Truyền đứng thật lâu trước gương. Xoay qua trái, xoay qua phải, xoay nửa vòng, rồi xoay thành nguyên một vòng tròn từ trước tới sau. Tay Truyền vân vê vạt áo dài, kéo xuống chỗ này một chút, nâng chỗ kia lên một chút. Những cọng tóc này sao mà dị ghê, cứ vướng mãi một bên mắt. Truyền dùng mấy ngón tay rẽ sang bên. Chiếc mũi mới có mấy vết mụn vừa mới nổi, mụn cám hay mụn gì Truyền cũng không hiểu nổi, chỉ thấy nó làm chiếc mũi Truyền xấu đi. Nhưng chắc chắn là Truyền không dám làm gì nó hết. Cứ để yên như vậy. Tụi bạn bảo không nên năn mụn, cứ để từ từ rồi nó lặn. Truyền hơi bực mình, nhưng quả thật tuổi mười sáu có nhiều cái lạ lùng đến chính mình cũng không biết, không ngờ những thay đổi từ đâu mang tới. Truyền quên những chấm mụn quay ra với chiếc áo dài mới lấy ở tiệm về. Tiệm may quen, may vừa ý. Truyền thầm sung sướng với chiếc áo đang mặc. Nó làm Truyền như đổi khác, như mới hẳn và che lấp cả khoảng không gian quen thuộc của căn phòng nhỏ. Truyền nhìn thẳng vào gương mỉm cười.
Trâm bây giờ nằm sấp trên giường ngắm chị với cái kẹo cao su đang nhai trong miệng. Thấy Truyền cười, Trâm ngừng nhai hỏi:
- Chà, thấm ý rồi phải không?
Truyền nghênh mặt với em:
- Chứ sao?
Rồi Truyền lại vén mấy cọng tóc hỏi em:
- Mà Trâm có thấy chị khác một chút nào không?
Trâm nheo mắt:
- Khác? Mà khác làm sao mới được chứ?
- Ơ, nhỏ này quê chưa. Khác gì là mình đổi khác, hôm nay có giống ngày hôm qua không. Nghĩa là...
Truyền nhíu mày, cố tìm cách diễn tả cho Trâm hiểu, bàn tay Truyền ngửa ra lơ lửng, mắt ngó ngoài cửa. Cuối cùng Truyền nói:
- Nghĩa là hôm nay chị mười sáu tuổi. Chị có khác với hôm qua chị mười lăm không. Hiểu chưa nhỏ?
Trâm tròn miệng:
- Vậy thì chị chịu khó đi qua đi lại chút nữa xem. Chưa trả lời được.
- Trời ơi, còn làm khó làm dễ người ta nữa.
- Thật mà. Nãy giờ em bận nhai kẹo, với lại mắc nhìn mấy trang báo đâu có ngắm kỹ.
Trâm giả vờ nói để chọc Truyền thôi, chứ Trâm có nhìn Truyền từ đầu đến cuối, từ mắt, mũi, tay chân cho đếnnhững sợi tóc nhỏ xíu. Nhất là chiếc áo dài mới may bằng một thứ vải gì đó Trâm đoán là khá đắt tiền màu tím rất đẹp của chị. Nhưng Tram giả vờ coi báo, nhai kẹo, để bắt Truyền chìu theo ý mình, vì lâu lâu Trâm mới được người ta hỏi ý kiến, nhất là chị Truyền bao giờ cũng ta đây, nhìn Trâm bằng nửa con mắt. Lúc nào cũng cho Trâm là bé con, chả có ký lô nào. Bây giờ sẵn dịp Trâm trả thù, làm ra vẻ ta đây lại, ít nhất là cũng được một lần có quyền như vậy. Trâm thích lắm.
Truyền nhảy tới giựt tờ báo trước mặt Trâm:
- Ai cho Trâm xem báo này. Báo này chỉ có mình chị là coi được thôi. Trâm xem báo kia.
Truyền đi lại bàn ném cho Trâm tờ báo “Yêu Trẻ” có in hình màu. Trâm lắc đầu:
- Cái này để con nít coi. Trâm lớn rồi chứ bộ.
- Trời đất. Hôm nay lại đòi làm người lớn.
- Em lớn rồi chứ bộ.
Truyền đáp tỉnh:
- Mười sáu tuổi như chị hãy đọc.
Rồi Truyền đếm đốt ngón tay cười:
- Bốn năm nữa, cô bé ơi.
- Phản đối chị. Người ta bốn năm nữa. Còn chị đọc từ năm ngoái đã sao?
- Năm ngoái chị mười lăm, có thẻ căn cước bọc nhựa rồi chứ bộ.
- Nhưng chị chưa được coi phim cấm trẻ em dưới mười sáu tuổi.
- Năm nay chị coi được. Chị mới xem hôm qua.
- Với ai?
- Với một người.
Trâm nhả thỏi kẹo ra bàn tay vo tròn ném qua cửa sổ hỏi:
- Người đó tên gì?
Truyền bật cười:
- Mắc mớ chi mà hỏi lắm thế. Kệ người ta.
- Chị ghê lắm đấy nhé. Hôm nào bị đòn đừng trách em.
- Dọa?
- Thật chứ không dọa.
Truyền nheo mắt:
- Như vậy nói ngay cho nhỏ mừng nghe, chị đi với Quỳnh mập. Rõ mắc cỡ, chưa chi đã làm ầm lên.
Trâm bẽn lẽn:
- À, chị Quỳnh ù, sao em không thấy?
- Người ta hẹn ngoài phố chứ bộ.
- Hôm nay chị Quỳnh có tới không?
- Tới chứ sao không... Chị đang mong đây. Chắc nó còn ngủ chưa chịu dậy.
Truyền lại bên cửa sổ ngóng xuống con hẻm, hít hà, rồi hỏi Trâm:
- Sao, trả lời được chưa?
- Chị phải đi qua đi lại nhiều lần như người ta dự thi hoa hậu mới được.
- Trời ơi, Trâm biết cái gì mà hoa hậu với hoa nhài.
Trâm mở mắt tròn xoe, hỏi một câu bất ngờ:
- À, mà sao chị không dự thi hoa hậu hả chị Truyền?
Truyền bị hỏi một câu ngẩn ngơ, trợn mắt:
- Ơ, lãng òm, trả lời đi, cho cái kẹo nữa nè.
Truyền ném cho Trâm một cái kẹo cao su nữa.
Trâm bóc lớp giấy bao, cho vào miệng nhai rồi cười :
- Người ta thi hoa hậu nhiều lắm. Chị ghi tên dự thi đi. Chị sẽ đoạt cái vương miện, mang về cho em đội chơi.
- Thôi đừng có lãng. Trả lời câu hỏi chị đi.
- Mà chị đã làm theo lời em chưa?
- Mày tàng vừa thôi nhe.
Trâm nhe răng cười. Tuy nói thế nhưng Truyền cũng đi qua đi lại trong phòng theo lời Trâm. Một lúc Truyền hỏi:
- Được chưa?
Trâm không đáp, chỉ ngón tay bên trái bảo:
- Bên trái... quẹo.
Truyền lườm Trâm rồi quẹo theo. Trâm lại hô:
- Quẹo phải... quẹo.
Truyền lại quẹo phải. Trâm thích chí nhảy luông xuống đất cười:
- Chị đi nữ quân nhân đi chị Truyền.
- Lãng òm. Hôm nay mày mát dây hả nhỏ?
- Chị đi hay lắm. Không thi hoa hậu thì đi nữ quân nhân mới hợp.
Truyền lườm lườm:
- Đừng có nói bậy. Không thi hoa hậu mà cũng không đi nữ quân nhân. Cho mi mấy cây thước chịu không?
Trâm thụt lùi khi thấy Truyền đưa cây chổi lông gà ra trước mặt. Truyền hỏi:
- Sao, trả lời được chưa?
- Chị cất cây chổi đi thì mới trả lời được.
Truyền chỉ dọa Trâm thôi, sợ Trâm không chịu nói, thắc mắc hoài càng tức, nên tươi cười quăng cây chổi lông gà vào góc giường. Truyền đứng thẳng trước gương, chống tay hỏi:
- Rồi, nói đi chứ?
- Chị Truyền hôm nay xinh ghê cơ.
- Nịnh.
- Chị trông lớn hẳn ra.
- Láu.
- Chị có đôi mắt thật đen, thật đẹp, thật trò, thật mơ mộng.
- Chỉ dóc.
- Chị có nụ cười làm mềm lòng gỗ đá.
- Xạo quá trời.
Trâm cười khúc khích:
- Chiếc áo mới của chị đẹp khỏi chê. Màu tím là màu gì chị nhỉ?
Truyền đáp:
- Màu gì cũng được. Nhưng tụi kia bảo là màu của học trò.
- Không phải đâu. Màu của nhung nhớ í...
Truyền nhảy tới trước mặt Trâm la:
- Con khỉ, nhớ ai?
Trâm thụt lùi vào tường cười:
- Em có biết đâu.
- Mi nhiều chuyện quá, hỏi một câu mà trả lời đủ thứ vòng vo tam quốc. Tóm lại, ngó xem người ta có khác chút nào không thế thôi.
- Khác, khác xa.
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là... chị đẹp mê hồn luôn.
Truyền đỏ mặt định chạy tới đấm cho Trâm một cái nhưng Trâm đã chạy vòng qua cái bàn học, quanh qua cái giường, núp vào tủ áo, rồi vọt luôn ra cửa. Tiếng chân của Trâm mất hút nhưng tiếng cười giòn tan để lại làm Truyền cũng phát buồn cười theo.
Truyền trở lại gương ngắm mình thêm chút nữa. Như vậy là được. Có áo mới, chiều nay cắt bánh chắc có nhiều đứa trầm trồ. Truyền nhìn đồng hồ, đã bốn giờ rồi mà nhỏ Quỳnh cũng chưa chịu vác xác tới.
Bộ trưa nay ăn no rồi ngủ cho đói mới thức dậy hay sao mà tới trễ thế? Hay là xe bể bánh? Truyền mỉm cười hình dung ra khuôn mặt Quỳnh. Con nhỏ có nụ cười duyên dáng đấy, gương mặt cũng xinh, chỉ tội cái mập phệ nên trong lớp mọi người tha hồ đặt tên. Đứa gọi Quỳnh ú, đứa kêu Quỳn mập, còn có đứa tra Quỳnh sổ nữa. Con nhỏ quýnh lên, nhịn ăn đều đều, khát nước cũng không dám uống. Cái gì cũng ngán, cũng ngại đem tới nhiều mỡ, tăng thêm phần mỡ quá dư thừa trong người nó.
Trong khi đó Truyền lại gầy. Nhưng thà gầy chứ nhất định Truyền không mập như nhỏ Quỳnh. Truyền đi qua đi lại trông ngóng. Nhỏ Quỳnh như vậy thì tệ thật. Chiều nay hứa đến sớm để phụ giúp với Truyền một tay sắp đặt bàn ghế, chỗ ngồi, bánh nước. Hôm nay là sinh nhật của Truyền. Một ngày quan trọng. Một ngày chấm dứt tuổi mười lăm, chào mừng tuổi mười sáu. Truyền có áo mới, có bánh, và có cả một buổi chiều, một buổi tối để vui với bạn bè. Nhà đi Cấp hết. Ba mẹ muốn cho Truyền được tự do, tối về dự sinh nhật của Truyền sau. Chỉ có nhỏ Trâm đòi ở nhà chiều nay để phụ với Truyền, nhưng nhỏ này chỉ có nước ăn thôi. Ăn suốt ngày. Truyền phải canh chừng nó từ khi Ba Mẹ mang bánh về. Bây giờ nó chạy mất.
Truyền mong Quỳnh như sa mạc trông mưa. Năm giờ bạn bè tới. Bốn giờ mười phút nhà cửa y nguyên. Truyền cởi áo dài chạy xuống nhà. Truyền bắt đầu quýnh lên, lăng xăng như con mèo bị nước. Gặp Trâm đứng nhởn nhơ trước cửa, Truyền nạt:
- Đứng đó hả? Phụ người ta một tay coi.
- Cắt bánh phải không chị?
- Trời ơi, đừng có ẩu tả vậy. Ai mà cắt bánh bây giờ. Coi có nước đá chưa?
Trâm chạy lại mở cửa tủ lạnh, nói:
- Có rồi.
- Không đủ đâu, chạy mua thêm mấy trăm về chặt nhỏ bỏ sẵn trong bình đi.
Trâm xòe tay:
- Tiền đâu?
- Trong cái bóp con thỏ của chị chứ đâu.
- Còn bóp con mèo thì có năm trăm lận hả?
Truyền phì cười:
- Còn ở đó giễu nữa. Có đi mau không người ta tới nơi rồi.
Khi Trâm từ trên lầu trở xuống cầm trong tay tờ giấy hai trăm để mua nước đá, Truyền nhớ ra một chuyện hỏi:
- À quên. Anh gì quen với Trâm có tới không?
- Anh gì nhỉ?
- Thôi đừng có làm bộ. Quen với Trâm, Trâm mời, bắt chị viết thiếp mời, bắt ký tên còn làm bộ ngẫn ngơ.
- A, anh Lam. Ở phía bên kia, cái bao lơn đối diện nhà mình. Chắc là tới. Anh ấy hứa chắc mà.
- Có kỳ lắm không Trâm?
- Gì mà kỳ?
- Mời người không quen.
- Trước lạ sau quen chứ bộ. Anh ấy là người hàng xóm của mình. Ông hàng xóm sẽ quen với cô láng giềng.
Truyền nguýt dài:
- Thôi, đi mua nước đá nhanh lên, rồi về đón ông khách đó giùm chị.
- Ô kê.
Trâm chạy ngay ra cửa thì đụng ngay Quỳnh sầm sầm đi vào. Quỳnh kêu oai oái trong khi Trâm cười khì khì cắm đầu chạy mất. Quỳnh đấm cửa.
- Chủ nhà đâu rồi. Khách quý tới sao không ra tiếp?
Truyền chạy lại nghinh mặt:
- Khách quý, mời khách quý vào đây xơi mấy chổi lông gà được không?
Quỳnh cười:
- Đón khách quý bằng bộ mặt đưa đám chiếc lá vàng thế hả?
- Chưa khóc là còn may đấy.
Quỳnh bước vào ôm vai Truyền dỗ dành:
- Chi mà khóc, hả nhỏ?
- Quỳnh hẹn mấy giờ tới?
- Bốn giờ.
- Bây giờ mấy giờ?
- Bốn giờ chứ mấy.
- Đồng hồ Quỳnh bên Công Gô hả?
Quỳnh liếc nhìn đồng hồ của mình rồi cười khì:
- Mới trể có... nửa tiếng mờ. Tại cái xe của Quỳnh chứ không phải tại cái đồng hồ. Xe Quỳnh nổ lốp giữa đường, phải nhờ vá. Xong là Quỳnh phóng như bay tới đây.
Truyền giận Quỳnh vô kể, nhưng con nhỏ cố làm cho người ta cười. Biết Quỳnh ba xạo nhưng Truyền cũng đành nghe như thật. Truyền nói:
- Thôi bây giờ nhào xuống bếp. Trễ rồi. Tụi bạn sắp tới.
- Nhà vắng quá vậy Truyền? Đâu cả rồi?
- Hôm nay tụi mình được tự do hoàn toàn, Ba Mẹ Truyền đi Cấp, tối mới về.
- Ngon lành. Bữa nay cho Quỳnh ăn sinh nhật ké với nhé.
- Ké gì thì được chứ đừng dé vào cái bánh.
Quỳnh cười khúc khích. hai đứa lăng xăng líu xíu thu dọn bàn ghế. Độ nửa tiếng đồng hồ thì đâu đã vào đấy. Nhỏ Trâm tưởng đâu chỉ biết ăn, nào ngờ cũng giúp ích được nhiều chuyện. Nhỏ xin hoa ở đâu không biết có nguyên một bình cúc vàng làm nổi bật những cành hoa hồng của Truyền mua ngoài chợ về. Truyền đứng thở dốc nhìn hai cái bàn dài đâu lại với nhau, từ đầu bàn đến cuối bàn toàn là hoa. Ngó đâu cũng thấy hoa. Quỳnh chăm chú nhìn vào chiếc bánh to lớn có hàng chữ “Sinh nhật Nguyễn Thị Ngọc Truyền” bắt bằng kem, nét chữ đẹp không chê được. Truyền mỉm cười hài lòng nhìn quanh phòng. Những cánh cửa sổ được mở hết. Cây lá bên ngoài tươi non, xanh mởn. Mây trắng bay ngang từng bầy. Có tiếng chim ríu rít ngoài xa, trên những ngọn cây. Nắng vàng mặt cỏ. Bỗng Quỳnh hét toáng lên:
- Phải có nhạc nữa chứ. Quên lớn. Băng đâu, máy đâu?
Truyền cũng giật mình:
- Trên phòng mình ấy. Chết cha. Làm sao?
- Trâm đâu, lên phụ khuân xuống.
Trâm chạy lên. Ba đứa phóng tuốt lên lầu vào phòng Truyền gỡ dây điện khuân máy xuống phòng khách. Cái máy nặng khỏi chê luôn. Ba đứa khuân từ trên lầu xuống mệt ứ hơi. Quỳnh coi vậy mà được việc. Nó biết cách gắn máy, nối dây. Trâm ôm băng xuống để thử vào. Không có gì trở ngại. Tiếng hát êm lướt, xoa dịu tiếng thở dồn dập mệt mỏi của Truyền, của Quỳnh. Hai đứa cười thật tươi. Quỳnh nói:
- Phục ta chưa, mi?
- Phục sát đất.
- Bây giờ chỉ còn chờ đợi.
- Lại bắt đầu một sự chờ đợi khác. Ôi ngày sinh nhật mình mà chỉ lo chờ đợi người.
- Ai kêu mi ham tới mười sáu tuổi. Mai mốt có tới nữa thì đá nó trở lui nghe chưa?
Truyền cười, cặp mắt ướt, Quỳnh la lên:
- Trời ơi, sao không chịu thay áo mới?
Truyền nhớ ra mình hãy còn mặc chiếc áo trong nhà. Truyền chạy nhanh lên phòng. Nghe tiếng chân Quỳnh chạy theo. Truyền đứng trước gương ngó lại chiếc áo dài mới của mình. Quỳnh trầm trồ:
- Xinh ác.
- Thật hay giả vờ đó bạn?
- Thật.
- Chải lại mái tóc một chút đi em. Tóc rối bời kìa.
Truyền cầm lược rẽ lại đường ngôi. Những sợi tóc yêu dấu của cô ta bắt đầu dài, bắt đầu đen mướt, óng ánh.
Truyền cười hỏi:
- Tóc ta dài chưa Quỳnh?
- Đẹp rồi. Hôm nay mi cái gì cũng đẹp.
Một ngày quan trọng mà.
- Đẹp làm gì, Quỳnh nhỉ?
- Đẹp cho người ta nhìn, người ta ngắm.
- Người ta nào?
- Người ta của mi, làm sao ta biết được.
- Chưa có ai là người ta cả. Chỉ có mình mình.
- Thì ca bài “đừng bỏ em một mình” nghe anh.
Truyền quay lại lườm Quỳnh, vuốt tóc Truyền:
- Thôi, ta làm “người ta” của mi vậy. Hôm nay là ngày cưới tụi mình chịu không?
- Đừng ham. Ta khó cưới lắm.
- Cưới đại. Cha mẹ không cho ta cũng cưới. Ở đây không được thì đi trốn.
- Trốn tới chân trời nào?
- Chân trời nào cũng được. Tới một nơi không còn ai, không có ai, chỉ có hai vợ chồng son trẻ tụi mình thôi.
Hai đứa phá lên cười. Trâm đứng ở cửa la ầm ĩ:
- Khách tới, khách tới rồi.
- Khách đàng trai hay đàng gái?
Trâm ngẩn ngơ:
- Chị Quỳnh hỏi gì kỳ vậy?
Quỳnh bật cười:
- Không. Chị bị ám ảnh bởi cái đám cưới của chị với Truyền. Khách con trai hay là con gái.
- Khách con gái.
- Truyền, chạy nhanh không chúng nó chưởi.
Hai đứa phóng xuống nhà. Quỳnh bảo Trâm:
- Trâm lo nước đá nghen.
Trâm xịu mặt. Khách tới những khuôn mặt hăm hở để ăn. Chúng nó đứng dàn hàng ngang trước cửa chứ không chịu vào. Ôi đủ màu sắc, đủ vẻ. Đứa nào cũng diện rất bảnh. Làm như sinh nhật của chúng nó không bằng. Thấy Truyền xuống tới, chúng hét ầm lên.
- Mời khách tới ăn, sợ đồ ăn ít trốn mất hay sao mà để khách chờ quá sá. Mỏi chân rồi. Kiến bò bụng đây.
Truyền cười duyên:
- Người ta phải mặc áo đàng hoàng mới xuống đón khách chứ.
Thúy kêu ồ một tiếng:
- Ôi chao, áo mới may bà con ơi.
- Xinh ơi là xinh.
- Đẹp ơi là đẹp.
- Gồ ghề quá vậy Truyền, cho mượn đi.
Truyền hất mặt:
- Đẹp chứ sao không. Ta may ta chọn màu, chọn vải mà.
- Không thể tin vào tài thẩm mỹ viện của mi đâu. Ai chọn cho thì có, may ra dễ tin hơn.
Trầm cũng phụ họa:
- Ừ, cũng khó tin lắm đấy. Ai cho thì khai báo ra nhé. Tụi này điều tra ra thì rã đám đấy. Cho biết trước mà đề phòng.
Quỳnh la:
- Ai cho cũng tốt, mà không ai cho cũng tốt luôn. Mời quí vị vào. Bánh nguội hết trơn rồi.
Truyền hoảng hồn:
- Không được. Mấy người anh hùng ở lại chơi chút đã. Vào bây giờ, chút nữa lấy gì ăn?
Cả bọn cười ầm ĩ. Khanh hỏi:
- Còn chờ ai nữa. Bồ mi hay sao mà lo lắng quá vậy?
- Đừng ẩu. Bạn bè không. Có mấy người anh bà con.
- Bà con gần hay bà con xa?
- Bà con nhưng mà khác họ quí vị ạ.
Thúy cong môi:
- Tới đây ta bóp mũi từng đứa.
- Ta cũng thế, ta nắm tay ta dắt đi chơi.
Truyền nhăn mặt:
- Mấy cái miệng tụi mày kinh khủng quá. Tốp bớt lại. Đừng tưởng bở. Sợ chút nữa ngồi im thin thít run như thằn lằn đứt đuôi.
- Sức mấy mà run.
Trầm pha trò:
- Đứa nào run ta cạo gió cho.
Quỳnh dòm Truyền cười:
- Có một ông khách đặt biệt lắm. Truyền cho phép phát ngôn viên chính thức tuyên bố nhé?
- Vừa vừa thôi, đừng tuyên bố quá.
- Dĩ nhiên.
Truyền nhăn mũi cười:
- Chà tụi này bí mật quá.
- Bí mật cho lắm rồi lát nữa cũng bật mí.
- Ta chả thèm nghe.
Quỳnh liếc Khanh còn bén hơn dao:
- Mỗi người có một chỗ đứng trong trời đất. Không ai có quyền đuổi.
- Một chút cho mi nằm luôn.
Cả bọn lại cười ầm lên. Quỳnh tằng hắng lấy giọng. Liếm môi mấy cái rồi nói:
- Một ông khách đặc biệt sẽ tới đây vào giờ chót, đem ngạc nhiên tới cho các bạn và cả cho chủ gia.
- Gì kỳ vậy?
- Ấy, đã bảo chuyện ly kỳ mà.
- Sốt ruột thấy mồ.
- Rán đợi một tí nữa.
- Có gì ăn trong khi chờ đợi không?
Thúy liếc qua dãy bàn đã kê sẵn. Truyền ho một tiếng:
- Muốn ăn xuống bếp. Không được ăn ở đây.
- Chút nữa ăn, thì bây giờ ăn trước cũng vậy thôi.
- Chưa cúng.
Thúy le lưỡi. Trầm nheo mắt:
- Cúng lẹ lên đi nhỏ. Nhớ làm thủ tục gì cũng châm chế bớt, cúng vái ít thôi, lẹ lên. Ta đi đường xa vừa mệt vừa đói nên dễ nổi sùng lắm à.
- Chờ một tí.
- Còn ai nữa?
- Ừ, ai nữa. Ta thấy bấy nhiêu đây đông quá rồi. Khanh ăn cũng đủ mệt đứ đừ.
- Hai ông anh họ và một người láng giềng.
- Có phải ông khách mà Quỳnh nói lúc nãy?
- Khổ quá. Ta cũng chưa biết mặt.
- Ơ hay.
- Ừ, ông ấy là bạn của nhỏ Tí Bo.
Khanh hét ầm ĩ:
- Tí Bo đâu, Tí Bo đâu?
- Ở trong tô vịt tiềm.
Cả bọn lại được dịp cười. Trâm chạy lên ngơ ngác. Khanh ôm vai Trâm hỏi:
- Ông khách của Trâm tới chưa?
- Sắp tới.
- Kêu ổng lẹ lên nhe, tới trễ rửa chén ráng chịu à.
Trầm khều vai Trâm:
- Có “bô” lắm không Tí Bo, nói cho chị nghe, chị dành trước. Mấy nhỏ này dữ lắm.
- Em không biết.
- Ôi chao, nói dễ thương ghê.
Quỳnh cười:
- Đừng quên chị nghe Tí Bo. Mình quen nhau lâu lắm rồi. Hôm trước chị cho Tí Bo cả một hộp kẹo mà.
Truyền nói:
- Lo lót thêm đi quí vị, hai ông anh họ sắp tới rồi.
Thúy nắm tay Truyền cười thật tươi:
- Phần Thúy đấy nhé. Hai ông anh quý thuộc phe phái nào? Hippi già hay Hippi choai choai?
- Hippy cỡ nặng bà con ơi.
Cả bọn vừa hét, vừa cười vang cả nhà. Nhưng khi vừa nghe tiếng xe gắn máy đỗ xích lại ngoài cổng thì im bặt. Truyền đưa mắt nhìn Trâm hỏi. Trâm đưa mắt nhìn Quỳnh cầu cứu. Quỳnh cười cười:
- À, ông ta đến. Ta vô tội vạ để ta ra xỏ mũi ổng vô.
- Ta đi theo với, Quỳnh.
Quỳnh nắm tay lại nghinh mặt ngó Khanh.
- Thôi, một tay này đủ nghiêng cả sơn hà rồi. Không cần mi đâu mi ơi.
Quỳnh ung dung đi ra cửa. Con gái lắm mồm lắm miệng. Ăn nói nghe phát khiếp khi gặp nhau chừng hai người trở lên. Nhất là con gái như bọn Quỳnh. Nhưng khi ra tới cổng Quỳnh im thin thít. Tự nhiên rồi thấy ngượng ngùng. Chỉ thiếu chút nữa là “cuống quít vân về tà áo, run run đôi môi mở chào”. Mấy cái hoa ngoài cổng tự nhiên đong đưa trên cành như cười trêu Quỳnh. Mắc cỡ lạ lùng, trước một người thật lạ.