Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Mĩ tục

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 784 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mĩ tục
Phạm Lưu Vũ

Câu chuyện này rút trong ghi chép của một khách du lịch.
Cụ Cả Lễ, người cao tuổi nhất làng Kinh vốn được coi là một bộ bách khoa toàn thư sống của cả làng. Khách nghe tiếng tìm đến cụ như tìm đến một địa chỉ văn hoá cuối cùng còn sót lại. Chờ cho cụ an toạ, khách lễ phép cất tiếng hỏi:
“Làng ta vẫn giữ truyền thống là một làng văn hiến đấy chứ, thưa cụ?”
Cụ Cả Lễ râu tóc bạc trắng như một ông tiên, ngước đôi mắt kỉ hà nhìn khách hồi lâu, đoạn chậm rãi trả lời:
“Việc ấy anh đi mà hỏi ông chủ tịch. Lão đây không dám giả nhời.”
Khách thoáng ngạc nhiên, bèn chuyển sang đề tài khác:
“Nghe nói cụ biết rất nhiều sự tích của làng...?”
Cụ Cả Lễ vẫn chậm rãi, đôi mắt nhìn xa xăm tận đâu đâu:
“Cái đó tuỳ duyên thôi. Sự tích cũng tuỳ duyên mà có...”
Cụ vừa nói đến đấy thì có đứa cháu chạy đến xin cụ chùm chìa khóa nhà xí để đi... ị. Khách ngạc nhiên quá, bèn hỏi ngay:
“Nhà xí mà cũng phải khoá ư, thưa cụ?”
“Ấy đấy, cái ‘duyên’ nó đến rồi đấy - cụ Cả Lễ bảo khách – Phải khoá chứ. Thậm chí phải bí mật để đề phòng kẻ xấu ăn trộm. Làng này có tục đi ỉa phải giấu cứt. Người đi nhiều như anh mà cũng chưa bao giờ nghe nói đến hay sao?”
Đến đây thì khách kinh ngạc thật sự. Chẳng lẽ làng này là truyền nhân của... giống mèo cả hay sao mà lại có cái “tục” kì lạ như vậy. Té ra cái gì cũng có sự tích của nó cả. Sau đây là câu chuyện kể của cụ Cả Lễ:
Kể rằng thiền sư Căng Lulu vốn người làng Kinh, tên tục gọi là Ngục Văn, hồi bấy giờ làng này còn có họ Ngục. Căng Lulu là pháp hiệu. Ngài xuất thân trong một gia đình trưởng giả. Bình sinh lúc nào cũng xe ngựa rình rang, tấp nập kẻ hầu người hạ, ngày ngày toàn ăn thịt cá, lại hưởng không thiếu gì lạc thú trên đời. Bỗng một hôm thời thế đổi thay, gia tài dần dần khánh kiệt, kẻ hầu người hạ bỏ đi hết cả. Từ đó chỉ còn biết ăn rau cỏ qua ngày. Ngục Văn phẫn chí bèn bỏ làng ra đi, sang tận bên Tàu, tìm đến thiền sư Triều Châu xin học đạo. Các đệ tử của sư thấy Ngục Văn toàn thân tróc ghẻ, người ngợm hôi hám có ý không ưa, xui sư đuổi đi. Sư nói:
“Cứ gì hôi hám. Hễ có duyên thì khắc ngộ được đạo.”
Các đệ tử hỏi vậy Ngục Văn có duyên gì? Sư đáp:
“Duyên đọc được bụng dạ của kẻ khác.”
Rồi cho xuống tóc, đặt pháp hiệu là Căng Lulu. Song mấy năm trời không thấy sư nhìn ngó gì đến, cũng không hề giảng cho một câu, chỉ cho phép cắp tráp theo hầu như một chú tiểu. Một hôm thầy trò đang đi đường, Căng Lulu chợt nhìn thấy một con trâu đang ỉa bãi phân to tướng, trong lòng bỗng nổi tâm cơ, bèn buột miệng hỏi:
“Thưa... Phật pháp là cái gì vậy?”
Sư hỏi lại:
“Ngày trước ngươi toàn ăn thịt cá, vậy ngươi ỉa ra cái gì?”
“Ỉa ra cứt” – Căng Lulu trả lời ngay.
“Thế lúc chỉ ăn rau cỏ, ngươi ỉa ra cái gì?” – Sư hỏi tiếp.
“Cũng... cứt” – Căng Lulu ngập ngừng.
“Pháp đấy! Pháp đấy” – Sư nói liền hai tiếng.
Căng Lulu hoát nhiên đại ngộ.
Tự bấy giờ các quán đều thông, bốn tướng hợp một, trí huệ rực rỡ, Căng Lulu trở thành thiền sư. Ngài bèn tìm về làng cũ, lập một chiếc am nhỏ ở đầu làng, hàng ngày đọc kinh, thiền định... rồi “hoá” ngay tại đó. Lâu dần cỏ dại trùm kín, nơi có chiếc am của thiền sư trở thành hoang phế. Một hôm có anh đánh dậm đi qua bỗng nổi cơn đau bụng, bèn chui vào giữa chỗ ấy ỉa một bãi. Tối hôm đó về nhà, đang ngủ, anh đánh dậm bỗng thấy một bóng người bước vào nhà bảo:
“Ngươi sắp bị mọc một khối u ở trong bụng mà chết. Hãy uống một bát nước ở cái giếng chỗ ta thì sẽ khỏi...”
Anh đánh dậm không tin, bèn hỏi lại:
“Làm sao ông biết?”
“Xem cứt ngươi ta biết” – bóng người kia trả lời. Nói xong biến mất.
Anh đánh dậm toát mồ hôi, giật mình tỉnh dậy. Hoá ra một giấc mơ. Chợt nhớ đến việc ỉa bậy lúc ban ngày, anh chàng trong bụng cũng thấy hơi hoảng song vẫn nửa tin nửa ngờ. Khoảng tháng sau, anh ta cảm thấy có cục gì cứ chướng lên giữa bụng, ăn uống không tiêu được. Cái cục cứ lớn dần, lớn dần, đến nỗi bụng trương phềnh lên, cứng ngắc, từ đó chỉ còn nằm một chỗ, không đi lại được nữa. Vợ con anh ta bán cả đồ đạc, lợn gà, mời hết thầy thuốc này đến thầy thuốc khác. Song ai cũng lắc đầu, nhất loạt bảo anh chàng sắp chầu ông bà ông vải đến nơi.
Về phần anh đánh dậm, từ khi bị mọc cái u trong bụng thì biết rằng mình đã ỉa bậy vào chỗ thiêng nên bị thánh vật. Vì thế cứ cắn răng chịu đựng, không dám nói cho vợ con biết. Bấy giờ mười phần đã chết đến chín rưỡi, anh ta mới phều phào kể lại cho vợ nghe về giấc mơ hôm trước. Người vợ nghe xong lập tức tìm đến chỗ đã từng có cái am. Phát cây vạch cỏ mãi, quả nhiên có một cái giếng nhỏ sâu hút, nước trong vắt. Bèn múc đại một bát đem về cho chồng uống. Cũng chỉ là cầu may thế thôi. Không ngờ bát nước quả nhiên hiệu nghiệm thật. Anh chồng uống vào đến đâu thì bụng réo ùng ục đến đấy. Rồi cái khối u cứ xẹp dần. Ba ngày sau hết hẳn, lại đi lại được như thường.
Câu chuyện của anh đánh dậm chẳng mấy chốc loang ra khắp làng. Dân làng cho rằng vị thiền sư ngày trước của làng mình thế là đã hiển linh, bèn bàn nhau kẻ góp công người góp của làm một ngôi đền tại ngay chỗ đó gọi là đền “Cứt”. Thật là một cái tên độc nhất vô nhị trên thế gian này.
Tại sao lại có cái tên xấu xí như thế?
Nguyên các cụ ngày trước truyền rằng đền ấy thiêng lắm, cầu gì được nấy. Có điều đồ cúng không dùng thứ gì khác ngoài... cứt. Ai có bệnh cứ mang một đĩa cứt của mình tới, múc một bát nước ở cái giếng ấy, đem để cả hai thứ bên cạnh nhau trên bàn thờ rồi thắp hương khấn vái. Đợi cho cháy hết hương, đem bát nước về mà uống thì bách bệnh tiêu tan. Ngôi đền từ đó nổi tiếng, người thiên hạ lũ lượt tìm đến...
Song điều kì diệu nhất của ngôi đền là những người đến cúng cứt không những khỏi bệnh, mà tất cả những gì vốn giấu kín trong bụng xưa nay đều bất ngờ ứng vào miệng thiên hạ mà lộ ra hết cả. Người lương thiện thì chẳng sao, bởi chẳng có gì mờ ám phải giấu giếm. Song đối với những kẻ lưu manh, bất lương, những kẻ chuyên nghề bịp bợm thì đó quả là một đại hoạ. Xưa nay con người ta cứ tưởng sự thật một khi đã được giấu trong bụng thì sẽ kín như bưng đời đời. Ai dè hàng ngày nó vẫn theo đường bài tiết mà chuồn ngoài. Thế là cùng với sự chữa khỏi bệnh là khối sự thật bị phơi bày, khối mặt nạ bị rơi tuột. Khối kẻ khoác áo đạo đức té ra lưu manh, khối vị phụ mẫu chi dân té ra phường bất lương gian ác... Vả lại con người ta mấy ai không hề có chút gì mờ ám trong lòng... Vì thế người tìm đến chữa bệnh cứ thưa dần, thưa dần. Có kẻ thà chết chứ nhất định không chịu mang cứt đến cầu cúng.
Thế rồi lại sinh ra cái nghề ăn trộm cứt mang đến đền để vạch những chỗ xấu của nhau. Kẻ trên, người dưới, đồng liêu, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng... rồi thì cả cha con, chồng vợ... cứ gọi là loạn cả lên. Cứt té ra lại là chỗ dễ làm bại lộ chân tướng nhất. Người vùng này có tục giấu cứt kể từ hồi đó. Ai cũng lo phòng xa bởi biết đâu đấy, dẫu mình không tự mang cứt đến cầu song nhỡ có kẻ khác lấy trộm, mang đến cúng thì bao nhiêu điều giấu giếm của mình cũng sẽ bị phơi bày cho thiên hạ biết hết. Mới hay cái gọi là sự thật, hoá ra lại là thứ mà con người ta luôn luôn khiếp sợ. Vì thế giấu cứt mới nhanh chóng trở thành một cái tục của cả vùng này. Giấu cứt đồng nghĩa với giấu sự thật...
Dù sao thì sự hiện diện của ngôi đền cũng là điều cảnh báo đối với những kẻ rắp tâm làm điều xấu. Làng Kinh từ đó ít hẳn sự dối trá, bịp bợm. Trẻ con được cha mẹ theo dõi, rèn cặp trở nên ngoan ngoãn, biết lễ phép với người lớn. Người lớn đối xử với nhau thân ái, chân tình, không dám hại nhau vì biết sự thật trong bụng sớm muộn gì cũng sẽ thoát ra bên ngoài. Làng Kinh có tiếng là một làng văn hiến từ đấy...
“Thế cái đền ấy bây giờ có còn không, thưa cụ?” – Khách hỏi.
“Phá rồi - cụ Cả Lễ trả lời – Phá trước tiên. Sau đó mới phá đến đình chùa. Phá từ cái hồi bắt đầu phong trào Hợp tác hoá nông nghiệp kia.”
Khách ngẩn người ra tiếc rẻ. Hồi lâu lại hỏi:
“Phá đền phá đình rồi thì có ảnh hưởng gì đến văn hiến của làng không, có làm cho sự dối trá càng tha hồ hoành hành không thưa cụ?”
“Việc ấy anh đi mà hỏi ông chủ tịch - cụ Cả Lễ vẫn từ chối khéo – lão đây chỉ biết nói với anh rằng cái tục giấu cứt thì không những vẫn còn, mà ngày nay người ta còn giấu kĩ hơn trước...”
Rời khỏi nhà cụ Cả Lễ, khách lên xe tìm đến nhà ông chủ tịch. Vừa chạy được một quãng, khách dừng xe hỏi thăm một thằng bé đang đứng thổi bong bóng bên cạnh đường lối vào nhà ông chủ tịch. Thằng bé trợn mắt nhìn khách một cái rồi ngoảnh đi, mồm nói:
“Đéo biết!”
Đành phải đi một quãng nữa, bỗng có một chiếc xe đạp nằm chỏng cơ giữa đường. Khách vội vàng đạp phanh gấp. Vừa bước ra khỏi ô tô định dẹp nó sang bên cạnh để lấy đường đi thì nghe một giọng nói gằn từng tiếng:
“Mày mà động vào cái xe đạp của ông thì ông choảng cho vỡ kính.”
Khách giật mình hướng về phía có tiếng nói. Thấy một gã trung niên đang đứng lấp ló trước cửa một ngôi quán lá, đôi mắt gã vằn đỏ, một tay lăm lăm cục đá to tướng.
Tiến thoái lưỡng nan, khách đành phải xuống nước thương lượng. Kết quả phải chi mấy đồng tiền rượu cho gã mới đi qua được...
Chạy một quãng nữa thì gặp ngã ba. Bỗng nghe đánh “bép” một cái. Thì ra khách mải suy nghĩ về sự việc vừa rồi, không để ý ngay giữa ngã ba có bãi cứt trâu nên đã để xe trườn qua. Ngay lập tức, một người đàn bà từ trong ngõ gần đấy xông ra tóm lấy đầu xe, tru tréo:
“Ông này đéo có mắt hay sao? Bãi cứt trâu người ta đã cắm cành lá, đánh dấu chủ quyền cẩn thận rồi. Vậy mà còn để cho xe trườn qua làm tan nát cả. Ối làng nước ôi là làng nước ôi. Ra mà xem đây này. Có khổ thân tôi không cơ chứ...”
Khách hoảng quá, vội vàng móc bóp đền bãi cứt trâu...
Lại chạy tiếp một quãng nữa. Phía trước có một đôi nam nữ đang bá vai nhau, vừa đi vừa véo ngực véo đùi nhau, nói cười ngả ngớn. Khách buộc phải chạy xe từ từ, vừa chạy vừa nhấn chuông. Đôi nam nữ kia dường như không thèm để ý. Mãi đến khi mũi ô tô gần sát đến nơi, cả hai mới uể oải đứng né sang một bên. Xe vừa chạy tới, gã thanh niên thò mặt vào sát cửa xe, quát với theo:
“Còi, còi cái con mẹ mày à...”
Rốt cuộc khách cũng tìm được tới nhà ông chủ tịch. Ngay lập tức nghe ông ta luyến thoắng:
“Làng này năm nào cũng điển hình tiên tiến đấy ông ạ. Từ sản xuất đến văn hoá, y tế, giáo dục... đéo làng nào bằng làng này. Đây ông xem, nào bằng khen, nào giấy khen, của huyện, của tỉnh... Đang “phấn đấu” để được phong danh hiệu... “Anh hùng thời kì Đổi Mới...”

Cuối tháng 6 năm 2007

Phạm Lưu Vũ
*
Nhời bàn của Lê Anh Hoài:
Nhìn mây nhìn gió nhìn hoa mà ngộ đạo thì xưa nay đã nhiều. Song nhìn Cứt mà ngộ đạo thì đây mới có một. Mà ngộ thật sự! Ai cũng phải tâm phục khẩu phục Cứt.
Triết lý về Cứt là triết lý về cái Tận Cùng. Cái Tận Cùng chẳng phải là Sự Thật sao? Nên đưa Cứt lên bàn thờ chẳng phải việc ngược đời. Làm cho cái bẩn thỉu lại thành thanh cao đến thế, Phạm Lưu Vũ tiên sinh quả là tài.
Nhưng cái đạo Cứt của tiên sinh, hậu sinh chúng nó không thông, nên phấn đấu mãi cũng chỉ đến “Anh hùng thời kỳ Đổi Mới” là cùng thôi chứ làm sao mà đến cái Thật nổi? Cứt thật!
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 974

Return to top