Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Cuồng Điên Vì Nhớ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 2422 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cuồng Điên Vì Nhớ
Trần Quang Thiệu
Chúng tôi ngồi vòng quanh đống lửa. Trời Đà-Lạt đầy sao, không có gió nhưng cái rét rất ngọt ngào. Vũ đập nhẹ vai Thủy, trao chiếc áo lạnh. Con bé mỉm cười cầm áo quấn ngang vai. Tôi nghĩ thầm “Hai đứa này yêu nhau.”
Tùng dùng một nhánh cây dài, khơi cho ngọn lửa cháy đều, đốm lửa bay như cao như pháo bông. Mắt Tùng lâu lâu lại ngước nhìn, như tìm kiếm, ngừng lại trên khuôn mặt người ngồi phía bên kia đống lửa, nhưng cúi gầm khi chạm tia mắt Loan.  Khi tôi ở vào lứa tuổi đó,  tôi cũng giống như Tùng, yêu nhưng không dám mở lời, không dám nhìn thẳng vào mặt người mình yêu. Mối tình si nhẹ nhàng, chỉ một chút bâng khuâng khi chia tay, giã từ mái trường bước chân vào đời.
Tôi đang dạy môn vi tính tại một trường kỹ thuật của người bạn trên Đà Lạt. Tôi trở về VN, nhưng gia đình tôi hãy còn ở bên Hoa-Kỳ, cuối tuần chỉ là những ngày trống rỗng nên đã nhận lời mời của đám sinh viên theo họ vào rừng cắm trại gần thác Đông Sơn. Tôi gần gũi với sinh viên như bạn bè và hầu như không có khoảng cách thầy trò nên có cuộc vui nào họ cũng rủ rê tôi.  
Viễn bắt đầu dạo đàn, hát nghêu ngao “… khi đưa em về là cách xa ngàn trùng …”. 
Vũ đề nghị “Bây giờ mỗi người hát một bài, hoặc bày một trò vui gì đó. Người nào hát xong có quyền chỉ định người kế tiếp. OK?”
Thủy cười “Thế thì Vũ hát trước đi.”
Có tiếng lao sao “Hát bài gì mà  ‘Đừng xa em đêm nay’ hoặc ‘Yêu em dài lâu’ đó.”
Vũ nhìn Thủy, trả lời “Có ngay” nhưng lại giới thiệu bản nhạc tên là ‘Đừng xa anh đêm nay’ của tác giả Đức Huy. Viễn đệm đàn, đầu ngúc ngoắc theo tiếng nhạc, lâu lâu lại trợn mắt nhìn Vũ khi Vũ hát sai tông. 
Thủy rồi Loan lần lần lượt hát những bài tình ca của TCS. Khi Loan hát xong tôi thấy Tùng hồi hộp rõ ràng. Tôi không biết là Tùng mong Loan, hay sợ Loan, sẽ chỉ định mình. Loan chúm chím cười, con mắt nai tơ mở lớn, đưa ngón tay chỉ tôi “Bây giờ đến lượt thầy Duy.”
Cả bọn reo hò “Thầy Duy, thầy Duy …”
Tôi xua tay “Các em biết là tôi không biết hát mà. Thôi để Tùng hát thay tôi đi. Tùng hát hay lắm, và Loan có thể yêu cầu Tùng hát bất cứ bản gì Loan thích,  thí dụ như bản ‘Qua cầu gió bay’ chẳng hạn.”
Cả bọn cười ầm ĩ. Tôi thấy mặt Tùng đỏ gay, lính quýnh tiếp tục khơi ngọn lửa. Loan lắc đầu quầy quậy “Không. Thầy …  ăn gian!”
Tôi thấy Tùng gục đầu nhìn đốm lửa. Chắc là thằng bé không thấy thoải mái nên tôi đành nhận lời “Thôi được, nhưng thay vì hát để tôi kể cho các em nghe một câu chuyện tình, hay đúng hơn chuyện của một nhóm bạn bè khi tôi còn là sinh viên như các em bây giờ.”
Viễn cười “Ha ha, chuyện tình thầy Duy!”
Tôi lắc đầu “Không, chuyện của một người tôi coi như anh. Anh ấy tên là Dũng.”
Loan trao cho tôi ly café “Loan thích nghe chuyện tình của thầy, nhưng thôi thầy kể đi”.
Tôi cười với Loan  “Cám ơn em”,  và bắt đầu.
Chuyện xảy ra ở Berkley California khi tôi bắt đầu năm thứ hai tại đại học danh tiếng này. Năm đầu tiên chúng tôi thường sống luôn trong trường để làm quen với đời sống sinh viên, nhưng kể từ năm thứ hai hầu hết chúng tôi đều ra ngoài thuê apartment ở chung vì tự do hơn, và  nhất là có cơ hôi nấu lấy những món ăn VN mà chúng tôi ưa thích.
 
Sinh viên ngoại quốc như chúng tôi thường có khuynh hướng tụ tập chung một chỗ. Nhóm chúng tôi khá đông, đa số là VN nhưng cũng có Eric Chang từ Đài Loan, Gina gốc Palestine, và đặc biệt có một sinh viên Mỹ đang học về chính trị học tên là Richard. Richard nói tiếng Việt rất rõ, và có tên Việt là Phú. Eric thực ra sinh ở Chợ Lớn nên cũng biết chút tiếng Việt, tuy nhiên chúng tôi ‘cấm’ không cho nói vì mỗi lần Eric nói tiếng Việt là lại gây ra một trận cuời vì khẩu âm ‘Ba Tàu’.
 
‘Cầm đầu’ bọn tôi là anh Dũng. Anh nhiều tuổi hơn chúng tôi, theo học môn vật-lý địa cầu, và đang làm luận án tiến sĩ về những đường bay cho các vệ tinh nhân tạo. Dũng không những chỉ là đàn anh về học vấn và tuổi tác, anh còn  là một mẫu người lý tưởng, cao lớn, thân hình nở nang như một thứ James Bond. Dũng được học bổng quốc gia, đã học xong Master, và đáng lẽ phải trở về VN nhưng anh đã quyết định ở lại Mỹ, đi làm bán thời để tiếp tục học lấy bằng tiến-sĩ. Anh nói “Master giở ông giở thằng, chẳng ra cái gì cả.” 
 
Cùng là sinh viên ngọai quốc nhưng Dũng không thích chơi với các sinh viên Ả Rập giàu có tiền bạc rủng rỉnh, con cái những gia đình dầu hoả vương giả từ Iran, Saudi Arabia, v.v…. Anh gọi họ là ‘Rệp’, và  có lần dọa đánh thằng Saiid vì nó gọi Mỹ-Phượng và Diễm là ‘Hey, babies’. Dũng không giao thiệp với ‘Rệp’ nhưng anh lại chấp nhận Gina, cô gái miền Trung Á nhỏ nhắn, xinh xắn và dịu dàng như một nhà nữ tu.
 
Anh nói “Mắt con Na nó buồn quá. Không nhà đã buồn, không có mảnh đất dung thân cho cả một dân tộc thật là điều bất hạnh.”
 
Đặt nickname cho bọn con gái cũng là do anh Dũng ‘đầu têu’ cho tụi con trai.  Con gái đứa nào cũng có tên trái cây tùy theo kích thước … nhũ hoa. Trong toà nhà mấy chục phòng đó chúng tôi có đủ cả Cam, Cau, Dừa, Bưởi … chỉ  thiếu Mít! Phú là người thích thú với lối đặt tên này nhất. Phú gọi đó là ‘văn hoá VN, không thấy ở Hoa kỳ’. Mùa hè Phú ngồi trên ghế dài cạnh swimming pool, ngắm đàn bà con gái đến tắm, và lầm bầm đặt tên. Có đứa hỏi “What the hell are you saying?” Phú trả lời tỉnh bơ là nó đang học nói tiếng Việt.
 
Gina không biết ‘triết lý’ đó, hỏi tôi là sao lại gọi nó là ‘Na’. Tôi giải thích “Người Việt chỉ gọi tên tắt, thí dụ như Mỹ Phượng chỉ được gọi là Phượng. Tên bạn là Gina nên gọi là ‘Na’ là đúng mốt VN rồi.”
 
Tôi cười nói thêm “Bạn muốn làm dâu VN, mang họ Nguyễn như anh Dũng thì bạn nên bằng lòng với cái tên Việt Nam đó đi.”
 
Tôi thấy má Na đỏ hồng vì e thẹn! Cũng có vài điều kỳ lạ về Na. Trong lúc chúng tôi chung phòng cho đỡ tốn kém (trừ anh Dũng đã đi làm part-time kiếm ra tiền), Na một mình thuê riêng một phòng và hầu như không mời ai vào phòng mình bao giờ. Thỉnh thoảng có một người con trai Palestine, Na giới thiệu là anh họ, tới đón Na đi đâu đó đến khuya mới về. Có lần Trung, người chung phòng với tôi,  trắng trợn hỏi Na về ‘ông anh họ’  và  châm chọc Na “Mày có bồ rủ nhau đi kiếm chỗ kín đáo yêu nhau thì cũng là việc tự nhiên, cần gì mà phải nói dối.”
 
Na chỉ cười bảo Trung “You, dirty mind!”
 
Phòng  anh Dũng là chỗ chúng tôi hay tụ tập vào cuối tuần để nấu ăn, hát hỏng và vui đùa với nhau. Bao giờ Na cũng có mặt, và dù không hiểu tiếng Việt nhưng luôn luôn giữ nụ cười trên môi. Chỉ khi nào chúng tôi vừa nói vừa nhìn Na thì Na mới mở lớn đôi mắt nhìn lại như hỏi thầm “Các bạn nói gì về tôi?”
 
Nhiều lúc mặc cho chúng tôi ồn ào Na chỉ đứng  yên một chỗ, lặng lẽ vuốt ve những món đồ nhỏ mọn của anh Dũng như cây viết, khung hình,  hoặc đơn sơ hơn, cái ghế anh thường ngồi. Chúng tôi đều nghĩ là Na yêu Dũng và có lần hỏi anh:
 
“Na nó yêu anh mà không dám nói. Anh biết không?”
 
Dũng gạt đi “Không có đâu, chúng mày chỉ vớ vẩn. Với lại ‘hai phương trời cách biệt’,  cuối năm nay nó ra trường, phải về Syria, chỗ ‘bộ lạc’ nó tạm trú, chờ ngày thành lập quốc-gia Palestine.”
 
Dũng nói không yêu Na, nhưng anh săn sóc Na tận tình.  Trời mưa anh mang dùm chồng sách nặng, che dù cho Na trên đường từ thư viện về. Có lần Na đau, Dũng nhờ Phượng nấu cháo mang sang cho Na.
 
Phượng hỏi “Sao anh không mang sang. Na nó cần anh chứ cần gì cháo!”
 
Dũng cười gượng “Chúng mày chỉ vớ vẩn.”
 
Trade-mark của Dũng là “Chúng mày chỉ vớ vẩn” khi anh không đồng ý với chúng tôi về bất cứ chuyện gì. Anh coi mấy đứa VN chúng tôi như em út trong nhà, và có lẽ anh coi Na cũng như một cô em gái diụ dàng. Na nhút nhát nên anh ân cần, còn Phượng thì Dũng coi như em trai, có lần anh mắng ‘cứ như con gà tồ thế này thì đứa nào nó mê’ làm Phượng giận mất mấy ngày.
 
Năm đó Na tốt nghiệp cử nhân hoá-học, nhưng luận án của anh Dũng vẫn còn trục trặc. Anh chê “Lão Smith lỗi thời và  … ngu như con bò”. Smith là tên vị giáo-sư già đỡ đầu luận án của anh. Thứ Năm nào lên gặp giáo sư về anh cũng càu nhàu và buồn bã. Na còn buồn hơn, quấn quít bên anh suốt ngày như có gì muốn nói nhưng không nói được ra lời. Hôm giã từ Na ôm hôn từng đứa trong bọn, nhưng lại đúng chết lặng trước mặt anh Dũng rồi oà khóc, bỏ chạy ra xe do ‘thằng anh họ’ lái đang đứng chờ. Anh Dũng nhìn theo thở dài nhưng cũng không nói một lời.
 
Anh rủ tôi và Trung “Chúng mày đi uống rượu với anh không?”
 
Phượng lên tiếng “Cho em đi với.”
 
Đêm đó chúng tôi ngồi ngoài bar gần cổng trường cho đến khuya. Trên đường về Dũng hát lè nhè “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê …”.
 
Khi chia tay về phòng anh nói thật buồn “Bây giờ  Gina nó đi rồi tao mới biết là tao yêu nó thật.”
 
Mùa hè năm ấy chúng tôi tạm chia tay. Anh Dũng ở lại tiếp tục đi làm và tiếp tục hục hặc với ông Smith già. Tôi sang Washington DC thăm bà cô đang làm việc tại toà Đại sứ VN. Trung, Phượng, Diễm, Eric và Richard cũng đi thăm họ hàng hay bạn bè, hẹn nhau tháng Tám trở về nhập trường và lại sống quây quần như trước đây.
 
Tôi trở về đầu tiên, và ngay ngày đó tôi gặp anh Dũng ngồi trên ghế đá ngoài vườn hoa nhỏ trước nhà.  Tay anh cầm lá thư, gục đầu, không buồn trả lời câu chào hỏi của tôi. Tôi ngồi xuống bên Dũng “Anh sao vậy? Duy đây mà!”
 
Dũng vẫn cúi đầu, một phút trôi qua rồi anh mới nghẹn ngào “Na nó chết rồi!”
 
Tôi giật bắn người. Khi chia tay Na hẹn sẽ viết thư  khi chúng tôi trở lại trường. Tôi vẫn nhớ đôi mắt u-buồn của Na, và vẫn mong Na tìm được một chốn bình yên, không hận thù.
 
Tôi thấy mình thổn thức “Tại sao lại thế? Ai nói cho anh nghe?”
 
“Thư của Na. Nó viết trước khi chết. Hôm nay cũng được hơn một tuần rồi. Cũng tại anh phần nào.”
 
Dũng lại ngồi yên, tôi cũng im lìm. Hồi lâu Dũng nhìn tôi “Duy biết ‘thằng anh họ’ của Na không? Thằng Reza đó. Thực ra thì nó chính là tổ trưởng của Na. Na được gửi sang bên này, học về hóa học để trở về bên đó làn việc trong một phòng Lab chuyên chế bom nổ chậm cho các đoàn viên cảm tử mang đi giết hại dân Do Thái. Thỉnh thoảng Reza đón Na đi họp tổ, học giáo điều và kiểm điểm hành động của đoàn viên. Chúng mình không tin nó là ông anh họ, cứ nghĩ rằng họ là tình nhân.”
 
Anh đưa cao lá thư “Này Duy xem, Na nó viết, để anh dịch cho chú nghe: Bây giờ thì em xa anh nửa trái địa cầu, bây giờ thì em mới có can đảm nói với anh là em rất yêu anh. Em muốn làm con chim nhỏ bé để được anh che chở suốt đời, nhưng như anh biết, em mang trong người một ‘sứ mạng’, em không được nghĩ đến mình, đến tình yêu nên dù yêu anh muôn vàn em cũng không dám nói lên lời. Bây giờ thì đã khác, em nói bằng con tim … nhưng dù sao thì cũng đã muộn rồi.”
 
Dũng ngừng lại như nén cơn xúc động trưóc khi nói tiếp “Thư dài lắm, nhưng để anh tóm tắt cho chú nghe. Reza nó cũng yêu Gina, và bây giờ thì chú biết tại sao nó nhìn chúng mình gầm gừ mỗi lần nó đến đón Na.  Khi về nước nó tỏ tình. Na từ chối, Reza ngỡ ngàng nhưng rồi thì nó cũng biết là Na yêu anh. Nó điên lên, kết tội Na là ‘phản bội’, và cố gắng thuyết phục Na nhưng Na vẫn cương quyết chối từ. Cuối cùng chú biết không, nó dùng quyền hạn và giáo quy ra lệnh cho Na mang bom vào Do-Thái, tự sát trên xe bus đông người, hy-sinh cho quốc giáo.  Đây chú nghe thêm đoạn thư này:
 
Em yêu dân mình và em yêu tổ quốc Palestine nhưng em không thể nào đi giết người vô tội như người ta muốn em làm. Anh biết không, em thấy được tấm lòng bao dung của anh và của bạn bè VN, em yêu nếp sống hiền hòa của các anh, và em đã hiểu là tình thương chứ không phải hận thù mới giải thoát được con người.
 
Duy có lần hỏi em có muốn làm con dâu VN, mang họ Nguyễn của anh hay không. Anh ơi, đó là giấc mơ một đời và em sẽ ôm ấp xuống suối vàng. Khi anh đọc thư này thì em đã ra người thiên cổ. Em không đi giết người đâu. Đêm nay em sẽ chết, nhưng chỉ mình em. Tình yêu em dành cho anh sẽ không chết. Nếu có thiên đường em sẽ đứng trên đó trông xuống trần gian mà  gọi tên anh.”
 
Dũng nấc lên và tôi cũng thấy mắt mình cay cay. Tôi vỗ vai anh “Thôi anh ạ, như Na nói, mọi sự cũng đã muộn rồi.”
 
Dũng như nghẹn lời “Giá hồi đó anh đừng u mê với cái luận án khốn khổ này, giá anh nói vớí Na rằng anh thương đôi mắt u-buồn của Na nhưng anh cũng thương em côi cút, và anh yêu em, muốn che chở cho em suốt đời thì biết đâu bọn anh chẳng đã có hạnh phúc bên nhau, Na đã không chết thảm, và anh không thấy mình chẳng ra gì.”
 
Tôi an ủi Dũng “Dù anh có nói, dù Na có nói, và dù hai người có yêu nhau tha thiết thì hạnh phúc đó cũng sẽ không lâu dài. Bọn người điên cuồng đó cũng sẽ không dung tha Na. Họ sẽ tìm Na dù cho góc biển chân trời, để trả thù kẻ họ coi là phản giáo. Yêu anh tha thiết mà Na không dám nói chỉ vì nghĩ đến sự an nguy cho cả hai người. Na đã hy sinh cho anh, cho tình yêu.”
 
Dũng nghiến răng “Anh muốn qua Do-Thái đầu quân, đi giết hết mấy thằng độc ác dã man vô nhân đạo đó!”
 
Tôi mỉm cười “Anh nghĩ quẩn rồi. Thứ nhất, chắc gì Do-Thái nhận anh. Hơn thế nữa anh sẽ phụ lòng Na. Na yêu anh, học được của chúng mình tấm lòng bao dung và nếp sống hiền hòa. Anh làm thế sao đành.”
 
Dũng buồn gục đầu. Tôi rủ Dũng “Anh em mình đi uống rượu. Em còn ít tiền bà cô cho. Hôm nay em bao anh. Uống cho đỡ buồn.”
 
Gần tới ngày khai trường nhóm bạn bè về dần và chúng tôi lại tụ tập vào cùng khu apartment trước đây. Khi nghe tôi kể chuyện Reza và Na, Eric bật lên chửi thề “Lù mẹ thằng chó lẻ. Son of the bitches!”
 
Ðang buồn tôi cũng bật cười “Eric, bọn tao đã cấm mày nói tiếng Việt mà.”
 
Anh Dũng bỏ Berkley ngày chúng tôi tựu trường. Anh nói không có hy-vọng gì được lão Smith già chấp nhận luận án của anh. Anh xuống Nam California làm việc cho Hughes AirCraft Company, một hãng chuyên về quốc phòng và vệ tinh nhân tạo, một vài năm rồi sẽ trở về làm lại từ đầu.
 
Hơn thế nữa, anh tâm sự “Mỗi lần đi ngang căn phòng cũ của Na anh không khỏi đau lòng. Anh nghĩ về Na quá nhiều nên không thể ở lại nơi này.”
 
Sau đó, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn liên lạc bằng email, nhưng đó là lần cuối cùng tôi gặp anh. Cuối năm học đó cả Trung và Phượng ra trường, và sẽ làm đám cưới. Hai đứa yêu nhau và không muốn mất cơ hội như anh Dũng và Na. Tôi email báo tin và hỏi “Anh về không?”
 
Email của anh làm tôi ngỡ ngàng. Anh hỏi “Phượng nào thế nhỉ”. Tôi không thể nào tin được là anh đã quên chúng tôi, và quên mau như vậy. Tôi điện thọai cho anh. Anh nhận ra tôi nhưng chỉ sau câu hỏi thăm thông thường anh bắt đầu nói về Trang Tử, nói về người đàn bà quạt mồ, về con bướm, và anh làm tôi sững sờ “Anh mới gặp Na!”
 
Tôi biết là anh không còn bình thường nữa, và đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với anh. Vài năm sau tôi gặp Ngọc, em gái của Dũng, tôi hỏi về anh. Ngọc nói thật buồn “Anh Dũng vào nhà thương vì bệnh tâm thần mất mấy tháng. Xuất viện anh qua Georgia làm việc cho Lockheed Martin, nhưng chỉ được ít lâu sau anh biến mất. Hôm mẹ em qua đời ở Pháp cũng không thấy anh ấy sang. Em không biết bây giờ anh Dũng ở đâu, còn sống hay đã chết.”
Tôi kết thúc câu chuyện, ngồi trầm ngâm. Thủy nói “Chuyện buồn quá”. Vũ nhìn Thủy âu yếm “Chuyện Trung và Phượng đâu có buồn, chúng mình …” và Vũ ngập ngừng không nói tiếp, nhưng mọi người hình như đều hiểu Vũ muốn nói gì. Thủy chớp mắt, yên lặng đưa bàn tay nắm tay Vũ.
Tôi nhìn Tùng “Như các em biết, chuyện tình nào cũng có những giây phút vui buồn. Miễn là các em thành thật với lòng mình, và đôi khi cần một chút quyết tâm, phải không Tùng.”
Tùng hình như tự tin hơn, ngước nhìn mọi người cười nhẹ “Thầy Duy nói vậy nhưng tôi thấy có khi, và có những chuyện, mình chỉ  muốn giữ cho riêng mình.  Như thế nó đẹp hơn nhiều.”
Viễn la lớn “Khai ra đi. Biết đâu tụi này  chẳng … giúp được một tay!”
Tùng chỉ lắc đầu mỉm cười.  Tôi nói thêm “Không phải chỉ có tình yêu mới làm chúng ta ‘cuồng điên vì nhớ’. Có những tình bạn, nhất là tình bạn thời niên thiếu như tuổi các em bây giờ, cũng làm chúng ta nhớ mãi khôn nguôi.”
Viễn pha trò “Thế thầy có … điên như chúng em không?”
Tôi mỉm cười “Có lẽ còn … điên hơn các em một chút. Năm 17 tuổi tôi và hai người bạn  cùng lớp leo lên đỉnh Lâm Viên, đốt lửa ngủ qua đêm. Khi đó núi rừng còn hoang vu, chỉ có một con đường mòn dốc ngược dẫn lên núi chứ không có đường xe chạy như bây giờ. Trời gần sáng chúng tôi ngủ quên, tàn lửa bay xuống triền núi làm cháy rừng. Khi biết được chúng tôi chỉ còn đủ thời giờ chạy xuống núi như bị heo rừng đuổi. Chỉ có Du trốn thoát còn tôi và Đỗ bị một nhân viên canh rừng ở chân núi bắt dẫn về đồn cảnh sát Đà-Lạt vì tội đốt rừng.”
Viễn hỏi “Thế thầy bị … tù mấy năm?”
Tôi cười xoà “Một nửa ngày!  Ba của Ðỗ được thông báo bằng điện thoại, tới lãnh tụi tôi ra. Chúng tôi là bạn thân nên ba của Đỗ cũng coi tôi như con. Ông bợp tai mỗi đứa mấy cái và sỉ vả cho một trận. Chưa hết, lúc đó không rõ từ đâu Du lò dò ló đầu ra, xin chịu tội chung. Ba của Ðỗ tức quá lại cho mỗi đứa thêm một cái bợp tai nữa! Khi cha con Ðỗ đã lên xe ra về, tôi cằn nhằn, hỏi Du ló đầu ra làm gì để bị ăn đòn. Du ôm vai tôi ngậm ngùi kể lể “Thấy chúng mầy, nhất là mầy, bị đòn tao không đành lòng trốn mãi sau gốc cây”. Du móc túi đưa cho tôi chiếc bắp nướng, thì thầm “Muốn mua cho mầy ổ bánh mì thịt nhưng không đủ tiền, thôi ăn tạm cho đỡ đói”. Du còn theo tôi về tận nhà, phân trần với bố tôi là chính Du vô ý làm cháy rừng chứ không phải tôi.”
Tôi nhấp một ngụm café, đưa mắt nhìn đám sinh viên “Các em biết không, chỉ vì một chút chân tình đó mà tôi nhớ tới bạn tôi suốt đời. Tiếc rằng hoàn cảnh đưa đẩy, Du vào quân đội và tử trận, mất xác bên Hạ Lào. Được tin tôi đã khóc nức nở. Không biết sau này mẹ Du có ‘lên núi tìm xương con mình’ hay không. Mà thôi, tôi lại kể chuyện buồn nữa rồi. Xin lỗi các em nghe.”
Loan lại gần tôi, đỡ ly café đã nguội lạnh “Để Loan lấy café nóng cho thầy.”
Tôi lắc đầu “Các em cứ tự nhiên vui chơi. Tôi xin phép đi ngủ trước. Vào tuổi này tôi không còn thức khuya được như xưa.”
Tôi trở về chỗ nằm, nhìn lên bầu trời sao. Tôi nhớ tới Du, tới Bích tới, tới Vinh, tới những người bạn đã qua đời và tôi thấy lòng chùng xuống u-buồn. Viễn lại dạo đàn hát nghêu ngao “ Ðừng nhìn anh nữa em ơi….”. Tôi nhìn sang, lửa vẫn cháy bập bùng, có những mái đầu chụm lại gần nhau hơn, nhưng cũng có đôi mắt lẻ loi nhìn về phía tôi. Hình như là mắt Loan.
Mùa Xuân - 2006.
Trần Quang Thiệu



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 611

Return to top