Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Chuyện xảy ra từ cái thời loạn lạc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1322 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện xảy ra từ cái thời loạn lạc
Phạm Lưu Vũ

 
Chuyện xảy ra từ cái thời loạn lạc, thật giả tít mù.
Làng Văn Mộng tục gọi là làng Cóc có mấy anh rách việc thích lập ngôn, lập tự, xưng là những “tục sĩ”, hay ngồi quán rượu tán gẫu. Quán nằm ngay ngã tư, bốn hướng đều là đường cái, thành ra ngồi đó được chứng kiến khối kẻ qua, người lại. Người ta qua lại thì mặc người ta, đừng ngứa mồm làm gì. Nhưng khốn nỗi mấy “tục sĩ” này lại không thế, cứ nhòm thấy gì lạ là lại hét toáng lên, rồi chỉ trỏ, cười chê với nhau ra tuồng khoái chí lắm. Chẳng hạn thấy một người trán hói, đeo kính trắng, tay cắp một chiếc cặp to tướng, trông rất dáng thầy giáo đang đi sang phía Đông. Các “tục sĩ” vừa trỏ vừa tán. Cứ một câu “thực” lại đến một câu “luận”... Một anh nói:
- “Thế kia mà cũng làm thầy”
Anh khác vừa cười vừa phụ hoạ:
- “Thảo nào thiên hạ cứ đầy người ngu”
Lại thấy một ông cao lớn đầu nhẵn thín, lông mày rậm, cắp ô đi phăm phăm về phía Tây. Một anh cười chảy cả nước mắt, vừa cười vừa nói oang oang:
- “Thế kia mà cũng đi tu”
Một anh khác hớn hở tiếp lời:
- “Trách nào mẹ đĩ lộn mu ra ngoài”...
Kết quả tối về nhà, anh nào anh nấy mồm sưng vếu lên hết lượt, có anh còn bị gãy cả răng. Vợ thấy thế bèn hỏi: “làm sao đến nông nỗi này?” – trả lời: “bị người ta vả”. Lại hỏi: “tại sao vả?” – trả lời: “tại cười người ta.” Vợ bảo: “thế thì vả là đáng lắm. Nên nhớ con người ta là chỗ chỉ có thể khen, không có thể cười chê được.”
Mấy “tục sĩ” thấm thía bài học ấy lắm. Bèn rút kinh nghiệm, một hôm lại rách việc đúng cái chỗ ngã tư ấy. Lần này thì không dám cười chê gì nữa, mà bảo nhau vừa ca ngợi, vừa khen lấy khen để. Chẳng hạn nhìn thấy một ông mồm rộng, răng lớn đang đi xuống phía Nam, các “tục sĩ” bèn xuýt xoa khen ngợi. Nhưng lần này thì cứ một câu “luận” lại đến một câu “kết”... Một anh nói:
- “Mồm kia mới thực dẻo dai”
Anh khác tiếp lời:
- “Răng kia mới thực thiên tài... gặm dân”
Bất chợt lại trông thấy một ông mặt to, bụng phệ đi lên phía trước. Một anh nói:
- “Mặt kia vĩ đại như thần”
Một anh khác nói:
- “Bụng kia mười thước thì... phân cả mười.”...
Lại kết quả tối về nhà, anh nào anh nấy không những sưng mồm, gãy răng hết lượt, mà còn hộc cả máu mồm máu mũi ra nữa. Vợ thấy thế lại hỏi: “làm sao đến nông nỗi này?” – trả lời: “bị người ta tát”. Lại hỏi: “tại sao tát?” – trả lời: “tại khen người ta.” Vợ bảo: “thế thì tát là còn may đấy. Đời không có gì đáng khen. Vậy mà cứ ra rả khen thì có khác gì chửi đểu...”
Lần này thì các “tục sĩ” không phục lắm cái bài học ấy của vợ. Bụng cứ thắc mắc mãi. Cười không được, khen cũng không được, thế là nghĩa lý gì. Chợt nhớ lão chủ cái quán rượu ấy. Lão ở ngay chỗ ngã tư đường cái, chứng kiến không biết bao nhiêu việc lạ. Mà lão cũng là con người, tránh sao cho khỏi có lúc ngứa mắt, rỗi mồm. Vậy mà lão không hề bị ai vả, ai tát. Mồm mũi quanh năm vẫn lành lặn, nguyên si... là cớ làm sao. Bèn rủ nhau đến hỏi nguyên do. Lão chủ quán nghe xong thì bảo:
- Các anh há lại không biết rằng con người bây giờ còn thiêng hơn cả thần thánh, ma quỉ hay sao? Lão cả đời ở chỗ ngã tư này, hai mắt tuy thao láo đấy, nhưng đã luyện được phép... không nhìn thấy gì. Vả lại các anh cười hay khen gì thì cứ việc. Hà cớ gì lại diễn ra... thơ. Trong khi thơ là một thứ hiểm nguy chứ không phải tầm thường. Cười ra thơ thì dẫu có “giả” người ta cũng tức, khen ra thơ thì dẫu có “thực” người ta cũng nghi... Huống chi cuộc đời bây giờ đối với cái chuyện văn chương thơ phú, có khác gì ăn cá mà lại mắc chứng hóc xương, cứ thấy ở đâu có chữ nghĩa là người ta phải nâng cao cảnh giác. Nhưng thôi, nói nhiều cũng vô ích. Các anh đã không luyện được phép “không nhìn thấy gì” như lão thì hãy cho lão hỏi. Chẳng hay các anh cười bằng cái gì?
Các “tục sĩ” nhìn nhau ngạc nhiên, bụng nghĩ lão này chắc lên cơn hâm hay sao mà hỏi lạ vậy. Song vẫn trả lời:
- Chúng tôi cười bằng mồm.
Lão chủ quán rượu “hừ” một tiếng rồi bảo:
- Thế thì phải rồi. Đời bây giờ mà cười chê người ta bằng cái mồm cha sinh mẹ đẻ của mình, thì có bị gãy răng cũng là còn may. Phải cười bằng “khuôn” mới được. Trên đỉnh ngã tư này có cửa hàng bán một thứ gọi là cái “khuôn cười”. Khuôn chỉ một cỡ, nhưng vừa cho tất cả bàn dân thiên hạ. Vì thế không cần phải đo mồm. Các anh cứ đến đấy mà mua. Từ nay muốn cười ai thì cứ chụp cái “khuôn” ấy vào mồm rồi tha hồ mà cười. Cười khùng khục, cười ra chữ nghĩa hay thơ văn gì càng tốt. Tiếng tuy có bị méo đi song người khác nghe rất vừa tai, không ai thèm động lòng.
Các “tục sĩ” nghe lời, bèn tìm đến cửa hàng ấy mua mỗi người một cái “khuôn cười”, đem chụp vào mồm rồi cười thử. Quả nhiên nghe lạ hẳn đi, không ai nhận ra tiếng của mình trước đây nữa. Lại phải nắn mồm sao cho đúng với hình dáng của cái khuôn, quá một tí là bị ngay những mũi kim chích vào hai mép đau điếng. Kết quả chỉ phát ra những tiếng lí nhí, êm ru như muỗi kêu. Giải quyết xong chuyện cười. Các “tục sĩ” quay lại hỏi lão chủ quán:
- Cười phải có “khuôn” thì được rồi. Thế còn khen thì sao?
Lão chủ quán rượu hỏi:
- Chẳng hay xưa nay các anh khen bằng cái gì?
Các “tục sĩ” trả lời:
- Thì... cũng bằng mồm đấy thôi.
Lão chủ quán rượu lại “hừ” một tiếng rồi bảo:
- Thế thì càng không được. Cái mồm cha sinh mẹ đẻ của bọn “tục sĩ” các anh, vốn thật giả khó lường, khen với chửi nhiều khi không phân biệt được. Vì thế khen mà vẫn bị hộc máu mũi ra là còn may đấy. Khen cũng phải nắn lại mồm. Nhưng không dùng khuôn, mà dùng “rọ”. ở cửa hàng ấy cũng có bán thứ đó, gọi là cái “rọ khen”. Rọ cũng chỉ một cỡ, nhưng cũng vừa với tất cả bàn dân thiên hạ. Các anh đến mua đi rồi muốn khen ngợi ai, khen cái gì, cứ chụp cái “rọ” ấy vào mồm thì tha hồ mà khen. Có dùng đến chữ nghĩa cũng chẳng sao, càng khen ra nhiều văn, nhiều thơ càng tốt. Có thế người ta mới yên tâm, mới sướng tai nghe những lời khen của các anh được.
Các “tục sĩ” nghe nói, lại lập tức đến cửa hàng ấy mua “rọ khen”. Kích thước của cái “rọ khen” này cũng hao hao cái “khuôn cười”. Nhưng lại có những lỗ mắt cáo y hệt cái rọ thường chụp vào mõm chó để đề phòng cắn càn. Quả là an toàn cho tất cả mọi người. Bèn chụp “rọ” vào mồm, rồi anh nào anh nấy thử ngâm nga mấy câu ca ngợi. Quả nhiên giọng tuy cũng lạc hẳn đi nhưng nghe rất du dương, dễ chịu.
Từ đấy, các “tục sĩ” làng Cóc anh nào cũng thủ sẵn một chiếc “khuôn cười” và một chiếc “rọ khen”, coi như hai thứ “bảo bối” trong người. Ông chủ cửa hàng bán “khuôn cười” và “rọ khen” ở đỉnh ngã tư ấy là người vừa nghĩ ra mẫu mã vừa độc quyền phân phối, nên càng ngày càng phát đạt ra trông thấy.
Cũng từ đó trở đi, mồm mũi các “tục sĩ” luôn luôn lành lặn, không còn lo bị sưng vếu, bị gãy răng hay hộc máu tươi như trước nữa. Về sau, các “tục sĩ” còn rủ nhau lập thành “hội”, có nội quy, điều lệ đàng hoàng, lại bầu ra hội trưởng, hội phó hẳn hoi, gọi là: “Hội Tục sĩ làng Cóc”.
Hội vài năm họp một lần, mỗi lần họp vui như đám mổ bò, lại cũng bầu bán rất ghê. Hội kết nạp hội viên thoải mái, ai vào cũng xong, chỉ cốt có tí “tục”, kèm theo... một bữa nhậu là được. Tiêu chuẩn quan trọng duy nhất là phải sắm cho bằng được hai thứ “bảo bối” ấy ở cửa hàng độc quyền của ông chủ ở đỉnh ngã tư kia.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 914

Return to top