Từ năm 1980 tới 1988 hắn viết được năm cuốn tiểu thuyết, mỗi cuốn chỉ khoảng dưới 200 trang:
Gặp gỡ cuối năm - Thời gian của người - Ðiều tra về một cái chết - Vòng sóng đến vô cùng - Một cõi nhân gian bé tí. Và cả năm cuốn đều đọc được cả, đều được hắn chọn đưa vào
Tuyển tập tiểu thuyết in năm 2001. Có thể nói cả năm cuốn sách đó đều do phần đất phía Nam của tổ quốc ban tặng cho hắn. Cho hắn đề tài, cho hắn ý tưởng, cho hắn nhân vật và bao trùm là tư tưởng dân chủ của một miền đất đã thoát khỏi tư tưởng phong kiến từ lâu. Mỗi nhân vật là một phát hiện, một kinh ngạc đối với hắn, vì hắn chưa từng biết, chưa từng gặp. Ngay đến những người thân thuộc trong gia đình cũng mỗi người mỗi vẻ và người nào đối với hắn cũng đều quan trọng, đều hấp dẫn trong sự tìm hiểu mãi mãi của hắn về lai lịch của con người. Hắn gặp Quân vào những ngày đầu tiên của Sài Gòn vừa giải phóng tại gia đình, rồi gặp anh ở quán cà phê với bạn bè, gặp anh lang thang ở khu chợ bán chó, bán cây kiểng, rồi gặp anh ở Hà Nội tại một cơ quan hết sức quan trọng như là một chuyện không thể có thật, mà hoá ra có thật. Nhận được ra một nhân vật có thể chuyển tải được ý tưởng của mình là đã tìm đuợc việc làm cho những ngày sắp tới. Còn nhận được ra nhân vật của mình trong môi trường hoạt động quen thuộc của họ tức là cuốn sách đã được viết non nửa. Hắn đã gặp ông Hai Riềng tại khu vườn ươm của nông trường cao su Dầu Tiếng, gặp chị Ba Huệ tại văn phòng huyện uỷ huyện Thống Nhất tỉnh Ðồng Nai, gặp linh mục Vĩnh tại nhà thờ chánh toà của Sài Gòn, gặp anh Mười tại xã Ðốc Binh Kiều của tỉnh Ðồng Tháp, và gặp các nhân vật "phản loạn" muốn cải tạo giáo hội Cao Ðài cho phù hợp với vận hội mới ngay tại vùng đất của toà thánh Tây Ninh. Mỗi người trong bọn họ lại kéo theo hàng loạt bạn bè, người thân, kẻ thù chìm nổi trong sóng gió của chiến tranh trong suốt ba chục năm, người đã lạ, chuyện đời của họ lại càng lạ, hắn nghe họ kể ngày này qua tháng khác, đi về cả năm cái nơi hắn sẽ viết mới dần dần nhập vào hồn cốt những mẫu người rồi ra sẽ là các nhân vật văn học trong cái thế giới tiểu thuyết của hắn. Cũng rất may các nhân vật ấy đều là người cùng thời với hắn, dẫu nghề nghiệp khác nhau, cảnh ngộ khác nhau, số phận khác nhau nhưng vẫn hiểu nhau hoàn toàn, lấy chính mình mà hiểu họ, lấy sự từng trải của mình hoà lẫn với sự từng trải của họ, nhưng hồn cốt là của hắn, lắm lúc chính hắn cũng không phân biệt được trong một nhân vật phần nào là của người, phần nào là của hắn. Thông thường câu chuyện là của đời, giọng kể là của hắn, hắn đến với bạn đọc chủ yếu là nhờ vào cái giọng kể, nó là từng trải, là nỗi niềm, là tâm sự, là cái vui và cả nhiều cái buồn suốt một đời của hắn. Giọng kể chính là cái hồn của hắn đã nhập vào chữ nghĩa, nhịp điệu để được đi sóng đôi với bạn đọc cho đến trang cuối cùng của cuốn sách. Tất nhiên chỉ ở những cuốn sách hay mới có giọng kể, còn ở những cuốn sách dở thì giọng kể quen thuộc đã biến mất chỉ còn lại một kẻ thuật chuyện vô danh và vô duyên thôi. Theo hắn năm cuốn sách viết trong những năm 80 đều có giọng kể riêng cả.
Trong tám năm hắn viết năm cuốn sách, lại đã ở vào quãng tuổi ngoài 50 xấp xỉ 60, viết như thế là khoẻ, sức viết có thể sánh ngang với vài vị nhà văn tiền bối, nhưng lại là những năm hắn và vợ con phải sống túng thiếu nhất, vất vả nhất. Tiền nhuận bút không thay đổi nhưng cuộc sống của người cầm bút đã thay đổi trong sự di chuyển từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài Bắc lương chồng đại tá, lương vợ thiếu tá đã là một gia đình vào bậc trung lưu trở lên, chưa kể còn có tiền nhuận bút thêm vào. Ở thành phố Hồ Chí Minh ăn vẫn theo chế độ bao cấp nhưng tiêu thì chả ai bao cho, mà cái tiêu ở một thành phố lớn thì vô chừng, vài lần đóng góp giỗ tết, ma chay, cưới xin là coi như hết nhẵn. Năm ấy viên chức nhà nước, sĩ quan quân đội không phải trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước nên mới có "phong trào" ăn cắp điện làm nước đá bán cho các quán giải khát. Một tủ làm đá giá tiền khoảng hai chỉ vàng, có nhà hàng xóm có ba tủ, hai lớn một nhỏ. Năm vào Sài Gòn vợ chồng hắn không có một phân vàng nào, có vài chỉ vàng đã gửi lại cho các em bán dần nuôi mẹ ốm. Thế là vợ hắn phải đi làm thuê, tức là nhận cho người ta đặt tủ đá ở nhà mình, tiền bán đá chia đôi. Một ngày một đêm lấy được ba mẻ đá cục, bỏ vào các lon nhỏ. Nhưng chỉ khoảng 3, 4 giờ đã có thể gỡ ra vài chục lon nước đặt trong cùng đã thành đá, nếu chịu khó một ngày cũng có thể được thêm một trăm viên của riêng mình, không phải chia với ai cả. Nhưng mà cực. Nửa đêm đang ngủ say với chồng con chợt nghĩ tới mòn "đá ăn cắp" đó là vợ hắn liền vùng ngay dậy chạy sồng sộc vào mở tủ đá, dùng chính bàn tay mình xỉa thẳng vào và lấy ra những cục đá trắng toát. Tiểu thư thành phố không thể làm được, chỉ có các cô nông dân với bàn tay to và khoẻ mới dám làm, làm như không, chả thấy mệt nhọc gì. Vợ hắn đã được bạn bè của Ðoàn văn công sau này là Ðoàn Kịch tặng danh hiệu "B. xe tăng" vì sức khoẻ và sự tháo vát trong những công việc nặng nhọc còn hơn các công tử thành phố nhiều. Vệ sinh doanh trại, dọn kho phim và chuyển kho phim những năm sơ tán vợ hắn bao giờ cũng là tướng tiên phong. Năm chửa đứa con thứ ba đã được năm sáu tháng, cơ quan cho xe lên vùng đất sản xuất dỡ khoai, dỡ sắn gì đó, vợ hắn xung phong xin đi, cản thế nào cũng không được, còn nói: "Các anh không cần em đi luộc sắn cho các anh ăn à? Nấu xôi sắn tươi rưới thêm tí mỡ hành còn ngon hơn nem công chả phượng". Thế là cô ấy được đi. Tới nơi cô ta tổ chức dỡ sắn, bóc sắn, làm món xôi sắn như đã hứa, giờ nghỉ cầm dao phát chặt đám cây nhỏ mọc lúp xúp quanh đồi, chặt chơi bời thôi mà cũng được mấy gánh củi vứt lên xe phải đun được cả tháng. Ðêm đi đẻ buổi chiều còn đèo bằng xe đạp các thứ quần áo chăn màn và đồ dùng lặt vặt về nhà mẹ chồng vì vợ hắn sẽ nằm cữ ở đấy, bãi Phúc Xá sắp vào mùa lụt rồi.
Vợ hắn đẻ thằng út, nhà không có ai giúp, nhờ chồng nấu cơm, nấu cháo, nấu nước tắm cho con nhỏ và giặt tã lót mấy ngày đầu mặt chồng nhăn như mặt khỉ, động nói động gắt mà nào có phải việc của hàng xóm. Gái đẻ bị chồng xử tệ là dễ uất lắm nhưng vợ hắn vẫn cười, nói năng với chồng vẫn dịu dàng vì cô ấy biết tính chồng, người lười phải làm việc vặt là khổ tâm lắm, chứ không phải lòng dạ đã thay đổi, nên không chấp. Có một chị lớn tuổi đã nói với vợ hắn: "Thằng chồng có lúc nó là bố mình, có lúc là con mình, cứ nghĩ thế là bỏ qua được hết".
Trong những năm ở Hà Nội, gia đình hắn chưa bao giờ phải thiếu tiền, hắn chưa bao giờ phải nghĩ đến tiền, phải tính toán, cân nhắc việc tiêu tiền. Tiền lương tiêu đã không hết lại còn tiền nhuận bút. Hàng xóm hỏi vay năm hào một đồng, mỗi lần gặp người cho vay lại xin khất, giọng nói nét mặt nom rất thảm. Nhà văn không phải lo sinh kế, không phải chạy tiền là chả hiểu bao nhiêu về những người đang sông quanh mình, văn chương hoá ra cao xa, hoá ra trong veo vì thiếu hẳn cái đục của trần gian, mùi bùn của trần gian. Nên trong rất nhiều năm hắn chả viết được gì về cái khu tập thể bám theo ven sông của hắn. Phải vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh hắn mới trở lại làm nhà văn của mọi thời, nghĩa là luôn luôn thiếu tiền. Và những người có tiền, có quyền coi thường hắn, khinh rẻ hắn, dẫu hắn là một đại tá, lại là một nhà văn. Bà Ðại là bà chị con cô con cậu, con trai và hai người con gái sang Mỹ ở từ trước năm 1975, còn lại ở thành phố chỉ có cô con gái út, con rể và hai đứa con của họ. Mấy năm đầu mỗi lần hắn đến chơi với chị, cháu gái, cháu rể đều chào: "Cậu đến chơi ạ", những đứa trẻ khoanh tay cúi đầu: "Ông đến chơi". Hắn cũng chưa hỏi xin hỏi vay tiền các bà chị bao giờ, nhưng các chị cho gì đều nhận, mà của cho cũng nhếch nhác lắm, là cho người nghèo, người không được trọng. Lâu dần mỗi lần hắn đến chơi cũng chả ai buồn chào hắn, đến chơi tay nhẹ lúc về tay nặng, toàn thứ tập tàng nhưng không nhận lại phải mua, nhà có tiền không dùng nhưng nhà nghèo vẫn phải dùng. Chị và các cháu sẽ khinh nhưng vợ con lại mừng, thôi, lấy cái vợ con mừng làm nước rửa đi cái nhục, chả sao cả. Con trai lớn nhờ bạn xin mãi mới được chân chạy bàn của một khách sạn nhà nước. Nhưng lúc con được về chơi cả nhà xúm xít nghe nó kể nó đã được ăn những món gì, đến tên gọi cũng lạ nói gì đã được nếm, toàn thức ăn thừa, nhưng làm bồi được ăn thừa là sướng hơn các em ở nhà rồi, con chị xuýt xoa, thằng em gầm gào: "Ngon thế mà chỉ biết ăn một mình". Còn bố mẹ thì sung sướng lắm vì con được ăn những miếng ngon. Rồi nó bị đuổi việc cùng với mấy đứa bạn do bị nghi đã lấy cắp khăn trải giường. Rồi lại được nhận làm tiếp vì kẻ cắp từ ngoài trèo vào chứ không phải người ở trong khách sạn nhưng con hắn phải đổi đi làm nhà hàng khác, nhỏ hơn, lương ít hơn. Thế là hắn phải chạy đến xin với giám đốc cho con được ở lại vì nó đã quen việc. Hắn ngồi chờ ở hành lang, hai tay thu vào lòng, điệu bộ lo lắng, khúm núm. Giám đốc bước vào cùng với các trợ lý, hắn đứng bật lên, giám đốc hất hàm hỏi: "Bác là ai, đến có việc gì?" Hắn phải nói thật nhanh lời xin của mình rồi nín lặng chờ đợi. Giám đốc nhìn quanh quéo một lát, hình như ông ta đang đợi ai đó chứ chả để lọt tai những lời nói đã được tính toán đến từng chữ của hắn rồi bảo: "Bác cứ về đi, nếu nó phải làm nơi khác bác có bằng lòng không hay xin thôi việc hẳn." Hắn cười mếu: "Dạ, thưa anh, tuỳ anh quyết định" Nhà thơ Trần Nhật Thu có sáng kiến tổ chức một quán ăn mà đội quân chạy bàn là các văn nghệ sĩ vừa hấp dẫn khách ăn vừa có tiền nhét túi cho các nghệ sĩ. Nhưng quán ăn không thành nên hắn vẫn thất nghiệp. Lại có lời mời hắn tới ngủ đêm tại một nhà hàng, là ông bảo vệ nhưng được ngủ ở phòng giám đốc có máy lạnh, có điện thoại, được ăn bữa cơm chiều, bữa điểm tâm sáng, lương tháng khoảng vài trăm, vừa nhàn vừa đỡ túng. Hắn cũng nhận nhưng chờ mãi không thấy ai nhắc lại, rồi cũng thôi. Bạn bè có gợi ý hắn viết hồi ký thuê cho một số vị giám đốc các ngành công nghiệp có thành tích nổi trội, tên tác giả là của người bỏ tiền, mình chỉ là thợ sắp xếp câu chuyện, đẽo gọt chữ nghĩa, nếu sách viết hay có nhiều bạn đọc, có dư luận tốt thì còn được thưởng thêm tiền. Nhưng hắn từ chối phắt. Xưa nay hắn chỉ viết những gì hắn thích, xác của người hồn của hắn, chứ chưa viết thuê bao giờ. Ðói chết thôi chứ hắn kiên quyết không đi làm cái nghề hầu bút. Hắn cũng có tài viết truyện trinh thám, gián điệp nhưng hắn nhất định không dính vào, chuyện săn người, bắt người chỉ là cái vỏ, còn cái ruột phải là những vấn đề khác cần nói hơn, đáng nói hơn. Ðói thế, túng thế mà vẫn viết được năm cuốn sách tiếp tục một phong cách, tiếp tục một dòng tư tưởng, chính hắn cũng phải tự khen sống thế là được, viết thế cũng là được, có thể chưa hay nhưng không làm tổn hại đến nhân cách của một cây bút.