Lạ lùng? Khó mà tin được? Nhưng đó là sự thật"… Tôi không biết và không thể nói Ôlêxia có được đến một nửa những điều bí mật mà nàng đã nói tới với niềm tin thơ ngây đến như vậy không, những điều mà tôi từng nhiều lần chứng kiến đã gieo vào trong tôi một lòng tin không lấy gì lay chuyển nổi là Ôlêxia có những trí thức lạ lùng, vô thức, mang tính bản năng và huyễn hoặc do kinh nghiệm ngẫu nhiên rèn đúc nên, những tri thức đi trước khoa học chính xác đến hàng thế kỷ đó, một khi hoà trộn với những điều mê tín nực cười và hoảng sợ, như một điều bí ẩn lớn lao, chúng lưu truyền trong dân chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác" (V. N. Kaxatkin. "Ôlêxia").
Lịch sử đang chứng kiến
Không thể nói được khi nào và ở đâu lần đầu tiên con người bắt đầu tạo nên những sự kỳ diệu của thôi miên. Thuở xa xưa đã lưu truyền lại cho chúng ta những bản viết tay chứng minh rằng thôi miên được con người biết đến đã hàng ngàn năm trước đây. Trong một cuốn sách chỉ thảo từ thời cổ Ai Cập , chúng ta đọc thấy những lời chỉ dẫn cho các quan tư tế cách gây ra giấc ngủ thôi miên ở người như thế nào: "Hãy mang tới một cây đèn sạch sẽ và tươm tất … hãy đổ đầy phao của nó loại dầu thơm tốt nhất … và treo nó lên bức tường theo quay hướng đông trên một cái chêm bằng gỗ nguyệt quế. Sau đó hãy đặt một cậu bé đứng trước đèn… Bằng cánh tay hãy đưa cậu bé đắm mình vào giấc ngủ và thắp đèn lên. Hãy nói với cậu bé những lời thần chú đến bảy lần. Rồi sau đó lại đánh thức cậu bé dậy và hỏi như sau : "Em có nhìn thấy gì không?" Cậu bé sẽ đáp: "Có! Em đã thấy các vị thần cùng với cây đèn". Khi đó các thần sẽ nói với nó tất cả những gì người ta hỏi các thần!"
Chẳng khó gì để có thể hình dung, một phương tiện thuyết phục kín đáo đến thế nào đã lọt vào tay những viên quan tư tế để loè các con chiên ngoan đạo. Chính các thần đã tự nói qua miệng một đứa trẻ đang ngủ - rõ ràng đó là chứng cớ về sự tồn tại của thần thánh đấy thôi!
Tuy nhiên, những em bé đắm mình trong giấc ngủ nhân tạo chỉ nói những gì mà các quan tư tế ám thị cho chúng. Điều bí mật của thôi miên được giới tăng lữ gìn giữ hết sức chu đáo ấy quả đã giúp họ một cách đắc lực trong việc kìm giữ quần chúng nhân dân luôn phải khiếp sợ trước các thành thần.
Ở nước Hy lạp cổ đại, các bác sĩ cũng đã sử dụng thôi miên. Để gây ngủ họ dùng những tấm kim loại nhẵn bóng (tức là các "gương thần"), những tinh thể lớn và các đồ vật khác; cái nhìn hướng vào bề mặt sáng loáng sẽ làm mờ dần ý thức và giúp bác sĩ thôi miên ru ngủ được con người . Tất nhiên công việc đó sẽ không trót lọt nếu không có những lời cầu nguyện, đôi khi cả những cuộc tế lễ; bằng cách đó việc chữa chạy cho người bệnh được nâng lên hàng các điều màu nhiệm: không phải bác sĩ, mà chính các thần đã tới giúp con người trở nên khoẻ mạnh. Ở Ân độ, Atxiri và các nước khác của phương Đông cổ đại, thôi miên được gán cho một ý nghĩa to lớn đến mức chỉ những ai nắm vững được kỹ thuật của nghệ thuật huyền diệu bí ẩn đó mới có thể trở thành các quan tư tế được.
Các nhà iôga Ân Độ sử dụng hiệu lực thôi miên đã nhiều nghìn năm nay. Để đưa mình vào trạng thái "thiền" (có nghĩa là siêu thoát), các thuật sĩ iôga dạy rằng cần phải đặt bàn chân phải lên đùi chân trái, còn bàn chân trái lên đùi bên phải; sau đó lấy cả hai tay giữ các ngón chân, áp cằm vào vùng tim và nhìn vào cuối sống mũi mình cho đến khi ý thức bị mờ đi.
Nói vượt lên một chút, chúng ta hãy nhớ lại về những người tu khổ hạnh, những người thậm chí trong thế kỷ này vẫn tiếp tục làm những ai thiếu hiểu biết phải kinh ngạc với các trò ảo thuật "thần kỳ" của họ. Ngay trước mắt công chúng đang sửng sốt, họ cho xem một người nằm "lơ lửng" trong không khí, lấy gươm xiên thủng thân mình, thản nhiên đặt cả hai tay lên những hòn than nóng đỏ v. v… Tất cả những trò đó đều không phải là phép màu và cũng không phải là trò ảo thuật, mà là kết quả tác động của thôi miên và của tự thôi miên mà thôi.
Để khái lược về lịch sử "nghệ thuật" cô xưa đó, chúng ta thấy rằng các quan tư tế và những nhà tiên tri, các thầy phù thuỷ và những người làm trò ảo thuật của mọi thời đại, mọi dân tộc, đã sử dụng "nghệ thuật" đó khá thành công. Khả năng đi lại và nói chuyện, nghe thấy những giọng nói "từ thế giới bên kia xa xăm" mà vẫn trong trạng thái ngủ say, quả đã làm cho người ta kinh ngạc đến mức suốt bao thế kỷ, thôi miên được coi là một trong những hiện tượng của thần thánh.
… Đầu thế kỷ 20. Miền Chukôtka, nơi cắm trại của người Chuc (Chuc - tên gọi một tộc người cư trú ở miền Viễn đông ven biển Liên xô (N. D). Người ta mang một anh thợ săn trẻ tuổi bị gấu cào xé đến thầy cúng địa phương, hay nói cách khác, tới thầy lang, thầy phù thuỷ. Trong trận đấu tay đôi với con thú, người thanh niên đã sức cùng lực kiệt, giờ đây anh nằm thoi thóp và ít ai hy vọng anh ta sẽ qua khỏi.
Sau khi khám cho bệnh nhân, thầy cúng bắt đầu chuẩn bị cho nghi lễ quyết định. Ông ta mặc bộ quần áo được trang trí bằng những viên ngọc treo, những lá kim loại, những hình vẽ các loài chim, thú, và xuất hiện trước mắt những người cùng bộ lạc của mình. Thầy đeo một chiếc mặt nạ, tay cầm cái trống lục lạc và chiếc chuông nhỏ. Bắt đầu buổi lễ bí ẩn cầu khấn cho người bệnh bình phục. Ông thầy cúng nhiều lần nhắc đi nhắc lại cùng những từ ngữ và câu nói, ông ta kêu gọi sự cứu giúp của "các đấng thần linh", đe doạ "những con ma độc ác". Những câu thần chú được tiếng trống lục lạc điểm theo; trong lều da nghi ngút khói hương độc.
Tiếng trống lục lạc càng vang mạnh hơn, điệu vũ của ông thầy cúng càng nhanh hơn: Cuối cùng những tiếng rú của ông ta những động tác quay cuồng, khói độc đã thực hiện công việc của mình: Tất cả những ai có mặt trong lều đều mê mẩn trước những gì đang diễn ra. Họ đã nghe thấy những giọng nói của các vị thần thiện và ác. Còn ông thầy cúng bị kích động đến điên cuồng đã làm cho người xem phải sửng soót bằng cách lấy dao rạch thân mình, nhấc những viên than nóng bỏng ra khỏi đống lửa.
Chính người bệnh cũng rất chú ý và hy vọng theo những hành động của thầy. Anh thèm được khoẻ mạnh biết bao! Dần dà tất cả những gì diễn ra xung quanh, ngoài giọng nói của thầy cúng, đã thôi không lọt vào ý thức của anh ta nữa. Anh ta đắm mình vào giấc ngủ lơ mơ của thôi miên, trong giấc ngủ đó, những lời nói của thầy cúng được tiếp thu đặc biệt mạnh mẽ và ăn sâu vào ý thức. Những lời gào thét về sự chạy chốn và thất bại của "ác quỷ", về thắng lợi của "thần linh cứu giúp" vang lên đối với người bệnh như một đức tin tốt lành đầy mong ước về sự bình phục. Anh ta cảm thấy mình khoẻ lại và lại thấy mình đang lúc đi săn.
Và đây là kết quả - đến cuối buổi lễ, một số người có ấn tượng đặc biệt mạnh đã thấy khoẻ khoắn hẳn lên. Còn những ai có mặt tại đó đều thấy lòng tin vào thế giới bên kia được củng cố hơn.
Và ở đây, chúng ta đã gặp gỡ với những hiện tượng thôi miên, với ám thị và tự kỷ ám thị. Nhưng thường thì không chỉ có những cái đó mà thôi. Theo sự chứng kiến của nhà nhân chủng học nổi tiếng V. G. Bôgôraz, người rất am hiểu cuộc sống của các dân tộc ở miền bắc Liên xô, một số thầy cúng còn nắm vững được cả kỹ thuật nói tiếng bụng. Những người có mặt đều có ảo tưởng thực sự rằng những giọng nói riêng biệt đang phát ra từ các góc khác nhau trong lều. Trong những xảo thuật kiểu này, các thầy cúng bắt chước tiếng kêu của các loài thú và chim, thậm chí cả tiếng gầm rít của bão tố. Nhà khoa học kể rằng ông ta còn nghe thấy cả tiếng chuồn chuồn bay, tiếng ruồi trâu và muỗi. Khi những giọng đó vang lên, lúc nào ông thầy cúng cũng không ngừng gõ trống lục lạc để chứng tỏ rằng toàn bộ sự chú ý của ông tra đều tập trung vào một việc khấn.
Sau đây chúng ta sẽ nói tỉ mỉ hơn về tác động lạ lùng, nhiều khi rất đáng kinh ngạc của thôi miên đối với con người , nhưng để kết luận, chúng tôi nhắc lại rằng thôi miên đã được những kẻ phiêu lưu mạo hiểm đủ loại sử dụng. Ở nước Nga, một kẻ như thế là "bạn" của gia đình Sa hoàng Nikôlai đệ nhị tên là Grigôri Raxputin; không nghi ngờ gì nữa, y là một người thôi miên kỳ tài. Một kẻ phiêu lưu nổi tiếng khắp châu Âu, bá tước Caliôxtrô cũng có tài thôi miên khác thường. Tên thật của ông là Giuudepô Bandamô. Có hàng loạt những truyền thuyết về những chước màu mà dường như là do ông ta tạo nên vậy, tuy nhiên, tất cả những điều đó chỉ có một nguồn gốc. "Caliôxtrô, - bác sĩ tâm thần nổi tiếng, tiến sĩ y họcV. E. Rôgiơcôp viết trong cuốn sách của ông "Những nhà tiên tri và những người có phép màu", - đã sử dụng rộng rãi thuật thôi miên và những hiện tượng có liên quan tới thôi miên. Đối với những trò biểu diễn của ông ta, có thể nói rằng đó chính là một ví dụ thực sự của việc thôi miên đã được sử dụng như thế nào với vai trò là công cụ của thần bí và lừa bịp".
Đó là gì vậy?Ngày nay, chỉ có các bác sĩ là được phép nghiên cứu thôi miên mà thôi. Những người không có trình độ về y học mà thực hành thôi miên có thể gây tai hại cho con người. Người ta biết có nhiều trường hợp phải rấ tương đối khó khăn mới làm tỉnh lại được những người bị các nhà thôi miên nghiệp dư ru ngủ.
Vào thế kỷ 18, bác sĩ người Ao F. Mexmer đã hé mở tấm màn che phủ hiện tượng thôi miên mà chính ông cũng không hề hay biết. Ông nổi tiếng về việc chữa bệnh cho các bệnh nhân của mình bằng phương pháp "đặt nam châm". Những người khao khát được khỏi bệnh ngồi vào trong bồn tắm có lắp những thành nam châm lớn, sau đó nhiều người đã khỏi bệnh. Mexmer giải thích đó là do tác động của "chất lỏng từ". Nhưng khi viện hàn lâm khoa học Pari điều tra hoạt động của ông, các nhà khoa học đã ghi vào bản án: "Không có gì chứng minh cho sự tồn tại của chất lỏng từ động vật; như vậy, thứ chất không hề tồn tại này không thể mang lại lợi ích gì được".
Nhưng rồi Mexmer qua đời mà vẫn tin chắc rằng thứ "chất lỏng" như thế là có thật. Thật ra, ông đã từng thấy nhiều lần bệnh nhân đến gặp ông đã khỏi bệnh chẳng cần có nam châm gì hết. Sự thuyên giảm bệnh và bình phục đến ngay tức thì sau khi ông nhìn người bệnh và nói chuyện với người đó về bệnh tật. Hơn nữa, nhiều lần thậm chí đã từng xảy ra như thế này: sau khi tới gặp "nhà thầy thuốc vĩ đại", những người điếc hay mất giọng như có phép thần thông biến hoá đã lấy lại được giọng và khỏi điếc mặc dầu họ đã không chịu tác động của nam châm. Sự thể là thế nào? Sau khi suy nghĩ, Mexmer quả quyết rằng không phải nam châm, mà chính ông là vật chứa "từ trường động vật" có tác dụng chữa bệnh. Khi truyền nó sang người khác, ông đã giúp họ vật lộn với bệnh tật.
Mexmer có nhiều học trò và môn đệ. Một người trong số họ đã có dịp may thực hiện một phát minh ngẫu nhiên. Tuy nhiên, ông ta đã "phát minh" lại cái mà những quan tư tế Atxiri và Babilon đã biết đến. Khi chữa bệnh bằng từ trường, ông ta đã chạm chán với một hiện tượng lạ lùng. Thường bệnh nhân của Mexmer là những người có thần kinh yếu và bệnh hoạn, họ phản ứng lại việc chữa trị bằng các chứng co giật, thậm chí đôi khi bằng những cơn điên loạn. Thế mà giờ đây… Anh chàng bệnh nhân trẻ tuổi bỗng nhiên ngủ thiếp đi ngon lành trong lúc được xoa bóp. Người thầy thuốc hoảng hốt cố lắc anh ta dậy, nhưng vô hiệu, anh ta vấn cứ ngủ. Nhưng sau đó, khi người thầy thuốc bất thình lình ra lệnh cho anh ta đứng dậy, người bệnh liền nhỏm dậy, đi vài bước nhưng hai mắt vấn nhắm nghiền.
Mặc dù mí mắt vẫn khép chặt, anh ta xử sự hoàn toàn như lúc tỉnh, tuy vậy khi đó giấc ngủ vẫn tiếp tục. Người thầy thuốc bối rối cố nói chuyện với anh ta, anh ta đặt ra các câu hỏi. Anh chàng nông dân trả lời hoàn toàn khôn ngoan và rành rọt. Người thầy thuốc lập lại thí nghiệm. Và ông ta gây ra được một trạng thái giống hệt như vậy ở những người khác. Tiếp tục thí nghiệm, ông tiến hành cái gọi là ám thị sau thôi miên, tức là sai khiến người đang ngủ thực hiện một loạt những hành động nhất định sau khi đánh thức dậy. Và những người bệnh thực hiện điều mà người ta đã ám thị cho họ trong giấc ngủ "từ" .
Việc nghiên cứu tiếp theo về những hiện tượng thôi miên gắn liền với tên tuổi bác sĩ phẫu thuật người Anh Brêt. Cần phải nhận xét rằng ông này tỏ thái độ rất hoài nghi với thuyết từ của Mexmer và các môn đệ. Nhưng đến khi thực hiện ý định vạch mặt anh chàng "chữa bệnh bằng từ" người Thuỵ sĩ Laphôngten, Brêt đã tin vào tính xác thực của các hiện tượng thôi miên mà Laphôngten biểu diễn và từ khi ấy, ông bắt đầu nghiên cứu hiện tượng đó. Ông đã thay đổi thuật ngữ "từ trường động vật" bằng thuật ngữ hiện đại "hypnotism" (thôi miên) (từ tiếng Hy lạp "Hypnos" nghĩa là ngủ). Ông là người đầu tiên bắt đầu sử dụng thôi miên để làm giảm đau trong phẫu thuật và thấy rằng thôi miên có tác dụng hơn cả là trong việc chữa những chứng bệnh thần kinh khác nhau, đặc biệt là các chứng rối loạn ixtêri như tê liệt, bệnh điếc do tâm thần, mù và câm.
Đam sương mù huyền bí từng hàng ngàn năm bao quanh hiện tượng đã bắt đầu tan. Nhưng còn nhiều nỗ lực hơn nữa của các nhà khoa học để đem lại lời giải thích duy vật cho trạng thái rất lý thú này của tâm lý chúng ta. Các bác học Nga V. M. Bêkhtêtrop và L. P. Pavlôp đã làm được nhiều việc trong lĩnh vực này. Họ chứng minh được rằng trong giấc ngủ thôi miên chẳng có gì là siêu nhiên cả, mặc dù nó khác với giấc ngủ bình thường.
Điều khác nhau đó là gì? Trong giấc ngủ say bình thường con người không tiếp thụ những gì diễn ra xung quanh. Khi đâm mình vào giấc ngủ thôi miên, con người không phản ứng lại những kích thích bên ngoài, không trả lời các câu hỏi của những người có mặt, nhưng lại tiếp thụ tất cả những gì thuộc về bác sĩ thôi miên. Người bị thôi miên nghe thấy giọng nói của bác sĩ và chỉ trả lời riêng ông ta. Hơn nữa, mỗi lời nói của bác sĩ đều gây ra trong ý thức của người đó những ấn tương rõ rệt có thể biến thành các ảo tưởng và ảo giác (sau đây sẽ kể tiếp về những điều này). Chẳng hạn, có thể ám thị người bị thôi miên rằng trong nhà đang có hoả hoạn, và anh ta hốt hoảng "trông thấy ngay" ngọn lửa dữ dội. Như vậy, có thể nói rằng, thôi miên - đó đồng thời là giấc ngủ, là ám thị, thêm nữa, các sự kiện đã chứng tỏ rằng trạng thái thôi miên làm tăng thêm tính tri giác đối với những kích thích nằm dưới ngưỡng cảm thụ được của con người ở trạng thái tỉnh táo.
Cho đến nay còn tồn tại một quan niệm sai lầm về ý nghĩa của màu mắt người thôi miên. Tuy nhiên, khi thôi miên có thể thậm chí không cần nhìn vào mắt. Người ta chỉ cần nhìn vào một quả cầu nhỏ bằng kim loại mạ kền hay một vật sáng nào là đủ. Những tế bào thần kinh "chịu trách nhiệm" về thị giác bị mệt mỏi, trong não xuất hiện quá trình ức chế bảo vệ, quá trình này được truyền đi khắp vỏ hai bán cầu não và gây nên giấc ngủ thôi miên.
Bác sĩ tâm thần P. Bun ở Lêningrat đã mô tả một cuộc thôi miên bằng máy ghi âm. Các bệnh nhân ngồi vào chỗ của mình còn bác sĩ đi vào phía sau tấm bình phong sau khi tắt đèn. Từ sau tấm bình phong vọng ra giọng nói êm dịu của ông gợi giấc ngủ. Sau buổi đó, tất cả những người tham gia đều quả quyết rằng họ ngủ say và thấy khoẻ khoắn. Họ không biết rằng không phải bác sĩ thôi miên, mà máy ghi âm đã ru ngủ họ.
Cơ sở của trạng thái thôi miên là sự ức chế phần lớn các tế bào não và sự bảo vệ vùng minh mẫn ở vỏ não mà thông qua đó mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân được duy trì. Những vùng như thế là các "điểm canh gác", chúng tồn tại cả trong giấc ngủ bình thường. Cho dù giấc ngủ có say thế nào đi nữa, một số tế bào riêng biệt của não vẫn không ngừng công việc của mình. Qua những tế bào này, cơ thể giữ được mối liên hệ nào đó với bên ngoài. Các "điểm canh gác" phản ứng lại với các tín hiệu không cho phép "ngủ quên". Giáo sư K. K. Piatônôp đã dẫn ra một ví dụ rất lý thú về mối liên hệ như vậy. Trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc vĩ đại, người ta đưa thương binh đến một quân y viện, nhưng bác sĩ phẫu thuật lại đang ngủ rất say sau mấy đêm ngày thức trắng. Người ta lắc, phun nước vào mặt ông, nhưng con người quá mệt mỏi ấy vẫn không tỉnh dậy, sau đó ông nói nhỏ, nhưng thật rành rọt : "Bác sĩ ơi! Ngươi ta đưa thương binh đến đấy. Họ cần được sự giúp đỡ của đồng chí!".
Và bác sĩ phẫu thuật tỉnh dậy ngay. Nhưng ở người bị thôi miên các "điểm canh gác" hoàn toàn khác. Đó không phải như một người lính gác cho biết là cần phải tỉnh giấc mà tựa như chiếc máy điện thoại nối mạch với người bị thôi miên nhận các mệnh lệnh - từ ngữ và thực hiện chúng mà không hề phán xét hay đánh giá ý nghĩa của các mệnh lệnh đó. Mỗi một từ có tác dụng như một mệnh lệnh bắt buộc hay được tiếp thu một cách tin cậy.
Cần phải nói rằng "tính vâng lời" ở người bị thôi miên thường phụ thuộc vào độ sâu của trạng thái thôi miên. Người ta biết có ba bậc: buồn ngủ, quy thuận và vừa ngủ vừa đi. Ở bậc buồn ngủ không hề có ý muốn mở mắt. Khi kết thúc thí nghiệm người đó nhớ tất cả những gì đã xảy ra với mình. Ở bậc hai - bậc quy thuận - người bị thôi miên không còn có thể thực hiện các động tác tuỳ tiện. Thông thường ở trạng thái này người ta có thể buộc người đó vào một tư thế lạ lùng, chẳng hạn, có thể dựng người bị thôi miên đứng dậy, và người đó sẽ đứng như thế hàng giờ cho đến khi nghe thấy mệnh lệnh đổi tư thế. Bậc cuối cùng đặc biệt lý thú - vừa ngủ vừa đi: có thể ám thị cho những người đó những hình ảnh khác nhau thông qua thị giác, thích giác và khứu giác. Theo. lệnh người thôi miên , người đó đi trong phòng với hai mắt mở thao láo và thực hiện những nhiệm vụ rất khác nhau.
Người ta cho rằng 89 - 90 phần trăm số người có thể thôi miên được. Nhưng không thể thôi miên sâu cho quá 6 - 8 phần trăm số người.
Giấc ngủ thôi miên xuất hiện do tác động của các tác nhân kích thích nhận tạo khác nhau đối với con người như giọng nói bác sĩ , tiếng tích tắc của đồng hồ xoa bóp v. v… Tuy nhiên, còn có một dạng khác của giấc ngủ thôi miên là giấc ngủ được gây bởi những lời nói có một nội dung nhất định.
Trạng thái thôi miên có thể xuất hiện cả trong lúc tỉnh táo - điều đó được quan sát thấy khi quá mệt mỏi, khi hệ thống thần linh bị suy kiệt hay các bệnh rối loạn tinh thần.
Bản chất vắn tắt của các hiện tượng thôi miên là như vậy. Còn đối với những quá trình diễn ra trong não người bị thôi miên thì ở đây còn nhiều điều chưa rõ. Việc tìm kiếm các quá trình diễn ra ở các tế bào não trong trạng thái thôi miên là một lĩnh vực trong đó khoa học sẽ còn phát hiện ra nhiều điều hiện nay còn chưa được biết đến. Công cuộc nghiên cứu hiện tượng thôi miên sau Pavlôp cũng như nhiều sự kiện đã cho ta tin chắc rằng trạng thái này có liên quan đến hoạt đông của các vùng dưới vỏ của não, đến tiềm thức.
Những công trình nghiên cứu vào những năm gần đây được tiến hành dưới sự lãnh đạo của giáo sư V. E. Rôgiơnôp đã chỉ ra rằng hiện tượng thôi miên sâu về bản chất khác hẳn tất cả trạng thái khác của hoạt động tâm lý. Người ta xác định được rằng có thể sử dụng thôi miên để nghiên cứu các quy luật phức tạp nhất của ý thức và vô thức. Và đến lượt mình, điều đó sẽ cho phép nhìn nhận một cách mới mẻ đối với bản chất cũng như đối với vai trò của yếu tố vô thức trong cuôc sống chúng ta.
Đồng thời, thôi miên có thể là một trợ thủ đắc lực của nhà khoa học trong việc nghiên cứu giấc mơ. Sau đây là một thí nghiệm như thế.
Nữ bệnh nhân M. được thôi miên, và trước mắt cô ta, ở khoảng cách gần 50 mét người ta bật hai bóng đèn 25 oát trong thời gian 10 giây. Đồng thời người ta ám thị: "Hãy thông báo thành tiếng nhưng không thức dậy tất cả những gì chị đang nhìn thấy và nếm trải trong giấc mơ". Nữ bệnh nhân bắt đầu nói ngay: Cô vừa ở ngoài bãi tắm, cô cảm thấy rất nóng và muốn uống, cô bảo với người bạn gái đi cùng rằng nước là thứ giải khát tốt hơn cả, sau đó cô biểu lộ ý muốn đi vào bóng mát để tránh nắng.
Sức mạnh của ám thịXưa kia, nhà bác học kiệt xuất thời trung cổ Avixena đã từng nói rằng trong số các loại thuốc và dụng cụ y học thì mạnh nhất là con dao, cỏ và lời nói. Đúng, không còn phải tranh cãi gì nữa vì con dao của nhà phẫu thuật và các cây thuốc rất công hiệu trong việc đem trả lại cho người ốm sức khỏe. Nhưng còn lời nói thì sao? Vì sao lời nói lại được liệt vào hàng những phương tiện chữa bệnh hiệu quả nhất vậy?
Trước khi dẫn ra các bằng chứng khoa học cho điều này, tôi muốn nhắc lại ở đây một truyện ngắn của nữ văn sĩ người Anh Agata Crixti. Trong truyện không có tình tiết trinh thám. Chỉ có một người bị … lời nói giết chết. Nội dung vắn tắt của câu chuyện ("Căn nhà nhỏ nơi thôn dã") như sau. Sau một lần xích mích, cô Êlix bỏ chồng chưa cưới để đi lấy một người mà cô hầu như không hiểu biết gì. Chẳng bao lâu cô đã phải lấy làm tiếc về chuyện đã rồi. Nhiều điều trong hành vi của chồng cô, Matin, quả thật lạ lùng, thậm chí có vẻ khả nghi nữa. Một lần, sau khi tiễn chồng đi làm, cô vào vườn và gặp người thợ làm vườn ở đó. Thường thì người này đến nhà cô vào thứ hai, còn bây giờ ông ta lại đến vào ngày không hẹn trước để hỏi cô chủ xem phải làm gì vào tuần sau. Sự thể là do ông ta đa gặp Matin ngoài phố và anh ta cho biết chiều tối hôm nay sẽ cùng vợ lên đường đi du lịch.
Cô Êlix lo lắng đi đi lại lại hồi lâu trong vườn và bất ngờ cô nhìn thấy ở gần một luống hoa cuốn sổ tay của chồng. Mở ra, cô đọc thấy dòng ghi cuối cùng: "Êlix. Thứ tư, ngày 18 tháng sáu, 9 giờ tối"… Chính ngày hôm nay! Matin định làm gì cô đây? Hoảng hốt, cô lao vào phòng làm việc của chồng, mở ngăn kéo bàn viết của anh ta và vô cùng hoảng sợ khi thấy trong đó là những đoạn cắt trong báo nói về phiên toà và chân dung Matin. Anh ta bị buộc tội vì nhiều người vợ của anh ta bị biến mất vô tăm tích không biết vì sao. Bị kết án một số năm tù khá dài, kẻ can án đã trốn tù.
Êlix đang ở trong tay một kẻ giết người bị bệnh thao cuồng! Chạy trốn bây giờ cũng chưa muộn… Nhưng ngay lúc đó người chồng xuất hiện. Cố gắng che dấu nỗi hoảng sợ của mình, cô đem cà phê và bữa chiều lại cho anh ta. Uống cạn tách cà phê Matin bảo:
- Bây giờ anh và em sẽ xuống tầng hầm, em sẽ giúp anh rửa ảnh.
Người vợ hiểu rằng hắn sẽ giết mình dưới đó.
- Đi thôi!
Và ngay lúc đó, như thường xảy ra nơi những người có ý chí vào những thời điểm cực hạn của cuộc sống. Êlix trấn tĩnh và nói với vẻ bình thản:
- Hượm đã, em phải nói với anh một điều rất quan trọng. Em đã sống với anh vài tháng nay rồi, vậy mà anh chưa biết gì về em cả. Em muốn bộc bạch với anh đây: em đã lấy chồng hai lần rồi…
Nhận thấy một nỗi quan tâm rõ rệt hiện ra trong mắt chồng, Êlix nói còn điềm tĩnh hơn nữa:
- Thế đấy, em đã đầu độc người chồng đầu tiên bằng cách bỏ thuốc độc vào cà phê. Anh ta đã bảo hiểm cuộc sống của anh ta cho em mà…
Matin kinh sợ nhìn vợ.
- Em cũng đã giết người chồng thứ hai như thế.
Hai chân người chồng quỵ xuống, hắn ta ngã vào ghế bành.
- Trời ơi, - hắn ta lắp bắp, - vì thế mà cà phê lại có vị ngon như vậy! Ngươi đã đầu độc ta sao, quân khốn nạn!
- Đúng, em đã đầu độc anh, - người vợ khẳng định một lần nữa. - Thuốc độc đã có tác dụng rồi. Vài phút nữa thôi anh sẽ chết!
Quả nhiên, năm phút sau anh ta tắt thở, mặc dù trong tách cà phê không có chút thuốc độc nào.
Thoạt nhìn, đoạn kết câu chuyện thật huyễn tưởng và xa sự thật. Làm sao lại có thể giết chết một con người chỉ bằng lời nói được? Song chúng ta sẽ không vội kêt luận. Chúng ta cũng nhớ lại một số sự kiện không phải lấy ra từ tác phẩm văn học, mà rút ra từ thực tế.
Nhiều sinh viên y khoa biết câu chuyện như thế này. Một số người nhất trí bỡn cợt một anh bạn. Khi gặp người bạn đó, ai cũng hỏi vì sao bộ dạng anh ta thiểu não thế, vì sao nét mặt anh ta nhợt nhạt thế và đau ốm vậy. Lúc đầu anh thanh niên còn bình tĩnh trả lời: anh ta khoẻ mạnh, không có gì xảy ra hết. Nhưng khi đã có chục người hỏi như thế thì anh ra không chịu đựng được nữa. Vẻ mặt anh ta trở nên nhợt nhạt và hoảng hốt, anh ta đáp lại câu hỏi tiếp theo rằng đúng là anh ta thấy khó chịu và anh ta sẽ về nhà ngay. Việc đùa này quả là khá ác độc, nhưng nó chứng minh một cách trực quan và thuyết phục về sức mạnh của lời nói con người.
Người ta gọi tác động đó là ám thị. Đặc biệt mẫn cảm với tác động này là những người có hệ thần kinh yếu, dễ bị kích động. Chẳng hạn, dễ dàng ám thị một người như thể cảm giác sợ hãi trước điều gì đó hoặc ngược lại, gây hứng khởi trong tâm trạng và làm cho người đó trở nên vui vẻ, phấn chấn.
Có thể nhớ lại cả những trường hợp khi lời nói (chỉ riêng lời nói thôi!) đã chữa khỏi cho những người đau ốm ngay trước mắt mọi người. Vào thế kỷ trước, một người lính Pháp giải ngũ đã nổi tiếng như một thầy lang có phép màu. Khi có người bị liệt chân đến nhờ ông ta chữa, thầy lang nhìn người đó dữ dội, rồi sau đó thét ra lệnh: "Đứng dậy!". Và người bệnh liền vứt nạng và bắt đầu bước đi!
Tất nhiên, người lính này không phải chữa được tất cả các con bệnh, nhưng đã có một số người trở về nhà khoẻ khoắn sau khi đến nhờ ông ta. Tất cả những nhiều đó đều bị liệt chân liên quan đến hệ thần kinh bị đau (những bệnh này gọi là những bệnh có nguồn gốc tâm thần).
Từ lâu, các nhà khoa học đã giải thích được những điều "huyền diệu" như thế. Ai mà không biết rằng những tác động bên ngoài khác nhau đều có thể gây ảnh hưởng to lớn đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Chẳng hạn, lo sợ, đau khổ hay vui sướng đều gây ra sự tăng hay giảm nhịp tim, làn da trở nên hồng hào hoặc có thể làm cho tóc bạc rất nhanh v. v… Nhiều khi lời nói còn có tác động mạnh hơn nữa đối với hệ thần kinh. Lời nói có khả năng ảnh hưởng rõ rệt đối với tâm lý và như thế có nghĩa là đến hoạt động của toàn bộ cơ thể.
Còn đây là những ví dụ đơn giản nhất. Bạn nghe thấy từ "khế chua" (Nguyên văn "quả nham lê"(N. D), và từ đó liền gây ra sự tiết nhiều nước bọt - dường như bạn đã nhấm nháp thứ quả chua đó trong miệng rồi. Hoặc có ai đó rất sợ chuột. Nếu khi có mặt người đó mà bất ngờ kêu to: "Chuột!" thì người đó sẽ hoảng hết hồn vía mặc dù không nhìn thấy con chuột nào.
Và cả tự kỷ ám thị cũng có thể gây ra tác động như thế, đôi khi còn mạnh hơn nữa, đối với cơ thể. Dưới tác dụng của tự kỷ ám thị có thể làm bệnh hay đau ốm. Điều đó xảy ra như thế nào? Một người cả lo, dễ bị kích động, cảm thấy hơi mệt mỏi. Nhưng người đó lại nghĩ ngay đến bệnh tật nghiêm trọng. Chẳng hạn, người đó bị khản tiếng vì cảm, nhưng đã cảm thấy là mình đang mất giọng hoàn toàn, ý nghĩ đó cứ dai dẳng theo đuổi con người cả nghĩ ấy, người đó dường như tự thuyết phục mình rằng chẳng bao lâu nữa sẽ bị mất giọng. Và thực tế người đó mất giọng. Cần nhấn mạnh rằng, trạng thái tinh thần và tình cảm của con người giữ một vai trò to lớn trong tự kỷ ám thị. Nhiều người đã nghe chuyện: bà cụ cất tiếng "trừ yểm" mụn cơm, thế là mụn cơm biết mất liền. Thầy thuốc ở đây vừa là sự ám thị của bà lang, vừa là sự tự kỷ ám thị, niềm tin rằng bà lão ấy có thể "trừ" được mụn cơm đã giúp việc. Ở đây việc bà lão có buộc mụn cơm bằng dây hay bằng tóc không đều chẳng có ý nghĩa gì. Cũng không quan trọng việc người ta thầm thì tụng niệm về cái mụn cơm đó. Chính sự tự kỷ ám thị rằng sau lời "yểm" đó mụn cơm sẽ biến đi đã đóng vai trò quyết định.
Các bác sĩ nhiều lần kiểm tra phương pháp chữa trị như thế: chẳng hạn, họ bôi nước, nước quả, rượu vào mụn cơm rồi bảo người có mụn cơm rằng đó là loại thuốc mới rất công hiệu đối với mụn cơm. Và điều đó đã tác động đến nhiều người. Người ta tin vào thuốc, vào việc thuốc sẽ chữa được bệnh, họ tin vào bác sĩ - và thế là các mụn cơm biến đi.
Nhiều khi, tự kỷ ám thị đã làm nên những điều thật sự kỳ diệu. Hồi trước chiến tranh, nhiều người yêu thích sân khấu đều biết rõ nghệ sĩ tài năng I. N. Pevxôp. Ở ngoài đời ông bị tật nói lắp, nhưng trên sân khấu ông đã khắc phục được nhược điểm này. Bằng cách nào vậy? Nghệ sĩ đã ám thị mình rằng trên sân khấu không phải ông, mà là một người khác nói và diễn, đó là nhân vật của vở diễn, con người không nói lắp. Và điều đó luôn luôn có tác dụng tốt.
Dưới tác động của tự kỷ ám thị, người ta có thể bị liệt chân tay, có thể bị điếc và mù bất thình lình. Điều căn bản gây ra hiệu quả đó chính là do, chẳng hạn, ở người bị mù thì không phải các tế bào thần kinh bị hỏng, mà chỉ có hoạt động ở vùng não chỉ huy thị giác bị rối loạn thôi. Ở vùng não đó, dưới tác động của tự kỷ ám thị đã phát triển một ổ ức chế bền vững, tức là những tế bào thần kinh mà hoạt động bị gián đoạn một thời gian khá lâu. Các tế nào đó thôi không nhận các tín hiệu tới và trả lời chúng nữa. Vậy có thể chữa cho những bệnh nhân như thế bằng cách áp dụng thôi miên và ám thị, hơn nữa, sự khỏi bệnh đến ngay tức khắc và làm cho người không am hiểu phải sửng sốt.
Các bạn hãy nhớ lại những câu chuyện kể về các nhà tu hành khổ hạnh và những kẻ cuồng tín tôn giáo, những chuyện đó chứng minh rằng ở trạng thái phấn khích cực độ, họ mất sự thụ cảm với đau đớn và họ chịu đựng sự tự hành xác và tra tấn kinh khủng… với sức bền bỉ ghê gớm. Nguyên nhân ở đây là do con người đưa mình vào trạng thái thôi miên bằng tự kỷ ám thị và thực tế đã ngừng cảm thấy đau đớn.
Bên những chốn thiêng liêngTrong cuốn sách "Trong thế giới bí ẩn và kỳ diệu", nhà văn phổ biến khoa học nổi tiếng N. A. Rubakin có kể về các trường hợp chữa bệnh trên mộ viên trợ tế Phrăngxoa đơ Pari. Con người ấy chết vào thế kỷ 18, mà vào thời đại ấy chẳng có ai nghi ngờ việc những điều kỳ diệu có thể được thực hiện nhờ ý chí của thần thánh. Ngay khi sinh thời, người ta đã gán cho viên trợ tế cái vinh quang của một vị "thánh". Ông ta có thể làm nên những điều kỳ diệu, những người sùng đạo đã nói về ông ta như thế.
Hy vọng được khỏi bệnh, "ý nghĩ" đó đã đưa cô thợ Mađơlen Bênhi ở nhà máy sợi Pari đến với viên trợ tế. Cô đã đến nghĩa địa vào ngày chôn "con người chí thánh". Đã từ lâu, Mađơlen bị liệt tay trái. Đó là một bệnh thần kinh điển hình. Bênhi mắc chứng ixtêri, cô dễ bị kích động vì những nguyên cớ không đâu, hay khóc, rất nhạy cảm. Và đây, trước khi quan tài viên trợ tế được hạ xuống, Mađơlen toàn thân run rẩy vì mong đợi đã tiến lại gần, cô cúi mình trên quan tài và chạm cánh tay bất động của mình vào đó. Và điều kỳ diệu mà cô ta hết sức mong chờ đã xảy ra: về đến nhà, người phụ nữ cảm thấy cánh tay tê liệt đó lại bắt đầu cử động được.
Niềm tin nhiệt thành vào khả năng lành bệnh kỳ diệu, niềm tin rằng "thánh", cha Phrăngxoa, có thể thực hiện được điều đó đủ làm nên công chuyện! Nếu như Mađơlen Bênhi cũng tin tưởng mạnh mẽ như thế nhưng không phải vào viên trợ tế đạo cơ đốc ấy, mà vào một người có "phép mầu" nào khác thì kết quả cũng vậy thôi. Chính cô ta đã tự chữa cho mình.
Trong lịch sử tôn giáo có không ít chuyện kể về những trường hợp khỏi bệnh nhờ chạm vào các thánh vật như những tượng thánh "có phép màu", những bộ "thánh cốt". Khi kiểm tra người ta thấy không ít trong số những điều "huyền diệu" như vậy chỉ là chuyện bịa đặt, nhưng cũng có khi không phải như vậy - người ta thực tế đã khỏi bệnh. "Lẽ nào đó lại không phải là điều kỳ diệu?" - những người tin đạo chất vấn. - Bệnh đã kéo dài hàng năm, thế mà lại qua khỏi được tức thì sau khi chạm vào thánh vật! Đó là gì nếu không phải là sức mạnh của thánh thần?
Trên thực tế, đã bao thế kỷ nay các chứng ixtêri bệnh hoạn là một kho chứa thực sự cho những phỏng đoán về các "chước màu chữa khỏi bệnh". Khoa học chưa biết được những nguyên nhân và cơ chế đích thực trong hoạt động của các hiện tượng như thế. Nhưng cái mà hôm qua còn là điều bí ẩn thì hôm nay không những được giải thích mà còn được dùng để vũ trang cho y học. Ám thị, thôi miên đang được áp dụng thành công để chữa bệnh ixtêri và những căn bệnh liên quan đến nó.
Cần phải nói rằng sự tự kỷ ám thị đóng một vai trò to lớn trong các trường hợp khỏi bệnh ở những "nơi thiêng". Khi quỳ trước tượng thánh "nhiệm màu" hay lặp hụp nơi nguồn nước "thánh", người bệnh không chỉ khao khát được khỏi bệnh mà còn tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh trời ban và như vậy đã tự kỷ ám thị rằng nhất định sẽ khoẻ lại. Ý nghĩ liên tục không thôi về điều đó đã chuẩn bị trước cho tâm lý hướng tới sự lành bệnh. Và "phép màu" đã xảy ra: các quá trình bệnh tật ở những vùng nào đó nơi não bộ trở lại bình thường.
Các trường hợp khỏi bệnh ở những "nơi thiêng" trước hết hoàn toàn không phải là thường xuyên, hơn nữa, chúng đâu phải luôn luôn làm cho sức khoẻ người bệnh được bình phục hoàn toàn. Những trường hợp khỏi bệnh cá biệt chìm ngập trong vô khối các chứng rối loạn thần kinh, những rối loạn ấy không những không làm mất đi mà lại thu hút thêm hàng ngàn kẻ sùng tín chưa được hưởng sự khỏi bệnh hay giảm bệnh ở những "nơi thiêng". Bầu không khí thần bí tôn giáo có tác động tai hại đến hệ thần kinh thậm chí của những người khoẻ mạnh, nói chi đến những người có tâm lý không ổn định. Bằng cách làm suy nhược ý chí và làm lý trí tê liệt, bầu không khí đó gia tăng sự phát triển các bệnh tâm thần đôi khi rất nặng ở nhiều người mộ đạo.
Đôi khi lại còn có chuyện như sau. Tờ báo "Vilna Ukraina" ra ở Lvôp đã kể về một trường hợp khỏi bệnh "kỳ diệu" này. Những kẻ trông coi một giáo khu không đợi cho đến khi thượng đế ban cho họ một điều huyền diệu nào đó mà quyết định tự tạo ra nó. Một kẻ sống trong giáo khu tên là Antôn Gôchêliaka đã nhận làm diễn viên màn hề này. Y nằm lên giường, còn những kẻ tổ chức ra trò đê nhục ấy bắt đầu tung tin giữa đám người sùng đạo rằng hắn ta bị cây ngoài công trường khai thác gỗ đè vào người. "Người ta thấy kẻ bất hạnh bị gẫy cả hai chân, người đó nằm bất động. Các bác sĩ bất lực. Con người khốn khổ ấy sắp phải về chầu trời. Cần phải cầu nguyện giúp anh ta. Chúng ta sẽ cầu xin thượng đế chữa lành cho kẻ xấu số ấy". Sau đó "điều huyền diệu" tự nó đã được hoàn tất. Các giáo dân trong vùng tụ tập tại nhà Gôchêliaka, họ bắt đầu cầu nguyện. Vài phút sau, "người bị nạn" thấy mình khoẻ hẳn lên. Sau đấy, người đó bỗng nhiên nhỏm dậy và bắt đầu đi lại trong phòng, thậm chí không chút khập khiễng.
Những người mộ đạo sửng sốt. Điều màu nhiệm thế là đã xảy ra! Sau này, kẻ "được chữa khỏi" đã công khai kể cho mọi người nghe về tấn hài kịch mà hắn ta đã sắm vai chính trước mắt "giáo hữu".
Người sùng tín có thể nói: "Lẽ nào điều đó lại bác bỏ được tôn giáo, bác bỏ được niềm tin vào thường đế? Kẻ bịp bợm tự hắn phạm lỗi trước chúa trời cơ mà". Đúng, tất nhiên những chuyện bày đặt về chước màu tôn giáo vạch trần trước hết chính những kẻ bịp bợm. Song chúng ta nói về chúng chỉ để không quên rằng: có thể chạm chán với sự lừa bịp trắng trợn nhất mà những người đôi khi cả tin và bị loá mắt vì tôn giáo đặt lòng tin vào.
Mà niềm tin mù quáng đâu phải vô hại. Niềm tin ấy đứng ngay bên sự lầm lẫn nguy hiểm khác. Đó là niềm hy vọng rằng chỉ có thượng đế chứ không phải ai khác là có thể chứa khỏi bệnh. Điều đó đã đem lại biết bao tai hoạ cho các gia đình sùng tín.
Thầy phù thuỷ và thầy langThuật phù thuỷ … từ này gợi lên một cái gì đó xa xôi đã hết thời. Nhưng liệu chúng ta có thể nói rằng các thầy phù thuỷ đã biến mất hết trên trái đất này không? Than ôi, đâu phải như vậy. Nhưng ta cũng vẫn nên nói về những thầy phù thuỷ đó để thấy được trong thuật phù thuỷ bản chất tự nhiên và trần thế của nó.
Vào thế kỷ trước, một bác sĩ đã mô tả một trường hợp như sau mà ông là người chứng kiến.
Ở một làng ngoại ô Maxcơva, những con bò cái bắt đầu lăn ra chết. Những người nông dân liền quả quyết rằng đó là do bàn tay của thầy phù thuỷ (người ta cho một già làng là con người như thế). Họ nghĩ là cần phải thanh toán với ông ta. Khi họ tụ tập lại gần tên thầy phù thuỷ, ông lão ra khỏi nhà và quát giọng đầy quyền lực: "Ta có thể trừng trị tất cả các người! Tên này ngay bây giờ sẽ bị tháo dạ! - Và lão chỉ tay vào một nông dân - Còn ngươi sẽ nói lắp! - thầy phù thuỷ chỉ vào người nông dân khác.
Và lập tức, một người cảm thấy dạ dày bất an, còn người kia bắt đầu nói lắp.
Có lẽ các bạn đã đoán được điều đó có thể xảy ra thế nào. Những người nông dân đã tin vào sức mạnh toàn năng của lão. Họ tin rằng đó chính là thầy phù thuỷ và thầy có thể "gọi" bệnh tật tới. Chính niềm tin đó đã gây nên điều kỳ diệu. Nhưng lời nói của ông già, sự ám thị của lão đã có tác dụng đến tâm lý của mọi người, đến ý thức của họ mạnh đến nỗi trong cơ thể họ bắt đầu có những rối loạn khác nhau.
Bác sĩ người Mỹ G. Rait trong cuốn sách "Người chứng kiến những trò phù thuỷ" đã miêu tả buổi lễ "phục sinh người chết" mà ông từng thấy ở châu Phi.
"Trên mặt đất nằm dài một người thanh niên cao hơn 6 phút (1 phut (foot) bằng 10,5 cm) có khuôn ngực rộng và đôi tay khoẻ mạnh. Tôi ngồi sao cho thân mình che lấp được anh ta và thử bắt mạch. Mạch không thấy. Và chẳng thấy dấu hiệu của tim đập nữa …
Một nhóm ba chục người vây quanh chúng tôi. Bằng giọng trầm hùng họ hát một bài hát có nhịp điệu. Dường như cả người chết cũng nghe thấy những âm thanh ấy. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy chính điều đó đã xảy ra! "Người chết" bỗng đặt tay lên ngực và định quay người.
Những tiếng kêu của những người xung quanh hoàn thành tiếng gầm thét hỗn độn. Những tiếng trống trở nên náo động hơn. Cuối cùng, người đang nằm đã xoay được người, gập hai chân dưới thân và chậm chạp nhổm dậy trên hai chân hai tay. Cặp mắt của anh ta mà trước đó vài phút không hề có phản ứng gì với ánh sáng, nay đã mở rộng và nhìn vào chúng tôi.
Có thể không nghi ngờ gì nữa, ở đây rõ ràng có tác dụng của thôi miên, nói đúng hơn là của tự thôi miên, một phương pháp rất quen thuộc với các thuật sĩ oga. Có lẽ, người thanh niên này nhờ sự thôi miên đã luyện được cho các "điểm canh gác" trong vỏ não biết đáp lại những nhịp điệu nhất định của âm nhạc. Khi nghe thấy tiếng nhạc như thế, người đó sẽ tỉnh lại.
Ở nhiều bộ lạc châu Phi, niềm tin vào sức mạnh của thầy phù thuỷ đặc biệt mạnh mẽ. Ở Xiêra - Lêôn có một thanh niên bị ốm. Người ta biết anh ta đã làm cho thủ lĩnh bộ lạc tức giận nên ông này đã "nguyền rủa" anh ta phải chết. Khi bác sĩ người Anh bắt đầu chữa cho người bệnh thì anh ta cho hay rằng nếu thủ lĩnh - ông này còn là thầy phù thuỷ nữa - đã muốn anh ta chết thì không thể làm gì được. Tình trạng người thanh niên này ngày càng xấu đi. Khi đó bác sĩ đã tìm ra lối thoát: ông dẫn người bệnh đến chỗ thủ lĩnh và đề nghị ông ta tha thứ cho kẻ đã xúc phạm mình. Lời tha thứ đã được thực hiện và chẳng bao lâu sau người bệnh đã khỏi hẳn.
Có thể gặp những câu chuyện tương tự không chỉ ở châu Phi, mà còn ở lục địa châu Mỹ giữa các bộ lạc da đỏ. Chính bác sĩ G. Rait với sự ngạc nhiên không giấu giếm đã kể rằng một lần ông phải chứng kiến một cái chết nhanh chóng của một cậu bé da đỏ sau khi cậu bé bị "xử án tử hình" bằng những lời nói của thầy phù thủy: "Sau ba ngày nữa mày sẽ chết!" Khi bình luận chuyện này, giáo sư V. E. Rôgiơnôp giải thích điều đó có thể xảy ra như thế nào: "Trong y học người ta gọi tác động chữa bệnh tích cực lên tâm lý người bệnh là liệu pháp tâm lý. Trong liệu pháp tâm lý hiện đại, ngoài việc nói chuyện với bệnh nhân, còn có một loạt các phương pháp chữa trị tích cực mà mỗi bác sĩ, không phụ thuộc vào chuyên môn hẹp của mình, phải nắm vững được. Cái mà các thầy phù thuỷ làm khi mà họ muốn trừng phạt kẻ phạm tội, như tác giả viết, mà không dùng đến bạo lực, có thể được gọi là phản liệu pháp tâm lý - tức là sử dụng các tác động tâm lý để làm rối loạn chà đạp, làm suy nhược tâm lý của con người. "Sau ba ngày nữa mày sẽ chết!" - thầy phù thuỷ nói với kẻ có tội và nhắc lại điều đó cho cả làng nghe. Và kẻ phạm tội lập tức bị vây quanh bởi bức tường không thể vượt qua nổi của sự cách ly về tâm lý - không ai đến gần anh ta, không ai tỏ ra thông cảm, không ai chìa tay giúp đỡ. Anh ta cảm thấy hoàn toàn nằm trong quyền lực của ma quỷ mà thầy phù thuỷ gọi tới để trừng phạt anh ta.
Một cách đặc trưng, các thầy phù thuỷ đều rất khôn khéo và cẩn thận trong việc gắn niềm tin vào ma quỷ vô hình với những sự việc hiển nhiên trước mắt. Thầy phù thuỷ rắc quanh lều cậu bé bị kết án một thứ bột màu đỏ. Dường như đó là một biện pháp ngây thơ, nhưng trong nó chức đựng một ý nghĩa thực dụng rất lớn - đó chính là sự nhắc nhở thường xuyên; sự khiếp sợ không rời cậu bé bởi cái nhìn của cậu luôn phải quay trở lại với dấu hiệu báo cái chết của cậu, và mọi ý nghĩ không tài nào có thể dứt ra khỏi điều ám ảnh đang đe doạ cậu. Ám thị chuyển thành tự ám thị … Nỗi sợ chuyển thành tuyệt vọng hoàn toàn do quá tin vào tính chất không thể đảo ngược được của sự trừng phạt. Điều đó gây sự trao đổi chất không thuận lợi, các quá trình sinh lý trong cơ thể bị rối loạn. Sau khi đã lâm vào cái vòng luẩn quẩn này, nạn nhân sẽ chết".
Như vậy, đằng sau những điều hoàn toàn khó giải thích được trước đây, khoa học đang phát hiện ra những nguyên nhân hoàn toàn thực tế của cái đã xảy ra. Vả lại, đối với chúng ta trên thực tế các thầy phù thuỷ chỉ là ngày hôm qua mà thôi. Nhưng sau đây, là các thầy lang - những người mà chúng ta vẫn thường nghe thấy, hoặc đôi khi đọc thấy trên báo chí. Đây đó vẫn xuất hiện những thầy thuốc tự xưng sẵn sàng chữa trị bất kỳ bệnh gì.
… Người bệnh ngồi trước mặt một bà cụ. Anh ta than phiền là bị ho liên tục. Bà lang đứng dậy, lấy từ trên giá xuống một cái chai đựng thứ chất lỏng sánh như dầu và nói:
- Cầm lấy. Hãy uống một thìa vào mỗi buổi sáng sớm. Sau hai tuần mọi sự sẽ qua khỏi. Thuốc này trị ho, trị huyết áp, trị nhiễm trùng máu.
Thế nhưng trong chai chỉ có thứ dầu hướng dương bình thường. Sự trị bệnh của các thầy lang thường là như thế. Việc trị bệnh này dựa vào sự nhẹ dạ và mê tín của con người và nó thường gắn bó chặt chẽ với sự thần bí công khai. Trước khi đưa cho người bệnh "thứ thuốc công hiệu" nhất định sẽ "chữa khỏi" cho người bệnh, các thầy lang thô lậu thầm thì những câu thần chú, lẩm bẩm cầu nguyện.
Nguồn gốc của thuật lang băm có từ thời xa xưa, khi con người ở khắp mọi nơi đều tin rằng những "tà ma" gieo rắc bệnh tật nhiều khi ẩn náu ở trong con người. Điều đó có nghĩa là để chữa trị cho người bệnh chỉ thầy lang là có thể xua đuổi bệnh tật hoặc chính "tà ma" ra khỏi cơ thể người bệnh bằng những phương cách đặc biệt mà chỉ có thầy biết.
Để làm thuốc, các thầy lang đã sử dụng những thứ chất lạ lùng và bất ngờ nhất, đôi khi là những chất độc, như các loại phân động vật, đá nghiền, máu dơi. Tuy nhiên, chính những "thứ thuốc" này chẳng là gì cả nếu không có lời thần chú hay cầu nguyện đi kèm theo.
Xưa kia, các thầy lang (tức là các bậc ""uyên thâm") (Trong tiếng Nga, tờ "thầy lang" có cùng gốc với từ "hiểu biết".(N. D) là những người duy nhất có thể cứu giúp người đau ốm. Ngay thế kỷ trước, ở nhiều làng thuộc đế quốc Nga, bác sĩ còn là một sự hiếm hoi. Đại đa số nhân dân mù chữ. Vậy là người ta đến với các thầy lang. Còn biết tìm đến ai nữa! Nhưng còn ngày nay?
Thật dễ thấy là công việc đối với thầy lang sẽ chẳng dễ dàng gì nếu giờ đây những người bệnh hy vọng vào sự giúp đỡ tìm đến những kẻ mù chữ, thậm chí dốt nát đó. Chúng ta sẽ không nói về những kẻ rõ ràng là lựa bịp có vô khối trong đám thầy lang ngày nay. Chúng ta sẽ nhắc nhở đến loại khác. Thuật lang băm đã tồn tại hàng trăm ngàn năm nay rồi. Tất nhiên trong khoảng thời gian đó nó đã thâu nạp được không ít kinh nghiệm của y học dân gian. Nhiều phương pháp chữa trị có hiệu quả và đang được các thầy lang truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thuộc về các phương pháp đó là việc sử dụng những loại cây thuốc khác nhau: đôi khi suốt cả một vùng chỉ có một bà cụ già biết được bí mật của những loài cây cỏ ấy.
Không nên phủ định sạch trơn một phương tiện tác động khác đối với các bệnh nhân tìm đến với thầy lang - đó là ám thị và tự kỷ ám thị. Nhiều khi những phương tiện này lại đóng vai trò quyết định trong việc chữa bệnh. Ai là người đến với thầy lang? Đó là những người từng nghe đến phép màu chữa khỏi những bệnh nặng nhất. Đó là những người chưa từng nhìn thấy thầy lang nhưng đã trông cậy vào sức mạnh của ông ta, tin tưởng chờ đợi sự giúp đỡ của thầy lang.
Còn đối với những người không chần chừ tin vào lẽ siêu nhiên, thì những lời thần chú và cầu nguyện mà thiếu chúng thì việc chữa chạy của các thầy lang sẽ thành công cốc, thật có tác dụng rất to lớn. Nhưng chúng ta còn chưa nói tới điều chủ yếu về thuật lang băm này. Đúng trong một số trường hợp nào đó, đặc biệt là khi bệnh tật phát sinh do những rối loạn trong hệ thần kinh, trong tâm lý, và nếu đồng thời con người đó lại tin vào sức mạnh siêu nhiên của thầy lang thì có thể xảy ra không chỉ sự lành bệnh biểu kiến hay tạm thời, mà cả sự khỏi bệnh thực sự nữa. Nhưng những trường hợp như thế lại lọt thỏm trong vô số trường hợp khác, khi người bệnh trở nên nguy kịch hơn sau sự chạy chữa dốt nát như thế.
Nhiều khi một người nào đó mất thời gian lui tới thầy lang mà bệnh vẫn tiến triển, và cuối cùng, đến khi người đó chịu tới bệnh viện thì các bác sĩ đã bất lực không giúp gì được nữa. Vì thế cho nên ở Liên xô đã cấm việc chữa bệnh tuỳ tiện đối với những người không có bằng y khoa. Tin vào những thầy lang như thế đúng là phó thác sức khoẻ của mình, nhiều khi cả cuộc đời của mình cho sự ngẫu nhiên mù quáng.
Tiện đây chúng ta cần thấy rằng ngay cả những loại thuốc của cái gọi là y học dân gian cũng có thể gây nguy hiểm. Khi không có kiểm nghiệm y tế cần thiết, thiếu kết luận của bác sĩ chuyên môn, việc chữa bệnh bằng các loại thuốc sắc khác nhau từ cỏ, cây hay rễ cây có thể đem lại tai hại lớn. Bởi vì hứng lấy việc chữa bệnh cho người đau ốm lại là những người không hề có khái niệm gì về bản chất của bệnh tật.
Hãy hỏi một thầy lang như vậy xem ông ta chữa bệnh bằng thuốc gì thì hoá ra là trong trường hợp hay nhất ông ta có thể giới thiệu với bạn "thuốc chữa tim" (cũng chẳng quan trọng gì việc người ta có chữa bệnh tim hay không, có thể chỉ là bệnh loạn thần kinh chức năng) hoặc "thuốc trị đau bụng" (cũng chẳng can hệ gì việc người đó đau vì rối loạn da dày hay vì đau ruột thừa). Phó thác cơ thể mình cho các vị lang băm thật chẳng khác gì lấy rìu chữa đồng hồ vậy!
Điều hầu như khó tưởng tượng nổiMột nhân viên văn phòng khiêm nhường được ám thị rằng anh ta là Napôlêông. Lập tức người nay thay đổi tác phong, giọng nói và bắt đầu chỉ huy. Ở trạng thái tỉnh táo, anh ta không thể nào thực hiện trò chơi như thế được.
Khi kể về những điều "bất ngờ" mà thôi miên dành cho các nhà khoa học, ta có thể nhớ tới những sự kiện như sau. Nhà tâm lý học người Pháp P. Gianê đã tiến hành thí nghiệm với nữ bệnh nhân Luyxi. Ông đưa cô vào giấc ngủ thôi miên sâu và ra lệnh: sau khi thức dậy cô sẽ kể về một ngày nào đấy trong đời mình. Vào lúc đó nhà khoa học sẽ vỗ tay. Khi ấy, vẫn tiếp tục kể chuyện, Luyxi sẽ bắt đầu nhân 769 với 42. Đồng thời cô sẽ không nhìn vào giấy bút mà cứ để cánh tay tự tiến hành những viết lách cần thiết.
Thí nghiệm lạ lùng ấy đã thành công! Luyxi đã kể chuyện và đồng thời tay cô như tự động nhân các con số.
Sau đây là một trong những ví dụ kỳ lạ nhất về sức mạnh của tác động thôi miên. Nếu trong thời gian thôi miên mà dí chiếc bút chì vào da và ám thị rằng đó là chiếc đinh nóng đỏ thì ở chỗ áp đầu bút thoạt đầu sẽ xuất hiện vệt đỏ, sau đó là một vết bỏng hoàn toàn thật sự! Cho đến nay chúng ta vẫn còn chưa biết về cơ chế bên trong của những quá trình xảy ra ở đây, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng: vết bỏng do ám thị xuất hiện chỉ trong trường hợp người bị thôi miên trong đời mình đã bị bỏng thật. Nói cách khác, khi trong hệ thần kinh, trong não của người đó còn tồn tại những ký ức cho thấy bỏng là thế nào.
Khi nghiên cứu hiện tượng này, nhà khoa học người Nga P. Pôđiapônxki đã viết: "Có lần tôi ám thị không thành công một nông dân về vết đỏ do cao mù tạc tưởng tượng ra: không những không xuất hiện vết đỏ, mà cũng chẳng có cảm giác bỏng rát hay xót nữa. Tôi giả định rằng người này chưa hề bị dán cao mù tạc, và như vậy não anh ta không hề có hình ảnh tương ứng và không có khả năng tái hiện những hình ảnh đó với tất cả các hậu quả… Hóa ra đúng là như vậy - anh ta chưa hề dán cao mù tạc. Sau đó có lần anh ta phải dán cao mù tạc trên ngực, và khi tôi thôi miên anh ta thì lập tức ám thị gây ra không chỉ cảm giác bỏng rát mà cả vết đỏ trên chỗ cao mù tạc ảo".
Khi làm quen với những điều "huyền diệu" lạ lùng của thôi miên, bất giác người ta có thể đặt câu hỏi rằng liệu có giới hạn cho những khả năng của thôi miên không? Có. Và chính các thí nghiệm đã chứng minh điều này. Các thí nghiệm cho thấy rõ rằng là không thể buộc người bị thôi miên thực hiện những hành vi trái ngược với các nguyên tắc đạo đức của người đó.
Bác sĩ đưa cho một nữ bệnh nhân được thôi miên quân bài có hình dao găm và ra lệnh đâm ông ta. Nữ bệnh nhân lập tức thực hiện điều ám thị. Khi đó, nhà nghiên cứu ấn vào tay cô ta con dao và ông nhắc lại mệnh lệnh đó. Cô gái bị thôi miên đã bỏ trốn. Thí nghiệm này đã chứng tỏ về sự tồn tại một hoạt động tâm lý chưa nhận thức được.
Các nhà tâm lý học Pháp đã làm một thí nghiệm như thế này. Một người phụ nữ đắm mình trong trạng thái thôi miên sâu. Sau khi tin chắc rằng toàn bộ mệnh lệnh của mình sẽ được thực hiện một cách tự động, bác sĩ thôi miên đặt vào tay người phụ nữ đó một con dao và ra lệnh: "Hãy đi vào phòng bên. Ở đó trên đi văng có một người nằm quấn mình trong vỏ chăn. Hãy lại gần đi văng và đâm dao vào người ấy rồi quay lại. Không được rút dao ra". Người phụ nữ bị thôi miên không biết rằng trên đi văng là một hình nhân được bọc trong vỏ chăn. Nhưng chị ta thực hiện nhiệm vụ: sau một chút lưỡng lự chị ta đâm dao vào cái cơ thể đó.
Khi người phụ nữ đã quay trở lại, bác sĩ thôi miên ra lệnh cho chị ta quên đi tất cả những gì xảy ra trong giấc ngủ thôi miên, quên đi "tội ác" chị ta đã phạm phải. Thực tế là chị ta đã quên đi tất cả sau khi tỉnh dậy. Nhưng chị ta lại nhanh chóng lâm vào một mối lo âu thảng thốt không giải thích được .
Nỗi lo âu nặng nề ngày càng tăng. Sau đó vài ngày, người phụ nữ này không thể ngủ được. Và chị ta tới gặp bác sĩ yêu cầu giúp chị ta thoát khỏi trạng thái không thể chịu đựng được ấy. Người ta lại thôi miên người phụ nữ đó và chỉ cho thấy rằng trên đi văng là hình nhân. Ngay trước mắt chị ta, người ta rút con dao ra khỏi hình nhân ấy. Bác sĩ thôi miên giải thích rằng không hề có chuyện giết người nào cả. Rồi sau đó ông ta lại ra lệnh cho người phụ nữ ấy quên đi tất cả sau khi tỉnh lại. Trạng thái căng thẳng nặng nề đã biến mất hoàn toàn.
Khi đánh giá tất cả những điều đã nói về thôi miên, ta sẽ đi đến kết luận rằng trạng thái này của tâm lý chúng ta còn chứa chấp trong nó nhiều bí ẩn lạ lùng. Và một điều khác cũng đã rõ: việc nghiên cứu các trạng thái thôi miên có thể trợ giúp rất tốt cho việc nhận thức hoạt động của não chúng ta.
Và có lẽ chúng ta nên noi theo các thuật sĩ Ioga Ấn Độ - những người hiểu rõ sức mạnh của ám thị và đặc biệt là tự kỷ ám thị thôi miên - về một phương thuốc tuyệt diệu không làm hại ai mà có thể giữ gìn sự sảng khoái và sức khỏe. Buổi sáng khi tỉnh dậy hãy bắt đầu một ngày mới bằng sự ám thị nhiều lần với chính mình: "Tôi khỏe mạnh, tôi khỏe mạnh, tôi khỏe mạnh, tôi khỏe mạnh …".
Sau tất cả những gì chúng ta đã biết về thôi miên, "phép thể dục sảng khoái, buổi sáng đó hoàn toàn không có vẻ gì là vô bổ hay dở hơi cả.
… Tôi mới chỉ kể về một phần không đáng kể những điều "huyền diệu" mà trong đó thôi miên, ám thị và tự kỷ ám thị đóng vai chính. Suốt hàng ngàn năm nay ảnh hưởng của chúng ta đến tâm lý con người được tiếp thu như một bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của những sức mạnh siêu nhiên bí ẩn và không thể nhận thức được. Những điều "huyền diệu" được tạo ra bởi các quan tư tế, các thầy lang và thầy phù thủy thông qua thuật thôi miên và ám thị không có được lời giải thích nào khác ngoài căn nguyên siêu nhiên. Và bất cứ những ai đã từng là người chứng kiến những hiện tượng lạ kỳ đến thế - cho dù đó là sự khỏi bệnh bất chợt hay "yểm" bằng lời nói hoặc khoé nhìn - đều bất giác hoảng sợ trước sự thần kỳ bí ẩn.
Bây giờ chúng ta đã biết khá rõ những hiện tượng "huyền diệu" như thế có thể nảy sinh và đang nảy sinh như thế nào và vì sao. Chúng ta có thể giải thích được những hiện tượng đó không cần đến bất kỳ một sức mạnh "siêu nhiên" nào. Và điều đó với đầy đủ sức thuyết phục nói cho ta biết rằng, tất cả mọi sự trong thế giới quanh ta đều có những nguyên nhân tự nhiên của chúng. Thế mà nom chúng lại có vẻ huyền diệu biết bao!