôi, là nơi chôn cất hài cốt những người thân của tôi, từng gốc cây ngọn cỏ đều thân thiết với tôi, là nơi tôi mặc sức chơi bời nhảy múa, ở đây còn có con hồ ly tinh bốc lửa như cô, thử hỏi, làm sao tôi có thể bỏ đi!
Trong đám sậy phía xa, đàn vịt trời hốt hoảng bay lên, Thôi Phượng Tiên lấy tay bịt miệng Tư Mã Khố. Tư Mã Khố gỡ tay Phượng Tiên, nói:
- Không có chuyện gì, bọn Bát lộ địa phương bị tôi khiền cho một trận, đám vịt trời bị những con diều đến rỉa xác chết làm cho hoảng sợ đấy thôi!
Thôi Phượng Tiên kéo Tư Mã Khố vào trong phần mộ, nói:
- Có chuyện quan trọng cần nói với anh!
Họ rẽ bụi gại rậm chui vào trong, nhà mồ rất rộng. Gai cào xước tay Thôi Phượng Tiên, chị ái lên một tiếng. Tư Mã Khố đặt súng xuống, lắp cây đèn dầu treo trên vách hầm, quay lại nắm lấy tay Phượng Tiên, xuýt xoa:
- Xước tay hả? Đưa anh xem nào!
Thôi Phượng Tiên gỡ tay ra, nói:
- Không hề gì, không sao đâu!
Nhưng Tư Mã Khố đã ngậm ngón tay Phượng Tiên mà mút chùn chụt. Phượng Tiên rên rỉ:
- Đồ quỉ hút máu!...
Tư Mã Khố nhả ngón tay Phượng Tiên ra, gắn đôi môi vào môi chị, hai tay chụp mạnh hai bầu vú chị. Phượng Tiên oằn người, chiếc làn tuột khỏi tay, những quả trứng nhuộm phẩm đỏ lăn lông lốc. Tư Mã Khố bế xốc Phượng Tiên đặt trên ván thiên của cỗ quan tài rộng như tấm phản... Tư Mã Khố trần như nhộng nằm trên nằm quan tài, mắt lim dim, đưa lưỡi liếm bộ ria lâu ngày không xén tỉa. Thôi Phượng Tiên vuốt ve những ngón tay như chuối mắn của anh ta rồi đột nhiên úp khuôn mặt nóng rực vào ngực, ngay chỗ xương mỏ ác phảng phất mùi đã thú. Chị cắn nhè nhẹ lên khắp ngực Tư Mã Khố, giọng tuyệt vọng:
- Anh là đồ quỉ sứ, lúc đắc thế thì chẳng ngó gì đến người ta. Giờ gặp vận đen thì cứ bắt người ta dính vào!... Em biết, người đàn bà nào gắn với anh đều không gặp vận may, vậy mà em không kiềm chế nổi, chỉ cần anh vẫy đuôi là em chạy theo như con chó cái!... Nói đi anh, con quỉ chết tiệt, anh có bùa phép gì mà đám phụ nữ bất chấp tất cả, thừa biết sẽ rơi xuống vục mà vẫn mở mắt nhảy xuống.
Tư Mã Khố có vẻ xót xa nhưng vẫn mỉm cười, kéo bàn tay Phượng Tiên đặt vào ngực mình, nơi có trái tim đang dập, nói:
- Chính là cái này, trái tim, sự chân thành của tôi đối với phụ nữ! Thôi Phượng Tiên lắc đầu:
- Anh chỉ có một trái tim, vậy phải chia làm bao nhiêu phần?
- Dù chia làm bao nhiêu phần thì mỗi phần đều chân thành! Ngoài ra, còn ở cái này - Anh ta cười chớt nhả, kéo tay Phượng Tiên xuống phía dưới.
Phượng Tiên giằng tay ra, đặt ngón tay trên môi Tư Mã Khố, nói:
- Cái quái vật của anh thì có bùa phép gì, bị người ta dồn đuổi phải ngủ trong nhà của người chết mà còn làm chuyện ma mãnh! Tư Mã Khố cười:
- Càng phải như vậy chứ, đàn bà là thứ ngon lành, là của quí trong những của quí! Anh ta vừa nói vừa vuốt ve hai bầu vú của Phượng Tiên. Phượng Tiên nói:
- Trời đất, ở nhà xảy ra chuyện tày đình rồi!
Tư Mã Khố hỏi:
- Chuyện gì? Thôi Phượng Tiên nói:
- Mẹ vợ anh, chị vợ em vợ anh, con trai anh, em trai của vợ anh, rồi hai đứa con gái của chị Cả và dì Năm, rồi anh trai anh, đều bị bắt giam trong nhà anh, ngày nào cũng treo lên xà nhà, đánh bằng roi, bằng gậy... Thảm lắm? Chỉ e chẳng được mấy bữa họ chết hết!
Bàn tay Tư Mã Khố hóa đá ngay trên ngực Phượng Tiên. Anh ta nhảy từ nắp quan tài xuống, xách súng định chui ra ngoài. Thôi Phượng Tiên ôm ngang lưng anh ta, nài nỉ:
- Anh định tìm cái chết hay sao?
Tư Mã Khố trấn tĩnh lại, ngồi xuống ăn một quả trúng gà luộc. ánh nắng lọt qua bụi gai chiếu trên cái cằm bạnh ra và bên tóc mai đã đốm bạc. Lòng đỏ trứng tắc nghẹn trong họng, anh ta húng hắng ho, mặt đỏ gắt. Phượng Tiên dấm lưng cho anh, vuốt họng cho anh hồi lâu mới hết nghẹn. Phượng Tiên mặt đầy mồ hôi, vừa thở vừa nói:
- Cha mẹ ơi, sợ quá đi mất!
Hai giọt nước mắt to tướng lăn trên gò má Tư Mã Khố, anh ta nhảy dựng lên, suýt nữa đầu chạm nóc hầm, ánh căm thù lóe lên trong mắt.
- Bọn khốn kiếp, tao phải lột da chúng mày! - Anh gầm lên.
- Anh yêu, anh đừng đi! - Phượng Tiên ôm chặt anh, khuyên - Ngay đàn bà như chúng em còn biết đó là gian kế! Anh thử nghĩ, anh đơn thương độc mã đến đó, chắc chắn bị mai phục!
- Em bảo anh làm thế nào bây giờ?
Nghe lời khuyên của mẹ vợ anh, đi thật xa. Nếu anh không sợ em quẩn chân thì em tình nguyện đi cùng anh, đi nát gót chân em cũng không hối tiếc!
Tư Mã Khố nắm chặt tay Phượng Tiên, cảm động nói:
- Tư Mã Khố này thật có phúc mới gặp được người như em, tốt mọi mặt, hết lòng hết dạ vì anh, ở đời còn mong gì hơn thế? Nhưng anh không muốn làm hại em hơn nữa. Phượng Tiên, em về đi, và đừng bao giờ gặp anh nữa? Khi được tin anh chết, em không được buồn. Anh sống đủ rồi, đáng chết lắm rồi!
Thôi Phượng Tiên nước mắt chan hòa, gật đầu lia lịa. Chị lấy chiếc lược sừng giắt trên mái tóc, khẽ gỡ từng tí mái tóc hoa râm rối bù của Tư Mã Khố, nhặt ra rất nhiều hạt cỏ, vỏ hến và những con sâu nhỏ, rồi áp đôi môi ẩm ướt chị hôn lên những nếp nhăn trên trán anh, bình tĩnh nói:
- Em đợi anh!
Chị xách làn bước lên các bậc thang bằng gạch, rẽ gai chui ra khỏi phần mộ. Tư Mã Khố ngồi bất động, cho đến khi bóng chị đã khuất từ lâu, anh vẫn nhìn không chớp vào cành cây đung dua trong tia nắng.
Sáng sớm hôm sau, Tư Mã Khố để lại súng ống đạn được trong hầm mộ, anh đi ra bờ hồ Bạch Mã tắm rửa sạch sẽ, rồi như một khách nhàn du anh đi dọc theo mép hồ nhìn ngắm mọi thứ, lúc dừng lại đối thoại với lũ chim, lúc chạy thi với con thỏ bên đường. Anh men theo bờ đầm, hái một bó hoa dại cả trắng lẫn đỏ, đưa lên mũi ngửi một cách thèm khát, rồi anh đi vòng đến bên rìa nghĩa trang, ngó sang ngọn núi Trâu Nằm vàng rục dưới nắng. Anh nhảy nhảy trên cầu đá bắc qua sông Mực, tựa hồ muốn thử xem cầu còn chắc hay không. Chiếc cầu rung rinh, kêu cót két. Cặp mắt đen như mờ đi vì sung sướng, ánh mắt dịu dàng như ánh ngọc, thật phong tình, thật trong sáng? Anh nghịch ngợm thò tay vào sờ nắn cái ấy trong đũng quần, ngắm nghía nó mà thở dài, rồi đái một bãi xuống dòng sông Mực. Cùng với tiếng nước tiểu róc rách, anh cất tiếng hét thật to: A... a...a... tiếng ngân trải dài trên cánh đồng mênh mông. Trên đê, một trẻ chăn dê vụt một tiếng roi rõ kêu khiến Tư Mã Khố chú ý. Anh ngoảnh lại nhìn thằng nhỏ, thằng nhỏ cũng nhìn lại anh. Hai luồng mắt gặp nhau rồi đọng lại thành hai nụ cười trên mặt. Tư Mã Khố cười hì hì, nói:
- Ta biết cháu, hai chân bằng gỗ lê, hai tay bằng gỗ hạnh, ta và mẹ cháu lấy đất nặn chim cho cháu!
Thằng bé chăn dê cả giận, chửi:
- Đ. mẹ ông?
Câu chửi rất bậy khiến Tư Mã Khố trong lòng rộn lên, mắt ướt đẫm, vô cùng cảm khái. Thằng bé chăn dê vung roi đuổi con dê đi chỗ khác. Nắng chiều nhuốm đỏ khuôn mặt nó. Bóng nó đồ dài trên mặt đất. Nó cất giọng trong như ngọc mà hát rằng:
- Năm một chín ba bảy, Nhật tiến vào Trung nguyên. Chiếm Lư Cầu Kiều. Chiếm Sơn Hải Quan. Đường sắt kéo dài đến Tế Nam. Giặc bắn pháo, Bát lộ quân bắn súng trường, ngắm thật chuẩn, bắn chết thằng sĩ quan, hai chân duỗi thẳng, nó về Tây Thiên!... Khúc hát chưa dứt, Tư Mã Khố đã ứa nước mắt, anh bưng mặt ngồi thụp trên cầu...
Sau đó anh xuống sông rửa sạch ngấn nước mắt trên mặt, gột sạch bùn đất trên người, chậm rãi đi theo bờ đê nở đầy hoa dại. Tiếng chim kêu lúc hoàng hôn nghe buồn thảm, các màu sắc nhòa vào nhau, mùi hoa dại hoặc nồng hoặc thoang thoảng khiến Tư Mã Khố như mê đi, mùi cỏ dại hoặc đắng hoặc cay khiến anh tỉnh lại. Đất trời mênh mang, nghìn năm chỉ một chớp mắt, anh nghĩ mà đau! Mặt đê, trên lối đi con trạch, rất nhiều châu chấu đang đẻ trứng, cắm bụng trong đất, người dưới thẳng, đau đớn trong hạnh phúc. Tư Mã Khố ngồi xuống lôi một con châu chấu lên, ngắm cái vòi lủng lẳng như một đoạn ruột của nó, lập tức nhớ lại thời niên thiếu của anh, lập tức nhớ lại mối tình đầu với một cô gái má trắng môi son. Anh thích nhất là cọ mũi trên bầu vú của cô ta...
Thôn trấn đã ở trước mặt, khói bếp lan tỏa, hơi người nồng đậm. Anh ngắt một bông cúc vàng đưa lên mũi ngủi, gạt bỏ những tạp niệm riêng tư, chấn những ý đồ ngang trái, nhằm hướng cổng xép phía nam nhà mình đàng hoàng tới. Đám dân quân nấp phía sau cổng xép nhảy ra, lên đạn rộp rộp, quát to:
- Đứng lại, không được vào!
Tư Mã Khố điềm nhiên như không:
- Đây là nhà của tôi?
Lính gác sững người, quẳng súng la rầm lên:
- Tư Mã Khố dây này, Tư Mã Khố đây này! Tư Mã Khố khinh bỉ nhìn bọn dân quân, cằn nhằn:
- Sao lại bỏ chạy, đúng là...!
Anh ta vừa ngửi bông hoa vàng vừa bước vào cổng xép miệng hát một đoạn trong bài ca chống Nhật, phong thái ung dung, nhưng anh bị sa xuống cái hố đào sẵn để bẫy anh ngay trước cổng. Một đám đông binh sĩ của Cục Công an huyện ngày đêm phục kích ở vạt ruộng trước cổng ùa tới, mấy chục họng súng đen ngòm cùng chĩa xuống Tư Mã Khố ở dưới hố. Một mũi chông cắm dưới hố xuyên suốt qua bàn chân của anh. Anh đau đến nỗi miệng méo xệch, chửi:
- Đồ con nít, chẳng ra thể thống gì cả! Ta về tự thú mà lại dùng bẫy lợn rừng để bẫy ta?
Trưởng phòng trinh sát Cục Công an kéo Tư Mã Khố từ dưới hố lên, còng tay anh lại.
Tư Mã Khố nói:
- Thả hết những người nhà Thượng Quan ra! Tội ai nấy chịu!
9
Nghe nói để đáp ứng yêu cầu bức thiết của nhân dân vùng đông bắc Cao Mật, phiên tòa xử Tư Mã Khố sẽ thiết lập tại địa điểm Bác-bít chiếu phim lần đầu. Đây chính là sân phơi của nhà Tư Mã, trên sân vẫn còn cái bục đất, dấu vết thời Lỗ Lập Nhân làm cải cách ruộng đất. Để đón tiếp Tư Mã Khố, cán bộ khu huy động dân quân có vũ trang đốt đuốc làm suốt đêm đào mấy trăm khối đất, đập một cái đài cao hơn mặt đê sông Thuồng Luồng, đào một rãnh sâu hình chữ U ở mặt trước và hai bên đài, rãnh đầy nước do bên ngoài thấm vào. Cán bộ khu còn trích từ quĩ đặc biệt một khoản tiền làm tương đương với một tấn gạo, đi ba mươi cây số mua về hai xe chiếu cói dày, màu vàng rơm, dụng trước đài một căn nhà quây bốn bên bằng chiếu cói dán đầy những tấm áp phích lời lẽ khi thì nghiến răng nghiến lợi, khi thì vui sướng điên cuồng. Số chiếu còn thừa thì trải trên nền đài và treo kín bốn ta luy. Trưởng khu tháp tùng huyện trưởng đến xem xét địa điểm phiên tòa. Họ đứng trên đài cao, chân giẫm lên mặt chiếu trơn nhẵn, gió lạnh từ phía sông thổi phồng ống tay áo và ống quần như những khúc dồi lợn khổng lồ. Huyện trưởng xoa xoa cái mũi đỏ tía, lớn tiếng hỏi trưởng khu đứng phía sau:
- Kiệt tác của ai đây?
Trưởng khu chưa rõ huyện trưởng hỏi như vậy là có ý châm biếm hay là lời khen, bèn nói úp mở:
- Tôi tham gia thiết kế, còn chủ yếu là anh ta thực hiện - Trưởng khu chỉ anh cán sự tuyên truyền đứng phía sau.
Huyện trưởng nhìn một thoáng anh cán sự tuyên truyền mặt mày tươi tỉnh gật đầu, hạ giọng nói khẽ nhưng cũng đủ cho người đằng sau nghe thấy:
- Đây đâu phải là phiên tòa, chẳng khác lễ đăng quang của nhà vua?
Phiên tòa quyết định vào buổi sáng ngày mồng Tám tháng Chạp. Những người hiếu kỳ dậy từ nửa đêm, đội trăng đội sao từ làng trên xóm dưới kéo về bãi xử. Trời tờ mờ sáng, bãi đất trống đã dầy đặc những người là người, trên đê Thuồng Luồng, người ta cũng đứng ken nhau như một hàng rào. Mặt trời uể oải nhô lên, nhuốm hồng những cặp lông mi và những bộ ria bám đầy băng, nhuốm hồng những làn hơi thở trăng xóa. Mọi người quên bẵng hôm nay là ngày ăn cháo lạp chúc, nhưng nhà tôi thì không quên. Mẹ giả vờ hăng hái để chúng tôi vui lây nhưng tiếng khóc thút thít của Tư Mã Lương khiến chúng tôi chẳng còn bụng dạ nào nữa. Chị Tám như một bà cụ non, lấy miếng bọt biển lau hai dòng nước mắt cho nó. Nó khóc không thành tiếng, nhưng như thế còn xót xa hơn gào khóc. Chị Cả bám sau mẹ đang tất bật, luôn miệng hỏi:
- Mẹ, anh ấy chết, con có phải tuẫn tiết không?
Mẹ mắng:
- Điên à, ngay dù cưới xin hẳn hoi, cũng không phải tuẫn tiết?
Chị Cả hỏi đến lần thứ mười hai, mẹ mất hết kiên nhẫn, mắng té tát:
- Lai Đệ, con không biết xấu hổ sao? Con với nó chẳng qua là em rể tòm tem với chị vợ chuyện xấu xa chứ hay gì!
Chị Cả sững người nói:
- Mẹ, mẹ khác trước rồi!
Mẹ nói:
- Tao khác trước mà cũng không khác. Mười mấy năm nay, người nhà Thượng Quan chúng ta như những cây hẹ, búi tàn úa búi mọc lên, có sống ắt có chết, chết thì dễ, sống mới khó, càng khó càng phải sống! Càng không sợ chết lại càng phải cố mà sống! Mẹ phải nhìn thấy cái ngày con cháu mẹ mở mày mở mặt với đời!
Mắt mẹ mọng nước, nhưng ánh mắt thì rục lửa, nhìn chúng tôi khắp lượt, cuối cùng đọng lại trên mặt tôi như ký thác niềm hy vọng lớn nhất ở tôi. Tôi cảm thấy vô cùng hoang mang vì tôi chẳng có ưu điểm nào cả, ngoại trừ khả năng học thuộc lòng ttương đối nhanh bài khóa và hát tương đối chuẩn bài Phụ nữ giải phóng ca. Tôi hay khóc, dút dát, nhu nhược, chẳng khác một con cừu đực bị thiến!
Mẹ bảo:
- Thu xếp mau lên, đi tiễn anh ta một tí! Anh ta là đồ đốn mạt, nhưng cũng là trang hảo hán! Những người như vậy, trước đây cứ khoảng mươi năm lại có một người. Từ nay về sau chắc là tuyệt chủng.
Cả nhà tôi đứng trên đê. Những người xung quanh đều né tránh chúng tôi. Rất nhiều ánh mắt nhìn trộm chúng tôi. Tư Mã Lương còn định chen lên, nhưng mẹ nắm cánh tay nó, nói:
- Thôi con, đứng xa mà nhìn cũng được. Gần quá, cha con sẽ bị phân tâm?
Mặt trời lên đến hai con sào thì có mấy chiếc xe hơi thận trọng qua cầu Thuồng Luồng chạy tới chỗ thân đê bị sụt trên xe là các binh sĩ đầu đội mũ sắt, ôm tiểu liên; nét mặt nghiêm trang như sắp xung trận. Xe chạy đến chân đài thì dừng lại, binh sĩ từng đôi nhảy xuống và lập tức triển khai thành vòng cung bao vây lấy khán đài. Cuối cùng, hai binh sĩ chui ra khỏi ca bin, mở nắp sau của xe đẩy Tư Mã Khố xuống. Tư Mã Khố hai tay bị còng, ngã lăn ra nhưng lập tức bị hai binh sĩ cao lớn xốc nách đừng dậy, tập tễnh đến trước căn nhà, máu thấm từng mỗi dấu chân, rồi bước lên khán đài. Sau này một số người nói lại rằng, khi chưa trông thấy Tư Mã Khố, họ cứ nghĩ anh ta phải là một quái vật mặt xanh nanh vàng, nửa người nửa thú, nhưng khi trông thấy anh ta, họ cảm thấy hơi thất vọng. Người đàn ông trung niên đầu bị cạo trọc này có cặp mắt to buồn buồn, hoàn toàn không có vẻ hung dữ, trái lại, còn tỏ ra chất phác, trung hậu, khiến mọi người ngờ rằng công an đã bắt lầm người khác.
Phiên tòa được tiến hành rất nhanh. Quan tòa đọc tội trạng của Tư Mã Khố, rồi tuyên án tử hình. Quần chúng nhốn nháo, người đang ngồi thì đứng dậy, người đang đứng thì chen lấn nhau lên phía trước. Mấy vệ binh giải Tư Mã Khố xuống dưới dài, họ khuất sau căn nhà quây bằng chiếu rồi xuất hiện ở đầu nhà phía đông. Tư Mã Khố bước đi tập tễnh, khiến hai người xốc nách anh ta bước chân quýnh cả lên. Đến bờ đầm, nơi diễn ra những vụ hành quyết nổi tiếng, họ dừng lại. Tư Mã Khố quay mặt nhìn lên đê. Có thể anh nhìn thấy chúng tôi, cũng có thể không nhìn thấy. Tư Mã Lương vừa buột miệng kêu bố ơi thì đã bị mẹ bịt chặt miệng, ghé sát tai dỗ dành:
- Lương con, nghe lời ngoại, con đừng làm ầm lên! Ngoại biết con đau xót lắm, nhưng cái chính là con đừng làm cho bố con bối rối, để bố con ra đi thanh thản!
Lên khuyên của mẹ như có phép lạ khiến Tư Mã Lương thoắt cái trở lại hiền lành như con cừu non. Hai binh sĩ to lớn nắm vai Tư Mã Khố, cố sức xoay người anh lại, quay mặt về phía đầm. Nước trong đầm tù đọng hàng mấy chục năm, xanh màu vỏ chanh, mặt nước phản chiếu khuôn mặt tiều tụy và vết rách do dao cạo trên má. Lưng quay về đội hành quyết, mặt hướng ra đầm, bao nhiêu khuôn mặt đàn bà hiện trên mặt nước, bao nhiêu mùi thơm của người đàn bà lan tỏa mặt đầm, anh bỗng thấy mình trở nên ủy mị, trong lòng đang êm ả bỗng nổi cồn sóng gió. Anh quay phắt lại và bằng cái giọng khiến viên Trưởng phòng Tư pháp Cục Công an và những tên đao phủ giết người không chớp mắt sợ tái mặt:
- Tôi không thể để các ông bắn tù phía sau!
Trước mặt những tên đao phủ mà tên nào cũng ngây ngô đần độn, Tư Mã Khố cảm thấy vết xước trên má bỏng rát. Vết đứt trên má khiến Tư Mã Khố giận điên lên, những chuyện hôm qua trở lại trong ký ức anh. Viên chấp pháp đến thông báo cho anh về án tử hình, anh vui vẻ chấp thuận. Viên chấp pháp hỏi anh có yêu cầu gì không, anh sờ râu ria trên mặt tua tủa như lông nhím, nói:
- Xin cho một thợ đến giúp tôi sửa sang râu tóc một tí? Viên chấp pháp nói:
- Tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo!
Ông thợ cắt tóc xách chiếc hòm gỗ, rụt rè bước vào phòng giam tù tử hình. Chân tay run lẩy bẩy, ông ta cạo trọc đầu Tư Mã Khố, rồi cạo râu cho anh. Cạo được một bên, ông ta làm đứt má, chảy máu. Tư Mã Khố gầm lên một tiếng khiến ông thợ cắt tóc bỏ chạy nấp sau hai lính gác.
- Tóc thằng cha này cứng hơn lông gáy lợn! - Ông thợ cắt tóc giơ lưỡi dao cạo cho hai người lính gác xem - Lưỡi mẻ hết cả? Râu hắn càng cứng hơn, như cái bàn chải bằng dây thép. Vậy mà hắn còn vận nội công lên râu?
Ông thợ cắt tóc thu dọn đồ nghề định ra về, Tư Mã Khố chấn: - Đ. mẹ, sao lại thế hả? Định để ta ra mắt bà con với nửa bộ râu này hả?
- Thằng tử tù, râu đã cứng mà còn vận nội công! - Ông thợ cắt tóc chửi.
Tư Mã Khố cười dở mếu dở, nói:
- Con ơi, trăm dâu đổ đầu tằm, ta có biết vận nội công là thế nào đâu?
- Anh cứ nghiến răng ken két, không vận nội công thì là gì? - Ông thợ cắt tóc nói - tôi có điếc đâu!
- Thằng khốn, đó là vì ta đau quá!
Người lính gác bảo:
- Sư phụ, ai lại thế! Ông chịu khó cạo nốt cho người ta!
Ông thợ cạo nói: - Tôi cạo không được, các ông đi tìm người khác!
Tư Mã Khố thở dài:
- Đ. mẹ, trên đời lại có loại người như vậy? Này người anh em - anh ta nói với người lính gác - Mở còng cho tôi, tôi sẽ cạo lấy vậy?
Người lính gác kiên quyết:
- Không được! Nhân đó ông hành hung, chạy trốn hoặc tự sát thì trách nhiệm đổ lên đầu chúng tôi!
Tư Mã Khố chửi:
- Đ. mẹ các ông, gọi một quan chức đến đây! - Tư Mã Khố dập còng vào chấn song sắt loảng xoảng.
Một nữ cán bộ công an chạy vào, hỏi:
- Tư Mã Khố, gì mà làm ầm lên vậy?
Tư Mã Khố nói: - Nhìn bộ râu tôi đây này, cạo một nửa rồi không cạo nữa, cái lý ở đâu thế?
- Chẳng có lý nào như thế cả - Chị ta vỗ vai ông thợ cắt tóc hỏi - Sao không cạo nốt cho anh ta?
- Râu cứng quá, lại còn vận nội công lên râu nữa chứ!
- Đ. cụ anh, lại còn nói ta vận nội công!
Ông thợ cắt tóc giơ lưỡi dao mẻ ra để thanh minh. Tư Mã Khố nói:
- Bạn ơi, bạn có dám bạo gan một lần không? Mở còng cho tôi, tôi cạo lấy, đây là đề nghị cuối cùng của đời tôi?
Người cán bộ công an này đã từng tham gia vây bắt Tư Mã Khố. Chị do dự một thoáng rồi bảo:
- Mở còng cho anh ta.
Người lính gác run run mở còng cho Tư Mã Khố rồi vội vàng né sang một bên. Tư Mã Khố xoa bóp hai cổ tay rồi chìa tay ra. Chị cán bộ công an nhận con dao từ tay ông thợ cạo rồi đưa cho Tư Mã Khố.
Tư Mã Khố đón lấy con dao cạo, nhìn thẳng vào đôi mắt đen láy ẩn sau cặp lông mày rậm của chị cán bộ công an, giọng cảm kích:
- Chị không sợ tôi hành hung, chạy trốn hoặc tự sát hay sao?
Chị công an cười:
- Nếu vậy thì không phải là Tư Mã Khố!
Tư Mã Khố thở dài: - Không ngờ người hiểu ta hơn cả lại là phụ nữ!
Chị công an mỉm cười khinh miệt.
Tư Mã Khố thèm thuồng nhìn đôi môi cương nghị của chị công an, lại nhìn rất lâu bộ ngực nhô cao sau lần áo quân phục màu vàng, nói:
- Này cô em, vú cô không nhỏ chút nào!
Chị công an cắn môi, thẹn quá hóa giận, mắng:
- Quân đạo tặc chết đến nơi còn nghĩ lung tung!
Tư Mã Khố nói nghiêm chỉnh: - Cô em, tôi đã đ. không biết bao nhiêu phụ nữ, chỉ tiếc rằng cho đến nay vẫn chưa đ. được một nữ đảng viên Cộng sản!
Chị nữ công an giận dữ đánh Tư Mã Khố một bạt tai. Cái tát mạnh đến nỗi bụi trên xà nhà rơi xuống. Nhưng Tư Mã Khố vẫn cười, thản nhiên như không:
- Tôi có cô em vợ là đảng viên Cộng sản, lập trường kiên quyết, vú vê đồ sộ. Tôi ôm lấy cô ta và bảo: Dì ơi, cho anh mần dì nhé! Cô ta bảo: Này anh rể, mỡ này không đến miệng mèo được đâu!
Chị công an mặt đỏ như gấc, nhổ nước bọt vào mặt Tư Mã Khố, khẽ chửi:
- Đồ chó dái, bà thì thiến nhà ngươi!
...
Tiếng kêu gào của Tư Mã Đình bứt Tư Mã Khố ra khỏi những hồi ức ngọt ngào. Anh trông thấy mấy dân quân sắc mặt hầm hầm xốc nách anh trai, rẽ đám đông đi tới.
- Oan quá, oan quá? Tôi là người có công, tôi cắt đứt quan hệ với nó từ lâu...
Tư Mã Đình kể lể, nhưng không ai thèm nghe. Tư Mã Khố thở dài, trong lòng cảm thấy bứt rút. Quả thực đây là một con người trung hậu, tuy có ác khẩu đôi chút, nhưng vấn đề then chốt là lúc nào cũng hướng về em trai. Tư Mã Khố nhớ lại cái lần lên huyện cách đây đã nhiều năm, khi anh mới lớn, theo anh trai đi thu nợ. Qua ngõ nhà thổ, anh trai bị một đám son phấn lòe loẹt kéo vào. Khi trở ra thì túi đã rỗng tuếch. Anh trai nói:
- Em này, về nói với bố là chúng mình bị cướp!
Một bận khác, hình như vào dịp trung thu thì phải, anh rượu say vào mới đến nhà vợ, bị kẻ nào đó lột sạch quần áo treo lên cây hòe.
- Em cứu anh mấy, cởi dây cho anh! Đầu anh chảy máu.
Tư Mã Khố hỏi:
- Anh sao thế?
Lúc đó anh sao mà hài hước, anh nói:
- Em ơi, đầu bé khoan khoái, đầu to oan trái?...
Tư Mã Đình chân mềm nhũn đứng không vững.
Một cán bộ thôn hỏi dồn:
- Tư Mã Đình, kho báu nhà Phúc Sinh Đường chôn ở đâu? Không nói thì cho đi theo thằng kia?
- Chẳng có kho nào cả, hồi cải cách ruộng đát đã đào hết lượt sâu ba thước rồi! - Anh trai cố thanh minh một cách thảm hại.
Tư Mã Khố cười:
- Anh đừng la toáng lên như thế!
Tư Mã Đình chửi: - Tất cả là cái thằng khốn kiếp này hại tôi!
Tư Mã Khố lắc đầu cười đau khổ. Một cán bộ công an tay đỡ khẩu súng bên hông, khiển trách cán bộ thôn:
- Chỉ bậy, giải đi, chẳng hiểu gì về chính sách cả?
Cán bộ thôn nói:
- Bọn tôi nhân tiện thì khai thác thêm đó thôi! - Anh ta vừa nói vừa kéo Tư Mã Đình đi.
Viên giám quan giơ ngọn cờ bé tí lên, hô sang sảng:
- Chuẩn bị...
Các tay súng nâng súng lên, đợi khẩu lệnh cuối cùng. Tư Mã Khố nhìn những họng súng đen ngòm, trên mặt thoáng một nét cười băng giá. Một đạo hồng quang sáng rục trên đê, mùi đàn bà trùm lên tất cả. Tư Mã Khố la to:
- Ôi đàn bà mới là những người tốt nhất trên đời!
Đám đông đứng lặng như trời trồng. Lời hô của Tư Mã Khố tuy không hùng tráng nhưng nó lại xoáy vào tâm khảm mọi nói. Đàn bà có tốt không? Có lẽ đàn bà là những người tốt, quả thực đàn bà là những người tốt. Nhưng suy cho cùng, đàn bà là những người không tốt! Liền sau đó là tiếng nổ đùng đục, đầu Tư Mã Khố vỡ toác như cái gáo bị dập bể, máu trộn với óc bắn tung tóe. Lúc này, y hệt vở kịch đến đoạn cao trào trước khi hạ màn, thiếu phụ góa chồng Thôi Phượng Tiên, áo lụa hồng, quần đoạn xanh, trên đầu cài bông hoa đỗ quyên màu vàng kim, từ trên đê chạy ào xuống phủ phục bên cái xác Tư Mã Khố. Tôi nghĩ rằng chị sẽ ôm lấy Tư Mã Khố mà gào khóc, nhưng không phải. Có lẽ cái đầu vỡ toác khiến chị khiếp đảm. Chị móc cái kéo giắt bên mình ra, tôi nghĩ rằng chị sẽ tự dâm vào ngực để cùng chết với Tư Mã Khố, nhưng cũng không phải. Trước những cặp mắt nhìn chăm chú của đám đông, chị thọc lút kéo vào giữa ngực cái xác, rồi hai tay ôm mặt, chị vừa kêu gào vừa bỏ chạy.