Cậu Tư
Phạm Lưu Vũ
Tôi sẽ viết sau đây một câu chuyện thần thoại. Đất nước này trong những thời điểm vô vọng của tâm linh, trong những lúc kỳ cùng của kiếp sống thường sinh ra những kỳ nhân. Có thời đại nào, có ở đâu trên thế gian này lại dày đặc xương người, vương vãi nơi đồng không mông quạnh, vùi lấp giữa rừng thẳm suối sâu… như ở dải đất từng là bãi chiến trường vô nhân vô đạo lý khủng khiếp này? Bao oan hồn vất vưởng, dãi dầu nơi xứ lạ quê người, mấy mươi năm “thở than dưới đất ăn nằm trên sương" (Văn chiêu hồn - Nguyễn Du), lạnh lẽo không một tiếng khóc than, không một ai hương khói, mà đường về quê Mẹ thì xa xôi mù mịt, quỷ dữ luôn rình rập ở mọi chốn, mọi nơi… Nếu con người ở xứ sở này không mắc chứng ích kỷ và vô cảm bẩm sinh, thì ở bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào cũng có thể nghe tiếng gào thét của hàng nghìn, hàng vạn oan hồn. Cõi âm đã "động” đến thế thì cõi dương yên ổn làm sao được. Nỗi đau đớn không thể nào nguôi của những người thân, cùng với những tiếng thở than, gào thét xé lòng ấy đã bao năm ngùn ngụt thấu đến tận Trời. Và những kỳ nhân đã xuất hiện. Bằng khả năng ngoại cảm thiên tài của mình, họ đã ra tay. Hàng nghìn, hàng vạn hài cốt và cũng là hàng nghìn, hàng vạn oan hồn tưởng mãi mãi vùi lấp chốn lãng quên, mãi mãi ngậm hờn làm con ma vô chủ, nay đã được trở về với quê hương, trở về với những người thân để đợi ngày siêu thoát…
Trước những sự thật ghê hồn đó, khoa học hiện đại, khôn ngoan tuyệt đỉnh của con người không thể giải thích. Các công cụ, thiết bị tối tân của nó đã bó tay. Những chủ nghĩa, học thuyết vô thần thi nhau sụp đổ, hoặc leo lẻo biến hình, hoặc đổi màu như những con kỳ nhông, hoặc vẫn mặt dày tồn tại một cách trơ trẽn, thảm hại… Mặc kệ những thứ đó, các oan hồn đã cất lên tiếng nói, chỉ rõ nơi vùi lấp, khai tên tuổi, địa chỉ, người thân… cùng hàng trăm nghìn nỗi đau không bút nào tả xiết, không cái nào giống với cái nào. Những ông bố, bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người con mất cha, v.v… đã tin vào những sự thật hiển nhiên đó. Nhân dân đã tin, bất kể sự im lặng tuyệt đối của những đấng vô thần. Cuộc đời, nếu có ai đó khát khao sự thật, tất có kẻ sẽ hoảng sợ vì nó. Không ít những sự thật chẳng phải đang được chứa chất trong những oan hồn tưởng vĩnh viễn bị chôn vùi, vĩnh viễn không được cất lên tiếng nói đó ư? Chỉ đến khi nào cả thế gian không còn sự dối trá nữa, thì mới không còn ai cần đến sự thật, và cũng không còn kẻ nào phải sợ hãi trước sự thật. Những nhà ngoại cảm từng cứu vớt bao linh hồn của cả người chết lẫn người đang sống ấy đã và chắc sẽ chẳng cần được phong anh hùng. Song việc làm thần thánh của họ có trời cao đất dày này chứng kiến. Công lao kỳ vĩ, tuyệt vời nhân bản, không gì sánh nổi của họ trùm cả 3 cõi, được cả 3 cõi: người, quỷ thần và cõi từ bi ghi nhận, chỉ trừ mỗi cái "cõi" im lặng kia thôi.
Những ai đó có thể nhắm mắt làm ngơ, có thể "lờ" đi vì sợ hãi, vì mặc cảm tội lỗi hay vì một mục đích tối tăm nào đó. Song không ai có thể nghi ngờ về sự song song tồn tại của cả một thế giới tâm linh cùng với nền "văn minh” hiện đại của loài người. Âu cũng là một nhẽ biện chứng của cuộc đời. Có điều ở đây, đó là một thế giới thảm thương. Thế giới mà thi hào Nguyễn Du đã miêu tả trong "Văn chiêu hồn":
"Sống đã chịu một bề thảm thiết
Ruột héo khô da rét căm căm
Dãi dầu trong mấy mươi năm
Thở than dưới đất ăn nằm trên sương.
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi ẵm trẻ dắt già
…"
Rất may, thế giới đó đã và đang có những kỳ nhân để đưa các vong hồn trở về với người thân, trở về nơi siêu thoát. Thế còn thế giới của những người nghèo, những "cô hồn" sống đang lâm vào cảnh kỳ cùng của kiếp người trên cõi dương gian này?
Thế kỷ 21 này vẫn chưa cho phép những kẻ nghèo hèn có quyền được sống tử tế nếu trót mang bệnh trong người. Từng bầy, từng bầy dân chúng nhàu nát, hôi hám, lôi thôi già trẻ chen chúc xếp hàng ngùn ngụt trước cửa những phòng khám, ngập ngụa những hành lang, la liệt trên những giường bệnh cũ kĩ có khi phải 2, thậm chí 3 "con bệnh" nằm giở đầu đuôi… Đơn giản thôi. Các bệnh viện đã quá tải trầm trọng. Có thẻ bảo hiểm y tế ư? Đó là thứ mà nhiều bác sĩ ăn lương nhà nước thời nay ghét cay ghét đắng. Mức độ nhiệt tình, thái độ đối xử… của họ tỉ lệ nghịch với tấm thẻ đáng thương ấy. Thật tội nghiệp, thẻ bảo hiểm chỉ đem lại lợi ích cho những ai đó, cho những cấp “quản lý” ở tận đâu đâu… chứ không mang lợi trực tiếp đến cho họ. Xứ sở này chỉ hâm mộ "tiền tươi" mà thôi. Đó là những đồng tiền được nhìn thấy, sờ thấy liền trước mắt, những đồng tiền sẵn sàng chui ngay vào trong túi của mình. Thế là "con bệnh" không có thẻ có khi còn đỡ, có thẻ vẫn phải đóng tiền. Con người vốn thông minh nên dễ dàng nghĩ ra những khoản nằm "ngoài thẻ bảo hiểm": tiền cho những thứ thuốc gọi là "đặc trị”, tiền mua thuốc ngoại, tiền cho những mũi tiêm rất đáng nghi mà "con bệnh" không có quyền thắc mắc… Đặc biệt, khoản này thì bất kể có thẻ hay không. Đó là phải chuẩn bị sẵn những món tiền "bồi dưỡng", để sẵn sàng nhét vào túi cái áo blu trắng tinh và cao quý của những vị "từ mẫu lương y" ấy. Thăm bệnh: nhét, chích thuốc: nhét, truyền dịch: nhét, thậm chí nếu “con bệnh” đang hấp hối, thì người nhà càng phải nhét thật nhanh tay, v.v… "Luật" ấy, than ôi dẫu "bất thành văn”, song từ lâu đã "bất di bất dịch".
Ai đã lần đầu tiên dùng từ "con bệnh"? "Thuật ngữ" ấy mới chính xác làm sao, cay đắng làm sao. Xin lỗi những vị y, bác sĩ chân chính, các vị hãy tin rằng người viết luôn có sẵn ý định trừ các vị ra. Song là những người "nằm trong chăn”, các vị chắc chắn thừa biết rằng hằng hà sa số những "con bệnh" kia chính là nguồn sống, nguồn kiếm tiền, nguồn làm giàu vô tận của nhiều, rất nhiều những người mặc blu trắng, những gã cò mồi, những kẻ buôn thuốc, những cấp "quản lý"… Tóm lại là những người dính dáng đến nghề y, hệt như những con bò, con heo, hay con gà, con vịt… nuôi trong chuồng nhà họ vậy. Thế những người nghèo không có tiền mua thuốc (xin lưu ý: giá thuốc đang ngày càng tăng phi mã, tăng tự do, vô tội vạ), những người nghèo không có tiền nằm viện, không có tiền "bồi dưỡng"… thì sao? Nhất là họ không may mắc phải những chứng bệnh nan y? Thì… họ không có quyền được chữa trị, thậm chí không có quyền được sống nữa chăng?
Chắc sẽ thế thôi. Họ sẽ không có cơ hội được sống, như một cách “chọn lọc tự nhiên" ghê rợn, để dành chỗ trong cuộc đời cho những kẻ khoẻ mạnh! Cứ gì thế kỷ 21 ấm no hạnh phúc này, thế kỷ nào chắc cũng phải vậy thôi. Những kiếp giẻ rách ấy sẽ phải chết, nếu nơi đây không xuất hiện những kỳ nhân…
Ai đã tin rằng có những "kỳ nhân" của các vong hồn, tưởng cũng nên tin rằng có "kỳ nhân" của những kiếp người "kỳ cùng" ấy.
Một trong những "kỳ nhân" ấy là Cậu Tư.
Đó là một vùng quê hẻo lánh rất xa Thành phố. Con đường nhựa đủ cho khoảng 1,5 làn xe từ lộ chính chạy hun hút vào một ấp nhỏ. Nơi ấy có Cậu Tư đang "hành nghề". Chẳng biết từ bao giờ, cái ấp nhỏ này đã trở nên sầm uất, sôi động với đủ các loại hàng quán bệ rạc, chợ búa tanh tưởi, nhà trọ tồi tàn mọc lên san sát. Nơi đây lúc nào cũng thường xuyên có khoảng bốn đến năm trăm người bệnh nằm la liệt, nhếch nhác trên những dãy giường tre, trong những căn nhà lá tùm hụp. Bất chấp cái nắng nóng rừng rực, nóng như nung người của miền Tây, bất chấp ruồi, muỗi như trấu, bất chấp dòng kinh đen sì lúc nào cũng bốc lên một thứ mùi hôi thối khủng khiếp. Những con bệnh nan y mà các bệnh viện đã thải về chờ chết, hoặc không có tiền viện phí, hoặc không tiền mua thuốc… hàng ngày từ khắp nơi ùn ùn về đây hy vọng kéo dài thêm cái kiếp sống khốn khổ của mình. Nghĩ cũng phải thôi. Đến con vật còn khát khao cuộc sống nữa là con người. Nghe nói Cậu Tư sinh năm Canh Tý, năm nay sang tuổi 48. Tối tối, bước qua chiếc cầu xi măng rộng chừng hơn mét, không lan can bắc qua dòng kinh đen, dòng người lần mò bước thấp bước cao trong một con hẻm nhỏ ngoắt ngoéo, chỗ sáng chỗ tối loang lổ, hai bên là liên tiếp những dãy phòng trọ mùng mền luộm thuộm ken dày đặc. Từ trong đó xộc ra một thứ mùi rất khó tả. Đó là mùi người trộn lẫn với mùi hôi thối của nước dòng kinh. Nhà Cậu Tư cất sát một con rạch khác nước cũng đen không kém. Một “phòng khám" rộng chừng 9m2 cất bằng cây sơ sài, không cửa nẻo, trong đó kê một chiếc bàn và 2 chiếc ghế băng. Một căn điện thờ toạ lạc chính giữa sân. Phía sau là một nhà chứa thuốc kiêm phát thuốc rộng rãi. Tất cả đều làm bằng gỗ, lợp lá, tồi tàn như hầu hết các căn nhà khác trong ấp. Một khoảnh sân trước "phòng khám" đủ rộng cho vài trăm con người. Tối nào Cậu Tư cũng ngồi nói chuyện khoảng hơn 1 giờ đồng hồ với các bệnh nhân hoặc người nhà của họ.
Đám đông rầu rĩ, nhợt nhạt dưới ánh đèn nê ông hắt ra từ "phòng khám", nơi Cậu Tư đang ngồi. Già trẻ, lớn bé ước chừng hơn trăm con người ngồi bệt dưới đất hoặc đứng lố nhố vòng trong vòng ngoài. Tất cả cùng im lặng nghe Cậu Tư nói chuyện. Cậu Tư mặc quần tây sẫm màu, áo sơ mi trắng, người cao ráo, ốm nhom, hai bàn tay xương xẩu, ngón dài gấp rưỡi người thường. Đôi mắt Cậu sáng quắc. Cậu ngồi vắt chân đường hoàng, đốt thuốc lá liên tục, vừa rít vừa trả lời những câu hỏi đủ các loại trên giời dưới bể của đám đông. Thỉnh thoảng lại một giọng rụt rè cất lên…
"… Tôi ăn không tiêu, bác sĩ kê toa cho uống thuốc song chỉ được vài hôm. Giờ không đủ tiền mua thuốc, cái bụng cứng ngắc lại rồi, đau không chịu nổi. Bác sĩ bảo ung thư dạ dày, phải xạ trị, mỗi lần xạ trị 15 triệu đồng, trăm sự nhờ Cậu. Cậu Tư ơi…"
"Đứa nào bảo ung thư dạ dày? - Cậu Tư mắng - trước mày khó tiêu là tại cái gan đó. Gan không tiết đủ dịch nên không tiêu hóa được thức ăn, lại cứ đổ tại dạ dày. Uống thuốc tiêu hoá thì nước mẹ gì. Nay cái u trong gan mày đã to tướng lên rồi, chắc không dưới 27 cm. Sáng mai vô tao xem thế nào…"
Một giọng đàn ông khác thiểu não:
"… bịnh viện nói gan tôi hư, phải ghép. Chi phí ghép gan 1 tỷ rưỡi. Cậu Tư ơi! Tôi một trăm ngàn cũng không có, lấy đâu ra tỷ rưỡi bây giờ?…"
"Mày 48 đúng bằng tuổi tao, chết cũng được rồi đó. - Cậu Tư pha trò - Xuống dưới ấy mua lấy vài mẫu đất, phân lô sẵn đợi tụi tao xuống rồi bán, chắc chẳng mấy chốc có đủ tỷ rưỡi (đám đông bật cười rào rào). Bây giờ đâu đâu người ta cũng làm như thế hà rầm à. Có đúng không bà con? (nhiều tiếng vỗ tay từ đám đông). Nếu muốn ở lại cõi dương này thì đưa đây hai trăm triệu, đảm bảo tao chữa khỏi cái gan cho mày. Không khỏi tao trả lại tiền, chứ bịnh viện thì đừng hòng người ta trả lại. Chịu không?"
Im lặng…
"Thế nào? Hai trăm thôi, rẻ hơn bịnh viện những 1 tỷ ba. Nói thế chứ gan mày đâu đã đến nỗi hư. Chỉ là bị lủng một ống huyết đó thôi. Từ đó máu chảy ra đổ vào dạ dày, vì thế ỉa ra máu. Lại đổ vào bể thận, vì thế đái cũng ra máu. Chịu hai trăm đi rồi tao cho thuốc, đảm bảo 2 tiếng sau ngưng ra máu liền…"
Im lặng…
"Chịu đi, chịu đi…" – nhiều tiếng xì xào giục khẽ từ phía đám đông.
Im lặng…
"Tao chữa bệnh cho bà con gần 18 năm nay, chưa hề lấy một đồng tiền thuốc nào. Vậy mà có lúc vẫn bị nghi là lừa đảo để ăn tiền của dân. Đã vậy tao phải "mần" cho ra tấm, ra món đàng hoàng, không thèm "mần" lặt vặt. Vì thế vụ này phải kêu hẳn hai trăm. Đúng không bà con?" – đám đông lại bật cười rào rào.
Người đàn ông khốn khổ kia vẫn cúi đầu im lặng. Từ trong hai hốc mắt đen ngòm của anh ta, vừa lăn ra hai giọt nước mắt long lanh…
"Bà con thấy chưa. Thằng này hai trăm còn tiếc, huống hồ là tỷ rưỡi. Chẳng trách bịnh viện người ta đuổi về là phải. Thôi, nói chơi vậy nghen. Tao mà lấy của ai một đồng thì người ta cho tao vào tù lâu rồi. Còn đâu mà ngồi đây chữa bệnh cho mày… Có đúng không bà con?"
"Đúng thế. Đúng thế…" – đám đông hưởng ứng.
Rồi Cậu Tư tiếp tục:
"Bà con mình chỉ những lúc bịnh mới thấy quý mạng sống. Có biết đâu rằng bịnh nó xâm nhập vào mình từ mọi lúc, mọi nơi. Cơ thể hàng ngày sản sinh ra biết bao nhiêu tế bào. Trong số những tế bào mới sinh ra đó, tất phải có những cái phế phẩm. Số lượng phế phẩm nhiều ít liên quan đến ăn uống, hít thở, tiếp xúc với độc hại, ô nhiễm… Bình thường thì cơ thể thu những "phế phẩm" ấy vào một chỗ rồi "khoá" lại, gọi là cái u lành. Đến một lúc nào đó, cái “khoá” bỗng bị hư. Thế là những tế bào phế phẩm ấy được dịp tung ra, tự nhân đôi vô tội vạ, một thành hai, hai thành bốn, v.v… Cứ thế, chẳng mấy chốc cái u phình to ra, chèn ép các cơ quan khác, lại phát tán đi khắp nơi… Thế là thành u ác. Nó là cái thứ rất độc. Nếu biết sớm mà "dọn" đi, thì sau này dẫu "khoá" có bị hư, cũng không hề hấn gì…"
…
"Bà con tới đây toàn là những người bịnh viện đã thải về, nếu không thì cũng tự thải do không có tiền nằm viện hoặc không tiền mua thuốc. Thuốc của Cậu Tư chỉ gồm 3 thứ: nam, bắc và núi. Nhẹ dùng thuốc nam, nặng dùng thuốc bắc, kết hợp với lá cây hái ở trên núi. Đã nghe Cậu Tư này chữa bịnh thì phải biết ăn kiêng. Không kiêng khem thì có khi lại nuôi cho cái u nó ngày càng lớn lên, thuốc nào trục ra cho xuể…"
…
"Chữa bệnh nan y có khi phải lấy độc trị độc. Nghĩa là phải làm sao cho tự những chất độc trong cơ thể nó thủ thế diệt nhau, mạng ta ở giữa hưởng lợi. Song đừng để cho những chất độc ấy rơi vào thế mất cân bằng. Nếu mất cân bằng thì mạng tiêu luôn. Vì thế càng phải ăn uống theo đúng chỉ định. Cái thằng bác sĩ ở bịnh viện (…) trên Thành phố ấy. Ung thư di căn giai đoạn cuối, bịnh viện bó tay rồi, xuống đây tao bảo còn nước còn tát. Uống thuốc tao 6 tháng khoẻ mạnh trở lại. Về nhà siêu âm thấy không còn khối u. Con cháu, bạn bè mừng quá mở tiệc ăn mừng. Giời xui đất khiến thế nào mà trong tiệc lại có món lươn là món tao cấm. Thằng ấy lú lẫn nhất thời không nhớ ra bèn ăn vào. Chết liền hai giờ đồng hồ sau đó…"
…
"Kể chuyện ấy ra đây không phải để hù bà con. Cậu Tư này muốn nói rằng có thể chữa được bịnh, song không thể chữa được “đức”. Một khi “đức” đã cạn thì "mạng" ắt phải tiêu. Dẫu chữa được bịnh này thì cũng chết vì bịnh khác, thậm chí không bịnh cũng phải chết. Cái nhẽ sinh tử nó như vậy mà. Chẳng nhẽ cứ chữa được hết mọi bịnh thì con người ta sẽ sống mãi hay sao? Cậu Tư nói không thể chữa được “đức”, cũng tức là không thể đổi được “thiên cơ". Con người ta sống ở đời, ngoài việc cần phải có cơm ăn, nước uống, cần đến một cơ thể không bịnh tật… còn cần phải có "đức” nữa. Tại sao như thế? Bởi “đức” là "tài sản", là "của cải" đảm bảo cho cái “mạng” của mình. Cũng như nhà nước in tiền ra phải có vàng ở trong kho đảm bảo vậy. Vàng trong kho mà cạn, thì tiền chỉ còn là giấy lộn mà thôi. Vàng trong kho càng nhiều thì tiền càng có giá. Cũng như "đức” càng dày thì "mạng" càng lớn, có khi đạn bắn trúng tim cũng không chết, kẻ ác tìm mọi cách cũng không hại nổi… huống hồ chỉ là vài căn bệnh cỏn con. Song nếu “đức” đã cạn thì Phật Tổ cũng bó tay. Lúc đó mạng người hay là giẻ rách thì cũng chẳng khác gì nhau. "Đức” cần đối với mạng sống của con người cũng ví như cái cây sống cần phải có nước vậy. Nước đã cạn rồi thì dẫu có bắt sạch hết mọi loại sâu bọ đang đục trong thân đi, cái cây vẫn phải chết… Ông bác sĩ kia chính là ứng vào trường hợp như thế đó. Chẳng phải tại Cậu Tư không dặn kĩ đâu…"
Kết thúc buổi nói chuyện hằng đêm, con hẻm ngoắt ngoéo, tối tăm lại đưa đám đông rời nhà Cậu Tư. Những bóng đen dắt díu nhau dò dẫm lần mò trên bờ rạch, len lỏi giữa những căn phòng trọ lúc này chỉ còn tù mù những ngọn đèn ngủ đỏ quạch. Con hẻm tối tăm, khấp khểnh, khó đi như muốn thử thách ý chí của những con người cố níu lại sự tồn tại của mình ở chốn dương gian. Nếu không có những tiếng rì rầm trò chuyện, có lẽ ai đó sẽ tưởng nhầm đây là những bóng ma đang lần bước dưới địa ngục. Chợt “rào" một cái. Một bà cụ nào đó vừa trượt chân té xuống con rạch. Mấy người đi gần cụ hoảng hốt, nhốn nháo. Hàng người dừng lại, chôn chân tại chỗ nghe ngóng trong đêm đen mà chẳng giúp gì được. “Giá có một cây đèn cao áp…" – tôi bật lên tiếng nói. Người phụ nữ đi sau tôi nhanh nhảu: “Dào ôi! mười tám năm nay rồi chứ có phải mới một vài ngày, một vài tháng đâu…" – "Thế chính quyền địa phương không quan tâm gì à?" – tôi hỏi – "Dân nghèo chưa muốn xuống âm phủ ngay thì tự dắt díu nhau mà đi tìm lấy cơ hội sống. Chính quyền nào thèm quan tâm". – "Chẳng lẽ chữa bệnh ì xèo như thế này mà họ không biết hay sao?" – "Họ biết chớ. Bao nhiêu đoàn thanh tra, kiểm tra đã tới đây rồi đó. Họ điều tra xem Cậu Tư có lừa đảo, có làm tiền bất chính hay không. Song Cậu Tư khám, chữa bệnh cho dân mà tịnh không lấy của ai một đồng nào. Họ không có cớ gì mới để yên cho đấy…"
Cậu Tư không hề lấy của ai một đồng nào, cả tiền khám lẫn tiền thuốc. Đó là một sự thật, còn hơn thế nữa kia, tôi đang nghĩ. Vậy cậu lấy đâu ra tiền để sinh sống, để mua thuốc. Mỗi ngày phát không cho bà con hàng nghìn thang thuốc. Cả một căn nhà lớn chứa đầy thuốc. Lại còn những người giúp việc…? Chị phụ nữ bảo: "Cậu có nguồn tài trợ, có các nhà chùa quanh vùng trồng thuốc cung cấp…" – "Ai tài trợ?" – "Thì những người được Cậu Tư chữa khỏi bệnh ấy. Nhiều lắm, có cả Việt kiều, có cả người nước ngoài… Song tất cả chỉ là đồn đoán vậy thôi. Cậu Tư bí ẩn như người giời, không ai có thể giải thích nổi. Có điều con đường nhựa từ lộ vào ấp này, cả chiếc cầu xi măng bắc qua con kinh thì đúng là do người ta tài trợ đấy, có biển ghi tên họ hẳn hoi. Sao không ai nghĩ ra một ngọn đèn cao áp nhỉ?…" – "Vậy tôi muốn biếu Cậu một ít tiền có được không?” – “Đố anh làm được chuyện ấy đấy. Kể cả những người giúp việc. Họ là những người cũng được Cậu chữa lành bệnh, nay tình nguyện ở lại làm công quả, người hai năm, người ba năm… Tất cả đều tuân thủ nguyên tắc không tiếp xúc riêng với bất kỳ bệnh nhân hay người nhà nào. Mọi người bệnh đều tuyệt đối bình đẳng, không hề có ưu tiên, trừ bệnh nặng…" – "Bệnh nặng thì sao?" – "Thì sẽ được khám và cho thuốc ngay. Còn không phải đăng kí trước hàng tháng theo từng "đoàn", có danh sách hẳn hoi. Đông ùn ùn thế này, không đặt ra quy củ thế có mà loạn…"
Về đến phòng trọ, ông chủ nhà trọ hớt hải chạy đến đòi tôi giấy chứng minh nhân dân để đem lên trình công an xã. "Tôi tìm anh mãi. Không có giấy chứng minh, bố tôi cũng không dám cho anh ngủ trọ. Họ mà biết thì ngày mai tôi hết được cho thuê phòng luôn." Ra thế. Đây là dấu hiệu duy nhất cho thấy sự tồn tại của chính quyền. Tôi móc giấy đưa cho ông ta rồi kéo chiếc ghế nhựa ra hè ngồi. Trời nóng kinh khủng. Muỗi bay ràn rạt làm tôi cứ phải luôn tay đập đen đét. Chắc chẳng bao giờ người ta phun thuốc trừ muỗi, mà có phun chắc cũng không xuể. Những phòng trọ rì rầm, nhốn nháo tiếng người. Thôi thì đủ các giọng Bắc, Trung, Nam… Chỉ cần ngoái đầu lại một cái là lập tức mùi người hầm hập, đặc quánh xộc thẳng vào mặt. Những căn phòng đen ngòm như những cái hang chuột khổng lồ. Mấy bóng đen lầm lũi ra vào, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc chổng mông sắc thuốc la liệt suốt dọc con đường đất tối thui. Mùi thuốc thơm bốc lên không át nổi mùi chua khẳn, hôi hám của con rạch đâm thẳng ngay trước mặt. Cái loa thùng ở một quán gần đấy cất lên một giọng ca vọng cổ não nề. Một cái loa khác lại ca tân nhạc, nghe mà phát ớn: "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, non nước mây trời lòng ta mê say…" Đàn muỗi xung quanh tôi đã thay đổi chiến thuật. Chúng chia làm nhiều mũi, tấn công tôi tứ phía, cả trên mặt lẫn dưới chân như bị rắc cát. Tôi phải đứng bật dậy, co chân chạy đi chạy lại, vừa chạy vừa quạt tay lia lịa như thể ra dấu hiệu xin hàng… Một đêm kinh khủng đây, tôi nghĩ…
Quả là nếu Cậu Tư không đặt ra quy củ thì không biết sẽ hỗn loạn ra sao. Sáng hôm sau tôi mới chứng kiến những người bệnh đông như thế nào. Từ khắp các nhà trọ bên này cầu, bên kia cầu, từng đám người lôi thôi bồng bế, dắt díu nhau ra. Thật chỉ khác với những cô hồn trong mô tả của cụ Nguyễn Du ở thời khắc. Tất cả lại rồng rắn theo con hẻm nhỏ rì rầm kéo vào nhà Cậu Tư. Khoảnh sân trước "phòng khám" của Cậu hầu như đã kín người, song ai cũng từ tốn, trật tự. Cậu Tư vẫn ngồi chỗ tối qua, ngay sau chiếc bàn kê giữa "phòng khám". Tay Cậu cầm một chiếc khăn bông, phanh ngực lau mồ hôi túi bụi. Bên cạnh Cậu có một người đàn ông mặt đỏ au mặc áo ca rô, một tay cầm xấp giấy nhỏ, một tay cũng đang hối hả lau mồ hôi. Đó là Cậu Ba, viên "thư kí" ghi bệnh, đồng thời bốc thuốc, trợ thủ đắc lực của Cậu Tư. Hai chiếc ghế băng kê hai bên "phòng khám" đã kín người ngồi. Đó là những người bệnh may mắn đã đăng kí trước theo “đoàn".
Tám giờ sáng, cuộc khám bắt đầu. Cậu Ba cầm từng mảnh giấy lên đọc tên. Lần lượt từng người trong "đoàn" rời khỏi ghế, tới ngồi trước mặt Cậu Tư. Cậu Tư một tay xem mạch, một tay trỏ vào chỗ nọ chỗ kia trên cơ thể người bệnh, nói rành rọt từng căn bệnh, triệu chứng… để Cậu Ba ghi vào "bệnh án". Người bệnh ngồi trước mặt Cậu không hề phải kể, không hề nói bất kỳ câu gì. Cứ thế Cậu chỉ ra từng chỗ, từng chỗ… như thể Cậu nhìn thấu lục phủ ngũ tạng, nhìn thấu tận xương tuỷ của người bệnh vậy. Tất cả chỉ trong vòng một phút, đúng một phút không hơn không kém. Từ tim, gan, phèo, phổi… đến máu, thận, dạ dày, rồi ruột non, ruột già, từ bàng quang, tiền liệt tuyến đến cột sống, ống chân, v.v… đau ở đâu, u ở đâu, kích thước bao nhiêu, đã di căn chưa, di căn tới chỗ nào… Rồi thì nhức ở đâu, mỏi ở đâu, mất ngủ như thế nào, váng vất ra làm sao, cái gì gây nên bệnh, chỗ nào cần chữa ngay… Cả những chỉ số y học như áp huyết, lượng đường, cholestrol, chức năng gan… Cậu vanh vách chỉ ra chính xác đến từng dấu phẩy, như thể Cậu đang đọc một bản thông báo đặt ngay trước mặt vậy. Thật là những cuộc khám tổng quát kỳ diệu, có một không hai trên thế gian này. Sở dĩ nói như thế bởi tất cả chỉ diễn ra trong vòng 1 phút. Ai đã từng vô bệnh viện khám tổng quát? Nếu suôn sẻ, thì ít nhất cũng phải mất cả ngày trời với bao nhiêu xét nghiệm, rồi lấy máu, lấy nước tiểu, rồi X quang, siêu âm, rồi nội soi, điện tâm đồ… với những thiết bị tinh vi, những chuyên gia đầy bằng cấp… mà cũng phải đợi hàng tuần sau mới có đầy đủ kết quả, những kết quả y hệt như Cậu Tư vừa chỉ ra trong cái phút giây thần kỳ ấy.
Tôi đang chứng kiến một câu chuyện thần thoại diễn ra ngay trước mắt mình. Chẳng mấy chốc Cậu Tư đã khám xong cho số người đăng kí trước ở hai hàng ghế. Họ sẽ được Cậu Ba ghi toa và bốc thuốc phát ngay trong ngày hôm đó. Những ngày sau không cần khám lại nữa, người nhà chỉ việc đem toa vào lãnh thuốc. Bây giờ đến lượt những ca bệnh nặng, những người chưa kịp đăng kí đang ngồi la liệt dưới sân. “Thuật ngữ” ở đây gọi là "khám ngoài giờ" (lẽ ra phải là "ngoài luồng" mới đúng). Già trẻ lớn bé, bất kể thần thái ra sao, bất kể mập ốm thế nào, cứ bệnh nặng là Cậu nhìn ra, không trật một người nào. Sau khi lau mồ hôi, ngồi một lát định thần, Cậu trỏ tay gọi người này, người kia… Tất cả hầu như bệnh nan y. Một phụ nữ vừa tới được một lúc, trên tay bế đứa nhỏ khoảng bốn tuổi. Cô bé mặt mũi kháu khỉnh, ngây thơ, người ốm nhom như bị suy dinh dưỡng. Cậu Tư vừa nhìn thấy liền gọi ngay:
"Bịnh viện nhi đồng trả về phải không? Tội nghiệp, con bé trông thế kia mà bị ung thư máu nặng đấy. Thôi thì còn nước còn tát…"
Người phụ nữ đổ sụp xuống, òa lên nức nở. "Trời, đúng thế đấy Cậu Tư ơi. Xin Cậu cứu lấy con tui…"
Đến lượt người đàn ông tối qua. Khoanh ngón tay trỏ và ngón cái dí vào bụng người ấy làm động tác "nội soi", Cậu bảo:
"Tối qua, tao đoán khối u này chừng 27 cm. Nay "nội soi" cho kết quả hai mươi chín phẩy hai xăng ti mét…"
Người khác:
"Giở áo lên coi vết mổ ở bụng xem nào. Cắt dạ dày phải không? Ẩu quá, phải chụp lại làm bằng chứng mới được, sau này nhỡ bịnh viện họ cãi phăng. Họ cắt có một phần ba phía bờ cong lớn, lại nói là cắt hai phần ba. Mày bị loét dạ dày nặng, đâu phải ung thư. Nay động dao kéo vào nó sinh ra di căn…"
…
Buổi khám bệnh kết thúc đúng vào lúc 10 giờ. Hai tiếng đồng hồ kịp yên lòng cho khoảng trên dưới 40 người may mắn. Những người khác tiếp tục chờ đến hôm sau, hôm sau, và hôm sau nữa, v.v… Cậu Tư và Cậu Ba phờ phạc đứng dậy, trật áo ra khỏi vai lau mồ hôi, một tay cầm chiếc quạt giấy quạt lấy quạt để. Đám đông vẫn từ tốn, trật tự kéo nhau rời khỏi mảnh sân. Không một tiếng năn nỉ, luật vậy rồi, năn nỉ cũng vô ích. Rất nhiều người chưa được khám, song không một gương mặt thất vọng. Tất cả rồi sẽ đến lượt. Chỉ một phút thôi. Nhưng để có được cái phút quý giá ấy, nhiều người đã phải ăn chực nằm chờ cả tháng trời…
Rồi cũng đến lúc tôi rời khỏi cái ấp nhỏ bé chật chội và ô nhiễm ấy. Chiếc cầu xi măng cong cong bắc qua con kinh vừa trải qua một ngày đêm đã trở nên thân thuộc. Trước đây nó chỉ là cái cầu khỉ, người lớn phải cõng trẻ con qua. Ngay đầu cầu gắn một tấm biển đề mấy câu “lục, bát” cực kỳ sái vần:
"Qua cầu chậm bước ngắm nhìn.
Nhớ đời từ thiện ông bà Thọ, Thu"
Tôi được biết ông bà có tên Thọ và Thu ấy đã bỏ tiền xây chiếc cầu này. Nghe người ở đây bảo ông bà ấy là Việt kiều Canada. Ông được Cậu Tư chữa khỏi ung thư. Thỉnh thoảng về nước họ vẫn ghé thăm Cậu Tư. Dòng kinh đen ngòm vẫn lờ đờ trôi những rác rưởi, mảnh bao ni lông… Đứng trên cầu nhìn bốn phía, nhà trọ, quán hàng, quán cà phê, tạp hoá… cái thụt cái thò, chen vai thích cánh. Duy nhất có 1 dãy nhà trọ xây gồm 7 phòng, mái lợp tôn. Dân ở đây nhờ có Cậu Tư mà đã tự phát phát triển bao nhiêu dịch vụ. Hàng nghìn người bệnh rách rưới từ khắp nơi đổ về đây vì thế cũng có chỗ che mưa che nắng, có chỗ mua thức ăn, nước uống, mua than, mua củi sắc thuốc… Không thấy một dấu hiệu nào của cái chính quyền "của dân, do dân và vì dân" của địa phương này ở đâu, ngoại trừ việc trình giấy chứng minh nhân dân. Chợt nhớ chuyện thời nhà Chu bên Tàu. Cách đây hơn hai ngàn năm, các quan sở tại thời đó còn biết cất những nhà quán xá ở dọc đường để cho khách thập phương tam đạo có chỗ nghỉ phòng khi bị lỡ độ đường… Gần mười tám năm rồi, sao người dân nơi đây không “đầu tư” những phòng trọ cho tử tế một chút nhỉ? Câu trả lời tôi vừa nhận được từ một ông chủ nhà: "Đầu tư thì giá thuê mắc, người nghèo lấy đâu ra trả. Họ chỉ cần 1 chỗ nằm thôi. Vả lại, biết Cậu Tư còn được cái khả năng ấy đến lúc nào?" Tôi giật thót mình. Cậu Tư đến một lúc nào đó, có thể sẽ mất đi cái khả năng kỳ diệu ấy sao?
Con đường nhựa lại đưa tôi ra ngoài lộ. Nghe nói ngày trước nó chỉ là một con đường đất lầy lội. Ngay đầu đường cũng trồng một tấm bảng đúc bằng xi măng, trên đó có ghi mấy câu thơ:
Từ giã nơi đây cổ nghẹn ngào.
Hết bệnh mạnh giỏi nghĩa ơn sâu.
Thân con nay còn - Cậu Tư giúp.
Ơn này mang nặng đến đời sau.
Phía dưới ghi tên họ những người đã góp tiền làm nên con đường này. Chả cứ gì họ. Ngay cả tôi, chứng kiến những kiếp người khốn khổ đang trầy trụa, nhẫn nhục chịu đựng dưới cái nắng nóng khắc nghiệt, trong những ổ chuột khổng lồ kia để cố níu kéo lấy sự sống của mình, nghĩ đến những gì đã chứng kiến từ hôm qua đến giờ, chính tôi cũng cảm thấy cổ họng nghẹn ngào. Trong óc tôi chợt hiện lên mấy câu thơ mộc mạc treo ngay nơi phát thuốc trong nhà Cậu Tư. Nghe nói mấy câu này là của Cậu Tư dành tặng Cậu Ba:
Bàn tay phục dược uy linh.
Trần thân xả hết sức mình cứu nguy.
Phước này non biển đâu bì.
Tấm lòng quảng đại từ bi tuyệt vời.
Miền Tây, một ngày cuối tháng 4 năm 2007