Tôi sẽ là một kẻ vô ơn bạc nghĩa, là tên vô lại, nếu tôi đang tâm phủ nhận quãng đời đẹp nhất, ý nghĩa nhất đã hình thành nên nhân cách, nên vẻ đẹp tâm hồn tôi là giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Chín năm sống chết gian khổ đỏ, chính là tình yêu của tôi với Oanh. Giờ đây, hơn bao giờ hết, trong lúc đau buồn gần như tuyệt vọng, tôi cần ngoảnh lại giai đoạn này để tìm lại những điều thiêng liêng đã mất, tìm lại cái ánh sáng cao cả từ mắt bao đong đội tôi đã vuốt trước khi chôn cất họ, đặng vịn vào những ước mơ nửa vời ấy, hoài vọng gãy cánh để gượng dậy sau bao nhiêu vấp ngã và thất bại. Cuối năm 1953, tôi đang là đại đội trưởng một đại đội bộ binh mũi nhọn thọc sâu trong chiến dịch Tây Bac thì bị thương nặng, phải đưa về tuyến sau điều trị. Khi tôi ra viện cũng là lúc chiến dịch Điện Biên Phủ đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất.
Dù cố nằn nì xin về đơn vị chiến đấu, tôi vẫn bị phân công về làm phóng viên của tờ báo sư đoàn đang ém quân bên kia Phú Thọ. Chả là từ năm 1948 tôi đã viết lách, đã cộng tác với một vài tờ báo, tờ tạp chí của đơn vị và của trung ương. Tôi đã gởi đi in báo những mẩu tin, bài báo, thơ và truyện. Thành ra, tên Trần Hưng đã ít nhiều người biết đến, nhất là các vị chủ báo đơn vị đang săn lùng những bạn viết. Hôm ấy trời lác đác mưa. Cơn mưa đầu mùa đến quá sớm, khi sương mù chưa kịp rút đi sau những tàn cọ xoè Việt Bắc. Tuy nhiên, trời vẫn còn hoe hoe lạnh. Tôi về đến đơn vị lúc trời đã chập choạng tối. Người ta dẫn tôi vào cái lán nhỏ lợp lá cọ, núp dưới bóng rừng cổ thụ. Đấy chính là tòa soạn báo Chiến Thắng của sư đoàn, đơn vị công tác mới của tôi.
Một người cao to mặc quân phục chỉnh tề, mũ lưỡi trai vải mềm, xanh-tuya to bản, đeo súng lục gọn gàng, đi giày vải theo kiểu chí nguyện quân Trung Quốc giúp Triều kháng Mỹ, tay xách chiếc đèn chai có chụp to, đến chào hỏi tôi với một giọng thân mật:
- Xin chào đồng chí Trần Hưng.
Tôi đứng nghiêm chào lại, xưng tên tuổi cấp bậc rồi ngồi xuống bên cạnh người ấy.
Anh tự giới thiệu mình là Nguyễn với bút hiệu Tràng Giang, chủ nhiệm kiêm tổng biên tập tờ báo. Trời ơi, té ra ông Tràng Giang, người đã viết khá nhiều bài báo, nhiều ký sự lý thú mà tôi đã được đọc ngay từ những năm đầu kháng chiến. Thật may mắn cho đoạn đời đầu làm báo làm văn của tôi, lại có được một người thủ trưởng mình từng phục, từng biết. Tràng Giang với râu quai nón cạo xanh biếc, ăn nói mềm mỏng, có duyên, giọng Hà nội rặt, đi đứng khoan thai, tự chủ, đủ biết anh xuất thân từ một gia đình dòng dõi. Tràng Giang hơn tôi đúng mười tuổi. Trước kia anh là sinh viên luật, ngày toàn quốc kháng chiến từng ở đội cảm tử quân. Anh đã bị thương nhiều lần mới lên được quyền chính ủy trung đoàn, được cử đi Trung Quốc học về khoa lãnh đạo chính trị trong khâu báo chí văn nghệ.
Nghe anh em nói, cấp trên đưa anh về phụ trách tờ báo sư đoàn này cốt để thực tập, đặng mai mốt sẽ giữ những chức vẻ trọng yếu hơn.
Sau khi lo chỗ ăn chỗ nghỉ cho tôi, Tràng Giang bèn tập họp cả cơ quan gồm phóng viên, biên tập, in ấn, phát hành, hậu cần chừng hơn chục mạng quanh bàn trà để mừng người lính mới.
Anh giới thiệu tôi với mọi người thật trân trọng. Rằng đồng chí Trần Hưng tuy mới viết nhưng đã chứng tỏ là một cây bút có tài năng, nhạy bén trong thể ký và sâu sắc trong truyện ngắn. Hóa ra, Tràng Giang đã đọc tất cả những gì tôi đã viết. Chính anh đã chủ động đặt vấn đề với sư đoàn xin tôi về làm báo. Tôi được giao lo phần văn nghệ của tờ báo, cụ thể mỗi tuần phải kiếm được vài bài thơ, ít bài ca dao, vài mẫu truyện ngắn. Tôi lao vào công tác với tất cả nhiệt tình của tuổi hai mươi sáu tràn đầy mơ ước.
Trong cuộc sống, Tràng Giang bao giờ cũng rất mẫu mực, đi đầu, không như đa số các loại cấp trên hiện nay chẳng bao giờ chịu thực hiện những điều mình nói, mình hứa. Sáng anh dậy sớm hơn mọi người, tối ngủ muộn hơn mọi người. ăn uống có một tí anh cũng nhường nhịn, luôn giành phần việc nặng làm. Tràng Giang gần như không còn cái gì của riêng mình, kể từ ngày vợ và con anh bị bom Pháp giết chết. Tất cả cuộc đời anh từ vật chất đến tinh thần đều là của tổ chức, của tập thể. Anh sống quy tắc, đúng giờ giấc còn hơn cả đồng hồ. Ngày nào cũng như ngày nào, từ việc rửa mặt, vệ sinh còn các động tác của cơ thể, dáng đi, nếp đứng đều dập theo một nguyên tắc bất di bất dịch, lặp đi lặp lại theo một thói quen, một quy luật. Anh cũng yêu cầu mọi người phải giữ nguyên tắc trong từng nếp nghĩ, nếp cảm. Với anh, tất cả đều phải có tổ chức, dù là những điều sâu kín nhất của con người. Thậm chí, trong một buổi họp, anh tuyên bố ngay cả những giấc mơ trong lúc ngủ cũng không được miên man dông dài, nhất nhất phải có tính tổ chức, tính kỹ luật. Sau hai tháng sống, làm việc bên cạnh Tràng Giang, tôi thấy anh tốt như một vị thánh của cách mạng. Anh giải thích cho chúng tôi về mục đích của chủ nghĩa cộng sản là dần dần sẽ tiêu diệt cho bằng hết cái ác trên mặt đất. Thế giới đại đồng chính là một thiên đường thực sự. Sau này, trải qua nhiều cay đắng, ngoảnh nhìn lại luận điểm ấy của Tràng Giang, tôi thấy nó phi biện chứng một cách tức cười, ảo tưởng và ấu trĩ quá. Đúng, hành trình của con người luôn luôn là một hành trình chiến đấu với cái ác trong bản thân mình và đồng loại. Tồn tại, chính là một quá trình tự hoàn thiện. Chính thiên nhiên đã mách bảo con người điều đó. Nhưng tham vọng diệt trừ hoàn toàn cái ác trên đời này là điều không thể nào đạt được. Bởi vì, không có cái ác thì cũng chẳng có cái thiện, cũng như không có bóng đêm thì làm sao có nổi ban ngày. Chính quy luật đối lập để tồn tại này Hê-ghen đã dạy chúng ta. Đã bao nhiêu nghìn năm từ ngày xuất hiện Do Thái Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo... nhân loại đã có nhiều tôn giáo. Hàng tỉ người đã giành cả cuộc đời mình, đã hy sinh cả hạnh phúc tình yêu, sống cuộc đời hành xác cốt để đạt được thiên đường sau khi chết, một thiên đường bịa đặt không có thật. Không, đã đến lúc đừng biến chủ nghĩa cộng sản thành ra tôn giáo với đầy những tín điều và các vị thần linh của nó, xui người ta chiến đấu hy sinh cho một ảo tưởng, một thiên đàng không bao giờ có khả năng xuất hiện trên mặt đất. Chủ nghĩa cộng sản nói cho cùng là chủ nghĩa nhân đạo mới, là lý thuyết giải phóng cá nhân và xã hội, giúp con người thoát khỏi những gánh nặng của số phận, tự giải thoát mình và đồng loại khỏi mọi áp bức, nô lệ, huyền hoặc, thói kiêu ngạo và đạo đức giả. Chủ nghĩa cộng sản không đi tìm chân lý tuyệt đối như người ta tưởng, mà nó luôn luôn tiếp cận, tiệm cận cái hoàn thiện. Chưa có một lý thuyết nào trên đời tự vỗ ngực nhận mình là chân lý tuyệt đối, cho dù là lý thuyết của Mác đi chăng nữa. Phải chăng cái đẹp nhất của một lý thuyết là hành động đi tìm chân lý. Chỉ có Chúa mới dám cho mình là tuyệt đối, Phật tự phong mình là duy ngã độc tôn mà thôi.
Mọi giá trị trên đời này đều có thời của nó. Lịch sử tiến hóa của nhân loại phải chăng là lịch sử của những lầm lẫn được rút kinh nghiệm để không phải lặp lại? Có những điều cách đây ba mươi, bốn mươi năm người ta cho là đúng, nhưng giờ đã sai bét rồi. Cho hay, thời gian bao giờ cũng là bạn đường của lẽ phải. Kẻ biết cách tính tuổi thọ của các loại chân lý chính xác nhất cũng chính là thời gian.
Tôi còn nhớ ánh mắt Tràng Giang đầy xúc động khi trao cho tôi một tài liệu in rônêo trong một buổi trưa chiến khu. Anh vỗ vai tôi nói nhỏ:
- Cẩm nang của đồng chí đây. Hãy học thuộc những lý luận kinh điển này, đồng chí có thể sẽ trở thành nhà văn lớn đấy.
Tôi chưa dám mở bửu bối ra, xúc động quá, cầm tay vị anh thậm chí người ta còn lạm dụng từ ngữ đến kỳ cục khi phê bình nhau rằng trong tư tưởng, đồng chí là kẻ theo chủ nghĩa ăn tạp, hoặc đồng chí là đầy tớ của bọn theo chủ nghĩa đa ngôn...
Tôi hí hửng như ngô được vàng, vội ôm tập cẩm nang thủ trưởng vừa cho mượn, đọc nhanh mai đã phải trả, mở ra coi mới hay là cuốn Mao Chủ tịch bàn về văn nghệ trong đó phần chính là bài nói ở hội nghị Diên An. Tôi đọc ngấu nghiến như kẻ đói lâu ngày vớ được con gà mái dầu luộc. Tôi thức trắng đêm chép lại tập sách mỏng này chính xác đến từng dấu phảy. Hôm sau, Tràng Giang hỏi tôi tuyệt chứ? Tôi gật đầu. Anh mỉm cười bằng nụ cười mãn nguyện và ngây thơ. Anh nhấn mạnh ý nghĩa triết học của những lập luận về văn nghệ của Mao. Anh giải thích tường tận cho tôi một số khái niệm như mâu thuẫn luận, súng đẻ ra chính quyền, quan hệ giữa hồng và chuyên, chuyên chính và dân chủ, chính trị và văn nghệ. Anh tóm lại bài giảng chớp nhoáng, một thứ trường chính trị bỏ túi rằng, từ khi loài người có giai cấp, chính trị đã là thống soái, là linh hồn của các thời điểm, thời đại. Cho nên, văn nghệ, đạo đức, triết học, thần học, các loại học vân vân đều là công cụ, đều phục vẻ chính trị. Suốt ba mươi mấy năm, tôi đã vác ngòi bút đi theo những lời thần chú ấy, nhưng sao các tác phẩm của tôi vẫn chna đạt được giá trị và sức sống. Có thể là tôi bất tài, nhưng còn bao nhiêu bè bạn, bao nhiêu đồng nghiệp của tôi, lẽ nào họ đều là một lũ bất tài vô tướng?
Đơn vị là gia đình, hơn nữa là một cơ thể sống nên từ ý nghĩ, tình cảm, hành động của mỗi người phải thật thống nhất mọi người hóa thành một người. Tràng Giang dạy chúng tôi hãy biết quên mình đi, quên ưu điểm, quên thành tích đi, nhưng khuyểt điểm thì phải nhớ, phải trình bày công khai trước tập thể. Anh còn dạy chúng tôi: cá nhân tính bao giờ cũng đối lập với tập thể tính. Rằng mấy cái anh cá như cá nhân, cá thể, cá biệt, cá tính, mấy cái cá đối bằng đầu ấy là sản phẩm của chữ tôi đáng ghét, cản đường đến với chữ ta là chủ nghĩa tập thể.
Thường ngày, cứ chín đến mười giờ tối, cơ quan tôi đều có mục phê bình tự phê bình để trước khi đi ngủ, người chiến sĩ cách mạng được rửa tội trước tập thể, trước cấp trên mà trở nên trong sạch. Người nào cũng phải trình bày tội lỗi của mình từ trong tư tưởng đến lời nói, việc làm. Đôi khi, tôi gần như phải bịa ra tội để qua truông. Nếu không, mọi người sẽ vây lấy anh, đấu anh cho đến khi phải thú tội mới thôi. Có người bạn đã phê bình đồng chí Phong Thi (người làm thơ nhanh như gió trong tờ báo), rằng trên đường đi, đồng chí Phong Thi gặp hai cô gái Nùng xinh đẹp, đã liếc đến rách mắt, toan tán tỉnh nếu không có tôi, chắc đồng chí đã thay vì theo cách mạng, đã đi theo gái mất rồi. Vậy là chàng Phong Thi, sau một hồi bị kiểm điểm, đã bị quy cho tội kêu là tiền hủ hóa. Kinh nghiệm của những cuộc phê bình và tự phê bình tràng giang đại hải ấy là, nếu khuyết điểm anh một, anh cứ nhận ngao lên thành một rưỡi hoặc hai, mọi người sẽ hài lòng cho mình là thành khẩn, không ai còn nỡ quy kết mình nữa. Ngược lại, tội anh đáng mười mà anh chỉ nhận có bảy tám, lập tức cái tội ấy sẽ bị quy lên thành hai ba mươi cũng không biết chừng.
Trong cuộc sống, tôi luôn cảm thấy có bao nhiêu con mắt vô hình vây quanh, kiểm tra mình kể cả trong tư tưởng, như thể tổ chức lúc nào cũng đặt ở sau gáy anh cái máy vạn năng biết hết mọi sự. Rằng tôi nhìn thấy tất tần tật đấy nhá, liệu mà khai báo xem đồng chí thành thật tới đâu. Không, chẳng cần tổ chức, chẳng cần anh em, tôi đã tự biến thành công an của chính mình. Tự mình rình rập mình, ghi chép để báo cáo lên cấp trên cả những giấc mơ vô tổ chức, vô kỷ luật. Trong những năm tháng dài dằng dặc ấy, tôi luôn luôn mang mặc cảm phạm tội. Tự mình khinh ghét mình, dù sống tốt đẹp tới đâu cũng vẫn thấy mình chưa xứng đáng với tổ chức. Sau chiến thang Điện Biên Phủ, tôi được Tràng Giang phân công về trung đoàn ba một tháng viết chuyện anh hùng. Tôi mừng đến nỗi xuýt vỡ ngực, nhưng vẫn cố kìm lại được. Nơi tôi đến công tác chỉ cách trường Y khoa Việt Bắc, nơi Oanh đang học một ngày đường đi bộ. Lúc lấy giấy tờ đi đường, tôi gặp riêng Tràng Giang:
- Báo cáo Thủ trưởng, cho phép tôi kết hợp công tác với chết việc riêng tư được không ạ?
- Nhưng đồng chí có việc gì nào?
Tôi trình bày người yêu của tôi ở chỗ ấy chỗ nọ, rằng gần hai năm nay chúng tôi chưa được gặp nhau. Rằng tôi xin phép gặp người yêu một lần thôi, nói chuyện một tiếng đồng hồ rồi lại lao vào công tác liền.
Thần tượng của tôi ngồi im lặng hút thuốc. Anh vẫn đội chiếc kết vải mềm, áo trấn thủ sờn vai, dây lưng to bản đeo súng ngắn, giày vải cũ nhưng sạch sẽ ngăn nắp đến độ, nguyên tắc đến độ chưa hề thấy cách buộc giây giày, cách cài cúc áo của anh có lần nào sai quy củ. Một trăm lần là một trăm lần giống nhau như đúc. Tôi có cảm tưởng từng cái chớp mắt, cách hút thuốc, cách thở khói, cách nghiêng đầu, gạt tàn thuốc của anh không một động tác nào thừa, tất cả đều được đưa lên chương trình từ trước, đều được lãnh đạo và tổ chức từ trước.
Một lúc lâu, Tràng Giang khẽ nhìn tôi gật đầu:
- Được thôi. Này, đồng chí đã hôn người yêu của mình bao giờ chưa?
Tôi thành thật báo cáo:
- Dạ chưa ạ.
- Vậy là tốt. Kháng chiến còn gian khổ, ta còn cần phải hy sinh. Khi nào chiến thắng, hòa bình thì tha hồ cho các tướng. Còn bây giờ ta phải biết chế ngự, biết dừng lại. Chứ hôn hít nhau vào rồi nhớ nhung sầu muộn lắm, có khi còn thất tình thất tung, vừa khổ thân, vừa liên lụy đến kháng chiến. Xã hội ta tự do luyến ái, không ai cấm các đồng chí chuyện tình cảm cả. Nhưng trong hoàn cảnh gian khổ này, ngay đến chuyện yêu đương nhau, thậm chí chuyện hôn hít nhau cũng cần phải có tổ chức, có lãnh đạo.
Tôi ngồi im lặng nghe giáo huấn. Tràng Giang vừa cười ruồi vừa rút thuốc lá mời tôi. Người thủ trưởng tiếp:
- Này, nhớ nhá đồng chí Trần Hưng, chuyến này công tác là chính, yêu đương là phụ thôi đấy. Đừng có hôn hít nhau sớm quá. Hứa đi, yêu trong sáng thôi nhé.
- Dạ tôi xin hứa yêu trong sáng thôi. Những chuyện nào không trông sáng chờ hòa bình, chờ về Hà nội ạ.
- Tốt, đồng chí thấm nhuần lập trường luyến ái vô sản rồi đó. Chúc đồng chí viết tốt, quên việc riêng tư đi để phục vụ tổ chức.
Vậy là tôi trên đường đi đến trung đoàn ba.
Nhớ cuối năm 1947, tôi bị thương tương đối nặng phải vào quân y viện điều trị. Suốt cả tháng nằm liệt giường vì chân bị bó bột. Nằm điều trị, tôi buồn khổ, lòng tan nát lắm. Số là trước khi bị thương trên đường chiến dịch tôi bỗng gặp một anh người làng đi dân công. Anh ta cho tôi biết một ít tin nhà. Chị Lá Mơ đã lấy chồng sau khi tôi thoát ly. Em gái Rựa Mận mới mười bảy tuổi cũng đã làm đám hỏi với người làng bên. Thằng Chả Chìa mười lăm tuổi đang đi học. Làng tôi giờ là vùng tề. Bác phó Lãm bố của Oanh trào Việt Minh làm chủ tịch xã, nay lại có chân trong hội đồng tề. Tôi hỏi về Oanh nhưng anh người làng im lặng. Một lúc sau, rít xong hơi thuốc lào, anh mới cho biết Oanh đã đi lấy chồng đâu ngoài Hà nội. Nghe nói chồng của Oanh là chàng công tử bột đẹp trai, con nhà giàu nhưng học hành phải nói là dốt. Nghe chuyện ấy xong, tai tôi ù đặc. Tôi như đánh mất mọi cảm giác, đầu óc rỗng như ruột bí ruột bầu, tim như cũng chang thèm đập nữa trời ạ. Tôi như kẻ bị phục kích, bất ngờ bị nện một búa khai sơn vào gáy. Oanh đi lấy chồng có nghĩa là cuộc đời tôi đã chấm dứt. Oanh vừa là sự sống, vừa là môi trường sống của tôi. Tôi bị chứng mất ngủ hành cho cả tháng. Người tôi thành da bọc xương, hai mắt như hai cái hố đạn moọc-chê. Tôi biến thành một thằng ngố rừng, vô hồn, vô nghĩa. Chính trị viên đại đội biết tôi thất tình, có nỉ non vào tai tôi mấy bài chính trị, thứ chính trị mưa dầm, thoang thoảng hương lài dai dang. Tôi đâm ra muốn chết, cho thoát khỏi nỗi đau khổ, càng nhanh càng tốt. Tôi trở thành kẻ liều mạng trong các trận đánh. Tôi xông vào nơi bom đạn như vào chỗ không người. Đại đội trưởng chưa kịp hô xung phong, tôi đã có mặt trên mũi nhọn. Trong khi tôi muốn chết, thích chết thì trớ trêu thay, đạn tây nó tránh tôi trời ạ. Ngược lại, có nhiều anh nhát gan, xông trận cứ ru rú ở đằng sau, thì lại bị đạn tây xơi ngọt. Chính vì vậy, tôi được biểu dương, được khen thưởng, được ca ngợi hết lời vì lòng dũng cảm vô song, một thứ liều mạng có tên là anh hùng. Trong một đêm công đồn thắng lợi, trước lửa cháy, khói tỏa, xác địch lẫn xác bộ đội còn chưa thu dọn, mùi máu hòa mùi thuốc đạn còn nồng nặc, tôi chợt thấy chính trị viên đại đội mời tôi đến một góc đồn. Người ta xếp tôi đứng vào hàng, trước đảng kỳ, rồi hô nghiêm và kết nạp tôi vào đảng Lao động Việt Nam một cách hết sức bất ngờ. Cho hay là cái anh thất tình đâm ra chán đời tuyệt vọng, muốn chết không phải bao giờ cũng dở, ít ra là trong trường hợp của tôi.
Sau mấy tháng trời, nỗi đau nguội dần, tôi có vẻ tỉnh ra. Có lúc tôi vô cớ làm một chiến dịch nguyền rủa Oanh. Rằng nàng là quân giết người, đồ phản bội, đứa không tim, con quạ mổ. Thậm chí tôi quy tội cho Oanh là đồ phản động vì dám bỏ một anh vệ quốc quân, để lấy một tên buôn bán ở vùng tề. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy mình thật vô lý. Oanh đã hứa hẹn gì với tôi đâu nào, thậm chí tôi cũng chưa một lần tỏ tình với nàng nữa. Tôi đâm ra nguyền rủa mình là đồ hèn. Bao năm đi học với nhau, yêu nhau muốn chết, mà cấm dám mở miệng ra tỏ tình, rằng anh yêu em đến đời đời kiếp kiếp, chết rồi dẫu có hóa thành rắn rết cũng cứ tìm em để quấn quít...
Tôi tự mạt sát mình cả tháng trời. Rằng hỡi thằng ăn ruồi kia, sao mày cứ nhe răng ra mà sống vô tích sự đến vậy. Rồi tôi bị thương, phải đi điều trị. Nhớ sáng hôm ra viện về đơn vị, tôi hẹn được anh bạn cho đi nhờ một đoạn ô tô. Người bạn lái xe vận tải hẹn tôi ở cổng rừng của quân y viện. Năm giờ sáng tôi đã dậy. Tiếng gà rừng gáy le te uể oải. Rừng vắng đến độ tôi phải hắng giọng lên để đỡ trống trải. Chợt tiếng vượn hú như thể tiếng kèn thời nguyên thủy hiện về thức dậy trong lòng người lính cô độc tất cả những gì là quá khứ. Kỳ lạ quá, chỉ trong vòng một nháy mắt, toàn bộ cuộc đời mười chín tuổi của tôi hiện lên rõ ràng đến mức không sao tin nổi. Đọng lại mọi hình ảnh ấy rốt cuộc vẫn là gương mặt Oanh xâm chiếm cả lòng tôi. Chợt từ phía lối mòn bệnh viện có tiếng chân người đi, tiếng nói chuyện rì rầm. Trời đã sáng rõ. Nang đã hoe vàng trên các tàn cổ thụ. Qua một khúc cua, tôi nhìn thấy bốn năm y tá bệnh viện đang tiến ra phía ngã ba, nơi ở một góc tôi đang ngồi chờ xe. Các cô gái thấy một chàng trai, có ý trêu chọc, nói xa nói gần, cốt sao để tôi phải ngứa mồm lên tiếng. Tôi cúi xuống ra vẻ không thèm nhìn, ra vẻ quân tử không để ý đến bọn nhãi ranh. Nhưng kỳ thực tôi đang đóng vai thằng lác mắt mặt quay đi một nơi, mắt liếc về một nẻo. Tôi thấy hết từng cô một. Ví như cái cô đi đầu mập tròn, mắt nhìn tôi ranh mãnh và thách thức. Cô thứ hai gầy nhom, cao kều, mặt nhỏ choắt lại mà có duyên đáo để... Đến cô thứ tư, tôi hoảng quá, hoa cả mắt. Trời ơi cái răng khểnh của đời tôi. Có lẽ nào đây lại là cô bé có đôi mắt với những tia nhìn xuyên suốt mười chín năm tôi đã sống? Tôi toát mồ hôi hột. Đời luôn luôn tặng tôi những ngẫu nhiên vĩ đại. Cô gái cũng sững lại, mặt tái mét, đóng tia mắt vào người tôi như một cái đinh của định mệnh, khiến tôi mãi mãi được gắn chặt với mặt đất này, đến nỗi, cho dù sức mạnh của cái chết, của hư vô cũng không sao có thể hất tôi vào vực thẳm được. Tôi gọi khẽ:
- Oanh.
Cô ấy bước đến cầm tay tôi như kẻ bị thôi miên, rồi đứng sững lại, đôi môi run rẩy như đang lên cơn sốt:
- Anh.
Tôi quên khuấy mất chuyện đứng lên, cứ ngồi trên gốc cây, há hốc miệng nhìn người yêu đờ đẫn, ngây dại như thể vừa bị sét đánh chết.
Oanh khóc. Còn tôi thì thở dốc, làm như bị cọp đuổi đến đường cùng không bằng. Ba cô gái kia cũng đứng như trời trồng nhìn cảnh gặp gỡ kỳ lạ. Hóa ra các cô đi tải thuốc về cho bệnh viện. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Oanh tại chiến khu Việt Bắc. Oanh bị gia đình ép lấy chồng, trốn nhà lên chiến khu vừa tham gia kháng chiến, vừa để có cơ hội tìm ra tôi. Oanh vừa lên đây được bốn tháng, là y tá ở khu A, nhưng trời lại bắt tôi nằm tại khu B nên hai đứa không tìm thấy nhau.
Mãi đến đầu năm 1949, nghĩa là sau gần một năm rưỡi tôi mới gặp lại Oanh. Lúc đó nàng đã vào học trường Y khoa kháng chiến. Lần ấy chúng tôi hành quân qua trường Y khoa, đóng cách trường chừng một tiếng đồng hồ cuốc bộ. Tôi viết mấy chữ, nhờ người quen ở nhà trường gặp trên đường, hẹn Oanh gặp nhau gần chỗ đóng quân. Oanh ra nơi hẹn thật. Nhưng oái oăm thay, khi Oanh tới thì đơn vị tôi vừa nhổ trại chừng mươi phút.
Nhìn dấu vết, nàng đoán hướng chúng tôi đi. Oanh nhắm mắt nhắm mũi theo lối mòn chạy đuổi theo đoàn quân. Sau này Oanh kể lại, cô đã chạy cả tiếng đồng hồ, khi mệt đứt hơi lại ngồi xuống thở. Cuối cùng nàng cũng đuổi kịp tiểu đoàn chúng tôi.
Khi nhìn thấy tôi, Oanh đã ngã dúi xuống đất vì mệt quá. Tôi cúi xuống, đỡ Oanh lên, trước cái nhìn thán phục của đồng đội. Người Oanh ướt đẫm mồ hôi, như thể vừa vớt lên từ dưới nước, mặt dù trời rét cắt ruột. Chúng tôi đang hành quân, không thể dừng lại được. Tôi dìu người yêu đi theo đoàn quân đến chừng mười lăm phút, trước những đôi mắt tò mò kèm những lời trêu chọc bóng gió. Chúng tôi chỉ còn cách nói với nhau bằng ánh mắt. Tôi bảo Oanh về, trời sắp tối rồi. Cuối cùng nàng cũng phải đứng lại, ánh mắt rưng rưng, đưa bàn tay bé tí như cái quạt vẫy tôi và đoàn quân. Tôi quay lại phía sau, đi giật lùi một đoạn dài cho tới khi không còn nhìn thấy Oanh nữa. Nhưng rồi Oanh bỗng lại chạy vụt đến chỗ tôi. Nàng rút từ túi áo ngực, trao cho tôi một tấm ảnh nhỏ chụp nàng đang mỉm cười. Phía sau bức ảnh là nét chữ run run như đời nàng: mãi mãi của anh. Oanh còn chạy theo tôi mấy chặp như vậy mới chịu chia tay. Tám giờ tối hôm đó, thân gái dặm trường, Oanh mới về tới đơn vị. Còn tôi đi giữa hàng quân với ý nghĩ: nếu có phải đi ngược cả cuộc đời để được ngắm nàng, tôi cũng sẵn sàng đi giật lùi mãi. Chiều hôm ấy, trong gió rét, lá rụng đầy. Hoàng hôn màu hạt dẻ với chết nắng phai tàn cứ níu lấy tôi không chịu rút vào rừng. Những bông hoa rừng tôi nhìn thấy hầu như đều giấu một chiếc răng khểnh.
Năm 1951 và năm 1952, chúng tôi còn được gặp nhau hai lần nữa, nhưng lần nào cũng vội, cũng trước đám đông, chưa có dịp riêng tư hò hẹn. Bây giờ đã sang giữa tháng năm năm 1954, Tràng Giang cử tôi đi viết chuyện anh hùng trong một tháng. Khi về đến trung đoàn ba, tôi lao ngay vào công việc. Tôi viết thư báo cho Oanh biết, rồi hai đứa tôi hẹn địa điểm gặp gỡ.
Tôi dừng lại trên vạt đồi thoai thoải mọc đầy cây giẻ, hồi, trẩu xen lẫn những loài gỗ tạp ít người biết tên. Con suối cuối xuân cạn nước, giấu kín trong rừng, chạy rồng rần dưới chân đồi, vẫn không sao bí mật nổi vì tiếng róc rách của mình. Từ ngã tư có tên là ngã tư con khỉ, lội bộ theo chiều nước chảy chậm lắm cũng chỉ mất ba mươi phút là tới đây, chỗ chúng tôi hẹn nhau sáng chủ nhật. Nơi đây có lần Oanh từng đến nhặt hạt dẻ. Dưới tàn cây kín đáo, tôi ngồi trên vạt cỏ mềm bên suối, có mấy bụi mẫu đơn nở hoa lúc trắng lúc đỏ, chờ người yêu. Có tiếng bì bõm từ phía đầu con suối. Tim tôi đập cuống lên. Oanh tới?
Nàng dặn tôi không cần phải đón, cứ đợi ở chân đồi hạt dẻ này. Dù vậy, tôi vẫn men suối đi lên. Nhìn mãi không thấy người đâu? Hay là nàng nấp đâu đó để hú hòa cho tôi sợ. Lại tiếng bì bõm. Tôi căng mắt quan sát. Hóa ra, không phải người yêu mà là một con rái cá. Tôi lấy hòn sỏi ném và con vật chìm trong nước.
Hơn tiếng đồng hồ sau Oanh mới tới. Nàng bảo họp đột xuất và hai giờ chiều lại họp nữa, mặc dù là ngày chủ nhật. Người ta đã tìm ra cách giết thời gian một cách tàn nhẫn là tổ chức các cuộc họp liên miên. ừ, các nhà tổ chức cũng có lý của họ chứ. Để cho các người nghỉ ngơi rồi rãi một chết là y như sinh chuyện, lại có vấn đề tư tưởng cho mà xem, nhàn cư vi bất thiện, chi bằng cứ họp là thượng sách. Oanh mặc chiếc áo gụ đã sờn, chiếc quần đen vải thô dày còn khá mới, đi đôi dép cao su mỏng như cái lưỡi mèo, vai đeo cái túi thổ cẩm đựng ít kẹo, mấy viên đường phèn và vài gói thuốc bổ nàng dành dụm cho tôi. Oanh xắn quần cao quá đầu gối, bước bì bõm theo tiếng suối róc rách. Đôi cặp giò nàng thon dài, trắng hong đung đưa bàn chân khỏa nước, mỗi bước chân òa vỡ. trong veo từng chùm bong bóng trắng. Thấy tôi lao ra đón, nàng cười ngượng nghịu, mặt đỏ nhừ. Tôi vừa kêu tên nàng vừa bế thốc người yêu trên tay. Oanh chống cự cho phải phép, miệng không ngớt kêu đừng, đừng, nhưng đôi tay mảnh khảnh, mềm như hai dây kẹo kéo của nàng cứ quấn chặt lấy cổ tôi có trời gỡ ra. Tôi đặt Oanh ngồi trên võng, lấy chiếc khăn bông khô lau từ đầu gối tới bàn chân nàng. Oanh giả vờ như không biết, khẽ xoa bàn tay lên cái mụn vá trên vai áo lính bạc màu của tôi. Trưa ấy, chúng tôi hì hục đào bếp hoàng cầm bên suối, nấu cơm dã chiến ăn với cá hộp chiến lợi phẩm tôi mang theo. Con suối dùng cặp mắt mèo của mình nhìn chúng tôi không chớp. Có tiếng lá rụng mơ hồ. Vài tia nắng lọt qua tán lá rừng rơi xuống, có ý định làm bạc đầu hai đứa chúng tôi. Ngồi bên Oanh, tôi cảm động, hồi hộp đến mức tí khóc. Đôi mắt Oanh, mở to sáng và mọng nước, vừa như chứa đựng toàn bộ niềm vui và nỗi buồn, chứa đựng cả hạnh phúc và bất hạnh của cuộc đời tôi. Ăn cơm uống nước xong, sắp đến giờ chia tay, tôi đặt Oanh ngồi trên võng nghỉ. Tôi ngồi dưới võng, ôm lấy đôi chân người yêu. Từng ngón chân Oanh non nớt đến tội nghiệp, với những móng chân vảy ốc lúc hồng nhạt, lúc lại óng ánh lên cái ánh sáng bí ẩn mà chỉ những người đàn bà đang yêu mới có. Đôi gót chân son của nàng có khi lại chuyển sang màu mận chín, có khi trắng như hoa cau, chứng tỏ nàng đang cảm động. Tôi thương bàn chân Oanh đến nghẹn ngào. Đôi bàn chân nhung lụa này đã phải đi qua chiến tranh và chết chóc, vượt qua bao nhiêu tai ương, bất hạnh. Tôi bỗng nhận ra mình đã đi bằng đôi chân của nàng, từ độ ngày đầu vào lớp học vỡ lòng, tôi đã trả thù nàng bằng cách đạp vào bàn chân nàng, khiến nàng đau phát khóc. Ngồi dưới võng, tôi vuốt ve bàn chân người con gái, khiến nàng co chân lên như tính bỏ chạy. Tuy vậy, tôi đã chộp lại được bàn chân nàng như chộp được con ếch tuổi thơ. Và nhanh như chớp, tôi cúi xuống hôn lên bàn chân đầy tín ngưỡng, đầy phép lạ này. Oanh cười bẽn lẽn, co chân lên võng, lảng sang chuyện khác:
- Này anh, ngày ấy sao em ngốc quá vậy. Em nhất định tin anh thích ăn ruồi và ngày nào cũng ăn cả vốc.
Đột nhiên, Oanh nhảy từ võng xuống, ngồi xuống cạnh tôi.
Nàng tỏa vào tôi độ ấm của cả một đời tôi cộng lại. Có một dòng điện bí ẩn đang truyền từ thân thể nàng sang con người tôi, khiến tôi lơ lửng, như sắp đóng thành băng tuyết và như sắp bốc cháy. Tôi ôm chặt lấy Oanh. Hai đứa cứ ngồi như vậy thật lâu nhìn suối chảy. Tôi bỗng quên hết mọi thứ trên đời: chiến tranh, các nghị quyết, những tín điều, kể cả lời dạy dỗ của Tràng Giang... Trên thế gian này dường như chỉ còn hai đứa chúng tôi ngồi lại. Chúng tôi là đôi tình nhân đầu tiên và cuối cùng của tráỉ đất Dường như nhân loại đã biến đi đâu hết, bỏ lại chúng tôi trong vườn địa đàng của chiến tranh này. Họ đi tìm chiến thắng, tìm quyền lực, bạc vàng và danh vọng. Hai đứa tôi vẫn ôm lấy nhau, cùng ngắm nhau trên dòng suối. Bóng của chúng tôi cứ đung đưa không ngừng, chuyển động không ngừng. Gió rừng, một kẻ mai mối hay tuyệt, bỗng thổi bay từng lọn tóc Oanh sang cổ tôi, xòa lên mặt tôi nhột nhạt. Hay thật, ông trời đang dùng tóc nàng cột lấy đời tôi, như cột trâu vào cọc. Chính những lọn tóc lòi tói kia đã kéo sát hai gương mặt chúng tôi sát vào nhau. Sát, sát nữa, sát tới mãi mãi không cùng tận, không có bờ bến.
Và tự nhiên, như trời đất ấy, đôi môi chúng tôi tìm tới nhau, vùi vào nhau trong một cơn sốt con người. Cái hôn đầu này chính là dấu son, đóng vào trái tim tôi sự xác nhận của giấy giới thiệu vào đời. Đấy, mày cứ cầm cái giấy có con mộc của nàng mà đi Hưng ạ. Mày sẽ vượt qua tất cả. Đến ngay vị đắng cũng sẽ giúp mày tìm ra chất ngọt. Nỗi đau cũng có thể làm mày sung sướng, sự nghèo khó khiến mày học được cách trở nên giàu có. Nếu không có tiếng máy bay phóng pháo của quân Pháp xẹt ngang bầu trời rừng trưa yên tĩnh, có lẽ đôi môi chúng tôi đã dính chặt lấy nhau đến độ không thể nào gỡ nổi. Tôi hôn hít chưa từng có kinh nghiệm, vụng về quá làm môi Oanh chảy máu. Nhưng rồi chúng tôi lại hôn nhau. Tôi nghe trong đầu lưỡi có vị mặn của máu.
Hạnh phúc nào không bắt đầu từ một vết thương, một vết rớm máu? Cái ý nghĩ sắp phải chia tay giúp tôi thêm dũng khí. Tôi vùi đầu vào ngực người yêu để tìm lại hình ảnh người mẹ thời bú mớm. Bàn tay tôi chạm phải hai đầu vú nóng bỏng của nàng, như cố tìm nơi để bấu víu vào cái thế giới trơn tuột đầy vực thẳm này. Oanh hất tay tôi ra, mặt đỏ bừng, vặn người như con rắn, quay đầu thở hổn hển thì thầm:
- Chết em mắt, ôi, anh, chết em mất:...
Tôi tỉnh táo lại, trở về giới hạn của mình. Tôi vuốt bàn tay lên mái tóc nàng như có ý xin lỗi, Oanh vẫn xấu hổ vùi mặt vào cánh tay tôi kêu chết mất. Tôi im lặng nói thầm: chết làm sao được em ơi. Lẽ nào những người yêu nhau lại có thể chết? Chỉ có những kẻ không biết yêu, không được yêu mới chết, mới hốt hoảng, sợ hãi nhìn ra thế giới thăm thẳm cô đơn này như nhìn vào nghĩa địa. Gió đã thả những lọn tóc của Oanh ra khỏi mặt và cổ tôi. Rừng thở ngây ngất một điệu lá xào xào xa vắng. Nàng đã lách qua suối làm bạc tóc chúng tôi. Oanh không còn kêu chết mất nữa. Nàng im lặng nhìn tôi. Mắt Oanh hoang vằng và mê dại, như người đã khóc thầm một mình trong đêm vắng. Tôi nhìn thấy vệt môi dưới của Oanh mọng chín, sưng lên, đỏ rực như màu hoa lựu. Hậu quả của cái hôn đầu của tôi, một kẻ vụng về nhất trần đời, thô bạo nhất trần đời đã hôn vào đôi môi mềm mại của người yêu theo kiểu cu trâu ngoặm bắp ngô non.