Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Khoa Học >> Bên cạnh điều bí ẩn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9939 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bên cạnh điều bí ẩn
Vladimir Mezenxep

Chương 4

Ở xứ sở của ý thức và tiềm thức

"Ngay từ thời xa xưa, khi con người còn chưa có một khái niệm gì về cấu tạo cơ thể của mình và không biết giải thích các giấc mơ, người ta đã đi đến một quan niệm rằng tư duy về các cảm giác ở người là hoạt động không phải của cơ thể họ, mà là của một tâm linh đặc biệt nào đó tồn tại ở trong cơ thể và rời bỏ cơ thể đó khi con người chết đi, ngay từ thời ấy họ đã phải suy nghĩ về mối quan hệ giữa tâm linh đó với thế giới bên ngoài" (Ph. Enghen).
"Linh hồn trú ở dạ dày"
Người ta kể rằng xưa kia, nhà buôn Phôme Kriagin ở Viatca, nổi tiếng toàn thành phố vì tính tham ăn và phóng đãng, rất thích nhắc đi nhắc lại những lời này.
- Anh ngồi bên bàn ăn những thứ chúa trời gửi tới như thế nào thì linh hồn cũng phát triển như thế, - ông ta giải thích ý tưởng chủ yếu của mình. - Vì lẽ đó mà linh hồn không ở nơi nào tốt hơn dạ dày mình cả…
Những biện luận "sâu sắc" của gã buôn thực phẩm ấy thực ra chỉ được coi là chuyện vui bên chén trà ở thế kỷ trước mà thôi. Nhưng nếu ta nhớ lại lịch sử của loài người thì dễ dàng thấy rằng, xưa kia con người đã từng hoàn toàn nghiêm túc đi tìm nơi trú ẩn của linh hồn bí ẩn trong cơ thể mình; và không một ai nghi ngờ về sự tồn tại của linh hồn ấy cả.
Chữ "linh hồn" được chúng ta sử dụng luôn mà không hề nghĩ đến nguồn gốc tôn giáo của nó. Nghĩ về tâm trạng buồn bã của mình, người ta nói:" Trong thân tâm tôi có điều gì đó không vui". Về những người vị tha tốt bụng, người ta nói: "Đó là một người hảo tâm". Chúng ta gọi các ý nghĩ mong muốn, cảm giác của chúng ta là hoạt động tinh thần, hoạt động tâm hồn. Trong tất cả những trường hợp đó, từ "tâm hồn", "linh hồn" không có một ý nghĩ đặc biệt nào mà tôn giáo đã mang lai cho nó. Còn theo các quan điểm tôn giáo thì linh hồn là nguồn gốc tinh thần bất diệt của chúng ta, nó được thần thánh hóa và không thể nhận thức được.
Phả hệ của "phần tử" bí ẩn ấy của còn người mà như người ta thường nghĩ, không có nó thì không có chính cuộc sống đã mất hút trong quá khứ xa xôi của loài người .
… Một người dậy khỏi giường trong tâm trạng ốm yếu, khó chịu. Về người đó, người ta nói :" Anh ấy đã dậy bằng chân trái".
Một trong những người cùng nói chuyện nhắc tới ước muốn đạt được điều mong ước của mình. Lập tức anh ta được khuyên hãy nhổ nước miếng ba lần qua vai trái.
- Mắt trái của tôi cứ máy luôn, - một phụ nữ nói vẻ lo âu. - Có lẽ hôm nay tôi có việc phải khóc đây.
- Còn lòng bàn tay phải của tôi cứ giật giật - thể nào cũng nhận được tiền! - một cô bạn khác trả lời giọng vui vẻ…
Từ lâu lại sinh ra những điều mê tín nực cười như thế? Chúng sinh ra từ những thời xa xưa khi con người còn nguyên thủy tạo ra trong ý thức của mình một thế giới huyễn tưởng của các linh hồn. Họ tin rằng mỗi người đều có hai "vị thần" - thiện và ác, thần thiện ở gần người bên tay phải, thần ác ở gần người bên tay trái. Vì vậy người ta tin rằng: Tất cả những gì nằm ở bên trái đầu có thể mang lại điều khó chịu và tai họa.
Chính vì vậy mà những người mê tín khuyên nhổ nước miếng qua vai trái, tức là nhổ vào con quỷ ác, nếu không nó có thể cản trở điều ước muốn được thực hiện. Còn nếu ban sáng bạn dậy "bằng chân trái" thì tức là hôm đó bắt đầu dưới quyền lực của vị thần ác, mà ở ông ta thì đừng mong một điều tốt đẹp nào!
Sự mê tín cổ xưa đó đã sinh ra những điều báo ngây thơ và ngốc nghếch, và thật lạ là chúng còn dai dẳng sống đến tận ngay nay. Mắt trái và lòng bàn tay trái ở gần thần ác, thế có nghĩa là mắt trái khóc, tay trái đánh mất tiền. Còn ở bên phải thì ngược lại: mắt phải máy - hãy đợi niềm vui, lòng bàn tay phải thấy buồn buồn - chẳng bao lâu nữa sẽ được tiền.
Ai mà chẳng biết câu chúc: không một cái lông nào (Câu này người Nga dùng để chúc khi đi săn, đi thi v. v… Dịch sang tiếng Việt có nghĩa là: chúc thành công; chúc moi sự như ý…(N. D). Cả ở đây nữa cũng có sự can thiệp của vị thần ác. Khi những người đàn ông của bộ lạc đi săn, còn đám kẻ thù vô hình (tất nhiên là thế rồi) bám theo sau họ, những người thân và bạn bè tìm cách đánh lừa thần ác bằng cách bảo rằng người đi vào rừng không hề nghĩ gì đến chuyện săn bắn cả.
Còn câu chúc sức khỏe cho mọi người hắt hơi rất phổ biến thì sao? Tổ tiên không thông thái lắm của chúng ta đã cho rằng chính đó là lúc thần ác chui vào mũi người. Để tránh nguy hiểm cần phải chúc sức khỏe cho người đã hắt hơi.
Cũng cần nhắc tới một điều mê tín mà học sinh, sinh viên mê tín theo: trong khi thi không nhặt đề thi bằng tay trái. Bởi vì thần ác, tức là thần ở bên tay trái sẽ chơi xỏ và bàn tay sẽ rút phải phiếu thi khó nhất…
Chính những điều mê tín này khác xưa kia làm cơ sở cho đức tin vào linh hồn vô hình và không thể nhận thức được mà thần linh đã phú cho con người.
Đối với những người ở mức phát triển thấp, hầu như mỗi hiện tượng bất kỳ của tự nhiên đều mang sắc thái bí ẩn, và để giải thích cho điều đó cần phải viện tới các sức mạnh siêu nhiên. Những hiện tượng như ngất xỉu, chết chóc quả là đặc biệt lạ lùng và ghê gớm.
Những giấc mơ cũng thật là bí ẩn. Khi ngủ thiếp đi, con người có thể "chu du" trong quá khứ của mình, gặp lại những người đã chết, nói chuyện được với họ v. v… Giải thích những điều đó như thế nào?
Vì không có một khái niệm gì về hoạt động của não, vì hiểu biết rất kém về cấu tạo cơ thể mình, tổ tiên xa xôi của chúng ta tin rằng trong mỗi con người có một con người thứ hai giống hệt là linh hồn. Khi con người chết đi, linh hồn từ giã người đó. Điều này cũng diễn ra trong các cơn choáng ngất và các giấc mơ, nhưng những khi đó, linh hồn rời cơ thể chỉ là tạm thời, sau đó sẽ trở lại. "Con người thứ hai" của chúng ta làm gi khi chúng ta ngất đi, điều đó không ai biết, song các giấc mơ lại kể cho ta về những cuộc "chu du" của nó trong giấc ngủ của con người. Thế nhưng nếu linh hồn, theo lời của Ph. Enghen, "trong lúc chết lại tách khỏi cơ thể và tiếp tục sống, thì không có lý gì lại nghĩ ra một cái chết nào đó đặc biệt cho nó cả. Quan niệm về sự bất tử của linh hồn đã xuất hiện như vậy đấy, và ở trình độ phát triển đó, sự bất tử tuyệt nhiên không phải là sự an ủi, mà là số phận không thể đảo ngược được, và theo người Hy Lạp chẳng hạn, rất thường xuyên được coi là điều bất hạnh thực sự".
Nhìn thấy hình bóng của mình trên mặt nước lặng, người nguyên thủy nghĩ rằng họ đã nhìn thấy linh hồn của mình. Đức tin đó còn duy trì cả khi gương xuất hiện. Một sự mê tín mới đã sinh ra: đập vỡ gương tức là giết chết con người thứ hai của minh. Sau đó nó biến thành một điều triệu được nhiều người nhẹ dạ tin theo ngay cả bây giờ: đánh vỡ gương tức là sắp tới sẽ có điều rủi ro.
Ở nhiều dân tộc đã và đang tồn tại nhiều quan niệm về linh hồn. Ở châu Phi, những người da đen bộ tộc Baxutô cho rằng nếu cá sấu "chộp được" bóng của người trên mặt nước thì người đó sẽ phải chết. Những người Mã lai tin rằng một người nào đó bị giẫm lên bóng của mình (tức là giẫm lên linh hồn vậy) thì người đó sẽ bị ốm. Nết mê tín này được thể hiện rất đặc biệt trong một số truyện cổ dân gian: gã phù thủy độc ác muốn giết người nào đó đã đánh cắp bóng của anh ta.
Cư dân trên quần đảo Phitgi lại "liên kết" bóng - linh hồn và phản ảnh - linh hồn làm một. Cả hai thứ ấy đều sống trong một con người. Nhưng bóng - linh hồn tối thẫm sẽ theo sang thế giới bên kia sau khi chủ chết, còn phản ảnh - linh hồn sáng sủa mà người ta có thể thấy trong làn nước tĩnh lặng sẽ lưu lại ở nơi người đó chết đi.
Óc tưởng tượng của người Iacut còn phong phú hơn nữa. Trong nhiều truyền thuyết của họ có thể kể về ba linh hồn cùng sống trong mỗi người Iacut. Một linh hồn rời anh ta trong lúc ngủ, và khi người đó ngủ, nó lang thang khắp thế gian, linh hồn thứ hai còn hiếu động hơn, lúc nào cũng lượn lờ xung quanh, và chỉ có linh hồn thứ ba là ở ẩn, nó thường xuyên sống trong con người. Khi quỷ sứ tóm mất linh hồn lang thang trong đêm hoặc phiêu dạt lúc ban ngày thì con người sẽ ốm và có thể chết mặc dầu linh hồn thứ ba vẫn còn lại với anh ta.
Hầu như tất cả các dân tộc trên trái đất đều tin rằng trong lúc ngủ, linh hồn rời khỏi cơ thể một thời gian. Ở một số bộ lạc còn cấm đánh thức người đang ngủ hay chuyển người đó sang chỗ khác: linh hồn có thể không tìm thấy chủ của mình. Còn người da đỏ châu Mỹ coi việc bôi vẽ mặt người lúc ngủ là nguy hiểm chết người - khi quay về, linh hồn có thể không nhận ra chủ và sẽ bay qua, và như vậy người đó sẽ chết đi không tỉnh lại nữa.
Một số dân tộc lạc hậu còn lưu truyền một sự mê tín như sau cho đến tận ngày nay: người có bóng hình của người khác, tức là có linh hồn của người đó, sẽ đoạt được quyền lực bí hiểm đối với anh ta. Do đó mà cuốn sách màu nhiệm của những người theo đạo Hồi là kinh Côran cấm vẽ người cho dù dưới hình thức nào đi nữa. Vì vậy trong giáo đường của đạo Hồi đều không có vẽ một hình người nào hết.
Rốt cuộc là có không ít phỏng đoán khác nhau về nơi trú ngụ của linh hồn. Các bộ lạc hiếu chiến mà đối với họ, những cuộc giao tranh với các bộ lạc láng giềng xảy ra thường ngày thì cho rằng linh hồn sống trong máu của họ. Một chiến binh trong trận đánh bị thương và mất nhiều máu, thế là linh hồn cùng máu theo ra khỏi cơ thể. Những nhà tư tưởng khác lại nghĩ khác: linh hồn sống trong ta khi ta thở. Và linh hồn rời khỏi của thể cùng với hơi thở cuối cùng của người hấp hối.
… Đó là những quan niệm mê tín rất khác nhau về hình thức nhưng lại thống nhất nhau về bản chất khi bàn về những thần linh vô hình vô ảnh và về linh hồn bí ẩn của con người. Vậy có cần suy nghĩ đến câu hỏi như thế này không: Đâu là sự khác nhau giữa những người da đỏ mù chữ ở châu Mỹ bị những ông chủ của lục địa này giam hãm trong vòng dốt nát, với những người quen biết đang thực sự lo sợ về chiếc gương bị đánh vỡ?

Tất cả mọi con đường đều dẫn đến não

Cần phải nói rằng trong số những hiện tượng của thiên nhiên sống, không có gì phức tạp hơn là những hiện tượng gắn liền với hoạt động tâm lý, tinh thần của chúng ta. Suốt một thời gian rất dài, hoạt động tâm lý của con người là một lĩnh vực bí hiểm, "một vết trắng" trong khoa học. Vì vậy chính tại đây chúng ta gặp rất nhiều những điều mê tín khác nhau nhất đã được sinh ra bởi sự dốt nát từ thủa xa xưa.
Nhưng ngày nay, rất nhiều hiện tượng tâm lý đã không còn là bí ẩn đối với khoa học nữa. Cũng như tất cả mọi hiện tượng khác trong tự nhiên, chúng đã tìm được sự giải thích tự nhiên, khoa học của mình.
Cái mà hàng ngàn năm nay được con người gọi là linh hồn, trên thực tế là hoạt động tâm lý của não. Tất cả mọi cảm giác và tri giác của chúng ta về thế giới xung quanh, ý thức và tư duy của chúng ta đều là kết quả hoạt động của não. Không có hoạt động của não thì không có tâm lý, không có ý thức, và như thế có nghĩa là không có cả linh hồn, nếu như các bạn muốn. Não người ngừng làm việc thì ý thức cũng biến mất, toàn bộ hoạt động tinh thần chấm dứt.
Trong y học người ta đã nghiên cứu tỉ mỉ những trường hợp như khi não bị tổn thương, chẳng hạn do bị chấn thương, não sẽ thôi không làm việc bình thường nữa. Do đó con người mất đi tất cả những gì dường như có liên quan với linh hồn của mình: người đó hết cả nói và tưởng tượng.
Bây giờ chúng ta đều biết não bộ và tuỷ sống, hoặc nói cách khác, hệ thần kinh trung ương, điều khiển toàn bộ hoạt động của tất cả các bộ phận trong cơ thể chúng ta. Trong đó, vai trò chủ yếu thuộc về não bộ. Trong mỗi khoảnh khắc, não nhận được nhiều tín hiệu kích thích khác nhau báo cho biết điều gì đang xảy ra ở bên trong cơ thể và trong môi trường xung quanh. Các tín hiệu này đến từ tất cả các cơ quan trong cơ thể theo các dây thần kinh. Đáp lại tín hiệu đó, các tín hiệu mệnh lệnh điều khiển hoạt động của cơ thể được phát ra từ não đi theo các dây thần kinh tới các cơ quan.
Một trong những nhà khoa học đầu tiên xé bỏ được tấm màn thấn bí che phủ linh hồn là nhà tự nhiên học người Nga Iva Mikhailôvich Xêtsenôp. Bằng các công trình nghiên cứu của mình, ông đã mở ra một trang mới trong khoa học về hoạt động tinh thần.
Nhiều kẻ đã cố lên án học thuyết duy vật của nhà bác học về hoạt động của não. Còn giáo hội đã đòi đầy ải Xêtsenôp vào tu viện Xôlôvetxki. Bộ trưởng nội vụ của Sa hoàng là Valuep đã viết công khai rằng công trình của Xêtsenôp "Những phản xạ của não" là có hại. Giải thích trong cuốn sách phổ cập khoa học những hoạt động tâm lý của con người bằng tác động của những ảnh hưởng bên ngoài đến thần kinh và bằng sự phản ánh những ảnh hưởng đó lên não, điều đó có nghĩa là một học thuyết mới thừa nhận trong con người chỉ có vật chất thôi đã được đưa ra thay thế cho học thuyết về sự bất tử của linh hồn.
Cuốn sách đã bị cấm. Nhưng những kẻ truy nã tư tưởng khoa học không dám kết án nhà bác học. Tất cả các lực lượng tiến bộ trong xã hội, sinh viên, thanh niên đã đoàn kết lại xung quanh Xêtsenôp, người đã động viên họ đứng lên đấu tranh chống sự ngu dân. Rất có thể phiên toà sẽ đặt những kẻ bảo vệ quyền lực tôn giáo vào tình thế của "ông vua cởi truồng" không kém phần nổi tiếng.
… Chúng ta có thể phạm lỗi trước chân lý nếu cho rằng tri thức của chúng ta về não đã khá đầy đủ để đưa ra một bức tranh toàn diện về "vũ trụ" dưới hộp sọ. Não chúng ta hoạt động ra sao? Những quá trình nào diễn ra, chẳng hạn, sau những từ ngữ "nhớ rồi" hay "tôi hiểu"? Chúng ta còn chưa biết cơ chế rõ ràng và tỉ mỉ của những quá trình đó.
Có thể so sánh công việc của các nhà bác học nghiên cứu não với cương vị của người người khám phá trái đất trước khi có các phát kiến địa lý vĩ đại vào thế kỷ 15 - 17. Thế giới trong hộp sọ ẩn giấu trong mình nhiều điều bí ẩn đến mức việc khám phá ra chúng sẽ trở thành sự khải hoàn của khoa học.
Nhưng các bạn đừng vội rút ra một kết luận lệch lạc nào từ điều nói trên. Các phát minh của những năm và thập niên qua trong lĩnh vực sinh lý học thần kinh đã một lần nữa chứng tỏ với chúng ta một chân lý lâu nay: đối với khoa học, không hề có những đỉnh cao không thể tới được trong nhận thức. Não người bộc lộ ngày một nhiều hơn những bí mật của mình - những đặc điểm độc đáo và những khả năng kỳ lạ.
Ngay vào những năm năm mươi, nhờ các điện cực não người ta đã thực hiện được một "bước nhảy vọt vào thế giới bí ẩn". Nói một cách đơn giản hơn, các nhà khoa học đã bắt đầu sử dụng điện để nghiên cứu não. Khi tác động đến những vùng riêng biệt của vật chất não bằng các kích thích điện (nhờ các điện cực rất mỏng), họ đã có được một khả năng tuyệt vời để nghiên cứu xem các vùng riêng biệt của não làm việc ra sao và chịu trách nhiệm gì.
Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Canada U. Penphin khi mổ cho một nữ bệnh nhân đã đưa điện cực vào các nơron thần kinh ở vùng thái dương của vỏ não. Nữ bệnh nhân đã trả lời bằng … các hồi ức từ thời thơ ấu xa xôi, hơn nữa lại chi tiết đến mức mà vào lúc thường cô ta không tài nào nhớ ra được.
Phương pháp mới lập tức được vũ trang cho các nhà khoa học. Thật ra, nó không giúp họ trong việc làm sáng tỏ bản chất của trí nhớ, nhưng lại tỏ ra rất hiệu quả trong những vấn đề khác.
Những thí nghiệm đã được tiến hành trên động vật. Và lập tức các nhà khoa học phát hiện ra những điều thật lý thú; khi thí nghiệm với các điện cực não, họ đã dò thấy những trung tâm thoả mãn ở trong não. Các động vật khác và khỉ được thí nghiệm đã nhanh chóng hiểu được cách làm cho mình thoả mãn: chúng đã làm điều đó bằng cách ấn lên cần đóng mạch điện.
Nhà bác học Đengađô người Tây ban nha đã đạt được những kết quả to lớn. Giống khỉ macaca là một loài vật khá hung dữ. Khi có ai đó chìa tay về phía nó, lập tức con khỉ cố cắn bằng được vào người ấy. Nhưng chỉ cần dùng dòng điện tác động vào một trong những vùng ở não con vật là con khi macaca ấy liền trở nên hiền lành. Lúc ấy người ta có thể nhẹ nhàng vuốt ve nó mà không làm nó nổi khùng.
Sau đó nhà bác học bắt đầu đưa dòng điện theo máy vô tuyến vào não động vật. Một lần, ông trình diễn cuộc đấu bò chưa từng có trước mắt hàng trăm khán giả. Khi con vật chạy ra khán đài, người ra đón nó không phải là một võ sĩ đấu bò mà là một nhà bác học với một chiếc máy gì đó trong tay. Còn cách con bò độ chục bước, ông ấn vào một cái nút trên máy và con bò liền hung tợn lao tới. Đengađô lập tức ấn một nút khác, và con vật đang điên cuồng ấy dừng lại ngay tắp lự, sự hung dữ biến mất nhanh như lúc xuất hiện. Sau khi thờ ơ ngắm nhìn "đối thủ" con bò quay đi.
Trong phòng thí nghiệm của Đengađô cũng có những con vật khác. Khi kích thích vùng dưới đồi thị ở mèo, ông phát hiện ra rằng con vật trở nên hung dữ. Còn gây kích thích cái gọi là thể lưới (tức là vùng phân bố ở thân não) sẽ làm cho con vật hoảng sợ và nó bỏ chạy.
Nhà nghiên cứu đã theo dõi không chỉ những con vật riêng biệt, mà cả hành vi của chúng trong bầy đàn. Rất lý thú khi quan sát xem khỉ ứng xử ra sao, con khỉ đầu đàn của một gia đình khỉ "đa thê" được cắm những điện cực não chế ngự sự hung dữ, và có thể đóng mạch cho những điện cực đó bằng cách ấn cần gạt nằm ngay trong lồng. Tất cả các thành viên trong gia đình khỉ hiểu rất nhanh ý nghĩa của cái cần đó. Chỉ cần Ali - người ta đặt tên cho con khỉ đầu đàn như thế - bộc lộ tính "hách" của mình là một trong những con khỉ cái liền ấn ngay vào cái cần và sự hung tợn của Ali biến đi ngay!
Con người và tâm lý con người trở thành giai đoạn tiếp theo trong những công trình nghiên cứu với các điện cực. Người ta thấy rằng bằng phương pháp này không chỉ có thể tác động đến cảm giác của chúng ta - gây ra sự hoảng sợ và hài lòng, yêu thương và căm giận - mà còn chữa được các bệnh khác nhau. Những công trình nghiên cứu đó đang được tiến hành ở viện y học thực nghiệm Lêningrat.
Giám đốc viện này là việc sĩ việc hàn lâm y học Liên xô N. Bêkhtêrêva đã kể về một bệnh nhân. Người này bị mất một tay trong chiến tranh. Năm tháng trôi qua, nhưng dường như cánh tay bị mất vẫ đang tiếp tục sống - nó "đau đớn" không chịu nổi. Những cơn đau như thế được gọi là đau ảo được biết rõ trong y học. Đấu tranh với chúng rất khó khăn. Lần này, các bác sĩ quyết định ứng dụng điện cực não. Và những cơn đau ở cánh tay không còn đó vĩnh viễn biến đi.

Trong những mê cung của nữ thần Mơnhemôdina

Mơnhemôdina trong thần thoại Hy Lạp là nữ thần trí nhớ và đồng thời là mẹ của chín nàng thơ bảo trợ cho các nghệ thuật và các khoa học.
Những người cổ đại quả là hiểu rất rõ ý nghĩa của trí nhớ! Tất nhiên, không có trí nhớ thì không thể có khoa học, nghệ thuật. Hơn nữa, tình cảnh của một người bị mất trí nhớ thật là kinh khủng.
Bạn nghi ngờ ư? Vậy xin mời bạn đọc về điều đã xảy ra với việc mất trí nhớ.
Vào năm 1972, gia đình Xmit (một cái họ phổ biến nhất trên quần đảo nước Anh) quyết định đỉ nghỉ cả nhà ở Hylạp. Vào ngày thứ hai sau khi tới Ate, bà mẹ trong gia đình khi tỉnh dậy nơi khách sạn, ngạc nhiên phát hiện ra là bà đang ở trong một căn phòng xa lạ ở một đất nước xa lạ.
Khi hai đứa con bà - cậu bé Matin bảy tuổi và cậu bé Mao bốn tuổi - chạy vào phòng ngủ, bà mẹ khẽ liếc nhìn chúng.
- Bà ấy nhớ lại về chúng rất khó khăn, - ông Xmit kể. - Lúc đó bà ấy mang máng nhớ rằng tôi là chồng của bà ấy, nhưng đối với hai đứa trẻ thì chịu.
Ông chồng hoảng hốt gọi bác sĩ. Bác sĩ đến và tiêm cho bà một liều thuốc an thần. Cả gia đình lập tức bay về Anh. Các bác sĩ quả quyết rằng nguyên nhân của việc đã xảy ra là sự thay đổi khí hậu. Ở nước Anh mát mẻ thì bệnh lạ tự khắc phải qua thôi.
Trong cơn bối rối, bệnh nhân xem xét mãi ngôi nhà mình đã từng ở hơn năm năm trời. Cuối cùng các bác sĩ phải đưa bà ta vào bệnh viện. Trước khi trí nhớ của bà ta được phục hồi phần nào, thời gian trôi qua không phải là ít.
… Trong thời gian chiến tranh vệ quốc vĩ đại, người ta đưa tới một quân y viện ở Matxơva chiến sĩ Ivanôp với vết thương nặng ở đầu. Các bác sĩ quyết định mổ cho bệnh nhân. Ca mổ được tiến hành thành công, nhưng khi người chiến sĩ tỉnh lại, bỗng nhiên anh ta bắt đầu nói … tiếng Đức và quên đi tiếng mẹ đẻ của mình.
Cả hai trường hợp này phải chăng đã buộc bạn phải suy nghĩ về những bí ẩn của trí nhớ? Vậy còn biết bao nhiêu biểu hiện lạ lùng khó giải thích, đôi khi thậm chí không thể giải thích nổi về hoạt động của não mà chúng ta gọi là trí nhớ ấy.
Chúng ta cũng nhớ lại những thí nghiệm đưa đến các thói quen tập nhiễm.
Nhà nghiên cứu đặt những con giun dẹp vào chiếc chậu nhỏ và cắm điện nối với chậu. Trên chậu treo một bóng đèn sợi đốt. Khi ánh sáng bừng lên, giun bị điện giật và đau đớn lăn xuống.
Một thời gian trôi qua, ở những con giun đã hình thành một phản xạ có điều kiện ai cũng biết rõ:đèn vừa bật sáng lên là con giun đã lăn kềnh ra không chờ cho đến khi bị giật. Và sau đó bắt đầu các phát minh.
Những con giun này chẳng sá gì việc chén cả những anh em của chúng. Điều gì sẽ xảy ra nếu cho những con giun chưa được "học tập bằng dòng điện" ăn những con giun đã được "huấn luyện"? Kết quả thật lạ lùng: những con giun sau khi xơi hết những người anh em "thông thái" đó đã nắm được rõ ràng phản xạ có điều kiện kia.
Có phải nói gì nữa về sự kinh ngạc của nhà bác học khi nhìn thấy những kết quả nghiên cứu của mình. Trí nhớ được ghi lại tại đâu đó ở cấp độ phân tử có thể được truyền đi cùng với thức ăn.
Những thí nghiệm này đã đặt cho các nhà bác học không ít điều bí ẩn. Các thí nghiệm tương tự đã được bắt đầu trong nhiều phòng thí nghiệm. Từ giun người ta chuyển sang chuột, chim và cá.
Chúng tôi sẽ không tường thuật lại những thí nghiệm đó một cách tỉ mỉ. Chúng tôi chỉ thông báo rằng trên báo chí các nước đã xuất hiện những lời khẳng định về sự tồn tại ở não động vật những chất đặc biệt mang trí nhớ. Một trong những chất đó thậm chí đã được các nhà bác học chiết xuất ra và được gọi là chất sợ tối. Chất này lọt vào cơ thể khác và cùng với nó là các ký ức trong đó cũng được chuyển sang. Chất sợ tối truyền cho thỏ sự sợ hãi bóng tối, mặc dù loài vật này vốn thích bóng tối.
Đó là phát minh ư? Chúng ta sẽ không vội vã. Chưa phải vậy đâu. Nhờ những thí nghiệm tỉ mỉ hơn, hoá ra là do quá say mê với những kết luận đầy hứa hẹn, nhà nghiên cứu nhiều khi đã lấy cái mong ước thay cho hiện thực. Điều đó thường xảy ra trong khoa học .
Nhưng chúng ta không thể xoá đi trang đó trong lịch sử khoa học về não. Dẫu sao trong đó cũng có những sự kiện buộc ta phải nghĩ về vật chất của trí nhớ.
Nhưng hiện nay các nhà bác học đang tranh luận không phải về sự tồn tại của một vật chất kỳ diệu mang tri thức, mà về chính bản chất của trí nhớ. Có hai giả thuyết chính được nêu ra. Một trong những giả thuyết đó cho rằng các cấu trúc phân tử là cơ sở của trí nhớ. Trong trường hợp này, những chất mang trí nhớ là có thể có về mặt lý thuyết. Một giả thuyết khẳng định rằng trong quá trình ghi nhớ, các tế bào và các nơron thần kinh đóng vai trò chủ yếu: con người ghi nhớ những dữ kiện mới nào đó và thế là giữa các nơron liền xuất hiện những mối liên hệ mới.
Nói tóm lại, trong lĩnh vực nghiên cứu trí nhớ vần còn nhiều điều bí ẩn.

Món quà lạ lùng của tự nhiên

Những sinh viên ngồi chật ních giảng đường lớn đại học tổng hợp Xinây không hề chờ đợi được chứng kiến một điều tương tự. Người phụ nữ nhỏ nhắn ăn mặc khiêm nhường từ Ấn độ tới đó đã "chiến đấu" thắng lợi trong cuộc tranh đua với máy tính điện tử về tốc độ tính toán. Máy tính điện tử - một kỳ quan của thế kỷ 20 - đã không thể đuổi kịp con người ! Sacuntalê Đêvi - người phụ nữ có tên như vậy - và máy tính điện tử đều được giao đồng thời các nhiệm vụ.
Khai căn bậc bảy của một số có ba mươi sáu chữ số;
Nhân hai con số có mười bảy chữ số, chia tích số đó cho một số có ba chữ số và cho biết số dư là bao nhiêu;
Giải phương trình ba ẩn số…
Sau một vài giây, trước cả máy tính, Đêvi đã thông báo kết quả. Vậy mà máy tính có thể sau một giờ thực hiện được những phép tính đòi hỏi hai năm trời làm việc của một kỹ sư tính toán…
Các thông báo về những người như thế xuất hiện trên báo chí thế giới không phải là ít. Suốt nhiều năm, nghệ sĩ tạp kỹ Aragô đã làm mọi người phải ngạc nhiên. Người ta kể rằng, một lần các điều kiện của bài tập đã bị làm sai lạc đi một cách cố ý trước khi giao cho Aragô để xem anh ta xử trí như thế nào. Việc này diễn ra ở Kiep với sự có mặt của một số nhà bác học. Một nhà bác học đề nghị Aragô khai căn bậc ai của 485 765 786 891. "Căn này sẽ được khai không có dư", - vị giáo dư nói tiếp.
Thường thường, một bài toán như vậy đối với Aragô không phải là to chuyện. Nhưng lần này, câu trả lời bị trì hoãn. "Thưa giáo sư, ông tin rằng đã nêu đúng con số đấy chứ?" - "Vâng, tất nhiên rồi". Aragô tiếp tục tính toán. Trán anh ta đã lấm tấm mồ hôi, anh đã mệt mỏi vì căng thẳng và rốt cuộc anh nói một cách bực tức: "Thưa giáo sư, ông lầm rồi! Thay cho ba con số suối cùng 891 phải là 961 mới đúng. Chỉ có thế mới không có dư".
Điều gì còn đang ẩn náu trong khả năng tính nhanh như chớp giật khác thường ấy? Cho đến nay, những người này vẫn là bí ẩn thật sự đối với khoa học. Vì sao người này trí nhớ rất tốt ở người kia trí nhớ lại tồi? Chỉ có thể giả định rằng ở đây chúng ta đang động chạm đến những cơ cấu nào đó não làm nhiệm vụ bảo vệ cho não khỏi quá tải thông tin, khỏi những cứ liệu mà cơ thể không thật cần thiết. Những cơ cấu như thế có thể là "cảnh giác" hoặc ngược lại, "làm việc không ngơi". Trong trường hợp như sau, có thể chúng ta bắt gặp phải những người tính nhanh.
Khi nghiên cứu trí nhớ, các nhà khoa học đã phát hiện: thông thường ở người lớn tuổi, khối lượng trí nhớ có một ý nghĩa hoàn toàn xác định. Nếu nêu ra 7 - 9 âm tiết, chữ cái hoặc con số khác nhau, người ta có khả năng nhắc lại chúng không sai sót. Để ghi nhớ 12 âm tiết, cần 15 - 17 lần nhắc lại, còn để lưu giữ được trong trí nhớ 24 âm tiết, cần tới hơn bốn mươi lần nhắc lại.
Hình ảnh người bình thường là như vậy. Còn ở người "không bình thường" thì sao? Gọi là "không bình thường" chỉ trong ý nghĩa là người đó có trí nhớ khác thường. Tất nhiên, chúng ta không thể gọi người như thế là không trọn vẹn về tâm thần. Nghệ sĩ pianô Rakhmaninôp có một trí nhớ về âm nhạc phi thường. Nhà thám hiểm người Nga N. P. Prơgiêvanxki và nhà toán học Đức L. Ơle đều có trí nhớ siêu phàm. Rồi anh Aragô kia nữa - tất cả những ai đã từng biết anh đều nhớ rằng đó là một người hoàn toàn bình thường. Những nhà bác học đã từng kiểm tra anh nhiều lần. Trong số đó có cả các bác sĩ tâm thần, đã không hề nhận thấy những sai lệch đặc biệt nào trong tâm lý. Anh là người "không bình thường" chỉ trong khả năng tính toán của anh.
Những khả năng tính nhẩm nhanh hiếm có không phải lúc nào cũng là bẩm sinh. Vài năm trước đây, báo chí có đưa tin: "Cả nước Tây Ban Nha xôn xao về một thanh niên Tây Ban Nha có trí nhớ phi thường. Đó là đôn Lidadro Ôcampo, linh mục ở thành phố Xan Marinô de Bôrêla. Anh không chỉ giải nhẩm nhanh tức thời những bài toán số học khó nhất- các phường trình nhiều ẩn số, khai căn, tính lôgarit với 300 chữ số hoặc hơn nữa, - mà còn có thể nhắc lại bất kỳ danh sách tên người tuỳ ý nào, bảng kê khai đầy đủ những giải trúng xổ số quốc gia Tây Ban Nha, tổng phổ nhạc phức tạp nhất, sau khi đã đọc chúng chỉ một lần. Đọc hết một cuốn sách, anh ta có thể nhắc lại thuộc lòng cuốn sách ấy".
Như người ta biết đôn Lidarđô có được tài nghệ đó sau khi anh ta bị ốm nặng.
Các nhà nghiên cứu trí nhớ còn biết những trường hợp khả năng tính toán tức thời bỗng nhiên biến mất. Một thần đồng tính nhanh xuất hiện, thời gian trôi qua và người ấy trở nên "như tất cả mọi người". Vì sao vậy?
Một trong những trong những lời giải đáp có thể liên quan đến các giả thuyết về cơ chế bảo vệ có nhiệm vụ tránh cho não khỏi các thông tin dư thừa. Nếu có tồn tại một cơ chế như vậy thì bệnh tật hoặc một nguyên nhân nào khác có thể làm thay đổi tính chất hoạt động của nó và, hoặc làm kích thích, hoặc làm giảm yếu trí nhớ đi.
Cuối cùng, cũng cần nhắc tới những người nắm vững một cách hoàn hảo nhiều ngoại ngữ. Người ta đã từng gọi một trong những "tạo vật hiếm hoi" như vậy, Giudepê Metxôphanti người Italia, là "hiện tượng kỳ diệu về ngôn ngữ". Và điều đó thật đúng. Ngoài những ngôn ngữ chủ yếu ở châu Âu, anh còn biết tiếng Extônia, tiếng Grudia và tiếng Armênia, tiếng Hylạp và tiếng Batư cùng nhiều thứ tiếng kkác.
Trí nhớ của con người này có khả năng thâu nhận một số rất lớn những từ chưa biết. Khi có lần người ra hỏi anh: "Một người có thể biết bao nhiêu ngoại ngữ?" - anh đã trả lời: "Chúa trời có thể biết bao nhiêu thì con người có thể biết bấy nhiêu". Ngày nay, một câu trả lời như vậy có thể bị đánh giá như câu trả lời của một gã đạo đức giả sặc mùi tôn giáo, nhưng hồi đó, vào đầu thế kỷ 19, số phận của một sinh viên người Phần lan còn tươi rói trong trí nhớ mọi người. Toà xử anh chỉ vì anh … "đã đọc các ngoại ngữ nhanh đến nỗi phải có sự trợ giúp của ma quỷ mới có thể làm được điều đó".
Dường như các nhà khoa học có tất cả mọi khả năng để nghiên cứu những con người như thế (nếu không tính đến những người điên). Đấy ngay bên cạnh bạn là một con người sống - một điều bí ẩn, bạn hãy nghiên cứu anh ta - hãy kiểm tra, căn vặn, thí nghiệm kết luận… Thân ôi, mặc dầu con người này sẵn sàng đồng ý cho nghiên cứu, đồng ý nói ra những điều nhất định nào đó về mình, song anh ta không thể giúp phát giác các cơ chế sản sinh ra tài nghệ hiếm hoi đó của anh ta. Không thể bởi vì chính anh ta cũng không biết điều đó được tạo ra như thế nào!
Một số thần đồng tính nhanh nói rằng lời giải bài toán hiện trong đầu họ như câu trả lời có sẵn vậy. Những người khác khẳng định dường như họ "nhìn thấy" trước mắt mình toàn bộ quá trình giải bài toán, vả lại, tất cả diễn ra rất nhanh, một phép tính này thay thế chớp nhoáng phép tính kia, rồi phép tính thứ ba, thứ tư, và qua một khoảng khắc ngắn ngủi, trước mắt anh ra nảy ra kết quả cuối cùng là lời giải.
Những người đó không thể nói được một điều gì khác hơn.
Rõ ràng, ở đây ta chạm chán với những quá trình diễn ra chủ yếu trong phạm vi của vô thức - ở những vùng trong não mà hoạt động của chúng không được ý thức chúng ta một cách trực tiếp.
Và ở đây chẳng có gì là "trò bịp bợm láu cá" cả. Vốn dĩ chúng ta còn hiểu biết rất kém không chỉ bản chất của trí nhớ, mà cả "kho chứa" nó trong não. Người ta biết rằng, chỉ có một phần hoàn toàn không đáng kể những thông tin từ bên ngoài đi vào não chúng ta là có thể đạt tới ý thức. Song tất cả phần còn lại không biến đi mà được lưu trữ đâu đó trong tiềm thức và ở những điều kiện nhất định, chúng có thể xuất hiện trong ý thức dưới dạng hồi ức, dưới dạng những hình ảnh thoáng qua lờ mờ hay rõ nét.

Hai tầng của ý thức

Con người có thể ý nghĩ về điều gì đó mà không biết rằng mình đang nghĩ về chính điều đó được chăng? Có thể.
Lần đầu tiên, những sự kiện như thế đã thu được trong các cuộc thí nghiệm thôi miên. Người bị thôi miên nhận được lệnh ngủ và quên đi tất cả những gì bác sĩ thôi miên nói, nhưng cũng lúc đó phải thực hiện một mệnh lệnh; bốn ngày sau vào giờ đã định phải gọi điện cho bác sĩ và hỏi thăm sức khỏe của ông ta. "Điện thoại của tôi số thế này, - bác sĩ nó, - nhưng rồi anh cũng hãy quên nó đi".
Tất cả đều diễn ra trót lọt. Suốt bốn ngày, người đó không nghĩ ngợi gì đến chuyện thôi miên, nhưng chừng độ một giờ trước thời hạn đã định, anh ta bắt đầu thấy hồi hộp lo lắng cho bác sĩ: "Không biết ông ấy ở đấy thế nào, có đau ốm gì không?" Anh ta muốn gọi điện thoại ngay cho bác sĩ, nhưng lập tức nghĩ ra là không biết số điện thoại.
Rồi nỗi lo lắng cứ tăng lên. Không thể tiếp tục ngồi làm việc được nữa, anh ta đi đến bên điện thoại và quay hú họa số điện thoại một cách máy móc. Bác sĩ thôi miên đã trả lời.
Ở nơi bí mật nào trong não, trí nhớ lưu giữ số điện thoại nói ra trong lúc thôi miên vậy?
Thí nghiệm này được lặp lại nhiều lần với những người khác nhau, và kết quả luôn luôn chỉ là: tiềm thức của con người dường như đã đọc rành rọt vào thời điểm cần thiết số điện thoại được thông báo trong lúc thôi miên, nhưng sau đó đã bị quên đi.
Bị quên đi do ý thức chứ không phải là do tiềm thức. Người ta còn biết một hiện tượng khác có liên quan đến khu vực tiềm thức. Trong rạp phim có chiếu một bộ phim, nhưng ở một số cảnh phim riêng biệt lại có đề những dòng chữ chẳng liên quan gì đến nội dung phim cả, chẳng hạn quảng cáo một loại hàng hóa mới. Những dòng chữ xuất hiện và biến đi trên màn ảnh nhanh đến mức người xem không tiếp thu được chúng. Nói cách khác dòng chữ ấy không đến được ý thức con người và không được lĩnh hội (như ta biết, để một cảnh phim nào đó có phụ đề được ghi vào ý thức, cần phải nhìn thấy cảnh đó không dưới 0,1 giây). Sau khi buổi chiếu kết thúc, nhiều người trong số các khán giả vừa xem phim đã đi đến cửa hàng nơi có thể mua được loại hàng mới theo lời quảng cáo. Họ đi mặc dù không nhận thức rõ đi để làm gì.
Ở đây có một lời giải thích: lời quảng cáo được não tiếp nhận ở cấp độ vô thức, rồi sau đó nó được truyền đạt cho ý thức dưới dạng những tín hiệu không rõ rệt đầu tiên.
Tôi còn nhớ một câu chuyện do các nhà bác học thế kỷ trước mô tả. Có một người đến một thị trấn nhỏ nằm ven bờ sông Vonga. Ông ta nghỉ lại ở khách sạn, tảng sáng ông ta tỉnh dậy trong cảm giác lo âu khó hiểu. Hôm sau ông ta lại dậy với dự cảm nặng nề về một sự nguy hiểm nào đó. Một tuần cứ trôi qua như thế, và một lần, khi đi ngủ, ông khách trọ bỗng quyết định dịch cái giường sang góc khác của căn phòng. Vào đêm hôm ấy, trần nhà trong phòng sụp xuống, một thanh dầm nặng đã rơi trúng chỗ trước đó kê chiếc giường.
Khi người ta hỏi vì sao ông chuyển giường đi, ông đã trả lời:" Chính tôi cũng chẳng biết nữa! Dường như có ai đó thúc bách tôi vậy".
Khi ấy tất cả mọi người đều quả quyết rằng thượng đế đã cứu ông ta. Nhưng một nhà khoa học đến nghỉ ở vùng sông Vonga đã quan tâm đến "sự cứu nạn kỳ diệu" này và giải thích chuyện xảy ra theo quan điểm khoa học.
Khách sạn đã được xây từ lâu, trần nhà cần phải sửa chữa. Thanh dầm trên căn phòng nơi ông khách trọ đã thoát chết bị mục đến mức có thể sụp xuống bất cứ lúc nào. Khi có người đi ở tầng trên, dầm rung lên và kêu cót két. Ban ngày, ông khách trọ không nhận ra những âm thanh đó, chỉ có những tiếng động ồn ào ở bên ngoài mới được ý thức tiếp nhận. Song ngay cả ban ngày, đặc biệt là ban đêm, khi tất cả đã im ắng, thính giác của ông ta đã truyền vào não tiếng kêu cọt kẹt khẽ khàng của chiếc dầm. Tiếp tục làm việc cả trong giấc ngủ, não tiếp nhận những tiếng động đó trong nỗi lo âu. Trong tiềm thức của con người đã xuất hiện một ý nghĩ hoàn toàn tự nhiên rằng những tiếng cọt kẹt đó đe dọa mối nguy hiểm là trần có thể sụp xuống. Nhưng ý nghĩ đó không xuất hiện trong ý thức, và sáng sáng, ông khách nọ tỉnh dậy với cảm giác sợ sệt mơ hồ, chờ đợi một điều gì đó tồi tệ, ghê gớm. Đêm tiếp theo, tiềm thức càng lo lắng và lại nhắc nhở về mối đe dọa, rồi đó nhắc ông ta cần phải làm gì. Cuối cùng, trong ý thức đã nảy ra ý nghĩ cần phải chuyển dịch cái giường.
Như các bạn thấy, ở đây mọi sự đã diễn ra không chút thần bí nào.
Những công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây đã chứng minh một cách thuyết phục rằng vô thức tồn tại trong tất cả các phạm vi hoạt động tâm lý của con người. Không tính đến hình thức đặc biệt này trong hoạt động của tâm lý chúng ta thì không thể nào hiểu được trọn vẹn hành vi của con người ở những tình huống khác nhau trong cuộc sống.
Tiềm thức luôn luôn có tác động qua lại với ý thức, hơn nữa, mỗi tác động qua lại đó không mang tính chất phục tùng. Thật là không có cơ sở khi khẳng định sự thống trị "tiềm định", dứt khoát của vô thức đối với ý thức như những người theo thuyết thần bí đủ mọi sắc vẻ đã và đang viết; nhưng cũng không nên nghĩ rằng vai trò của vô thức trong hoạt động của não chúng ta là không đáng kể, là ngẫu nhiên (vì vậy thuật ngữ "tiềm thức" có lẽ không thể được coi là đạt; từ "vô thức" phản ánh đúng hơn về bản chất của vấn đề)(Trong tiếng Nga, "tiềm thức" là "podsoznainie", còn "vô thức" là "bessoznatelnoe" (N.D.).
Khoa học phát hiện ra những tầng mới của cái chưa nhận biết được trong hoạt động của não chúng ta như vậy đấy. Hóa ra hoạt động ấy được tập trung không chỉ ở hai "tầng ý thức", mà cả hai bán cầu não đều chia sẻ với nhau những nghĩa vụ quản lý cơ thể trong nhiều hoạt động. Ở đây nói về phát minh mới của các bác sỹ phẫu thuật thần kinh. Thực chất phát minh đó thật đơn giản và kỳ lạ: ở mỗi người chúng ta thực ra có hai não chứ không phải một.
Bạn hãy hình dung hai con người. Một người dễ bắt chuyện, lắm lời, thậm chí còn khoác lác nữa. Đồng thời anh ta tiếp thu rất tốt lời người khác, nghe được những lời nói rất khẽ khàng. Nhưng, nếu lắng nghe, bạn sẽ nhận thấy trong giọng nói của người đó có một cái gì đó khó chịu - giọng anh ta đơn điệu, tẻ nhạt. Thậm chí có vẻ gì đó gượng ép không tự nhiên. Hơn nữa, nếu hỏi người ấy rằng câu nói đó có biểu hiện gì - nghi vấn, tức giận hay vui sướng, thì anh ta sẽ nín lặng bối rối.
Người thứ hai hoàn toàn không giống người thứ nhất. Anh ta không có khoa nói. Anh ta hiểu kém lời nói của người khác. Anh ra thích diễn giải bằng những từ rời rạc, bằng điệu bộ, cử chỉ. Nói chuyện với anh ta có vẻ khó khăn vì tiếp theo yêu cầu hỏi sẽ là một lời giải đáp ngắn gọn, rồi lại im lặng, thêm nữa, giao tiếp với người đó cần phải như với người điếc vậy: nói khẽ là anh ta không nghe thấy. Thế nhưng giọng nói của anh ta dễ nghe. Ngữ điệu của anh ta rất rõ ràng.
Khác với người thứ nhất, người thứ hai này có một cặp mắt rất tinh tường. Bạn thử đề nghị anh ta tìm những điểm khác nhau ở hai bức vẽ là anh ta tìm thấy ngay lập tức. Còn người thứ nhất sẽ không nhận ra thậm chí cả những nét khác biệt lồ lộ ngay trước mắt, ngay những điều rõ rệt như ở một bức vẽ thiếu cả một ngôi nhà hay một cái cây.
Họ là những người hoàn toàn khác nhau… và đồng thời đó lại là một người mà thôi!
Người ta đã biết rằng mỗi bán cầu não điều khiển công việc của riêng mình. Mặc dù tất nhiên chúng cũng giúp nhau trong nhiều việc. Bán cầu não bên trái của chúng ta là cơ sở của tư duy logic, tư duy trừu tượng. Còn bán cầu não bên phải quản lý những hình ảnh cụ thể.
Điều đó đã được phát hiện như thế nào? Các nhà bác học đã học được cách "chẻ đôi" não, tức là "ngắt mạch" một bán cầu não và quan sát xem bán cầu não kia hoạt động ra sao. Và lúc đó người ta hiệu được rằng trong mỗi chúng ta dường như có hai con người với những giọng nói khác nhau, thính giác khác nhau và có những lý luận khác nhau.
Trong con người thứ nhất mà chúng ta đã làm quen chỉ có bán cầu não bên trái làm việc, còn ở người thứ hai - bán cầu não bên phải.
Thế đấy, "tâm linh" của chúng ta trở nên phức tạp đến hư vậy khi người ta bắt đầu nghiên cứu nó dưới ống kính hiển vi, trong các phòng thí nghiệm khoa học. Chẳng những nó đồng thời nằm ở hai tầng khác nhau mà còn có hai khuôn mặt khác nhau nữa.
Khi nghiên cứu hoạt động của các bán cầu não, các nhà khoa học đã chú ý đến cả những thay đổi trong tâm lý. Nếu bán cầu não bên trái nắm quyền điều khiển tâm lý thì tâm trạng con người tốt lên, con người trở nên niềm nở và yêu đời hơn. Khi bán cầu bên phải bắt đầu chỉ huy thì đừng hòng mong đợi một cái gì tốt đẹp. Khó mà tách được con người này khỏi những suy tư u uất. Đấy, cội nguồn các tâm trạng của chúng ta ẩn giấu ở những đâu...
Trí nhớ có dạng khác nhau ở não người được "chẻ đôi", Bán cầu bên trái lưu giữ chắc chắn khối lượng các tri thức lý thuyết học được ở trường. Nếu đề nghị con người chỉ có bán cầu trái làm việc phải ghi nhớ những hình có dạng không đều thì anh ta không thể nhớ nổi. Ngược lại, người chỉ có bán cầu bên phải hoạt động để quên đi ngay nhiều tri thức thâu lượm được trên ghế nhà trường, ghi nhớ rất kém những lời vừa nói, nhưng nhớ rất tốt những khuôn hình được xem thậm chí các hình có dạng kỳ khu nhất.
Nhiều nhà bác học nổi tiếng ngày nay cho rằng việc nghiên cứu não "chẻ đôi" là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của khoa học. Họ đã nhìn thấy rõ ở chân trời những phát minh có thể trở thành vô cùng kinh ngạc.

Chúng ta bàn về trực giác

Người ta đã bàn quá nhiều về trực giác! Người ta gọi nó là "linh cảm", "dự cảm". và "cảm giác đặc biệt"… Thậm chí những người giữ lập trường duy vật rất vững chắc cũng nhiều khi cố gắng vạch rõ tính chất lạ thường và bí ẩn của trực giác. "Trực giác", hay như đôi lúc còn được gọi là giác quan thứ sáu, - các tác giả cuốn sách "Những bí mật của tiên đoán" A. Bêliapxki và V. Lixiekin viết, - là một đặc tính kỳ lạ của con người. Hoàn toàn cách đây không lâu, các nhà tâm lý học mới bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc hiện tượng này. Có thể đây là bậc cao nhất của tư duy con người, là hợp thể của tất cả các tri thức hoặc đã được lý giải, hoặc đã lặng lẽ thâm nhập vào tiềm thức của chúng ta mà chúng ta thu nhận được trong cuộc sống, hợp thể của toàn bộ thông tin di truyền của các thế hệ được truyền vào não, của toàn bộ những cảm giác của con người …"
Nhiều bậc trí tuệ lỗi lạc của loài người đã nêu bật ý nghĩa to lớn của trực giác trong sáng tạo của họ. Gơt và Anhxtanh, Gaux và Poanhcarê, Sinle và Đôđê … đã từng viết về điều đó… Khi kể chuyện viết các bài thơ như thế nào, Gơt thừa nhận : "Tôi không hề có từ trước những khái niệm và dự cảm nào về những bài thơ ấy, nhưng lập tức chúng xâm chiếm trí não tôi và đòi hỏi thể hiện ngay lập tức, đến mức là tôi phải ghi lại những bài thơ ấy một cách không tự giác ngay tại chỗ như người mộng du".
Còn nhà toán học nổi tiếng người Pháp A. Poanhcarê thì nhớ lại, một lần ông không tài nào giải được một bài toán. Vì không giải được nó, ông bỏ đi chơi. Lẽ dĩ nhiên là khi đi đường ông đã quên bẵng môn toán học. Đột nhiên, thật hoàn toàn bất ngờ, trong đó ông xuất hiện ý nghĩ về cách giải bài toán làm ông phải lao tâm khổ trí. Lời giải xuất hiện thật bất ngờ, mặc dù ông không nghĩ tới bài toán đó.
Trong việc đánh giá trực giác, ta luôn dễ dàng nhận thấy con người đứng trên lập trường thế giới quan nào. Nếu trực giác được trình bày với ta như là "sự loé sáng từ trên cao", như một khả năng "đạt tới chân lý" không thể giải thích được bằng những quy luật tự nhiên, thì có thể không còn nghi ngờ gì nữa, từ đây đã bắt đầu con đường dấn tới sự thần bí. Và cần phải nói rằng chính trong lĩnh vực này của tâm lý, trong những thành công và phát minh chói lọi, bất ngờ, trong sự sáng tạo bất ngờ của linh cảm, có những sự kiện mà suốt bao thế kỷ cẫn được coi là không giải thích được đối cới những kẻ bảo vệ cho "những sức mạnh siêu nhiên". Bởi lẽ thế giới trong hộp sọ quả là rộng lớn và phức tạp khác thường.
Chỉ có hiện nay mới bắt đầu việc phát triển những cơ sở khoa học tự nhiên trong toàn bộ tổng thể tư duy của chúng ta. Nhiều điều trong vấn đề rất lý thú này của nhận thức còn ẩn náu sâu xa; hầu như chúng ta còn chưa rõ, chưa hiểu được nhiều về cơ chế của những giải pháp do trực giác đưa ra. Nhưng bây giờ đã không còn thái độ bỏ mặc không nghiên cứu những gì liên quan đến trực giác và để cho những người sùng bái thần bí "tha hồ lộng hành" nữa.
Việc chúng ta hiện nay đã bắt đầu biết về hoạt động của tiềm thức đã nói với ta một điều: những "linh cảm" không phải rơi từ trời xuống với con người. Trực giác gắn bó rất chặt chẽ với những tri thức và kỹ năng được tiếp nhận từ trước, với kinh nghiệm đã được tích luỹ và với lôgic của tư duy, tức là với những quá trình tâm lý hoàn toàn có ý thức. Chỉ có trên cơ sơ như vậy, những "ý tưởng chói lọi" mới có thể nảy sinh ra trong trí óc, đôi khi hoàn toàn bất ngờ trong lúc nghỉ ngơi chứ không phải là khi nhà bác học, nhà văn hay nhà sáng chế đang suy nghĩ về vấn đề của mình bên bàn làm việc.
Những "phát hiện trí tuệ" như thế chỉ nói lên một điều là những quá trình tư duy diễn ra trong tiềm thức có thể đôi khi giữ vai trò to lớn như thế nào trong đời sống của chúng ta. Kiến thức, kinh nghiệm của con người càng nhiều bao nhiêu thì những giải pháp đúng đắn theo trực giác càng có thể xuất hiện thường xuyên bấy nhiêu.
Có thể minh hoạ ý tưởng đó bằng một ví dụ. Trước khi phi đội máy bay cất cánh, thợ máy đã kiểm tra hoạt động của các động cơ và cho phép bay. Nhưng khi các phi công vừa bay lên, bỗng một sự lo ngại mơ hồ nào đây đã choán hết ý nghĩ của người thợ máy đó. Và quả nhiên, chẳng bao lâu sau một chiếc máy bay phải hạ cánh bắt buộc vì động cơ trục trặc. Nếu như tin vào dự cảm thần bí thì có thể kết luận rằng ở đây, trên thực tế không thể nào lại không có sự nhắc nhở từ đâu đó trên trời. Thực ra, tất cả đã được giải thích thật đơn giản. Khi kiểm tra, người thợ máy đã phát hiện ra các trục trặc nào đó trong hoạt động của động cơ ở một chiếc máy bay. Nhưng những dấu hiệu của các trục trặc ấy nhỏ đến nỗi chúng không thể tới được ý thức của người thợ máy, anh ta chỉ linh cảm phát hiện ra chúng, nhưng sau một khoảng thời gian ngắn ngủi, não đã đưa đến ý thức một ý nghĩ rằng mặc dầu máy bay đã bay lên không trung, nhưng động cơ có điều gì đó chưa ổn. Ý nghĩ đó "không có hình hài" rõ rệt nên đã sinh ra trong ý thức người chịu trách nhiệm kiểm tra các động cơ một nỗi lo âu khó giải thích, ấy là dự cảm về một sự tồi tệ nào đó và có thể là cả một tai hoạ…
Tôi muốn dẫn ra ở đây thêm một ý kiến về trực giác. Lần này là của một người có nghề nghiệp hiếm có và nguy hiểm. Đó là một chiến sĩ tình báo Xô viết, đại tá G. Lônôp, người có hồi ký đăng trên báo "Tuần lễ" năm 1970. Tờ báo này đã đăng bài phỏng vấn ông của phóng viên báo A. Epxêep.
Đây là đoạn trích trong buổi nói chuyện đó.
-… Tôi tin những cảm giác của riêng tôi nhiều hơn những gì ghi trong các bản thăm dò ý kiến và lý lịch. Tôi rất tự tin trong ý kiến của mình về mọi người khác, và nếu tôi đã có ý kiến dứt khoát về một ai đó thì chỉ có chính người đó mới có thể làm thay đổi ý kiến ấy. Và không có ai khác có thể làm được điều đó. Hoặc là người ta sẽ tán tụng ý kiến đó hết lời, hoặc ngược lại người ta sẽ quở trách nó.
- Vậy đồng chí tin vào sự đúng đắn trong trực giác của mình?
- Chín mươi phần trăm. Và tôi không hề thấy điều gì thần bí trong việc ấy cả. Tôi tin chắc rằng khi nào khoa học nghiên cứu vấn đề này thật nghiêm túc, người ta sẽ đưa trực giác vào những quá trình tiềm thức nào đó đang diễn ra trong óc chúng ta; những quá trình đó không được phản ánh vào trong ý thức, không được cố định lại trong trí nhớ, nhưng chúng tích luỹ thông tin cần thiết ở một tế bào nhỏ nào đó mà giờ đây chúng ta không còn nghi ngờ gì về sự tồn tại của những tế bào như thế. Vào giây phút cần thiết, não sẵn sàng nhanh chóng đưa thông tin đó ra để cảnh báo ta về một hiểm hoạ… Đối với người chiến sĩ tình báo, một trực giác phát triển cao là vô cùng cần thiết…
Khỏi cần phải nói, đại tá Lônôp hiểu rất rõ ý nghĩa của trực giác trong công việc của con người mà một bước đi không cảnh giác, không được suy nghĩ chính chắn đều có nguy cơ dẫn đến thất bại…

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 945

Return to top