Không một người Việt Nam nào có thể ngờ rằng, ngày ấy và bức công điện ấy đã cắm cột mốc khởi điểm cho một thảm kịch bi thương.
Trần Khôi hồi tưởng lại những ngày khi ông ra Huế thanh tra trước ngày 8-5 khoảng mấy ngày. Bây giờ nghĩ lại ông Khôi chợt bàng hoàng về một sự trùng hợp ngẫu nhiên và tự hỏi. Người Mỹ muốn gì ở Việt Nam?
Vốn quen biết với đại tá Mỹ Coner trong thời gian thuộc quyền Bộ Nội vụ trước khi ra Huế, Khôi tình cờ gặp ông Coner, ông Coner khoe:
“- Do sự thuyết phục của tôi Tổng thống Diệm mới chịu thi hành dân chủ tại xã ấp.
Kể từ đó xã ấp đều do dân chúng trực tiếp bầu theo lối phổ thông đầu phiếu.
Biết rõ bản tính Coner nên ông Khôi nghĩ bụng "Thằng cha thuộc loại nói róc tay tổ " Coner còn nói thêm:
Chính phủ Việt Nam Cộng hoà còn phải thi hành nhiều cải tổ quan trọng nữa mới thắng được Cộng sản chính quyền này thiếu dân chủ. Rồi Coner lại nhấn mạnh: "Tôi có có cảm tưởng Chính phủ Việt Nam Cộng hoà là Chính phủ của những nguời Công giáo.
Anh ra Huế thì biết. Tôi sẽ giới thiệu anh với Johnson, đàn em của tôi đang giúp Hoàng Trọng Bá huấn luyện lực lượng Nhân dân võ trang".
Coner nói với Khôi như một giãi bày tâm sự:
"- Dư luận Mỹ đang bất lợi cho Việt Nam, muốn chống Cộng sản thì phải huy động lực lượng Phật giáo không phải chỉ một chính quyền Công giáo. Phật giáo sẽ tẩy chay Chính phủ.
Ông ra Huế thì biết đó chỉ là một vương quốc của Tổng giám mục Ngô Đình Thục"
Ông Khôi lấy làm lạ lùng về thái độ của Coner, một người Mỹ có kinh nghiệm 30 năm ở miền Nam Việt Nam không hiểu suy luận từ một sự kiện nào lại nhất định cho rằng chính quyền Ngô Đình Diệm là một chính quyền của người Công giáo. Ông Khôi biết bụng vậy thôi và khi ra Huế đúng vào dịp Huế đang tưng bừng đón Phật đản đồng thời đang sôi động về bức công điện cấm treo cờ ông mới hiểu điều Coner ám chỉ.
Theo lời Trần Khôi, quan sát ngay tại chỗ về vụ nổ ở Đài Phát thanh Huế sẽ không dủ cho ta những lập luận có thể tin được, là CIA hoặc Cộng sản đã nhúng tay vào biến cố ngày 8-5. Nhưng về phía Mỹ, qua những cuộc đối thoại trao đổi thì talại dễ dàng cảm thấy bằng trực giác là Mỹ có thể đã nhúng tay và qua nhiều ngẫu nhiên trùng hợp thì quả là người Mỹ đã "ra tay hành động".
Buổi tối 7-5, ông Khôi được mời dùng cơm tại nhà một viên chức Mỹ. Trong bữa cơm đó ông gặp Johnson, ông Phó Lãnh sự Mỹ, một bác sĩ người Đức tại trường Đại học Y khoa Huế và một người Việt Nam tự giới thiệu là giáo sư trường Đại học văn Khoa Huế. Khôi ngồi cạnh ông Johnson, ông ghi nhận Johnson là một tay người Mỹ, không khen hay chê Chính quyền. Nhưng luận điệu của ông Phó Lãnh sự Mỹ cũng tương tự như Coner. Đề cập đến Phật giáo ông Phó Lãnh sự Mỹ nói đại ý:
Phật giáo là một lực lượng rất lớn lao. Nhưng Phật giáo không tham gia vào công cuộc chống Cộng nếu Chính phủ Việt Nam Cộng hoà không mở rộng cho Phật giáo tham dự.
Nghe nói như vậy, ông Khôi phản đối:
Quan niệm của ông Phó Lãnh sự có phần không đúng. ông Tỉnh trưởng ở đây, ông tướng Tư lệnh vùng đềtt là Phật giáo. Phó Tổng thông cũng là phật giáo. Tướng Tổng Tham muu trưởng cũng là phật giáo.
Ông Phó Lãnh sự Mỹ mỉm cười không đáp. Một lát sau, viên chức Mỹ Warren Smith lên tiếng công kích nặng nề việc làm của Nha Công tác miền Thượng. Viên chức Smith cho rằng, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đang thực hiện kế hoạch Việt Nam hoá và Công giáo hoá tất cả đồng bào Thượng và nhất là Nha này đã xâm phạm chủ quyền vương quốc Lào và quyền "tự quyết" của các sắc tộc Thượng.
Bữa cơm hôm ấy, các viên chức Mỹ, Smith và nhất là ông Phó Lãnh sự đã công kích chính quyền Ngô Đình Diệm khá mạnh mẽ về vấn đề Phật giáo. Đề cập đến vụ biểu tình tại toà Tỉnh trưởng Thừa Thiên chiều mùng 7, ông Phó Lãnh sự cho rằng: “Nếu chính quyền Ngô Dình Diệm không chịu "liên hiệp”(?) với Phật giáo tham chánh thì Phật giáo sẽ đứng lên tranh đấu”
Cũng từ ngày 7-5, có một số người Mỹ ở Đà Nẵng cấp tốc ra Huế. Đó là đại uý Scot. Tất nhiên là không ai để ý đến ông ta.
Nhưng đại uý Scot ra Huế để thực hiện một công việc quan trọng do Trung ương tình báo Mỹ trao phó cho ông ta.
(Năm 1965, đại uý Scot trở thành sĩ quan cố vấn của Tiểu đoàn 1/3 Sư đoàn 1 BB. Trong cuộc hành quân tại vùng Nam Đồng, Scot trong lúc đau buồn bất mãn đã tiết lộ công vìệc mà ông ta đã thực hiện ngày 8-5-1963)
Tại Sài Gòn, không có một chuyện đáng tiếc nào xảy ra trong hai ngày 7 và 8. Sáng ngày 8, Lương Khải Minh được mấy người bạn cho biết, bên phía chùa Xá Lợi đang có chuyện bất mãn với Chính quyền về vụ cấm treo cờ. Lúc ấy ông ta mới hay và rất ngạc nhiên.
Lương Khải Minh thầm nghĩ: "Trong tình thế này cấm đoán làm chi dù cho là hợp lý. Vụ cờ Vatican rồi vụ cờ Phật giáo, chế độ càng ngày càng tạo thêm mâu thuẫn".
Và Cộng sản cũng chỉ mong có thế. Sáng sớm, Thượng toạ Trí Dũng và một vị Thượng toạ khác có lại thăm bác sĩ Tuyến tại nhà riêng và yêu cầu ông can thiệp, làm thế nào để Chính quyền đình chỉ thi hành bức công điện cấm treo cờ. Bác sĩ Tuyến gọi điện hỏi ông Đoàn Thêm (Đổng lý Văn phòng Bộ phủ tổng thống) ông Đoàn Thêm xác nhận là có bức công điện đó và do nơi ông Đổng lý phó tổng thống Quách Tòng Đức gởi đi (ông Quách Tòng Đức thi hành khẩu lệnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm).
Sự việc đã xảy ra như vậy, biết làm thế nào?
Tại Sài Gòn, Lương Khải Minh tự động giải quyết theo đường lối tình cảm cá nhân. Quận 3 là nơi tập trung rất nhiều chùa chiền và những chùa lớn như Xá Lợi, Kỳ Viên…Từ tư thất, bác sĩ Tuyến gọi Trung tá Phó đô trưởng Nội An và ông Cảnh sát trưởng quận 3 (bấy giờ là cò Kính ) và yêu cầu hết sức thận trọng "Nơi nào đã treo cờ rồi cứ để nguyên đừng cho cảnh sát hạ xuống. Nơi nào đồng bào Phật tử chưa treo thì tìm lời khéo léo nói với họ xin thông cảm".
Nhờ sự sốt sắng và không quan tâm của cảnh sát thuộc 7 quận đô thành nên vụ cờ Phật giáo đã không gây ra những chuyện đáng tiếc tại Sài Gòn. Lễ Phật đản cử hành như mọi năm.
BÀI THUYẾT PHÁP NẢY LỬA
Ngày 8-5, từ sáng sớm tinh mơ, Huế đã trở mình thức dậy giữa một rừng cờ. Đồng bào Phật tử trong khắp thành phố nhất tề quần áo bảnh bao sửa soạn kéo nhau về chùa Từ Đàm để dự đại lễ. Nguyễn Hữu Cang trong một tâm trạng nao nức.
Nguyễn Hữu Cang đã được bạn rỉ tai từ tối hôm trước là sáng nay có thể chính quyền sẽ đàn áp Phật giáo và ngăn chặn không cho rước kiệu Phật. Song cũng vì nguồn tin như vậy nên số Phật tử đi dự lễ càng đông càng hăng say.
Từ 8 giờ sáng trên các ngả đường thành phố Huế tấp nập những người, từ Đập Đá, từ An Cựu, đến Gia Hội, Diệu Đế…hàng ngàn Phật tử rước kiệu Phật tiến về lễ đài thiết lập tại chùa Từ Đàm.
Khoảng 9 giờ, đại uý Minh vào gặp ông Cẩn và tin cho ông Cẩn hay, mọi chuyện rước xách đã diễn ra rất tốt đẹp.
Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm cũng như ông đại biểu Hồ Đắc Thương, ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng đều khăn đóng áo dài đến chùa Từ Đàm dự lễ vừa với tư cách chính quyền vừa tư cách Phật tử.
Trước đó, một đoàn ước chừng 500 người từ Gia Hội rước Phật qua Từ Đàm, khi đi ngang Toà Đại biểu thì dừng lại, năm bảy chiếc biểu ngữ được giơ lên. Không khí bắt đầu sôi nổi.
Trong số biểu ngữ đó có những khẩu hiệu như là đòi chính quyền thực thi quyền bình đẳng tôn giáo và lên án kỳ thị tôn giáo.
Đoàn người dừng lại một lúc lâu, có nhiều tiếng la ó và đả đảo. Sau đó đoàn người lại thẳng bước tiến về lễ đài. Theo Nguyễn Hữu Cang thì hôm ấy, thanh niên và hướng đạo Phật tử đã nhận được lệnh là luôn luôn đề cao cảnh giác và chính quyền có thể đàn áp bất cứ lúc nào.
Trong buổi lễ Thượng toạ Trí Quang đăng đàn thuyết giảng. Bao nhiêu ngàn Phật tử im lặng như tờ. Phật tử vừa thích thú vừa hồi hộp, ngạc nhiên. Thượng toạ Trí Quang nói hay quá, hấp dẫn và nồng nàn. Thượng toạ lên tiếng công kích chính quyền rất nặng nề và tố cáo sự kỳ thị tôn giáo, bất bình đẳng tôn giáo. Tóm lại, bài thuyết giảng đó vừa công kích chính quyền vừa có tính cách kêu gọi Phật giáo tranh đấu cho Phật pháp và “đòi quyền bình đẳng tôn giáo".
Tội nghiệp cho ba "ông lớn"của chính quyền được một phen "rụng tim". Ba "ông lớn" thất sắc đưa mắt nhìn nhau và lắc đầu chịu trận. Thiếu tướng Nghiêm cho rằng thầy Trí Quang công kích chính quyền nặng quá, đang dự leã chả lẽ ông lại bỏ ngang ra về. Bài thuyết giảng của Thượng toạ Trí Quang được cơ quan an ninh thu băng.
Khi tan lễ, Thiếu tướng Nghiêm cũng như ông Đẳng và ông Chương cùng lần lượt kéo nhau đến tư dinh ông Cẩn và mỗi người lần lượt trình bày về nội dung bài thuyết pháp của Thượng toạ Trí Quang. Ông Cẩn thắc mắc nói với mọi người: “Tại sao thầy Trí Quang lại cư xử với mình như vậy?”. Có thể nói ông Cẩn rất ngạc nhiên về bài thuyết pháp của Thượng toạ Trí Quang. Lúc đầu nghe nói ông vẫn không tin “Làm gì có chuyện đó”. Mãi sau khi nghe hết cuộn băng, ông Cẩn chỉ lắc đầu, than dài.
Về phía đồng bào Phật tử tinh thần bỗng lên cao và càng thêm hăng say nhờ bài thuyết pháp của Thượng toạ Trí Quang.
Theo Nguyễn Hữu Cang, sau khi nghe Thượng toạ Trí Quang thuyết pháp như vậy, Cang cũng như bạn bè nhất là giới Phật tử lao động và học sinh, sinh viên bỗng nhiên cảm thấy phẫn uất và cần phải làm một cái gì đó. Cơn giông tố bắt đầu nổi lên.
Buổi chiều ngày 8 lặng lẽ trôi qua. Theo chương trình đã dự định thì 8g30 tối sẽ đốt pháo bông và rước xe hoa tại chùa Từ Đàm. Vào khoảng 6 giờ chiều đồng bào đã lũ lượt kéo nhau về Từ Đàm. Những năm trước lễ Phật đản tại Huế bao giờ cũng tấp nập đông vui như vậy.
Vào khoảng 7giờ 30, đồng bào tập trung tại chùa Từ Đàm chen chân không nổi. Bỗng nhiên ban tổ chức cho biết, chương trình được thay đổi và không có đốt pháo bông như dự định.
Đồng bào được mời về tập trung tại Đài phát thanh phía cầu Tràng Tiền. Ban tổ chức cho biết đồng bào hãy tập trung quanh vùng Morin, để đón đoàn xe hoa từ Đà Nẵng ra tham dự. Đồng bào Phật tử lại chen nhau đổ xô về địa điểm đã định. Ai nấy đều nao nức, mong chờ đoàn xe hoa từ Đà Nẵng tiến ra.
Tại Đài phát thanh, ông Quản đốc Ngô Ganh đang cho sửa soạn để phát chương trình lễ Phật đản vào lúc 8g15. Chương trình đã được thu thanh từ trước và được kiểm duyệt theo thể lệ chung. Lình tính cho ông biết sắp xảy ra chuyện chẳng lành. Đồng bào tập trung quanh Đài phát thanh đông quá sức tưởng tượng. Nhân viên của đài vẫn yên trí làm việc vì cho rằng, đồng bào đến để nghe phát thanh chương trình đặc biệt về lễ Phật Đản, giản dị chỉ có thế thôi.
Nhưng sau đó, có mấy ông Thượng toạ, Đại đức và một số thanh niên Phật tử vào thẳng văn phòng ông Quản đốc, yêu cầu được thay đổi chương trình phát thanh. Thay vì cho phát thanh chương trình đã được thu thanh và kiểm duyệt, ban tổ chức yêu cầu ông Quản đốc cho truyền thanh trực tiếp buổi lễ ban sáng kể cả bài thuyết pháp của Thượng toạ Trí Quang mà ban tổ chức đã thu thanh.
Quản đốc Ngô Ganh từ chối với lý do ông chỉ được phép cho truyền thanh những cuộn băng nào đã được kiểm duyệt, còn vấn đề trực tiếp truyền thanh buổi lễ thì ông không thể thoả mãn. Ban tổ chức cương quyết đòi hỏi phải được truyền thanh theo chương trình trong cuốn băng của Ban tổ chức. Bên ngoài Phật tử và đồng bào tập trung mỗi lúc một đông và tựa như từng lớp sóng người trong vùng biển động.
Ngô Ganh gọi điện cho từng cấp liên hệ để báo cáo sự tình. Đôi bên vẫn dằng co.
Về phía chính quyền lúc 5 giờ chiều, cơ quan an ninh đã nhận được nguồn tin mật là tối nay các Thày sẽ làm áp lực buộc Đài Phát thanh phải cho trực tiếp truyền thanh cuộn băng ghi lời thuyết pháp ban sáng của Thượng toạ Trí Quang - Thiếu tá Đặng Sỹ Phó Tỉnh trưởng đi tìm ông Tỉnh Trưởng để tường trình nội vụ. Nhưng ông Sỹ không sao tìm được ông Đẳng. Ông Sỹ cho người đến nhà vợ nhỏ ông Đẳng cũng không thấy ông đâu.
Cuối cùng Thiếu tá Sỹ đến văn phòng ông Cẩn thì lúc ấy ông Lê Văn Đạm (Đổng lý toà Đại biểu) và ông Đẳng cũng vừa tới. Ông Sỹ trình bày qua loa về hiện tình, ông Đẳng cho biết ông đã gặp Thượng toạ Trí Quang và nói: "Cứ yên trí không có chuyện gì đâu". Sau đó hai ông Đạm và Đẳng gặp riêng ông Cẩn. Ông Cẩn cho rằng: “Nếu có như rứa thì sao bây chừ …vậy cố gắng sao nói với thày Trí Quang bỏ qua đi".
Tình hình đài phát thanh lúc ấy đã hết sức căng thẳng. Đồng bào Phật tử đã tràn vào tới sân, nhiều tiếng la lối, hò hét. Ngô Ganh gọi điện thoại cho Thiếu tá Sỹ cầu cứu. "Thiếu tá phải can thiệp gấp họ chiếm Đài bây giờ này". Rồi cứ năm phút Thiếu tá Sỹ lại nhận được điện thoại của Ngô Ganh. “thiếu tá không can thiệp gấp thì họ chiếm Đài họ giết tôi đó". Ông Sỹ cũng không biết làm thế nào, đành phải trấn an Ngô Ganh: “Anh. cứ yên trí, không sao đâu tôi ra ngay đó". Sự thực lúc ấy Thiếu tá Sỹ cũng như văn phòng ông Cẩn chưa biết phải giải quyết như thế nào cho êm đẹp.
Tình thế quá gấp rút, ông Nguyễn Văn Đẳng bảo Thiếu tá Sỹ: "Bây giờ chỉ còn cách giải tán, Thiếu tá lo giùm tôi đi".
Ông Sỹ trả lời "Tôi làm ngay, nhưng ông Tỉnh trưởng ra lệnh đã". Ông Đẳng có vẻ mất bình tĩnh. Tin tức cho biết, Đài phát thanh có thể mất đến nơi. Ông Đẳng bảo Thiếu tá Sỹ: "Thiếu tá lo gấp dùm tôi, ký một giấy chứ hàng trăm giấy tôicũng ký”. Thiếu tá Sỹ ngần ngại: "Tôi thi hành lệnh giải tán với tư cách nào? Phó Tỉnh trưởng Nội an hay Tiểu khu trưởng?". Ông Đẳng chưa biết trả lời sao thì được ông Sỹ giải thích: “Nếu với tư cách phó Nội an thì tôi chỉ có một ít cảnh sát, công an và hai đại đội địa phương quân". Ông Đẳng vui vẻ: "Thiếu tá thi hành theo tư cách Tiểu khu trưởng đi”. Ông Đẳng không quên vấn đề giấy tờ và nói: “Thiếu tá về Tiểu khu làm giấy tờ đi rồi tôi ký sau”. Theo quyết định 57 của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà thì, Tỉnh trưởng ngoài chức trưởng hành chính còn giữ chức trưởng an ninh lãnh thổ. Như vậy, giải tán cuộc biểu tình tại Đài phát thanh đều thuộc thẩm quyền tối thượng của Tỉnh trưởng Thừa Thiên.
Sau khi nhận lệnh của ông Đẳng, Thiếu tá Sỹ gọi điện thoại về Đà Nẵng trình nội vụ lên Thiếu tướng Nghiêm Tư lệnh Vùng I chiến thuật. Tướng Nghiêm tỏ vẻ lo lắng và ra lệnh cho ông Sỹ: “Anh phải lo giải quyết ngay còn chần chừ gì nữa…Nếu họ chiếm được Đài phát thanh Việt Cộng nó lợi dụng phá Đài rồi làm sao đây?". Thiếu tá Sỹ trình bầy: "Hiện nay Tiểu khu Thừa Thiên không đủ phương tiện, xin Thiếu tướng cho phương tiện". Thiếu tướng Nghiêm đồng ý cho Tiểu khu Thừa Thiên được sử dụng phương tiện thuộc khu và vùng chiến thuật đặt dưới quyền Tư lệnh của Thiếu tướng Nghiêm.
Như vậy đã có sự đồng ý của Vùng. Thiếu tá Sỹ gọi điện thoại xin lệnh của Tư lệnh sư đoàn I bộ binh kiêm Tư lệnh khu XI chiến thuật. Đại tá Đỗ Cao Trí đã bay về Sài Gòn từ chiều và chỉ còn Trung tá Lê Quan Hiền Tư lệnh phó. Sau khi trình bày nội vụ, Thiếu tá Sỹ xin lệnh và ý kiến thì Trung tá Hiền sốt sắng đồng ý ngay: “Tôi cho anh sử dụng đại đội Thiên hổ " Đại đội trù bị của sư đoàn I nổi tiếng là thiện chiến do thiếu uý Phú làm đại đội trưởng. Thiếu tá Nguyễn Hộ làm Tham mưu trưởng sư đoàn cũng có mặt tại Bộ Tư lệnh cũng đồng ý để ông Sỹ sử dụng lực lượng trù bị của sư đoàn. Thiếu tá Nguyễn Hộ bảo ông Sỹ: “Anh cứ làm kế hoạch đi, Thiếu uý Phú đến trình diện anh ngay bây giờ".
Thiếu tá Sỹ gọi điện thoại cho Thiếu tướng Nghiêm báo cáo diễn biến của nội vụ. Ông Nghiêm ra lệnh: "Phải lo giải tán gấp đi. Tôi cho anh một đại đội khoá sinh C1 và một đại đội thiết giáp đang hành quân tại vùng Phú Lộc". Hai đại đội này đều trực thuộc cấp Vùng. Ông Sỹ trở về tiểu khu Thừa Thiên và gọi điện thoại cho Thiếu tá Vĩnh Biểu (chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Phú Bài): “Anh cho tôi xin một đại đội, anh cho lên Tiểu khu gấp, Thiếu tướng đã nói gì với anh chưa?". Thiếu tá Biểu xác nhận đã nhận được lệnh của Thiếu tướng Nghiêm qua đại uý Thiết, Chánh văn phòng của Tư lệnh Vùng I.
Thiếu tá Vĩnh Biểu cho biết là đại đội khoá sinh C1 đang lên xe trực tiểu khu.
Kể từ lúc này Thiếu tá Sỹ đã có một lực lượng khá hùng hậu gồm đại đội Thiên hổ, đại đội C1, đại đội Quân Trấn, chi đội cơ giới Bảo an (do Trung uý Kỳ chỉ huy, sau 1963 ông Kỳ bị bắn chết một cách rất ly kỳ sẽ nói vào đoạn sau) đại đội thiết giáp và một số hiến binh quân cảnh thuộc Quân Trấn.
Bộ Tham mưu của ông Sỹ có mặt đại uý Lê Nguyên Phu (Tiểu khu phó), đại uý Nguyễn Kinh Lược (Tỉnh đoàn trưởng Bảo an), đại uý Lê Duy Hiền (Tham mưu trưởng).
Tuy đã nhận được lệnh đầy đủ từ ba phía liên hệ (Tỉnh trưởng, Vùng và Khu chiến thuật) ông Sỹ cũng như các sĩ quan hiện diện đều băn khoăn do dự. Riêng ông Sỹ lại càng khó xử hơn cả, vì ông mắc vào 2 cái kẹt: là một tín đồ Thiên chúa giáo, gia đình bên vợ lại là Phật giáo (bà mẹ vợ ông Sỹ thuộc hàng tu tại gia và thọ giới trai). Các sĩ quan hiện diện đều đồng ý là phải hết sức thận trọng, đây là vấn đề thuộc phạm vi tôn giáo vì dù có giải tán một cách êm đẹp cũng vẫn bị mang tiếng là đàn áp. Nếu thất bại để mất Đài Phát thanh thì hậu quả sẽ không biết như thế nào.
Các đơn vị đã tập hợp đầy đủ tại sân Tiểu khu ông Sỹ ra trước hàng quân giải thích cho quân nhân các cấp rõ và ra lệnh dùng súng Garrant tay cầm ngang trước mặt xô đồng bào, tuyệt đối không được dùng lưỡi lê đâm và cũng không được phép nổ súng. Bộ Tham mưu chọn 10 người và chỉ 10 người này mới được phép bắn. Đại uý Lược lưu ý: "Chỉ được bắn chỉ thiên mà thôi. Khi nào nghe thấy Thiếu tá báo hiệu lệnh thì mới được nổ…". Ngoài 10 người được chỉ định không một quân nhân nào được sử dụng đạn nổ. Bộ Tham mưu lại chọn 15 quân nhân khác, phân phối cho 15 địa điểm và mỗi quân nhân được phát một trái lựu đạn MK.3 cũng dùng khi tấn công địch, tiếng nổ MK.3 rất lớn khủng bố tinh thần địch, nhưng MK.3 không có tác dụng giết người và nếu đứng gần chỗ nổ sẽ chói tai long óc và có thể bị thương nhẹ.
Đại uý Phu nhắc lại lệnh Thiếu tá Sỹ: "Các anh em sử dụng lựu đạn phải nhớ hai tiêu chuẩn: 1, chỉ ném khi có súng lệnh của Thiếu tá; 2, chọn nơi nào không có người mới được ném, thí dụ như ném vào bãi cỏ gốc cây".
Trong khi Bộ Tham mưu của Tiểu khu còn đang bàn thảo kế hoạch đối phó thì Đài Phát thanh bắt đầu lâm nguy trầm trọng. Gạch đá bay vun vút. Trung tá Thưởng Giám đốc nha Công an gọi điện thoại cho Thiếu tá Sỹ giọng bẳn gắt: “Anh còn chần chờ gì nữa… Anh giải tán ngay đi. Tình hình nguy lắm rồi".. Thiếu tướng Nghiêm từ Đà Nẵng gọi điện thoại hỏi tình hình và ra lệnh cho ông Sỹ: "Việc đã gấp rồi giải tán thì giải tán ngay đi, còn chần chừ gì… ".
Ông Sỹ và mấy sĩ quan Tham mưu nhìn nhau do dự…Ai cũng ngán.
Đợt thứ nhất, ông Sỹ cho sử dụng xe phun nước nhưng vô hiệu. Đồng bào đông quá và nhấp nhô như biển động trong cơn giông tố. Đợt thứ hai, ông Sỹ cho hai tiểu đội quân cảnh, một tiểu đội hiến binh và khoảng 20 nhân viên cảnh sát, nhưng cũng vô hiệu. Đám quần chúng ngày càng bị khích động và đang như trong cơn lên đồng.
Ông Quản đốc Ngô Ganh kêu cứu trong sự tuyệt vọng: “Đài mất đến nơi rồi, họ giết tôi bây giờ đây nè. Thiếu tá can thiệp gấp. ".
Đợt thứ 3: Thiếu tá Sỹ cho hai trung đội ra đi tiến theo đội hình dàn hàng ngang cùng với 3 xe phóng thanh kêu gọi đồng bào giải tán, gạch đá bay vun vút, hàng ngàn tiếng la ó, đả đảo, hoan hô.
Ông Nguyễn Văn Đẳng bắt đầu mất tinh thần. Quần chúng làm dữ quá. Gạch đá ném tới tấp vào cửa Đài Phát thanh. Ông nói với Thượng tọa Trí Quang: "Thày dùng Micro Thày nói dùm, như thế này nguy hiểm quá". Thầy Trí Quang ngần ngại: “Bây giờ tôi phải nói với Phật tử sao đây” Đám đông vẫn cuồn cuộn như thuỷ triều dâng cao. Thầy Trí Quang ra trước cửa Đài, lên tiếng tiếng trấn an dân chúng: “Phật tử cứ bình tĩnh, mọi việc Thày đang tìm cách giải quyết…”. Nhưng lời Thày Trí Quang cũng vẫn vô hiệu.
Đám đông làm dữ quá. Một nhà sư trẻ đã nhẩy lên được nóc đài Phát thanh và cắm cờ Phật giáo. Khi cắm Phật kỳ xong đám đông càng thêm phấn khởi hô to vang dội. Từ lúc đó, chung quanh Đài, Phật kỳ bay rợp trong ánh sáng như vùng hào quang đêm hoa đăng. Biển người nhấp nhô chuyển động và bắt đầu như con thuyền trăm tay lái. Đám đông này sẽ vỡ như tổ ong. Một số ít nhân viên công lực đành khoanh tay và lúc ấy đám đông đang làm chủ tình hình. Khi đám đông bộc phát trong ngọn lửa của nhiệt tình tôn giáo thì thiết tưởng không có gì chế ngự được. Lúc ấy họ chỉ biết vâng phục một thứ thần quyền qua ngọn cờ tôn giáo.
Quản đốc Ngô Ganh cũng như Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng gần như mất hết bình tĩnh. Lúc ấy nhà cầm quyền phải triệu thỉnh Thượng tọa Trí Quang, Thượng tọa Trí Quang tuy có kêu gọi Phật tử phải nên bình tĩnh nhưng đám đông mỗi lúc một thêm cuồng nhiệt.
Trung tá Thưởng tỏ ra vô cùng lo ngại nên một lần nữa gọi điện thoại cho Thiếu tá Sỹ hối thúc: “Anh còn đợi gì nữa? Anh còn chần chờ gì nữa? Anh còn chần chờ gì nữa mà không bắt đầu đi” Dù ông Sỹ đã cho hai tiểu đội quân cảnh cùng hiến binh và cảnh sát đi giải tán nhưng họ đành khoanh tay không thể làm gì được hơn. Trung tá Thưởng phải thân hành đến quân trấn hối thúc ông Sỹ.
Thiếu tá Sỹ cho hai trung đội tiến ra theo đội hình hàng ngang. Kể từ lúc ấy, đồng bào Phật tử cũng bắt đầu lo việc bố phòng… Các xe đạp được đưa ra chắn ngang đường. Thanh niên Phật tử lẫn lộn bên cạnh các bà các cô và thiếu nhi để tạo thành vòng rào ngăn chặn nhân viên công lực.
Từ trên nóc Đài Phát thanh một nhà sư trẻ cầm chiếc loa kêu gọi Phật tử hãy tiến lên không sờn lòng trước bạo lực. Nhà sư lại nhấn mạnh là đang có sư đoàn từ Đà Nẵng tiến vào để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh vì Đạo pháp. Nhà sư vừa dứt lời, đám đông bỗng náo nhiệt hẳn lên nhiều tiếng la ó hoan hô vang dậy.
Tại Tiểu khu Thiếu tá Đặng Sỹ duyệt xét kế hoạch lần cuối cùng với các sĩ quan như Đại uý Phu, Đại uý Lược, Trung uý Kỳ. Ông Sỹ quyết định dùng xe cơ giới của Bảo An (thứ xe có 4 bánh cao lênh khênh) để mở đường, lính tiến sau xe. Một sĩ quan cho rằng dùng xe mở đường rất hay, đồng bào thấy xe đạp bị cán sẽ xót, do đó cũng tự động vác xe lên hè phố, như thế binh sĩ mới có thể tiến được, ý kiến quả hiệu nghiệm, khi xe Thiếu tá Sỹ tiến lên, theo Trung sĩ Quang (thuộc tiểu khu Thừa Thiên ) thì xe đi với một tốc độ như rùa. Xe tiến tới đâu thì đồng bào đổ xô ra đường vác xe lên hè phố. Ai cũng biết dân miền Trung nghèo khổ, nên chiếc xe đạp luôn luôn là một bảo vật.
Nhờ vậy cuộc tiến quân diễn ra êm thắm. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Nghiễm khi đồng bào thấy xe và lính thì không khí tranh đấu bỗng dưng bùng lên cực mạnh. Bao nhiêu con mắt đều đổ dồn về phía ông Sỹ và có nhiều tiếng chửi thề. Có Phật tử lại gọi đích danh Thiếu tá Sỹ ra mà chửi. Thế rồi gạch đá, guốc, vỏ la ve bay như bướm. Theo ông Nguyễn Nghiễm lúc ấy tinh thần đồng bào lên quá cao.
Chính Nguyễn Nghiễm cũng có cảm tưởng như mình đang dự vào cuộc thánh chiến và sẵn sàng xả thân cho đạo pháp. Cho đến lúc ấy chương trình phát thanh vẫn ngưng bặt và chỉ còn tiếng la ó của đám đông. Mô tả đám đông này, ông Nguyễn Nghiễm cho rằng, chưa có lễ Phật đản nào (trước l963) lại đông người và phấn khởi như vậy.
Trên xe, Thiếu tá Sỹ mặc áo giáp cùng với 2 hạ sĩ quan là Trung sĩ Tư và Quang…Gạch đá ném lên xe nhiều quá nhưng vì có mũ sắt và áo giáp nên không ăn nhằm vào đâu. Ông Sỹ vẫn cho xe tiến lên từ từ.
Xe tiến đến đâu thì đồng bào dạt ra hai bên đường, trông cảnh tượng rất ngộ. Dù chạy thì chạy nhưng ai nấy không quên dắt xe theo.
Ông Sỹ được một phen nghe chửi rát tai.
Trong khi đó, ba xe phóng thanh của Ty Thông tin luôn luôn kêu gọi đồng bào giải tán. Văn phòng Cố vấn chỉ đạo của ông Cẩn lại có vẻ bình thản vì không ai ngờ thảm hoạ sẽ xảy ra. Cho đến lúc ấy Văn phòng của ông Cẩn không có một liên lạc nào với Trung ương. Từ Thiếu tướng Nghiêm đến ông Hồ Đắc Thương, ông Cẩn và bộ Tham mưu ai cũng chỉ lo sợ một điều là Đài Phát thanh bị chiếm và một khi bài thuyết pháp của Thượng tọa Trí Quang được phát thanh thì coi như mấy tai hoạ cùng ập đến cho mấy ông lớn, vì bài thuyết pháp đó như trên đã viết công kích chính quyền mạnh quá và tất cả đều sợ trách nhiệm đối với Tổng thống.
Thực nếu không sử dụng quân đội thì lực lượng an ninh thành phố Huế không thể nào giữ nổi Đài Phát thanh. Ai có mặt trong đêm 8-5 mới thấy rõ sức mạnh của quần chúng. Sức mạnh đó khi được khơi động bằng lý tưởng tôn giáo và được hướng dẫn bởi một số huyền thoại lãnh tụ thì đó là sức mạnh của giông bão.