Trong số các cô làm việc tại văn phòng trị sự của tờ báo văn nghệ tỉnh Sơn Giang do tôi lãnh đạo, có một cô tên là Ngọc Hương, trạc ba mươi sáu, ba mươi bảy tuổi. Cô được coi là xinh nhất trong các cô công tác tại báo. Nhớ ngày đầu tiên, khi chúng tôi đang hình thành tòa soạn, có một người đàn bà đến tìm tôi. Người ấy mặc quần lụa đen, đi dép Nhật, áo mút-sơ-lin màu tím nhạt, mặt sáng rỡ, mắt lá răm to sắc kẻ chì viền hơi đậm, lông mày tỉa tót, môi son rực, mũi cao như đã sửa, móng tay, móng chân đánh màu vảy bạc óng ánh đưa cho tôi một cái thư. Đó là thư giới thiệu của ông phó giám đốc sở thông tin văn hóa. Ông xin giới thiệu với tôi người cầm thư này là cô Ngọc Hương, cơ sở cũ của ông đến xin việc ở tòa báo. Trong thư ông phó giám đốc dặn, Ngọc Hương bình sinh rất mê văn học, nay không phải túng bấn mà kiếm việc làm đâu. Rằng cô từng ước làm được ở một tờ báo văn nghệ để đỡ buồn. Rằng cô Ngọc Hương cũng có làm thơ, trước giải phóng từng tham gia thi đàn Dệt Mộng. Nhìn dáng dấp người đàn bà một lúc, tôi suy nghĩ và cân nhắc để tìm ra cái lẽ phải dùng người. Phàm một ông thủ trưởng nhìn xa trông rộng, không bao giờ nên nhận một người đàn bà đẹp vào sở mình phụ trách, nhất là người đàn bà đó đã tới tuổi sồn sồn và từng tham gia thi đàn thi điếc. Ngữ ấy mà nhận vào cơ quan, khác gì nhận một trái bom nguyên tử. Đôi mắt lá răm sắc lẻm kia khác nào lưỡi dao, có thể cứa đứt đầu đám nhà văn nhà thơ trong tòa soạn báo. Nhưng ông phó giám đốc sở thông tin văn hóa giới thiệu tới xin việc, dù cơ quan tôi đã đầy nhóc, vẫn cứ phải nhận. Đằng này, cơ quan đang phải tuyển người. Tất nhiên tôi phải nhận cô Ngọc Hương vào làm việc. Đây sẽ là cái thử thách đối với phóng viên, biên tập viên. Cậu nào lớ xớ là chết với tôi liền. Cũng hay, cần phải đặt một cái bẫy trong nhà mình, để mình còn có cái cảnh giác, nhắc mình đừng chủ quan.
Sáng hôm sau, tôi tới cơ quan đã thấy Ngọc Hương ngồi trên sa-lông chờ đợi. Thấy tôi, cô cung kính thưa chú Ba Hưng. Hoàng Thi, phó tổng biên tập đang từ trên lầu xuống, nghe tiếng chào của Ngọc Hương, bèn vừa đi vừa tưng tửng đọc hai câu thơ.
Nếu không gọi chú bằng anh
Coi như chú đã hy sanh cuộc đời.
Tôi ngượng chín người. Đồ cà chớn. Vậy mà mấy người ngồi đó đều cười tủm tỉm, kể cả Ngọc Hương. Hoàng Thi bước xuống, cùng ngồi vào sa-lông bên cạnh Ngọc Hương, đối diện với tôi nói:
- Sao Ngọc Hương lại kêu anh Ba Hưng bằng chú? Giới thiệu với anh Ba, tôi đã quen biết Ngọc Hương từ hồi mới giải phóng. Ngọc Hương xoa xoa hai bàn tay đeo nhẫn, nhún vai:
- Thưa, Ngọc Hương xin lỗi. Từ nay xin được kêu thủ trưởng bằng anh Ba ạ.
Tôi im lặng cười ruồi. Tôi là người mê quyền lực hơn đàn bà thì cô kêu tôi bằng ông nội đi nữa cũng không sao. Từ đó, Ngọc Hương nhận chức văn thư kiêm phát nhuận bút, nếu có khách tới thì mời mọc, tiếp rước, cần thiết thì mời thủ trưởng ngồi trên lầu xuống. Tòa soạn báo văn nghệ tỉnh Sơn Giang của chúng tôi tọa lạc trên một địa hình rất thuận lợi và yên tĩnh. Đó là tòa biệt thự hai tầng, có ga-ra xe hơi, vườn cây, bể cá, kho tàng, một dãy nhà phụ, là ngôi nhà của một tay bác sĩ giàu có đã đi Tây. Hàng ngày, tôi làm việc và nếu thích thì ở luôn trên phòng lầu hai. Ngọc Hương là con của một gia đình làm nghề buôn bán. Cha cô lấy vợ bé, nên ở với mẹ từ nhỏ. Mẹ cô làm ăn phát tài nên tương đối khá giả. Cô học trường nữ Gia Long rồi vào đại học Văn khoa. Đang học nửa chừng thì Ngọc Hương lấy chồng. Hai người có với nhau một đứa con gái, ở với nhau năm năm rồi ly dị. Ba năm sau, Ngọc Hương lấy một bác sĩ góa vợ. Nhưng sau khi có đứa con trai, Ngọc Hương lại bỏ về ở với mẹ. Người chồng bác sĩ đã di tản sang Mỹ trước ngày ba mươi tháng tư. Ngọc Hương khai trong lý lịch rằng cô tôn thờ chủ nghĩa độc thân. Ngày đầu tiên đến tòa soạn làm việc, Ngọc Hương mặc áo dài lụa trắng, quần lụa trang hệt như một con thiên nga khiến cả tòa soạn sững sờ. Tóc cô hớt tém kiểu con trai, chân đi dép da ngoại, cổ đeo vòng vàng, son phấn trang điểm vừa phải nên nhìn cô còn rất trẻ. Trời ơi, trong khi chúng tôi ăn mặc xuềnh xoàng kiểu lính tráng thì cô văn thư lại diện như đi dạ hội. Hoàng Thi bảo tôi cứ yên trí, mặc như vậy càng đẹp cho tòa soạn chứ sao. Nhưng tôi không thể yên trí được. Ngọc Hương có thể sẽ làm cho các chàng trai trẻ biên tập hoặc phóng viên mê mẩn hết thôi. Thấy Ngọc Hương làm việc nghiêm túc, tận tụy, tôi đã phần nào an tâm. Suốt một tuần đầu làm việc, dù không phải là người ghim gút hay bới lông tìm vết, nhưng tôi đã chú ý xem được cô thay đúng sáu cái áo dài, toàn loại vải đẹp và sang. Tôi để ý trong giờ rảnh, Ngọc Hương toàn cúi xuống đọc sách. Tôi thấy trong các đầu sách cô văn thư này đọc, có nhiều cuốn của anh em trong tòa soạn. Tôi cho là cô đang bắt mạch văn từng người, xem các chú cách mạng nhà ta múa bút ra sao đây. Sang tuần thứ hai, Ngọc Hương toàn diện đồ tây, áo bỏ trong quần, hết quần zin Mỹ đến zin nhung Mỹ, mỗi ngày một bộ khác nhau. Mọi người nhìn cô lác cả mắt. Mỗi lần cô lên phòng tổng biên tập đưa thư hay trình bày điều gì, tôi lại thấy cách ăn mặc quần zin bó sát, áo bỏ trong quần của cô mà ngứa cả mắt. Tuần thứ ba, Hương thay đổi chiến thuật bằng cách mặc toàn quần áo bà ba đen có, rực rỡ đỏ chát chúa có, mỡ gà mỡ vịt có... Đến nỗi ban biên ủy của báo phải họp hai cuộc họp, chi ủy họp hai cuộc họp để phân tích cái chiến thuật ăn mặc, thay đổi kiểu cách của cô văn thư này nhằm mục đích gì, xem có xen vào ít nhiều chính trị nào không? Tôi nghĩ bụng: đây là trò chơi để gây ấn tượng chứ chính trị chính em cái quái gì, xem thử tâm lý các nhà văn cách mạng có ngon không, có đoán được con người nội tâm của Hương không. Rằng những dự đoán của các người sẽ lăn lông lốc, sẽ trượt ngã trước sự biến hóa khôn cùng của một người đàn bà đẹp. Mặc xác sự lộng lẫy làm duyên làm dáng của Hương, tôi có chiến thuật chiến lược của tôi: lạnh như băng, cứ là nguyên tắc, nguyên tắc và nguyên tắc, không để xen vào giữa mối quan hệ của thủ trưởng với nhân viên một tí tình cảm nào. Thái độ của tôi với Hương đã được chương trình hóa. Có khi, trong cuộc họp, tia mắt tôi chạm vào tia mắt Hương, như là cô ấy ngầm tuyên bố: đạo đức giả hoài, để rồi xem đồng chí có tu hành được mãi không? Con mắt cô nhìn tôi với những chùm tia le-de thách thức, sản sàng gây ra một cuộc chiến tranh không tuyên bố. Trước Ngọc Hương, tại sao tôi không được tự nhíên, phải kên lên lên, đạo mạo lên, như anh gà trống vươn cổ lên lấy uy tín gáy mà không sao gáy nổi. Tại sao tôi không thể bình thường, không thể thoải mái như khi tiếp xúc với nhân viên nữ phái khác? Tôi nghe tiếng vị luật sư bào chữa trong mình cất lên: ồ, thủ trưởng thì phải quan tâm tới nhân viên, từ công tác đến đời tư chứ. Thậm chí đến việc cô ấy thay đổi màu sơn trên móng tay móng chân cũng đừng hòng qua mắt được lãnh đạo. Có một dạo, tôi biết tay phó tổng biên tập cáo già Hoàng Thi tán Ngọc Hương. Lý trí tôi biết rằng Ngọc Hương không sao thoát được con dê già biết làm thơ này, nhưng tình cảm tôi lại không thừa nhận điều đó. Tôi biết hết, các người đừng hòng qua mặt thằng Trần Hưng này. Đến con ruồi đực hay cái, đã chửa đễ hay thậm chí còn trinh hay mất trinh tôi còn biết, huống hồ ánh mắt si mê của tay Đông-joăng này khi nhìn Ngọc Hương. Tôi bắt đầu thấy tức anh phó của mình. Này anh kia, bông hoa của tập thể, của công viên, sao dám tự động ngắt về phòng chơi riêng là sao? Nguyên tắc là nguyên tắc: tôi, chúng tôi không đụng tới thì anh đừng có hòng mà xớ rớ được. Nhưng tay Hoàng Thi này không phải loại vừa. Vả lại, ngoài tám tiếng vàng ngọc, Ngọc Hương còn những mười sáu tiếng tự do vô tổ chức, tha hồ tưng tẩy, muốn làm gì thì làm. Ngọc Hương lại có nhà riêng, phòng riêng, nó muốn mời ai về là quyền của nó. Nhưng nếu con người của anh chỉ là của anh, vậy thì tổ chức, vậy thì chế độ không có tí quyền sở hữu nào trên người anh à? Cứ lấy cái lý ra mà nói, rằng chúng ta đang sống trong một xã hộí tập thể, một xã hội quốc doanh, sao mỗi con người lại cứ thích sống xé lẻ, tủn mủn trong vỏ ốc cá nhân vậy. Nhưng cô Ngọc Hương này đâu phải kém cô Ngát trong chi bộ của tôi thời xưa, khi bị tổ chức kiểm thảo về chuyện yêu đương. Tôi nhớ hồi đó, Ngát có chồng đi bộ đội xa, bị bắt quả tang đang hôn hít một anh cùng cơ quan. Người ta bèn lập ngay biên bản, đưa Ngát ra kiểm điểm. Trong lúc họp, Ngát đứng lên, trợn mắt, chỉ vào miệng mình hỏi: thưa các đồng chí, đôi môi này là của tôi hay của tổ chức ạ? Có tiếng trả lời: tất nhiên là của đồng chí nhưng do tổ chức quản lý. Ngát bèn vừa khóc vừa quát lên: đôi môi này là của tôi, tôi muốn hôn ai, cho ai là quyền của tôi. Chừng nào tôi dùng đôi môi của tổ chức, dùng cái miệng của tổ chức để đi hôn hít người khác thì tổ chức mới có quyền kiểm điểm chứ? Cuối cùng, tập thể, tổ chức đành chào thua cô Ngát, bởi vì cái lý của nó quá đúng, chả ai bẻ nổi. Rút kinh nghiệm chuyện này, để tôi sáng suốt hơn khi nhìn vào mối quan hệ của Hoàng Thi và Ngọc Hương. Cuối cùng, tôi nhủ thầm: kệ cha nó, khi nào bắt gặp cảnh nam trên nữ dưới mới nói, mới kỷ luật được. Tuy vậy, đôi lúc, tôi vẫn tức trào hông. Hay là mình ghen với thằng phó của mình rồi? Nếu vậy nguy lắm, coi chừng mất ghế. Từ ngày đó, tôi đâm ra ghét hai cái đứa lăng nhăng này. Tôi coi Ngọc Hương là con phản bội lại tập thể. Trong cách nhìn của tôi luôn luôn phát tín hiệu nhac nhở: tôi là thủ trưởng cơ quan đấy nhé, các người đừng có mà qua mặt được tôi. Buổi tối, tòa soạn báo văn nghệ Sơn Giang thường vắng hoe, chỉ có bác gác cổng già trông nom cửa chính, vợ chồng cậu lái xe và cô thủ quỹ ở căn nhà phụ phía sau. Cho nên đôi lúc tôi thường ở lại cơ quan, nấu ăn và ngủ lại luôn trên căn phòng tầng hai. Một lần tôi đưa tập bản thảo truyện ký của mình cho chánh văn phòng nhờ đánh máy. Cơ quan chỉ có một cô đánh máy chữ bận túi bụi cả ngày. Chánh văn phòng báo cáo với tôi là tập bản thảo của tôi nhờ Ngọc Hương đánh máy giùm. Tôi chấp nhận mặc dù rất ghét Ngọc Hương. Lẽ nào tôi lại nỡ phủ nhận nhiệt tình của nhân viên mình, theo kiểu dội gáo nước lạnh vào gáy người ta. Chiều đó tan sở, Ngọc Hương không về. Cô ra ngoài ăn phở rồi vô đánh máy bản thảo cho tôi. Buổi tối hôm đó tôi ở lại cơ quan, sau khi tự nấu cơm ăn xong đang tính mở đài nghe thì có chuông điện thoại. Tôi cầm ống nghe lên thì ra là giọng Ngọc Hương
- Dạ thưa anh Ba. Em đã đánh đến trang thứ mười hai của bản thảo, chỗ này anh viết em đọc không được rõ. Cho phép em gặp anh hỏi lại được không?
Tôi vui vẻ: - Tốt thôi, mời đồng chí lên.
Bỏ máy xuống, tôi đứng phắt dậy soi người trong gương, chải lại đầu tóc, xếp lại cổ áo pi-gia-ma, coi mặt mũi có vết nhọ nào không vì ít ra cũng cần phải biết lịch sự với phụ nữ. Tự nhiên, tôi cảm thấy hồi hộp. Tôi tự mắng mình: đồ khỉ, làm như bồ bịch không bằng, nên nhớ rằng anh là tổng biên tập báo đấy nhé. Đừng có mà nghĩ đông nghĩ tây, kẻo lại mềm nhũn người ra như con chi chi, có cái xương sống lập trường lại oằn xuống thì có nước ăn cám. Tôi đã nghe tiếng guốc lên cầu thang. Rồi một tiếng gõ cửa thật êm. Tôi mở cửa. Ngọc Hương hiện ra. Tôi choáng váng tí nữa ngã quỵ. Toàn thân cô cháy rực trong một chiểc rốp mới thơm nức mùi nước hoa đất tiền. Tôi mời cô nhân viên không mấy dễ lãnh đạo bằng lý trí vào phòng. Cô nhìn tôi, khẽ mỉm cười:
- Xin lỗi, em đã làm mất sự yên tĩnh của anh Ba.
Tôi mời ngồi nhưng Ngọc Hương vẫn còn đứng giữa phòng một lúc. Hình như cô muốn tôi đủ thời gian ngắm cái giò dài thon rất đẹp của cô. Cặp giò này làm tôi lạnh toát cả người. Đời tôi có đảng và có chúa làm chứng, chưa bao giờ được nhìn thấy của lạ thế gian như vậy. Cô như một thiếu phụ của giới trưởng giả bước vào căn phòng của anh nhà văn nửa nhà quê nửa phố huyện, cả đời chỉ biết một người đàn bà là vợ mình, cũng quê kệch, cũng ấm ớ và ưa lý sự như mình. Chừng như đã đủ cho tôi chết ngợp, Ngọc Hương bèn ngồi xuống ghế sa-lông, gác chân chữ ngũ khiến tôi càng bị động. Ngọc Hương, người đàn bà biết làm chủ mọi tình huống bằng chính thân xác mình, giở bản thảo của tôi ra hỏi:
- Thưa, đoạn này em đọc không rõ chữ, nhờ anh chỉ giùm em.
Tôi gạt chuyện bản thảo bản thiếc đi:
- Thôi Hương, để uống nước đã. Cô giúp đỡ tôi tận tình như vậy mà tôi lại quá mất lịch sự đi.
Ngọc Hương gấp tập bản thảo lại:
- Có gì đâu ạ. Được phục vụ anh Ba là niềm vui của em.
Tôi lóng ngóng pha cacao sữa mời khách. Tôi quên béng mất chuyện cô ta là lính, còn mình là thủ trưởng. Ngọc Hương cầm ly cacao sữa uống. Cô ăn nói như hát. Mắt cô nhìn tôi không chớp khiến tôi đánh rơi cái muỗng xuống sàn. Tôi chưa kịp cúi xuống lấy thì Hương đã lấy giùm tôi. Tôi nhìn thấy rất rõ cái cổ của cô, cái vai của cô. Trời ơi, vai ra vai và cổ ra cổ nhé như không còn là vai với cổ nữa mà là một miền toàn ngọc với ngà. Tôi như kẻ đang đánh đu trên các sự vật. Lẽ nào Ngọc Hương đã thôi miên tôi? Thấy tôi nhìn, Ngọc Hương bèn cúi xuống, chân cô di di trên tấm thảm len trải nhà như một con mèo nghịch nang. Tôi nhìn bàn chân cô như nhìn thấy cái khoảng trống của đời mình. Qua khoảng trống ấy, tôi chợt phát hiện ra thế giới này với tôi vẫn chỉ là một khoảng tối không đáy, cần phải có người đàn bà nào đấy tỏa ra một thứ ánh sáng huyền nhiệm để tôi phát hiện ra mọi điều. Nhưng khi Ngọc Hương vừa phát hiện ra chất men của mình đã đủ ngắm vào lòng tôi, thì cô dừng lại. Cô cương quyết hỏi đoạn tôi viết trong bản thảo cho rõ rồi xin phép xuống nhà đánh máy tiếp. Tôi tiễn cô xuống cầu thang cuối cùng, nơi mách bảo với tôi rằng quan hệ của tôi và Hương bao giờ cũng chỉ là thủ trưởng với nhân viên, chứ nhất quyết không phải là mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà.
Về phòng, tôi mở cuốn sách ra đọc nhưng chẳng thấy chữ đâu, chỉ còn toàn màu đỏ của cái rốp, màu ngà voi của cặp đùi, màu hồng nến của ngón chân ngón tay. Tôi quyết định nằm xuống và ngủ. Nhưng tôi càng nhắm mắt, ma quỷ càng cám dỗ, càng nhìn thấy rõ bờ môi khoé mắt của Hương.
Tối hôm sau, Hương vẫn ở lại đánh máy tới khuya. Tôi xuống tầng dưới, ghé tai vào cửa sổ để nghe rõ tiếng lách cách của máy chữ. Tôi lên phòng, ngồi gần máy điện thoại xem Hương còn hỏi gì về bản thảo nữa không. Đến chín giờ tối, tôi leo lên sân thượng nhìn thấy bóng Hương ra khỏi cổng cơ quan, ngồi lên chiếc P.C. rồ máy. Tiếng cánh cổng sập lại và tiếng khóa bác gác cổng đang khóa làm tôi buồn quá. Đến tối thứ tư thì tôi không thể làm cao mãi được. Tôi phải hạ mình xuống mời Ngọc Hương nghỉ tay đánh máy lên lầu uống nước. Hương từ chối mãi mới chịu nhận lời. Cô bảo tôi lên trước, cô sẽ lên sau đó chừng mười phút. Tôi chờ cô sao thấy lâu vậy. Một lần nữa, Ngọc Hương lại làm cho tôi bổ ngửa. Cô mặc một bộ váy ngủ trắng tinh, mỏng tang, khêu gợi, ỏn ẻn cầm cuốn sổ nhỏ bước vô phòng. Tôi mở mấy lon bia ngoại chuần bị sẵn mời khách. Qua ánh đèn nê-ông, tôi thấy Ngọc Hương hôm hay son phấn kỹ hơn, còn đeo cả lông mi giả. Ôi, cả đời, tôi chỉ toàn sống với kiểm điểm, viết văn, kháng chiến, học nghị quyết... đã bao giờ ở gần một người đàn bà thành thị sành điệu và rực rỡ như thế này? Son phấn kia, lông mi giả kia, áo quần kia, thân thể kia như thể từ trời vừa rớt xuống, tôi có cảm tưởng chỉ cần đụng nhẹ tay vào là tan biến mất. Tôi mời Ngọc Hương uống bia. Cô không từ chối. Nhìn cô uống, tôi hưng phấn tới mức quên giữ gìn khoảng cách:
- Hôm nay, sao Ngọc Hương đẹp quá.
Cô bĩu môi:
- Em đâu có đẹp. Chẳng ai nhìn em cả đâu.
Trời ơi, tôi không còn là ông tổng biên tập đạo mạo nữa hả trời? Tôi đã thành một gã đàn ông tán gái. Sao tôi lại huyên thuyên với Hương đủ chuyện, giữ cô ở lại phòng này hết đêm nay ư? Mặc xác tòa soạn, mặc xác công việc em ạ, mai ta hãy lo. Bây giờ ta nói chuyện văn học đi, tôi bảo Hương như vậy. Ngọc Hương đưa cho tôi cuốn sổ bảo:
- Em làm thơ đấy. Nhờ anh coi giùm. Đừng cười nha.
Tôi cầm cuốn bản thảo đã chép sạch mở ra đọc. Tôi chẳng còn nhìn thấy chữ nghĩa gì ráo. Đầu tôi đang quay cuồng cùng với cái váy ngủ trang kia.
Hương bảo tôi:
- Đèn nê-ông chói mắt quá. Anh tắt giùm em, mở đèn tròn cho ấm.
Tôi làm theo như một nhân viên của cô, còn cô thì hóa ra một thứ tổng biên tập mới. Căn phòng vàng vọt lại. Tôi bảo cô để cuốn sổ thơ lại, tối mai tôi sẽ góp ý. Tự nhiên, Hương nhìn tôi như rút hết ruột gan rời đứng phat lên đòi về.
Nhưng cô vừa bước ra khỏi ghế thì tôi cầm tay cô giữ lại.
Cô dùng bàn tay kia vuốt nhẹ cánh tay tôi. Phải nói thật nghiêm túc là lúc đó, tôi mê đại như người say sóng. Ngọc Hương đột ngột dùng hai cánh tay níu lấy cổ tôi kêu say bia quá. Tôi đã bị quỷ ám, cứ theo thứ tự của bản năng mà làm. Tôi dìu Hương vào giường. Tôi xiết lấy đau cô hôn như mưa đá. Người đàn ông trong tôi kỳ lạ thay, đã thức dậy một cách hết sức mãnh liệt. Với Ruộng, sao tôi thành kẻ bất lực, còn với Ngọc Hương, tôi là một con người rất bình thường, rất khác, rất sung mãn...
Tôi tắt đèn. Chúng tôi nằm bên nhau tới sáng. Sau đó, suốt ba tối liền, tôi và cô văn thư vẫn tiếp tục với nhau cái trò yêu đương vụng trộm ấy. Hai chúng tôi cứ im lặng hành sự. Nhưng Hương không chịu ngủ lại phòng tôi như tối đầu nữa. Ban ngày, nhìn Hương, tôi cảm động đến độ đỏ mặt.
Nhưng cô ta vẫn lạnh tanh, làm như giữa chúng tôi chưa hề có chuyện chăn gối ấy. Đến ngày thứ năm, khi cuộc tình của tôi với Hương đang lên cao vút như lời một bài hát thì cô xin phép nghỉ ở nhà vì đau bệnh. Tôi nhớ Hương vô cùng. Tối hôm ấy, Hoàng Thi mời tôi sang phòng làm việc của anh ta uống cà phê. Sau khi uống cạn phin cà phê, hút gần hết điếu thuốc ba sổ, người phó tổng biên tập của tôi bảo tôi:
- Anh Ba Hưng ơi, tôi có cái này hay lắm, bên công an văn hóa vừa gởi cho tôi. Họ nói với tôi và anh nên giải quyết trên tinh thần nội bộ, đảm bảo danh dự cho nhau. Tôi tái mét mặt. Hoàng Thi lôi từ trong cặp ra một cái máy ghi âm bằng bàn tay đứa trẻ mười tuổi, chạy pin tiểu. Anh ta ấn nút băng ghi âm làm tôỉ hết hồn dựng tóc gáy, toát mồ hôi. Cuốn băng ghi lại toàn bộ cuộc nói chuyện, cuộc tán tỉnh yêu đương ân ái của tôi với Ngọc Hương hai tối cuối cùng. Tôi gục xuống bàn, xỉu đi đến mười lăm phút mới tỉnh dậy. Tôi hiểu liền. Trò gài bẫy quái ác này chắc chắn là do thằng Hoàng Thi đạo diễn, cốt để lật tôi chứ công an nào. Tôi đã bị hai đứa Hoàng Thi và Ngọc Hương đẩy vào hố tuyệt vọng, như đẩy tôi vào cỗ quan tài cuối đời. Hoàng Thi hỏi tôi:
- Anh bình tĩnh chưa?
- Rồi. Vậy anh nghe tôi nói đây. Hoặc cuốn băng ghi âm này sẽ vào tay vợ anh, vào tay tỉnh ủy và các cơ quan hữu trách. Hoặc là anh phải ký vào đơn xin từ chức tổng biên tập tở báo văn nghệ Sơn Giang. Giữa hai cái xin anh hãy chọn một. Đây, bản đánh máy đơn xin từ chức của anh đã có sản, nếu anh chịu, xin ký vào ba tờ. Tôi chẳng còn hờn vía gì nữa. Đởi tôi coi như đã chấm dứt. Tốt nhất là không nên gây gổ hay chửi bới gì Hoàng Thi và Ngọc Hương. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Tôi đọc bản đánh máy sẵn đơn xin từ chức tổng biên tập do Hoàng Thi đưa cho. Trong đơn ấy được viết rằng vì tôi sức khỏe kém, thứ hai không quen làm công tác quản lý, thứ ba là lớn tuổi rồi, cần có chết ít thời gian viết, xin để đồng chí Hoàng Thi lên thay làm tổng biên tập báo. Tôi lặng lẽ ký vào ba tờ đơn do Hoàng Thi thảo ra và chắc là Ngọc Hương đánh máy, như một con rối được điều khiển bằng chất siêu dẫn. Hoàng Thi cám ơn tôi rồi cười cười bảo:
- Xin anh giữ- một bản, tôi giữ một bản, một bản ta nộp tên tỉnh ủy và ban tổ chức. Đây, cuốn băng ghi âm đây, xin trả anh để giư làm kỷ niệm.
- Thôi, xin anh cầm giùm cho. Tôi lầy cái thứ chó má này làm gì.
Hoàng Thi vui vẻ: Thôi, để tôi giữ hộ cho vậy. Ngày mai anh phải đệ cái đơn từ chức này lên tỉnh ủy ngay. Hắn ra lệnh cho tôi. Từ nay, mãi mãi tôi sẽ bị nỗi sợ hãi điều khiển như cái roi điều khiển con ngựa.