Xưa nay hắn vẫn chủ trương những năm tháng ngắn ngủi của một đời người không nên tiêu phí nó vào những chuyện vô ích, không đâu để có thể dành tất cả cho sáng tác. Hắn ngắm nhìn nhiều bậc đàn anh trong nghề, tài năng lớn hơn hắn nhiều, học vấn cũng sâu rộng hơn hắn nhiều nhưng làm nghề cứ như nhà văn nghiệp dư. Họ sinh ra để làm văn làm thơ nhưng được nửa chừng lại chuyển sang làm anh viên chức nhà nước, ngày ngày xách cặp ngồi xe, tham dự đủ mọi cuộc họp, không họp lớn thì họp nhỏ, không có một lúc nào được ngồi một mình, không có lúc nào được nhàn rỗi để đọc sách, để đi chơi với bạn bè tán lếu tán láo, lúc nào cũng công việc, cũng nghị quyết, cũng báo cáo, một đời người chỉ được tiếp xúc với cuộc sống gián tiếp, cuộc sống đã được nguyên tắc hoá, công thức hoá theo một quan điểm, một cách nhìn nên các nhà văn công chức chỉ có thể viết rất giống nhau, sự khác nhau chỉ còn ở sự già tay hay non tay trong nghề mà thôi. Các nhà văn viên chức ấy thường nói với bạn bè và với chính mình, khi nào rời bỏ được các chức vụ mà vì anh em họ phải gánh vác, họ sẽ bắt tay vào công việc chính của đời mình: ngồi viết. Nhưng cái thói quen làm công chức suốt mấy chục năm đã không buông tha họ, họ không thể không được trịnh trọng mời phát biểu tại các cuộc họp. Ðược đi họp, được mời ngồi hàng ghế đầu tại các cuộc họp đã là lẽ sống của họ mất rồi. Họ bấu víu vào cái hôm nay mà quên mất cái họ có thể để lại cho mai sao.
Nói thế chứ hắn cũng đã mất vài năm ra Bắc vào Nam để giữ một chức vụ hữu danh vô thực ở Hội Nhà văn. Rút cuộc là hắn thua, vừa mất thì giờ vừa thân bại danh liệt. Là vì ở xứ ta trong nhiều chục năm (và trong nhiều thế kỷ) chỉ có làm quan mới là người danh giá, được xã hội tôn trọng, bạn bè nể nả, vợ con cũng được vênh vang. Một xã hội mà cả mọi người nếu không là công nhân, viên chức nhà nước thì cũng là xã viên, hội viên của một tổ chức sản xuất hoặc kinh doanh nào đó, không có nghề tự do, không một ai được làm một việc gì hoàn toàn tư nhân cả. Những người buôn bán nhỏ ở các thành thị là những người sống khốn khổ nhất, kiếm sống đã vất vả lại không được khuyến khích, không được tôn trọng, lại bị các ông thuế, ông quản lý thị trường hành hạ vặt. Ngay như những người xưa nay vốn được xem là làm nghề tự do như các nghệ sĩ chẳng hạn cũng phải sinh hoạt trong các hội nghề nghiệp, các đoàn nghệ thuật của các nhà hát, và vẫn phải đi họp, vẫn phải có người lãnh đạo và nhiều người bị lãnh đạo. Và các đại hội của các hội nghệ thuật ấy vẫn mất rất nhiều thì giờ để bàn cãi, cân nhắc sẽ cử những ai vào cơ quan lãnh đạo. Nên làm quan là con đường duy nhất để tiến thân, là tiêu chuẩn quan trọng nhất để xem xét giá trị một con người, là những lo âu đến cháy ruột, là sự sung sướng đến phát cuồng của nhiều người vốn đã có danh trước khi có quyền. Vì cái danh trong nghề xem ra chả được ai trọng cả. Nhà văn Trần Công Tấn có nói với hắn một chuyện: Năm ông Chế Lan Viên còn sống có lần ông về thành phố họp (vì nhà ông ở mãi đuôi quận Tân Bình) nên Tấn rất muốn mời ông anh về cơ quan mình ăn bữa cơm trưa thật đàng hoàng liền nghĩ ra một mẹo, nói với ông Tổng cục trưởng, rằng có nhà thơ Chế Lan Viên, là đại biểu Quốc hội nhiều khoá, hiện đang có mặt... Lập tức ông kia liền ra lệnh cơ quan phải tổ chức tiếp ông đại biểu quốc hội ngay, tiếp thật đàng hoàng. Chứ nếu chỉ nói là nhà thơ thì có khi ông kia sẽ hỏi lại: "Là nhà thơ à, là nhà thơ tại sao ta lại phải tiếp?" Cũng như có một ông cán bộ cũng vào cấp lãnh đạo kha khá bảo một trợ lý nhân nghe nói về Nguyễn Du: "Nếu có gặp ông ấy nhớ mời lại cơ quan mình chơi, nói là mình mời". Chả cứ nhiều nhà lãnh đạo coi thường những văn nghệ sĩ chả có chức tước gì, chỉ là nghệ sĩ thôi, mà ngay cả đám doanh nhân trẻ mới đây cũng cậy có tiền coi các nghệ sĩ như một món nhắm của họ lúc tiệc tùng. Một bữa có một doanh nhân trẻ và đám bạn của y mời ông Chế và hắn tới dùng cơm tối tại một nhà hàng sang trọng ở quận 5, có xe đưa rước hẳn hoi. Hai anh em đã nửa năm mới được gặp nhau, mừng quá, cứ dính vào nhau nói đủ thứ chuyện, nói cả nửa giờ, cuối cùng cái đứa bỏ tiền phải nói một cách chả lịch sự chút nào: "Chúng em mời cơm hai bác để các bác nói chuyện với chúng em, chứ đâu phải để các bác nói chuyện với nhau". Cả hai đều ngượng, ông Chế nhìn hắn cười cười: "Ờ nhỉ, bọn mình vô ý quá, các anh muốn nghe chuyện gì nào?" Năm hắn còn ở quân đội, quân hàm đại tá nhưng chả có chức vụ gì, chỉ là anh phóng viên viết báo thôi, lại được giới thiệu trong danh sách các ứng cử viên đại biểu quốc hội của thành phố, khiến cả mọi người ở số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm (cơ quan đại diện của Tổng cục Chính trị ở phía Nam) rất ngạc nhiên. Họ nhìn hắn một cách giễu cợt, một anh chân trắng lại được bầu là đại biểu quốc hội, có nhầm không đấy? Hẳn là một cái tên trong vài tên trong một danh sách bầu để người đi bầu gạch ấy mà, chứ nước non gì! Mà hoá ra hắn lại trúng cử với số phiếu rất cao! Hắn cũng ngạc nhiên, bà con Củ Chi, Hóc Môn thì biết gì về hắn mà dám bỏ phiếu cho hắn. Về sau mới vỡ lẽ, họ nhầm hắn với phó thủ tướng Phan Văn Khải, người ra ứng cử ở đất Củ Chi (quê hương của ông) chỉ có thể là ông Sáu Khải, chứ làm gì có một anh chàng Nguyễn Khải, chả có chức tước gì kèm theo, nào khác. Lần đầu tiên hắn được mời đi họp Ðoàn đại biểu Quốc hội của thành phố tại ngôi nhà tiếp dân của các nghị sĩ lại đi xe đạp nên ông thường trực vội ngăn hắn và bảo: "Bữa nay các vị đại biểu quốc hội đang họp, xin mời bác lại khi khác". Thì ra hắn có một bản mặt rất là dân, không trộn lẫn với quan được. Do đó hắn vẫn thèm được làm quan, dẫu là một chức quan nhỏ hắn cũng không muốn bỏ lỡ, nên khi cấp trên gọi hắn ra Hà Nội để chuẩn bị sau Ðại hội Nhà văn sẽ làm người lãnh đạo Hội là hắn lao ra liền, dẫu hắn chưa làm cái nghề quản lý bao giờ, lại có tính lười và thiếu quyết đoán. Nhưng cấp trên tính không bằng hội viên tính, đại hội phải bầu lần thứ hai cho đủ số uỷ viên Ban chấp hành hắn mới trúng cử, mà cũng chỉ trúng với số phiếu thấp, quá bán một tí thì phải. Thế là hắn đành phải chấp nhận cái ghế ngồi ghé, nói leo, tất nhiên cũng có bẽ bàng một chút, nghĩ rằng "hạ sơn" để làm vương làm tướng gì, hoá ra... Như một đền bù, về hoạn lộ thì hắn thất bại nhưng về nghề nghiệp hắn lại viết được một cuốn sách rất khá, theo dư luận. Ðó là cuốn tiểu thuyết:
Một cõi nhân gian bé tí, chỉ viết về những người thất bại. Thất bại ở chính trường, thất bại ở tuổi già, thất bại vì sự cô đơn lúc cuối đời, thất bại không do mình gây ra mà do những ràng buộc vớ vẩn từ một quá khứ. Nỗi buồn của họ, tiếng kêu ai oán của họ như từ thẳm sâu của những kiếp người vọng lên nên nó có một vẻ đẹp riêng, nó gần gũi với con người, nó thuộc về những thăng trầm của một đời người, là những rủi ro một khi đã va phải nó rất khó rũ bỏ. Nó trở thành những hình tượng nghệ thuật để cái cõi nhân gian bé tí nhìn vào đó mà ngẫm nghĩ và được an ủi. Trong mọi thất bại của con người ta chỉ có cái thất bại về hoạn lộ là không nên biết và cũng không nên viết vì nó nhơ bẩn và buồn cười. Khi ông Khơrútsốp, một nhân vật lừng lẫy tiếng tăm một thời, bị tước mọi quyền lực, bị buộc phải nghỉ hưu, có một phóng viên nước ngoài hỏi đứa cháu ngoại: "Lúc này ông cháu ở nhà làm gì?" Ðứa bé trả lời rất hồn nhiên: "Ông cháu chỉ ngồi khóc thôi".Ở nước ta cũng có vị phải ra khỏi trung ương sau nhiều khoá ở trung ương cũng đã bật khóc, nghe nói nước mắt ngắn dài suốt mấy năm, nhà như có tang suốt mấy năm. Con người đã nhỏ lại rất nhiều bởi tiếng khóc ai oán của họ và của vợ con họ.