Cơm trắng
Phạm Lưu Vũ
Vào thành phố làm thuê đã gần chục năm nay, Tết này anh ở lại ăn Tết với vợ chồng tôi. Sáng ba mươi làm cỗ cúng ông bà ông vải, nhìn vợ tôi xới ra mấy lưng cơm trắng đặt lên mâm, anh bảo: “Ông có tin là tới khi lấy vợ, tôi mới biết thế nào là cơm trắng không?” Rồi không đợi tôi trả lời, anh nói tiếp, giọng bùi ngùi: “Giờ nói ra chắc chẳng ai tin. Nhưng có một thời những người nông dân quê tôi không biết thế nào là cơm trắng. Thế mà mấy ông mấy bà nhà văn cứ viết thế này thế nọ. Tài thật!...” Rồi anh kể cho chúng tôi nghe một chuyện ở làng anh. Tôi nghe xong định bụng sẽ có sao chép vậy. Cầu mong những vong hồn ở quê anh có khôn thiêng chứng giám. Mâm cơm này xin được cúng cả cho những oan hồn ngày ấy. Còn sau đây là câu chuyện của anh:
Năm đó chị Thắm về thăm làng đúng vào dịp giỗ bà nội của chị là bà Gái. Đã mấy chục năm trôi qua. Cái chết của bà nội lúc nào cũng ám ảnh chị. Bà chết vì lên cơn dại sau mấy ngày bị chó cắn. Lúc đó chị mới lên chín tuổi. Ôi! Bà chết mới thương tâm, kinh sợ làm sao. Bắt đầu là những triệu chứng sợ gió, sợ nước, những trận run không hãm lại được. Rồi bà lên cơn, miệng sùi bọt mép, tấm thân già nua co giật dữ dội, bố mẹ chị phải cố hết sức mới giữ cho bà khỏi lăn xuống nền nhà. Bố mẹ chị khóc không thành tiếng. Cái Thắm bấy giờ sợ quá đứng ôm nép một bên cột nước mắt ràn rụa. Nó gào khóc ầm ĩ. “Ối bà ơi... bà làm sao thế bà ơi...” Hàng xóm láng giềng đổ đến. Mấy ông già cao tuổi nhìn cảnh ấy lắc đầu. Rồi có những lúc cơn dại tạm lui, bà mềm nhũn như một cọng bún, người đẫm mồ hôi, dúm dó. Mặt bà tái dại đi. Song bà vẫn tỉnh táo. Bà biết bà sắp chết. Bố mẹ cũng biết bà sắp chết mà không làm sao được. Tất cả chỉ còn biết nhìn nhau thê thảm. Đôi mắt đã thất thần của bà vẫn như muốn dõi tìm cái Thắm. Bà giơ hai tay lên, muốn kéo nó lại gần. Bà phều phào lẩy bẩy mấy lời trăn trối: “Con... ơ... ơi... Cháu... ơ... ơi... Đừng bao giờ mơ cơm trắng nữa... ng... nghe... chư...chưa...” Chỉ được có thế, rồi một cơn dại khác lại ập đến...
Chị Thắm xin phép bố mẹ để chị đi chợ mua đồ về làm lưng cơm cúng bà. Đặt đĩa xôi, con gà lên bàn thờ, chị xới ra lưng bát cơm trắng để lên trước bát nhang rồi thắp hương, cúi đầu lầm rầm khấn vái. Khấn xong, chị chắp tay ngẩng nhìn tấm di ảnh nhăn nheo của bà nội trên bàn thờ. Khói hương như những con giun ngoằn ngoèo cuộn lên rồi toả ra xung quanh thành những vòng tròn nằm ngang. Qua làn khói, chị cảm thấy đôi mắt của bà lung linh như vừa chớp một cái, lúc nhìn chị, lúc lại nhìn xuống bát cơm trắng đặt trước mặt. Cặp môi răn reo của bà hình như vừa mấp máy điều gì. Bất giác, chị cảm thấy một luồng hơi lạnh chạy giần giật dọc sống lưng, toàn thân chị sởn hết gai ốc, chị muốn quị xuống.
Chị sực tỉnh khi bố chị nhắc chị đứng ra ngoài để ông vào cúng. Giọng cúng của ông đều đều, ấm áp như một bài tụng kinh siêu thoát làm tâm thần vừa nặng trĩu của chị vơi đi được phần nào. “Nam mô A di đà Phật, tái thế tế thứ... Thượng hạ Đông Tây Nam Bắc... Thượng hạ mồ ma đống cao...” Cứ sau mỗi đoạn của bài cúng, ông lại lấy hơi bằng cách “suýt” nhẹ một tiếng rõ dài. Chị đứng nghe mà không cầm nổi nước mắt. Cúng xong, ông đưa hai tay lên bàn thờ sửa lại mấy nén hương. Bỗng ông hoảng hốt kêu thét lên: “Ối giời đất ôi! Cái gì thế này?...” Chị giật mình thấy ông bố mặt tái mét đang trỏ tay vào bát cơm trên bàn thờ, miệng ú ớ nói không nghe ra tiếng nào nữa. Chị vội lao tới, nhìn theo hướng ngón tay trỏ của ông. Ngay lập tức, đến lượt chị cũng rụng rời hồn xiêu phách tán. Bát cơm trắng muốt chị vừa xới ra, giờ đỏ lòm như một bát máu. Kí ức của cái Thắm bé bỏng ngày xưa tưởng đã quên đi, giờ lại đột ngột dội về...
Cuối làng có một túp nhà tranh, tường đắp đất như cái lô cốt. Đó là nhà Rốp Đực. Rốp Đực mới gần ba mươi, học mất sáu năm trường làng lên tới lớp ba rồi nghỉ luôn. Bố mẹ lấy vợ cho gã rồi cho gã ở riêng. Cái đĩ Nhài con nhà Phẹt quắt queo, thò lò mũi thế mà về làm vợ gã độ nửa năm bỗng trổ mã phổng phao câu, má đỏ hây, ngực căng muốn nứt áo, nom ngon như một con bò cái tơ. Vợ chồng lực điền son rỗi thành ra cũng không đến nỗi, đủ ngày hai bữa cơm độn, không phải ăn cháo rau như khối nhà khác trong làng. Từ khi trổ mã, cái Nhài được đích thân thằng Tấn, bí thư Đoàn tuyên truyền giác ngộ rồi kết nạp vào Đoàn... Riêng gã vẫn thành phần thanh niên chậm tiến. Thằng Tấn con Bí thư Nục quyền sinh quyền sát trong làng. Nó cũng chỉ học đến lớp bảy rồi phá ngang, suốt ngày lêu lổng, tụ tập mấy đứa ranh con đi ăn cắp trứng gà hoặc rình đàn bà con gái tắm. Từ ngày ông Nục đưa nó lên chức bí thư Đoàn, lúc nào nó cũng cố tỏ ra chững chạc ta đây cán bộ cán bèo, song vẻ lưu manh thì không giấu đi đâu được.
Cái Nhài sinh hoạt Đoàn được mấy tháng thì thằng Tấn tỉ tê hứa sẽ bồi dưỡng để nó được đứng trong hàng ngũ của Đảng quang vinh. Thế thì có mà đổi đời. Rốp Đực chả tin điều đó. Song con vợ cứ hí hửng thì thầm vào tai gã: “Bố nó là Bí thư, nó muốn làm gì chả được...” Gã gắt lên với vợ: “Dưng mà tao đếch thích cái thằng ấy, cả bố con nhà nó...” Rồi một buổi tối, sau khi sinh hoạt Đoàn xong, thằng Tấn dẫn cái Nhài ra phía cánh đồng, vừa đi vừa khoát chân khoát tay “bồi dưỡng” lý tưởng... cho nó. Tới tít cánh Rộc cùng, giọng “bồi dưỡng” của thằng Tấn chợt run lên lào phào, trộn lẫn những hơi thở gấp. Cả người nó bỗng ngùn ngụt như muốn bốc cháy. Nó kéo cái Nhài ngồi thụp xuống bờ ruộng. Cái Nhài chợt tỉnh ra, sợ quá la lên: “Tôi là gái có chồng...”. Thằng Tấn vội vàng dùng tay bóp chặt mồm nó lại không cho kêu rồi đè ngửa ra, rứt vội một nắm cỏ nhét đầy vào mồm nó. Cái Nhài ú ớ giẫy giụa. Không ăn thua gì. Thằng con trai kia vẫn một tay ghì chặt ngang cổ nó, một tay giật phựt phựt những nút áo. Đoạn rồi gã nhổm đít, co một chân lên, móc ngón cái vào cạp quần ngay dưới rốn cái Nhài, đạp mạnh xuống...
Suốt mấy ngày đêm, cả nhà Rốp Đực lẫn nhà Phẹt đổ đi tìm con Nhài. Không thấy tăm tích nó đâu. Cả đời nó đi xa nhất chỉ sang đến chợ Đò. Vậy mà mấy đứa trong ban chấp hành Đoàn cả quyết rằng tối ấy sinh hoạt xong sớm, chúng nó thấy cái Nhài rủ đi xem phim tận bên Gia Trung... Ba ngày sau, xác cái Nhài nổi lên ở cuối đoạn sông gần cánh đồng Rộc cùng, người nó mắc vào một chân cột vó bè, mồm ngậm đầy những cỏ, hai mắt nó trợn ngược, trắng dã, quần áo rách te tua phơi cái bụng trương sình, trắng như lợn cạo. Lão Phẹt nghe tin sét đánh vội vã lao tới. “Ối con ơi!...” Vừa lúc ấy từ miệng cái Nhài, nắm cỏ ộc ra ngoài kèm theo một ngụm máu lẫn nước dãi, nom nhờ nhờ như máu cá. Bí thư Nục vội vàng triệu tập họp những cán bộ chủ chốt để phổ biến tình hình trật tự an ninh trong khu vực. Ông ta thông báo rằng gần đây có một nhóm cướp mới tụ tập, chuyên lảng vảng làng này, làng nọ. Công an đang tổ chức truy bắt. Trường hợp của đồng chí Nhài chắc chắn do nhóm cướp đó gây ra... Tiếc quá, bên Đoàn đã giới thiệu đồng chí nữ đoàn viên tích cực ấy vào diện cảm tình, đối tượng...
Rốp Đực phát điên từ ngày đó. Một hôm gã vác con dao bầu đến nhà ông Nục đòi gặp thằng bí thư Đoàn. Gã cho rằng chính vì chuyện sinh hoạt Đoàn điếc cái con mẹ nhà chúng nó ấy đã khiến vợ gã chết oan. “Ối Nhài ơi... em cứ ở nhà với anh thì đâu ra nông nỗi... Đoàn điếc gì để người ta hiếp chết em ơi...” Lúc ấy, thằng Tấn cùng mấy đứa trong ban chấp hành Đoàn đang tụ họp đánh chén trong nhà hoảng hốt chui hết vào buồng, đóng chặt cửa lại. Mãi sau, một thằng được phân công lẻn cửa sau đi báo công an. Lập tức công an có mặt. Giải thích, thuyết phục thế nào gã cũng không nghe, lại còn chửi vung xích chó. Một anh công an xông vào, gã múa tít con dao bầu, xuýt xảy ra án mạng. Một anh khác thấy thế chĩa súng lên trời bắn một phát chỉ thiên. Cả làng giật mình sợ chết khiếp. Rốp Đực cũng giật nảy mình, ngơ ngác. Nhân lúc đó, một anh công an vòng phía sau lao vào ôm chặt lấy gã. Rồi mấy anh kia xông tới cướp lấy con dao, đè nghiến gã xuống, trói gô lại như một con chó, giải về trụ sở. Rốp Đực biến một lèo sáu tháng, lên huyện, rồi lên tỉnh... Dân làng đồn gã bị khép tội phản động. Bỗng một hôm người ta chở gã về, người như cái xác ve, rũ rượi. Từ đó gã càng điên loạn hơn trước, song những cơ bắp lực điền ngày xưa biến đâu hết cả, sức vóc hầu như chẳng còn gì đáng kể. Cũng may, gã tuy điên nhưng lành như cục đất, chẳng dọa nạt con nít bao giờ.
Hôm ấy, Rốp Đực xúc đầy một rá gạo, đem ra nhúng cả vào vại nước, vừa vo vừa ngửa cổ lên trời ca một câu rất dở hơi:“Hơ hơ!, đĩ vợ ta ơi... về ăn cơm trắng rồi chơi... Bố mày!... Hơ hơ!...” Hai tiếng “Bố mày” gã quát lên thành tiếng chửi, không biết chửi ai? Vo gạo xong, gã trút hết vào cái xoong nhôm nhăn nheo, đổ đầy nước rồi đem vào đặt lên bếp, nhóm lửa. Có tiếng gà lúc cúc đi ngang qua sân. Gã vọt ra. Không kịp rồi. Con gà mái đã lao thẳng vào vườn chuối, vừa chạy vừa quác lên mấy tiếng như muốn chửi vào mặt gã: “Mả cha mày, định giết bà hử...” Gã ngây người tiếc rẻ, lững thững quay vào bếp. Gã nhìn ngọn lửa đang liếm láp cái đít xoong, thở dài. Cái đít xoong đen óng ả như mái đầu của đĩ Nhài dạo nào. Gã bỗng tưởng tượng vợ gã đang ngồi đấy như mọi lần, một tay cầm que cời, một tay đưa lên vấn lại mái tóc, da thịt Nhài tròn căng trong lớp vải pô pơ lin mỏng tang, thơm lịm... Gã đưa hai bàn tay lên bưng lấy mặt, rồi lại mở ra, rồi lại bưng lấy như trẻ con chơi trò trốn tìm... mắt gã hau háu nhìn vào cái chỗ trống trơn ấy. Bỗng gã cúi xuống, luống cuống tụt quần ra, rồi hai tay ôm cứng lấy bộ hạ, gã bước lò dò tới đứng trước cái bếp lửa. Ngửa mặt lên nóc bếp, gã tru lên mấy tiếng như một con chó đực, bọt mép trào ra hai khoé môi. Cứ thế, những thớ thịt nhão nhoét hai bên đùi gã giật lên những cơn nhè nhẹ trước chậm sau nhanh dần, nhanh dần. Hai bàn tay gã cũng hối hả giật ra giật vào dưới hạ bộ. Mồ hôi gã túa ra, chảy nhễ nhại trên khuôn mặt. Gã giật mình cảm giác như có mùi hương bồ kết, mùi da thịt ngầy ngậy quen thuộc của vợ gã lẩn quất đâu đây. Rồi theo một thứ phản xạ nào đó của giống đực, gã kiễng hai chân, rướn người lên... Vừa lúc ấy, có tiếng “xèo!...” một cái, búng nước nhờn từ chỗ hạ bộ gã vừa vọt ra theo hình vòng cung, bắn thẳng vào giữa ngọn lửa. Xoong cơm trên bếp chợt bục lên một tiếng, phì hơi ra ngoài, cái nắp vung mấp máy. Cơm sôi. Bất giác, thân hình Rốp Đực cũng giật nhẹ một cái. Gã hơi cong người há hốc mồm nhìn cái vung xoong đang sùi bọt, hấp háy. Từ một lỗ châm kim đâu đó, một tia hơi nước mảnh như que tăm phun mạnh lên, phát ra tiếng kêu ri rỉ như tiếng khóc của một oan hồn. Gã lạnh toát người, mắt hoa lên, nảy đom đóm, miệng thở phì phò như kéo bễ. Lùi lại một bước, gã nhắm mắt lại rồi thả phịch người xuống thùng trấu, nằm lăn ra thở dốc.
Gã thức dậy lúc trời đã xế chiều. Xung quanh vắng lặng. Tiếng khóc ri rỉ ban nãy đã nín bặt. Dường như oan hồn đã bỏ gã mà đi. Xoong cơm trở lại im lìm trên bếp, ngọn lửa đã tàn từ lúc nào. Bê xoong cơm ra giữa sân, gã kéo lê cả cái rổ bát lỏng chỏng đặt bên cạnh. Rồi gã lấy bát, xới cơm ra. Xoong cơm trắng muốt bốc hơi thơm lựng, ngào ngạt điếc mũi. Mấy con chim sẻ đang bay trên trời bị cái mùi thơm ấy quyến rũ vội sà xuống, nhảy nhót loạn xạ xung quanh song không dám đến gần. Cái mùi ấy bay lên trời, toả đi khắp nơi, ra tới tận đầu làng. Bất giác dân làng ai cũng ứa nước miếng. Trẻ con ngơ ngác, tuôn dãi ra rề rề. Đám thanh niên hỏi nhau: “Mùi gì mà lạ thế, chửa được ngửi bao giờ?” Các cụ già lẩm bẩm: “Mùi cơm gạo mới ngày mùa đây mà. Đã hàng chục năm giời nay mới lại ngửi thấy. Nhưng ở đâu ra thế nhỉ...”
Rốp Đực bưng bát cơm lên, lùa một miếng vào miệng. Bỗng gã trợn mắt dừng lại, cơn điên lại bùng phát. Gã phun miếng cơm trong miệng ra, rồi nâng bát cơm lên khỏi đầu, quật mạnh xuống nền gạch. Choác! Cái bát sứ vỡ tan, cơm trắng văng ra tứ phía. Lũ chim sẻ đang nhảy nhót xung quanh hoảng sợ bay vọt lên. Lập tức, mấy con chó đói đang nấp trong vườn chuối phía tây lao tới, thì ra chúng rình từ nãy. Những con chó vừa gầm gừ, vừa vùng vằng ăng ẳng tranh nhau liếm vội những hạt cơm. Nhìn khung cảnh náo nhiệt của bầy chó, gã thấy mình dường như đỡ cô đơn. Gã lại xới một bát nữa, lại... choác! Bầy chó hơi giật mình, khựng lại một giây rồi chợt hiểu. Nhờ có cái tiếng “choác” đó chúng mới có cơm mà liếm. Chúng chẳng sợ, chẳng cần để ý đến gã nữa.
Bà Gái nuốt vội miếng nước bọt. Cái gì mà bên nhà Rốp Đực cứ bốp bốp, chát chát như đập bát đập đĩa thế nhỉ? Lại còn tiếng chó ăng ẳng, hình như chúng đang tranh ăn. Đích thị là tranh ăn. Người tranh ăn có khi còn kín tiếng chứ chó tranh ăn thì không giấu tiếng vào đâu được. Lại còn cái mùi thơm lựng giời? Ở đó chứ còn ở đâu ra nữa. Mấy hôm trước sang xin lửa, bà ngó cót nhà nó dễ còn mấy yến thóc, mình nó ăn đâu đã hết. Chỉ có điên như nó mới dám thổi cơm trắng. Từ khi có hợp tác xã, cả làng trừ những nhà Bí thư, Chủ nhiệm... còn lại nhà nào khá lắm cũng chỉ dám thổi cơm khoai, cơm sắn, còn đâu toàn cháo loãng, kể cả trong những ngày mùa, lúa gặt về chất đầy sân kho mà đâu có được chia ngay. Còn phải đợi cán bộ “cân đối”, “lên phương án”.... Nước bọt lại ứa ra, bà Gái nhìn cái Thắm đen đúa như củ súng đang ngồi rũ một xó. Đôi mắt nó sáng quắc, cái cổ thụt vào giữa hai bờ vai gầy nom như một con cóc. Tội nghiệp nó, đang tuổi ăn tuổi lớn. Già ngót tám mươi tuổi, sắp xuống lỗ như bà còn đói không chịu nổi nữa là nó. Húp một bát cháo độn xu hào loãng từ trưa tới giờ, bụng cả hai bà cháu đã quắt lại như dán chặt quanh xương sống. Nó cũng đang thèm cái mùi thơm như bà. “Đi! đứng lên đi” bà ra lệnh rồi quả quyết đứng dậy, lôi đứa trẻ theo.
Hai bà cháu từ ngoài cổng nhà Rốp Đực ngó vào. Ối giời ôi! Nó đang đập những bát cơm trắng xuống sân kìa. Phí của thế hả giời? Lũ chó kia sẽ ăn hết mất thôi. Cơm trắng quá, trắng đến loá mắt. Lâu lắm rồi bà không còn được nhìn thấy những hạt cơm như thế nữa. Phải cứu lấy cơm trắng. Bà nghĩ bụng rồi dắt theo cái Thắm, xăm xăm đi vào. Tới sân, bà chợt sững người, xấu hổ đỏ bừng mặt. Cái thằng Rốp Đực nó cởi truồng nồng nỗng, ngồi trật ra cả một đống hạ bộ đen sì. Cái Thắm nép sau lưng bà tỏ vẻ sợ hãi, vậy mà đôi mắt vẫn hau háu nhìn cái xoong cơm. Bà muốn quay ra. Nhưng còn cơm trắng? Nhìn vẻ man dại của Rốp Đực, nhất là cái đùm đen sì hôi hám của gã đang tô hô thế kia, bà bỏ ý định sấn tới cạnh gã, giằng lấy cái xoong cơm. Thôi thì vớt vát được chừng nào hay chừng nấy. Sự xấu hổ nhất thời đã không thắng được bản năng tiếc của. Hai bà cháu cố tránh nhìn gã, cứ thế len lén đi vào. Rồi bà ngồi thụp xuống, đứa cháu như con cóc cũng ngồi bệt xuống theo. Bà cháu bắt đầu hối hả đưa cả hai tay ra vét lấy những hạt cơm trắng đang vãi tung toé. Phía đối diện, bầy chó dường như cảm thấy có thêm đối thủ, chúng gừ lên mấy tiếng như để thị uy rồi sấn xổ lao vào giữa đống cơm trắng vương vãi lẫn những mảnh bát vỡ.
Rốp Đực nhìn cái cảnh bên chó bên người ấy lại càng thấy ngồ ngộ. Đúng là cái thằng điên. Hai bàn tay gã vừa nâng một bát cơm lên qua đầu chợt ngừng lại. Gã nghĩ sao lại hạ bát cơm xuống, nhoai người đặt ra xa trước mặt, cố ý để nó lệch về phía hai bà cháu. Bà Gái chợt ngừng nhai miếng cơm lẫn cát đang lạo xạo trong miệng. Bà nhìn bát cơm trắng, rồi nhìn gã, nghi ngờ. Nó cho mình bát cơm? Không nhẽ nó tử tế đến thế. Dễ đến chục năm nay, bà không hề được bưng trên tay một bát cơm trắng tinh như thế. Đứa cháu kia thì phải nói là từ lúc đẻ ra đến giờ. Có thật nó cho mình không? Ôi bát cơm quý hoá, bụng bà réo sôi ùng ục, bà run bắn người lên, vừa nghi ngờ, vừa lo sợ mấy con chó sẽ nhanh hơn bà. Bà nhìn gã, nhìn lũ chó như canh chừng rồi nhích dần, nhích dần. Bà đã tới rất gần, rất gần cái bát cơm quý hiếm có một không hai ấy. Cái Thắm ngồi phía sau cũng đang nín thở mong bà. Đợi đấy! Rồi bà cháu ta chia nhau bát cơm này nhá. Lũ chó không hiểu sao cũng chợt yên lặng. Hình như chúng chưa kịp hiểu điều gì đang diễn ra. Chó mà, chúng đâu có thông minh được như người. Hay chúng muốn nhường nhịn? Bà đã tới gần lắm rồi, chỉ cần đưa tay ra chộp xuống là được, bà hồi hộp nghĩ, mắt vẫn không rời gương mặt man dại của gã. Bỗng bà cúi nhanh xuống, nhìn thẳng vào bát cơm, đoạn chụp cả hai tay ôm gọn lấy nó. Ngay lúc ấy, lũ chó dường như cũng chợt tỉnh. Chúng sủa rộ lên, rồi một con lao tới. Nó há cái mõm đầy răng nham nhở của nó đớp mạnh vào tay bà. Á! một tiếng thét đau đớn bật ra. Song bà quyết không rụt tay lại, bà vẫn ôm chặt cái bát cơm, cố giằng nó vào lòng mình. Máu từ tay bà trào ra. Giây lát, màu trắng của cơm chuyển hẳn sang màu đỏ. Bát cơm vừa nãy giờ đã nhuộm đầy máu tươi...
Tết Đinh Hợi (2007)