Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Lỗi em

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 617 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lỗi em
Trọng Huân

Cậu phóng viên trẻ rủ tôi về làng cậu ta chơi:
- Sếp ơi, làng em rất quê. Vào hội, khách tứ phương, người xa quê về lễ chùa, thăm đình đông nghìn nghịt. Nghe nói, chùa dựng từ thời Lê. Mà làng em còn nổi tiếng khoản... rượu. Không phải vì lời giới thiệu đình, chùa đẹp hay rượu ngon, mà một lý do khác, tôi đã quyết định về theo cậu ta. Ngay hôm cậu ta đến phòng nhận việc, xem tờ sơ yếu lý lịch, thấy phần quê quán và tên ông bố của cậu ta, tôi đã ngờ ngợ, định hỏi, nhưng chưa tiện...
Sáng ấy thầy trò tôi lên đường. Xe phóng vù vù. Ngồi sau thỉnh thoảng tôi phải nhắc: "Phi vừa vừa thôi. Tao vợ đẹp, con khôn...". Nghe vậy, cậu ta khì khì cười:
- Sếp vô tư đi. Em tay lái lụa... Sếp xem này! Hà hà...
Cứ như mô tả, thì hình như làng cậu ta ở gần quãng mà ngày ấy tôi gặp em. Tưởng chuyện rồi quên, lạ sao, nay tóc điểm bạc, lúc buồn, lúc vui, lại hay nghĩ tới. Mình đã già rồi chăng? Khi về già, người ta thường hồi tưởng, sống trong kỷ niệm, nhớ về quá khứ?
Con gái tôi đang học năm thứ tư, cháu theo nghề bố. Tuần trước nó dẫn bạn trai về giới thiệu. Không chỉ tôi sững sờ, mà bà xã cũng vậy.
Tối ấy khuya rồi, tưởng vợ đã ngủ, tôi vừa trở mình, thì nghe vợ hỏi:
- Anh nghĩ ngợi gì thế?
- Về thời gian.
Tôi trả lời. Rồi cả hai im lặng. Chắc vợ tôi cũng vậy, đang chìm trong không gian riêng tư. Tôi đã giấu vợ câu chuyện về em. Bằng linh cảm người vợ, qua những bài thơ, truyện ngắn đăng báo của tôi, cô ấy biết.
Em, giá như ngày ấy... thì chúng ta sẽ ra sao nhỉ? Giờ này em ở đâu? Chắc cũng một tổ ấm. Biết đâu trong những đứa con của em, có đứa vừa dẫn người yêu về trình bố mẹ. Tôi từng giằng xé, ân hận về cái thuở sinh viên ấy, mấy ngày nghỉ hè còn lại, mà không tìm được em. Sau này có lúc định, toàn là định, rồi lại nghĩ, giờ người ta yên ấm, có nên xáo động chăng. Để rồi trăn trở, dằn vặt...
Ba mươi năm trước trên con tàu rì rì, dịp nghỉ hè năm thứ ba tôi từ Rumani về nước. Thật sốt ruột, chỉ ước ao giá như sau giấc ngủ, tỉnh dậy là quê mẹ. Nhà tôi ở cái thị trấn giáp Hà Nội. Thư nhà gửi sang, viết bom đạn bắn phá tan nát, thị trấn dân sơ tán hết. Lá thư mới nhận được, mẹ tôi cho hay, bố tụi đang phục vụ trên cung đường mạn khu Bốn, nơi máy bay đánh phá rất ác liệt. Cơ quan của mẹ sơ tán mạn Hưng Yên. Còn các em chạy theo trường. Về nghỉ hè đợt này, tôi tìm đến chỗ mẹ là dễ nhất.
Tôi đi học Rumani đầu năm 1965, mấy tháng sau sự kiện vịnh Bắc bộ. Ngày ấy chiến tranh với tôi khá mơ hồ, không hình dung hết tính khốc liệt của nó. Khái niệm về chiến tranh trong tôi ấy là: Dịp đó có chiếc máy bay trinh thám vèo qua thị trấn quê tôi. Chẳng ai nhìn thấy hình dáng nó thế nào. Bất thần âm thanh xé tai. Chưa hiểu gì, ngẩng lên đã thấy vệt khói trắng vắt ngang trời. Người ta gọi đấy là máy bay không người lái, chúng do thám tình hình. Sau sự kiện đó thị trấn nhỏ quê tôi nhốn nháo. Có người mang loa đi rao dọc phố, giải thích máy bay vào thám thính, kèm theo là kêu gọi mọi người khẩn trương sơ tán. Người người, nhà nhà vội vã thu xếp đồ đạc, tưởng như máy bay sắp rải bom, bắn phá đến nơi. Vì gấp gáp, chỉ những của nả gọn nhẹ mới mang đi, mẹ tôi xếp gánh đồ: chăn bông, nồi xoong,... đại ý là những vật dụng quý giá trong nhà. Tôi thấy sơ tán thật vui quá. Cả đoàn người lũ lượt tản về các làng xóm lân cận. Đám trẻ được dịp tụ tập. Tôi còn nhớ, thấy anh em tôi hơn hớn, mẹ đã mắng cho một trận. Cuộc sơ tán diễn ra chóng vánh. Đi hai ba hôm chẳng thấy máy bay đâu, lương thực mang theo cạn, và rất nhiều thứ bất tiện khác, các gia đình lục tục kéo về. Đấy, khái niệm chiến tranh của tôi là vậy - vui vẻ, ồn ào.... Sau này bên Rumani, tin về cuộc chiến tranh Việt Nam đăng tải hàng ngày trên các báo đài, nhìn cảnh làng mạc, trường học, bệnh viện bị ném bom, tôi mới hiểu tính khốc liệt của nó.
Tàu liên vận quốc tế dừng ở bên kia biên giới. Qua cửa khẩu Lạng Sơn, phải đi từng chặng, lúc thì đi tàu, lúc tăng bo ô tô, đoạn cuốc bộ. Có trăm cây số từ Lạng Sơn về Hà Nội, phải đi hơn ngày rưỡi trời. Tối mịt tàu mới bò về ga Gia Lâm. Không nhớ phải hỏi thăm bao người, những người đi xe đạp hay cuốc bộ, lũi cũi trong đêm, tôi mới mò ra cái bến xe sơ tán về tuyến Hưng Yên. Lúc đó khoảng quá nửa đêm. May hôm ấy cuối tháng, trăng muộn. Bến xe núp dưới luỹ tre, xung quanh đen ngòm những hố tăng xê và lù lù mấy cái hầm kèo. Khách đợi nằm ngồi vật vờ. Tôi chọn một chỗ trống, ngồi tệt xuống. Gió đêm lạnh. Chợt nhớ đến túi áo còn bao thuốc dở, tôi lấy ra một điếu. Vừa đánh diêm đã nghe tiếng người quát:
- Muốn chết hay sao mà hút thuốc. Máy bay nó không bắn cho bỏ mẹ bây giờ...
Tiếng ồn ĩ đánh thức những người đang lơ mơ ngủ. Tôi tự dưng thành điểm chú ý của mọi người. Mấy người lúc trước nằm ngồi gần tôi, tự dưng tản dần qua chỗ khác. Rồi những tiếng bâng quơ:
- Như quân du côn...
- Thằng đảo ngũ thì có...
Ấy là họ đang nói tôi, một kẻ vừa từ nước ngoài về, mái tóc cợp vai... May mà ban đêm, chứ ban ngày, nhìn cái vẻ béo tốt, hồng hào, bởi xơi lắm bơ, nhiều sữa của tôi, chắc họ còn ghét nữa. Tôi chỉ biết im lặng. Cuộc cạnh khoé không biết diễn ra bao lâu nữa, nếu như không có tiếng động cơ ô tô rì rầm. ai đó kêu toáng lên, có máy bay, nhiều người nhớn nhác. Rồi sau lại hô, ô tô. Ngoài đường thấy chiếc xe tải từ từ dừng, động cơ vẫn nổ, thùng xe có người đứng ngồi lố nhố. Trên ca bin người lái nhoài ra:
- Xe bộ đội đây! Ai về phố huyện không?
Nhiều người ồ lên, quáng quàng thu dọn và nháo nhác chạy ra xe. Tôi cũng lếch thệch kéo chiếc va li, chạy. Vừa bị xô đẩy, vừa vướng chiếc va li, tôi loay hoay mãi mà chưa leo lên được thùng xe. Chợt có giọng con gái vọng xuống: Anh gì ơi! Đẩy lên, em đỡ cho. Tưởng cô ta nói với ai, nhưng ngoái lại, duy nhất còn mình tôi. Hoá ra cô ta nói với tôi. Cô gái khom mình, hai tay giơ ra, tôi vội vàng nâng chiếc va li và chỉ kịp đu lên, xe đã chuyển bánh.
- Cảm ơn...!
- Dạ,... không có gì... Anh... về đâu?
- Phố Giác! Còn em... về đâu?
Tôi không nghe rõ tiếng em trả lời. Định hỏi lại thì mấy người khách lên cùng quay lại nhìn, tôi đành im lặng. Dù trong đêm tôi vẫn biết, họ còn khó chịu với tôi lắm, cái thằng du côn, áo trắng bôm bốp, bằng nhử mồi cho máy bay,...
Trong ánh trăng tôi nhận ra người vừa kéo giúp chiếc va li - em đẹp và rất trẻ, trẻ lắm, một cô bé thôi. Bé bao nhiêu tuổi nhỉ? Tôi kín đáo quan sát. Mười sáu hay mười bảy? Trên xe chật cứng, cả tôi và em đều phải vịn vào thành xe cho khỏi nghiêng ngả. Khuôn mặt em kề sát bên tôi. Cảm giác như tôi có thể chạm vào hơi thở em. Hình như biết ánh mắt tôi đang chăm chắm nhìn mình, em ngượng ngùng, cúi xuống.
- À...
- Gì thế e…m?
- Không có gì... Vừa nãy em cũng đợi dưới bến xe. Chắc anh g..i..ậ..n...?
- Không! Có gì đâu... Anh vừa từ Rum... về!
- Em cũng đoán anh từ nước ngoài về... Anh họ em cũng học đại học ở Liên xô đấy!
- Thế à! Thành phố nào?
- Ki... ép.
- Anh ấy học năm thứ mấy?
- Dạ, năm...
- Tên anh ấy là... gì?
- Dạ... tên Th..à...nh.
- Gì c...ơ ? Cùng năm học với anh đấy. Ngày ấy đoàn lưu học sinh của bọn anh đông lắm! Tiếc là anh không biết anh Th...à... em. Nhóm sang Rum là toán cuối cùng, xa nhất trên chuyến tàu chở lưu học sinh.
Động cơ ô tô ầm ầm và gió ào ào, tiếng em, tôi nghe câu được câu mất. Em giơ tay vuốt vuốt lọn tóc gió bay bay. Xe lúc lắc làm tay em va nhẹ vào cằm tôi. Em ngượng ngùng rụt lại. Tôi mỉm cười trong đêm. Gió lại tung tóc em bay, những sợi tóc quấn quýt vào má, vào cằm, vào cổ tôi. Tôi ước ao giá mà... và tưởng tượng. Ý nghĩ làm tôi rạo rực. Thoang thoảng hương sả từ tóc em. Mấy năm rồi tôi mới gặp lại hương thơm xứ sở. Vô tình tôi buột miệng:
- Hương sả...?
- Gì cơ?
Em hỏi và tôi thì thầm nhắc lại. Bé nhìn nhanh sang tôi, rồi thẹn thùng cúi xuống. Cái nét thẹn thùng của bé đáng yêu và duyên quá. Thật khác với phụ nữ âu châu...
- Em học... lớp mấy?
Em nhại lại từ lớp mấy của tôi và khúc khích cười. Tiếng cười em trong vắt, ngây thơ thế. Rồi lại tiếng em:
- Em đang đi thực tập. Cô giáo làng...
- Cô giáo?
Tôi ngạc nhiên và lại thấy tiếng em cười.
Cười... ?
Tôi hỏi và em đáp lại:
- Cười anh hút thuốc bị người ta mắng. Thấy bảo trên máy bay, phi công nó nhìn cái cặp tóc to bằng chiếc đòn gánh. Ban đêm, đom đóm bay, chúng còn nhìn rõ cơ mà!
Tôi thoáng nghĩ, em thật trẻ, trẻ như câu chuyện của em. Vẫn tiếng em:
- Thế mà có người dám bật lửa hút thuốc. Họ hiền đấy, chứ phải em...
Tôi chen lời em:
- Thì sao...?
Không biết từ lúc nào, bàn tay víu thành xe của tôi đã ấp lên bàn tay em. Như không biết, bàn tay em vẫn trong lòng bàn tay tôi. Rồi cả tôi và em im lặng, im lặng như để cùng tận hưởng cái cảm giác lạ lẫm, ngỡ ngàng. Bất chợt xe dừng đánh khự, mọi người trên xe nghiêng ngả, ngã dúi dụi vào nhau. Em cũng xô dạt, cả thân hình em, mái tóc em trọn trong vòng tay tôi. Như con thiêu thân, không biết xung quanh có ai, không biết mình đang ở đâu, ghì mạnh và cuồng nhiệt, tôi thì thầm vào tai em. Em dùng dằng, nửa muốn thoát, nửa như nấn ná. Chợt anh chàng lái xe cắt ngang phút giây ngắn ngủi ấy:
- Đến phố... G..iác rồi đó. Ai xuống, nh...a...nh l...ê..n!
Xung quanh tiếng người giục nhau í ới, tiếng cảm ơn chú bộ đội lái xe cho đi nhờ... Em và tôi cũng bừng tỉnh, dứt khỏi cơn mê. Phố Giác, nơi mẹ tôi sơ tán. Tiếng em nhớn nhác giục, tiếng tôi hỏi lại, chìm trong tiếng người và động cơ. Dưới mặt đất, tôi đang chới với đón chiếc va li, thì một người nhảy uỵch xuống. Cú đẩy bất ngờ làm tôi loạng choạng, chiếc va li đè sấp lên người tôi. Trên xe, em thất thanh hỏi. Tôi còn đang lồm cồm bò, xe đã ì ì chuyển bánh:
- Đợi... đợi đã. Em, em ở đ..â..u....?
- Em ở... - Tiếng em nghe câu được câu mất - Nhớ tìm em! E...m đ...ợ...i!
Tôi luống cuống chạy theo xe. Chỉ còn ý nghĩ đuổi theo em, tôi cuồng dại chạy. Trên xe bóng em chới với, hai tay vẫy vẫy. Xe xa dần, xa dần, chỉ còn lại tiếng động cơ ì ầm và mờ mờ bóng em. Tôi thở dốc dừng lại, tự quở trách mình: sao lại xuống xe, sao ngốc nghếch vô hồn vậy, đến tên em, mà cũng không rõ... Trong đêm chỉ còn mình tôi bơ vơ. Đường khuya vắng lặng càng làm tôi thêm ân hận. Tôi ngồi phịch lên chiếc va li.
Không biết thời gian trôi qua bao lâu. Chợt xung quanh tiếng kẻng keng keng vang lên dồn dập. Gì thế nhỉ? Bất thần trên trời âm thanh chói tai xoẹt qua. Bầu trời đêm loé sáng, vun vút những vệt lửa đan chéo nhau, cùng tiếng nổ đòm đọp. Bất chợt theo hướng con đường, bùng lên quầng lửa sáng, tiếp đó mặt đất như chao đảo. Tôi chợt hiểu, bom. Sau tiếng nổ phập phập, xung quanh ắng lặng đi. Im ắng đến ghê người. Vẫn hướng con đường, quầng lửa bùng sáng hơn. Rất nhanh, ý nghĩ trong tôi, ô tô em đang đi bị máy bay oanh tạc. Phản xạ tự nhiên, tôi vụt nhổm dậy, thục mạng chạy về nơi vầng sáng. Tôi chạy, chạy như kẻ điên. Tôi đã bỏ em, bỏ trong lúc em gặp nạn,... Mỗi lúc khoảng sáng trước mặt tôi một rõ hơn. Hình như có người chạy ngược lại phía tôi. Tôi vội vàng hỏi và tiếng đáp: ô tô bị rốc két bắn. Tim tôi thắt lại. Mặc cho người ta hét bảo: chạy lại làm gì; máy bay có thể quay lại oanh tạc. Rồi tôi ngửi thấy mùi cháy khét lẹt và lù lù bóng đen chiếc xe tải giữa đường. Tôi hốt hoảng hỏi mấy người đang dập nốt những đám lửa cuối cùng. Cậu lái xe cho biết, mọi người kịp tản ra trước khi xe bị bắn. Có hai người đàn ông trên xe bị thương, họ vừa được đưa đi cấp cứu. Những người khác tản vào trong làng rồi, họ sẽ theo đường tắt đi tiếp. Tôi thở phào nhẹ nhõm, em không việc gì. Biết tôi là khách trên xe, lại nghe ý định tôi rượt tìm em, mấy người xúm lại gàn, đêm hôm khuya khoắt thế này, tìm sao được. Tôi thất vọng nhìn vào khoảng không tối mênh mông. Đúng, không thể tìm nổi. Chán nản, tôi đành quay lại. Chiếc va li của tôi để giữa đường, một toán dân quân tuần tra phát hiện thấy. Khi tôi quay lại, mấy họng súng bất ngờ bủa vây. Tôi lại phải trình bày, giải thích, đưa cả hộ chiếu. Cũng may, cơ quan của mẹ tôi sơ tán ngay gần đấy, mấy vị dân quân dong tôi đến tận nơi, xem lời khai có thực không. Mẹ tôi được bữa hoảng hồn, giữa đêm khuya, có người đập cửa và bất ngờ nhìn thấy con trai bị vòng trong, vòng ngoài dân quân vây bọc.
Hơn hai tuần về nước trôi vèo. Tôi đạp xe đèo mẹ vào tận Thanh Hoá thăm bố, tới mấy trường các em học sơ tán, rồi thăm viếng họ hàng nội, họ ngoại. Định dành mấy ngày cuối cùng tìm em, thì tôi lăn ra ốm...
Đúng như cậu phóng viên trẻ nói, làng cậu ta cổ và đẹp. Con đường làng quanh co vỉa gạch, nhiều cổng ngõ rêu phong. Vốn Trung văn học mấy năm cấp III, đủ để tôi lõm bõm đọc được dăm ba chữ, có cổng xây từ đời vua Tự Đức, có cổng xây từ đời vua Thành Thái...
Tiếp chuyện tôi là ông nội của cậu phóng viên. Tuổi ngoài tám mươi, râu tóc bạc phơ, da đỏ như quả bồ quân, cụ còn rất minh mẫn. Cụ cứ gọi tôi bằng ông, mặc dù mấy lần tôi thưa, mình chỉ hàng con cháu cụ. Cụ hỏi thăm tình hình chính trị, hỏi tôi nhận xét xem ông Thủ tướng hiện nay điều hành đất nước ra sao, rồi chuyện chiến tranh Chesnia.
- Tiếc quá, giá hôm nay có bố cả nó ở nhà, tiếp cơm ông...
- Dạ thưa cụ, trước lạ sau quen, rồi sau này thiếu gì dịp anh em cháu gặp nhau.
- Đường sá xa xôi, mãi tận thành phố Hồ Chí Minh. Bố cả nó một năm chỉ một hai lần ra, dịp công tác. Ngày trước bố cả nó nhà tôi học giỏi lắm, thế mới được cử đi Liên Xô học đấy!
- Thưa... anh nhà ta đi học năm nào ạ?
- Đi sau cái đận thằng Mỹ gây hấn...
- Dạ có phải học ở Ki-ép không... anh ấy tên Th...ành phải không ạ?
- Ồ kìa, thế ra ông cũng biết thằng cả nhà tôi! Đúng là đánh nhau vỡ đầu mới nhận ra người quen...
Tôi chưa kịp giải thích với ông cụ, nào tôi có học với anh Th...à...nh hay anh Th...à con của cụ đâu. Tôi chỉ đoán vậy. Trí nhớ của tôi còn đọng lại cái âm thanh trong đêm, về tên người anh họ của em. Từ lúc ấy trong tôi cảm giác hồi hộp, chờ đợi. Mình đã tìm đúng quê em rồi ư? Số phận chăng? Hiện nay em ra sao? Tôi sốt ruột muốn hỏi, nhưng thấy chưa tiện. Tiếng ông cụ cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
- Tính đến lớp bố cả nó nhà này, làng có nó và con em họ là học cao nhất đấy ông ạ. Thằng anh thì sang tận Liên Xô, còn con em nghề giáo học. Chỉ tiếc là... - nói rồi ông cụ huơ huơ đũa chỉ về hướng cái ao rộng trước nhà - Nhà con em nó ở bên kia cái ao kia kìa. Khổ, người ta có số cả đấy ông ạ!
Tôi lo lắng chờ ông cụ nói tiếp, nhưng ông cụ dừng lại nửa chừng và chuyển sang chuyện khác. Không lẽ tôi lại hỏi. Ngay sau bữa ăn, lấy lý do thăm cảnh xóm làng, tôi loanh quanh ra ngõ. Cứ theo hướng tay ông cụ chỉ trong bữa ăn, thì chắc là lối nhà em đây.
Cổng tre cũ dựa hờ, xiêu vẹo. Con đường nhỏ chạy men sát bờ ao.
Sao vắng lặng và quạnh hiu thế?
Tôi thoáng lo lo cho em, rồi lại tự trấn an, đã chắc gì, biết đâu chỉ là điều ngẫu nhiên, trùng tên, trùng tuổi. Ngày đó nào mình nghe có rõ đâu. Ý nghĩ vậy làm tôi mạnh dạn, bước tiếp vào ngõ và hy vọng, không phải là em.
Ngôi nhà chênh chếch, hướng ra ao. Mái rạ lâu ngày mục xẹp. Vách đất tua tũa, nhiều chỗ trơ cả rứng tre. Trong sân có người phụ nữ lúi húi băm bèo. Từ phía sau tôi có thể quan sát mà người đó không hay biết. Một người phụ nữ gầy guộc, khó đoán tầm bao nhiêu tuổi. Qua cách ăn mặc, chiếc áo nâu bạc thếch, trên vai còn mấy miếng vá... thì đó là một phụ nữ đã đứng tuổi. Đúng, không thể là em. Em tôi khác cơ. Nhận xét ấy làm tôi hơi yên tâm, tiếp tục quan sát.
Dáng ngồi của chị ta hình như không được tự nhiên, người lệch về một phía. Đúng là nhầm lẫn rồi. Đã định quay ra, song tôi lại phân vân. Mái tóc người phụ nữ xoã dài, mái tóc chảy qua vai, chảy buông quết xuống mặt sân... Tóc em ngày ấy rất dài. Người phụ nữ vẫn lúi húi băm băm chặt chặt, không hề biết có khách. Tôi quyết định lên tiếng:
- ư ...m h...ừ. Dạ... tôi hỏi không phải...
Nghe tôi đánh tiếng, người phụ nữ chậm chạp ngoái đầu lại. Mái tóc xoã phủ, làm tôi nhìn không rõ khuôn mặt. Tôi chưa biết xưng hô thế nào cho phải phép, nhưng đủ thời gian kịp quan sát, khuôn mặt người phụ nữ da rám xạm, không linh động, mà dài dại, nhất là một bên mắt. Chắc là di chứng của một căn bệnh nào đó.
- B...á...c h..ỏ...i a...i...?
Giọng nói đơn đớt - người phụ nữ hỏi và nhìn tôi, ông khách lạ. Tôi lúng túng cất lời xin lỗi, nói rằng mình vào nhầm nhà và giải thích là khách của nhà bên kia ao. Đã định quay ra, tôi chợt thoáng thấy hình như khuôn mặt người phụ nữ có sự biến đổi, ánh mắt dại dại hơn... Kìa đôi mắt người ấy trân trân nhìn tôi. Sao đến tận lúc đó tôi mới nhận ra, cái nét quen quen. Rồi những âm thanh lắp bắp, ngọng nghịu phát ra. Tôi nghe nhầm chăng? Không biết lúc đó tôi có động tác hay cử chỉ gì, chỉ thấy người phụ nữ chậm chạp quay lưng, một bên vai lệch xuống và bước đi khó nhọc.
Kìa em!
Tôi như một kẻ vô hồn thốt lên! Không quay lại, em vẫn tập tễnh bước. Mái tóc em buông dài lơ phơ... Tôi như trong mê... Tận khi em khó nhọc bước lên hiên nhà, tận khi em bước khuất sau khung cửa, tôi vẫn trân trân nhìn theo. Nếu không có bà cụ già khua gậy, rờ rẫm trong nhà bước ra, tôi sẽ còn đứng như trời trồng bao lâu nữa:
- Nghe như ai đến nhà ta? Có phải các ông bên uỷ ban... hay ông giáo bên trường sang chơi? Lâu lắm rồi các ông mới sang...?
Tiếng bà cụ thều thào, nghe câu được câu mất. Tròng mắt trắng đục, ngếch ngếch lên. Xen lẫn tiếng bà cụ là tiếng khóc thút thít từ trong nhà vọng ra. Lại tiếng bà cụ:
- Khổ! Khóc. Ngày nào cũng khóc. Ai người ta biết, mà ngóng, mà trông!
Tôi ngập ngừng định cất tiếng chào, nhưng nghe câu nói của bà cụ chợt tôi sững lại. Mình mộng du ư? Không, bên tai tôi, kìa... còn tiếng em tan loãng trong đêm:
- Nhớ tìm em! E..m đ...ợ...i!./.
 
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 747

Return to top