Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Xuất xứ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 504 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Xuất xứ
Phạm Lưu Vũ

 
Vợ chồng cụ Cố Đặng người làng Bố vốn dòng dõi một nhà có vai vế trong làng.
Đến đời cụ thì đã sa sút đi nhiều lắm, tuy vậy vẫn còn vài chục mẫu ruộng với dăm con trâu. Gia tư vẫn vào loại khá giả có của ăn, của để. Hai cụ hiếm hoi chỉ có mỗi một cô con gái. Cô có ngoại hình bình thường, chỉ phải tội tính khí hơi thất thường nên dân làng vẫn gọi là cô Tửng. Gọi mãi thành quen, đến nỗi không ai biết đến tên cúng cơm của cô nữa. Năm cô Tửng ngoài ba mươi tuổi bỗng có người hỏi làm vợ. Chàng rể chẳng phải ai xa lạ, chính cái anh chàng lực điền họ Lê thỉnh thoảng vẫn ngụ cư cày thuê cho dân làng và cho cả nhà cụ Cố. Thật đúng cả hai đang buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Đám cưới diễn ra tha hồ mà vui vẻ, mãn nguyện. Giữa lúc ăn uống ồn ào, có một ông già chống cây gậy trúc, xưng là bạn cũ của cụ Cố tới dự. Cụ Cố vui mừng ra đón khách. Đó là cụ Thượng Quang họ Phạm, người làng Kinh, cách làng Bố đúng một cánh đồng. Cụ Thượng là người đỗ đại khoa, từng làm quan trấn xứ Sơn nam, lúc cáo quan được thăng hàm Thượng thư, vốn là bạn từ thời để chỏm của cụ Cố.

Vừa bắt đầu nâng chén thù tạc, cụ Thượng bỗng ngẩn người khi nhìn thấy chú rể ra lạy chào. Quái! - Cụ thầm nghĩ - có phải mình hoa mắt không? Con người này tướng mạo đường đường, rõ là tướng đại quý. Không những thế, trên đầu như có khí thiên tử! Cụ từng biết về chàng họ Lê này, vốn chỉ là một người cày thuê nay làng này, mai làng khác, không rõ quê hương xuất xứ, một chữ bẻ đôi cũng không. Chẳng có lẽ... Đến khi cụ cho đòi cô dâu ra lạy chào, phát hiện thấy tướng sinh quý tử của cô Tửng thì cụ buộc phải tin vào điều mình vừa nhìn thấy. Cặp vợ chồng này có khí đế vương. Nhưng bằng cách nào để leo tới cái địa vị tót vời ấy từ những thân phận thế kia?

Cụ Thượng thừ người ra ngẫm nghĩ. Thời buổi nhũng nhiễu như thế này, một chiếc ghế, một miếng ăn cũng là kết quả của những sự tranh giành quyết liệt. Con người ta sống ở đời, nếu không có vai vế, bè đảng, không con ông nọ, cháu bà kia thì dẫu có tài kinh bang tế thế cũng mãi mãi chìm lấp chốn dân gian. Huống hồ cặp vợ chồng vô danh tiểu tốt như thế này... Cụ chép miệng - chắc mình đoán sai hoặc biết đâu trên đời còn có cái lý nào đó mà mình chưa xét đến thì sao. Âu là cứ im lặng theo dõi sự biến cải càn khôn một phen, biết đâu lại gặp điều lý thú.

Bấy giờ đang là thời nhà Mạc.
Một hôm có gã Khách phương bắc tự xưng là Phong Vân đạo sĩ tới xin được ra mắt vua Mạc. Gã rập đầu tâu:
- Bệ hạ thừa hưởng cái cơ nghiệp do cướp được từ tay kẻ khác, đang lúc rối ren, thiên không gặp được thời, địa không có chỗ lợi, nhân gặp lúc bất hoà, muốn thi hành vương đạo là điều không sao có thể làm được. Chỉ có cách làm theo bá đạo mà thôi. Nay ở phương nam có vượng khí thiên tử chói ngời, nếu không kịp thời trấn áp thì cái cơ nghiệp mong manh này chắc cũng không còn được bao lâu nữa.
Vua Mạc nghe nói mừng rỡ như vớ được vàng. Bèn trả lời:
- Đó chính là điều bấy lâu nay quả nhân trăn trở mà chưa nghĩ ra kế sách. Kẻ làm vua bây giờ, cốt sao cho thiên hạ được yên, bốn phương thuần phục thì thôi, cứ gì phải vương đạo với bá đạo. Nếu Khách có thể trấn áp được cái vượng khí thiên tử ấy, cần bao nhiêu quân sĩ, ngân lượng, quả nhân sẽ đáp ứng đấy đủ.
Rồi lập tức cấp cho gã Khách ba trăm quân sĩ cùng mọi thứ xe ngựa, lương thực... hẹn ngày hoàng đạo chọn giờ tốt lên đường. Hôm ấy vào khoảng gần trưa, cụ Thượng đang ngồi trong nhà chợt nghe tiếng huyên náo, hình như có tiếng loa vọng về từ cánh đồng làng Bố. Đứa cháu chạy vào bẩm:
- Thưa - có quan quân bao vây cánh đồng, truyền loa bắt dân làng Bố về điểm mục, nghe nói có giặc trà trộn.
Cụ Thượng giật nẩy mình, linh tính báo cho cụ biết việc này có liên quan tới anh chàng họ Lê. Cụ quyết định phải tới tận nơi xem sao.
Vừa chống gậy tới giữa cánh đồng, cụ Thượng thấy phía cổng làng Bố, dân làng nghe lệnh đang lũ lượt kéo về, trong đám quan quân, phấp phới một lá cờ đề chữ: "MẠC". Cụ đưa mắt nhìn quanh, cách mấy thửa ruộng, chàng họ Lê vẫn đang thản nhiên cày như thể không nghe thấy tiếng loa truyền của quan quân. Phải báo cho anh ta biết mà trốn đi - Cụ vừa chợt nghĩ như thế thì bỗng hụt một cái, cụ vấp mô đất ngã nhào xuống một vũng nước sâu. May mà cụ kịp cắm cây gậy trúc xuống giữa vũng nước để khỏi lao cả người xuống. Tiếng loa vẫn réo ầm ầm thúc giục. Cụ vội vã lấy lại thế đứng, tìm cách kéo cây gậy lên. Lạ thay, cây gậy như có người ghì chặt lấy, mặc dù đã cố hết sức, cụ vẫn không sao rút nó lên được. Sốt ruột vì tính mạng chàng họ Lê, cụ bỏ mặc cây gậy, quay ra thửa ruộng lúc nãy để gọi anh ta.
Bỗng cụ Thượng lạnh toát người. Không còn chàng họ Lê trên thửa ruộng ấy nữa.
Rõ ràng cụ vừa trông thấy anh ta, chiếc cày vẫn còn cắm giữa ruộng, con trâu vẫn đứng ngoe nguẩy... Cụ quay nhìn về phía cổng làng, thì ra anh ta đã đi về tới gần đám lính. Không kịp nữa rồi, cụ chỉ còn biết rảo bước tới xem sự thể ra sao.
Không có chuyện gì xảy ra. Chàng họ Lê đã qua khỏi đám lính, vào hẳn trong làng. Có một gã đạo sĩ ăn mặc theo kiểu phương bắc đang ngó chăm chăm ra phía cánh đồng lúc này đã không còn bóng người. Lạ thật - gã lẩm bẩm - khí thiên tử vẫn còn vằng vặc thế kia? Sao lại không còn người nào, chẳng lẽ...
Rồi gã đạo sĩ sốt ruột kéo đám lính phăng phăng xông ra giữa cánh đồng. Lần theo một con lạch nhỏ ngoằn ngoèo như con rắn. Tới chỗ có cái vũng nước phình ra như đầu con rắn ấy, gã chợt phát hiện cây gậy trúc của kẻ nào đã cắm xuống đấy từ bao giờ. Gã giật mình toát mồ hôi. Thủ phạm chính là cây gậy. Có kẻ nào đó cao tay hơn đã cắm nó vào giữa cái huyệt ấy để giữ khí thiên tử lại nhằm đánh lừa gã. Biết gặp phải tay cao thủ, dù có cố nữa cũng vô ích, gã đạo sĩ đành dẫn đám lính rút lui ra khỏi làng.
Chờ cho bọn lính đi hết, cụ Thượng mới thong thả đi về. Tới chỗ cây gậy trúc cắm xuống vũng nước lúc nãy, cụ thử rút nó lên một lần nữa xem sao. Lạ thật, lần này thì cụ rút được nó một cách hết sức nhẹ nhàng. - Chắc tại lúc nãy mình vội quá - cụ thầm nghĩ rồi bán tin bán nghi, về tới nhà mà vẫn chẳng hiểu sự thể ra làm sao.
Sau đó khoảng nửa năm, cụ Thượng đã gần quên chuyện chàng họ Lê ấy thì bỗng một hôm, vừa chập tối có con chim khách bay về phương bắc, vừa bay vừa kêu ba tiếng. Giở tay bấm độn, cụ Thượng biết chàng họ Lê lại sắp xảy ra chuyện.
Quả nhiên vào sáng hôm sau, vừa tới cổng nhà cụ Cố Đặng, cụ Thượng đã thấy người ra kẻ vào tất bật. Leo lên mấy bậc thềm theo lời mời của cụ Cố, cụ Thượng dựng cây gậy trúc cạnh hiên, vào hẳn trong nhà mới biết hôm nay có lễ cầu tự cho vợ chồng cô Tửng vì lấy nhau đã lâu chưa có con. Tới giờ thìn, vợ chồng cô phải đội lễ xuống cúng ở đình...

Nói về gã Phong Vân đạo sĩ cùng đám quan quân, sau lần thất bại ấy, gã vẫn đóng quân tại một vùng gần làng Bố để chờ cơ hội. Hôm ấy gã gieo quẻ, biết khí thiên tử sẽ xuất hiện ở đình làng Bố vào giờ thìn ngày hôm sau. Quẻ bói cũng cho gã biết mạch khí làng ấy đang thịnh lắm, nếu không chấn yểm thì sẽ thất bại. Gã chuẩn bị sẵn một tên lính khỏe mạnh, cho ăn uống no nê rồi nửa đêm bí mật dẫn quân áp sát làng Bố.
Cuối giờ mão, gã bấm đúng một mạch đất rồi bắt tên lính khỏe mạnh kia đứng chấn giữa huyệt đạo, dặn phải đứng yên không nhúc nhích chờ cho gã cùng đám quan quân hành sự. Sau đó tất cả kéo nhau tiến về hướng đình làng.
Lúc bấy giờ ở nhà cụ Cố Đặng, thấy đã sắp đến giờ dâng lễ, cụ Cố giục chàng rể họ Lê mau mau đội lễ ra đình. Bất ngờ hình như có khách đến. Con chó mực nhà cụ Cố đang nằm trong gầm phản bỗng vừa sủa inh ỏi vừa lao vọt ra ngoài. Nó chạy qua đụng phải cây gậy trúc cụ Thượng dựng ngoài hiên. Cây gậy đổ xuống rồi vừa lăn vừa nhảy tưng tưng qua mấy bậc thềm văng xuống sân. Vừa lúc ấy chàng rể họ Lê đội mâm lễ đi tới, cây gậy quất ngang đúng ống quyển làm chàng ta vấp ngã nhào xuống sân, mâm lễ đổ tung toé. Thế là đành phải làm mâm lễ khác và chờ qua giờ ngọ mới lại đi dâng được.
Phía gã đạo sĩ và đám quan quân, lúc này đã bao vây kín đình làng Bố. Lục soát một hồi chỉ rặt một hạng nông dân chân đất mắt toét, thân cu bụng bị. Không hề tìm thấy tướng mạo đế vương đâu, ngay cả khí thiên tử cũng không thấy xuất hiện. Gã lồng lộn, tức tối song cũng đành kéo quân trở ra. Tới chỗ huyệt đạo có tên lính đứng chấn khi trước, nhìn quanh không thấy y đâu cả. Gọi mãi mới thấy y lồm cồm từ trong bụi rậm gần đấy chui ra. Gã đạo sĩ quát:
- Ta bảo ngươi đứng nguyên ở đây, cớ sao ngươi chui vào đấy làm gì?
- Bẩm - tên lính nhăn nhó đáp - con đứng được một lúc, bỗng tự nhiên đau bụng không sao chịu nổi. Chắc tại hôm qua con ăn phải...
Rốt cuộc lần thứ hai gã đạo sĩ lại nếm mùi thất bại, đành rút quân về triều tâu lại sự thể cho vua quan nhà Mạc biết. Trong đám quan văn, có kẻ bước ra tâu:
- Thần nghe nói giết lầm còn hơn bỏ sót. Nay đã xác định kẻ kia tiềm ẩn trong đám hương thôn ấy rồi, có giết sạch cả xã, cả huyện ấy đi thì cũng là một việc phải làm. Cốt sao trong đó có kẻ ta cần trừ khử là được rồi.
Vua Mạc y lời tâu, lập tức cấp cho gã đạo sĩ một nghìn quân, lại kén hai viên tướng giỏi chia làm hai đạo hành quân theo thế gọng kìm, dặn hễ thấy khí thiên tử xuất hiện ở đâu, thì giết sạch mọi người trong khu vực đó.
Cụ Thượng Quang sau lần ấy nghe tin có quan quân bao vây đình làng Bố mà không bắt được ai, thì mười phần đã tin đến tám chín phần rằng chàng họ Lê đích thị có khí đế vương mà vua quan nhà Mạc đang cố trừ khử cho bằng được. Cụ định bụng chờ cơ hội sẽ báo cho chàng ta biết để mà trốn biệt tích may ra...
Hôm ấy vừa khi đi ngủ, cụ Thượng bỗng thấy một đứa bé nhỏ chỉ độ một tấc ba phân chui từ trong giường cụ ra, nó chạy tới đầu ngõ thì mất hút. Cụ kinh ngạc bấm độn thử, thì ra lại liên quan tới anh chàng họ Lê kia. Mà lần này thì lành ít dữ nhiều. Cụ quyết định sáng sớm hôm sau phải báo ngay cho anh ta biết.
Sáng sớm, cụ Thượng không kịp dặn dò con cháu, vội vã chống gậy định sang làng Bố. Vừa ra tới đầu ngõ, bỗng cụ lại nhìn thấy đứa bé một tấc ba phân tối hôm qua. Nó quặp chặt lấy chân cụ, cắn một miếng làm cụ đau thót tận tim gan, phải quăng cả gậy rồi lăn đùng ra. Con cháu không hiểu chuyện gì tưởng cụ phải gió, vội cuống quýt khiêng cụ vào nhà. Đúng một giờ ba khắc sau, cơn đau đột nhiên biến mất, cụ lại thấy khỏe khoắn như chưa hề bị cắn bao giờ. Nghĩ tới việc ở làng Bố, sợ không kịp báo cho chàng họ Lê, cụ lại chống gậy, vội vã bước đi.

Nói về gã Phong Vân đạo sĩ. Đã sẵn sàng nếu cần thì giết sạch theo lệnh của vua Mạc. Nhưng không ngờ lần này gã gặp may. Đám quan quân bí mật bao vây làng Bố từ nửa đêm. Sáng tinh mơ cứ ai thò ra khỏi làng là chúng bắt. Bắt đến người thứ chín thì đúng anh chàng họ Lê, vốn hôm ấy cụ Cố sai lên núi hái thuốc. Cái tướng đế vương cùng khí thiên tử ngùn ngụt của anh ta làm gã đạo sĩ không thể nào lầm được. Gã mừng hú vội sai bỏ chàng họ Lê vào cũi rồi cấp tốc giải về kinh.
Khi cụ Thượng lên tới làng Bố thì mọi sự đã an bài. Chàng họ Lê đã nằm trong cũi. Cụ chỉ còn biết dậm chân kêu khổ, tiếc rằng mình tới chậm, giá như không bị cắn bởi cái thằng bé quỷ quái ấy...
Lúc bấy giờ sự nghiệp trung hưng nhà Lê do Thái sư Lượng Quốc Công Trịnh Kiểm phò tá chống lại nhà Mạc đang lên như diều gặp gió. Vua tôi Lê - Trịnh đã chiếm phần lớn đất đai vùng thượng du. Quân nhà Mạc càng đánh càng tỏ ra kém thế vì không được lòng dân. Đang lúc thuận lợi, vua Lê mới có hai mươi hai tuổi bỗng bị bạo bệnh rồi mất mà không có con nối. Trịnh Kiểm họp các tướng lại nói:
- Nước không thể một ngày không có vua. Chúng ta đem thân phò tá, xông pha chiến trận để lập công danh cũng mong có ngày được phong quan tước. Nay nếu không có vua thì bây giờ dân biết theo ai, sau này dẫu may mà thành công thì ai là người phong quan tước cho chúng ta.
Rồi lập tức sai người đi khắp nơi tìm con cháu vua Lê. Song trải bao năm loạn lạc, binh hoả liên miên. Con cháu vua Lê người thì đã chết, người thì thay tên đổi họ, trốn tránh, lẩn khuất trong dân gian. Tìm ra đúng dòng dõi vua Lê lúc bấy giờ thật chẳng khác nào mò kim đáy bể.
Bất ngờ nhận được tin mật báo rằng vùng ấy có khí thiên tử mà vua quan nhà Mạc đang cố trấn áp mấy lần chưa được. Trịnh Kiểm mừng quá vội sai các tướng mang quân chia làm mấy đường tìm đến. Khi quân sĩ của Trịnh Kiểm đến được làng Bố thì chàng trai họ Lê vừa bị bắt giải đi hôm trước, bèn vội vã đuổi theo. Tới bến đò Đoan vỹ thuộc địa phận phủ Thanh liêm thì bắt gặp. Hai bên giao chiến trong độ nửa giờ, quân nhà Mạc không chống nổi đành mạnh ai nấy chạy, bỏ lại chiếc cũi nhốt chàng họ Lê, cả gã Phong Vân đạo sĩ cũng bị bắt sống.
Không chịu được tra tấn, gã Phong Vân đạo sĩ đành khai hết mọi việc về chàng họ Lê. Trịnh Kiểm mừng như vớ được vàng, định ngay lập tức lập làm vua. Song có kẻ bàn:
- Người này tuy họ Lê song không rõ xuất xứ, chắc gì thuộc dòng dõi vua Lê. Chi bằng ta hãy thong thả cho người điều tra rõ tông tích, nếu đúng sự thật thì danh cũng chính mà ngôn cũng thuận, hợp với sự trông ngóng của bốn bể. Bấy giờ ta hãy lập cũng chưa muộn gì. Nay vội vàng lập lên nhỡ ra xuất xứ lại thuộc hàng hạ dân thì lúc ấy hối cũng không kịp.

Có kẻ lại bàn:
- Bây giờ lòng người ly tán, thiên hạ mong có vua như nắng hạn mong được mưa rào. Chờ điều tra xuất xứ nữa thì biết đến bao giờ. Vả lại trong lúc loạn lạc, lẫn lộn vàng thau thế này chính là lúc kẻ làm tướng cần phải quyền nghi. Xuất xứ thế nào chính tự ở ta chứ ở đâu ra nữa. Nếu kẻ kia quả thực không phải dòng dõi Thái Tổ Cao Hoàng Đế (trỏ Lê Lợi), thì Đức Thái Tổ còn có người anh thứ tên là Trừ đã được tặng phong Lam Quốc Công. Biết đâu lại chẳng có dòng dõi từ đấy. Thế thì cũng là dòng Hoàng tộc. Không những thế còn có cái điềm trấn áp khí thiên tử của họ Mạc mà bấy lâu nay thiên hạ đã nghe nói. Chính là ứng với người này. Thế là trong thì lòng quân đã định, ngoài thì thiên hạ đã nghe. Dẫu có dòng giống hay không phỏng quan trọng gì.
Trịnh Kiểm nghe bàn mừng lắm bèn quyết định chọn ngày lành tháng tốt, đắp đàn thụ thiện, tôn chàng họ Lê lên ngôi vua, bố cáo thiên hạ, tự nhận là cháu năm đời của Lam Quốc Công Lê Trừ, anh ruột Thái Tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi khi xưa...
Lại nói cụ Thượng Quang bấy giờ nghe tin chàng họ Lê thoát nạn đã lên ngôi hoàng đế, vô cùng thán phục mà than rằng:
- Lẽ đời thật là huyền diệu, muốn cũng không mà chẳng muốn cũng không được. Không nói ra cũng thế mà nói ra cũng thế. Tưởng là cơ Trời lại hoá ra ngẫu nhiên, tưởng ngẫu nhiên mà lại hoá cơ Trời. Thế mới hay Cơ Trời là ngẫu nhiên hay ngẫu nhiên chính là Cơ Trời thì đó là điều mà con người không sao có thể biết được.
Tuy nhiên cái điềm lành ít dữ nhiều trong quẻ bói trước khi chàng họ Lê bị quân nhà Mạc bắt thì phải đợi mười sáu năm, lúc ấy vua tôi sinh mối bất hoà, đương kim hoàng đế bị ép phải thắt cổ chết thì cụ Thượng mới chứng nghiệm hết được.
Rồi từ đó cụ đóng cửa nằm nhà viết sách, không bước chân đi đến đâu nữa. Câu chuyện trên đây rút ra từ bút tích của cụ do một người hậu duệ rất xa còn lưu giữ lại được.


(Đã đăng trên báo Người Hà Nội)



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 172

Return to top