Hắn vốn nhát lại chịu ơn sâu với cách mạng nên hắn không dám mà cũng không muốn sinh sự với các tổ chức của cách mạng đã cứu sống hắn cả phần xác lẫn phần hồn. Hắn là một đảng viên không bao giờ gây khó khăn cho chi bộ, là một nhân viên rất biết điều ở bất cứ cơ quan nào. Và hắn cũng chưa bao giờ là người lãnh đạo, người chỉ huy ở cấp cơ sở. Có hai lần hắn được cấp trên đề cử vào cơ quan lãnh đạo của Hội Nhà văn thì cả hai lần hắn đều bối rối, lúng túng, làm đâu hỏng đó, gây khó chịu cho cả cấp trên lẫn người cộng tác. Hắn chỉ là người viết thôi. Và hắn cũng chỉ gắn bó hết lòng với cái suối nguồn của mọi sáng tạo, đó là đời sống với những vận động biện chứng của nó. Chưa bao giờ hắn bị lầm lẫn hoặc phải ân hận vì sự lựa chọn đó. Châm ngôn được hắn tôn thờ là một câu nói của Goethe (hắn cũng không rõ ông Goethe đã nói câu ấy ở đâu, trong cuốn sách nào):
Mọi lý thuyết đều mầu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi. Ngay từ năm hắn mới vào nghề viết, năm 1957, khi hắn về huyện Nghĩa Hưng để tìm hiểu một vụ xung đột tuy chưa lan rộng nhưng đã rất phức tạp giữa một đơn vị bộ đội với các thanh niên công giáo của địa phương, hắn không gặp bất cứ một cấp uỷ nào, một nhân vật lãnh đạo nào ở cấp huyện hay cấp tỉnh. Hắn về xã với cái nhìn hồn nhiên và tiếp nhận cũng hồn nhiên những sự việc đang xảy ra, những bàn luận của giáo dân và của anh em cán bộ xã đã có kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh từ thời Pháp tạm chiếm với thế lực phản động của nhà thờ, không một chút thiên kiến nào, không bị phân vân bởi một nhận định, một kết luận có trước nào. Các vấn đề tự nó phơi bày ra, các nhân vật cũng từ trong đám đông mà xuất hiện và sự phát triển của nó cũng tuân theo cái logic nội tại chứ không do ý muốn của tác giả. Sự thay đổi về bản chất của nhân vật Thuỵ có làm hắn bối rồi một thời gian vì hắn chưa từng biết sức mạnh của đồng tiền có thể làm một cán bộ trung kiên bị tha hoá. Hắn chưa từng phải kiếm tiền nuôi ai, tám năm đi kháng chiến càng không biết giá trị của đồng tiền, cả năm không phải tiêu đến tiền làm sao nhận ra sức quyến rũ của nó. Lại những năm đầu hoà bình, một xã hội đang muốn xoá bỏ giá trị của đồng tiền để con người khỏi luỵ nó, làm nô lệ cho nó, có thể sống bình đẳng hơn, tự do hơn nếu không có nó tham gia. Nên sự thay đổi của Thuỵ khiến hắn choáng váng như là một chuyện phi lý, nhưng sự phi lý này không cho phép người ta ngờ vực, bàn cãi, nó là đời sống mà, là một con người cụ thể đang giãy giụa trong sự xiết chặt mềm mại của đồng tiền. Quyển 2 của bộ tiểu thuyết
Xung đột không được hoan nghênh là vì thế. Ðó là lần đầu tiên hắn đã khiến những người lãnh đạo giới văn nghệ đâm bối rối trong sự đánh giá về hắn.
Lần thứ hai, to chuyện hơn vì hắn đã dám động chạm tới sự trung thực của một hợp tác xã nông nghiệp toàn xã được xem là kiểu mẫu về năng suất lúa, về thu nhập trong ngành nghề phụ, về cơ chế quản lý. Ðã thành một thói quen hắn về xã, chả có giấy giới thiệu gì, vì bạn hắn đang làm chủ nhiệm hợp tác xã, là một nhân vật được cấp tỉnh và huyện tin cậy. Và cũng là một con người rất lương thiện, rất thuần phác, hết lòng hết sức vì cái sự nghiệp mới mẻ này. Qua nhiều ngày tìm hiểu hắn mới nhận ra giữa tiếng đồn với người và việc đúng như nó có trong thực tế còn có một khoảng cách. Người nông dân chỉ vui cái vẻ ngoài, vui tạm, còn trong ruột thì có nhiều cái lo, những người lãnh đạo cũng không hoàn toàn an tâm về những việc họ đã làm và được các cấp trên khen ngợi. Cơ sở vật chất của hợp tác xã hết sức qui mô như hắn đã từng miêu tả trong các truyện
Tầm nhìn xa và
Người trở về: đường sá, cầu cống, mương máng, trạm xá, trường học, trụ sở uỷ ban và trụ sở hợp tác xã, nhà thông tin với hệ thống loa đến từng xóm... Nhưng từng nhà thì nghèo dần đi, tiền và thóc dự trữ không có, xây nhà, xây sân, xây chuồng lợn bằng những nguồn tiền thu được từ mảnh đất phần trăm, từ các nghề nề mộc lúc nông nhàn và cả những buôn bán lặt vặt phi pháp xung quanh đống phế liệu của nhà máy phân lân. Ruộng thì ít, người nhàn rỗi rất nhiều, mà việc gì cũng muốn dùng máy cho ra vẻ tiên tiến, hiện đại như Liên Xô, như các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu, thì máy sẽ ăn hết lúa, người không có việc sẽ ăn bằng gì? Làm ăn cả xã nhưng thu nhập thực tế lại không bằng làm từng nhà, lại họp hành, lại sổ sách, lại phải để mắt tới nhiều sự gian lận trong mọi khâu công việc thì lao động trở thành nặng nhọc, bắt buộc chứ không còn là niềm vui nữa. Ðang làm chủ trở thành người làm công ăn lương, không thể tính toán cho riêng mình bất cứ việc gì, họ không còn đất đai, không còn nông cụ, không còn cả lao động và thời gian, tất cả đều đã thuộc về hợp tác xã thì còn gì để tính nữa. Vì không tính được nên cái lo của người già và những người chủ gia đình là cái lo kéo dài suốt mấy chục năm, từ đời này qua đời nọ, lo quá thì không cần lo nữa là xong, đã lụt thì lút cả làng, no no cả đói đói cả, cả làng đói thì đã có nhà nước lo, sự bình đẳng gần như hoàn toàn, không còn giầu và nghèo thì cũng không còn lười và chăm, ngu và sang, may và không may, các số phận riêng mất dần đi, số phận giống nhau, mặt người giống nhau,vui buồn giống nhau đến ngôn ngữ và cảm nghĩ cũng rất giống nhau, nghĩ khác đi, nói khác đi chỉ ở làng thôi cũng đã được xem là chuyện lạ rồi. Khi viết truyện vừa
Tầm nhìn xa thật tình hắn không muốn viết những cảm nghĩ tiêu cực của hắn về hợp tác xã nổi tiếng toàn tỉnh vì bạn hắn đang là chủ nhiệm, vì những người lãnh đạo của xã đã tỏ ra hết sức tin cậy hắn gần như không còn gì phải giấu hắn, kể cả những cuộc họp giữa các uỷ viên thường vụ của đảng uỷ xã. Nhưng hắn đã trót nhận ra ông phó chủ nhiệm phụ trách ngành nghề Tuy Kiền là mẫu người hắn đặc biệt yêu thích, và hắn không thể buông bỏ ông ấy được. Thế là Tuy Kiền ngay tức khắc trở thành một nhân vật văn học với những phát triển tự nhiên phù hợp với tính cách của ông ấy, nửa công nửa tư, vẫn thu vén cá nhân lại vẫn to tiếng về lợi ích tập thể, lại vẫn vùng vằng, hờn giận, ông ta muốn được cả miếng ăn lại được cả vinh dự, ăn của người nhưng vẫn muốn người bị thua thiệt phải hàm ơn mình, phải yêu mến mình. Vì đã dựng Tuy Kiền như ông ấy vốn là thế thì lại không thể bỏ qua sự dính líu của cả đảng uỷ thông đồng với cán bộ nhà máy để ăn cắp dầu, không thể không nói những chuyện mua giấu giếm gỗ của nhà máy về bán cho những người lãnh đạo của xã, bỏ qua những thất vọng và cả sự giận dữ của những xã viên tích cực. Vì trong những chuyện phi pháp ấy người đầu trò luôn luôn là Tuy Kiền, vì ông ấy là đảng uỷ viên nên trách nhiệm của cả tập thể đảng uỷ là không thể trốn tránh.
Thế là những người vốn tin cậy hắn ở xã liền phát đơn kiện tới tận trung ương với đủ thứ tội danh, và gọi vụ việc đã "gây phẫn nộ trong cả đảng bộ" là "hậu
nhân văn giai phẩm". Vì những người lãnh đạo ở xã đều là cựu sĩ quan trong quân đội cũng đã từng nam chinh bắc chiến khắp dải đất Ðông Dương, đọc cũng nhiều biết cũng lắm, chứ không phải chỉ là ông nông dân hiền lành có thể bị bọm cầm bút bắt nạt. Rồi mọi chuyện cũng qua đi, hắn được cấp trên bênh vực, vì chống lại sự dối trá và tư tưởng tư hữu của người nông dân là chính đáng. Cũng là cái số hắn may! Chỉ có một người chịu thiệt là ông Tuy Kiền, ông trở thành một nhân vật nổi tiếng trong tỉnh, nhưng không ai ghét ông cả, chỉ buồn cười thôi. Cái tội tư hữu là tội bẩm sinh, đẻ ra đã biết giành vú mẹ, một hai tuổi đã biết tranh cướp những thứ không phải của mình, bé tranh vật nhỏ, lớn tranh vật to, rồi tranh lợi, tranh công, tranh quyền, cho đến lúc sắp chết vẫn còn muốn tranh nữa, vẫn còn chưa thấy đủ. Nó là thói tật cố hữu của con người thuộc mọi giai cấp, mọi thành phần, chứ không chỉ là cái tội riêng của ông nông dân, nhất là ông Tuy Kiền. Nó buồn cười là ở chỗ ấy.
Hắn thì được tiếng, người đọc thì được cười, chỉ có ông Tuy Kiền là hơi thiệt nên ông giận hắn lắm. Ba mươi năm sau hắn lại trở về xã Nam Tiến, bạn bè cũ đã chết nhiều, những người còn lại cũng quên chuyện đã qua, chả ai giận hắn cả, chỉ có ông Tuy Kiền và vợ con ông vẫn còn nhớ và vẫn còn rất giận. Ông không cho hắn gặp dầu hắn đã gặp ông rất tình cờ và muốn được nói chuyện lâu với ông để giải hoà, để xin lỗi. Ông không chấp nhận, tôi muốn quên anh, quên cả cái tên của anh, cái nhìn của ông lộ hẳn ra cái ý hằn học ấy. Khi hắn đến chào bí thư đảng uỷ xã là con rể ông Tuy Kiền, ông bí thư có nói lại lời của bố vợ với hắn: "Ông bủ tôi không giận anh đâu, chuyện ấy có gì mà phải giận, ông cũng muốn mời anh lại chơi nhà nhưng sợ trẻ con chúng nó cạn nghĩ dễ nói hỗn". Nói thế tức là chửi khéo đấy, các ông già đã nói là thâm thuý lắm, cái trò giễu vặt của thằng nhà văn đã thấm vào đâu.