Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Khoa Học >> Bên cạnh điều bí ẩn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9938 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bên cạnh điều bí ẩn
Vladimir Mezenxep

Chương 1

Khi ánh sáng dọa nạt

Thảo nguyên bao la trải dài vô tận. Mặt trời chói lọi đang nhô cao khỏi chân trời báo trước một ngày oi bức. Người đánh xe cho tôi cứ liếm môi hoài, thỉnh thoảng lại giục con ngựa xấu xí bước gióng một.

Đã hai giờ trôi qua kể từ khi tôi rời khỏi một ga xép trên tuyến đường sắt Xibir để tới nơi làm việc đầu tiên của mình - ở một làng trên thảo nguyên tây Xibir. Chúng tôi xuất phát từ lúc trời rạng sáng đượm vẻ lành mạnh, nhưng bây giờ thì chẳng còn gì gợi nhớ lại làn không khí ấy nữa. Đất trần trụi lạnh cóng khi đêm nay đang thèm khát tích nhiệt để sưởi ấm mình. Chân trời đã mất đi những đường nét rõ ràng, những cây bạch dương phía ca nom cong queo, thay đổi hẳn cái dáng dấp thường ngày. Những dòng không khí bị đốt nóng từ bên dưới tỏa lên đón lấy tia mặt trời nóng bỏng. Con đường cây cỏ mọc xanh rờn chạy dài tít tắp nay chìm biến trong những dòng không khí ấy. Những cột điện tín bên đường cũng biến dạng ở nơi xa - chúng liên tiếp thay đổi hình dạng và mất đi vẻ cân đối...

Ở phía trước hiện ra một mặt hồ lớn. Mặt nước hồ trải dài như một dải nước rộng dọc đường chân trời và nhận chìm cả những cột điện tín rung rinh với những cây bạch dương mọc thưa thớt trên thảo nguyên.

Một con chim to vẫy cánh bay lên khỏi mặt nước và tiến lại phía chúng tôi, nó trở nên nhỏ dần trông thấy. Bỗng chẳng còn thấy hồ, chẳng còn thấy chim đâu nữa...

- Ảo ảnh mất rồi, - người đánh xe thốt lên phá vỡ cảnh im lìm. - Oi quá! - đoạn ông ta vẫy ngọn roi về phía chân trời xa xa. - Anh xem thế nào đến chiều cũng có giông.

Ảo ảnh phía chân trời

Đúng, đó chính là ảo ảnh, một trong những hiện tượng mà từ thời xa xưa, con người đã gắn nó với những sức mạnh bí ẩn, vô hình của tự nhiên. “Biển quỷ” - dân cư miền bắc Phi hiện giờ còn gọi ảo ảnh như thế.

Ở phương đông, ai cũng biết câu chuyện cổ tích về nàng tiên Morgana. Nàng thích trêu ghẹo những khách bộ hành mỏi mệt, chỉ cho họ thấy trên sa mạc những ốc đảo nở hoa, những hồ đầy ắp nước, những đô thị trù phú có những tháp giáo đường Hồi giáo với những vườn cây treo lơn lửng trên không trung. Nàng cho họ thấy chỉ để cám dỗ họ đi chệch đường, sau đó khi ảo ảnh đã tan ra trong không khí, nàng sẽ cười nhạo nỗi thất vọng của đám lữ khách ấy. Câu chuyện cổ này để lại dấu ấn của nó trong ngôn ngữ. Người ta gọi bất cứ hình ảnh hư ảo nào đánh lừa nào là phata-morgana, tức là nàng tiên Morgana.

Khi nói về ảo ảnh, người ta thường nghĩ đến một sa mạc cháy bỏng và đàn súc vật trở hàng đang lầm lũi bước đi trên biển cát nhấp nhô. Phía trước, bên đường chân trời mờ nhạt bỗng xuất hiện một bề mặt to lấp loáng. Cái gì vậy? Những con lạc đà dấn thêm vài bước, và trước mặt mọi người hiện lên cả một cái hồ lớn. Làn gió nhẹ làm mặt nước gợn lăn tăn.

Hồ nom rõ ràng đến nỗi không thể nghi ngờ gì về tính chất có thực của nó. Nhưng vài phút trôi qua, và cái hồ ma ấy bắt đầu bị lớp sương mù màu đỏ nhạt của sa mạc bao phủ, nó mất đi những đường nét rồi thình lình bay vút lên trời và mất hút.

Đó là ảo ảnh hồ, một thứ ảo ảnh phổ biến nhất, thường hay xuất hiện hơn cả. Trong những ngày nóng nực, những cái hồ trên sa mạc như vậy là một hiện tượng gặp ở bắc phi. Chiều chiều, một khu vực nào đó bị nung đốt suốt ngày liền biến thành vùng đất ngập lụt. Tất cả những gì ở khoảng cách ba bốn cây số đều bị nước vây quanh. Những thôn xóm nom tựa như những hòn đảo giữa một cái hồ rộng. Càng lại gần làng, cái bờ của vùng nước ảo kia càng lùi ra xa và cái nhánh nước ngăn cách ta với làng dần dần trở nên hẹp lại cho đến khi biến mất hoàn toàn, còn cái hồ vẫn giữ nguyên hình dạng bắt đầu lùi xa dần và luôn luôn ở một khoảng cách không bao giờ đạt tới được.

Ở nước ta (Tức là ở Liên Xô (N D), những ảo ảnh như vậy không lạ lẫm gì với cư dân miền ven biển Caxpi, miền thảo nguyên Crưm, miền đồng bằng sông Vonga. Người ta cũng nhìn thấy ảo ảnh trên mặt đường láng nhựa: vào những ngày mặt trời thiêu đốt, có những “hố nước” trôi qua trước mũi xe như vừa mới qua cơn mưa vậy. Trên mặt hồ phản ánh những đám mây với bầu trời xanh. Ô tô chạy với vận tốc 60 kilômet một giờ, và suốt gần mười phút, ở phía trước luôn luôn nhìn thấy dải nước lừa dối kia. Và nếu những ảo ảnh tương tự không hề làm cho con người ta ngạc nhiên, thì những dạng ảo ảnh khác lại có thể không chỉ gây kinh ngạc, mà thậm chí còn dọa nạt được con người.

- Có lần tôi dừng lại bên lối vào một hẻm núi, - một người đã từng ở Angiêri kể lại, - và ngồi nghỉ trên một tảng đá. Bỗng nhiên ở bên dưới cách tôi chừng năm mươi mét, tôi nom thấy một người cũng ngồi trên một tảng đá. Khi tôi đứng dậy, người kia cũng đứng lên. Khi tôi lại gần người đó, thì anh ta cũng tiến lại phía tôi! Đến khi đến gần hơn thì vô cùng sửng sốt, tôi nhận ra chính mình trong con người đó. Sự giống nhau ấy làm tôi hoảng đến nỗi tôi chìa tay ra. Con người y hệt tôi kia cũng làm như vậy. Nhưng khi tôi quả quyết sáp lại gần hơn thì bóng ma biến mất.

... Ngày xưa, thời còn sử dụng thuyền buồm, ở trên các biển, đều lan truyền một truyền thuyết về con tàu ma - “Người Hà Lan bay”. Người thuyền trưởng của con tàu đó vì tội báng bổ chúa trời nên đã phải chịu tội suốt đời lang thang trên khắp các biển và đại dương mà không được bỏ neo ở đâu cả. Các thủy thủ tin rằng, việc gặp gỡ con tàu buồm ghê sợ đó là điểm báo trước tai họa đắm tàu. Song những cuộc gặp gỡ ấy lại xảy ra thật thường xuyên! Con tàu ma bất ngờ xuất hiện trong đám sương mù, nó lẳng lặng trôi qua trước mắt đám thủy thủ, không hề đáp lại các tín hiệu, rồi sau đấy lại bất chợt biến đi như lúc xuất hiện vậy.

... Năm 1878, vào thời gian xảy ra chiến tranh giữa người Mỹ với người da đỏ, một toán lính dời đồn Abraham Linhcôn đi ra. Một lúc sau những người còn lại trong đồn nhìn toán lính đó đang tiến bước ở trên trời. Người ta liền bảo rằng toán lính đó đã bị giết chết và bây giờ họ đang nhìn thấy linh hồn những người ấy. Vài ngày sau, quả nhiên toán lính bị những người da đỏ tiêu diệt. Những người mê tín nhớ rất dai sự trùng hợp ngẫu nhiên của các sự kiện. Tất cả những điều đó không phải cái gì khác hơn là những ảo ảnh. Hình như trên trời đang diễn ra một “màn kịch” viễn tưởng vậy. Ở vùng bờ biển Xixilia, vào lúc mặt trời mọc, trên mặt biển thường thấy xuất hiện những cung điện nguy nga, những ngọn tháp và pháo đài trên không trung, những người không lồ, những cây cối và động vật khổng lồ; tất cả những cái đó quần tụ lại rồi tản ra, đuổi bắt lẫn nhau, thay hình đổi dạng, cảnh tượng này thay thế cảnh tượng khác.

Một lần, những thủy thủ thám hiểm vùng cực đã gặp “ảo ảnh” như thế. Con tàu của họ len lỏi giữa những núi băng và các tảng băng vỡ ra từ những cách đồng băng: chúng lấp lánh và trở nên chói lọi dưới ánh mặt trời rực rỡ. Bỗng chân trời phân đôi ra, những vật thể ở xa liền bay lên không trung, treo lơ lửng trên đó và không ngừng thay đổi hình dạng. Như trong ống kính vạn hoa vậy, những hình thù, những sự vật lạ thường thoắt ẩn thoắt hiện trước mắt những thủy thủ đứng ngây ra vì quá đỗi sửng sốt: khi thì xuất hiện một cái gì đó giống như ngọn tháp, khi là những hình người nào đó trông thật phi lý, khi lại là một thanh gươm, thế rồi tất cả những cái đó bỗng nhiên được thay thế bằng đường viền rõ nét của một núi băng lớn làm ta nhớ đến pháo đài cổ bất khả xâm phạm. Những cách đồng băng trông giống như những bình nguyên trên đấy có đủ cây cối, gấu, chó, chim chóc, người như thể đang nhảy múa trong không trung.

Như các bạn thấy đấy, thật là lắm hình nhiều vẻ. Nhưng bản chất của tất cả các bức tranh ma quái xảy ra trong không trung đó đều chỉ là một mà thôi.

“Có thể, - ở đây sẽ có một người nào khác nói, - bản chất của các “ảo ảnh” như vậy chỉ là một, nhưng xin hãy giải thích thật rõ ràng và dễ hiểu, làm sao lại có thể xuất hiện một bức tranh lạ lùng đến thế: những người lính hành quân trên bầu trời? ! Và xin hãy chú ý: tất cả những người lính ấy sau đó đều bị chết!”

Chúng ta sẽ còn nói tiếp về sự trùng hợp ngẫu nhiên của các sự kiện khác nhau. Còn bây giờ chúng ta cũng phân tích xem những bóng ma lạ lùng đó xuất hiện như thế nào trong bầu khí quyển trái đất.

THEO NHỮNG QUY LUẬT CỦA QUANG HỌC

Trên bờ ao có một cây liễu. Chúng ta nhìn thấy bóng phản chiếu của nó trên mặt nước lặng như trong gương vậy.

Vì sao thế? Những tia ánh sáng phản chiếu từ cái cây mọc trên bờ ao sẽ tới mắt chúng ta bằng hai con đường: một số tia đi thẳng qua lớp không khí, và chúng ta nhìn thấy hình ảnh của cây, còn những tia khác phản chiếu từ mặt gương của ao, khi đập vào mắt, chúng sẽ tạo nên một hình ảnh thứ hai - nhưng lộn ngược của cây. Vốn dĩ mắt chúng ta không thể phát hiện được sự sai lệch của tia sáng, chúng luôn luôn tiếp nhận hình ảnh của vật như thể các tia sáng đi thẳng từ các vật đó vậy. Vì thế chúng ta nhìn thấy hình ảnh cây liễu được phản chiếu bởi mặt gương của nước theo một đường thẳng đi từ mắt tới mặt nước.

Như vậy ảo ảnh là một sự phản chiếu gương như thế của các vật, cây cối, con người khác nhau. Chỉ có điều tấm gương ở đây không phải là kính, không phải là nước, mà chính là không khí.

Tấm gương khí quyển ấy xuất hiện trong những điều kiện nào?

Chúng ta thường quen cho rằng các tia sáng truyền đi theo đường thẳng trong không khí. Nhưng nếu nói thật nghiêm túc thì còn xa mới là như vậy. Vốn không khí bao quanh chúng ta là không đồng nhất, nó bao gồm các lớp có mật độ khác nhau. Và thế có nghĩa là không thể có sự truyền ánh sáng theo đường thẳng trong không khí được. Những quy luật của quang học là như vậy. Hiểu được các quy luật đó không phải là khó.

Một cái thìa được thả vào một cốc nước chè. Chiếc thìa như bị gãy ra. Nguyên nhân là ở chỗ nước và không khí có mật độ khác nhau. Khi đi qua một môi trường - không khí ít đậm đặc hơn - đến môi trường khác đậm đặc hơn là nước, các tia sáng thay đổi đường truyền thẳng của mình, vả lại theo một nguyên tắc hoàn toàn xác định là chúng bị lệch về phía môi trường đậm đặc hơn. Trong trường hợp của chúng ta thì đó là nước. Khi đi từ thủy tinh vào nước, tia sáng bị khúc xạ về phía thủy tinh có mật độ lớn hơn so với nước.

Thế còn khi ánh sáng truyền qua bầu khí quyển thì sao? Mỗi khi tia sáng đi từ lớp không khí có mật độ nhất định vào lớp không khí có mật độ hơi nước, nó liền bị khúc xạ ít nhiều, và thay đổi đường truyền thẳng của mình.

Ta nên nhớ rằng vào mùa hè, những ngôi nhà, công trình, cây cối trên đường chân trời, dường như cũng run rẩy, đung đưa. Tất nhiên, không phải chính chúng, mà những hình ảnh của chúng đang run rẩy. Nhưng như thế có nghĩa gì? Đó là, những tia sáng được các vật phản chiếu lại và đi đến mắt chúng ta đã liên tục thay đổi hướng. Nói cách khác, đường đi của chúng hoàn toàn không phải là thẳng.

Người ta gọi đó là sự khúc xạ. Sự khúc xạ nhỏ luôn xảy ra (chỉ trừ một trường hợp, khi các tia sáng từ các thiên thể đập vào mắt chúng ta theo chiều thẳng đứng). Do có sự khúc xạ đó mà ta thấy các thiên thể như nằm ở vị trí cao hơn của chúng trong thực tế. Vào buổi xế chiều, chúng ta thấy mặt trời lưu lại 5 - 10 phút sau khi đã khuất xuống đường chân trời. Chúng ta thấy các vật ở xa đều cao hơn và gần hơn một chút so với vị trí thực của chúng.

Sự khúc xạ ánh sáng trong bầu khí quyển của trái đất là một hiện tượng bình thường xảy ra ở khắp mọi nơi. Và chúng ta lại thường không nhận thấy hiện tượng đó: sự khúc xạ các tia sáng là rất nhỏ, chúng không làm chuyển dịch vị trí và không làm sai lệch hình ảnh của các vật nhìn thấy một cách rõ rệt.

Nhưng cũng có khi khác đi. Đôi khi các tia sáng phản chiếu từ một số lớp không khí như từ một tấm gương và như vậy chúng bị lệch đi đáng kể. Chẳng hạn, điều đó diễn ra vào mùa hè, khi mặt trời hâm nóng bầu không khí, đặc biệt là các lớp dưới. Khi đó, các lớp này trở nên ít đậm đặc hơn. Những tia sáng đi từ vật nào đó tới mặt đất sẽ phản chiếu lại từ lớp không khí như vậy như từ bề mặt nước, chúng đi lên trên và đập vào mắt người quan sát. Lúc đó chúng ta có thể nom thấy ảo ảnh “hồ” hay là ảo ảnh dưới.

Chúng ta lấy ví dụ ảo ảnh trên sa mạc. Những con tàu của sa mạc - những con lạc đà - đang chậm rãi chuyển động. Như bị thiêu đốt trong lò, cát và đá hừng hực bốc hơi nóng. Không trung tĩnh lặng. Bầu trời bị che phủ bằng một màn sương màu đỏ nhạt; mặt trời chìm nghỉm và đường chân trời mất hút. Lớp không khí cuối cùng bị đốt nóng hơn cả vì cát bỏng rẫy, và vì thế nó bị loãng đi nhiều. Lớp không khí bên trên bị nung nóng ít hơn, vì vậy nó đậm đặc hơn. Hiện tượng đó thường xảy ra vào nửa đầu của ngày, khi lớp không khí sát mặt đất đã bị nung nóng mà các lớp trên còn lạnh.

Mật độ không khí ở cả hai lớp kề sát nhau ấy trong trường hợp này không còn đồng nhất nữa. Thế là trong những điều kiện như vậy, đâu đó ở chân trời, phía trước đoàn súc vật chở hàng hiện ra một cái hồ ma, còn trên thực tế, đó là sự phản chiếu bầu trời ở tấm gương của lớp không khí bên dưới.

Tấm gương không khí có thể xuất hiện ở cả các lớp trên của bầu khí quyển - chúng ta có thể nhìn thấy trên đó sự phản chiếu của những vật ở xa bị khuất sau chân trời trong những điều kiện bình thường. Khi đó chúng ta nom thấy chúng khá cao và gần hơn là chúng tồn tại trên thực tế.

Trong những điều kiện nào thì xuất hiện tấm gương không khí trên? Thường là thế này: vào sáng sớm, khi các lớp dưới của không khí còn khá lạnh vì tiếp xúc với mặt đất, còn các lớp trên thì ấm hơn. Với những điều kiện như thế, ở bên trên có thể cấu tạo nên một lớp không khí phản chiếu.

Người ta thường thấy các ảo ảnh trên hơn là các ảo ảnh ở dưới biển, cũng như ở các vùng vĩ độ ven cực, nơi các lớp không khí bên dưới hầu như lúc nào cũng lạnh hơn các lớp trên. Ở phương bắc, hiện tượng này thường có vào mùa đông và mùa xuân, vào những ngày có gió ấm áp thổi từ phương nam tới, trong khi những lớp dưới của bầu khí quyển vẫn còn lạnh vì tuyết phủ.

Trên biển cả, có thể nhìn thấy trong ảo ảnh trên hình ảnh những hòn đảo và con tàu ở xa khuất sau chân trời. “Tôi đã nhìn thấy qua ống nhòm những đường nét và thiết bị trên tàu rõ đến nỗi, - một nhà thám hiểm vùng cực viết - tôi đã không hề đắn đo thừa nhận đó là chiếc tàu của cha tôi. Sau này, khi so sánh các bản đồ hoa tiêu của cả hai tàu, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng chúng tôi đã ở cách nhau một khoảng cách năm mươi cây số, tức là họ đã không thể nhìn thấy nhau được

Tùy thuộc vào tính chất của sự phản chiếu do tấm gương không khí trên, đôi khi chúng ta nhìn thấy ảo ảnh thẳng ngay trên đầu ta ở cao tít trên không trung, dưới dạng hình ảnh lộn ngược. Những ảo ảnh như vậy thậm chí còn hay xảy ra nữa. Có một câu chuyện nổi tiếng của một nhà thám hiểm khi đến Italia, ở trên bờ biển đã nhìn thấy trên không trung hình ảnh lộn ngược của cả một thành phố. Vô cùng sửng sốt, ông ta liền vội vàng vẽ ngay những gì đã thấy, rồi sau đó đi tiếp để tìm kiếm nguyên nhân của hiện tượng kỳ lạ đó. Sau vài cây số tiếp theo ông ta đã tới chính thành phố mà trước đó ông đã nhìn thấy hình ảnh của nó trên không trung.

Thành phố Lômônôxôp nằm trên bờ vịnh Phần Lan, cách Lêningrát 40 kilômet. Từ nơi đây rất khó nhìn rõ được Lêningrát. Nhưng có những ngày mà dân cư thành phố Lômônôxôp nhìn thấy Lêningrát rõ như trên lòng bàn tay. Hình như thành phố hiện lên trên không trung. Khi đó, từ Lômônôxôp nhìn rõ hình sông Nêva, cầu cống, một số ngôi nhà cao tầng biệt lập. Vậy là chúng ta gặp được ở đây sự phản chiếu trực tiếp các vật trong tấm gương không khí lạ lùng dường như bao trùm cả mặt đất.

Cuối cùng, cũng có khi xảy ra như thế này - cao tít trên không trung xuất hiện ảo ảnh trên kép - đồng thời cả hình ảnh trực tiếp và hình ảnh lộn ngược. Hình ảnh như vậy được quan sát thấy trong bầu khí quyển, các lớp không khí có mật độ khác nhau phân bố không đều. Còn nếu lớp không khí nóng nằm xen giữa hai lớp không khí lạnh hơn thì sẽ hình thành những điều kiện để xuất hiện ảo ảnh ba. Điều này hay xảy ra ở các biển vùng cực.

TẤT CẢ ĐỀU DO TẤM GƯƠNG ĐÓ

Bây giờ, việc giải đáp điều bí ẩn của “Người Hà Lan bay” và của toán lính thực dân Mỹ bước đi trên không trung không còn là điều khó khăn nữa. Mặc cho tất cả tính chất khác thường của những “bóng ma” tương tự, bản chất của chúng là ở tự nhiên, và có thể giải thích được. Trước mắt chúng ta chính là ảo ảnh trên mà thôi, chỉ có điều bề ngoài nó nom thật khủng khiếp đối với những người mê tín.

Tôi còn nhớ một câu chuyện rất thú vị xảy ra ngay trong thời đại chúng ta. Đó là vào những năm 20 của thế kỷ này. Một chiếc tàu viễn dương theo tuyến hành trình thường lệ từ châu Âu sang châu Mỹ. Bỗng tại một nơi cách quần đảo Anh không xa, tất cả những người trên boong đều nhìn thấy con tàu “Người Hà Lan bay”. Ý nghĩ về con tàu ma ghê gớm liền hiện lên trong tâm trí các hành khách và thủy thủ. Con tàu bí ẩn đe dọa đâm vào chiếc tàu thủy. Đến giây phút căng thẳng nhất, viên thuyền trưởng bằng một giọng thất thanh ra lệnh đổi hướng chạy tàu. Nghiêng sang mạn phải, chiếc tàu buồm lướt qua.

Những hành khách hốt hoảng, sững sờ đã nhìn thấy một điều còn kỳ lạ hơn nữa: trên boong có những người mặc ... các bộ quần áo cổ xưa đang nhốn nháo. Họ giơ tay lên và kêu to những gì đó.

Khi chiếc tàu thủy đến bến cảng, sự việc huyền bí ấy đã lan ra khắp nơi. Trên nhiều tờ báo Anh và Mỹ xuất hiện các bài báo dài viết về những bóng ma. Người ta viết rằng cuộc gặp gỡ với chiếc tàu buồm huyền thoại nọ là một chứng minh hùng hồn về sự tồn tại của thế giới bên kia. Trên thực tế, không thể có chuyện nhầm lẫn được một khi có hàng trăm người đã tận mắt thấy rõ con tàu ma với các thủy thủ của nó!

Song chẳng bao lâu mọi chuyện đã được làm sáng tỏ. Chiếc tàu khách viễn dương đúng là đã chạm trán với chiếc tàu “Người Hà Lan bay”... được đóng để quay phim. Trong khi đang tiến hành quay phim trên biển thì một trận bão nổi lên. Những người có mặt trên tàu đã không thể điều kiện các cánh buồm, và gió đã đẩy họ ra ngoài khơi. Phải vài ngay sau, những người kiệt sức vì hoảng sợ ấy mới được vớt lên khỏi tàu, còn “Người Hà Lan bay” thì được đưa về cảng.

Thế đấy, đôi khi những hoàn cảnh trùng hợp nhau lại xảy ra bất ngờ đến thế nào! Trong những trường hợp có thể thấy rõ sự mê tín đã bùng nổ ra sao. Đôi khi chứng “suy nhược thần kinh” thậm chí còn gặp ở nhà “duy vật kiên định” nữa. Sau khi đã va chạm với hiện tượng hiếm có gây kinh hoàng, con người không chỉ bắt đầu tự mình tin, mà còn đi thuyết phục người khác rằng “đúng lần này” họ đã thật sự chạm trán với các sức mạnh thuộc thế giới bên kia.

Câu chuyện xảy ra với “Người Hà Lan bay” ở thế kỷ 20 vừa được nói trên kia là một bằng chứng rõ rệt về điều này. Hàng ngàn người tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia. Vậy làm sao mà đòi hỏi hơn được ở những thủy thủ dốt nát của bao thế kỷ trước, khi họ đã nhìn nhận rành rành chiếc tàu buồm ghê gớm trôi ngay bên cạnh, con tàu mà theo định kiến chung của mọi nhà hàng hải báo trước một tai họa nào đó sẽ xảy đến...

Nếu sau đó trên tàu có ai đó bị chết, hay một trận giông tố ác liệt nổi lên, hoặc tồi tệ hơn nữa là xảy ra đắm tàu, các thủy thủ liền tin chắc lỗi ở đây là do cuộc chạm trán với con tàu của người chết.

Thế nhưng nếu chuyến đi biển kết thúc an toàn (tất nhiên điều này đâu phải chỉ có một lần), người ta liền quên phắt cuộc gặp gỡ “rủi ro” ấy. Đặc tính của tâm lý, của trí nhớ của chúng ta vốn là như thế.

Sau đây là một ví dụ đơn giản. Đã hàng chục, hàng trăm lần chúng ta quan sát thấy mèo đen chạy ngang đường (Người châu Âu cho rằng đó là điểm gở báo sự rủi ro (N D). Ý nghĩ về điềm báo nực cười liền xuất hiện rồi lập tức bị quên đi. Và trên thực tế, không có điều gì khó chịu xảy ra với bạn cả. Nhưng nếu sau cuộc gặp gỡ với con vật bốn chân “mang điềm ác” đó xảy ra một điều khó chịu hoặc không may nào đó với một người thì sao đây.

Lập tức ký ức của người đó liền nhắc nhủ: trước đó mèo đen đã xuất hiện! Thế là lúc này khó mà thuyết phục cho anh ta tin rằng, sự trùng hợp ấy chẳng nói lên điều gì cả. Khó là bởi vì anh ta nhớ rõ - đến hàng năm trời - về sự việc đó và hoàn toàn quên đi mọi sự việc khác. Bởi vì nếu như trong số mười trường hợp ngẫu nhiên mà có một dấu hiện nào đó tỏ ra là đúng dẫu chỉ một lần thì chúng ta sẽ ghi nhớ điều đó nhanh hơn tất cả những sự việc không trùng hợp.

Lẽ dĩ nhiên, mọi điều như thế là hợp lý chỉ khi người đó có khuynh hướng mê tín dị đoan.

Đó cũng là điều xảy ra trong những cuộc chạm trán với “Người Hà Lan bay”: các thủy thủ nhìn thấy ở phía xa những con tàu buồm được tấm gương không khí phản chiếu, và bởi họ không biết đến những quy luật của quang học khí quyển, nên họ tin tưởng chắc chắn vào thế giới bên kia.

... Còn có một biến dạng nữa của tấm gương không khí: khi tấm gương dựng đứng. Trong trường hợp nảy sinh cái gọi là ảo ảnh bên. Các bạn hẳn cuộc gặp gỡ với “bóng ma” bên hẻm núi ở Angiêri chứ? Những ảo ảnh không khí lặp lại giống hệt như thế thường hay xuất hiện bên những bức tường bị đốt rất nóng. Bức tường ở đây có thể là mặt đất, còn lớp không khí sát với nó bị đốt nóng mạnh hơn cả, vì vậy trở nên loãng hơn lớp không khí kề bên. Ranh giới giữa hai lớp này trở thành tấm gương không khí.

Những hình ảnh ở các ảo ảnh bên gần như bao giờ cũng bằng với các vật được phản ánh về mọi kích thước. Đó có thể là do ảo ảnh đôi, ảo ảnh ba, thậm chí cả ảo ảnh bốn nữa.

Thường thì các ảo ảnh xuất hiện khi lặng gió; gió làm vỡ tấm gương không khí. Nhưng trong tự nhiên làm gì có tĩnh lặng hoàn toàn. Tuy vậy trong không khí thỉnh thoảng vẫn nảy sinh những điều kiện cho việc xuất hiện các ảo ảnh. Thế có nghĩa là tấm gương không khí không đến nỗi mỏng manh như thế: những dao động nhẹ của không khí không đang sợ lắm đối với nó. Và như vậy, khi các lớp không khí có mật độ khác nhau khẽ di chuyển, khi chúng dao động sẽ phá vỡ các ranh giới giữa chúng với nhau, và trong không trung liền xuất hiện những bức tranh kỳ dị nhất. Tấm gương không khí bất định, tựa như tấm gương bằng thủy tinh cong, sẽ làm sai lạc đi hiện thực đến mức không thể nhận ra nữa.

Vào thế kỷ 19, ở Angiêri đã xảy ra một chuyện liên quan đến một đội lính Pháp. Đội lính này đang đi trên sa mạc. Phía trước, cách họ chừng sáu kilômet có một đàn hồng hạc đang nối đuôi nhau đi, loại chim này ở Angiêri không thiếu gì. Khi đàn hồng hạc đi đến dải ảo ảnh, từng con một biến hình giống như một kỹ sĩ Ảrập. Lính Pháp liền quả quyết rằng ở phía chân trời có cả một đội quân Ảrập đông đảo.

Ảo giác do ảo ảnh gây ra mạnh đến nỗi viên đội chỉ huy liền phái một tên lính đi trinh sát. Khi tên lính tiến đến gần, hắn nom thấy đàn hồng hạc. Nhưng bản thân tên lính cũng đi vào dải ảo ảnh. Bốn vó con ngựa của hắn có kích thước to đến nỗi nom như hắn đang cưỡi một giống vật kỳ lạ. Chiều cao con vật dễ đến vài mét. Từ xa có cảm tưởng như con vật ấy đang đi trên bề mặt một chiếc hồ nước rộng.

Ở Liên Xô, những “bóng ma” như thế hay thấy ở gần Xivasơ, bên eo đất Pêrêkôxki. Mùa hè, hầu như vào ngày nắng nào cũng vậy, cây cối, gò đồi, nhà cửa cứ như nô rỡn trong không trung. Chúng không ngừng thay hình đổi dạng...

Ta cũng nên nhớ lại câu chuyện buồn cười đã từng xảy ra vào thế kỷ trước với những người tham gia đoàn thám hiểm của nhà nghiên cứu địa cực người Thụy Điển Nordensen. Gần trạm nghỉ của đoàn thám hiểm xuất hiện một con gấu trắng to. Mọi người vội cầm súng chạy ra. Nhưng vào lúc mọi người chuẩn bị bóp cò thì “con gấu” đã sải rộng đôi cánh bay lên trời. Khi bay nó trở nên nhỏ dần và biến thành ... chim hải âu.

Cũng có khi ảo ảnh làm người ta vỡ mộng thật sự. Chẳng hạn chúng ta biết rõ các thủy thủ Thụy Điển đã mất bao nhiêu thời gian để đi tìm hòn đảo ảo ảnh xuất hiện trên biển Bantic giữa quần đảo Alan và bờ biển Thụy Điển.

Song có lần ảo ảnh lại có ích. Năm 1902, nhà thám hiểm địa cực nổi tiếng người Anh, thuyền trưởng Xcôt đã giả định rằng, xa hơn về phía nam có một mạch núi. Điều phỏng đoán của ông sau đó đã được nhà nghiên cứu địa cực người Na Uy R. Amunđxen khẳng định, chính ông đã tìm thấy mạch núi ở nơi Xcôt dự đoán.

Bây giờ chúng ta cùng nhớ lại hình dạng của ảo ảnh mà nhiều người có thể thấy vào tiết thu ở các vùng lãnh thổ Liên Xô. Khi hạ xuống bên đường chân trời, mặt trời bỗng nhiên thay đổi hình dạng. Đĩa mặt trời bỗng nhiên biến thành hình tam giác, một giây sau chúng ta thấy nó đã có hình cây nấm, sau đó mặt trời lại có hình quả trứng, hình thang ... Đã thế, mặt trời còn nhảy múa, lúc thì nó nhô lên, lúc lại hạ xuống, còn khi áp sát đường chân trời thì nó lúc ẩn lúc hiện.

Đó là hiện tượng kỳ thú xảy ra trong khí quyển chứ không phải điều gì khác. Song những người sùng đạo cho đến tận bây giờ vẫn gắn hiện tượng đó với đức tin của mình. “Mặt trời chơi đùa, - họ bảo, - chỉ vào dịp lễ phục sinh, vì mặt trời mừng ngày lễ vĩ đại ấy!” Nhưng dễ dàng thấy rằng ảo ảnh đó có thể quan sát được cả vào những ngày bình thường cả mùa xuân lẫn đầu mùa hạ.

Những điều “kỳ dị” đó được giải thích rất đơn giản. Như trên đã nói: các tia sáng không phải là đi thẳng trong bầu khí quyển. Vì nguyên nhân đó mà chúng ta nhìn thấy các vật thể khác nhau đôi khi không phải ở chỗ nó đang tồn tại, hoặc ở hình dạng méo mó hẳn đi hay không nhận ra nổi. Mặt trời đùa rỡn chính là hiện tượng như vậy.

Khi ranh giới giữa những lớp không khí khác nhau (có mật độ khác nhau) luôn luôn thay đổi, khi không khí ở trên mặt đất thường xuyên chuyển động, chúng ta có thể thấy được trò đùa rỡn của mặt trời. Các tia mặt trời lúc này bị lệnh đi nhiều lần trong khí quyển, hành trình của chúng luôn luôn thay đổi. Và chúng ta có cảm giác mặt trời không ngừng thay đổi hình dạng của mình. Hiện tượng này xảy ra vào những ngày không khí bị đốt nóng ở sát mặt đất và luôn luôn chuyển động, đồng thời mật độ của nó liên tục thay đổi.

Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi chân trời, các tia sáng của nó bắt đầu đi qua các lớp không khí yên tĩnh và đồng nhất hơn, trò chơi chấm dứt. Ảo ảnh biến mất.

Bóng ma của Sa hoàng Ivan

Nhà văn V. Kôxtưlep trong cuốn tiểu thuyết của ông “Ivan Hung đế” kể về điều đó như sau:

“... Sa hoàng Ivan đưa bàn tay run rẩy kéo tấm màn che ra. Ông ta ngước đôi mắt hoảng loạn lên trời.

Khuôn mặt Sa hoàng méo xệch đi vi kinh hoàng; trên trời, ở những tầng cao tối thẫm đã ngưng lại điểm trời hình thập ác...

Tay chống gậy, Sa hoàng bước ra tam bậc cấp đỏ để quan sát cái hình ảnh lạ lùng mà hoàng hậu vừa bảo cho ông biết.

Ông ta im lặng nhìn mãi lên bầu trời dày đặc những chòm sao sáng và dõi theo cây thập tự bí ẩn mờ ảo hiện ra trên bầu trời sâu thẳm. Và bỗng nhiên, người lảo đảo vì yếu mệt... ông ta thầm thì:

- Đó là điểm báo cái chết của ta. Nó kia rồi ...

Liệu có cây thập tự sáng trên bầu trời không? Liệu đó có phải là điều bịa đặt của nhà văn không ?

Không, trong thực tế hoàn toàn có một hiện tượng tự nhiên như vậy, và tất nhiên nó làm khiếp đảm những người mê tín. Trong quá khứ, nó đã từng được coi là điểm báo trước ghê gớm về những sự kiện bi thảm như chiến tranh, nạn đói, bệnh dịch ...

“Thượng đế tức giận chúng ta, những kẻ có tội lỗi, - những người sùng đạo nói và sợ sệt nhìn lên cây thập tự trên trời (đôi khi người ta coi đó là thanh gươm có chuôi cầm), - rồi sẽ có tai họa lớn đây”.

Thế mà trên thế giới đã có biết bao cuộc chiến tranh liên miên, bệnh tật tàn nhẫn đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng mà không gì cứu thoát nổi, mùa màng cứ thất bát triền miên. Và tất cả những điều đó ngày càng củng cố trong dân chúng niềm tin rằng những cây thập tự hay những thanh gươm trên trời là những dấu hiệu của “cơn thịnh nộ của thượng đế”.

Ánh sáng mặt trời hay ánh sáng mặt trăng tạo nên biết bao nhiêu là “điềm trời” khác thường. Trong khoa học, chúng chỉ có một tên gọi là “quầng”.

Không dễ gì mà tìm được trong số các hiện tượng khí quyển một sự kiện nào khác có thể làm kinh hoàng tổ tiên chúng ta như quầng. Những người “chứng kiến” đã nghĩ ra những câu chuyện huyền tưởng về hiện tượng lạ lùng này của tự nhiên và thêm các ức đoán của mình vào điều đã nhìn thấy. Sửng sốt trước những điều kỳ dị khó hiểu, các nhà viết sử, thường hơn cả lại là chính các tu sĩ đôi khi “ nhìn thấy” trên trời cao những cái chẳng hề có bao giờ.

“Ở ba Lan vào năm 1463, - một trong số các nhà viết sử này viết, - suốt hai giờ liền người ta trông thấy hình ảnh chúa Kitô bị đóng đinh câu rút với thanh gươm hướng từ tây xuống nam. Chẳng bao lâu sau, những tai họa kinh khủng đã giáng xuống đất nước này. Vào năm 1489, khắp nước Ba Lan ai ai cũng thấy những thanh gươm đẫm máu và các thứ vũ khí khác. Đi kèm theo những điềm báo ghê gớm đó là những trận mưa lớn, hạn hán, nạn đói và bệnh thương hàn”

Những nhà viết sử còn biết rằng, đôi khi trên trời xuất hiện đến vài mặt trời. Sự việc này được thể hiện trong văn học cổ. “Các chiến binh Nga La Tư chiến đấu thật dũng cảm, - tác giả của “Thiên anh hùng ca về đạo quân Igor” kể, - và khan (thủ lĩnh (N D) của quân Pôlôvet như một con sói xám chạy tháo thân sang bên kia con sông rộng lớn. Tinh binh Nga La Tư tiến theo đánh đuổi quân xâm lược ngoại tộc ra khỏi đất nước Nga. Nhưng trời bỗng tối sầm lại. Những đám mây đen vần vụ trên trời, và bốn mặt trời tỏa chiếu trên đất Nga”. “ Rồi sẽ có họa lớn đây”. - những chiến binh Nga La Tư nói khi nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ ấy. Và chẳng bao lâu sau, những mũi tên độc của bọn Pôlôvet đã tới tấp bay từ sông Đông và từ biển nam tới.

Những chiến binh Nga La Tư thật can trường, nhưng bọn Pôlôvet đã bao vây chặt cánh đồng mênh mông. Quân Nga rút lại, và hoàng tử Xêverxki Igor Xviatôxlavich bị khan Pôlôvet bắt làm tù binh ...”

Một nhà viết sử vô danh đã chứng thực: “Vào năm 7293 (tức là năm 1785 - V. M.), tại thành phố Iarôxlap lừng danh xuất hiện điềm báo: suốt từ sáng sớm đến tận trưa, trên trời có một vòng tròn với ba mặt trời, đến trưa lại thấy có thêm vòng tròn thứ hai, trên đó có cây thánh giá với vương miện, và một mặt trời nữa vẻ u tối, còn dưới vòng tròn lớn là một cái gì đó nom tựa như cầu vồng...”

Ba và bốn mặt trời trên bầu trời. Những cây thánh giá và vương miện. Những vòng cung và những thanh gươm sáng chói... Thật là những cảnh tượng lạ lùng! Có vẻ như chẳng có chút gì sự thật trong mọi chuyện đó cả. Nhưng sau đây là mô tả một quầng phức tạp do các nhà khí tượng học G. Bezva và V. Vêrina quan sát thấy ngày 21 tháng hai năm 1964. Vào buổi chiều, ở một số vùng thuộc nước cộng hòa Mônđavia người ta có thể nhìn thấy cảnh tượng sau: mặt trời nằm ở tâm hai vòng tròn cỡ 22 và 46 độ (tức là người quan sát thấy bán kính của hai vòng tròn cỡ 22 và 46 độ). Trên vòng tròn nhỏ ở cả hai bên mặt trời có hai vệt sáng màu đỏ kích thước bằng mặt trời. Xung quanh chúng còn có hai vòng tròn cỡ 22 độ nữa. Ngoài ra, còn ba mặt trời giả nằm trên vòng tròn lớn (cả thảy có sáu mặt trời trên bầu trời!) Kề với nó ở bên trên là một cung cỡ 46 độ.

Rõ là ta phải đồng ý: hiện tượng như thế có xảy ra thật.

Vậy khoa học - nhà viết sử nghiêm túc, không thiên vị và chính xác hơn nhiều - sẽ nói gì đây với chúng ta về những hiện tượng như thế?

Người ta quy định phân loại quầng theo độ phức tạp chúng. Nếu quan sát thấy từ một đến ba dạng, tức là hai mặt trời giả và quầng - vòng tròn cỡ 22 độ hoặc các bộ phận của vòng tròn đó có dạng hai cung bên phải và bên trái mặt trời, thì đó là quầng đơn giản. Kết hợp bốn, năm dạng hoặc nhiều hơn thì đó là quầng phức tạp.

Có lẽ ai cũng từng nhìn thấy quầng đơn giản. Các bạn hãy nhớ lại, vào một ngày mùa đông lạnh giá, khi mặt trời bị che phủ bởi một tấm màn mây mỏng, cả ở hai phía bên mặt trời đều xuất hiện hai vết sáng.

Đôi khi trên mặt trời xuất hiện vết thứ ba. Thường thường, dạng quầng như thế không làm cho những người mê tín lo ngại gì. Song lịch sử còn lưu lại cho chúng ta một sự kiện thú vị: sau khi Napôlêông I thoái vị, ở Pháp người ta quan sát thấy trên mặt trời xuất hiện một vệt sáng tựa như chiếc mũ hình tam giác của hoàng đế, và nhiều người coi đó là dấu hiệu hoàng đế sẽ trở về từ nơi đày ải ở đảo Xanh Hêlen...

Có lẽ, nhà bác học T. Lôvitx ở Pêtecbua đã được chứng kiến và mô tả một quầng phức tạp nhất. Vào một ngày hè năm 1970, ông đã phác họa lại một bức tranh mở ra trước mắt ông. Xung quanh mặt trời rực sáng hai vòng tròn ngũ sắc: một to, một nhỏ; tiếp giáp với chúng ở bên trên và bên dưới là những nửa vòng tròn sáng chói nom giống như những chiếc sừng rộng. Một dải trắng song song với đường chân trời đã cắt ngang mặt trời và những vòng tròn ngũ sắc nhỏ có những mặt trời giả lấp lóa; các mặt hướng về mặt trời có màu đỏ, còn ở các phía đối diện là những cái đuôi sáng kéo dài. Cả ở phía đối diện với mặt trời cũng thấy ba vết như vậy trên dải trắng. Vết thứ sáu tỏa sáng thật rực rỡ trên vòng tròn ngũ sắc nhỏ ở bên trên mặt trời. Tất cả những cái đó trên nền trời suốt gần năm tiếng đồng hồ.

Tiện đây, chúng ta nhận thấy là sự xuất hiện những quầng sáng hay quầng phức tạp thường báo trước sự thay đổi thời tiết đột ngột vào những ngày sắp tới (trời trở ấm vào mùa lạnh và trở lạnh vào mùa nóng) và báo trước rằng trời sẽ nhiều mây.

Nhưng những bức tranh trong không trung ấy sẽ xuất hiện ra sao?

Nếu am hiểu

Khi nghiên cứu quầng, các nhà bác học đã từ lâu nhận thấy rằng các ảo ảnh trong khí quyển này xuất hiện khi mặt trời (hay mặt trăng) bị che phủ bởi một màn mây sáng trắng - tức là tấm màn mỏng của các đám mây ti - tầng. Những đám mây này trôi trên độ cao sáu đến tám kilômet và bao gồm các tinh thể băng rất nhỏ. Khi lên cao hay xuống thấp theo các dòng không khí, các tinh thể này như tấm gương sẽ phản chiếu những tia mặt trời chiếu vào hoặc làm khúc xạ chúng như lăng kính thủy tinh vậy.

Những tia bị phản chiếu từ một số tinh thể có thể đi tới mắt ta - và khi ấy chúng ta có thể nhìn thấy một hình dạng nào đó của quầng.

Không phải đám mây ti nào cũng tạo ra quầng sáng rõ ràng. Để xảy ra hiện tượng đó, các đám mây phải không quá đậm đặc (để mặt trời xuyên thấu!), đồng thời trong không khí cần phải có một lượng đủ các tinh thể băng.

Nhiều khi trên bầu trời xuất hiện vòng tròn sáng nằm ngang bao quanh bầu trời và song song với đường chân trời. Nó hình thành như thế nào? Các nhà khoa học đã tiến hành những thí nghiệm đặc biệt và thấy rằng hình dạng đó của quầng được cấu tạo nhờ sự phản chiếu ánh sáng mặt trời từ các cạnh bên của các tinh thể sáu cạnh trôi nổi trong không khí ở vị trí đứng thẳng.

Những tia sáng mặt trời đập vào những tinh thể như thế, được phản chiếu lại như một tấm gương rồi đi tới mắt người quan sát. Và lúc này, đặc điểm của tri giác chúng ta mà ta đã có dịp nói tới, liền phát huy tác dụng. Mắt ta không thể phát hiện được độ lệch của các tia sáng, và chúng ta nom thấy hình ảnh được phản chiếu của mặt trời không phải ở chỗ nó đang có trên thực tế, mà trên một đường thẳng đi từ mắt, hơn nữa, hình ảnh đó sẽ được nhìn thấy ở một độ cao trên đường chân trời như mặt trời vậy.

Cũng như vậy mà chúng ta thấy trong gương hình ảnh của bóng đèn điện đồng thời với chính bóng đèn đó. Bây giờ bạn hãy hình dung: trong không khí có rất nhiều tinh thể trôi nổi theo chiều thẳng đứng - tức là các tấm gương. Những hình ảnh từ mặt trời của các tinh thể đơn lẻ đi tới mặt chúng ta hội tụ lại, và chúng ta nhìn thấy một vòng tròn sáng đặc song song với đường chận trời.

Sự phản chiếu ánh sáng từ các tấm gương băng nhỏ xíu trôi trong dòng không khí lạnh sinh ra một dạng quầng khác ở trên trời, đó là cột ánh sáng. Tham gia vào trò chơi này của ánh sáng là những phiến băng trôi trong bầu khí quyển theo phương nằm ngang. Các tia mặt trời vừa ló ra khỏi đường chân trời đập vào các cạnh dưới đang dao động của những phiến băng đó, chúng phản xạ và đập vào mắt người quan sát. Khi những tinh thể như thế có nhiều trong không khí, các hình ảnh gương của mặt trời đập tới mắt ta từ các phiến băng lớn lẻ sẽ nhập lại thành một hình duy nhất, do vậy chúng ta thấy hình ảnh đĩa mặt trời kéo dài, bị biến dạng đến mức không thể nhận ra - một con đường nhỏ tỏa sáng từ chân trời hướng lên bầu trời.

Ta thường nhìn thấy sự phản chiếu như thế ở trên mặt nước. Bạn hãy nhớ lại “con đường ánh trăng” trên mặt ao, hồ. Đó không phải là cái gì khác hơn là sự phản chiếu gương của mặt trăng, chỉ có điều sự phản chiếu bị biến dạng kinh khủng, nó bị kéo dài trên mặt nước gợn lăn tăn. Nước khẽ gợn sóng phản chiếu ánh trăng dưới đáy nước làm cho ta thấy như có hàng chục phản ảnh riêng biệt của mặt trăng tạo thành một con đường dài nhỏ tỏa sáng.

Ai cũng đã từng quan sát được hiện tượng tương tự nhiều lần vào mùa đông trên những ngọn đèn ngoài đường phố. Đôi khi có thể nhìn thấy dạng quầng đó trong lúc tuyết rơi trời lặng. Những bông tuyết nhỏ khi rơi xuống đất sẽ phản chiếu ánh sáng mặt trời, và trên trời xuất hiện một cột ánh sáng lớn.

Tự thân trông đã thật hãi hùng, vậy mà nhiều khi cột sáng ấy lại xuất hiện trên nền trời đang tỏ ráng chiều - nhuốm màu sắc đỏ. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, khi tôi sống cùng gia đình nơi làng quê, vào một buổi chiều, “ảo ảnh” đó đã xuất hiện trên trời. Thật là một thời buổi nhộn nhạo. Khắp làng đây đó nổi lên các đám cướp. Ban đêm, nhiều lúc rộn lên tiếng súng nổ. Có gì đáng ngạc nhiên khi một hiện tượng dị thường trong tự nhiên lại gây ra sự lộn xộn trong làng? Mọi người ra đường bàn tán về sự kiện không thể hiểu được. Còn cha tôi, một giáo viên trường làng, thì ra sức đi thuyết phục những người nông dân mê tín rằng những công việc dưới trần giới chẳng có gì can hệ đến các hiện tượng ở trên trời. Mãi khuya cha tôi mới trở về nhà và buồn rầu bảo mẹ tôi rằng là ông không thuyết phục được những người mê tín.

Còn bạn đã bao giờ được nhìn thấy vòng cầu vồng sáng bao quanh mặt trời? Dạng quầng này được tạo thành khi trong không khí có nhiều tinh thể băng sáu cạnh khúc xạ những tia mặt trời tương tự như lăng kính thủy tinh vậy. Phần lớn các tia khúc xạ như vậy không được chúng ta nhìn thấy, chúng bi khuyếch tán trong không khí. Nhưng có những tia sáng từ một số tinh thể đi tới mắt ta. Những tinh thể đó phân bố trên trời theo đường vòng tròn quanh mặt trời. Chúng ta đều thấy tất cả các tinh thể đó sáng và ở chỗ đó, chúng ta nhìn thấy một vòng tròn sáng phơn phớt sắc cầu vồng.

Vì sao lại có sắc cầu vồng, hiểu được điều này không khó khăn lắm. Vốn khi qua lăng kính, tia sáng không chỉ bị khúc xạ, mà còn bị phân giải ra các màu quang phổ. Do vậy phần bên trong của quầng tròn có sắc đỏ, còn phần ngoài có sắc xanh nhạt.

Người ta nhận thấy là quầng tròn thường rực rỡ nhất ở các bên, nơi nó cắt ngang với vòng tròn nằm ngang gần mặt trời. Lập tức ở đây đôi khi xuất hiện những vết sáng - những mặt trời giả. Thường chúng xuất hiện khi mặt trời ở độ cao không lớn lắm trên đường chân trời, còn phần còn lại của vòng tròn thì không được nhìn thấy.

Những tinh thể nào tham gia vào cuộc biểu diễn này? Các thí nghiệm đặc biệt đã đem lại câu trả lời khi các nhà khoa học cố gắng tái tạo nhân tạo ở trong phòng các mặt trời giả. Hóa ra là các mặt trời giả chỉ xuất hiện trong không khí có trôi giạt các tinh thể băng sáu cạnh, và về hình dáng thì chúng nom tựa như ... những cái đinh. Hình dạng của chúng - với cái mũ nhỏ bên trên - cho phép chúng trôi trong không trung ở vị trí thẳng đứng. Ánh sáng khúc xạ bởi những mặt bên.

Và điều phức tạp được giải thích một cách đơn giản

Bây giờ chúng ta sẽ làm sáng tỏ điều bí mật của những cây thánh giá trên trời.

Có lẽ, với tư cách là một bằng chứng về sự tồn tại những sức mạnh thuộc thế giới bên kia, không thể nào nghĩ ra được cái gì có tính hiển nhiên thuyết phục đối với người mộ đạo hơn là một hiện tượng hoàn toàn vô hại xảy ra trong khí quyển! Còn việc giải đáp “điềm báo khủng khiếp” thì không có gì phức tạp. Toàn bộ điều bí mật là ở chỗ, không phải bao giờ của chúng ta cũng nhìn thấy trên trời một dạng này hay dạng khác của quầng một cách trọn vẹn.

Từ vầng mặt trời còn đang xuống thấp đến chân trời hay đã khuất hẳn sau chân trời, chiếc cột dài tỏa sáng kéo dài lên phía trên - đó là hình ảnh biến dạng của mặt trời. Đồng thời cũng hiện rõ một phần của quầng tròn ở phía trên mặt trời. Chiếc cột tỏa sáng cắt ngang phần quầng tròn ấy và làm một chiếc thánh giá to rực sáng.

Lần khác, quầng sáng nom tựa như thanh gươm cổ của kỵ sĩ. Nó có thể nhuốm đỏ trên nền trời ráng chiều. Từ đó sinh ra những chứng cớ để nhà viết sử cho rằng họ đã nhìn thấy những thanh gươm nhuốm máu ở trên trời!

V. Gavrilôp, tác giả cuốn sách “ Những hiện tượng ánh sáng trong khí quyển” kể rằng ông đã quan sát thấy những cây thánh giá tương tự xung quanh đèn đường ở Lêningrat: “Tôi đã quan sát được một cảnh tượng thật lạ lùng vào năm 1974, khi tôi nhìn từ cầu Litâynưi sang đại lộ Litâynưi. Hai dãy đèn dọc đường đã tạo ra hai tuyến gồm những thanh gươm rực sáng và những cây thánh giá dài. Độ sáng của các hình ảnh đó lớn đến mức có thể trông chúng rõ mồn một ở cách đèn cỡ vài bước. Lưỡi gươm dài chừng bốn, năm mét, “cái chuôi” - độ mét rưỡi hai mét. Hai dãy đèn đung đưa theo gió đã tạo ra hai dãy gươm như được treo trên không trung và chao động như làn sóng. Hiện tượng đẹp hiếm có ấy kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ”.

Có thể đồng thời nhìn thấy hai cây thánh giá. Bạn hãy hình dung là ở trên trời hiện rõ chỉ các phần thẳng đứng của quầng vòng tròn và phần vòng tròn nằm ngang kề với mặt trời. Khi giao nhau, chúng tạo nên những cây thánh giá nằm ở cả hai bên mặt trời.

Trong một trường hợp khác, chúng ta nom thấy ở cạnh mặt trời có một phần vòng tròn nằm ngang. Nó bị cột ánh sáng cắt ngang, cột này từ mặt trời hướng lên trên và xuống dưới. Và thế là cây thánh giá được tạo thành.

Tất cả đều được giải thích bằng những nguyên nhân tự nhiên! Thiên nhiên đa dạng vô cùng trong các biểu hiện của mình. Những biểu tượng “bình thường” và “ lạ thường’, dễ hiểu và khó hiểu, đã và chưa được giải thích - tất cả đều tuân theo quy luật và có nguyên nhân vật chất. Ở nơi mà người mê tín nhìn thấy sự huyễn hoặc thì khoa học tìm và phát hiện ra quy luật. Rõ là, một cái gì đó cực kỳ bí ẩn, khôn lường, nhưng nếu ta am hiểu thì lập tức “điều không giải thích nổi” sẽ biến đổi không còn dấu vết.

Ở đây, cần nhớ lại lần nữa về tri giác chúng ta. Khi ta nói về thái độ của con người đối với tự nhiên, về việc con người hiểu và đánh giá tự nhiên như thế nào, thì chúng ta thường ngụ ý đó là thế giới quan. Nhưng như thế vẫn còn thiếu! Ở đây, tri giác, cảm thấy về thế giới nhiều khi đóng vai trò to lớn có tính quyết định. Trong nó chứa đựng những căn nguyên của các khái niệm mê tín ở rất nhiều người hiện đang sống trên trái đất.

Đúng, họ biết rằng thế giới tồn tại theo những quy luật nhất định, họ không tin vào những câu chuyện cổ xưa về những sự thăng thiên kỳ diệu hay ề sự sáng thế trong vòng sáu ngày, nhưng ... Nhưng ở đâu đó trong thâm tâm vẫn còn tồn tại một cảm giác chưa giải thích được về sự hiện hữu, thậm chí về sự chờ đợi một cái gì đó huyền bí và lớn lao - cái có thể xoay chuyển được tiến trình của các sự kiện, ảnh hưởng được tới số phận chúng ta. Điều chưa nhận thức được ấy, bộc lộ ra khi người ấy chạm trán với những điều kỳ lạ, chưa từng biết.

Còn nếu như ý thức của người đó còn đang sa lầy, trong những ngõ cụt tối tăm của thế giới do tôn giáo dựng lên, thì có gì đáng ngạc nhiên khi người đó nhìn nhiều hiện tượng của tự nhiên theo một cách hoàn toàn khác. Những dòng ghi dưới đây của một nữ tu sĩ về quầng phức tạp có thể là một minh họa rõ ràng cho điều nói trên.

Chuyện xảy ra vào năm 1877. Khi ấy là tháng giêng, tiết trời giá buốt, bà ta “nhìn thấy” ở hai bên mặt trời xuất hiện hai cái đĩa vàng trong đĩa là cây thánh giá, hai bên mặt trời treo lơ lửng một chiếc liềm, lưới liềm màu xanh, cán liềm đỏ như lửa; còn bản thân mặt trời thì nằm trong một cây thánh giá khổng lồ.

Nữ tu sĩ đã nhìn thấy một quầng phức tạp, nhưng óc tưởng tượng đã gợi cho bà ta nhìn thấy cả những đĩa vàng và chiếc liềm đỏ như lửa.

... Nhân đây, cần kể rằng theo báo chí thế giới, phi công vũ trụ Mỹ Cônrat, thành viên đoàn phi hành tàu “Apôlô - 12”, lúc hạ cánh xuống bề mặt mặt trăng đã quan sát thấy quầng xanh xung quanh ông ta. Người ta vẫn chưa giải thích được những quy luật vật lý nào đã tác động ở trên đó.

Những vị thần núi Anpơ

Tôi đã đọc câu chuyện truyền thuyết đẹp này từ thời thơ ấu. Nhiều năm trước, ở các tỉnh Thụy Sĩ đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa nhân dân. Hồi ấy, đất nước này còn nằm dưới ách bọn xâm lược ngoại bang. Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là ba anh em nọ. Họ là những người dũng mãnh và can trường. Những người khởi nghĩa đã dũng cảm chiến đấu vì tự do và độc lập của đất nước mình. Nhưng bọn áp bức mạnh hơn. Hàng ngũ những người khởi nghĩa ngày càng ít dần đi. Rồi đến một ngày chỉ còn trơ trọi ba người anh em can đảm. Vừa đánh trả bọn lính ngoại bang hung bạo, họ vừa rút sâu vào trong núi. Khi họ vừa tới được vùng tuyết vĩnh cửu, bọn lính không dám đuổi tiếp nữa và rút xuống núi. Ba người bị đuổi lên núi có thể nghĩ ra một cách gì đó diệt chúng thì sao?

Còn ba anh em ở lại trên núi cao. Họ thà chết tự do ở đây còn hơn làm nô lệ dưới đồng bằng. Tình yêu tự do của họ mạnh đến như vậy đất. Và tình yêu đó đã chiến thắng cái chết! Cả ba anh em không chết, mà cứ đi sâu vào trong núi chờ cái ngày vĩ đại, khi mọi người sẽ được tự do.

Từ đó họ nghỉ lại ở trong núi và mơ trong giấc ngủ. Họ mơ thấy tự do và hạnh phúc của đất nước thân yêu, mơ thấy tự do và hạnh phúc trên toàn trái đất.

Thỉnh thoảng, một trong ba anh em đi xa và leo lên trên đỉnh núi phủ đầy băng giá. Khi đó, những người sống trong các thung lũng nhìn thấy trên nền các đám mây bóng hình khổng lồ của chàng. Chàng ngước nhìn thế giới rồi sầu muộn trở về với anh em mình. “Vẫn chưa! - chàng nói. - Ngày giải phóng vĩ đại còn chưa đến”.

Cả ba anh em thở dài, và những khối tuyết lở liền ào xuống dưới.

Truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết, nhưng đây là một chuyện hoàn toàn không hoang tưởng tý nào. Chuyện đó xảy ra cách đây không lâu lắm và cũng ở rặng núi Anpơ. Một nhóm nhỏ những vận động viên leo núi đã leo lên một trong các đỉnh núi ở đây. Tất cả đều còn trẻ, ngoại trừ người dẫn đường, một ông lão người miền núi. Nhiều người trong số họ mới đến núi lần đầu tiên. Lúc đầu tất cả đều hăm hở và nhanh nhẹn. Nhưng càng leo lên cao càng trở nên khó đi hơn. Chẳng bao lâu sau ai nấy đều mệt phờ.

Chỉ còn ông già dẫn đường vẫn đi như trước: ông khéo léo nhảy qua các khe nứt, dễ dàng leo vượt các mỏm đá. Đến hai giờ trưa, khi các nhà thể thao đã lên đến độ cao gần hai kilômet, một làn gió lạnh từ phía bắc bỗng thổi tới, bầu trời bị những đám mây đen thẫm dày đặc bao phủ, mưa bắt đầu rơi lất phất. Nhưng người dẫn đường cho biết là cũng sắp đến chỗ nghỉ rồi. Độ hai nhăm phút sau, họ tới gần một căn lều nhỏ đã đen sạm lại vì thời gian.

Trong căn lều có trữ loại nhiên liệu khô - đó là một phong tục trong núi - và mấy phút sau, ngọn lửa đã bùng cháy trong lò. Những nhà thể thao đã tươi tỉnh lại ngồi sưởi ấm, hơ quần áo ướt và nấu bữa ăn trưa. Hai giờ sau, khi trên bầu trời lại ló ra vầng mặt trời độc địa vùng rừng núi, những vận động viên leo núi đã nghỉ ngơi lại sức quyết định lên cao hơn. Cuối cùng họ leo lên một trong những đỉnh bên của ngọn núi họ đã trèo. Làn gió mạnh thổi từ phía bắc vẫn dồn những đám mây về phía nam như trước. Lúc ấy, mặt trời đã ngả xuống chân trời, và những tia sáng của nó hắt từ dưới lên chiếu vào mọi người.

Rồi điều bất ngờ đã xảy ra. Một trong những chàng trai đó đã vượt lên trước ông già dẫn đường và là người đầu tiên leo lên đỉnh. Ngay lúc ấy, khi anh ta vừa đặt chân lên tảng đá, ở phía đông, trên nền các đám mây hiện lên một bóng người khổng lồ. Cái bóng đó rõ ràng đến nỗi tất cả mọi người đều đứng sững lại như theo một mệnh lệnh.

Ông già dẫn đường điềm tĩnh nhìn cái bóng người khổng lồ, nhìn những chàng trai lặng người đi trong nỗi hoảng sợ, đoạn ông mỉm cười nói:

- Đừng sợ! Vẫn thường thế mà, - rồi ông trèo lên tảng đá.

Khi ông lên tới trên đó và đứng cạnh người vận động viên kia, trên những đám mây lại xuất hiện một bóng người khác to lớn bên cạnh cái bóng thứ nhất.

Ông già dẫn đường bỏ cái mũ nỉ ấm ra khỏi đầu và vẫy nó. Lập tức một trong những cái bóng kia lặp lại cử động ấy: cánh tay to tướng giơ lên đầu, bỏ mũ ra và vẫy vẫy. Khi ấy, người vận động viên cũng giơ cao chiếc gậy của mình. Cái bóng khổng lồ của anh ta cũng làm hệt như thế.

- Thật là kỳ diệu!

- Chẳng bao giờ có thể tin được! - Những nhà thể thao leo núi kêu lên. Mỗi người đều muốn nhìn thấy bóng của mình. Nhưng chẳng bao lâu, các đám mây đã che lấp mặt trời đang lặn khuất sau chân trời rồi những cái bóng lạ lùng cũng biến mất.

Trong lịch sử khoa học, người ta gọi hiện tượng khá hiếm hoi này là bóng ma Brôcken, theo tên gọi của núi Brôcken ở tây Âu. Suốt nhiều thế kỷ trước, người ta vẫn quan sát thấy những cái bóng khổng lồ ở trên núi này. Đối với những người mê tín thì đó là những kẻ từ thế giới bên kia tới. Trong dân gian người ta nói rằng trên núi Brôcken đang diễn ra một “vũ hội quỷ sứ”.

Tuy nhiên, những bóng ma khổng lồ trên núi chính là những người đang ở trên núi. Điều đó xảy ra như thế này. Vào lúc sáng sớm, khi mặt trời mọc, bạn leo lên đỉnh núi. Ở phần bầu trời đối diện mặt trời có những đám mây hay sương mù dày đặc. Các tia mặt trời khi xuyên qua đám sương mù ban mai sẽ chiến sáng thân hình người, bóng của người đó hắt lên mây, và trên đó, như trên một màn ảnh lớn xuất hiện dáng hình khổng lồ.

Mọi người đều biết một điều tương tự: bạn nhớ điều gì sẽ xảy ra nếu trong căn phòng lớn, bạn đứng giữa ngọn đèn và bức tường gần đèn. Trên tường sẽ xuất hiện bóng của bạn, và cái bóng to hơn người thật.

Thỉnh thoảng, các phi công cũng bắt gặp “bóng ma Brôcken”. Khi bay trong các đám mây, họ nhìn thấy ảo ảnh màu xám của các máy bay có vòng cầu vồng bao quanh. Những người đã từng đến miền cực bắc đều kể rằng họ đã nhiều lần thấy trên băng xuất hiện những cái bóng lớn. Điều này xảy ra khi mặt trời bắc cực nằm ở chân trời, rọi sáng rực rỡ và có sương mù.

Thế còn những vòng cầu vồng bao quanh các bóng thì sao? Ta nhớ lại rằng ánh sáng trắng là ánh sáng phức hợp, nó bao gồm nhiều tia có màu và có thể phân tách ra các hợp phần. Điều này xảy ra trong cơn mưa khi ta nhìn thấy cầu vồng. Các tia sáng của mặt trời phản chiếu từ các giọt nước mưa và được phân tách thành các màu cầu vồng.

Sương mù và mây được cấu thành từ những hạt nước rất nhỏ hay các tinh thể băng. Khi các ánh sáng trắng của mặt trời đi xuyên qua giữa chúng, nó cũng bị phân tách thành các hợp phần. Vì vậy, mà chúng ta nhìn thấy xung quanh các bóng vầng trên núi hào quang ngũ sắc giống như cầu vồng vậy.

Nhiều người quan sát thấy một hiện tượng tương tự: vào những đêm có sương mù, có thể nhìn thấy những vòng cầu vồng bao quanh bóng đèn trên các cột đèn ngoài phố. Vào buổi tối mùa đông, bạn hãy nhìn qua ô cửa sổ ô tô có những tinh thể băng nhỏ xíu bao phủ, khi nhìn các đèn đường, bạn sẽ thấy đèn như được đeo vương miện. Hoặc bạn hãy thử nhìn vào một bóng đèn sáng sau khi đã hơi ti hí mắt, bạn cũng sẽ thấy cái vòng cầu vồng ấy xung quanh bóng đèn.

Còn để nhìn thấy vầng hào quang quanh đầu mình, bạn chỉ cần dậy sớm vào lúc sương chưa bốc hơi hết khỏi cỏ xanh, ra đứng quay lưng về phía mặt trời và nhìn vào bóng mình trên cỏ.

Đó là “lý lịch” của một trong những hiện tượng quang học trong khí quyển mà nhiều khi gợi ở những người mê tín ý nghĩ về những sức mạnh thuộc thế giới bên kia. Có lần, tôi nhận được một bức thư của một vận động viên trượt tuyết trên núi - một trong số các độc giả của những cuốn sách do tôi viết, trong đó có đoạn: “ Cách đây không lâu tôi có dịp được chứng kiến một hiện tượng tự nhiên hiếm có. Chúng tôi đang tập luyện xuất phát nhanh trong núi. Bỗng nhiên trên khe núi, cao tít nơi chân trời hiện ra một đoàn người khổng lồ. Họ có số người như chúng tôi. Những hình người hóa thành những cái bóng trên nền tạo bởi sương mù. Tất cả đều minh bạch và rõ nét như hình chiếu trên một màn ảnh lớn vậy. Xung quanh mỗi người khổng lồ đều có một vầng hào quang tỏa sáng. Mỗi người chúng tôi đều nhận ra mình trong từng cái bóng ấy”.

Mặt trời xanh

Một hiện tượng khác thường như màu xanh của các tia sáng mặt trời cũng thuộc về các hiện tượng tự nhiên kỳ lạ có liên quan đến thiên thể ban ngày của chúng ta.

Năm 1950, tôi nghỉ tại một trong những trại an dưỡng trên bờ biển Bantic. Người ở buồng bên hóa ra là một giáo viên vật lý, một người nói chuyện vui vẻ, thú vị, rất yêu thiên nhiên. Có lần, tôi cùng anh đứng trên bờ dốc đứng thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn. Khí trời thật mát mẻ và trong sáng. Những tia nắng mặt trời phản xạ lại trong biển thành một con đường nhỏ dát vàng dài dằng dặc. Mép dưới mặt trời đã khuất dưới mặt nước.

- Anh biết không, - bỗng nhiên nhà vật lý nói, - bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy tia sáng xanh đây. Tất cả mọi điều kiện để điều đó xảy ra đều thích hợp. Chỉ có điều là phải nhìn thật chăm chú vào! - anh ta nhắc tôi.

Một phần lớn đĩa mặt trời đã chìm xuống biển, và vì sợ bỏ qua thời điểm cần thiết, tôi nhìn không rời mắt vào mặt trời. Nó nhanh chóng khuất sau chân trời. Giờ chỉ còn lại mẩu cuối cùng của mặt trời.

- Nhìn kìa! - Cả hai chúng tôi đồng thanh kêu lên.

Cái gờ vàng của mặt trời chìm xuống biển, và trong khoảnh khắc ấy, tại chỗ trước đó là mặt trời, xuất hiện một loé sáng màu xanh rực rỡ. Nó được nhìn thấy gần hai giây đồng hồ.

Có thể quan sát được hiện tượng đẹp đẽ, lạ kỳ này của tự nhiên phần nhiều là ở trên biển. Chẳng hạn, ở vùng bờ biển Ađriatic, có thể thấy được tia sáng xanh hầu như vào bất kỳ ngày đẹp trời nào - vào buổi sáng lúc mặt trời mọc và buổi chiều khi mặt trời lặn.

Các nhà khoa học và những người yêu thiên nhiên đã quan sát được hiện tượng này nhiều lần ở Mêhicô, Chilê, Địa Trung Hải, bắc Phi, biển Đỏ...

Ở Liên Xô, người ta thường quan sát được hiện tượng thú vị này của tự nhiên tại vùng bờ biển Bantic. Cũng có thể nhìn thấy nó ở những vùng khác.

Còn bây giờ chúng ta nói về những “bí ẩn” của hiện tượng này. Để phân tích được ánh sáng trắng thành quang phổ, chỉ cần có trong tay một lăng kính thủy tinh. Nhưng các lớp không khí cũng có thể đóng vai trò của lăng kính, chỉ có điều là không phải luôn luôn có thể thấy được điều đó. Sự phân tích ánh sáng trở nên đặc biệt rõ ràng khi mặt trời hay các vì sao hạ xuống đường chân trời. Nếu nhìn qua ống nhòm vào một ngôi sao nào đó nằm ở chân trời, bạn sẽ thấy ngôi sao đó không phải là một điểm sáng rực rỡ, mà nó sẽ có hình dạng một cây cột nhỏ được trang điểm bằng các sắc cầu vồng; phần trên của nó có màu tím, còn phần dưới có màu đỏ. Hình ảnh ngôi sao dường như bị kéo căng lên trên và xuống dưới.

Đĩa mặt trời được chúng ta nhìn thấy cũng bị kéo dãn ra như vậy. Nhưng kích thước của mặt trời lớn hơn nhiều so với kích thước ngôi sao, và nó lại chiếu sáng rực rỡ, vì vậy màu sắc mặt trời không thay đổi một cách rõ rệt. Ơ đây, những màu sắc khác nhau chồng lên nhau. Thực chất chúng ta nhìn thấy không chỉ một cái đĩa màu trắng của mặt trời, mà cả một cái đĩa màu chồng lên nhau. Khi chồng lên nhau như thế chúng phát ra màu trắng.

Đồng thời, các mép trên và dưới của mặt trời - ở những nơi các đĩa màu không bị hòa trộn, - vẫn có sắc màu; mép trên có màu xanh lơ và xanh lơ trộn với xanh lá cây, còn mép dưới có màu đỏ. Vậy bạn đã đoán được vết sáng xanh xuất hiện như thế nào rồi chứ?

Mặt trời đang lặn xuống đường chân trời. Giờ chỉ còn có một dải sáng nhỏ hẹp. Vài giây sau là vầng thiên thể ban ngày sẽ mất hút khỏi tầm mắt. Vào lúc ấy, trên đường chân trời chỉ còn các mép trên của hai đĩa màu - xanh lá cây và xanh lơ. Nhưng các tia xanh lơ và xanh lá cây đi qua bề dày của bầu khí quyển trái đất không phải đều như nhau: các tia xanh lá cây lọt qua đó dễ dàng, còn các tia xanh lơ bị phát tán bởi không khí và hầu như không tới được mắt ta.

Vậy là lúc đó có thể thấy được một mẩu nhỏ mầu xanh lá cây của mặt trời! Nếu khi ấy nhìn vào nó qua ống nhòm thì có thể thấy cái dải sáng hẹp được một vầng hào quang màu xanh lá cây viền quanh.

Còn khi mặt trời đang lặn biến mất dưới đường chân trời, nó hắt lên tia sáng cuối cùng màu xanh sáng mà mắt thường nhìn thấy được. Tất nhiên, cần có những điều kiện nhất định để điều đó xảy ra. Khi đó, không khí phải đủ khô, và điều căn bản là phải trong suốt. Chân trời phải rõ ràng, không có mây và sương mù che khuất.

Nếu bạn gặp may mắn thì bạn có thể nhìn thấy được cả tia sáng màu xanh lơ. Người ta đã thấy nó vài lần. Nhưng điều đó rất hiếm khi xảy ra, chỉ trong điều kiện không khí đặc biệt trong suốt mà thôi.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng bạn sẽ hài lòng về việc nhìn thấy màu ngọc bích trong các tia sáng mặt trời. Vì nếu tin vào truyền thuyết cổ xưa của người Xcôtlen thì ai nhìn thấy tia sáng xanh dù chỉ một lần trong đời người đó sẽ hạnh phúc trong tình yêu...

Thiết tưởng, hiện tượng thiên nhiên đẹp đẽ này không thể nào có liên quan tới những khái niệm mê tín về thế giới xung quanh. Song, đối với những ai tin vào sức mạnh siêu nhiên thuộc thế giới bên kia thì tai họa chính là ở chỗ người đó nhìn nhận theo cách riêng của mình bất kỳ một hiện tượng lạ thường nào - nghĩa là nhìn thấy cái huyền hoặc ở trong đó. Cũng vậy đối với hiện tượng mặt trời tỏa tia sáng màu ngọc bích xuống trái đất. Hiện tượng ấy được tiếp nhận không phải như một hiện tượng hiếm hoi nhưng rất tự nhiên, mà như một “điềm báo” nào đó của thượng đế.

Còn có những điều như thế

Ảo ảnh và quầng sáng “những bóng ma” trong núi, mặt trời nhiều màu sắc - tất cả những cái đó là sáng tạo của chính tự nhiên. Nhưng trong lịch sử còn xảy ra những điều khác nữa.

Năm 1914 chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Trên một khu vực của mặt trận Nga - Đức đã xảy ra một điều kỳ lạ: trên nền những đám mây ban đêm xuất hiện hình ảnh khổng lồ của tượng đức mẹ Kadan. Hình ảnh đó rõ đến nỗi hàng ngàn binh lính đều nhìn thấy được. “Điều kỳ lạ chưa từng thấy” đó được đánh giá như điềm báo là thần linh cùng chiến đấu với quân Nga chống bọn Đức.

Song khi tin tức về “hiện tượng” này truyền lan khắp thế giới, một số tờ báo nước ngoài đã vạch trần trò ảo thuật đó: điều kỳ lạ kia của người Nga hoàn toàn không phải là điều kỳ lạ, không thể gọi nó là “chưa từng thấy” được. Những quan tư tế thời Ai Cập cổ đại đã từng cho các tín đồ thấy những cảnh tượng tương tự. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của ngôi đền xuất hiện hình ảnh to lớn của các vị thần có hào quang bao bọc. Bằng cách áp dụng những quy luật quang học mà chỉ có họ biết được vào thời gian đó, các viên quan tư tế đã cho các tín đồ được thấy thần linh.

Bây giờ chúng ta đã biết được bí mật của những trò ảo thuật như vậy. Đó là chiếc đèn chiếu, hoặc như người ta gọi trước kia: đèn “thần” mở ra vào những lúc cần thiết. Một viên tư tế đứng trên mái đền. Ông ta đứng ở một vị trí sao cho hình ảnh của ông ta khi đi qua khe hở sẽ đập vào một trong những bức tường của đền. Khi người đó chuyển động, cái bóng to tướng của ông ta ở trong đền cũng chuyển động. Cái khe được đóng lại và hình ảnh biến mất. Để gây được ấn tượng mạnh hơn đối với đám đông, âm nhạc được cử lên trong đền, mùi các chất thơm khác nhau thoang thoảng trong làn khí linh thiêng.

Sau này, “điều kỳ lạ” đó của quang học còn phục vụ bọn lừa bịp đủ loại đâu chỉ một thế kỷ. Mặc dầu nhiều người đã biết được bí mật đơn giản của nó, bằng sáng chế về đèn chiếu mãi đến năm 1799 mới được cấp. Nhà vật lý Rôbecxông đã sử dụng đèn chiếu để đánh lừa những người mê tín trước khi công bố phát mình của mình. Vào năm 1797, ông tổ chức ở Pari một cuộc trình diễn trong đó ai mua vé có thể được xem linh hồn của bất cứ người chết nào.

Rôbecxông cũng đã từng sang Nga. Trên đường ông trở về, ở Pôlôtxcơ, các giảng viên chủng viện dòng Tên đã đề nghị nhà ảo thuật giúp họ răn đe một trong những học viên của chủng viện. Một thanh niên, như các đức cha dòng Tên nhận xét, có khuynh hướng chính thống giáo. Sau khi thấy được ở một chiếc đèn chiếu một phương tiện tuyệt với để răn dạy, được sự đồng ý của Rôbecxông, họ đã chiếu cho gã trai nọ xem “linh hồn” của người cha đã quá cố của gã quỷ sứ bị bắt xuống địa ngục vì gã đã trở thành tín đồ chính thống giáo chứ không phải là tín đồ đạo thiên chúa. Sau đó Rôbecxông đã mô tả tỉ mỉ câu chuyện này trong hồi ký của mình, thậm chí ông còn minh họa bằng tranh vẽ của ông nữa.

Khi những trò ảo thuật của chiếc đèn “thần” thôi không còn làm cho mọi người ngạc nhiên nữa, những kẻ mê hoặc lại nghĩ ra những hình chiếc ghê gớm hơn. Tượng đức mẹ Kadan chính là một hình ảnh như vậy được chiếu cho binh lính xem ở dạng phóng đại thật to trên nền những đám mây ban đêm nhờ các đèn chiếu. Sau đó nhiều năm, vào năm 1920, trò ảo thuật đó được lặp lại ở trên sông Vixla. Trên trời “hiển hiện” tượng “Đức mẹ Taenxtôkhôpxkaia”: Đức mẹ đã phải đứng ra giúp quân Ba Lan trong một cuộc chiến đấu chống lại bọn Bônsêvich. Như chúng ta biết, điều đó chẳng hề có tác dụng gì.

Cuối cùng, tôi muốn kể về một câu chuyện hiếm có xảy ra trước kia tại một nhà thờ Cơ đốc giáo Ba Lan. Trong lúc làm lễ, một gã quỷ sứ hiện lên trong không khí. Mặc dầu vóc nó không to, nhưng tất cả những người trong nhà thờ đều nhìn rõ cặp sừng và cái đuôi của nó.

Nhiều năm trôi qua, và quỷ lại xuất hiện trong ngôi nhà thờ đó. Sự thật là lần này chỉ có người gác tu viện nhìn thấy nó mà thôi. Nhưng ông ta đã viện hết các thánh ra để thề rằng ông ta không thể nhầm được.

75 năm sau, các nhà nghiên cứu cổ học sực nhớ đến “sự hiển hiện” của quỷ sứ và quyết định tìm cho ra sư bí ẩn trong đó. Họ đã chú ý đến một điều là trong nhà thờ, tại nơi qủy sứ hiện, ở một chỗ dễ thấy có treo một chiếc gương kim loại đã bị bụi rậm phủ kín. Sau khi xem xét nó, các nhà khoa học đọc thấy dòng chữ mà nhờ đó họ biết được rằng, khi xưa, chủ của chiếc gương này là nhân vật trong nhiều truyền thuyết dân gian Ba Lan tên là Pan Tvađôpxki sống vào thế kỷ XVI, ông đã từng nghiên cứu thuật chiêu hồn, chiêm tinh học và các khoa học khác. Trong sử biên niên những năm đó có một lần ông ta đã gọi hồn người vợ quá cố của vua Dicmun đệ nhị Auguxtơ. Đồng thời (bạn hãy chú ý đến chi tiết này), Pan Tvađôpxki luôn luôn mang bên cạnh mình đầu lâu, cây thập tự có hình chúa Giêxu bị đóng đinh câu rút và chiếc gương.

Cuộc tìm kiếm ngừng lại ở đó bẵng đi vài chục năm. Mãi thời gian gần đây, người ta mới tiếp tục công việc nghiên cứu. Lý do của nó là các cuộc tranh luận về chiếc đèn "thần": liệu nó có xuất hiện ở Ba Lan ngay từ triều đại vua Dicmun đệ nhị Auguxtơ hay không?

Sự liệu khẳng định rằng, Pan Tvađôpxki đã cho vua thấy lại khuôn mặt người vợ quá cố của mình. Chúng ta tin vào điều này. Vậy ông ta có thể làm điều đó bằng cách nào? Có lẽ, ông ta đã sử dụng đèn chiếu. Đó là ý kiến của đa số. Nhưng cũng có những ý kiến khác được nêu lên: chiếc đèn "thần" quá to, ông ta khó có thể giấu được nhà vua. Cần phải đi tìm một "khí cụ" khác.

Và khi đó người ta nhớ tới chiếc gương. Khi các nhà khoa học nghiên cứu nó kỹ lưỡng một lần nữa thì họ phát hiện ra chiếc gương đó có những hình ảnh khác nhau, trong số đó có hình vẽ hoàng hậu và quỷ sứ!

Những hình ảnh được khắc trên kim loại dưới những góc khác nhau có thể phản chiếu được tia sáng. Như vậy, chiếc gương là một loại đèn chiếu độc đáo. Phụ thuộc vào việc người ta đặt gương dưới góc nào theo nguồn sáng, có thể nhìn thấy hình ảnh này hay hình ảnh khác trên màn ảnh.

Nhưng vào thời đó thì màn ảnh có thể là cái gì đây? Rất đơn giản: khói bốc lên từ các bình hương đã đóng vai trò của một màn ảnh. Và trong các cuộn khói đã hiện lên những hình thù sinh ra từ thứ ánh sáng đó trước mắt những người xem đầy sửng sốt.

Trong câu chuyện hoàng hậu "hiển hiện" này, Pan Tvađôpxki đã trù liệu trước mọi việc. Còn với gã quỷ sứ thì lại là một sự ngẫu nhiên. Có lẽ khi chuẩn bị cho ngày lễ, các thầy tu đã lau sạch gương khỏi bụi bẩn.

Trong ngày lễ, nhà thờ được chiếu sáng rực rỡ. Làn khói từ các bình hương bốc lên trên trên trần. Và gã quỷ sứ bé nhỏ ẩn trong gương liền xuất hiện trước mắt những người đang cầu nguyện.

Nó đã lại xuất hiện lần thứ hai trước mắt người trông coi tu viện trong những điều kiện tương tự. Và đó là lần hiển hiện cuối cùng của nó. Vị thầy tu hoảng sợ đã quăng cả trùm chìa khóa, và những chiếc chìa khóa đã lam hư hại hình khắc chạm ẩn trong bề dày lớp gương.

Còn nếu đó là một người mê tín, thì chỉ cần một điều gì đó xảy ra là óc tưởng tưởng của anh ta sẽ vẽ nên tất cả những gì có thể có. Một khi trong ý thức của mình, anh ta đã sẵn sàng đón gặp quỷ sứ, thì đối với anh ta trong tự nhiên sẽ luôn luôn có sẵn những hiện tượng và điều kiện để nuôi dưỡng cái đầu óc mông lung thần bí của anh ta.

<< Lời Tác giả | Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 967

Return to top