Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Báu Vật Của Đời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 57920 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Báu Vật Của Đời
Mạc Ngôn

Chương 5(tiếp)
7
Mùa xuân năm một nghìn chín trăm sáu mươi đầy đói khát, các phần tử phái hữu trong đội Phái hữu của nông trường Thuồng Luồng đều biến thành động vật ăn cỏ. Định lượng của mỗi ngày cho một người là bảy mươi gam lương thực, lại bị ăn bớt qua nhiều khâu, từ thủ kho, quản lý nhà ăn, và các yếu nhân của nông trường bộ, thành thử vào miệng phái hữu chỉ còn là bát cháo loãng có thể soi gương. Đã vậy, các phần tử phái hữu vẫn phải xây dựng lại nhà cửa, và được sự trợ giúp của trung đoàn lựu pháo đóng quân tại địa phương, họ còn trồng được mấy vạn mẫu tiểu mạch xuân. Để đề phòng trộm cắp, người ta trộn hạt giống với thuốc trừ sâu cực độc. Thuốc này kinh khủng đến nỗi những con giun, dế và một số côn trùng mà ngay cả chuyên gia sinh vật học phái hữu Phương Hóa Văn cũng không biết tên, chết dày đặc trên mặt đất, chim ăn phải những xác côn trùng này, đầu ngoẹo sang một bên mà chết, thú ăn phải xác những con chim này, nhảy dụng lên, chết liền. Khi tiểu mạch xuân cao ngang đầu gối thì các loài rau dại, cỏ dại cũng đưa nhau mọc. Những phần tử phái hữu vừa làm cỏ vừa nhặt rau dại bỏ vào mồm, nhai trệu trạo. Những phút nghỉ giải lao, mọi người ngồi trên bờ ruộng, ợ cỏ từ dạ dày lên miệng nhai lại cho kỹ. Nước bọt trong miệng toàn màu xanh, gương mặt người nào cũng vàng bủng ra, soi gương được.
Nông trường chỉ có mười người không bị phù thũng. Ông út Đỗ, giám đốc mới của nông trường không bị. Thủ kho Quốc Tử Lan không bị, Mã Thụy Liên và người nuôi ngựa giống tên là Trần Tam không bị, chắc chắn là họ đánh cắp thức ăn của ngựa. Ngụy Quốc Anh, đặc phái viên của công an không bị, con chó bécgiê của anh ta được nhà nước cung cấp thịt theo định lượng. Còn một người nữa tên là Chu Thiên Bảo cũng không bị. Anh này hồi nhỏ chế tạo bộc phá theo lối thủ công bị cụt ba ngón tay, về sau lại bị hỏng một mắt vì súng tự tạo bị phá nòng. Anh ta làm nhiệm vụ gác đêm cho nông trường, ban ngày ngủ, đêm khoác khẩu súng trường Tiệp, len lỏi các xó xỉnh như một bóng ma. Anh ta ngụ tại một căn nhà nhỏ lợp tôn, bên cạnh bãi vũ khí phế thải. Thường vào lúc đêm khuya có mùi thịt thơm tỏa ra từ căn nhà nhỏ của anh ta, mùi thơm khiến mọi người trằn trọc không sao ngủ được. Quách Văn Hào lợi dụng bóng đêm lần tới ngôi nhà nhỏ, vừa ló đầu vào nhìn liền bị ăn một báng súng. Con mắt độốc nhỡn của Chu Thiên Bảo lóe sáng trong đêm tối:
- Đ. mẹ thằng phản cách mạng, mày nhìn trộm gì đấy?
Anh ta chửi rất tục, tì đầu nòng súng vào sống lưng Quách Văn Hào. Quách Văn Hào cười nhăn nhở:
- Thiên Bảo, thịt gì vậy, cho tớ xin một miếng!
Chu Thiên Bảo ậm ừ:
- Có dám ăn không?
Quách Văn Hào nói:
- Loại có bốn chân thì tớ chưa dám ăn ghế băng; loại hai chân thì tớ chưa dám ăn thịt người!
Chu Thiên Bảo cười:
- Tớ luộc thịt người đấy!
Quách Văn Hào co giò bỏ chạy.
Cái tin Chu Thiên Bảo ăn thịt người chẳng mấy chốc đã lan đi rất nhanh. Mọi người bàng hoàng, đêm ngủ không dám nhắm mắt, chỉ sợ Thiên Bảo lôi đi ăn thịt. Vì chuyện này, Giám đốc Đỗ phải triệu tập riêng một cuộc họp để cải chính. Ông ta nói rằng, qua điều tra, thịt đó là thịt chuột Chu Thiên Bảo bắt trong xe tăng hỏng. Ông Đỗ kêu gọi mọi người, nhất là những phần tử phái hữu đừng làm bộ làm tịch, học tập Chu Thiên Bảo khai thác nguồn thức ăn để cầm cự cho qua những ngày đói kém, tiết kiệm lương thực nhằm chi viện cho những người trên thế giới còn khổ hơn mình. Vương Tư Viễn, phần tử phái hữu của trường đại học Nông nghiệp đề xuất nuôi nấm trên gỗ mục, được giám đốc Đỗ phê chuẩn. Nửa tháng sau, nấm của anh ta đã gây ra một vụ ngộ độc hơn một trăm người thượng thổ hạ tả, tám mười tám người rối loạn thần kinh, nói năng lảm nhảm. Cục Công an coi đây là một vụ đầu độc, do vậy mà giám đốc Đỗ bị kỷ luật, Vương Tư Viễn từ phái hữu trở thành phái cực hữu. Do kịp thời cấp cứu, tất cả đều tai qua nạn khỏi, chỉ mỗi Hoắc Lệ Na ngộ độc quá nặng, không cứu được. Về sau, người ta rỉ tai nhau, nói rằng Hoắc Lệ Na có quan hệ ám muội với Trương Rỗ phụ trách việc chia khẩu phần ở nhà ăn, thường được lợi qua cái muỗng chia cháo của anh ta. Có người nói chính mắt trông thấy trong buổi chiếu phim hôm chủ nhật, khi đèn đóm tắt phụt, Hoắc Lệ Na và Trương Rỗ liền lẻn ra sau đống cỏ. Hoắc Lệ Na chết, Kim Đồng lòng như dao cắt. Cậu kiên quyết không tin một con người xuất thân quyền quí từng lưu học tại Nga như Hoắc Lệ Na, vì một muỗng cháo mà khuất thân trước kẻ tởm lợm như Trương Rỗ. Nhưng sau đó xảy ra vụ Kiều Ky Sa đã gián tiếp xác nhận chuyện Hoắc Lệ Na là có thể xảy ra. Khi mà những người phụ nữ đói đến nỗi vú dán vào ngực, hàng tháng không còn kinh nguyệt, thì lòng tự trọng và tiết tháo sẽ không tồn tại. Thật là bất hạnh, Kim Đồng đã mục kích câu chuyện từ đầu đến cuối.
Dạo mùa xuân, nông trường mua từ tây nam Sơn Đông về một số bò giống, sau vì bò cái không đủ nên nông trường quyết định thiến đi bốn con để vỗ thành bò thịt. Mã Thụy Liên vẫn là đội trưởng đội chăn nuôi gia súc, nhưng vì lão Đỗ đã chết nên thanh thế của chị ta giảm sút nghiêm trọng. Vì vậy, khi Đặng Gia Vinh đem tất cả tám quả cà đi, chị ta đành giương mắt nhìn theo, tức mà không dám làm gì. Mùi xào nấu từ chỗ Đặng Gia Vinh thơm điếc mũi khiến Mã Thụy Liên thèm rỏ dãi, chị ta bèn sai Trần Tam sang xin. Đặng Gia Vinh đề nghị đổi lấy thức ăn của ngựa. Không còn cách nào khác Mã Thụy Liên đành để Trần Tam đem một cân bánh đậu đổi lấy một hòn cà. Kim Đồng chịu trách nhiệm bắt bò đi dạo trong đêm, không cho bò nằm để tránh vết thương há miệng. Sau bữa cơm chiều, trời chạng vạng tối, Kim Đồng dắt mấy con bò vào rừng liễu rồi cột chúng vào các gốc cây. Liên tục trong năm đêm dắt bò đi dạo, mi mắt cậu nặng như chì. Cậu ngồi tựa gốc cây, mi mắt dính lại với nhau, chập chờn nửa ngủ nửa thức. Chính khi đó, cậu ngửi thấy mùi bánh màn thầu mới ra lò thơm phúc, nóng hôi hổi. Cậu cố rướn mắt lên và nhìn thấy cấp dưỡng Trương Rỗ tay cầm đoạn dây thép trên đầu có cắm một chiếc bánh màn thầu trắng bóc, lượn đi lượn lại trong rừng liễu, vừa đi vừa rung rung đoạn dây như nhử mồi. Thực ra là hắn đang nhử mồi. Trước mặt hắn, khoảng cách chừng năm bước chân, là hoa khôi của Học viện Y khoa Kiều Kỳ Sa. Đôi mắt chị dán vào chiếc bánh. Ráng chiều nhuốm đỏ khuôn mặt vàng bủng của chị như thoa lên một lớp máu chó. Chị bước đi khó nhọc, thở hồng hộc. Đã mấy bận chị tuồng như vồ trúng chiếc màn thầu, nhưng Trương Rỗ rụt tay lại khiến chị vồ hụt. Trương Rỗ mỉm cười ranh mãnh. Chị rên rỉ như con chó cún bị lừa Một bận chị đã định bỏ đi, nhưng không cưỡng được sức cám dỗ của chiếc bánh, lại lao đầu vào như ngây như dại. Khi mà khẩu phần mỗi ngày còn được sáu lạng, Kiều Kỳ Sa còn cự tuyệt chuyện phối giống giữa cừu với thỏ, nhưng khi mà khẩu phần chỉ còn một lạng rưỡi thì vẫn cô Kiều Kỳ Sa đó không tin chính trị, cũng không tin khoa học.
Chị đuổi theo chiếc bánh với bản năng của động vật, còn người cầm chiếc bánh là ai không hề có ý nghĩa. Và như vậy chị theo chiếc bánh vào sâu trong rừng liễu. Giờ giải lao buổi sáng, Kim Đồng chủ động rẫy cỏ giúp Trần Tam nên được thưởng ba lạng bánh đậu, do vậy còn kiềm chế được, nếu không, cậu đã tham gia vào cuộc rượt đuổi chiếc bánh. Thời ấy phụ nữ đều tắt kinh, vú lép kẹp, còn đàn ông thì hai hòn dái rắn như đá cuội treo tòn ten trong cái bìu trong suốt, không còn khả năng đàn hồi. Nhưng Trương Rỗ thì khả năng ấy vẫn còn nguyên vẹn. Căn cứ vào hồ sơ tố cáo sau này, trong năm 1960 đói khát ấy, hắn lấy lương thực làm mồi nhử, cưỡng hiếp gần như khắp lượt những phần tử phái hữu là nữ ở nông trường. Kiều Kỳ Sa là lô cốt cuối cùng mà hắn hạ được. Người phụ nữ trẻ nhất, đẹp nhất và rất ngang bướng, không ngờ lại dễ dàng bị đánh gục như những người bình thường. Dưới ráng chiều đo như máu, Kim Đồng mục kích cảnh chị Bảy của cậu bị cưỡng dâm như thế nào.
Năm nào mưa bão lụt lội nhiều thì năm ấy cây thùy liễu cực kỳ tươi tốt, những rễ buông màu hồng như xúc tu của loài sinh vật biển mọc đầy thân cây, dùng dao phạt đứt, chúng chảy máu tươi. Tán cây y hệt người đàn bà điên xõa tóc, lá mọng nước, lúc đầu có màu vàng rơm sau chuyển sang màu phấn hồng, tô điểm cho những cành mềm mại, đàn hồi như cánh cung. Kim Đồng cho rằng những cành và lá liễu non chắc là rất ngon, nên khi câu chuyện xảy ra ở phía trước, miệng cậu đang nhét đầy lá liễu. Cuối cùng, Trương Rỗ ném cải bánh xuống đất Kiều Kỳ Sa nhào tới chụp lấy, khi hai tay chị cầm bánh nhét vào miệng, chưa kịp đứng thẳng lên, Trương Rỗ vòng ra phía sau tốc váy chị lên, kéo tuột chiếc quần lót nhem nhuốc màu phấn hồng xuống tận cổ chân và rất thành thạo, hắn kéo một chân chị ra khỏi quần, còn chân bên kia thì không cần kéo nốt. Hắn tách chân chị ra, nhét cái vật cương cứng của đàn ông chưa bị cái đói năm một nghìn chín trăm sáu mươi biến thành tàn phế, vào người chị. Chị như con chó ăn vụng, mặc cho phía mông bị vùi dập nặng nề, vẫn cố nhịn đau nuốt miếng bánh, rồi lại cố nuốt thêm mấy miếng nữa. Lại nữa, có lẽ niềm vui được miếng ăn mạnh hơn nỗi đau của cưỡng hiếp nên chị hối hả ăn cho bằng hết, mặc cho cơ thể rung chuyển sau mỗi cú huých của Trương Rỗ. Nước mắt chị ràn rụa do phản xạ sinh lý khi được ăn, không hề mang sắc thái tình cảm nào? Có lẽ ăn bánh xong chị mới cảm thấy cái đau phía sau nên đứng dậy ngoảnh lại nhìn, cổ họng đau buốt, phình to như cổ vịt nhồi. Trương Rỗ chưa chịu buông ra, một tay ôm eo chị, tay kia thò vào túi quần lấy ra một cái bánh bẹp dí, quẳng xuống trước mặt chị. Chị cúi người về phía chiếc bánh, Trương Rỗ vẫn nhích theo đằng sau. Khi chị cầm được chiếc bánh thì hắn một tay đè mông chị, tay kia ấn vai chị xuống. Lúc này miệng bận ăn, các bộ phận khác trên cơ thể mặc cho hắn muốn làm gì thì làm, miễn sao không ảnh hưởng tới cái miệng. Cuối cùng, rên lên một tiếng như con thỏ đực sau khi giao phối xong, hắn dán chặt trên mông chị, rùng mình mấy cái như giẫy chết. Kim Đồng cố nhai những cành liễu, cảm thấy đây là loại thức ăn ngon mà người ta không để ý tới. Lúc đầu cậu cảm thấy ngọt, nhưng sau thấy rất chát, không sao nuốt được, cậu hiểu người ta không ăn chúng là có lý. Cậu nhai những cành liễu mà nước mắt ràn rụa, qua màn nước mắt, cậu thấy câu chuyện phía trước đã kết thúc, Truơng Rỗ đã lỉnh đi, Kiều Kỳ Sa thì nhìn quanh bằng cặp mắt đờ đẫn. Sau đó, đầu chị va phải một cành liễu, chị cũng bỏ đi.
Kim Đồng hai tay ôm chặt cây liễu, tì cái đầu như mụ đi vào thân cây nút nẻ.
Mùa xuân dài lê thê sắp kết thúc, lúa tiểu mạch xuân đã sắp chín, hình như đây là giai đoạn cuối cùng của những năm tháng đói khát. Trên phân phối một đợt bánh đậu nhằm lấy lại sức, chuẩn bị cho vụ thu hoạch, mỗi người được bốn lạng. Giống như Hoắc Lệ Na ăn nhiều nấm độc bị chết, Kiều Kỳ Sa cũng chết vì ăn nhiều bánh đậu.
Kim Đồng trông thấy thi thể Kiều Kỳ Sa bụng trương phềnh như cái chĩnh. Lúc phân phối bánh đậu, mọi người xếp hàng, Trương Rỗ và một cấp dưỡng nữa đứng cân. Kiều Kỳ Sa xếp hàng trước Kim Đồng. Cậu trông thấy chị đã lĩnh được một suất, còn trông thấy Trương Rỗ nháy mắt với chị. Mùi thơm của bánh đậu khiến cậu không có thì giờ để ý đến chuyện khác. Mọi người dữ như chó sói, chỉ vì cân tươi hay không mà đánh nhau với cấp dưỡng. Kim Đồng mơ hồ cảm thấy Kiều Kỳ Sa được Trương Rỗ chia cho nhiều hơn mà cảm thấy đau xót. Nông trường bộ đã nói rõ bốn lạng là khẩu phần của hai ngày, nhưng mọi người trùm chăn ăn sạch trong nháy mắt, không sót một mẩu vụn. Đêm hôm ấy mọi người chạy ra giếng uống nước lã. Bánh đậu nở trong dạ dày khiến Kim Đồng có cảm giác no nê đã lâu chưa được hưởng. Cậu ợ liên tục, đánh trung tiện liên tục, hơi ở trên và ở dưới cùng có mùi đậu. Sáng sớm hôm sau, mọi người xếp hàng trước nhà xí, bánh đậu khô đã làm hại những con người đói khát! Mọi người không biết Kiều Kỳ Sa ăn hết bao nhiêu bánh dậu, Trương Rỗ thì biết nhưng không bao giờ hắn nói ra. Kim Đồng cũng không thích nói xấu chị Bảy đã quá cố. Cậu nghĩ, không lâu nữa, tất cả sẽ không chết trương thì chết đói, đã vậy thì nghĩ ngợi mà làm gì.
Do nguyên nhân chết đã rõ, nên không làm án. Trời nóng nực, xác chết không thể để lâu, nông trường lệnh cho chôn ngay, không quan tài, không hành lễ. Các nữ phái hữu lụa ra mấy chiếc quần áo còn coi được định thay cho Kiều Kỳ Sa, nhưng khi nhìn thấy cái bụng to tướng và dòng nước hôi hám rỉ ra bên mép chị, mọi người đành thôi. Bọn phái hữu nam lượm về mảnh vải bạt rách của đội cày bỏ ngoài đồng, bó chân lại, buộc túm hai đầu bằng dây thép, đặt chị lên chiếc xe ba gác kéo ra vạt cỏ tranh phía tây bãi pháo, đào huyệt chôn chị bên cạnh Hoắc Lệ Na. Phía sau là mộ Long Thanh Bình, trong mộ chôn bộ xương, mảnh xương sọ có vết đạn đã bị viên pháp y đem đi...
8
Kim Đồng trông thấy thằng con trai Lại Đệ và Hàn Chim đang ở trong chiếc nôi treo dưới cây ngô đồng. Phía trên cái nôi là mái che mưa nắng lợp bằng giấy dầu và những mảnh ni-lông.
Thằng bé đứng khom khom, hai tay bám mép nôi. Nó tuy gầy và đen, nhưng vào cái thời ấy, nó là một đứa trẻ khỏe mạnh.
- Cháu là ai vậy? - Kim Đồng bỏ cái bọc quần áo xuống, hỏi - Cháu không nhận ra à? Ta là cậu của cháu
- Ngoại ơi, ngoại... thằng nhỏ ngọng nghịu kêu lên, rớt dãi chảy đầy cằm.
Cậu ngồi trên ngưỡng cửa đợi mẹ về. Từ khi bị điều đi nông trường, đây là lần đầu tiên cậu về nhà và không trở lại nông trường nữa. Nghĩ đến hàng vạn mẫu tiểu mạch xuân sắp sửa thu hoạch mà trong lòng sôi sục! Gặt hái xong, cán bộ nhân viên nông trường được ăn cơm. Vậy mà đúng lúc này, cậu và mười mấy thanh niên bị giảm biên một cách tàn nhẫn. Nhưng hơn chục ngày sau, nỗi uất hận của cậu trở nên vô nghĩa, vì giữa lúc hai chiếc máy kéo ĐT màu đỏ được điều ra ruộng chuẩn bị gặt hái, thì một trận mưa đá dữ dội vùi tất cả tiểu mạch xuống bùn.
Thằng nhỏ không còn chú ý đến cậu ngồi trên ngưỡng cửa. Mấy con vẹt xanh đỏ từ trên cây ngô đồng sà xuống bay quanh chiếc nôi. Thằng nhỏ đưa mắt nhìn theo những con vẹt bay lượn. Những con vẹt tỏ ra không hề sợ nó, con thì đậu trên vành nôi, con đậu trên vai thằng nhỏ còn há cái mỏ khoằm cọ xát vào vành tai nó. Lũ vẹt kêu lên những tiếng khàn khàn, thằng nhỏ bắt chước kêu như vẹt.
Kim Đồng ngồi ngẩn ngơ, mắt mở mà chẳng nhìn vào đâu Chân cậu phơi nắng, cảm giác rân rân như kiến bò. Cậu nhớ lại ánh mắt lạ lùng của ông lái đò họ Hoàng khi cậu ngồi đò sang sông. Cầu Thuồng Luồng bị phá hủy hoàn toàn trong mùa lũ năm ngoái, công xã nhân dân cho đặt bến đò này để tiện việc đi lại. Cùng chuyến đò có một anh lính trẻ rất hay chuyện, nói giọng miền Nam. Anh ta chìa bức điện trước mặt lão Hoàng, giục:
- Bác cho sang ngay đi! Bác xem này, điện nói trước mười hai giờ phải có mặt ở đơn vị, tình hình đặc biệt, quân lệnh như sơn, báe ơi!
Trước thái độ nôn nóng của anh lính trẻ, ông già lái đò vẫn trơ ra như một hòn đá. Ông ngồi so vai ở mũi thuyền như một con chim bói cá, mắt nhìn dòng nước xiết. Sau đó có thêm hai cán bộ công xã lên huyện làm việc trở về. Họ nhảy lên thuyền, giục:
- Lão Hoàng, bọn tôi phải về ngay để truyền đạt tinh thần của hội nghị?
Lão Hoàng lầu bầu:
- Đợi một lát, đợi một lát nữa?
Một chị ôm cây đàn tì bà bước lên thuyền, ngồi đối diện với Kim Đồng. Mặt thoa phấn hồng, nhưng phấn không che khuất được nước da khô héo trên mặt chị. Hai cán bộ công xã lẳng lơ nhìn chị, một trong hai người lên giọng đàn anh hỏi:
- Cô người thôn nào?
Chị ngửng đầu nhìn thẳng vào mặt người hỏi, cặp mắt đen trầm uất, cụp xuống từ lúc bước lên thuyền, đột nhiên lóe lên những tia lửa hận thù. Kim Đồng chợt sởn tóc gáy, cậu cảm thấy trong đôi mắt có vẻ già nua của người phụ nữ này toát lên sức mạnh chinh phục tất cả cánh đàn ông mà không một người đàn ông nào chinh phục nổi chị. Những thớ thịt trên mặt chảy xệ, cổ đầy nếp nhăn, nhưng những ngón tay thon dài rất đẹp, móng tay nhẵn bóng chứng tỏ tuổi của chị không đúng với cái vẻ già nua trên mặt, trên cổ chị. Chị liếc xéo ông cán bộ công xã, hai tay ôm chặt cây đàn tì bà như ôm con nhỏ. Lão Hoàng đứng trên đuôi thuyền, dùng sào trúc đẩy thuyền rời bến, quay mũi thuyền hướng ra sông, rồi chống sào đẩy thuyền đi, mũi thuyền rẽ nước trắng xóa. Chiếc thuyền như một con cá khổng lồ trôi xuôi theo một đường xiên. Chim én chao trên mặt nước, mùi tanh tanh của cỏ nước bốc lên. Mọi người ngồi yên không nói gì, ông cán bộ lắm điều không chịu được cảnh im lặng, hỏi Kim Đồng:
- Cậu có phải cái anh... nhà Thượng Quan đấy không?
Kim Đồng nhìn ông ta bằng ánh mắt lạnh như băng, thừa hiểu những lời ông ta chưa nói ra miệng. Thế là cậu vận dụng phương thúc quen dùng, nói:
- Đúng, tôi là Thượng Quan Kim Đồng, con lai?
Ông cán bộ công xã tỏ vẻ lúng túng trước sự thẳng thắn và thái độ tự khinh miệt của Kim Đồng. Sự ngạo mạn đặc hữu của con người lĩnh lương nhà nước ăn cơm thiên hạ bị một đòn đả kích, khiến ông ta mất cân bằng, ông quay sang thao thao bất tuyệt về đấu tranh giai cấp để chửi bóng chửi gió:
- Chú nghe tin này chưa? - Ông ta quay sang hỏi anh lính trẻ đang sốt ruột - Quân và dân Hoàng Đảo vừa tóm được bọn đặc vụ Mỹ-Tưởng lén lút xâm nhập đất liền. Chúng đem theo điện đài, thuốc độc, bom nổ chậm, định bỏ thuốc độc vào giếng, thuốc này cục độc, chỉ bằng con nhộng đủ giết chết hai con ngựa? Chúng còn định phá cầu, làm nổ tung đường sắt, lật nhào các đoàn tàu! Bom nổ chậm là do Mỹ chế tạo, sức nổ mạnh, chỉ bằng hạt quả đào đã tương đương với một tấn TNT! Bọn này vừa cập bờ đã rơi vào thiên la địa võng?
Anh lính trẻ xúc động xoa xoa tay, chỉ hận nỗi không có cánh bay ngay về đơn vị. Ông cán bộ công xã cố ý không nhìn Kim Đồng, chỉ chú ý những giọt nước rớt tong tỏng trên cây sào của lão Hoàng, nói:
- Nghe nói quá nửa số đặc vụ này là người vùng đông bắc Cao Mật, đều là tay chân của Tư Mã Khố. Những thằng cha có nợ máu với dân này được cố vấn Mỹ huấn luyện. Lão Hoàng, lão có biết tên cố vấn Mỹ ấy là ai không? Không đoán ra đâu! Đúng ra là lão đã trông thấy tên Mỹ đó. Nó chính là Bác-bít, cái tên đã từng cùng với Tư Mã Khố làm mưa làm gió ở vùng Cao Mật, cái tên đã chiếu phim ấy. Con vợ thối thây của nó còn mở tiệc tiễn chân bọn đặc vụ, tặng mỗi tên một đôi giày thêu...
Người phụ nữ ôm cây đàn tì bà nhìn trộm Kim Đồng. Cậu cảm nhận đặc ánh mắt như dò hỏi của chị ta, và còn thấy rõ những mụn nhỏ đầy mặt, son phấn không thể che lấp được. Bàn tay chị ta run run trên hộp đàn. Ông cán bộ công xã vẫn thao thao bất tuyệt:
- Chú là bộ đội thì đây là lúc lập công, chỉ cần tóm được một tên đặc vụ là coi như cả đời được bảo hiểm.
Anh lính trẻ lôi bức điện ra khoe:
- Cháu cũng đoán là thời cơ hành động đã tới, vậy mới hoãn cưới, đi suốt đêm trở về đơn vị.
Tối qua có ba phát pháo hiệu trên núi Trâu Nằm - Ông cán bộ công xã nói - có người bảo đó là sao đổi ngôi. Nhận thức về kẻ địch như vậy thì lơ mơ quá?
Ông quay sang hỏi anh cán bộ công xã ngồi bên:
- Chú Hứa này, chú có nghe nói về chuyện mụ giáo viên thể dục trường trung học số 2 chưa?
Anh cán bộ tên là Hứa lắc đầu. Ông cán bộ nói:
- Mụ khoét rỗng quyển Từ Hải, giấu khẩu súng lục trong đó. Còn chiếc điện đài bé tí của mụ thì chắc là các vị không đoán ra mụ giấu ở đâu. Mụ giấu trong vú, đầu vú chính là điện cực, tóc trên đầu là ăng ten, do vậy mà công an lục soát rất lâu vẫn không tìm ra. Bọn đặc vụ này có hàng trăm cách, vì vậy nói chúng tham sống sợ chết là không đúng, rạch vú ra, nhét điện đài vào kinh khủng thật!
Thuyền cập bến, anh lính trẻ nhảy lên bờ đi luôn. Người phụ nữ ôm đàn tì bà rụt rè nhìn Kim Đồng, hình như muốn nói với cậu điều gì đó. Ông cán bộ công xã nghiêm giọng bảo:
- Chị đi cùng chúng tôi đến công xã! Chị luống cuống:
- Sao thế? Vì sao tôi phải đến công xã?
Ông cán bộ công xã giật cây đàn tì bà trong tay chị lắc lắc bên trong có tiếng lạo xạo. Chị xúc động đến nỗi mặt đỏ bừng, sống mũi ngoằn ngoèo như con giun giật giật.
- Điện đài? - Ông cán bộ công xã mừng rỡ kêu lên - không là điện dài thì là súng lục? - Chị phụ nữ chồm tới định chớp lại cây đàn, nhưng ông cán bộ đã né sang một bên, khiến chị giằng hụt.
Chị tức tối nói:
- Trả tôi đây!
- Trả hả? - Ông cán bộ cười ranh mãnh - trong này giấu cái gì?
Chị ấp úng:
- Đồ dùng của phụ nữ!
- Đồ dùng của phụ nữ! Đồ dùng của phụ nữ mà phải giấu trong hộp đàn? - Ông ta kêu lên - Nữ công dân, hãy theo chúng tôi về công xã!
Nét mặt buồn rầu của chị thoắt cái trở nên đanh đá, chị chửi:
- Biết điều thì trả lại cho bà, bà còn lạ gì cái trò cướp cạn của bọn mày
- Chị này làm gì mà dữ thế? - Ông cán bộ chột dạ hỏi. - Làm gì thì ông không cần biết, trả lại cây đàn cho tôi!
Ông cán bộ nói:
- Tôi không có quyền trả lại chị, phiền chị về công xã!
Người phụ nữ chửi:
- Giữa ban ngày ban mặt mà dám cướp của người ta, ngay giặc Nhật cũng không dám như các ông! Ông cán bộ công xã chạy như bay về phía trụ sở công xã thiết lập tại khu nhà Tư Mã Khố. Người phụ nữ không còn cách nào khác, vừa đuổi theo vừa chửi:
- Đồ ăn cướp, quân lưu manh, đồ giòi bọ!
Kim Đồng có linh cảm rằng, người đàn bà ôm cây đàn tì bà có mối liên hệ nào đó với gia đình Thượng Quan. Cậu điểm rất nhanh trong đầu những phụ nữ trong nhà cậu Thượng Quan Lai Đệ chết rồi. Thượng Quan Chiêu Đệ chết rồi. Thông Quan Lãnh Đệ chết rồi. Thượng Quan Cầu Đệ chết rồi. Thượng Quan Phán Đệ đã biến thành Mã Thụy Liên, còn sống nhưng coi như đã chết. Còn lại chỉ có Thượng Quan Trọng Đệ, Thượng Quan Niệm Đệ và Thượng Quan Ngọc Nữ. Người phụ nữ này không phải Niệm Đệ. Niệm Đệ người thanh mảnh, cổ cao, khuôn mặt gọn mà xinh, hàm răng như ngọc. Mà người phụ nữ này thì răng vàng khè, đầu thô, miệng rộng, hai mép trễ xuống một cách đáng sợ khi chùi, mắt lóe lên những tia xanh biếc như mắt mèo. Người phụ nữ này càng không phải Ngọc Nữ. Ngọc Nữ bị thong manh, mắt nguyên vẹn mà không nhìn thấy gì. Đây chỉ có thể là chị Tưởng Đệ, người đã tự bán mình, đã hy sinh to lớn cho nhà Thượng Quan. Nhưng còn cây đàn tì bà?
Giữa lúc cậu đang rối như mớ bòng bong về cây đàn tì bà, thì bà Lỗ gầy như một bộ xương đồ sộ biết đi, bước vào cổng. Cậu vừa nghe thấy tiếng cài then thì đã thấy mẹ đi tắt qua gian chái chạy tới, người cứng đơ. Cậu cất tiếng gọi mẹ, những giọt nước mắt buồn tủi đầm đìa trên mặt. Mẹ hình như ngạc nhiên nhưng không nói gì, tay bịt miệng, mẹ chạy tới chỗ chiếc bồn gỗ đầy nước dưới gốc cây hạnh thì quì xuống, hai tay bám mép bồn, cổ vươn dài, miệng há to, những hạt đậu nối đuôi nhau rơi xuống nước lõm bõm. Nghỉ xả hơi mấy phút, bà nhìn con trai bằng đôi mắt ướt nhèm, nói câu gì đó không rõ, rồi lại cúi xuống ọe tiếp. Những hạt đầu nôn ra lần sau trộn lẫn với dịch dạ dày, dính nhơm nhớp, từng cục rơi xuống. Cuối cùng, sau khi đã nôn hết, bà khỏa tay vào bồn bốc những hạt đậu lên xem, nét mặt tỏ ra bằng lòng.
Khi đó bà mới bước tới chỗ con trai, ôm chặt lấy thân hình cao to nhưng yếu đuối của con.
- Con trai của mẹ, sao con đi biền biệt thế, có năm dặm đường mà không về thăm nhà lấy một lần?
Mẹ hỏi băng giọng trách móc, nói luôn:
- Con đi được ít hôm thì mẹ có việc làm. Công xã thành lập tổ xay xát, chính là cái nhà xay của nhà Tư Mã Khố, gỡ hết các cánh quạt gió, dùng sức người đẩy cối. Mẹ nhờ Đỗ Văn Đẩu xin cho vào làm, một ngày công được nửa cân khoai khô. Không có công việc này thì bây giờ không còn trông thấy mẹ nữa, ngay thằng Vẹt cũng không còn?
Kim Đồng bây giờ mới biết thằng nhỏ con Hàn Chim tên là Vẹt. Nó đang khóc ề à trong nôi.
- Con bế nó xuống đi, mẹ làm cơm cho mà ăn!
Mẹ rửa đậu trong bồn mấy lần bằng nước sạch, đựng trong một cái bát, đầy có ngọn. Nhận ra sự khác lạ ở cậu mẹ bảo:
- Con ơi, mẹ cực chẳng đã đấy thôi, con đừng dè bỉu mẹ Cả đời mẹ phạm rất nhiều sai lầm, nhưng ăn cắp thì lần này là lần đầu!...
Cậu dựa cái đầu to tướng, tóc tai bờm xờm vào vai mẹ, đau xót nói:
- Mẹ đừng nói nữa... Đây không phải là ăn cắp! Có nhiều chuyện còn xấu hổ gấp trăm lần ăn cắp ấy chứ?
Mẹ lôi trong hốc lò cái cối giã bằng tay, giã nát những hạt đậu ra, rồi cho nước lạnh vào quấy thành hồ, đưa cho Kim Đồng một bát:
- Ăn đi con, không dám đốt bếp, hễ thấy khói là cán bộ xộc đến kiểm tra. Họ phát hiện ra là lôi thôi to?
Kim Đồng bê bát lên, cổ họng đau buốt. Mẹ dùng chiếc muỗng gỗ đã bị sứt mẻ, đút cho thằng Vẹt ngồi ngay ngắn trên ghế băng, ăn từng muỗng ngon lành.
- Sợ bẩn hả? - Mẹ nhìn con trai, vẻ áy náy.
Nước mắt Kim Đồng rơi thánh thót trong bát hồ, cậu nói:
- Không, con có sợ đâu?
Cậu húp sùm sụp, chỉ trong mấy phút, bát hồ đã hết nhẵn.
- Mẹ, làm sao mẹ lại nghĩ ra được cách này? - Kim Đồng nhìn mái đầu bạc trắng và không ngừng run rẩy của mẹ, đau xót hỏi.
Lúc đầu giấu trong bít tất, ra cổng họ khám người phát hiện ra, sỉ nhục mình như con chó. Về sau, mọi người đều ăn tại chỗ. Một bận mẹ về nhà thì bị nôn, đêm ấy trời mưa, sáng ra trông thấy những hạt đậu, thằng Vẹt nhặt lên ăn. Vậy mới nẩy ra sáng kiến. Lần đầu tiên muốn nôn thì phải lấy đũa ngoáy cổ họng, cảnh đó thì..., bây giờ quen rồi, cúi xuống là nôn ra. Bụng mẹ bây giờ chăng khác cái bao đựng lương thực...
Rồi mẹ hỏi thăm về những chuyện ở nông trường và những gì cậu đã trải qua trong hơn một năm nay. Cậu nói hết với mẹ, không chút giấu giếm, cả chuyện ngủ với Long Thanh Bình, cái chết của Cầu Đệ, cái chết của Lỗ Lập Nhân và sự thay tên đổi họ của Phán Đệ. Mẹ ngồi im rất lâu, mãi khi trăng lên, ánh trăng rọi qua cửa sổ, mẹ mới nói:
- Con không làm gì sai, hồn phách cái cô họ Long ấy đã được an ủi. Coi như cô ấy đã là người của nhà ta. Đợi khi tình hình khá lên, ta sẽ đưa hài cốt của cô ấy cùng với hài cốt của chị Bảy về đây!
Mẹ bế thằng Vẹt ngủ vạ ngủ vật lên giường, nói:
- Xưa nhà mình đông đúc như một chuồng dê, vậy mà bây giờ chỉ còn mấy mống này!
Kim Đồng thấp thỏm hỏi:
- Mẹ, chị Tám đâu? Mẹ thở dài nhìn cậu tỏ vẻ xấu hổ, hình như muốn được cậu thông cảm.
Khi Ngọc Nữ đã ngoài hai mươi tuổi, tính nết vẫn như một thiếu nữ nhút nhát, luôn co lại như con nhộng trong kén, chỉ sợ làm phiền người khác. Vào một buổi chiều mùa hạ mưa rả rích, trời chạng vạng tối, chị xót xa lắng nghe những tiếng nôn ọe của mẹ. Sấm ầm ì phía chân trời, gió tuốt lá tơi tả, sét đánh khét lẹt, nhưng những tiếng động đó vẫn không át được tiếng nôn ọe của mẹ, nhưng mùi vị đó không át được mùi vị mà mẹ nôn ra. Tiếng lõm bõm của lương thực rơi xuống nước khiến chị run bắn người, mong cho cái tiếng ấy sớm chấm dứt, lại mong nó cứ tiếp tục ra. Chị ớn cái mùi của dịch vị có lẫn mùi máu khi mẹ nôn, đồng thời lại biết ơn cái mùi khó chịu ấy. Tiếng chày giã côm cốp xáo trộn tâm can chị. Khi mẹ đưa cho chị bát hồ nồng nặc mùi đậu sống, nước mắt chị rơi lã chã, cái miệng xinh xinh giật giật, một thìa đưa vào miệng là một hàng nước mắt trào ra. Ngàn vạn lời cảm ơn mẹ chứa chất trong lòng nhưng chị không nói ra miệng.
Sáng sớm ngày mồng Bảy tháng Bảy năm ngoái, khi mẹ đi làm, Ngọc Nữ bỗng hỏi:
- Mẹ, khuôn mặt mẹ như thế nào? - vừa hỏi chị vừa giơ hai cánh tay mảnh mai ra:
- Cho con sờ mặt mẹ một tí!
Mẹ thở dài
- Con gái ngốc nghếch của mẹ? Tình cảnh này mà con vẫn thích đùa?...
Mẹ đầu mặt lại gần tay chị để những ngón tay mềm như không xương sờ mó trên mặt. Mẹ ngủi thấy mùi ẩm ướt lạnh tanh trên tay chị, bèn bảo:
- Ngọc Nữ, con đi rửa tay đi, trong ang còn nước đấy!
Mẹ đi làm rồi, chị Tám mò mẫm bước xuống giường. Chị nghe thấy thằng Vẹt trong chiếc nôi treo dưới tán cây đang líu lô hát, đàn chim ríu rít trên ngọn cây, chim én làm tổ dưới mái hiên. Chị lần theo mùi thơm tinh khiết của nước sạch, đến bên chiếc ang, khuôn mặt xinh đẹp in trong nước, giống như Kim Đồng tìm hình bóng Natasa, chỉ có khác là chị không nhìn được khuôn mặt chị. Rất ít người nhìn thấy khuôn mặt người con gái này của nhà Thượng Quan. Mũi dọc dừa, da trắng như trứng gà bóc, tóc vàng mềm mại, cổ thon dài như thiên nga giỡn nước! Chị cảm thấy nước lạnh thấm ướt mũi, tiếp đến là môi rồi đến toàn bộ đầu tóc dìm trong nước. Khi mùi tanh tanh mằn mặn xộc vào mũi, chị chợt tỉnh, ngẩng đầu lên. Tai ù, mũi vừa cay vừa xót. Trong tai có hai tiếng bục bục, đó là màng nước trong tai vỡ ra khiến chị nghe thấy tiếng kêu khàn khàn của những con vẹt và tiếng gọi dì Tám của thằng Vẹt. Chị đến dưới gốc cây, giơ tay sờ khuôn mặt nhem nhuốc đây mũi dãi của nó, rồi lẳng lặng lần bước ra cổng.
Mẹ dùng mu bàn tay quệt nước mắt, nói nhỏ:
- Chị Tám con bỏ đi vì sợ là gánh nặng cho mẹ!... Mù lòa như thế đi đâu được? Dưới giếng, ngoài vực đều không có... Bọn con gái nhà Thượng Quan số phận đều hẩm hiu, thì làm sao chị Tám con có cuộc đời sung sướng?
Kim Đồng định an ủi mẹ, nhưng không tìm được câu chữ thích hợp. Cậu hiểu sâu sắc rằng, mắt mở thao láo mà còn chẳng ra gì huống hồ mù cả hai mắt? Cậu vờ ho rất to để che giấu nỗi đau trong lòng.
Giữa lúc đó, bên ngoài có tiếng đập cổng, mẹ giật mình đánh thót, vội giấu biến chiếc cối giã đậu, bảo:
- Kim Đồng, con ra mở cửa xem ai!
Kim Đồng mở cổng, người phụ nữ ôm đàn tì bà trên thuyền hồi nãy đang đứng trước cổng, dáng ngại ngùng. Chị hỏi nhỏ:
- Kim Đồng phải không?
Tưởng Đệ đã trở về.
9
Năm năm sau. Một sáng mùa đông, Tưởng Đệ đang nằm trong chái đông chờ chết, bỗng nhổm dậy. Do bệnh cũ tái phát, mũi chị đã thối rữa, chỉ còn là hai cái hốc đen ngòm, hai mắt cũng đã bị mù, mớ tóc dài mượt rụng gần hết, những sợi tóc còn lại ngả màu chì, che không kín cái đầu khô héo. Chị lẩy bẩy đi tới trước rương, bắc ghế đẩu trèo lên lấy cây dàn tì bà đã vỡ hộp xuống, rồi vẫn cái dáng lẩy bẩy như thế, chị lần ra sân. ánh nắng chiếu trên cơ thể người đàn bà lở loét cùng mình và bốc lên mùi hôi thối này. Chị huống cặp mắt mù về phía mặt trời, một dòng nước đặc như keo từ hai hốc đen chảy ra. Đang ngồi đan chiếu cói cho đội sản xuất, mẹ vội đứng dậy, giọng đau xót:
- Con gái khốn khổ của mẹ! Con ra đây làm gì?
Tưởng Đệ co ro ngồi xuống chân tường, duỗi thẳng hai chân đầy vẩy như vẩy cá. Chị cởi trần không chút thẹn thùng, rét buốt cũng không xâm hại được chị. Mẹ chạy vào trong nhà lấy ra tấm chăn chiên đắp lên hai chân chị.
- Con ơi!... Đời con thật... Mẹ gạt nước mắt, tiếp tục đan.
Ngoài đồng vọng lại tiếng hô khẩu hiệu của bọn học sinh tiểu học. Chúng hô Tấn công, tấn công, tấn công nữa kẻ thù giai cấp, tiến hành đến cùng cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản. Hô đến khản giọng, rầm rộ hang cùng ngõ hẻm, vẽ những tranh rất trẻ con lên tường mọi nhà bằng phấn màu, những khẩu hiệu dữ dội, lỗi chính tả sai hàng đồng.
Tưởng Đệ bật cười khanh khách. Bằng một giọng khê đặc, chị nói:
- Mẹ, con đã ngủ với hàng vạn người đàn ông, đã kiếm được ối tiền, tất cả đều chuyển thành vàng, đá quí kim cương, đủ dùng cho cả đời. Chị thò tay vào cái hộp đàn đã bị ông cán bộ công xã chọc thủng một lỗ to tướng, nói tất cả để trong này. Mẹ xem, viên ngọc to này là viên dạ minh châu của một thương gia Nhật tặng con, mẹ đính nó trên mũ, đi đêm không cần đèn lồng... Đây là viên ngọc mắt mèo, con đổi bằng mười chiếc nhẫn... Đây là chiếc xuyến vàng, cụ Hùng cho cái lần phá trinh... Chị kể ra từng chiếc mà nay chỉ còn trong ký ức, điểm từng chiếc, bảo:
- Mẹ lấy cả đi, có bấy nhiêu thứ thì còn lo gì nữa, viên ngọc lục bảo này chí ít cũng mua được một tấn bột mì, chiếc kiềng cổ này đáng giá một con la... Mẹ ơi, lúc sa vào nhà chúa con đã thề rằng, đã bán mình thì một lần cũng là bán, vạn lần cũng là bán, chỉ cần các chị em con được sung sướng, thì tấm thân này có sá gì?... Con đi đâu cũng đem theo cây đàn tì bà này... chiếc dây chuyền này là của Kim Đồng, đeo nó vào sống lâu trăm tuổi. Mẹ, những đồ quí giá này mẹ nhớ cất cho kỹ, đừng để trộm nó lấy mất, đừng để Bần nông đoàn đấu tranh tịch thu mất!... Chúng là mồ hôi nước mắt của con. Mẹ cất kỹ cả chưa?
Những dòng nước mắt già nua chảy tràn mặt mẹ. Mẹ không ngại bẩn, ôm chặt Tưởng Đệ khóc không thành tiếng:
- Con gái yêu của mẹ, tim mẹ tan nát vì con, còn nỗi khổ nào trên đời này hơn nỗi khổ của con!...
Kim Đồng bị Hồng vệ binh đánh chảy máu đầu khi quét rác ngoài đường. Mặt bê bết máu, cậu đứng dưới tán cây ngô đồng nghe chị Tư kể mà trong lòng đau nhói từng cơn. Trên cổng nhà cậu, Hồng vệ binh treo một lô biển: Nhà Hán gian, Sào huyệt của bọn Hoàn hương đoàn, Nhà thổ, v.v... Giờ đây nghe chị Tư kể, cậu nghĩ rằng, nên đổi tên nhà thổ thành nhà báo hiếu hoặc nhà liệt nữ mới đúng. Do bệnh tật của chị, cậu lâu nay xa lánh chị, lúc này cậu hối hận quá. Cậu đi tới nắm chặt bàn tay lạnh giá của chị, nói:
- Chị Tư... cảm ơn chị đã cho em dây chuyền... Em đã... đeo vào cổ rồi đây này!...
Nét vui mừng chợt lóe lên trong đôi mắt mù, chị nói:
- Đeo rồi hả? Em không ngại gì chứ? Đừng nói với vợ em là chị... Cho chị sờ xem có vừa không nào...
Vào những giây phút cuối cùng, từng đàn giòi vội vã rời khỏi thân thể chị. Chúng cảm thấy máu chị đã đông lại không hút được nữa.
Trên khuôn mặt chị nở một nụ cười xấu xí. Chị nói, giọng yếu dần:
- Cái đàn của tôi... để tôi dạo một khúc mọi người cùng nghe...
Bàn tay chị rờ rẫm một hồi trên cây đàn rồi buông thõng, đầu ngoẹo sang một bên.
Mẹ khóc mấy tiếng rồi lau nước mắt đứng lên:
- Con ơi, thế là con đã trả hết nợ rồi
Sau khi chôn cất chị Tư được hai hôm, chúng tôi vừa cảm thấy rỗi rãi được đôi chút thì tám phần tử phái hữu của nông trường Thuồng Luồng luân phiên khiêng thi thể chị Phán Đệ đặt trên cánh cửa gỗ ván nhà tôi. Tiểu đầu mục tay đeo băng đỏ, gõ cửa quát to:
- Nhà Thượng Quan ra mà nhận xác!
Mẹ bảo anh ta:
- Nó không phải con gái tôi.
Tiểu đầu mục chính là cậu thanh niên trong đội canh tác ở nông trường, có biết Kim Đồng. Anh ta đưa cho Kim Đồng một mảnh giấy, nói:
- Đây là thư của chị cậu để lại. Vì tinh thần nhân đạo cách mạng, chúng tôi mới đưa chị ta về. Cậu không tưởng tượng nổi chị ta nặng đến như thế nào đâu, bọn phái hữu oằn cả lưng!...
Kim Đồng nhìn cánh phái hữu tỏ vẻ áy náy. Cậu mở tờ giấy Phán Đệ viết: Tôi là Thượng Quan Phán Đệ, không phải Mã Thụy Liên. Tôi tham gia cách mạng hai mười năm, không ngờ kết cục lại đến nông nỗi này. Tôi tha thiết đề nghị quần chúng cách mạng đưa xác tôi về trấn Đại Lan, giao cho mẹ tôi là Thượng Quan Lỗ thị
Kim Đồng bước tới chỗ đặt thi thể Phán Đệ cúi xuống lật tờ giấy che mặt. Mắt Phán Đệ lòi ra ngoài, lưỡi thè ra quá nửa. Cậu vội vàng đậy tờ giấy lại, quì sụp xuống lạy tiểu đầu mục và tám người phái hữu:
- Phiền các ông khênh giúp đến nghĩa trang, gia đình tôi không còn người nữa!
Lúc này mẹ mới kêu gào ầm ĩ.
Sau khi chôn cất chị Năm, Kim Đồng kéo lê chiếc xẻng vừa về đến đầu ngõ liền bị một toán Hồng vệ binh túm chặt. Họ chụp lên đầu Kim Đồng một chiếc mũ hình chóp bằng giấy bồi. Cậu lắc đầu một cái, chiếc mũ rơi xuống đất. Cậu trông thấy tên mình viết trên mũ, bị gạch chéo bởi hai gạch màu đỏ hình chữ nhân, bên cạnh viết: Tội phạm giết người hiếp xác chết. Hồng vệ binh vụt Kim Đồng một gậy vào mông, không đau mấy vì có quần bông, nhưng Kim Đồng vẫn kêu toáng lên. Hồng vệ binh nhặt chiếc mũ lên, lệnh cho Kim Đồng nhún thấp chân xuống như Võ Đại Lang trên sân khấu để chúng chụp mũ vào đầu cậu, ấn lút xuống. Một hồng vệ binh mặt mũi hung tợn, quát:
- Giữ lấy mũ, còn rơi nữa tao sẽ đánh què chân mày!
Kim Đồng hai tay giữ mũ, lảo đảo bước đi. Cậu trông thấy có rất nhiều người cũng bị chụp mũ trước cổng trụ sở công xã, trong đó có Tư Mã Đình da vàng bủng, bụng to như cái trống; có ông hiệu trưởng trường tiểu học; trưởng phòng giáo vụ trường trung học; năm sáu ông cán bộ công xã mới đây còn diễu võ dương oai, và cả một số người năm xưa đã từng bị Lỗ Lập Nhân bắt quì trên khán đài, cũng đều đội mũ cao đứng ở đó. Kim Đồng trông thấy mẹ. Đứng bên mẹ là thằng Vẹt bé tí tẹo, bên cạnh thằng Vẹt là Kim-Một-Vú. Mũ của mẹ có dòng chữ: Đồ giòi bọ Thượng Quan Lỗ thị. Thằng Vẹt không bị chụp mũ. Kim-Một-Vú đầu đội mũ cao, cổ đeo một chiếc giày Hồng vệ binh khua chiêng gõ trống, áp giải bọn đầu trâu mặt ngựa đi diễu phố. Hôm ấy là phiên chợ cuối cùng của năm, người đông như kiến, một số người ngồi xổm bên dương bày bán một số lương thực phụ như khoai lang, rau cải bẹ và giày cỏ. Tất cả mọi người đều mặc đồ đen, những chiếc áo bông bóng loáng vì cáu bẩn do mũi dãi, mồ hôi dầu và bụi bặm bám cả một mùa đông. Những người có tuổi phần lớn dùng dây thừng làm thắt lưng. Cách ăn mặc của mọi người gần như không khác là bao so với mười lăm năm về trước. Những người đi chợ Tuyết quá nửa bị chết trong ba năm liên tiếp mất mùa, người nào sống sót cũng đã trở thành già nua. Cá biệt có người còn nhớ được phong độ của chàng Công tử Tuyết cuối cùng. Khi ấy không ai ngờ công tử Tuyết lại trở thành tên hiếp xác chết. Các đầu trâu mặt ngựa đờ đẫn cất bước, Hồng vệ binh dùng gậy vụt tới tấp vào mông họ, nhưng chỉ đánh tượng trưng, không đau.
Chiêng trống rầm trời, tiếng hô khẩu hiệu đinh tai nhức óc dân chúng chỉ trỏ, bàn tán sôi nổi. Kim Đồng cảm thấy có ai dẫm vào chân nhưng cậu không để ý. Nhưng khi bị dẫm lần thứ hai thì cậu liếc sang bên, thấy Kim-Một-Vú đầu cúi nhưng mắt ngước lên nhìn cậu, mớ tóc ngả màu rơm phủ lên vành tai đỏ ủng vì lạnh. Cậu nghe thấy chị ta hỏi nhỏ:
- Anh chàng công tử Tuyết chết tiệt? Bao nhiêu phụ nữ mong cậu thì cậu chăng mần, cậu lại đi mần cái xác chết?
Kim Đồng giả vờ không nghe thấy, mắt nhìn xuống đất và gót chân người đi trước.
- Diễu phố xong cậu gặp tôi!
Kim Đồng nghe Kim-Một-Vú nói vậy.
Cậu đang rối như canh hẹ, ngán ngẩm về lời gợi ý không đúng lúc của chị ta.
Tư Mã Đình đi bộ đã vất vả lại dẫm phải miếng gạch vỡ ngã lăn ra. Hồng vệ binh đá vào mông, ông cũng không có phản ứng. Một Hồng vệ binh nhảy lên lưng ông dận mạnh. Một tiếng ục như quả bóng xì hơi vang lên và dòng nước vàng vàng ộc ra từ miệng. Mẹ ngồi xổm xoay mặt ông lại hỏi:
- Ông bác, ông làm sao thế này?
Tư Mã Đình hé cặp mắt đã thất thần nhìn mẹ một thoáng rồi khép lại, không bao giờ mở ra nữa. Hồng vệ binh lôi xác ông sang vệ đường, lăn xuống một cái rãnh. Đoàn người tiếp tục tiến.
Kim Đồng thoáng nhìn thấy một bóng người thanh mảnh len lỏi giữa đám đông. Cô mặc chiếc áo chẽn nhưng kẻ sọc màu đen, đầu quấn khăn màu cà phê, mặt đeo khẩu trang to bụ, chỉ hở đôi mắt sắc như dao cau. Sa Tảo Hoa rồi, cậu suýt kêu lên. Từ khi chị Cả bị hành quyết Sa Tảo Hoa bỏ nhà đi biệt, thoắt cái đã bảy năm? Trong thời gian đó cậu nghe rất nhiều huyền thoại về cô nữ tặc này, nói rằng cô đánh cắp khuyên tai của phu nhân Xi-ha-núc, cậu cho rằng nữ tặc đó chính là Sa Tảo Hoa. Mấy năm không gặp, nhìn bề ngoài cô đã trở thành một phụ nữ. Trong chợ, giữa đám dân chúng mặc toàn đen, có một số người đeo khẩu trang, đầu quấn khăn. Đó là những thanh niên trí thức về nông thôn đợt đầu tiên. Sa Tảo Hoa trông có vẻ tây hơn những thanh niên trí thức kia. Cô đứng bên cửa quán ăn của hợp tác xã cung tiêu ngó sang bên này. Cô quay mặt về phía ánh nắng, nên đôi mắt cô lấp lánh như pha lê. Hai tay thọc trong túi ngoài chiếc áo nhưng sọc, cùng màu với chiếc quần cũng bằng nhưng kiểu ống túm, kiểu mốt nhất hiện nay. Một ông già từ trong quán ăn chạy ra, lẩn vào đám đầu trâu mặt ngựa, đuổi theo ông ta là hai người đàn ông nói giọng vùng khác. Ông già rét tím cả người, cạp quần bằng vải bông trắng kéo cao đến ngực. Ông lách trong đoàn người, vừa lách vừa nhét từng miếng bánh nướng vào miệng, mắt mũi trợn trừng vì nghẹn. Hai người đàn ông kia tóm được ông. Ông khóc òa lên, bôi mũi dãi vào đầy miếng bánh, than vãn:
- Tôi đói, tôi đói!
Hai người đàn ông ngán ngẩm nhìn miếng bánh rơi dưới đất, một người ngồi xuống, dùng hai ngón tay kẹp miếng bánh lên xem, thái độ tỏ ra bỏ thì thương vương thì tội. Những người xung quanh khuyên anh ta:
- Bạn ơi, đừng lấy lại nữa, thương ông già một tí!
Anh ta ném mẩu bánh xuống trước mặt ông già, nói:
- Đồ khốn, đúng là của nợ! Ăn đi, cho chết nghẹn con chó già đi! Anh ta lấy chiếc khăn tay nhàu nát trong túi ra lau tay rồi bỏ đi. Ông già chạy đến chân tường, ngồi xuống, nhấm nháp từng tí mẩu bánh đầy mũi dãi, tận hưởng mùi vị thơm ngon đã lâu ông không được hưởng.
Cái bóng của Sa Tảo Hoa len lỏi giữa đám đông. Một người đàn ông mặc trang phục công nhân dầu mỏ, đầu đội mũ lông sói rất đẹp, miệng ngậm điếu thuốc lá thơm ra vẻ ta đây, đi ngang như cua xuyên qua dòng người. Thấy mọi người tỏ ra hâm mộ, anh ta càng đắc ý, càng vênh váo. Kim Đồng biết anh ta. Đúng là người tốt vì lụa, lúa tốt vì phân, anh chàng du thủ du thực Phòng Thạch Tiên rách như tổ đỉa trong thôn, vậy mà một chiếc mũ lông sói đã biến anh ta thành người khác. Bộ trang phục công nhân dầu mỏ mặt ngoài bằng vải xanh trong lót bông dày, chỉ nhìn cũng đã thấy ấm. Một thằng lỏi con gầy nhom như khỉ, đũng quần bị rách lời bông như cái đuôi cừu bẩn, áo chẽn bật hết cúc phơi cái bụng màu nâu, tóc rối như tổ quạ. Nó bám theo Phòng Thạch Tiên.
Mọi người chen lấn xô đẩy nhau để cho ấm người. Thằng lỏi đến sát sau lưng Thạch Tiên, nhảy lên giật lấy chiếc mũ đội luôn vào đầu rồi bỏ chạy. Mọi người càng chen lấn nhau hơn, quát tháo ầm ĩ. Phòng Thạch Tiên sờ đầu ngẩn người ra rồi thét lên một tiếng, đuổi theo. Thằng lỏi không chạy nhanh, hình như có ý đợi. Thạch Tiên xông tới, không nhìn đường, mắt chỉ đóng đinh vào chiếc mũ. Anh ta va phải người, bị người ta đẩy bật lại, gạt sang bên, ngật ngưỡng, mắt nảy đom đóm. Mọi người dừng lại xem màn trình diễn, ngay cả các tiểu tướng Hồng vệ binh cũng bỏ mặc đám đầu trâu mặt ngựa đội mũ cao, len lên để xem. Thằng lỏi chạy tới trước cổng xưởng luyện thép của công xã, ở đó có một số bé gái bán lạc rang. Bán lạc rang là phạm pháp, nên bọn chúng rất cảnh giác, sẵn sàng bỏ chạy bất cứ lúc nào. Trước cổng xưởng là một cái đầm rộng, tuy trời lạnh, nhưng nước trong đầm bốc hơi ấm vì nước thải từ lò luyện thép liên tục chảy vào đầm. Thằng lỏi lột mũ trên đầu quẳng ra giữa đầm. Mọi người ngạc nhiên, nhưng sau đó thì hít hà tỏ vẻ thích thú. Chiếc mũ lông sói bập bềnh trên mặt nước, chưa chìm. Phòng Thạch Tiên chay đến nơi, chửi:
- Oắt con, tao thì lột da mày!
Nhưng thằng lỏi thoắt cái đã mất hút. Thạch Tiên nhìn chiếc mũ, mắt chớp chớp ứa ra hai giọt nước. Anh ta loay hoay bên bờ đầm, một người khuyên:
- Chạy về lấy cây sào mà khều!
Người khác lại bảo:
- Đợi lấy được sào thì mười cái mũ cũng đã chìm nghỉm từ đời tám hoánh rồi?
Chiếc mũ đã bắt đầu chìm. Có người kêu lên:
- Cởi quần áo ra, ai vớt được là của người ấy!
Nghe vậy, Phòng Thạch Tiên cuống lên, vội cởi bộ quần áo bông của công nhân dầu mỏ ra, chỉ mặc mỗi chiếc quần lót rồi rón rén lội xuống nước. Nước sâu, chấm vai anh ta. Rồi anh ta vớt được chiếc mũ.
Nhưng khi mọi người dán mắt vào quang cảnh trên đầm thì Kim Đồng trông thấy thằng lỏi kia nhanh như cắt ôm bộ quần áo của Thạch Tiên chạy vào một ngõ nhỏ, rồi cái bóng mảnh mai kia cũng loáng một cái, mất hút theo. Khi Phòng Thạch Tiên ướt luật thuật trèo lên bờ thì chỉ còn lại mỗi đôi giày rách và đôi tất thủng lỗ chỗ. Thạch Tiên chạy vòng quanh, vừa chạy vừa gào:
- Quần áo tôi đâu rồi, quần áo tôi đâu rồi? Rồi chuyển sang khóc lóc thảm thiết. Khi anh ta hiểu rằng đã bị kẻ cắp đánh lừa, cái mũ chỉ là giương bẫy, còn mục tiêu thực sự là bộ quần áo, thì anh ta kêu to:
- Trời ơi, tôi chẳng thiết sống nữa?
Nói rồi anh ta ôm mũ nhảy xuống đầm. Mọi người kêu cứu nhưng không ai chịu cởi quần áo. Gió lạnh thấu xương, giọt nước vừa rơi xuống đã thành băng, tuy nước trong đầm ấm thật đấy, nhưng xuống thì dễ, lên thì khó. Phòng Thạch Tiên quẫy đạp dưới nước, còn quần chúng trên bờ thì chép miệng than thở bọn kẻ cắp đúng là cao thủ.
Hình như mẹ quên là đang bị đi diễu phố. Người mẹ đã từng nuôi cả một đàn con gái, có những chàng rể vua biết mặt chúa biết tên này dám quẳng cái mũ xuống đất, ngật ngưỡng chạy trên đôi bàn chân bé tí, mẹ tới sát mép đầm, giận dữ nhìn những người đứng xem:
- Sao thấy người ta chết mà không cứu?
Mẹ lấy cây chổi có chiếc cán dài bằng trúc ở một cửa hàng gần đấy, chạy tới mép nước trơn như mỡ, gọi to:
- Cháu Phòng, cháu Phòng, sao cháu dại thế? Túm lấy đầu sào để bác kéo lên? Chắc là ở dưới nước chẳng thích thú gì!
hòng Thạch Tiên không muốn chết nữa. Ướt như chuột lột, anh ta run rẩy bò lên bờ, môi thâm tím, ánh mắt hết vẻ vênh váo, miệng lắp bắp nói không thành lời. Mẹ cởi áo dài bông khoác cho anh ta. Mặc chiếc áo của phụ nữ, trông anh ta thật tức cười. Mẹ bảo:
- Cháu đi giày vào rồi chạy ngay về nhà, chạy thật nhanh cho toát mồ hôi ra, nếu không thì chết là cái chắc.
Nhưng tay anh ta cứng đờ ra, mọi người phải xúm lại giúp anh ta đi giày, xốc anh ta dậy bắt chạy nhưng anh ta không chạy được, hai chân kéo lê trên mặt đất.
Mẹ chỉ còn mặc một chiếc áo cánh mỏng, hai tay bắt chéo cho đỡ lạnh, đưa mắt nhìn theo Phòng Thạch Tiên. Đám đông nhìn mẹ bằng con mắt nể trọng. Kim Đồng không tán thành việc làm của mẹ. Cậu nhớ lại, chính thằng cha Phòng Thạch Tiên năm ngoái làm bảo vệ hoa màu cho thôn, mỗi khi ngoài đồng tan tầm, hắn đứng ở đầu thôn lục soát những nguồn đi làm đồng về. Mẹ nhặt được một củ khoai lang trên đường đi, bỏ trong chiếc bị cói Thạch Tiên khám thấy cho là mẹ ăn cắp, mẹ cãi lại, hắn đánh mẹ hai bạt tai chảy máu mũi. Hôm ấy mẹ cũng mặc chiếc áo này, vết máu không giặt sạch, còn lấm tấm trước ngực. Một thằng vô công rồi nghề, dựa vào thế lục bần nông mà quậy phá, để hắn chết thì có gì đáng tiếc? Thậm chí cậu còn oán mẹ. Trước cửa lò mổ của công xã cậu trông thấy Sa Tảo Hoa đứng trước tấm biểu ngữ nền đỏ chữ vàng. Cậu cho rằng sự rủi ro của Phòng Thạch Tiên có dính dáng tới Sa Tảo Hoa, thằng lỏi kia chính là đồ đệ của Sa Tảo Hoa. Cô ta dám đánh cắp chiếc nhẫn kim cương của bà Hoàng Mônich trong phòng Tổng thống của khách sạn Hoàng Hải, tất nhiên không thèm đánh cắp một bộ quần áo bông. Chẳng qua là cô ra tay trừng trị kẻ đã xúc phạm bà ngoại của cô. Kim Đồng bắt đầu nhìn nhận Sa Tảo Hoa với con mắt hoàn toàn khác. Cậu từng nghĩ rằng trộm cắp là xấu xa, bất luận thời đại nào, bắt gà trộm chó đều xấu, nhưng đạo chích như Sa Tảo Hoa thì thật đáng khen! Cậu có phần sung sướng khi nghĩ rằng một ngọn cờ mới của nhà Thượng Quan đã được dựng nên!
Viên tiểu đầu mục Hồng vệ binh rất không bằng lòng về hành vi của mẹ. Anh ta giơ chiếc loa điện cầm tay, một của hiếm rất thích hợp với tình thế và nhu cầu của cách mạng lúc bấy giờ, cất giọng rè rè bệnh hoạn của nhân vật bự hồi thí điểm cải cách ruộng đất:
- Các đồng chí, các tiểu tướng Hồng vệ binh, các chiến hữu, các bần nông và trung nông lớp dưới thân mến! Các đồng chí không nên để cho những thủ đoạn giả vờ từ bi của Thượng Quan Lỗ thị, mụ già phản cách mạng mưu toan chuyển hướng đấu tranh của chúng ta!...
Viên tiểu đầu mục Hồng vệ binh này tên là Quách Bình Ân. Anh ta rất bất hạnh vì bị ông bố tính nết quái đản tên là Quách Kim Thành hành hạ. Quách Kim Thành đánh gãy chân vợ nhưng không cho vợ khóc một tiếng. Mọi người khi đi qua nhà ông ta thoáng nghe thấy tiếng roi gậy vụt vào da thịt và tiếng phụ nữ khóc ti tỉ. Từng có một ông tốt bụng tên là Lý Vạn Niên định vào can ngăn, nhưng vừa gõ cổng thì một hòn đá rất to từ trong vườn ném trúng lưng khiến ông bị thương nặng. Quách Bình Ân thừa hưởng cái tính hung hãn và thâm độc của bố. Trong cách mạng văn hóa, anh ta đá dập thận thầy giáo Chu Văn. Anh ta hò hét một hồi rồi khoác loa lên vai đi tới trước mặt bà Lỗ, phóng chân đá một phát vào đầu gối bà, quát:
- Quì xuống.
Bà Lỗ rên lên đau đớn rồi khuỵu xuống. Hắn lại xách tai bà lên, quát:
- Đứng lên! Bà Lỗ vừa đứng lên, hắn lại đá bà ngã xuống và còn dận gót chân lên lưng bà. Hàng loạt động tác của hắn là nhằm giải thích khẩu hiệu Đánh kẻ thù giai cấp ngã lăn ra đất đạp thêm một đạp, rất thịnh hành lúc bấy giờ.
Kim Đồng thấy mẹ bị đánh thì cơn giận bùng lên.
Cậu nắm chặt quả đấm, xông tới trước mặt Quách Bình Ân. Cậu giơ nắm đấm lên thì bắt gặp ánh mắt thâm hiểm của hắn. Thằng con trai mới lớn này mới tí tuổi mà hai mép đã có rãnh sâu chạy thẳng xuống cằm chẳng khác loài bò sát thời cổ đại. Bàn tay Kim Đồng tự nhiên mềm nhũn, cậu run rẩy định chất vấn Bình Ân vì sao đánh mẹ mình, nhưng khi thấy Bình Ân giơ tay lên, câu hỏi liền chuyển thành tiếng kêu khóc:
- Mẹ ơi!
Rồi cậu quì sụp trước mặt mẹ. Mẹ nâng cái đầu khá nặng của cậu lên, giận dữ:
- Đồ giẻ rách! Đứng lên cho tôi nhờ?
Kim Đồng đứng lên. Quách Bình Ân chỉ huy đội gậy gộc và đội thanh la áp giải bọn đầu trâu mặt ngựa tiếp tục đi diễu trong chợ. Quách Bình Ân định dùng loa điện hô hào quần chúng cùng anh ta hô khẩu hiệu, nhưng cái giọng quái gở của anh ta được phóng đại qua loa không khác thuốc trừ sâu cực độc, gần như làm ngất xỉu mọi người trong chợ. Quần chúng nhăn mặt cắn răng chịu đựng, không ai hô theo anh ta.
Kim Đồng mơ tưởng đến một ngày huy hoàng nào đó, tay cầm bảo kiếm Long Tuyển, cậu dồn tất cả bọn chúng, từ thằng Quách Bình Ân, Trương Bình Đoàn, thằng Phương Chuột, thằng Chó Lưu, thằng Vu Vân Vũ, Ngụy Sùng Dê, Quách Thu Sinh... lên khán đài, bắt chúng quì thành một hàng dài, rồi vung thanh Long Tuyền chỉ vào từng thằng... Tất nhiên trước tiên là thằng Vu Vân Vũ. Cái thằng đầu đầy mụn nhọt ấy nước mắt như mưa, lắp bắp van xin: Kim Đồng... à không, Công tử Thượng Quan, tha mạng cho tôi, tiểu nhân còn một mẹ già tám mười tuổi không người phụng dưỡng... Công tử Kim Đồng phong thái hào hoa, mặc toàn đồ trắng, một kiếm hiệp nổi danh thiên hạ, ngoắt mũi kiếm cắt luôn một tai Vu Vân Vũ cho chó ăn, nhưng con chó lập tức mửa cái tai đã nát nhừ ra, không thèm nuốt. Công tử Kim Đồng nói: Xéo đi, đồ chó cũng chê không thèm ăn, đồ cóc thối, cút! Vu Vân Vũ lăn xuống chân khán đài. Tiếp theo, đến luật Ngụy Sừng Dê, cái thằng hung dữ hơn sài lang, xảo trá hơn hồ ly, nhút nhát hơn thỏ dế, thằng cha khi rắn thì rắn hơn mũi khoan kim cương, khi mềm, mềm hơn đống phân nhão, quì dưới chân công tử Kim Đồng, dập đầu lạy như tế sao, cặp mắt lươn hấp háy như đếm tiền đồng. Thưa ông Kim Đồng, thưa cha Kim Đồng kính mến?... Câm mồm, mày không đáng là cháu tao, càng không đáng là con tao. Kim Đồng là bậc anh tài, làm sao đẻ ra cái lũ vét đĩa chúng mày? Tì mũi kiếm sắc lạnh trên cái mũi tẹt. - Mày còn nhớ không? Năm xưa mày đã đối xử với tao như thế nào? - Thưa công tử Kim Đồng, thưa đại hiệp, xin đại nhân bỏ qua cho sai lầm của tiểu nhân. Tể tướng trong bụng chứa cả con tàu, không phải tàu thường, mà là con tàu khổng lồ, sức chở vạn tấn rẽ sóng ra khơi vượt trùng dương? Tên lóng của công tử còn rộng hơn biển cả, mênh mông hơn trùng dương? Mồm mép dẻo quẹo, nghe mà phát ngán. Cắt lưỡi thằng này để nó không còn tuôn ra những lời bẩn thỉu nữa! Ngụy Sừng Dê hai tay bịt miệng, mặt tái mét. Công tử Kim Đồng sẽ rung cổ tay, Long Tuyền rít lên khe khẽ, ánh chớp chói lòa, tiện đứt hai cổ tay Ngụy Sừng Dê như tiện mía. Lưỡi kiếm không hề bị cản trở, sắc ngọt như chém vào không khí. Kim Đồng khéo léo khoanh một nhát cắt đứt lưỡi thằng Ngụy Sùng Dê, miệng nó chỉ còn là cái hốc đầy máu. Tiếp theo là thằng khốn kiếp Quách Bình Ân. Thoạt tiên, Kim Đồng nghĩ chưa ra nên cắt cái gì trên người nó. Chém phăng đi là xong! Kim Đồng giơ kiếm lên: Vì mẹ, tiêu diệt tên vô lại này. Lưỡi kiếm hạ xuống, cổ thằng Bình Ân bị chém vát từ sau gáy, chiếc đầu lăn lông lốc xuống rãnh, một đàn cá vừa đen vừa gầy vẫy đuôi lao tới mà rỉa thịt. Báo thù tuyết hận xong, mắt đầy lệ, Kim Đồng tra kiếm vào vỏ, hai tay khoanh trước ngực, cúi chào quần chúng dưới khán đài. Quần chúng hoan hô, một bé gái thắt nơ bằng lụa hồng, ôm hoa chạy lên khán đài tặng công tử Kim Đồng. Kim Đồng cảm thấy cô bé khuôn mặt có vẻ quen quen, nhìn kỹ thì ra đó là cô bé vẫn đến chơi ở bãi pháo trong nông trường Thuồng Luồng. Cô ngồi trên nòng pháo như cưỡi trên lưng ngựa. Bế cô bé trên tay, cậu chợt nhớ ra thằng Trương Rỗ. Phải trừng trị thằng ác ôn dâm đãng này một trận. Cậu cân nhắc rồi, phải chặt phăng cái trong đũng quần hắn, để hắn không bao giờ tỏ vẻ ta đây được nữa... Chỉ trong chớp mắt đã tóm được tên Trương Rỗ. Thằng mất dạy, quì xuống! Kim Đồng quát, có biết vì sao bắt mày về đây không Trương Rỗ nói, thưa Kim Đồng đại hiệp, tiểu nhân không biết... Kim Đồng đại hiệp dùng mũi kiếm chỉ vào đũng quần Trương Rỗ, nói: Ta báo thù cho chị em phụ nữ! Trương Rỗ hai tay ôm đũng quần, y hệt động tác của Hàn Chim. Kim Đồng đại hiệp dùng mũi kiếm rạch đứt đũng quần Trương Rỗ, định cắt thì trông thấy Cầu Đệ từ trong rừng liễu chạy ra che chở cho hắn. Chị nghiêm giọng bảo Kim Đồng: Kim Đồng, cậu định làm gì vậy? Kim Đồng nói: Chị Bảy tránh ra, để em thiến con lợn đục này, biến nó thành tên thái giám cuối cùng ở Trung Quốc, báo thù cho các chị. Cầu Đệ nước mắt ràn rụa, nói: Cậu em tốt bụng của chị, cậu không hiểu lòng dạ phụ nữ tí nào...
- Quay lại - Một tiểu tướng Hồng vệ binh thoi một quả vào bụng Kim Đồng, chửi - Mẹ kiếp, định chạy trốn phỏng? Kim Đồng cảm ựông rớt nước mắt trước khung cảnh do ảo tưởng cậu tạo ra. Bị một thoi vào bụng, ảo tưởng biến mất, cậu càng cảm thấy hiện thực thật nghiệt ngã, tương lai càng mờ mịt!
Lúc này, đám Hồng vệ binh do Quách Bình Ân cầm đầu mâu thuẫn với Binh đoàn tạo phản Khỉ vàng do Vu Vân Vũ làm chủ tướng. Vu Vân Vũ và Quách Bình Ân, lúc đầu là đấu khẩu, cãi nhau một trận, rồi sau cảm thấy không hả giận, liền giở vũ lục với nhau, thế là nổ ra một cuộc vũ đấu.
Thoạt tiên Vu Vân Vũ đá Quách Bình Ân một đá, Quách Bình Ân hồi thủ một đấm, rồi hai tên xoắn lấy nhau, Quách Bình Ân lột chiếc mũ bảo mạng của Vu Vân Vũ mà cào xé cái đầu đầy mụn nhọt. Vu Vân Vũ thọc ngón tay cái vào mép Quách Bình Ân xé rách ra một mảng. Hai phái Hồng vệ binh thấy chủ soái đánh nhau liền xông lên đánh hội đồng, gậy gộc vung lên, gạch ngói bay tới tấp, các tiểu tướng Hồng vệ binh vỡ đầu chảy máu, tất thảy đều tỏ ra anh dũng bất khuất. Viên tướng cốt cán của Vu Vân Vũ là Ngụy Sùng Dê múa cây trường thương liên tiếp đâm lòi ruột hai người, máu cùng với phân vọt ra nhoe nhoét. Vu Vân Vũ và Quách Bình Ân đều lui về tuyến hai để chỉ huy tác chiến. Lúc này Kim Đồng trông thấy cô gái che mạng rất giống Sa Tảo Hoa lướt qua Quách Bình Ân, hình như cô ta giơ tay sẽ vuốt một cái trên mặt hắn. Vài phút sau, Quách Bình Ân chợt gào toáng lên, thì ra trên má hắn đã bị rạch một vết khá rộng trông như một cái miệng. Máu ứa ra từ vết thương trông gớm ghiếc. Quách Bình Ân bỏ mặc tất cả, ôm má chạy về trạm y tế công xã. Quần chúng thấy xảy ra án mạng, sợ cháy thành vạ lây, vội thu dọn hàng họ, chạy tán loạn vào các ngõ.
Trong trận này, Binh đoàn tạo phản Khỉ vàng của Vu Vân Vũ giành toàn thắng, thâu tóm đội chiến đấu bão táp của Quách Bình Ân, đồng thời bắt sống toàn bộ số đầu trâu mặt ngựa, coi là chiến lợi phẩm. Chiếc loa điện của Quách Bình Ân giờ đây đeo chéo trên vai Vu Vân Vũ. Hai đội viên Bão táp bị Ngụy Sừng Dê đâm lòi ruột, một tên chưa kịp khênh đến bệnh viện đã tắt thở, tên thứ hai Uông Kim Chi được tiếp hai lít máu đã được cứu sống. Máu lấy từ huyết quản các đầu trâu mặt ngựa. Sau khi xuất viện, tất cả các tổ chức Hồng vệ binh từ chối tiếp nhận hắn vì dòng máu bần nông của hắn đã bị lai tạp. Trong này có máu của địa chủ, máu của phú nông, máu của phản cách mạng và máu của kẻ thù giai cấp. Theo cách nói của Vu Vân Vũ thì Uông Kim Chi đã là phần tử xa lạ mang trong người năm loại độc tố, chẳng khác hoa quả đã lai giống. Anh chàng Uông Kim Chi hẩm hiu này, từng là bộ trưởng tuyên truyền của Bão táp. Sau khi bị đối xử không ra gì, hắn đứng ra thành lập đội chiến đấu Tê giác một sừng, cũng khắc con dấu, cũng may cờ đội và băng đeo tay, và còn được sử dụng năm phút trong buổi phát thanh của công xã phát thanh tiết mục Tê giác một sừng, bài vở đều do một mình hắn viết, nội dung là một mớ tả pí lù, từ tình hình chiến đấu của Tê giác một sừng đến lịch sử trấn Đại Lan, từ lượm lặt gần xa đến những tin đồn thổi... Hàng ngày ba lần phát thanh, sáng trưa tối. Đến giờ phát thanh là các phát thanh viên của các phe phái ngồi xếp hàng trên chiếc trường kỷ, đợi đến lượt mình. Tiết mục Tê giác một sừng của Uông Kim Chi xếp cuối buổi phát thanh, phát xong là cử Quốc tế ca, hát xong câu Internationale sẽ là xã hội tương lai, buổi phát thanh kết thúc.
Trong những năm tháng không kịch cọt, không hát xướng, tiết mục dài năm phút của Tê giác một sừng trở thành thú vui duy nhất của quần chúng vùng đông bắc Cao Mật. Trong chuồng lợn, bên bàn ăn, trên giường, mọi người dỏng tai chờ đợi. Một tối Tê giác một sừng phát trên loa: Bần nông và trung nông lớp dưới thân mến, các bạn chiến đấu thân mến, qua tiết lộ của một nhân vật có thế lực, người đã rạch má Quách Bình Ân, nguyên đội trưởng Đội chiến đấu Bão táp, là con nữ tặc nổi danh Sa Tảo Hoa. Sa Tảo Hoa là con gái Sa Nguyệt Lượng tên Hán gian hoành hành ở vùng Cao Mật trong nhiều năm, mẹ đẻ của thị là Thượng Quan Lai Đệ, ngươi đã mưu sát một đặc đẳng công thần, bị Chính phủ nhân dân xử tử hình. Nữ tặc Sa Tảo Hoa hồi nhỏ được một dị nhân ở đông nam Lao Sơn truyền thụ võ nghệ, giỏi thuật phi hành, góc mái đầu tường nhảy qua như bỡn. Tài nghệ móc túi thì lại càng kinh khủng, xuất quỉ nhập thần. Theo sự tiết lộ của một nhân vật có thế lực, Sa Tảo Hoa trở lại Cao Mật đã được ba tháng.
Mụ đặt trạm liên lạc bí mật ở tất cả các thôn trấn, và dùng thủ đoạn cưỡng ép dụ dỗ lôi kéo một số tay chân cung cấp tin cho mụ. Thằng nhỏ vứt mũ của bần nông Phòng Thạch Tiên chính là một đồ đệ của mụ. Mụ gây án khắp nơi, tội ác chồng chất. Mụ có nhiều biệt hiệu, nổi tiếng nhất là biệt hiệu Sa Chim én. Nữ tặc Sa Tảo Hoa trở về Cao Mật lần này là để báo thù cho cha mẹ.
Rạch má Quách Bình Ân chỉ mới là động tác mở màn của đợt phục thù giai cấp, rồi đây hàng loạt thảm án sẽ liên tiếp xảy ra! Đồn rằng, công cụ gây án của con nữ tặc là đồng tiền bằng đồng đặt trên đường ray để bánh xe lửa cán mỏng ra, mỏng như tờ giấy, sắc như nước, thổi sợi lông đứt đôi, rạch vào da thịt, mười phút sau mới chảy máu, hai mươi phút mới thấy đau, ba mươi phút sau là thắng cẳng. Con nữ tặc kẹp vũ khí lợi hại ấy giữa hai ngón tay, vuốt nhẹ một cái là cắt đứt động mạch, toi mạng là cái chắc. Nữ tặc luyện công phu không giống mọi người. Mụ theo thầy học nghệ, thò tay vào nước sôi, lần lượt vớt ra đủ mọi đồng tiền thả trong nước, tay không hề bị bỏng, nhanh và khéo đến như vậy chưa từng thấy trên đời? Các chiến hữu cách mạng thân mến, bần nông và trung nông lớp dưới thân mến! Sau khi kẻ thù cầm súng đã bị tiêu diệt, kẻ thù cầm đồng tiền vẫn tồn tại! Chúng giảo hoạt gấp trăm lần, điên cuồng gấp trăm lần khi đâu tranh với chúng ta!...
- Quá giờ rồi, quá giờ rồi!
Trong loa có tiếng nói xen vào...
- Xong ngay đây, xong ngay đây...
- Không được, không được!... Tê giác một sừng không được chiếm thời gian của Quốc tế ca...
- Kết thúc chậm một chút không được sao?
Nhưng nhạc Quốc tế ca vang lên đột ngột chấm dứt buổi phát thanh.
Sáng hôm sau, loa phát thanh truyền đi một bài dài của Binh đoàn tạo phản Khỉ vàng, bắt bẻ từng câu từng chữ về huyền thoại Sa Tảo Hoa do Tê giác một sừng bịa ra, và kể ra từng tội của Tê giác một sừng. Các phe phái cũng ra tuyên bố chung, quyết định cắt bỏ thời gian phát thanh của Tê giác một sừng, lệnh cho những người lãnh đạo Tê giác một sừng hạn trong hai mươi bốn giờ phải giải tán, hủy bỏ con dấu và các phương viện tuyên truyền.
Binh đoàn tạo phản Khỉ vàng tuy phủ nhận sự tồn tại của nữ tặc siêu hạng Sa Tảo Hoa, nhưng vẫn bố trí ngầm rất nhiều mật thám, chỉ điểm xung quanh nhà Kim Đồng. Cho đến tiết thanh minh năm sau, khi công an huyện đánh xe về bắt Kim Đồng đem đi, thì những mật thám đóng giả thợ hàn nồi, thợ mài dao, thợ sửa chữa giày dép cùng với những trạm bí mật mới rút di theo lệnh của Vu Vân Vũ lúc này đã được vinh thăng là Chủ nhiệm Uỷ ban cách mạng trấn Đại Lan.
Nông trang Thuồng Luồng trong khi thanh lọc đội ngũ giai cấp, tìm thấy quyển sổ tay của Kiều Kỳ Sa, trong đó ghi chép đầy đủ cuộc tình giữa Kim Đồng và Long Thanh Bình. Thế là Cục Công an huyện bắt giữ Kim Đồng với tội danh tình nghi giết người, hãm hiếp xác chết, và không điều tra nghiên cứu gì hết, xử Kim Đồng múc án mười lăm năm khổ sai, nơi thụ án là nông trường lao cải kề bên cửa sông Hoàng chảy vào biển.

<< Chương 5(tiếp) | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 306

Return to top