Sau buổi du ngoạn, đời sống Vân Lâu và Hàn Ni đột nhiên thay đổi hẳn. Họ không thích chôn chân ở nhà, lúc nào cũng muốn ra phố. Hết lái xe ra ngoại ô từ sáng, đến tối là lại đi dạo nơi công viên. Những buổi hoàng hôn đẹp, đời sống càng có nghĩa, họ say sưa trong nguồn hạnh phúc. Nếu không có những ám ảnh về căn bệnh bất trị của Hàn Ni có lẽ họ không phải nghĩ ngợi gì cả. Trong thế giới tình yêu thời gian qua rấ nhanh, chẳng mấy chốc mà mùa nghỉ lạnh cũng đến.
Ông Mẫn gửi thêm một lá thư sang bên, lời lẽ thật nghiêm khắc. Ông bảo Vân Lâu nhận được thư phải trở về nhà ngay.
”... Cha mẹ đối với con công lao dưỡng dục như trời bể, khổ sở trăm điều, thế mà khi con cái trưởng thành là không còn kể đến cha mẹ. Con hãy tự nghĩ xem đối với cha mẹ, con đã trọn đạo chưa? Con gái nhà họ Dương, nếu bỏ qua những tật bệnh trời sinh, cũng không thể lấy được chồng. Sức khỏe nó không có thì làm sao lập gia đình. Con nhận được thư này phải về Hương Cảng ngay, để cho tình cha con khỏi bị sứt mẻ, cho gia đình được đoàn tụ hạnh phúc. Bằng trái lại con cố ý chần chờ không về thì tình cha con sẽ chấm dứt từ đây!”
Vân Lâu bối rối lo âu suốt mấy ngày liền. Sau cùng chàng đánh bạo viết thư gửi về nhà, trình bày tất cả tình cảm chân thành giữa mình và Hàn Ni, chàng mong cha mẹ hiểu và cho chàng được ở lại, lời lẽ thật bi thảm, mỗi một chữ là một giọt nước mắt. Trong phần nói về Hàn Ni, chàng đã viết:
”Hàn Ni tuy yếu đuối bệnh hoạn nhưng lúc này nàng đã khỏe nhiều. Bác sĩ cũng bảo là sức mạnh tinh thần có thể chiến thắng được tật bệnh. Con ở đây là để giúp cho Hàn Ni được sống còn, nếu con đi, có thể nàng sẽ chết ngay. Con chắc cha mẹ không đến nỗi vô tình như vậy. Hãy tha thứ cho con, hãy ban hy vọng cho đời sống của Hàn Ni. Đối với Hàn Ni, tình con đã quá nặng. Nếu không may Hàn Ni chết đi có lẽ đó cũng là ngày cuối cùng của đời con. Con biết tình cha mẹ bao la, chắc cha mẹ không nỡ nhìn chúng con cùng chết. Vì vậy xin cha mẹ hãy cho con ở lại mùa nghỉ lạnh này.”
Hè con sẽ về, chúng con, con và Hàn Ni, sẽ về Hương Cảng thăm gia đình.
Cùng với bức thư gửi cho cha mẹ, Vân Lâu còn viết thêm một bức thư cho Vân Nhi. Chàng nghĩ dù sao giữa những người trẻ tuổi sự thông cảm sẽ dễ dàng hơn, chàng nhờ cô em gái trình bày cho cha mẹ thấy hoàn cảnh khó xử của mình. Thư gửi đi được một tuần, Vân Lâu nhận được hồi âm, nhưng chỉ có một bức thư duy nhất của Vân Nhi.
”Anh,
Sau khi nhận được thư anh, cha giận ghê lắm, mẹ không dám nói một lời nào. Không khí gia đình lúc này căng thẳng quá, em muốn ngạt thở luôn. Chuyện của anh với chị Hàn Ni, mẹ và em không dám đề cập đến, nhiều lúc mẹ mới ướm lời là cha đã sừng sộ la hét om sòm. Huyết áp của mẹ lúc này lại lên cao quá, nhiều lúc người mệt muốn ngất luôn. Theo em thấy, chuyện giữa anh và chị Hàn Ni chắc khó mà được cha chấp nhận. Hình như trong câu chuyện liên hệ đến anh chị còn có điều gì bí ẩn nữa. Em nghe có lúc cha chửi cả vợ chồng bác Dương. Cha cho họ chỉ là lũ người lưu manh. Tóm lại, tình hình nguy kịch lắm, anh đừng coi thường. Theo em thấy, anh nên về tốt hơn. Về còn có thể đi, vì cha rất lo lắng việc học hành của anh thì làm sao nhốt anh ở nhà được? Bằng trái lại, anh không chịu về, sợ hòa khí giữa hai gia đình khó giữ cho êm đẹp. Hơn nữa cha còn hăm sẽ không gửi tiền cho anh, và từ anh luôn. Tính cha, anh cũng hiểu, người nói là làm. Nếu chuyện xảy ra như thế mẹ sẽ buồn biết bao mà việc ở trọ nhà bác Dương của anh cũng khó khăn. Tốt nhất anh nên về, về để trình bày thật rõ rành, biết đâu chẳng thay đổi được hoàn cảnh!”
Đọc xong thư của Vân Nhi, Vân Lâu trằn trọc mãi, chẳng ngủ được. Hai tay gối đầu nhìn lên trần nhà cho đến sáng. Cha, sao cha lại không chịu hiểu hoàn cảnh hiện tại của con. Nhà họ Dương này và gia đình ta đã có gì mà Vân Nhi gọi là bí ẩn? Hàn Ni bất hạnh chớ đâu có tội gì đâu? Cha, sao cha nỡ nhẫn tâm chia rẽ tình con? Bây giờ phải làm thế nào đây? Trở về? Làm sao có thể bỏ Hàn Ni mà trở về cho được? Không trở về thì tình cha con sẽ... có đúng như lời cha hăm dọa không? Giữa Hàn Ni với gia đình, ta phải chọn một. Làm sao chọn đây?
Sáng hôm sau, Lâu lê thân xác mệt mỏi vì mất ngủ xuống phòng ăn. Đầu óc nặng chịch, mắt lờ đờ mất thần, mặt tiều tụy. Hàn Ni đưa mắt liếc nhanh về phía Vân Lâu. Chuyện gì thế? Bà Dương chau mày dò xét. Vân Lâu yên lặng dùng cơm sáng hồn miên mang ở tận đâu đâu. Hàn Ni chịu không được, lên tiếng:
- Anh Lâu, anh có chuyện chi buồn vậy?
Vân Lâu giật mình, lấp liếm:
- Không, đâu có chuyện gì đâu.
- Thế tại sao anh âu sầu như vậy?
- Đêm qua anh mất ngủ.
- Sao thế? Chăn nệm không đủ ấm à?
Vân Lâu lắc đầu, và cố nở nụ cười gượng.
Sau bữa cơm sáng, Hàn Ni bước tới đàn. Bản “Mộng Tưởng Khúc” vang lên, nàng nhìn Vân Lâu thật tình tứ. Đột nhiên nàng khám phá ra cửa sổ, ngắm những hạt mưa bụi bên ngoài. Cảm giác như bị bỏ quên, Hàn Ni đau khổ vô cùng. Nàng ngưng tiếng đàn, quay lại:
- Anh làm gì mà mặt mặt ủ dột thế?
Vân Lâu giật mình, chàng ngơ ngác như kẻ mộng du, rồi vội vàng bước tới bên Hàn Ni:
- Đâu? Đâu có gì đâu em?
Hàn Ni nói như hét:
- Không có gì? Không có gì à? Em biết anh có chuyện gì nhưng anh dấu em.
- Em sao đa nghi, có chuyện gì đâu?
Hàn Ni cố chấp:
- Em không biết, anh phải nói cho em nghe mới được.
Vân Lâu đau khổ nhìn người yêu thăm dò:
- Hàn Ni, anh định về Hương Cảng ăn tết một tuần, rồi trở qua ngay, em thấy sao?
Gương mặt Hàn Ni tái xanh, đôi mắt to đen mở lớn:
- Em biết mà, rồi anh sẽ đi, anh đi để không bao giờ trở lại nữa, em biết.
Thái độ của Hàn Ni giống như tội nhân sắp lên máy chém. Đôi mắt tuyệt vọng vô bờ. Thân hình nàng lảo đảo suýt ngã. Vân Lâu vội bước tới, ôm lấy người yêu và gọi lớn:
- Hàn Ni! Hàn Ni! Anh muốn đùa một chút chơi mà, anh có đi đâu đâu!
Hàn Ni nói một cách mệt mỏi và âm vang chán chường:
- Em muốn ngất xỉu, em thấy mệt quá.
- Hàn Ni, anh đùa đấy. Em biết không, anh định đùa với em một tý mà. Vân Lâu vùi mặt vào ngực Hàn Ni - Từ đây về sau anh sẽ không bao giờ xa em nữa đâu!
Bà Dương nghe tiếng gọi của Vân Lâu hoảng hốt chạy xuống, vừa kịp nhìn thấy cảnh trên, bà muốn phát điên lên:
- Hàn Ni! Hàn Ni! Con làm sao thế này?
Hàn Ni yếu đuối:
- Mẹ, không sao cả, con chỉ hơi chóng mặt một chút thôi.
Biết Hàn Ni chưa ngất, bà Dương thở phào nhẹ nhõm:
- Vậy mà con làm mẹ hết hồn. Quay sang Vân Lâu bà trách móc - Cậu làm gì nó nữa thế?
Vân Lâu đau khổ cắn môi:
- Con nói đùa, con nói là con định về Hương Cảng mấy hôm rồi lại trở qua ngay.
Bà Dương yên lặng không nói gì cả. Vân Lâu bế người yêu lên nói với bà Dương:
- Để con đưa Hàn Ni về phòng.
Hàn Ni yếu thật, khuôn mặt trắng xanh, đôi môi tái, hai bàn tay nàng giữ chặt lấy khuôn ngực một cách đau đớn. Nghĩ đến câu nói của mình lại có thể khiến cho Hàn Ni đến nông nỗi này, Vân Lâu cũng thấy uất nghẹn. Hàn Ni nhẹ như chiếc lông. Vân Lâu đặt Hàn Ni nằm lên giường, mắt chàng mờ lệ:
- Hàn Ni em!
Hàn Ni co quắp người lại:
- Em lạnh quá!
- Để anh mang túi nước nóng lên cho em.
Vân Lâu đi lấy túi nước nóng, xuống lầu cho nước vào, trong khi bà Dương mang thuốc lên lầu, thấy chàng bà hỏi:
- Nó thế nào.
- Ni đang bị lạnh.
Bà Dương nhìn thẳng vào mắt Vân Lâu:
- Bây giờ cậu không có quyền tự do nữa, cậu phải ở lại đây, không được về Hương Cng một ngày nào cả, đời sống con gái tôi ở trong tay cậu đấy!
Vân Lâu xác định:
- Vâng, con sẽ không về Hương Cảng, con sẽ ở lại đây dù có xảy ra chuyện gì cũng mặc.
Xuống lầu, đổ nước nóng vào túi xong Vân Lâu chạy ngay lên phòng Hàn Nị Hàn Ni đã uống thuốc xong, đang nằm yên, mặt hãy còn tái mét.
Bà Dương lo lắng ngồi bên cạnh, Vân Lâu đặt túi nước dưới chân Hàn Ni, đắp chăn cho người yêu. Tay chân nàng lạnh ngắt, Vân Lâu hỏi bà Dương:
- Có cần mời bác sĩ Lý đến không?
Hàn Ni nằm trên giường lắc đầu. Nàng sợ bị xem mạch và chích thuốc.
- Không cần, em khỏe rồi.
Bà Dương đưa tay vào chăn xoa lên người Hàn Ni:
- Được rồi, để xem. Quay sang Vân Lâu bà nói - Bây giờ mình ra ngoài, để nó nằm yên một chút đi.
Hàn Ni yếu ớtgọi:
- Đừng đi, anh!
Vân Lâu ở lại, bà Dương nhìn đôi tình nhân trẻ, lắc đầu rồi bỏ ra ngoài.
Còn lại một mình với Hàn Ni, Vân Lâu bước tới ngồi cạnh giường Hàn Ni. Hai người nhìn nhau, đôi mắt u hoài ngàn trùng.
- Anh Lâu, anh đừng xa em, nếu anh bỏ về Hương Cảng thì không bao giờ anh nhìn thấy em được nữa.
Lòng Vân Lâu tan nát, đưa tay sờ nhẹ lên mặt người yêu chàng nghẹn ngào:
- Hàn Ni, không bao giờ anh xa em và cũng không ai có thể ngăn cách chúng mình được.
Tối hôm ấy, Vân Lâu viết một bức thư, gửi về nhà, lời lẽ thành khẩn:
“Con thà làm con bất hiếu chớ không thể giết Hàn Ni một cách gián tiếp được. Mùa nghỉ lạnh năm nay con không về được, xin cha mẹ tha thứ cho... ”
Bức thư gây sóng gió ở Hương Cảng thế nào Vân Lâu cũng không cần biết. Có điều chỉ mấy hôm sau, khi Vân Lâu và gia đình Hàn Ni quây quần bên lo sưởi trong phòng khách thì chuông cửa reo vang, gian phòng đang ấm cúng và yên lặng đột nhiên bị quấy rầy, mọi người thắc mắc nhìn ra. Tú Lan từ ngoài cửa bước vào với một phong thư trên tay:
- Thưa ông có thư bảo đảm.
Ông Dương tiếp thư đọc lướt qua, rồi liếc nhanh về phía Vân Lâu. Cái nhìn không bình thường lắm. Vân Lâu chồm tới. Bức thư gửi bằng đường hàng không với chiếc tem Hương Cảng. Vân Lâu chợt hiểu. Sự lo lắng từ đâu kéo tới vây quanh chàng.
Bà Dương hỏi chồng với nụ cười:
- Thư của ai thế anh?
Nhưng khi vừa nhìn thấy phong thư là mặt bà biến sắc ngay. Đỡ bức thư trong tay chồng, bà xé ra đọc nhanh. Mặt bà càng lúc càng thay đổi, cơn giận dữ hiện lên nét mặt:
- Thế này thì quá lắm rồi!
Vân Lâu chưa hề thấy bà Dương giận như thế, không hẳn chi giận không mà còn buồn khôn tả.
- Sao có chuyện chi đó? Anh ấy nói gì?
Ông Dương hỏi, bà Dương trả thư lại cho ông:
- Anh đọc thì biết! Thật quá lắm!
Vừa nói là nước mắt uất ức làm nhòa mắt, bà Dương không chịu được, đứng dậy bỏ chạy về phía cầu thang.
- Em Nhã! Em Nhã!
Ông Dương đặt thư xuống, đuổi theo vợ, sự kiện xảy ra thật nhanh khiến Hàn Ni hoảng hốt:
- Cha, chuyện gì thế cha?
Ông Dương vừa bước đến cầu thang, nghe con gọi thì ngừng lại, do dự một chút, ông nói:
- Con đi ngủ đi, chuyện chẳng có liên hệ gì đến con cả.
Nói xong, ông lại tiếp tục đuổi theo bà Dương.
Phòng khách chỉ còn lại Hàn Ni và Vân Lâu.
Vân Lâu đã đoán được chuyện, chàng bồn chồn bất an. Tính cha nóng như lửa, không biết trong thư người đã viết điều gì khiến cho bà Dương giận dữ thế. Nhìn Hàn Ni, chàng im lặng. Hàn Ni nhìn chàng với đôi mắt khó hiểu:
- Chuyện gì thế hở anh?
Vân Lâu lắc đầu:
- Anh cũng không biết, nhưng em lo lắng làm gì chuyện có quan hệ gì đến ta đâu? Có lẽ việc buôn bán của cha mẹ đấy.
Hàn Ni lo lắng:
- Em sợ không phải thế, vì thư từ thương mại làm gì gửi đến nhà riêng.
- Nhưng em lo lắng cũng đâu có giúp ích được gì? Có nhiều chuyện của người lớn mình làm sao biết được?
Hàn Ni nhìn Vân Lâu chăm chú:
- Em cảm thấy hình như chuyện này có điều chi không ổn...
Vân Lâu nhún vai, cắt ngang:
- Đừng có nghĩ bậy, đến đàn cho anh nghe đi.
- Anh muốn nghe bản gì?
- Khúc hát xứ Ấn.
Hàn Ni bắt đầu. Vân Lâu ngồi yên trên ghế, không phải để nghe vì đầu óc chàng đang bấn quấn với không biết bao nhiêu câu hỏi. Đột nhiên Vân Lâu cảm thấy giữa chàng và Hàn Ni đã bị ngăn bằng những con biển lớn, cố gắng bơi đến gần nhau nhưng khoảng cách vẫn xa vời, mà sức thì đã kiệt. Làm sao đây? Cả hai sẽ được cứu vớt hay sẽ phải chìm xuống biển sâu?
Một bản nhạc chấm dứt, Hàn Ni quay đầu lại:
- Anh còn muốn nghe nữa không?
Vân Lâu đứng lên:
- Thôi được rồi, Hàn Ni, em bệnh mới hết, đi ngủ đi kẻo mệt. Anh đưa em về phòng nhé?
Hàn Ni nheo mắt nhìn người yêu:
- Anh đuổi em à?
- Anh không thích thấy em xanh xao thế này, anh muốn em thật khỏe mạnh!
Hàn Ni ngoan ngoãn bước về phía thang lầu.
Đêm thật khuya, Vân Lâu tin chắc rằng Hàn Ni đã yên ngủ, chàng mới bước tới phòng vợ chồng ông Dương, gõ nhẹ.
- Ai thế?
- Dạ cháu, Lâu đây.
Gian phòng yên lặng một lúc, ông Dương lại lên tiếng:
- Vào đi!
Vân Lâu đẩy cửa bước vào. Đây là lần đầy tiên chàng bước vào phòng ngủ của hai vợ chồng ông Dương. Gian phòng thật rộng, ngoài giường ngủ và bàn phấn ra, còn có một tủ sách lớn và bộ salon ba ghế. Ông Dương thường ngồi đây làm việc. Khi Vân Lâu bước vào, bà Dương đang nằm trên giường, mắt đỏ hoe. Ông Dương ngồi trên ghế xoay hút thuốc. Khói thuốc ngập đầy phòng, Vân Lâu bước vào, bà đưa mắt buồn bã nhìn chàng và hỏi:
- Hàn Ni đâu?
- Dạ, Ni đi ngủ rồi.
Ông Dương lên tiếng:
- Khép cửa lại, đến đây ngồi đi Lâu.
Vân Lâu đóng cửa lại, xong tới chiếc ghế ông Dương chỉ ngồi xuống. Nhìn sắc mặt nghiêm trọng của vợ chồng ông Dương, Vân Lâu hồi hộp lạ:
- Bức thư ban nãy là của cha cháu viết cho bác phải không?
- Ừ! ông Dương nhả khói, ngước mắt nhìn đám khói mù trước mặt. Lâu, tôi rất tiếc là không thể để cậu ở nhà chúng tôi nữa.
Vân Lâu giật mình:
- Thưa bác...
Ông Dương lại nhả khói:
- Cậu ngồi xuống, lần trước tôi nhận cho cậu ở trọ quả thật là một lầm lẫn, để cậu yêu Hàn Ni càng lầm lẫn hơn. Bây giờ chúng tôi không thể để tình trạng lầm lẫn đó kéo dài và cậu nên tìm một nơi khác để trọ vậy.
- Thưa bác, bác có nghĩ rằng giải pháp của bác như thế có đúng không? Tại sao bác không chịu nghĩ đến Hàn Ni chứ?
Ông Dương quay lại nhìn thẳng vào mắt Vân Lâu. Ánh mắt thật bén:
- Chúng tôi đã nghĩ đến Hàn Ni, nghĩ đến nó rất nhiều. Chính vì vậy mà tình cảm mới rối ren thế này. Bây giờ không thể để như vậy được nữa, nhất định cậu phải rời khởi nơi này.
Vân Lâu ngồi thẳng người:
- Bác có thể không để ý đến Hàn Ni, nhưng cháu thì ngược lại. Bác đuổi cháu lần này, không phải là lần thứ nhất. Nếu không vì Hàn Ni có lẽ cháu đã bỏ đi từ lâu rồi. Bây giờ, cháu đi, nhưng cháu không phải đi một mình mà là cháu đi với Hàn Ni!
- Ngồi xuống đi cậu, tại sao cậu lại hồ đồ, vô trách nhiệm thế, cậu định mang Hàn Ni đi, nhưng mang đi đâu chứ?
- Cháu sẽ mướn nhà cho Hàn Ni ở, chúng cháu sẽ lấy nhau, sống bên nhau, dù rằng không sống đời vợ chồng trên phương diện thể xác, cháu sẽ nuôi nàng...
Ông Dương cười nhạt:
- Cậu sẽ nuôi con Hàn Ni à? Cậu biết, tiền thuốc mỗi tháng cho Hàn Ni hai ba ngàn bạc, Hàn Ni lại không thể làm bất cứ một chuyện gì lao lực, không chịu được những xúc động mạnh, phải có người để chăm sóc, hầu hạ nó. Như vậy cậu lấy gì để nuôi sống nó chứ? Cậu đừng mong cha cậu gửi tiền cho cậu, ông ấy viết thư cho tôi bảo là nếu không về Hương Cảng thì sẽ cúp tiền ngay. Cậu còn trẻ, nên lúc nào cũng huênh hoang những lời vô trách nhiệm. Đừng có lý tưởng quá cậu còn phải học hỏi thật nhiều chuyện đời, cậu ạ.
Vân Lâu choáng váng. Đột nhiên chàng thấy ngay được một điều, người đàn ông trước mặt cao lớn vĩ đại, còn chàng chỉ là một thứ bé con hèn mọn. Thời tiết đang ở vào lúc lạnh nhất thế mà trán Vân Lâu đã ướt đẫm mồ hôi.
Ông Dương đứng lên, trở lại giọng nói hiền hòa:
- Thôi đừng hấp tấp, cậu cứ ngồi xuống đó nghe tôi nói đây.
Vân Lâu ngồi yên chăm chú nhìn ông Dương. Người đàn ông chững chạc và kín đáo. Chàng thấy kính trọng và thân mật, đó là thứ tình cảm mà Vân Lâu không có với cha chàng.
Trong lúc Vân Lâu dò xét đối phương thì ông Dương cũng đưa mắt ngắm gã thanh niên trước mặt, một gã con trai trẻ tuổi bồng bột, dễ xúc động, nhiều tình cảm hơn là lý trí. Một mẫu thanh niên điển hình của thời trai trẻ. Với mẫu người như vậy, lòng nhiệt thành lúc nào cũng đầy đủ, nhưng thực ra khi ra đời họ thường chỉ gặp thất bại hơn là thành công. Điều đó ông Dương không có quyền trách cứ, dĩ nhiên! Hút một hơi thuốc, phà khói, ông thong thả nói:
- Cậu Lâu, nếu cậu chịu khó suy nghĩ kỹ, cậu sẽ không nóng nảy như vậy. Cậu thử nghĩ xem có đúng không, mối tình giữa cậu với Hàn Ni, chúng tôi đã phản đối ngay từ đầu. Đó là vì sức khỏe và hạnh phúc của con tôi, chứ không phải vì tôi ghét cậu. Tôi yêu cậu nữa là khác. Lúc trước tôi nào có yêu cầu cha cậu để cậu ở nhà tôi đâu? Bây giờ... Theo tôi hiểu, ở trong trường cũng có nội trú, cậu vào ở đấy cũng tiện lắm, phải không?
Vân Lâu yên lặng, ông Dương thấy cũng tội:
- Mối tình của cậu với Hàn Ni phát triển nhanh đến mức này, nếu Hàn Ni bình thường tôi còn biết mong mỏi gì hơn? Lúc nào chúng tôi cũng mong Hàn Ni mạnh khỏe, để có thể thành lập gia đình. Hàn Ni từ nhỏ tới lớn được giữ kỹ trong nhà, chưa hiểu tình yêu trai gái là gì, gần Hàn Ni, có lẽ cậu hiểu rõ hơn tôi điều ấy. Bây giờ cậu đột ngột bỏ đi, tôi biết con tôi có thể buồn đến chết. Hàn Ni là đứa con duy nhất của chúng tôi, như thế đủ biết chúng tôi yêu nó là nhường nào, không lẽ tôi để con tôi chết dễ dàng thế sao, phải không cậu?
Vân Lâu mở to mắt, đột nhiên chàng như hiểu ra, quả thật mình chỉ là người hấp tấp ngu ngốc.
- Hôm nay tôi bảo cậu rời khỏi nhà tôi, đấy đâu phải là ý muốn của tôi. Làm như thế chẳng qua chỉ là một việc vạn bất đắc dĩ, cậu phải hiểu là chính cha cậu đã ép buộc chúng tôi phải làm thế!
Mặt ông Dương đỏ gay, những sợi gân xanh hằn lên trán. Không khí nặng nề vây quanh. Một lúc thật lâu ông mới hạ thấp giọng:
- Cậu Lâu, cậu phải hiểu và tha thứ cho chúng tôi. Chúng tôi không có quyền chống lại ý cha vậu. Tốt nhất là cậu nên về nhà, ở đây chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ Hàn Ni, bảo vệ cho đến ngày cậu sang đây với nó. Cậu cứ tin chúng tôi.
Vân Lâu cắn môi:
- Không, cháu không thể bỏ về lúc này, bác ạ. Cháu không thể xa Hàn Ni cũng như Hàn Ni không thể xa cháu. Thà là mang tiếng cãi lại lệnh cha còn hơn là để Hàn Ni trong tình trạng nguy hiểm. Mới mấy hôm trước nghe tin cháu định đi về mà nàng đã ngã bệnh ba bốn hôm. Hàn Ni yếu như sợi khói, gió thổi cũng tan, vì vậy cháu phải ở lại. Giọng Vân Lâu thành khẩn hơn - Bác giúp cháu nhé, giúp cháu cũng như giúp Hàn Ni vậy.
Ông Dương nhìn gương mặt đau khổ của Vân Lâu, sự thành thật của hắn khiến ông cảm động. Ông nhìn về phía vợ, bà Dương đang ngồi yên với nỗi đau khổ trăm bề. Hai mươi mấy năm qua, đây là lần đầu tiên sự đau khổ của vợ khiến ông xúc động.
- Cậu Lâu, tôi cũng muốn giúp cậu, nhưng... không nói dối gì cậu, tôi đã từng viết một bức thư trần tình thật thảm thiết cho cha cậu, nhưng cha cậu không chịu hiểu, cố chấp như thời trước... Nói tới đây ông ngừng lại một lúc mới tiếp. Cha cậu tuy là một người đã hấp thụ một nền tây học thế mà đầu óc vẫn thủ cựu vô cùng, anh ấy viện dẫn cả trăm lý do để phản đối cuộc tình giữa cậu với Hàn Ni. Ông bảo cậu là con trai duy nhất, cậu có nhiệm vụ duy trì dòng dõi, vì vậy cậu phải có một người vợ sanh con đẻ cái đầy đàn. Ông Dương cười buồn, tiếp - Đó là chưa kể Hàn Ni không thể lấy chồng. Cậu thấy câu chuyện hoang đường không? Cha cậu còn trách chúng tôi, bảo chúng tôi là âm mưu từ đầu để cậu ở đây đặng gả tống đứa con gái tàn tật cho con trai anh ấy, định đoạt con... Vân Lâu, cậu phải hiểu, cậu không về, chúng tôi không muốn bị gán ghép mấy tiếng đó.
Vân Lâu cương quyết:
- Cha cháu không nên nói thế, người càng cứng cháu càng không về, vì khi về cháu sẽ không bao giờ được trở lại nữa.
Ông Dương lắc đầu:
- Cậu phải về.
- Không! Không! Không bao giờ!
Ông Dương xúc động:
- Cậu có biết là cha cậu viết thư cho tôi với những lời lẽ khiếm nhã thế nào không? Thôi được rồi, có một chuyện mà sớm muộn gì cậu cũng sẽ biết, tôi nói ngay một lần cho xong. Cậu Lâu, cậu biết sự liên hệ giữa tôi và cha cậu thế nào không?
Vân Lâu ngạc nhiên:
- Thì là bạn cùng du học bên Đức.
Ông Dương nhìn lên trần nhà:
- Vâng, đúng là bạn cùng du học ở Đức Quốc, cả hai cùng mướn một căn gác ở chung, tình thân như anh em ruột thịt. Cha cậu có một người vợ chưa cưới ở nước nhà, tuy là vâng theo lệnh cha mẹ đính hôn, nhưng vì trưởng thành bên nhau từ thuở nhỏ nên cũng thân thiết nhau chứ không đến nỗi xa lạ như những cuộc hôn nhân khác. Thời gian ở nước Đức, vị hôn thê của cha cậu thường liên lạc thư từ sang thăm hỏi, một đôi lúc còn gửi cả ảnh sang. Người con gái đó rất đẹp, văn hay chữ tốt, cha cậu rất kiêu hãnh với bạn bè vì có một vị hôn thê như vậy. Sau đó, vì tình trạng chiến tranh, nên tôi trở về nước trước, còn cha cậu sang Mỹ học tiếp. Người vợ tương lai của cha cậu lúc ấy sống chung với bà mẹ. Hoàn cảnh chiến tranh làm tan nát gia đình, bà mẹ bệnh chết, nên chỉ còn một mình nàng trơ trọi. Cha cậu vì không yên tâm để vị hôn thê sống một mình nên nhờ tôi chăm sóc nàng hộ.
Ông Dương ngừng lại cười chua chát:
- Phần kế tiếp tôi thấy không cần phải kể thêm, vị hôn thê của cha cậu chính là bác gái cậu bây giờ.
Vân Lâu kinh ngạc nhìn ông Dương, rồi lại quay sang nhìn bà Dương, một câu chuyện thật bất ngờ mà chàng chưa hề nghe thấy. Nằm mơ cũng không ngờ, nhưng đấy là sự thật. Hèn gì! Thảo nào cha mình lại không hận gia đình họ Dương sao được. Vân Lâu đứng ngơ ngác như khúc gỗ. Ông Dương buồn buồn:
- Bây giờ cậu đã hiểu rõ ân oán của hai gia đình rồi. Cậu biết không, những ngày đầu khi câu chuyện xảy ra, bà nội cậu còn sống, bà là một người thật nghiêm khắc, bà đã chỉ vào mặt chúng tôi chửi rủa nhiều câu thật nặng nề. Và lúc cha cậu trở về nước, người lấy vợ. Có một khoảng thời gian dài, hai gia đình không qua lại, mãi đến lúc cậu và cô em gái cậu chào đời, chúng tôi cũng có Hàn Ni, thì tình bạn mới phục hồi trở lại. Cậu hiểu không, tình cảnh của tôi lúc đó cũng không khác gì cậu bây giờ. Chúng tôi yêu bất chấp mọi trở ngại và đã vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, vì vậy chúng tôi rất thông cảm hoàn cảnh của cậu. Người không hiểu cậu, đó là cha cậu chứ không phải chúng tôi.
Vân Lâu chăm chú nghe, chàng hiểu ý ông Dương. Vâng, cha chàng không phải là con người sống bằng tình cảm, người lúc nào cũng nghiêm ngặt với giáo lý cổ xưa. Quay sang bà Dương, chàng hiểu sự thay đổi người đàn bà này quả là chuyện tự nhiên không tránh được. Hai người là hai thái cực, làm sao có thể sống đời với nhau được.
Ông Dương nói tiếp:
- Mấy năm gần đây tình bạn giữa tôi và cha cậu càng ngày càng tốt đẹp. Cha cậu cũng không nhắc lại chuyện xưa làm gì, mãi đến ngày cậu đặt chân vào gia đình này và yêu Hàn Ni, thì tình bạn giữa tôi và cha cậu lại rạn nứt. Cha cậu viết cho tôi mấy bức thư với lời lẽ thật tàn nhẫn. Chuyện hai mươi mấy năm trước lại được dịp nhắc đến một cách khó chịu, cha cậu mắng tôi là vừa cướp vợ lại muốn đoạt cả con. Ông Dương cười mỉa mai - Tôi không biết nói sao, vì không hẳn chỉ có một câu đó thôi mà ông ấy còn bảo là Hàn Ni, con gái anh thế nào tôi không được biết, có điều chỉ trong vòng nửa năm khiến được con trai tôi say mê, dám bất hiếu với cha mẹ như vậy thì tôi nghĩ rằng thật là đúng mẹ nào con nấy. Trong thư đầy những câu như thế liệu cậu nghe được không? Nợ hai mươi mấy năm qua rồi, bây giờ định đòi? Đòi đến bao giờ, chúng tôi phải mang nợ đến ao giờ mới dứt?
Đứng dậy, ông Dương thở dài, đi một vòng phòng, đến trước mặt Vân Lâu ông đứng lại:
- Cậu Lâu, bây giờ cậu đã rõ tất cả, tôi nghĩ cậu nên về, bằng không tôi và bác gái cậu chắc tội cao như núi, không bao giờ gột sạch được. Cậu Lâu, chúng tôi thà là để mất Hàn Ni chớ không bao giờ chịu được tiếng oán cao bằng trời.
Vân Lâu ngồi yên, lòng rối như tơ vò. Chàng không biết phải tính sao. Một lúc thật lâu, chàng như nghĩ ra. Phải rồi! Vân Lâu đứng dậy, chàng nhìn thẳng vào vợ chồng ông Dương quyết định:
- Thưa hai bác, bây giờ cháu đã hiểu được những điều mà thuở xưa cháu không biết. Chuyện của người lớn, cháu không biết là lỗi tại ai, vì trong một câu chuyện tình khó có kết luận ai ngay ai tội. Có điều, cháu cảm thấy, hai bác thật xứng đôi. Riêng về chuyện của cháu và Hàn Ni, ngay từ lúc đầu, cha cháu đã không khách quan nhận định, ông phản đối chẳng qua vì mối hận cũ. Bệnh của Hàn Ni lại là cái cớ hay cho ông. Sự thật, nếu Hàn Ni chẳng có bệnh gì cả, cháu biết cha cháu vẫn phản đối như thường. Vì vậy, trong hoàn cảnh này, cháu nhất định rồi, cháu sẽ không về! Ngày tháng trôi qua, mong rằng cha cháu sẽ hiểu. Riêng đối với những bức thư mà cha cháu gửi cho hai bác, thì... Vân Lâu nhìn ông Dương rồi quay sang bà Dương - Cháu không cần xem cũng có thể đoán được nội dung. Hai mươi mấy năm trước, hai bác đã có đủ can đảm thoát khỏi dư luận, thì bây giờ hai bác làm sao lại buồn vì những lời lẽ trong thư chứ?
Ông Dương kinh ngạc, đây là ai? Con của Mẫn à? Mẫn làm gì có được một thằng con hiểu biết như vậy? Ông thích thú quay sang nhìn bà Dương cảm thông. Vân Lâu lại tiếp:
- Ngoài ra còn một điều nữa, tại sao lúc xưa hai bác bất chấp dư luận để chiến đấu cho tình yêu được, thế mà bây giờ lại ngăn cản không cho cháu yêu Hàn Ni. Chịu thua mà bảo là hiểu được tình yêu ư? Chỉ vì mấy bức thư của cha cháu mà hai bác định hy sinh mối tình của cháu với Hàn Ni à? Sao hai bác ích kỷ như vậy?
- Cậu im mồm! Bà Dương nãy giờ ngồi yên, vụt đứng dậy lên tiếng - Cậu lộn xộn lắm điều quá, bực mình quá! Bà không nói thêm được câu gì nữa, quay sang chồng cầu cứu - Anh, bây giờ ta phải tính sao?
- Còn tính sao nữa, bà không nghe cậu bé lắm điều này nói sao? Làm thế nào đi nữa nó cũng không chịu về Hương cảng, không lẽ chúng tôi phải lôi hắn đi à? Thôi thì đành theo hai đứa nó xuống địa ngục vậy.
Bà Dương dở khóc dở cười nhìn chồng:
- Anh, chỉ có cách đó thôi sao?
- Vâng, theo anh thì chỉ còn một cách đó thôi.
Vân Lâu yên lặng nhìn về phía hai vợ chồng già, mắt chàng đột nhiên ướt hẳn. Cúi người xuống, chàng không biết phải nói sao để bày tỏ nỗi xúc động của lòng mình.
Vân Lâu yên lặng bước ra cửa.