Tôi đón Vân ở chỗ hẹn cũ. Buổi chiều nắng còn tươi trên cây lá. Con đường dài và rộng thênh thang chạy trong tầm mắt. Một buổi chiều đẹp thả xuống những mái nhà cao, bầy chim bồ câu lượn vòng quanh một tháp chuông ngó thấy được của một ngôi giáo đường ở xa. Vân tới từ phía trước mặt tôi, trong chiếc áo dài trắng bay dạt về phía sau cùng với mái tóc. Trong tay nàng vẫn cầm lỉnh kỉnh những tờ báo và những quyển sổ tay to lớn, bìa nâu sậm.
Vân cười hỏi:
- Chú đợi cháu có lâu không?
- Mất nửa tiếng thôi. Sớm chán.
- Giận cháu không?
- Nếu giận đã bỏ về rồi. Thấy thương lắm mới ở lại chờ. Tại sao cứ sợ chú giận, mà không giận lại chú?
- Giận rồi chứ. Giận mà chú đâu có biết.
- Lúc nào?
- Mấy hôm rồi. Lúc cháu đau nằm liệt trên giường.
- Trời đất. Sao không nói?
Im lặng thích hơn. Giận ai mà nói ra thà đừng giận. Mà ăn nhằm gì chú? Cháu có giận chú cũng không ai để ý.
- Chú biết đâu mà để ý?
Tường Vân cười khúc khích:
- Cháu giận chú sống thì để vậy, chết mang theo chú có sợ không?
- Sợ hết hồn.
- Chú xạo. Chú mà sợ ai.
- Chú sợ rất nhiều người. Hình như ai chú cũng sợ hết. Cuối cùng rồi chú cũng sợ chú luôn.
Tường Vân cười lớn. Lần đầu tiên tôi mới thấy Tường Vân vui thật sự. Nàng có thể hồn nhiên bên cạnh tôi chứ không lo âu. Đôi mắt buồn kia đã lồng vào trong nắng. Màu mắt nàng chiều nay trong vắt màu trời.
- Sao chú không chạy?
- Chú đang nghĩ là nên đi đâu? Mình đi hết cả Sài Gòn rồi, chỗ nào cũng có đi qua, bây giờ còn đi đâu nữa?
- Đi chỗ nào chú thích.
- Sợ cháu không thích.
- Thích. Ngày mai cháu về Đà Lạt rồi.
Tôi đạp xe máy. Chiếc xe gắn máy tôi mượn của người bạn và mới biết chạy nên không bảo đảm lắm. Nó có thể đang chạy tự nhiên dừng lại lãng xẹt. Tôi phải khổ công, quờ quạng lung tung một lúc mới nghe tiếng nó “cười” dòn. Tường Vân đã quen với chiếc này mấy hôm nay. Nàng trêu tôi:
- Chắc tại cháu mập quá. Chú đi một mình thì không sao. Mỗi lần đi với cháu là nó chết máy. Thật tai hại.
- Có lẽ nó không thích cháu.
Tường Vân giấu mặt sau gáy tôi cười nhỏ. May mắn thay, hôm nay chiếc xe chạy ngon lành. Nhớ hôm đưa Tường Vân đi mua bánh mì, nó trở chứng bắt tôi phải đạp máy gần một tiếng đồng hồ mới chịu chạy. Mẹ Tường Vân bảo chắc có ngày tôi đứt tim vì chiếc xe. Tôi cười nói với Vân:
- Hôm nay yên chí.
- Tại cháu chưa ăn. Tốt nhất là đừng đưa cháu đi ăn nhé. Ăn no, nó lại không chịu chạy nữa thì nguy.
Con đường thẳng tắp dưới cây. Gió mát rượi và nắng nhạt bay múa trước mặt như một tấm lụa vàng óng. Tường Vân thuật cho tôi nghe buổi tối sinh nhật lúc tôi về. Nàng hồn nhiên kể và tiếc rẻ đêm đó mưa càng lúc càng to nên không có trăng mọc. Tôi hỏi:
- Đà Lạt của cháu có khi nào mưa như vậy không?
- Thường xuyên như vậy đó chú. Nhiều đêm nằm nghe mưa cháu muốn chết.
- Hồi đêm chú cũng muốn chết.
- Chú mà cũng muốn chết.
Tôi cười. Tường Vân ngạc nhiên:
- Lạ thật. Chú chết bỏ Hạ lại cho ai? Hạ sẽ buồn lắm đấy. Hạ đậu hay rớt hả chú?
- Hạ rớt.
- Hạ biên thư cho chú à?
- Hạ còn nói sắp về đây chơi ít hôm.
- Như thế là hai người đâu có giận nhau? Thế mà cũng làm cháu quýnh quán cả lên, còn định làm sứ giả hòa bình nữa. Chú ác thật.
Tôi im lặng nghe Tường Vân nói. Nàng nói huyên thuyên và tôi cũng không biết giải thích cách nào, nên đành giả tảng im lặng. Tới trung tâm thành phố tôi nói với Vân:
- Chú gởi xe rồi đi dạo một lúc.
- Dạ.
Tôi tới chỗ gửi xe rồi cùng Vân đi ngược lại con đường ấy. Nắng trải trên những bức tường của khu phố trước mặt. Trên các đỉnh cây và các cửa sổ cao, chim én kêu tíu tít. Tường Vân hỏi:
- Chim én hả chú?
- Hình như thế.
- Chú lúc nào cũng hình như. Lũ chim én đó giống cháu.
- Mình vào ciné.
Tường Vân không có phản ứng trước quyết định bất ngờ của tôi. Nàng theo tôi tới rạp REX, bước lên những bậc thềm. Tôi vào mua vé và trở ra nói với Vân:
- Xuất bốn giờ. Mình còn có thể đi dạo một lát.
- Dạ.
Tường Vân ngoan ngoãn bước đi bên tôi. Gió lồng lộng từ hướng sông thổi về thành phố, làm rung động những tán cây và làm bay dạt hai tà áo của Vân lúc qua đường. Tôi và nàng đi chậm, thong dong giữa những người xuôi ngược. Một lúc, tôi nói:
- Bữa nay chú muốn nói với cháu một chuyện.
Tường Vân cười:
- Chú nói đi, cháu đang nghe.
- Một chuyện quan trọng trước khi về Đà Lạt.
Tường Vân tròn mắt:
- Một chuyện quan trọng?
- Thật.
- Chú làm cháu sợ quá.
- Không có gì. Nhưng chút vào trong ciné chú mới nói. Bây giờ chú đề nghị cháu đừng gọi chú bằng chú nữa. Nghe nó kỳ kỳ. Huyền Nga, Thanh Chi, Liên, Trâm và cả Hạ nữa đều gọi chú bằng anh, trong khi chỉ có mình cháu gọi chú bằng chú. Khiến nhiều lúc có mặt những người đó chú lúng túng như gà mắt tóc, khi thì anh, khi thì chú loạn cả lên. Cháu thấy thế nào?
- Cháu quen rồi chú Lam ơi.
- Bây giờ sửa lại.
- Khó quá. Ngượng miệng chết.
- Rồi sẽ quen.
Tường Vân chớp mắt ngó về phía trước mặt. Có những vạt nắng vàng óng như đang bay tới chỗ tôi và Vân. Con đường rực rỡ với hai hàng cây thấp và bóng một con sông ở xa với tiếng sóng và gió lộng. Những ngôi nhà trong ráng chiều như cao vút lên đẹp đẽ hơn.
Tôi nhắc Vân:
- Cháu thấy thế nào?
- Tùy chú.
- Nghĩa là cháu bằng lòng thay đổi?
- Dạ, nhưng ngay bây giờ thì không được. Cháu ngượng lắm.
- Lúc nào không ngượng?
- Chú đừng nhìn cháu nữa.
- Chú nhìn chỗ khác.
Tôi quay nhìn chỗ khác chờ Tường Vân thay đổi cách xưng hô, nhưng Tường Vân bỗng cười:
- Chú nó gì đi chứ, rồi cháu mới đổi được.
- Nói gì bây giờ?
Bây giờ tới phiên tôi thấy ngượng. Thật ra gọi nhau bằng chú cũng có vẻ ngồ ngộ vui vui nhưng, hình như vì thế mà tôi cảm thấy xa cách Tường Vân thế nào. Tôi đùa:
- Chú mà làm chú của ai được?
- Sao không. Chú có vẻ người lớn, đứng đắn.
Tôi cũng đùa:
- Chú đứng thôi, không có đắn.
- Chú lớn tuổi hơn cháu.
- Lớn tuổi không có nghĩa là phải làm chú. Thiếu gì những người lớn tuổi mà vẫn làm anh.
Tường Vân cười. Cuối đường, chúng tôi đi vòng lại. Rẽ sang một con đường khác, ở đây có nhiều cửa hàng của người Ấn Độ. Khu phố này tôi chưa đi bao giờ. Bóng mát đậu từng khoảng lớn, những chiếc xe hơi bóng loáng nối đuôi nhau. Tôi thấy khát nước. Tới quán nước, tôi nói với Tường Vân:
- Vào đây uống nước với chú.
- Chú khát?
- Vào chú nói chuyện này.
Tôi đẩy cánh cửa bằng sắt nặng nề bước vào. Quán vắng hoe không người nào ngoài chúng tôi. Những chiếc ghế trống nằm yên lặng dưới tiếng quạt trần chạy rè rè. Quán có cửa toàn bằng sắt, những song thưa ngó thấy bên ngoài, thấy cả khu phố bao quanh. Quán này chi làm hai, bên kia thường đông người. Bên này thường chỉ có người ngoại quốc ngồi. Tôi và Vân tự do nói chuyện, đồng thời được nhìn ra một khu phố nhuộm bóng chiều tà. Vân hỏi tôi:
- Chú thường đến đây với những ai?
- Bạn chú.
- Dĩ nhiên, nhưng cháu không hỏi như thế.
- Chú tới đây với Liên Hương, lúc trước.
- À, Liên Hương. Cháu nghe Huyền Nga và Thanh Chi nói nhiều về Liên Hương, dễ thương lắm phải không chú?
- Dễ thương một lúc nào đó rồi thôi.
- Sao vậy chú?
- Bây giờ không còn gì.
- Rồi ai nữa?
- Phương Thúy, một dạo.
- Cháu cũng nghe nói về Phương Thúy. Chú nhiều cô quá. Hôm nào phải giới thiệu hết với cháu nghe?
- Còn đâu mà giới thiệu. Người ta bỏ chú đi mất tiêu hết rồi.
- Tại chú chứ bộ.
Tôi gọi nước. Người hầu bàn lễ phép mang tới. Tường Vân im lặng nhìn ra đường.
- Con đường đẹp quá chú nhỉ?
- Đâu bằng đường bờ hồ dẫn về nhà cháu.
Tường Vân cười. Tôi hình dung ra con đường đó. Một buổi chiều giáng sinh năm nào tôi đã đi với Hạ tới nhà Vân. Những cái cây đứng rũ bóng bên hồ, sương mù xuống che lấp những vạt nắng yếu. Và hoa trong vườn nhà bên đường ngát hương thơm. Tôi không nghĩ rằn có ngày tôi sẽ trở lại Đà Lạt, đi trên con đường đó tới nhà Tưòong Vân một lần nữa. Cô bé lần đó tôi không gặp, hay sẽ chẳng bao giờ gặp chỉ là một gương mặt nào đó rất mơ hồ trong tôi. Không ngờ, gặp nhau giữa thành phố này, và lại sắp phải chia tay nhau. Con đường về nhà Vân có còn hoa nở, sương mù có bay trên mặt hồ như những chiều xưa? Hay sẽ xa lạ đến không còn dấu tích.
- Uống nước đi Tường Vân.
Tường Vân đưa ly nước cam lên môi nhấp từng ngụm nhỏ. Đôi mắt như chìm sâu trong đáy ly. Một khúc nhạc quen thuộc vang nhẹ. Tôi có cảm tưởng có rất nhiều lá bay bên ngoài.
- Chú nói lúc nãy, tính sao?
- Chú nói nhiều quá, cháu đâu nhớ hết.
- Chuyện đổi lại cách xưng hô cho khỏi ngượng ấy mà.
- Tùy chú.
- Sao được. Phải nói là tùy cả hai mới đúng.
- Chú muốn thế cháu sẽ nghe, nhưng mà khó quá. Về Đà Lạt hẵng hay.
- Về trên đó cháu lại quên. Chú muốn thay đổi ngay từ bây giờ.
Tường Vân cười:
- Chút nữa, vào ciné đã.
- Nhớ đấy nhé. Ai quên thì ráng mà chịu tội.
- Nhưng cháu giao chút nữa cơ. Bây giờ chưa. Không có tội gì hết à.
Tôi đành nhượng bộ:
- Cũng được.
- Chú kỳ. Tự dưng lại bắt thay đổi. Không thích làm chú của cháu sao?
- Không thích.
- Chú khó tính quá. Cháu dễ ợt. Thôi đổi cháu làm con trai như chú, cháu sẽ thích làm chú, oai ác.
- Rồi cháu sẽ thấy chả oai tí nào mà còn buồn nữa là khác.
Hai ly nước vơi dần, tôi nhìn đồng hồ thấy tới giờ chiếu phim, vội gọi người hầu bàn tính tiền rồi nói:
- Mình đi. Tới giờ chiếu phim rôì.
- Chú vẫn chưa nói chuyện gì quan trọng.
- Chú sẽ nói.
- Cháu hồi hộp ghê. Đau tim. Chú mang tội đấy.
- Sẵn sàng.
Tôi và Tường Vân tới rạp lúc chưa tan xuất trước. Chúng tôi vào cửa và lên phòng giải khát. Những chiếc bàn trống, nhỏ bé, xinh xắn, nằm dưới ánh đèn vàng. Ở một góc khuất có người ngồi, tôi và Vân ngồi chiếc bàn sát vách tường. Tôi nhìn những con bài tây in trên chụp đèn, dưới mặt kính bàn cũng có những con bài tây. Tường Vân hỏi:
- Chi vậy chú?
Tôi đùa:
- Để những cặp tình nhân nào buồn thì chơi bài với nhau.
Một người đàn bà đến gần mới chúng tôi dùng nước. Tôi gọi hai chai coca. Bản Love Story đang để thật nhỏ, nghe thoang thoảng dịu dàng. Tôi thấy hồn mình chìm xuống, lặng câm. Người đàn bà mang nước đến. Tôi đẩy về phía Vân một chai nước với cái ống hút. Chất nước màu cánh dán như soi chung với đôi mắt của Tường Vân.
- Tự nhiên mình vào, người ta để bản này, cháu bàng hoàng ghê.
- Không có chú nữa. Lúc nãy hứa từ ngoài đường nhớ không?
Tường Vân cười:
- Cháu quên.
- Lại cháu.
- Thôi đi, vào rạp cơ, bây giờ nhìn mặt chú khó gọi thấy mồ.
- Thì đừng nhìn mặt chú nữa.
- Chú ngồi ngay trước mặt cháu mà.
Tôi cười buồn:
- Về Đà Lạt cháu làm gì?
- Đi học. Eo ơi, cháu là sinh viên lớp mười hai, còn bé loắt choắt chú nhỉ.
- Tại vì cháu học giỏi. Mười bảy tuổi đã là sinh viên. Ngày xưa, chú mười sáu tuổi mới đỗ trung học. Mười bảy tuổi mới học đệ tam.
- Cháu mà học giỏi. Chú khen làm cháu ngượng ghê.
- Ít nhất cũng giỏi hơn chú.
- Chú trêu cháu hoài.
- Về trên đó nhớ viết thư cho chú, nhé?
- Cháu còn nhớ cả việc ra nhà Hạ giảng hòa giùm chú nữa cơ. Chú gởi gì cho Hạ?
- Hạ sắp về. Chú sẽ nói với Hạ một chuyện lớn. Rồi có thể chú sẽ không bao giờ đi lại con dốc Hai Bà Trưng. Giã từ luôn những cánh hoa quì vàng vẫy mừng chú một ngày giáng sinh năm nào, nơi ấy.
- Sao vậy chú? Chuyện gì?
- Rồi cháu sẽ biết. Chú sẽ nói cho cháu nghe.
- Không cần, về ghé Hạ là cháu biết ngay. Tha hồ cho chú giấu.
Tôi và Tường Vân ngồi uống hết chai nước của mình. Trong phòng đã có thêm nhiều người, hầu hết là những cặp tình nhân trốn thành phố đông đúc bên ngoài. Tôi đoán là đã tan xuất hát khi có tiếng chân nhiều người xuống cầu thang. Tôi nói:
- Mình vào đi Tường Vân. Tới xuất rồi đó.
Tường Vân theo tôi. Trên màn ảnh người ta đang chiếu quảng cáo. Người dẫn ghế đưa chúng tôi vào chỗ ngồi. Tường Vân hỏi:
- Phim gì đấy chú Lam?
Tôi cười:
- Chú không biết.
- Đi xem phim mà không biết phim gì?
- Cháu biết không?
- Cũng không luôn.
Hai đứa ngó nhau cười. Khi sang đoạn phim thời sự tôi mượn Tường Vân quyển sổ tay. Tôi viết vào trang đầu tiên:
“Bây giờ chú là anh,
Về Đà Lạt có nhớ những ngày ở Sài Gòn?
Học giỏi.
Anh sẽ lên thăm em một ngày tới đây. Bây giờ thấy nhớ Đà Lạt như một nơi chốn quen thuộc anh đã sống quạ”
Tôi đưa quyển sổ. Tường Vân cười:
- Chưa thấy gì cả. Phải đợi màn ảnh sáng một chút.
Và màn ảnh bật sáng lên một đoạn nữa. Tường Vân vừa xem vừa trả lời tôi:
“Vâng, bây giờ chú Lam là anh Lam. Eo ơi ngượng ghê. Nhưng sẽ rán thay đổi cho anh vui,
Về trên ấy sẽ nhớ, rất nhớ.
Nhưng sợ rồi anh sẽ quên con bé lẩm cẩm này mất.”
Tôi đưa trả Tường Vân quyển sổ. Trên màn ảnh phim chính bắt đầu. Tôi nhận ra một phim kiếm hiệp vừa Nhật vừa Tàu. Phim không thích chút nào. Tôi và Tường Vân vẫn nói chuyện để khỏi xem cuốn phim kỳ dị đó. Tôi nói:
- Mình lầm rồi. Xui quá, gặp phim không hay.
- Tại chú không xem bảng trước.
- Lại chú nữa rồi.
- Quên.
- Nói lại đi.
- Anh kỳ quá. Bắt nói lại ngượng chết.
Tôi sung sướng như có một cơn gió mát thổi vào lòng. Sự thay đổi quan trọng như cả một khúc sông tình cảm đang tới chỗ rẽ. Tôi nhìn đôi mắt Tường Vân chớp mau trong bóng tối. Và chúng tôi “bút đàm” với nhau, quên mất cuốn phim. Cuốn sổ tay của Tường Vân đã đầy những trang chữ hỏi và trả lời với nhau. Những trang chữ vừa ngớ ngẳn vừa buồn cười nhưng cũng là những trang hạnh phúc nhất của hai người vừa nhận ra tình cảm của nhau. Tường Vân hỏi tôi về những người yêu của tôi trong quá khứ. Tôi kể hết. Tường Vân cũng thành thật nói về tình cảm của một thời mới lớn của mình. Chúng tôi nói chuyện một chút lại “bút đàm”. Những đoạn “bút đàm” là những đoạn e ngại nhất trong câu chuyện. Tôi nghĩ, nếu có một người nào đó tình cờ đọc được quyển sổ của Tường Vân chắc sẽ cười đến độ ngộp thở, bể bụng, và sẽ nghĩ rằng có hai người điên trong rạp ciné.
Tường Vân bỗng nói:
- Về Đà Lạt chắc buồn lắm. Em như một người đã bỏ thành phố ấy mà đi. Bây giờ trở về nghe xa lạ ghê.
- Em có nhiều bạn thân?
- Ít lắm anh. Vài người, Như Tâm, Thu Ba, Nguyên Nhung... Ở Sài Gòn có Chi thôi. Không có ai nữa.
- Bạn trai?
- Như đã kể cho anh nghe. Một vài ông giáo sư. Nhìn thấy trong mắt người ấy những sợi khói lam. Buồn buồn, rồi thôi.
- Ghê nhỉ?
- Em đâu có biết. Tường Vân vẫn còn nhỏ bé mà anh. Như thế em đâu có tội.
- Chả ai có tội hết. Tình yêu ở bất cứ thời nào tuổi nào cũng đáng được ca ngợi. Yêu nhau không có tội gì hết. Ghét nhau mới có tội.
- Em sợ quá. Nếu em bằng lòng. Mẹ em đã gả em cho một người rồi.
Tôi cười:
- Ghê vậy sao?
- Thật. Ông ấy quen với gia đình em.
- Sao không bằng lòng?
- Em còn bé. Em còn đi học chứ bộ.
- Thiếu gì cô đang đi học mà bỏ đi lấy chồng.
- Quê quá. Anh hỏi chuyện đó hoài. Hình như hết phim rồi kìa anh.
Tôi nhìn lên màn ảnh. Cuốn phim đã dứt. Đèn bật sáng. Chờ cho vơi người, tôi và Tường Vân đứng lên ra ngoài. Buổi chiều tắt nắng từ bao giờ. Đèn đường bật sáng trong khóm lá xanh trên đầu. Tôi và Tường Vân tới chỗ gởi xe. Phải đứng chờ một lúc mới lấy xe ra được.
Tôi đưa Tường Vân đi ăn. Sau đó, tới một quán cà phê quen thuộc. Quán là một cái hầm ở dưới thấp so với mặt đường. Trong quán thắp đèn mờ. Mới từ ngoài vào, xuống những bậc thang bằng đá xanh hoàn toàn không nhìn thấy gì. Một lúc, những chiếc bàn, những cái ghế mới hiện ra lờ mờ trong những góc tối. Chiều tối, quán thưa người. Tôi và Vân ngồi xuống chiếc bàn quen thuộc từ mấy hôm trước. Một đứa bé tiến ra, tôi gọi hai cà phê sữa đá. Tiếng nhạc dồn dập một chút rồi chuyển sang những bản nhạc trữ tình, êm dịu. Chúng tôi im lặng nghe hết bản nhạc. Tường Vân nói:
- Trên nhà, em cũng thường nghe nhạc vào giữa khuya thức học bài. Nhiều lúc nghe những bài hát mình thích, cảm động muốn lịm người đi.
Tôi thấy Vân cúi mặt sau câu nói. Mái tóc dài của nàng che hết một bên má. Tôi khuấy chiếc muỗng nhỏ làm những viên đá tan nhanh. Chiều nay tôi thấy buồn. Tường Vân bỗng chớp mắt hỏi:
- Chuyện gì quan trọng, anh nói đi. Mai em về rồi.
- Em muốn nghe?
Tường Vân ngó tôi, gật đầu. Tôi im lặng một lúc, trấn an những xúc động của mình. Tường Vân cũng im lặng chờ đợi. Một lúc lâu không nghe tôi nói gì. Nàng hỏi:
- Sao anh im lặng hoài vậy?
- Không biết nói gì với em bây giờ.
- Khó nói à?
- Khó nói vô cùng. Anh nghĩ không biết có nên nói ngay bây giờ không?
- Tùy anh.
- Hai năm nữa nói với em được không?
- Sao lại phải đến hai năm nữa? Em có thể nghe và hiểu từ bây giờ mà. Hai năm nữa biết anh có còn nhớ tới con bé không hả?
- Nhớ chứ. Anh quên sao được khi anh còn một chuyện dể nói với em.
- Hai năm nữa em bao nhiêu tuổi nhỉ?
- Mười chín.
- Lúc đó em già mất.
- Em vẫn còn bé.
Tường Vân cười. Nàng uống ly cà phê của mình. Tôi thấy những viên đá nhỏ chưa tan hết trong ly của Tường Vân. Tôi im lặng nghe tiếng thở nhẹ của nàng, mùi hương tóc toát ra nhè nhẹ bên tôi. Tường Vân không phải là một cô bé sung sướng. Chuyện gia đình nàng tôi biết rõ hơn khi nghe nàng kể. Tôi hình dung ra căn nhà trầm lặng nằm cuối chân hồ, ở đó, năm chị em nàng sống với ông bà Nội. Ba nàng có gia đình khác, cũng như Mẹ nàng có một đời sống riêng. Hạnh phúc chỉ còn là những tháng ngày tiếc nhớ.
Tường Vân rất thương Mẹ. Cũng như tôi hiểu nàng phải thương tất cả mọi người. Không ai muốn hoàn cảnh như thế xảy ra nhưng không làm sao thay đổi được. Tường Vân lo sợ cho ngày mai, tương lai đối với nàng là một khoảng không mù mịt, trong khi hiện tại là một nỗi lo âu đè nặng. Mười bảy tuổi, con lớn của một gia đình tan nát, chị cả của những đứa em rôì sẽ hiểu sự bất hạnh của mình, tôi nghĩ Tường Vân đã quá sứ khổ sở. Tôi mơ hồ nhìn thấy con đường Tường Vân đi, sẽ có những bước chân làm rơi nước mắt.
- Anh nghĩ gì đó?
- Hình dung ra ngôi nhà của em.
- Tháng này hoa tàn hết, chả đẹp đâu anh.
- Những đứa em của em.
- Chúng nó phá ghê lắm. Gặp rồi, anh chạy luôn.
- Hình dung ra em đi học dưới cây lá và sương mù. Những ngày mưa dầm của thành phố ấy.
- Buồn. Một mình. Ngồi khóc, cũng quen đi.
- Tôi nghe như có những giọt nước mắt sắp sửa rơi từ đôi mắt u buồn của Tường Vân. Nàng nhỏ bé trước những tan nát. Ngây thơ trước nỗi buồn và tôi hiểu những ngày phải trở lại ngôi inhà ấy là một điều buồn bã. Tường Vân không muốn sống xa Mẹ. Nhưng ước muốn của nàng, chính nàng cũng biết là không làm sao, hay không bao giờ thực hiện được.
- Cho em về đi anh. Hình như cũng tối lắm rồi.
Tôi gật đầu. Khi tôi và Vân bước ra khỏi những bậc thang bằng đá xanh, trời bên ngoài đã tôí thật sự. Cơn mưa đang rắc những hạt nhỏ trên đường.
- Mưa. Cô bé ạ.
- Em muốn đi dưới mưa mà anh.
Tự nhiên tôi thấy không cần thiết phải nói với Tường Vân một điều gì nữa. Những ngày ở Sài Gòn nàng đã hiểu. Trong cơn mưa nhỏ này nàng cũng đã hiểu. Tôi đưa Tường Vân về nhà qua những con đường có nhiều cây. Mưa như hạnh phúc nhỏ bé, mong manh đang rắc xuống vai. Tôi thấy một khoảng không gian thời gian im lặng thật tuyệt vời giữa tôi và Tường Vân.