Năm 1974, hắn trở lại cái nghề làm báo, viết một lúc cho mấy tờ báo:
Nhân dân - Văn nghệ - Tạp chí Tác phẩm mới. Vẫn là làm báo nhưng văn chương dồn nén hơn, câu chữ lợi hại hơn, được bạn đọc bình luận sôi nổi, cả khen và chê, nhất là các bài báo nối tiếp nhau mỗi sáng chủ nhật trên báo
Nhân Dân. Rồi vở kịch ngắn để đọc
Ðối mặt, bài báo
Chúng tôi chăm sóc tài năng trẻ, truyện ngắn
Người mơ mộng, tạp văn
Nghĩ về anh L.M ít nhiều đều có tiếng vang trong giới yêu văn chương của thủ đô. Thoạt đầu thì vui về sau hoá ra không vui và hắn không viết nữa, nói cho đúng là không viết được nữa, ý tưởng, câu chữ đã mất tự do, mất tự tin thì làm sao quyến rũ được bạn đọc. Và đã có ý kiến của lãnh đạo: "Nó viết lách linh tinh chẳng qua là cứ quẩn quanh ở Hà Nội nghe chuyện hay có ít, chuyện dở thì nhiều, cho nó vào chiến trường một thời gian để rèn luyện là tốt đấy". Thế là hắn chuẩn bị vào miền Nam đang ở trong tình thế nửa hoà bình nửa chiến tranh và quân ta cũng đang chuẩn bị một chuyện gì đó rất lớn và từ rất lâu rồi, phải ít ngày sau hắn mới được biết đầy đủ. Người cùng đi với hắn một chuyến đi nghĩ là thường như mọi chuyến đi mà hoá ra một chuyến đi lịch sử, một đời chỉ được một lần là đủ mãn nguyện. Người đó là Lê Lựu, bạn thân thiết của hắn từ đầu những năm 60. Năm đó Lê Lựu rủ hắn về quê anh ở Khoái Châu, hắn đã ở lại nhiều ngày, rồi đi đi về về trong khoảng nửa năm, trở thành người trong gia đình của Lựu. Chú ruột của Lựu là chủ tịch huyện Khoái Châu, anh ruột của Lựu là chánh văn phòng Uỷ ban huyện và một dây những anh em con cháu vừa ở làng, vừa ở huyện ở tỉnh, là một kho tư liệu về người về việc của một dải đất bãi ven sông Hồng trong vòng nửa thế kỷ. Cũng như hắn đã về viết ở Phú Thọ theo lời rủ rê của anh Tuế, nguyên trưởng ban hành chính của
Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Có bạn bè ở những nơi mình sẽ ở lại và sẽ viết là hết sức thuận lợi. Người của địa phương dễ thân dễ tin cậy một người viết báo là bạn bè của người nhà mình, còn hắn cũng cảm thấy thân thuộc ngay cả cảnh cả người cái nơi vừa đặt chân đến. Chuyến về Phú Thọ hắn viết được
Tầm nhìn xa, chuyến về Khoái Châu hắn viết được tiểu thuyết
Chủ tịch huyện, là những sáng tác về cuộc sống nông thôn những năm hợp tác hoá nông nghiệp thành công nhất của hắn, có nhiều bạn đọc nhất.
Chiếc xe con quân sự đi vào chiến trường tới quãng trên Thường Tín thì dừng lại, bà cụ sinh ra Lựu cùng ông anh ruột của Lựu từ vùng đất bãi của Khoái Châu đi đò qua sông Hồng từ sáng sớm đã đón đợi sẵn, mang theo rất nhiều thức ăn để anh em ăn dọc đường. Ai ngờ buổi sáng lên đường bữa ấy cũng là ngày bắt đầu của một loạt những ngày tháng rất vui, vui đến nghẹt thở. Với hắn chuyện nước đã vui mà chuyện nhà cũng vui, như người được cởi trói và được đẩy ra khỏi cái ngục tù u ám những chuyện buồn. Ấy là vợ hắn vừa sinh đứa con trai út thay thế cho đứa đã mất. Chuyện như một ao ước hão huyền mà lại là thật. Ngay từ tháng vợ mang thai hắn đã lo. Vợ hắn lại cả quyết sẽ sinh con trai hắn lại càng lo. Vợ có mang được hai tháng đi thử nước tiểu, khoa phụ sản của bệnh viện 108 căn cứ trên xét nghiệm bảo là chửa ngoài dạ con. Hắn bảo phải huỷ thai nhưng vợ hắn kiên quyết giữ vì đã nằm mơ thấy một thằng bé rất bụ bẫm níu chặt lấy chân mình. Tức là đầu óc vợ hắn đã không bình thường rồi, đau đớn quá buồn bã quá rồi lại đòi có mang, rồi lại nói một cách chắc chắn sẽ là con trai, không là điên còn là gì! Vợ chồng tranh cãi ầm ĩ suốt cả tuần, người bảo bỏ, người nói giữ, nếu không cho giữ thì cả hai mẹ con sẽ đâm đầu xuống sông Hồng, ai mà giữ nổi người muốn được chết, đòi được chết. Hắn sợ quá, tin chắc những ngày tới sẽ là những ngày rất u ám đối với gia đình hắn. Cái thai lớn một cách bình thường, rồi nó đạp đau nhói, đạp loạn lên như nó đang đá bóng trong bụng mẹ nó, đạp mạnh thế, nghịch ngợm thế hẳn là thằng cu rồi. Vợ hắn nói một cách chắc chắn, một cách tin tưởng nhưng hắn vẫn chưa thể tin. Vì hắn đã được nhiều nay trời bắt đi một đứa con hắn thương yêu nhất cũng là lẽ công bằng, có được có mất, được lúc trẻ mất lúc già hoặc ngược lại, không một ai ở đời này lại được hết. Ðược hết là sẽ có lúc mất ráo. Có hai gia đình được trời cho một lúc được hết, rồi lại lấy đi sạch sẽ cũng trong một lúc, ở Mỹ là gia đình John Kennedy, ở Việt Nam là gia đình Ngô Ðình Diệm. Mẹ hắn cũng phải nói: "Vợ anh dạo này tính nết thế nào ấy, ai hỏi cũng nói nhất định sinh con trai, lỡ sinh con gái thì nó vứt con đi à?" Một tối ăn cơm xong vợ kêu ngâm ngẩm đau bụng, hắn đưa vợ vào cơ quan ngủ nhờ rồi lại nhờ anh lái xe của cơ quan giúp đỡ nếu trong đêm vợ chuyển dạ đẻ. Dặn dò xong hắn về nhà đọc sách, rồi cho các con đi ngủ, hắn cũng ngủ rất say, chỉ cầu trời cho mẹ tròn con vuông, còn trai hay gái hắn đều thương hết. Sáng hôm sau, hắn cho các con ăn sáng, đưa con nhỏ ra nhà trẻ rồi mới thủng thẳng đạp xe vào bệnh viện. Người trực khoa sản nghe tên vợ hắn nói ngay: "Chị ấy sinh rồi, con trai, nặng 3 ký 8, sức khoẻ của hai mẹ con đều tốt". Hắn ngây người vì quá mừng, lại hỏi lần nữa: "Nhà tôi sinh con gái hay con trai?" Chị kia cười: "Anh mong con trai lắm hả, cả ba ca đẻ trong đêm đều sinh con trai hết, con anh nặng nhất, gần bốn ký". Hắn hối hả đạp xe về nhà mẹ, bà cụ hỏi: "Nó sinh rồi hả? Con gái phải không?" Hắn làm ra vẻ thất vọng: "Vâng, con gái". Mẹ hắn an ủi: "Con nào cũng là con, con gái hiếu thuận còn bằng mấy con trai ấy chứ". Hắn nhìn mẹ rồi cười hết cỡ: "Sinh con trai, mợ ạ, thế mới tài, cầu sao được vậy nhá!" Bà mẹ cũng cười nhưng còn ngờ: "Nó bảo nhất định sẽ sinh con trai, mà là con trai thật à?" Về nhà hắn vẫn chưa hết bàng hoàng, ông trời đã tha hắn thật ư? Ông lại rộng lượng với hắn đến thế sao? Vừa lấy đi thấy hắn buồn quá lại lập tức cho lại! Hắn sẽ đặt tên đứa con mới sinh là Hoàn, có nghĩa là trả lại. Nguyễn Thế Hoàn. Thằng anh vừa mất là Nguyễn Thế Huỳnh. Mấy đứa trẻ con nhà hàng xóm đứng thập thò ngoài cửa nhìn vào, một đứa hỏi: "Cô sinh rồi hả chú?" - "Sinh rồi" Lại hỏi: "Là trai hay gái?" - "Trai!" - "Chú đặt tên em là gì?" - "Hoàn, Nguyến Thế Hoàn". Một đứa nói: "Nguyễn Thế Hoàn, không hay, sao chú không đặt Nguyễn Khải Hoàn, nghe hay hơn?" Hắn ngồi sững, hỏi lại: "Cháu nói cái gì?". "Khải Hoàn, Nguyễn Khải Hoàn!" Hắn nói ngay: "Ừ, Khải Hoàn, Nguyễn Khải Hoàn, có lý đấy. Cảm ơn cháu". Nhân bảo như thần bảo, con hắn sinh ngày 3 tháng 1 năm 1975. Năm 1975 là năm đại khải hoàn của Việt Nam, cả dân tộc khải hoàn sau ba chục năm chinh chiến. Nhưng lúc này hắn chưa thể biết những gì hắn được chứng kiến sau hai tháng nữa. Theo chương trình ở nhà, hắn với Lê Lựu sẽ vào Tây Nguyên nhưng mới vào đường Trường Sơn lại nhận được lệnh trở lại đi theo hướng chủ yếu, đường 1, ở bộ phận của trung tướng Lê Quang Hoà, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Ngày 26 tháng 3 bọn hắn vượt qua sông Thạch Hãn thì quân ta đã giải phóng Huế. Thế là quân tướng vào thẳng Huế vào một buổi chiều. Ngồi trên xe nhìn qua lớp rào hai bên đường thuộc ngoại vi thành phố thấy các cô gái Huế mặc bộ đồ trong nhà nhiều mầu và in rất nhiều hoa hoặc các đường kẻ sặc sỡ nom rất vui mắt, hắn đã lạ lắm. Các đường phố rất vắng, nhiều nhà cửa sắt mở toang nhưng không có người, giày dép, quần áo, túi xách, hòm làn vứt ngổn ngang dọc đường như vừa qua một cơn hoảng loạn, chắc đã có nhiều người rời nhà chạy ra đường nghe ngóng rồi nhập theo dòng người đi luôn. Không có đánh nhau trên đường phố mà lại có nhiều lỗ đạn trên tường và trên nhiều cánh cửa sắt, bắn lẫn nhau sao? Những người Huế còn ở lại nhìn xe bọn hắn chạy qua vẻ mặt bình thản, có nhiều người giơ tay vẫy. Mấy ngày sau hắn và Lê Lựu, Xuân Sách cùng với Hữu Mai, Hồ Phương vừa mới tới Huế đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Suốt mấy ngày ở Huế hắn chỉ nghe có một dòng nhạc của Trịnh Công Sơn ở mọi nhà, mọi nơi, một âm điệu buồn buồn, không thay đổi, như lời tâm sự, như lời cầu nguyện của cả một thế hệ trẻ ở các đô thị miền Nam. Hắn sẽ không thể quên một tối ở uỷ ban quân quản, những người Huế mới ở rừng xuống ngồi quây tròn nghe một người Huế nổi tiếng là Trịnh Công Sơn ôm đàn hát. Lời ca của Sơn đẹp và mênh mông như thơ, là những bài thơ rất đẹp và cũng rất lạ nhưng tác giả lại không thuộc hoàn toàn và những người ở rừng về lại nhắc lời cho người đang hát từng đoạn, rồi họ cùng hát theo vang vọng cả gian phòng lớn. Lê Lựu, Xuân Sách, nhạc sĩ Huy Du và hắn còn được làm quen với một nhà tư sản thương nghiệp tên là Kim ở đường Phan Bội Châu, gần như tối nào bọn hắn cũng có mặt ở nhà ông ta để nghe nhạc qua dàn máy Akai và nghe mọi chuyện về Huế dưới các chính quyền cũ. Mùa xuân năm 1968 ông Kim cũng ở lại Huế một mình để đón quân giải phóng; lần này ông cũng ở lại Huế cùng với người con trai lớn để đón những người kháng chiến trở về, lần này chắc là các anh sẽ ở lại đây mãi mãi, Mỹ đã bỏ thì miền Nam phải thuộc về cách mạng rồi, ông ta nói chắc chắn thế. Rồi bọn hắn cũng gặp các nhà sư ở Huế, là các nhân vật nổi tiếng một thời, góp phần làm sụp đổ chính quyền Ngô Ðình Diệm trong vụ án Phật giáo cuối năm 1963. Những ông sư trí thức rất ham làm chính trị, rất muốn có phần quyền lực của nhà chùa trong chính quyền mới. Và các em sinh viên của nhiều trường đại học, rất trẻ trung, rất nồng nhiệt tham gia các công việc xã hội trong những ngày đầu của một thành phố vừa được giải phóng. Họ ăn mặc đẹp, gương mặt cũng đẹp, cử chỉ thanh lịch, cười nói thơ ngây như một biểu tượng của hy vọng về một nước Việt Nam thống nhất trong vận hội mới. Ngắm nhìn họ trong mấy ngày cùng lao động để làm sạch đẹp thành phố và cùng gìn giữ trật tự với lực lượng cảnh vệ của quân đội, hắn đã thoáng linh cảm hình như thế hệ của bọn hắn đã hoàn thành tốt đẹp sứ mạng của mình, từ nay về sau sẽ là công việc của một lớp người khác, có cách sống và cách nghĩ khác, vẫn tiếp nối những tinh hoa của cha anh nhưng họ sẽ khẳng định mình bằng những tiêu chuẩn giá trị không hoàn toàn giống với bây giờ. Rồi hắn lại nghĩ tiếp, vậy sắp tới hắn sẽ phải viết như thế nào, bạn đọc chủ yếu của hắn sẽ là những ai, chuyện nông thôn và chuyện bộ đội, các đề tài ruột của hắn sẽ có ý nghĩa gì trong cơ cấu xã hội những chục năm tới. Hắn tự đánh giá hắn chỉ là một tài năng do thời thế tạo nên chứ không phải do trời đất tạo nên, nên không thể tiên đoán những gì chưa xảy đến. Những ý tưởng hay, độc đáo của hắn đều từ những từng trải, những chiêm nghiệm của chính cuộc đời hắn mà có chứ không từ những lời phán truyền huyền bí nào mà có. Vậy thì hãy để sự từng trải mới của hắn sẽ chỉ vẽ cho hắn phải viết cái gì, viết như thế nào để những người trẻ tuổi của hôm nay vẫn là bạn đọc của hắn, vẫn mong chờ hắn, và vẫn tìm được cái họ cần trong những trang văn của hắn. Trước ngày lên đường vào mặt trận Quảng Ðà trong cuộc hành quân dài mà mục tiêu cuối cùng là Sài Gòn, bọn hắn đã được một vị trong hoàng tộc nhưng có quan hệ với kháng chiến từ nhiều năm trước tổ chức cho các văn nghệ sĩ trong quân đội được đến chào bà Từ cung. Bọn hắn xin được gặp Ngài buổi sáng, nhưng các buổi sáng là giờ niệm Phật của Ngài, nên bọn họ sẽ được tiếp vào giờ gần trưa. Năm ấy bà Từ cung đã ở khoảng tuổi trong ngoài chín mươi, người thấp nhỏ, tóc búi rất thưa nhưng mới lốm đốm bạc, mặc cái áo dài hàng tơ nhuộm đen như các bà già ở Huế, đi hài, buớc đi rất nhẹ như lướt trên nền gạch. Ngài chỉ tay cho bọn hắn ngồi hai hàng ghế dựa, sơn son thếp vàng, còn Ngài ngồi vào ghế giữa cạnh cái bàn nhỏ. Hắn ngồi bên tay trái Ngài, nhìn thành kính một nhân vật đã chứng kiến bao nhiêu biến động của lịch sử trong gần một thế kỷ ở những cơ quan quyền lực cao nhất, mà vẫn còn sống, một người đàn bà quyền uy còn sót lại của vương triều Nguyễn, người đại diện cuối cùng cho một lối sống, cho những quan niệm và vô vàn các mối quan hệ thức tạp của các vương triều phong kiến đã vĩnh viễn thuộc về lịch sử. Hắn nhìn bà lão đầy vẻ ngưỡng mộ, bà lão cũng nhìn lại hắn một lúc lâu, ánh mắt rất trẻ, rất vui, giống hệt cái cảnh bà cháu gặp nhau sau nhiều năm xa cách. Bà cụ nói: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp rất quý tôi, năm 1945 con tôi (
[1] ) có được mời ra Hà Nội làm việc với Ông. Ông có gửi thư thăm hỏi tôi và những người trong hoàng tộc". Thoạt nghe một bà cụ gọi lãnh tụ của mình là Hồ Chí Minh, hắn cũng phật ý vì chưa từng nghe ai gọi trống không thế, ngoại trừ các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học. Nhưng đây là các nhân vật lịch sử nói về nhau, họ có cùng một đẳng cấp, lại sinh cùng thời, một người đại diện chính quyền phong kiến đã kết thúc về mặt lịch sử, một người là đại diện cho chính quyền dân chủ vừa mới bắt đầu. Rồi Ngài lại nắm một bàn tay hắn, dẫn hắn tới trước một khung hình mạ vàng, có hình một người đàn bà rất đẹp, mặc triều phục ngồi trên ngai vàng: "Con có biết ai đây không?" Hắn định buột nói: "Nam Phương hoàng hậu!", thì bà cụ đã nói ngay: "Là ta đấy, cũng là một người đàn bà, lúc trẻ thì đẹp rứa về già lại xấu rứa!". Ôi, bà ngoại! Chín chục tuổi đầu mà vẫn biết nói những câu rất hóm của người còn trẻ. Ngài lại nói: "Khi chiến sự lan rộng, Nguyễn Văn Thiệu đã cho máy bay riêng đón tôi vô Sài Gòn. Nhưng tôi không đi, tôi là người con dâu cuối cùng của triều Nguyễn, sớm tối phải chầu hầu liệt Thánh, còn đi mô!" Rồi Ngài nhìn hắn cười rất hồn nhiên. Những ngày tháng còn lại bà cụ chỉ sống với những người đã chết, một vương triều đã chết. Bà vẫn ngồi trước mặt hắn nhưng chỉ một câu nói bà đã lùi dần khỏi tầm nhìn của hắn, lùi mãi vào cái quá khứ đã xa thăm thẳm.