Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Ly Thân

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 65967 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ly Thân
Trần Mạnh Hảo

Chương 24
Khi Trần Khuất Nguyên bị giết được hai tháng, lúc Vương Thi đang nằm trong bệnh viện điều dưỡng thì xảy ra một chuyện giật gân khác. Cả tỉnh Sơn Giang và thành phố An Hải là một cái chợ của tin đồn. Người ta thêu dệt lên không biết bao nhiêu là huyền thoại xung quanh câu chuyện thật.
Số là bà Hồ Lệ Thùy Linh vợ của bí thư tỉnh ủy Tràng Giang đã bị bắt vì tội vượt biên phản quốc. Hồi đầu nghe thằng con trai tôi nói, tôi đã toát cho nó một trận. Rằng đừng có phao tin đồn nhảm, làm cái loa cho địch kèo rồi tù đấy con. Bà đệ nhất phu nhân của tỉnh quyền cao chức trọng, muốn gì được nấy, một đời người mơ ước chỉ cần được bằng một phần trăm cái lộc trời của bà đã là sung sướng lắm, điên hay sao mà vượt biên? Nhưng đến khi vợ tôi xác nhận tin đó là đúng thì tôi lạnh toât cả người. Như thế cái ghế của bí thư tỉnh ủy chắc chắn là đi đứt, chỗ dựa của tôi, cái ô của tôi sẽ không còn. Rất cuộc cái số tôi vẫn là cái số của thằng Húng chó ăn ruồi. Bà Thùy Linh vượt biên không phải mê giàu sang mà đi theo tiếng gọi của con tim. Giàu sang nào ở bên kia có thể sánh được khi là vợ của bí thư tỉnh ủy. Sau khi bị bắt Thùy Linh khai như sau. Trước hết bà thề độc rằng mình vượt biên không phải vì chính trị chính em gì ráo. Bà đi theo tiếng gọi của tình yêu. Số là trước giải phóng, bà có yêu một chàng luật sư đẹp trai vào loại nhất An Hải, con nhà giàu, học giỏi, lại cực kỳ ga-lăng. Chàng cũng yêu bà tới mức có thể lao phắt vào xe quân cảnh đang phóng hết tốc lực nếu cần phải làm như vậy để chứng tỏ tình yêu.
Thấm thoắt thoi đưa, năm 1972, chàng bị gia đình bắt lấy con gái một ông tướng tư lệnh vùng. Thùy Linh đau khổ tính tự vẫn nhưng nhát gan nên vẫn phải sống nhăn răng mà nhìn sự đời. Chính trong lúc tuyệt vọng đó, nhân có người rủ rê, Thùy Linh xin nhận làm cơ sở cho cách mạng trong thành. Cho tới giải phóng, Thùy Linh vẫn còn ngầm yêu đến điên dại kẻ đã bỏ tình lấy vợ con nhà giàu. Rồi bà gặp lại người tình cũ. Anh ta lẽo đẽo đi theo tán tỉnh bà cho tới khi bà phải hiến thân cho anh ta. Sau đó Thùy Linh có bầu nhưng chàng kẹt vợ chưa thể lấy nhau được. Nhân lúc ấy có người mai mối Thùy Linh cho Tràng Giang khi ông vừa từ rừng về thành phố. Họ yêu nhau và lấy nhau. Sau đám cưới được bảy tháng thì bà ta sinh con, đứa con mà bí thư tỉnh ủy Tràng Giang cứ chắc chắn là con mình. Hai năm sau người tình của Thùy Linh vượt biên, viết thư về cho người yêu lúc đó đã là vợ một người danh giá nhất tỉnh khi Tràng Giang vừa được lên chức bí thư tỉnh. Chàng cũng gởi bản sao giấy ly dị của mình và nói chờ nàng Thùy Linh xinh đẹp mãi mãi. Từ đó, Thùy Linh bắt đầu kế hoạch lâu dài chuẩn bị vàng bạc và bến bãi cho cuộc vượt biên vì tình ái. Đến ngày lành tháng tốt, con tàu chở Thùy Linh và hàng chục đàn em thân tín cùng vàng bạc đô-la với giấy giới thiệu của công an tỉnh Sơn Giang và tỉnh ủy đi biển ra tham quan Hải Phòng Hòn Gai, có công an hộ tống, điềm nhiên hướng về phía đảo Lu-zông. Nhưng xui xẻo thay, con tàu vừa ra tới phao số không thì gặp tàu hải quân. Hai bên đã bắn nhau nhưng cuối cùng con tàu của thần ái tình phải đầu hàng. Khi tin Thùy Linh bị bắt về tội vượt biên được xác nhận ở An Hải thì dậu đổ bìm leo, thì ngoài trung ương nhận được cơ man nào đơn tố cáo tội trạng của Tràng Giang. Những người xưa kia nịnh bợ ông bí thư giờ họp mặt nhau để lật ngược lại tình thế. Họ làm cả bản danh sách bà vợ bí thư đã ngủ với những ai trong các đơn kiện dày hàng xắp. Tất nhiên, Tràng Giang bị mất chức bí thư tỉnh ủy với kỷ luật cuối cùng là lưu đảng một năm và về hưu vô thời hạn. Giám đốc sở công an cũng bị điều đi nơi khác. Tràng Giang được cấp một căn phòng nhỏ trên lầu của chung cư cán bộ. Sau sáu mươi tám tuổi đời, bốn mươi năm làm nghề lãnh đạo, lần đầu tiên Tràng Giang được nếm mùi thường dân. Vì nắm quyền quá lâu, con người lãnh đạo của ông chưa bao giờ là người công dân, nên khi phải rơi xuống làm dân thường, ông choáng váng như bị rơi xuống biến. Ông phải lặn ngụp quẫy đạp sao để khỏi chết chìm trong cái môi trường tứ cố vô thân. Những người xưa nịnh ông giờ mỗi lần gặp, họ lờ ông đi, làm như ông là người từ sao hỏa xuống không bằng. Trong khi ông phải chịu nỗi đau đớn quá sức khi biết đứa con Thùy Linh không phải con của mình. Tràng Giang buồn quá, cỡi xe đạp ra phố chơi cho đỡ vẫng vẻ, đỡ cảm thấy cái nỗi chua xót của kẻ bị bỏ rơi. Từ khi về An Hải ông toàn ngồi xe hơi, chưa một lần đi bộ trên đường, cho nên lần đầu đi xe đạp ra phố, ông phải hỏi đường như một người lạ vừa tới đây. Trước khi ra đường, ông phải ngụy trang để người ta đừng nhận ra ông là cựu bí thư tỉnh ủy. Biết đâu, trong tình thế không có một tị quyền hành, ông lại gặp bao nhiêu kẻ thù oán mình, có thể chúng sẽ xông vào bạt tai đá đít ông bất cứ lúc nào.
Một lần Tràng Giang phóng xe đạp ra đường. Do chưa biết đây là đường một chiều, nên ông cứ đạp xe ngược chiều một cách ung dung phớt tỉnh. Lập tức một chiếc xe tải từ một ngã ba gần đó quẹo tới, đụng vào ông cựu bí thư tỉnh ủy. Tràng Giang bị gãy nát một chân, một chân bị thương nặng, còn chiếc đạp trở thành mảnh sat vụn. Ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tràng Giang nằm viện giữa ngày tháo băng, Hai Giỡn dẫn tôi vào thăm người thầy, người anh chúng tôi một thời. Tràng Giang nằm đơn độc và bé nhỏ quá sức trên giường bệnh. Hóa ra người ta không còn quyền lực, khi chỉ là một người bình thường mới thấy mình lễnh loãng làm sao. Suốt bốn mươi năm ông đã lấy quyền lực làm mục đích, mặc dù xuất phát điểm của ông rất đẹp. Ông đã từng bị tù tội thời Tây, từng suýt chết nhiều lần trong chống Pháp. Chính bọn nịnh hót đã phần nào làm hỏng ông, khiến ông ngỡ mình là tuyệt đối, là chân lý, thậm chí còn ngang cả thánh thần. Quyền lực đã trao vào tay ông các thứ quyền sau: quyền năng, quyền uy, quyền phép, quyền bính, quyền quý, quyền sinh, quyền sát, quyền hành và cuối cùng là quyền lợi. Hành trình vươn tới quyền lực của ông là hành trình tự đánh mắt dần tính mục đích. Rồi ông đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của đám đông từ lúc nào không biết, xa rời dần điểm xuất phát và mục tiêu của cách mạng. Giờ đây, chỉ có nỗi đau mới làm cho ông nhận thức được chính mình. Ông vay của cuộc đời bao nhiêu, rất ráo sẽ phải trả lại hết. Ông cần được đau, thật đau, để thoát khỏi nỗi ám ảnh quyền lực một thời, một đời, để tập làm người công dân một đất nước mà ông chỉ quen lãnh đạo. Ông chưa có cơ hội làm người dân, mặc dù suốt bốn mươi năm qua ông vẫn vỗ ngực là người đại diện của nhân dân. Quyền lực làm tha hóa con người là câu cách ngôn thời Hy Lạp cổ xưa dành cho những ai lấy quyền lực chứ không phải đám đông làm mục đích. Có lẽ Tràng Giang đã tự suy gẫm nhiều trong khi dùng đôi nạng gỗ để tập đi vì ông đã bị tháo khớp nơi đầu gối chân phải. Một đời theo cách mạng làm quan to để cuối cùng ông trở thành người thương binh của chính mình. Câu lạc bộ hưu trí và kháng chiến cũ đã đón nhận ông như đón nhận một người anh em lâu ngày lạc lối nay trở về. Những người này trước đây cũng đã từng có quyền, có cương vị chức vụ. Khi về hưu, họ đâu còn sợ mắt ghế nữa và vì vậy họ trở thành những con người nói thẳng nói thật đến không ngờ. Hai Giỡn và tôi đã bàn bạc về những điều đó. Ông bảo rằng để rồi xem, chỉ cằn vài năm là sẽ thấy Tràng Giang nói khác hẳn những điều khi làm bí thư tỉnh ủy ông đã nói. Tôi cũng mừng cho Tràng Giang, ít ra ông còn có được cơ hội làm một người chân chính, được nói thật lòng với kẻ khác mà không phải sợ hãi ngó trước ngó sau.
Một hôm, tôi và Hai Giỡn đến thăm Tràng Giang trước khi ông xuất viện. Ông đã sử dụng cây nạng thành thạo, không còn cần hai cô y tá dìu như kẻ tập đi nữa. Ông nhìn chúng tôi cười cười, vừa cảm động vừa có ý đùa cợt.
- Cám ơn các ông đã nhớ đến thằng già này. Suốt bốn mươi năm qua, tôi quen nhìn sự vật có một chiều, đi đứng, nói năng có một chiều, mà là cái chiều có lợi cho riêng mình. Còn cái chiều ngược lại của sự vật, cái chiều mình thấy không hạp, không ngon xơi mình lờ nó đi, thậm chí mình phủ nhận nó. Cho hay cái quy luật tồn tại của biện chứng thật là khac nghiệt, anh lờ nó đi nhưng nó quyết không chịu lờ anh, quyết không chịu tha anh cho tới khi phải tiện đi của anh một cái giò mới hả. Rằng Tràng Giang ơi, suốt một đời mày đi độc có một chiều, nghĩ có một chiều, cảm có một chiều, nói và nghe có một chiều thì cần quái gì hai chân. Chỉ cần đi một chân thôi ông tướng ạ. Và thế là quy luật sinh tồn khac nghiệt hai mặt đối lập thống nhất của tồn tại mà chúng ta quen tụng ra rả bèn giao cho đôi nạng này, để mình học lại ông Hê-ghen và ông Mác.
Khi Vương Thi bỏ nhà đi được một tuần lễ thì tôi bị bệnh mất ngủ. Sau đó là đến thời gian nằm mơ và nói mê. Việc Vương Thi sau khi tỉnh dậy ở bệnh viện bỏ đi là giọt nước làm ly nước tuyệt vọng của tôi phải tràn. Người tôi là cộng hưởng của rất nhiều nỗi đau và nỗi sợ. Và do đó, khi nỗi sợ đã đến tận cùng của nó thì tôi đâm ra liều. Nỗi đau làm cho tôi sat thép lại. Một lần nửa đêm, vợ tôi nằm ở gian trong ra lôi tôi dậy, chỉ vào mặt tôi xỉa xói:
- Đồ phản bội. Gần sáu mươi tuổi rồi mà ông vẫn còn yêu con bác sĩ đã chết đó hả? Nó là ma cướp hồn ông hay sao mà cứ đặt lưng xuống ngủ là ông gọi tên nó đến phát sợ. Hay là ông muốn cưới ma làm vợ. Tôi cấm ông từ nay ngủ mà còn gọi tên con Oanh nữa sẽ biết tay tôi.
Hai ngày sau, buổi sáng khi vừa thức dậy, Ruộng đã hỏi:
- Xin ông đi đâu cho khuất mắt tôi mau. Tôi không thể chịu đựng được ông nữa rồi. Đêm ngủ ông toàn gọi tên con ma cái đó khiến tôi sợ hết hồn. Tôi giải thích cho bà ấy là giấc mơ chứ nào tôi có cố ý gọi tên một người đã chết hai chục năm. Bà ấy càng nổi cơn tam bành lên chưởi tôi, rằng nếu tôi không ấp con Oanh đó trong người, không giữ nó trong tim thì cớ gì hồi này cứ mơ thấy nó rồi gọi ầm cả lên đến khiếp. Tôi đã đi hết đông y đến tây y vẫn không hết cái bệnh nói mơ. Nghe đâu tôi còn gọi cả tên Trần Khuất Nguyên và Vương Thi trong lúc ngủ nữa. Nhân lúc bà ấy đến cơ quan, tôi đã dọn đến cái kho cũ của hội văn nghệ tỉnh ở tạm. Rồi Hai Giỡn khuyên tôi viết lại đời mình, viết lại sự thật chứ đừng có mà bịa đặt. Tôi nghe lời ông ngồi viết tập Ly thân này với sự nuôi nấng chăm sóc của Hai Giỡn.
Sau khi bỏ nhà đi được ba ngày, Ruộng đến gặp tôi.
- Ông tưởng tôi nói thế là để mở đường cho ông đi sống riêng đấy hả? ông to gan vừa vừa chứ. Ông không biết sợ là gì nữa ư? Tôi ra lệnh cho ông chiều nay phải về nhà lại. Người ta đang đồn ầm lên là ông bỏ tôi theo mèo mỡ. Có người còn nghi vấn đức tính hiền thục của tôi, hỏi bà Ruộng làm gì dữ dằn quá đến nỗi ông Hưng phải bỏ đi. Như vậy, uy tín của tôi đang bị thương tổn.
Tôi đâm liều:
- Tôi không về đấy, bà làm gì tôi nào. Tôi không thích gọi địa ngục là thiên đường nữa, bà biết không?
Ruộng đứng phắt lên bỏ đi, không nói gì. Tôi đã nghe lời khuyên của Hai Giỡn ngồi viết lại toàn bộ cuộc đời không hay ho gì lắm của mình và đặt tên là Bản nháp. Cuộc đời đã đẩy tôi tới chân tường và tôi không còn chỗ lùi nữa. Tôi đã 58 tuổi rồi, đã có cháu nội. Tôi không thể lấy cuộc đời mình ra làm bản nháp của kẻ khác mãi được, để cho ai đó muốn viết bậy viết bạ gì lên đời tôi cũng được, rồi dập xóa đời tôi như dập xóa những con chữ bị dây mực hay sai sót. Cuộc đời tôi là bản nháp của chính tôi, tôi phải được viết lên đó nét chữ của mình, cảm nghĩ của mình, thái độ của mình với thế giới khách quan. Người ta đã tẩy xóa cuộc đời tôi bao nhiêu lần rời. Tôi là cái loa, là bản nháp của hết ông này bà nọ để họ diễn đạt ý đồ độc đoán, tính kiêu ngạo đến càn rỡ tự cho mình độc quyền sự thật, độc quyền chân lý, coi thường tất cả mọi người, coi đồng loại chỉ là những con vật ngu ngốc lễnh loãng trong một bầy đàn luôn luôn cần phải có họ dạy bảo và lãnh đạo. Tự do hay chính là khí trời, là ánh nắng mặt trời trên thế gian này, là tài sản của tất cả mọi người. Người ta đã từng nhân danh cái thiện, nhân danh nhân loại và nhân danh bản thân tôi để biến cuộc đời tôi thành tranh áp-phích và những khẩu hiệu vô hồn của họ, giúp họ mãi mãi nam và giữ được quyền lực là mục đích của họ. Mỗi một con người trên trái đất này bằng một bức thông điệp riêng. Tôi phải đòi lại cái quyền được viết thông điệp của chính bản thân mình, không cần một kẻ giả danh kiêu ngạo nào viết giùm nữa. Bản nháp này là cả cuộc đời tôi với bao nhiêu thành công và thất bại, chân thành và lầm lỗi, hèn kém và ấu trĩ, dối trá với lương tri. Khi tôi viết được một đoạn chuyện đời mình thì vợ tôi mò đến cái nhà kho đã thành phòng văn: ông phải về nhà. Tôi dứt khoát: Không, tôi không về ở với bà nữa. Xưa nay, các ông các bà cứ dùng cái thói làm cho người ta sợ hãi, ép buộc người ta phải yêu mình. Tmh yêu là tự nguyện, tự thân, không thể dùng biện pháp hành chính hay chuyên chính mà thành công được. Bà hãy về với chức vụ lãnh đạo của mình đi, để tôi yên. Ruộng đặt ba tờ giấy nhỏ bé đã vàng khè lên bàn viết của tôi mà tôi biết bà ấy xé trong cuốn nhật ký xưa kia của tôi ra để hù dọa.
- Đây là tối hậu thư. Một là ông về nhà để đừng ảnh hưởng tới chuyện vào tỉnh ủy của tôi. Hai là tôi phải cạn tàu ráo máng, nộp cuốn nhật ký đầy những suy nghĩ suy đồi, tư sản phản động, hữu khuynh ông viết cách đây gần ba mươi năm, mà tôi vẫn giữ kỹ cho tuyên huấn hay công an vãn hóa.
Tôi điên lên, tính tát cho bà ta một cái nhưng đã kềm chế được. Tôi chơi bài ngửa:
- Vì hèn hạ và sợ hãi, tôi đã chấp nhận lấy bà, sống với bà theo sự bố trí của tổ chức, yêu thương theo chỉ thị cấp trên. Bây giờ đã đến lúc chúng ta nên tha cho nhau, đừng bắt tôi phải sống với bà nữa. Bi kịch này phần lớn do tôi gây ra.
Ruộng nhìn tôi thách thức:
- Vậy là ông nhất định ở riêng phải không?
- Phải.
- Tôi sẽ nộp cuốn nhật ký tư sản của ông cho tổ chức. Trong cuốn nhật ký đó ông đã dám nghi ngờ sự tốt đẹp và hơn hẳn của chủ nghĩa xã hội, nghi ngờ tài năng và đức độ của các vị lãnh tụ cách mạng thiên tài. Tôi đã hết cả sức, chép miệng:
- Bà cứ đi mà nộp cho tổ chức. Tôi đã hết sợ rồi. Nếu bà làm cho tôi được vào tù thì đó là điều may, là sự giúp đỡ tuyệt nhất mà bà dành cho tôi. Bởi vì cuộc sống của tôi xưa nay nào có khác gì tù tội, nhất là khi phải sống với bà. Thôi, bà về mà chuẩn bị vào tỉnh ủy.
Ruộng đứng lên về. Tôi nghe tiếng bà ấy sụt sịt khóc. Tôi thấy tất cả sao đều quá nhẫn tâm, quá tồi tệ trong những mối quan hệ tự làm khổ nhau của chúng tôi và xã hội. Dù sao, tôi cũng thương hại Ruộng, một người đàn bà sinh ra được nhồi nhét vào đầu cái thuốc mê quyền lực, mê lãnh đạo, cái gì cũng thích ra lệnh, chỉ thị, chủ trương, chính sách và cả một đời là một nghị quyết dài vô tận. Tựu trung, Ruộng cũng chỉ là một nạn nhân. Tôi nghĩ rằng, chỉ có tình yêu mới giúp Ruộng trở lại là một người đàn bà đúng nghĩa của nó. Mà tình yêu với cô ấy thì Chúa ơi, tôi lại không có. Oái oăm thay, tình yêu của cuộc đời tôi đã dành hết cho một người con gái đã chết. Người đó là Oanh của một thời chống Pháp tươi đẹp và thiêng liêng., Sau ba tháng trời ngồi viết đi viết lại chuyện đời tôi, tôi đang tìm cách kết thúc để Ly thân khỏi quá lê thê dài dòng thì có tiếng gõ cửa. Tôi bỏ bút xuống ra mở cửa cái phòng nhà kho của cơ quan tôi mượn ngồi viết. Qua ánh đèn nê-ông sáng rực của khu ga-ra để xe, tôi chợt cảm thấy như có ai vừa lén đập búa vào gáy mình tới mức lảo đảo sắp ngã quỵ. Không có ai đánh vào gáy tôi cả, chính là cú đắm dữ dội của cuộc đời nhanh như chớp thoi vào mặt tôi. Mắt tôi như tối sầm lại tất cả. Trước mặt tôi, chạm vào sít ngực tôi không phải là cú thôi sơn của cuộc đời, cũng không phải là ông công an văn hóa tôi đang chờ đợi, không phải là nỗi tuyệt vọng vô cùng như thế giới này, mà chính là một khối hạnh phúc bé nhỏ khiến tôi không sao tin vào mắt mình được nữa. Cái khối câm lặng đó không nói gì, nhìn tôi bằng con mất của con thú ăn đèn:
- Bố ơi, bố không nhận ra con à?
Tôi chợt òa khóc như đứa trẻ đợi suốt ngày nay mới gặp lại mẹ. Vương Thi đó, với cái bụng chửa vượt mặt sau khi mất tích hơn ba tháng trời nay chợt về tìm tôi. Gương mặt con gái tôi sao giống như đúc gương mặt của mẹ tôi xưa. Hai bố con ôm choàng lấy nhau. Tôi và con cứ đứng vậy để bám víu lấy nhau như những người chết đuối trên cạn, người nọ tưởng người kia là cái phao. Tôi dẫn con vào phòng. Nó mặc bộ đồ bộ trong nhà màu tím than, tóc để dài không kẹp, mặt hốc hác, mắt mở to, chân đi dép Nhật, không chút phấn son nên môi hơi tái.
Thấy tôi vừa pha nước chanh vừa dòm dòm cái bụng bầu của nó, Vương Thi cười bảo
- Xin bố đừng kinh ngạc vì cái bụng của con. Đây là di sản của anh Trần Khuất Nguyên để lại cho con mà con rất tự hào sung sướng. Anh ấy bị giết chết tính đến nay đã tròn sáu tháng. Như vậy, cái thai này đã sang tháng thứ bảy bố ạ. Nếu không có cái thai trong bụng, chắc chắn con đã nhảy xuống hồ lần nữa để chết theo anh ấy. Tôi rùng mình. Tôi biết tính con bê, đã nói là làm liền cho mà coi. Thật may man, nếu Nguyên không để lại cho nó giọt máu trong bụng, chắc chắn tôi đã phải để tang đứa con gái yêu dấu của mình rồi.
Tôi an ủi con:
- Bố mừng cho con. Như vậy là bố sắp có cháu ngoại bồng. Con đi đâu suốt ba tháng qua để bố hết hồn hết vía. Ai cũng bảo con đi vượt biên, nhưng bố không tin. Bố nghĩ là con tự vẫn.
- Con ra Hà nội để kiện cái việc người ta gết oan anh ấy bố ạ Con ở nhà một người bạn. Con đã làm hàng mấy chục đơn khiếu nại, đã chầu chực bao nhiêu ngày trước cửa quan như Viện kiểm sát tối cao, Tòa án, Quốc hội nhưng chẳng ai thèm tiếp con, họ nhận hồ sơ cho có vì rồi chỉ toàn có hứa suông hay bảo con yên tâm chờ đợi. Con tuyệt vọng về sự nhẫn tâm của những người cầm cán cân thần công lý ấy và bỏ về đây. Con tính vài hôm nữa bố giúp con cùng lên nghĩa địa Bần Thổ viếng mộ anh ấy.
Tôi khuyên con:
- Thôi con ạ, dù sao Nguyên nó cũng đành phận rồi. Con đừng khổ sở nhiều mà ảnh hưởng đến đứa con.
- Con đã khóc hết nước mắt của một người đàn bà còn lại rồi bố ạ. Bây giờ con tỉnh táo lắm. Con vẫn không thể nào tin anh ấy đã chết.
- Đúng, Nguyên vẫn sống trong bụng con đấy thôi.
Vương Thi nhìn tôi rồi cúi xuống cái bụng:
- Khi đứa bé ra đời, dù trai hay gái, con sẽ đặt cho cháu cái tên ghép của bố mẹ là Trần Khuất Nguyên Thi. Tôi can:
- Thôi con ạ, hãy đặt cho đứa bé một cái tên khác hay hơn.
Tôi chưa kịp nói hết câu thì con gái đã nhanh nhảu:
- Bố ơi, trước khi bị bóp cổ chết trong nhà thương điên, anh ấy có làm một bài thơ viết bằng gạch non trên tường. Người ta đã chép gửi lại cho bác Hai Giỡn và con. Bài thơ ấy đề tặng con, con xin đọc bố nghe nhé, bài thơ có tên là Những con đường tôi chọn:
Những con đường như những lằn roi
Lịch sử quất lên mình đất nước
Những con đường trên xứ sở tôi
Như nước mắt của người yêu chảy suốt
Những con đường tôi chọn
Như chưa đi thành đường
Bước ra từ lòng mẹ
úp mặt vào quê hương
Những con đường của thế hệ tôi
Lao thang vào cái chết
Đất nước tôi cháy nhà
Dù nghìn lần bị giết
Xin lối này tôi đi
Xin những cánh rừng khốc liệt
Đến cùng em nào có dễ gì
Nếu có ban mai nào bất chợt
Tôi không còn nhm thấy núi sông
Thấy những con đường trong mơ cỏ mọc
Lúa chín như cầu vồng
Đừng cướp đi của tôi hạnh phúc
Được chạy trên những con đường
Đầy sỏi đá và đầy bùn đất
Những con đường tôi chọn
Gập ghềnh như quê hương
Dù không ai đi cả
Một mình tôi một đường.
Vương Thi đọc xong bài thơ rồi ngồi thở hổn hển. Hai bờ mi của nó ướt như sắp khóc. Nó mệt. Nó ngước mắt lên trời tìm sự hỗ trợ của vô biên nhưng chỉ gặp cái trần nhà thấp tè, loang lổ vệt vôi bong. Ngoài kia đêm tối với những chùm sao co ro như giá rét. Tôi bình:
- Thơ hay lắm. Đúng là bài thơ tuyệt mệnh. Văn chương mà khẩu khí quá cũng rất nguy hiểm con ạ. Con đừng lấy tên Trần Khuất Nguyên đặt lại cho con con một lần nữa, dù có ghép tên Thi vào cuối cũng vậy thôi. Sợ suốt đời nó vận vào người như bố nó ấy. Thành ra khi sống lúc nào cũng phải đối diện với sông Mịch La. Con biết Mịch La là sông gì không?
- Là con sông Khuẩt Nguyên nhảy xuống tự tử.
- Vậy thì con đừng bắt con con mang dòng sông định mệnh ấy nữa.
Vương Thi lấy tay đặt lên bụng:
- Nó đạp dữ quá bố ơi. Cái thai khỏe kinh khủng, y như nó khiêu vũ hay đánh bốc trong bụng con vậy. Con cứ đặt tên cho cháu là Trần Khuất Nguyên Thi. Bố ạ, nếu con người cứ phải mãi mãi sống trong nỗi sợ hãi thì tất cả sông ngòi khe suối, thậm chí cái rãnh nước đầu hè cũng có thể là sông Mịch La.
Tôi không biết nói gì nữa, lặng nhìn con với cảm giác kính phục và thương yêu vô cùng, vừa đau xót vừa sung sướng. Vương Thi lại xoa xoa hai bàn tay xanh gầy vào bụng chửa nựng đứa con quấy phá:
- Ngủ đi con ngoan nào. Đừng đấm nữa, vỡ bụng mẹ mất. Cái bụng mẹ rồi cũng chẳng còn đủ kích thước cho mày đâu, y như thằng bố của con sống trên đời vậy. Ngoan nào bé ơi, để mẹ nói chuyện với ông ngoại...
Tôi cúi xuống chỉ chực rơi nước mắt. Tôi nghĩ rằng Trần Khuất Nguyên, Vương Thi và đứa con sắp ra đời, chính là sản phẩm quý báu của cách mạng.
Mấy con gián từ xó tối bay rào rào đậu lên cuốn bản thảo Ly thân của tôi. Tôi có cảm giác những dòng chữ của thằng Húng chó ăn ruồi là Trần Hưng tôi đang ánh lên màu cánh gián. Vương Thi vẫn nói với cái thai trong bụng như thể nó đang nằm mơ. Tôi nhìn cái bụng chửa kềnh càng mệt mỏi đang phập phồng của đứa con gái và lặng nghĩ về trái đất của chúng ta.
T P. Hồ Chí Minh - Nhà Sáng Tác Đà Lạt
Ngày 25 tháng 8 năm I987

<< Chương 23 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 731

Return to top