Ngày 14-6 Ủy ban Liên phái lại cùng Ủy ban Liên bộ tiếp tục thương nghị. Cũng ngày hôm ấy, hội đồng các tướng lãnh ra thông cáo kêu gọi nhân dân đoàn kết tránh hiểu lầm gây hoang mang và đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Khi chỉ thị cho các tướng lãnh hội họp và ra thông cáo như vậy, dù có lợi cho chính quyền nhưng ông Nhu đã bắt đầu đi vào một nước cờ sai lầm hệ trọng. Trước năm 1963, số tướng lãnh tuy còn ít ỏi (18 vị) nhưng là 18 ốc đảo do quyền lợi cá tính địa vị họ không thể nào ngồi cùng với nhau được để bàn tính đại sự, nhưng ông Nhu đã tính sai khi quy tụ tướng lãnh lại để cùng bàn luận và ra thông cáo. Kết qua phiên họp ngày 14-6 được coi là tốt đẹp, Uỷ ban Liên phái ôn hoà đến độ phái chính quyền không ngờ (ngoại trừ phía ông Ngô Đình Nhu). Các Thượng tọa Tâm Châu cũng như Thiện Minh đều tỏ ra có thiện chí hoà giải và thông cảm với Uỷ ban Liên bộ trong khi đó thì ngay nội bộ Uỷ ban Liên phái lại có một vài vị Thượng tọa, Đại đức tỏ ra tích cực và quyết liệt với chính quyền. Đáng kể là Thượng tọa Trí Quang và Đại đức Đức Nghiệp.
Lúc ấy, hai vị này lại đang được giới Phật tử nhất là thành phần trẻ hết sức mến mộ.
Lễ an táng Hoà thượng Quảng Đức ấn định vào ngày chủ nhật. Một số đông cán bộ trẻ quyết liệt thì chủ trương phải biến đám tang thành một cuộc tuần hành vĩ đại. Đứng đầu chủ trương này trước sau vẫn là Thượng tọa Thích Trí Quang cũng như Đại đức Đức Nghiệp. Nhưng sáng thứ bảy thì Đô trưởng Sài Gòn lại gửi một văn thư qua Đại đức Đức Nghiệp lưu ý vấn đề an ninh và đặt vấn đề trách nhiệm nhưng bất trắc rối loạn có thể xảy ra. Văn thư ấy do toà Đô chánh đơn phương gởi đi. Thực tình ông Đô trưởng chỉ là một nhà hành chính, quen với lề lối làm việc theo kiểu thư lại chủ nghĩa cho nên gửi văn thư ấy cũng chỉ là một cách đề phòng nếu có gì xảy ra thì còn cớ để trình với thượng cấp. Nhưng phía Đại đức Đức Nghiệp lại nghĩ rằng đây là cách đe doạ cố ý. Nhưng cuối cùng toà Đô chánh cũng như Đại đức Đức Nghiệp đồng thoả thuận tạm thời dừng đám tang lại. Đây là đề nghị của Đại đức Đức Nghiệp. Vì không phải là nhà chính trị nên Đô trưởng và giới chức liên hệ vui vẻ đồng ý ngay. Nhưng xét về kỹ thuật tranh đấu và chống tranh đấu thì toà Đô chánh đã hố to thua đậm.
Tuy Đại đức Đức Nghiệp và Đô trưởng Sài Gòn đã đồng ý tạm chuyển đám tang Hoà thượng Quảng Đức đến ngày 10, nhưng Phật tử trong Đô thành và Gia Định đã sửa soạn đi đưa đám tang vào sáng chủ nhật. Bây giờ phải làm thế nào? Phía Phật giáo đồng ý đưa ra một thông cáo về quyết định chuyển ngày an táng mà do chính Đại đức Đức Nghiệp thỉnh cầu. Nhưng đã quá gấp, tối thứ bảy mới có thông cáo này. Phía Phật giáo nhờ chính quyền phổ biến giúp, chính quyền nhận lời ngay.
Trong tối thứ bảy, ngoài việc nhờ radio liên tiếp phổ biến, giới chức Đô thành lại còn huy động hàng chục xe phát thanh chạy đến khắp nơi trong Đô thành từ hang cùng ngõ hẻm, đến những đường phố lớn để loan báo thông cáo của Uỷ ban liên phái. Dân chúng nghe tin này rất ngạc nhiên về sự thay đổi như vậy. Trong không khí lúc ấy, không ai tin nơi thiện chí của chính quyền và lại nghi ngờ rằng chắc hẳn chính quyền quyết định chơi trò thủ đoạn nào đây. Dân chúng nghi ngờ như vậy cũng có lý. Nhưng quả thực thì oan cho giới chức Đô thành chỉ vì đã không đủ kinh nghiệm chính trị lại quá câu nệ về biện pháp hành chính mà thực ra không có hiệu quả gì chỉ tạo thêm ngộ nhận. Hơn nữa biện pháp hành chính đó (kết quả của thói quen thư lại chủ nghĩa) đã phạm vào lỗi lầm quan trọng về chiến thuật chính trị mà nhà cầm quyền nào khi muốn đương đầu với biến cố không thể nào bỏ qua được. Đó là ”một định luật" sơ đẳng về việc sách động một "đám tang chính trị"…Một đám tang có tầm mức quan trọng và đang gây xúc động lớn như đám tang Hoà thượng Quảng Đức thì càng kéo dài, càng trì hoãn bao nhiêu thì càng thắng lợi lớn cho phía tranh đấu. Thi hài cố Hoà thượng Quảng Đức quàn tại chùa Xá Lợi trong vòng 5 ngày đã là một thời gian khá dài, khí thế tranh đấu mỗi ngày, mỗi giờ càng lên cao…Dân chúng càng giao động…thi hài cố Hoà thượng càng kết đọng thành một biểu tượng ngàn ngạt hương hoa của khí thế như một phiến nam châm thu hút quần chúng…Trong tình thế sôi bỏng như vậy, giới chức Đô thành tự dâng một chiếc bẫy, tự ném mình vào chiếc rọ lớn mà chỉ hôm sau (tức sáng chủ nhật) đã nhận ngay hậu qua. Phía Uỷ ban Liên phái tự nhiên thắng lợi và có thể mạnh miệng quy hết trách nhiệm cho nhà cầm quyền với những lý do rõ rệt.
Theo đúng ngày giờ đã quy định dù đã có thông cáo của Uỷ ban Liên phái chuyển thời gian, Phật tử vẫn cứ tấp nập kéo nhau đến chùa Giác Minh để tập trung theo lịch trình đã ấn định để đến chùa Xá Lợi đưa đám tang cố Hoà thượng. Như trên đã viết, trong không khí sôi động lúc ấy thì Phật tử đâu có tin vào bản thông cáo của Uỷ ban Liên phái do nhà cầm quyền đã phổ biến khi đám đông đã tập hợp thành một khối cả ngàn người, thì đám đông đó sẽ làm chủ tất cả vượt trên cả lề luật nguyên tắc và chỉ còn là một sức mạnh bị điều động bởi lòng hăng say và sẵn sàng phẫn nộ đúng như vậy, dù các nhà sư đến tận nơi nói rõ cho đồng bào rõ, đồng bào vẫn không tin và chuyển hướng luôn "Nếu không đi đưa đám thì chúng tôi sẽ đến chùa Xá Lợi viếng nhục thể cố Hoà thượng ".
Đồng bào ùn ùn kéo đi…đến ngã tư Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt thì bị chận đứng lại.
Sự hiện diện của cảnh sát và cảnh sát chiến đấu trước mặt đám đông càng tăng cường khí thế của đám đông ấy và sự hiện diện này như một sự khiêu khích cho dù cảnh sát không khiêu khích. Thượng tọa Tam Giác và mấy Đại đức lại dùng loa phát thanh gắn trên xe lam ba bánh kêu gọi đồng bào trật tự, quay trở lại chùa Giác Minh. Nhưng lúc ấy dù là một Thượng tọa uy quyền nào cũng khó lòng nói lọt tai đám đông…
Thế là đám đông tràn lên…Cảnh sát đối phó, lựu đạn cay vùn vụt…lại xô xát… một số thanh niên bị bắt…Thêm một đổ vỡ. Vậy thì dù không chủ trương đàn áp nhưng chỉ vì sơ hở không hiểu quy luật tranh đấu phía chính quyền bỗng dưng mang cái vạ đàn áp, kết quả chưa thu xếp chuyện này xong lại tạo ra một chuyện khác.
Mà oán thù thì nhân viên công lực trực tiếp lãnh đủ cho nên sau ngày đảo chính thì ông Kính quận III đi tù trước tiên chứ ông Đô trưởng thì không sao cả, được coi như người vô can.
Bởi vậy một thành phố Sài Gòn gặp những tháng năm đầy biến cố mà lại gặp viên Đô trưởng thiếu khả năng chính trị, không ý thức nổi vai trò hay chỉ biết chỉ đâu đánh đấy thì thiết tưởng đó cũng là một cái hoạ của một chế độ.
Đám tang cố Hoà thượng Quảng Đức chậm lại thêm 4 ngày nữa…Thật là 4 ngày giông bão đối với cảnh sát thuộc quận III và giới an ninh Đô thành. Nhưng kéo dài thêm 4 ngày Uỷ ban Liên phái có lợi từng giờ từng phút. Đó cũng là cơ hội để chuẩn bị tinh thần tranh đấu dài hơn và là một dịp ngàn vàng để biểu dương lực lượng với khí thế đang dâng cao. Còn một điều quan trọng nữa là các bài thuyết pháp của một số thượng tọa, Đại đức như Thượng tọa Trí Quang, Quảng Đức, Đại đức Đức Nghiệp …Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và có lẽ trên thế giới (ngoại trừ Ấn Độ với thánh Gandhi không thuyết pháp như ở xứ ta) các nhà sư thuyết pháp chỉ đề cập đến thời sự chính trị bất công va kỳ thị tôn giáo. Trong 8 năm và trải qua bao nhiêu kềm kẹp, dân chúng ai cũng hoan hỉ được nghe hay đọc những lời công kích chính quyền một cách nảy lửa như vậy.
Nếu công kích Tổng thống Ngô Đình Diệm thì chưa chắc đã đạt được kết quả như công kích vợ chồng ông Nhu. Các Thượng tọa thuộc Ủy ban Liên phái đã đánh trúng cảm quan của dân chúng, dân chúng rất tán thưởng. Đó cũng chỉ là tâm lý thường tình của dân chúng ngoài phố. Ở Pháp thời Napoléon dân chúng rất khóai nghe lời bàn tán công kích Hoàng hậu Joséphine và mấy cô em của Napoléon hơn là chế độ quân chủ chuyên chế của Napoléon.
Phía bà Nhu lại càng sôi nổi tức giận…
Thuyết pháp nảy lửa vẫn tiếp tục thì cuộc thương nghị của Ủy ban Liên phái và Ủy ban liên bộ tại hội trường Diên Hồng tự nhiên không đủ hiệu lực để thu hút sự chú ý của dân chúng.
Ngày 16-6 bản thông cáo chung được ký kết.
Thời gian giải quyết dù mới chỉ là tờ giấy và nguyên tắc chung được coi là quá mau lẹ. Khi bản thông cáo được ký kết, giới quan sát chính trị tại Sài Gòn lúc ấy cũng bất ngờ và cả phía ông Nhu cũng bất ngờ nữa. Riêng ông Nhu tự coi đã xong chuyện và đó là quyền của ông anh Tổng thống. Nhưng bản thông cáo ấy ra đời thì bị các biến cố khác vượt qua và tràn ngập. Ngay phía Phật giáo cũng không mấy ai quan tâm đặc biệt đến bản thông cáo vì mọi người còn đang đổ dồn mọi nỗ lực trong việc an táng Hoà thượng Quảng Đức và động viên tinh thần Phật tử. Nếu bản thông cáo ấy được ký kết trước vụ tự thiêu của Hoà thượng Quảng Đức hoặc sau ngày 19-6 thì chắc chắn sẽ có hiệu lực, tác động được sự lưu tâm của dân chúng. Bởi vậy sự giải quyết của chính quyền dù thiện chí đến đâu nếu không lựa chọn thời gian và không gian, nếu không đáp ứng đúng đòi hỏi của thực tế trong thời gian ấy thì sẽ trở nên phù phiếm bởi nó không có hiệu lực gây nên sự lưu ý đặc biệt của dân chúng để dễ dàng sáng tỏ thiện chí giải quyết.
Họp liên tiếp trong ba ngày cho đến 1 giờ 30 ngày chủ nhật (16-6) hai Uỷ ban Liên bộ và Uỷ ban Liên phái ký kết thông cáo chung gồm 5 điểm để giải quyết 5 nguyện vọng do Tổng hội Phật giáo Nam Việt Nam đề ra Phái đoàn Phật giáo do 3 Thượng tọa Tâm Châu, Thiện Minh, Thiện Hoa đồng ý ký tên.
Phía chính quyền gồm Phó Tổng thống Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, Bùi Văn Lương. Dưới bản thông cáo chung, Hoà thượng Thích Tịnh Khiết "khán" với tư cách Hội chủ Tổng hội Phật giáo Nam Việt Nam, khi đưa bản thông cáo này về dinh Gia Long, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho là tốt đẹp. Nhưng Tổng thống Diệm lại ngần ngại về điểm ông sẽ ký ở chỗ nào trong bản thông cáo.
Trong văn phòng Tổng thống lúc ấy có mặt ông Nhu, ông Thuần. Cả ba người đều không tìm được cách nào giải quyết về điểm này, nhưng đối với Tổng thống Diệm là một sự quan trọng. Theo ông Thuần thì không lẽ Tổng thống với tư cách Quốc trưởng lại ký ngang hàng với Hoà thượng Thích Tịnh Khiết.
Dù Hoà thượng là người thủ lãnh tối cao của Tổng hội Phật giáo Nam Việt Nam nhưng Tổng hội Phật giáo cũng chỉ là một đoàn thể trong cộng đồng quốc gia. Tổng thống Diệm cũng suy luận như vậy nên ông ngần ngại không chịu ký. Ông Nhu vẫn lạnh lùng không có một ý kiến nào.
Tổng thống Diệm bảo ông Thuần "Cho mời bà Nhu xem bà ấy có ý kiến nào không".
Đã từ lâu Tổng thống Diệm vẫn thường nói với bác sĩ Tuyến cùng mấy cộng sự viên thân cận: “Đàn bà họ kém về lý luận nhưng trực giác của họ thì hay lắm”. Riêng bà Nhu đã nhiều lần chứng tỏ bà có một trực giác bén nhạy. Khi bà Nhu vào văn phòng Tổng thống xem bản thông cáo chung rồi nói:
- Như thế này đâu có được, Tổng thống làm sao lại ký ngang hàng với ông cụ ấy được( tức Hoà thương Khiết ).
Bà Nhu lắc đầu có vẻ chê bai rồi nói:
- Nếu mai một phong trào Phụ nữ Liên đới có chuyện tranh chấp với Chính phủ đòi Chính phủ phải giải quyết nguyện vọng rồi thì Chính phủ cũng ra thông cáo chung rồi Tống thống cũng ký với tôi hay sao? Một quốc gia trong một quốc gia, không có được.
Tổng thống Diệm vẫn ngần ngại không nói gì ông Thuần trình bày về sự khó khăn không biết Tổng thống phải ký ở chỗ nào mà không ký cũng không được, Tổng thống Diệm hỏi bà Nhu:
- Vậy ý của bà thế nào?
Bà Nhu đáp ngay:
- Có gì đâu mà khó khăn. Ông cụ Tịnh Khiết ký như thế này rồi thì Tổng thông ký ở ngoài lề như là bút phê vậy.
Tổng thống Diệm cho là phải và đồng ý ngay.
Ông Tổng thống cầm bút phê phía ngoài lề bản thông cáo: Những điều ghi trong bản thông cáo chung này đã được tôi chấp thuận trên nguyên tắc ngay lúc đầu dưới hàng chữ này, ký tên: Ngô Đình Diệm.
Bản thông cáo chung vẫn không gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nhưng chính quyền Mỹ thì hoan hỉ cho rằng, chính quyền Việt Nam Cộng hoà và Phật giáo đã đạt được sự thoả hiệp, cuộc khủng hoảng có thể sớm giải quyết.
Nhưng ngay chiều 16-6, hơn 100 tăng ni trong đó có Thượng tọa Tâm Châu đã biểu tình trước tư dinh Đại sứ Mỹ để yêu cầu chính quyền Mỹ và các nước khối tự do phải dùng áp lực thuyết phục chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực thi đứng đắn bản thông cáo chung. Cũng vào ngày đó, lúc 19g20 thì bản thông cáo chung vẫn nằm trên bàn Tổng thống Diệm. Sau cuộc biểu tình, một số tăng ni lại kéo nhau về chùa Xá Lợi mở đầu cuộc tuyệt thực.
Mỗi lần biểu tình tuyệt thực như vậy lại cung cấp thêm cho báo chí ngoại quốc những đề tài hấp dẫn mới lạ. Bản thông cáo chung không còn là đề tài hấp dẫn đối với báo chí ngoại quốc.
Cuộc khủng hoảng Phật giáo trở thành vấn đề số một đối với Tổng thống Kennedy cho nên trong những ngày 13, 14, 15 và sáng 16 Phó Đại sứ Mỹ liên tiếp ra vào dinh Gia-long. Ký giả David Halbeitam viết: "Dưới áp lực đáng kể của Mỹ, Chính phủ đã cùng Phật giáo thương thuyết về 5 điểm. Ngày 16-6 hai bên đã ký một bản thông cáo chung nhưng Chính phủ không nhìn nhận một cách có trách nhiệm về biến cố Huế". Tầm nhìn của ký giả Mỹ như vậy nếu không có ý xuyên tạc thì cũng không nắm vững tinh thần văn bản, nhưng dư luận Mỹ lại luôn luôn bị khích động và hướng dẫn bởi báo chí mà báo chí Mỹ được coi như một tập thể tạo áp lực (pressuare group) đối với chính phủ và Quốc hội Mỹ. Thực ra, điều 5 của bản thông cáo chung đã ghi rõ. “Những cán bộ có trách nhiệm về các vụ xảy ra ngày 8-5-1963 bất kỳ thuộc thành phần nào cũng sẽ bị nghiêm trị nếu cuộc điều tra đang tiến hành chứng tỏ lỗi của họ ". Dư luận Mỹ trong những ngày 13, 14 đến 15 đều đổ dồn vào vụ tự thiêu của Hoà thượng Quảng Đức cùng các vụ xô xát vào ngày 16 và cuộc biểu tình của tăng ni vào chiều tối 16. Báo chí Mỹ như tờ New York Times, New York Herald Tribune, Chirstian Seience Monitor phát hành tại Mỹ vào hôrn trước thì chỉ vài ngày sau đã lọt vào tay mấy Thượng tọa, Đại đức của Uỷ ban Liên phái và được dịch ra ngay Việt ngữ rồi quay ronéo phổ biến bí mật trong đô thành. Đây cũng là một động cơ thúc đẩy đám đông như từng cục than hồng.
Tháng 5-1960 những nhân vật cận thân của Tổng thống Diệm cũng đã hội lại để đồng thanh yêu cầu Tổng thống Diệm duyệt xét lại chế độ. Nhưng kết quả chỉ là chuỗi ngày im lặng rồi mọi việc lại trôi qua. Cũng nên nhắc lại tháng 5-1960, Đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh quân đội (người theo Tổng thống Diệm từ năm 18 tuổi và trở thành cán bộ giao liên giữa Hoàng thân Trang Liệt và Tổng thống Diệm) đã cùng cha Thính, ông Võ Văn Hải, ông Tôn Thất Trạch cùng một số "người" khác đã họp bàn và dự định đồng loạt từ chức để Tổng thống Diệm lưu ý duyệt xét lại những sai lầm của chế độ. Đại tá Đỗ Mậu cũng như Võ Văn Hải, Tôn Thất Trạch đều là những người theo phò Tổng thống Diệm từ tiền chiến cũng như sau vụ đảo chính hụt 2-2-1960, chính những nhân vật quan trọng của chế độ Ngô Đình Diệm cũng đã thỉnh cầu Tổng thống Diệm cũng như ông Nhu là nên nới rộng thể chế dân chủ, chấp nhận mọi lực lượng quốc gia đối lập, nhưng đều vô hiệu.
Chỉ một lá thư của bác sĩ Tuyến gửi riêng cho ông Nhu phê bình một số sai lầm của chế độ và cái áo dài của bà Nhu, không những không được lưu ý mà bị gạt ra ngoài…Vì lá thư ông Nhu để ngỏ trên bàn làm việc và bà Nhu đã được coi. Có lẽ đó cũng là cách ông Nhu gián tiếp cho vợ thấy rõ những nhận định của người cộng sự thân tín. Tuy nhiên bà Nhu không phản ứng gì nhưng dần dần lạnh nhạt với vợ chồng bác sĩ Tuyến.
Từ một vấn đề nhân sự nhỏ bé như vậy cũng đã chứng tỏ chế độ càng ngày càng phân hoá. Phe nhóm tuy chưa công khai xuất hiện nhưng âm thầm công kích và nghi ngờ lẫn nhau. Ngay trong lòng chế độ mà chưa phân biệt ai là bạn ai là thù thì tránh chi người ngoài!
Kể từ tháng 6-1963 những thành phần cột trụ của chế độ không keo sơn gắn bó với chế độ nữa. Từ những nhân vật cột trụ đều âm thầm cảm thấy chế độ lâm nguy nếu không kịp thời tìm biện pháp cứu chữa thì vô phương. Nhưng họ không còn thẩm quyền. Thế lực của vợ chồng ông Nhu ngày càng lớn dần.
Tổng thống Diệm ngày càng cô đơn nhất là sau cái chết của nhà văn Nhất Linh thì hầu như Tổng thống Diệm buông tay. Vụ mưu sát Tổng thống Diệm ngay trong dinh Gia Long lại làm cho ông cô đơn hơn nữa. Có nhẽ đó cũng là lý do khiến Tổng thống Diệm quyết định trở về hưu dưỡng khi nhiệm kỳ II chấm dứt.
Trong vụ tranh đấu Phật giáo không rõ từ phái nào chủ trương mưu sát Tổng thống Diệm và họ đã móc nối dược với viên Chuẩn uý hướng dẫn và nghi lễ văn phòng Tổng thống. Viên sĩ quan này dã phục vụ lâu năm trong dinh Gia Long và trực thuộc Lữ đoàn Liên binh phòng vệ phủ Tổng thống. Nhiệm vụ của ông ta không có gì quan trọng nhưng lại là người dễ dàng thi hành mưu đồ ám sát Tổng thống. Hàng ngày viên chuẩn uý hướng dẫn, mũ áo đại lễ chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn quan khách đến văn phòng Tổng thống. Ông ta cũng như các sĩ quan tuỳ viên và hầu cận hàng ngày đều giáp mặt Tổng thống Diệm. Tất nhiên là họ thuộc thành phần được tin cẩn. Tổng thống Diệm vẫn tự hào về sự trung thành tuyệt đối của các quân nhân lo việc an ninh cho ông.
Đặc biệt những sĩ quan hầu cận như Lê Công Hoàn, Đỗ Thọ, Huỳnh Văn Lạc, Lê Châu Lộc, ông Tổng thống coi như con cái trong nhà. Ấy vậy mà lại có một sĩ quan hướng dẫn âm mưu giết hại ông và vợ chồng ông Nhu. Âm mưu này được phát giác như một sự tình cờ.
Số là trong cuộc tranh đấu của Phật giáo đang sôi động thì thân phụ của Trung uý Kiệt bị bắt giam (ông là một đại diện của phe Phật giáo tỉnh Gia Định). Trung uý Kiệt là một sĩ quan truyền tin cũng là một trong số những quân nhân trung thành tuyệt đối của Tổng thống Diệm. Khi thân phụ của ông bị bắt giam vì lý do tranh đấu Phật giáo thì kẻ chủ mưu ám sát Tổng thống Diệm đã nắm ngay cơ hội này để móc nối. Nhưng sự việc xảy ra lại khác, nên âm mưu này đã bất thành. Khi thân phụ Trung uý Kiệt bị bắt ông đã trình bày ngay với Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Tham mưu trưởng Lữ đoàn, ông Duệ trình bày thẳng với Trung tá Khôi Tư lệnh và cho rằng: “Kiệt nó là một sĩ quan phục vụ đắc lực như vậy bây giờ công an lại bắt ông già nó thì còn ra cái gì, xin Trung tá can thiệp gấp". Sau đó, Trung tá Khôi cũng như Thiếu tá Duệ liên lạc thẳng với ty Công an Gia Định và Đại tá Nguyễn Văn Y, Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia. Hai cơ quan này đều đồng ý trả tự do ngay.
Về những tin đồn mưu sát Tổng thống Ngô Đình Diêm thì nhiều lắm, song phần lớn đều là tin vịt. Phía ông Nhu thỉnh thoảng cũng bắn ra vài tin như vậy với chủ ý thăm dò phản ứng của dân chúng hoặc để tìm các "con mồi" đối lập như vụ mưu sát được dấu kín sau ngày 1-11-1963 viên Chuẩn uý được tự do ông ta mới tiết lộ. Ngay những nhân vật cao cấp tại dinh Gia Long cũng không hay biết gì cả.
Khi thân phụ của Trung uý Kiệt đang được Thiếu tá Duệ và Trung tá Khôi can thiệp để được trả tự do thì viên sĩ quan hướng dẫn lại tìm đến Trung uý Kiệt, sau khi tác động tinh thần về công cuộc tranh đấu của Phật giáo, viên sĩ quan ngỏ lời yêu cầu Trung uý Kiệt tham dự cuộc mưu sát mà ông ta đã bố trí từ lâu. Trung uý Kiệt tiết lộ: Một lần viên sĩ quan hướng dẫn đã thủ sẵn trái lựu đạn trong người và định ra tay thanh toán, song lần ấy lại chỉ có Tổng thống Diệm mà lại không có vợ chồng ông Nhu nên kẻ mưu sát đành chờ cơ hội khác, nghĩa là khi nào có mặt đầy dủ, vợ chồng ông Nhu và Tổng thống Ngô Đình Diệm thì lúc ấy mới hành động.
Trung uý Kiệt là một sĩ quan tin cẩn của Lữ đoàn Liên binh phòng vệ nên ông đã đem ngay câu chuyện mưu sát này báo cáo với Thiếu tá Duệ. Sau cuộc họp mật với Tư lệnh lữ đoàn, ông Duệ ra lệnh giam lỏng ngay viên Chuẩn uý hướng dẫn. Công việc diễn tiến hoàn toàn kín. Thiếu tá Duệ trình bày với Trung tá Khôi: “Nếu tin nầy tiết lộ ra ngoài thì mất hết uy tín của lữ đoàn. Lữ đoàn từ lâu vẫn có tiếng là trung thành tuyệt đối với Tổng thống nay lại có một sĩ quan ở ngay trong dinh định mưu đồ như vậy thì nguy, tin này nếu tiết lộ ra ngoài sẽ làm hoang mang lữ đoàn". Trung tá Khôi cũng đồng ý như vậy. Ngay buổi chiều hôm ấy Thiếu tá Duệ triệu tập một phiên họp các sĩ quan lữ đoàn và cho biết: "Hiện nay bên lực lượng đặc biệt, Đại tá Tung đang cần 1 sĩ quan liên lạc với lữ đoàn vậy anh em nào có thể tình nguyện sang bên đó làm việc?”
Trước khi lên tiếng như trên Thiếu tá Duệ đã dặn Đại uý Ngân, sĩ quan an ninh của lữ đoàn “Khi tôi lên tiếng Ngân phải đứng lên ngay và đề nghị Chuẩn uý Thành tức viên sĩ quan hướng dẫn ". Được dặn trước nên Đại uý Ngân giơ tay trả lời ngay: "Tôi xin đề nghị Chuẩn uý Thành, Chuẩn uý có đủ khả năng làm sĩ quan liên lạc cạnh lực lượng đặc biệt " Thiếu tá Duệ chấp nhận liền: Được lắm thôi để Thành sang bên đó tôi sẽ xin một người khác làm sĩ quan hướng dẫn". Một lát sau Thiếu tá Duệ bảo Đại uý Ngân: "Bây giờ hết giờ làm việc rồi, anh đưa ngay Thành qua lực lượng đặc biệt đi, không họ cứ hối thúc mình mãi". Câu nói này là một mật lệnh bảo Đại uý Ngân đưa viên sĩ quan hướng dẫn qua lực lượng đặc biệt để giam ngay…Tự tay Đại uý Ngân lái xe chở viên sĩ quan vào Bộ Tư lệnh lực lượng đặc biệt, ông Duệ dã chỉ thị cho Đại uý Ngân "Tôi đã điện thoại qua bên ấy rồi.
Anh dặn thêm bên ấy là phải đối xử với hắn như một sĩ quan, hơn nữa Cụ dặn (tức Tổng thống Diệm không được "đụng chạm " gì tới hắn cả" Đại uý Ngân không quên mua tặng "người anh em" một tút thuốc Ruby.
Giới thân cận đều xác nhận rằng Tổng thống Diệm mỗi ngày càng thêm cô đơn và ông trở thành người trơ trọi gần như buông tay để mặc ông Nhu nắm quyền chủ động. Có lẽ Tổng thống Diệm đã bị ám ảnh bởi số mệnh. Ngoài ra cái thú nghe ca Huế và đàn tranh hoặc ngồi xem đánh cờ, nghiên cứu bản đồ vẽ tranh và làm thơ, ông Tổng thống còn say mê món tử vi và địa lý. Tuy là một tín đồ Thiên Chúa giáo ông lại tin khoa địa lý. Ông gần như thuộc lòng "Cái đất đó có hàm rồng, mảnh đất kia hãm địa". Chẳng hạn như dinh Độc Lập ông vẫn băn khoăn đầu rồng là dinh nhưng cái đuôi lại ở chỗ công trường chiến sĩ…bởi vậy có nhiều đề nghị phá đài chiến sĩ để để chứng tỏ bài phong phản thực (chống Pháp) và xây lại công viên tạo cho Tào Viện trưởng đại học có khuôn mặt tươi mát.
Ông Tổng thống có vẻ thuận tay nhưng sau thì ông không chấp nhận vì dù sao cái đài chiến sĩ cũng có tác dụng đè cái đuôi con rống xuống. Tuy vậy không ai thấy ông Tổng thống gọi thầy bói vào dinh. So với những năm trước thì năm 1963 Tổng thống Diệm ít đi kinh lý. Nhưng sau cái chết của nhà văn Nhất Linh tuần nào Tổng thống cũng lên Đà Lạt di săn…Theo tuỳ viên Lê công Hoàn thì đúng ra ông Tổng thống đi tìm một quên lãng phá tan niềm cô đơn. Theo như Đại tá Mậu thì giữa năm 1963 hai ông thầy Minh Lộc và Đa La đã tiên đoán Tổng thống Diệm gặp đại nạn có thể mất mạng. Riêng Tổng thống Diệm có nhẽ cũng linh cảm được cơn hoạn nạn của mệnh số đang đến với ông.