Đã ba mùa thay lá đi qua mà Trường Huy cứ ngỡ ba mươi năm dài đăng đẳng. Anh đếm từng giây, từng phút, từng ngày… mong cho thời gian hãy lao đi thật nhanh để đến ngày Mai Nguyễn hoàn toàn bình phục, nhưng mà sao nó dài thê thảm đến thế?
Hôm nay, Mai Nguyễn mở mắt nhìn sự vật xung quanh, anh mừng đến rơi nước mắt. Công sức anh bỏ ra giờ đã có một phần kết quả. Tuy cô có thể đi đừng bình thườn, nhưng đôi mắt ấy vẫn vô hồn, cô đã hoàn toàn mất trí nhớ và khả năng phục hồi rất thấp. Nhưng Trường Huy không bỏ cuộc, anh từng nói với Uyển Nhi:
− Mai Nguyễn có thể đi đứng bình thường là anh mừng lắm rồi, dù phải chờ đợi bao năm nữa, anh cũng quyết lòng giành giật mạng sống của cô ấy với tử thần, chỉ mong cô ấy mau sớm nhớ lại những chuyện xưa. Dù chỉ có một phần trăm hy vọng mỏng manh, anh cũng không bỏ qua cơ hội, miễn sao cô ấy có lại trí nhớ ngày nào. Quá khứ rất quan trọng với cô ấy. Nhớ lại quá khứ, cô ấy sẽ trở lại bình thường.
Và kể từ đó, Trường Huy tiếp tục công việc đều đặn của mình. Anh kể cho Mai Nguyễn nghe cuộc sống xung quanh, rồi lại khơi gợi quá khứ giúp Mai Nguyễn phục hồi trí nhớ. Tình yêu và niềm hy vọng vẫn rừng rực trong mắt anh. Nước mắt, sức mạnh dữ dội của tình yêu, cả tiền bạc nữa, hỗ trợ cho anh tiếp nguồn sống cho Mai Nguyễn. Những gì liên quan đến bệnh tình Mai Nguyễn, đến kỷ niệm hai người, anh đều khắc cốt ghi tâm và lập lại cho cô nghe như cái máy đều đặn phát trên sóng. Còn mọi thứ anh đều lơ đãng, kể cả bản thân. Thế nhưng anh không có vẻ gì bất hạnh. Hoàn toàn hiến dâng mình cho kẻ khác, xem ra cũng là một thứ hạnh phúc.
Hôm nay, Trường Huy về nhà thăm ba mẹ như lệ. Nhìn con trai tiều tụy hốc hác hẳn đi, lòng người mẹ dâng lên nỗi đau xót.
− Trường Huy! Mẹ có chuyện muốn nói với con. – Bà My lên tiếng khi anh đang sửa soạn quần áo.
− Dạ, mẹ cứ nói. – Anh đáp, nhưng vẫn tiếp tục công việc của mình.
− Con xuống phòng khách, ba mẹ chờ.
Giọng bà hôm nay nghiêm trang pha chút tự tin. Trường Huy hiểu chắc là điều hệ trọng. Anh đóng va li lại, bước theo mẹ xuống lầu.
Đợi anh yên vị trên bộ ghế xa lông, bà My mở lời:
− Từ lúc Mai Nguyễn ngã bệnh đến nay đã ba năm. Ba năm mẹ chấp nhận hy sinh tình mẫu tử để con đi đi về về giữa nhà và bệnh viện. Nói đúng hơn, ba năm qua, nhà của con là ở phòng bệnh của Mai Nguyễn.
Ngừng một lúc, bà tiếp:
− Không phải mẹ là người sống không có tình nghĩa. Mẹ cũng là người có máu chảy về tim, mẹ cũng hiểu được việc gì nên hay không nên làm. Ba năm qua, mẹ đã chờ đọi mỏi mòn ngày Mai Nguyễn hoàn toàn bình phục, nhưng vô vọng. Bây giờ con bé có tỉnh lại cũng chỉ là tỉnh phần thể xác, còn tâm hồn thì trống rỗng. Con bé không nhớ tí gì về quá khứ hay nhận thức được sự việc xung quanh. Thử hỏi ba năm qua có phải uổng phí cả thời gian và sức lực hay không? Biết đến bao giờ con bé mới thực sự bình phục. Mẹ đã chán nản lắm rồi, mẹ đã già, mẹ không đủ thời gian để chờ đợi như con nữa.
Trường Huy vẫn giữ nét mặt bình thản nhưng lạnh lùng, anh cất tiếng hỏi:
− Vậy ý của mẹ là gì? Mẹ có thể nói thẳng mà không cần phải rào trước đón sau gì cả.
− Mẹ muốn con cưới vợ để có con nối dõi tông đường. – Bà My chỉ chờ có thế - Con đừng quên nhà này ba mẹ chỉ có duy nhất là con. Con cần thể hiện sự hiếu thảo của mình. Ba năm qua, con đã vẹn tình cùng Mai Nguyễn, thế cũng quá đủ rồi. Giờ con chứng minh cho mẹ thấy con là con trai của gia đình, là đứa con có hiếu nhu mẹ ba mong đợi.
− Con không thể bỏ Mai Nguyễn đi lấy vợ được. - Trường Huy cũng giữ lập trường của mình – Con không thể tìm hạnh phúc riêng cho bản thân trong khi cô ấy như đứa trẻ không biết gì. Con không thể bỏ mặc cô ấy sống chết một mình được. Con phải lo cho cô ấy đến cuối cuộc đời con.
− Mẹ có bảo không cho con lo cho con bé đâu. Cưới vợ về, vợ chồng con sẽ cùng lo cho con bé, có hai vẫn hơn một người hay không. Đã ba năm rồi, chứ đâu phải chi ba tháng, vậy mà con bé có bình phục đâu. Ba mẹ không thể chờ thêm nữa. Con phải cưới vợ để ba mẹ có cháu ẵm bồng.
− Nhưng con đã thề cùng Mai Nguyễn chỉ yêu và cưới cô ấy thôi.
− Mẹ không cấm con yêu nó, nhưng con không thể cưới một đứa hoàn toàn không biết gì, không nhận thức được về làm vợ. Con cũng đã nói nó bây giờ không khác gì đứa trẻ, cái gì cũng không biết, nếu không nói còn thua đứa trẻ lên ba nữa, thì làm sao có thể về làm vợ làm dâu trong cái nhà này được.
Bà My cố giữ vẻ bình tĩnh khuyên can con mình. Nhưng Trường Huy còn giữ lập trường vững hơn bà, anh nói:
− Con không thể lấy ai khác ngoài Mai Nguyễn, xin mẹ hiểu cho con.
− Mẹ hiểu cho con, vậy con có chịu hiểu và thông cảm cho địa vị của mẹ không? Là mẹ, nhưng lúc nào vị trí của mẹ trong lòng con cũng thua một Mai Nguyễn ngây ngây dại dại kia. Là mẹ, nhưng có bao giờ con chịu nghe mẹ dù chỉ một lần không? Ba năm trước, mẹ đã nhường con một bước để con tự quyết định tương lai mình. Ba năm trước mẹ vì quá thương và chiều theo ý con để con hủy bỏ cả tương lai tươi sáng của mình để ở lại chăm sóc Mai Nguyễn. Ba năm trước mẹ để cho con chọn bến tình mà đi. Nhưng kể từ hôm nay, mẹ nói, con phải vâng lời. Mẹ lấy cái quyền làm mẹ, sinh ra con và nuôi dạy con nên người để bắt con phải đi cưới vợ ngay lập tức. Đó là lệnh!
Trường Huy nhìn mẹ trân trối như để xác định xem lời mẹ anh nói là thật hay chỉ dọa suông như bao lần. Nhưng ánh mắt bà My hằn lên sự cương quyết giận dữ, anh hiểu mẹ mình hoàn toàn không đùa chút nào. Và có lẽ sự chờ đợi của bà đã đến giới hạn cuối cùng. Cho dù thế nào đi nữa, anh cũng quyết bảo vệ tình yêu của mình cho đến cùng.
− Con biết mẹ rất buồn vì con. Con xin lỗi ba mẹ, nhưng con không thể làm khác hơn được, con không thể nghe theo lời mẹ. Chắc mẹ sẽ thất vọng và buồn giận con lắm, nhưng thật tình con chỉ yêu mình Mai Nguyễn và chỉ cưới cô ấy thôi.
Bấy giờ, ông Đăng Trình mới lên tiếng:
− Lúc trước, ba luôn ủng hộ theo ý con, nhưng lần này ba theo phe của mẹ, bởi ba mẹ có cái lý riêng của bậc làm cha mẹ. Con phải cưới vợ, Uyển Nhi là cô gài tốt, biết cách cư xử, hơn nữa lại là bạn thân của Mai Nguyễn. Ba tin rằng cưới Uyển Nhi, con vừa làm tròn chữ hiếu với ba mẹ vừa vẹn chữ nghĩa tình với Mai Nguyễn. Hai vợ chồng con sẽ chăm sóc con bé trong thời kỳ khó khăn này. Nếu Mai Nguyễn tỉnh lại, ba tin con bé sẽ không trách giận hai đứa bao giờ. Vì con bé là người thông minh lại hiểu lý tình. Chẳng những thế, con bé còn biết ơn hai đứa đã chăm sóc lo lắng yêu thương con bé trong suốt thời gian mang bệnh. Ba đã cạn lời, mong con hiểu.
− Con phải lấy Uyển Nhi ư? - Trường Huy đau khổ thống thiết van lên – Không, sẽ không bao giờ có việc đó. Thà rằng con chết đi hoặc giả ngây dại như Mai Nguyễn mà hạnh phúc hơn khi phải đứng giữa bên tình bên hiếu như thế này. Con sẽ đau khổ biết bao khi phải chọn lựa một trong hai điều, khi mà cả hai đều quan trọng như nhau trong cuộc đời con.
− Mày… mày có thể nói như thế với ba mẹ mày ư? Thằng con bất hiếu…
Bà My nói chưa tròn câu đã phải ngất đi vì tức giận. Đứa con mà bà thương yêu lo lắng hai mươi mấy năm qua, giờ vì tình mà dám phó mặc cho gia đình bà đi dần vào con đường tuyệt tự.
− Bà ơi! Bà đừng bỏ tôi mà đi bà ơi. – Ông Đăng Trình vội lay vợ dậy.
Trường Huy chợt hối hận vì đã để mẹ tức giận mà ảnh hưởng đến bệnh tình. Anh thấy mình là đứa con bất hiếu mang đầy tội lỗi nếu như mẹ anh có bề gì.
− Mẹ ơi! Mẹ hãy tỉnh lại mà vui sống với con đi mẹ. Con hứa sẽ lấy Uyển Nhi làm vợ như lời mẹ dạy dù có bóp chết tim con…
oOo
Uyển Nhi ngồi đối diện với Trường Huy mà tâm hồn cô để tận nơi đâu. Đầu óc cô bây giờ trở nên mụ mẫm một cách lạ thường. Cả cô và anh đều không ngờ sự việc lại chuyển biến theo chiều hướng bất lợi này. Cả hai người mẹ đều mong muốn con mình đẹp đôi, yên bề gia thất và cả hai bà mẹ đều muốn làm sui với nhau, cho nên cả hai đều thúc ép, thậm chí còn dùng cả quyền làm mẹ ra bắt buộc.
Uyển Nhi nhìn Trường Huy đau khổ vật vã mà cô không khỏi xót xa cho duyên phận mình. Rồi như không thể chịu đựng được cảnh tình trước mắt, cô quay sang phòng bà My van nài:
− Con biết bác rất thương con và muốn con là dâu của bá. Cả con cũng thế. Nhưng ngoài con ra, còn có một người đáng thương hơn gấp trăm vạn lần đó chính là Mai Nguyễn. Bạn con từ một cô gái xinh đẹp hoạt bát, là hoa khôi của trường sư phạm, có một mái ấm gia đình hạnh phúc sống trong vòng tay yêu thương của mẹ hiền, mà giờ đây chẳng những mất đi tình mẫu tử cao cả thiêng liêng ấy, mà còn trở thành phế nhân, sống nhờ vào sự chăm sóc yêu thương của bạn bè người yêu và nhờ vào thuốc men. Là bạn chí thân, con không thể cướp đi nguồn sống còn lại duy nhất của Mai Nguyễn. Con sẽ ăn nói làm sao với mẹ ở suối vàng khi mẹ cũng đã từng thương yêu lo cho con như lo cho chính Mai Nguyễn? Làm sao con còn dám gặp mặt Mai Nguyễn hằng ngày mà không thẹn thùng xấu hổ khi con cướp đi tình yêu, sự sống của bạn mình dù rằng Mai Nguyễn không còn biết gì cả. Làm sao con và anh Huy có thể sống hạnh phúc vui vẻ khi niềm vui sướng ấy có được bằng sự mất mát của Mai Nguyễn, và nhất là giữa con và anh Huy không hề có tình yêu. Rồi khi đêm về đối diện với chính mình, cả hai sẽ vô cùng đau khổ khi bóp chết tương lai tình yêu của nhau.
Bà My vuốt mấy cọng tóc mai bay lòa xòa trước mặt Uyển Nhi, nói:
− Con chưa có người yêu, còn Mai Nguyễn hiện giờ lại không thể có cuộc sống bình thương như bao người khác được. Vậy thì tại sao hai đứa không thể sống chung nên vợ nên chồng. Đã ba năm qua, Mai Nguyễn vẫn ngây dại như một đứa trẻ, liệu Trường Huy phải chờ đợi thêm bao lâu nữa? Trường Huy có sức chịu đựng đợi chờ thì hai bác đây lại không đủ kiên nhẫn chờ đợi. Bác đã lớn tuổi lại nay ốm mai đau, sống chết không biết lúc nào. Ước nguyện của bác trước khi nhắm mắt là nhìn thấy Trường Huy có vợ, có con như người ta. Nếu ông trời còn thương cho bác được bồng bế cháu nội của mình, thì còn hạnh phúc nào bằng.
Bà My lấy tay chặn ngực như kiềm chế cơn xúc động của mình. Hơi thở dồn dập, bà tiếp:
− Con có thương bác thì hãy chấp nhận lấy Trường Huy và làm dâu nhà bác. Còn Mai Nguyễn, hai đứa là bạn thân của nhau, việc Trường Huy chăm sóc con bé chắc sẽ không làm con phải ghen giận. Nếu không nói con vì tình bạn mà cùng Trường Huy chăm lo cho con bé. Mai Nguyễn có nhớ lại thì cũng sẽ không bao giờ trách Trường Huy phụ tình hay trách con phản bạn, mà còn phải cám ơn con đã chăm sóc con bé bao năm qua. Chỉ còn biết trách trời buồn duyên kiếp. Con bé không có nợ vợ chồng với Trường Huy, không có duyên làm dâu nhà bác, thì thôi… đành vậy.
Nói xong, bà My thở gấp làm Uyển Nhi bối rối la toáng lên, cũng may Trường Huy có mặt kịp thời tiêm thuốc cho bà. Đợi mẹ thiếp dần vào giấc ngủ, Trường Huy lặng lẽ quay về phòng, Uyển Nhi nối bước theo sau.
Trường Huy mồi điếu thuốc, rồi rít một hơi thật dài. Khói thuốc bay khắp căn phòng đã u tối lại càng mù mịt hơn. Anh trầm ngâm nghĩ ngợi rất lâu, lát sau khẽ lên tiếng:
− Uyển Nhi định lẽ nào?
− Sao anh lại hỏi ý em? Thế, ý của anh ra sao?
− Anh suy nghĩ rất nhiều và anh cũng tìm cho chúng ta một lối đi. Nhưng…
− Nhưng sao? - Uyển Nhi buồn buồn thăm hỏi.
− Nhưng lối đi ấy phải có một trong hai chúng ta chịu thiệt thòi, nói đúng hơn…
− Nói đúng hơn, người chịu thiệt là em, cho nên anh mới do dự chưa dám nói ra, có phải vậy không? Anh hãy an tâm, cho dù có nhận về mình bao nhiêu thiệt thòi, mà để cho anh vẹn tình cùng Mai Nguyễn, em cũng bằng lòng. Anh hãy tin ở em.
Được Uyển Nhi khích lệ, Trường Huy có phần mạnh dạn hơn, anh ngập ngừng nói.
− Anh đồng ý sẽ cưới em làm vợ thật sự của mình khi anh hết hy vọng ở Mai Nguyễn. Anh rất in có một ngày cô ấy sẽ hoàn toàn bình phục trí nhớ, cho nên anh không thể nào phụ cô ấy được. Còn bảo em chờ thì tội cho em phí cả tuổi xuân xanh vì anh. Nhưng mẹ anh lại hối thúc, anh phải làm đám cưới với em ngay. Anh…
− Vậy chúng ta cứ gật đầu ưng thuận điều kiện của bác gái và mẹ em. Chúng mình phải viện lý do nào đó để kéo dài thời gian, chẳng hạn bằng một lễ hỏi, ba năm sau sẽ tổ chức đám cưới. Thời gian ba năm đó đủ để cho anh giúp Mai Nguyễn phục hồi trí nhớ và để cho chúng ta làm tròn chữ hiếu với ba mẹ, vẹn chữ nghĩa chữ tình với Mai Nguyễn. Và để hai chúng ta tự soi lại lòng mình có nên tiếp tục cuộc sống chung hay đường ai nấy bước. Em nói như vậy, anh thấy có được không?
Trường Huy thầm công nhận Uyển Nhi khéo léo dẫn dắt và sớm nhận “ý đồ” của anh. Điều mà cô vừa nói, đó cũng chính là những gì anh đang suy nghĩ và là giải pháp cuối cùng cho cả ba.
− Như vậy, em sẽ chịu thiệt vì mang tiếng có một đời chồng, còn gi danh giá con gái của em.
− Nhưng nếu không chọn giải pháp ấy, liệu chúng ta còn con đường nào khác để đi hay không?
Trường Huy im lặng, anh không thốt được thêm câu nào nữa cả.
− Anh đã nói phải có một người chịu hy sinh. Vậy em bằng lòng hy sinh danh tiết của mình để cho anh vẹn tình cùng Mai Nguyễn bạn em.
− Cám ơn em. Anh thay mặt Mai Nguyễn cám ơn em. Và anh luôn ghi nhớ hạnh phúc của anh có sự hy sinh của em.
Trường Huy đâu biết rằng Uyển Nhi đang quay mặt đi giấu dòng lệ buồn