Chiếc xe cơ giới của Thiếu tá Sỹ tiến đến gần Đài phát thanh khoảng 50 thước, bỗng có một tiếng nổ kinh hồn và tiếp theo là những tiếng nổ khác. Lúc ấy là 10g30.
Xe của ông Sỹ quay khựng lại, 1 hạ sĩ quan la lớn “Nổ, Thiếu tá coi chừng Việt cộng Thiếu tá" Ông Sỹ rút khẩu Colt 12 cầm tay, nói qua máy nghe "Nghe đây, nghe lịnh Đại bàng đây".
Theo sự mô tả của một số sĩ quan có mặt ở gần Đài lúc ấy thì tiếng nổ làm rung chuyển tất cả, thứ ánh sáng từ tiếng nổ phát ra giống như một tia sét và trong đời binh nghiệp của họ thảy đều chưa nghe thấy một tiếng nổ nào lạ tai như vậy.
Sau tiếng nổ, ông Nguyễn Nghiễm cho biết cảnh tượng trở nên vô cùng hỗn loạn trong sự kinh hoàng. Đồng bào xô đẩy nhau tìm đường thoát thân. Bao nhiêu tiếng khóc kêu la. Các đường xung quanh Đài Phát thanh vốn nhỏ hẹp nên lại càng thêm tắc nghẽn. Đồng bào bỏ cả xe, guốc dép và tìm đường thoát thân. Trẻ con đàn bà khóc như ri. Ông Nguyễn Nghiễm đứng cách chỗ nổ khoảng 50, 60 thước, cảm tưởng của ông lúc ấy giống như người bị mất trí, người thì ngất ngư, hai mắt hoa lên, tay chân luống cuống không biết chạy đâu.
Sau tiếng nổ đầu, khoảng 4, 5 phút sau ông Nguyễn Nghiễm nghe thấy 3, 4 tiếng súng lục từ phía xe của Thiếu tá Sỹ và tiếng la lối của mấy quân nhân trên xe. Ông Nguyễn Nghiễm thấy tức nơi ngực, ông chạy khỏi Đài một quãng xa mới đứng dừng lại. Nguyễn Hữu Cang chạy thoát qua cầu Tràng Tiền. Khi tiếng nổ xảy ra, Nguyễn Hữu Cang ở ngay gần Đài. Tiếng nổ quá lớn làm anh xây xẩm và lảo đảo. Một mảnh thịt người văng tung vào mặt Nguyễn Hữu Cang, cho đến nay Nguyễn Hữu Cang vẫn không thể xoá nhoà được cảnh tượng bi thương hôm ấy.
Trong khi đồng bào xô đẩy nhau chạy thoát thân, đồng bào luôn luôn được nghe tiếng người ta hô hoán "Chạy lẹ đi, nó bắn chết hết bây giờ". Hoặc những tiếng la lối như "Bà con chạy lối ni… đồng bào đừng về lốí nớ… Đặng Sỹ nó đang cho xe cán đồng bào ở lối nớ…
Đám đông quần chúng đã hỗn loạn lại càng thêm hỗn loạn.
Về phía Thiếu tá Sỹ, khi nghe hai tiếng nổ, ông hét lên qua máy nói: "Việt cộng phá Đài, nghe tôi. Nghe tôi Đ ại bàng đây Việt Cộng tấn công Đài ".
Dứt lời ông Sỹ rút "Colt 12" bắn chỉ thiên ba phát theo hiệu lệnh. Thiếu tá Sỹ lại ra lệnh: "Việt Cộng tấn công đài, áp dụng lệnh Đại bàng".
Lệnh trên được truyền ra, thế là 10 tay súng được chỉ định từ trước đều giơ cao nòng súng lên không trung và nhả đạn. Họ chỉ được phép bắn chỉ thiên mà thôi. Đồng thời lúc đó, các quân nhân sử dụng lựu đạn MK 3 cũng đồng loạt cho nổ qua 15 địa điểm khác nhau. Có anh ném MK 3 xuống phía bờ sông. Có anh ném trong sân trường Văn khoa, có anh ném gần ngay câu lạc bộ thể thao.
Quân đội bắt đầu chuyển dịch và bắt tay vào hành động. Xe của Thiếu tá Sỹ đứng trước Đài. Chao ơi cảnh tượng thê lương chưa từng thấy. Không một xác chết nào được toàn thây. Có nạn nhân, đầu bị thổi bay cách Đài cả chục thước, cẳng giò cũng bay đi đâu mất tiêu, gan ruột phèo phổi bay lên cả cành cây, tung toé ra khắp nơi, tất cả cửa kính của Đài bị bay đi hết. Cảnh tượng ấy theo những người chứng kiến, có thể nói không bút nào tả hết được sự thê lương. Tiếng nổ đó không do mảnh mà chỉ do hơi. Sức hơi ép ước khoảng tương đương với 5 kílo thuốc nổ TNT. Nạn nhân chết không do mảnh mà do hơi ép. Sức hơi ép ấy làrn nạn nhân tan xác. Trung sĩ Tư đến cách Đài 30 thước bỗng dưng đứng khự ng lại, hô thấtthanh: “Bớ đầu người ta đây nè " Một chiếc đầu nạn nhân ở ngay dưới chân ông ta. Theo ông Tư chiếc đầu đó không còn là đầu người nữa. Ông ta chỉ thấy hàm răng dính vô một mảng thịt.
Một loạt liên thanh nổ lên trời. Thiếu tá Sỹ Colt 12 cầm tay, mặt thất sắc nói không ra lời, ông cố ra lệnh cho thuộc viên “coi chừng, nó có thể tấn công Đài bây giờ". Sau đó…ông Sỹ vào thẳng bên trong Đài. Vừa trông thấy Thượng tọa Trí Quang, ông Sỹ đã mất bình tĩnh nói lớn: “Làm sao thế này. Sao có người chết như thế này”. Những người có mặt trong Đài lúc ấy đều tỏ ra lo sợ và mất hết tinh thần. Ông Đẳng mặt tái xanh ngơ ngác. Tại hoạ xảy ra bất ngờ quá không ai tưởng tượng nổi. Thượng tọa Trí Quang cũng vậy thảy đều không giữ được bình tĩnh. Thượng tọa Trí Quang chắp tay vào nhau như nguyện cầu nói trong cơn lo âu: “tôi không ngờ lại xảy ra như thế này”. Thiếu tá Sỹ bảo Thượng tọa Trí Quang: ”Thày phải chịu trách nhiệm về những hậu quả đã xảy ra như thế này". Ông Sỹ lại dằn giọng nhắc lại: “Tại sao lại xảy ra như thế này?”.
Trung tá Thưởng Giám đốc Nha Công an Tư pháp như không nén được cơn tức giận. Ông lừ mắt nhìn mọi người rồi nói với Thượng tọa Trí Quang: "ông phải chịu hết trách nhiệm " - Ông Thưởng lại nói: “Ai gây ra tai hoạ thì phải chịu hết trách nhiệm " - Lúc ấy, Thượng tọa Thiện Minh đứng bên Thượng tọa Trí Quang với một thái độ khá ôn tồn và khiêm tốn nói với Thiếu tá Sỹ cũng như Trung tá Thưởng "Chuyện đã xảy ra như thế này, thì không biết nói sao. Tôi xin chịu hết trách nhiệm ".
Lúc bây giờ chung quanh Đài không còn một ai ngoài quân đội và nhân viên công lực. Đồng bào đã chạy dạt sang bên kia cầu và đang tụ tập ở phía chợ Đông Ba khoảng 5, 7 trăm người. Những nạn nhân bị thương được chuyển gấp đến nhà thương Huế. Nạn nhân bị tử thương ngay lúc đầu đã không có cách nào để nhận ra, có bao nhiêu người nam hay nữ, già hay trẻ vì như trên đã viết, nạn nhân chết không toàn thây, da thịt bay tứ tung.
Lúc ấy một viên chức Mỹ đến đây để lo chụp hình quay phim, nhưng bị nhân viên công lực đuổi khỏi. Vợ chồng bác sĩ Wuff người Đức thuộc Đại học Y khoa Huế tìm cách vào trong Đài xin để săn sóc nạn nhân nhưng bị từ chối. Chính bác sĩ Wuff này đã lanh tay chụp được mấy tấm hình, một vài chiếc xe cơ giới của Bảo an lúc ấy đang đậu ngay trước Đài (nội sáng 9-5 tấm hình này đã được gởi về Sài Gòn và mấy ngày sau xuất hiện trên báo chí Tây Đức, Pháp, Mỹ. Một chi tiết cần lưu ý là năm 1965, ba bác sĩ người Đức của Đại học Y khoa Huế trong đó có bác sĩ Wuff người đã chụp hình và ráp nối hình đêm 8-5-1963 đều bị an ninh của sư đoàn I dưới thời tướng Nguyễn Chánh Thi làm Tư lệnh trong một cuộc hành quân tại khu Nam Đồng đã khám phá được tài liệu mật, cho biết rằng 3 bác sĩ người Đức trên đây đều là người Đông Đức, vượt qua Tây Đức và là những điệp viên Cộng sản thuộc loại quốc tế. Nhưng lại có giả thuyết cho rằng họ thuộc loại gián điệp).
Khoảng 11 giờ đêm đồng bào Phật tử lại nhốn nháo, người thì lo tìm các Thày bị bắt, người thì xốn xang không biết nạn nhân có phải là vợ con mình hay không. Đồng bào tìm cách vượt qua cầu Tràng Tiền tiến sang Đài Phát thanh. Cầu Tràng Tiền lúc đó ngổn ngang không biết bao nhiêu guốc dép. Không khí bỗng dưng sôi nổi. Một Phật tử từ phía Đài sang bên Đông Ba kêu gọi đồng bào phải có thái độ ngay, vì các Thày bị bắt rồi và xe tăng cán người ta chết nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Thế là trong cơn hăng say, một số đồng bào lại kéo nhau qua Đài.
Ông Nguyễn Văn Đẳng lo âu lắm, bảo với Thiếu tá Sỹ: "Việc đã xảy ra như vậy rồi, Thiếu tá cứ an tâm, tôi sẽ trình với Tổng thống về vụ này”. Đám đông tiến về phía Đài bắt đầu sôi dộng, nhiều tiếng la ó. Thiếu tá Sỹ thấy vậy chạy vào mời Thượng tọa Trí Quang ra coi và nói: “Thày nhìn kia, bây giờ mà còn làm tới nữa. Thày bảo bọn họ về ngay đi, đừng làm cái trò đó nữa". Thượng tọa Trí Quang vui vẻ nhận lời và nói với các Phật tử: "Các con về đi. Các Thày không sao cả”. Đám đông nghe thèo lời tự động kéo về nhưng trong lòng rất dao động, bất mãn và ai cũng nóng ruột muốn tìm hiểu xem có bao nhiêu nạn nhân bị gục ngã.
AI LÀ THỦ PHẠM
Giới chức chính quyền Thừa Thiên bắt đầu lo sợ không biết giải quyết như thế nào và thượng cấp sẽ tỏ thái độ ra sao. Hầu hết đều yên trí rằng đây là một vụ do Cộng sản chủ động. Việc cấp thời lúc ấy là cho di tản các nạn nhân bị thương vào bệnh viện.
Mặt khác, nhân viên hữu trách cho người đi lượm từng mảnh thịt, từng khúc xương, từng bàn chân của nạn nhân bị tử nạn. Theo Đại uý Minh trong số nạn nhân này có một thiếu nữ đã chịu phép rửa tội theo đạo Thiên chúa. Suốt đêm mùng 8 nhân chứng Nguyễn Hữu Cang cũng như ông Nguyễn Nghiễm và nhiều lãnh đạo Phật tử đã gần như thức trắng đêm, vừa hoang mang lo âu vừa căm tức chánh quyền đã gây ra vụ nổ đó. Lại có nguồn tin loan truyền trong giới Phật tử là Thiếu tá Sỹ đã cho xe thiết giáp “đằn" Phật tử và ném lưu đạn vào Phật tử.
Trong khi đó tại Bộ Tham mưu Tiểu khu từ Thiếu tá Sỹ đến Đại uý Phu, Đại uý Lược không dấu nổi sự lo âu. Người trong cuộc cũng không hiểu đầu đuôi ra thế nào. Hai tiếng nổ từ đâu? Do ai? Cảm tưởng đầu tiên của họ là bàng hoàng. Tiếng nổ lạ tai quá cũng không giống như plastic, lựu đạn lại càng vô lý. Nhưng không ai có thể suy đoán ra được. Người nghe tiếng nổ đầu tiên là ông Sỹ cũng như một số sĩ quan và binh sĩ trên xe cũng như đi sau xe. Họ đều bị chói tai và áp lực của tiếng nổ làm cho họ không còn phản ứng lúc đầu và ngực như bị một vật gì rất nặng đập ngang.
Có điều lạ là sáng hôm sau ông bác sĩ Wuff đã có một số hình ảnh về vụ nổ, trong đó có tấm hình xe cơ giới đang "đằn" qua đồng bào Phật tử. Một số hình này bác sĩ Wuff trao cho Bác sĩ Lê Khắc Quyến. Ngày 9, ông Quyến cấp tốc về Sài Gòn.
Ai gây ra tiếng nổ? Trong phiên toà xử Thiếu tá Đặng Sỹ, các chuyên viên quân cụ đã có dịp phân tích các loại chất nổ như M.26…MK.3…Giả thuyết về M.26 đã bị loại - giả thuyết MK3 mặc dầu toà đặc biệt lưu ý nhưng cuối cùng cũng bị loại. Như trên đã viết MK.3 có thể làm cho người chết được vì áp lực hơi nổ, nhưng tác dụng không thể nào đạt tới con số thương vong cao như vậy nhất là trong một khoảng trống. Mà nơi phát ra tiếng nổ thì nền xi măng lại chỉ lõm xuống không sâu bao nhiêu.