Người bảy mươi tuổi lại phải đối mặt với một nghịch cảnh, thoạt nghĩ là chuyện buồn cười, chuyện trẻ con, muốn chấm dứt lúc nào cũng được, không dè cứ phải dấn sâu vào mãi, mỗi ngày một trầm trọng thêm, mỗi ngày càng tự làm mình hao mòn đi, tự đánh mất mình đi, và có lúc đã nghĩ chỉ có cái chết mới tự giải thoát được. Một đời người lại được kết thúc bằng cách ấy thì buồn cười lắm, oan uổng lắm. Với hắn vẫn tự xem là người biết lui tới, luôn luôn tìm được lối thoát trong mọi thế kẹt thì cái tình huống hiện tại còn là một đòn trừng phạt rất cay nghiệt, rất đáng đời, một tiếng cười dài trong những trò chơi bất tận của thượng đế. Bởi vì hắn là một thằng đàn ông rất lãnh đạm, rất nhạt nhẽo trong địa hạt tình yêu những năm còn trẻ thì lại bị vu là có ngoại tình lúc đã về già; là người thích lý lẽ, lý lẽ trong văn chương, lý lẽ trong ứng xử thì lại va đầu vào sự câm lặng và điếc đặc trước mọi lý lẽ; là người thích sống bằng sự tỉnh táo thì lại bị bọc chặt bởi sự phi lý khiến hắn dần dần cũng trỏ nên ngu muội. Như người bị nhấc khỏi môi trường sống quen thuộc quăng vào một môi trường sống rất khác lạ, trong đó hắn bị tước đoạt mọi kinh nghiệm, mọi thói quen, mọi phán đoán, kể cả cái lợi khí vẫn giúp hắn vượt qua mọi trở ngại là ngôn ngữ cũng hoá ra bất lực. Tức là hắn đã rơi vào một hoàn cảnh mà tất cả đều đối nghịch với hắn, đều trở thành khắc tính, thậm chí một nửa của hắn cũng thù ghét với cái nửa còn lại. Cứ như đang bị đuổi bắt trong một giấc mơ mà kẻ đuổi bắt mình không rõ hình thù là người hay là vật, là người sơ hay kẻ thân, là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Chỉ là một cái khối luôn thay đổi hình dạng dồn đuổi mình, và hắn do bản năng tự vệ cứ thế chạy, cũng chả hiểu sao lại phải chạy nhưng nếu không chạy thì hắn sẽ bị tan biến trong nó, thành chính nó, trở thành một phần tử của cái khối khủng khiếp ấy. Nhưng dẫu sao thì hắn vẫn cứ chạy được, dưới mặt đất cùng đường thì hắn vọt bay lên, bao giờ cũng bay cao hơn, bay xa hơn cái khối sát nhân một quãng. Trong nhiều giấc mơ dài ngắn từ trẻ đến già hắn hay bị vây bủa trong những tình huống bị mất danh dự đến tột cùng. Chẳng hạn như ăn nằm với một người đàn bà xa lạ và bị bắt quả tang. Hoặc lấy cắp tiền và cũng bị bắt quả tang. Trong đời một người đàn ông hắn chưa từng ân ái với một người đàn bà nào ngoài vợ hắn. Nhưng phản bội vợ trong tưởng tượng, trong thèm muốn thì luôn luôn có, gặp một người đàn bà đẹp lớn tuổi hơn hoặc nhỏ tuổi hơn là hắn lập tức nghĩ ngay tới những mối quan hệ bất chính dẫu biết chắc rằng sẽ không bao giờ có thể có. Những ẩn ức của đời thường đã tìm được lối thoát bằng những giấc mơ chăng? Nhưng cả đời hắn chỉ phạm tội ăn cắp có một lần, lấy một cuốn truyện tại nhà thầy giáo năm còn học tiểu học. Còn khi đã trưởng thành hắn chưa từng lấy cắp công của ai, lấy cắp danh của ai, lấy cắp tiền của ai. Riêng trong nghề văn, nói cho thật, cũng có lấy cắp một cách nghĩ, một cách nhìn, một cách viết không chỉ của một vài vị tiền bối mà còn của mấy bạn văn mới bước vào nghề. Lấy cắp của người khác chưa từng là một ám ảnh trong hắn tại sao nó lại biến hoá vào những giấc mơ của hắn. Chắc là cái ám ảnh phạm tội thời còn thơ ấu. Những người gây nên nỗi ám ảnh dai dẳng này lại là bố hắn, mẹ già của hắn, các chị hắn và ông anh rể của hắn. Một đời người chưa lúc nào hắn quên được toà án gia đình ngồi quây quanh cái bàn ăn trong ngôi nhà cổ của phố Hàng Nâu, Nam Ðịnh, và cái giọng lên án lạnh lùng của ông bố: "Tại sao mày lại lấy tiền của các chị mày..." Và bà mẹ già nói nhẻ nhót trong cái nhếch mép như hơi cười: "Con thiếu tiền sao không nói với mợ? Hay là đẻ con cần tiền?" Những lời nói lạnh buốt ấy khiến hắn, một thằng trẻ con mới lớn, vỡ ra thành những mảnh băng nhỏ, và cái nhúm băng nát vụn ấy ngay lập tức đã tan thành nước. Trong mấy chục giây hay lâu hơn hắn không rõ, hắn đã mất biến trên cõi thế gian này, đã chưa từng tồn tại, cho tới lúc bà gắt to với các cô con gái: "Có làm gì thì làm đi! Từ nay có tiền thì phải giữ!" Vì từ nay trong gia đình đã xuất hiện một thằng ăn cắp! Hắn bàng hoàng mất mấy ngày nhưng rồi hắn cũng vượt qua được, vì hắn đã nhận ra cái tội của hắn không phải tội ăn cắp mà là cái tội khó nói hơn, cái tội là con thêm con thừa, đứa con không mong đợi của một ông bố vì chót mê say thêm một người đàn bà mà có đứa con thêm này. Ðó là lầm lỗi của người lớn, hắn chả có tội gì trong cái lỗi của họ. Nửa năm sau hắn lại bị vu là thằng ăn cắp ở nhà ông anh rể. Anh là ông chủ của một cụm cửa hàng bách hoá ở một đường phố lớn của Hải Phòng. Anh kéo hắn vào căn phòng làm việc của anh vào một buổi sáng, nói thẳng với hắn là hắn đã mở cửa dắt người quen vào lấy đi một cúp-pông len ở quầy bán len dạ. Cũng vẫn cái lý lẽ, ở nhà này trước đây chưa hề mất mất bất cứ cái gì, từ ngày hắn đến ở mới... Rồi anh giúi vào túi áo hắn một tờ bạc một trăm, tiền Ðông Dương, bảo hắn về Hà Nội ở với mẹ chữa cho khỏi cái bệnh lở rồi anh chị sẽ gọi là ra Phòng. Trên chuyến tàu trở lại Hà Nội hắn chả buồn một tí nào, chả xấu hổ một tí nào, vì hắn tự biết cái tội của hắn không thuộc về hắn, chỉ là mưu mô của những người lớn tìm cớ đuổi hắn đi để họ khỏi gai mắt, mà mẹ hắn cũng chả có cớ gì để trách oán họ cả. Nó hư thế thì anh chị nào dám giúp, chứ không phải không muốn giúp.
Nỗi kinh hoàng bị vỡ ra, bị tan ra thành những mảnh băng nhỏ trong những giây đầu của một người lương thiện bỗng dưng bị vu là phạm tội mãi mãi hằn sâu trong tiềm thức của hắn, mãi mãi hắn hãi sợ mọi yếu tố có thể cấu thành tội phạm. Hắn sợ đã vô tình đắc tội với Nhà nước, với Ðảng, với tổ chức, với cả bạn bè. Nhưng với vợ con thì không, vợ con là của riêng hắn, sống cho hắn, vì hắn, và hắn cũng đã tự nguyện hy sinh một đời mình cho họ. Có đúng thật thế không? Hình như không hoàn toàn là thế. Vợ hắn đã nói trong một lần giận dữ (giận dữ vì hắn cứ khăng khăng nói rằng hắn không hề có ngoại tình, hắn chỉ biết có vợ với con, hắn phản đối mọi sự vu khống!): "Nếu anh ruồng bỏ tôi để sống với một người đàn bà khác lúc cuối đời thì tôi sẽ viết thư cho tổ chức Ðảng yêu cầu khai trừ anh ra khỏi Ðảng, tôi sẽ viết thư gửi các tờ báo lớn tố cáo cái bộ mặt đạo đức giả của anh cho bạn đọc cả nước biết anh là một thằng chồng phản bội, một ông bố khốn nạn, một người đáng khinh bỉ, không xứng đáng cầm bút". Thì ra vợ hắn vẫn còn một chỗ dựa khác vững chắc hơn nếu bà ấy muốn loại bỏ hắn, đó là tổ chức Ðảng, là dư luận bạn đọc qua báo chí. Bà vẫn còn đủ sức mạnh để kết tội hắn, dẫu bà chẳng có chứng cớ gì để xác minh là hắn đã phạm tội. Vợ hắn nói: "Tôi cần gì phải có chứng cớ, tự tôi là một chứng cớ. Ai chả biết năm còn trẻ tôi rất khoẻ mạnh rất xinh đẹp, sau mấy chục năm hầu chồng hầu con tôi mới ra nông nỗi này, không còn là người nữa, là một con vật xấu xí, bệnh tật, bẩn thỉu như nắm giẻ. Nên anh mới phụ tôi, mới chê tôi..." Hắn vẫn còn khoẻ mạnh, vẫn là một ông già đẹp lão ngồi cạnh một bà vợ còm cõi, hai tay run rẩy, tóc bạc quá nửa, mắt luôn nhìn xuống, quả thật bố con hắn hết sức có tội, chả cần chứng cớ gì thêm, chỉ thế thôi cũng đủ là người có tội, dẫu là một cái tội chưa bao giờ hắn có, tội ngoại tình. Nhưng cũng chả nên trách vợ hắn, vì muốn tự cứu bà phải tách khỏi hắn ra, để tự do lên án cái nửa kia vốn vẫn là của riêng bà. Còn hắn thì sao? Ðã có nhiều trường hợp tự hắn cũng phải nói ngược lại niềm tin của mình, tự kết tội mình, dẫu hắn chả có tội gì cả để cứu lấy cái nghề mà hắn không thể rời bỏ. Nếu hắn không có tội vậy tổ chức nói sai ư? Dư luận xã hội nói sai ư? Có thể trước đó cái tội của hắn còn mơ hồ, đe nẹt phòng ngừa trước chứ chưa hẳn đã là tội, nhưng vì hắn cố cãi rằng hắn không có tội, vậy cái tổ chức kết án hắn có tội hay sao? Chính là sự tự biện hộ, tự bào chữa một cách ngang bướng đã khiến cái tội mơ hồ thành một tội cụ thể, tội chống đối lại tổ chức! Nên hắn thường tự nhận tội trước khi tổ chức chính thức kết tội. Vả lại chính hắn cũng tự thấy mình là có tội, cái tội đã làm tổ chức phải phiền lòng, phải khó nói vì mình, chả lẽ như thế lại không phải là một tội sao?