Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Ai giết anh em Ngô Đình Diệm

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 25754 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ai giết anh em Ngô Đình Diệm
Quốc Đại

Chương 9 (B)


Lần ấy, vào khoảng 2 giờ đêm, Đại uý Hoàn đang thiu thiu ngủ (vì Đại uý Hoàn phải trực đêm) bỗng viên cận vệ chạy vào phòng gọi: "Thưa Đại uý, Tổng thống đi… ". Vì ở trong dinh nhiều năm nên Đại uý Hoàn không lấy gì làm ngạc nhiên. Lâu lâu, Tổng thống Diệm lại làm một chuyến du ngoạn trong đêm như vậy.

Vẫn theo thường lệ, Đại uý Hoàn di dép mặc quần jean, áo bỏ ngoài quần giắt khẩu rouleau vào lưng… rồi theo Tổng thống Diệm với viên cận vệ (có phận sự ngồi gác ở cửa phòng riêng của Tổng thống)… Lâu nay Tổng thống Diệm không đi đâu xa, ông ra đứng trước bao lơn dinh Gia Long, Đại uý Hoàn và viên cận vệ đứng sau lưng Tổng thống chừng vài ba bước. Đó là thông lệ của sĩ quan tuỳ viên và cận vệ của một Tổng thống trong thời buổi lộn xộn. Như mọi lần, Tổng thống Diệm xuống vườn xem cây cối và hoa hoặc đi thơ thẩn ngắm cảnh thiên nhiên. Nhưng lần này thì không như vậy, Tổng thống Diệm chỉ ngước mắt nhìn trời mây, ông đứng như chôn chân trên thềm bao lơn. Ông đứng lâu chưa từng thấy. Hoàn lấy làm lạ vì “Tổng thống đứng lâu như vậy đến 40 phút và ông chỉ nhìn trời rồi miệng lẩm bẩm". Đại uý Hoàn và viên cận vệ càng phải đứng im phắc không dám gây một tiếng động nào. Hoàn cũng chả quan tâm vì 5 năm sống cạnh ông Diệm, Hoàn đã quá quen thuộc với đời sống riêng tư của ông. Nhưng có câu này ông Diệm nói khá lớn, cả Hoàn và cận vệ đều nghe rõ. Câu nói được ghi lại như sau: "Thôi sang năm thì mình xin về.. mệt quá rồi… mình xin về phụng dưỡng bà cố".

“Nhưng muốn xin về thì ông Nhu cứ bắt mình phải làm". Câu nói trên được ông Diệm nhắc đi nhắc lại rồi, ông quay lại lẩm bẩm nhìn trời xa xăm.

Rồi khi quay lại phía sau lưng, ông Diệm tròn mắt nhìn sĩ quan tuỳ viên và viên cận vệ ông có vẻ kinh ngạc trước sự hiện diện của hai người. Nhưng không nói gì, lẳng lặng về phòng riêng. Đại uý Đỗ Thọ cũng một lần bắt gặp Tổng thống Diệm độc thoại tương tự như vậy vào một đêm tháng 7.

BẮT ĐẦU NỔ SÚNG.

Hồi tưởng lại như vậy rồi, qua dư luận, qua đài VOA, tuỳ viên Lê Công Hoàn linh cảm thấy một cơn giông bão nào đó sắp bùng lên. Cơn giông bão đó đã đến. Khoảng 1giờ 15 trưa 1-11, Thượng sĩ Thám đang chuẩn bị lên giường ngủ, nhắm mắt cho qua ít phút, bỗng có tiếng Thiếu tá Duệ nói lớn: "Quan sát lại xem thế nào?”. Theo phản ứng tự nhiên Thám vùng dậy chạy ra hành lang.

Thành Cộng Hoà vẫn im lìm trong buổi trưa nắng gắt. Lúc ấy Thiếu tá Duệ vẫn mặc may ô chân đi dép. Ông dang đứng trước cửa phòng riêng của ông (sau này trở thành trụ sở của "Wud" thuộc khu đại học đường Cường Để) chỉ một lát sau, Thượng sĩ Thám thấy một sĩ quan từ lầu trên chạy xuống báo cáo với Thiếu tá Duệ: "Từ phía ngã tư Đinh Tiên Hoàng, Phan Đình Phùng (Dakao) tôi thấy đang lố nhố, chúng đang lom khom tiến trên vỉa hè… Có đứa thì nhằm súng chĩa về phía thành". Viên sĩ quan xác nhận: “Đây là Lính thuỷ quân lục chiến". Thiếu tá Duệ nhún vai "Làm gì có chuyện lạ". Ông trở vào phòng mặc quần áo, đặt khẩu rouleau bên lưng. Từ lúc ấy, Trung uý Bảo, Thượng sĩ Thám luôn luôn có mặt bên ông Duệ. Đầu tiên các sĩ quan thấy Thiếu tá Duệ quan sát rất kỹ, ông cũng nhận thấy như vậy nghĩa là có thuỷ quân lục chiến đang tiến về phía thành Cộng hoà. Thiếu tá Duệ nhăn trán, lắc đầu: Chuyện lạ nhỉ. Giờ này làm gì có lính tráng nào tập dượt".

Hơn nữa khu vực này được coi là loại yếu khu số 1, không một lực lượng nào được lai vãng đến đây mà không thông báo cho lữ đoàn biết trước. Ông Duệ quay máy gọi biệt khu Thủ đô. Phía dầu dây bên kia là Thiếu tá Dụ. Thiếu tá Duệ hỏi: "Đằng biệt khu có lệnh cho đơn vị nào di chuyển ở Đặc khu I không? ". (Đặc khu 1 tức là vùng Đakao và thuộc phạm vi thành Cộng hoà). Thiếu tá Duệ lắc đầu nói với Thám và Bảo: "Lạ nhỉ, biệt khu Thủ đô Thiếu tá Dụ cũng hhông hay biết gì cả ". Sau khi quan sát lại lần nữa với nhiều dấu hiệu khả nghi, Thiếu tá Duệ ra lệnh báo động. Từ lúc ấy thành Cộng hoà thức giấc trong cơn nôn nóng của buổi trưa. Sài Gòn nắng như thiêu. Tiếng còi vang lên khua động doanh trại… Khoảng 15 phút sau, tất cả đều ở thế tác chiến. Quân nhân ở trại gia binh kế cận cũng lần lượt trở vào thành gần đủ mặt. Những khẩu đại liên 30 nòng đen ngòm đều chĩa về phía đường Đinh Tiên Hoàng- Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tất cả đều chuyển dịch.

Đằng xa thuỷ quân lục chiến vẫn lố nhố bò dựa vào những gốc cây hay tiến lên vỉa hè và mỗi lúc càng di chuyển lại gần hơn.

Một sĩ quan bảo ông Duệ: "Mục tiêu ngon lành quá. Cứ thế mà cho đại liên quại thì đi đời hết cả bọn". Một sĩ quan đứng chép miệng: "Tụi này sao ngu quá vậy, không biết thằng nào chỉ huy mà nghe ngu quá ta".

Trong lúc đó Thiếu tá Duệ cầm máy gọi về dinh Gia Long.

Ông quay lại mỉm cười nói với mọi người: "Lại nhỉ, trên đó cũng không biết gì hơn". Ông cho gọi Đại uý Nuôi trưởng phòng III đến trình diện và cùng ông xem xét tình hình. Từ xa, thuỷ quân lục chiến vẫn theo đội hình hàng dọc dang tiến lên. Chẳng bao lâu toán tiền phương đã lô nhô ở phía sau sân Hoa Lư. Có biến thật rồi.

Trong thành tất cả chỉ còn chờ lệnh nẩy cò. Lính trong thành có đủ lợi điểm nhất. Chỉ cần hai khẩu đại liên bắn chéo cánh sẻ thì toán tiền phương của thủy quân lục chiến sẽ gục hết ngay từ phút đầu. Trung uý Bảo thấy lính thủy quân lục chiến vẫn khơi khơi như không có vẻ gì là hành quân tác chiến cả.

Ngay lúc ấy, Thiếu tá Duệ ra lệnh cho một số sĩ quan chỉ huy hai xe thiết giáp tiến ra bọc phía sau, ông nói: Anh bắt sống mấy thằng chỉ huy đem về đây cho tôi.

Giữa lúc ấy, một tiểu đội thuỷ quân lục chiến vẫn tiến lại. Tiếng loa trong thành hô đứng lại. Toán lính này nằm rạp xuống rồi lại khom lưng, bò tiến lên. Tiếng hô vang lên lần nữa rồi 1, 2, 3… một loạt súng đại liên nổ chát chúa. Ngay trong loạt súng đầu đã có 4 lính thuỷ quân lục chiến gục ngã. Đám còn lại chạy dạt vào phía bên trong thành tường sân Hoa Lư.

 

GIỜ ĐÃ ĐIỂM

Rồi 1 giờ 30 ngày 1-11 đã điểm. Một loạt đại bác 105 nổ vang rền và rất trúng mục tiêu thành Cộng hòa. Có viên nổ giữa sân, có viên nổ trúng một phía doanh trại. Tiếp sau là 4 chiếc khu trục tới bắn hoả tiễn.

Lúc ấy binh sĩ trong thành Cộng hoà bắt đầu cảm thấy thực sự có biến động. Rồi lại từng loạt nữa... Tiếng nổ chát chúa vang rền. Trong thành vẫn chưa có ai bị thương.

Từ lúc ấy, Thiếu tá Duệ mời xuống phòng chỉ huy để điều động. Ông nói với các sĩ quan : "Có đảo chính thật các cậu ạ. . . không hề gì. . . người nào có nhiệm vụ đó". Ông ra lệnh cho Trung uý Bảo theo chân hai chiếc thiết giáp ra khỏi thành. Bảo yêu cầu : "Thiếu tá cho quạt vài ba tua nữa. . .Bọn nó đang lố nhố ở đầy sân Hoa Lư. Mục tiêu ngon quá đi". Ông Duệ không cho khai hoả tiếp rồi bảo Bảo ra tìm cách thuyết phục và hỏi nguyên do xem sao "Anh em nhà cả mà".

Trung uý Bảo đứng bên đây đường, vác loa gọi : "Alô ! Alô !. . . Tôi Trung uý Bảo đây nguyên Trưởng phòng II Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt đây"

Nói như vậy ông biết chắc là trong đám sĩ quan đó cũng có người là bạn ông hoặc cựu sinh viên trường Võ bị Đà Lạt.

Bảo lại lên tiếng một lần nữa "Alô ! Bảo đây xin các anh đừng có dại dột nghe theo ai, đừng có dại dột chết oan uổng cho một mưu đồ nào". Quả nhiên khi Bảo vừa dứt lời thì từ phía bên kia sau sân Hoa Lư có một sĩ quan lên tiếng "Alô... Trung uý Bảo phải không ? Alô Thinh đây". Rồi có một tiếng súng nổ ở xa.

Có tiếng hô bắn, Trung uý Bảo liền băng qua phía đường Hồng Thập tự về phía Thinh. Theo sau ông là một người lính. Đến gặp Đại uý Thinh, đại đội trưởng thuỷ quân lục chiến, Trung uý Bảo hỏi Thinh: "Các anh được lệnh của ai về đây ?". Đại uý Thinh nói : "Tôi nghe Lữ đoàn liên minh phòng vệ phủ Tổng thống làm phản Tổng thống nên bọn này kéo quân về cứu”. Bảo lắc đầu cười: “Lầm to rồi Thinh ơi. . . Làm gì có chuyện đó. . . Ai bảo các anh thế? " Thinh im lặng.

Lúc ấy đã có một lính thuỷ quân lục chiến bị chết ba bị thương trong loạt đạn nổ thứ nhất của lữ đoàn. Trung uý Bảo đề nghị với Thinh : "Cậu thấy không xung quanh đây toàn lực lượng của Lữ đoàn hết. Chỉ cần mấy khẩu đại liên đặt trên lầu kia quạt một lần các cậu sẽ đi đời hết. Thôi bây giờ bỏ khí giới đi rồi hạ hồi phân giải".

Đại úy Thinh không chịu và nói : "Hàng thì tôi không thể hàng được. Cấp chỉ huy ra lệnh như thế nào thì làm như thế. Tuy vậy, bọn tôi có thể giá súng ngồi chơi được không?” Một sĩ quan thuỷ quân lục chiến khác phàn nàn: “Bọn tôi hành quân từ Tây Ninh về thì được lệnh di chuyển về đây ngay. Bọn này có biết mẹ gì đâu. Cấp trên bảo sao nghe vậy. Đang mệt thấy bà nội". Đại uý Thinh cương quyết chỉ giá súng mà không chịu hàng.

Hai bên đều đồng ý án binh bất động. Đại đội thủy quân lục chiến của Đại uý Thinh rút lui vào sân Hoa Lư và giá súng. Theo lệnh của Thiếu tá Duệ, Trung uý Bảo mời Đại uý Thinh vào gặp ông Duệ để hai bên cùng sáng tỏ đầu đuôi câu chuyện. Đại uý Thinh từ chối, ông viện cớ Đại đội trưởng không được phép bỏ đơn vị khi đang ở tình trạng tác chiến. Tuy nhiên Đại uý Thinh vẫn cử hai sĩ quan đi theo, một Thiếu uý một Chuẩn uý. Qua sự điều tra tại chỗ, được biết có hai đại đội thuỷ quân lục chiến. Ngoài đại đội của Thinh, còn có đại đội của Châu đang dàn binh bố trận ở phía sau. Một sĩ quan của thủy quân lục chiến nói với Đại uý Bảo : "Chuyện rắc rối thấy mẹ... bọn này vừa đi hành quân về mệt chết cha...Làm gì có đảo chính. Trung tá Khang được Tổng thống cưng nhất...có lẽ bọn tôi về đây để chống đảo chính".

Từ phút đó, bên thành Cộng hoà cũng án binh để "chờ xem". Việc cấp thiết là phải tản thương. Trung úy Bảo đề nghị với Đại uý Thinh tạm thời đưa cả 3 lính thuỷ quân lục chiến vào bệnh xá của lữ đoàn để cấp cứu (Trong đêm mùng một cả ba thương binh đều chết vì trúng đạn 105 ly của quân đảo chính...Trái đại bác rớt trúng ngay bệnh xá).

 

MỜI TỔNG THỐNG XUỐNG HẦM

Tại Bộ chỉ huy của lữ đoàn, Thiếu tá Duệ đang liên lạc với Bộ Tổng Tham mưu. Tiếng ông Duệ : "Tôi muốn gặp ngay Trung tá Khôi... chú phải tìm cho bằng được. Ông ấy đang ở trên phòng Hội". Ông Duệ vẫn chờ mãi. Trên dinh Gia Long lại gọi xuống : "Hoàn đây...không có chuyện gì quan trọng chứ?". Ông Duệ trao máy cho một sĩ quan để liên lạc với Bộ Tổng Tham mưu rồi tiếp chuyện với dinh Gia Long. Ông Duệ bảo Đại uý Hoàn : "Mời Tổng thống xuống hầm gấp... Thiếu tá Hưởng có ở đấy không... Tại sao đến bây giờ mà chưa để Tổng thống xuống hầm. Tại sao Tổng thống lại không chịu... Phải nói rõ cho Tổng thống biết... Không có gì nguy nhưng phải đề phòng".

Ông Duệ quay sang tiếp chuyện Tổng Tham mưu trưởng. Phía đầu dây bên kia là Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư lệnh lữ đoàn. Lát sau ông Duệ quay lại nói với các sĩ quan:

"Trung tá không thể về được. Bây giờ vẫn chưa họp. Lạ thật. Trung tá Khôi cho moa biết là trên ấy hoàn toàn yên tĩnh ". Một lát sau ông Duệ gọi lại lên Gia Long và được trả lời : "Mời Tống thống xuống hầm nhưng không thấy Tổng thống nói gì... Trên này hoàn toàn yên tĩnh... Thiếu tá Lạc đang có mặt trong dinh, có cả ông Bí thư Trần Sử”.

Kế hoạch đảo chính đã được hoàn tất trong vòng hơn một tuần lễ mà đầu não vẫn là Trung tướng Trần Văn Đôn. Đại tá Nguyễn Hữu Có lãnh trách nhiệm giao liên, móc nối và tổ chức. Với cương vị Tư lệnh phó quân đoàn III, phụ tá cho tướng Đính nên mọi sự giao tiếp và di chuyển của Đại tá có trong phạm vi quân đoàn III đều được dễ dàng. Hơn nữa, Giám đốc nha An ninh quân đội thì đã theo phe đảo chính rồi nên vấn đề tổ chức càng thêm dễ dàng và bảo mật đến mức độ tối đa. Theo tiết lộ của Trung tướng Nguyễn Hữu Có trên báo Công Luận số đặc biệt ngày 1-11-1970 thì ngày 15-10-1963 ông đã hỏi thẳng Trung tướng Dương Văn Minh về kế hoạch đảo chính và xin chỉ thị thì Trung tướng Minh trả lời: "Anh có quân, cố tổ chức nắm cho được các đơn vị đi". Vẫn theo Trung tướng Có vì biết ông chống Tổng thống Diệm đã từ lâu nên khi đến thăm tướng Đính, tướng Đính đã bất ngờ hỏi : "Toa chịu thề với moa không? Hễ moa chết thì toa phải chết theo, còn toa có chết thì moa cũng phải chết theo" - Khởi điểm từ bất ngờ đó hai ông Đính, Có kết hợp cùng nhau để thực hiện kế hoạch.

Đại tá Có xuống Bình Dương - bản doanh bộ Tư lệnh sư đoàn 5 - móc nối dược Đại tá Nguyễn Văn Thiệu. Ông lại xuống Mỹ Tho, bản doanh sư đoàn 7 móc nối được với Đại tá Tư lệnh phó sư đoàn này cùng một số sĩ quan thuộc khu chiến thuật Tiền Giang, trong đó có Thiếu tá Nguyễn Viết Thanh, Trung đoàn trưởng trung đoàn 10 tại Cao Lãnh, Kiến Phong, Thiếu tá Lý Tòng Bá , Chi đoàn trưởng chi đoàn Thiết Giáp.

Theo bút ký của Trung tướng Nguyễn Hữu Có, trong bữa cơm trưa tại dinh tỉnh trưởng Định Tường ngày 28-10 vì sơ suất nên tin âm mưu đảo chính bay về Sài Gòn.

Đêm 28-10, ông Nhu đã biết được đầy đủ chi tiết về việc Đại tá Có lên Bình Dương và xuống Mỹ Tho âm mưu móc nối đảo chính. Một phiên họp khẩn cấp được triệu tập trong văn phòng ông Nhu với sự tham dự của Đại tá Tung và hai viên chức cao cấp của ngành tình báo và ngành Cảnh sát đặc biệt. Ông Nhu nghe các viên chức liên hệ kiểm điểm tình hình và đi đến một kết luận vững chắc: "Phe đảo chính không có quân thì không thể làm gì nổi". Cho đến lúc này thì ông Nhu đã có đủ dữ kiện để biết rõ phe đảo chính gồm tướng Đôn, Kim, Minh, Xuân, và một số sĩ quan mà ông Nhu cho là họ thuộc thành phần Đại Việt.

Biết rõ Đại tá Có cùng tướng Đôn, Kim âm mưu đảo chính nhưng ông Nhu vẫn không ra tay trước. Có lẽ ông muốn quăng một mẻ lưới lớn. Đại tá Tung cũng như cơ quan tình báo được chỉ thị của ông Nhu là phải tuyệt đối là như không hề hay biết việc Đại tá Có xuống Mỹ Tho và lên Bình Dương móc nối 2 sư đoàn 5 và 7 bộ binh để đảo chính.

Ngày 31-10, Tổng thống Diệm và ông Nhu mới chính thức báo tin cho Trung tướng Đính biết việc Đại tá Có âm mưu đảo chính và chỉ thị phải điều tra ngay để tìm ra manh mối hòng có thể ra tay hành động theo kế hoạch Bravo mà tướng Đính vẫn nắm trọn quyền. Nhưng tướng Đính đã chính thức tham gia phe đảo chính từ ngày 25-10.

Tướng Đính cũng như tướng Đôn đều báo cáo với Tổng thống Diệm và ông Nhu là đã biệt giam Đại tá Có và đang tra khảo, nhưng thực ra, Đại tá Có được giữ kín trong văn phòng Tư lệnh quân đoàn III. Đại tá Có trải qua một ngày đêm trong cảnh toát mồ hôi hột - Văn phòng Tư lệnh quân đoàn III được canh phòng nghiêm ngặt, nội bất xuất ngoại bất nhập - 11 giờ đêm ngày 31-10, tướng Đôn đến quân đoàn III gặp tướng Đính và Đại tá Có ông cho biết vì Đại tá Có làm lộ bí mật ở Mỹ Tho nên phải hành động gấp vào ngày mai tức ngày 1-11.

Trung tướng Có qua thiên bút ký đã mô tả : "Thứ sáu ngày 1-11-1963. Sau một đêm thức trắng, Trung tướng Đính có vẻ mệt. Tôi cũng không khoẻ gì hơn. Nhung thì giờ càng qua mau thì tôi càng mừng. Ăn điểm tâm xong là 7 giờ tôi vui vẻ nói với tướng Đính: chỉ còn 6 giờ nữa thôi mong rằng mọi việc sẽ êm đẹp. 8 giờ, Trung tướng Đôn tới gặp tướng Đính và tôi. Thấy tôi, ông lại cười và chỉ mặt nói "Tổng thống bảo tôi lại coi ông Đính đập thằng Có ra sao". Tướng Đính dặn dò Đôn về trình báo là đã "đập gần chết rồi, hiện còn nhốt trong nhà tắm, đợi tỉnh lại rồi sẽ khai thác”.

Tướng Đính cũng trực tiếp báo cáo như vậy với Tổng thống Diệm và ông Nhu.

12 giờ Đại tá Có từ biệt tướng Đính ra phi trường Tân Sơn Nhất và ở đây ông dùng trực thăng của quân đội Mỹ bay thẳng xuống Mỹ Tho. Cũng từ giờ đó, tướng Đính bắt tay vào đảo chính. Quân đoàn III cấm trại 100% - Kế hoạch Bravo I biến thành Bravo II. Nhưng 6 đại đội của lực lượng đặc biệt đi hành quân tại Long Thành, theo kế hoạch Bravo I lực lượng này sẽ quay về Sài Gòn nhưng với Bravo II thì lực lượng nòng cốt này bị cô lập ngay.

Rồi một loạt đại bác nổ vang, rất trúng đích. Tiếng gạch ngói đổ vỡ, tiếng người lao xao. . . rồi lại một loạt khác. . . Tiếng nổ xé tan bầu không khí oi ả của buổi trưa. Trung sĩ Hoà ước lượng lúc này thành Cộng hoà phải ăn 20 trái. Từ phía xa vài loạt tiểu liên nổ. Quanh thành Cộng hoà vẫn yên tĩnh ngoài tiếng đại bác nổ và tiếng chân người chạy.

Thấy đại bác nổ rát quá, Thiếu tá Duệ hét: "Anh em thủy quân lục chiến tìm chỗ mà núp chứ cứ đứng khơi khơi như thế, chết hết bây giờ. Một toán thuỷ quân lục chiến chạy qua đường tìm chỗ ẩn đại bác trong mấy toà nhà thuộc Tổng nha cải huấn và Bộ Xã hội hiện nay. Trong sân Hoa Lư, thuỷ quân lục chiến tụ tập cả trên khán đài. Súng vất ngổn ngang trên sân cỏ, Thiếu tá Duệ nói với Trung uý Bảo : "Cậu sang bảo tụi nó tìm chỗ an toàn mà nấp. Vô phước tụi nó phải đại bác thì tôi sẽ lãnh đủ”.

Một Chuẩn uý thủy quân lục chiến từ bên Hoa Lư băng qua, ông này nói : "Ông già của tôi có đây không?”. Thì ra, ông già của vị sĩ quan này là thượng sĩ trong ban quân nhạc của Lữ đoàn. Viên chuẩn uý nói : “Trung đội em ở bên kia đường coi bộ nguy hiểm quá ". Trung uý Bảo đề nghị : "Cậu cho trung đội qua đây. . . Ở đây nếu pháo binh mần dữ như vừa rồi thì cũng không sợ, thiếu gì chỗ an toàn". Viên chỉ huy nghe có lý, trở lại vị trí cũ dẫn cả trung đội vào thành Cộng hoà (sau khi thành này thất thủ trung đội của ông ta được đồng hoá với lữ đoàn phòng vệ và bị coi là thành phần chống đảo chính).

Trong giờ phút đó, Thiếu tá Duệ cố tìm cách bắt liên lạc với Trung tá Khôi nhưng không có kết quả ông Duệ lại gọi về dinh Gia Long. Trên dinh cho biết vắn tắt : "Các tướng lãnh có lẽ bị phe đảo chính bắt cóc... Trên này đủ mặt Châu, Lộc, Hoàn, Thọ , Bằng. Ông Võ Văn Hải cũng vừa tới , ông đang ở trong phòng Tổng thống".

Từng loạt đại bác nổ vang rền. Lần pháo kích này được coi là ác liệt nhất. Lính của lữ đoàn có 5, 6 người bị thương, 2 người chết. Đại đội của Đại uý Thinh lúc ấy đã tản mát sang phía bên kia đường hay nấp sau bờ tường sân Hoa Lư. Trung uý Bảo gọi Đại uý Thinh: "Toa cho lính của toa tản đi chỗ khác, nấp ở sau bờ tường nhu thế chết cả lũ bây giờ". Đại uý Thinh ra lệnh cho di tản ngay... khoảng 15 phút sau khi phi cơ bay tới rà qua sân Hoa Lư rồi quạt đại liên ào ạt về phía bờ tường mà vừa rồi toán thuỷ quân lục chiến dùng làm nơi ẩn nấp. Trung sĩ Hoà nói : "Hú vía, chút xíu thì chết gọn" . Thinh nói với Trung uý Bảo : "Cảm ơn Trung uý không lanh trí thì bọn này bỏ mạng hết". Phi cơ xuất hiện oanh kích có một lần đó


 

<< Chương 9 (A) | Chương 9 (C) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 929

Return to top