Về tới nhà tôi thấy mảnh giấy ghim dưới ổ khóa. Tôi ngạc nhiên rút vội mảnh giấy ra xem. Những dòng chữ quen thuộc của Trâm, viết một cách vội vả:
“Chú Lam,
Chú có người bạn ở xa về tìm. Không biết chú đi chừng nào về nên chú ấy ra ngoài quán cà phê đầu ngõ ngồi đợi. Cháu có hỏi tên, chú ấy tên là Tuế. Phải bạn cũ của chú không? Chú đi đâu mà hôm nay về trễ quá vậy? Tội nghiệp chú kia ghê”.
Tôi ngạc nhiên vì tin Trâm báo Tuế, bạn tôi lâu lắm rồi chưa gặp. Chắc chắn là hắn nghỉ phép năm, tạt qua thăm tôi. Đã lâu, chúng tôi chỉ liên lạc với nhau qua thư từ. Mà thư từ cũng hiếm hoi như niềm vui. Bởi cả tôi và hắn hai đứa đều lười và bận bịu những chuyện gì đó. Tôi trở ra đầu đường tìm Tuế. Quả nhiên, hắn ngồi chờ tôi trong quán cà phê. Buổi rưa, quán không còn một người khách nào, ngoài Tuế. Hắn ngồi bên ly cà phê đã cạn và chiếc gạt tàn đầy nhóc những mẫu thuốc vụn, trông thật tội nghiệp. Hắn đổi khác nhiều quá. Tôi nói với một nỗi vui mừng:
- Về lúc nào vậy bạn?
- Về từ sáng, chờ mày muốn chết.
- Về phép?
- Dưỡng thương. Tao bị thương ở chân. Bây giờ hãy còn đi cà nhắc.
- Như vậy chắc nghỉ được lâu?
- Mười bốn hôm.
- Tha hồ chơi. Bây giờ về nhà chứ?
- Ngồi uống cái gì đã.
Tuế gọi thêm một ly trà đá thật to. Tôi gọi cà phê sữa đá. Tôi ngồi nhìn Tuế. Hắn đen quá, phong trần quá, Tuế ngó tôi cười cười:
- Nhìn gì?
- Mày trông lạ. Đen và phong trần hơn xưa nhiều.
- Chưa chết là may.
Tôi thấy ngậm ngùi theo câu nói của Tuế. Tôi với Tuế là hai người bạn xa cách. Tôi ở đây và Tuế luôn luôn ở một phương trời nào. Lâu mới được gặp nhau. Tuế luôn luôn có một nụ cười trên khuôn mặt buồn.
- Chuyện Hạ thế nào rồi?
- Bình thường.
- Mày nói là bình thường thì hãy nghĩ là sóng gió.
Tôi cười buồn:
- Đừng méo mó nghề nghiệp nhé bạn.
- Tao nói đúng.
- Có định đi Đà Lạt chơi không? Ở đây hết bao nhiêu ngày phép đó cũng phí.
Tuế ngó tôi:
- Đi chứ. Nhưng ngày mai tao phải về Huế rước em gái tao vào. Rồi cùng đi luôn, mày có đi không?
- Nếu thấy thích.
- Sao lại có chuyện đó? Tưởng mày phải nhiệt liệt hoan nghênh nữa chứ.
- Bây giờ đi Đà Lạt thấy buồn, thấy lơ ngơ làm sao. Không còn thích thú sôi nổi như ngày nào.
- Ở đó vẫn còn có Hạ. Sáng mai tao đi đánh điện tín giùm mày, chắc nàng mong ghê lắm.
- Tùy. Bây giờ thấy cũng nên đi Đà Lạt một lần nữa. Thú thật, tao đang muốn nói chuyện với Hạ rõ ràng hơn, một lần cuối.
- Ngày mai thứ Tư, đi thứ Năm, thứ Sáu mình về, thứ Bảy đi Đà Lạt, đồng ý?
- Đồng ý. Nhưng khoan đánh điện tín cho Hạ, chờ mày vô đã. Sợ về ngoài đó lỡ kẹt chuyện gì thì lỡ dở hết.
- Tao về sớm, nhưng như thế cho chắc ăn. Tao vô hãy đánh điện tín cho Hạ.
Tôi hỏi Tuế.
- Ăn cơm chưa?
- Chưa.
- Vậy uống xong mình đi ăn cơm.
- À, lúc vào nhà mày không gặp mày, tao có gặp một cô bé chắc cô bé cho mày biết.
- Cô bé ấy biên giấy nhét dưới ổ khóa. Một cô bạn nhỏ.
- Cô bé có chị phải không?
- Dĩ nhiên.
- Và mày quen luôn cô chị?
- Một dịp tình cờ, nhân ngày sinh nhật.
- Thế thì vui đi.
Tôi đấm vai Tuế:
- Đừng có đùa. Hàng xóm đấy mà.
- Thì hàng xóm cũng là người quen, quen rồi thân mấy hồi?
Tôi im lặng với nụ cười buồn. Bức thư của Hạ vừa gởi cho tôi sáng nay nhắc tôi nhớ một chút Đà Lạt. Một ngày Noel năm nào. Một đêm tháng mười hai năm nào. Tưởng như còn nghe tiếng bước chân của tôi vang trên đường thả dài hết con đường dốc. Thành phố đó có sương bay trong đêm khuya và hoa nở ngát trên đồi, trong vườn nhà ai. Nhưng cũng từ những bức thư đó cho tôi biết rằng, tôi sắp sửa phải từ biệt. Như thế có buồn lắm không?
- Thôi đi.
Tôi gật đầu gọi đứa trẻ con đến tính tiền rồi cùng với Tuế bước ra khỏi quán. Tôi chở Tuế tới quán cơm tôi vẫn ăn cơm tháng. Giờ này khách đã thưa. Họ chỉ tới đông đúc khoảngg từ mười hai giờ tới mười hai giờ rưỡi. Tôi thường tới trễ hơn để được ăn một cách nhàn nhã thoải mái. Người đàn bà chủ quán quen với thói quen của tôi nên không ngạc nhiên. Tôi tới lúc nào ăn lúc đó. Đôi khi tôi đèo thêm vài người bạn. Người đàn bà vẫn vui vẻ như thường. Bà có vẻ coi tôi như người trong gia đình. Thấy tôi và Tuế bước vào. Người đàn bà cười:
- Hai người hay có thêm nữa, cậu?
Tôi lắc đầu:
- Không. Có hai chúng tôi thôi.
Người đàn bà quay vào trong. Tôi và Tuế ngồi xuống cái bàn rộng thường ngày tôi vẫn ngồi. Tuế nhìn quanh có vẻ hài lòng. Tôi nói:
- Bà ấy coi mình như người nhà. Tạm được. Có quyền thiếu từ hai tháng tiền cơm trở lên nhưng đừng quá năm tháng.
- Bà ấy có con gái lớn không?
- Có.
- Bà định gả cho mày?
Tuế nhìn tôi cười khúc khích. Tôi nói:
- Con bà đi học, ở nội trú. Cuối tuần mới về một lần.
- Ai cấm hai người xa cách yêu nhau.
- Mày lúc nào cũng nhìn thấy tình yêu. Tưởng yêu nhau dễ lắm à?
- Đối với tao thì rất dễ.
- Tao thì không.
Tuế cười:
- Tao nhìn ở đâu cũng thấy tình yêu. Những năm tháng ở rừng, đói cơm khát nước, nhìn ở đâu cũng thấy thịt gà nước ngọt.
Đứa bé con dọn cơm lên. Bữa ăn có vẻ thịnh soạn vì được thêm nhiều món ăn hơn, và có hai đôi đũa. Người đàn bà biết hôm nay tôi đãi khách. Một lúc bà ra hỏi:
- Cần gì cứ cho biết nghe con.
Bà kêu tôi bằng con ngọt xớt làm Tuế phì cười và tôi thấy ngượng. Bình thường tôi vẫn nghe bà gọi như thế nhưng hôm nay dường như ngữ điệu có ngọt ngào hơn. Tuế khều tay tôi hỏi nhỏ:
- Rồi mày gọi bà ấy bằng gì?
- Đủ kiểu, có khi Dì, có khi Thím, có khi vui thì Má.
Tuế cười trêu tôi:
- Mày gọi bằng Má luôn đi cho tao có cơm ăn hoài. Ê, kêu bia uống chứ mày.
Tôi cũng vui vẻ chìu theo Tuế:
- Má cho con hai chai bia nhỏ, thằng bạn của con nó uống dữ lắm.
Người đàn bà đem tới hai chai bia, khui, rót vào ly đá. Bà hỏi han đủ thứ chuyện như người thân thiết lâu ngày mới gặp dù tôi có mặt ở đây mỗi bữa ăn. Tuế ăn ngon lành, và tôi cũng thấy đói. Bữa ăn nhờ có Tuế mà không khí bớt đi vẻ trầm lặng u buồn vốn có ở tôi. Tôi không uống được bia nhiều, chỉ một ly là mặt mày đỏ gay. Bữa ăn kết thúc với mấy trái chuối già ngọt lịm ướp đá của người đàn bà chủ quán tốt bụng.
Bà hỏi:
- Chiều, người bạn con có ăn cơm không?
- Dạ có chứ. Nó còn ở đây lâu.
Bà day sang Tuế:
- Vậy cậu cứ tới, đừng ngại. Cứ coi như trong nhà.
Tuế gật đầu:
- Dạ, cháu tới với nó chứ biết đi đâu ăn bây giờ.
Hai đứa tôi chào người đàn bà, dong xe ra đường phố. Buổi trưa nắng thật gắt. Tuế hỏi:
- Cần về nhà không?
- Không.
- Vậy đi ciné.
- Bây giờ à?
- Ngay bây giờ. Lâu quá tao không được xem. Không được ăn một cốc kem. Tao khoái coi ciné rồi ra ngồi ăn kem ngắm phố xá.
- Mày làm như còn trẻ con.
- Chưa bao giờ tao như trẻ con bằng lúc này. Thấy cái gì cũng thèm. May mà tao còn về gặp mày để đi chơi nghêu ngao.
- Ghé Thuận đi bạn ơi.
- Dĩ nhiên phải có nhân vật chính.
Tôi đưa Tuế xuống chỗ Thuận. Trong lúc hai người nói chuyện với nhau một cách vui vẻ, cảm động, tôi đi loanh quanh xem những món đồ chơi bày trong tủ kính. Tôi đi dạo một mình trong khoảng hành lang vắng. Đã có nơi đóng cửa nghỉ trưa. Tôi đoán chắc Thuận cũng sắp tới giờ nghỉ. Và sau đó, chúng tơi sẽ đi chơi với nhau. Tôi sung sướng chia xẻ niềm vui của người khác, của Tuế và Thuận. Tôi huýt sáo và trở lại chỗ họ.
Tuế hỏi:
- Mình đi chứ?
Tôi đưa mắt ra ý hỏi Thuận.
- Sắp đóng cửa nghỉ rồi anh.
- Nghỉ luôn cả buổi chiều đi.
Thuận cười, và tôi hiểu là nàng đã bằng lòng.
- Tuế đợi đưa em đi ăn cơm đó.
Tuế cười:
- Em chưa ăn cơm phải không?
- Không. Em không thấy đói.
Tôi trêu Thuận:
- Bây giờ có nhịn đói một tuần cũng không sao. Nhìn nhau đủ no cả năm rồi.
Thuận ngượng, lườm tôi một cái. Tôi không hiểu nổi Thuận. Một người con gái sống xa cách gia đình, trông coi một quán hàng. Ăn cơm tại quán buổi trưa, chiều về nhà bạn. Ở lang thang từ chỗ này sang chỗ kia tùy theo nỗi vui, nỗi buồn. Đời sống như thế mà làm sao chịu nỗi. Tuế lâu lâu về một lần. Đi chơi với nhau, sống với nhau ít ngày rồi chia tay. Tôi nghĩ như thế là Thuận đã chịu đựng, và chờ đợi một ngày nào đó, một cơ hội nào đó. Đời sống buồn quá. Một lúc sau, quán đóng cửa. Thuận có vẻ thảnh thơi đi với chúng tôi. Đúng hơn là thảnh thơi với Tuế. Nhìn hai người, tôi thấy thành phố nên có những đôi tình nhân như vậy.
Những đôi thình nhân ở xa nhau, lâu lâu mới gặp một lần. Và tự nhiên tôi lại nghĩ đến Hạ. Tới chuyến đi ngày vuối tuần sẽ mang tôi trở lại với thành phố ấy. Bây giờ có gì khác xưa. Tôi chạnh nhớ nụ cười và mái tóc của Hạ trong mưa nhỏ bay bay, trời Đà Lạt.
- Đi đâu Lam?
- Đi đâ tùy hai người chứ. Tôi đứng bên lề.
Tuế và Thuận cười khúc khích. Thuận hỏi thăm tôi về Hạ. Tôi không biết trả lời sao, chỉ cười, rồi thôi. Câu chuyện được xoay về hướng khác. Tôi nói:
- Đi đâu thì đi, chiều nay tôi phải tới chỗ làm một chút.
- Ciné xong đã.
- Dĩ nhiên.
Tôi đưa cho Tuế cái chìa khóa và dặn:
- Cứ về nhà. Và tự nhiên dọn dẹp những gì thấy cần dọn dẹp.
Thuận cười:
- Anh Lam phải có một cô nào mới được
- Chi vậy?
- Tới dọn dẹp nhà giùm anh, sống một mình chắc bê bối lắm.
- Thuận thường tới, hẳn biết.
- Chừng nào cho người ta uống rượu mừng đây ông?
- Với ai?
- Cô Hạ đó.
Tôi cười. Sẽ không không bao giờ có Hạ. Tôi chỉ còn một mình. Uống rượu mừng hai người khác thì có. Hạ dường đã phai nhạt dần trong tôi như một màu nắng cũ. Như một đài hoa héo úa sau một ngày rực rỡ khoe tươi.
Tôi đi bên cạnh hai người bạn, mà suy tư về hạnh phúc chính mình. Buổi trưa thành phố thưa người. Nắng chói gắt hừng hực trên da mặt. Tôi rất yêu thành phố này, nên tôi chưa rời bỏ nó được. Tôi thích rảnh rang và rong chơi một mình. Nhưng ngày tháng và công việc như trùng lấp trong tôi. Tôi vẫn đi và về qua một con ngõ quen, một ngôi nhà yên lặng với những nỗi buồn, nỗi nhớ thương về những người thân đã bỏ ra đi. Tuế nói với Thuận về chuyến đi Đà Lạt sắp tới. Thuận hỏi tôi:
- Anh Lam có đi không?
Tuế đáp thay:
- Sao không. Thành phố nhớ thương của chàng mà.
Thuận cười, nhìn tôi:
- Thế là anh Lam sắp gặp lại người trong mộng rồi nhé. Chắc trái tim đang đập rộn trong ngực?
Tôi lắc đầu cười nhẹ. Đà Lạt, thành phố ấy tôi chỉ nhớ tới những giọt sương bay trong chiều đi dạo bên hồ. Những chân dốc hoa quỳ vàng nở rực rỡ. Dà Lạt, một đêm tháng mười hai nào tôi quen Hạ. Bây giờ có thêm những cánh thư và những nỗi ngậm ngùi.
- Có quà cho Đà Lạt không anh Lam?
- Không. Buồn quá.
- Sao lại buồn?
Tôi lại cười, và quay mặt đi nhìn vào những tấm gương lớn của cửa hàng dọc phố. Thật ra tôi đang xúc động. Tôi thấy cần phải có một quyết định dứt khoát về Hạ. Tôi không chịu nói hay không thích thú với không khí của những bức thư và những lời bàn tán chung quanh. Tình yêu đã vỡ ra như những cánh bèo tan tác trên mặt hồ rồi sao. Tôi dừng lại để quẹt diêm châm một điếu thuốc. Tôi ngỡ ngàng nhìn hai bàn tay mình.
Tôi chia tay với Thuận và Tuế từ trong rạp ciné, khi màn ảnh chưa kéo bít lại, và tiếng nhạc của cuốn phim chưa dứt. Hai người trẻ tuổi yêu nhau đang chia tay trên một sân ga buổi chiều mưa ướt đẫm. Tôi không hẹn mấy gờ về ăn cơm với Tuế. Chiều nay họ có hai người. Nơi của hai người thì đừng ai xen đến. Tôi biết. Chiều nay tôi một mình. Cuốn phim đông quá. Tôi khó khăn lắm mới chen chân ra tới bên ngoài. Trời mưa nhỏ. Tôi chạy lốc xốc dưới những tàn cây tới chỗ gửi xe. Mưa làm ướt mặt đường, tắm ướt cả cây lá, những mái ngói nâu của thành phố, những con chim én vờn qua lại trước những ô cửa đen. Tôi nhìn chúng nghe hồn có chút thảnh thơi. Chiều nay mưa trở lại bằng những hạt nước nhỏ nhoi đẹp lạ lùng. Tôi thích mưa trong những buổi chiều của mình. Tôi hưởng hạnh phúc của một người cô đơn, để được nhớ, được nghĩ tới những người thân thiết xa xôi. Trong đó có Hạ. Cô bé Tường Vân một buổi chiều nào ngồi nói chuyện trong phòng khách rộng thên thang của một ngôi nhà đẹp.
Tôi lấy xe và tới thẳng chỗ làm. Người bạn phía bên kia phòng thấy tôi vừa đẩy cánh cửa phòng mình:
- Lúc nãy có điện thoại, tôi nói bạn đi vắng. Người đó bảo chút sẽ gọi lại.
- Có cho biết tên?
- Không. Một người con gái.
Tôi nói cám ơn và bước vào phòng mình. Lúc nãy lên cầu thang tôi có ngước nhìn cái đồng hồ lớn treo tường. Chưa đầy ba giờ. Tôi không thể đoán được người con gái gọi điện cho tôi là ai. Hằng ngày có biết bao nhiêu người gọi điện thoại cho tôi. Quen có, lạ có. Thân và không thân. Tôi mở máy lạnh. Đóng cửa sổ. Mưa nhỏ vẫn còn bên ngoài. Phía bên kia ngôi nhà lầu đối diện, sân thượng trồng nhiều hoa. Những đóa hoa tươi đỏ chói ngó qua màn mưa càng thấy đẹp. Tôi bóc một bức thư và xem lướt. Tôi bật diêm châm thuốc và ngả người trên ghế nhìn mưa bên ngoài. Một lúc có tiếng chuông điện thoại reo vang. Tôi cầm máy nghe. Tôi hơi xúc động.
- Chú Lam phải không?
- Tôi đây.
- Sao lại tôi. Chú quên cháu rồi chăng?
- Nhớ chứ. Nhớ lắm.
- Thế hỏi chú nhé. Chú biết ai đang nói chuyện với chú không?
- Đừng bắt chú nói tên nữa. Chú đã nói chú biết rồi cơ mà.
- Thôi. Không chịu. Chú phải nói.
- Tường Vân. Phải không?
Giọng cười khúc khích trong trẻo nổi lên:
- Làm sao chú biết tài vậy?
- Chú khó mà quên được.
- Chú có bao nhiêu người để nhớ, làm sao chú nhớ cháu được? Cháu chỉ là một hạt cát nhỏ.
- Hạt cát nhỏ nhưng vướng ở chân chú rồi.
- Chú xạo.
- Cháu xuống bao giờ?
- Trưa nay. Ngủ một giấc, dậy nhìn mưa và gọi cho chú.
- Cháu xuống một mình?
- Làm sao cháu dám đi một mình. Cháu xuống với Mẹ. Cháu từ Nha Trang theo Mẹ vô đó chú. Cháu thi xong rồi. Lo rớt quá chú ơi.
- Chưa có kết quả đã lo rớt.
- Cháu học dốt.
Tôi cười:
- Cháu đang làm gì?
- Nói rồi. Cháu vừa ngủ một giấc, dậy thấy mưa, rồi gọi cho chú. Chú đang làm gì?
- Chú vừa từ rạp ciné về đây. Và bây giờ thì đang nghe cháu nói chuyện.
- Lúc nãy cháu gọi tới. Có ai đó bảo chú đi vắng. À, đi ciné sướng quá ta. Phim gì đó chú? Chắc là hay?
- Chú quên tên rồi, và cũng quên luôn chuyện phim.
- Đó, chú hay quên lắm mà. Rồi chú sẽ quên mất cháu.
- Không. Chú nhớ hoài. Bao giờ cháu về Đà Lạt?
- Sắp về. Mẹ bảo thế. Cháu về một mình.
- Nếu rảnh, chút nữa chú tới chơi với cháu.
- Thật không chú, để cháu đợi.
- Cháu sắp sửa đi đâu à?
- Không. Cháu không đi. Chút nữa chú tới nghe.
Cháu hỏi chú nhiều chuyện lắm.
- Chút nữa chú tới.
- Dạ.
Tôi cúp máy. Tiếng “Dạ” của Vân ngoan lắm. Tôi nghe ngọt lịm ở cổ. Chiều nay, công việc thật nhàn rỗi. Tôi đi loanh quanh trong phòng, nhớ lại ngôi nhà của Vân duới chân cầu Công Lý. Nhà của Dì nàng. Ngôi nhà đẹp nhất từ trước tới giờ mà tôi trông thấy. Mưa vẫn rơi rơi từng hạt nhỏ. Mưa như vui mừng, và tôi cũng nghe nôn nao một cảm giác lạ. Tôi dụi mẫu thuốc vào cái gạt tàn trên bàn. Tắt máy lạnh và bước ra khỏi phòng. Người bạn từ dưới đi lên hỏi:
- Đi hả?
- Đi. Chẳng có việc gì.
- Đã nghe điện thoại gọi lại chưa?
- Rồi.
- Nàng hả?
Tôi cười, bước xuống cầu thang:
- Không. Quen thôi.
Người bạn dường như còn đứng nhìn theo. Những bậc thang nối dài quen thuộc. Buổi chiều lẩn khuất bóng tối. Ngọn đèn vàng trong phòng trực đẹp mơ hồ như bóng trăng một đêm khuya. Tôi xuống nhà lấy xe và chạy chậm dưới mưa nhỏ. Mưa không làm ướt áo. Thứ mưa bụi ngàn đời hiếm hoi trong thành phố mưa tàn bạo này.
Vân ra mở cổng cho tôi. Nụ cười cô bé rạng rỡ. Vân hỏi :
- Chú thấy cháu lạ không?
- Lạ. Cháu lớn hơn lần trước chú gặp.
- Cháu sắp ăn sinh nhật mười bảy tuổi rồi chứ bộ.
- Nhà vắng hả cháu?
- Vắng. Chỉ có mình cháu với đứa em. Nó nghịch như gì. Mời chú vào.
Tôi bước đi bên cạnh Vân. Ở đây mưa vừa tạnh. Khu vườn nhỏ xanh mướt sau cơn mưa. Những trái bùm sụm chín đỏ trong cây um rùm lá xanh.
Vân mở cánh cửa lớn mời tôi vào. Nàng ngồi chiếc ghế bên cạnh. Đứa em nhỏ của nàng chạy ra. Vân giới thiệu:
- Tường Minh đấy chú. Mới có ba tuổi. Nó đeo cháu ghê lắm. Cháu về đây không có ai để chơi, chỉ chơi với nó.
Đứa em ngồi trong lòng nàng rồi tuột xuống đất chạy quanh bàn, tới kéo tay tôi. Tường Vân lườm em nhưng nó không sợ. Tôi cười:
- Sợ chú không?
Đứa bé lắc đầu. Tường Vân cũng cười:
- Sức mấy mà nó sợ chú. Nó chỉ sợ bác sĩ. Vì mỗi lần nó đau, mẹ kêu bác sĩ chích, nó sợ cái ống tiêm lắm.
Tôi rút cây viết dắt trên túi áo giả vờ làm ống tiêm dọa chích đứa bé. Nó sợ thật, vội chạy đến bên chị. Miệng lắp bắp những câu không rõ:
- Đừng bác sĩ.
Tôi cười trước giọng nói đớt dễ thương của đứa bé. Trông hai chị em giống nhau. Nhưng tôi chưa hề nghe Tường Vân nói nàng có em nhỏ. Tường Vân ngồi kể về đứa em, về những trò chơi mà hai chị em thường chơi với nhau. Tôi thấy căn nhà này dễ yêu hơn với những lời Tường Vân kể. Tôi hình dung ra một ngày trôi qua ở đây. Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối? Tôi hỏi:
- Rồi buổi tối cháu làm gì?
- Ngày trước cháu học bài. Bây giờ rảnh rồi. Cháu xem tivi rồi đi ngủ. Nhưng sợ ma quá chú ơi.
- Lại ma.
- Cháu sợ ghê. Nhiều hôm phải kéo Tường Minh qua ngủ với cháu. Nó ngủ khò. Trong khi cháu thức mở mắt lom lom cứ sợ ai đó bắt chân.
Chuyện của Tường Vân là như thế, xoay quanh căn nhà đẹp này. Họ hàng của nàng. Đứa em nàng, con mèo của nàng và con ma vô hình vô bóng kia. Tường Vân còn trẻ con quá.
- Cháu có gặp Hạ, hình như Hạ sắp về Sài Gòn hả chú ?
- Hình như thế.
- Sao lại hình như. Tưởng chú biết rõ.
- Hạ bảo thi xong Hạ có thể về. Chú biết thế thôi.
- Hạ về thật mà. Hạ mong về Sài Gòn gặp chú đấy.
- Chú sắp đi Đà Lạt với một người bạn, định sẽ ghé thăm cháu. Không ngờ cháu lại về Sài Gòn. Tại sao cháu lại về?
- Cháu theo Mẹ cháu, chứ bộ.
- Ở chơi tới ngày chú về được không?
- Chắc không được. Tùy ở Mẹ cả. Mẹ cho cháu ở thì cháu ở, mẹ đuổi cháu về thì cháu về.
- Chú mời cháu ở lại Sài Gòn, cháu không ở sao?
- Cháu ở đây với ai? Mẹ sẽ đi Nha Trang. Dì Phước cháu cũng đi. Chị Như về Phan Thiết. Nhà này sắp bán, cháu ở lại với con ma à?
- Chú sẽ tới đây chơi với cháu. Thích đi đâu chú đưa đi.
- Thôi, cháu về kẻo Mẹ la chết.
Mẹ của Vân, tôi nghe nàng nói nhiều về Mẹ, nhưng tôi chưa gặp bà lần nào. Mẹ của Vân như thế nào đối với nàng? Một người đàn bà yêu thương con rất mực?
Một người mẹ cởi mở và rộng lượng? Và dĩ nhiên phải còn trẻ. Tôi không thể hình dung ra được. Tôi chỉ biết ba Vân người Bắc, còn mẹ Vân người Huế, và Vân nói giọng Bắc pha Huế. Nàng không thích tôi nhận xét như thế. Nàng bảo đó là giọng Đà Lạt.
- Hạ là sao hả chú ?
- Một người thân thiết của chú ở Đà Lạt, cũng như cháu.
- Hân hạnh cho cháu ghê. Nhưng chắc gì chú thương cháu hoài. Mai mốt cháu thành người lạ.
- Không bao giờ.
Con gái hay lo sợ những điều xa xôi. Làm sao tôi có thể quên Vân cho được. Sợ nàng quên tôi thì có. Tôi cười:
- Mai mốt cháu lớn. Cháu sẽ quên mất chú.
- Mai là bao giờ hả chú?
- Ngủ một đêm thức dậy thấy mặt trời lên.
- Cháu không thích mặt trời. Cháu chỉ thích trăng thôi. Ngoài khu vườn kia đêm trăng đẹp lắm chú ơi.
- Cô bé mơ mộng vào bậc nhất trên thế giới.
- Cháu mà mơ mộng. Cháu học Hóa – Sinh mà.
- Học Hóa – Sinh mà mơ mộng vẫn mơ mộng được như thường.
- Tụi bạn bảo cháu là con người tình cảm. Chú thấy thế nào?
- Bạn cháu quê ba cục.
- Trời ơi, chú chỉ chê người ta không.
- Tại vì họ không nhìn thấy gì ở cháu hết.
- Chú nhìn thấy gì?
- Nhiều thứ lắm.
- Chắc là có một thứ đáng ghét. Cháu biết. Rồi sẽ không ai thương cháu hết, chỉ có Mẹ cháu thương cháu.
- Tại sao cháu nói như vậy?
- Cháu buồn. Về đây cháu có một mình.
- Nếu còn ở lại. Đi Đà Lạt về chú sẽ đưa cháu đi chơi. Chú đi có ba hôm thôi. Cháu ở lại chứ?
- Tùy ở Mẹ.
- Cháu xin phép Mẹ đi.
Vân gật đầu:
- Rồi cháu xin.
- Cháu vui chứ?
- Cháu đang vui.
- Cháu gửi gì về Đà Lạt chú mang cho.
- Cháu định viết một bức thư cho em cháu. Tường Vy đó chú biết không?
Tôi cười:
- Dĩ nhiên là chú chưa biết.
Tường Vân ngó tôi cười:
- Nhưng Tường Vy thì biết chú rồi. Hồi trước, một lần chú tới nhà cháu với Hạ, Vy gặp. Chú nhớ không?
- Chú có trí nhớ tồi nhất thế giới. Bao giờ cháu biên thư?
Tường Vân im lặng một chút rồi lắc đầu:
- Nhưng thôi. Rồi cháu cũng về Đà Lạt. Cháu ghét thành phố đó. Nó làm cháu bị đau đầu liên miên. Về Sài Gòn cháu thấy đỡ hơn.
- Vậy mà cháu cứ đòi về Đà Lạt sớm.
- Cháu đâu có muốn về.
- Nghĩ cháu sẽ ở lại?
- Cháu cố gắng xin Mẹ. Chỉ sợ Mẹ không cho thôi.
- Sinh nhật cháu thích được người ta tặng gì?
Tường Vân cười lớn:
- Người ta hay là chú?
- Chú.
- Cháu không biết mình thích gì nữa. Cháu quê lắm chú ơi.
Tôi ngồi bật người ra sau thành ghế, buông một tiếng thở dài:
- Bây giờ chú không còn muốn đi Đà Lạt nữa.
- Đi đi chú ơi. Hạ đợi chú trên đó mà.
- Chú đang buồn.
- Ừ nhỉ, sao chú cứ than buồn?
Đột nhiên giữa Vân và tôi có một khoảng không im lặng. Vân ngồi bất động trong ghế, hai tay vòng qua ôm lấy hai đầu gối. Chiếc ghế quá rộng. Vân lọt thỏm trong đó như một thiếu nữ trong tranh vẽ. Chiếc ghế bọc da xanh thẫm, áo của Vân lấm tấm những hoa màu trắng. Mái tóc rũ xuống. Đôi mắt Vân buồn và tối. Tự nhiên tôi nghĩ là Vân đang khóc.
Tôi hỏi:
- Vân đang khóc đấy à?
Vân cười, đôi mắt long lanh như pha lê:
- Đâu có chú. Nhiều khi Vân muốn khóc ghê lắm mà khóc không được.
Tôi hút thuốc và im lặng ngắm Vân. Tôi không biết nói với nàng như thế nào. Tôi đang xúc động, tựa hồ có những cơn sóng nhỏ vỗ trong lòng. Tôi yêu nụ cười của Vân như một đóa hoa đẹp và buồn. Vân vừa là một cô bé. Vân hiền và khôn ngoan. Phòng khách quá rộng. Vân quá nhỏ bé với một chỗ ngồi. Bình thường vào đây nếu Vân không lên tiếng chắc là tôi không ngó thấy được nàng. Ở phòng khách này chắc Vân thường ngồi một mình trong từng buổi sáng sớm, và từng buổi chiều cho đến khi nắng sáng sớm, và từng buổi chiều cho đến khi nắng nhạt ngoài khu vườn nhỏ. Vân bỗng nói:
- Chú có hút thuốc nhiều không?
- Chú hút rất ít. Và không hút được thuốc nặng.
- Ngày xưa, cháu rất sợ khói thuốc, Bố cháu hút là cháu chạy đi chỗ khác.
- Còn bây giờ?
Vân ngó tôi. Chớp mắt và cười. Cơn mưa đã tạnh hẳn bên ngoài. Tạnh hẳn lúc tôi vào cũng nên, nhưng tôi quên mất. Trong căn phòng này tôi không nghe thấy gì hết. Tấm màn dài che kính được Vân kéo qua một bên, chừa một khoảng nhỏ để tôi thấy ánh sáng yếu ớt của buổi chiều đậu trên những đỉnh cây ngoài rào cao, những song sắt màu nâu sẫm. Phía trước là con đường. Hình như Vân ít khi ra đứng ngoài đó. Vân thui thủi trong nhà như một con mèo để chờ đợi ngày trở về thành phố của nàng. Tôi nghĩ là Vân buồn lắm.
- Chú nhìn Vân hoài.
- Ở đây chú biết nhìn ai bây giờ. Có mấy bức tranh, mấy bức tường, chú nhìn hết rồi.
- Nhìn cháu để thấy cháu đáng ghét. Phải không chú?
- Ngược lại là đằng khác.
- Chú xạo.
- Nhà vắng quá. Nhưng chú thích nhà này. Tại sao lại bán đi. Nếu chú có tiền chú mua liền.
- Cháu không biết nữa.
- Rồi ai sẽ đến ở đây?
- Một người lạ mặt.
- Uổng ghê.
Tường Vân nhìn tôi cười buồn. Tôi cũng cười, vì cũng chẳng biết nói gì hơn. Đứa em nhỏ của Tường Vân lại chạy đến. Nó nhìn tôi, ánh mắt tỏ vẻ thân thiện. Chị em nàng như chị em búp bê. Tôi nghĩ như thế và cười một mình.
Có tiếng chuông reo ngoài cổng. Tường Vân chạy ra. Một lúc cùng với Thanh Chi bước vào. Lâu quá mới gặp cô bé này. Thanh Chi nhìn tôi cười, trông cô bé khác ngày xưa nhiều.
Tôi nói với Chi:
- Lâu quá mới gặp. Cô bé biến đi đâu mất tăm thế?
- Em vẫn ở Sài Gòn.
- Thi thế nào?
- Chắc là rớt.
Tôi ngó cả hai cười:
- Sao ai cũng kêu rớt?
- Tường Vân chắc đậu, em chắc rớt.
- Không có đâu chú. Thanh Chi chắc đậu, còn cháu chắc rớt. Trời ơi, nếu rớt cháu trốn luôn không còn dám gặp ai.
- Không ngờ gặp anh Lam ở đây, ngạc nhiên ghê.
- Có gì mà ngạc nhiên. Rồi sẽ quen nhau hết mà.
- Anh tới lâu chưa?
- Lâu rồi. Từ lúc mưa chưa tạnh. Bây giờ nắng lên rồi.
- Anh Lam trông gầy hơn ngày xưa nhiều. Chắc tại nhiều cô để nhớ phải không?
- Không có ai hết. Anh chỉ có một mình thô cô bé ơi.
- Không tin. Anh mà một mình thì trái đất này cũng cô đơn luôn.
- Trái đất vốn cô đơn mà bé.
Cả ba cùng cười. Tôi nhắc lại những điều đã nói lúc nãy với Vân. Rồi đứng lên cáo từ. Vân và Chi đưa tôi ra cổng. Nắng nhạt trên những tàu lá chuối to đang vẫy trong gió. Tóc Vân phủ hết một bên mặt. Tôi hy vọng mai mốt trở về Sài Gòn còn gặp lại Vân ở đây, đứng cười với tôi trong khu vườn nhỏ này.
Tôi về nhà. Trên bàn viết của tôi có mấy trái ổi và bức thư ngắn của Trâm.
“Chú Lam.
Chờ hoài không thấy chú về. Có mấy trái ổi chị Truyền cho chú, Trâm phải leo qua bao lơn thảy vào cửa sổ vì nếu chờ chú về chắc Trâm đã xơi hết. Chú gặp bạn chú chưa? Đi đâu mà lâu quá trời. Chắc tới nhà cô nào chứ gì. Vài hôm nữa hai chị em không còn ở đây. Ba đổ về Huế. Phải đi theo. Buồn quá đi. Chị Truyền ngồi khóc hoài. Bây giờ Trâm chưa khóc nhưng mai mốt chắc khóc dữ lắm. Xa ngôi nhà này buồn quá. Nhớ chú, nhớ đủ thứ hết. Chú có nhớ chị em cháu không? Chắc là không. Ăn ổi để sửa soạn chia tay nghe chú. Buồn ghê. Khi nào gặp chú sẽ nói chuyện. Chị Truyền đang khóc và hỏi thăm chú đấy. Thương chị ấy ghê nơi.
Trâm”
Bức thư ngắn của Trâm làm tôi sững sờ. Hai chị em cô bé sắp sửa rời bỏ thành phố này để tới một thành phố khác. Huế. Thành phố đó xa xôi quá. Tôi đứng bất động với bức thư trong tay. Nhìn qua bao lơn tôi thấy cửa sổ nhà Trâm đóng kín. Những vạt nắng đậu hờ hững mong manh sắp tàn. Tại sao có những cuộc từ biệt bất ngờ như thế nhỉ? Và chắc chị em Trâm cũng buồn ghê lắm. Thế là tôi sẽ ở lại đây một mình như những ngày trước. Những người quen biết cuối cùng còn lại, cũng sắp ra đi. Tôi thành thật nhớ Trâm. Cô bé nhỏ nhắn, dễ thương như búp bê mỗi sáng, mỗi chiều hay đứng nhìn tôi từ bao lơn bên kia. Rồi những chậu cúc vàng của tôi sẽ trổ bông khác, để sẽ tàn tạ trong quên lãng êm đềm vì không còn ai xin nó cài lên tóc. Chị em Trâm về Huế, thành phố muôn trùng với tôi. Mưa nắng ở đó sẽ làm mềm những kỷ niệm nhỏ, sẽ làm phai mờ khu xóm này, con ngõ thân quen với những bước chân đi về mỗi ngày này. Bao giờ gặp lại? Tôi bùi ngùi nhìn những trái ổi xanh ngon mắt nằm trên bàn. "Ăn ổi để sửa soạn chia tay". Câu nói thơ ngây sao làm tôi ngậm ngùi quá đỗi. Tôi mở cửa ra đứng ngoài bao lơn. Buổi chiều theo với nắng tàn tạ hết. Rồi sẽ chỉ còn những mái nhà và những bức tường cheo leo trong ánh sáng cuối cùng của ngày. Và ngày cũng sắp hết trong thinh lặng buồn rầu riêng tôi. Thuận và Tuế vẫn chưa về. Tôi cũng đang sửa soạn cho một chuyến đi. Chiều này tôi nhớ Hạ. Tình yêu mỏng manh sương khói đó rồi cũng sẽ tan mất như một áng mây vướng trên chóp đồi cây xanh đen tôi trông thấy, trên đường về thành phố của nàng.
Truyền bỗng mở cửa và thấy tôi. Nhìn thoáng tôi thấy mắt nàng đỏ hoe. Tôi hỏi:
- Bao giờ Truyền đi?
- Chưa biết anh ạ. Ba còn chờ phương tiện. Nhưng chắc chỉ vài hôm nữa thôi.
- Buồn không?
Hỏi xong tôi mới thấy mình ngớ ngẫn. Truyền im lặng nhìn ra phía khác. Tôi cố pha trò:
- Đi chỗ khác ở rồi sẽ có nhiều bạn mới. Vui hơn chứ sao lại buồn?
- Truyền không thích đi tí nào. Xin ba cho ở lại mà không được.
- Về Huế vài tuần chắc cô bé sẽ quên hết chuyện hôm nay.
- Hay nhớ hoài nơi đây rồi khóc mù cả mắt?
- Huế đẹp lắm Truyền ơi.
- Nhưng không phải thành phố của Truyền. Sài Gòn đáng nhớ hơn.
- Ra Huế, thành gái Huế, đừng quên tôi nhé.
Truyền gượng cười:
- Quên sao được. Nhất là bài thơ anh làm tặng cho Truyền hôm sinh nhật.
- Ra đó, cho địa chỉ, tôi sẽ viết thơ, và làm thơ gởi ra cho hai chị em Truyền đọc.
- Thật chứ anh Lam?
- Thật. Tôi mến chị em Truyền. Tôi sẽ ăn ổi để sửa soạn một cuộc từ biệt.
Truyền cười. Tôi cũng cười. Tôi không ngờ cô bé nghịch ngợm hôm nào cũng có thể khóc mùi trước lúc ra đi.
Tôi còn muốn nói nhiều với Truyền, nhưng tôi sợ vô tình làm cô bé khóc nữa. Tôi im lặng dõi nhìn một cánh chim lẻ loi chao lượn giữa trời chiều. Truyền thật tội nghiệp. Nhưng tôi còn làm gì được để kéo dài khoảnh khắc chia tay? Vài hôm nữa căn nhà sẽ đóng kín cửa. Và rồi sau đó có người khác đến ở. Nhưng người khác là ai? Có dễ thương như chị em Truyền? Có dành cho tôi những nụ cười, những lời hỏi han trìu mến? Và làm sao tôi có dịp bước vào khu vườn nhỏ kia để lại nhìn thấy Truyền và bạn bè vui đùa? Tôi chẳng còn chút hy vọng nào cho một lần gặp lại Truyền nữa ư?