Kiêu Ngạo không phải là một tánh tốt. Nhưng kẻ sĩ trong thiên hạ xưa nay không mấy người tránh khỏi. Như Tản Đà Nghuyễn Khắc Hiếu, Chu Thần Cao Bá Quát ..., là những vật của nước ta trong khoảng gần đây có nhiều câu chuyện biểu hiện khí cốt cao ngạo của hai nhà.
Như chuyện xảy ra giữa Tản Đà và Vi Văn Định.
Vi Văn Định làm Tổng Đốc Hà Đông, mộ tiếng Tản Đà, đưa thiếp đến mời sang dinh hội ẩm. Tản Đà bảo người đi mời:
- Nhờ bẩm lại giùm cùng quan lớn rằng: nếu quan lớn đòi tên dân Nguyễn Khắc Hiếu đến có việc quan, thì Hiếu không dám trễ, bằng quan lớn muốn đối ẩm cùng Hiếu, thì mời quan lớn quá bước đến tệ xá, Hiếu xin hầu.
Câu chuyện giữa Tản Đà và Vi Văn Định thật giống hệt chuyện nhà cao sĩ Vương Miện và viên tri huyện họ Thời trong Nho Lâm ngoại sử của Ngô kính Tử đời Thanh. Và Tản Đà cùng như Vương Miện, được tránh khỏi nanh vuốt của nhà cầm quyền, mặc dù nhà cầm quyền rất căm giận. Đó cũng nhờ có danh mà không có tội.
Nhưng thái độ của Tản Đà không khó chịu bằng thái độ Chu Thần.
Chu Thần được một nhà quyền quí nọ mời uống rượu. Rượu được vài tuần, chủ nhân xin được nghe thơ. Chu Thần ứng khẩu đọc:
Hữu khách thỉnh ẩm tửu
Bất tri khách thị thùy.
Kim tịch thị hà tịch ?
Thiên cao minh nguyệt tri.
Nghĩa là:
Có khách mời uống rượu,
Chẳng biết khách là ai.
Đêm nay đêm nào nhỉ?
Trời cao trăng sáng soi.
Nghe chuyện ấy, có người bất bình hỏi:
- Người ta có bụng tốt mời mình đến chung vui, sao mình lại trở mặt khinh miệt người ta thế ?
Xin thưa:
- Tất cả mọi việc trên dương thế đều có nguyên nhân. Phải xét sâu mới thấy rõ. Người đời, kẻ thì lấy quyền thế mà khinh người, kẻ thì lấy học thức mà khinh người. Kẻ quyền thế thường khinh tất cả mọi người mà địa vị kém mình. Còn kẻ học chỉ khinh những người đáng khinh, phần nhiều là những người có địa vị cao mà học thức kém hoặc tư cách kém. Vì vậy kẻ quyền quí thường ghét kẻ học thức. Ghét nhưng lại ưng làm thân. Mà làm thân không phải vì ái mộ, mà chính là muốn dùng kẻ học thức - tức là kẻ sĩ - để làm đồ trang sức cho cuộc đời giàu sang của mình, hoặc để làm phương tiện, làm công cụ nâng đời sống của mình lên cao sang. Nghĩa là họ muốn làm thân cùng kẻ sĩ vì họ chớ không phải vì kẻ sĩ.
Đối với kẻ sĩ, nhất là đối với kẻ hàn sĩ, người quyền thế thường lấy phú quí mà làm mồi, không nhử được, họ bèn dùng uy vũ mà hiếp.
Kẻ sĩ biết rõ tâm lý của kẻ quyền quí nên luôn luôn đề phòng, và để chống lại thói khinh bạc của đối phương, kẻ sĩ không có khí giới nào khác hơn là khí ngạo.
Đó là sự cực chẳng đã mà thôi.
Nhiều khi kẻ sĩ cố ý tỏ ra khinh người, để người bị khinh thắm ý mà sửa lỗi. Như trường hợp Điền Tử Phương và Tử Kích đời Chiến Quốc:
Tử Kích là một bậc quyền quí. Tử Phương là một hàn sĩ có đại danh. Tử Kích gặp Tử Phương ở giữa đàng, liền xuống xe vái chào. Tử Phương làm lơ không đáp. Tử Kích nổi giận hỏi:
- Kẻ phú quí hay khinh người đã đành, kẻ bần tiện có khinh người được không?
Tử Phương đáp:
- Kẻ bần tiện mới có thể khinh người. Kẻ phú quí sao dám khinh người. Vua mà khinh người mà mất nước, quan mà khinh người thì mất chức. Còn kẻ học thức xử cảnh bần tiện, đi đến đâu mà lời nói vua quan không nghe, việc làm vua quan không theo, thì xỏ chân vào giày đi lập tức. Đến chỗ nào chẳng được bần tiện, còn lo sợ gì mà không dám khinh người!
Tử Kinh nghiêng mình tạ lỗi. Tử Phương phất tay áo mà đi.
Mà khinh người chẳng những chỉ khinh người quyền quí mà trên đầu còn có kẻ quyền quí hơn. Kẻ sĩ còn tỏ ý khinh cả những bậc chí tôn, nghĩa là cả vua chúa, nếu vua chúa ấy không đáng để kẻ sĩ phụng sự. Đây là bằng chứng:
Vua Tuyên Vương nước Tề đến chơi nhà Nhan Súc, Vua bảo:
- Súc hãy lại đây.
Nhan Súc cũng bảo:
- Vua hãy lại đây.
Các quan tùy tùng thấy vậy bèn nói:
- Vua là bậc chí tôn. Súc là kẻ thần hạ. Vua bảo Súc lại đây. Súc cũng bảo " Vua lại đây ". Như thế có nghe được không?
Nhan Súc đáp:
- Vua gọi Súc mà Súc lại, thì Súc là người hâm mộ thần thế. Súc gọi vua mà vua lại, thì vua là người quí trọng hiền sĩ. Nếu để Súc này mang tiếng hâm mộ quyền thế, thì sao bằng để vua được tiếng quí trọng hiền tài.
Vua nghe nói, nổi giận, gắt:
- Vua quí hay kẻ sĩ quí?
Nhan Súc đáp:
- Kẻ sĩ quí, vua không quí.
Vua hỏi:
- Có sách nào nói thế không ?
Nhan Súc đáp:
- Có. Ngày trước nước Tần sang đáng nước Tề có hạ lệnh : " Ai đến gần mộ Liễu Hạ Huệ kiếm củi, thì bị xử tử" . Lại có lệnh nữa : " Ai lấy được thủ cấp vua Tề thì được phong hầu và thưởng ngàn vàng". Xem thế đủ biết cái đầu ông vua sống thực không bằng cái mả kẻ sĩ đã chết.
Vua Tuyên Vương nói:
- Than ôi! Người quân tử ai mà dám khinh! Quả nhân cam chịu lỗi. Nay Quả Nhân xin làm đệ tử để tiên sinh dạy bảo cho. Tiên sinh mà về với Quả Nhân, thì được ăn sung mặc sướng, lên xe xuống ngựa, vợ con được quần áo xênh xang tha hồ đẹp.
Nhan Súc Từ chối:
- Ngọc vốn ở núi, lấy ra mài dũa, chế làm đồ vật, tuy đem bày biện có phần quí báu, nhưng cũng là hỏng, vì vóc ngọc không còn. Kẻ sĩ nơi hoang dã bỏ ra làm quan, tuy vinh hiển thật, song hình, thần không còn được toàn. Súc xin ở nhà, lúc đói mới ăn, thì rau mắm cũng ngon như cá thịt; lúc đi cứ bước một khoan thai, thì cũng nhẹ nhàng như lên xe xuống ngựa; suốt đời không tội lỗi cùng ai, thì cũng sung sướng như quan cao chức trọng. Hình, thần lúc nào cũng được thanh khiết chính đính, thế là đủ khoan khoái cho Súc rồi.