Mimmy...
Nhật Tuấn
Trong đêm, Bích thức giấc và không tài nào ngủ lại. Cô khẽ quay lưng, cố không đánh động anh chồng Thomas đang ngáy khò khò. Đêm nay cô không say sưa ngắm nhìn gương mặt chàng mắt xanh của cô như mọi đêm. Sống mũi cao, bộ râu quai nón rậm, cặp lông mày cong veo...rất quen thuộc và thân thiết như là những bộ phận trên thân thể cô vậy. Ngày xưa hồi mới sang Thụy Điển, trong những đêm trằn trọc, cô cứ ôm chặt lấy anh như tìm kiếm một che chở. Vòi nước nóng lạnh trong buồng tắm, van lò sưởi, khóa hơi đốt...tất cả đều lạ lẫm nhìn cô vừa thách đố vừa dọa nạt. Rồi những món ăn, món nào cũng có vị của sữa, thức uống nào cũng làm cho cô ngửi thấy mùi của táo...Nhiều lúc thèm muốn điên hương vị đậm đà của nước mắm đất cảng, nhiều đêm nằm khóc nhớ mẹ, nhớ ngôi nhà nhỏ ven đê, cánh đồng xa tít tắp nắng ôi là nắng, nhớ những chiều đi học về chạy chân đất ra bờ sông nhảy ùm xuống dòng nước đầy ắp phù sa. Bây giờ tất cả đã lùi xa nửa vòng trái đất. Trong căn nhà gỗ đẹp tuyệt, cô loay hoay giữa thế giới tiện nghi, dán mắt vào chiếc tivi nhìn ngắm những con người đi lại nói năng hòan tòan xa lạ, thơ thẩn trong khỏanh vườn hoa lạ cố giết đi một ngày suốt từ sáng khi Thomas đi làm tới mãi chiều anh về.
" Anh về với em đi...anh về với em đi...", có lần giọng vật nài của cô qua điện thọai làm Thomas hoảng hồn, bất chấp sự khó chịu của chủ, anh nhảy bổ ra xe hơi phóng về nhà và giơ cả hai tay lên trời khi biết chẳng có tai ương gì xảy tới chẳng qua cô vợ trẻ làm mình làm mảy đó thôi. Anh bực tức :
" Sao em lại làm thế ? Có gì chờ anh tan sở chứ?"
" Nhưng em nhớ anh ..."
Thomas nhún vai, dang tay ra bất lực :
" Em phải đi học thôi. ở nhà mãi buồn lắm..."
" Không, em không đi học, em muốn về Việt Nam ..."
"Về Việt Nam ?"
Anh chồng Thụy Điển hoảng hồn nhớ tới Nhà máy ở mãi miền rừng núi nhiệt đới nơi anh đã sống nhiều năm. Ngày đó cô là thợ cơ khí, còn anh là chuyên gia. Chiến tranh đang diễn ra ác liệt nhưng ở nơi rất xa nơi đây. Khi còn ở làng với mẹ, cứ chiều chiều Bích thường ra bờ đê nhìn theo con đường sắt chạy hút về Nam, nơi đó, Khôi, người yêu của cô đang chiến đấu.
Nỗi buồn xa cách kể từ hôm cô chạy theo con tàu vẫy vẫy chia tay anh lâu ngày cũng nhạt dần theo năm tháng. Và khi nhà máy được xây dựng ngay trên huyện, cô được chọn đi học lớp công nhân kỹ thuật, gặp chàng mắt xanh Thomas rất biết chiều chuộng và lễ độ với phụ nữ thì hình ảnh Khôi trong quân phục giải phóng đã mờ hẳn. Cô chẳng thấy mình có lỗi gì khi nhận lời cầu hôn của Thomas. Đúng là cô đã yêu đã hứa hẹn với anh Khôi, nhưng chiến tranh còn kéo dài, chẳng biết bao giờ anh trở về và cô không thể trông chờ vô vọng khi một hạnh phúc choáng ngợp bên trời tây đang mời cô .Và thế là bất chấp miệng tiếng xóm làng, cô cặp kè với anh trên chiếc xe máy chạy khắp xóm cùng quê, mở đầu một phong trào trong nhà máy mà ngày xưa nhà văn Vũ Trọng Phụng đã có những phóng sự rất hay trong cuốn sách có tựa là "Kỹ nghệ lấy tây. "Tuy nhiên ngày nay con mắt ngưòi đời đã bớt khắt khe đi nhiều, cái từ "me tây đã bị lọai bỏ hoàn toàn, ngược lại các gia đình có con gái lấy chồng da trắng mắt xanh đã có thể tự hào với những món quà nho nhỏ ông con rể ngọai quốc biếu nhà vợ : cục xà bông thơm, thỏi xôcôla, chiếc bật lửa ga có hình ngộ nghĩnh. Vậy nhưng sự bất ngờ lớn nhất lại là phía các cô gái. Hóa ra tuy không nói được tiếng nói của các chàng nhưng bằng tay chân điệu bộ, cả hai bên đều hiểu được nhau mà không cần tới phiên dịch nhất là khi trên giường cưới. Vả chăng, các chàng thường rất cao lớn, đẹp trai, rất biết lễ phép và hào phóng với gia đình vợ, và cái chính là rất biết cưng chiều phụ nữ nhất là vợ anh ta, vậy thì hà cớ gì không thể kết hôn ?
Thế là không đầy một năm sau khi gặp Thomas, cô đã theo chồng về nơi xứ tuyết. Khác với tưởng tượng khi còn ở quê nhà, phố xá, nhà cửa, xe cộ không hoàn toàn tuyệt diệu như các bức ảnh chụp trong họa báo, tất cả đều sạch sẽ, đẹp đẽ nhưng sao cô thấy vắng vẻ và buồn bã.
Anh ơi, cho em về Việt Nam thôi.."
Thức giấc trong một đêm bão tuyết lồng lộn, cô cứ trằn trọc mãi bên chồng và rồi khi không chịu được nữa cô kêu lên. Anh chàng vẫn không hay biết gì, vẫn ngon lành trong giấc mộng thậm chí còn cả ngáy nữa. Còn ba tiếng nữa, nghĩa là đúng 7 giờ sáng anh mới dậy, 7 giờ 30 ăn sáng, 8 giờ lái xe ra khỏi nhà và đúng 5 giờ chiều mũi xe của anh đã ghé vào trước cửa. Chính xác và lặp lại chẳng khác gì các món ăn sáng vậy. Batê, giămbông, thịt nguội, bánh mì...bánh mì, thịt nguội , giăm bông, batê..Có lần cô chán ngán đẩy đĩa thức ăn trả lại anh làm Thomas hoảng hốt :
" Em sao thế ? ốm hả ?"
" Em không ốm...nhưng em không nuốt được ba cái thứ này .."
Lúc đó cô chưa đủ vốn từ để dịch cho anh hiểu "nuốt" khác với ăn" thế nào, bởi vậy anh chồng tưởng cô đang mắc chứng khó tiêu, lập tức anh lấy hai viên thuốc ép vợ uống bằng được. Và rồi sự buồn bã của cô làm anh lo lắng, anh đưa cô tới bác sĩ khám tim phổi, thử máu, đo huyết áp...Everything OK...Ông ta kêu lên và liến thoắng một tràng tiếng Anh với Thomas mà sau này anh dịch lại là sức khỏe cô hoản toàn tốt nếu có bất cứ một triệu trứng bệnh lý nào thì chẳng qua đó là tưởng tượng ra vậy thôi.
Từ đó anh cương quyết không cho cô ở nhà một mình, bắt cô theo học một khóa tiếng Anh và tiếng Thụy Điển , nhờ đó ba năm sau cô đã có trong tay một nghề mới : phiên dịch cho các đoàn khách từ Việt Nam sang mỗi ngày một nhiều. Học hành, sinh con, đi làm...công việc cứ cuốn Bích đi theo cái vòng quay hàng ngày một nước công nghiệp .Và dần dà cô quen với các món ăn nấu với sữa, mùi táo trong các thức uống và bầu không khí trong veo, im ắng nơi xứ nguời. Cô trở nên nhanh nhẹn, họat bát và sắp xếp mọi việc theo giờ giấc và ngày tháng chính xác chẳng kém gì nguời chồng Thụy Điển của cô. Cô không còn thức giấc vô cớ trong đêm, không còn điện thọai cho anh quay về nhà giữa giờ làm việc, không còn kèo nhèo đòi về Việt Nam và hương vị nước mắm đất cảng đã trở thành một kỷ niệm xa lắc lơ trong vị giác và rất có thể lúc này nếu có nó, cô sẽ chun mũi vì cái mùi rất khó chịu của nó.
Bảy năm sau bồng con về Việt Nam thăm mẹ cô bỗng kinh hoàng nhận thấy mọi thứ đều vẫn nguyên vẹn như khi cô đi, chỉ có con người là già đi theo năm tháng. Cô ôm chầm lấy mẹ tóc đã bạc phơ, thương xót, đẩy đứa con gái bốn tuổi tới vòng tay bà ngọai nó :"Mimi..con tới với bà đi...". Người mẹ qua giọng líu lô của con gái với đứa cháu ngọai chẳng hiểu gì chỉ thấy con bé con tóc vàng rực, mắt xanh lè và da trắng như trứng gà bóc dãy ra khỏi vòng tay ôm ấp của bà chạy về níu chặt lấy mẹ nó. Cô dỗ dành dọa nạt cách mấy con bé con cũng không chịu cho bà già khô quắt, sặc mùi ẩm mốc bế nó lên tay và nhất là nựng vào đôi má phinh phính của nó. Cô đành thất vọng an ủi mẹ rằng cháu nó đang còn lạ vài ba hôm quen hơi nó sẽ bám bà rồi dứt chẳng ra. Nhưng mà rồi cho dù bà có mang đủ thứ quà cáp dỗ dành, con bé Mimmy cứ thấy bà ngọai tới gần là rúm cả ngưòi lại. Nó nhất định không nghe bà cầm đũa, không theo bà ra vườn hái ổi, không ăn bất cứ thứ gì có cái mùi rất khó ngửi mà bà già cứ luôn miệng nói với nó là "nuoc mam...nuoc mam..." . Tệ hại nhất là mỗi lần Bích dẫn Mimmy đi trên đường làng, cả một dây con trai con gái bám theo sau bình phẩm, trêu chọc, thậm chí còn kéo tay, giật tóc làm con bé con phải òa khóc . "Về đi mẹ...về với ba Thomas thôi...con không ở đây nữa đâu." Mimmy trở nên sợ hãi mọi thứ trên xứ sở xa lạ này. Nó chỉ vui lên một chút khi hai mẹ con dắt tay nhau đi ven bờ sông vắng , cánh đồng lúa trải dài và con đuờng xe lửa chạy xa tít tắp. Từ trong sâu thẳm của ký ức cô bỗng thấy lại hình ảnh của cô ngày xưa. Con tàu chạy xịch xịch, tiếng còi thét lên kéo dài, một người con trai nhô cả nguời ra cửa sổ vẫy cô. Cô chạy chân đất, những viên đá nhọn làm cô đau điếng nhưng cô vẫn chạy vẫn chạy cố thu vào ký ức hình ảnh của Khôi trong bộ quân phục. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, Khôi đã trôi giạt đi tận những phương trời nào ? Anh còn sống hay đã chết ở góc chiến trường nào đó. Kỷ niệm xưa cũ làm cô nhói đau và thoáng chút ân hận. "Anh Khôi ơi, hãy tha thứ cho em...em không thể chờ anh về...". Mimmy chợt thấy mẹ đứng im lìm không còn biết bên cạnh có bé nên vội kéo tay mẹ:"Mẹ sao thế ? Mẹ khóc hả ?Mẹ làm con sợ..."Bích choàng tỉnh như ra khỏi một giấc mơ, bế Mimmy lên tay và ngay sáng hôm sau cô đưa con trở về quê chồng.
Từ trên máy bay bước xuống, cô bế con chạy như bay tới chỗ Thomas đang chờ. Cô lao vào vòng tay khỏe mạnh, cứng cáp của anh. Anh bỗng trở nên thân thiết với cô hơn bao giờ hết, anh là chồng cô, là nhà cô, là quê hương cô. Mimmy cũng bám lấy cổ bố ríu rít, nhõng nhẽo cứ như là xa bố đã lâu lắm. Từ ngày đó hình ảnh quê hương không còn là một nỗi nhớ đau đáu trong tim như ngày mới ly hương, bây giờ mỗi khi nghĩ tới cô chỉ còn thấy thương xót một vùng quê nghèo mà cô có nghĩa vụ lâu lâu phải gửi về một món tiền nho nhỏ. Duy chỉ có hình ảnh con tàu tiễn biệt Khôi ngày xưa là còn đọng lại trong ký ức và lâu lâu cô lại thấy nó trong giấc mơ chợt tỉnh trong những đêm giá lạnh.
Cho tới một hôm, cầm tờ giấy ghi danh sách đoàn đại biểu Việt Nam sang Thụy Điển đàm phán mà cô phải đi theo để phiên dịch, cô không tin vào mắt cô nữa. Trong bản danh sách có tên anh,Hùynh Tịnh Khôi,anh bộ đội yêu mến ngày xưa mà cô đã đưa tiễn và đã phản bội..Đêm trước ngày gặp anh,cô bồi hồi,mất ngủ,quay lưng lại với chồng và phấp phỏng một bất an nào đó.Không,không có gì hết,cô tự trấn an,anh KhôI sẽ thông cảm và cả Thomas nữa,anh ấy cũng sẽ hiểu mình.Sáng hôm sau,trong phòng chờ sân bay Stockholm cô ôm một bó hoa chờ đợi.Quả thật,bất kỳ một đầu óc tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không thể nghĩ tới cái buổi trùng phùng sau ngần ấy năm xa cách giũă đôi trai gáI năm xưa lại diễn ra như thế này tại một nơi cách xa xứ sở hàng vạn cây số.Và rồi từ bên trong phòng cách ly bước ra một người đàn ông đập mạnh vào quả tim hồi hộp của cô.Anh đó – anh Khôi, anh bộ đội, người yêu năm xưa của cô . Than ôi, sự hủy diệt của thời gian thật kinh khủng, không còn anh bộ đội rắn rỏi, trẻ trung năm xưa , anh đã thành một người đàn ông gày guộc, tóc tiêu muối, da xanh mét, súng sính trong bộ âu phục . Cô tiến tới và khi cả hai nhận ra nhau, một bức tường vô hình đã ngăn giữ lại không cho họ nhào vào nhau và Khôi, đón bó hoa từ tay cô, nhoẻn cười và nghiêng đầu cảm ơn với cung cách một nhà ngọai giao.
" Anh có giận em không ?"
" Không, anh không giận..anh mừng cho em..."
Bích nghẹn ngào :
" Em đã phản bội anh..."
" Em đừng nói thế, chiến tranh đã kéo qúa dài, đã vượt quá sức chịu đựng của con người..."
Những ngày sau đó, Khôi lao vào làm việc với phía bạn và có Bích ngồi dịch. Hóa ra anh dù dày dạn trong chiến đấu nhưng lại chưa đủ bản lĩnh và hiểu biết để họat động kinh tế, cô khéo léo gợi ý với anh sửa lại câu cú trong các phát biểu để phía Việt Nam khỏi thiệt. Trước ngày anh về, cô kể hết chụyện cho Thomas nghe và anh chàng khăng khăng mời Khôi tới nhà ăn một bữa cơm chia tay. Hôm đó cô chạy xe ra ngọai ô vào khu nông trại mua một con gà về làm để có thịt tươi. Cô nấu một món thật Thụy Điển và một món thật Việt Nam. Và trong lúc dọn dẹp nhà cửa cô chợt hỏi liệu cô có liều lĩnh chăng khi để hai người đàn ông thân thiết nhất trong đời cô gặp nhau.
Khôi tới rất đúng giờ ôm một bọc quà cho Mimmy và một bó hoa cho Bích. Hóa ra sự lo lắng của cô là thừa, hai ngưòi đàn ông ngồi đối diện nhau, nhìn vầo mắt nhau và cùng cưòi sảng khóai.
" Khi nào anh Khôi lấy vợ báo tin chúng tôi sẽ gửi điện mừng..."
Bích dịch lại lời nói của chồng và chợt thấy nhói thương Khôi. Do chiến tranh hay do anh vẫn nặng tình với cô mà tới bây giờ anh vẫn phòng không lẻ bóng? Chịu không thể nào biết được. Cô cười gượng :
" Anh Khôi có lấy con gái Thụy Điển không em giới thiệu cho..."
Vừa lúc đó Mimmy chạy vào ríu rít. Cô bế Mimmy lên đưa cho Khôi và chẳng hiểu sao bé lại xà ngay vào lòng anh cười . Bích vui vẻ :
" Phải đấy, anh lấy vợ Thụy Điển đi rồi sẽ có những đứa con xinh đẹp như Mimmy này..."
Nghe vợ dịch lại, Thomas giơ ngón tay cái lên trời:
" Đúng đấy, nó sẽ không phải người Việt nam cũng không phải người Thụy Điển...nó sẽ là công dân thế giới..."
10/98
N.T.