Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Khoa Học >> Bên cạnh điều bí ẩn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9527 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bên cạnh điều bí ẩn
Vladimir Mezenxep

Chương 2

Những điều kiện kỳ diệu của điện trong khí quyển

"… Tôi nhớ mãi câu chuyện này. Khi đó là mùa xuân năm 1941, một lần vào ban đêm, mẹ tôi thức dậy và vô cùng hoảng sợ: ngoài sân, giữa đêm khuya thanh vắng, trời sáng như ban ngày Hơn nữa, ánh bình minh đó đâu phải hiện lên ở phương Đông như mọi khi, mà là ở phía hoàn toàn khác - phương Bắc. Mẹ tôi tự nhủ rằng ngày tận thế đã đến như trong kinh phúc âm đã phán truyền. Chẳng nghĩ lâu la gì, bà liền đánh thức anh em tôi dậy đeo thánh giá vào và vội vàng kể cho chúng tôi về toà phán xử ghê gớm của đức chúa trời mà có lẽ chỉ vài phút nữa là sẽ xảy ra. Chúng tôi cũng hoảng sợ và suốt đêm ấy không tài nào chợp mắt được. Đến sáng, dân làng đều cho rằng hiện tượng lạ lùng đó báo trước một tại họa to lớn nào đó đang tới gần. (Trích thư của một giáo dân trẻ theo phái tẩy lễ A. Taernôp gửi báo "Sự thật Kômxômôn").

Cực quang

Trong một bài thơ của mình, Mikhail Lômônôxôp có viết về hiện tượng tự nhiên này: " làm thế nào để cho hơi băng giá sinh ra được đám cháy giữa mùa đông lạnh lẽo?"

Người dân phương bắc thường thấy bắc cực quang. Thật khó mà tìm thấy một hiện tượng nào khác cũng đẹp, hùng vĩ và làm người ta sửng sốt đến thế vì trò tinh nghịch đầy sắc vẻ của các sức mạnh trong tự nhiên.

Những vòng tròn khổng lồ rực rỡ và luân chuyển các sắc màu xanh, da cam, đỏ, vàng trên trời; những tấm màn ánh sánh màu xanh ngọc bích nhuốm đỏ treo cao trên bầu trời; những mũi tên ánh sáng nhiều màu sắc thoắt bừng lên rồi tắt đi. Ánh sáng huyền ảo trên trời cao nhấp nháy như ngọn lửa được gió thổi chờn vờn vậy.

Nhiều khi cực quang bao trùm suốt hơn nửa bầu trời. Trò chơi kỳ ảo của bao sắc trời kéo dài hàng giờ liền, lúc tắt đi lúc lại bừng sáng.

… Tôi nhớ suốt đời cái buổi tối ngày 20 tháng hai năm 1959. Khi ấy tôi từ Maxcơva đáp tàu hoả đến một ga ngoại ô trên tuyến đường sắt Iarôxlap. Lúc đó đã gần mười hai giờ đêm. Khi ra khỏi toa, tôi dừng lại và sững sờ, vì bức tranh đang hiện ra trước mắt. Cả vùng phía bắc bầu trời được viền bằng hai vòng cung khổng lồ đu đưa.

Một trong hai vòng cũng có màu đỏ sáng rực rỡ, vòng cung kia màu xanh lá cây. Các vòng cung thay đổi hình dạng liên tục và nhanh chóng. Chúng biến đi và xuất hiện, thay đổi chỗ cho nhau, lấp loá các sắc màu khác nhau, phát ra những tia sáng lung linh rực rỡ.

Tôi đã làm quen với hiện tượng cực quang như vậy đấy. Hiện tượng này hiếm gặp trên bầu trời Maxcơva. Nhưng ở các vĩ độ xa hơn về phía bắc thì mọi người không ngạc nhiên gì với cực quang cả. Đây lại là một đặc điểm cố hữu trong mọi tri giác của chúng ta: cứ cái gì hiếm gặp, lạ lùng, thì dứt khoát phải là một điều bí ẩn liên quan đến một sự huyền bí nào đó. Có điều gì xảy ra hằng ngày, hoặc được thấy nhiều lần, thì đó là lẽ thường chẳng đáng phải nghĩ ngợi gì cả.

Sinh ra trên bờ Bạch Hải, Lômônôxôp vĩ đại ngay từ thời thơ ấu đã rất quen thuộc với bắc cực quang. Ở đấy, tất cả mọi người đều quen thuộc với hiện tượng này, nhưng liệu có ai biết được bản chất của nó? - điều bí ẩn đó cứ ám ảnh mãi không thôi nhà tư tưởng sinh ở Khônmôgporư. Thâm nhập vào bí mật của những ngọn lửa trời quả là điều quyến rũ! Nhà bác học quyết định tổ chức những thí nghiệm đặc biệt.

Nhưng sức mạnh nào đây đã gây ra cực quang? Lômônôxôp giả định rằng nguyên nhân chính là sự phóng điện trong không khí loãng.

Để tin chắc vào sự đúng đắn của giả thiết đó, ông hút không khí ra khỏi một bình cầu bằng thuỷ tinh và cho dòng điện chạy qua. Các thí nghiệm đã khẳng định những điều ức đoán của nhà bác học. "… Lực điện tác dụng trong bình cầu đã được hút không khí sinh ra các tia sáng bất ngờ biến mất ngay trong chớp mắt, và hầu như ngay lập tức lại có các tia khác bùng lên ngay chỗ đó dường như tạo ra một sự phát quang liên tục vậy. - ông đã ghi lại như thế.

Sau Lômônôxôp, các nhà khoa học khác đã nghiên cứu hiện tượng dòng điện truyền qua các khí loãng. Trong các thí nghiệm đó người ta dùng các ống thuỷ tinh hàn kín hai đầu. Để đưa dòng điện chạy qua ống, người ta hàn các tấm kim loại nhỏ - các điện cực - vào cả hai đầu ống; các dây dẫn từ nguồn được nối vào các điện cực ấy. Khi khí ở trong ống cân bằng với áp suất khí quyển thì nó không dẫn điện - trong ống không phát quang. Nhưng nếu làm loãng không khí trong ống đi thì từ điện cực này sang điện cực kia ở trong ống sẽ sinh ra dòng các hạt tích điện bay rất nhanh, tức là bắt đầu có dòng điện chạy qua. Nhờ đó sinh ra sự phát quang do va chạm giữa các hạt tích điện bay nhanh với các phân tử khí ở trong ống.

Khí nào? Lúc đầu đó là nitơ và ôxi. Sau đó người ta sử dụng khí agôn và nêôn. Những ống như vậy được gọi là ống khí thắp sáng. Như ta biết, các loại khí khác nhau sẽ phát sáng khác nhau trong các đèn ánh sáng khí, chẳng hạn, agôn phát ánh sáng màu xanh da trời, nêôn phát ánh sáng màu đỏ.

Trong các phòng thí nghiệm, các nhà bác học đã tạo ra cực quang nhân tạo quy mô nhỏ như vậy đấy. Điều đó có nghĩa là trên thực tế, hiện tượng đẹp đẽ này về bản chất là một hiện tượng điện.

Song các thí nghiệm thực hiện với các ống khí thắp sáng vẫn chưa thể lý giải được hết tất cả các đặc điểm của cực quang. Vì sao cực quang lại chỉ "quy về" các vùng cực của trái đất là nam cực và bắc cực? Chính các phân tử hay các tia nào đã gây ra sự phát quang trong không khí ở trên cao và độ cao ấy là bao nhiêu? Cuối cùng, cần phải giải thích những hình dạng vô cùng phong phú và thay đổi không ngừng của hiện tượng đó như thế nào?

Để trả lời những câu hỏi đó cần phải lý giải một cách khoa học.

Ngay từ thế kỷ trước, nhà vật lý người Na Uy Birkêlan đã tiến hành thí nghiệm với hình mẫu trái đất. Ông chế tạo một bình cầu tựa như hành tinh của chúng ta sao cho có thể từ hoá nó được. Ngoài ra, quả cầu đó còn được phủ một lớp sơn có thể phát quang do sự va đập của các hạt điện tích là các điện tử tự do và các iôn.

Nhà bác học đặt quả cầu này vào trong bình không khí loãng và dùng "súng ion" bắn phá nó bằng dòng các hạt tích điện. Khi quả cầu chưa bị từ hoá, các hạt đó được bắn tới tấp vào toàn bộ bề mặt bán cầu hướng về phía "súng ion" và bán cầu đó phát quang. Nhưng khi quả cầu vừa được từ hoá thì sự phát quang chỉ còn ở các cực từ mà thôi.

Như vậy, thí nghiệm này đã một lần nữa khẳng định mối liên hệ giữa các cực quang với dòng các vi hạt điện tích. Nó còn cho thấy rằng các lực địa từ có tham gia như thế nào đó vào hiện tượng này. Nhưng những hạt điện nào lại có thể gây nên cực quang ở những lớp khí quyển trên cao? Việc tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi này đã dẫn các nhà bác học đến với mặt trời.

Đã từ lâu, người ta nhận thấy rằng các cực quang đặc biệt hay xảy ra và rất mạnh vào những năm mà số vết trên mặt trời là nhiều nhất. Số lượng và kích thước các vết mặt trời mỗi năm đều khác nhau. Cứ sau khoảng mười một năm, số vết mặt trời lại đạt mức cực đại. Sau đó con số ấy giảm đi, và vào những năm cực tiểu, suốt hàng tháng trời không quan sát được một vết mặt trời nào. Và chính các cực quang lại có liên quan chặt chẽ với hiện tượng rất xa trái đất như thế.

Người ta đã xác định được một bằng chứng hùng hồn: khi một vết lớn bùng lên ở vùng kinh tuyến trung tâm mặt trời, thì sau đó 20 - 40 giờ, ở trái đất lập tức xuất hiện cực quang. Cùng lúc đó, bão từ bùng nổ trên trái đất. Liên lạc vô tuyến điện ở các làn sóng ngắn bị suy yếu đột ngột. Điện báo và điện thoại trở nên trục trặc. Những chỉ dẫn chính xáccủa địa bàn bị sai phạm.

Nhưng quá trình nào xảy ra trên thiên thể ban ngày của chúng ta vậy?

Từ vùng các vết đen, mặt trời phát ra những dòng dày đặc đến các hạt tích điện - các proton, điện từ. Khi tới các lớp không khí loãng bên trên của trái đất, chúng va chạm với hạt khí của không khí (chủ yếu là nitơ và ôxi). Các nguyên tử và phân tử của khí đó bắt đầu phát quang và cực quang xuất hiện.

Các quá trình này diễn ra ở độ cao chừng 100 đến 800 - 900 kilômet, đôi khi còn cao hơn. Nhưng tại sao lại ở các cực? Bởi vì trái đất là một nam châm không lồ: như bất kỳ một nam châm nào khác, trái đất được bao quanh bởi một trường các lực từ, và trường các lực từ này ảnh hưởng đến các hạt mặt trời - làm chúng lệch tới các cực. Như ta biết, các cực từ của trái đất nằm gần các địa cực.

Vào những năm mặt trời phát ra hạt cực mạnh, người ta còn quan sát thấy cực quang ở mãi về phía nam bắc cực và phía bắc nam cực. Chẳng hạn vào tháng chín năm 1957, cư dân vùng Axtrakhan (thành phố ở miền nam Liên Xô, ven bờ Hắc Hải) đã nhìn thấy cực quang. Tính chất khác thường và hiếm có của hiện tượng cực quang tại các vùng vĩ độ như thế đã gây ra những suy nghĩ mê tín ngay cả hiện nay. Bao thế kỷ đã trôi qua, song các quan niệm thần bí về những hiện tượng tự nhiên khác nhau có thể làm cho con người phải ngạc nhiên, thì vẫn còn đó. Có thể liệt trò đùa giỡn của lực điện từ trong khí quyển trái đất vào những hiện tượng đó.

… Năm 1242. Các chiến sĩ của Alêcxanđrơ Nepxki đại đế còn đang giao chiến với những hiệp sĩ Tơtông mang giáp trụ ở trên hồ Tsutxkôlê. Bỗng nhiên giữa lúc hai bên đang hăng hái không phân thắng bại, một phần vòm trời phía bắc đang tối sẫm bỗng trở nên sáng chói.

Ánh sáng thật lạ thường. Dường như đây đó dưới chân trời một cây nấm khổng lồ đã được dựng lên, và ngọn lửa của nó, bị gió thổi ngả nghiêng đang chập chờn muốn tắt. Sau đó, một tia sáng dài màu xanh vụt cắt ngang bầu trời và biến mất ngay tức khắc. Một khoảng khắc sau, trên đường chân trời lại xuất hiện một cung tròn sáng màu xanh nhạt. Nó ngày càng trở nên rực rỡ và dâng cao lên. Bỗng từ cung tròn sáng ấy toả ra một chùm tia rực rỡ nhảy nhót: màu đỏ nhạt, phớt xanh và tím hoa cà. Ánh sáng kỳ lạ ấy toả sáng bề mặt phủ tuyết và các chiến binh.

- Điềm trời rồi ! - Những người lính Nga thốt lên tay vội làm dấu thánh.

Sau này, vị sử quan khi mô tả "trận đánh trên băng" đã nhận xét rằng, vào ngày hôm đó, nhiều nhận chứng đã nhìn thấy trên không trung hàng trung đoàn lính nhà trời tới giúp Alêcxanđrơ Nepxki đại đế trong trận đánh. Cảm quan ấy về hiện tượng tự nhiên bí hiểm này thật phù hợp với thế kỷ 13 !

Và đây là một ví dụ thời nay. Năm 1941. Dân chúng tỉnh Vôrônegiơ được tận mắt chứng kiến cực quang, một hiện tượng hiếm có ở vùng trung Nga này. Cũng hệt như xưa kia, những người mê tín coi đó là một điều huyền diệu. Trong bức thư gửi báo "Sự thật Kômxômôn" khi kể về chuyện này, Tsernôp nhấn mạnh : "Mặc dù sau đó hai ba ngày, các báo đều thông báo hiện tượng cực quang hiếm có xảy ra trên vùng trời tỉnh Vôrônegiơ, song rất ít người tin như vậy. Ở đây cần nói chính xác hơn: "số rất ít người" ấy là số những người tin vào sức mạnh siêu nhiên.

Cực quang vốn là một hiện tượng tự nhiên phức tạp. Nhiều điều trong đó còn chưa được giải thích, còn phải tranh luận. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, hiện tượng đẹp đẽ này có bản chất điện và gắn liền với các quá trình xảy ra trên mặt trời.

Thế còn trò đùa giỡn của cực quang, những cung tròn lấp loá và những tia sáng lúc bật lúc tắt kỳ dị của nó? Hiển nhiên chúng có liên quan đến sự thay đổi các lực của trường địa từ, liên quan đến việc dòng các hạt đi từ mặt trời tới không đồng nhất về cường độ. Song để có thể giải thích sâu sắc hơn những hiện tượng như các vết xung động trên mặt trời và các cung tròn, các hình dạng toả sáng của cực quang hay điện vũ của các tia sáng, thì cần phải nghiên cứu sâu hơn về các tính chất điện từ của khí ion hoá - plasma.

Việc nghiên cứu cực quang có một ý nghĩa to lớn; nó đem lại cho chúng ta không ít những cứ liệu về các lớp trên cao của bầu khí quyển, về thành phần hoá học của chúng, về cấu trúc, mật độ, về các quá trình đang xảy ra ở đó. Việc khảo sát này có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với liên lạc vô tuyến điện.

Vào những năm gần đây, các vệ tinh nhân tạo của trái đất trợ giúp rất nhiều cho việc tiếp tục nghiên cứu cực quang. Các vệ tinh đã cung cấp nhiều cứ liệu quan trọng về trạng thái các lớp khí quyển mà ở đó sinh ra cực quang.

Một khoa học gắn bó với cuộc sống sẽ chẳng bao giờ chỉ bằng lòng với việc giải thích môt hiện tượng nào đó. Và ở đây cũng vậy: việc nghiên cứu sự phát quang của các khí loãng đã dẫn đến việc tạo nên các nguồn thắp sáng mới - đèn ánh sáng ban ngày.

"Khi các thần nổi giận"

... Một ngày hè nóng nực. Không khí oi bức đến ngột ngạt. Bầu trời xanh không mây thoảng một làn gió nhẹ đâu đó.

Bỗng ở phía chân trời đùn lên một đám mây đen. Độ hai mươi phút sau, đám mây đã phủ kín bầu trời.

Gió mát bắt đầu thổi. Những giọt mưa bắt đầu rơi. Rồi chỉ một phút sau mưa xối xả trút xuống mặt đất. Những tia sáng loằng ngoằng rạch ngang dọc đám mây đen trĩu nặng; đó là chớp dải. Sấm nổi ầm ầm chói tai. Những tia chớp chói lọi ngày càng nhằng nhịt hơn. Nhưng tiếng sấm nối nhau ầm vang như súng nổ... Cơn giông đang lúc dữ dội!

Ở châu Âu, miền nam nước Pháp và miền bắc Italia thường hay có giông hơn cả, còn ở Liên Xô là vùng Kapkaz và trung lưu sông Dnieu.

Trên đảo Giava ở Inđônêxia có vùng suốt 322 ngày trong năm là có sấm chớp. Còn cơn giông đặc biệt hung dữ ở vùng núi ở các vùng vĩ độ nam. Có lần ở vùng núi Kapka, khi giông tố đang hoành hành, người ta đếm được hơn một ngàn lần phóng điện trong khí quyển trong vòng có một giờ!

Để làm quen với những bí ẩn của giông bão, chúng ta cần nhớ lại một truyền thuyết cổ Hy Lạp. Có một thời, chỉ có các vị thần mới có lửa. Khi thần Prômetê còn chưa đem lửa xuống trái đất, con người vẫn phải sống cảnh tối tăm lạnh lẽo như những loài cầm thú. Từ khi có lửa, con người bắt đầu ăn thức ăn được nấu chín, học được cách khai thác và gia công kim loại, và họ đã có được một trợ thủ đáng tin cậy trong cuộc đấu tranh với các loài ác thú.

Dơt, vị thần chúa tể của thế giới, quyết định trừng phạt kẻ ăn cắp lửa. Thần Prômêtê bị xiềng vào một vách núi đá hoang vu. Hằng ngày, một con chim ưng lớn bay tới và lấy móng vuốt phanh ngực thần ra ăn gan. Heraclit dũng mãnh đã cứu thần Prômêtê. Nếu chuyển huyền thoại này sang ngôn ngữ hiện thưc thì có thể giả định được rằng con người lần đầu tiên làm quen với lửa là trong cơn giông. Khi phóng xuống đất những tia chớp làm cháy những vật khô nỏ.

Sự khiếp sợ và thần phục đầy mê tín trước "lửa trời", sinh ra trong cơn giông đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con người tin đó là vũ khí của các thần. Đối với người Hy Lạp cổ đại, thần Dơt là người chiếm giữ vũ khí đó, đối với người Xlavơ thì đó là thần Pêrun, đối với các bộ lạc Giecmanh, đó là thần Ođin. Khi các thần nội giận họ phóng xuống đầu loài người những mũi tên lửa ghê gớm.

Ngay từ thời cổ đại, tinh thần ham mê hiểu biết của con người đã tìm ra một biện pháp hữu hiệu để tránh cho mình khỏi cơn giận dữ của các thần. Ba nghìn năm trước đây, bên cạnh các đền thờ ở Ai Cập người ta đã trồng các cây cột cao đúc bằng đồng, dùng để thu những đòn sấm sét. Những cột sét đó cũng được bố trí gần ngôi đền nổi tiếng thờ vua Xôlômông ở Giêruxalem. Ngôi đền này đã tồn tại hơn một nghìn năm nay và chưa hề lần nào bị sét đánh hỏng. Tất nhiên, người ta giải thích đó là nhờ "đức nhân từ" của các vị thần.

Biết bao thế kỷ đã trôi qua trước khi nỗi hoảng sợ trước "ngọn lửa trời" phải nhường bước trước khát vọng hiểu biết bản chất của nó. Thế kỷ 18 đã đem lại khám phá đầu tiên về nó khi người ta xác định được rằng, chớp không phải là một cái gì khác hơn một tia lửa điện khổng lồ.

Nhà nghiên cứu tự nhiên người Mỹ B. Franklin đã làm thí nghiệm sau khi ông giả định rằng trong đám mây giông cũng phát sinh ra hiện tượng như thế. Ông thả một cái diều lên trời, và buộc đầu dây vào chiếc chìa khoá to bằng sắt ở hàng rào ngoài vườn. Khi đám mây giông kéo đến, nhà bác học đưa nhón tay lại gần chiếc chìa khoá và ông ... giật rất mạnh. Giữa ngón tay và chiếc chìa khoá đã sinh ra một tia lửa điện. Bản chất điện của tia chớp đã được chứng minh như vậy.

M. V. Lômônôxôp cũng nghiên cứu sự phóng điện trong các cơn giông vào năm 1572 đó. Cùng với người bạn là giáo sư G. Richman, ông đã chế tạo được "chiếc máy sấm sét". Một cây sào đặt trên một cây cao, trên cây sào đó buộc một thanh sắt được nối với dây dẫn vào trong phòng. Ở đầu dây dẫn, họ treo một cái thước sắt và sợi dây lụa. Thí nghiệm như thế thật la nguy hiểm. Trong cơn giông, chiếc thước sắt tích điện khí quyển mạnh đến nỗi có những tia lửa điện bắn ra từ đó. Năm 1753, Richman bị sét đánh chết. Lômônôxôp vẫn tiếp tục nghiên cứu. Khẳng định rằng dây dẫn sét làm cho sét đi lệch khỏi công trình cần bảo vệ, ông viết : "Tôi cho rằng nên đặt những mũi tên như vậy ở những nơi con người không lui tới để cho sét tiêu tán sức mạnh của nó vào những chỗ đó chứ không phải đầu người hay đền thờ miếu mạo".

Con đường nhận thức khoa học của loài người thật phức tạp, và đầy mẫu thuẫn. Trên con đường đó đã biết bao những phát hiện bị bỏ rơi, những thí nghiệm bị lãng quên, những tri thức bị bài bác! Và chính ở đây, trên "mặt trận chống giông tố" vì quên đi mất những cái cột dẫn sét thời cổ đại loài người lại đi phát minh lại cái đã được phát minh. Đã thế, những tri thức được tìm ra lần nữa ấy phải rất vất vả mới được áp dụng, hệt như những thời xa xưa vậy. Bởi trên con đường đi lên còn ngự trị sự mê tín với mọi biểu hiện của nó. Nhiều khi những ngôi đền bị sét đánh hỏng, và điều đó được coi như "sự giận dữ của thần linh". Vào thế kỷ 18, trong vòng có ba mươi năm mà có tới hơn 350 nhà thờ ở nước Nga bị cháy vì sét đánh.

Năm 1756, sét đánh vào nóc nhà thờ Pêtrôpavlôpxki, làm cháy mái vòm nhà thờ và gây hư hại bàn thờ thánh. Một thời gian sau, điện khí quyển lại phá hỏng mái vòm nhà thờ. Chỉ tới khi đó, giới tăng lữ mới chịu nhớ đến những phương tiện "chống lại thần linh" để chống sét. Lần đầu tiên ở Pêtecbua và ở nước Nga xuất hiện cột chống sét trên nóc nhà thờ Pêtrôpavlôpxki.

Điều gì đã xảy ra ở đây?

Thực chất, đám mây giông là một ăcquy tích điện khổng lồ. Những điện tích âm tập trung ở phần dưới của đám mây giông, còn phần trên là các điện tích dương. Ngoài ra, các điện tích dương cũng tập trung ở chân mây. Vì sao lại như vậy? Câu hỏi không phải là dễ trả lời. Người ta cho rằng điều đó xảy ra do các hạt mưa rơi được phun tỏa ra trong không khí.

Mỗi một giọt nước mưa đều tích điện, ở tâm mỗi hạt thường có điện tích dương, còn trên bề mặt là điện tích âm tương đương với nó. Trong đám mây giông luôn luôn có những dòng không khí mạnh bốc lên. Chúng táp vào những giọt mưa đang rơi và làm các giọt đó tan thành từng hạt nhỏ hơn. Những phần nhỏ bị gió tách ra khỏi nhân chính của các giọt mưa đều mang điện tích âm, còn các phần lớn hơn còn lại của các giọt mưa bị vỡ ra lại tích điện dương. Những hạt nhỏ và nhẹ hơn bị dòng không khí đưa lên cao, những hạt nặng hơn nằm lại bên dưới.

Đó là các quá trình phân bố điện tích có bản chất khí quyển ở các phần dưới và trung bình của mây dông. Ở những lớp trên trong các dòng không khi đi lên, các tinh thể băng chuyển động với vận tốc lớn. Khi va chạm vào nhau, chúng bị vỡ nhỏ ra và cũng nhiễm điện. Bụi băng mang các điện tích dương bốc lên trên đỉnh mây, còn các mảnh băng khí quyển lớn hơn tích điện âm lại hạ xuống thấp hơn và tạo ra vùng điện tích âm.

Đại thể, bộ ăcquy khí quyển được nạp điện như vậy. Tiếp theo, định luật vật lý bình thường được thể hiện: các điện tích trái dấu hút nhau. Vì vậy, khi một phần đám mây giông tích điện dương, phần khác tích điện âm, thì cả hai loại điện tích đều cố gắng hấp dẫn lẫn nhau. Và điện tích âm của mây dông và điện tích đương tụ lại trên mái nhà, cây cối, cũng hút nhau như vậy, nhưng không khí, một môi trường dẫn điện kém, lại ngăn trở sự kết hợp đó.

... " Cỗ máy sấm sét" của khí quyển được tích điện ngày càng nhiều hơn. Cuối cùng đã đến lúc không khí không thể còn cản trở sự kết hợp của hai loại điện tích khác dấu đó nữa. Và những tia chớp loằng ngoằng bắt đầu loé lên ngang dọc bầu trời.

Sự phóng điện trong không khí đốt nóng bầu không khí rất mạnh. Áp suất không khí tăng đột ngột đến hàng ngàn atmotphere. Tiếp theo, sự việc xảy ra cũng giống như sự bùng nổ của các khí bị nung nóng: ở nơi tia chớp chạy qua liền sinh ra các sóng hơi do nổ hệt như trong bất kỳ vụ nổ nào. Đó chính là tiếng sấm.

Tia chớp thẳng nom như một con sông lớn ngoằn ngoèo có nhiều nhánh phụ vẽ trên bản đồ địa lý. Sự phóng điện trong không khí xảy ra ở những chỗ ít bị cản trở nhất. Chiều dài các tia lửa điện đó cỡ vài kilômet, đôi khi đạt tới hàng chục kilômet!

Còn có một dạng khác nữa của sét, đó là sét phẳng. Nó tựa như sự loé bùng ánh sáng điện trong các đám mây. Hãn hữu cũng có khi người ta có thể thấy các loại sét khác nhau như sét hình tên lửa, sét chuỗi và sét hòn. Sét chuỗi giống như hạt cườm sáng chói; trên nền các đám mây, sét chuỗi trông như một đường chấm chấm. Sét hình tên lửa như chiếc lên lửa được phóng vào không trung.

Trong truyện ngắn "tia chớp đen", nhà văn Nga nổi tiếng A. L. Kuprin có mô tả một trường hợp thú vị xảy ra trong cơn giông: "Đó là một trong những cơn giông khủng khiếp đôi khi vẫn hoành hành trên các vùng hạ du rộng lớn. Bầu trời không loé lên các tia chớp mà có vẻ như là tất cả đều tỏa sáng nhờ ánh chớp lung linh các sắc màu xanh da trời, xanh thẫm và trăng lóa. Và không hề nghe thấy một tiếng sấm nào...

Và rồi tôi nhìn thấy tia chớp đen. Tôi thấy bầu trời mạn phía đông sáng lên do ánh chớp, nó không tắt đi mà lúc thì tỏa rộng ra, lúc thì thắt lại, và bỗng nhiên trên bầu trời xanh lung linh những tia chớp lửa ấy tôi nom thấy rõ lạ lùng tia chớp đen loé lên trong khoảng khắc. Lập tức, cùng với tia chớp ấy vang lên tiếng sấm kinh hoàng như xé rách bầu trời và mặt đất và ném tôi xuống những mô đất mấp mô".

Nhìn thấy tia chớp đen - làm sao lại có thể như thế được? Điều bí ẩn là ở chỗ mắt người đã bị chói lóa vì sự nhấp nháy liên tục của ánh sáng rực rỡ. Và khi bùng lên một tia chớp chói lọi hơn nữa, đôi mắt mệt mỏi liền thu nhận tia chớp ấy như một bóng tối không có chút ánh sáng nào.

Không thể không nói đền những bí ẩn chưa được khám phá của "lửa trời" khi đi tìm hiểu nó. Vào thế kỷ trước, nhà bác học danh tiếng người Pháp Camin Flamariông đã thu thập hàng trăm bằng chứng về các vụ sét đánh. " Không có vở kịch nào, - ông nhận xét, - không có trò ảo thuật nào lại có thể đua tranh được với sét về tính bất ngờ khác lạ của các hiệu quả do nó tạo ra. Có vẻ như sét là một vật chất đặc biệt, một cái gì tựa hồ nằm giữa những sức mạnh vô ý thức của tự nhiên và linh hồn có ý thức của con người; đó là một vị thần nào đó, khéo léo và kỳ khôi, ranh mãnh và ngốc nghếch, tinh tường hay mù quáng, đầy ý chí hay nô lệ, chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, đáng sợ và khó hiểu. Chúng tôi sẽ không đưa ra những lời giải thích, cứ để cho các sự kiện nói lên chính mình: độc giả sẽ thấy thú vị hơn nhiều khi tự mình suy nghĩ về một hiện tượng ấy.

Tại một thị trấn nhỏ nước Pháp, sét đánh chết ba người lính đứng tránh cơn giông bên gốc cây bồ đề. Cả ba người lính ấy vẫn đứng như chưa hề có chuyện gì xảy ra cả. Sau khi tan giông, những người qua đường hỏi chuyện mà không thấy ba người lính đáp lại, họ bèn chạm tay vào ba người ấy. Cả ba cái xác đều tan vụn ra như một đống tro tàn!.

Người ta biết nhiều trường hợp người bị sét đánh chết hay làm cho ngất đi đều bị trụi tóc hoàn toàn. Trong những trường hợp khác, sét đốt sạch quần áo nhưng không mảy may động chạm tới da. Đôi khi sét lại thiêu đốt quần áo lót mà quần áo ngoài vẫn nguyên vẹn.

Sét thường giật ra khỏi ta người ta những đồ vật khác nhau và đưa chúng đi xa. Chẳng hạn, có người bị sét giật cái cốc khỏi tay và ném nó xuống sân, thế mà cái cốc lại không vỡ, và người cầm cốc không hề bị thương. Một cậu bé vác cái nạng gảy rơm trên vai đi từ trang trại ra: sét giật cái nạng ra và ném nó đi xa năm mươi mét. Có những trường hợp được ghi lại thành biên bản đàng hoàng là sét đánh và để lại trên cơ thể người những dấu vết của các đồ vật khác nhau bằng kim loại.

Bác sĩ Đrendingơ ở ngoại ô thành phố Viên (Áo) từ ga xe lửa trở về nhà. Khi ra khỏi xe ngựa, ông sờ ví thì thấy chiếc ví đã không cánh mà bay. Ví của ông làm bằng mai rùa, trên nắp có khảm chữ lồng tên họ của ông làm bằng thép: hai chữ "Đ" lồng vào nhau.

Buổi chiều hôm ấy ông bị gọi đến chỗ một người nước ngoài bị sét đánh và được tìm thấy khi đã bất tỉnh nhân sự dưới một gốc cây. Dấu vết đầu tiên mà bác sĩ nhận thấy trên tay nạn nhân là chữ lồng tên họ của chính ông như đã được chụp ảnh vậy. Bác sĩ liền quả quyết rằng trong túi nạn nhân nhất định có một chiếc túi làm bằng mai rùa, và điều khẳng định đó đã được chứng thực.

Sét đánh vào một cái cây dưới gốc có mấy đứa trẻ đang ngồi. Trên mình một em có in dấu hình cây lá như xăm vậy. Khi đánh vào một cung điện, sét gỡ hết lớp vàng mạ trên một chiếc đèn chùm. Người ta còn biết một trường hợp cực kỳ hãn hữu là sét ... làm chảy cả chiếc hoa tai bằng vàng trên tai một người phụ nữ mà bà ta vẫn hoàn toàn lành lặn.

Quả là cũng khó mà tin được những sự kiện đó, song đã có hàng chục, hàng trăm người chứng kiến đại loại. Đành phải thừa nhận là chúng ta hoàn toàn còn chưa khám phá ra bản chất của các vụ phóng điện khí quyển nguy hiểm ấy.

Có thể nói gì được ở đây nhỉ? Đã từ lâu khoa học chứng minh được rằng: bất kỳ một hiện tượng nào trên thế giới này, cho dù thoạt đầu có vẻ bí ẩn thế nào chăng nữa, rốt cuộc cũng được giải thích theo quan điểm duy vật. Một điều khác nữa cũng đã được làm sáng tỏ: thế giới chúng ta đang sống là vô cùng vô tận trong các biểu hiện của nó. Vì vậy chúng ta luôn luôn tìm thấy trong đó cái cần phải nghiên cứu, cần phải khảo sát bằng thực nghiệm. Nhận thức của chúng ta không biết đến cái tận cùng. Mỗi ngày và mỗi thế kỷ, chúng ta luôn luôn nhận biết thêm một điều gì mới trước kia chưa từng biết, nhưng những điều bí ẩn bao giờ cũng có.

Và ở đây, trước mắt chúng ta có một trong những bí ẩn thú vị nhất của tự nhiên mà khoa học cần phải khám phá. Có thể, ai mà biết trước được, trong số các bạn, những người đang đọc cuốn sách này sẽ có một người hiến cuộc đời mình cho việc nghiên cứu sét, cái mà tổ tiên chúng ta coi là một vũ khí ghê gớm của các vị thần.

Và sau đây là vài lời khuyên để kết luận. Ta biết rằng các vụ phóng điện khí quyển thường nhắm vào các cây cao mọc đơn lẻ. Đứng tránh cơn giông giữa những cây đó là hứng nguy hiểm vào mình. Người nào đi bơi lúc có giông thì thật dại dột: đầu người đang bơi là điểm nhô cao nhất đối với sét.

Bạn có biết là có một số loại cây cứ như là hút sét vào mình không? Tính ra, trong 100 trường hợp, 54 lần sét đánh vào cây sồi, 24 lần đánh vào cây dương, 10 lần đánh vào cây bách tán, 6 lần vào cây thông, 4 lần vào cây lê và cây anh đào. Sét hoàn toàn không đánh vào bạch dương và phong (tất nhiên, nếu chúng mọc trong rừng hỗn hợp rậm rạp, chứ không lẻ ở chỗ trống). Vì sao vậy? Điều này đến nay vẫn còn là bí ẩn.

Không nên trú vào đống cỏ khô trên đồng. Nói chung, ở bất kỳ chỗ bào bằng phẳng và quang đãng, con người rất dễ bị nguy hiểm. Có lần ở Angarxcơ, sét đánh cả vào một cầu thủ bóng đá trong lúc anh ta đang thi đấu trên sân vận động (!)

Các vụ phóng điện khí quyển thường đánh vào ống khói. Vì vậy trong lúc có giông, tốt nhất là nên tránh xa các bếp lò. Nguyên tắc này áp dụng cho các vùng nông thôn và cho các tuyến đường dây điện. Người ta biết có những trường hợp sét đánh vào người ở cách đường dây điện 2 - 3 mét.

Bí mật của vị khách hình cầu

Suốt một thời gian dài, hiện tượng này không được thừa nhận trong khoa học. Một sự đánh lừa về quang học không hơn không kém - nhiều nhà khoa học khẳng định. Nhà vật lý người Pháp Maxcar gọi đó là "kết quả của trí tưởng tượng bị kích động".

Nhưng dần dà, số các sự kiện chứng tỏ sét hòn là một hiện thực được tích lại càng nhiều hơn. Những người khác nhau - từ trẻ con đến người già, từ kẻ thất học đến nhà khoa học - đã kể về những lần gặp gỡ với vị khách bí ẩn này của các cơn giông tố. Khác với những anh chị em của nó, sét hòn hầu như lặng lẽ và gây cảm tưởng vô hại. Song nhiều khi sét hòn là nguyên nhân của những điều bất hạnh.

Hai cậu bé trú mưa dưới mái chuồng bò. Bỗng nhiên trên ngọn cây dương xuất hiện một quả cầu lửa màu đỏ vàng. Nhảy từ cành này sang cành khác, nó hạ xuống đất và lăn về phía chuồng bò. Những tia lửa nhỏ màu da cam toé ra từ một quả cầu như một thỏi sắt nóng đỏ vậy. Hai cậu bé đứng không nhúc nhích. Khi quả cầu lăn đến sát chúng, một cậu bé hơn đã lấy chân đá nó một cái. Quả cầu lạ lùng ấy nổ tung với tiếng rít chói tai. Hai cậu bé ngã lăn ra nhưng rất may là chúng còn sống. Nhưng trong số mười hai con bò cái trong chuồng thì có 11 con bị chết.

Thật thú vị là các thông báo cho biết sét hòn sinh ra từ các đồ vật bằng kim loại. Nhà khí tượng học N. Nartưnốp có lần đã quan sát thấy sét hòn nhảy ra từ hộp máy điện thoại mở nắp. Quả cầu lửa lăn khắp sàn rồi nổ tung. Theo tin báo của Kônganôp ở thành phố Kolômana, sét hòn xuất hiện gần bảng đặt công tơ điện trong thời gian phóng điện của sét chuỗi. Người ta cũng quan sát thấy sét hòn vọt ra từ đui đèn điện không lắp bóng hay từ ổ cắm điện.

"Kỹ sư I. Môtsalôp ở thành phố Nigiơni Taghin thấy trên đầu van hệ thống lò sưởi một quả cầu nhỏ màu xanh da trời bắt đầu hình thành. Lúc đầu nó bé bằng hạt đậu, sau đó đường kính của nó tăng đến 4 - 6 cm, nó rời khỏi mép lò sưởi hơi nước và khi đi qua gần bàn, nó dừng lại gần ống đinh. Từ quả cầu nhỏ đó phát ra tia lửa, sau đó nhảy bật lên trên và tiếp tục lượn một lúc dưới bàn rồi nổ tung.

Thường thường sét hòn chuyển động trong không khí khá chậm, bằng tốc độ người chạy. Dễ dàng theo dõi nó bằng mắt thường. Đường đi của nó trùng với hướng gió. Đôi khi quả cầu đó dường như dừng lại hoàn toàn. Khi nó di động, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng rít hay lẹt xet khe khẽ. Màu sắc của sét hòn rất khác nhau: người ta thấy có những quả cầu sáng màu đỏ, cả mầu trắng chói lọi và màu xanh thẫm. Còn kích thước thì sao? Thường sét hòn không to quá 20 cm đường kính.

Ta cũng nên nhận thấy dạng phóng điện khí quyển đó thật may mắn: có đến một trăm giả định khoa học khác nhau giải thích bản chất của chúng. Không phải tất cả đều đáng được khoa học hiện đại thừa nhận. Nhưng mọi giả thuyết về nguồn gốc của hiện tượng điện học kỳ lạ được lập luận với cơ sở khoa học thoả đáng.

Một trong các giả thuyết đó thuộc về viện sĩ P. L. Kapitxa. Theo ý kiến của ông, sét hòn được cung cấp năng lượng nhờ các bức xạ vô tuyến xuất hiện trong những lần phóng điện khí quyển khi có giông. Nhà bác học cho rằng, nếu trong tự nhiên không tồn tại những nguồn năng lương mà chúng ta còn chưa biết, thì trên cơ sở định luật bảo toàn năng lượng, ta nên thừa nhận là trong thời gian phát sáng, có năng lượng liên tục truyền cho sét hòn, và chúng ta buộc phải đi tìm nguồn năng lượng đó ở ngoài phạm vi sét hòn. Sét hòn sinh ra ở những nơi sóng vô tuyến đạt cường độ cực đại.

Cách giải thích do nhà bác học Xô - viết Kapitxa đề ra đó về sét hòn rất phù hợp với những đặc điểm của sét: đôi khi sét hòn lăn dọc bề mặt các đồ vật khác nhau mà không để lại vết cháy, sét hòn thường thâm nhập vào các phòng ở qua ống khói, cửa sổ và thậm chí qua các khe hở nhỏ.

Có thể, lời giải đáp cho bí ẩn của quả cầu đó là ở chỗ khác. Mặc dầu các nhà bác học vẫn cỗ gắng giải thích hiện tượng đã được người ta biết đến hàng ngàn năm nay, sét hòn vẫn còn là một điều bí ẩn. Một số nhà khoa học cho rằng nó là một dạng mới của năng lượng (một mẫu phản vật chất), song những người khác lại phủ định điều đó. Điều bí mật của sét hòn tiềm chứa cái gì trong nó? Có thể, nó chứa đựng một lĩnh vực mới mà tri thức chúng ta chưa từng biết đến? Ai mà biết được! Có thể, chính tại đây, khoa học sẽ mở được cánh cửa dẫn vào một trong những kho năng lượng của tự nhiên, sẽ đem lại cho chúng ta những khả năng mới để tái tạo hành tinh, để thâm nhập vào những bí mật mới của vật chất.

Những người bà con hiền lành

Bây giờ chúng ta nói tới những bà con gần gũi của các kiểu sét nguy hiểm. Gần gũi nhưng lại vô hại.

... Một đạo quân lớn của quân đội La Mã cổ đại hành quân đêm. Một cơn giông nổi lên. Tiếng sấm từ xa vọng tới. Bỗng nhiên trên đầu đoàn quân hiện ra hàng trăm ngọn lửa màu xanh nhạt. Đấy là mũi giáo nhọn của các chiến binh rực sáng lên: có cảm tưởng rằng những ngọn giáo sắt của binh sĩ cháy mà không bốc lửa.

Hồi ấy, không một ai biết được nguyên nhân của hiện tượng lạ lùng ấy, và binh lính liền quả quyết: hào quang trên mũi giáo của họ là điềm báo chiến thắng. Khi đó, người ta gọi hiện tượng ấy là ngọn lửa Caxtor và Pônlue, theo tên gọi của hai vì sao sáng trong chòm sao Song nhi. Sau này, người ta đổi tên thành ngọn lửa Enma - theo tên gọi của nhà thờ thánh Enma ở Italia, nơi đã từng xuất hiện những ngọn lửa đỏ.

Ngọn lửa Enma lấp lánh trên các cột buồm tàu thuyền. Trong số rất nhiều các câu chuyện kể về hiện tượng đó, những hồi ức của một viên thuyền trưởng tàu buồm nọ thật thú vị. Chuyện đó xảy ra ở Địa Trung Hải, gần quần đảo Balêaret, vào cuối thế kỷ 17, khi cơn giông ập đến. Thấy trời nổi giông, viên thuyền trưởng ra lệnh hạ tất cả các buồm. Và ngay lập tức, các thủy thủ nom thấy hơn ba chục ngọn lửa Enma ở những chỗ khác nhau trên tàu. Ngọn lửa đậu trên mũi tên gió ở cột buồm lớn dài đến hơn nửa mét. Viên thuyền trưởng phái một thủy thủ lên gỡ nó ra. Khi leo tới đỉnh cột, người thủy thủ kêu lên rằng ngọn lửa réo lên như hoả tiễu nạp thuốc nổ vậy ẩm vậy. Người ta ra lệnh cho anh này gỡ nó ra cùng mũi tên gió và mang xuống. Nhưng khi anh ta vừa tháo được mũi tên gió ra, ngọn lửa liền nhảy phắt xuống đầu cột buồm và thế là không tài nào mang nó xuống được nữa.

Thật lạ, vào những thế kỷ đó, ngọn lửa Enma không bị coi là điềm báo gở. Các nhà hàng hải thường coi đó là tin báo trước về thời tiết tốt. Trong cơn giông tố, các thuỷ thủ thường đón chào sự xuất hiện của những ngọn lửa đó trên đỉnh cột buồm như là sự cứu rỗi khỏi tai ương hiểm hoạ. Còn bây giờ thì sao? Ngày nay, những ngọn lửa Enma nhiều khi gợi lên câu hỏi: nó là cái gì vậy?

Vài năm trước, tôi có nhận được một bức thư gửi từ Kamtsatka tới. "Một lần vào ban đêm, - chiến sĩ Baranôp viết, - trong lúc trời mưa xối xả, tôi đứng gác ở tầm cao 50 mét. Tay phải tôi giữ khẩu súng trường đang giương lê. Khi mưa rào mạnh lên, ở đầu mũi lê lắp trên súng bỗng nhiên xuất hiện một ngọn lửa màu xanh nhạt. Ánh sáng đó có kèm tiếng lách tách. Ngọn lửa dài khoảng 5 cm. Hiện tượng tương tự như thế được quan sát thấy nhiều lần. Có một đặc điểm là cả trước và sau đó, nói chung không hề có chớp sét ở đây".

Điều xảy ra đối với đạo quân La Mã thời cổ đại lại được lặp lại!

Vào tháng chạp năm 1957, toàn bộ nhóm những người câu cá trên hồ Plesêepxkôe ở tỉnh Iarôxlap đều nhìn thấy những ngọn lửa Enma. Khi đó tuyết ướt át đang rơi, trời tối đen như mực, nhiệt độ xuống gần không độ. Khoảng tám giờ tối, một người câu cá nhấc cần câu lên, và trên đầu cần câu xuất hiện ngọn lửa màu xanh nhạt. Anh ta nghĩ rằng cần câu bị cháy và liền dùng bàn tay đi găng chụp vào đó. Ngọn lửa liền biến mất. Sửng sốt, người câu cá ấy đề nghị những người bạn ngồi câu xung quanh nhấc cần câu lên. Ở đầu tất cả các cần câu đều xuất hiện ngọn lửa xanh. Chỉ cần họ động tay vào, thậm chí vừa giơ tay về phía đó là những ngọn lửa biến mất.

Ngọn lửa Enma trên cần câu là một hiện tượng hiếm có. Thường người ta nhìn thấy chúng trong lúc xảy ra giông tố, bão tuyết, những khi trong các đám mây và trên mặt đất có tích tụ những điện tích khác dấu. Thông thường khi đó xảy ra sự phóng điện giông tức thời - sét. Nhưng cũng có khi khác đi: cố gắng liên kết lại với nhau, các điện tích vẫn không thể chọc thủng lớp không khí. Và lúc đó chúng ta quan sát thấy sự phóng điện êm của điện khí quyển tích tụ trên bề mặt đất. Sự phóng điện đó diễn ra dễ dàng hơn cả là ở trên đầu nhọn các đồ vật nhô cao trên mặt đất. Từ đó các điện tích dường như chảy trôi xuống trong không khí; trong bóng tối chúng ta nom thấy sự phát quang màu xanh nhạt.

Điện áp trong các vùng núi thường cao hơn nhiều so với vùng đồng bằng. Vì lẽ đó những người ở vùng núi hay thấy ngọn lửa Enma. Mùa hè năm 1950, một nhóm vận động viên leo núi Liên Xô đã có dịp làm quen với ngọn lửa Enma ở vùng núi Kirghidia. Khi họ leo tới độ cao 3.800 mét, từ đỉnh các ngọn núi trườn ra những đám mây đen thẫm. Cơn giông bắt đầu nổi lên. Lúc đó, kiện tướng thể thao Raxêc đã tới đỉnh núi, đột nhiên đỉnh núi toả sáng, cả người Raxêc được vầng hào quang chói lọi bao quanh. Cánh tay đeo găng da của anh giơ lên làm bắn ra những lưỡi lửa.

Khi cơn giông tan, những ngọn lửa Enma cũng biến đi. Mọi người chỉ cảm thấy buôn buốt ở đầu các ngón tay và ở chân tóc.

Một lần khác, những vật dụng trên người các vận động viên như búa phá băng, máy ảnh, các cúc áo quần bằng kim loại đều toé ra các tia lửa nhỏ.

M. Lêganxep, người ở làng Nikôlep ở tỉnh Lêningrat đã được thấy một trường hợp hiếm có xảy ra với ngọn lửa Enma. "Trong vườn nhà tôi trồng hoa anh túc. Ngày 28 tháng sáu năm 1961, vào lúc hai giờ sáng - khi ấy ở Lêningrat đang có đêm trăng - tôi đã nhìn thấy một hiện tượng lý thú. Những bông hoa anh túc màu đỏ nằm theo đường tròn cách nhau 40 - 50 cm sáng rực lên những tia lửa màu xanh. Ánh sáng của tia chớp như nhảy từ bông hoa này sang bông hoa kia. Để tin chắc rằng đó không phải là ảo giác, tôi bảo vợ tôi dậy xem hiện tượng kỳ lạ đó. Vợ tôi khẳng định rằng cô ấy cũng nhìn thấy "những bông hoa anh túc loé sáng".

Trạng thái không khí đêm hôm ấy như báo trước cơn giông, trời phủ đầy mây. Đến bốn giờ sáng, sấm nổi lên ầm ầm và mưa như trút xuống. Đêm hôm sau, những bông hoa anh túc không hề toả sáng như đêm hôm trước vào đúng thời khắc ấy.

Phải chăng từ những điều như vậy đã sinh ra những câu chuyện cổ tích xưa kia kể về các bông hoa có phép lạ cháy sáng trong rừng thẳm?

Bình luận sự kiện này, giáo sư A. Damorxki viết : "Việc nhắc đến trạng thái trước cơn giông buộc chúng ta phải giả định rằng Lêganxep đã nhìn thấy những ngọn lửa Enma. Đó là những lần phóng điện êm xảy ra ở cường độ lớn của điện trường tại các lớp dưới của bầu khí quyển.

Điều này thường xảy ra trước cơn giông. Ngọn lửa Enma là một hiện tượng khá hiếm hoi đối với tỉnh Lêningrat. Vì sao ngọn lửa ấy chỉ xuất hiện trên hoa anh túc? Trả lời điều đó quả thật là khó khi không biết những điều kiện hỗ trợ cho sự phát triển của hiện tượng này. Nếu vào đêm đó, người quan sát lại chăm chú vào các đầu nhọn khác nhau có ở xung quanh, hay giơ tay lên thì có thể sẽ nhìn thấy ngọn lửa Enma cả ở các vật khác. Điện áp cao của điện trường khí quyển phân bố theo các điểm, tăng lên trên các ngọn đồi và ở những điểm cao khác. Rất có thể, bồn hoa anh túc chính là khu vực có điện áp cao hơn cả".

Sét của cơ thể sống

Khác với ngọn lửa Enma, loại sét này chỉ có thể gọi là bà con xa của sự phóng điện khí quyển. Nhưng bản chất của chúng chỉ là một, đó là bản chất điện. Chúng ta sẽ nghiên cứu tất cả theo thứ tự.

Bạn biết những cách chụp nào? Tất cả mọi người đều biết việc chụp ảnh bằng các tia sáng nhìn thấy. Trong nghiên cứu khoa học người ta còn sử dụng cả tia hồng ngoại, tia Rơnghen. Một thành tựu lớn của tư tưởng khoa học kỹ thuật trong thế kỷ 20 là việc chế tạo kính hiển vi điện tử với khả năng phóng đại cực lớn (tới hàng triệu lần). Ở đây, hình ảnh được phát sinh trong dòng các điện từ. Hiện nay, người ta còn biết đến một cách ghi hình ảnh nữa là dùng các dòng cao tần.

Các tác giả của phương pháp này, ông bà Kirlian, đã thực hiện phát mình này hơn 30 năm trước đây. Nhưng chỉ vào những năm sau đại chiến thế giới lần thứ hai, các nhà bác học mới biết rõ những khả năng tuyệt diệu đến thế nào đang ẩn giấu trong cách chụp ảnh cao tần mới tìm ra này.

Bằng kính hiển vi điện tử, ta có thể nhìn thấy rõ các virut. Nhưng chúng chỉ được chụp ảnh khi đã chết rồi, bởi virut bị giết chết do chân không cao được tạo ra để tiến hành chụp ảnh. Vậy mà điều quan trọng là quan sát được chính sự sống của các sinh vật cơ! Và ở đây, phương pháp chụp ảnh Kirlian đã trợ giúp họ. Các bức ảnh cho phép nghiên cứu những quá trình khác nhau đang diễn ra trên cơ thể động vật và thực vật.

Điều thú vị nhất ở đây là: các bức ảnh chụp cơ thể sống trong trường các dòng cao tần phản ánh không chỉ trạng thái sinh lý mà cả trạng thái tâm lý của các cơ thể đó. Một phương pháp vật lý nhiều hứa hẹn đề nghiên cứu tâm lý chúng ta đã xuất hiện. Trên phim nhựa, bằng tư liệu rõ ràng, ta có thể nhìn thấy con người đang ở tâm trạng nào. Ưu tư hay bị kích động!

Thật dễ hiểu là những bức ảnh kỳ lạ ấy nom như những bức tranh bí ẩn đối với người không biết chuyên môn. Nhưng các chuyên gia đã học được cách hiểu chúng.

Các nhà sáng chế đã có được những bức ảnh "cao tần" đầu tiên của mình như thế này: điện cực phẳng bằng kim loại được che bằng một tấm phim: nếu bây giờ đặt bàn tay lên phim trong bóng tối, và nối điện cực với máy phát dòng cao tần, thì sau khi làm hiện hình, trên phim có thể thấy những đường viền hình bàn tay. Chúng "được vẽ" bởi những tia chớp nhỏ xíu - những lần phóng cực nhỏ của điện "sống". Ở đây, hình bàn tay được bao phủ vầng hào quang sáng chói. Theo hình dạng của nó có thể biết được về tình trạng sức khỏe của cơ thể. Nếu bằng phương pháp đó chụp ảnh một lá cây chẳng hạn, thì vầng hòa quang bao quanh dần dần biến mất khi cái lá héo dần đi.

Còn độ nhạy của phương pháp này thế nào? Người ta đã chụp ảnh hai chiếc lá cây bề ngoài giống hệt nhau. Nhưng hình ảnh trạng thái điện học của chúng hoàn toàn khác nhau. Hóa ra là một chiếc lá được ngắt từ bụi cây bị vi khuẩn gây bệnh, còn chiếc lá kia hoàn toàn khỏe mạnh. Mặc dầu bệnh tật không thể hiện gì ra bên ngoài, song bằng cách "chụp ảnh cao tần" đã phát hiện ra những rối loạn sinh lý còn ẩn náu.

... Trước mắt chúng ta là hai bức ảnh chụp cùng một ngón tay. Bức thứ nhất chụp lúc người đang ở trạng thái bình thản, còn bức ảnh thứ hai chụp lúc người đó đang bị kích động bởi điều gì đó - hình ảnh hào quang đã thay đổi khác đi. Dạng quầng sáng cũng thay đổi khi đau ốm. Khi chụp ảnh Kirlian trên các phim dương bản (slice) màu, người ta thấy sự thay đổi trạng thái sinh lý của người và các loài cây cũng bộc lộ ra ở màu sắc.

Ban đầu, "hiệu ứng Kirlian" được phát minh ra đã gây nhiều chuyện giật gân bên lề khoa học như thường vẫn xảy ra trong lịch sử. Lập tức xuất hiện các nhà "bình luận" những bức ảnh chưa từng thấy, họ khẳng định rằng đó chính là những bức ảnh chụp "bản thể linh hồn" của sinh vật, chụp "sức sống" khét tiếng của những người theo phái sinh lực luận. Nhưng rồi sau đó, các nhà bác học đã xếp đặt mọi thứ vào đúng chỗ của chúng. Phó tiến sĩ khoa học toán lý V. Ađamen đã chứng minh được rằng cơ sở của phương pháp Kirlian là các quá trình điện tử: "Bằng phương pháp loại trừ kế tiếp với sự trợ giúp của các thực nghiệm đơn giản, người ta đã chứng minh rằng không phải ánh sáng nhìn thấy, không phải bức xạ cực tím hay bức xạ Rơnghen, cũng không phải các ion là nguyên nhân cơ bản của sự phát quang của phim ảnh. Chúng chỉ tạo nên cái nền, còn các điện tử chuyển động trong các vi kênh phóng điện mới "vẽ" nên những hình ảnh "cao tần".

Về tính chất, sự phóng điện này là một hiện tượng gì đó giữa phóng điện tia lửa và phóng điện hoa. Nhưng ở đây, các điện tử từ đâu ra? Chúng bay ra từ các điện cực, mà trong "máy ảnh" Kirlian, một trong các điện cực đó là đối tượng sống (ngón tay, là cây v. v...) được chụp ảnh. Từ đó suy ra các cơ thể sống có thể là nguồn phát ra các điện tử.

Không nên ngạc nhiên về điều đó. Gần đây, người ta càng biết nhiều hơn về vai trò to lớn của các quá trình điện học trong sự sống của cơ thể chúng ta. Những dòng điện sinh học truyền theo các dây thần kinh, ra lệnh cho các cơ tim co lại. Có thể nhận biết được các dòng điện ấy bằng cách ghi lại dưới dạng điện tâm đồ. Não phát ra những sóng điện từ mà ta có thể thấy trên điện não đồ. Cần phải nghĩ rằng cả các bộ phận khác của của thể, trong đó có các tế bào da, và sự làm việc của chúng đều gắn bó chặt chẽ với điện.

Phương pháp chụp ảnh Kirlian đã mở ra cho chúng ta thêm một cánh cửa nữa vào thế giới này.

Ngày nay, "hiệu ứng Kirlian" được ứng dụng trong những lĩnh vực khác nhau nhất trong những lĩnh vực khác nhau nhất của khoa học và kỹ thuật - trong y học và tâm lý học, trong hóa học và địa chất học, trong ngành tội phạm học và kỹ thuật nông nghiệp... Cần nói thêm là, phương pháp mới để xác định trạng thái tâm sinh lý của con người này báo trước nhiều điều chẳng thú vị gì đối với những kẻ say xưa chất kích thích. Bức ảnh chụp ngón tay người lái xe cho phép phát hiện chính xác một mức độ sai dù là nhỏ nhất - quầng sáng xung quanh ngón tay sẽ cho thấy điều đó. Bằng cách đó có thể nhận biết một cách dễ dàng những người đã uống dù chỉ một liều nhỏ ma túy.

... Hai người phụ nữ làm quen với nhau trong phòng đợi tàu ở nhà ga. Một người phải đi đâu đó, còn người kia ở lại trông hộ đứa trẻ còn bú đang ngủ thiếp đi. Quay trở lại, người mẹ không còn thấy trên chiếc ghế cả đứa bé, cả cô bạn mới quen ngẫu nhiên ấy. "Chị ta đặt cuốn sách lên đầu gối, - mẹ đứa trẻ kể với các chiến sĩ công an, - và viết gì đó lên chiếc bưu ảnh".

Cuốn sách được gửi tới phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học tội phạm trung tâm miền bắc Kapkaz. Ở đây, người ta đã phát hiện những nét nhấn hơi rõ trên nền tờ lót bìa. Tiếp theo, "phương pháp chụp ảnh cao tần" bắt đầu vào việc. Nhờ đó, người ta đã đọc được những từ riêng biệt và địa chỉ mà nữ tội phạm sẽ trở về.

Một bằng tốt nghiệp phổ thông trung học được gửi tới cũng phòng thí nghiệm đó. Chữ ghi tên họ đã được tẩy đi rất khéo léo ở trên tấm bằng. Bằng phương pháp Kirlian, người ta đã đọc được những chữ đã tẩy xóa đó. Người có bằng đã được tìm ra.

Nhân tiện nói thêm phát minh của ông bà Kirlian đã làm sáng tỏ điều bí ẩn của "con mắt trên da". Vào những năm 60, người ta đã tranh luận sôi nổi xung quanh câu chuyện ồn ào này. Mặc dù các nhà khoa học không đi đến một quan điểm thống nhất, song các sự kiện - "nhìn" bằng các đầu ngón tay - đã được nhiều tiểu ban khoa học có uy tín khẳng định. Sau Rôda Kulêsôva, nhiều "thần đồng" khác đã trình diễn thành công những khả năng như vậy. Làm sao có thể như thế được? Các bức ảnh Kirlian đã vạch hướng cho việc đi tìm lời giải đáp. Năm 1968, V. Ađamenkô đã làm một thí nghiệm như sau: nhờ sự phóng điện cao tần, ông chụp được một dòng chữ, sau đó ông phủ dòng chữ bằng giấy đen và chụp lại lần nữa. Dòng chữ vẫn hiện lên ở đây, mặc dù có mờ đi chút xíu.

Từ những điều đã kể, ta có thể kết luận: trong tay các nhà bác học đã có một khí cụ tuyệt diệu để thâm nhập vào những điều bí ẩn sâu kín nhất của thiên nhiên sống.

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 206

Return to top