Dũng là Mạnh.
Nhưng những kẻ được gọi là DŨNG SĨ chẳng những chỉ mạnh về thể xác mà còn phải mạnh về tinh thần. Sức mạnh về tinh thần lại là yếu tố chính để trở thành kẻ dũng sĩ.
Để chứng minh xin kể chuyện Tiêu Khâu Tố và Yêu Ly đời Chiến Quốc
Tiêu Khâu Tố là người ở Đông Hải, sang nước Ngô để điếu tang. Khi đến sông Hoài, Khâu Tố toan cho ngựa xuống bến uống nước thì viên tân lại bảo:
- Con sông này có vị thủy thần hay bắt ngựa. Ông đừng cho ngựa xuống sông. Khâu Tố cười, nói:
- Có ta đứng đây thủy thần nào dám lên bắt ngựa.
Nói đoạn dắt ngựa xuống bến cho uống nước. Con ngựa vừa lội xuống, bỗng ré lên một tiếng rồi chìm mất tăm. Khâu Tố nổi giận, tuốt gươm nhảy xuống sông tìm ngựa. Thủy thần hoá phép nổi sống gió. Khâu Tố không chút sợ hãy, cùng Thủy thần đánh nhau suốt ba ngày đêm. Ngày thứ ba, Khâu Tố nhảy lên bờ, toàn thân không dấu vết, chỉ bị chột hết một mắt mà thôi. Không lấy lại được ngựa, Khâu Tố phải sắm ngựa khác mà đi.
Đến nước Ngô, trong đám tang đông người, Khâu Tố đem chuyện đánh cùng thủy thần ra khoe, thái độ kiêu hãnh, không coi ai ra gì, một kẻ sĩ nước Ngô là Yêu Ly thấy vậy bất bình, nói cùng Khâu Tố:
- Nhà ngươi kiêu căng, tự xưng mình là dũng sĩ, ta rất lấy làm hổ thẹn. Ta nghe rằng dũng sĩ đã đánh với ai thì thà chịu chết chứ không chịu nhục. Ngươi đánh cùng thủy thần đã không lấy lại được ngựa, còn để cho thủy thần đánh chột mắt như thế, không biết xấu hổ, còn khoe khoang nổi gì ?
Khâu Tố thẹn thùng bỏ ra về. Yên Ly cũng về, bảo vợ:
- Ta đã làm nhục Khâu Tố trong đám tang, thế nào hắn cũng đến trả thù. Đêm nay ta nằm giữa nhà đợi hắn. Nàng chớ đóng cửa.
Người vợ theo lời. Đêm ấy, canh tư, quả nhiên Khâu Tố đến. Thấy cửa bỏ trống vào nhà. Lại thấy Yêu Ly nằm yên bèn rút kiếm đến gần, kề vào cổ, nói:
- Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Biết Chưa?
Yêu Ly thản nhiên đáp:
- Chưa.
Vẫn kề gươm vào cổ Yêu Ly, Khâu Tố kể:
- Một là làm nhục ta trong đám tang. Hai là về nhà không biết đề phòng, bỏ cửa trống. Ba là thấy ta đến mà không chạy trốn.
Yêu Ly hỏi lại:
- Còn nhà ngươi có ba điều hèn. Biết chưa?
Khâu Tố chột dạ đáp:
- Chưa.
Yêu Ly ung dung kể :
- Ta làm nhục ngươi trước số đông mà nhà ngươi không dám nói một lời. Đó là điều hèn thứ nhất. Nhà nguơi vào nhà ta mà không lên tiếng, có ý lén lút như kẻ trộm, đó là điều hèn thứ hai. Cầm gươm kề ta rồi mới dám nói khoác. Đó là điều hèn thứ ba. Nhà ngươi có ba điều hèn như thế thật đáng khinh bỉ.
Nghe xong, Khâu Tố quăng gươm xuống đất than:
- Vũ dũng như ta, trên đời thật ít kẻ bằng, song nhà ngươi thật hơn ta gấp bội. Giết nhà ngươi thì ta sẽ mang tiếng suốt đời, bằng không thì ta không còn tiếng là vũ dũng.
Nói đoạn đập đầu vào cột mà chết.
Người đời sau khen Yêu Ly là Dũng sĩ mà cũng khen Khâu Tố là có tinh thần của người quân tử. Đức Khổng dạy rằng: " Kẻ dũng không sợ ". Lại dạy : " Biết xấu hổ gần với dũng". Khâu Tố không sợ chết và biết xấu hổ trước lời nói phải. Như thế, tuy có thua Yêu Ly về chổ sáng suốt, vẫn xứng đáng gọi là Dũng Sĩ.
Câu chuyện giữa Yêu Ly và Khâu Tố bay đến tay Vua Ngô là Hạp Lư.
Hạp Lư tức là Công tử Quang giết vua Ngô là Vương Liêu và lên nối ngôi dùng Ngũ Tử Tư làm tướng quốc.
Vương Liêu có một công tử là Khánh Kỵ lưu lạc ở nước Trịnh. Hạp Lư sợ Khánh Kỵ phục hận, muốn cho người đi thích khác, mới hỏi Ngũ Tử Tư. Tử Tư đáp:
- Việc này khó khăn lắm. Tuy vậy tôi có quen một người bé nhỏ, có thể dùng việc này được.
Hạp Lư nói:
- Khánh Kỵ có sức khoẻ muôn người khôn địch. Một người bé nhỏ thì làm gì nên việc.
Tử Tư đáp:
- Vóc tuy bé, nhưng sức định muôn người, trí khôn hơn người, lo gì không thắng nổi Khánh Kỵ.
Đoạn giới thiệu Yêu Ly. Hạp Lư cho triệu Yêu Ly đến. Nghe tiếng Yêu Ly, tưởng Yêu Ly là người khôi ngô tuấn tứ, nhưng khi trông thấy hình thù đã thấp bé, mặt mũi lại xấu xí, Hạp Lư có ý không bằng lòng, bèn hỏi:
- Ngũ Viên nói Yêu Ly là dũng sĩ, có phải nhà ngươi chăng?
Yêu Ly đáp:
- Tôi nhỏ bé, không có sức khỏe, gió thổi cũng đủ ngã, nhưng hễ Đại Vương sai bảo gì, tôi cũng dám làm.
Hạp Lư mời Yêu Ly vào Hậu cung. Yêu Ly hỏi:
- Có phải Đại Vương muốn giết Công tử Khánh Kỵ chăng? Điều này tôi có thể làm được.
Hạp Lư cười:
- Khánh Kỵ sức mạnh lạ thường, chạy mau hơn ngựa. Ta sợ nhà ngươi địch không nổi.
Yêu Ly nói:
- Thắng người cốt ở trí khôn, đâu phải ở sức khoẻ. Tôi được gần Khánh Kỵ thì giết Khánh Kỵ có khó gì.
Hạp Lư bảo:
- Khánh Kỵ là kẻ mưu trí. Thấy nhà ngươi là người nước Ngô, đời nào cho đến gần.
Yên Ly đáp:
- Khánh Kỵ lâu nay chiêu nạp anh hùng hào kiệt bốn phương, dung dưỡng những có có tội, cốt đem về phục nghiệp, báo thù. Nay tôi giả làm người có tội, đi trốn. Xin Đại Vương giết vợ con tôi, chặt cánh tay phải của tôi, để cho Khánh Kỵ tin tôi. Như thế mới thành công được.
Hạp Lư có ý buồn bã, nói:
Một kẻ không có tội gì mà phải bị phế gia đình, hại bản thân, lòng ta sao nỡ.
Yêu Ly khẳng khái đáp:
- Vui với vợ con mà bỏ đạo vua tôi sao gọi là trung. Giúp người mà không chịu hy sinh thì sao gọi là nghĩa. Tôi đã cố giữ tròn trung nghĩa, dẫu phải hy sinh đến đâu cũng vui lòng.
Hạp Lư cau mày, không quyết. Ngũ Tử Tư đứng bên cạnh nói chen vào :
- Làm tôi hy sinh vì chúa là việc thường. Yêu Ly vì nước quên nhà quên thân. Đó là bậc hào kiệt. Lúc xong việc, Đại Vương phong tặng cho gia đình, để tiếng lại nghìn thu. Như thế là đủ.
Hạp Lư nhận lời.
Ngày hôm sau Ngũ Tử Tư và Yêu Ly vào triều xin vua Ngô phong cho Yêu Ly làm tướng, cử binh đi đánh Sở. Hạp Lư nói:
- Ta xem sức Yêu Ly trói gà không chặt, làm gì cầm quân ra trận được. Vả lại, trong nước chưa yên, ta không muốn chinh phục nước ngoài.
Yêu Ly lớn tiếng đáp:
- Ngũ Viên vì thù cha mà phải bỏ nước Sở sang giúp Đại vương thu phục giang sơn nước Ngô, mà Đại Vương lại không chịu giúp Ngũ Viên báo được thù riêng thì thật là thiếu độ lượng.
Hạp Lư nổi giận vỗ án thét :
- Nhà ngươi biết đâu được việc lớn trong nước. Sao dám dùng lời lỗ mãng với ta.
Đoạn truyền võ sĩ bắt Yên Ly chặt một cánh tay, rồi đem giam vào ngục. Rồi lại sai người bắt giết cả vợ con Yêu Ly. Ngũ Tử Tư thở dài lui ra. Các quan trong triều không hiểu gì cả.
Ngày hôm sau, Ngũ Tử Tư sai người đến mở cửa ngục cho Yên Ly trốn thoát .
Đi đến đâu Yên Ly cũng kể nỗi oan khổ của mình, rồi tìm đến ra mắt Khánh Kỵ, kể hết hoàn cảnh đau đớn.
Khánh Kỵ không tin. Yêu Ly bèn cởi áo cho xem dấu hình phạt. Khánh Kỵ hỏi:
- Vua Ngô giết vợ con ngươi, lại chặt tay ngươi, nay ngươi muốn theo ta để làm gì ?
Yêu Ly nói:
- Hạp Lư giết Vương phụ của Công tử và cướp ngôi nước Ngô. Công tử đương nhiên chiêu hiền đãi sĩ liên kết cùng chư hầu toan việc báo thù. Vì vậy tôi muốn đem chút thân tàn này giúp Công tử. Tôi đã rõ hết tình hình nước Ngô. Cứ như tài năng và vũ dũng của công tử mà có tôi làm hướng đạo thì đại sự chắc thành. Công tử sẽ báo thù cho vương phụ, tôi sẽ báo thù cho vợ con.
Khánh Kỵ chưa lấy làm tin. Được ít lâu có người thám thính ở nước Ngô về, đem việc vợ con Yêu Ly bị bêu đầu giữa chợ thuật lại. Khánh Kỵ mới thực lòng tin dùng Yêu Ly. Một hôm hỏi Yêu Ly:
- Ta nghe vua Ngô dùng Ngũ Viên và Bá Hy làm mưu thần luyện tập binh tướng, trong nước cường thịnh lắm, thế thì ta phải làm cách nào để khôi phục cơ nghiệp cũ ?
Yêu Ly đáp:
- Bá Hy là người vô mưu. Chỉ có Ngũ Viên là người trí dũng song toàn, nhưng nay lại có hiềm khích với vua Ngô rồi.
Khánh Kỵ cười, hỏi:
- Ngũ Viên là ân nhân của vua Ngô, vua tôi rất tương đắc. Cớ sao gọi là hiềm khích được?
Yêu Ly đáp:
- Công tử mới biết bên ngoài mà chưa biết rõ được nội tình. Ngũ Viên sở dĩ theo vua ngô là muốn mượn tay vua Ngô để báo thù riêng ở nước Sở. Nay vua Ngô an hưởng phú quí chẳng nghĩ đến việc báo thù cho Ngũ Viên. Tôi vì muốn giúp cho Ngũ Viên mà bị vua Ngô làm hại. Lòng Ngũ Viên cũng oán vua Ngô lắm. Tôi trốn thoát được là nhờ Ngũ Viên đó. Khi ra đi, y có dặn tôi hãy dò xem ý kiến công tử như thế nào. Nếu công tử chịu báo thù thì Ngũ Viên sẽ làm nội ứng để chuộc lại tội đồng mưu với Hạp Lư trước kia. Vậy nếu công tử nhân dịp này đem quân về đánh thì việc phục thù không khó.
Khánh Kỵ rất mừng, dùng Yên Ly làm kẻ tâm phúc, luyện tập binh mã, sửa sang thuyền bè, định trong ba tháng nữa sẽ theo dòng sông tiến đánh nước Ngô.
Định kỳ đến, Khánh Kỵ cùng Yêu Ly ngồi chung thuyền lướt trên dòng nước thuận. Được nửa đường, một cơn gió lớn nổi dậy. Đoàn thuyền của Khánh Kỵ bị xao động. Yêu Ly bảo Khánh Kỵ;
- Công tử nên ra trước mũi thuyền để chỉ huy tướng sĩ.
Khánh Kỵ bước lên mũi thuyền ngồi. Yêu Ly cầm giáo đứng hầu. Nhân lúc xuất kỳ bất ý, Yêu Ly nương theo đà gió thổi mạnh, đâm Khánh Kỵ một giáo lút từ bụng đến sau lưng. Khánh Kỵ vốn là tay thần dũng nên mũi giáo của Yêu Ly không giết chết ngay được. Khánh Kỵ đưa tay tóm lấy Yêu Ly, nhận xuống nước ba lần rồi giở lên, để vào lòng, nhìn mặt cười khanh khách:
- A ha ! Trong thiên hạ còn có kẻ dũng sĩ này dám cả gan đâm ta!
Quân sĩ xúm lại muốn đâm chết Yêu Ly. Khánh Kỵ cản lại:
- Người này là dũng sĩ. Một ngày không nên giết đến hai dũng sĩ trên thiên hạ. Hãy tha cho hắn để hắn tỏ được lòng trung của hắn đối với vua Ngô.
Nói đoạn bỏ Yên Ly xuống mũi thuyền, đưa tay rút ngọn giáo, máu ra lai láng. Khi gần chết còn dặn đi dặn lại kẻ bộ hạ chớ nên giết Yêu Ly. Yêu Ly nói:
- Ta có ba điều không thể tha được. Dẫu công tử không giết ta cũng không sống làm gì.
Mọi người hỏi. Yêu Ly đáp ;
- Vì đạo thờ vua mà giết cả vợ con, là bất nhân. Vì vua mới mà giết con vua cũ, là bất nghĩa. Làm cho người ta nên việc mà phải hại cả gia đình cả bản thân , là bất trí. Đã phạm ba điều ác ấy, ta còn mặt mũi nào sống trên đời.
Nói xong nhảy xuống sông tự tử. Người láy thuyền vớt Yêu Ly lên. Yêu Ly hỏi:
- Ngươi vớt ta để làm gì?
Người láy thuyền thành thật đáp:
- Tráng sĩ về nước ắt được tước lộc, trọn đời vinh hiển. Tại sao lại liều thân?
Yêu Ly cười:
- Vợ con và bản thân ta, ta còn chưa tiếc, huống hồ tước lộc. Các ngươi hãy đem xác ta về Ngô mà lãnh thưởng.
Nói đoạn giật thanh kiếm của người đứng cạnh, đâm vào cổ mà chết.
Quân sĩ đem thi thể Khánh Kỵ và Yêu Ly về nước Ngô cho Hạp Lư. Hạp Lư mừng rỡ trọng thưởng cho quân sĩ, rồi làm lễ Thượng Khanh an táng Yêu Ly dưới thành, và khóc:
- Ta xin nhờ tài vũ dũng của nhà ngươi giữ vững thành trì nước Ngô.
Hạp Lư lại làm lễ phong tặng vợ con Yêu Ly và lập miếu thờ. Còn Khánh Kỵ thì được chôn cất theo lễ công tử bên mộ Liêu Vương.
Xem chuyện Yêu Ly có người hỏi:
- Yêu Ly đã biết việc mình làm là bất nhân, bất nghĩa, bất trí, mà tại sao vẫn cứ làm ?
Xin thưa:
- Mình không phải là Yêu Ly thì không biết đích xác những gì Yêu Ly không nói cho đời biết. Chỉ biết rằng trong thế gian không mấy ai đứng hẳn ra ngoài vòng danh lợi. Nếu Yêu Ly không làm những việc Yêu Ly đã làm, thì ngày nay chúng ta đâu còn nhắc đến tên Yêu Ly, Khánh Kỵ, Khấu Tố. Đem quãng đời của trăm năm đổi được cái danh trong nghìn thu, ngoài nghìn thu, như thế tưởng đã lời lắm lắm. Yêu Ly bảo rằng mình bất nhân, bất nghĩa có thể cho là đúng, còn bảo là bất trí thì thật không đúng. Đem cái vũ dũng của mình để làm những việc kinh dị kia, Yêu Ly hẳn đã nghĩ kỹ vậy.