Người đời thường lấy danh và lợi để làm thân nhau. Do đó thường phản bội nhau.
Nếu lấy nghĩa mà đối đãi nhau, thì lúc thường cũng như lúc biến, mới mong giữ vững được lòng thủy chung.
Chuyện Trí Bá và Dự Nhượng đời Chiến Quốc là một bằng chứng cụ thể.
Trí Bá là quan Thượng Khanh nước Tấn, cùng với Hàn Hổ, Ngụy Câu và Triệu Vô Tuất nắm quyền bính trong nước.
Trí Bá muốn chiếm đoạn giang san nhà Tấn bèn hội bọn gia thần thương nghị. Bọn gia thần của Trí Bá có Trí Khai, Trí Quốc là thân thuộc của Hi Tì, Dụ Nhượng là thủ túc. Hi Tì nói:
- Bốn quan khanh quyền lực bằng nhau, nếu chúng ta khởi sự, ắt ba nhà kia chống cự. Chi bằng trừ ba nhà kia trước rồi sẽ lo đến việc nước Tấn.
Trí Bá hỏi:
- Nên dùng cách nào để trừ ba nhà ấy?
Hi Tì đáp:
- Nay nước Việt đang thịch, chiếm quyền bá chủ của nước Tấn. Ngài mượn cớ cất quân đánh Việt để giành lại quyền bá chủ cho nước Tấn, lại tâu cùng nhà vua bắt ba nhà Hàn, Ngụy, Triệu phải nạp vào công gia một trăm dặm đất để thu thuế nạp vào quân phí. Nếu họ chịu thì họ Trí ta được thêm đất, khí thế hùng cường. Bằng không chịu thì Ngài tâu xin nhà vua đem quân trừ diệt. Đó là kế "Muốn ăn quả phải bóc vỏ trước " vậy.
Trí Bá khen hay rồi sai Trí Khai đến Hàn Hổ. Họ Hàn không dám chống cự, sai vẽ điạ đồ một trăm dặm đất, ngày hôm sau đem nạp cho Trí Bá. Trí Bá cả mừng bày tiệc thiết đãi.
Rượu được vài tuần Trí Bá sai đem bức tranh vẽ Biện Trang Tử nước Lỗ đâm chết ba con hổ, cho Hàn Hổ xem và nói đùa:
- Tôi thường xem sách, thấy các nước cũng có kẻ trùng tên với ngài. Như Tề có Cao Hổ, Trịnh có Hàn Hổ. Nay Tấn ta lại có ngài là Hàn Hổ.
Lúc bấy giờ có Đoàn Quì là mưu sĩ theo hầu Hàn Hổ, đứng bên cạnh, nghe nói động đến chủ mình, bèn thưa:
- Cứ theo lễ thì không nên động đến tên húy của nhau. Ngày nói đùa chủ tôi như vậy tưởng thất lễ lắm.
Đoàn Quì thân ngũ đoản, đứng cạnh Trí Bá chỉ tới vú. Trí Bá lấy tay vỗ vào trán Đoàn mà nói:
- Thằng bé này biết gì mà xen vào? Liệu có muốn miếng ăn thừa nào chăng?
Nói xong vỗ tay cười ầm lên. Đoàn Quì đưa mắt nhìn Hàn Hổ. Hàn Hổ giả cách say, nói vài câu rồi cáo từ ra về.
Trí Quốc hay việc ấy liền vào nói cùng Trí Bá:
- Ngài đã đùa Hàn Hổ lại còn khinh bỉ Đoàn Quì, tôi e rằng việc này gieo vào lòng họ mối thù không nhỏ. Xin Ngài phải đề phòng. Trí Bá trợn mắt nói:
- Tôi không hại người ta thì thôi, chứ người ta làm sao hại tôi nổi.
Trí Khai thưa:
- Loài ong, loài kiến còn hại được người, huống chi là bọn quân tướng. Ngài không phòng bị, e rồi hối không kịp.
Trí Bá cười, nói:
- Ta bắt chước Biện Trang Tử, một tay đâm chết ba con hổ. Lo gì những giống ong kiến.
Ngày hôm sau Trí Bá lại sai người sang đòi cắt đất của Ngụy Câu. Ngụy Câu nghe lời mưu sĩ, đem một trăm dặm đất nộp cho Trí Bá. Trí Bá lại cho người sang họ Triệu đòi nạp đất. Triệu Vô Tuất nổi giận nói:
- Đất phong là của tiền nhân ta để lại, ta há chịu đem nạp cho ai. Họ Ngụy và Hàn có đất thì cứ nạp, ta nhất quyết không theo thói du mị ấy.
Trí Bá rất giận, sai người đến ước với họ Hàn họ Ngụy, hẹn hễ thắng được Triệu Vô Tuất thì đem đất họ Triệu chia làm ba. Hàn Hổ và Ngụy Câu vì sợ thế lực của Trí, lại ham đất đai họ Triệu, nên đem quân theo Trí Bá đi đánh Triệu Vô Tuất.
Vô Tuất liệu không thể chống nổi với quân ba họ, bèn bỏ Triệu phủ sang thành Tấn Dương cố thủ. Quân ba nhà vây thành đến một năm mà không hạ nổi. Sau dùng đến kế đem nước sông vào thành làm ngập hết nhà cửa. Triệu Vô Tuất hoảng sợ. Mưu sĩ là Trương Mạnh Đàm dùng kế ra thuyết phục họ Ngụy và Hàn phản lại Trí Bá. Mạnh Đàm nói:
- Hàn và Ngụy giúp họ trí là mong giết được họ Triệu để chia đất. Hai ngài quả chưa kịp nghĩ. Đất của tiên nhân mà họ Trí còn bắt hai ngài nạp, huống hồ đất của người khác. Sau này trừ xong họ Triệu, tôi e các ngài đã không chia được đất họ Triệu mà còn mất luôn đất của mình nữa. Nay đất họ Trí nhiều hơn đất họ Triệu, nếu Hàn và Ngụy muốn chia đất thì nên quay lại cùng chủ tôi diệt họ Trí. Đang lúc nguy ngập mà được Hàn Ngụy giúp sức, chủ tôi không lẽ nào phụ ơn.
Hàn Hổ chưa quyết, bàn cùng Đoàn Quì. Nhân trước kia bị Trí Bá làm nhục oán hận chưa nguôi, nay nghe chuyện phản họ Trí, Đoàn Quì liền tán thành ngay. Hàn Hổ đến tham nghị cùng Ngụy Câu. Ngụy Câu cùng Ngưu Thần bàn tính mấy hôm rồi mới cùng Hàn Hổ và Trương Mạnh Đàm uống máu ăn thề, hẹn nửa đêm hôm sau ở ngoài phá đê cho nước rút lui. Ở trong quân Triệu kéo ra để cùng bắt Trí Bá.
Đúng hẹn, Ngụy Câu và Hàn Hổ mật sai người giết chết quân giữ đê, khai cừ cho nước chảy về phía dinh trại của Trí Bá đóng. Trí Bá không đề phòng, bị nước ngập thình lình, quân sĩ chết vô số. Biết họ Ngụy họ Hàn phản mình, Trí Bá ngửa mặt lên trời than:
- Ôi! Bởi ta không nghe Hi Tỳ nên mới đến nỗi này!
Hi Tỳ đoán biết thế nào Hàn Ngụy cũng làm phản, nên đã nhiều lần khuyên Trí Bá phải đề phòng. Trí Bá không chịu nghe lời. Hi Tỳ bèn bỏ đi để khỏi mang họa. Lúc bấy giờ chỉ còn Trí Quốc và Dự Nhượng ở bên cạnh Trí Bá. Dự Nhượng liều thân cự địch để cho Trí Quốc bơi thuyền đưa Trí Bá đi trốn. Chẳng ngờ Trương Mạnh Đạt biết trước chận đánh, Trí Quốc không địch nổi bị chết và Trí Bá bị bắt sống.
Dự Nhượng nghe tin, bỏ trốn vào Thạch Thất Sơn.
Trương Mạnh đem Trí Bá nạp cho Triệu Vô Tuất. Vô Tuất kể tội rồi đem giết.
Để tru diệt tộc đảng họ Trí, và để lấy đất đai của họ Trí chia cho nhau, Vô Tuất cùng họ Ngụy Hàn vu cho Trí Bá phản quốc. Nhưng vẫn chưa đã giận, Vô Tuất còn đem đầu lâu của Trí Bá dùng làm đồ đi tiểu.
Dự Nhượng ở Thạch Thất Sơn hay được việc ấy, khóc lớn có than rằng:
- Ta chịu ơn họ Trí rất nặng. Nay họ Trí đã bị diệt mà còn bị người ta làm nhục đến nắm xương tàn. Như thế ta còn mặt mũi nào sống nữa!
Đoạn đổi tên họ, giả kẻ làm thuê, giắt dao nhọn vào dinh họ Triệu, chực ám sát Vô Tuất. Chẳng may việc bại lộ, Dự Nhượng bị bắt. Vô Tuất hỏi:
- Ta không có thù gì với nhà ngươi. Cớ gì nhà ngươi lại mong làm hại ta?
Dự Nhượng khẳng khái đáp:
- Ta là bề tôi của Trí Bá. Vì họ Trí báo thù.
Vô Tuất tự nghĩ:
- Họ Trí đã bị diệt, thế mà Dự Nhượng vẫn nhớ ơn không bỏ. Kẻ trung nghĩa ấy, ta nỡ nào giết đi.
Bèn tha Dự Nhượng.
Dự Nhượng ra về, lo việc trả thù nữa. Sợ người biết mặt khó hành động, họ Dự xén râu, cạo chân mày và sơn mình, giả làm kẻ hủi, đi ăn xin ngoài chợ. Người vợ đi tìm chồng nghe tiếng, mừng rỡ chạy lại, nhưng ngơ ngác, lẩm bẩm:
- Lạ thật, rõ là tiếng chồng ta, nhưng sao hình dung lại khác đến thế?
Thấy vợ nhận biết được tiếng, Dự Nhượng bèn nuốt than hồng cho khản giọng, rồi luẩn quẩn ăn xin ở Tấn Dương để đợi thời.
Một hôm dò biết Vô Tuấn sắp đến xem chiếc Xích Kiều mới bắt xong, Dự Nhượng bèn giắt dao lén đến núp dưới gầm cầu, đợi Vô Tuấn. Vô Tuấn vừa tới đầu cầu thì con ngựa kéo xe bỗng hí lên một tiếng rồi thối lui. Ai nấy đều lấy làm lạ. Vô Tuấn xuống xe bảo lục xem có vật gì làm cho ngựa sợ. Kẻ tùy tùng tìm kiếm khắp nơi rồi về thưa rằng chỉ thấy một tên hủi nằm dưới gầm cầu. Vô Tuấn bảo dẫn đến xem, thì tuy hình dung đổi khác, vẫn nhận ra được Dự Nhượng, bèn mắng rằng:
- Khi trước nhà ngươi thờ họ Phạm. Họ Phạm bị họ Trí diệt, nhà ngươi tham sống theo thờ Trí Bá. nay họ Trí bị diệt, ngươi lại cố ý báo thù là nghĩa làm sao?
Dự Nhượng đáp:
- Khi trước ta thờ Phạm thị, Phạm thị đãi ta là chúng nhân, nên ta lấy lòng chúng nhân xử lại. Nay ta thờ Trí Bá, Trí Bá nhường cơm sẻ áo cho ta, đãi ta là quốc sĩ, nên ta cũng lấy lòng quốc sĩ mà xử lại. Hai bên khác nhau, so sánh thế nào được?
Vô Tuấn nói:
- Lòng nhà ngươi như sắt đá, không thể lay chuyển. Ta không thể tha nhà ngươi được nữa. Nhưng ta cho nhà ngươi được quyền xử lấy.
Dự Nhượng ứa nước mắt nói:
- Ngài tha cho một cũng đã quá lắm rồi. Tôi nghe kẻ trung thần không sợ chết, bậc minh chủ không bỏ điều nghĩa. Tôi hai lần báo thù cho chủ mà không được, lòng uất ức không bao giờ tan. Nếu ngài có nhân, xin cởi áo cho tôi đánh vào đó mấy cái, gọi chút nghĩa báo thù, thì chết cũng hả dạ.
Vô Tuấn thương lòng nghĩa khí, liền cởi áo bào trao cho. Dự Nhượng cầm kiếm, trừng mắt nhìn vào chiếc áo như nhìn vào kẻ thù, rồi chuyển thần lực đánh vào áo ba lần, vừa đánh vừa hét. Đoạn trỏ gươm đâm vào cổ mà chết,
Từ xưa đến nay ai cũng khen Dự Nhượng là người có đại nghĩa.
Mà Dự Nhượng hết lòng với Trí Bá vì cảm ơn tri ngộ. Còn Trí Bá bị Hàn Hổ và Ngụy Câu phản vì thất lễ và vì lợi. Cho nên cách đãi ngộ là một yếu tố cần thiết và quan trọng nhất trong việc thu phục và củng cố nhân tâm.